Tuesday, November 10, 2015

Khi nào người Việt ngừng hại chính người Việt?

Những ngày này, mẹ tôi thường dặn tôi khi đi công tác ở nước ngoài về nếu tiện thì mua cho gia đình thuốc vitamin bổ sung hay các loại thuốc thực phẩm chức năng. Ở nhà, mẹ cũng năng đi tìm hiểu và mua các loại vitamin tốt để uống bồi bổ sức khỏe. Mẹ cứ hay tâm sự “bây giờ ăn uống cơm canh là phụ, ăn vừa đủ, bổ sung vitamin là chính, vì thức ăn thấy ở đâu cũng không đảm bảo, ăn gợn người lắm con ạ.” Mẹ tôi là bác sĩ, tánh hay lo, cứ luẩn quẩn chuyện thuốc thang ăn uống như thế từ mấy năm nay. Ấy thế mà mọi người trong nhà vẫn khỏe re, hiếm khi ốm đau nghiêm trọng.
Lo thế cũng phải, hàng ngày cứ lên các trang báo đọc tin là thấy nhan nhản những phóng sự về 1001 kiểu chế biến thực phẩm mất vệ sinh kinh hoàng tại khắp nơi trên đất nước hình chữ S. 1 cọng rau ngoài chợ cũng là sản phẩm của thuốc tăng trưởng, chỉ trong một đêm mọc lên cao gấp 3 lần nhờ phun thuốc. Theo Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, tỉ lệ mẫu giám sát vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm tại nước ta còn khá cao, 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, 16% mẫu thịt được phát hiện có Salmonella, là một loại vi khuẩn gây ngộ độc, 7.6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng. Số lượng rau thịt ngậm đầy hóa chất này sẽ được đem đi chế biến ở nhiều phân xưởng, nhà hàng, và tiếp tục được tẩm thêm đủ loại hóa chất không rõ nguồn gốc để bảo quản thực phẩm trong thời gian lâu hơn và khiến thức ăn ngon hơn.
Trong 10 năm trở lại, vấn đề về an toàn thực phẩm ngày càng trở nên nghiêm trọng, và việc “ra ngõ gặp đồ bẩn” đã trở thành một việc hết sức bình thường đối với đa số người Việt. Những bài báo phát hiện các xưởng chế biến đồ ăn bẩn như tôm khô, chà bông, bánh trung thu, mỡ lợn… nay luôn được đính kèm với các tin liên quan như “Các mẹo để phân biệt thịt mới và thịt ôi thiu được tẩm hóa chất”, “Làm thế nào để không mua phải trái cây ngâm thuốc”… Chính quyền rõ ràng đã bất lực trong việc kiểm soát tình trạng thức ăn bẩn độc hại đang tràn lan đến từng hàng quán trên các góc phố. Điều này khiến cho người dân đành phải tự tìm cho mình giải pháp để cứu lấy mình như phổ cập kiến thức phân loại thức ăn hay tự mình trồng cây trái, rau quả, hay như mẹ tôi, nhờ bà gửi cây nhà lá vườn từ dưới quê lên và chăm chỉ bổ sung các loại thuốc thải độc và vitamin.
Tôi cứ ngẫm, nếu chỉ là lợi nhuận của một vài đồng bạc cắc, rồi reo rắc độc hại cho đồng bào, thế thì người Việt ta “bạc” quá. Vừa bạc bẽo lại vừa thiển cận. Lại có người bảo những gia đình trồng rau tẩm thuốc hay chế biến thịt luôn có thứ rau, thứ thịt sạch để riêng cho gia đình. Vậy một nhà bán đi một miếng thịt ôi thiu đầy chất bảo quản thì liệu có đi mua lại của nhà khác một túi cam ngâm tẩm hóa chất? Bất nhân với người khác thì làm sao có thể mong người khác mang lại điều tốt đẹp cho mình? Tôi nhớ lại ngày còn đi du học, ngoài giờ học thì đi làm thêm ở quán đồ ăn nhỏ trong trường, ông chủ quán phải mất cả tháng đầu để “trainning” đào tạo nhân viên mới với những kỹ năng chế biến món ăn, quản lý số lượng và chất lượng thực phẩm. Có những điều tôi nhớ mãi, đó là dù nấu ăn ở trong bếp, khách hàng không thể thấy, nhưng tôi luôn cần phải giữ sạch sẽ. Tạp dề được coi như đồng phục quán, phải mặc luôn luôn, tay đeo găng, tóc tai cột thật gọn. Làm ra một cốc nước hoa quả hay một chiếc burger cũng cần phải sạch sẽ gọn gàng như một quy tắc. Tôi gọi đó là quy tắc “Sạch”. Đó không chỉ đơn giản là việc ăn sạch, uống sạch thông thường mà còn là sạch trong tâm, vừa sự gìn giữ uy tín của thương hiệu (dù nhỏ) và thái độ tôn trọng đối với sức khỏe, cảm giác của khách hàng.
Giá mà chúng ta, cũng nghĩ về nhau với một cái tâm sạch hơn, thì tỉ lệ ung thư tại Việt Nam trong những năm gần đây sẽ không tăng cao ngất ngưởng, thì trẻ sơ sinh sẽ không phải uống sữa chất lượng không đảm bảo, bánh mỳ chà bông mỗi buổi sáng sẽ giúp các em học sinh có một sức khỏe tốt hơn. Được như vậy thì tôi dám chắc sẽ không có câu nói quen thuộc “người Việt hại người Việt”, khiến chúng ta sợ hãi nhau và mất niềm tin ở nhau đến thế.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Cẩn trọng với hiệu ứng ‘độc quyền bán’ lẫn ‘độc quyền mua’

Thực phẩm giả bị nhà chức trách Trung Quốc phát hiện. Tất cả đều là thực phẩm độc hại: giá đỗ độc, dầu bẩn, thịt lợn nhiễm thuốc. (ảnh tư liệu ngày 24 tháng 5, 2011).
Thực phẩm giả bị nhà chức trách Trung Quốc phát hiện. Tất cả đều là thực phẩm độc hại: giá đỗ độc, dầu bẩn, thịt lợn nhiễm thuốc. (ảnh tư liệu ngày 24 tháng 5, 2011).
Trong cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 5-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên thúc đẩy thương mại hai nước tăng trưởng bền vững, từng bước giảm nhanh nhập siêu của Việt Nam. Giảm nhập siêu là một hướng đi đúng, đặc biệt nhập siêu từ Trung Quốc – một địa chỉ đáng lo ngại về hàng hóa kém chất lượng và lạc hậu. Giảm nhập siêu sẽ giúp Việt Nam tránh được hiệu ứng, đúng hơn là thoát khỏi hiệu ứng “độc quyền bán” của Trung Quốc. Tuy nhiên nhìn một cách toàn diện, quan hệ thương mại Việt-Trung dường như cũng đang mắc phải hiệu ứng “độc quyền mua” ở một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã cứu cán cân thương mại Việt Nam.
Tại sao phải lo nhập siêu từ Trung Quốc?
Ngày 29-9, Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế xã hội 8 tháng đầu năm. Theo đó, trong tổng số 109,9 tỉ USD nhập siêu cả nước, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu rất cao với 44,7 tỉ USD (tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu 11,9 tỉ USD (con số này cùng kỳ năm ngoái chỉ 3,7 tỉ USD). Riêng nhập siêu từ Trung Quốc 9 tháng là 24,3 tỉ USD, tăng mạnh 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số chuyên gia kinh tế cũng dự báo nhập siêu từ Trung Quốc từ nay đến cuối năm có thể tăng cao, chưa có dấu hiệu giảm. Không chỉ các chuyên gia, ngay cả những người dân bình thường cũng có thể hình dung tình thế phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc hiện nay của Việt Nam khi nhìn vào những con số nhập siêu tăng như diều gặp gió, bất chấp Việt-Trung xảy ra nhiều căng thẳng trong thời gian vừa qua do vấn đề tranh chấp biển Đông xuất phát từ những hành động của Bắc Kinh. Người ta có thể ví von rằng hiện tượng “độc quyền bán” đang hiện diện trong quan hệ Việt-Trung. Có nhiều lý do khiến việc nhập siêu từ Trung Quốc trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết.
Thứ nhất, chất lượng hàng hóa Trung Quốc vẫn luôn là câu hỏi lớn, thách thức lớn với Việt Nam, thậm chí ngay cả với các thị trường châu Âu, Mỹ. Giá cả rẻ, thậm chí là rất rẻ hàm ý cạnh tranh mạnh đặt ra các khoảng trống rủi ro về chất lượng hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Các công bố gần đây của Mỹ về hệ thống sản xuất “sao chép” của Bắc Kinh, ngay cả với các mặt hàng cao cấp như vũ khí, Bắc Kinh cũng bị tình nghi dính líu đến các vụ tấn công sở hữu trí tuệ của các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ. Điều này càng thuyết phục khi trong tốp 10 ngành nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc vào Việt Nam, các mặt hàng nhập chủ yếu liên quan về thiết bị, khoa học kỹ thuật nặng tính “chất xám”. Điển hình như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, điện thoại các loại kèm linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Nếu không cẩn thận, Bắc Kinh có thể chuyển hệ thống lạc hậu hơn sang Việt Nam.
Thứ hai, quan hệ Việt-Trung vốn ngày càng căng thẳng và vẫn chưa dịu đi bởi hàng loạt hành động bạo lực của Trung Quốc tại khu vực ngày càng có xu hướng tăng dần. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế là động lực để giải quyết các vấn đề về chính trị; tuy nhiên nếu quan hệ một chiều, ví dụ như Việt Nam phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu của Trung Quốc, sẽ dễ đưa Việt Nam vào thế chịu trận nếu có những va chạm, hay các cuộc chạm trán về mặt lợi ích trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Quan trọng không kém chính là khả năng tồn tại của các doanh nghiệp Việt Nam, vốn vẫn còn quá non yếu để đối phó với các chiêu trò của doanh nhân Trung Quốc, vốn có thế mạnh về vốn, nhân lực, giá hàng hóa rẻ hơn bao giờ hết. Nền kinh tế thị trường, trong bối cảnh hội nhập các hiệp định mậu dịch tự do với các quốc gia khác (như AEC, TPP...), nếu thiếu doanh nghiệp nội địa, tức nền kinh tế bằng không (0).
Phụ thuộc xuất khẩu cũng... thua
Mặc dù hiện nay Việt Nam chịu nhập siêu từ Trung Quốc, nhưng cơ cấu xuất nhập khẩu, hoạt động thương mại của Việt Nam - Trung Quốc dường như không đều ở nhiều ngành, nhiều mặt hàng khác nhau. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 12,5 tỷ USD. Theo Tổng cục Thống kê, với trị giá nêu trên, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, tính đến hết tháng 8/2015.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Việt Nam (VASEP), Trung Quốc hiện là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam, đứng thứ 4 và chiếm 8% tỷ trọng xuất khẩu trong năm 2014. Tỷ trọng xuất khẩu của tôm trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng từ 13% vào năm 2003 và lên tới 70% trong năm 2014.
Không những thế, thị trường gạo xuất khẩu sang Trung Quốc, tuy có giảm trong tháng 9/2015, nhưng cũng đang phụ thuộc vào “bạn hàng” Trung Quốc rất nhiều. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu 9 tháng đầu năm nay ước đạt 4,47 triệu tấn và 1,92 tỷ USD.
Các mặt hàng thủy hải sản, nông - lâm - ngư nghiệp phụ thuộc “người mua” Trung Quốc ngày càng rõ rệt, trong khi hệ thống thị trường thay thế của Việt Nam vẫn còn yếu kém; hàng xuất khẩu nông sản, thủy sản, lương thực - thực phẩm... của Việt Nam vẫn chưa đủ chuẩn để lên bàn ăn của người phương Tây. Điều này dẫn đến một hệ lụy, như hiệu ứng “độc quyền mua”, gạo Việt xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh do nước này đang kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu gạo theo hình thức qua biên giới, điển hình như tháng 9/2015 vừa qua. Nếu quan hệ Việt-Mỹ leo thang vì bất kỳ vấn đề gì, ví dụ như biển Đông, thì việc thâu tóm thị trường có bản chất tương tự “độc quyền mua” của Trung Quốc cũng sẽ làm Việt Nam thiệt hại lớn. Bài học từ cuộc “chiến tranh chuối” mà Trung Quốc áp đặt lên Philippines, khiến Manila chịu nhiều thiệt hại, là minh chứng rõ ràng và khá thuyết phục về hậu quả của thị trường phụ thuộc quá nhiều vào tham vọng của Bắc Kinh.
Quan hệ Việt-Trung đang đi vào giai đoạn đầy thử thách với nhiều nhạy cảm về tranh chấp lãnh thổ. Rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra ở nhiều cấp độ, hình thức khác nhau, không loại trừ khả năng “chạm trán” trên mặt trận kinh tế. Cẩn tắc vô áy náy, Việt Nam phải mở rộng sân chơi mậu dịch tự do với nhiều quốc gia khác, đặc biệt cần tận dụng cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), cùng các hiệp định tự do với EU và nhiều quan hệ song phương khác.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Mệnh Trời?

Chỉ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Chỉ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Hai ngày viếng thăm Việt Nam ở cấp độ quốc gia của Tập Cận Bình đã trôi qua, nhưng dư âm của nó thì phải còn khá lâu mới chìm xuống. Nhìn chung, đây là một sự kiện chính trị rất êm thấm nếu tính đến những “khác biệt” chưa được giải quyết thỏa đáng giữa hai quốc gia, nổi bật nhất là những tranh chấp lãnh hải ở biển Đông. Ngoài một vài cuộc biểu tình nhỏ nhanh chóng bị dập tắt một cách khá tàn bạo bởi lực lượng công an của nhà nước, những tiếng ồn ào còn lại đến từ 21 phát đại bác và những tràng pháo tay giòn giã của đại biểu quốc hội dành cho thượng khách quốc gia Tập Cận Bình và phu nhân.
Không ai đủ ngây thơ để tin rằng Tập Cận Bình đã bỏ thì giờ quí báu của mình đến thăm Việt Nam chỉ để… phát chẩn (gồm chút đỉnh tiền bạc và vài câu thơ Đường) và rao giảng về tình cảm chính quyền và nhân dân Trung Hoa dành cho Việt Nam. Đa số quan sát viên tin rằng Tập Cận Bình đến Việt Nam để gây áp lực với đảng và chính quyền cộng sản Việt Nam (CSVN) ở nhiều lãnh vực, trong đó quan trọng nhất có thể là thành phần nhân sự chóp bu của đảng CSVN trong nhiệm kỳ tới và cung cách ứng xử của Việt Nam về những xung đột quyền lợi ở biển Đông. Chúng ta không biết chắc những thỏa thuận ngầm nào đã được ký kết, nhưng dựa trên những sự việc xảy ra kể từ hội nghị Thành Đô (tháng 9 năm 1990), có rất ít lý do để cho rằng Tập Cận Bình đã ra về với hai bàn tay trắng. Bởi vì tập đoàn lãnh đạo CSVN không quen nói “không” với thiên triều. Theo sử gia Tạ Chí Đại Trường (TCĐT), một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng hòa (VNCH), sự “ngoan ngoãn” của các nhà lãnh đạo Việt Nam không chỉ đơn giản đến từ quan hệ đàn anh đàn em giữa hai đảng cầm quyền mà còn là sự kế thừa từ quan hệ lịch sử văn hóa giữa hai nước, vốn có nguồn gốc tự ngàn xưa.
*
Hồi cuối tháng 7 năm nay (2015), tôi có cơ hội trao đổi với sử gia Tạ Chí Đại Trường (TCĐT). Tôi gửi hai câu hỏi qua email để nhờ ông giải đáp. Nguyên văn hai câu hỏi như sau:
1.    Các yếu tố tạo nên tâm lý thần phục thiên triều của các vương triều Việt Nam trong lịch sử?
2.    Đảng cộng sản Việt nam có mang tâm lý thần phục Bắc Kinh hay không, và tại sao?
Mặc dù sức khỏe bắt đầu suy sụp từ nhiều tháng trước đó, sử gia TCĐT đã cố gắng hồi đáp khá nhanh, cũng qua phương tiện email. Trước hết, TCĐT cho rằng hai câu hỏi “níu kéo” nhau “vì cũng chỉ là chuyện quan hệ Việt-Trung mà thôi”. Ông xác nhận tâm lý thần phục Trung Hoa là hoàn toàn có thật, và tâm lý này mang nặng tính lịch sử và văn hóa. Về mặt địa lý, hai nước kề cận nhau thì chắc chắn sẽ xảy ra xung đột, và theo lẽ thường, “thằng nhỏ phải thua thằng lớn”. Đối với nước nhỏ, đánh nhau là chuyện bất đắc dĩ, ngay cả khi thắng trận, giành lại được ngôi vị thì vẫn phải xưng thần để cảm ơn nước lớn đã không… đánh tiếp và đã phong chức cho mình. Điều này xảy ra nhiều lần trong lịch sử vẻ vang dựng nước và giữ nước của dân đất Việt, “lâu ngày thành thói, có chuyện tranh giành trong nước, bị thua thì kéo nhau qua Tàu nhờ phân xử, như họ Trần cầu viện Minh đánh Hồ Quý Li, Trịnh Lê cầu Minh đánh Mạc, Lê Chiêu Thống v.v..”. Theo TCĐT, chính là vì vậy mà cái thế “nước nhỏ” càng lúc càng thấp thỏi, phải chịu đựng một thứ tâm thức Phiên thuộc, kéo dài thành một thứ ông gọi là “Hội chứng Phiên thuộc”.
Sử gia TCĐT cho biết thêm cái hội chứng phiên thuộc còn có gốc rễ sâu xa từ áp lực nặng nề của văn hóa Hán. Theo ông, “các nho sĩ làm quan được là nhờ chữ Hán, sống trong khung trời Hán học nên có lúc tưởng mình là người phương Bắc, không được thì cũng ráng nghĩ làm sao cho có dạng phương Bắc”. Ông dẫn chứng: “Quyển Toàn thư dịch ra tiếng Việt, ví dụ có chữ ‘nước ta’ thật ra trong bản văn gốc nó là ‘ngã Trung Quốc nhân’ (1). Sách triều Nguyễn không xưng là dân Việt mà xưng là ‘dân Hán’, còn người Tàu là ‘Đường nhân’”.
Liên kết tâm lý phiên thuộc này với giới lãnh đạo CSVN thuộc nhiều thời kỳ, TCĐT nhận xét: “Cái tâm lí [phiên thuộc], kiến thức đó âm ỉ trong phần lớn đám cộng sản ngoài Bắc khiến họ thấy thân thiện một cách tự nhiên khi nhờ cậy [Trung Quốc] từ những năm 1950. Cú xung đột 1979 vì Tàu chận âm mưu làm bá chủ Đông Dương của nhóm Lê Duẩn kiêu ngạo chiến thắng nhưng chiến tranh biên giới, Kampuchia làm các anh cũng ê mình, lớp người nối tiếp tất nhiên không có dũng khí của cha anh nên không những phải chịu Tàu lấn lướt mà tâm thức phiên thuộc trỗi dậy nên có lời phân trần chính thức của nhà chức trách Đảng ‘Từ xưa ta cũng phải xưng thần’”.
*
Cái hội chứng phiên thuộc này được hăng hái kế thừa bởi các lãnh tụ CSVN rất sớm. Có thể một phần của cái cảm giác “thân thuộc” họ dành cho đất nước Trung Hoa đến từ thực tế là hầu hết các lãnh tụ tiền phong của đảng CSVN đã sinh sống và hoạt động ở đây ngay từ những năm 1930. Hội nghị thống nhất các tổ chức CSVN do Nguyễn Ái Quốc triệu tập và Đại hội Đại biểu Toàn quốc đầu tiên đã diễn ra ở Hong Kong và Macao thuộc lãnh thổ Trung Quốc chứ không phải ở Việt Nam. Vào đầu những năm 1950, hội chứng Phiên thuộc dưới một dạng thức mới, một tôn ti mới, “đàn anh đàn em”, ngày càng rõ nét với sự “ngoan ngoãn” của tập đoàn lãnh đạo CSVN trong việc thực hiện chương trình Cải Cách Ruộng Đất theo chỉ thị của cố vấn Trung Quốc một cách sít sao. Vào năm 1958, công hàm mà nhiều người cho rằng mang tính bán nước của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng cho thấy tâm lý lệ thuộc tự nguyện của đám chóp bu CSVN đã lên đến cao độ. Điều này tiếp tục vào năm 1974, khi hải quân Trung Quốc sát hại 74 thủy thủ VNCH và chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Hà nội đã không hề mở miệng phản đối. Không những vậy, theo nhà báo Bùi Tín, cựu đại tá Quân đội Nhân dân, cựu phó tổng biên tập nhật báo Nhân Dân, “đồng chí” Lê Đức Thọ đã trấn an mọi người: “Hãy yên tâm, Hoàng Sa trong tay các đồng chí Trung Quốc còn hơn là trong tay ngụy quyền tay sai của đế quốc Mỹ”.
Làm thế nào mà một người dân Việt Nam bình thường có thể yên tâm giao trứng cho ác? Nhiều năm trước khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, một người lính VNCH khác, học giả Phạm Việt Châu, bút danh của cố Trung tá Phạm Đức Lợi, đã lên tiếng cảnh báo không chỉ Việt Nam mà toàn thể Đông Nam Á về mối họa Trung Quốc trong chuỗi bài viết “Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh” đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa (Sài gòn) trong những năm 1969 – 1974. Một cách sáng suốt, tác giả chỉ ra rằng “nhân dân Đông Nam Á không có vấn đề Trung Cộng riêng rẽ mà chỉ có vấn đề Tàu. Tàu thì lúc nào cũng chỉ là Tàu, và cái mưu đồ theo đuổi tận diệt bằng cách đồng hoá các dân tộc nhỏ yếu xung quanh (dưới hình thức này hay hình thức khác) từ xưa đến nay cũng vẫn thế”.
Xung đột biên giới Tây Nam với Campuchia vào nửa sau những năm 1970 dẫn đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc do Trung Quốc phát động vào năm 1979 với tuyên bố xấc xược của Đặng Tiểu Bình “dạy cho [đàn em] Việt Nam một bài học”. Đây thật ra là cơ hội rất tốt để CSVN gỡ cái tròng băng đảng anh em vô sản quốc tế ra khỏi đầu mình. Cũng chỉ được một số năm, cho đến khi hải quân Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Trường sa và sát hại 64 chiến sĩ Việt Nam vào năm 1988. Phản ứng của chính phủ Việt Nam đối với sự kiện quan trọng này, nhìn ở góc độ bao dung nhất, được cho là vô cùng yếu ớt. Không bao lâu sau đó, nhiều văn kiện quan trọng (vẫn còn nằm trong vòng bí mật sau một phần tư thế kỷ) được ký kết giữa lãnh đạo hai nước tại hội nghị Thành Đô vào tháng 9 năm 1990. Điều đáng lưu ý là vị trưởng lão cố vấn cho phái đoàn CSVN không ai khác hơn là cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng, người đã ký công hàm 1958 thừa nhận chủ quyền của TQ trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách mau mắn! Như vậy, sau một thập kỷ tương đối độc lập, giới chóp bu CSVN lại quay về thần phục thiên triều, không phải vì nhu cầu ích nước lợi dân mà chính vì sự sống còn của đảng CSVN ngay vào thời điểm hệ thống cộng sản ở Đông Âu đang trên đà sụp đổ. Đây chỉ là một trong số không ít lần đảng CSVN đặt quyền lợi của mình lên trên quyền lợi của tổ quốc và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Đúng như sử gia TCĐT nhận xét, “quyền lợi lớn quá nên không thể để mất đảng…”.
*
Từ sau hội nghị Thành Đô, có nhiều dấu hiệu cho thấy sự nhượng bộ, đôi khi tự nguyện, của chính quyền Việt Nam trong một số lãnh vực. Hiệp ước Biên giới (trên đất liền) năm 1999 vẫn tiếp tục là điều được dư luận nhắc nhở mỗi khi quan hệ Việt-Trung được mang ra thảo luận. Trong khi phe thân chính quyền khăng khăng cho rằng đây là một hiệp ước công bằng, bài học địa lý quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh Nam Bắc vốn luôn luôn có câu “Nước Việt Nam hình cong như chữ S, kéo dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu” đã không còn đúng với thực tế! Ngoài ra, Việt Nam thường tỏ ra dè dặt một cách thái quá khi phải đối đầu với Trung Quốc, tránh né đến mức tối đa việc buộc Trung Quốc phải nhận trách nhiệm trong việc thay đổi hệ sinh thái sông Mekong, ảnh hưởng vô cùng tiêu cực lên đời sống hàng chục triệu dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Gần đây, có những bằng chứng cho thấy Ủy ban Sông Mekong do chính quyền lập ra đã sản xuất một báo cáo mà kết quả đi ngược lại các công trình nghiên cứu quốc tế liên hệ về hậu quả nghiêm trọng do việc xây cất các con đập ở thượng nguồn sông Mekong (thuộc lãnh Thổ Trung Quốc).
Về hiểm họa này, từ hơn 15 năm trước, nhà văn, bác sĩ quân y (VNCH) Ngô Thế Vinh, đã lên tiếng báo động với các “tiểu thuyết dữ kiện” Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng (xuất bản lần đầu năm 2000) và Mekong, Dòng Sông Nghẽn Mạch (xuất bản lần đầu năm 2007) cùng nhiều bài biên khảo, tiểu luận liên quan đến hệ sinh thái sông Mekong mà ông cho ra đời khá thường xuyên. Gần đây nhất là các bài viết “Năm Nay 2015 Không Có Mùa Nước Nổi” và “Thoi Thóp Trái Tim Biển Hồ - Miền Tây Đau Thắt Ngực” để chỉ ra cái hiểm họa mà ông và các thân hữu trong Nhóm bạn Cửu Longlên tiếng báo động từ lâu nay đã trở thành một tai họa có thật đang giáng xuống đầu người dân vùng châu thổ sông Cửu Long (Việt Nam) và vùng biển Hồ Tonle Sap (Campuchia). Điều đáng chú ý là bài viết “Thoi Thóp Trái Tim Biển Hồ - Miền Tây Đau Thắt Ngực” chỉ ra sự ngoan cố của Hun Sen, đương kim thủ tướng Campuchia, người vẫn khăng khăng bào chữa cho Trung Quốc trong khi bằng chứng các con đập thượng nguồn ở Trung Quốc là thủ phạm gây ra tình trạng khô kiệt ở vùng Biển Hồ là điều không thể chối cãi. Xem ra về mặt cúc cung tận tụy với thiên triều, đảng CSVN nay đã có một đối thủ đáng gờm.
*
Không ít người cho rằng lần viếng thăm Việt Nam vừa qua của Tập Cận Bình là một cơ hội rất tốt cho chính quyền Việt Nam gửi đến người cầm đầu Trung Quốc một thông điệp rõ ràng về “dáng đứng Việt Nam” trong quan hệ đối ngoại, đặc biệt trong vấn đề tranh chấp lãnh hải ở biển Đông. Chỉ trong ít ngày trước cuộc thăm viếng, một số biến cố thuận lợi cho Việt Nam liên tiếp diễn ra. Ngày 27 tháng 10, 2015, khu trục hạm Lassen của Mỹ xâm nhập vùng “12 hải lý” của đảo nhân tạo Subi thuộc quần đảo Trường Sa nhằm phủ nhận “chủ quyền” mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố trước đó. Sau đó ít hôm là vụ Philipines kiện Trung Quốc về chủ quyền trên biển Đông được tòa án quốc tế đặt ở Hà Lan nhận thụ lý. Kế đến, bộ trưởng quốc phòng Nhật thăm Cam Ranh, đề nghị tập trận chung v.v… Tuy vậy, dựa trên cách ứng xử của nhà cầm quyền chung quanh lần viếng thăm của chủ tịch Tập Cận Bình, không có dấu hiệu nào cho thấy giới lãnh đạo CSVN đã tận dụng những biến chuyển thuận lợi này để mạnh dạn đương đầu với áp lực của vị khách đến từ phương Bắc. Theo thiển ý, hành động đàn áp những người biểu tình chống bành trướng Bắc Kinh không chỉ tô đậm thêm hình ảnh tiêu cực của chính quyền Việt Nam về mặt nhân quyền trong mắt giới quan sát quốc tế mà còn là điều vô cùng thất sách, gây bất lợi cho công cuộc tranh đấu giành lại chủ quyền biển đảo. Nếu buộc phải né tránh việc công khai thách đố Tập Cận Bình về chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì tâm lý Phiên thuộc hay vì một lý do nào khác, Việt Nam vẫn có thể lợi dụng các cuộc biểu tình này để gián tiếp bày tỏ vị trí của chính quyền và tâm tư của nhân dân Việt Nam đối với cuộc tranh chấp lãnh thổ đang xảy ra giữa hai quốc gia. Bằng cách dập tắt những cuộc biểu tình, chính quyền Việt Nam đã không chỉ vùi dập tiếng nói chính đáng của người dân mà còn tự làm suy yếu tư thế đàm phán của chính mình.
*
Người cộng sản, kiêu ngạo một cách vô căn cứ, luôn cho rằng họ xứng đáng hơn bất cứ ai hết để cai trị đất nước và nhân dân Việt Nam. Những tuyên bố theo kiểu “còn đảng còn mình” hay “mất đảng mất đảo” cho thấy đối với họ việc đảng này giành độc quyền lãnh đạo đất nước trong gần ba phần tư thế kỷ là chuyện… trời cho, là mệnh Trời.
Mệnh Trời hay mệnh con Trời?
Phùng Nguyễn
11.08.2015
Ghi chú:
  1. Về cụm từ “ngã Trung Quốc nhân”, sử gia TCĐT phụ chú là ông “không nhớ rõ [một cách] chính xác”.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Chủ nghĩa dân tộc: 'chơi dao có ngày đứt tay'

Th.S Nguyễn Tiến Trung 

Gửi cho BBC từ Sài Gòn -9 tháng 11 2015

Biểu tình phản đối Tập Cận Bình ở Việt NamImage copyrightbasam.wordpress.com
Image captionNgười biểu tình xuống đường phản đối chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam.
Hình ảnh nhà cầm quyền đàn áp đẫm máu những công dân Việt Nam đi biểu tình phản đối lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam tiếp tục lan truyền trên mạng xã hội, thể hiện sự bất bình, bức xúc sâu sắc của người dân Việt Nam với nhà cầm quyền của cả hai nước.
Càng chua chát hơn khi hình ảnh được nhắc đến nhiều nhất là kỹ sư Trần Văn Bang đi biểu tình với khuôn mặt đầy máu do bị an ninh đánh đập. Ông Bang là một cựu chiến binh đã từng tham gia vào cuộc chiến đấu chống lại quân xâm lược Trung Cộng năm 1979 tại biên giới phía Bắc.
Và cay đắng nữa là không đại biểu quốc hội nào có thể chất vấn ông Tập Cận Bình về những tuyên bố chủ quyền đối với biển Đông của Tập Cận Bình tại Liên Hiệp Quốc, để rồi khi vừa rời Việt Nam, ông Tập đã ngay lập tức tái khẳng định chủ quyền với biển Đông. Thậm chí họ Tập còn cho rằng một số đảo của Trung Quốc đang bị quốc gia khác xâm chiếm.
Từ vị trí của một nước bị xâm lược, thoắt một cái, Việt Nam trở thành một quốc gia hiếu chiến, xâm chiếm đất đai của Trung Quốc. Miệng lưỡi của một người bạn tốt, đồng chí tốt của đảng cộng sản Việt Nam là như thế.

Tại sao đàn áp?

Trong lịch sử nhân loại, có lẽ chưa từng có chính quyền nào đàn áp công khai người dân nước mình biểu tình phản đối kẻ xâm lược, dù biểu tình là quyền của người dân được chính các lãnh đạo đảng cộng sản công nhận trong Hiến pháp.
Vậy tại sao đảng cầm quyền lại có lựa chọn tuyên chiến với nhân dân như vậy?
Như mọi thể chế chuyên chính không do dân bầu ra, nhà cầm quyền luôn lo sợ bị nhân dân biểu tình lật đổ chế độ vì dân không thể bầu ra chính phủ khác qua lá phiếu.
Từ trước đến nay, đã có rất nhiều cuộc biểu tình của những người nông dân bị cướp đất, những cuộc đình công của giai cấp công nhân bị bóc lột với đồng lương rẻ mạt, những cuộc đấu tranh của giáo dân các tôn giáo bị bức hại, và có cả những cuộc phản kháng của giới văn nghệ sỹ, trí thức như trong các phong trào "Nhân văn, giai phẩm", Bô-xít Tây Nguyên, hay phản kháng của giới sinh viên, ví dụ như vụ việc xảy ra vào năm 1987 tại Sài Gòn.
Biểu tình phản đối ông Tập Cận BìnhImage copyrightanhbasam.wordpress.com
Image captionNhiều người biểu tình phản đối chuyến thăm của ông Tập yêu cầu Trung Quốc tuân thủ công ước luật biển của Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, các phong trào phản kháng còn lẻ tẻ, manh mún, rời rạc. Do đó, nhà cầm quyền dễ dàng dập tắt từng phong trào một.
Cả trong phong trào dân chủ, hiện có nhiều hội nhóm xã hội dân sự với quan điểm, đường lối khác nhau. Đó là điều tốt của một xã hội đa nguyên nhưng cũng do đó mà phong trào dân chủ chưa tạo được sự thống nhất đoàn kết đủ mạnh để buộc những người lãnh đạo đảng cộng sản chấp nhận cải cách dân chủ.
Do đó, chủ nghĩa dân tộc, chống ngoại xâm luôn là một cơ hội tuyệt vời để thống nhất hành động giữa các thành phần trong xã hội. Lý do đơn giản là ai cũng là người Việt Nam.
Ngoài ra, khi người dân đã quen với việc cùng nhau biểu tình để thể hiện ý chí. Họ sẽ lại cùng nhau biểu tình để đòi quyền làm chủ đất nước của mình, xóa bỏ bất công xã hội.
Đó chính là lý do tại sao nhà cầm quyền đàn áp quyết liệt cuộc biểu tình thể hiện lòng yêu nước chống ngoại xâm ngày 5/11 vừa qua.
Nhưng việc đàn áp đó sẽ chỉ càng nhiều người dân nhận rõ bản chất của chế độ và tham gia vào phong trào dân chủ. Nó cũng khiến cho chính nội bộ của đảng cộng sản càng chia rẽ sâu sắc, đẩy nhanh quá trình đi đến sụp đổ.

Con dao hai lưỡi

Chủ nghĩa dân tộc là một con dao hai lưỡi với nhà cầm quyền. Họ luôn lợi dụng lòng yêu nước để biện minh cho tính chính danh cầm quyền, ví dụ như nhờ có đảng cộng sản nên mới có độc lập.
Tuy nhiên, khi nhà cầm quyền tỏ ra bạc nhược trước kẻ thù xâm lược, lòng yêu nước của người dân sẽ nhấn chìm họ.
Bản thân Trung Cộng cũng đang lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan trước việc Mỹ đưa tàu vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Cộng xây dựng đơn phương và trái phép ở Trường Sa.
Nên nhớ, từ mấy chục năm về trước, Trung Cộng đã tuyên truyền nhồi sọ người dân Trung Quốc rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của họ. Đó là một âm mưu có tính toán lâu dài.
Nếu bây giờ Trung Cộng không phản ứng, dân Trung Quốc sẽ nghĩ nhà cầm quyền quá nhu nhược trước ngoại bang nên sẽ lật đổ chế độ. Trung Cộng sẽ lại chịu chung số phận như nhà Mãn Thanh.
Nếu chiều theo các thành phần diều hâu, theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, Trung Cộng phải tỏ thái độ hung hăng, sẵn sàng gây chiến với Mỹ để bảo vệ “lợi ích cốt lõi”.
Kinh tế toàn cầu sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng nặng nề. Bản thân Trung Quốc cũng sẽ chịu thiệt hại nặng do nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu.
Quan hệ  Việt - TrungImage copyrightAP
Image captionÔng Tập Cận Bình ngỏ lời mời Thủ tướng Việt Nam thăm Trung Quốc vào thời điểm thích hợp, trong chuyến thăm hai ngày tới Việt Nam tuần này.
Đó cũng là tiền đề đưa đến sự sụp đổ không lối thoát của chế độ.

Đồng chí, anh em?

Trong bài phát biểu của Tập Cận Bình trước Quốc hội Việt Nam, ông có nhắc đến chữ “hòa” trong truyền thống của người Trung Quốc.
Thế nhưng thực tế lịch sử Trung Quốc dường như cho thấy toàn là huynh đệ tương tàn, chém giết lẫn nhau.
Đó là lịch sử của các cuộc nội chiến ác liệt đến nỗi nhà văn Lỗ Tấn của chính Trung Quốc còn phải thốt lên rằng đó là lịch sử “ăn thịt người”, dù bề ngoài luôn đề cao đạo đức “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”.
Thế thì đừng mong gì Trung Cộng sẽ nhân đạo với người dân Việt Nam nói chung, với ngư dân Việt Nam trên biển nói riêng.
Cũng trong bài phát biểu, Tập Cận Bình cũng hô hào:
“Chúng ta …có lợi ích gắn chặt cùng nhau, là một khối chung có cùng chung sinh mạng”, ”kiên quyết không được để bất kì thế lực nào dao động, thay đổi bức tường bảo vệ chế độ của chúng ta”.
Phải chăng đó là lời đe dọa với những ai trong đảng cộng sản Việt Nam đang muốn “thoát Trung”, và ràng buộc giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam phải coi trọng sự tồn tại của chế độ (đồng ý thức hệ và thể chế chính trị với Trung Quốc) hơn sự tồn vong của đất nước?

Cùng một 'bài vở'

Cũng trong bài phát biểu đó, Tập Cận Bình cho rằng: "Giữa láng giềng với nhau cũng khó tránh khỏi va chạm…"
Câu nói này gợi nhớ đến câu nói nổi tiếng của tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tại một diễn đàn an ninh ở khu vực.
Tướng Thanh nói: "Trên thực tế, ngay ở trong quốc gia hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi.”
Rõ ràng là có một sự trùng hợp kỳ lạ như là cùng một “bài” để thanh minh cho chuyện xâm lược giữa “đồng chí”, “anh em”.
Image copyrightFacebook Tuyet Anh Jethwa
Image captionHình ảnh một người Việt Nam biểu tình phản đối chuyến thăm bị đổ máu đã được lan truyền khá nhanh trên mạng xã hội.
Dù vậy, một số báo chí trong nước đã quyết liệt phản đối phát ngôn đòi chủ quyền biển Đông của Tập Cận Bình tại Singapore, thể hiện rõ có bộ phận trong đảng cộng sản muốn “thoát Trung” và hiểu rõ dã tâm của Trung Cộng.
Trước tình thế đất nước bị xâm lược và có thể có chiến tranh bất cứ lúc nào với Trung Cộng, cộng với việc nhà cầm quyền lại đi đàn áp người yêu nước, người Việt yêu nước có tinh thần dân tộc, có tư duy dân chủ cần tìm một điểm chung để đứng lại với nhau.
Điểm chung đó còn gì hay và bền vững hơn là một bản hiến pháp dân chủ của toàn dân, đảm bảo nhân dân làm chủ, pháp luật chuẩn mực, công bằng.

Lối thoát cho dân tộc?

Chủ nghĩa dân tộc nhìn tất cả người dân Việt Nam là một.
Các đảng viên cộng sản yêu nước, chân chính đều có thể tham gia vào việc thực hiện mục tiêu chung ở trên, không ai bị bỏ lại sau, tất nhiên trừ những ai là Việt gian.
Trung Quốc có xung đột lãnh thổ với hầu như mọi quốc gia láng giềng, như Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam...
Ngược lại, siêu cường như Hoa Kỳ lại không hề có tham vọng xâm chiếm láng giềng nào của họ, chẳng hạn như với Mexico và Canada.
Hoa Kỳ và Việt Nam lại có chung lợi ích trong việc đối phó với một Trung Quốc đầy tham vọng đang “quật khởi” và muốn làm "bá chủ" ở khu vực và vươn ra thế giới. Thiết tưởng việc Việt Nam nên chọn bạn nào để chơi đã rõ.
Ngày chủ nhật 8/11, Miến Điện đã tổ chức bầu cử tự do, minh bạch với sự tham gia của 92 chính đảng. Một điều không ai có thể hình dung được cách đây vài năm với chế độ quân phiệt sẵn sàng đàn áp đối lập.
Từ khi bắt đầu dân chủ hóa, kinh tế Miến Điện đã và đang cất cánh. Miến Điện cũng “thoát Trung” với việc từ chối đập thủy điện và dự án đường sắt trị giá tỷ đô của Trung Cộng.
Các tướng lãnh quân đội Miến Điện đã chọn con đường đúng cho dân tộc. Thế các lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam thì sao?
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà vận động cho dân chủ hóa và nhân quyền tại Việt Nam, cựu tù nhân chính trị đang sống tại Sài Gòn.

Thấy gì từ thắng lợi của phong trào Dân chủ tại Miến Điện?

 Hoà Ái, phóng viên RFA 2015-11-10  
Những người đảng lãnh đạo đối lập NLD của bà Aung San Suu Kyi theo dõi kết quả bầu cử trên một màn hình khổng lồ bên ngoài trụ sở đảng ở Yangon vào ngày 09 Tháng Mười Một năm 2015. Bà Aung San Suu Kyi đã thắng 15 trong số 16 ghế trong các kết quả đầu tiên
Những người đảng lãnh đạo đối lập NLD của bà Aung San Suu Kyi theo dõi kết quả bầu cử trên một màn hình khổng lồ bên ngoài trụ sở đảng ở Yangon vào ngày 09 Tháng Mười Một năm 2015. Bà Aung San Suu Kyi đã thắng 15 trong số 16 ghế trong các kết quả đầu tiên trong cuộc bầu cử lịch sử của Myanmar  AFP
Cuộc bầu cử dân chủ lần đầu tiên được tổ chức ở Miến Điến vào hôm mùng 8/11 không chỉ mang tính chất lịch sử đối với quốc gia dưới quyền lãnh đạo của chế độ quân phiệt trong nhiều năm mà còn được thế giới nhắc đến như một bước ngoặc ngoạn mục trong sự chuyển đổi sang chế độ dân chủ với kết quả bầu cử Đảng đương quyền thừa nhận thất bại. Hòa Ái có cuộc trao đổi ngắn với bà Nyein Shwe, Giám đốc Ban Miến Điện của đài ACTD để biết thêm thông tin liên quan đến cuộc bầu cử này. Mời quý vị theo dõi.
Hòa Ái: Xin chào bà Nyein Shwe, trước hết bà vui lòng chia sẻ cảm nhận của người dân Miến Điện trước kết quả lần đầu tiên tổng tuyển cử đa đảng diễn ra hôm mùng 8/11 vừa rồi?
Bà Nyein Shwe: Trước hết là qua các thông tin chúng tôi thu thập được cho thấy người dân rất phấn khởi bởi vì họ đã được thể hiện nguyện vọng của mình qua cuộc bầu cử này và kết quả đạt được như mong đợi của họ và cũng vì họ đã sẵn sàng để thay đổi quốc gia. Đó cũng là khẩu hiệu của Đảng đối lập Liên đoàn Toàn quốc đấu tranh (NLD).
Hòa Ái: Những người trẻ, đặc biệt là các sinh viên từng lên tiếng cũng như đấu tranh cho dân chủ bày tỏ như thế nào trước kết quả Đảng Liên đoàn Toàn quốc đấu tranh (NLD) giành thắng lợi?
Bà Nyein Shwe: Khi tôi nhìn thấy người dân Miến Điện bao gồm cả những người trẻ và sinh viên, nếu như chúng ta xem qua các video được gửi về đài thì sẽ thấy thanh niên Miến Điện bày tỏ sự vui mừng trước trụ sở chính của NLD. Họ nhảy múa, hát ca, biểu lộ niềm hạnh phúc tràn đầy của họ.
Hòa Ái: Thật là phấn khích, phải không dạ? Chúng ta bàn luận về Đảng đương quyền-Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP), các chuyên gia phân tích chính trị cũng như các nhà quan sát có dự báo nào về kết quả bầu cử đối với Đảng này hay không? Và họ có nhận định gì khi Đảng đương quyền thừa nhận đã thất bại?
Bà Nyein Shwe: À, cô đặt ra 2 câu hỏi. Để tôi trả lời câu thứ nhất nhé! Tôi không rõ họ có tiên đoán gì đối với kết quả bầu cử dành cho USDP hay không nhưng theo những gì tôi nghe được từ các chuyên gia phân tích chính trị cùng những quan sát viên, họ nhấn mạnh rằng nếu như cuộc bầu cử thực sự được tiến hành một cách tự do và công bằng thì NLD sẽ có cơ hội giành chiến thắng. Và dĩ nhiên khi ông Htay Oo, quyền chủ tịch Đảng cầm quyền USDP nói đã thua trước Đảng NLD trong cuộc bầu cử thì những nhà phân tích cho rằng đây là lời nói thành thật và thiết thực của ông ta. Thay vì từ chối vì cho rằng có gian lận nhưng ông Htay Oo đã thừa nhận chính ông và các đại diện khác trong USDP đã thua và hoàn toàn thất bại.
Bà Aung San Suu Kyi phát biểu từ trụ sở của Liên đoàn Quốc gia Dân chủ (NLD) tại Yangon vào ngày 09 Tháng 11 năm 2015
Bà Aung San Suu Kyi phát biểu từ trụ sở của Liên đoàn Quốc gia Dân chủ (NLD) tại Yangon vào ngày 09 Tháng 11 năm 2015
Hòa Ái: Đó là dấu hiệu tốt, phải không thưa bà?
Bà Nyein Shwe: Đúng vậy!
Hòa Ái: Thưa bà Nyein Shwe, theo bà thì yếu tố quan trọng nào góp phần làm nên sự thành công như mong đợi của người dân Miến Điện qua cuộc bầu cử mang tính chất lịch sử này?
Bà Nyein Shwe: Yếu tố làm nên thành công như mong đợi của người dân Miến Điện là chính người dân đã làm tròn bổn phận công dân với quốc gia. Họ đã nhiệt tình tham gia bầu cử. Có khoảng hơn 80% dân số đi bầu và họ rất nhiệt tình làm công việc này vì các đảng phái chính trị đã hướng dẫn họ trong các chiến dịch vận động bầu cử trước đó rằng mỗi lá phiếu của họ đóng vai trò quan trọng cho vận mệnh quốc gia Myanmar, đồng thời kêu gọi họ tham gia bầu cử. Tôi nghĩ đó là yếu tố chính mang đến sự thành công trong cuộc bầu cử này. Và dĩ nhiên, chính người dân mong muốn có một sự thay đổi tốt hơn hiện tại.
Hòa Ái: Và câu hỏi sau cùng, bà nghĩ rằng bà Aung San Suu Kyi sẽ đóng vai trò gì sau cuộc bầu cử? Và quá trình chuyển giao quyền lãnh đạo giữa 2 Đảng sẽ diễn ra một cách êm thắm hay không, thưa bà?
Bà Nyein Shwe: Về vai trò của bà Aung San Suu Kyi, tôi nghĩ bà ấy đã tuyên bố  trong một phát biểu là nếu như đảng NLD thắng và nắm giữ vai trò lãnh đạo đất nước Miến Điện thì bà sẽ là người đưa ra những quyết định quan trọng mặc dù bà không phải là tổng thống. Vì theo Hiến pháp Myanmar quy định, bà Aung San Suu Kyi không được tranh cử tổng thống nhưng bà đã phát họa được chân dung nhân vật trong NLD sẽ nắm giữ quyền hạn lãnh đạo quốc gia. Một khi thành viên đảng NLD nắm quyền tổng thống thì họ sẽ thực hiện theo những quyết định do bà ấy đưa ra. Và câu hỏi liệu rằng quá trình chuyển giao quyền lãnh đạo sẽ êm thắm hay không thì theo như hiện nay tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì, mọi chuyện sẽ dàn xếp ổn thỏa thôi. Nhưng hãy nhớ rằng bối cảnh Myanmar nếu không giống như hiện tại vì tình huống có thể thay đổi bất cứ lúc nào thì không ai tiên liệu được gì hết đâu.
Hòa Ái: Qua cuộc phỏng vấn này, chúng tôi cũng cầu mong cho nguyện vọng của người dân Miến Điện thay đổi đất nước của họ trở nên dân chủ và văn minh sớm thành hiện thực. Chân thành cảm ơn bà Nyein Shwe dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

Cần cẩu công trình nhà 19 tầng gãy đè sập tường bệnh viện

(NLĐO) – Một chiếc cần cẩu trong công trình xây dựng tòa nhà cao 19 tầng nằm trên đường Trường Chinh (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM) bất ngờ gãy khi thi công rồi đổ xuống, đè sập một đoạn tường của bệnh viện kế bên.
Sự cố xảy ra vào chiều tối ngày 10-11. Khi đó, chiếc cần cẩu đang nâng một khối thép lớn lên tầng 12 của tòa nhà đang thi công thì đột ngột gãy đôi rồi rơi xuống, đè vào tường của bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, gây nứt tường và sập một phần trên tầng 10 của bệnh viện này.
Hiện trường sự cố
Hiện trường xảy ra sự việc
Theo một số nhân chứng, thời điểm sự cố xảy ra chỉ có bộ phận điều khiển cần cẩu làm việc, các công nhân khác đang đi ăn tối. Riêng khu vực nằm trong bệnh viện bị cần cẩu đè trúng cũng không có người nên không có thương vong.

Một đoạn tường của bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn bị sập do sự cố gây ra
 Một đoạn tường của bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn bị sập do cần cẩu gây ra gây ra
Các đơn vị chức năng phường Tân Thới Nhất và quận 12 sau đó phong tỏa hiện trường để xác minh nguyên nhân và thẩm định thiệt hại. Đến gần 20 giờ cùng ngày, công tác khám nghiệm vẫn đang được các lực lượng tiến hành.

Tối cùng ngày, các đơn vị chức năng vẫn có mặt tại hiện trường xử lý vụ việc
Tối cùng ngày, các đơn vị chức năng vẫn có mặt tại hiện trường xử lý vụ việc
Dự án xây dựng tòa nhà trên do đơn vị Hưng Thịnh thực hiện với quy mô 19 tầng. Ông Nguyễn Nam Hiền, người phát ngôn của đơn vị này cho biết thiệt hại do sự cố gây ra sẽ dựa vào kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng để có phương án bồi thường.
11/11/2015 07:38
Tin-ảnh: G.Minh

Cháy 11 ki-ốt trên Bến Bình Đông, 1 người mất tích

10/11/2015 16:49

(NLĐO) – Một vụ hỏa hoạn kinh hoàng đã thiêu rụi ít nhất 10 ki-ốt liền kề nhau trên đường Bến Bình Đông (quận 8, TP HCM) chiều 10-11. Một phụ nữ bị mất tích trong đám cháy.

Đến 15 giờ 40 ngày 10-11, nhiều đơn vị chức năng vẫn đang khẩn trương triển khai công tác chữa cháy. Nhiều tài sản trong dãy ki-ốt bị thiêu rụi hoàn toàn.
Theo thông tin ban đầu, nạn nhân mất tích trong vụ cháy là chị Nguyễn Thị Huỳnh Loan (27 tuổi), hiện đã tử vong và vẫn chưa được đưa ra ngoài. Các đơn vị chức năng phải khoét tường ở hẻm 289 Bình Đông (phường 14, quận 8) để dập lửa từ bên trong và khám nghiệm hiện trường.
Đến 17 giờ 30, xe cứu thương được huy động, chờ đưa thi thể nạn nhân khỏi hiện trường. Toàn bộ xung quanh khu vực cháy bị lực lượng chức năng phong tỏa để khám nghiệm, điều tra nguyên nhân.
Tại hiện trường, 5/11 ki-ốt bị thiêu rụi hoàn toàn. Qua kết quả khám nghiệm ban đầu, đám cháy bùng phát từ ki-ốt số 4 rồi sau đó lan rộng sang khu vực kế bên. Việc chữa cháy kéo dài khoảng 1 giờ do ngọn lửa liên tục bùng phát tở lại.
Theo một Cảnh sát PCCC có mặt tại hiện trường, các đơn vị đã huy động 16 xe cứu hỏa, 3 cano chuyên dụng, 2 máy bơm nước công suất lớn cùng hơn 100 cán bộ, chiến sĩ có mặt chữa cháy.
Một số nhân chứng cho biết, nạn nhân Loan có tâm lý không ổn định. Thời điểm vụ hỏa hoạn xảy ra, chị Loan ở một mình trong ki-ốt và không thể tự thoát thân.
Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc:
Một số hình ảnh tại hiện trường:
 
 
Xe cứu thương được huy động tới hiện trường chờ đưa người bị nạn ra ngoài
Xe cứu thương được huy động tới hiện trường chờ đưa người bị nạn ra ngoài

Hiện trường đang được lực lượng chức năng phong tỏa nghiêm ngặt để phục vụ công tác khám nghiệm
 Hiện trường đang được lực lượng chức năng phong tỏa nghiêm ngặt để phục vụ công tác khám nghiệm

Nhiều tài sản bị cháy rụi
Nhiều tài sản bị cháy rụi

Nhiều đồ đạc được chuyển ra ngoài

Nhiều đồ đạc được chuyển ra ngoài



Đến gần 16 giờ, lực lượng PCCC vẫn tích cực dập lửa
Đến gần 16 giờ, lực lượng PCCC vẫn tích cực dập lửa
Tin-ảnh: G.Minh