Thursday, September 26, 2019

Đà Nẵng cảnh báo vi khuẩn ‘ăn thịt người’ đang vào mùa truyền bệnh


Một bệnh nhân bị vi khuẩn “ăn thịt người” phá nát cánh mũi, phải điều trị suốt ba tuần. (Hình:Pháp Luật và Xã Hội)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Bệnh Viện Đà Nẵng chính thức cảnh báo vi khuẩn bệnh Whitmore “ăn thịt người” đang vào mùa và đã có nhiều người ở thành phố này mắc bệnh.
Ngày 25 Tháng Chín, 2019, nói với báo Thanh Niên, Bác Sĩ Phạm Ngọc Hàm, trưởng Khoa Y Học Nhiệt Đới Bệnh Viện Đà Nẵng đã chính thức cảnh báo về vi khuẩn bệnh Whitmore “ăn thịt người” đang khiến nhiều người hoang mang.
Theo Bác Sĩ Hàm, Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh thành miền Trung nói chung đang vào thời tiết giao mùa, với nguy cơ bùng phát của rất nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có Whitmore (Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei sống trong môi trường tự nhiên gây ra.
Tại Bệnh Viện Đà Nẵng, năm 2017 tiếp nhận 12 ca bệnh Whitmore, sang năm 2018 tăng lên 13 ca và từ đầu năm 2019 đến nay đã có sáu ca nhiễm bệnh.
Theo đó, ở miền Trung, bệnh thường gặp vào mùa mưa, tập trung từ Tháng Bảy đến Tháng Mười Một hằng năm. Thời gian ủ bệnh thường từ một đến 21 ngày, trung bình là chín ngày. Mức độ nghiêm trọng của bệnh dựa vào tình trạng nhiễm trùng. Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh thận mạn tính và ung thư có nguy cơ chết cao hơn khi nhiễm vi khuẩn này.
“Bệnh cảnh lâm sàng của bệnh Whitmore ‘đa dạng phức tạp’sốt các kiểu như: sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng. Bệnh nhân có nguy cơ bị chẩn đoán nhầm với bệnh khác như: bệnh viêm phổi, bệnh lao phổi, áp xe cơ, bệnh nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…,” Bác Sĩ Hàm cho biết.
Đối với bệnh Whitmore, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Do vậy, cách để phòng tránh là người dân cần hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh bao gồm đất hoặc nước bùn lầy, đặc biệt là những nơi có ô nhiễm nặng. Nên trang bị đầy đủ giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm bẩn.
Bác Sĩ Hàm cũng đặc biệt lưu ý người dân khi có vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm và chứa vi khuẩn.
“Mặc dù ít gặp và không lây lan trực tiếp từ người sang người, nhưng việc phòng tránh bệnh Whitmore vẫn cần được thực hiện để hạn chế khả năng mắc phải, nhất là với những người có nguy cơ cao. Nếu nghi ngờ mắc phải có các triệu chứng của bệnh Whitmore, cần đến ngay bệnh viện, cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện vi khuẩn gây bệnh và điều trị kịp thời,” Bác Sĩ Hàm cảnh báo.
Tin cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Việt Nam đã phát hiện hàng chục trường hợp mắc bệnh này. Hầu hết các bệnh nhân ở các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ. Riêng Tháng Tám, 2019, có đến 14 bệnh nhân Whitmore nặng, trong đó có bốn ca đã chết do vi khuẩn “ăn” nhiều bộ phận trên cơ thể của bệnh nhân.(Tr.N)

Không khí ở Sài Gòn, Hà Nội ‘mịt mù’ vì ô nhiễm nặng

Ô nhiễm không khí gây hại cho sức khỏe người dân. (Hình: Tiền Phong)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Sài Gòn và Hà Nội xuất hiện lớp mù khô đặc quánh khiến tầm nhìn hạn chế, các tòa nhà như bị biến mất sau lớp màu trắng đục “không phải do ảnh hưởng cháy rừng từ Indonesia” mà do ô nhiễm không khí đang ở mức nặng.
Theo đó, từ ngày 18 đến 23 Tháng Chín, hầu hết các quận huyện ở Sài Gòn xuất hiện lớp mù đặc quánh từ sáng đến chiều tối. Không thể nhìn thấy các tòa nhà cao nhất thành phố như Land Mark 81 (quận Bình Thạnh) hay Bitexco (quận 1) nếu đứng cách xa 300 mét. Các tài xế lái xe xe tải, xe đò…cảm nhận rõ nhất vì tầm nhìn bị hạn chế.
Báo VNExpress ngày 26 Tháng Chín, 2019, dẫn dữ liệu từ Trung Tâm Quan Trắc Tài Nguyên Môi Trường thuộc Sở Tài Nguyên và Môi Trường Sài Gòn, đo tại 30 vị trí trong Tháng Chín, 2019, cho thấy các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO… tăng đột biến trong các ngày từ 18 đến 20 Tháng Chín. Đặc biệt, ngày 20 Tháng Chín, bụi lơ lửng tăng gấp 2.2 lần, NO2 và CO tăng 1.4 lần.
Ông Cao Tung Sơn, giám đốc Trung Tâm Quan Trắc Tài Nguyên Môi Trường, cho biết kết quả này được công bố sau tám ngày bầu trời Sài Gòn liên tục bị mù bao phủ, ghi nhận sự gia tăng bụi mịn PM10, PM 2.5 tăng từ 1.9 lên 2.2 lần. Loại bụi mịn này được khuyến cáo “gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người.”
Nguyên nhân của hiện tượng mù là do hoạt động của dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống khiến thời tiết Sài Gòn luôn ở tình trạng nhiều mây, không có nắng, nền nhiệt thấp, có mưa gián đoạn trên diện rộng, độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết khiến hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù.
Lớp mù đặc quánh bao trùm Sài Gòn khiến các tòa nhà, khu dân cư như thấy sương mù. (Hình: Thanh Niên)
Ngoài ra, do trời không nắng, không đủ bức xạ làm nóng mặt đất tạo ra lớp nghịch nhiệt khiến không khí ô nhiễm không thể phát tán lên cao (nằm sát mặt đất). Việc này làm lớp mù ngày càng dày đặc, lâu tan.
Dựa vào các dữ liệu dự báo trong nước và quốc tế, Trung Tâm Quan Trắc Tài Nguyên Môi Trường bác bỏ quan điểm cho rằng “ô nhiễm không khí tại Sài Gòn do ảnh hưởng của cháy rừng ở khu vực đảo Sumatra và Kalimanta của Indonesia” như một số thông tin trên Internet. Tình trạng mù gây ô nhiễm không khí những ngày qua cũng thường xảy ra định kỳ hàng năm vào khoảng Tháng Chín và Tháng Mười tại Sài Gòn được gọi là “mù khô quang hóa.”
Nói với báo Thanh Niên, ông Sơn nhận định tình trạng này có thể được phát hiện sớm. Tuy nhiên, Sài Gòn hiện chỉ có thể quan trắc thủ công gián đoạn, chưa được chia sẻ dữ liệu và các báo cáo về tình hình diễn ra nghịch nhiệt từ các cơ quan khí tượng, nên việc đánh giá chất lượng và khuyến cáo cho người dân còn hạn chế.
“Từ khi lấy mẫu về đến khi ra được kết quả, trung tâm mất ít nhất ba ngày,” ông Sơn cho biết.
Trong khi đó, tờ Tiền Phong cho biết vào lúc 8 giờ 50 phút sáng ngày 26 Tháng Chín, website giám sát ứng dụng quan trắc không khí AirVisual xếp “Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới,” trong khi “Sài Gòn xếp thứ ba về mức độ ô nhiễm.” Hệ thống quan trắc của Việt Nam cũng ghi nhận ô nhiễm nghiêm trọng tại hai miền Nam-Bắc.
Cụ thể, tờ Tuổi Trẻ cho biết: “thành phố đang trong tình trạng như sương mù bao phủ, trời lặng gió, không khí ngột ngạt.” Hệ thống quan trắc ở nhiều điểm của Hà Nội đều cho kết quả ngưỡng chất lượng không khí ở mức kém, ô nhiễm nghiêm trọng ở các khu vực Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm).
Chỉ số bụi mịn PM2.5 đo được tại Sài Gòn ở mức 102.7 µg/m³, cao hơn gấp 4 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gần 11 lần trung bình năm của Tổ Chức Y Tế Thế giới (WHO), các ngày sau có giảm nhưng vẫn ở mức có hại.
Theo bảng xếp hạng AQI của Việt Nam, chỉ số AQI lên ngưỡng trên 200, chất lượng không khí thuộc ngưỡng xấu, rất có hại cho sức khỏe. Nhóm người nhạy cảm như bệnh nhân hô hấp, tim mạch nên tránh ra ngoài, những người khác nên hạn chế thời gian ở ngoài. Trong khi đó theo cảnh báo của Hoa Kỳ, nếu chỉ số AQI lên trên 200 sẽ được xếp vào ngưỡng “cực kỳ không tốt cho sức khỏe mọi người.”
Tin cho biết, ô nhiễm tại Việt Nam chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 (hạt bụi có đường kính 2.5 micromet hoặc nhỏ hơn), loại bụi được coi là “sát thủ trong không khí.” Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí.
Bụi PM 2.5 có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch. Cơ quan bảo vệ môi sinh Mỹ nhận định, bụi PM 2.5 chứa nhiều hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gene. Trong khi đó, các khẩu trang thông thường không thể ngăn loại bụi này. (Tr.N)

Phiên tòa ‘thuốc giả chữa ung thư,’ báo nhà nước ‘né’ tên em chồng bà Kim Tiến

Các bị cáo tại phiên tòa hôm 26 Tháng Chín. (Hình: Tiền Phong)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 26 Tháng Chín, các báo nhà nước cùng tường thuật cặn kẽ diễn biến tại phiên tòa vụ Công Ty VN Pharma nhưng tuyệt nhiên né tránh nhắc tên ông Hoàng Quốc Dũng, em chồng của bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng Y Tế CSVN, cũng như vai trò của ông này trong vụ buôn thuốc giả chữa bệnh ung thư.
Hồi Tháng Tám, 2017, khi vụ VN Pharma đang ồn ào, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Minh Hùng, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm tổng giám đốc VN Pharma xác nhận rằng ông Hoàng Quốc Dũng, em chồng của Bộ Trưởng Kim Tiến “làm phó tổng giám đốc phụ trách về xây dựng đầu tư cho Công Ty VN Pharma.”
Thời điểm đó, bà Kim Tiến bị công luận chỉ trích là gian dối khi phát ngôn rằng “trong gia đình tôi không có ai tham gia VN Pharma.”
Công luận có căn cứ để tin rằng việc truyền thông không nhắc tên ông Quốc Dũng cũng như việc có “tài liệu mật” trong vụ này cho thấy còn nhiều yếu tố chưa được minh bạch trong phiên tòa.
Đáng lưu ý, báo Tiền Phong tường thuật: “Tòa Án Nhân Dân ở Sài Gòn cho công bố ba tài liệu ‘mật’ đã được giải mật và cả ba văn bản này đều là của Bộ Y Tế [CSVN]. Ba tài liệu này là công văn về cung cấp thông tin tài liệu phục vụ điều tra và về việc giám định lô thuốc H-Capita, kèm theo kết luận của Hội Đồng Chuyên Môn.”
Phiên xử hôm 26 Tháng Chín. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
Đến nay, công luận chỉ có thể tìm thấy sự liên quan giữa ông Hoàng Quốc Dũng và VN Pharma trong các bài báo đăng từ hai năm trước, khi vụ lùm xùm thuốc giả chữa ung thư nổ ra.
Hôm 26 Tháng Chín, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng nêu cáo buộc nhắm vào bà Kim Tiến trên trang cá nhân: “Có ít nhất hai người nhà của Nguyễn Thị Kim Tiến đã tham gia VN Pharma là ông Hoàng Quốc Dũng, em chồng bà Tiến, là phó tổng giám đốc phụ trách mảng đối ngoại và quan hệ với các bệnh viện, đã dùng ảnh hưởng của chị dâu là Bộ Trưởng Tiến để đi móc nối và ép các bệnh viện cho công ty VN Pharma trúng thầu thuốc. Người còn lại là ông Hoàng Quốc Cường, con trai bà Tiến, là cố vấn của VN Pharma.
Ông Chí Dũng cũng dự báo: “Với truyền thống ‘giơ cao đánh khẽ’ và đặc biệt với triết lý mới ‘chống tham nhũng phải nhân văn’ của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng, chẳng có gì chắc chắn là Bộ Trưởng Kim Tiến sẽ phải nhận một hình thức xử lý nào, cho dù là xử lý cho có.”
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng Y Tế CSVN. (Hình: Tin Tức Việt Nam)
Một yếu tố bất thường khác trong vụ này, theo báo Tuổi Trẻ, là việc ông Trương Quốc Cường, thứ trưởng Y Tế CSVN được triệu tập đến tòa nhưng vắng mặt. Ông Cường được ghi nhận là với tư cách cục trưởng Cục Quản Lý Dược hồi năm 2013 đã ký công văn cho VN Pharma nhập khẩu số thuốc sau đó được xác định là giả.
Các báo nhà nước dẫn cáo trạng cho hay lô thuốc H-Capita trong vụ án nêu trên “không chỉ giả về nguồn gốc, xuất xứ mà còn cả về chất lượng vì công ty cung cấp không có thật.”
Trong vụ án này, ông Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch, tổng giám đốc Công Ty VN Pharma), ông Võ Mạnh Cường (cựu giám đốc Công Ty Thương Mại Hàng Hải Quốc Tế H&C) cùng 10 bị cáo khác bị truy tố theo Điều 157 Bộ Luật Hình Sự [CSVN]. Mỗi bị cáo đang đối mặt với bản án từ 20 năm tù trở xuống. (T.K.)

Dư luận chế nhạo phát ngôn ‘đi nhờ chuyên cơ’ của Nguyễn Hạnh Phúc

Trụ sở Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư CSVN, nơi bị quy trách nhiệm vụ chín người bỏ trốn tại Nam Hàn. (Hình: Thanh Niên)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Mạng xã hội hôm 26 Tháng Chín tràn ngập những lời cười nhạo xen lẫn phẫn nộ quanh phát ngôn mang tính “chữa cháy” thô thiển của ông Nguyễn Hạnh Phúc, tổng thư ký Quốc Hội CSVN về vụ 9 người trong phái đoàn bà Kim Ngân bỏ trốn tại Nam Hàn.
Ông Hạnh Phúc nói: “Chín người bỏ trốn ở lại Nam Hàn thuộc phái đoàn kinh tế tham dự diễn đàn Đầu Tư và Thương Mại Việt Nam – Nam Hàn hồi Tháng Mười Hai, 2018. Sự kiện này do Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư [CSVN] tổ chức và phái đoàn chỉ đi nhờ chuyên cơ chở bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội [CSVN].”
Sau khi báo Tuổi Trẻ cùng một loạt tờ báo nhà nước dẫn phát ngôn nêu trên, cụm từ “đi nhờ chuyên cơ” lập tức được bàn tán rôm rả trên Facebook.
Nhà báo kỳ cựu Đoàn Khắc Xuyên ở Sài Gòn bình luận trên trang cá nhân: “Giờ thì tôi tin chắc như bắp lời ông Nguyễn Mạnh Hùng, bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông [CSVN], rằng Việt Nam có thể làm được những thứ mà thế giới không ai làm được: Xuất khẩu lao động chui bằng chuyên cơ dành cho nguyên thủ quốc gia. Bái phục! Mà điều diệu kỳ nữa là, nhờ cơ chế u u minh minh này, sự việc long trời lở đất ấy được ỉm đi gần cả năm trời. Nếu không nhờ bọn báo [Nam] Hàn rách việc, quốc dân ta vẫn ù ù cạc cạc, tin rằng lãnh đạo ta rất tài tình đang làm hết sức mình vì sự giàu mạnh của tổ quốc.”
Cùng thời điểm, Luật Sư Đặng Đình Mạnh post một “Mẫu Đơn Xin Đi Nhờ Chuyên Cơ Chủ Tịch Quốc Hội [CSVN]” đề gửi bà Ngân với nội dung: “Tôi tên là…, căn cước số… Với đơn này, đề nghị bà chủ tịch Quốc Hội [CSVN] cho phép tôi được đi nhờ máy bay (chuyên cơ) trong chuyến công du của bà đến quốc gia… Mong bà chấp thuận và sớm hồi âm để tôi tiện thu xếp việc thanh lý nhà cửa tại Việt Nam. Tôi thành thật cảm ơn. Trân trọng…”
Các báo nhà nước đồng loạt đăng tin về vụ chín người trong phái đoàn của bà Kim Ngân bỏ trốn ở Nam Hàn. (Hình chụp màn hình)
Trong vụ này, công luận thoạt đầu giận dữ vì sau khi đài truyền hình MBC News đăng phóng sự rồi trang fanpage Thông Tin Hàn Quốc [Nam Hàn] đăng tải lại tin về vụ chín người trong đoàn của bà Ngân bỏ trốn, các báo nhà nước giữ im lặng tuyệt đối. Do vậy, người dân chỉ có thể cập nhật về tin này trên các báo đài hải ngoại.
Đến khi ông Hạnh Phúc đưa ra phát ngôn vào chiều 25 Tháng Chín thì dư luận càng giận dữ hơn vì mức độ trơ trẽn, coi thuờng hiểu biết của người dân trong lời nói của ông này.
Ngay cả các báo nhà nước cũng không che giấu sự bất bình về một chuyện hệ trọng liên quan đến quốc thể và hoạt động đối ngoại của nhà nước như vậy.
Tờ Người Lao Động hôm 26 Tháng Chín viết: “Rất nhiều bạn đọc tức giận khi nghe câu chuyện “lạ” này. “Sao có chuyện quản lý lỏng lẻo như thế?”, “Khó hiểu thật, như đùa vậy!”, “Quá ngạc nhiên khi nghe tin này! Lẽ nào đi và trốn dễ dàng vậy sao?”- nhiều bạn đọc đặt câu hỏi. Bạn đọc có nick Long Seoul đề nghị: “Trong chuyện này có trách nhiệm của Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư [CSVN]. Đề nghị Bộ này công bố danh tính, cơ quan và chức vụ của chín người đó để thuận tiện cho người dân trong nước và nước ngoài cùng giúp tìm người, giúp giải quyết triệt để vụ việc xấu hổ này.”
Cũng trong hôm 26 Tháng Chín, thông cáo do Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư CSVN phát đi ghi: “Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư nghiêm túc rà soát, rút kinh nghiệm để có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài trong thời gian tới đây, sau vụ việc chín người tham gia đoàn công tác tại Nam Hàn không trở về Việt Nam. Bộ cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để truy tìm các đối tượng hiện đang bỏ trốn để triệu hồi về nước và xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện nội bộ có sai phạm liên quan, Bộ sẽ không bao che mà nghiêm khắc xử lý cán bộ theo mức độ và quy định của pháp luật.” (T.K.)
Quyền giám đốc an ninh quốc gia dọa từ chức nếu không được tự do trả lời Quốc Hội
Tin Tổng hợp 25/9/2019: -Quyền giám đốc an ninh quốc gia dọa từ chức nếu không được tự do trả lời Quốc Hội -Chín người trong phái đoàn Kim Ngân bỏ trốn ở Nam Hàn là ‘đi nhờ máy bay’ -Cựu bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh ‘mặt dày’ tuyên bố ‘đã vượt qua’ các vụ tai tiếng -‘Tấm lòng’ ông chủ: Tăng lương $10 ngàn cho mỗi nhân viên
Volume 0%
 

Sông, biển sạt lở xóa sổ nhiều xóm làng miền Tây

Cảnh sạt lở tuyến quốc lộ 91 tại xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang. (Hình: Tuổi Trẻ)
CÀ MAU, Việt Nam (NV) – Nhiều làng xóm với hàng trăm gia đình cùng những cánh rừng, đê điều ở các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long đã bị xóa sổ trước nạn sạt lở mà chính quyền các nơi chỉ biết bất lực đứng nhìn.
Hàng loạt các tỉnh ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang… phải ban bố “tình huống khẩn cấp,” tổ chức di dời dân ra khỏi những vùng bờ biển, bờ sông bị sạt lở nặng.
Theo báo Tuổi Trẻ, cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, từng là nơi hội tụ của hàng trăm gia đình, hiện chỉ còn lại khung cảnh điêu tàn với những chiếc cọc trơ trọi, những mảng bê tông đổ nát trước các con sóng lớn liên tiếp uy hiếp bờ.
Anh Trương Minh Tài, một trưởng ấp ở Vàm Xoáy, cho biết bờ biển phía Tây từng có 47 gia đình sinh sống nhưng giờ chỉ còn 2-3 gia đình cố bám trụ vì sinh kế, còn lại đã tản cư hết. Bên kia sông là ấp Kinh Đào Đông với hàng chục gia đình cũng đã bị xóa sổ vì sạt lở.
Kể với báo Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Suốt (60 tuổi), nhà bên mé biển cho biết khu vực này từng là nơi mà cây mắm, cây đước phát triển sum suê với con lộ xi măng dẫn vào trung tâm xã chưa bao giờ sóng đánh tới vì hai bên lộ còn có hai bờ cát bảo vệ.
Nhưng vài năm trở lại đây, biển gặm mất bờ cát rồi tiếp tục tấn công vào sâu bên trong bờ. Các khu đất mà hàng loạt gia đình từng sinh sống trước đây, nay chỉ còn trơ trọi những chiếc cọc. Người dân phải “chạy biển” và chỉ sau vài năm, xóm làng đã trở nên tan tác.
Bà Trần Thị Suốt, ấp Kinh Đào Tây, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau, là một trong những người dân cuối cùng tại xóm dân Vàm Xoáy phải di dời đến nơi ở tạm do tình trạng sạt lở bờ biển đe dọa tính mạng. (Hình: Tuổi Trẻ)
“Nhà tôi trước đây ở phía trước con lộ xi măng, nhưng bị sóng biển đánh dữ quá nên phải dời vào bên trong. Song, nhà càng dời, biển càng đuổi theo. Hết cách, các gia đình phải bỏ nhà để vào khu tái định cư,” bà Suốt cho biết.
Không chỉ nhà dân ở ven khu vực cửa biển Vàm Xoáy lâm nạn, những cánh rừng phòng hộ cũng bị biển nuốt mất. Nhiều đoạn của các cánh rừng mắm, rừng đước đã không còn, nhiều nơi chỉ còn lại những gốc cây trước từng đợt sóng tạo “hàm ếch” khoét sâu vào bờ.
Theo Kỹ Sư Lâm Trường Ân, cán bộ Chi Cục Thủy Lợi Cà Mau, tại cửa biển Vàm Xoáy biển đã lấn vào sâu hơn 50 mét.
Đến nay, bờ biển Đông và Tây của Cà Mau đã bị sạt lở rất nghiêm trọng. Trong đó, bờ biển Tây bị sạt lở khoảng 57 cây số, bờ biển Đông bị khoảng 48 cây số, có nhiều đoạn sạt lở sâu, làm mất đất rừng phòng hộ từ 80-100 mét mỗi năm, tiềm ẩn nguy cơ vỡ đê biển, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đe dọa tính mạng, tài sản của hàng trăm ngàn gia đình vùng ven biển.
Nếu tính chung diện tích sạt lở bờ biển và bờ sông, mỗi năm Cà Mau mất đi diện tích đất tương đương một xã.
Hôm 25 Tháng Chín, 2019, báo Tuổi Trẻ cho hay, riêng tại cửa biển Vàm Xoáy, biển đã lấn vào sâu hơn 50 mét, là một trong tám điểm mà Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Cà Mau vừa ký công bố “tình huống khẩn cấp” do sạt lở.
Quốc lộ 91 bị sụp hoàn toàn ở đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang. (Hình: Tuổi Trẻ)
Theo ông Lê Văn Sử – phó chủ tịch tỉnh Cà Mau – vào mùa mưa, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến rất phức tạp, khó lường.
Còn ông Nguyễn Tiến Hải, chủ tịch tỉnh Cà Mau, bất lực cho biết: “Sạt lở tại Cà Mau diễn biến nhanh hằng ngày, hằng giờ, cả biển lẫn sông. Nếu không kịp thời giải quyết sẽ còn nhiều nơi buộc phải ban hành ‘tình huống khẩn cấp.’”
Ngoài Cà Mau, liên quan đến việc sạt lở, ông Trần Văn Chuyện, chủ tịch tỉnh Sóc Trăng, cho biết ở Sóc Trăng ngoài đoạn giáp ranh ở hai xã Lai Hòa và Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu với tỉnh Bạc Liêu, hàng loạt điểm bờ sông thuộc các huyện Mỹ Xuyên, Long Phú, Cù Lao Dung, thị xã Vĩnh Châu, thành phố Sóc Trăng, huyện Mỹ Tú, huyện Kế Sách… cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng, phải công bố “tình huống khẩn cấp” để có các biện pháp bảo vệ dân.
“Dự báo từ nay đến cuối năm, do lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp triều cường, nguy cơ sạt lở còn diễn biến phức tạp, đe dọa tính mạng, diện tích sản xuất cây ăn trái, rau mùa của người dân,” ông Chuyện nói.
Tương tự, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bạc Liêu cũng vừa ban hành ba quyết định phê duyệt “tình huống khẩn cấp” sạt lở bờ biển “đặc biệt nguy hiểm,” gồm bờ biển ở xã Vĩnh Trạch Đông, bờ biển Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu và bờ biển phía Bắc kè Gành Hào, huyện Đông Hải. Theo đó, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Bạc Liêu và huyện Đông Hải được yêu cầu xây dựng kế hoạch tản cư, di dời cấp bách các gia đình có liên quan.
Trong khi đó, ông Nguyễn Huỳnh Trung, chánh văn phòng Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Kiên Giang, cho biết Kiên Giang có tuyến đê biển dài khoảng 200 cây số từ huyện Kiên Lương tới huyện An Minh. Do tác động của biến đổi khí hậu, khoảng 80 cây số đê biển này đang bị sạt lở, trong đó khoảng 20 cây số “sạt lở nghiêm trọng.” (Tr.N)