Saturday, December 12, 2015

Nói chuyện lý lẽ với Trung Quốc như ‘đàn gảy tai trâu’

Tin Đa Chiều - Ngày: 6:49 PM - 12/12/2015
Ngay từ đầu, những người làm việc trong hệ thống pháp lý chỉ biết đến loại ngôn ngữ của bạo lực. Nói cách khác, họ coi tra tấn là bình thường
Ủy ban Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc làm việc với phái đoàn TQ: ‘Đàn gảy tai trâu’
1 cảnh sát Trung Quốc bên ngoài Thiên An Môn (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)
1 cảnh sát Trung Quốc bên ngoài Thiên An Môn (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)
Vào ngày 18/11, Ủy ban Chống Tra tấn của Liên hiệp quốc đã mở một phiên điều trần về Trung Quốc. Qua thái độ của phái đoàn Trung Quốc, có thể thấy được nhiều điều về việc lạm dụng tra tấn của chính quyền nước này.
Trưởng phái đoàn Trung Quốc – ông Ngô Hải Long, đã đệ trình một báo cáo. Sau đó các chuyên gia của Ủy ban Chống tra tấn đặt câu hỏi, và phái đoàn Trung Quốc trả lời. Báo cáo của ông Ngô tuyên bố rằng Trung Quốc đã đạt được tiến bộ quan trọng trong việc thúc đẩy nhân quyền, nhưng các chuyên gia lại không thấy thuyết phục.
Một số câu trả lời từ phái đoàn Trung Quốc khiến mọi người tự hỏi liệu họ có thực sự hiểu tra tấn nghĩa là gì hay không.
Ví dụ, phái đoàn này cho rằng biệt giam là một công cụ quản lý chứ không phải biện pháp trừng phạt. Họ cũng tuyên bố rằng ghế thẩm vấn là một biện pháp bảo vệ và an ninh, để ngăn ngừa nghi phạm làm tổn thương chính mình.
Từ những câu trả lời của phái đoàn Trung Quốc, người ta có thể dễ dàng ấn tượng rằng tra tấn là một thông lệ phổ biến ở Trung Quốc. Nó quá quen thuộc đến nỗi cái cách các quan chức phủ nhận thực ra lại là đang thừa nhận hành vi tra tấn trên diện rộng.
Các luật sư bị tra tấn
Theo các câu trả lời bằng văn bản trong tháng 10, 10.000 thẩm phán và 24.039 nhân viên kiểm sát đã được đào tạo về chống tra tấn từ năm 2012. Tuy nhiên, hoạt động đào tạo này đã không ngăn chặn được việc sử dụng tra tấn.
Tra tấn được áp dụng bởi cảnh sát, kiểm sát viên, và thậm chí là tòa án. Theo hồi đáp của phái đoàn Trung Quốc, các luật sư mới là những kẻ duy nhất vi phạm pháp luật. Trong khi theo lẽ thường thì họ chỉ có thể là nạn nhân chứ không phải thủ phạm tra tấn.
Một trường hợp tra tấn điển hình đã xảy ra tại Kiến Tam Giang thuộc tỉnh Hắc Long Giang, vùng đông bắc xa xôi của Trung Quốc. Theo các câu trả lời bằng văn bản, các luật sư đã bị bắt giam vì “những hoạt động gây rối trật tự xã hội.” Tuy nhiên, phái đoàn Trung Quốc đã vô tình hay cố tình quên đề cập rằng “những hoạt động” này là để yêu cầu phóng thích các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ trái phép tại một trung tâm tẩy não. Trung tâm tẩy não còn được gọi là hắc lao – đã trở thành một mối lo ngại khác của ủy ban chống tra tấn.
Pháp Luân Công
Các học viên Pháp Luân Công tham gia vào một cuộc biểu diễn chống tra tấn tại Los Angeles kêu gọi người dân ký tên thỉnh nguyện chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công, vào ngày 26/6/2004. Ở hình thức tra tấn này, đùi của học viên bị buộc chặt vào một tấm gỗ, trong khi cảnh sát liên tục nhét những viên gạch xuống dưới mắt cá chân của cô. Cuối cùng, áp lực sẽ làm gẫy xương của nữ học viên này.. (Ảnh: Clearwisdom.net)
Các câu trả lời cho biết không có luật sư nào bị tra tấn, nhưng theo một cuộc kiểm tra y tế, bốn luật sư bị bắt giam đã bị gãy tổng cộng 24 cái xương sườn.
Trong các câu trả lời của phái đoàn Trung Quốc về việc truy tố những người phạm tội tra tấn, có một điều khác thường. Theo đoàn đại biểu, “có nhiều vụ truy tố những người phạm tội tra tấn”, nhưng lại không có trường hợp nào nằm trong số các vụ án nổi bật, ví như vụ Kiến Tam Giang mà ủy ban đã chất vấn.
Định nghĩa khác nhau
Rõ ràng là phái đoàn Trung Quốc đã không coi việc luật sư bị gãy xương sườn là do tra tấn hay ngược đãi. Các đại biểu Trung Quốc giải thích rằng, định nghĩa về tra tấn ở Trung Quốc là khác với Công ước của Liên Hợp Quốc, do Trung Quốc có một nền văn hóa và ngôn ngữ khác.
Điều này rất đúng. Nền văn hóa này là văn hóa đảng được tạo ra sau khi ĐCS Trung Quốc lên nắm quyền ở Trung Quốc vào năm 1949. Trong từ điển của ĐCS Trung Quốc, làm gãy xương sườn được gọi là “thực thi pháp luật”. Còn ở phần còn lại của thế giới, thì nó được gọi là tra tấn.
Trong từ điển của ĐCS Trung Quốc, làm gãy xương sườn được gọi là ‘thực thi pháp luật”.
Trong hầu hết các trường hợp được ủy ban chỉ ra, đoàn đại biểu Trung Quốc đã thẳng thừng phủ nhận sự tồn tại của tra tấn, mặc dù việc này có thể được chứng minh dễ dàng.
Sau khi đọc các câu trả lời bằng văn bản, ủy ban thấy rằng phái đoàn Trung Quốc thậm chí không làm bất cứ một nghiên cứu, hay điều tra để đưa ra các câu trả lời. Hầu hết các câu trả lời của phái đoàn này đơn thuần là cắt dán các văn bản pháp luật và các quy định, hoặc là hoàn toàn phủ nhận rằng một số vụ việc đơn lẻ nào đó đã xảy ra. Phái đoàn Trung Quốc đã làm báo cáo này qua loa đến nỗi họ thậm chí không buồn kiểm tra lỗi trước khi đệ trình lên ủy ban.
Ví dụ, các câu trả lời bằng văn bản đã bác bỏ cáo buộc mổ cắp nội tạng bằng cách trích dẫn “Quy định về Cấy Ghép Nội Tạng Con Người.” Quy định này được ban hành một cách vội vàng vào năm 2007, rất có thể để đối phó đối với việc vạch trần nạn mổ cướp nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công vào năm 2006. Làm sao một quy định được ban hành vào năm 2007 lại chứng minh được một tội ác bị phơi bày năm 2006 là không tồn tại?
Các câu trả lời bằng văn bản cũng tuyên bố rằng “song quy” – hình thức thẩm vấn mang tính ngược đãi dành cho các đảng viên ĐCS Trung Quốc bị nghi ngờ vi phạm các quy định của Đảng – là một phần của hệ thống pháp luật và kỷ luật Đảng ở Trung Quốc. Trên thực tế, song quy là hình thức kỷ luật Đảng, nhưng nó chắc chắn không nằm trong hệ thống pháp luật.
Văn hóa Đảng
Để hiểu rõ tình hình ở Trung Quốc và hành vi kỳ lạ của các quan chức nước này, chúng ta cần phải hiểu lịch sử của ĐCS Trung Quốc.
Tra tấn đã luôn là một phần của cách mạng và sự thống trị của ĐCS Trung Quốc. Vào năm 1930, khi Hồng quân vẫn còn bị bao vây ở Giang Tây, ông Mao Trạch Đông đã khởi xướng một chiến dịch thanh trừng nội bộ để thiết lập quyền lực tuyệt đối bên trong Hồng quân.
Mục tiêu thanh trừng của ông Mao là một tổ chức không tồn tại gọi là “tổ chức Chống Bôn-sê-víc”. Vì không có một tổ chức như vậy nên tất cả những lời thú tội đã được moi ra bằng biện pháp tra tấn. Chiến dịch này đã kéo dài vài tháng và 70.000 lính của Hồng quân đã bị giết. Nhiều người trong số họ đã bị tra tấn đến chết. Những người khác đã bị tàn sát.
Một thập kỷ sau, các phương pháp tra tấn tương tự đã được sử dụng trong Cuộc chỉnh phong Diên An. Phong trào này cũng được ông Mao khởi xướng nhằm loại bỏ ảnh hưởng của các phe phái khác trong Đảng và thiết lập quyền lực tuyệt đối của ông trong giới lãnh đạo ĐCS Trung Quốc. Một trong những nạn nhân, ông Vương Thực Vị, một nhà báo và nhà văn, bị buộc tội và bắt giữ một cách phi pháp vào thời điểm đó. Ông này đã bị hành quyết bằng một cái rìu, có lẽ là để tiết kiệm đạn.
Một mục đích của các chiến dịch chính trị của ĐCS Trung Quốc là để tìm những người xấu xa nhất và sau đó tuyển mộ họ vào Đảng.
Sau khi ĐCS Trung Quốc chiếm được Trung Quốc, tra tấn đã bành trướng ra cả nước, đi cùng với nhiều các chiến dịch chính trị, từ quét sạch địa chủ trong đầu những năm 1950 cho đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công hiện vẫn đang tiếp diễn. Một mục đích của các chiến dịch chính trị của ĐCS Trung Quốc là để tìm những người xấu xa nhất và sau đó tuyển mộ họ vào Đảng.
Họ trở thành thế hệ lãnh đạo tiếp theo và là thủ phạm của nhiều màn tra tấn hơn. Trong khi đó, các khái niệm và phương pháp tra tấn cũng được truyền lại cho những người mới được tuyển mộ.
Hầu hết mọi người tin rằng việc tra tấn và giết người trong suốt cuộc Cách mạng Văn hóa đã được thực hiện bởi Hồng vệ binh. Nhưng trên thực tế, Cục Công an hoặc đã đứng sau hầu hết các trường hợp, hoặc đã tự tay thực hiện việc tra tấn. Tất nhiên, Công an đã và đang là công cụ của ĐCS Trung Quốc. Công an, đặc biệt là lực lượng đặc nhiệm của nó, là nguồn phát sinh tra tấn lớn nhất ở Trung Quốc.
Hệ thống Công an được thành lập ngay sau khi ĐCS Trung Quốc chiếm đoạt Trung Quốc. Những nhân lực đầu tiên được thuyên chuyển trực tiếp từ quân đội – tổ chức thi hành thiết quân luật. Nhiệm vụ đầu tiên và duy nhất của Công an tại thời điểm đó là đàn áp thẳng tay những người phản cách mạng. Đó là thủ đoạn tra tấn đầu tiên sau khi ĐCS Trung Quốc lên nắm quyền.
Sau đó, khi chức năng của Công an được mở rộng, chức năng đàn áp đã được duy trì trong một đơn vị riêng biệt trong Công an. Nó đã thay đổi tên vài lần nhưng vẫn luôn là cơ quan đầu tiên trong Công an. Ngoại trừ một khoảng thời gian rất ngắn trong cuộc Cách mạng Văn hóa thì bộ phận này của Công an luôn luôn phản ánh mặt bạo lực của ĐCS Trung Quốc.
Hiện cơ quan này được gọi là cục an ninh nội địa. Nó chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công, các thành viên nhà thờ, các luật sư nhân quyền, và bất cứ ai mà ĐCS Trung Quốc coi là kẻ thù.
Ngay từ đầu, những người làm việc trong hệ thống pháp lý chỉ biết đến loại ngôn ngữ của bạo lực. Nói cách khác, họ coi tra tấn là bình thường. Và phái đoàn Trung Quốc đại diện cho hệ thống này trước ủy ban Liên Hợp Quốc cũng vậy. Đó là lý do tại sao phái đoàn Trung Quốc và Ủy ban Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc không thể hiểu nhau. Thực sự không có sự ăn khớp giữa các câu hỏi và câu trả lời.
Thành ngữ “Đàn gảy tai trâu”, trong tiếng Trung có nghĩa là lãng phí thời gian, có lẽ là còn dễ dàng hơn so với việc các quan chức Trung Quốc trả lời thành thật các câu hỏi. Liệu đoàn đại biểu nước này có cảm thấy áy náy khi đưa ra các trả lời đó không? Chắc là không. Các thành viên của phái đoàn Trung Quốc chỉ đơn giản là sống trong thế giới riêng của họ, và sử dụng thứ lý luận và ngôn ngữ mà chỉ chính họ mới có thể hiểu được.
Heng He

Những câu nói để đời của quan chức Việt năm 2015

Tin Đa Chiều - Ngày: 7:35 AM - 12/12/2015
Năm 2015 đã sắp trôi qua, chúng ta cùng điểm lại lại những câu nói được xem là để đời của quan chức Việt trong năm này.
“Ùn ứ” chứ không phải ùn tắc giao thông
Ngày 29/9/2015 trong một cuộc họp định kỳ của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, khi có ý kiến thắc mắc không đồng tình với khái niệm ùn ứ xuất hiện trong bản báo cáo an toàn giao thông, cũng như số liệu về các vụ ùn tắc. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường đã trả lời rằng: ” Ùn tắc trên 30 phút được tính dựa trên tiêu chí xe không di chuyển trong thời gian đó. Do đó, có thể hiểu rằng các vụ kẹt xe kéo dài thời gian qua chỉ là ùn ứ, vì xe vẫn có thể di chuyển nhúc nhích được”.
Chưa có tượng đài là thiệt thòi
Các địa phương đua nhau xây tượng đài Hồ Chủ Tịch, địa phương xây sau nhất định phải có tượng đài to hơn, đẹp hơn trượng đài trước. Đến một tỉnh thuộc dạng nghèo nhất nước như Sơn La cũng quyết xây tượng đài 1.400 tỷ đồng mặc cho người dân đói khổ lại vừa trải qua 2 đợt  lũ lớn, và phải nhận hàng nghìn tấn gạo để cứu đói.
Khi nhiều người có ý kiến không nên xây tượng đài quá tốn kém này Ông Cầm Ngọc Minh Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trao đổi với phóng viên soha rằng “Chưa có tượng đài là thiệt thòi cho chúng tôi”
Ngụ ý ông Minh muốn so sánh: Trong khi các địa phương khác đều có tượng đài Hồ Chủ Tịch đồ sộ thế kia, nếu Sơn La không có thì đúng là thiệt thòi. Nếu như ông Minh so sánh giữa cuộc sống nghèo đói của người dân Sơn La với các nơi khác để đầu tư vì cuộc sống người dân thay vì tượng đài, thì người dân Sơn La sẽ bớt khổ hơn nhiều rồi.
Còn Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm phát biểu với Soha rằng: “Tôi cho rằng, không nên đặt vấn đề xây tượng như thế là đắt hay rẻ. Trước khi phán xét, cần phải nhìn tổng thể giá trị văn hóa.
Tượng đài sẽ là động lực để tạo nên sự phát triển. Không thể nói rằng vì nhiều người còn đói nên để tiền đó mua cơm trước. Đôi khi văn hóa phải đi trước”
Tôn Ngộ Không bị đè dưới núi Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng
hop
Các đại biểu tham dự kỳ họp lần thứ 14 HĐND TP Đà Nẵng khóa 8, nhiệm kỳ 2011-2016. Ảnh Đức Hoàng – báo giadinh
Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 14, HĐND TP Đà Nẵng Khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 diễn ra ngày 9/7, ông Võ Văn Thương, Bí thư Quận ủy Hải Châu, Đà Nẵng đã làm cả hội trường bất ngờ khi phát biểu:
“Sắp tới chúng ta kêu gọi đầu tư Dự án khu công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn. Mà tôi nhớ không nhầm là trước đây, hồi trước giải phóng, có tiểu thuyết “Tề Thiên Đại Thánh”
Trong đó có vẽ năm ngọn núi Ngũ Hành khi mà Tề Thiên Đại Thánh phạm tội bị đè dưới năm ngọn núi Ngũ hành này. Và tôi được biết tác phẩm được Ngô Thừa Ân viết cách đây 500 năm mà năm ngọn núi Ngũ Hành Sơn của chúng ta có thể có lâu hơn tác phẩm của Ngô Thừa Ân. Nên đề nghị Giám đốc Sở Du lịch sắp tới chúng ta kêu gọi đầu tư vào dự án này, nên chăng chúng ta truyền thuyết hóa, đưa một số chi tiết như thế, để lôi kéo, tìm cái sự tò mò của du khách về 5 ngọn núi Ngũ hành của chúng ta hay không?”.
Tâm đắc với ý tưởng này ông Thương nói tiếp: “Nếu được, khách du lịch Trung Quốc đến đây rất là nhiều, nếu bây giờ đề nghị Giám đốc Sở tìm lại cuốn sách “Tề Thiên Đại Thánh” thì tôi tin chắc rằng hình vẽ đó giống y năm ngọn núi Ngũ hành”.
“Trước đây, khi tôi chưa đọc thì tôi chưa nghĩ, chưa biết năm ngọn núi Ngũ Hành. Nhưng bây giờ hình dung lại khi xem phim Tôn Ngộ Không thì hình dung cũng có thể trước đây, cách đây hơn 500 năm Tề Thiên Đại Thánh có khi bị đè trong năm Ngọn núi Ngũ hành của Ngũ Hành Sơn này”.
Đáp lại lời ông Thương,  Giám đốc Sở VHTT-DL Đà Nẵng là ông Ngô Quang Vinh khẳng định sẽ tiếp thu ý tưởng của các vị đại biểu và sẽ tổ chức triển khai thực hiện ngay
nui-ngu-hanh-son
Một trong năm ngọn núi ở Ngũ Hành Sơn. Ảnh Đức Hoàng – báo giadinh
Cầu sập một nửa vẫn ….dùng tốt
Cây cầu bắc qua kênh 28 theo tỉnh lộ 831, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng là công trình do tiền của người dân đóng góp cùng với vốn ngân sách xây dựng với kinh phí gần 2,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau khi khánh thành và đưa vào sử dụng 14 ngày thì một nửa cầu đã đổ ập xuống sông vào ngày 27/5/2015
Việc người dân bỏ biền đóng góp xây cầu, nhưng sau 14 ngày đã sập một nữa cầu khiến người dân thất vọng và không ai dám tin vào chất lượng cầu do nhà nước xây và muốn xây lại cây cầu mới
cau-gay
Ảnh baolongan
Thế nhưng Nguyễn Văn Chỉnh – phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An khẳng định nửa cây cầu chênh vênh còn lại còn rất tốt và sẽ tiến hành đấu nối để cho cây cầu tiếp tục được sử dụng, ông nói trên báo Tuổi Trẻ rằng:  “nửa cây cầu còn lại không bị ảnh hưởng trong vụ sập cầu và hoàn toàn đảm bảo chất lượng để tiếp tục “sứ mệnh” đưa người dân qua kênh”.
Lễ hội Gióng không có bạo lực
Lễ hội Gióng tại Sóc Sơn, Hà Nội nhuốm màu bạo lực, cả đám người cầm gậy lao vào vụt nhau, truyền thông các nơi đều đưa tin vụ việc bạo lực nghiêm trọng này


Thế nhưng khi phóng viên hỏi về sự việc này, các quan chức liên quan đều có mặt tại lễ hội làm xem là việc hết sức bình thường.
ông ông Lê Hữu Mạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn xem là chuyện bình thường và thản nhiên nói: “Sự việc trên là bình thường, bởi đây là phong tục của hội”
Còn ông Nguyễn Khắc Lợi, PGĐ Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội cũng đồng tình: “Tôi và các Thứ trưởng Văn hóa, Thứ trưởng Giao thông có mặt ở hội Gióng rất lâu nhưng không thấy hỗn chiến, đánh nhau nào. Những người cầm gậy chỉ là dân làng đi bảo vệ kiệu”.
Cần làm yên lòng dân dù đường ống nước sông Đà còn tiếp tục vỡ nữa
Khi xảy ra sự cố vỡ nước sông Đà nhiều lần, khiến 55.000 hộ dân Hà Nội ở các khu vực như Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình không có nước dùng. Chiều 19/8/2015, tại Hà Nội, sở Xây Dựng đã tổ chức cuộc họp để thông tin trước báo giới về sự cố vỡ đường ống nước sông Đà.
Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Văn Phong, Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: “đây không phải là lần đầu xảy ra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà nữa, chắc cũng không phải lần cuối cùng, sẽ còn vỡ vài lần nữa. Đề nghị các cơ quan báo chí thông tin định hướng để người dân hiểu và nắm rõ về sự cố mất nước này”
Câu nói của vị Phó trưởng Ban tuyên giáo cũng lộ rõ bản chất của Ban tuyên giáo là yêu cầu truyền thông phải đưa tin sao để vỗ yên dân, chứ không quan tâm đến đời sống khó khăn của người dân, mặc cho đường ống sông Đà còn tiếp tục vỡ và người dân còn tiếp tục chịu đựng.
Sáng ngày 29/6/2015 Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã có cuộc tiếp xúc với cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn. Tại cuộc họp này các cử tri Đà Nẵng rất bức xúc lên tiếng về vấn đề biển đông, đặc biệt là việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo làm căn cứ quân sự, cướp bóc ngư dân
Lúc này Phó Chủ tịch Quốc Hội, Thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn chia sẻ ý kiến của mình. Về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, ông Sơn nói: Nhiều lần ta cũng nghĩ tới việc lấy lại nhưng trong lúc này chưa thể lấy lại được. Để đời con đời cháu chúng ta lấy lại. Trung Quốc bây giờ họ củng cố gần như là bất khả xâm phạm rồi”.
“Ta như thế này thì bà con thấy ta ăn thua với họ được không? Ai tài giỏi thì thử chỉ huy ra đó coi có thắng không? Đánh được rồi nhưng có giữ được không?”
Cả họ làm quan là “ngẫu nhiên”
Trước sự việc cả họ làm quan ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Thành ủy Hà Nội đã có đợt kiểm tra sự việc này.
Sau đợt thanh kiểm tra, tại cuộc gặp gỡ báo chí nhằm giải đáp thông tin về vấn đề này. Ông Đào Đức Toàn, trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho rằng thông tin Bí thư huyện Mỹ Đức Lê Văn Sang lợi dụng chức vụ, bổ nhiệm họ hàng làm lãnh đạo các phòng ban của huyện là không thuyết phục.
Ông Toàn cũng cho rằng: “Ở huyện có 8 đến 9 người quan hệ họ hàng với nhau, tôi cho rằng có thể đây là quan hệ hết sức ngẫu nhiên….”
”Dự án chục tỷ, sai phạm một tỷ là tốt rồi’’
tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy chiều ngày 27/1, liên quan đến nhiều sai sót trong 3 dự án cầu vượt thép do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư. Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên cho rằng: ‘Dự án chục tỷ, sai phạm một tỷ là tốt rồi’
Trước sự việc tuyển sinh năm 2015, nhiều thí sinh đủ điểm nhưng vẫn không vào được các trường công an vì “tiêu chuẩn chính trị” Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị (Bộ Công an) trả lời phóng viên vietnamnet rằng: “Mỗi ngành nghề có đặc trưng, đặc thù. Tuyển vào công an để bảo vệ Đảng, Nhà nước, chính quyền.”
Có lẽ Thiếu tướng Cẩn không còn nhớ nổi rằng vì sao lại đặt tên là “công an nhân dân”, hay đó chỉ còn là tên gọi.
Ngọn Hải Đăng
Theo daikynguyenvn.com

Biết ăn gì cho sạch!

Theo NLĐO-12/12/2015 21:32

Thực phẩm “bẩn” được phù phép ngày càng tinh vi, bằng mắt thường rất khó phân biệt với thực phẩm sạch

Trái cây tẩm chất bảo quản, thịt heo có chất cấm tạo nạc, rau xanh phun chất kích thích, thịt và nội tạng thối ngâm hóa chất… Những thông tin về thực phẩm “bẩn” tràn lan khiến người dân hoang mang, không biết ăn gì cho sạch.
Độc chất “thập diện mai phục”
Điển hình như các vụ thạch rau câu, nước giải khát chứa chất tạo đục DEHP; chất gây ung thư 3-MCPD có trong nước tương; rau xanh nhờ thuốc “kích phọt”; bún có chứa chất tẩy trắng độc tinopal… Cùng với đó, nhiều mẫu thịt sử dụng chất tạo nạc, thậm chí dùng hóa chất không rõ nguồn gốc “phù phép” thịt thối rữa, đang trong giai đoạn phân hủy trở thành thịt tươi hay tẩm hóa chất độc hại nhuộm màu gia cầm để thực phẩm trở nên ngon mắt… Gần đây, giới chuyên môn lại tiếp tục cảnh báo về tình trạng lạm dụng mì ăn liền có thể bị cao huyết áp, mắc bệnh tim mạch. Thông tin này thực sự gây lo ngại bởi mì ăn liền vốn là món ăn phổ biến, tiện dụng đối với hầu hết các gia đình.
Bất an, lo lắng về thực phẩm bẩn, nhiều người tiêu dùng chọn cách tự trồng rau trong khuôn viên nhỏ của gia đình hoặc đặt mua thực phẩm ở quê. Anh Hoàng Tùng  - ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội - cho biết gần 5 năm qua, toàn bộ rau, củ, thịt cá của gia đình được người thân đặt mua ở quê và chuyển về Hà Nội bằng xe khách. “Có thể thực phẩm ở quê không được tươi sống nhưng chắc chắn gia đình sẽ bớt đi mối lo về thực phẩm mất an toàn trong tình cảnh thực phẩm ngâm tẩm hóa chất bủa vây” - anh Tùng thở dài.
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm thuộc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ăn phải thịt heo có tồn dư chất tạo nạc thì cơ thể sẽ nhiễm độc, rối loạn tiêu hóa, nhịp tim nhanh. Nếu ngộ độc nặng thì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì thế, nhóm chất độc hại này bị cấm sử dụng từ nhiều năm qua. Trong khi đó, các loại rau, củ, quả được “chăm sóc” bằng hóa chất khi đưa vào cơ thể thì gây ngộ độc lâu dài, có thể dẫn đến các bệnh nan y, như: ung thư, tim mạch, thậm chí gây đột biến gien, quái thai...
Nghiên cứu về nguyên nhân gây ung thư được Bộ Y tế công bố mới đây cũng khiến nhiều người giật mình khi có tới 30% bệnh nhân ung thư là do ăn phải thực phẩm không sạch. Trong khi đó, số ca mắc ung thư trong 5 năm tới dự báo tăng từ khoảng 100.000-150.000 ca lên gần 200.000 ca/năm.

Thịt heo nhiễm vi sinh được cơ quan chức năng ở TP HCM phát hiện và đưa đi tiêu hủyẢnh: NGỌC ÁNH
Thịt heo nhiễm vi sinh được cơ quan chức năng ở TP HCM phát hiện và đưa đi tiêu hủyẢnh: NGỌC ÁNH

Chỉ xét nghiệm được 30%
Số liệu giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) nông - thủy sản 9 tháng của năm 2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cho thấy tỉ lệ vi phạm đáng báo động. Cụ thể, có 16% mẫu thịt có vi khuẩn Salmonella và 7,6% mẫu có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức; 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng vượt ngưỡng cho phép.
Chi cục Thú y TP HCM cũng xét nghiệm ngẫu nhiên 159 mẫu thịt heo, phát hiện 37 mẫu tồn dư kháng sinh tetracycline vượt mức; 26 mẫu tồn dư kháng sinh sulfadimidin và 3 mẫu dương tính với chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Ngoài ra, còn gần 28% mẫu thịt gà tồn dư kháng sinh là những chất cấm trong chăn nuôi.
Trong khi các hóa chất để “phù phép” cho thực phẩm trở nên ngon mắt, ngon miệng liên tục thay đổi thì hệ thống kiểm nghiệm mới chỉ phát hiện được khoảng 30% số hóa chất hiện có. Bà Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATTP quốc gia, cho biết rất khó kiểm soát hết tất cả những chất nguy hại có thể có trong thực phẩm. Trên thị trường có trên 2.000 loại hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng nhưng hệ thống máy kiểm nghiệm hiện đại nhất Việt Nam cũng không thể đọc tên được tất cả các hóa chất này. Trong khi đó, với một số thiết bị quảng cáo là máy đo hóa chất cũng chỉ có thể kiểm tra nồng độ nitrat và nitrit giúp người tiêu dùng có thêm cơ sở đánh giá, phát hiện nhanh loại rau, củ nào được bón phân hóa học quá nhiều hay ngâm chất bảo quản có chứa nitrat, nitrit chứ chưa thể phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản độc hại.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế, thừa nhận có không ít nguy cơ mất ATTP khi hiện có đến 85% cơ sở chế biến, sản xuất là vừa và nhỏ. Nhiều cơ sở tuy được cấp chứng nhận ATTP nhưng trong quá trình kinh doanh, sản xuất không thực hiện nghiêm túc, lợi dụng chứng nhận này để cho ra lò thực phẩm “bẩn”. Thậm chí, có cơ sở được cấp chứng nhận rau an toàn nhưng khi bán lại trộn lẫn rau không rõ nguồn gốc.

Ngại va chạm nên không tố cáo
Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết kết quả điều tra xã hội học do Bộ Y tế phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện cho thấy gần 85% người tiêu dùng phát hiện hành vi vi phạm ATTP mà không tố giác vì ngại va chạm.
Theo ông Phong, người dân cần thay đổi quan niệm về đấu tranh với hành vi vi phạm. Tất nhiên, không thể đẩy hết cho người tiêu dùng mà cơ quan chức năng phải có trách nhiệm chính trong việc bảo đảm ATTP nhưng trong điều kiện hiện nay, rất cần sự cộng tác của người tiêu dùng để giảm thiểu nguy cơ mất ATTP. Nếu không có sự tự giác của các nhà sản xuất - kinh doanh, người tiêu dùng thì cơ quan quản lý khó có thể giám sát hết được các vi phạm về ATTP.

NGỌC DUNG

TPHCM: Cưỡng chế 17 hộ dân để hoàn thiện đường Phạm Văn Đồng

Dân trí UBND quận Tân Bình sẽ cưỡng chế 17 hộ dân để bàn giao mặt bằng thi công dự án đường Phạm Văn Đồng kịp tiến độ, sớm kết nối quốc lộ 1 với sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Châu Minh Hiếu – Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết, dự án đường Phạm Văn Đồng đi qua địa bàn 4 quận gồm: Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức. Riêng quận Tân Bình có 284 hộ dân bị ảnh hưởng.
Trong khi các quận khác đã thu hồi đất và thực hiện xong dự án thì đoạn qua quận Tân Bình vẫn còn 17 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó, có 10 hộ có đơn khiếu nại về đơn giá đền bù và đã được các cơ quan chức năng các cấp trả lời. Chính quyền địa phương đã vận động nhưng các hộ dân không hợp tác. Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, quận Tân Bình sẽ tiến hành cưỡng chế, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.
Đường Phạm Văn Đồng đã thông suốt từ nút giao Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) đến ngã tư Linh Xuân (quốc lộ 1) dài 12/13,6 km toàn tuyến
Đường Phạm Văn Đồng đã thông suốt từ nút giao Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) đến ngã tư Linh Xuân (quốc lộ 1) dài 12/13,6 km toàn tuyến
Theo kế hoạch, việc cưỡng chế sẽ chia làm 2 đợt. Từ ngày 14 – 18/12, cưỡng chế 7 hộ dân tại đường Hồng Hà; từ ngày 21 – 25/12, cưỡng chế 10 hộ còn lại tại đường Bạch Đằng 2. Trong thời gian cưỡng chế, đường Hồng Hà (đoạn từ đường Yên Thế đến Hồng Hà) và Bạch Đằng 2 (đoạn kênh Nhật Bản) sẽ bị phong tỏa.
Đại lộ Phạm Văn Đồng là trục đường hướng tâm quan trọng của thành phố, kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1 và quốc lộ 1K, tạo ra hướng giao thông mới qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và kết nối với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Bên cạnh việc góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực, nhất là nhu cầu đi lại vào dịp Tết, tuyến đường này còn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, tạo ra diện mạo đô thị mới của thành phố.
Theo Sở GTVT thành phố, để xây dựng tuyến đường này, thành phố đã di dời, giải tỏa gần 4.000 hộ dân và đơn vị với diện tích hơn 60ha, di dời hơn 42 công trình hạ tầng kỹ thuật. Chi phí xây dựng khoảng 2.915 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 7.500 tỷ đồng.
Dự án xây dựng đường Phạm Văn Đồng có tổng vốn 340 triệu USD, do tập đoàn GS (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, khởi công tháng 6/2008. Đây cũng là dự án đầu tiên tại Việt Nam do nước ngoài đầu tư xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Tính đến nay, đường Phạm Văn Đồng đã thông suốt từ nút giao Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) đến nút giao Linh Xuân (quốc lộ 1, quận Thủ Đức) dài hơn 12 km trong tổng số 13,6 km toàn tuyến.
Đoạn còn lại khoảng 1,6 km, từ đường Trường Sơn đến nút giao thông Nguyễn Thái Sơn, khởi công ngày 15/1/2015 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2016. Khi đó, toàn tuyến đại lộ sẽ thông suốt từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1.
Quốc Anh-Thứ Bảy, 12/12/2015 - 20:16

Trách ai khi “nhân tài như lá mùa thu”

THS TRƯƠNG KHẮC TRÀ 10/12/15 07:40

(GDVN) - Đã có nhiều lời trách móc thậm chí chỉ trích đội ngũ nhân tài mà trước hết là tầng lớp du học sinh đã “quên” quê hương ngay sau đi đặt chân đến xứ người.

LTS: Không phải đến bây giờ câu chuyện du học sinh ở hay về mới thu hút sự quan tâm của dư luận. Vấn đề này được hâm nóng khi Đà Nẵng khởi kiện nhân tài và một cựu thí sinh của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia ở Cần Thơ tố trường đại học đối xử bất công với mình trên mạng xã hội.

Đặc biệt, trước đó, chuyện vì sao người giỏi không về nước làm việc được đưa ra tại Quốc hội ngày 2/11/2015. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội: Vì sao 13 cháu du học, 12 người không về?

Giải đáp vấn đề này, Ths Trương Khắc Trà giải thích nguyên nhân dẫn đến tình trạng bức xúc trong thu hút, sử dụng nhân tài.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Nhân tài là nguyên khí quốc gia, chân lý này đã có tuổi đời hàng trăm năm nhưng việc đào tạo, sử dụng và đãi ngộ nhân tài như thế nào thì đến nay vẫn là bài toán khó chưa có lời giải.

Nhân tài đất Việt vẫn lũ lượt ra đi mà không hẹn ngày trở lại, quá xót xa và nuối tiếc khi “máu” chất xám vẫn chưa ngừng tuôn chảy và một lần nữa vấn đề nóng bỏng này lại được đặt ra trên các mặt báo.

Đã có nhiều lời trách móc thậm chí chỉ trích đội ngũ nhân tài mà trước hết là tầng lớp du học sinh đã “quên” quê hương ngay sau đi đặt chân đến xứ người.

Nhưng mấy ai cảm thông được cái khó ẩn sâu trong câu chuyện chưa có hồi kết này khi chưa thật sự vỡ vạc ra câu nói thấm thía câu: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
Trách ai khi “nhân tài như lá mùa thu” (Ảnh: news.zing.vn)
Hiện nay Việt Nam đang nằm trong top 10 quốc gia có du học sinh đông nhất tại Mỹ - nền giáo dục hàng đầu thế giới, nên chúng ta cần phải đặt câu hỏi rằng tại sao ta lại có đội ngũ du học sinh hùng hậu đến như vậy?

Có phải chỉ đơn giản vì người Việt thông minh, học giỏi!

Vấn đề ở đây là tại sao phải “du” mới học được? Để trả lời câu hỏi này lại là cả một câu chuyện loằng ngoằng mà ở đó người ta sẽ lại thấy bóng dáng của vấn đề mang tên “chất lượng giáo dục”.

Dư luận thường hay chĩa mũi dùi vào đội ngũ du học sinh một đi không trở lại nhưng ít khi tự hỏi rằng tại sao nhân tài phải ra đi. Bởi chất lượng đào tạo đại học Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu để tạo ra nhân tài đẳng cấp quốc tế. Đó là sự thật!
Vậy nên, không thể trách người mà không trách ta trước, các nước phát triển họ không có hoặc rất ít đội ngũ phải du học bởi vì nền giáo dục nước họ thừa sức chắp cánh cho nhân tài phát triển. Trong trường hợp này nhân tài ra đi là chính đáng, đầy đủ lý do thuyết phục.

Rào cản thứ hai khiến ta phải “Tiên trách kỷ hậu trách nhân” đó là cơ chế, nhiều năm qua nhà nước đã tích cực đổi mới cơ chế thu hút nhân tài, đãi ngộ các nhà khoa học nhưng con số ấy chưa đủ trên mười đầu ngón tay, chưa thấm vào đâu so với hàng chục ngàn du học sinh và nhà khoa học Việt đang sinh sống và học tập ở nước ngoài.

Nhân tài nếu trở về họ sẽ làm việc ở đâu? Môi trường làm việc như thế nào để phát huy khả năng của họ?
Nếu vào biên chế nhà nước xuất phát điểm với tấm bằng đại học lương cứng chưa quá 3 triệu/tháng! Chưa kể phải vượt qua kỳ thi công chức vô cùng rối rắm nhiêu khê.

Khu vực tư nhân chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, văn hóa doanh nghiệp ở ta luôn nặng tính vun vén gia đình chứ ít khi mạnh dạn giao cho người ngoài những vị trí quan trọng trong điều hành.

Môi trường làm việc “ngột ngạt”, lối tư duy “ai cho chú tài hơn anh”, thói đố kỵ, ganh ghét lẫn nhau sẽ không có chỗ cho nhân tài có thể cống hiến. "Để thu hút người tài về làm việc, phải cụ thể bằng những chính sách.

Đừng nói những từ đẹp đẽ như “trải thảm đỏ đón nhân tài” mà không có chiều sâu..." là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh (Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online đăng ngày 04/11/2015).

Cách đây chưa lâu sự kiện một Thạc sỹ Vật lý tốt nghiệp tại Pháp trượt viên chức tại Hà Nội đã phần nào nói lên sự bất cập ấy.

Có lẽ chẳng ai tin chuyện Giáo sư Ngô Bảo Châu nếu về Việt Nam làm việc thì mức lương theo bậc, ngạch chưa đến…6 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó ở nước ngoài họ được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến, môi trường làm việc chuyên nghiệp đồng lương xứng đáng, luôn bảo đảm cho họ một cuộc sống đủ đầy để có thể chuyên tâm làm khoa học.

Hơn nữa, việc nhân tài một đi không trở lại chưa phải là…mất hẳn.
Bởi trong một thế giới phẳng thì sống ở Châu Âu hay Châu Á chẳng còn quá xa xôi, khác biệt, ở Mỹ hay Úc hoặc Nhật đều có thể cống hiến cho đất nước như nhiều nhà khoa học người Việt nổi danh thế giới vẫn thường xuyên về nước làm hội thảo khoa học và cố vấn chính sách.

Điều quan trọng là ở chữ “tâm” như Nguyễn Du viết “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” dù ở bất cứ đâu nếu có cái “tâm” vẫn có thể cống hiến cho đất nước. Rõ ràng trong trường hợp này là hoàn toàn có lợi chứ chưa phải mất hẳn nhân tài.

Để bài toán nhân tài được giải quyết tận gốc, không còn cách nào khác ngoài việc nhanh chóng đổi mới giáo dục đại học, khi có được những trường đại học đẳng cấp thế giới thì nhân tài chẳng phải tốn công khăn gói ra nước ngoài học tập.

Song song với đó cần “cởi trói” cơ chế và hiện thực hóa việc “trải thảm đỏ” là như thế nào chứ không phải là một uyển ngữ chỉ mang tính chất tô vẽ.

Một nền giáo dục hiện đại, tiên tiến đủ sức trở thành nơi hội tụ của giới tinh hoa, một cơ chế thông thoáng, dân chủ thực sự trong công việc…ắt sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”.

Rõ ràng không thể trách được nhân tài ra đi không trở về khi chính đất nước mình không có đủ điều kiện cho nhân tài phát triển, trở về sẽ thui chột, ở lại để phát triển chúng ta chọn cái nào? Đừng để “Tuấn kiệt như sao buổi sớm/ Nhân tài như lá mùa thu”.

Khi lưỡi không xương

HỒNG THỦY 10/12/15 14:48
(GDVN) - Trung Quốc lúc này, có lẽ là cứ để cho cả thế giới lao vào chống ISIS, Trung Quốc đứng ngoài vỗ tay cổ vũ để tranh thủ đục nước béo cò trên Biển Đông.

Thời báo Hoàn Cầu hôm qua dẫn lời ông Chu Duy Quần, Chủ nhiệm Ủy ban Tôn giáo Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc chỉ trích Đức Đạt Lai Lạt Ma xung quanh những phát biểu của ông trên báo Ý La Stampa về việc, muốn đánh bại tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (ISIS hay IS) thì cần học cách lắng nghe và đối thoại với khủng bố.

Ông Chu Duy Quần, ảnh: Tân Hoa Xã/The Telegraph.

Ông Quần giải thích ý của Đức Đạt Lai Lạt Ma theo cách nhìn phiến diện và áp đặt của mình rằng: "Thông qua việc nói phải lắng nghe, hiểu và tôn trọng khủng bố, nó phô bày rõ thâm tâm ông ta có sự cảm thông hoặc tán thành của ông ta đối với ISIS".
Quan chức Trung Quốc này tuyên bố hùng hồn: "Nguyên nhân của (cái gọi là) sự cảm thông của (Đức) Đạt Lai Lạt Ma với khủng bố là do thực tế ông ta chưa bao giờ từ bỏ bạo lực trong cuộc đời chính trị của ông ta."
Vậy bản thân nhà nước Trung Quốc đã làm được những gì để góp phần chống tổ chức khủng bố ISIS nói riêng, chủ nghĩa khủng bố nói chung?
Chỉ chống ISIS bằng miệng
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, từ Chủ tịch Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Vương Nghị cho đến người phát ngôn Bộ Ngoại giao đều khẳng định, chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù của nhân loại. Bản thân Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố cả ở trong nước và nước ngoài.
Đầu tháng 11 vừa qua, Fan Jinghui, một công dân Trung Quốc 50 tuổi đã bị ISIS bắt cóc và hành quyết một cách dã man. Tiếp đó, ngày 20/11 khi xảy ra vụ tấn công khủng bố tại một khách sạn ở Bamako, thủ đô của Mali đã làm 3 công dân Trung Quốc thiệt mạng.
Ông Tập Cận Bình nhanh chóng lên án vụ tấn công này, tuyên bố Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác với quốc tế chống khủng bố. Ông Vương Nghị thì nói: Trung Quốc cũng là một nạn nhân của khủng bố.
Nhưng cho đến nay, tất cả mới chỉ dừng lại ở lời nói, trong khi Mỹ và đồng minh, Nga, Pháp đã xắn tay vào cuộc.
Trước áp lực dư luận, ngày 26/11 Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẽ tăng cường hợp tác với châu Phi chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.
Và đến thời điểm hiện tại, người ta chưa thấy Trung Quốc có động tĩnh gì về việc tham gia chống khủng bố. Mặc kệ Hoa Kỳ, Nga và các nước khác đã dội hàng tấn bom đạn xuống các địa điểm họ xác định là căn cứ, hậu cứ của ISIS ở Syria.
Trong khi đó, Bloomberg ngày 16/6 cho biết, Trung Quốc có khoảng 5 triệu công dân đang lao động ở nước ngoài, bao gồm các điểm nóng như Nam Sudan, Yemen và Pakistan. Trong vòng 10 năm từ 2004 đến 2014, ước tính đã có khoảng 80 công dân Trung Quốc thiệt mạng ở nước ngoài. 
Tháng 4 năm nay, Trung Quốc đã từng điều tàu hải quân đến vùng biển Yemen để giải cứu 629 công dân nước mình.
Nga, Mỹ, Pháp...đang xắn tay chống khủng bố, Trung Quốc vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Ảnh: Máy bay Nga không kích ISIS tại Syria.
Thế giới lao vào chống khủng bố, Bắc Kinh đục nước béo cò ở Biển ĐôngVới vị thế kinh tế lớn thứ 2 thế giới và ngân sách quân sự hàng năm đứng thứ 2 chỉ sau Hoa Kỳ, liên tục tăng trường, nếu nói rằng Trung Quốc "chưa đủ khả năng" tham gia cuộc chiến chống khủng bố trong khi vấn muốn có vị thế "quan hệ đối tác nước lớn kiểu mới với Hoa Kỳ" thì thật khó tin.
Ngày 6/12, tổ chức khủng bố ISIS tung clip tuyển mộ chiến binh Trung Quốc bằng tiếng Quan Thoại lên mạng Internet. Đây không phải lần đầu tiên ISIS để mắt đến Trung Quốc, từ tháng 7 năm ngoái trùm khủng bố ISIS Abu Bakr al-Baghdadi đã xếp Trung Quốc vào đầu danh sách các quốc gia mà tổ chức này nhắm tới, đặc biệt là cộng đồng Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Điều đáng nói là, báo cáo mới nhất của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, trong 25 quốc gia có vũ khí đang được sử dụng bởi khủng bố ISIS, thì vũ khí cơ bản của các phần tử khủng bố IS có súng AR15 của Mỹ, AK 47 của Nga, xe tăng và tên lửa do Nga và Trung Quốc sản xuất.
Tháng trước, chính truyền thông Nga RIA Novosti đưa tin, ISIS đã mua được tên lửa phòng không vác vai FN6 do Trung Quốc sản xuất tại Ukraine.
Như vậy, "thị phần vũ khí" tại các chiến trường Trung Đông, châu Phi và các điểm nóng toàn cầu khác là các nhân tố các ông lớn đều tính đến khi tham gia hoặc không tham gia cuộc chiến chống ISIS, vấn đề này chúng tôi sẽ phân tích trong một bài viết khác.
Chỉ có điều, lợi ích trực tiếp của Trung Quốc ở Syria trong cuộc chiến chống ISIS không bằng Nga và Mỹ. Nếu địa bàn hoạt động trọng tâm của IS nổ ra ở Nam Sudan hay châu Phi, nơi Trung Quốc đang ra sức khai thác tài nguyên, câu chuyện có thể chuyển sang một hướng khác.
Tuy nhiên, cái được lớn nhất của Trung Quốc lúc này, có lẽ là cứ để cho cả thế giới lao vào chống ISIS, Trung Quốc đứng ngoài vỗ tay cổ vũ để tranh thủ đục nước béo cò trên Biển Đông.
Hãy nhìn 7 hòn đảo nhân tạo bất hợp pháp mọc lên sừng sững ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), 3 đường băng quân sự dài 3000 mét đã và sắp hoàn thành ở Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn.
Gần đây nhất, Trung Quốc đã bố trí chiến đấu cơ J-11BH đồn trú bất hợp pháp ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam), đồng thời loan tin máy bay ném bom chiến lược H-6K cũng đã được biên chế cho lực lượng tham gia cuộc chiến xâm lược Hoàng Sa năm 1974.
Đó là chưa kể đến việc gấp rút triển khai hệ thống ra đa, tên lửa và các vũ khí khí tài quân sự khác ra đảo nhân tạo.
Đảo nhân tạo và đường băng quân sự Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Xu Bi, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói trúng "tim đen" Trung Quốc
Đây có lẽ là lý do chủ yếu Trung Quốc đứng ngoài cuộc chiến chống ISIS, đồng thời cổ vũ nhiệt tình cho Mỹ, Nga và các nước tham gia. Hoa Kỳ cho tàu tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông thì cứ việc tuần tra, Trung Quốc vẫn cứ tiếp tục các hoạt động xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp.
Đang lúc hý hửng vì thấy các cường quốc toàn cầu, đặc biệt là Hoa Kỳ buộc phải tập trung vào bàn cờ Trung Đông, nhất là sau khủng hoảng 17 giây Nga - Thổ hôm 24/11 mà lơ là Biển Đông, tạo "thiên thời" cho Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa phi pháp, Đức Đạt Lai Lạt Ma lại chọc đúng "tim đen".
Vị lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây Tạng bất ngờ nêu giải pháp hòa bình để giải quyết tận gốc vấn đề khủng bố. Hãy học cách đối thoại, lắng nghe lực lượng khủng bố bằng tâm từ bi, tìm hiểu nguyên nhân nào, động cơ nào biến một người lương thiện thành kẻ khủng bố để tìm cách hóa giải tận gốc.
Bởi theo nhãn quan của ông, bom đạn không giải quyết được vấn đề. Thực tế đã chứng minh điều này. Cuộc chiến chống ISIS ở Syria đang là nơi các cường quốc phô diễn vũ khí, thúc đẩy thị phần và cạnh tranh chiến lược nhiều hơn là chống khủng bố.
Điều này vô tình đã chọc vào đúng "tim đen", âm mưu và ý đồ của Trung Quốc trong bàn cờ chính trị quốc tế.
Bởi nếu Nga, Mỹ thực sự xem xét nghiêm túc gợi mở của Đức Đạt Lai Lạt Ma và có thể của cả Đức Giáo hoàng Francis kêu gọi đối thoại với thế giới Hồi giáo, nguy cơ xung đột ở Trung Đông thay vì bị tiếp tục đẩy lên cao như dự tính của Bắc Kinh, lại bị xẹp xuống.
Mỹ quay trở lại Biển Đông ắt hẳn âm mưu độc chiếm vùng biển này sẽ khó nuốt trôi. Đó là lý do tại sao Trung Quốc vội vã phản ứng một cách gay gắt thái quá, đánh đồng đối thoại, lắng nghe với đồng lõa.
Làm như vậy, một phần Trung Quốc muốn Nga, Mỹ và phương Tây cũng như các quốc gia Trung Đông tiếp tục lao vào các cuộc không kích, oanh tạc ISIS ở Syria mà không biết đến khi nào mới đến hồi kết để rảnh tay độc chiếm Biển Đông.
Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ảnh: AP.
Thậm chí không phải ngẫu nhiên ông Bí thư Tây Tạng lúc này bỗng nhiên lại lên báo chí kêu gọi vị Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 11 do chính phủ Trung Quốc chỉ định phải chối bỏ vai trò lãnh tụ tinh thần của bậc thầy tâm linh của cả dân tộc Tạng - Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14.Một phần nữa là Bắc Kinh muốn hạ uy tín, ảnh hưởng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh tụ tinh thần Phật giáo Tây Tạng mà họ xếp vào "thế lực thù địch".
Dù lập luận vô lý, nhưng Trung Quốc vẫn đưa ra nhằm thu hút sự chú ý của dư luận khỏi gợi mở đầy tính trí tuệ của Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa rồi sang sự công kích cá nhân nhằm vào ông.
Khi lưỡi không xương, nhiều đường uốn éo
Lợi ích chi phối mọi quan hệ quốc tế cũng như các hành xử của mọi quốc gia cũng là điều bình thường. Nhưng đánh tráo khái niệm, bẻ cong luật pháp và công lý quốc tế, đổi trắng thành đen để đạt được các mưu đồ chính trị không còn là cách hành xử của các nước tiến bộ trong xã hội văn minh ngày nay.
Giấy không gói được lửa. Mọi âm mưu, ý đồ ma quỷ sẽ bị ánh sáng trí tuệ của nhân loại và công luận quốc tế vạch trần.
Từ chuyện ông Chu Duy Quần "bẻ" ý phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma và chụp vào nội dung ý nghĩa hoàn toàn áp đặt, duy ý chí của Trung Quốc lại gợi cho người viết nhớ đến những phát biểu gần đây của các nhà lãnh đạo cấp cao nước này.
Họ cam kết công khai với thế giới rằng, Trung Quốc không quân sự hóa các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông. Những gì đã nêu ở trên chứng minh rằng nó hoàn toàn ngược lại.
Khi thăm chính thức Việt Nam, lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi "giữ gìn đại cục", không làm phức tạp tình hình trên biển thì hôm sau ông tuyên bố ở Singapore: "Các đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc từ thời cổ đại".
Tiếp đó, ông không trực tiếp nói ra nhưng để cho thuộc cấp của mình lên tiếng hù dọa: Phải "kiềm chế lắm" Trung Quốc mới không "thu hồi" các đảo. Liền đó người này nhấn mạnh: Trung Quốc có quyền và khả năng làm việc đó?!
Tất nhiên hòa bình, ổn định, công lý và luật pháp quốc tế cho Biển Đông và khu vực không chỉ là mong muốn của nhân dân Việt Nam, các nước ven Biển Đông, mà của cả những người dân Trung Quốc chất phác.
Người Việt đang rất nỗ lực đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế trên Biển Đông một cách hòa bình, hợp pháp và thiện chí.
Tuy nhiến trước diễn biến mau lẹ của tình hình, thiết nghĩ chúng ta cũng không thể chủ quan mà phải chuẩn bị các phương án đề phòng, bởi lưỡi không xương thì nhiều đường uốn éo. Không thể để bất ngờ trong mọi tình huống.