Monday, December 4, 2023

Hà Nội tính chi gần 10.000 tỷ đồng trong 22 năm để nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy

 An Tôn - VOA-04/12/2023

Một tòa nhà chung cư mini bị cháy ở Hà Nội vào rạng sáng ngày 13/9/2023.

Một tòa nhà chung cư mini bị cháy ở Hà Nội vào rạng sáng ngày 13/9/2023.

Hội đồng Nhân dân (HĐND) của thủ đô Việt Nam dự kiến sẽ xem xét vào ngày 5/12 một đề án tốn kém do Ủy ban Nhân dân (UBND) trình lên nhằm nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy trong giai đoạn từ nay đến năm 2045, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, 24h.com.vn và nhiều báo trong nước đưa tin.

Tờ trình của UBND Tp.Hà Nội đề xuất chi hơn 9.600 tỷ đồng cho lộ trình gồm 3 giai đoạn để lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của thành phố nâng cao năng lực chuyên môn, bao gồm cả cứu nạn, cứu hộ.

Theo đề án được báo chí trong nước trích dẫn, giai đoạn 1 kéo dài từ nay đến 2025 và cần đến gần 1.600 tỷ đồng; giai đoạn hai từ 2026-2030 sẽ tốn gần 3.000 tỷ đồng; và giai đoạn cuối từ 2031-2045 sẽ đòi hỏi số kinh phí hơn 5.000 tỷ đồng.

Tin cho hay UBND Hà Nội xây dựng đề án trên cơ sở thực tiễn là tình hình cháy, nổ trong thành phố đã diễn biến “đặc biệt khó lường” trong những năm gần đây.

Chỉ riêng trong 10 năm qua, ở thủ đô của Việt Nam đã có gần 4.500 vụ cháy, 18 vụ nổ và trên 8.000 sự cố nhỏ khác, gây hậu quả là 202 người chết, 271 người bị thương và nhiều thiệt hại về tài sản. Số vụ cháy lớn, cháy gây hậu quả nghiêm trọng chiếm 3,2% trong tổng số các vụ, báo chí cho hay, dẫn lại một phần nội dung của đề án.

“Qua tổng kết, các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng tập trung số nhiều tại loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, số ít vụ tại các nhà kho, xưởng, địa điểm dịch vụ tập trung đông người”, theo một trích đoạn trong tờ trình của UBND Hà Nội.

Đề án cũng chỉ ra rằng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng PCCC còn thiếu và gặp nhiều vấn đề. Tính đến năm 2023, lực lượng này chỉ có tổng cộng 238 ô tô, trong đó 28% số xe sử dụng từ 10 đến 20 năm thường xuyên xảy ra hư hỏng.

Bên cạnh đó, họ không có đủ trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng cho các trường hợp khó như cháy, nổ trong không gian kín, không gian ngầm, ngõ nhỏ, sâu và các vụ liên quan hóa chất. Trang phục bảo hộ cho các nhân viên “còn thiếu nhiều”, vẫn theo đề án.

Từ thực tế nêu trên, UBND Hà Nội đề nghị mua sắm thêm gần 100 xe các loại gồm xe chữa cháy, xe cứu nạn cứu hộ, xe téc nước chữa cháy, xe xử lý sự cố hóa chất sinh học, xe thang và 1 tàu chữa cháy. Tờ trình của ủy ban cũng nêu tham vọng được cung cấp các loại xuồng cứu hộ, ca nô chữa cháy, máy bay trực thăng cứu nạn cứu hộ và máy bay chữa cháy.

Tờ trình được nêu ra trong bối cảnh cách đây chưa đầy 3 tháng đã xảy ra thảm họa cháy một tòa chung cư mini ở Hà Nội làm chết tới 56 người, nguyên nhân được xác định là chập điện.

Căn cước – một kiểu ‘trở về’ vạch xuất phát!

Trân Văn-01/12/2023(Hình: screenshot from tuoitre.vn)

(Hình: screenshot from tuoitre.vn)

Rất nhiều người sử dụng mạng xã hội hoặc liệt kê, hoặc chuyền cho nhau xem quá trình thay tên, đổi họ của loại giấy tờ tùy thân mới được quyết định đổi tên: Thời thuộc Pháp gọi là THẺ CĂN CƯỚC.

Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa nhất trí thông qua “Dự luật sửa đổi Luật Căn cước công dân”. Theo đó, luật liên quan đến loại giấy tờ tùy thân quan trọng nhất và phổ biến nhất tại Việt Nam sẽ mang tên mới là “Luật Căn cước” (1) và “Thẻ căn cước” sẽ thay thế cho “Thẻ Căn cước công dân” được cấp phát từ 1/1/2016. Sự kiện này đã gây ra một trận bão dư luận trên mạng xã hội.

Rất nhiều người sử dụng mạng xã hội hoặc liệt kê, hoặc chuyền cho nhau xem quá trình thay tên, đổi họ của loại giấy tờ tùy thân mới được quyết định đổi tên: Thời thuộc Pháp gọi là THẺ CĂN CƯỚC. Đến 1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) ra lệnh đổi thành THẺ CÔNG DÂN. Đến 1947, cũng Việt Nam DCCH ra lệnh đổi tên gọi thêm một lần nữa thành GIẤY CHỨNG MINH. Đến 1964, cũng Việt Nam DCCH quyết định đổi cách gọi thêm một lần nữa thành GIẤY CHỨNG MINH/ GIẤY CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC. Năm 1976 – sau khi đất nước thống nhất, Cộng hòa XHCN Việt Nam quyết định phải gọi đó là GIẤY CHỨNG MINH NHÂN DÂN (CMND). Năm 1999, cũng Cộng hòa XHCN Việt Nam tạo ra CHỨNG MINH NHÂN DÂN 9 số. Năm 2012, cũng Cộng hòa XHCN Việt Nam tạo ra CMND 12 số. Năm 2012, cũng Cộng hòa XHCN Việt Nam quyết định phải gọi loại giấy tờ tùy thân này là THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN. Sắp tới, Cộng hòa XHCN Việt Nam yêu cầu gọi loại giấy tờ tùy thân ấy là THẺ CĂN CƯỚC (2).

Có người như Nguyễn Phan nhận xét: Thẻ căn cước” đã trở về “thẻ căn cước” sau gần nửa thế kỷ lưu lạc. Có ai để ý từ lâu “trực thăng” đã không còn là “máy bay lên thẳng”, “lính thủy đánh bộ” cũng đã trở về với “thủy quân lục chiến”. Còn tên lửa, tàu sân bay thì chưa trở về với hỏa tiễn và hàng không mẫu hạm (4).

Cũng có người như ông Mạc Văn Trang xem “Thẻ căn cước” là sự kiện vừa bi, vừa hài. Theo ông Trang: Chuyện về tên gọi loại giấy tờ tùy thân này không phải là chuyện nhỏ, nó phản ánh toàn bộ cung cách quản lý nhà nước. Từ ngày “cách mạng” đến nay, mọi thứ vận động theo quy luật “đèn cù”, chạy tít mù nhưng sau khi quay vòng thì quay về lại chỗ ban đầu. Ông Trang lưu ý: Miền Nam thời Việt Nam Cộng hòa (VNCH) không có những thay đổi này nên “thẻ căn cước” thời thuộc Pháp vẫn là “thẻ căn cước”. Chỉ với “cách mạng”, “thẻ căn cước” mới chạy lòng vòng và sau gần một thế kỷ mới “trả lại tên cho em”! Ông Trang cho rằng: Dù sao cũng có cái vui - những gì người Pháp hay VNCH đã dùng mà thấy đúng, thấy tốt thì nay cứ lấy mà dùng, đừng “tự ái cách mạng”, đừng “sợ mất lập trường” nữa. Chấp nhận việc này Quốc hội tỏ ra có tiến bộ. Nhân chuyện này, ông Trang đề nghị nên dùng triết lý giáo dục của VNCH - “DÂN TỘC, NHÂN BẢN, KHAI PHÓNG” chứ không thì mấy ông Bộ trưởng giáo dục cứ ấp úng - “Triết lý giáo dục là Nghị quyết của Đảng”. Ông Trang cũng cho rằng: Quốc hội nên mau quay lại thực hiện Hiến pháp 1946 của Việt Nam DCCH cho hợp lý, hợp tình, hay mạnh dạn hơn, tiến tới tham khảo dùng Hiến pháp VNCH, khỏi phải đi lòng vòng! Người Việt dùng cái của người Việt sao lại e ngại mà đi sao chép của Tây, của Tàu? Lạ thật đấy (5)!

Nguyễn Thông thì so sánh chuyện ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội từng khẳng định, tên gọi thẻ tùy thân phải là “căn cước công dân” mới đầy đủ và hợp lý, không thể thay đổi, với chuyện Quốc hội vừa đổi “căn cước công dân” thành “căn cước” và bình: Một việc nhỏ con con, đơn giản, dễ làm mà phải mất bao nhiêu công phu, thời gian, tiền bạc, thậm chí mất đoàn kết, để “thành công tốt đẹp”, chứng tỏ bộ máy thượng tầng rất rảnh, thái vô tích (vô tích sự), kém hiệu quả.

Ông Thông nói thêm: Trong dân chúng có không ít người cười, bảo rằng cuối cùng lại bắt chước chính thể VNCH, thực ra không hẳn vậy. Họ bắt chước chính họ. Chính cái bộ máy của chế độ này cách nay hơn 50 năm (nửa thế kỷ) đã từng gọi thẻ ấy là “căn cước”. Đang yên đang lành, tự dưng phát huy trí tuệ sáng suốt, đổ đốn tư duy, đổi nó thành chứng minh thư, CMND, giấy CMND, CCCD, rất rắc rối, đèn cù, lằng nhằng dây điện... Cần nói thêm, theo luật mới vừa được Quốc hội thông qua, “những căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ“. Vậy tôi hỏi các bác công an và tất cả các bác chức việc nhà nước kính mến: CCCD gắn chip của tôi ở mục “Có giá trị đến – Date of expiry” ghi rõ là “Không thời hạn”, vậy tôi cứ tuân chỉ, làm theo luật mới thì có... vi phạm pháp luật không? Hàng triệu người đã được cấp căn cước có giá trị vĩnh viễn (không thời hạn), vậy mà ra cái luật, thông qua cái luật cũng không nên hồn (6).

***

Rất nhiều người bận tâm như Bị Cạo Râu: Tốn quá nhiều tiền và quá nhiều thời gian để có được cái tên - (thẻ) Căn cước. Chỉ cách đây vài năm, người ta đã không suy nghĩ kỹ khi đổi tên CMND thành CCCD rồi nhanh chóng bỏ đi hai chữ Công dân như quyết định hôm nay của Quốc hội. Mỗi lần thay đổi là tốn kém, là phiền hà. Một việc rất nhỏ, đã bộc lộ tư duy ốm yếu, chậm chạp và không ổn định của bộ máy cầm quyền, gây hại cho ngân sách và phiền phức cho dân. Vấn đề nhạy cảm là, vì việc này họ bị công chúng mang ra làm trò cười, lại chuốc thêm tổn thất uy tín (7). Cũng vì những băn khoăn ấy, Bộ Công an nhiều lần khẳng định: Đổi CCCD thành CC không phát sinh chi phí (8)!

Muốn biết Bộ Công an nói thiệt hay nói ngoa thì hãy tham khảo ý kiến của ông Nguyễn Sĩ Dũng trên tờ Tuổi Trẻ số ra ngày 29/11/2023: ...Luật Căn cước công dân cuối cùng đã được Quốc hội chấp nhận đổi tên thành Luật Căn cước sau khi cơ quan soạn thảo giải trình được là thay đổi này sẽ không làm phát sinh thêm chi phí tuân thủ. Tuy nhiên, khi luật pháp được ban hành mới, hoặc được sửa đổi thì chi phí tuân thủ có nhiều khả năng sẽ phát sinh. Nếu mức chi phí phát sinh nhỏ hơn lợi ích mà các chính sách lập pháp mới mang lại thì điều kiện kinh doanh và đời sống của người dân được cải thiện. Ngược lại, mọi việc sẽ đi thụt lùi và khó khăn hơn.

Chi phí tuân thủ pháp luật cho cả xã hội bao gồm chi phí tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, chi phí tuân thủ pháp luật của người dân và chi phí tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước. Chi phí này thông thường rất lớn. Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, chi phí tuân thủ pháp luật cho cả xã hội chiếm trung bình 10% GDP ở các nước phát triển và 15% GDP ở các nước đang phát triển. Nước ta chưa có số liệu chính thức về chi phí tuân thủ pháp luật của mình. Tuy nhiên, nếu mức chi phí này chiếm 15% GDP như các nước đang phát triển khác thì đó là 435 tỉ USD (GDP ước tính cho năm 2023) x 15% bằng 65,25 tỉ USD hay 1,566 triệu tỉ đồng. Một con số khổng lồ! Vấn đề là với chất lượng chưa cao và với sự chồng chéo, trùng lặp của các văn bản pháp luật như hiện nay, chi phí tuân thủ pháp luật của nước ta có thật sự là 15% GDP không hay là cao hơn (9)?

Chú thích

(1) https://nld.com.vn/thoi-su/chinh-thuc-doi-ten-the-can-cuoc-cong-dan-thanh-the-can-cuoc-20231127090811785.htm

(2) https://www.facebook.com/ho.huy.589/posts/pfbid034WW43RXYR7XSVKsMyeEGhw2c3AkDykyNEK3h2D7eCPaKnbR2EkY7qzaqLXHXBx7gl

(3) https://www.facebook.com/DamHaPhu/posts/pfbid02ZFVA5QLiKbj1dguV5PBYgBMMv4qpxRpNqX1Axc8JR3McSAF2UWeEEPVGhNALgUTHl

(4) https://www.facebook.com/phan.nguyen.355/posts/pfbid0VGWPUkLSQwrm3osRdDzhSpz8nCcyLVkWHEryxfc8Mex3JAud15EfdhkYXihPZVL8l

(5) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0TR3YoKgCu1MUgXJXiB8gCkMftLUect8zYp4cBL6jSY6xHRcU8PvpWcuASgDfGUB6l&id=100013518285955

(6) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0JGijuAgcjSsZ6EMd6rN2MNZANE4g4BtcvEfxyfsZoXYhemoSJtoX5mqU5i9KDLXYl&id=100024722048900

(7) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0uEkc1wkYPvaSzsBmqEDM548eKrhkxc2iPexEKLzbiNn5egCDyqNSxTVs4xVTEfssl&id=100074280347667

(8) https://dantri.com.vn/xa-hoi/doi-ten-can-cuoc-cong-dan-thanh-can-cuoc-khong-phat-sinh-thu-tuc-20231024230728417.htm

(9) https://tuoitre.vn/chi-phi-tuan-thu-phap-luat-20231129090604942.htm

Vì sao Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ chết

 Bình luận của Hà Lệ Chi-2023.11.30


Vì sao Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ chếtNgười bán trái cây trên chợ nổi ở Sông Mekong ở Cần Thơ hôm 2/4/2016 (minh hoạ)-Reuters

Con sông huyết mạch của Đông Nam Á

Mekong là con sông huyết mạch trọng yếu ở khu vực Đông Nam Á. Đây là con sông dài nhất Đông Nam Á, với chiều dài xấp xỉ 4.800 km. Sông Mekong khởi nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua sáu quốc gia (Bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) và đổ ra Biển Đông. Tiểu vùng sông Mekong mở rộng là khu vực kinh tế tự nhiên bao quanh sông Mekong, có diện tích 2,6 triệu kmvới dân số khoảng 339 triệu người. Tổng diện tích lưu vực sông Mekong là 795.000 km2, là nơi sinh sống của khoảng 60 triệu người, sinh kế của 80% trong số họ phụ thuộc vào dòng sông này. Được coi là một trong những lưu vực sông đa dạng sinh học nhất trên thế giới, lưu vực sông Mekong cũng là một trong những khu vực đất canh tác màu mỡ nhất.

Mực nước sông Mekong thời gian gần đây đã xuống thấp tới mức chưa từng có trong lịch sử, khiến kinh tế và nông nghiệp các nước hạ lưu chịu tác động nghiêm trọng. Năm 2019, một đợt hạn hán kéo dài ở miền Nam Trung Quốc và lục địa Đông Nam Á đã khiến mực nước ở sông Mekong hạ xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua.

Năm 2019 và 2020, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mực nước đã giảm xuống mức thấp nhất trong 100 năm trở lại đây. Lượng nước chảy vào đồng bằng ít đi trong khi mực nước biển lại dâng cao, làm tăng độ mặn của đất trồng trọt. Do đó, diện tích dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.

Mực nước thấp là vấn đề nguy hiểm đối với các quốc gia thuộc khu vực hạ lưu như Việt Nam và Campuchia. Mực nước thấp tác động tiêu cực đến các khu vực phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các vùng trồng lúa. Hậu quả là năng suất lúa gạo của ĐBSCL đã suy giảm rất lớn. Trong khi đó, Đồng bằng Sông Cửu Long là “vựa lúa” lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam, 17,3 triệu dân của vùng đồng bằng sông Cửu Long sản xuất hơn một nửa số gạo của Việt Nam; gần 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đến từ vùng này.

Ủy hội sông Mekong (MRC) ngày 7/8/2020 công bố một bản báo cáo, trong đó nêu rõ tình trạng khô cạn và hạn hán trên sông Mekong trong năm có liên quan đến lưu lượng xả nước ở mức thấp của các con đập thủy lợi và sự vận hành của các nhà máy thủy điện trên sông Mekong.

Do các đặc điểm độc đáo trên, khu vực này đang ở trong tình trạng rất dễ bị tổn thương. Các con đập mà Trung Quốc, Lào và Campuchia đang xây dựng ở thượng nguồn đã chặn nước, giữ lại phù sa và cản trở sự di chuyển của cá. Các quốc gia hạ lưu theo truyền thống lấy khoảng 40% lượng nước của họ từ phần sông của Trung Quốc trong mùa khô và 18% trong mùa mưa, nhưng tỷ lệ đó đã giảm mạnh do các con đập ở thượng nguồn.

Sau năm 2020, lượng phù sa đổ vào ĐBSCL ước tính chỉ còn khoảng 1/3 của năm 2007. Theo một nghiên cứu năm 2018, các con đập cũng ngăn chặn sự di cư của cá và dự kiến sẽ gây ra sự sụt giảm thu nhập từ nghề cá ở các quốc gia phía Nam Trung Quốc lên tới 22,6 tỷ USD trong vòng 24 năm.

000_8M53Q.jpg
Một cô gái đi trên một con kênh cạn nước do hạn hán ở Long Phú, Sóc Trăng vào tháng 3/2016. AFP

Chiếc đinh cuối cùng cho cỗ quan tài chôn vùi ĐBSCL

Mới đây, Campuchia đã quyết định cho đào một con kênh mang tên Phù Nam Techno.

Con kênh này dự kiến sẽ là tuyến đường thủy nối thủ đô Phnom Penh với tỉnh Kampot, qua sông Bassac. Tỉnh Kampot nằm ở phía nam Campuchia, có một mặt giáp với tỉnh Kiên Giang của Việt Nam, và một mặt giáp với vịnh Thái Lan. Dự án này sẽ vận chuyển hàng hoá đến và đi từ cảng Phnom Penh ra biển mà không cần phải trung chuyển qua Việt Nam.

Hôm 17-10, tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Ủy ban liên bộ Campuchia do Phó thủ tướng Sun Chanthol đứng đầu đã ký kết thỏa thuận với đại diện Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) về dự thảo khung xây dựng kênh đào nối ra biển Phù Nam Techo.

Thỏa thuận này sẽ cho phép CRBC tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về tất cả các khía cạnh của dự án trong vòng tám tháng. Dự án kênh đào Phù Nam Techo ước tính sẽ tiêu tốn khoảng 1,7 tỷ USD và mất bốn năm để hoàn thành. 

Campuchia cũng thông báo rõ ràng là các nghiên cứu thực hiện dự án kênh đào này sẽ do các công ty Trung Quốc thực hiện.

Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia, việc Campuchia xây dựng kênh đào Phù Nam Techno này ra biển sẽ làm giảm lưu lượng nước trên dòng sông Hậu, điều này sẽ tác động đến ĐBSCL, khu vực đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn…

Brian Eyler - Một chuyên gia về Mekông và cũng là tác giả của cuốn sách “Những ngày cuối cùng của một dòng Mekông hùng vĩ”, đã nhận xét về tác động của kênh đào Phù nam Techno như “một chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài ĐBSCL”.

ad259b40-3e1f-480d-9df2-ebfb8a464d29.png
Kênh Phù Nam, Funan Techo Canal. Nguồn: Mekong River Commission. (Ảnh và chú thích: Kỹ sư Phạm Phan Long.)

Chính phủ Việt Nam làm gì để cứu ĐBSCL?

Theo đánh giá sơ bộ, dự án sẽ gây tác động xuyên biên giới đến tài nguyên nước, môi trường, thuỷ sản, đa dạng sinh học, giao thông thuỷ, nông nghiệp, sinh kế, kinh tế xã hội vùng ĐBSCL.

Lo lắng trước những hậu quả tồi tệ cho dòng Mekong và ĐBSCL, nhiều nhà trí thức hải ngoại đã lên tiếng mạnh mẽ, yêu cầu Chính phủ Việt Nam cần có hành động cần thiết để cứu vãn tình thế.

“Với những hậu quả đã hiện rõ trước mắt nếu như giới chức Việt Nam vẫn tiếp tục thái độ bàng quang, duy trì các chính sách nông nghiệp, thủy lợi duy ý chí và lạc hậu, không cho người nông dân quyền tự quyết về việc nuôi con gì, trồng cây gì” như hiện tại thì ngay khi “Đế chế Phù Nam” hoàn thành, người ta sẽ tận mắt chứng kiến sự tàn lụi của một vùng châu thổ giàu có ĐBSCL chỉ trong vài năm tới. ĐBSCL đang gánh vác trách nhiệm an ninh lương thực, đảm bảo diện tích trồng lúa lớn. Người dân không có quyền trên thửa ruộng của họ và ngay cả việc bán sản phẩm lúa gạo cũng phải thông qua các công ty lương thực nhà nước hoặc các chủ vựa là người nhà của giới chức chính quyền.”

Mới đây, Học viện Ngoại giao đã tổ chức một Diễn đàn về Mekông tại TPHCM. Diễn đàn này được cho là: “bên cạnh nỗ lực của kênh ngoại giao chính thức, các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp của giới chuyên gia, học giả sẽ góp phần hỗ trợ thực hiện các mục tiêu này. Hợp tác liên cơ chế, hành động tập thể, chia sẻ kiến thức và phối hợp chính sách là chìa khóa để thúc đẩy hợp tác hướng tới tương lai bền vững của tiểu vùng Mekong…”

Thêm nữa, báo chí cũng cho biết: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ TN&MT, Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thu thập thông tin chi tiết về dự án, triển khai đánh giá tác động xuyên biên giới của dự án kênh đào Phù Nam Techno tới vùng ĐBSCL của Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam thời gian qua đã bất lực trước việc Lào xây các con đập trên cả dòng chính và dòng nhánh sông Mekông. Và giờ đây chính phủ Việt Nam cũng sẽ bất lực trước dự án kênh đào này của Campuchia. Tuy nhiên điều đáng nói là không phải là Việt Nam không thể cứu vãn, mà chính vì chính sách bất nhất của chính phủ Việt Nam cùng với các nhóm lợi ích “tranh thủ lợi dụng” đã khiến Việt Nam tuyệt vọng trong vấn đề này như vậy.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Từ khi Lào quyết định xây một loạt đập thuỷ điện trên dòng chính Mekong, nổi bật trong đó là các đập Xayaburi, Donsahong…Đã nhiều nhà khoa học trong nước và thế giới cùng lên tiếng, yêu cầu Lào phải tôn trọng quy trình PNPCA được quy định rõ ràng trong Hiệp định Mekông 1995 mà Lào là một thành viên ký kết. Thế nhưng báo chí trong nước luôn giữ im lặng khi nhắc tới Lào, do Ban Tuyên giáo Trung ương có chỉ đạo là không được làm ảnh hưởng tới tình bạn với Lào. Trong khi Lào sẵn sàng phớt lờ lợi ích của hơn 20 triệu dân ĐBSCL khi bất chấp mọi ngăn cản để xây dựng các con đập thuỷ điện, và các công ty xây dựng các con đập này đều từ Trung Quốc.

Thêm nữa, mặc dù một số ban ngành ra sức kêu gọi can thiệp vào các dự án xây đập hoặc kênh đào Phù Nam Techno, nhưng Việt Nam thực sự không đủ sức mạnh và uy tín khiến Lào và Campuchia phải đắn đo khi thực hiện các dự án này, đơn giản là vì Việt Nam luôn tiếp tay cho các dự án này của Lào và Campuchia. Chính Việt Nam đã phớt lờ các quy định PNPCA của Hiệp định Mekông 1995 và lợi ích của hàng triệu người dân ĐBSCL thì cớ gì mà yêu cầu họ cân nhắc.

Năm 2019, dư luận Việt Nam bàng hoàng khi một tập đoàn lớn thuộc loại doanh nghiệp nhà nước lớn nhất nhì Việt Nam lại tham gia một dự án thuỷ điện trên dòng Mekông của Lào.

Đây cũng không phải là trường hợp duy nhất. Đầu năm nay, dư luận lại rúng động khi một tập đoàn tư nhân Việt Nam đã bí mật tham gia một dự án xây đập Sekong A tại Lào. Brian Eyler đã nhận xét: “tôi gọi dự án này là một hồi chuông báo tử cho nghề cá trên sông Mekong. Và theo nhiều cách, Việt Nam đang tự bắn vào chân mình bằng cách xây dựng con đập này ở Lào.” 

Nhiều tổ chức quốc tế đã kêu gọi Việt Nam dừng các dự án này lại, nhưng các nhóm lợi ích cứ phớt lờ tất cả.

Và như mọi khi, các thông tin thực tế về tác hại của các dự án này sẽ không bao giờ tìm thấy trên báo chí Việt Nam.

Một mặt, một số ban ngành ở Việt Nam tìm cách can thiệp vào các dự án đập thuỷ điện ở Lào, tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn vô tư mua điện từ các dự án đập thuỷ điện đã tham gia vào việc bức tử ĐBSCL.

Tranh thủ lợi dụng

Không chỉ “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong hoạt động chính sách, nhiều nhóm lợi ích còn ngang nhiên lợi dụng tình trạng khó khăn, đã vẽ ra các dự án ma để trục lợi. Đơn cử như trường hợp đập Xayraburi. Bất lực khi không yêu cầu được Lào ngừng dự án. Theo quy định của Luật pháp quốc tế về sử dụng các nguồn nước, cũng như quy định tại Hiệp định Mekông 1995, Lào có nghĩa vụ phải thực hiện một báo cáo đánh giá tác động môi trường (EIA) trước khi thực hiện dự án xây đập. Tuy nhiên, Lào chỉ thực hiện EIA một cách qua loa, và chỉ đánh giá tác động môi trường cách đập Xayaburi chưa đầy 3 km, trong khi ĐBSCL mới là nơi bị tác động nhiều nhất thì lại không được đánh giá.

Uỷ ban Sông Mekông Việt Nam cùng với Bộ Tài nguyên và Một trường. (Bộ TN & MT) Việt Nam đã đề nghị với Chính phủ Việt Nam thuê một bên nước ngoài thực hiện EIA với kinh phí gần năm triệu USD. Phía Uỷ ban Sông Mekông Việt Nam và Bộ TN & MT khẳng định đây là nghiên cứu quan trọng để xác định tác động đến môi trường của ĐBSCL trước các dự án thuỷ điện của Lào.

Thế nhưng, kết quả đánh giá thì hỡi ôi. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Trân đã nêu rõ vấn đề này: “Trong hai lần phản biện của mình, tôi đã chỉ rõ năm điểm yếu cơ bản của nghiên cứu của DHI (phương pháp luận, mô hình hóa, số liệu, chế độ vận hành, hiểu biết thực tế) và đi đến kết luận là các kết quả và kết luận của công trình là không đáng tin cậy và tiềm ẩn hậu quả bất lợi khôn lường nếu được Chính phủ Việt Nam phê duyệt.”

Nói một cách ngắn gọn, đây chỉ là dự án Bộ TN & MT cùng với Uỷ ban Sông Mekông Việt Nam vẽ ra để trục lợi mà thôi.

Với những chính sách “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như vậy, cộng với việc tham nhũng chính sách, thì ĐBSCL sẽ chết chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi.

___________

Tham khảo:

1. https://vnexpress.net/chuyen-gia-my-trung-quoc-co-the-giu-50-nuoc-mekong-vao-mua-kho-4059158.html

2. https://vietnambiz.vn/an-ninh-luong-thuc-ha-luu-song-me-kong-bi-de-doa-vi-han-han-hay-11-dap-thuy-dien-cua-trung-quoc-20200511162721745.htm

3. http://www.mrcmekong.org/assets/Publications/Situation-report-Jan-Jul-2020.pdf

4. https://cuoituan.tuoitre.vn/du-an-kenh-dao-phu-nam-techo-duong-ra-bien-cua-campuchia-20231124100137904.htm

5. http://m.en.freshnewsasia.com/index.php/en/localnews/41715-2023-10-18-02-08-54.html

6. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/funan-canal-in-cambodia-the-final-nail-in-the-coffin-of-the-mekong-delta-10032023123358.html

7. https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/kenh-dao-de-che-phu-nam-hay-tieng-chuong-bao-tu-cho-dong-bang-song-cuu-long/

8. https://baoquocte.vn/cho-mot-tuong-lai-ben-vung-hon-o-tieu-vung-song-mekong-251230.html

9. https://plo.vn/bo-tnmt-danh-gia-tac-dong-toi-dbscl-khi-campuchia-lam-kenh-dao-ra-bien-post753795.html

10. https://thanhnien.vn/dbscl-se-suy-thoai-va-tan-ra-neu-xay-dung-dap-thuy-dien-luang-prabang-185891024.htm

11. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/sekong-a-hydroelectric-dam-a-mysterious-project-02222023102347.html

12. https://www.iucn.org/news/viet-nam/202109/viet-nam-should-save-sekong-its-own-benefit

13. https://danviet.vn/vi-sao-evn-thuc-mua-hang-nghin-mw-dien-tu-lao-20230925181945149.htm

14. https://tiasang.com.vn/dien-dan/mot-van-de-can-duoc-chat-van-10222/

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

* Tác giả Hà Lệ Chi là một nhà nghiên cứu độc lập, đã tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế ở Úc. Hà Lệ Chi đã có thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam. hiện tác giả đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. 

Một Quốc hội đìu hiu…

 Phân tích của blogger Trần Hiếu Chân-2023.11.30

Một Quốc hội đìu hiu…Toàn cảnh họp Quốc hội tại Hà Nội hôm 23/10/2023-AFP

“Thắng lợi nhãn tiền” của Bộ Công an và các cơ quan Tư pháp là đã tạm thời “tảo thanh” được đội ngũ phản biện “chối tai” tại nghị trường. Những buổi chất vấn ở Quốc hội từ nay sẽ đìu hiu, buồn tẻ.

Phó ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng xộ khám hơn 10 ngày nay mà báo chí Nhà nước không cho biết thêm thông tin gì (1). Tiếng nói của ông, tiếng nói phê phán trực tiếp công an và kiểm sát, từ này không còn được cất lên ở chốn nghị trường. Nữ Trung tá Ksor H'bơ Khăp, thần tượng của đa số cử tri trong cả nước do những chất vấn của bà tại các kỳ họp trước đây, thì nay cũng đã “được đề bạt” về địa phương công tác (2). Những cuộc chất vấn tại tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, vì thế đã diễn ra khá buồn tẻ và đìu hiu, “theo đúng quy trình”.

Về các vụ án điển hình, Ban Nội chính Trung ương cho biết, từ nay đến hết năm 2023, Tòa án sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm bốn vụ trọng điểm: Vụ án tại Học viện Quân y Bộ Quốc phòng; Vụ án Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tại Hải Dương và các địa phương liên quan; Vụ án tại Công ty Tân Hoàng Minh; Vụ án tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. HCM (Saigon Co.op) (3). Trong các vụ này thì Việt Á và Tân Hoàng Minh sẽ là hai vụ đặc biệt nghiêm trọng.

Liên quan đến các phiên họp chất vấn, kỳ này sẽ tiến hành theo bốn nhóm, gồm các lĩnh vực kinh tế tổng hợp – vĩ mô; kinh tế ngành; văn hóa – xã hội, và tư pháp – nội chính – kiểm toán nhà nước. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn dịp này chỉ bàn về những vấn đề đã từng được chất vấn và giám sát trước đây, chứ không phải là về những vấn đề đang nổi cộm lên hiện nay. Theo đó, Quốc hội chỉ tiến hành chất vấn việc thực hiện các lời hứa, cam kết của các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước (4).

Lèo lái chương trình theo cách nói trên, Chủ tịch Quốc hội đã tạo điều kiện cho các đại biểu né tránh được những đề tài đang gây sốc trong công luận. Đặc biệt nhất là hai “scandal” hiện đang nóng như Hỏa Diệm Sơn: “Scandal” về Lưu Bình Nhưỡng và vụ án tày đình về Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát. Trong khi các trang mạng xã hội và dư luận trong công chúng “sôi sùng sục”, thì các ông bà Nghị có đầy đủ lý do để “phú lỉnh” các đề tài này, vì nghị trình chất vấn chưa cho phép đề cập đến những vấn đề nóng đang nổi lên hiện nay. Tuy nhiên, những “slogan” quen thuộc vẫn được mạng xã hội dóng lên. Nhìn gương ông Lưu Bình Nhưỡng nhiều cử tri tự hỏi: “Đấu tranh rồi... ‘tránh đâu’?” hoặc “Một cán bộ cao cấp đại biểu quốc hội còn vậy thì dân đen sẽ ra sao?” (5)

luubinhnhuongconganthaibinh.jpeg
Ông Lưu Bình Nhưỡng. Hình: Ảnh chụp màn hình video

Những bình luận ngắn sau đây đều trích dẫn từ nguồn YouTube nói trên đủ thấy lòng dân ngao ngán đến nhường nào khi thấy các nghị sỹ từng dám cất lên tiếng nói đại diện cho những bức xúc của họ đều bị vô hiệu hóa theo cách này hay cách khác. Bình luận viên có đuôi @tranminhty-ob2dd viết: “Cái sai của ông Nhưỡng là nói thẳng nói thật, động chạm nhiều người, và các vị có tật, đã uất hận trả thù ông. Chuyện này trình độ thấp cũng hiểu được”. Một nick name là @ChauNguyen-mw5nt nhận xét: “Mọi chuyện lùm xùm này không chỉ do do bộ công an, hay do tòa, viện... mà chủ yếu là do chế độ không kiểm soát được quyền lực”. Một nick name khác, @dungthai3224 thì chất vấn: “Lưu Bình Nhưỡng bị bắt hơn tuần nay rồi mà sao đài báo và các quan chức đều im như thóc vậy?”

Nhưng Quốc hội càng đìu hiu bao nhiêu thì mạng xã hội và đài báo đài quốc tế càng sôi sục bấy nhiêu. Một ngày sau khi ông Nhưỡng bị “bắt khẩn cấp”, RFA có ngay phóng sự dài, phản ánh tâm trạng của dân chúng. Khi không còn người của họ ở nghị trường, người dân phát biểu qua truyền thông quốc tế, dù không dám nêu tên vì lý do an ninh. Theo người này,“cứ mỗi lần chuẩn bị nhân sự của Đảng cho nhiệm kỳ mới là lại có những vụ án gây chấn động dư luận...” và giải thích trường hợp công an bắt nóng ông Nhưỡng là vì “ông đã va chạm quá nhiều đối với những lực lượng siêu quyền lực ở Việt Nam. Người ta muốn ông im lặng trước Đại hội 14” (6).

Như vậy, cái đích mà ĐCSVN hướng tới trong việc bắt Phó ban Dân nguyện không chỉ là để “bịt mồm” các đại biểu muốn chuyển tải “lòng dân” lên Quốc hội, mà Đảng còn nhắm tới một tương lai xa hơi hơn, đó là “dọn dẹp bãi đáp” cho chuyến bay “chia chác quyền lực”  trong nội bộ. Mặc dầu, việc chia chác này mãi tới 2026 mới xẩy ra. Đúng là “ý Đảng” thật “nhìn xa trông rộng”. Như một sự diễu cợt công khai, người dân so sánh “màn kịch” do chính quyền dựng lên với ông Nhưỡng không khác gì “trường hợp hai bao cao su đã qua sử dụng của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ năm nào...”  Mỉa mai thay nền tư pháp XHCN, hai cánh cổng lớn ở nhà từ đường của ông Nhưỡng hay hai bao cao su đã qua sử dụng trong nhà khách của TS. Vũ đều có thể được đảng dùng làm ‘tang vật” cho các  đại án!!!

Còn đối với vụ Vạn Thịnh Phát – “cơn động đất chính trị” rung chuyển cả xã hội Việt Nam lẫn hệ thống quyền lực trong nội bộ ĐCS – từ cách đây hơn một năm, nhà báo Trần Đông A đã  từng bình  luận trên VOA: “Đảng và Nhà nước đang sử dụng vụ Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho trò chơi ‘vương quyền’ của mình. Nếu vụ này không được xử lý rốt ráo, nhất là khi cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì đấy là sự bỡn cợt ‘nhà đốt lò vĩ đại’ Nguyễn Phú Trọng (7). Ngay cả một vài tờ báo mậu dịch cũng tìm cách “xé rào”, sử dụng ý kiến thảo luận từ các đại biểu hoặc các cuộc phỏng vấn tại hành lang Quốc hội để báo động cho công luận về bản chất các vụ án, chứ không chỉ dừng lại ở “những tảng băng vỡ trên bề mặt”(8).

Tóm lại, ĐCSVN muốn thông qua các công cụ của mình là Công an và các cơ quan Tư pháp để bằng mọi giá phải “tảo thanh” cho được đội ngũ phản biện “chối tai” tại nghị trường, bất chấp sự công phẫn của xã hội. Bời vì, não trạng hiện nay của lãnh đạo ĐCSVN là, càng có quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” với Mỹ và phương Tây, thì cảng phải tăng cường bắt bớ và đàn áp, đến mức “xóa sổ” được xã hội dân sự cũng như những tiếng nói “trung ngôn” ngay trong nội bộ đảng, ra khỏi sinh hoạt chính trị của đất nước. Tuy nhiên, những đợt sóng Hỏa Diệm Sơn trong lòng chế độ khó có thể dập tắt bằng bạo lực và trấn áp. “Bão ngày mai là gió nổi hôm nay...” Giờ là lúc đảng nên học lại câu thơ này của Tố Hữu!

------------------------------------

THAM KHẢO:

(1) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/why-is-luu-binh-nhuong-arrested-11152023083421.html

(2) https://thanhnien.vn/nu-trung-ta-ksor-hbo-khap-pho-gd-cong-an-tinh-gia-lai-phu-nu-can-coi-troi-chinh-minh-1851512369.htm

(3) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tu-nay-den-het-2023-se-dua-ra-xet-xu-so-tham-4-vu-an-trong-diem-119231122162727724.htm

(4) https://tuoitre.vn/4-nhom-linh-vuc-nao-se-duoc-quoc-hoi-chat-van-tai-ky-hop-thu-6-20231030203720455.htm

(5) https://www.youtube.com/watch?v=FZme2HmkkUI

(6) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/opinion-surrounding-the-arrest-of-luu-binh-nhuong-11162023102800.html

(7) https://www.voatiengviet.com/a/van-thinh-phat-sup-do-tu-loan-cao-cao-den-thuyet-am-muu/6788348.html

(8) https://thanhnien.vn/vu-van-thinh-phat-co-the-chi-la-be-noi-cua-tang-bang-bi-vo-185231121111049744.htm

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

* Trần Hiếu Chân là nữ nhà báo từ TP HCM, từng là cộng tác viên lâu năm cho các báo Lao Động, VietnamNet, Saigon Tiếp thị và một số cơ quan truyền thông quốc tế như RFA, BBC và VOA. Các đề tài của nữ nhà báo này trải dài trên diện rộng, đề cập đến nhiều vấn đề quốc nội và quốc tế cũng như các vấn đề thuộc chính trị đối ngoại của Việt Nam.

Phật đã bỏ loài người

 Bình luận của Nguyễn Nhơn-2023.12.02

Phật đã bỏ loài ngườiNgười dân thắp nến tại chùa Tam Chúc ở Hà Nam hôm 13/5/2019 nhân lễ Vesak- AFP

“Người xuất gia, khi cất bước ra đi, là hướng đến phương trời cao rộng; tâm tính và hình hài không theo thế tục, không buông mình chìu theo mọi giá trị hư dối của thế gian, không cúi đầu khuất phục trước mọi cường quyền bạo lực. Một chút phù danh, một chút thế lợi, một chút an nhàn tự tại, đấy chỉ là những giá trị nhỏ bé, tầm thường và giả ngụy mà ngay cả người đời nhiều kẻ còn vất bỏ không tiếc nuối để giữ tròn danh tiết. Chớ khoa trương bảo vệ Chánh Pháp, mà thực tế chỉ là ôm giữ chùa tháp làm chỗ ẩn nấp cho ma vương, làm nơi tụ hội cho cặn bã xã hội. Chớ hô hào truyền pháp giảng kinh, thực chất là mượn lời Phật để xu nịnh vua quan, cầu xin một chút ân huệ dư thừa của thế tục, mua danh bán chức. Nhẫn nhịn đời, nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai sử. Tùy thuận thế gian, nhưng không tự đánh chìm trong vòng xoáy ô trược của thế gian”.

(Thích Tuệ Sỹ, Thư gửi các tăng sinh Thừa Thiên-Huế, Quảng Hương Già Lam ngày 28/10/2003)

Tôi không biết hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là ai, chưa từng đọc một dòng nào của ông hoặc về ông, cho đến ngày 24/11/2023, khi ông viên tịch và trên báo chí cũng như truyền thông xã hội truyền đi vô số lời tiếc thương và khâm phục.

Những dòng trích trong bức thư vừa được dẫn ở trên của ông, xin được gói tròn, cuộn chặt và ném thẳng vào cái đầu trọc thín của không ít kẻ đang ngất nghểu ngồi trên ghế cao nắm giữ chức trọng trong giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Cũng ném thẳng vào những cái đầu đục ngầu toan tính của nhiều kẻ có chức quyền trong đời tục. Oái oăm một điều, bọn họ luôn tin chắc bản thân mình là người thành tâm hướng Phật.

Ôm chùa giữ tháp làm nơi tụ hội, làm chỗ ẩn nấp

Bọn họ bỏ tiền cúng dường để xây chùa to, đúc tượng lớn, ba ngày tết đi đủ 10 cảnh chùa. Nhưng “tâm hướng Phật” của họ thực chất luôn chia làm hai nửa trái ngược. Một nửa tin tưởng vô tri đến nỗi biến đạo thành mê tín dị đoan, nửa kia lại khinh bạc xem chùa, xem tăng, xem pháp như kẻ dưới, nhân viên của mình, luôn dùng tiền và quyền để vừa sai phái, vừa hối lộ, vừa mua chuộc.

Tôi từng nghe kể bà phó chủ kia mỗi năm chuyển ít nhất vài trăm triệu cho ngôi chùa nọ, đều đều và thành kính. Lâu lâu, bà báo về chùa: ngày ấy muốn hầu đồng một buổi. Trụ trì ruột lập tức đóng cửa chùa, chỉ để những người thân tín và các con nhang đệ tử đã được xác nhận của bà vào chùa hôm ấy để phiêu du cùng bà phó chủ trong khói hương và nhịp đàn mê mệt.

Trên khắp Việt Nam, ngày càng nhiều những ngôi chùa cực kỳ to lớn xa hoa, luôn tự giới thiệu về mình bằng những kỷ lục thuần thế tục.

Trùm cuối là quần thể chùa Bái Đính ở Ninh Bình. Quần thể chùa Bái Đính chiếm diện tích đất khủng khiếp đến 1.700 ha, xây rất nhiều công trình to lớn. Chùa này khoe mình lớn nhất Việt Nam và là một trong những quần thể chùa lớn nhất ở cả khu vực châu Á, có hành lang La Hán dài nhất châu Á, có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, có tượng Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, có đại hồng chung nặng 36 tấn giữ kỷ lục đại hồng chung lớn nhất Việt Nam, có bảo tháp cao 100 cao nhất châu Á, có tượng Quán Thế âm bồ tát đúc bằng đồng nặng 80 tấn, tượng Phật Di Lặc nặng 80 tấn, cả hai đều lớn nhất Việt Nam, tượng Phật Thích Ca bằng đồng dát vàng nặng 100 tấn lớn nhất châu Á vân vân… Đọc cái danh sách nhất châu Á nhất Việt Nam dài thườn thượt, cứ phải nghĩ không biết đây là chùa hay là sàn đấu của các nhà đầu tư!

Ấy là nói chùa Bái Đính mới, được xây dựng 20 năm nay, còn chùa cổ Bái Đính nhỏ và rất độc đáo, nằm cách điện Tam Thế của quần thể chùa mới khoảng 800 m thì gần như không còn được nhắc tới.

Ở Đồng Nai, Chùa Quốc Ân Khải Tường khoe có tượng Phật bằng ngọc bích lớn nhất thế giới, nặng đến hơn 32 tấn, cao hơn 3,6 m.

Cũng tượng Phật bằng ngọc nhưng không nặng bằng tượng Phật ở Đồng Nai, chùa Quỳnh Lâm ở tỉnh Quảng Ninh khoe tượng mình bằng ngọc nguyên khối, cao gần 4,5 m, nặng 3,8 tấn.

Bỏ qua chất liệu làm tượng, chùa Khai Nguyên ở Sơn Tây, Hà Nội thẳng cánh khoe tượng Phật A Đi Đà cao đến 72 m, đường kính bệ tượng đến 1.200 m2, lớn nhất Đông Nam Á. À thì không có ngọc thì ta đúc tượng xi măng. Biện pháp này được cái rẻ hơn ngọc rất nhiều nên tha hồ làm to mấy cũng được, muốn nhất Đông Nam Á hay nhất toàn vũ trụ đều OK cả.

000_1GL8D2.jpg
Bức tượng Phật khổng lồ xây ở chùa Khai Nguyên, Sơn Tây, ngoại thành Hà Nội hôm 18/5/2019 (minh hoạ). AFP

Chùa Khai Nguyên còn có thêm một điểm độc đáo (không phù hợp với giáo lý Phật giáo nhưng rất thu hút khách du lịch) là xây luôn dưới tầng hầm của pho tượng hoành tráng này một địa ngục 18 tầng mô phỏng. Chùa giải thích địa ngục này dùng để giáo dục phật tử và người dân hiểu nhiều về luật nhân quả nhằm tu thân tích đức, đầy ắp tinh thần trách nhiệm! Ngày Tết, không ít người dân bế cả con nhỏ trên tay vào xem cảnh quỷ dạ xoa mặt xanh nanh vàng đốt thân người trên lửa hay cưa cắt người thành từng phần. Cách giáo dục của chùa thật rất đáng để ngẫm nghĩ.

Không thèm so kè độ to của tượng nghe dung tục, chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh chơi tay trên khoe những ưu điểm rất trí thức sang trọng như là trung tâm Phật giáo lớn nhất miền Bắc, có Đại giảng đường trên núi lớn nhất thế giới đã được hai tổ chức kỷ lục ghi nhận. Cũng là một trong những chiếc chùa tai tiếng nhất với hoạt động cúng oan gia trái chủ, bắt phật tử rất cúng rất nhiều tiền hoặc phải làm công đức cả năm, không được về nhà.

Còn ở Đà Lạt, ít lâu nay nổi lên “địa điểm du lịch tâm linh mới” tại Samten Hills Đà Lạt (một cái tên như bưng nguyên từ tây về ta, hay người đặt tên thiếu vốn từ tiếng Việt). Chùa hay nhân danh chùa, không rõ, nhưng “địa điểm du lịch tâm linh” khoe  có Đại bảo tháp Kinh luân lớn nhất thế giới được dát vàng 24 K toàn bộ, cao hơn 37 m, đường kính 16,5 m. 

Hài hước hơn nữa là chùa Linh Phước cũng tại Đà Lạt khoe có bộ phản bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam, bộ bàn ghế chạm 12 con giáp bằng gốc cây gỗ sao cũng lớn nhất Việt Nam và gốc cây trâm chứa bộ kinh pháp lớn nhất Việt Nam nốt. Chùa này còn đến mấy công trình xây cất hoặc chạm khắc gỗ lớn nhất hoặc cao nhất Việt Nam nữa. Đoán không sai lắm, chắc là đại gia phá rừng nào đó đứng sau những lễ vật cung tiến cho chùa.

Miền Tây Nam Bộ xưa vốn chất phác thật thà thì nay cũng đua với thế tục việc xây chùa to tượng lớn. Thiền viện Trúc Lâm chánh giác ở Tiền Giang khoe là chùa lớn nhất miền Tây với bốn công trình xây dựng rất lớn là bốn thánh tích đất Phật, gồm vườn Lâm Tì Ni, Bồ đề đạo tràng, vườn Lộc Uyển và Câu Thi Na xây theo tỷ lệ 6/10 so với phiên bản gốc tại Ấn Độ và Nepal. Chùa này là một quần thể trên diện tích đến 50 ha do Phật tử quyên góp tiền mua đất. Đất xây chùa vốn là đất ruộng vườn canh tác của người dân trong vùng Đồng Tháp Mười, được mua rồi bồi đắp đổ đất xây dựng, làm đường vào, khối lượng đào đắp thật kinh khủng. Hiện tại, xung quanh và suốt con đường đi vào dài nhiều cây số đều là ruộng vườn đang canh tác của người dân.

Tất cả các ngôi chùa to nhất, đắt nhất như thế đều cực kỳ thu hút khách du lịch. Thời buổi giờ sướng lắm, chỉ cần vài triệu đồng có cái điện thoại thông minh. Mua bộ đồ lam mặc vào, trang điểm kỹ càng theo trường phái trong veo thật tự nhiên, xõa tóc tha thướt rồi chắp tay thật thành kính bên chân tượng Phật. Up ảnh lên mạng, nghe thiên hạ bu vô khen ngợi cũng đủ hỉ hả râm ran trong dạ.

Chẳng mấy Phật tử tỉnh táo để nhìn, nghe xem các vị trụ trì đáng kính đã và đang làm gì để có những cảnh chùa xa hoa cho thiên hạ đến check-in.

Sư không đúng đắn, nhưng tiền sư quyên được thì rất đúng đắn

Chùa Ba Vàng ngang nhiên tuyên truyền đủ mọi loại tin tức mê tín dị đoan, từ cái mụn ghẻ hình mặt người biết nói tiếng người, tố cáo các tội ác mà chủ nhân đã phạm trong… muôn lượng kiếp. Rồi la làng oan gia trái chủ báo oán, muốn giải thì phải cúng tiền cho chùa, càng cúng nhiều thì càng chứng tỏ thành kính, nhanh chóng đạt được kết quả.

Hay ngay giữa Hà Nội, chùa Phúc Khánh đằng đẵng thu tiền người muốn cúng sao giải hạn, đã nổi tiếng với việc một Phật tử vét mãi trong túi vẫn còn thiếu 50.000 đ đã không được chùa nhận cúng sao giải hạn giúp. Thậm chí chùa Một cột gần như trở thành biểu tượng của kiến trúc chùa Việt Nam, cũng không thua chị kém em, thu tiền cúng sao giải hạn nốt.

Trụ trì chùa Phúc Khánh là thượng tọa Thích Thanh Quyết. Sư Quyết đồng thời là trụ trì cả chùa Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Non Nước (Hà Nội), Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban giáo dục tăng ni Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Hà Nam, Bắc Kạn, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng chùa Đồng và tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông; Ủy viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội. Rất có nhiều chức!

Trụ trì chùa Ba Vàng là Đại đức Thích Trúc Thái Minh, Phó Ban Thông tin truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam phụ trách công tác bảo trợ.

Mấy năm trước, khi chuyện phật tử tố cáo chùa Ba Vàng phán oan gia trái chủ phứa phựa rồi bắt phật tử cúng rất nhiều tiền để giải, sư Quyết từng nhận xét công khai trên báo về sư Minh như sau: “Tính thầy Thái Minh lạ, thầy xuất gia muộn, học hành Phật pháp chưa có gì bài bản, chưa qua trung cấp, sơ cấp Học viện. Tính lại thích thể hiện. Nếu thể hiện đúng theo giáo pháp nhà Phật cũng tốt thôi. Nhưng tại chưa có gốc học hành Phật pháp nên thầy thể hiện theo kiểu nhảy cóc, không đâu vào đâu. Lúc nào chúng tôi cũng nói thì lại bảo chúng tôi nặng nề, tuổi thầy cũng không kém tôi nhiều, lại được học hành ngoài đời rất bài bản, chúng tôi cũng phải trân trọng, nói vừa vừa thôi. Cũng có lúc thầy sám hối, chuyện sám hối trong nhà chùa thì cũng giống như chuyện xin lỗi ngoài đời ấy.”

Ấy thế nhưng khi sư Minh chứng tỏ khả năng lôi kéo bảo trợ, quyên về rất nhiều tiền cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì sư Quyết cực nhanh nhảu bẻ miệng: “Thầy Thích Trúc Thái Minh có công lao với Phật giáo Quảng Ninh trong hơn chục năm qua. (…) Công trình (chùa Ba Vàng) cuối cùng là để cho dân cho nước, chứ ông sống được mấy mét vuông trong chùa ấy, ăn mấy lạng gạo một ngày? Chẳng qua ông có cách làm chúng ta chưa biết thôi. Ông vẫn đang đi rất đúng đắn chứ không có gì”.

Hôm giữa tháng 2 năm nay (2023), báo chí Việt Nam loan tin Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội do sư Thích Thanh Quyết làm Viện trưởng đã nhận được hơn 10 tỷ đòng tiền công đức từ các tổ chức và phật tử. Trong đó riêng chùa Ba Vàng của sư Minh công đức hẳn một tỷ đồng, chiếm 1/10 tổng số.

Nên câu nói trên của sư Quyết chính xác hoàn toàn, chỉ thiếu có một chữ. Lẽ ra phải nói là: Sư Minh đi con đường tà đạo, nhưng tiền sư Minh gọi về thì rất đúng đắn!

Cuối cùng thì mình gọi những ngôi chùa ấy là gì?

Cuối cùng thì mình gọi những tòa kiến trúc dát vàng bịt bạc, to lớn tốn kém như vậy là gì? Là chùa hay cơ sở kinh doanh? Trên những tòa sen bằng ngọc nguyên khối nặng hàng tấn, có Phật ngự trị không? Một người nghèo khổ cùng cực không có cơm để ăn, không có nhà để ngủ, liệu có còn được bình yên tìm một chỗ ngủ không mưa gió dưới chân tượng Phật sáng lòa trong đại điện? Khi một vị trụ trì luôn bắt đầu giảng pháp bằng cuộc xuất hiện hùng vĩ, với những người rao giờ và điểm mục từng hành động kính mừng để toàn bộ phật tử phải kính cẩn làm theo, với những thầy tăng trẻ tuổi bưng bình hoa, bình hương, hương án đốt trầm… dàn hai hàng đi trước và thầy trịnh trọng đi ở trung tâm đoàn người, giơ hai tay vẫy chào như vị vua thượng triều… Phật có đi cùng sư trong sự khoe mẽ phô trương đầy lố bịch đó không?

Nhiều người nói hiện tại đang là thời mạt Pháp. Trong tài liệu, Đức Phật nói về thời mạt Pháp (xảy ra vào 2.500 năm sau khi Đức Phật ly thế) được diễn giải như sau: Xã hội thời mạt Pháp là thời “Ngũ nghịch trọc thế” “ Ma đạo hưng thịnh”, lúc này ma quỷ chuyển thế xuất gia đến chùa miếu tu hành, phá hoại Pháp của Phật. Lúc ấy bại hoại đến mức độ nào? Chính là áo cà sa có ngũ sắc sặc sỡ, uống rượu, ăn thịt, sát sinh, tham vị, không có từ tâm, hơn nữa còn ghen tức đố kỵ lẫn nhau.

“Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người” (Trịnh Công Sơn).

Buồn. Nhưng ngẫm ra đúng quá!

___________

Tham khảo:

https://dulichtoday.vn/kham-pha-quang-ninh/chua-ba-vang.html

https://bnews.vn/kham-pha-ngoi-chua-co-buc-tuong-phat-lon-nhat-dong-nam-a/292266.html

https://vietnamnet.vn/tt-thich-thanh-quyet-thay-thai-minh-tinh-rat-la-515819.html

https://tuoitre.vn/thuong-toa-thich-thanh-quyet-thay-thich-truc-thai-minh-van-dang-di-rat-dung-dan-20230113184627646.htm

https://sentrangusa.com/2020/09/09/thich-tue-sy-thu-gui-cac-tang-sinh-thua-thien-hue-cua-thay-tue-sy/

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.

Sự lạc điệu của một phái đoàn

Giáo sư Al-Misnad Sheikha là học giả hàng đầu của Qatar và là nữ chủ tịch đầu tiên của Đại học Qatar. Bà là một trong 18 thành viên được bầu và hoạt động độc lập của Ủy ban CERD.

Chính trị luôn gắn liền với tranh luận. Tuy nhiên những ai trông đợi các cuộc tranh luận nảy lửa trong chính trị dòng chính Việt Nam sẽ không khỏi thất vọng. 

Thay vì là nơi các quan điểm khác biệt va đập với nhau, sinh hoạt Quốc Hội ở Việt Nam mang màu sắc hiệp thương kiểu mặt trận với những đại biểu cầm giấy ê a đọc. Ngay cả những phiên chất vấn Chính phủ được kỳ vọng nóng bỏng nhất thì lại quá nể nang, né tránh, chẳng hề có dáng dấp của một phiên điều trần ở các xứ dân chủ tự do. 

Những buổi tiếp xúc cử tri cũng chẳng khá hơn. Thay vì rèn giũa khả năng hùng biện, thuyết phục, tranh luận từ việc gặp gỡ cử tri thật, đại biểu Quốc Hội tham gia những buổi tiếp xúc với cử tri được lựa chọn, thông thường là cán bộ hưu trí, với những phần hỏi đáp được chuẩn bị sẵn. 

Lâu dần, các cuộc tranh luận nghiêm túc vắng bóng trên đời sống chính trị dòng chính ở Việt Nam. Điều này để lại hệ quả là khi cần sử dụng các kỹ năng tranh luận, quan chức Việt Nam thường phát ngôn lúng túng, diễn đạt quanh co, lập luận lòng vòng, khiến không ít người ngao ngán.

Ví dụ điển hình là phiên rà soát việc thực thi Công ước Xóa Bỏ Mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc (CERD) của Việt Nam vừa diễn ra ngày 29/11/2023 tại Geneva, Thụy Sĩ, mà may mắn thay được trực tiếp và phát lại trên website của UN để ai cũng có thể xem. Chứng kiến cách mà phái đoàn hùng hậu cán bộ từ các bộ ban ngành Việt Nam trả lời câu hỏi từ các thành viên Ủy ban Xóa bỏ Kỳ thị Chủng tộc (CERD) mới thấy hạn chế này lớn tới mức nào. 

Chẳng hạn trước câu hỏi đơn giản của Bà Al-Misnad Sheikha (Qatar), một thành viên của Ủy ban CERD, là nếu Luật An ninh Mạng của Việt Nam cấm xúc phạm người nổi tiếng (famous people), thì hãy định nghĩa người nổi tiếng gồm những ai, phái đoàn Việt Nam đã trả lời lan man tới mức Chủ tọa phải nhắc. Hài hước hơn nữa là thành viên phái đoàn đến từ Bộ Thông tin Truyền thông còn tiện thể bày tỏ lòng biết ơn với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh lập quốc Việt Nam khi được giao trả lời câu hỏi. 

Bà Al-Misnad Sheikha còn dẫn từ báo cáo quốc gia về thực thi Công ước của Chính phủ Việt Nam đoạn nói rằng “người sắc tộc thiểu số dễ bị dụ dỗ, kích động” và “các tập tục lạc hậu của người sắc tộc thiểu số ngăn họ bảo vệ quyền của họ một cách tích cực” để chất vấn liệu đây có phải là quan điểm chính thức của Chính phủ Việt Nam và nếu một báo cáo quốc gia mà nhìn nhận như thế thì thái độ coi thường này sẽ lan tỏa xuống những người thực thi pháp luật như công an, giáo viên và ảnh hưởng đến cách hành xử của họ. 

Trước bình luận mạnh mẽ và chất vấn xác đáng này, phái đoàn Việt Nam đã không phản hồi được gì. 

Một thành viên Ủy ban CERD khác là Ông Kut Gun (Thổ Nhĩ Kỳ) đã bình luận rằng điều mà Ủy ban kỳ vọng ở phiên rà soát này không phải là nghe đi nghe lại các quy định trên giấy mà là giải thích từ phái đoàn Việt Nam về những vấn đề thực tế và vụ việc cụ thể mà Ủy ban đã nêu sau khi tổng hợp thông tin báo cáo từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó quan trọng nhất là từ các nạn nhân bị xâm phạm quyền. 

Phái đoàn Việt Nam cũng chẳng phản hồi được gì trước bình luận và chất vấn này của Ông Kut Gun. 

Hơn hai giờ đồng hồ của phiên rà soát tràn ngập những “tầm chương trích cú” luật, nghị định, thông tư mỗi lần những thành viên của phái đoàn Việt Nam phát biểu. Không rõ đây có phải là chiến thuật câu giờ có chủ đích hay đơn thuần đây là tất cả những gì phái đoàn có thể nói. Song một điều rõ ràng là mục tiêu bảo vệ báo cáo quốc gia của Việt Nam, như phái đoàn từng nói trước chuyến công tác, đã không đạt được vì những gì họ đem đến chỉ là một sự chán ngán không giấu nổi không chỉ trên gương mặt các thành viên Ủy ban CERD mà còn của những ai theo dõi phiên này.