Monday, January 13, 2020

Chính quyền quyết phạt dân nghèo ‘tự ý làm cầu’ ở Long An

Bắc cầu vào “ốc đảo” không xin phép, anh Nguyễn Văn Thiện bị phạt hành chính, buộc đập bỏ cây cầu. (Hình: Khôi Nguyên/Thanh Niên)
LONG AN, Việt Nam (NV) – Liên quan đến vụ người bắc cầu vào “ốc đảo” bị phạt nặng và buộc đập bỏ, chính quyền xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Guộc, quyết tâm thu tiền phạt cho bằng được rồi mới tính đến sự tồn tại của cây cầu, khiến công luận bất bình.
Ngày 9 Tháng Giêng, 2020, anh Nguyễn Văn Thiện (38 tuổi, ngụ xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) cho báo Thanh Niên biết trong sáng 8 Tháng Giêng, Ủy Ban Nhân Dân xã Phước Vĩnh Đông đã mời anh lên làm việc về thực hiện quyết định xử phạt hành chính của Ủy Ban Nhân Dân hyện Cần Giuộc về vụ “xây cầu không xin phép.”
Làm việc trực tiếp với anh Thiện là cán bộ Địa Chính, Giao Thông xã Phước Vĩnh Đông. Tại đây, cán bộ xã nhắc lại là quyết định của chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Cần Giuộc ký ban hành từ Tháng Mười, 2019, có thời gian chấp hành trong vòng 10 ngày, nhưng đến nay gần ba tháng mà anh Thiện chưa có tiền đóng phạt.
“Xã nói đóng phạt xong đem biên lai lên giao cho cán bộ địa chính để biết đã chấp hành xong. Còn giờ chưa nộp tức là không thực hiện,” anh Thiện lo lắng nói.
Anh Thiện có hỏi nếu gia đình mượn được tiền nộp phạt, đồng thời xin cho cây cầu được tồn tại thì có được hay không, thì cán bộ địa chính xã cho biết: “Nộp phạt xong rồi tính. Còn phải họp ra dân xem ý kiến thế nào, có ai đồng tình hay phản đối gì không.”
Lo lắng lối đi duy nhất vào nhà bị tháo dỡ, anh Thiện đề nghị nếu chính quyền đập bỏ cây cầu và cũng là đường duy nhất đi qua nhà anh cùng vài gia đình khác, thì Ủy Ban Nhân Dân xã hỗ trợ bằng cách thuyết phục với những hộ xung quanh “mở đường” băng qua bờ ruộng để gia đình anh có đường ra vào nhà. Song, phía Ủy Ban Nhân Dân xã Phước Vĩnh Đông lập lờ yêu cầu anh đóng phạt xong “rồi sẽ họp để tính tiếp.”
Trước đó, hôm 21 Tháng Mười Hai, anh Thiện được Ủy Ban Nhân Dân xã Phước Vĩnh Đông mời lên làm việc về quyết định xử phạt của Ủy Ban Nhân Dân huyện Cần Giuộc đối với anh Thiện vì đã tự ý bắc cầu qua kênh. Xã yêu cầu anh Thiện “chấp hành quyết định, nếu không sẽ họp dân.”
Theo quyết định của Ủy Ban Nhân Dân huyện Cần Giuộc, anh Thiện bị phạt số tiền 40 triệu đồng ($1,730) và buộc phá bỏ cầu trả lại hiện trạng ban đầu.
Anh Thiện cho biết để ra vào nhà trước đây người dân ở “ốc đảo” đi qua cánh đồng ruộng của dân địa phương để về nhà. Tuy nhiên, hai tháng gần đây chủ đất đã bán phần ruộng này, trong khi chủ mới không cho đi đã rào bít lối đi trên bờ ruộng và con đường duy nhất để đi ra bên ngoài là phải lội qua kênh Bảo Sinh.
Anh Nguyễn Văn Thiện bên cây cầu đang xây dang dở, bị chính quyền đình chỉ xây và phạt tiền. (Hình: Khôi Nguyên/Thanh Niên)
“Người lớn thì dễ dàng rồi, khi cần thì cởi quần áo bơi qua kênh, nhưng tụi nhỏ thì rất khó khăn. Không lẽ năm này tháng nọ phải đi bằng cách đó,” anh Thiện nói với báo Thanh Niên.
Bí lối, anh Thiện buộc phải gom góp hết tài sản để làm cây cầu bắc qua kênh Bảo Sinh để các đứa trẻ và mọi người có đường đi mà không phải lội qua kênh khi có nhu cầu đi ra bên ngoài.
Anh cho hay, cây cầu đã làm xong trụ đà hai bên nhưng chưa thể chạy xe qua được, nếu chính quyền không tháo dỡ, thì cho phép anh tiếp tục mượn tiền làm hoàn thành cho mấy đứa con chạy xe đi học.
“Đây là nhu cầu thực tế chứ tôi chưa bao giờ muốn làm gì sai để nhà nước phải phạt. Mà phạt chừng đó tôi biết lấy đâu ra tiền để đóng,” anh Thiện than thở.
Ông Nguyễn Văn Hùng (46 tuổi) ở cùng ấp Vĩnh Thạnh, xã Phước Vĩnh Đông, cho biết con kênh mà anh Thiện bắc cầu để đi vào nhà mình và vài nhà khác có khu vực bao quanh toàn ao đầm nuôi tôm, cua nên mạnh ai nấy rào chắn hết lối đi. Cây cầu xây nằm ở vị trí gần cuối con kênh, không có xuồng ghe đi lại, hai bên là bãi bồi và dừa nước, dân cư thưa thớt nên về lâu dài chưa thể phát triển rộng hơn.
“Đây là vùng sâu, đặc biệt khó khăn, anh Thiện làm được cây cầu gần như bằng cả tài sản của mình. Nếu chính quyền đập bỏ thì họ sẽ phải lội kênh mỗi khi qua lại, đó là điều mà không ai muốn,” ông Hùng nói.
Báo Thanh Niên cho hay, vợ anh Thiện đi làm công nhân, còn anh Thiện làm thuê đủ nghề để sống và nuôi hai con nhỏ. Dù đã rất cố gắng nhưng do không có đất canh tác, công việc bấp bênh nên cuộc sống gia đình còn khó khăn.
“Mỗi lần nhìn mấy đứa nhỏ đi học bò qua đây thấy tội lắm, cầu mà phá đi thì không biết thế nào nữa. Hơn nữa, tôi nghèo quá không có tiền đóng phạt,” anh Thiện nói.
Sau khi báo chí lên tiếng, nhiều ý kiến bạn đọc bày tỏ bất bình sự cố chấp của chính quyền địa phương.
“Cán bộ và chính quyền địa phương phải đặt mình vào hoàn cảnh của người dân thì mới thấu hiểu cho dân được,” độc giả Nguyễn Kim Đạt (Sài Gòn) bất bình bày tỏ trên báo Thanh Niên.
Độc giả Dân Hiểu (Long An) tức giận: “40 triệu đồng tiền đâu mà đóng phạt? Với họ, người dân lương thiện vùng quê là số tiền quá lớn.”
“Chuyện quá giản đơn! Đừng phức tạp hóa vấn đề các vị ơi! Hãy vì dân nghèo mà xử lý tình huống, không nên cứng nhắc bảo thủ theo ‘quy trình’ vậy mới là chính quyền do dân vì dân,” độc giả Đoàn Trọng Thủy (Sài Gòn) ta thán.
“Điều này thể hiện bản chất thật sự của chính quyền do dân vì dân. Thật ưu việt nhân văn!!!” độc giả ghi Lô A Kiến Thiết (Lạng Sơn) châm biếm. (Tr.N)

Công an đánh vợ ông Lê Đình Kình, bắt ‘khai nhận cầm lựu đạn, bom xăng’

Bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, trong video đau đớn kể về việc bà bị công an đánh đập. (Hình: Chụp qua màn hình Facebook)
Mạng facebook: ‘Đám tang cụ Kình đông chưa từng thấy’
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Công an sau khi bắt bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, đã liên tục đánh và bắt bà khai nhận là “cầm lựu đạn, bom xăng, không nhận là đánh.”
Hôm Thứ Hai, 13 Tháng Giêng, 2020, đúng vào ngày diễn ra tang lễ ông Lê Đình Kình, mạng xã hội Facebook lan truyền một đoạn video, trong đó bà Dư Thị Thành đeo khăn tang trắng, kể lại chuyện bị công an tra tấn và ép cung.
Bà Thành kể: “Người ta bắt khai là ở nhà cầm lựu đạn, tôi bảo là tôi không biết quả lựu đạn thế nào, tôi không biết bom xăng là thế nào, thì tôi không khai được. Thế là nó tát, cứ thế nó tát, nó đá, tát suốt, hết bên nọ sang bên kia, xong rồi nó đá vào hai bên ống chân.”
Cũng trong video clip này, bà Dư Thị Thành lắc đầu nói bà không rõ tình hình của các con cháu bà ra sao nhưng kể rõ tên từng người “Uy, Công, Danh, Chức – bốn bố con.”
Vẫn theo lời bà Thành trong đoạn video: “Cháu bé 3 tháng đang nằm bên kia, cháu đỡ rồi, tạm thời được cứu sống. Một cháu bé 3 tháng và một đứa chưa đầy 3 tuổi.”
Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, bị công an tấn công và sát hại ngay tại nhà trong cuộc “đánh úp” vào lúc 4 giờ sáng ngày 9 Tháng Giêng tại làng Hoành, xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội.
Nhà cầm quyền đưa hàng ngàn người trang bị các loại võ khí tấn công vào xã Đồng Tâm nhằm triệt hạ dân làng chống đối vụ cưỡng chế khu vực cánh đồng Sênh, nơi dân làng trồng cấy suốt nhiều chục năm qua.
Theo truyền thông nhà nước tại Việt Nam, trong vụ tấn công này, 3 cảnh sát cơ động đã chết, gồm: “Đại Tá Nguyễn Huy Thịnh (48 tuổi), phó trung đoàn trưởng, Trung Đoàn Cảnh Sát Cơ Động Thủ Đô; Đại Úy Phạm Công Huy (27 tuổi); cán bộ Đội Chữa Cháy và Cứu Nạn, Cứu Hộ số 3, công an thành phố Hà Nội; Thượng Úy Dương Đức Hoàng Quân (28 tuổi), tiểu đội trưởng, Trung Đoàn Cảnh Sát Cơ Động Thủ Đô.”
Tuy nhiên, báo chí không nói rõ nguyên nhân vì sao những viên cảnh sát này chết, và họ chết ra sao. Theo báo Thanh Niên, tang lễ của 3 viên cảnh sát này sẽ được tổ chức vào buổi sáng ngày 16 Tháng Giêng “tại Nhà Tang Lễ Quốc Gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.”
Đám tang ông Lê Đình Kình “đông chưa từng thấy”
Hình ảnh hiếm hoi về tang lễ ông Lê Đình Kình hôm 13 Tháng Giêng được lọt ra ngoài và đưa lên mạng xã hội. (Hình: Facebook)
Hôm 13 Tháng Giêng, đám tang ông Lê Đình Kình đã diễn ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, nhưng theo nhiều Facebooker, đã bị hàng ngàn công an phong tỏa, và ngăn cấm người dân quay phim, chụp hình.
Facebooker Lã Việt Dũng viết: “Sáng nay đám tang cụ Kình, an ninh chìm nổi dày đặc. Chúng nó không cho một ai quay phim, chụp ảnh và cắt liên lạc toàn vùng.”
Còn Facebooker Hoàng Hà, kể: “Mãi đến trưa nay, 13 Tháng Giêng, một bạn kể là có liên lạc được với một người dân Đồng Tâm dùng điện thoại cục gạch (không phải smartphone), kể về đám tang cụ Kình. Người dân đó nói ‘đau thương lắm bác ơi, trong đám tang mọi người chỉ biết khóc nghẹn ngào…,’ rằng đám tang cụ Kình đông lắm dài lắm, cả đời chưa thấy đám tang nào đông như thế, dân xã Đồng Tâm, và các các xã bên cạnh Thượng Lâm, Phúc Lâm, cả bà con bên Chương Mỹ giáp Mỹ Đức cũng sang… bà con đưa tang đều đội khăn trắng, chỉ những người đến sau hết khăn mới không có thôi. Có cụ già đội khăn trắng bên Thượng Lâm, lưng còng, bước đi quềnh quàng, vừa đi vừa khóc, thương lắm, đau lòng lắm…”
“Người dân này nói không ai có thể quay phim chụp ảnh vì công an lẫn vào đám tang giám sát chặt lắm, người này có nhìn thấy một cháu thanh niên vừa giơ máy lên đã bị công an chỉ nhau đến bắt.”
Khởi tố 22 người vụ Đồng Tâm
Báo Thanh Niên hôm 13 Tháng Giêng dẫn lời Tướng Đoàn Duy Khương, giám đốc Công An thành phố Hà Nội, cho biết “đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 22 người liên quan đến vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm về các tội danh giết người và chống người thi hành công vụ.”
Theo báo này, “20 người bị khởi tố về hành vi giết người, gồm: Lê Đình Chức, Lê Đình Công, Lê Đình Uy, Nguyễn Văn Tuyến, Bùi Văn Tiến, Bùi Văn Niên, Trần Thị La, Bùi Thị Nối, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Viết Hiểu, Bùi Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Tiến, Lê Đình Doanh, Bùi Thị Đục, Lê Đình Quân, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Văn Quân và Trịnh Văn Hải.”
“Hai bị can bị khởi tố về hành vi chống người thi hành công vụ là Lê Đình Hiển và Bùi Viết Tiến.”
Vẫn theo báo Thanh Niên, có 4 người đang bị tạm giữ là “Nguyễn Xuân Điều, Trần Thị Phượng, Đào Thị Kim để làm rõ hành vi giết người và Nguyễn Thị Dung về hành vi chống người thi hành công vụ.”
Vụ công an tấn công đánh úp vào Đồng Tâm hiện đang được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả trong lẫn ngoài Việt Nam và hiện khu vực này vẫn bị công an canh chừng nghiêm ngặt.
Báo chí nhà nước chỉ thông tin một chiều theo những gì Bộ Công An CSVN cung cấp mà không có tin, bài, hình ảnh độc lập. Trên mạng xã hội, người ta đã đặt rất nhiều câu hỏi hoài nghi về vụ tấn công này. (KN)

Việt Nam làm chủ tịch ASEAN, có đối phó tham vọng Trung Quốc trên Biển Đông?

Dân chúng tổ chức biểu tình và tưởng niệm các chiến sĩ hải quân VNCH hy sinh bảo vệ Hoàng Sa tại Hà Nội. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việt Nam đã bắt đầu làm chủ tịch luân phiên Hiệp Hội 10 Nước Đông Nam Á (ASEAN), liệu có thể đoàn kết được với nhau để đối phó với tham vọng của Trung Quốc muốn nuốt trọn Biển Đông?
Một số nhà phân tích thời sự đặt câu hỏi như vậy trước thái độ hung hăng của Bắc Kinh ngày càng lộ liễu, cậy sức mạnh quân sự ăn trùm các nước nhỏ phía nam, bất chấp luật lệ quốc tế. Điểm lại tình hình Biển Đông chỉ vài tháng qua, Bắc Kinh cho các nhóm tàu hải cảnh, hải giám, dân quân biển hộ tống các tàu khảo sát địa chất đi ngang đi dọc trên các vùng biển đặc quyền kinh tế thuộc các nước khác ở khu vực.
Philippines trước đây, mới đây là Malaysia và Indonesia tỏ ra quyết liệt. Việt Nam chỉ cho các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư bám theo nhóm tàu Trung Quốc trong khi Indonesia đưa cả chiến hạm và máy bay khu trục tới vùng biển đặc quyền kinh tế quanh quần đảo Natoma, cảnh cáo và xua đuổi nhóm tàu Trung Quốc, buộc chúng phải rút đi.
Câu hỏi được đặt ra là, năm 2020 này, liệu các nước ASEAN, khi Việt Nam làm chủ tịch luân phiên, có đoàn kết với nhau chống lại Bắc Kinh hay không. Bản dự thảo Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC) sẽ có đủ đồng thuận để đưa ra những ràng buộc pháp lý hầu ngăn chặn sự lộng hành của Bắc Kinh hay không?
Hà Nội đã nhiều lần nhấn mạnh điều này trong những cuộc họp về COC trước đây nhưng đều bị Bắc Kinh gạt đi. Việt Nam có yếu tố chính trị thuận lợi là năm nay vừa là chủ tịch luận phiên ASEAN, vừa là thành viên không biểu quyết trong Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn lời ông Andrew Chubb, một nhà nghiên cứu Anh quốc chuyên về chính sách hàng hải của Trung Quốc, nói Hà Nội “có thể có khả năng làm Trung Quốc không thoải mái về ngoại giao bằng cách vận động dư luận khu vực chống lại các hành động của Bắc Kinh” trên Biển Đông.
SCMP thuật lời bà Bonnie Glaser, một trong những phân tích gia của tổ chức CSIS ở Washington D.C., nói Việt Nam đồng thời có thể “thúc đẩy việc cho thêm vào những lời lẽ cứng rắn hơn trong các bản tuyên bố chung (của ASEAN), đồng thời cổ động thảo luận về hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc trong các vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia và Indonesia.”
Nhiều khu vực của Biển Đông với tài nguyên thiên nhiên phong phú (dầu khí, hải sản) và cũng là thủy lộ quan trọng hàng đầu thế giới về thương mại, lâu nay tranh chấp chủ quyền giữa các nước ở khu vực. Bắc Kinh ngang ngược nhất khi tuyên bố chủ quyền chiếm hơn 80% Biển Đông theo hình “Lưỡi Bò” mà nhiều chỗ lấn rất sâu vào các vùng biển đặc quyền kinh tế của những nước khác.
Tháng Bảy năm 2016, Tòa Án Hòa Giải Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan, đã phán quyến tuyên bố 9 vạch nối lại giống hình “Lưỡi Bò” của Trung Quốc là vô giá trị. Dù vậy, Bắc Kinh cậy sức mạnh quân sự ăn trùm cả khu vực, tuyên bố không công nhận phán quyết. Bắc Kinh hàng năm tổ chức nhiều cuộc tập trận quy mô trên Biển Đông, đe dọa các nước tranh chấp chủ quyền.
Hải Quân Indonesia đã có hành động quyết liệt đuổi tàu Trung Quốc ra khỏi lãnh hải trên Biển Đông. (Hình: Getty Images)
Mấy năm gần đây, Bắc Kinh áp lực Hà Nội phải từ bỏ các cuộc khảo sát, dò tìm dầu khí trong vùng biển đặc quyền kinh tế của mình, lấy cớ có cái chủ quyền “Lưỡi Bò” ngang ngược. Tướng Phạm Trường Long, phó quân ủy trung ương Trung Quốc hồi năm 2017 từng đến Hà Nội đe dọa nếu Việt Nam không hủy bỏ dò tìm dầu khí tại lô 118 (ngoài khơi Quảng Nam -Quảng Ngãi) và lô 136-3 (đông nam Vũng Tàu 200 hải lý) thì sẽ xua quân đánh chiếm các đảo Trường Sa của Việt Nam.

Sau vụ đối đầu căng thẳng với đám tàu Trung Quốc kéo dài từ đầu Tháng Bảy đến Tháng Mười 2019 ở khu vực bãi Tư Chính, Hà Nội đã nhiều lần lên án Bắc Kinh ngang ngược trên Biển Đông. Tuy vậy, cũng chỉ dám ám chỉ chứ không nêu đích danh Trung Quốc.
Hồi Tháng Mười Một, 2019, Thứ Trưởng Ngoại Giao CSVN Lê Hoài Trung bắn tiếng không chính thức trong một cuộc hội thảo tại Hà Nội rằng Việt Nam có thể tính tới chuyện kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng Hà Nội chỉ coi đó là giải pháp cuối cùng.
Việc Indonesia phải đưa cả chiến hạm và phi cơ khu trục tới khu vực quần đảo Natuna cho thấy các lần phản đối ngoại giao bị Bắc Kinh coi thường. Theo nhà phân tích Derek Grossman tại tổ chức nghiêm cứu Rand Corporation ở Hoa Kỳ, Bắc Kinh có thể “xuống thang trong những tuần lễ tới đây hầu tránh đẩy Indonesia thành một nước thù địch mãi mãi.”
Đồng thời, hành động của Trung Quốc cũng đẩy Indonesia nghiên về phía lập trường của Việt Nam, kêu gọi phải có một bộ COC ràng buộc pháp lý để tránh sự ngang ngược cây sức mạnh quân sự của Bắc Kinh.
Nếu cả Hà Nội, Jakarta và Kuala Lumpur cùng một lập trường và cương quyết chống bành trướng Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh không muốn bị cộng đồng ASEAN liên tay chống lại mình nên đã nhiều lần mua chuộc một số nước để chia rẽ khối này.
Cambodia là thành viên ASEAN được Bắc Kinh tận dụng cho mưu đồ vừa kể. Manila từng quyết liệt chống Bắc Kinh thời tổng thống trước, nhưng khi ông Duterte lên cầm quyền từ 2016 thì đổi chiều ve vãn Bắc Kinh lấy viện trợ và đầu tư kinh tế. Không những vậy, còn bắn tiếng muốn xé Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương (Mỹ-Philippines) ký từ năm 1951.
Nay câu hỏi vẫn còn được đặt ra và chưa ai có thể thấy một câu trả lời rõ rệt là Việt Nam có thể vận động đoàn kết các nước ASEAN chống lại tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh tên Biển Đông hay không. (TN)

Phát giác 4 doanh nghiệp dùng hóa chất tẩy rửa bồn cầu làm nước mắm

Công an tỉnh Hải Dương bắt cơ sở dùng hóa chất và nước lã để sản xuất nước mắm hồi Tháng Chín, 2019. (Hình: Hoàng Ngân/Giao Thông)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đã phát giác bốn doanh nghiệp sử dụng hóa chất làm xà phòng, chất tẩy rửa vệ sinh để sản xuất nước mắm.
Theo báo Người Lao Động, chiều 13 Tháng Giêng, 2020, ông Nguyễn Văn Tiến, chánh Thanh Tra Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (Thanh Tra Bộ Nông Nghiệp), đã cung cấp tên bốn công ty sản xuất, kinh doanh và chế biến nước mắm “không đúng quy định,” dùng hơn 48 tấn hóa chất Soda (Na2CO3) một loại hóa chất công nghiệp dùng để làm xà phòng và chất tẩy rửa vệ sinh để chế biến nước mắm bán.
Bốn công ty vi phạm gồm: Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Một Thành Viên Điều Hương (ở thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh  An Giang); Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Chế Biến Thực Phẩm Hòa Hiệp (phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long); Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Thực Phẩm Tấn Phát ( xã Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) và Công Ty Cổ Phần Chế Biến Thủy Hải Sản Liên Thành (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Sài Gòn).
Theo ông Tiến, bốn doanh nghiệp này đã vi phạm hai tội chính là “sản xuất, chế biến không có lưới che chắn để côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; sản xuất nguyên liệu nước mắm dùng phụ gia không được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm.”
Báo VTC News cho biết từ giữa năm 2019, Thanh Tra Bộ Nông Nghiệp phối hợp cùng Bộ Công An, Cục Chế Biến và Phát Triển Thị Trường Nông Sản và Thanh Tra Sở Nông Nghiệp các địa phương Vĩnh Long, An Giang, Sài Gòn, tiến hành  thanh kiểm tra các hoạt động chế biến, sản xuất nước mắm.
Khi kiểm tra đến bốn đơn vị trên, giới hữu trách thấy nguyên liệu dùng trong sản xuất nước mắm gồm: dịch bột ngọt của Công Ty Cổ Phần Hữu Hạn Vedan Việt Nam (dung dịch có tính axit, công bố dưới dạng phụ gia thực phẩm) hoặc dùng dịch nước tôm, dịch bổi cá (nước đầu của việc ủ cá với muối).
Trong quy trình khử chua, các cơ sở này đưa khoảng 17,000 lít hỗn hợp gồm 95% dịch bột ngọt, 5% dịch nước tôm và 120kg Na2CO3 để trung hòa axit trong dịch bột ngọt, đun bằng hơi nước trong thời gian 40 – 50 giờ để thu được 800 lít nồng độ đạm đạt 25-35oN và 700 lít muối.
Sau đó, doanh nghiệp sử dụng 800 lít này cho đi qua cá đã ủ chượp (xác cá đã loại thải sau khi thu hoạch nước mắm truyền thống).Cuối cùng cho ra các sản phẩm nước mắm bán thành phẩm có độ đạm khác nhau tùy theo việc cô đặc và phụ gia chế biến (có mùi vị của nước mắm).
Nước mắm bán thành phẩm được bán cho các cơ sở sản xuất nước mắm có quy mô lớn, nhỏ khác nhau để tiếp tục dùng các chất điều vị, mùi, cô đặc để thành các sản phẩm nước mắm “có giá trị khác nhau” đưa ra thị trường tiêu thụ.
Tin cho biết, giới hữu trách đã ra quyết định xử phạt hành chính các công ty vi phạm tổng cộng 782 triệu đồng ($33,755). Thanh Tra Bộ Nông Nghiệp cũng buộc ba doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đối với nguyên liệu đã chế biến ra còn nằm lại tại xưởng.
Báo Zing cho hay trước đó hôm 10 Tháng Giêng, Thanh Tra Bộ Nông Nghiệp họp tổng kết năm và vô tình thông tin đã phát hiện, tiêu hủy hơn 48 tấn soda công nghiệp tại một số doanh nghiệp dùng để sản xuất nước mắm. Song, tên các công ty hoặc thương hiệu nước mắm vi phạm không được nêu cụ thể. Tuy nhiên, dưới áp lực của báo chí và công luận, cuối cùng Bộ Nông Nghiệp phải công khai tên tuổi. (Tr.N)