Monday, April 8, 2019

Con phải tự đứng lên

Hồi mới sinh bé Đậu, gia đình chúng tôi có may mắn khi quyết định sinh cháu ở bệnh viện Việt Pháp. Không phải chỉ có chuyện lúc sinh, vợ chồng tôi phải đi học một lớp tiền sản. Đây là một khoá học gồm 5 buổi, ở đó bố mẹ được dạy từ đầu đủ thứ liên quan đến đứa trẻ đang hình thành. Họ dạy từ dinh dưỡng và chăm sóc cho bà bầu ra sao, tạo môi trường chăm sóc bé sau khi sinh thế nào, và nhất là cách giao tiếp đối thoại với trẻ từ khi còn nhỏ.
Tôi nhớ mãi chuyện cô hộ lý ở đó dạy rằng, trẻ em ngay từ lúc đẻ ra, thậm chí chưa mở mắt đã biết vòi vĩnh. Một đứa trẻ đang khóc, tất nhiên là sẽ phải chú ý đến nó, nhưng đừng lao vào dỗ hay bế ngay mà phải quan sát xem nó có bị khó chịu ở đâu. Đừng đáp ứng trẻ nhỏ ngay lập tức mọi yêu cầu của nó mà phải nhớ nguyên tắc 60/40. Chỉ đáp ứng 60% các đòi hỏi của trẻ. Đứa trẻ ngay từ một hai ngày tuổi không được chiều nó. Ngay từ lúc đó mà cứ ôm ấp ru bế suốt ngày thì nó sẽ không bao giờ rời bố mẹ để ăn ngủ sinh hoạt một mình và tự lớn lên được. Ơn trời, đó là những điều vô cùng đúng đắn mà chúng tôi được chỉ bảo. Bé Đậu lớn lên một cách mạnh mẽ và có tính cách rất độc lập, tự chủ. Chúng tôi đã từng phải nhiều lần nghiêm mặt để ngăn ông bà đỡ nó dậy mỗi khi ngã. Chơi bị ngã là phải tự đứng dậy, đấy là một trong những điều nhỏ nhặt trong muôn vàn điều khác mà chúng tôi áp dụng từ khi Đậu mới lọt lòng.
Tôi phải bộc bạch chuyện bé Đậu ngày hôm nay bởi như các bạn đã biết, là vừa rồi nhân chuyện Nguyễn Hữu Linh ấu dâm đã nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt liên quan đến cô Đỗ Anh Thư. Cô Thư là một người mẹ có con nhỏ, và hình như đang sắp sinh thêm đứa nữa. Khi vụ ấu dâm nổ ra và có thông tin gia đình nạn nhân đã hoà giải với thủ phạm, cô Thư đã lên Facebook bầy tỏ quan điểm rằng: “Nếu con mình bị dâm ô, đặc biệt khi thủ phạm là một quan chức cao cấp, mình cũng không kiện”. Lý giải cho quan điểm này, cô Thư cho rằng đừng tin vào luật pháp Việt Nam, đừng tin vào trình độ cán bộ điều tra vì họ có thể gây thương tổn cho trẻ nhỏ, hãy xem trường hợp Nguyễn Khắc Thuỷ – Vũng Tàu đó, mẹ cháu bé đã phải cách ly con bằng cách ra nước ngoài sống… Chốt lại status này cô Thư nói rằng: “Nếu các vị muốn thay đổi luật pháp, các vị hãy tự làm, và hãy hiểu rằng đó là một chặng đường đằng đẵng gian truân. Cho nên đừng lôi một đứa trẻ còn chưa hết kinh hãi để làm công cụ cho các vị, mà hỏng cả cuộc đời con bé”.
Gạt bỏ qua chuyện quan niệm thế nào là phản động, là chống phá nhà nước… của cô Đỗ Anh Thư, chuyện đấy sẽ còn tranh cãi nhiều, tôi muốn nói về chuyện nuôi dạy và bảo vệ con. Tất nhiên cô Thư và gia đình có thể có quan điểm riêng của mình trong việc bao bọc và bảo vệ đứa trẻ, nhưng tôi thì không nghĩ như cô. Tôi không chỉ nghĩ mà đã làm như vậy với bé Đậu từ lúc lọt lòng. Không chỉ chuyện ăn uống sinh hoạt của Đậu, chúng tôi đã cho nó đi biểu tình cây xanh từ năm 2015, lúc mới hơn 1 tuổi khi còn đi chưa vững. Một đứa trẻ non tơ mà bế nó đi 2 vòng Bờ Hồ giữa trời nắng nóng tháng 5, trong tiếng hô hào của một đám đông khổng lồ, có lẽ không phải là điều bố mẹ nào dám làm.Status này được khoảng 5 ngàn người vào like và chia sẻ, nhưng chưa phải xong chuyện. Một luồng dư luận khác còn kinh khủng hơn bùng lên phản đối ý kiến này của cô Đỗ Anh Thư, nhất là sau khi cô Thư khoá status đầu tiên và đăng status thứ hai bảo rằng: “Tôi vừa chuyển chế độ cho bài viết của tôi, do có nhiều kẻ sử dụng bài viết đấy vì mục đích chính trị. Những kẻ chống phá nhà nước: không phải là đối tượng tôi muốn đối thoại”. Không chỉ có chuyện người ta moi móc ra đời tư của cô Thư thế nào, bố làm tướng công an ra sao, mà chính bà mẹ cô bé trong vụ ấu dâm ở Vũng Tàu cũng lên sóng phản bác quan điểm của cô Đỗ Anh Thư.
Nhưng chúng tôi đã làm như vậy. Và không chỉ có vậy Đậu còn tham gia nhiều trận biểu tình Formosa khốc liệt, còn chứng kiến màn khủng bố liên miên của đám côn đồ, bò đỏ với bố mẹ nó, từ trường học của nó đến nhà riêng. Chúng tôi có yêu con không? Có chứ! Nhưng tại sao chúng tôi lại làm và để Đậu đối mặt với những chuyện kinh khủng như vậy? Đó là vì chúng tôi quan niệm rằng, dậy dỗ và bao bọc đứa trẻ trước hiểm nguy là điều ngu ngốc. Trẻ con sinh ra trên đời ai mà chẳng yêu thương. Nhưng rồi bố mẹ sẽ chết đi và đứa trẻ trước sau gì rồi cũng phải tự sống nốt phần đời của nó. Cuộc đời này rất tiếc lại không bằng phẳng và không hề bình yên. Vậy thì, thay vì nuôi nhốt đứa trẻ trong lồng kính, cách ly nhận thức của nó với các vấn đề của xã hội, chúng tôi cho Đậu tham gia mọi chuyện mà chúng tôi đang làm, tất nhiên là với tinh thần cảnh giác và sự trợ giúp để nó không gặp chuyện quá nguy hiểm.
Hãy thử tưởng tượng một chuyện như thế này. Bạn đang đi cùng gia đình trên một con tàu. Nó bị thủng đáy. Bạn đã cố hết sức để tát nước ra mà chưa có gì khả quan lắm. Bạn sắp kiệt sức và có thể chết bất cứ lúc nào. Những chiếc tàu cứu hộ thì chưa thấy tăm hơi đâu. Vậy thì trong lúc hiểm nguy đó, bạn sẽ vẫn giấu đứa trẻ mọi chuyện chứ? Hay là bạn sẽ cần phải cho nó đối mặt với thực tế, cho nó chuẩn bị tinh thần để đối mặt, để vượt thoát, và để sống đến ngày mai? Đây chỉ là một giả thiết tôi đặt ra để các bạn dễ hình dung câu chuyện. Nhưng thực tế thì, hãy nhìn vào lịch sử. Có rất nhiều gia đình đã phải vào trại tập trung của Đức quốc xã, hay của Polpot. Lúc đó nếu là bạn, bạn sẽ nói với con mình như thế nào? Nhắn nhủ với nó những điều cần thiết để tồn tại, hay tiếp tục che chở và làm mù các giác quan của nó bằng những lời giả dối màu hồng?
Xã hội chúng ta đang ở một khúc quanh đầy rối ren. Một đứa trẻ không chỉ có nguy cơ bị xâm hại tình dục mà còn phải đối mặt với nhiều chuyện khác như thực phẩm bẩn, vacxin kém chất lượng, bạo lực học đường, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường. Chính vì lẽ đó chúng tôi quan niệm là phải dạy cho Đậu biết sẵn sàng đối mặt với những hiểm nguy chứ không phải là bỏ chạy. Ai cũng chạy hết thì đất nước này sẽ đi về đâu?
Và cuối cùng, tôi muốn nói thế này. Chuyện nuôi dạy và bảo vệ trẻ con thế nào là quan điểm của mỗi gia đình. Nhưng tội lên mạng dám chửi người khác phản động là cái tội nặng nhất, thiên hạ sẽ không dễ bỏ qua cô Đỗ Anh Thư ạ./.

Tâm bệnh là nguyên nhân của mọi nguyên nhân



Không một nhà nào bẩn bằng nhà mà chính chủ nhà xem nó là bãi rác. Đất nước Việt Nam nơi nào ghi bản “cấm đổ rác” thì nơi đó là chứa đầy rác rến vứt bừa bãi. Bởi vì sao? Bởi vì trong đầu người dân họ đâu có xem nơi “cấm đổ rác” là chỗ phải giữ gìn vệ sinh mà họ xem đó nơi đó là chỗ vứt rác.
Không việc gì thành công nếu trong đầu con người đã chứa tư tưởng thất bại, và nguy hiểm hơn là buông xuôi cho thất bại ngự trị như là sự hiển nhiên. Đấy là tình trạng đáng buồn đang ngự trị trong suy nghĩ người Việt. Loại suy nghĩ này nó rải khắp từ giới có học đến giới bình dân, nó tạo thành một dân tộc ù lì không có chí tiến thủ.
Trong quốc gia 100 triệu dân, chừng vài ngàn người lên tiếng cho bất công thì làm sao xã hội có công bằng? Một tên dâm ô với phụ nữ trong thang máy, chính quyền phạt tên này 200 ngàn nhưng dân chỉ bàn tán không hành động để đòi pháp luật thực thi thì chính quyền đâu có dại gì nó thực thi pháp luật? Cho nên đất nước này như một bãi rác. Tên này dâm ô thì phạt 200 ngàn thì tên khác thấy cái giá quá rẻ nên hết chỗ này đến chỗ khác, kẻ phạm tội thi nhau dâm ô. Pháp luật được ví như cây chổi, những trò dung túng cho bọn tội phạm là thứ rác rến độc hại. Khi xã hội này rác rưởi xả ra đầy nhà, nhưng chính quyền – kẻ đang nắm cây chổi ấy không chịu quét, thì rõ ràng chính quyền đã xem đất nước Việt Nam là bãi rác rồi còn gì?
Trên báo Thủy Sản Việt Nam ngày 08/05/2015 có đăng bài “Số tôm xuất khẩu bị trả về tăng đột biến”. trong bài báo này cho biết thị trường EU và Nhật Bản đã test mẫu tôm Việt Nam dính những thứ chất cấm nên họ trả về. Lượng trả về vô cùng lớn, bằng 40% lượng tôm xuất khẩu cả năm trước đó. Thế nhưng lượng tôm này về nước sẽ xử lý như thế nào không hề nghe thấy một tờ báo nào nói. Khi đó, bạn tôi một người làm trong ngành chế biến thủy sản xuất khẩu đã giải quyết thắc mắc của tôi rằng, có chỉ đạo đưa số hàng này về tiêu thụ ở hệ thống siêu thị tại Việt Nam.
Không biết những lời nói của bạn tôi thực hư như thế nào, nhưng khi chính quyền đã giúp Masan năm lần bảy lượt ra tay với những doanh nghiệp nước mắm truyền thống giúp loại chai nước hóa chất giống nước mắm được ưu ái độc chiếm thị trường Việt Nam, thì lời nói của ông bạn ấy, tôi nghĩ là có cơ sở. Hôm nay trên báo lại xuất hiện tin 18.000 chai tương ớt Chin Su của Masan bị Nhật Bản thu hồi vì vướng vào vấn đề hóa chất. Chắc chắn với phết như thế này thì sản phẩm của Masan khó lòng trụ lại thị trường Nhật Bản. Vậy lượng hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật sẽ được Masan hủy chắc? Tôi nghĩ không bao giờ, vì Masan đang có một chính quyền bất nhân đang hậu thuẫn mình ở Việt Nam. Nhật chê thì mang về đổ vào mồm dân Việt thôi, chuyện đó đơn giản.
Vấn đề là trên báo chí, Masan không ngần ngại thông báo rằng “lô tương ớt chin Su là lô hàng dành riêng cho thị trường Việt Nam”. Tại sao Masan không ngần ngại vênh mặt thách thức nhân dân Việt Nam. Thì ra những nhà viết ra tiêu chuẩn đã viết sẵn rồi, những thứ nước ngoài cấm thì Việt Nam cho phép và bằng tiêu chuẩn của nhà nước hẳn hoi. Vậy rõ ràng là, chính quyền xem 100 triệu cái miệng của nhân dân là sọt rác muốn vứt gì vào trong đó là vứt, bất chấp sức khỏe của giống nòi.
Như vậy qua đây ta thấy gì? Việt Nam đang là một bãi rác. Chính quyền xem nó là đống rác muốn vứt gì cũng được, doanh nghiệp sân sau thì cũng xem 100 triệu bao tử là 100 triệu bọc rác muốn rót gì vào đấy cũng được. Thứ gì thế giới không xài được thì bọn này mang về vứt vào đấy. Hay như kế Việt Nam, Trung Cộng đang muốn vứt hàng loạt công nghệ lạc hậu nhưng không có chỗ vứt, chính quyền CSVN rước vô số những thứ rác ấy về Việt Nam.
Việt Nam hiện nay, xét về khía cạnh nào cũng là bãi rác. Về chính trị cũng là bãi rác, về kinh tế cũng là bãi rác, về môi trường cũng là bãi rác, về giáo dục thì cũng là bãi rác, về công nghệ cũng là bãi rác. Một chủ nhà, không bao giờ muốn kẻ khác vứt rác vào nhà mình. Nếu có ai vứt, mình phải lên tiếng và ngăn chặn. Như vậy, nhân dân Việt Nam họ đang nghĩ gì? Họ không hề nghĩ rằng họ là chủ đất nước này nên chấp nhận tất tần tật mọi thứ rác vứt vào đấy. Biết rằng vẫn có một lượng người nhất định lên tiếng cho đất nước này trong tâm thế của người chủ, nhưng số này rất ít không đủ bù đắp cho đa số đang chứa một tâm thức kẻ ở nhờ. Một khi nhân dân từ chối làm chủ đất nước mình, tự xem mình là kẻ ở nhờ, kẻ tá túc, hay tệ hơn xem mình là nộ lệ cho kẻ nắm quyền, thì đất nước này có tồn tại vững bền được không? Khó lắm!
Căn bệnh khó trị nhất của dân tộc này không phải là ung thư, không phải là xã hội bất an, không phải là giáo dục thối nát, không phải là môi trường ngày một ô nhiễm, không phải là nguy cơ hán hóa. Đấy chỉ là triệu chứng của căn bệnh chứ không phải là nguyên nhân căn bệnh. Nguyên nhân gốc là tâm bệnh của người dân Việt Nam. Chính họ không xem họ là những kẻ làm chủ đất nước./.

Gian lận thi cử, 2 Phó giám đốc Sở Giáo Dục Hà Giang bị khởi tố

Hai nghi can Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang: ông Phạm Văn Khuông (trái) và bà Triệu Thị Chính. (Hình: hagiang.edu.vn)
HÀ GIANG, Việt Nam (NV) – Công an tỉnh Hà Giang vừa quyết định khởi tố thêm 3 nghi can liên quan đến vụ gian lận thi cử trong kì thi THPT quốc gia 2018 mà một số thí sinh thi điểm rất thấp được nâng điểm để vào các trường đại học của công an và quân đội.
Báo Vietnamnet dẫn lời Đại tá Lê Văn Canh, đại diện công an tỉnh Hà Giang, cho biết 3 nghi can bị khởi tố bao gồm:

“Bà Triệu Thị Chính, sinh năm 1968, Phó giám đốc Sở Giáo Dục Đào Tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Giang, Phó chủ tịch Hội đồng, Trưởng ban chấm thi của Hội đồng thi Trung Học Phổ Thông quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang. Là người trực tiếp điều hành Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, bà Chính bị khởi tố vì lợi dụng, chức vụ quyền hạn để trục lợi, gây ảnh hưởng người khác.
Ông Phạm Văn Khuông, sinh năm 1959, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang bị khởi tố vì lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Bà Lê Thị Dung, sinh năm 1969, Phó đội trưởng Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ công an tỉnh Hà Giang vì lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Điểm thật và điểm giả của các thí sinh sau khi được nâng điểm. (Hình: Facebook)
Trong kì thi THPT quốc gia 2018, một vụ gian lận thi cử lớn chưa từng có bị phơi bày ở tỉnh Hà Giang trong đó hơn 330 bài thi của 114 thí sinh được chỉnh sửa điểm.
Có những bài thi được cho thêm tới 8.75 điểm và có những thí sinh được nâng điểm thêm gần 30 điểm so với kết quả chấm thẩm định, theo Vietnamnet.
Trong số 114 thí sinh được nâng điểm thì có nhiều người là con em của các lãnh đạo của tỉnh Hà Giang. (C. T)

Cá chết lẫn trong rác thải dạt vào bờ Hồ Tây, bốc mùi hôi thối

Xác baba chết dạt vào bờ Hồ Tây. (Hình: VnExpress)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Sáng hôm Thứ Hai, 8 Tháng Tư nhiều người dân sống ở khu vực xung quanh Hồ Tây phát hiện nhiều xác cá chết, baba chết cùng với rác thải trôi dạt vào ven bờ Hồ Tây.
Báo Tiền Phong dẫn lời ban quản lý khu vực này cho biết họ đã cho người đi vớt và làm sạch nơi này.
Theo ban quản lý nguyên nhân cá chết là do thời tiết thay đổi. Tuy nhiên, có dư luận cho rằng cá chết có thể là do nước trong hồ bị ô nhiễm. Các loại cá dạt vào bờ chủ yếu là cá chép, rô phi, cá trê…
Hồ Tây là một hồ nước tự nhiên lớn nhất ở thủ đô Hà Nội với chu vi khoảng 14.8 km và diện tích hơn 500 ha. Hồ này nằm về phía Tây Bắc của trung tâm Hà Nội.
Cá chết thuộc nhiều loại như cá chép, rô phi, cá trê và nhiều kích cỡ to nhỏ. (Hình: VnExpress)
Trong khi đó có dư luận cho rằng lý do cá chết là do nước trong hồ bị ô nhiễm. (Hình: VnExpress)
Ban quản lý khu vực này cho rằng có nhiều cá chết như vậy là do thời tiết thay đổi. (Hình: VnExpress)
Trước đây vào năm 2016, cũng từng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt ở Hồ Tây, số lượng lên tới 200 tấn. Trong đó có cả các loại cá to cỡ 3, 4kg. Lúc đó sau khi kiểm tra mẫu nước, giới chức Hà Nội cho biết nguyên nhân là do mặt nước hồ không có oxy. (C.T)

Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ tới Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam

Tháng Năm, 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lổ Hải Dương 981 vào “Vùng đặc quyền kinh tế” của Việt Nam gây nên sự phẫn nộ trong dân chúng Việt Nam, nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nổ ra sau đó ở Hà Nội và Sài Gòn cùng một số “chạm trán” giữa lực lượng Cảnh Sát Biển của Việt Nam và Trung Quốc. (Hình: Getty Images)
QUẢNG CHÂU, Trung Quốc (NV) – Trung Quốc loan báo đưa giàn khoan nước sâu khổng lồ lớn thứ nhì của họ để dò tìm dầu khí trong vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, theo bản tin của Tân Hoa Xã hôm Chủ Nhật.
Giàn khoan có tên là “Dongfang 13-2 CEPB” do tổ hợp liên doanh Zhuhai COOEC (China’s Offshore Oil Engineering Company) và Fluor Heavy Industries Co. Ltd., đóng mới, được Tân Hoa Xã quảng cáo là nặng 17,247 tấn, tương đương với sức nặng của 10,000 chiếc xe hơi và diện tích bề mặt tương tự như một sân đá bóng.
Nguồn tin trên nói giàn khoan “Dongfang 13-2 CEPB” được đưa tới khu vực bồn trũng Yinggehai (Oanh Ca Hải) từ ngày Thứ Tư tới đây để dò tìm dầu khí. Sau khi chuẩn bị xong, nó dự trù bắt đầu hoạt động từ Tháng Sáu.
Yinggehai (Oanh Ca Hải – cũng là tên một thành phố bờ biển phía Tây của tỉnh đảo Hải Nam, Trung Quốc) là khu vực bồn trũng có tiềm năng nhiều dầu khí nằm khoảng giữa đảo Hải Nam và bờ biển Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ. Việt Nam gọi là bồn trũng Sông Hồng, dựa trên các nghiên cứu khoa học về cấu tạo địa tầng của khu vực.
Bản đồ bồn trũng Sông Hồng mà Trung Quốc gọi là Yinggehai (Oanh Ca Hải) nằm giữa đảo Hải Nam và bờ biển Việt Nam trong Vịnh Bắc Việt. (Hình: Journal of Natural Gas Geoscience)
Hiện chưa biết Bắc Kinh sẽ cho đặt giàn khoan nói trên tại địa điểm nào và cũng chưa thấy Hà Nội có phản ứng gì.
Từ đầu Tháng Năm đến giữa Tháng Bảy, 2014, Việt Nam đưa một số tàu cảnh sát biển tới ngăn cản giàn khoan nước sâu Hải Dương 891 Bắc Kinh đưa tới dò tìm dầu khí ở phía nam quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền và cũng nằm trong phạm vi đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Việc Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 891 đã làm người dân tại Việt Nam biểu tình tại nhiều địa phương với các vụ biểu tình bạo động xảy ra ở khu kỹ nghệ Bình Dương và Sài Gòn, gây khá nhiều thiệt hại cho các công ty Trung Quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Trung Quốc thường xuyên ngăn chặn của vụ dò tìm dầu khí của Việt Nam, lấy cớ các nơi đó nằm bên trong phạm vi “chủ quyền” của Trung Quốc mà họ ngang ngược tuyên bố theo các vạch nối lại như hình “Lưỡi Bò” chiếm hơn 80% Biển Đông. Nhiều khu vực cái vạch “Lưỡi Bò” đó liếm sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo Luật Biển Quốc Tế (UNCLOS) mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là các thành viên công nhận.
Tàu Cảnh Sát Biển Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc chận đường khi hai bên đối đầu ở phía nam quần đảo Hoàng Sa ngày 1 Tháng Sáu, 2014, khi Trung Quốc tới dò tìm dầu khí ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. (Hình: STR/AFP/Getty Images)
Hồi Tháng Ba năm ngoái, Hà Nội đã buộc phải bỏ ngang cuộc dò tìm dầu khí đã ký với công ty Rapsol tại dự án Cá Rổng Đỏ ngoài khơi biển Đông tại Lô số 07/03, thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn, cách bờ biển Vũng Tàu 440 km. Bắc Kinh đe dọa nếu Hà Nội không dừng lại, họ sẽ xua quân đánh chiếm các đảo của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
Một năm trước khi ép Hà Nội bỏ khai thác dự án Cá Rồng Đỏ, Bắc Kinh đã gọi thầu quốc tế cho 22 dự án dò tìm dầu khí trên Biển Đông.
Hồi năm 2012, hãng thông tấn Reuters đưa tin Vương Nghi Lâm – Chủ tịch của Công Ty Dầu Khí Quốc Gia Trung Quốc (CNOOC) đã báo cáo về mỏ khí đốt tại thuộc bồn trầm tích Sông Hồng (vịnh Bắc Bộ ) có trữ lượng “rất lớn.”
Bồn trũng Sông Hồng mà Trung Quốc gọi là Oanh Ca Hải nằm giữa vịnh Bắc Bộ, đối diện huyện Lạc Đông, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, và đối diện với đảo Cồn Cỏ Việt Nam (tính theo điểm phân định số 21). Ngày 18 Tháng Mười, 2012, báo chí Trung Quốc đã đưa tin CNOOC bắt đầu khai thác 2 giếng dầu Vi Châu 11-2, Vi Châu 6-9/6-10 thuộc Vịnh Bắc Bộ. (TN)

Tàu kiểm ngư Việt Nam ‘đẩy đuổi’ 2 tàu đánh cá Trung Quốc

Tàu cá treo cờ Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp bị tàu kiểm ngư Việt Nam “đẩy đuổi.” (Hình: VNExpress/Kiểm ngư Vùng 1 Việt Nam)
HÀ NỘI (NV) – Hai tàu đánh cá Trung Quốc đã bị tàu kiểm ngư của Việt Nam “đẩy đuổi” ở khu vực Tây Bắc đảo Bạch Long Vỹ trong vịnh Bắc Bộ, theo bản tin của VNExpress hôm Thứ Hai.
Bản tin của VNExpress, kèm theo hình ảnh và video clip, thuật lời ông Võ Khôi Thành, phó chi cục trưởng kiểm ngư Vùng 1 Việt Nam cho biết, đơn vị của ông “vừa đẩy đuổi nhiều tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép trong vùng biển phía Tây Bắc đảo Bạch Long Vỹ.”
Đảo Bạch Long Vỹ là một huyện đảo nhỏ của Việt Nam trực thuộc thành phố Hải Phòng. Đây là đảo xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ, nằm ở khoảng giữa vịnh, cách hòn Dáu (Hải Phòng) 110 km, cách đảo Hạ Mai (Vân Đồn, Quảng Ninh) 70 km và cách mũi Đại Giác trên đảo Hải Nam (Trung Quốc) 130 km, theo tài liệu Wikipedia. Đảo nằm trên một trong tám ngư trường lớn của vịnh, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh-quốc phòng biển của Việt Nam ở vịnh Bắc Bộ cũng như trong phân định vịnh Bắc Bộ. Trên các bản đồ của Anh và một số của Pháp thì đảo này có tên là Nightingale.
Bản tin của VNExpress cho hay: “Khoảng 10 giờ 30 ngày 7 Tháng Tư, lực lượng kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ chấp pháp tại vùng biển Bắc Bộ phát hiện tình trạng trên, lập tức 2 tàu kiểm ngư số hiệu KN-106 và KN-108 hướng tới vị trí các tàu cá đang đánh bắt trái phép. Thấy tàu của lực lượng chức năng Việt Nam sắp đến gần, các tàu cá này vội vàng tháo chạy về phía vùng biển Trung Quốc. Tuy nhiên, hai tàu vỏ thép cỡ lớn, treo cờ Trung Quốc, bịt số hiệu trên thân tàu đã chặt lưới vứt lại rồi chạy lòng vòng tránh sự truy đuổi.”
VNExpress thuật lại tiếp rằng: “Lúc này, tàu kiểm ngư Việt Nam buộc phải tăng tốc, khép gọng kìm, phun vòi rồng để đẩy đuổi hai tàu cá treo cờ Trung Quốc. Trong quá trình này, các kiểm ngư viên đã phát loa yêu cầu tàu cá nước ngoài không được đánh cá trái phép trong vùng biển Việt Nam.”
Nguồn tin còn thuật lời “Lãnh đạo chi cục kiểm ngư Vùng 1” cho biết, thời gian gần đây, các tàu cá vỏ thép nước ngoài trong đó nhiều tàu treo cờ Trung Quốc có kích thước to ngang tàu kiểm ngư đã lợi dụng thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế, liên tục xâm phạm vùng biển Việt Nam để đánh bắt trái phép.
Ngày 31 Tháng Ba, 2019 vừa qua có một cuộc “hội thảo khoa học” về “Đánh giá 15 năm thực thi Hiệp Ðịnh Hợp Tác Nghề Cá trên vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc” tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với sự tham dự của quan chức hai nước.
Theo tường thuật của tờ Thanh Niên, phía Việt Nam phàn nàn “tàu cá Trung Quốc hoạt động với nhiều vi phạm” như “tàu cá Trung Quốc được cấp giấy phép đánh bắt trong vùng dàn xếp quá độ nhưng lại sử dụng vào mục đích buôn lậu, vận chuyển dầu tạm nhập tái xuất từ cảng Vạn Gia (Quảng Ninh) đi Trung Quốc hoặc bán lẻ xăng dầu trên vùng biển Việt Nam, làm phức tạp về an ninh trật tự trên biển. Ngoài ra, một bộ phận tàu cá Trung Quốc có công suất lớn, làm nghề lưới kéo đáy khai thác trong vùng đánh cá chung lấn át ngư trường của ngư dân Việt Nam, nhiều lúc kéo lưới của ngư dân Việt Nam, gây bất bình dẫn đến tranh chấp, xung đột…”
Nhà cầm quyền CSVN ký Hiệp Ðịnh Hợp Tác Nghề Cá trên vịnh Bắc bộ với Trung Quốc ngày 25 Tháng Mười Hai, 2000, có hiệu lực từ ngày 30 Tháng Sáu, 2004. Thời hạn hiệu lực của hiệp định là 12 năm và 3 năm mặc nhiên gia hạn giá trị pháp lý ở cấp chính phủ phê duyệt. Theo thỏa thuận trong hiệp định, hai bên thiết lập một vùng đánh cá chung rộng 33.500 km2 có phạm vi từ vĩ tuyến 20 trở xuống đến đường đóng cửa vịnh Bắc bộ, cách đường phân định 30.5 hải lý về mỗi phía.
Nhiều hơn một lần, người ta từng đọc thấy những bản tin nói hàng đoàn tàu đánh cá công suất lớn của Trung Quốc xâm nhập sâu vào vùng biển Việt Nam để khai thác thủy sản bất hợp pháp trong sự bất lực của “các cơ quan chấp pháp” Việt Nam.
Người ta chỉ thấy tin tức báo chí trong nước tường thuật các vụ “đẩy đuổi” tàu đánh cá Trung Quốc, không hề thấy có một vụ bắt giữ, phạt vạ nào. Trong khi đó, hàng năm đều thấy những vụ tàu hải giám, hải cảnh Trung Quốc bắt giữ, đánh đập ngư dân Việt Nam và tịch thu từ ngư cụ, hải bàn, nhiên liệu, hải sản. Thậm chí, không ít vụ đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam.
Khác với sự hung bạo của các tàu hải giám, hải cảnh Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, ở phía Nam, hàng chục, thậm chí hàng trăm tàu đánh cá của Việt Nam đã bị các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia bắt giữ, ngư dân bị bỏ tù và tàu thì bị tịch thu. Indonesia mấy năm gần đây còn gài chất nổ rồi bắn chìm hàng chục tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. (TN)

Buôn bán, sử dụng ma túy tại Việt Nam ngày càng trầm trọng

Các con nghiện tại tỉnh Hưng Yên bị dẫn giải về trụ sở công an. (Hình: VietNamNet)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hàng loạt người sử dụng ma túy tập thể bị bắt giữ cuối tuần qua ở nhiều địa phương tại Việt Nam vào lúc có những cuộc bắt giữ những vụ chuyển vận ma túy với số lượng rất lớn.
Theo tin của một sô báo điện tử, khoảng 3 giờ sáng ngày Chủ Nhật, 7 Tháng Tư, 2019, công an tỉnh Hưng Yên kiểm tra và phát hiện tại quán karaoke Xmen, thôn Hồng Thái, xã Đông Kết, huyện Khoái Châu “có biểu hiện bay lắc tập thể trong các phòng hát VIP,” VietNamNet kể lại.
Theo nguồn tin, “Cơ quan công an thu giữ nhiều dụng cụ, túi đựng dạng viên, bột để phục vụ cho việc sử dụng ma túy. Nhiều đối tượng đang nhảy múa khi thấy lực lượng công an đã bỏ chạy. Tuy nhiên tổ trinh sát đã khống chế hơn 70 đối tượng đưa về trụ sở làm việc. Qua mẫu test nhanh có 45 đối tượng dương tính với ma túy.”
Cũng vào khoảng rạng sáng ngày Chủ Nhật, theo bản tin VNExpress, “Hàng chục cảnh sát tỉnh Cà Mau chia nhiều mũi ập vào quán karaoke Gossip ở phường 5, thành phố Cà Mau phát hiện nhiều người đang chơi ma túy quay cuồng trong tiếng nhạc.”
Tại đây, hơn 100 người bị đưa về trụ sở công an và qua kiểm tra, 96 nam nữ dương tính với ma túy. Vẫn theo bản tin VNExpress, công an Cà Mau ngày 28 Tháng Hai cũng đã bắt giữ 94 người dương tính với ma túy, trong đó có 20 cô gái tại một quán ba.
Rạng sáng ngày Thứ Hai, công an Đà Nẵng bắt giữ trước sau 22 người đi trên một số xe taxi “có biểu hiện sử dụng ma túy,” theo bản tin VTC.
Cùng với những bản tin về những người sử dụng ma túy nói trên, một bản tin khác của VietNamNet hôm Thứ Hai nói, “Lực lượng Đoàn Đặc Nhiệm Phòng Chống Ma Túy và Tội Phạm miền Trung Bộ đội biên phòng phối hợp với Ty An Ninh tỉnh Át-Ta-Pư (Lào) bắt giữ 2 đối tượng người Lào vận chuyển 40,000 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tang vật.”
Các vụ bắt giữ người sử dụng ma túy và vận chuyển ma túy trong mấy ngày qua tại nhiều địa phương khác nhau tiếp theo các tin tức bắt giữ những vụ vận chuyển ma túy tổng hợp hàng trăm kilogam ở Sài Gòn hồi Tháng Ba. Cầm đầu các đường dây vận chuyển ma túy cực lớn bị bắt ngày 20 Tháng Ba và 28 Tháng Ba là một số người Trung Quốc.
Trên mặt báo chí trong nước người ta thấy những vụ bắt giữ liên quan đến ma túy xảy ra rất thường xuyên cho thấy vấn nạn này rất nghiêm trọng và những gì người ta được thông tin có vẻ như chỉ là phần nổi của khối băng sơn chìm bên dưới không nhìn thấy. Hai tháng trước, khi xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm hàng chục người chết liên quan tới xe tải, xe khách, tin tức cho hay một số không ít tài xế các loại xe này sử dụng ma túy.
Việt Nam có bao nhiêu con nghiện?
Trong một cuộc gặp gỡ báo chí ở Sài Gòn, theo tờ Pháp Luật thành phố ngày 30 Tháng Ba, 2019, Tướng Công An Phan Anh Minh cho hay, “Số người nghiện (tại Sài Gòn) không chỉ dừng lại ở con số hơn 20,000 người có hồ sơ quản lý mà thực tế cao gấp 4-5 lần!” Tức là phải trên dưới con số 100,000 con nghiện ở địa phương. Ông Bộ Trưởng Công An Tô Lâm thì cũng thấy được thuật lời nói “tảng băng chìm về ma túy ở Sài Gòn rất lớn.”
Trước đó, giữa năm ngoái, ngày 27 Tháng Sáu, 2018, tờ Thanh Niên đưa tin trung bình mỗi năm có 1,600 chết vì sốc ma túy và trung bình gia tăng mỗi năm khoảng 9,300 người nghiện ma túy qua những con số được đưa ra trong “Hội thảo đánh giá pháp luật và công tác thi hành pháp luật về cai nghiện ma tuý theo quy định của luật Phòng, chống ma túy.”
Trong cuộc hội thảo vừa kể, tờ Thanh Niên thuật lời phát biểu của bà Nguyễn Thị Hà, thứ trưởng Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội, cho biết, “Tính đến cuối năm 2017, cả nước có trên 222,000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó gần 50% có sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) và chất hướng thần. Đặc biệt, tại một số địa phương, từ năm 2016, tỷ lệ sử dụng ATS và chất hướng thần mới phát hiện cao như Đồng Nai, Đà Nẵng và Trà Vinh có trên 80% sử dụng ATS và chất hướng thần. Ngoài ma túy truyền thống và ATS thì các loại ma túy khác như cần sa, ‘cỏ Mỹ’… xuất hiện ngày càng nhiều…”
Người ta từng thấy có những bản tin báo động người nghiện ma túy tại Việt Nam “càng ngày càng trẻ hóa” và các chương trình chống sử dụng ma túy tại Việt Nam không đẩy lùi được tệ nạn xã hội nghiêm trọng này. Vì không kiểm soát được nên người ta chỉ thấy có những phỏng đoán “trên 67% người nghiện ma túy đang sống ngoài xã hội.” (TN)

Trung Quốc ‘làm khó’ và đánh thuế nặng, xuất cảng gạo của Việt Nam lao đao

Xuất cảng gạo của Việt Nam được ghi nhận giảm mạnh trong ba tháng đầu 2019. (Hình: Báo Đầu Tư)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Do thị trường Trung Quốc có nhiều thay đổi về chính sách nhập cảng khiến nhiều thế mạnh nông sản của Việt Nam gặp khó, hàng vạn gia đình nông dân rơi vào cảnh bất an vì đầu ra bế tắc, theo báo cáo của Cục Chế Biến và Phát Triển Thị Trường Nông Sản, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn CSVN được báo VietNamNet dẫn lại hôm 7 Tháng Tư 2019.
Tờ báo cho biết: “Hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang lao dốc. Trong đó, mặt hàng gạo xuất khẩu – thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam, đang giảm mạnh khi khối lượng xuất khẩu gạo chỉ đạt 1.43 triệu tấn, giá trị đạt $593 triệu, giảm 3.5% về khối lượng và giảm 20.2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo xuất khẩu bình quân hai tháng đầu năm 2019 đạt $404/tấn, giảm 17.8% so với cùng kỳ năm 2018.”
Ông Lê Thành Hòa, cục phó Cục Chế Biến và Phát Triển Thị Trường Nông Sản được VietNamNet dẫn lời: “Cục Bảo Vệ Thực Vật đã có báo cáo đánh giá năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam gửi cho phía hải quan Trung Quốc, cũng như xem xét lại việc giám sát với ba doanh nghiệp bị cấm do hạt cỏ. Hiện tại, chúng tôi vẫn chờ hải quan Trung Quốc thông qua danh sách các doanh nghiệp được xuất khẩu gạo trở lại vào thị trường này. Tuy nhiên, 2019 sẽ là năm khó khăn khi xuất khẩu vào Trung Quốc. Bởi, dù Trung Quốc dự kiến nhập khẩu tới 5.3 triệu tấn gạo nhưng họ sẽ xả kho dự trữ.”
Bài báo cho thấy tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam đến nay phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc và bị động trước việc thay đổi chính sách của nước này.
Việc tìm lối ra ở các thị trường khác được ghi nhận là khá mù mờ vì Bộ Công Thương CSVN mới chỉ dự trù “sẽ tiến tới đàm phán hạn ngạch xuất khẩu gạo” với Nam Hàn nhưng chưa rõ thời điểm.
Trước đó, báo Dân Trí hồi Tháng Hai, 2019 cho biết: “Thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã xuất hiện thách thức mới. Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam (VFA), từ Tháng Sáu, 2018 đến nay, Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu gạo Việt Nam lên mức 50%, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu mặt hàng này. Đáng lưu ý, không chỉ với gạo mà tới đây, toàn bộ nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc đều phải đảm bảo các điều kiện mới của họ. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc cần nhanh chóng chuyển hướng sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, nắm rõ nhu cầu thị trường để định hướng sản xuất phù hợp.”
Theo báo Dân Trí, năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 6.1 triệu tấn gạo, nhưng trong số đó chỉ có 1.33 triệu tấn xuất sang thị trường Trung Quốc, tức chưa đến 22% tổng lượng gạo xuất khẩu. (T.K.)