Sunday, February 14, 2016

Obama bàn gì với lãnh tụ 10 nước ASEAN?

RANCHO MIRAGE, California (AP) - Vào ngày Thứ Hai, 15 Tháng Hai, Tổng Thống Barack Obama sẽ thảo luận nhiều chuyện với lãnh đạo của 10 nước ASEAN lần đầu tiên đến nước này với những vấn đề của khu vực từ an ninh đến kinh tế.

Tổng Thống Obama chụp hình với lãnh đạo ASEAN và một số đối tác khu vực tại hội nghị thượng đỉnh ở Miến Điện hồi Tháng Mười Một, 2014. (Hình: Ye Aung Thu/AFP/Getty Images)

Các tin tức gần đây và qua lời phát biểu của một số viên chức Mỹ, người ta tin trọng tâm của cuộc họp diễn ra hai ngày tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands của thành phố Rancho Mirage (125 dặm phía đông Los Angeles) là vấn đề an ninh trên Biển Đông. Nằm ngầm trong đó là làm sao có sự phối hợp để chống lại chủ trương bá quyền bành trướng của Trung Quốc.

“Hoa Kỳ sẽ nhấn mạnh đến sự quan trọng của vấn đề giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ” một cách ôn hòa “theo thông lệ quốc tế” và không được giải quyết theo kiểu nước lớn cậy mạnh “bắt nạt các nước nhỏ.”
Đó là lời của ông Ben Rhodes, phụ tá an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc, nói với báo giới tuần trước. Nước lớn không nêu tên được hiểu là Trung Quốc và các nước nhỏ là mấy nước ASEAN trong đó có Việt Nam và Philippines.

Hiện Mỹ và một số nước ASEAN (gồm Brunei, Malaysia, Singapore, và Việt Nam) đã ký Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Parnership-TPP). Hoa Kỳ đã đầu tư khoảng $226 tỷ tại khu vực ASEAN và mậu dịch hai chiều với khu vực năm ngoái lên đến $254 tỷ.

Người ta chờ đợi xem Quốc Hội Hoa Kỳ có thông qua hiệp định này không, khi ông Obama còn ngồi ở Tòa Bạch Ốc, hay chờ một tổng thống mới vào năm tới.

Nếu thuyết phục được Quốc Hội thông qua TPP năm nay thì đây sẽ là thành công của ông trước khi rời ghế tổng thống.

Mỹ muốn các nước ASEAN hợp tác chặt chẽ hơn trong kế hoạch chống khủng bố và đối phó với ISIS dù khu vực này tương đối thành công đối với việc chống tổ chức khủng bố al-Qaida.

Chính phủ Indonesia cho hay ISIS đã tài trợ cho cuộc tấn công tự sát tiệm cà phê Starbucks hồi tháng trước ở thủ đô Jakarta.

Singapore, Malaysia và Indonesia (nước có dân số theo đạo Hồi đông nhất thế giới) đều có tin người nước họ đã đến chiến đấu ở Iraq và Syria cũng như một vài nhóm võ trang nhỏ ở Philippines đã cam kết liên minh với ISIS.

Một vấn đề khác cũng thường được tranh luận là sự khác biệt quan điểm về nhân quyền. Tuy là một khối, nhưng 10 nước ASEAN theo các chính thể khác nhau từ dân chủ tới độc tài quân phiệt, cộng sản.

Giới dân biểu và thượng nghị sĩ tại Quốc Hội Mỹ thường hối thúc các viên chức chính phủ, gồm cả tổng thống, áp lực nhân quyền với các nước này.

Tuần qua, 35 dân biểu liên bang Mỹ và một thượng nghị sĩ gốc Việt ở California gởi thư thúc ông Obama nêu vấn đề nhân quyền là chuyện chính yếu của cuộc họp lịch sử này.

Tuy nhiên, giới bình luận thời sự tin rằng cuộc họp này sẽ không diễn ra trong chiều hướng mà các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng như người dân Việt Nam mong muốn. (TN)

02-14-2016 5:14:59 PM 

Kinh tế Việt Nam không an toàn vì phụ thuộc FDI

HÀ NỘI (NV) - Năm ngoái, Việt Nam nhận được $23 tỷ từ đầu tư của các doanh nghiệp ngoại quốc (FDI). Khoản này tăng 12.5% so với năm 2014 nhưng không chuyên gia kinh tế nào xem đó là đáng mừng.

Công nhân của một doanh nghiệp FDI. Động lực của kinh tế Việt Nam phụ thuộc gần như hoàn toàn vào đầu tư từ ngoại quốc. (Hình: Báo Đầu Tư) 

Tuy khả năng thu hút FDI là một trong những yếu tố hỗ trợ xác định triển vọng phát triển kinh tế của một quốc gia nhưng khi mà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lệ thuộc gần như hoàn toàn vào FDI thì đó lại là chuyện rủi nhiều hơn may.

Các doanh nghiệp FDI hiện chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 70% giá trị xuất cảng của Việt Nam.

Năm 2015 các doanh nghiệp FDI nhập cảng khoảng $97.9 tỷ, chiếm khoảng 60% giá trị nhập cảng của Việt Nam và góp phần đáng kể vào việc tạo ra thặng dự thương mại là $17 tỷ cho kinh tế Việt Nam.

Trong khi đó, năm ngoái, có 80,000 doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam phá sản, xin giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động. Sang năm nay, riêng trong Tháng Giêng, con số này là 12,500.

Trong một báo cáo về tình hình kinh tế xã hội vào Tháng Giêng năm nay, Tổng Cục Thống Kê Việt Nam nhận định, môi trường sản xuất kinh doanh tiếp tục không thuận lợi, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm nay có thể còn khó khăn hơn những năm trước.

Các số liệu thống kê do Tổng Cục Thống Kê Việt Nam công bố cho thấy, tuy giá trị hàng hóa xuất cảng tăng 0.5% so với Tháng Mười Hai năm ngoái, nhưng chỉ có giá trị hàng hóa xuất cảng của các doanh nghiệp có FDI tăng, còn giá trị hàng hóa xuất cảng của các doanh nghiệp Việt Nam giảm khoảng 9%.

Nói cách khác, FDI đang giữ vai trò chi phối kinh tế Việt Nam. Sự chi phối này càng lúc càng lớn vì vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam đối với kinh tế Việt Nam càng lúc càng mờ nhạt. Nội lực của kinh tế Việt Nam đang suy giảm nhanh và nhiều.

Hai giảng viên của Đại Học Kinh Tế Hà Nội là ông Trần Thọ Đạt và ông Tô Trung Thanh vừa công bố một khảo sát của họ về tổng thu nhập quốc nội (GNI) trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo đó, từ 2006 đến nay, GNI/GDP của Việt Nam liên tục suy giảm từ 97.9% xuống 95.1%.

Họ ước đoán, năm 2013 có khoảng $8.6 tỷ chảy theo kênh FDI ra ngoại quốc. Đến năm 2014, con số này là $9 tỷ, và chỉ trong nửa đầu của năm 2015, con số này là $13.2 tỷ nữa. Sự phụ thuộc càng ngày càng lớn vào FDI hiện là một trong những lý do khiến nhiều chuyên gia kinh tế cảm thấy bất an về tương lai của kinh tế Việt Nam.

Cuối tháng trước, tại hội thảo về kinh tế Việt Nam 2015 do Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Việt Nam (CIEM) tổ chức, ông Trương Đình Tuyển, cựu bộ trưởng Thương Mại, hiện là cố vấn cao cấp về hội nhập của chính phủ Việt Nam, cảnh báo rằng động lực của kinh tế Việt Nam hiện là những doanh nghiệp FDI và năm nay “cũng vẫn như vậy!” Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam tiếp tục kiệt sức và có thể bị bóp chết sớm. Ông Tuyển nhấn mạnh, thực trạng này không bảo đảm cho “phát triển bền vững.”

Cho dù giới chuyên gia kinh tế liên tục cảnh báo, rằng các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam sẽ chết nếu chính quyền Việt Nam không có chính sách hỗ trợ thỏa đáng, nhưng đến nay, theo họ, chính quyền không những không hỗ trợ mà còn thực thi những chính sách giúp các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI chèn ép giới này.

Thậm chí, tại hội thảo này, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, khẳng định, nhà nước đang trở thành nhân tố thứ ba chèn ép khu vực tư nhân. Khu vực tư nhân thu hẹp rồi chết là tất nhiên.


Không có chuyên gia kinh tế nào của Việt Nam dự hội thảo này tỏ ra lạc quan cả về hiện tại lẫn tương lai. Bà Lan giải thích đó là vì nợ nần quốc gia tăng vọt, nội lực của doanh giới thì suy giảm trầm trọng chưa từng thấy. (G.Đ.)

02-14-2016 5:49:14 PM 

'Cần học Việt Nam Cộng Hòa: Hoàng Sa phải có dân'

SÀI GÒN (NV) - “Cần học Việt Nam Cộng Hòa: Hoàng Sa phải có dân.” Đó là điều ông Bùi Văn Tiếng, cựu Trưởng Ban Tổ Chức Thành Ủy Đà Nẵng, nay là chủ tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Đà Nẵng, nhấn mạnh với tờ Tuổi Trẻ.

Trụ sở Ủy Ban Nhân Dân huyện đảo Hoàng Sa ở thành phố Đà Nẵng. (Hình: CAND)

Ông Tiếng bảo rằng, trước Tháng Tư, 1975, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã “kéo” Hoàng Sa vào đất liền bằng cách sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào xã Hòa Long, quận Hòa Vang của Đà Nẵng và điều này đã “tạo cho chúng ta một tiền lệ lịch sử đáng quý.”

Chuyện Hoàng Sa phải có dân trở thành cấp bách vì có những bằng chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang dùng thường dân để “hợp thức hóa” việc chiếm đóng Hoàng Sa và một phần Trường Sa.

Tuần trước, hê thống truyền thông của Trung Quốc bắt đầu quảng cáo rầm rộ cho đường bay từ phi trường Mỹ Lan trên đảo Hải Nam, đến phi trường Vĩnh Tây trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Theo những quảng cáo vừa kể thì chưa bao giờ chuyện thăm thú Biển Đông thuận tiện như hiện nay vì một hãng hàng không có tên là Hainan đã mở đường bay đến quần đảo Hoàng Sa. Đường bay này được hê thống truyền thông của Trung Quốc ca ngợi là bước khởi đầu cho một kỷ nguyên phát triển hoạt động thương mại ở Biển Đông.

Trước đây, nhiều chuyên gia an ninh quốc phòng từng cảnh báo rằng, sau khi phát triển hệ thống hạ tầng tại những hòn đảo, bãi đá ngầm mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm, Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để gia tăng sự hiện diện của thường dân trên những hòn đảo, bãi đá ngầm đó nhằm củng cố các yếu tố pháp lý, hỗ trợ cho yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông.

Nay Trung Quốc bắt đầu làm đúng như thế tại quần đảo Hoàng Sa và người ta tin rằng, ít lâu nữa sẽ là quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc đã bắt đầu đưa thường dân đến du lịch tại quần đảo Hoàng Sa từ năm 2012. Gần đây, Trung Quốc đã thiết lập xong hệ thống hạ tầng để đưa thường dân đến cả quần đảo Hoàng Sa lẫn quần đảo Trường Sa.

Tháng trước, truyền thông Trung Quốc giới thiệu một loạt hình ảnh về việc du khách đến thăm bãi đá Chữ Thập, nay là một hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Chuyến “du lịch” bãi đá Chữ Thập diễn ra ngay sau khi Trung Quốc tổ chức cho ba phi cơ dân sự thử hạ và cất cánh ở đó.

Song song với sự kiện vừa kể, truyền thông Trung Quốc còn loan báo, chính quyền “thành phố Tam Sa” đã thảo xong kế hoạch kêu gọi tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng trên những hòn đảo ở Biển Đông.

Tam Sa là tên một “thành phố” được Trung Quốc thành lập vào Tháng Bảy, 2012. Thành phố này thuộc tỉnh Hải Nam và bao gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, cùng với tất cả các bãi đá nằm trong phạm vi mà Trung Quốc đòi chủ quyền tại Biển Đông. Thủ phủ của “thành phố Tam Sa” được đặt tại đảo Phú Lâm mà Trung Quốc cưỡng đoạt của Việt Nam hồi Tháng Giêng, 1974, khi thôn tính toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Theo một phó thị trưởng của “thành phố Tam Sa” thì chính quyền “thành phố Tam Sa” muốn mời gọi đầu tư từ tư nhân để xây dựng trung tâm cấp cứu về y tế và hàng hải, kéo cáp quang và phủ sóng wifi trên tất cả các đảo, bãi đá, có hay không có người ở,& Kế hoạch mang tên “Chương trình đối tác công tư” này sẽ được thực hiện ngay trong năm nay và kể từ năm nay, Trung Quốc sẽ thiết lập một đường bay, thường xuyên thực hiện các chuyên bay đưa người đến “thành phố Tam Sa.”

Trong chuyện bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, chính quyền CSVN không “nhìn xa, trông rộng” như chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Sau Tháng Tư, 1975, Hoàng Sa coi như đã “xong.”

Mãi tới năm 1982, chính quyền CSVN mới có quyết định thành lập huyện đảo Hoàng Sa, trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Tuy nhiên, đến năm 2009, huyện đảo Hoàng Sa mới có ủy ban nhân dân với vài cán bộ. Giám đốc đương nhiệm của Sở Nội Vụ Đà Nẵng kiêm nhiệm vai trò chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa.

Hồi Tháng Bảy năm ngoái, tại một kỳ họp của Hội Đồng Nhân Dân Đà Nẵng, một phó chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Thành Phố mới nêu đề nghị, tách hai phường Thọ Quang và Mân Thái thuộc quận Sơn Trà để nhập vào huyện đảo Hoàng Sa, biến huyện đảo này thành một thực thể chính quyền có đất, có dân nhưng đến nay chưa thấy bất kỳ động tĩnh nào từ phía chính quyền trung ương.

Ông Đặng Văn Ngữ, cựu chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, vừa nhấn mạnh, Luật Tổ Chức Chính Quyền Địa Phương của Việt Nam qui định, nơi nào có chính quyền thì nơi đó phải có đầy đủ hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Riêng huyện đảo Hoàng Sa thì chỉ có chính quyền nhưng không đầy đủ các cơ quan hành chính, không có dân. Chính quyền huyện đảo Hoàng Sa không có đất vì phần lãnh thổ này bị Trung Quốc tạm chiếm. Theo ông Ngữ thì phải sớm điều chỉnh để huyện đảo Hoàng Sa vừa có đất, vừa có dân. (G.Đ.)

02-14- 2016 5:59:21 PM

Vì sao Việt Nam nói tàu Mỹ ‘đi qua vô hại’ ở Hoàng Sa?

Theo Người Việt-02-14-2016 3:04:17 PM 
Phạm Chí Dũng

viet-nam-ton-trong-quyen-di-qua-vo-hai-cua-tau-my-o-hoang-sa
 Tàu tuần tra của Mỹ đến Hoàng Sa. Ảnh: Wikipedia

Trong một lần hiếm hoi, động tác giang thẳng cánh tay về phía trước của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam khiến cho giới quan sát ngạc nhiên vì ít nhất nói cũng nói lên một điều gì đó có đôi chút ý nghĩa.

Cong tay và giang tay


“Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải,” ông Lê Hải Bình giang tay vào ngày 31 Tháng Giêng trước hình ảnh tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của hải quân Hoa Kỳ áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa trong “chiến dịch tự do hàng hải” (FONOP), trong lúc vài tờ báo to mồm nhất của Trung Quốc cực lực lên án việc “Mỹ mở mặt trận thứ hai ở Biển Đông.”

Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên kể từ thời “đu dây” giữa Trung Quốc và Mỹ, giới cầm quyền Hà Nội mới có được một tuyên bố “minh bạch” đến thế, cho dù tất cả mới chỉ uốn éo trên phương diện phát ngôn.

Vào cuối Tháng Mười năm ngoái, khi diễn ra sự kiện một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường khác của Hoa Kỳ là USS Lassen đi qua khu vực 12 hải lý quanh bãi đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa (bãi đá này Trung Quốc đã tiến hành cơi nới xây dựng thành đảo nhân tạo), cánh tay người phát ngôn Việt Nam đã không giang ra mà nhân vật này chỉ đọc diễn văn: Việt Nam “tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông,” cùng “kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định” ở Biển Đông.

Từ lâu, cách phát ngôn lèo lái nước đôi của “người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam” đã khiến hơn 80% người dân Việt không thích Trung Quốc biến thành phát ngấy. Rất nhiều lần, mặc dù luôn tuyên bố chủ quyền với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng phía Việt Nam đã thúc thủ im lặng “cho nó lành” trước Trung Nam Hải. Ngay cả vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm Biển Đông và giữa năm 2014 cũng không làm cho giới lãnh đạo Việt Nam quá bận lòng. Chẳng có bất kỳ một văn bản nào của Bộ Chính Trị hay nghị quyết nào của Quốc Hội Việt Nam lên án hành vi xâm phạm của Bắc Kinh.

Cho dù luật biển của Việt Nam quy định: “Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam,” và do vậy Việt Nam không thể không lên tiếng phản ứng trước các sự kiện liên quan tới chủ quyền ở khu vực này, nhưng thực tế là giới lãnh đạo Việt Nam thà chấp nhận im lặng trước việc ngư dân mình bị tàu hải quân Trung Quốc bắt giữ, đánh đập hoặc có thể bắn giết hơn là mạo hiểm đánh đổi cả “đại cục.”

Với tất cả thói biện chứng lịch sử chẳng lấy gì làm hãnh diện như thế, tuyên bố “đi qua vô hại” của Việt Nam mới đây đã khiến một số nhà phân tích tự hỏi phải chăng đã xuất hiện một cái gì đó mang tính tín hiệu về “thoát Trung tạm thời” của giới lãnh đạo Việt Nam. Tuyên bố này lại được phát ra chỉ vài ngày sau khi đại hội 12 của đảng cầm quyền kết thúc và một đặc sứ Trung Quốc là Tống Đào đã đến Hà Nội để “làm công tác tư tưởng.”

Chi tiết đáng chú ý là vào lần tuyên bố hiếm hoi trên, giới ngoại giao Việt Nam có thể đã tìm tòi và vận dụng nội dung “không gây hại” trong luật biển để làm cơ sở cho thông báo của mình.

Tuy nhiên, chắc chắn phía Trung Quốc, trong lúc phản ứng mạnh mẽ với tàu quân sự Mỹ, sẽ rất bực bội vì tuyên bố có chút xa rời “mười sáu chữ vàng” của Hà Nội.

Vì sao “can đảm?”


Câu hỏi đặt ra là vì sao mới chỉ sau chuyến công du của đặc sứ Trung Quốc, giới lãnh đạo Việt Nam lại tỏ ra “can đảm” lạ thường đến thế?

Phải chăng đây chỉ là một động tác mị dân để cho thấy dàn lãnh đạo vừa cũ vừa mới trong Bộ Chính Trị không đến nỗi quá “thân Trung” như dư luận đánh giá?

Hay đã xuất hiện ra một mối nguy hiểm nào đó từ phía Trung Quốc mà Hà Nội không thể khép nép hơn?

Với tuyên bố “đi qua vô hại,” liệu Việt Nam có chính thức dựa dẫm vào sức mạnh của hải quân Mỹ để bảo vệ vùng biển của mình?

Sự thật giật mình là mãi cho đến sát ngày khai mạc đại hội 12 của đảng cầm quyền ở Việt Nam, vài thông tin hiếm có được tiết lộ từ phía chính quyền mới cho người dân biết về 50 lần máy bay Trung Quốc lượn như chốn không người trên không phận Sài Gòn. Còn ở biển Vũng Tàu, tàu Trung Quốc vờn qua vờn lại không biết chán.

Trong khi đó, hậu trường chính trị lại ken đặc một không khí nghi ngờ của những giả thiết đối lập.
Ngược chiều với luồng tin ngoài lề về việc Tập Cận Bình đã “chấm Nguyễn Sinh Hùng” làm tổng bí thư Việt Nam trong chuyến công du vội vã của ông lên Bắc Kinh ngay sau hội nghị trung ương 13 vào cuối Tháng Mười Hai, 2015, lại có tin cho biết Bộ Chính Trị Trung Quốc không mấy thỏa mãn với dàn nhân sự lãnh đạo “thân Trung” ở Hà Nội. Sau đại hội 12, những gì mà Trung Quốc tác động đến công tác tổ chức nhân sự của Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh và sâu.

Nói gì thì nói, kết quả cho tới nay đã rõ: Nhân vật số 4 trong “tứ trụ” của triều đình Việt Nam không còn được đánh số nữa sau khi rời khỏi Bộ Chính Trị, mà chỉ đảm nhiệm một chức vụ mới là chủ tịch hội đồng bầu cử quốc gia.

Trong khi đó, quan điểm và thái độ của nhân vật tái cử số một là Nguyễn Phú Trọng vẫn có phần khó hiểu.

Chỉ ít ngày sau đại hội 12, một tân ủy viên Bộ Chính Trị là ông Đinh La Thăng đã bất ngờ cách chức tổng giám đốc một công ty đường sắt do chỉ mới đề xuất mua những toa tàu cũ của Trung Quốc. Sự việc này lại xảy ra cùng lúc với tuyên bố “đi qua vô hại” của giới ngoại giao Việt Nam. Hai sự việc tiếp liền này, nếu có liên quan với nhau, có thể khiến người ta tự hỏi ông Trọng đang nghĩ gì về những ngày cuối cùng trong cuộc đời “vì nhân dân quên mình” của ông và về người bạn vàng có nanh chó sói.

Cũng nói gì thì nói, nhiều lần đề nghị Bắc Kinh cho gặp để điều đình về vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào giữa năm 2014 - như một tin tức đã lan truyền rộng rãi - nhưng bị Tập Cận Bình phớt lờ, song một năm sau đó lại được Obama tiếp đón quá trịnh trọng ngay tại Phòng Bầu Dục ở Washington, DC, hẳn khiến ông Nguyễn Phú Trọng phải trải nghiệm về việc ai mới là người tôn trọng thể diện của mình hơn.

Nhà thâm nho mới?


Với tập tính Á Đông, thể diện có thể được xem là tố chất đặc biệt quan trọng, sau những sống còn về quyền lực và lợi ích.

Lại có một lý lẽ đáng tham khảo: Ông Trọng được tiếng là trong sạch, tức con người ông không gắn liền với chủ nghĩa kim tiền như hiện tượng phổ biến đến mức chẳng còn giới hạn nào ở nhiều đồng chí của ông. Nếu đúng vậy, Trung Quốc không thể “mua” ông bằng lợi ích. Cái còn lại mà “đồng chí tốt” có thể tác động là não trạng ý thức hệ bảo thủ đã thành nếp hằn quá khó đổi khác trong tâm can ông Trọng.

Tất cả vẫn còn ở phía trước. Tương lai chỉ cho ra một câu giải đáp thông qua hành vi và hành động.

Trong khi vẫn chưa có gì chắc chắn để kết luận về một Nguyễn Phú Trọng “thân Tàu,” sát Tết Nguyên Đán 2016 bắt đầu xuất hiện một ít dư luận trong giới phản biện độc lập về hy vọng ông Trọng sẽ làm những việc tối thiểu để giãn cách bàn tay lông lá từ phương Bắc - tương tự hành động tối thiểu của chính ông khi quyết định viếng thăm cựu thù Hoa Kỳ vào năm 2015.

Sau chiến thắng mang tính áp đặt của Tổng Bí Thư Trọng trước đương kim thủ tướng Việt Nam, lần đầu tiên nhiều người nhìn vào vị giáo làng tái cử không hẳn với chân dung “Lú.”

Dường như lịch sử trễ tràng bắt đầu lộ hình một nhà thâm nho Bắc Hà. Có thể cả thâm nho trong chính sách đu dây.

Gần đây, Việt Nam đã bắt đầu tham gia cuộc tập trận Hổ Mang Vàng của khối đồng minh Mỹ ở khu vực Đông Nam Á với vai trò quan sát viên.

Dù mới chỉ “quan sát,” nhưng lại là lần đầu tiên. Còn tục ngữ Việt có câu “Trăm nghe không bằng một thấy.”

Không có và có lẽ hoàn toàn không có nước Nga. Trong phần lớn tình huống rủi ro được cài đặt bởi một chính quyền mang lời nguyền về địa lý, Việt Nam chỉ còn biết trông chờ vào người Mỹ, cho dù có thể còn lâu nữa Washington mới nhìn Hà Nội như một đồng minh chiến lược.

Cám ơn California!

Theo Người Việt-02-14-2016 12:51:34 PM 
Tạp ghi Huy Phương
Hơn một tháng trước đây, 20 tiểu bang của miền Đông nước Mỹ đã chịu một trận bão tuyết lịch sử, trận bão tuyết đã làm khốn khổ 85 triệu dân, gây ra tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, với 42 người chết. Tại nhiều nơi ở Mỹ, nhiệt độ hạ xuống dưới độ âm, băng giá bao phủ mọi nơi, đường sá ngập tràn trong tuyết lạnh. Đài truyền hình CBS đưa tin, chỉ trong ngày 9 Tháng Mười Hai, 2015, đã có đến 1,650 chuyến bay bị hủy, hơn một nửa là tại sân bay quốc tế Dallas-Fort Worth của hãng American Airlines trong tổng số hơn 6,000 chuyến bay đã bị hủy trên toàn quốc. Tình trạng mất điện do tuyết đóng trên các đường dây, làm gãy cột điện cũng phổ biến tại các tiểu bang Virginia, Maryland, và thủ đô Washington, DC. Hàng trăm nghìn gia đình đã phải chịu cảnh sống không có điện trong đợt bão tuyết này.

Đoàn trống Thiên Ân khai mạc diễn hành Tết Bính Thân 2016 trên đại lộ Bolsa, Westminster. (Hình minh họa: Dân Huỳnh/Người Việt)

May quá, tôi là người đang sống ở California với những ngày nắng ấm chan hòa, cũng khó mà tưởng tượng ra cái cảnh tuyết xuống mịt mù, lạnh lẽo, cơn gió thổi buốt xương và những ngày cực nhọc dọn tuyết để kiếm một lối ra cho chiếc xe của mình, như câu chuyện cách đây 20 năm.

Tôi đến Mỹ vào một ngày nắng ấm cuối Tháng Tám, 1990. Quá cảnh tại San Francisco, gia đình tôi được chuyển máy bay đi Ontario, một phi trường khá lớn gần nhà cô em gái đứng ra bảo trợ. Đối với những người từ vùng nhiệt đới đến Mỹ, thời tiết Tháng Tám xem như khá lạnh với chúng tôi. Đến Ontario vào lúc 8 giờ 30 tối nhưng trời vẫn còn rất sáng, làm cho tôi có ý nghĩ là người Mỹ ngủ rất ít mà làm việc quá nhiều.

Một hai tháng sau, tôi nhận ra là người Mỹ làm việc nhiều thật, mỗi người hai ba công việc. Lúc nào cũng thấy họ tất bật, uống cà phê và đôi khi ăn sáng trên xe, phần đông đều thiếu ngủ, nhiều phụ nữ rời nhà rất vội vã, còn kẻ viền mắt qua cái kính chiếu hậu trên xe nữa, nhưng tôi thì không có việc làm. Thời gian bây giờ tôi thấy những người trai trẻ khoảng tuổi tôi, 53, khi đến Mỹ rất mạnh khỏe giỏi giang, mà hồi ấy bằng tuổi này, khi đến Mỹ, tôi cảm thấy mình già nua, ốm yếu quá. Nước Mỹ giàu có, không có công việc nào cho một “thanh niên” như tôi, chỉ mới đặt chân đến Mỹ vài tháng, không biết tiếng Anh, chỉ quen ăn mì gói chứ chưa biết ăn hamburger.

Thế là tôi đành mang mối hận với nước Mỹ, chịu cảnh thất nghiệp. An ủi cho tôi là thỉnh thoảng tôi cũng thấy nhiều anh chàng tóc cả tháng không cắt, râu không cạo mang chữ “homeless” đứng đầu đường. Bạn tôi nói họ lười biếng, nghiệp ngập không chịu đi xin việc làm. Tôi không lười biếng, nghiện ngập mà cũng không kiếm ra việc, kể ra cũng oan cho họ.

Nếu nói Mỹ không có việc làm cho tôi thì cũng không công bằng. Những việc như cắt chỉ, đóng khuy trong shop may, bỏ báo, mang cái bị đi bỏ tờ rơi quảng cáo, đi lượm thùng carton, lượm lon, hay đứng ở chỗ đèn xanh đèn đỏ... thì lúc nào cũng có. Trong hoàn cảnh ấy, tôi đành phải bỏ California bốn mùa nắng ấm, khí hậu ôn hòa mà đi!

Tôi nghe lời “dụ dỗ” của bạn bè nhắm hướng Philadelphia đi tới, người ta nói đi hái trái cây cũng có tiền, mà lại tiền mặt. Tôi nhắm khu South là nơi anh em H.O. đã tụ tập từ lâu, làm việc rất vất vả, nhưng kiếm khá nhiều tiền mà ít tiêu pha. Người ta nói đúng: “Ở Mỹ, không phải có cây đô la mà ai cũng phải vất vả khó nhọc mới có tiền!” Ở đây, một người mới nhập cư vào đất Mỹ phải vất vả gấp hai lần hơn một người sống ở California.

Bạn cứ tưởng tượng có những công việc làm mà bạn phải thức dậy từ 5 giờ sáng, khi trời đất còn lờ mờ, trong cơn gió tuyết lạnh lẽo, như nghề bỏ báo, nghề này, cái cửa xe luôn luôn phải hạ xuống. Hay khổ hơn phải chờ hai, ba chuyến xe bus dưới khí trời lạnh giá để đến sở làm, và chiều đến, giờ tan sở, cũng vậy, khi bạn phải trở về nhà.

Nhưng các bạn tôi ở đây, sau trên dưới 20 năm, ai cũng có một căn nhà tươm tất và con cái khá thành đạt.

Nếu bạn là một người đã đến và sinh sống ở California năm bảy tháng rồi mà phải đến Philadelphia thì bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng. Philadelphia là một thành phố lịch sử của Hoa Kỳ có nhiều di tích lịch sử, với những khu phố, đền đài, nhà cửa tráng lệ, những cũng có những khu phố nghèo nàn đành cho những người mới đến nhập cư, đầy tội ác, trong những khu phố da đen, đường dầy dẫy những quán “bar.” Vách phố hay trường học đầy nạn vẽ bậy và trên đường phố những mảnh chai vỡ vất đầy ngoài đường. Mỗi đêm, gần như thường trực, tiếng xe cảnh sát hú còi qua những con phố một chiều, chật hẹp. Trong tâm trạng đó, đứa cháu ngoại tôi, mới lên năm, đã nói với tôi: - “Ông ngoại ơi, mình đi chỗ khác đi, đây đâu phải là Mỹ, ông ngoại!” - “Đi thì đi!” Thế là chưa đầy một tháng, gia đình tôi lại dắt díu nhau, rời bỏ Philadelphia để đi Virginia, như giã từ một mùa Đông u ám để trở lại mùa Xuân. Đúng nơi đây là mùa Xuân vì Virginia không những có lá mùa Thu đẹp mà hoa mùa Xuân cũng ngạt ngào.

Nhưng đến mùa Đông, Viginia thường chịu chung số phận của những cơn bão tuyết của miền Đông nước Mỹ. Cơn nóng chưa tan, trong nhà vừa tắt máy lạnh thì một tuần sau, người ta đã phải mở máy sưởi ấm. Tuyết xuống đêm ngày, đóng băng, rồi tuyết tan. Mùa hoa anh đào đẹp đẽ mới đây, mùa lá Thu vàng của Skyline hình như không hiện hữu ở nơi này. Tôi thấy nơi đây, hình như đời sống vất vả hơn ở California. Những căn phố mua bán, cửa ra vào có hai lớp, có những thứ cây chỉ sống được một mùa, mùa hoa nở trong những tháng Xuân cũng đem lại dị ứng cho mọi nhà, và tôi không thấy cảnh những ông già rỗi công ngồi đánh cờ trong khi một số người khác đứng bâu quanh, ngoài công viên hay trong phố chợ Việt Nam.

Đôi lúc tôi nhớ bạn bè ở xa, những bạn bè mà mỗi lúc tôi gọi họ thì họ chưa thức dậy lúc ban sáng, họ gọi tôi thì tôi đã lên giường vào buổi tối. Trong gia đình nhỏ bé của tôi, chưa có ai có một nghề nghiệp khiến phải giữ chân một chỗ. Những đứa cháu tôi, những năm tiểu học, có năm đổi ba lần trường, vì cảnh nhà thuê. Còn tôi, ngày trước tôi than không tìm ra việc, ngày nay với việc của tôi, chỗ nào cũng có, nếu chỉ cần năm, bảy đồng một giờ chịu khó đứng trong xưởng thợ. Con đường quá dài, tôi không bao giờ đi hết, dù tôi có cố gắng hết sức cũng không có nổi một căn nhà tươm tất, hay số thời gian hưu đủ mỗi năm, cứ đến mùa Hè, đi du lịch một chuyến thế giới. Tôi cũng không cần có một ngôi mộ thật đẹp trong một nghĩa trang đắt tiền đầy bóng mát nhìn xuống một hồ nước. Từ năm 1975 trở đi, tôi đã bỏ phí 25 năm cho một quãng đời thanh xuân không có gì bù đắp nổi. Trong cuộc đua đường dài, tôi không theo kịp bạn đến đích, con người ta không thể chạy lui, thì tôi đứng lại một chỗ.

Ở miền Đông, tôi thường nhớ đến California. Nhớ nắng ấm, nhớ bạn bè. Tôi có những người bạn nghèo, suốt 26 năm nay vẫn còn giữ nguyên một địa chỉ, trong khu chung cư một phòng. Tôi có nhiều bạn bè hình như thích hẹn chung một chỗ về, đó là khu đất trong Peek Family ở cuối con đường Bolsa.

Tôi thường nghe câu nói: “Hòn đá lăn hoài không đóng rêu!” Tôi là một hòn đá như vậy. Tôi đã quyết định trở về California. Các bạn đồng nghiệp người Mỹ tiễn tôi bằng một cái nhún vai hay lè lưỡi với hai chữ “động đất!” và nhiều người tin rằng rồi đây California sẽ trôi ra biển, ra biển rồi California sẽ trôi đi đâu, hay cứ tìm hướng Tây mà trôi tới?

Tôi trở về California cùng với mớ hành trang cũng như lúc bỏ California ra đi, chiếc xe hình như cũng không mới hơn nhiều so với thời gian năm năm qua. Khi tôi trở về, có nhiều bạn tôi đã sớm ra đi, mà từ đó đến nay, bạn bè bỏ tôi cũng không ít. Ít ra tôi còn viếng thăm được, thắp cho bạn một nén nhang và đưa bạn đi một quãng đường ngắn. Phần tôi, cũng như bạn, tôi đã chọn California là trạm cuối cùng.

Ở đây, chỉ cách quê nhà có một vùng biển thôi, khi chúng ta chưa chọn cho mình một quê nhà Việt Nam thì đành chọn mình một mảnh đất California.

California (dù Nam hay Bắc) vẫn được xem là chốn “gió tanh mưa máu,” thậm chí ở đây bây giờ có đến hai cộng đồng, hai hội chợ, hai tượng Đức Thánh Trần... Tại đây cũng có những cái “nhiều” đáng quý như 20 đài truyền hình, năm đài phát thanh, 20 tờ báo, có tờ phải bỏ tiền mua, nhưng cũng có tờ vứt ở chợ. Hai đặc tính của California là vui và... đông. Năm nào ở đây cũng có múa lân, đốt pháo, đôi khi còn có “bầu cua cá cọp” nữa, xem diễn hành Tết, xong ta lại đi hội chợ Tết.

Sáng nay, sau mấy ngày lạnh lẽo, trời nắng ấm, thấy đời bỗng vui, lòng hạnh phúc, muốn ra phố tìm ăn một bát phở hay uống một ly cà phê nóng, tình cờ được gặp anh chị Đàm Trung Pháp ở Houston, Texas, từ 40 năm nay, vừa mới “dọn về Nam California” được mấy tháng nay. Câu trả lời của cư dân mới của California, khi được hỏi lý do chọn nơi đây, là: “Khí hậu California quá tuyệt!”

Chừng đó thôi, cũng đủ!

Xin cám ơn California!

Tết 2016 ở các miền đất nước

Gian hàng đồ trang trí Tết Nguyên đán trong khu phố cổ của Hà Nội, ngày 6/2/2016.
Gian hàng đồ trang trí Tết Nguyên đán trong khu phố cổ của Hà Nội, ngày 6/2/2016.
Trà Mi kính chào quý vị và các bạn trong chương trình Tạp chí Thanh niên VOA ngày mùng 5 Tết.  Cùng với những lời chúc phúc đầu năm, Tạp chí Thanh niên hôm nay sẽ mang đến quý vị không khí đón xuân Bính Thân 2016 ở một số địa phương cũng như chia sẻ với các bạn ước nguyện trong năm mới của một số bạn trẻ tại các miền đất nước qua cuộc trò chuyện với 4 khách mời từ Sài Gòn, Huế, Nghệ An, và Thái Bình.


Chí, Sài Gòn: Như mọi năm, ở Sài Gòn nhà nước cũng tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ. Năm nay, đại hội đảng vừa xong nên công tác trang trí cũng gắn liền với sự kiện chính trị này. Nói chung, mọi thứ rất tất bật, nhộn nhịp hơn so với năm ngoái.
Trà Mi: Người dân ở đây đón Tết với tâm trạng thế nào đầy đủ sung túc hay có phiền muộn lo âu gì không?
Chí, Sài Gòn: Cũng khá lo âu, bức bối vì có nhiều vấn đề cũ vẫn tồn tại trong khi chính quyền cố tô vẽ cho đẹp hơn. Nói chung có nhiều mảng đối lập lắm.
Trung, Nghệ An: So với mọi năm, ra đường ở đây thấy có nhiều ô tô hơn. Tôi không có điều kiện thấy được nhiều mặt trái.  
Quốc, Huế: Không khí Tết ở Huế năm nay so với mọi năm quá buồn do đời sống kinh tế khó khăn. Bà con làm ăn, buôn bán rất ế ẩm. Nhiều người chưa thoát nghèo được. Tôi có đi nhiều chuyến thiện nguyện thì thấy bà con thật sự quá khó khăn.
Vinh, Thái Bình: Kinh tế Thái Bình chỉ có nông nghiệp. Dân ở đây cũng khó khăn. Tết qua ngày mùng một là phải bắt đầu nghĩ xem ngày mai mình phải làm gì và như thế nào. Cách đón Tết của dân cách biệt với chính quyền. Các chương trình cổ động, tuyên truyền về Tết của chính quyền người dân cảm thấy không thực tế với họ.
Trà Mi: Tết là dịp thể hiện các truyền thống văn hóa nhiều nhất. Tới nay các hoạt động đó được gìn giữ tới mức nào?
Chí, Sài Gòn: Gia đình tôi vẫn cố gắng gìn giữ nguyên truyền thống ông bà truyền lại. Thật buồn khi thấy các chương trình trên TV của nhà nước lại bóp méo hoặc thương mại hóa vấn đề này. Hiện nay người ta cứ tập trung vào chủ đề ‘đảng’ , còn những phong tục truyền thống lịch sử thì hoặc không làm hoặc làm cho có phong trào. Câu khẩu hiệu ‘Mừng đảng, mừng xuân’ không đúng với mong muốn của rất nhiều người. Có đảng là có tiến thân, có cơ cấu, được vô này vô kia. Cái gì cũng bắt nguồn từ đảng. Cái gì tốt là do đảng, cái gì chưa tốt là do mặt trái của cơ chế thị trường, do thế lực này thế lực kia. Đã 40, 50 năm rồi, mình không tự nhận ra vấn đề mà cứ đổ thừa cho thế lực nào khác. Nhân danh ánh sáng, sự tiến bộ, tầm cao gì gì đó để lãnh đạo rồi đổ thừa hậu quả cho thế lực khác. Đó là không nên. Các bản sắc văn hóa Việt dần dần mất. Các hoạt động, sinh hoạt văn hóa đều là thương mại hóa hoặc trá hình, không có gì thực chất.
Trung, Nghệ An: Tết ở đây ngoài không khí truyền thống được giữ gìn trong gia đình, chứ ra ngoài chẳng còn một trò chơi dân gian nào cả. Đến thời điểm lắng đọng nhất là giao thừa thì loa phường tuyên truyền mở lên inh ỏi.
Trà Mi: Người bạn ngoài Bắc có tìm được cho mình những địa điểm vui chơi, giải trí lành mạnh trong ba ngày Tết?
Vinh, Thái Bình: Ngoài Bắc, đầu năm, mọi người thường lễ chùa hay tham quan thắng cảnh. Năm nay mọi sinh hoạt hầu như cũng ít. Chương trình TV hầu như là các talk show và các chương trình ca nhạc, phần lớn tuyên truyền và ‘kể công’.
Trà Mi: Cảm giác an toàn, an ninh trong ngày Tết năm nay thế nào?

Chí, Sài Gòn: Ra đường bây giờ thật sự rất sợ. Giờ đây người ta tìm đến bia rượu rất nhiều, nên ra đường chạy xe cũng rất ẩu. Bây giờ sức mạnh quyền-tiền lấn áp tất cả mọi thứ.
Quốc, Huế: Tuổi trẻ bây giờ không biết trong lòng họ có nét văn hóa, truyền thống thế nào chứ ra đường chỉ biết đua xe, nẹt bô, mở nhạc..

Trà Mi: Tình hình ẩm thực ngày Tết năm nay ra sao?
Chí, Sài Gòn: Năm nay, nhìn chung hàng Trung Quốc bị tẩy chay. Nhưng hàng Thái lại lên ngôi, từ mứt bánh tới quần áo, giày dép, nhưng không biết phải đồ Trung Quốc đội lốt hay không. Đồ cúng thì gọi điện thoại là có dịch vụ lo hết, nói chung là ‘đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng không biết dân tộc nào.’
Trung, Nghệ An: Người dân đã mất niềm tin vào các loại thực phẩm bày bán trên thị trường, thật sự không dám mua gì.
Trà Mi: Còn các sinh hoạt từ thiện hướng tới người nghèo nhân dịp Tết ra sao, giới trẻ quan tâm nhiều không, xã hội đặt nặng vấn đề đó hay không?
Quốc, Huế: Bây giờ người ta sống cho bản thân nhiều hơn là quan tâm đến cộng đồng. Nhiều bạn trẻ ăn chơi phung phí trong khi có nhiều người rất khổ. Nếu các bạn trẻ bớt một buổi nhậu để san sẻ với người nghèo thì tốt biết bao, nhưng sự quan tâm đó hầu như không có.
Chí, Sài Gòn: Tôi tham gia nhiều hoạt động từ thiện. Năm nay, tôi có tham gia một phái đoàn từ thiện xuống trao nhà cho người nghèo ở Tiền Giang. Những người từ thiện quốc doanh họ làm theo phong trào. Tôi làm trong cơ quan nhà nước nhưng không muốn đóng vào các quỹ từ thiện quốc doanh đâu vì không biết nguồn tiền đó sẽ đi về đâu.
Trà Mi: Từ những gì ghi nhận, chia sẻ, các bạn có ước nguyện gì cho năm mới Bính Thân?
Quốc, Huế: Tôi mong năm 2016 đất nước sẽ có thay đổi, sẽ có bước tiến tốt trong quan hệ quốc tế, giảm bớt sự độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản để có thể hòa nhập vào sự phát triển của các nước trên thế giới. Tôi mong sao người dân đỡ khổ và có được những quyền cơ bản của con người. Nếu Việt Nam vẫn giữ độc tài lãnh đạo như thế này thì người dân sẽ còn khổ nữa.
Vinh, Thái Bình: Tôi hy vọng ngày càng có càng nhiều doanh nghiệp tư nhân.
Trung, Nghệ An: Tôi cũng mong đất nước thay đổi và hội nhập, nhất là sau khi tham gia TPP với Mỹ và FTA với Châu Âu. Nhiều người hiện còn quá khổ, không có miếng cơm, manh áo đàng hoàng. Với những người làm cho các cơ quan nước ngoài hay các cơ quan nhà nước, cái khổ không ở vấn đề cơm gạo nhưng khổ ở các mặt điều kiện khác trong xã hội. Mong đất nước thay đổi để người dân bớt khổ.
Chí, Sài Gòn: Ngày nay, các bạn trẻ mình tiếp xúc đã giác ngộ được những gì cách mạng mang lại. Năm nay và những năm sau nữa sẽ là những năm thay đổi rất lớn vì khi các lực lượng trẻ hiểu được những gì đang trải qua, họ sẽ thay đổi nó  theo hướng có lợi cho dân tộc chứ không phải vì một lý tưởng gì đó quá xa vời, không thực tế kéo theo nhiều lỗi lầm mà vẫn cố giữ. Tôi hy vọng các bạn trẻ sẽ đẩy nhanh quá trình đó hơn nữa để lấy lại danh hiệu ‘Hòn Ngọc Viễn Đông’ của Sài Gòn.
Trà Mi: Cảm ơn các bạn đã dành thời gian chia sẻ với chương trình hôm nay. Xin chúc các bạn cùng quý thính giả đài VOA một năm mới nhiều niềm vui, bình an, như ý. Trà Mi rất mong được quý vị đón nhận và chia sẻ những câu chuyện trên Tạp chí Thanh Niên VOA mỗi tuần. 
Tết 2016 ở các miền đất nước

Thuốc độc bán như rau

 Theo Thanh Niên-07:20 AM - 15/02/2016
Thuốc BVTV bày bán trên nền đất ngay gần khu chợ dân sinh xã Tiền Phong, H.Mê Linh - Ảnh: Phan Hậu

Thuốc BVTV bày bán trên nền đất ngay gần khu chợ dân sinh xã Tiền Phong, H.Mê Linh - Ảnh: Phan Hậu

Thuốc bảo vệ thực vật là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp phép. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Thanh Niên ở nhiều khu vực từ TP đến nông thôn, thuốc bảo vệ thực vật (trong đó có cả thuốc cấm) được bày bán tràn lan.

Theo quy định tại Thông tư số 21/2015/TT- BNNPTNT, của Bộ NN-PTNT, cơ sở kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phải có địa chỉ giao dịch cố định, được cơ quan chức năng cấp giấy phép. Thuốc phải có tủ kính bảo quản hoặc trưng bày, khu vực bày bán không nằm trong khu vực có cửa hàng kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện. Người bán thuốc phải đeo găng tay bảo hộ, có sổ ghi chép việc mua bán hằng ngày... Nhưng hiện nay nhiều điểm bán thuốc BVTV nằm xen kẽ trong khu dân cư, chợ dân sinh, ngang nhiên tồn tại.
Bán gần hàng nước, hàng bánh
Tìm mua thuốc diệt cỏ (một loại hóa chất cực độc gây chết người nếu uống phải hoặc tiếp xúc với da), theo chỉ dẫn của một người nông dân, chúng tôi đến chợ chiều xã Kim Nỗ (H.Đông Anh, Hà Nội).
Chợ nằm sâu trong khu dân cư, tại đây có điểm bán thuốc BVTV xen lẫn với nhiều loại phân bón hóa học. Đáng chú ý, điểm bán thuốc BVTV và phân bón này nằm sát khu dân cư và chợ dân sinh. Cách không xa là quầy hàng bán rau, dưa cà và thực phẩm. Chúng tôi đưa tờ giấy nhỏ có ghi đầy đủ tên thuốc cho chủ cửa hàng, sau một lúc lần tìm, chủ quán xách ra vài loại thuốc khác có cùng công dụng diệt cỏ nhưng không đúng với tên thuốc chúng tôi yêu cầu.
Tiếp tục tìm mua thuốc BVTV ở xã Tiền Phong (H.Mê Linh, Vĩnh Phúc), là vùng trọng điểm cung cấp rau xanh, hoa tươi cho thị trường Hà Nội, chúng tôi chứng kiến nhiều loại thuốc BVTV bày bán trên tấm bạt trải trên nền đất, không khác gì hàng rau, cá ở chợ dân sinh này. Cách điểm bán thuốc BVTV không xa là quầy hàng bánh rán, chè và quán nước mía.
Chúng tôi đưa danh sách thuốc cần mua cho chủ hàng là một người phụ nữ tên Q.Chẳng cần đeo găng tay bảo hộ, bà Q. lục tìm trong đống hàng hổ lốn hàng chục loại thuốc khác nhau rồi đưa cho chúng tôi lọ thuốc có tên Kanup 480SL. Chúng tôi thắc mắc thuốc không đúng tên yêu cầu, bà Q. phán ngay: “Thuốc các anh tìm là loại... đểu, chỗ chúng tôi không bán, anh cứ lấy thuốc này đi cũng diệt được cỏ, nhanh mà tốt hơn”. Chúng tôi hỏi thêm thì bà Q. giật ngay ống thuốc trên tay chúng tôi, gắt gỏng: “Không mua thì thôi, hỏi nhiều!”.
Đến các chợ ở vùng quê thuộc H.Lương Tài và H.Gia Bình (Bắc Ninh) chúng tôi dễ dàng mua được các loại thuốc diệt cỏ. Tại các cửa hàng thuốc BVTV, các loại thuốc này được bày bán công khai với giá rất rẻ, chỉ 12.000 đồng/lọ.
Thuốc độc bán như rau - ảnh 1
 Ngang nhiên bán thuốc cấm tại một cửa hàng thuốc BVTV ở xã Nhân Thắng, H.Gia Bình (Bắc Ninh) - Ảnh: Trần Hồ
“Bán chục cân như bọn chị đáng bao nhiêu mà phạt”
Trong vai nông dân cần mua thuốc làm chín hoa quả (một loại thuốc của Trung Quốc bị cấm sử dụng ở VN), chúng tôi tiếp cận và nhờ một nông dân tên Nguyễn Văn H. (ở TT.Văn Giang, Hưng Yên) mua giúp thì muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có. “Các anh là người lạ thì không mua được đâu, chúng tôi ở đây quen mặt rồi, họ mới bán”, anh H. nói.
Tại chợ Vàng, xã Song Phương, H.Hoài Đức, Hà Nội, việc mua loại thuốc này cũng không mấy khó khăn. Ngày đầu tiên khi chúng tôi đến, một bà chủ tiệm nói thẳng: “Thuốc này là thuốc cấm, bọn mày là người lạ, tao không bán đâu”. Tuy nhiên, khi nghe chúng tôi nói muốn mua nhiều, bà này bảo: “Hôm nay hết hàng rồi, muốn mua mai quay lại đây!”. Hôm sau quay lại tiệm này, chỉ cần một hồi hỏi han lai lịch, người đàn ông đồng ý bán thuốc. Thuốc được cất ở nơi khác. Khi có khách, ông mới đi vòng ra phía chợ, đến địa điểm trữ hàng, cho vào túi đen mang về. Khi nghe than vãn mất 2 ngày mới mua được thuốc, ông này cười: “Hết đâu mà hết. Bà ấy không biết thôi, hôm qua tôi mà ở nhà kiểu gì cũng có thuốc!”.
Đến các huyện làm nông nghiệp như Gia Bình, Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh), thì loại thuốc này được mua bán rất công khai. Ở phố Ngụ, xã Nhân Thắng, H.Gia Bình, trong vai người buôn chuối, chúng tôi dễ dàng tiếp cận với chủ quán tên H. và được bà này hướng dẫn chi tiết cách dùng thuốc.
Bà H. khoe: “Cả huyện Lương Tài đến Gia Bình, toàn phải mua ở chỗ tôi hết! Bọn bán hoa quả toàn mua ở đây chứ đâu, nông dân cũng mua ở đây. Có người mua cả chục hộp, dùng cái này thì hết chê nhé! Giấm được tất cả thứ gì gọi là quả, từ đu đủ, mít, chuối... Nếu muốn mua tôi lấy hộ cho, giá lấy về chỉ 2.000 đồng thôi, bán ra là 3.000 đồng/lọ”.
Khi được hỏi về cách sử dụng, bà H. nói: “Đeo bao tay thì đeo, chả đeo thì thôi. Khoảng 5 lọ dùng cho một buồng chuối, hòa ra nước, rồi đổ lên chuối. Trừ cuống ra cho xanh đẹp. Đổ thuốc hôm nay, ngày mai, ngày kia cắt chuối được rồi…”. Theo bà H., thuốc BVTV bán tại đây được đặt mua từ Trung Quốc, theo cửa khẩu Lạng Sơn xuôi về Bắc Ninh. Khi có nhu cầu, bà H. gọi điện, sẽ có xe ôm giao hàng xuống tận nơi.
Điều lạ là, ở nhiều nơi khác chủ cửa hàng còn lén lút bán thì ở H.Lương Tài và H.Gia Bình (Bắc Ninh), người bán không hề lo ngại bị các cơ quan chức năng “sờ gáy”. Chủ một cửa hàng thuộc thôn Thanh Lâm, xã An Thịnh, H.Lương Tài bảo: “Người ta có đến kiểm tra. Nhưng mà phạt phẹt thuốc này phải có nhiều mới bõ, ít chả đáng. Hàng tạ, hàng tấn như hàng công ty mới phạt, chứ có khoảng chục cân như bọn chị thì đáng bao nhiêu mà phạt!”.
Theo ông Trịnh Công Toản, Trưởng phòng Thanh tra, pháp chế, Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), kết quả thanh, kiểm tra cho thấy, tỷ lệ vi phạm trong sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV vẫn ở mức cao. Trong 5.874 đơn vị, doanh nghiệp được thanh, kiểm tra năm 2015, có 913 đơn vị vi phạm. Đặc biệt, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV bị xếp loại C không đủ điều kiện, vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2015 có 1.713/4.794 cơ sở sản xuất, kinh doanh bị xếp loại C, tăng hơn 30% so với năm 2014. Vi phạm nổi cộm nhất vẫn là nhập lậu thuốc BVTV ngoài danh mục, thuốc BVTV bị cấm; sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV giả, nhái nhãn mác không đảm bảo chất lượng.
Có kiểm tra nhưng không thấy
Mặc dù PV Báo Thanh Niên đã ghi nhận có tình trạng bán thuốc cấm tại H.Lương Tài (Bắc Ninh) rất công khai, nhưng Trạm BVTV huyện này khẳng định trong nhiều năm nay chưa phát hiện được trường hợp nào. Ông Đoàn Ngọc Tiến, Trạm trưởng Trạm BVTV của H.Lương Tài nói: “Trong năm 2015, qua 38 lượt kiểm tra, thanh tra đột xuất cũng như kiểm tra thường niên thì trạm mới chỉ nhắc nhở 5 trường hợp buôn bán thuốc BVTV để chung với hàng hóa khác và kho thuốc chưa đảm bảo yêu cầu. Đoàn kiểm tra chưa phát hiện bất kỳ trường hợp nào sử dụng thuốc cấm”.
Lý giải về việc tại sao thuốc BVTV có những loại rất độc hại lại được kinh doanh rộng rãi như vậy, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), cho biết việc hình thành hệ thống cửa hàng đại lý buôn bán thuốc BVTV rộng khắp tại địa phương bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định, nhằm tạo thuận lợi cho bà con nông dân lựa chọn, mua thuốc BVTV khi cần thiết, kịp thời phòng trừ sinh vật gây hại, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Nhưng trên thực tế vẫn còn tình trạng mua bán, sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục, thuốc nhập lậu, thuốc giả và tình trạng lạm dụng thuốc, gây ảnh hưởng đến cây trồng, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
P.Hậu - P.Nga - T.Hồ


Thủ tướng CS Nguyễn Tấn Dũng sẽ dự thượng đỉnh Mỹ-ASEAN

Trọng Nghĩa 
Theo RFI- ngày 14-02-2016 18:58 
media
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh ngày 21/11/2015. Reuters/CSIS
Các lãnh đạo ASEAN vào hôm nay lần lượt lên đường qua California (Hoa Kỳ) tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Sunnylands mở ra trong hai ngày kể từ ngày mai. Đại diện Việt Nam lần này vẫn là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho dù ông sẽ rời chức vụ vào giữa năm nay.
Theo báo chí Việt Nam, tháp tùng theo thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh, cùng hai bộ trưởng Kế Hoạc và Đầu Tư Bùi Quang Vinh, và bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Ngoài các vấn đề liên quan đến quan hệ chung giữa ASEAN và Mỹ vừa được nâng lên hàng đối tác chiến lược vào cuối năm ngoái, báo chí Việt Nam nhấn mạnh đến mục tiêu tăng cường quan hệ song phương Việt-Mỹ được phía Việt Nam nêu lên.
Điểm được giới phân tích chú ý là dù thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là trưởng đoàn, nhưng ông là người sắp rời chức vụ vào giữa năm nay, 2016. Trong phái đoàn Việt Nam, người cao cấp nhất đứng về mặt đảng lại là ngoại trưởng Phạm Bình Minh, vừa được bầu vào Bộ Chính Trị, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam nhân Đại Hội XII vừa qua.
Câu hỏi đặt ra là trong tình hình đó ông Nguyễn Tấn Dũng có thể có những phát biểu hay sáng kiến gì mới hay không. Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học Viện Quốc phòng Úc cho rằng cần phải chú ý xem Việt Nam có những động thái gì tại hội nghị Sunnylands.
Ông giải thích : « Việt Nam đã tương đối im lặng trước việc Trung Quốc triển khai giàn khoan HD 981 tại vùng biển tranh chấp trong năm nay. Các động thái của Việt Nam tại Sunnylands có thể là dấu hiệu cho thấy lập trường của Việt Nam thời tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị gạt ra bên lề ».

Kêu gọi 'ngăn chặn' Trung Quốc ở Biển Đông

Theo BBC-14 tháng 2 2016 

Image copyrightAFP
Image captionTrung Quốc liên tục cải tạo đảo và xây đường băng trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông
Một nhóm có tên SEA Sea United Front vừa gửi thỉnh nguyện thư kêu gọi "ngăn chặn" Trung Quốc trước các hành vi xây đảo nhân tạo và chiếm đóng các đảo trên Biển Đông.
Thư thỉnh nguyện được gửi nhân dịp sắp diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Asean tại Sunnylands, tiểu bang California vào ngày 15 và 16/2/2016.
Tổ chức này gửi thư qua trang web Change.org đến chính quyền Obama, Thượng nghị sĩ John McCain, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Trong nội dung của thư, với bảy nội dung chính, nhóm này yêu cầu Hoa Kỳ "hành động thiết thực hơn" và đòi chính phủ Việt Nam "đưa hồ sơ tranh chấp trên biển Đông" ra Tòa án quốc tế.

Image captionHình ảnh từ vệ tinh cho thấy hoạt động của Trung Quốc trên đảo Quang Hòa làm thay đổi, mở rộng bề mặt đáng kể.

Cải tạo, cơi nới

Một bài trên tạp chí The Diplomat hôm 13/2 cho hay Trung Quốc đang cải tạo và xây căn cứ trực thăng ở quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Bài của tác giả Victor Robert Lee đi kèm nhiều hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hoạt động cải tạo cơi nới đảo cũng được Trung Quốc thực hiện ở Hoàng Sa chứ không chỉ tại Trường Sa.
Khác với Trường Sa là nơi nhiều quốc gia tham gia tranh chấp, quần đảo Hoàng Sa chỉ có hai nước tuyên bố chủ quyền là Trung Quốc và Việt Nam, tuy nằm hoàn toàn dưới kiểm soát của Trung Quốc.
Bài đăng trên The Diplomat hôm thứ Bảy cho hay Trung Quốc dường như đang nạo vét và bồi đắp ở hai vị trí mới trên hai đảo thuộc nhóm An Vĩnh của quần đảo Hoàng Sa, cách căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất của Hoàng Sa chừng 15km về phía bắc-tây bắc.
Hình ảnh từ vệ tinh cũng cho thấy Trung Quốc đang xây một căn cứ trực thăng trên đảo Quang Hòa (Trung Quốc gọi là Sâm Hàng đảo) thuộc nhóm Lưỡi Liềm.
The Diplomat nhận xét rằng dự án này chỉ dấu rằng Bắc Kinh "có thể phát triển một hệ thống căn cứ ở Biển Đông để hỗ trợ trực thăng săn ngầm như loại Z-18F" mà nước này tự sản xuất.

Thẩm phán Jacqueline Nguyễn có tên trong danh sách Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện

RFA 2016-02-14  
maxresdefault.jpg
Thẩm phán Jaqueline Nguyễn được dự đoán có thể trở thành một trong 9 vị thẩm phán tối cáo pháp viện liên bang Mỹ.  Screenshot of Youtube
Mặc dù Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama chưa loan báo danh tánh người được ông chọn thay thế cho ông Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Antonin Scalia mới qua đời hôm thứ Bảy vừa rồi, nhưng đồn đãi ghi nhận được từ thủ đô Hoa Kỳ cho rằng trong danh sách những ứng viên được Tổng Thống cân nhắc, có tên bà thẩm phán Mỹ gốc Việt Jacqueline Nguyễn.
Bà thẩm phán Jacqueline Nguyễn tên thật là Nguyễn Thị Hồng Ngọc, sinh năm 1965 tại Đà Lạt, thân sinh của bà là một sĩ quan cấp tá trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Bà cùng gia đình sang Mỹ tỵ nạn cộng sản năm 1975, tốt nghiệp trường Luật UCLA hồi 1991, làm phụ tá ủy viên công tố liên bang cho tới tháng Tám 2002 khi được ông Thống Đốc bang California chọn làm chánh án tòa thượng thẩm quận hạt Los Angeles.
Bà là phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên giữ chức vụ này.
Đến tháng Bảy 2009, bà được Tổng Thống Obama bổ nhiệm vào chức vụ thẩm phán tòa sơ thẩm liên bang, và được Thượng Viện chuẩn thuận với 97 phiếu ủng hộ.
Hai năm sau đó, vào tháng Mười Một 2011, Tổng Thống Obama lại bổ nhiệm bà vào chức vụ thẩm phán tòa kháng án, tức tòa phúc thẩm liên bang, là định chế tư pháp chỉ dưới Tối Cao Pháp Viện. Bà được Thượng Viện phê chuẩn với 91 phiếu thuận và 3 phiếu chống.
Bà cũng là người người phụ nữ gốc Việt đầu tiên làm thẩm phán tòa sơ thẩm liên bang, và là người phụ nữ gốc Châu Á đầu tiên làm thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang.
Đây không phải lần đầu tiên bà thẩm phán Jaqueline Nguyễn được dự đoán có thể trở thành một trong 9 vị thẩm phán tối cáo pháp viện liên bang Mỹ. Từ năm 2012 đã có tin cho rằng nếu tối cao pháp viện liên bang có chỗ trống, bà sẽ là một trong những người có tên trong danh sách ứng viên để tổng thống Obama cứu xét.

“Phần sân ai nấy đá”

Thiện Tùng-13/02/2015


Theo tâm đồng ý hợp, các lão nghỉ hưu rảnh công rỗi việc gần như hàng ngày tụ tập thành những nhóm rượu, trà, cà phê đàm quốc sự, thế sự…

Tôi có tham dự cuộc trà đàm của nhóm quan chức về hưu, cuộc này các cụ hết bàn chuyện sát thủ Chân dung quyền lực“thăm” Quang Thanh đến bàn về chuyện Đảng. Ngoài nói tới nói lui, đoán già đoán non xung quanh hội nghị 10/khóa 11 vừa qua, đại hội 12 sắp tới của Đảng, các cụ còn “cố vấn” không chính thức cho ông Tô Huy Rứa về nhân sự: ai nên đi nên ở, nên bổ sung ai, v.v. Hết nửa buổi sáng, lão cựu nhà giáo không tham kiến, phải khai khẩu ông mới uể oải buông ra câu:“Chuyện của Đảng là chuyện của đảng viên các anh, tôi là dân, không nên xía vào chuyện nội bộ của đảng cầm quyền”.Trước câu nói đượm mùi trách phận, mang hương vị chua chát của lão giáo, một đảng viên nói với vẻ trách cứ: “Là một trí thức, lại là nhà giáo, anh nói vậy nghe được sao?”. Thế là nội dung cuộc trà đàm chuyển hướng sang cuộc đối thoại thẳng thắn, gay gắt, được xem như “ý đảng, lòng dân” thu hẹp, có ý nghĩa và thú vị hơn. Tôi xin lược ghi:


- Nghe không được thì bỏ ngoài tai – lão giáo cười nói vui.

- Đừng quên, Đảng ta độc quyền lãnh đạo đất nước, tầm “phủ sóng” của nó không chỉ phạm vi Đảng? – lão đảng viên nói.

- Vậy thì trách nhiệm ai nấy làm, “phần sân ai nấy đá” - lão giáo rạch ròi.

- Nghĩa là sao? – lão đảng viên gạn hỏi.

- Các anh là đảng viên của Đảng cầm quyền, phải đi trước để làng nước theo sau, phải thường xuyên đóng góp ý kiến, sức lực còn lại của mình đối với Đảng để tháo gỡ khó khăn cho đất nước, cứ “án binh bất động”, ôm lấy sổ hưu trùm mền rên coi sao được? Là đảng viên của đảng cầm quyền, phải xem việc làm hư nên của Đảng có phần mình trong đó, được quyền tự hào khi nên, phải biết xấu hổ khi hư. Đảng của các anh giành lãnh đạo mọi mặt thì cũng phải chịu trách nhiệm mọi mặt.

- Gọi “Đảng của các anh” nghe sao chói tai, có vẻ bè phái, chia rẽ quá!

- Dân tộc mới chung, Đảng là riêng, thậm chí trong Đảng còn chia bè chia phái nữa kìa. Sinh hoạt Đảng hay hội nghị, đại hội Đảng các anh có rủ hay mời dân đâu? Gọi đảng của các anh dầu hơi khó nghe nhưng sai chỗ nào?! Được rồi, từ giờ phút nầy tôi không gọi đảng của các anh nữa mà gọi Đảng ta trong ngoặc kép (“Đảng ta”) cho dễ nghe, toại lòng nhau hơn, dầu không đúng.

- Thầy vừa nói “Là dân, chuyện của Đảng không xía vào”. Chẳng lẽ là dân rồi vô tích sự với chuyện nước non hay sao?

- Không hẳn thế, về nguyên tắc, là dân, việc của Đảng không có tư cách/quyền xía vào. Phần “sân chơi” của dân là Quốc hội.

- Đảng lãnh đạo tất, dân không dựa vào Đảng mà dựa Quốc hội sẽ làm được gì?!

- Quốc hội là “sân” của dân, không “đá” ở đó đá đâu? Cấm đá ở đó nữa là nghỉ chơi - không chỉ nghỉ chơi với Quốc hội mà nghỉ chơi luôn với “Đảng ta”.

- Là dân, “đá” thế nào ở phần sân Quốc hội nói thử xem?

- Hiến pháp hiện hành (2013), tại điều 69 ghi: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt đông của Nhà nước”. Vậy là, Quốc hội là sân chơi duy nhất, tốt nhất của người dân. Người dân chúng tôi sẽ tham gia trong việc lập quyền, lập hiến, quyết không để “Đảng ta” tiếp tục thao túng Quốc hội nữa, giám sát các mặt, chẳng hạn như: Khi nào bầu cử quốc hội, ứng cử viên là những ai, do ai cử. Quốc hội chọn ai làm chủ tịch nước, lập chính phủ thế nào, ai làm thủ tướng, có tam quyền phân lập hay vẫn giữ tam quyền phân công, v.v. Quốc hội lập Hiến, lập Pháp ra sao, trong đó có những điều khoản gì, có do dân phúc quyết không, v.v.

- Gớm thật! Nếu Đảng không cho phép dân làm như vậy, dân tính sao?

- Nếu Đảng cấm dân lập quyền, lập hiến là Đảng vi phạm Hiến pháp hiện hành do chính Đảng dựng nên. Nói và làm không đi đôi thì “đấu”, chớ chẳng lẽ chịu khổ mãi dưới thể chế độc tài toàn trị của “Đảng ta” sao?! Đấu về tổ chức thực hiện Hiến pháp không chưa đủ, còn phải bám lấy cơ chề chính trị hiện hành cũng do “Đảng ta” đề ra: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm chủ” đấu tiếp. Phải dùng lý lẽ phân rõ vai vế được cấu trúc trong cơ chế ấy: Dân làm chủ thì cũng có nghĩa Đảng và Nhà nước dưới quyền nó – nói không nghe, làm không nên chủ có quyền đuổi việc hay giải tán. Lập quyền, lập hiến là quyền của chủ (dân). Cũng theo cơ chế chính trị này, từ lâu, “Đảng ta” buộc dân giao cho mình quyềnlãnh đạo Nhà nước và Xã hội, thì với quyền làm chủ của mình, dân có quyền buộc Đảng tôn trọng quyền của dân trong việc lập Quyền và lập Hiến (Quốc hội và Hiến Pháp) – Có nghĩa lãnh đạo (Đảng) phải cùng với chủ (Dân) lập ra bộ máy Nhà nước thay cho mình quản lý mọi mặt đời sống xã hội. Mọi việc phải bắt đầu từ khâu lập Quốc hội, theo thể thức dân chọn dân bầu. Vì rằng, nếu đại biểu đảng do đảng viên chọn, thì đại biểu dân phải do các tầng lớp dân chọn mới hợp lẽ đời – dân nhất quyết yêu cầu “Đảng ta” phải tôn trọng tất yếu nầyĐây là giải pháp tối ưu có thể dung hòa giữa 2 phái độc tài bảo thủ và dân chủ đa nguyên đang tranh luận gay gắt với nhau.

Thấy một vị trong số ngữa tay xem đồng hồ, nhìn mọi người, ông giáo cười nói tiếp: “Do các anh cạy miệng, tôi moi hết “ruột gan” trình ra. Có gì không phải xin bỏ qua cho”.

Đã trưa rồi, nghỉ…! Thế là đứt buổi sáng – một đảng viên nói:

“Càng bàn càng sáng ra, cuộc trao đổi qua lại của chúng ta hôm nay không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang, quả là không lãng phí. Xin cám ơn anh giáo có những ý kiến thật dạ, chân thành với chúng tôi. Người đời nói không sai ‘người ngoài cuộc thoáng và sáng hơn”.

12/02/2015
T.T.
Tác giả gửi BVN