Sunday, January 13, 2019

Nhà cầm quyền TP. HCM có còn lương tâm, liêm sỉ?

Nguyễn Đình Ấm (VNTB) 


Từ hôm 4/1/2019 xem cảnh những chiếc xe ủi, xe múc khổng lồ nâng gầu gạt, đập những ngôi nhà của bà con khu vườn rau Lộc Hưng đổ sập trước mắt những người dân nghèo mặt mày hốc hác, lam lũ đứng nhìn với con mắt xót xa, tuyệt vọng mà đau xót. Trong khi những người dân tay không thanh minh, kêu la, gào khóc thảm thiết, có người nằm chặn trước xe xích nhưng đám công an, dân phòng vũ khí dùi cui lăm lăm trên tay không hề có biểu hiện động lòng. Họ hung hãn lôi kéo, bắt bớ ngăn chặn bà con để những hung thần giật những bờ tường, mái tôn, vách ngăn đổ sập lộ ra những giường, tủ, quạt điện, chăn chiếu, xe cộ, rổ rá, sách vở, búp bê... tanh bành, ngổn ngang.

Được biết đây là khu đất nhà thờ và chính quyền VNCH dành cho bà con giáo dân và người miền bắc di cư vào từ năm 1954. Hiện tại hàng nghìn cư dân của 200 căn nhà chủ yếu là bà con rất nghèo trong đó có nhiều thương phế binh đã cao tuổi cuộc sống rất bi thương. Thời còn làm việc ở tạp chí hàng không VN tôi đã có dịp đến thăm người quen ở đây từng biết nhiều thương phế binh rất uyên bác, thông thạo tiếng Anh, trình độ, kinh nghiệm về ngành hàng không rất cao, nhiều người thương tật, sức yếu nhưng vẫn đi đạp xích lô sống qua ngày.

Bà con vườn rau Lộc Hưng giăng biểu ngữ phản đối.
Theo thông tin của nhà cầm quyền TP Hồ Chí Minh thì những ngôi nhà này bị phá do xây dựng không phép, giải tỏa để xây trường học, bệnh viện... toàn các công trình công cộng là rất chính đáng.

Vâng nhà xây không phép thì phải xử lý nhưng bà con ở đây, canh tác trên mảnh đất này từ năm 1954 tại sao chính quyền không cấp giấy cho họ? Thưa với những kẻ ngụy biện kia chính tôi ở quận Long Biên giữa thủ đô Hà Nội cùng hàng nghìn hộ dân được quân đội cấp đất ở từ những năm 1970-1980 cũng chưa có sổ đỏ, nhà xây không phép đây. Không sổ đỏ, không phép nhưng theo bà con và trên thực tế ai cũng xây được rồi chỉ cần “đi cửa sau” làm cái phong bì vài triệu (công trình nhỏ), vài chục triệu, trăm triệu (với công trình lớn) là chỉ bị phạt có hóa đơn 200.000 đ sẽ không có ai “quấy nhiễu” nữa. Cùng một thể chế ấy, tôi tin bà con Lộc Hưng ở TP. HCM nói: “Xin chính quyền cấp giấy chứng nhận nhưng cán bộ lần lữa không làm”. Dân chưa có giấy thì mới dễ ăn hiếp họ khi làm nhà và dễ cướp đất của họ khi thấy cần?.

Các quan quận Tân Bình, TP. HCM phá nhà cướp đất của dân nghèo với lý do “không có giấy tờ”, tôi xin hỏi: Đất nước VN ra đời từ bao giờ, lúc đầu đất ấy có giấy tờ gì không? Nếu đất nước hình chữ S này không có dân ở đời này qua đời khác, khai hoang, vỡ hóa, cải tạo làm ra của cải nuôi sống con người rồi đi phu đi lính bảo vệ thì mảnh đất ấy có giá trị gì không? Nếu không có con người thì có đảng CS không? Không có họ thì đảng CS có chiếm được chính quyền để sở hữu toàn bộ đất đai không? Đảng sở hữu đất đai nhưng không có người sinh sống, làm ra của cải đóng thuế thì đảng sống vào đâu?...
Cảnh tượng tan nát sau cưỡng chế
Các anh nói “phải thi hành đúng pháp luật”. Rất tốt, chỉ có thi hành đúng pháp luật, xây dựng đúng quy hoạch thì thành phố mới ra thành phố, đô thị mới có giá trị cao. Thế nhưng các anh có thực hiện đúng pháp luật không? Tại sao ở xã An Lộc quận Bình Chánh các anh phá 300 căn chủ yếu nhà cấp 4 xây không phép của dân nghèo trong đó rất nhiều công rình lớn kiên cố như block chung cư trên đảo Kim Cương tại P. Bình Trưng Tây (Q2) đều xây vượt tầng đã phát hiện, lập biên bản sao không tháo dỡ để sau bộ xây dựng cho “điều chỉnh thiết kế”, hợp lý hóa sai phạm? Gần đây chung cư 20 tầng ở 258 đại lộ Võ Văn Kiệt (Q1) xây dựng không phép gần 430 m2 mà chỉ bị tháo dỡ 150/430m2. Tại P. Hiệp Bình Chánh Q. Thủ Đức cũng đầy rẫy nhà xây không phép từ lâu nhưng có bị tháo dỡ không?... Khắp thành phố không thể kể hết tình trạng xây dựng không phép, sai phép, “phạt cho tồn tại” mà không bị tháo dỡ. Phải chăng những đại gia, chủ đầu tư giàu thì họ “biết điều” còn dân nghèo, nhất là dân công giáo thì họ luôn nguyện theo Chúa sống “Cao thượng, trung thực, nhân ái, sẻ chia” không “biết điều”?.

Một người dân vườn rau Lộc Hưng cản xe xúc (dùng để huy động để phá dỡ nhà cửa).
Nhà cầm quyền TP. HCM cũng phao tin giải tỏa khu đất để xây trường học, nhà trẻ... Thử hỏi ở thành phố, quận Tân Bình có bao nhiêu đất dành để xây nhà bán? Chỉ riêng Vũ Nhôm đã được chính quyền dành cho bao nhiêu diện tích đất công sản? Tại sao đất ấy không xây trường học, công trình công cộng mà phải là khu đất bà con nghèo đã sinh sống, canh tác ở đó đã hơn 60 năm?.

Việc nhà cầm quyền TP. HCM san phẳng nhà cửa của dân nghèo đã sinh sống, canh tác trên mảnh đất này từ những năm 1954 đẩy họ ra đường trong khi tết nguyên đán đang đến gần là quá nhẫn tâm, ngang ngược, tàn bạo. 


Hành vi ấy có phải là vô cảm, vô lương, vô liêm sỉ?.

Tài sản khổng lồ và tuyệt vọng khủng khiếp

Tâm Don (VNTB) Trong các quốc gia độc tài có nền kinh tế quan liêu bao cấp và kế hoạch hóa tập trung cao độ, tư bản thân hữu đã không xuất hiện. Nhưng trong các quốc gia độc tài có nền kinh tế mang bóng dáng kinh tế thị trường như Trung Quốc, CHLB Nga và Việt Nam, tư bản thân hữu nhanh chóng xuất hiện, và nhanh chóng tàn phá khốc liệt đất nước. Nhiều chuyên gia và học giả đã nhất trí cho rằng, tư bản thân hữu là nguồn gốc của tham nhũng và lũng đoạn quyền lực, tạo ra các bất công trong tiếp cận các cơ hội mưu sinh, là tiền đề để cho việc mafia hóa quyền lực nhà nước.

Tư bản thân hữu lần đầu tiên được quan chức Việt Nam nhắc đến và thừa nhận vào đầu năm 2015 bởi TS Vũ Ngọc Hoàng, phó trưởng ban Ban tuyên giáo trung ương trong bài viết Nhận Diện Và Ngăn Chặn Lợi Ích Nhóm đăng trên báo Tuổi Trẻ. Ông Cao Sĩ Kiêm, cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, đại biểu quốc hội, cũng đề cập đến nhóm lợi ích ngân hàng với đặc trưng là sở hữu chéo và quản lý rủi ro lỏng lẻo. Trước đó, vào năm 2014, Nhà xuất bản chính trị quốc gia đã xuất bản công trình nghiên cứu “Lợi ích nhóm, thực trạng và giải pháp”  trong đó khẳng định rằng : “Những biểu hiện của lợi ích nhóm tiêu cực đã được xã hội tổng kết thành các hành vi “chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương”. Và dư luận xã hội đã tổng kết muốn có chức quyền, lợi ích phải có “tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ và cuối cùng mới là trí tuệ”. Tiếc rằng, công trình nghiên cứu này đã không được công chúng biết đến.

Không giống nhận thức của Việt Nam về tư bản thân hữu, giới nghiên cứu quốc tế có những góc nhìn bao quát hơn về tư bản thân hữu. Theo giới nghiên cứu quốc tế, tư bản thân hữu có bốn đặc trưng chính: 01) Hiện trạng mua quan bán chức đã làm hình thành một chợ đen quyền lực chính trị. 02) Sự cấu kết chặt chẽ giữa quan chức và doanh nhân để hai bên cùng thu lợi khủng bất chính. 03) Tham nhũng cấu kết trong doanh nghiệp nhà nước để ăn cắp tài sản của nhà nước. 04)Sự cấu kết giữa lực lượng thực thi pháp luật với tội phạm có tổ chức để thu lợi bất chính.

Mua rẻ tài sản nhà nước

Việt Nam có tư bản thân hữu không nếu căn cứ vào việc giới học giả quốc tế xác định các đặc trưng của tư bản thân hữu? Hãy bắt đầu chỉ với vụ án thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ, còn có tục danh là Vũ “nhôm”.

Trong các ngày 08 và 09-01-2019, báo chí nhà nước đồng loạt thông tin rằng, cơ quan điều tra Bộ công an đã xác định với sự giúp sức của một số cán bộ có vị trí cao trong ngành công an và lãnh đạo địa phương, Vũ “nhôm” thâu tóm 7 khu đất “vàng” tại TP.HCM và Đà Nẵng rồi chuyển nhượng để thu lời bất chính, gây thiệt hại 1.159 tỉ đồng. Trong thời gian công tác trong ngành công an, với danh nghĩa thành lập công ty bình phong cho cơ quan, năm 2015, Vũ thành lập công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 và được Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cấp giấy phép thành lập. Công ty này Bộ công an không góp cổ phần mà do Vũ điều hành hoàn toàn.

Việc 2 công ty trên được xác định là công ty bình phong của Bộ Công an đã tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ thâu tóm các khu đất vàng tại Đà Nẵng và TP.HCM. Sau khi được giao quyền sử dụng đất tại 7 nhà, đất công sản Vũ đã nhanh chóng chuyển nhượng cho cá nhân mình hoặc liên kết, chuyển nhượng cho cá nhân, tổ chức khác để thu lợi bất chính.
Phan Văn Anh Vũ trong buổi xét xử. Ảnh: TTO
Trong số 7 khu đất "vàng" bị Vũ "nhôm" thâu tóm, CQĐT xác định khu đất dự án vệt du lịch ven biển, từ Vegas Resort đến khu du lịch Bến Thành Non Nước thuộc quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, gây thiệt hại lớn nhất cho Nhà nước, khoảng hơn 400 tỉ đồng.

Cụ thể, ngày 22-1-2010, Bộ Công an có công văn do Phan Hữu Tuấn (Cục trưởng, sau là phó tổng cục trưởng tổng cục V) ký nháy để lãnh đạo Bộ Công an ký đề nghị UBND TP Đà Nẵng tạo điều kiện cho công ty của Vũ "nhôm" được nhận quyền sử dụng khu đất 1,5 ha ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc.

Sau khi nhận được công văn từ Bộ Công an, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định phê duyệt giá thu tiền sử dụng khu đất trên cho Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 để xây dựng khu trung tâm thương mại dịch vụ với giá 5 triệu đồng/m2. Sau khi được giảm trừ giá thuê đất xuống còn 3,7 triệu đồng/m2, Công ty này đã nộp đủ hơn 52 tỉ tiền sử dụng đất.

Tháng 10-2014, UBND TP Đà Nẵng ban hành quyết định giao đất cho công ty của Vũ "nhôm" với thời hạn sử dụng 50 năm. Địa phương này cũng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 15.577m2. Đến nay Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 chưa triển khai xây dựng tại khu đất này.

Theo kết luận định giá tài sản, ở thời điểm vụ án được khởi tố khu đất có giá trị gần 488 tỉ. Như vậy trừ đi số tiền mà công ty đã nộp thì Nhà nước bị thiệt hại hơn 435 tỉ.

Tại TP.HCM, nhà đất số 129 Pasteur (Q.3) gồm 1.500m2 nhà và 2.200m2 đất do Tổng cục IV Bộ Công an quản lý, sử dụng làm nhà khách đối ngoại.

Tháng 5-2015, ông Bùi Văn Thành, cựu thứ trưởng Bộ Công an, khi đó đã ký tờ trình báo cáo Thủ tướng cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất khu nhà này cho công ty Nova Bắc Nam 79 để phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành Công an.

Ông Thành cũng ký công văn đề nghị Sở TN&MT, Sở Tài chính TP.HCM trình hội đồng thẩm định giá phê duyệt chứng thư thẩm định giá bán bất động sản khu nhà đất 129 Pasteur.

Ngày 25-1-2016, Tổng cục IV Bộ Công an và Công ty của Vũ "nhôm" ký hợp đồng chuyển nhượng khu nhà đất trên với giá 294 tỉ.

Mặc dù trên các văn bản giấy tờ khu đất này để phục vụ công tác nghiệp vụ nhưng chỉ đúng một ngày sau (26-1), công ty của Vũ "nhôm" và công Công ty CP Đầu tư Peak View ký hợp đồng hứa mua và hứa bán về việc chuyển nhượng nhà, đất 129 Pasteur với giá 300 tỉ.

Ngày 28-1, Công ty CP Đầu tư Peak View đã thanh toán 300 tỉ đồng cho công ty của Vũ "nhôm".

Theo kết luận của Hội đồng thẩm định giá, khu nhà đất 129 Pasteur tại thời điểm khởi tố vụ án có trị giá hơn 517 tỉ. Như vậy thủ đoạn "ăn đất" của Vũ "nhôm" với sự giúp sức của một số cán Bộ công an tại dự án này đã gây thiệt hại cho Nhà nước 223 tỉ.

Liên quan đến vụ án Vũ “nhôm” thâu tóm đất vàng đã có nhiều tướng công an bị khởi tố, riêng hai tướng Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành sẽ đối diện với mức án 3-12 năm tù.

Vụ án Vũ “nhôm” là minh chứng thực tế có sức thuyết phục để khẳng định rằng, tư bản thân hữu ở Việt Nam là một câu chuyện có thật, là một hiện trạng nhức nhối. Khi vụ án Vũ “nhôm” bục vỡ, nhiều ý kiến cho rằng, trên đất nước này có hàng ngàn Vũ “nhôm”.

Trung Quốc có nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam nên tư bản thân hữu ở Trung Quốc cũng phát triển mạnh mẽ hơn , và số phi vụ cũng khủng hơn nhiều. Vào năm 2003, anh trai của ông Trần Lương Vũ, cựu bí thư Thượng Hải và ủy viên bộ chính trị đã sử dụng quyền lực của em trai và sử dụng các mối quan hệ khác  để mua quyền sử dụng một khu đất công ở Thượng Hải và nhanh chóng bán lại kiếm lợi 118 triệu nhân dân tệ. Đó chỉ là một trong hàng triệu triệu phi vụ đau đớn ở Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, từ năm 1013 đến tháng 6-2017, hơn 1,34 triệu quan chức các cấp ở Trung Quốc đã bị trừng phạt trong các chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình.

Trong khi đó, chiến dịch “ đốt lò” ở Việt Nam do ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng vào cuối năm 2016 chỉ mới diễn ra trong một phạm vi rất hẹp, bằng chứng là rất ít quan chức bị trừng trị.

Mua đắt tài sản tư nhân

Dùng công quỹ để mua đắt tài sản của tư nhân là một hình thức khác của tư bản thân hữu cấu kết giữa quan chức và doanh nhân. Theo các học giả quốc tế, quyền lực chính trị do các quan chức kiểm soát có thể nhanh chóng biến thành vô vàn của cải nếu có các đối tác cấu kết trong khu vực kinh tế tư nhân. Ở Việt Nam, vụ án Mobifone mua AVG đang trên bờ vực phá sản với giá trên trời là điển hình cho việc dung công quỹ để mua đắt tài sản tư nhân.

Thương vụ Mobifone mua cổ phần AVG được thực hiện từ cuối năm 2015 với giá gần 8.900 tỉ đồng. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, việc mua bán cổ phần này đã gây ra nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỉ đồng, trong đó có khoản thiệt hại 1.134 tỉ đồng do mua nợ phải trả của AVG.

Theo Thanh tra Chính phủ, thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó khăn, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cuối tháng 3.2015 là rất xấu, tổng tài sản hơn 3.260 tỉ đồng; nợ phải trả hơn 1.266 tỉ đồng; giá trị còn lại của tài sản cố định khoảng 208,5 tỉ đồng.

Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ với khoản lỗ luỹ kế đến 31.3.2015 là hơn 1.632 tỉ đồng (bằng 45% vốn điều lệ). AVG sử dụng vốn cho kinh doanh dịch vụ truyền hình chủ yếu là vốn vay và vốn chiếm dụng; vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn chiếm 73,3% vốn điều lệ.

Thanh tra Chính phủ xác định, đã có hàng loạt hành vi có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, làm trái quy định trong việc việc lập, trình dự án đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư của MobiFone, Bộ Thông tin - Truyền thông cùng một số bộ, ngành có liên quan.

Liên quan đến vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, ngày 14/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam thêm Phó Tổng giám đốc và nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty viễn thông Mobifone. Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng giám đốc và ông Cao Duy Hải, nguyên Tổng giám đốc Mobifone. Cả ông Hải và bà Phương Anh đều bị bắt để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3, Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trước đó, ngày 10/7, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" để điều tra thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, làm thất thoát lớn tài sản của nhà nước.

Cơ quan điều tra cũng đã quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét và bắt tạm giam ông Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng giám đốc Mobifone (khi bị khởi tố đang công tác tại Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông) và ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ quản lý Doanh nghiệp (Bộ TT&TT). Ông Trà và ông Trọng bị bắt để điều tra về cùng tội danh "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng".

Trong đại án Mobifone mua AVG, số phận của hai cựu lãnh đạo Bộ thông tin- truyền thông là ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đang như chỉ mành treo chuông.

Dư luận cho rằng, đằng sau sự vụ mua bán bất thường này là sự “lại quả” khủng khiếp mà AVG giành cho các quan chức. Nếu không được “lại quả” khủng khiếp làm sao vụ mua bán này có thể diễn ra?

Vào năm 1994, tại Trung Quốc lần đầu tiên phát hiện ra doanh nghiệp nhà nước mua đắt tài sản tư nhân. Vào năm này, giám đốc công ty Lanzhou Liancheng Aluminum Corp, ông Wei Guangqian trở thành bạn thân của của một nhà kinh doanh tư nhân ở Quảng Đông. Ngoài việc nhận lại quả từ nhà kinh doanh tư nhân trong một giao dịch đất đai, Wei đã chỉ đạo cấp dưới thành lập một liên doanh với nhà kinh doanh tư nhân, và phần vốn góp của nhà kinh doanh tư nhân được thổi phồng giá trị từ 20 triệu nhân dân tệ lên 92 triệu nhân dân tệ. Dĩ nhiên , mất mát thuộc về doanh nghiệp nhà nước, lợi lộc thuộc về Wei và người bạn.

Nếu xét tư bản thân hữu theo bốn đặc trưng cơ bản của các học giả quốc tế, Việt Nam có đầy đủ ví dụ điển hình cho ba đặc trưng. Hai đại án Vũ “nhôm” và Mobifone mua AVG là ví dụ điển hình cho đặc trưng 02) Sự cấu kết chặt chẽ giữa quan chức và doanh nhân để hai bên cùng thu lợi khủng bất chính. Vụ án ngân hàng Oceanbank chi lãi ngoài khủng cho các quan chức trong Tập đoàn dầu khí Việt Nam dẫn đến hàng chục quan chức cao cấp của tập đoàn này vướng vòng lao lý, mà gần đây nhất bà Vũ Thị Ngọc Lan, Phó tổng giám đốc Công ty thăm dò và khai thác dầu khí Việt Nam bị công an bắt vào ngày 06-01-1019 là ví dụ điển hình cho đặc trưng 03) Tham nhũng cấu kết trong doanh nghiệp nhà nước để ăn cắp tài sản của nhà nước. Vụ án Năm Cam diễn ra vào năm 2000 là ví dụ điển hình cho đặc trưng thứ tư của tư bản thân hữu 04)Sự cấu kết giữa lực lượng thực thi pháp luật với tội phạm có tổ chức để thu lợi bất chính.

 Trung Quốc đã làm rõ nhiều vụ án mua quan bán chức nên có thể khẳng định rằng, hình thái tư bản thân hữu mua quan bán chức là một hiện thực, nhưng ở Việt Nam, chưa có vụ án mua quan bán chức nào được phanh phui. Tuy vậy, giới chuyên gia và công chúng quá hiểu rõ rằng, từ lâu Việt Nam cũng như Trung Quốc đã hình thành một chợ đen mua bán chức tước.

Các quan chức hàng đầu Việt Nam chưa bao giờ lên tiếng cảnh báo thảm họa tư bản thân hữu một cách đầy đủ và liên tục, trong khi đó, người đứng đầu Trung Quốc, ông Tập Cận Bình liên tục chỉ rõ thảm trạng. Ngày 28-6-2013, ông Tập nói: “Nếu chúng ta không thể quản lý Đảng của chúng ta một cách chặt chẽ và hiệu quả….chẳng bao lâu nữa Đảng sẽ đánh mất quyền lãnh đạo đất nước và sẽ bị lịch sử loại bỏ”. Ngày 16-10-2014, ông Tập nói: “Tham nhũng trong công tác nhân sự là một vấn đề nghiêm trọng, vi phạm nguyên tắc trong bổ nhiệm cán bộ rất phổ biến. Hệ thống quản lý cán bộ chỉ để phô trương. Trong một số lĩnh vực, vấn đề hối lộ lấy phiếu bầu, chạy chức chạy quyền, và mua quan bán chức rất trầm trọng”.

Rõ ràng, tư bản thân hữu đã mang đến cho nhiều người ở Việt Nam và Trung Quốc những tài sản khổng lồ, nhưng đồng thời cũng gieo rắc vào chính quyền của hai quốc gia này những tuyệt vọng khủng khiếp.

Tham khảo

https://tuoitre.vn/truy-to-2-cuu-tuong-cong-an-bui-van-thanh-va-tran-viet-tan-20190105221229976.htm

https://tuoitre.vn/hai-cuu-tuong-cong-an-giup-vu-nhom-thau-tom-dat-cong-ra-sao-20190107221350748.htm

https://tuoitre.vn/thu-doan-an-dat-cong-cua-vu-nhom-20190108211233527.htm

Vì sao Hà Nội dập Facebook?

Diên Vỹ (VNTB) Những ngày đầu tháng Giêng, báo chí lề phải Việt Nam cùng đồng loạt lên án “Facebook vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam.” 

Các tội do báo chí liệt kê ra bao gồm “quảng cáo chính trị” nói xấu người khác mà không ai khác hơn là lãnh đạo, Đảng và nhà nước; “câu giờ” do không gỡ các nội dung được cho là độc hại trong vòng 48 tiếng mà chần chờ tới vài tháng mới chịu làm. Thu lợi từ quảng cáo các game cờ bạc, mại dâm mà không đóng thuế.

Làm lộ bí mật nhà nước

Tội nói xấu lãnh đạo, Đảng và nhà nước không có gì là lạ khi hàng trăm người đã bị bắt giam và kết án với tội danh này. Hiệu ứng của các nội dung loại này làm cho Hà Nội lo ngay ngáy vì với lượng người dùng lên đến 60 triệu thì số người ngày càng biết rõ sự thật sẽ ngày càng cao. Mục đích ngu dân và mỵ dân của Hà Nội đang ngày càng đi suy giảm khi người ta dù chỉ đọc mà không like, không bình luận hay chia sẻ. 

Những người vốn chỉ được lối giáo dục “chấp nhận tất cả” đã tiến dần - dù chậm - về phía nghi ngờ. Một khi nghi ngờ thì họ sẽ đặt ra câu hỏi và tìm cách đi tìm sự thật. Sự thật vốn là điều mà Hà Nội luôn e ngại. Những bí mật về tài sản và sức khoẻ lãnh đạo Đảng và nhà nước là những điều Hà Nội không muốn để người dân biết. 


Nỗi sợ người dân tập hợp lại trong các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” để lật đổ chính quyền ngày càng lộ rõ sau khi chứng kiến sức mạnh của mạng xã hội qua các cuộc biểu tình chống dự luật đặc khu, luật an ninh mạng, hay chống Formosa, phong trào cây xanh … Nhà cầm quyền Hà Nội đã sử dụng lực lượng tác chiến mạng – dư luận viên để báo cáo vi phạm ( report) Facebook của các nhà hoạt động hay những người có lượng người theo dõi cao nhằm vô hiệu hoá tiếng nói của những người này bằng cách khoá ( block) Facebook cá nhân của họ. Việc này có vẻ có tác dụng một thời gian.

Tuy nhiên sau khi Facebook ở Đức thừa nhận về thủ thuật report trang Facebook của người khác sau khi nhà báo Lê Trung Khoa viết thư khiếu nại với các tổ chức Phóng viên không biên giới, chính phủ Đức và Quốc hội châu Âu. Hà Nội không thể vươn tay tới văn phòng Facebook ở Đức để ngăn cản việc lộ chiến thuật tấn công Facebook cá nhân lực lượng tác chiến trên mạng ở Việt Nam. Đây là điều Hà Nội không thể chấp nhận vì Facebook đã dám để lộ bí mật nhà nước. 

Không đóng thuế 

Luật An ninh Mạng có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 ép buộc Facebook phải mở văn phòng tại Việt Nam cũng sẽ làm cho Facebook phải có nghĩa vụ đóng thuế cho Hà Nội. Hiện Facebook cho biết họ vẫn cân nhắc việc liệu có mở văn phòng ở Việt Nam hay không. 

Giữa năm 2019, Facebook sẽ phải đóng thuế cho các quốc gia mà Facebook có thu được lợi nhuận. Tuy nhiên số lượng các quốc gia mà Facebook phải trả thuế là 30 và là những quốc gia mà Facebook có văn phòng ở đó. Ở Anh Facebook phải đóng thuế năm 2020 vì nằm trong số các công ty công nghệ lớn có doanh số trên 500 triệu. 

Như vậy nếu Facebook mở văn phòng ở Việt Nam đồng nghĩa với việc họ buộc phải đóng thuế cho chính phủ Việt Nam. 

Việc quảng cáo game cờ bạc hay mại dâm chỉ là cái cớ. Tướng tá còn cầm đầu đường dây đánh bạc trên mạng lớn được, Facebook chỉ có tội quảng cáo. Mà cũng chẳng phải do Facebook chủ động mà do người dùng sử dụng thuật ngữ khác để đánh lừ các thuật toán của Facebook. 

Cái tội lớn hơn rất nhiều là không đóng thuế. Hà Nội đã ước tính Facebook thu đươc 235 triệu đô la từ quảng cáo. Nếu thu được thuế doanh nghiệp từ Facebook thì số tiền thuế sẽ ước đạt 47 triệu đô la, một con số không hề nhỏ trong khi ngân sách đang cạn kiệt.

Nhà nước Việt Nam áng rằng nếu không cho Facebook hoạt động ở một thị trường rộng lớn như Việt nam thì sẽ là một sự thất thoát lớn về doanh thu cho Facebook. Thật ra 235 triệu đô la không thấm vào đâu so với doanh thu 13,73 tỷ đô la trong quý 3 năm 2018. 

Dù vậy Facebook vẫn bị kết tội không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế khiến nhà nước thất thu. 

“Câu giờ” ngược 

Việt Nam yêu cầu Facebook gỡ các nội dung “ xấu, độc hại” trong vòng 48 tiếng nhưng Facebook lại không làm liền mà phải tới mấy tháng sau mới làm. Chưa kể đến việc Facebook lại làm lơ không thèm trả lời lại mà bộ bốn T cáo buộc sự im lặng của Facebook là vi phạm luật an ninh mạng. 

Facebook đã trả lời rõ “Chúng tôi có một quy trình rõ ràng để các chính phủ báo cáo nội dung bất hợp pháp và chúng tôi xem xét tất cả các yêu cầu đó, đối chiếu các điều khoản và điều kiện cung cấp dịch vụ của chúng tôi với luật pháp trong nước.”

Trên đã ra văn bản yêu cầu mà doanh nghiệp không được đáp ứng ngay là không được. Trên có quyền câu giờ, doanh nghiệp câu giờ ngược với trên là vô phép. Cho dù Facebook làm đúng quy trình, nhưng Hà Nội lại nóng lòng muốn đốt cháy quy trình mà không được chiều theo ý nên đâm ra … cáu. 

Bắt chẹt bằng luật an ninh mạng 

Nhà cầm quyền Việt Nam cho rằng Facebook đã vi phạm luật an ninh mạng khi họ để các nội dung nói xấu, hay độc hại hiển thị trên Facebook, nhưng lại không chỉ rõ được xấu và độc hại chỗ nào, vì sao mà chỉ yêu cầu chung chung là nội dung đó cần phải được xoá. 

Hà Nội buộc Facebook mở văn phòng tại Việt Nam trong vòng một năm kể từ ngày Luật An ninh mạng có hiệu lực. Sau khi mở văn phòng rồi mà Facebook không đóng thuế thì mới có thể cáo buộc người ta không đóng thuế được.

Hà Nội viện dẫn vào Luật An ninh Mạng của các quốc gia châu Âu để cho ra Luật An ninh Mạng của riêng mình sau khi đã tham khảo luật tương tự của đàn anh Trung Quốc.

Trong khi luật của Âu châu là nhằm làm cho các quốc gia EU an toàn hơn về mặt kỹ thuật số như ngăn chặn tội phạm mạng tức các tội được thực hiện thông qua mạng, khả năng gây tổn hại cho các tổ chức và người dùng. Người dùng máy tính và các công ty được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công hay các hành động bất hợp pháp của các bên thứ ba trên mạng. 

Các công ty được yêu cầu bảo mật thông tin của người dùng và báo cáo ngay khi bị tấn công. Tất cả đều diễn ra trên thế giới kỹ thuật số. 

Luật An ninh Mạng của Việt Nam được Hà Nội sử dụng hiện thực hoá và biến Luật An ninh Mạng thành luật bảo vệ sự sống còn của chế độ. 

Lộc Hưng, đất và quyền tư hữu


(Cafe đắng đầu tuần)

“Phép thử Lộc Hưng” đã diễn ra. Những căn nhà xây trái phép đã bị đập và nhiều người dân phải qua Tết không nhà. Nó cũng thể hiện được phần nào bức tranh mạng xã hội…



Tôi vẫn khẳng định tính pháp lý bước đầu của việc cưỡng chế các nhà xây không phép là đúng bởi chính quyền có nói rõ không cưỡng chế đất. Và cũng khẳng định lại lần nữa cái tệ là cưỡng chế trước Tết.

Nhưng vấn đề cần bàn kỹ là tính pháp lý!

Nguồn gốc đất đai của Lộc Hưng nói riêng và nguồn gốc đất đai Việt Nam nói chung, là thứ không thể không nói đến.

Các mốc từ khi lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoặc đến nay là nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đến nay trải qua nhiều lần biến động đất đai. Cụ thể là năm 1945 lập nước mới, 1956 cải cách ruộng đất với miền Bắc, 1975 với “giải phóng” miền Nam. Đối với cả nước là năm 1986- thời điểm đổi mới- cũng là giai đoạn chấm dứt hình hợp tác xã, người dân được ‘trở về chân đất cũ’ (nguyên văn chỉ đạo của Tổng bí thư giai đoạn đó, ông Nguyễn Văn Linh).

Nếu căn cứ Luật Đất đai 1993 thì đất Lộc Hưng nằm trong giai đoạn tính từ xác lập đất sau 30/4/1975.

Ngày cả khi có Luật Đất đai 1993 và luật Đất đai sửa đổi 2013 thì các mâu thuẫn đất đai tại nước ta vẫn “nóng”. Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có khá nhiều văn bản hướng dẫn sau 2013. Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, Đặng Ngọc Viết tại Thái Bình, Đăng Văn Hiến nơi Đak Nông chỉ là 3 ví dụ trong nhiều ví dụ về mâu thuẫn đất đai.

Tại quốc gia có chiều dài lịch sử bị xâm lược và đánh giặc ngoại xâm, nhu cầu “ăn cư” của người dân là nhu cầu máu thịt. Mâu thuẫn đất đai cũng được dân gian xếp vào “vạn cổ chi thù”.

Và không có mâu thuẫn nào mà không có nguyên nhân gốc!

Văn bản về nguồn gốc đất Lộc Hưng bằng tiếng Pháp và tiếng Việt là cơ sở để những người dân Lộc Hưng giai đoạn 1975 tiếp tục đòi quyền lợi chính đáng. Nhưng nó vẫn chưa phải là gốc của vấn đề, mà là xác định quyền sở hữu cá nhân về đất. Không phải chỉ riêng Lộc Hưng, để không còn những ví dụ tương tự, vốn rất nhiều trước đây. Điều này cần nhìn lại Hiến pháp để đánh giá.

Nếu diễn ra, có lẽ là cả một quá trình dài…

Trước mắt chỉ có thể nhắc lại vài câu hỏi không mới cho bất kỳ cấp chính quyền nào: Đổi đất lấy hạ tầng là một chủ trương lớn nhưng khi hết đất thì sẽ là gì? Nhà nước đã thực sự quản lý tốt đất đai không? Nhà nước có nên để “bàn tay vô hình” của thị trường điều chỉnh nhu cầu đất đai không?

Các loại tài nguyên thiên nhiên (gồm đất đai) có trước, tiếp đến mới là con người- nhân dân, cuối cùng mới là nhà nước, chế độ. Vậy đất đai và nhân dân là quá khứ của chế độ.

Đừng “bắn súng lục vào quá khứ” như cách thực dân Pháp đã từng làm với quốc gia, dân tộc này sau khi kiểm soát Việt Nam…

Mai Quốc Ấn

(FB Mai Quốc Ấn)

http://www.tintuchangngay.org/2019/01/mai-quoc-loc-hung-at-va-quyen-tu-huu.html

Kim Bình Trump

“…Nếu Bình nhường Trump tất cả, trong mấy tháng giữa năm nay, thì không lợi gì cho Trump! Ngược lại, nếu cứ ba bốn tháng Bắc Kinh lại công bố một nhượng bộ cụ thể cho Mỹ vui, thì suốt hai năm 2019, 2020, ông tổng thống Mỹ lâu lâu lại báo cáo với dân chúng một tin mừng: Ta đã thắng! Trung Cộng đã thua…”
Trong khi Tổng Thống Mỹ Donald Trump đang lo xây bức trường thành bảo vệ biên giới phía Mexico ngăn chặn hàng ngàn di dân từ Trung Mỹ chạy lên và thương thuyết với đảng Dân Chủ để mở cửa chính phủ, thì chính phủ Mỹ cũng đang lo hai việc ngoại giao: Tiếp tục thương thuyết với Bắc Kinh để giảm bớt cuộc chiến tranh thương mại, đồng thời chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ 2019 giữa ông Trump và nhà độc tài đỏ Bắc Hàn.
kim_binh_trump
Kim - Bình - Trump, ba nhà lãnh đạo làm đau đầu thế giới
Đúng lúc đó, Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un đi xe lửa qua đêm tới Bắc Kinh theo lời mời của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến sẽ đi kéo dài bốn ngày, cho thấy đây không phải là một cuộc gặp gỡ xã giao. Kim Jong Un chắc không bao giờ nghĩ đến chuyện xã giao; mặc dù tới gặp Bình đúng ngày sinh nhật 35 tuổi!
Kim lên nắm quyền suốt sáu năm mà không qua trình diện Bình, cho đến Tháng Ba năm ngoái, trước khi gặp Trump. Sau khi gặp Trump ở Singapore, Kim qua Bắc Kinh ngay, từ đó tới nay đây là lần thứ tư trong 10 tháng. Có lẽ chàng Kim muốn vấn kế đàn anh Trung Cộng sẽ làm gì khi gặp Trump trong tháng tới, cho đúng tình thầy trò. Nhưng chắc chắn Kim gặp Bình để xin ủng hộ cho vững tâm trước khi đi kỳ kèo mặc cả với Trump.
Khi gặp mặt tổng thống Mỹ năm ngoái, Kim đã đạt được những thắng lợi qua mặt hai đời bố và ông nội. Họ chỉ muốn được đứng ngang hàng với Mỹ. Đang là một “tên côn đồ” hung hãn bị cả thế giới khinh bỉ, Kim Jong Un bỗng đóng vai một chính khách quốc tế ngồi ngang hàng với người đứng đầu “thế giới tự do” mà không phải nhượng bộ cái gì trừ những lời tuyên bố. Sau đó, Nga và Trung Cộng đã nới lỏng những biện pháp cấm vận do Liên Hiệp Quốc đặt ra. Bắc Hàn và Nam Hàn gặp gỡ nói chuyện giao thương, giúp Kim bắt đầu cải tổ kinh tế dần dần theo lối Trung Cộng.
Bây giờ, Kim Jong Un lại đang lớn tiếng đặt điều kiện trước khi gặp Trump. Trong thông điệp đầu năm vừa rồi, chàng Kim dọa sẽ “đi đường khác” nếu Mỹ không bỏ cấm vận! Nghĩa là dọa có thể cho nổ bom hạch tâm và phóng hỏa tiễn mới, vì các trung tâm nghiên cứu Bắc Hàn vẫn hoạt động bình thường trong một năm qua. Kim qua gặp Bình để chứng tỏ cho Trump thấy mình vẫn có đàn anh hậu thuẫn, để có thể mạnh miệng hơn khi bước vào vòng thương thuyết mới.
Tất nhiên, chàng Kim biết rằng Mỹ sẽ không bao giờ giảm bớt cấm vận trước khi Bắc Hàn chịu xóa bỏ kho vũ khí nguyên tử. Cho nên, trong chuyến đi Bắc Kinh kỳ này, Kim sẽ năn nỉ với Bình, xin nới lỏng vòng đai cấm vận rộng hơn nữa. Trong thực tế, những tổ chức buôn lậu vẫn mua, bán với Bắc Hàn, Trung Cộng ngoảnh mặt làm ngơ.
Bắc Hàn vẫn không thiếu năng lượng dù bị cấm vận; vì các tàu chở dầu, khí của Trung Cộng và Nga đang tiếp tế trên mặt biển, chuyển nhiên liệu sang các tàu Bắc Hàn. Kim sẽ xin Bình cho các tay buôn lậu cấp cao hơn tham dự, và hoạt động mạnh hơn. Kim sẽ yêu cầu Bình ủng hộ cho Kim “cải tổ kinh tế” theo khuôn mẫu của Đặng Tiểu Bình. Có ai trên thế giới lại nỡ lòng cấm không cho một chế độ Cộng Sản bước vào con đường tư bản hóa?
Nhưng tại sao Tập Cận Bình lại đứng ra mời chàng Kim qua phó hội?
Bởi vì Trung Cộng đang thương thuyết với Mỹ chuyện quan thuế. Ông Trump đã ấn định đầu Tháng Ba là phải kết thúc, nếu không Mỹ sẽ đánh thuế nặng hơn. Mời Kim qua Bắc Kinh, Bình muốn nhắc Trump đừng quên một món hàng ngoại giao có thể trao đổi. Tập Cận Bình mời Kim qua chơi để nhắc nhở Donald Trump nhớ lại rằng Trung Cộng có thể trao đổi nhiều thứ, ngoài những món hàng xuất nhập cảng. Ngay từ đầu, ông Trump đã liên kết hai vấn đề lại với nhau: Mỹ sẽ nhẹ tay về thương mại, nếu Tàu bảo được Kim Jong Un bớt thói hung hăng.
Kim sẽ gặp Trump trước hay sau kỳ hạn đầu Tháng Ba? Nếu gặp trước ngày đó, Kim sẽ hứa nhượng bộ những gì? Tập Cận Bình có thể dùng Kim như một lính tiên phong dọ dẫm thái độ của Trump như thế nào. Nếu Trump nhường Bình một chút trong cuộc thương thuyết mậu dịch, Kim có thể sẽ nhường Trump một chút để ông tổng thống Mỹ có thể “ghi một bàn thắng,” đem về cho dân chúng Mỹ hoan hô.
Bàn thắng đó có thể là công bố một chương trình giải giới vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn. Vì từ một năm qua chưa ai nói đến một kế hoạch như vậy, ngoài những lời nói suông. Một chương trình tổng quát thôi, không thể nào có chi tiết; giống như bản tuyên cáo năm ngoái vậy.
Mỹ sẽ yêu cầu Bắc Hàn cung cấp một bản kiểm kê những nơi chứa vũ khí nguyên tử. Liệu Kim Jong Un có chịu không? Mỹ có thể đòi cho các quan sát viên quốc tế đến chứng nghiệm các cuộc kiểm tra. Chàng Kim có chấp nhận cho những người này đi lại tự do trong xứ mình không? Cuộc mặc cả có thể kéo dài cả năm trời chưa xong. Nhưng ông Trump có thể sẽ lên tiếng khen chàng Kim một lần nữa, như năm ngoái ông ca ngợi chàng Kim thông minh và hết lòng vì dân, vì nước. Đúng bắt tay, chụp hình với một người trẻ tuổi “thông minh và hết lòng vì dân, vì nước” cũng là một bức hình đẹp cho cuộc tranh cử tổng thống năm 2020.
Tập Cận Bình có thể giúp Donald Trump trong cuộc tranh cử hai năm tới. Bởi vì phần lớn những đòi hỏi của Mỹ cũng là những điều Trung Quốc cần thực hiện nếu muốn kinh tế tiến thêm. Phải bớt trợ cấp các xí nghiệp quốc doanh, để chính họ phải thay đổi. Cần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, không những của người nước ngoài mà của chính người Trung Hoa, nếu muốn canh tân khoa học, kỹ thuật. Phải mở cửa cho xí nghiệp nước ngoài vào cạnh tranh, đó là cách tốt nhất để các doanh nghiệp nội địa cố tiến lên, với triển vọng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Nhưng Tập Cận Bình sẽ nhượng bộ Trump từng bước một, không thể làm tất cả ngay một lúc. Nếu bắt tất cả các doanh nghiệp nhà nước phải tự túc ngay cùng một lúc thì nước Tàu sẽ loạn vì xáo trộn kinh tế! Hàng trăm triệu người sẽ mất việc làm! Phe bảo thủ trong đảng Cộng Sản sẽ lật đổ Tập Cận Bình! Cho nên phải tiến bước chậm chậm!
Bình có thể ra lệnh các công ty hàng không đặt mua thêm máy bay Boeing. Mua đậu nành, mua thịt, mua khí đốt, mua chip điện tử, tất cả đều là nhu cầu tự nhiên của kinh tế Trung Quốc; mà nước Mỹ có thể cung cấp với giá không cao hơn các nguồn cung cấp khác. Tập Cận Bình có thể buộc các xí nghiệp quốc doanh đang cạnh tranh trên thế giới với Mỹ không được phá giá. Chính phủ Cộng Sản có nhiều cách đền bù cho họ. Cứ như vậy, kinh tế Trung Quốc sẽ được cải tổ mà chính phủ Mỹ lại được vuốt ve.
Mà điều này thì ông tổng thống Mỹ có thể chấp nhận.
Nếu Bình nhường Trump tất cả, trong mấy tháng giữa năm nay, thì không lợi gì cho Trump! Ngược lại, nếu cứ ba bốn tháng Bắc Kinh lại công bố một nhượng bộ cụ thể cho Mỹ vui, thì suốt hai năm 2019, 2020, ông tổng thống Mỹ lâu lâu lại báo cáo với dân chúng một tin mừng: Ta đã thắng! Trung Cộng đã thua.
Hai cuộc trình diễn ngoại giao song song trong năm tới đáp ứng đúng như cầu tranh cử của ông Trump. Năm 2016, ông Trump đánh mạnh trên mặt trận chính sách quốc nội: Di dân, an ninh biên giới, thuế má, luật lệ, và nỗi niềm của những người Mỹ bị bỏ quên khi kỹ thuật thay đổi và kinh tế toàn cầu hóa. Năm nay và năm tới, Donald Trump còn có thể vận động tranh cử với các thành tích ngoại giao. Nếu Kim Jong Un và Tập Cận Bình lên sân khấu đồng diễn! 
Ngô Nhân Dụng

Lộc Hưng, lòng dân hay lòng chính quyền?

“…Sẽ còn bao nhiêu Lộc Hưng nữa? Chừng nào mà sở hữu toàn dân về đất đai còn tồn tại, thì chừng đó sẽ mãi còn nữa những Lộc Hưng…”
loc_hung15
Nhìn thấy nhà của đồng bào mình bị ủi tan nát, rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, – không cần biết nguyên nhân, không thể không thương xót.
Nhìn thấy đồng bào mình lăn xả trước đầu xe, lấy thân cản xích máy ủi – không cần biết nguyên nhân, không thể không phẫn uất.
Làm sao đến nông nỗi này?
Khi người ta có nhà cửa, người ta không thể ở ngoài trời.
Khi người ta có đường lui, người ta không thể mãi đối đầu.
Khi người ta không có lẽ phải, người ta không thể liều mạng sống.
TỘI CHÍNH LÀ CỦA LÃNH ĐẠO QUẬN TÂN BÌNH
Không cần nghe giải thích. Chưa cần biết thực hư. Cứ cho là 112 ngôi nhà vừa bị bị san ủi là do xây dựng không hợp pháp như một số báo đưa tin để bảo vệ cho hành động san ủi của lãnh đạo quân Tân Bình, thì chỉ hai câu hỏi hơn giản thôi:
1. Lãnh đạo quận Tân Bình làm gì mà để cho 112 ngôi nhà này xây dựng xong đã nhiều tháng, nhiều năm?
2. Nếu lãnh đạo quận Tân Bình thực thi đúng trách nhiệm, ngăn cản ngay từ khi khởi công xây dựng, thì 112 ngôi nhà này có xây dựng được không?
Là biết phải trái.
Từ đó mà kết luận được ngay – tội chính là của lãnh đạo quận Tân Bình. 
Để xảy ra hiện trạng xây dựng không hợp pháp là do lãnh đạo quận Tân Bình. 
Phá nhà của dân tang thương như hiện thời cũng là bởi lãnh đạo quận Tân Bình. 
Làm cho tình hình Lộc Hưng bức xúc như hiện nay cũng là do lãnh đạo quận Tân Bình. 
Lãnh đạo quận Tân Bình là người có lỗi đầu tiên. 
Lãnh đạo quận Tân Bình là người có lỗi cuối cùng.
Đội bóng bị thua thì huấn luyện viên bị sa thải. Không bàn về các cầu thủ. Không bàn về trận bóng.
ÔNG NGUYỄN THIỆN NHÂN HÃY BỚT HỘI HỌP MÀ NĂNG ĐI THỰC TẾ
Khi trả lời dân oan Thủ Thiêm, thấy ông Nguyễn Thiện Nhân rưng rưng “thành phố không gạt bà con ”, thì nghĩ rằng ông có xúc động thật. Thì nghĩ rằng ông sẽ nhanh chóng giải quyết vấn đề Thủ Thiêm. Nhưng thời hạn tháng 11 ông hứa đã qua rồi mà vấn đề Thủ Thiêm còn đang mờ mịt.
Biết rằng vụ Thủ Thiêm là vấn đề phức tạp đã rồi, trước khi ông Nguyễn Thiện Nhân về nhận chức Bí thư thành ủy HCM, lại động đến các thế lực tày trời, không dễ một sớm một chiều, nên dằn lòng chờ đợi.
Nhưng nay hay tin vụ Lộc Hưng xảy ra dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Thiện Nhân, thì bất ngờ đến choáng váng.
Đất đai là tài sản vô giá ngàn đời của con dân. Người cai trị khi nghe đến vấn đề đất đai của con dân thì đêm không ngủ được, ngày không ngon cơm, phải tự mình đích thân xem xét. Vì sợ rằng cấp dưới do sao nhãng hay do trình độ mà mang đến oan sai, ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo, làm mất nơi trú mưa che nắng không chỉ một đời con dân.
Nay ông Nguyễn Thiện Nhân lại không đích thân xuống xem xét thực trạng Lộc Hưng trước, đến nỗi để cho cấp dưới tàn phá hoang phí tài sản của đồng bào, làm đồng bào rơi cả suối nước mắt, đã thế còn vin vào kẻ xấu kích động.
Vậy là ông Nguyễn Thiện Nhân, không nhìn thấy tầm hệ trọng của vấn đề sở hữu đất đai, lại còn không thấy nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Ông chỉ nghe “nhảy dù chiếm đất” nên không thấy được “màn trời chiếu đất”. Ấy là vì ông chưa thương dân.
KHI THƯƠNG DÂN SẼ HÀNH ĐỘNG KHÁC
Chúng ta hô hào nâng cao phúc lợi. Chúng ta kêu gào vì an sinh. Chúng ta kêu gọi từ bi từ thiện.
Đồng bào không có nhà chúng ta phải giúp nhà. Đồng bào không có gạo chúng ta phải giúp gạo. Đồng bào không có chữ, chúng ta phải mang chữ đến… Đó là an sinh. Đó là phúc lợi. Đó là từ thiện.
Vậy làm sao chúng ta có thể nỡ lòng ủi nát những căn nhà đồng bào đang ở, khi họ thực sự không có mảnh đất nào khác để nương thân? Đẩy họ vào hoàn cảnh không nhà cửa?
Khi thực thương dân chúng ta sẽ hành động khác. Khi thương dân sẽ không có Đồng Tâm, không có Thủ Thiêm, không có Lộc Hưng.
“Tuân thủ pháp luật” không phải là lá chắn vạn năng. Muốn đồng bào tuân thủ pháp luật thì trước hết người cầm quyền phải tuân thủ pháp luật, càng không thể ngồi trên pháp luật. Để đồng bào, không phải một người, mà hàng vạn người – cả làng, cả xã rơi vào hoàn cảnh vô pháp luật, thì lỗi đầu tiên và duy nhất là do nhà cầm quyền.
LÒNG DÂN HAY LÒNG CHÍNH QUYỀN?
Khi đồng bào tự nguyện dỡ nhà làm cầu cho xe qua, tự nguyện dỡ nhà ngụy trang cho tên lửa, thì đó là lòng dân.
Còn khi chính quyền ủi nhà của đồng bào, buộc đồng bào lăn xả vào xích xe liều mạng cản ngăn, thì đó là lòng chính quyền.
Các nhóm lợi ích như con bạch tuộc đang len lỏi khắp mọi nơi vào chính quyền, phủ lòng chính quyền che kín hết lòng dân.
SẼ CÒN BAO NHIÊU LỘC HƯNG NỮA?
Làm lãnh đạo không phải chỉ biết đúng sai. Làm lãnh đạo không chỉ biết giải quyết hậu quả. Điều quan trọng nhất của lãnh đạo là nhìn ra nguyên nhân. Chỉ khi nhìn ra nguyên nhân mới giải quyết được gốc rễ vấn đề, ngăn chặn được sự phát sinh trong tương lai.
loc_hung16
Sẽ còn bao nhiêu Lộc Hưng nữa?
Chừng nào mà sở hữu toàn dân về đất đai còn tồn tại, thì chừng đó sẽ mãi còn nữa những Lộc Hưng.
Nguyễn Ngọc Chu