Friday, March 3, 2017

Formosa Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đầu độc biển miền Trung... thêm 2 năm nữa (!?)

Trần Thành – Tuấn Nguyễn-04-03-2017
(VNTB) - Kể từ hạ tuần tháng 2-2017, báo chí bị đề nghị dừng đăng các tin về vụ 'bùn lạ' này.
“Để thực hiện đúng cam kết với Chính phủ Việt Nam, Formosa Hà Tĩnh sẽ thực hiện chuyển đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô (hệ thống CDQ). Việc chuyển đổi này sẽ được khởi công từ ngày 31-3-2017 và cam kết hoàn thành hệ thống CDQ trước ngày 30-6-2019”.
Một nguồn tin xác tin cho biết. Như vậy tiếp tục khả năng lại xảy ra “sự cố môi trường”.

Biển miền Trung đang bị nhiễm độc
Các bản tin báo chí hôm 1-3-2017 có cùng nội dung: Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay vệt nước đỏ xuất hiện ở cảng Vũng Áng (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Cảng Sơn Dương của Công ty Formosa là do hiện tượng tảo nở hoa, hay còn gọi là thủy triều đỏ.
Kết quả phân tích 4 mẫu nước biển tại cảng Vũng Áng, so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển ven bờ, nhận thấy: thông số Amonia vượt từ 4,52 đến 91,5 lần (trong đó mẫu có nước màu đỏ vượt 91,5 lần, mẫu nước không có màu đỏ cách bờ 650 m vượt 4,52 lần); 1 mẫu nước biển màu đỏ lấy gần bờ có Mn vượt 1,66 lần, Fe vượt 2,8 lần và Phenol vượt 10,3 lần; các thông số khác và mẫu còn lại đều đạt quy chuẩn cho phép.
Tại cảng Sơn Dương có Amonia vượt 31,2 lần.
Kết quả phân tích thực vật phù du trong 3 mẫu nước tại cảng Vũng Áng (điểm sát bờ, cách bờ 500 m và 1.000 m) và 1 mẫu tại Cảng Sơn Dương nhận thấy có sự xuất hiện mật độ rất cao của tảo Noctiluca scintillans (còn được gọi với tên khác là Noctiluca miliaris), càng gần bờ và tại vị trí nước có màu đỏ thì mật độ tảo càng cao.
Vệt nước màu đỏ hồng tại Cảng Vũng Áng mật độ đạt khoảng 46 tế bào/lml (tương ứng khoảng 46.000 tế bào/1 lít nước biển) và vệt nước màu đỏ tại Cảng Sơn Dương mật độ đạt khoảng 135 tế bào/lml (tương ứng 135.000 tế bào/1 lít nước biển).
Lý thuyết cho biết, Noctiluca miliaris không sinh độc tố, nên không có nguy cơ gây ngộ độc cho người hay thuỷ sản. Nhưng chúng có khả năng tích tụ ammoniac với hàm lượng cao rồi giải phóng vào môi trường nước. Mật độ cao của chúng còn gây tình trạng cạn kiệt ô xy trong vực nước, từ đó có thể gây chết thuỷ sản.
Các thông tin đáng quan tâm khác: Phenol [C6H5OH] và các dẫn chất như cresyl (acid cresylic) là những chất rất thông dụng trong công nghiệp Phenol là HCHC có tính rất độc, gây bỏng nặng khi rơi vào da. Phenol và các dẫn xuất của Phenol là các chất độc hại gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người và mọi sinh vật sống. Trên góc độ môi trường Phenol và các dẫn xuất của Phenol được xếp vào loại chất gây ô nhiễm. Đây là nhóm tương đối bền, có khả năng tích luỹ trong cơ thể sinh vật và có khả năng gây nhiễm độc cấp tính, mãn tính cho con người.
Amoniac là một hợp chất vô cơ có công thức phân tử NH3. Trong tự nhiên, amoniac sinh ra trong quá trình bài tiết và thối rữa xác sinh vật.

Hệ lụy tất yếu của công nghệ dập cốc ướt
Như vậy, với các chỉ số nói trên cho thấy khả năng vùng biển ở khu vực Formosa Hà Tĩnh và Cảng Sơn Dương đang bị nhiễm độc. Tác nhân nghi vấn gây ra đầu tiên phải nghĩ đến là Formosa Hà Tĩnh. Lý do:Viện Công nghệ Môi trường cho biết đến nay Công ty Formosa vẫn chưa lập xong kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho toàn nhà máy và chuyển đổi công nghệ dập cốc ướt sang khô.
Cũng theo Viện Công nghệ Môi trường, phía chính phủ Việt Nam đã đồng ý dành thời gian khá dài đểFormosa Hà Tĩnh thực hiện chuyển đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô (hệ thống CDQ). Dự kiến, việc chuyển đổi này sẽ được khởi công từ ngày 31-3-2017 và cam kết hoàn thành hệ thống CDQ trước ngày 30-6-2019.
Theo Th.S Đỗ Thanh Bái, Ủy viên BCH Hội Hóa học Việt Nam, thành viên Đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường về chấp hành pháp luật môi trường tại Công ty Formosa Hà Tĩnh, thì “Từ than nung đỏ trong lò chúng ta cần phải làm nguội nó để hình thành từng cục cốc (coke). Quá trình này gọi là quá trình dập hoặc tôi cốc. Có 2 cách tôi dập cốc: Tôi cốc bằng nước (tôi cốc ướt): là công nghệ cổ điển, trong đó cốc nóng từ 1.200-1.300 độ được dập xuống nhiệt độ 200-300 độ bằng nước lạnh. Phương pháp này sinh ra rất nhiều hóa chất độc hại, trong đó có phenol, cyanua, amoniac… Một lượng lớn hóa chất theo hơi nước bay lên trời gây ô nhiễm không khí.
Công nghệ dập hiện đại (tôi cốc khô):  Cốc nóng đỏ được dập khô bằng khí trơ trong hệ kín. Khi dập khô có hai lợi ích lớn. Thứ nhất là lấy được nhiệt để vận hành máy phát điện và thứ hai không hình thành ra phenol, cyanua và các hợp chất công nghiệp khác, nên khá thân thiện với môi trường. Tuy nhiên Formosa không chọn phương pháp “tôi cốc khô” này vì chi phí đầu tư đắt hơn.

Sai giấy phép, gây thiệt hại thì phải xử phạt và đóng cửa
Sáng 11-7-2016, Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết trong số 53 vi phạm bị phát hiện, nguy hiểm nhất là việc Formosa tự ý thay đổi công nghệ mà không báo cáo cơ quan chức năng. Cụ thể, Formosa đã tự ý thay đổi từ công nghệ xử lý cốc khô sang công nghệ xử lý cốc ướt, phát tán rất nhiều chất thải, đặc biệt là khí thải.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, xác nhận khi kiểm tra liên ngành, phát hiện Formosa làm sai thiết kế cơ sở. Thay vì công nghệ luyện cốc là dập khô thì chủ đầu tư đã chuyển sang dùng công nghệ dập ướt.
TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, nói rằng Nghị định 12/2009/NĐ-CP (hết hiệu lực từ 5-8-2015, thay thế bằng Nghị định 59/2015/NĐ-CP) trao quyền cho chủ đầu tư quyết định công nghệ, nhưng một khi thay đổi thì doanh nghiệp phải báo cáo và giải trình việc thay đổi đó có ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả dự án, tác động đến môi trường… và những thay đổi phải theo hướng tác động tích cực chứ không thể ngược lại.
“Đặc biệt, cần xem xét tại sao thiết kế là vậy nhưng khi nhập máy móc thay đổi mà vẫn qua được cửa hải quan?. Vậy thì cần làm rõ xem tại thời điểm đó quy định về khai báo nhập khẩu thế nào… cần kiểm tra đối chiếu xem thực tế có đúng với mẫu mã, chủng loại phù hợp với thiết kế công trình mà anh được cấp phép”, ông Thắng nói. Về vấn đề này, lãnh đạo Chi cục Hải quan Vũng Áng thừa nhận, phần lớn máy móc, thiết bị của Formosa nhập khẩu đều được mở tờ khai tại Vũng Áng. Tuy nhiên, khi làm thủ tục nhập khẩu thì hải quan chủ yếu đối chiếu giữa hàng với các chứng thư thẩm định xem có trùng khớp hay không chứ không thể phân biệt các yếu tố công nghệ, kỹ thuật.
“Việc này hoàn toàn là do Formosa tự ý điều chỉnh so với công nghệ được duyệt và đây là bằng chứng hết sức quan trọng, không phải để chứng minh việc gây ra sự cố môi trường, nhưng là bằng chứng về việc vi phạm pháp luật của đơn vị”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. Cũng theo người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Formosa, nơi gây nguồn thải nguy hiểm nhất chính là lò luyện cốc.
Câu hỏi lớn nhất đặt ra: vì sao với sai phạm rất rõ ràng, chính phủ Việt Nam lại chấp nhận dành thời gian đến 2 năm để Formosa Hà Tĩnh chuyển đổi công nghệ? Trong hai năm chờ đợi đó, vì sao vẫn cho Formosa Hà Tĩnh hoạt động, với biện minh rằng họ đã hoàn thành các hạng mục xử lý chất thải?
Bởi vấn đề cốt lõi ở đây là công nghệ này dù “các hạng mục xử lý chất thải” có thế nào đi nữa, thì vẫn sinh ra phenol, cyanua, amoniac…, và một lượng lớn hóa chất theo hơi nước bay lên trời gây ô nhiễm không khí.
Đó là chưa kể về bùn thải – theo thông báo của Formosa Hà Tĩnh là khoảng 97 tấn/tháng ở lò luyện số 1 - , liệu có liên quan đến sự việc từ đầu năm đến nay các ngư dân ở Quảng Trị và Quảng Bình đang bị một chất nhầy có tính kết dính, trọng lượng khá nặng bám vào lưới tàu đánh cá, khiến nhiều tấm lưới chìm xuống biển. Những tấm lưới không bị chìm thì quá trình thu lưới kéo dài từ 6 tiếng tăng lên đến 20 tiếng, vệ sinh lưới mất thời gian, khó khăn và làm giảm chất lượng lưới.
Liệu đây có phải một vụ rò rỉ bùn thải ở lò luyện cao của Formosa Hà Tĩnh đang chạy thử nghiệm? Vụ việc “bùn lạ” này hiện vẫn chờ đợi câu trả lời từ các cơ quan chức năng. 
Nói thêm, kể từ hạ tuần tháng 2-2017, báo chí bị đề nghị dừng đăng các tin về vụ 'bùn lạ' này.

Phóng viên BBC bị buộc phải 'thú tội' ở TQ

John Sudworth BBC News, Hồ Nam 03-03-2017

Đoàn làm phim BBC bị tấn công ở Trung Quốc

Kế hoạch rất đơn giản.
Chúng tôi đã sắp xếp để gặp một người phụ nữ tại làng quê của bà, thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, rồi sau đó sẽ cùng bà đi xe lửa lên Bắc Kinh, và chúng tôi sẽ quay phim trong hành trình.
Nhưng chúng tôi đã không bao giờ gặp được người mình muốn phỏng vấn.
Và cách thức câu chuyện kết thúc lại cho thấy cách thực thi quyền lực một cách rõ ràng hơn bất kỳ cuộc phỏng vấn nào.
Đó là một sự việc liên quan tới bạo lực, hăm dọa và cả cưỡng bức thú tội - lần đầu tiên tôi buộc phải 'thú tội' trong suốt thời gian dài tường thuật tại Trung Quốc - tôi đã buộc phải xin lỗi vì đã "có hành xử gây ra hậu quả xấu" và vì đã tìm cách thực hiện một "cuộc phỏng vấn bất hợp pháp".
Picture of BBC journalist John Sudworth being forced away from a Chinese village
Bà Dương Linh Hoa định đi tàu lên Bắc Kinh, bởi bà là 'người khiếu kiện' tại Trung Quốc.
Hàng năm, có hàng chục ngàn người Trung Quốc do cảm thấy không có công lý tại các tòa án địa phương do đảng Cộng sản điều hành đã tới thủ đô, đệ đơn khiếu nại lên Phòng Tiếp dân Nhà nước.
Các vụ tham nhũng, cướp đất, hành động phi pháp của chính quyền địa phương, chữa trị y tế cẩu thả, tình trạng bạo lực của cảnh sát, đuổi việc một cách bất công..., tất cả đều được trình bày trong hàng tập giấy tờ, trong các bộ đơn kiện, và họ mang theo người.
Cả hệ thống này cũng là do Đảng Cộng sản điều hành, tất nhiên, và cơ hội họ khiếu kiện thành công là rất nhỏ nhoi.
Nhưng với nhiều người thì đây là cơ hội duy nhất mà họ có, và họ thường tiếp tục đệ đơn trong vô vọng suốt nhiều năm.
Picture of Yang Qinghua, sister of Linghua
Image captionBBC đã phỏng vấn bà Dương Thanh Hoa, chị của bà Dương Linh Hoa, hồi ba năm trước

Tình trạng bạo lực

Cũng giống như gia đình Dương Linh Hoa.
BBC đã phỏng vấn người chị của bà, bà Dương Thanh Hoa, hồi ba năm trước khi bà trên đường tới Bắc Kinh đệ đơn.
Những người phụ nữ này cáo buộc là bản thân họ đã bị đánh cắp đất đai, và cha họ trong cuộc tranh chấp đã bị đánh đập tàn tệ khiến ông sau đó tử vong.
Nhưng vì một lý do nhất định, nên bà Dương tìm cách tới Bắc Kinh trong tuần này.
Vào Chủ Nhật, Trung Quốc bắt đầu khai mạc kỳ họp quốc hội thường niên, Đại hội Nhân dân Đại biểu (NPC).
Fish-eye lens view of the 12th National Committee of the Chinese People's Political Consultative Conference (CPPCC) in the Great Hall of the People in Beijing, China, 3 March 2016.Bản quyền hình ảnhEPA
Image captionĐại hội Nhân dân Đại biểu (tức kỳ họp quốc hội) được tổ chức tại Đại Lễ đường ở Bắc Kinh
Sự kiện có sức hút mạnh mẽ đối với những người khiếu kiện, vốn trông chờ vào sự kiện trọng đại này để nêu vụ việc của mình.
Nhưng Bắc Kinh thì lại nghĩ khác.
Giới chức không muốn những đạo quân nhếch nhác xuất hiện tại thủ đô, cho nên các địa phương có nhiệm vụ phải chặn, không để những người khiếu kiện tới nơi.
Chúng tôi biết là chị và mẹ của bà Dương đã bị lệnh quản chế tại gia không chính thức.
Nhưng bởi bà chưa từng lên Bắc Kinh nộp đơn bao giờ, cho nên bà nghĩ bà có thể đi mà không bị nghi ngờ, và ít nhất là cũng có thể lên được tàu.
Bà đã lầm.
Ngay khi chúng tôi tới được làng quê của Dương Linh Hoa, thì rõ ràng là đã có người chờ đón chúng tôi.
Con đường tới nhà bà bị chặn bởi một đám đông, và chỉ trong vòng vài phút, họ tấn công chúng tôi và đập phá toàn bộ máy quay của chúng tôi.
Picture of some of the BBC's broken equipment returned to the crew
Image captionThiết bị, máy móc của nhóm phóng viên BBC bị đập phá
Tuy việc ra tay bạo lực như vậy là điều các phóng viên nước ngoài có thể phải đối diện ở Trung Quốc, nhưng những gì diễn ra sau đó mới là bất thường.
Sau khi rời làng, chúng tôi bị đuổi theo, và xe chúng tôi bị một nhóm khoảng 20 kẻ côn đồ vây lại.
Sau đó, có một số nhân viên cảnh sát mặc thường phục và hai viên chức từ văn phòng Sở ngoại vụ tới cùng đám này. Và bị đe dọa phải hứng chịu thêm bạo lực, chúng tôi buộc phải xóa một số đoạn video đã ghi, và buộc phải ký vào bản thú tội.
Đó là một cuộc đàm phán một bên, nhưng ít nhất nó cũng giúp chúng tôi thoát ra.
Một đoạn video mà người chị của bà Dương Linh Hoa gửi cho chúng tôi cho thấy bà cũng đang bị bắt giữ bởi một số trong cùng đám người hăm dọa chúng tôi.
A close up shot of a Beijing resident's red armband, identifying her as security volunteer, in Beijing, China, 2 March 2017.Bản quyền hình ảnhREUTERS
Image captionNhân viên an ninh và các trật tự viên tình nguyện có mặt khắp nơi trong kỳ họp quốc hội ở Bắc Kinh

Tàu đánh cá TQ vào sâu biển VN được thả

 Theo BBC-03-03 2017 

Tàu đánh cá Trung Quốc (ảnh minh họa)Bản quyền hình ảnhISSOUF SANOGO/AFP/GETTY IMAGES
Image captionTàu đánh cá Trung Quốc (ảnh minh họa)
Hải đội 2 Biên phòng Quảng Bình hôm 3/3 đã phóng thích hai tàu cùng chín ngư dân Trung Quốc ra vùng hải phận quốc tế.
Hai tàu này bị lực lượng biên phòng Quảng Bình truy đuổi và vây bắt hôm 2/3 khi vào đánh bắt cá sâu trong vùng biển Việt Nam ngày 2/3, truyền thông trong nước đưa tin.
Sự việc xảy ra chỉ ít ngày sau khi Trung Quốc hôm 27/2 công bố việc cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ 12h ngày 1/5 đến 16/8 trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến vịnh Bắc Bộ và "giao tuyến hải vực Mẫn Áo", là diện tích bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình khẳng định "Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quy chế này của phía Trung Quốc."
Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng vụ Khoa học Công Nghệ và Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông Nghiệp Phát triển Nông thôn (NNPTNT) nói Bộ NNPTNT sẽ "chỉ đạo lực lượng kiểm ngư tập trung nhiều tàu kiểm ngư vào khu vực cấm biển để bảo vệ và hỗ trợ ngư dân sản xuất đánh bắt hải sản", trang Dân Việt đưa tin ngày 3/3.
Chi cục Thủy sản Nghệ An, thuộc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An, đã ra công văn hôm 28/2 chỉ đạo chính quyền các cấp thông báo cho ngư dân "nắm rõ Lệnh cấm khai thác hải sản của Trung Quốc". Công văn này cũng cảnh báo ngư dân "không khai thác qua phía đông đường phân định tại Vịnh Bắc Bộ và không vượt qua các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên các vùng biển".
Văn bản của Chi cục Thủy sản Nghệ An về lệnh cấm bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông ngày 28/2Bản quyền hình ảnhOTHER
Image captionVăn bản của Chi cục Thủy sản Nghệ An về lệnh cấm bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông ngày 28/2

Bắt giữ tàu đánh cá TQ

Có ba tàu đánh cá Trung Quốc bị radar của Hải quân Việt Nam phát hiện đã vào sâu trong vùng biển Việt Nam sáng hôm 2/3, chỉ cách đường giới hạn phía tây vùng đánh cá chung giữa Việt Nam và Trung Quốc khoảng 13 hải lý, theo VnExpress.
Sau đó, phía Việt Nam đã cho hai tàu thuộc Hải đội 2 Biên phòng Quảng Bình "xuất kích, đẩy đuổi" nhóm tàu cá Trung Quốc, với kết quả hai tàu cùng chín ngư dân Trung Quốc bị bắt giữ, một tàu đánh cá còn lại chạy ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Trước khi phóng thích các tàu và ngư dân Trung Quốc, lực lượng biên phòng Quảng Bình đã kiểm soát và lập biên bản cảnh cáo.
Tàu đánh cá Trung Quốc ra khơi (ảnh minh họa)Bản quyền hình ảnhXINHUA
Image captionTàu đánh cá Trung Quốc ra khơi (ảnh minh họa)

Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc

Từ năm 2009 tới nay, Trung Quốc đã đơn phương đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.
Các tổ chức, hội đoàn thủy sản của Việt Nam nhiều năm nay đã cáo buộc rằng lệnh cấm của Trung Quốc gây thiệt hại đáng kể cho ngư dân Việt Nam. Có năm, hàng trăm hộ ngư dân phải ở lại bờ vì sợ bị bắt và đòi tiền phạt.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, lệnh cấm đánh cá trong khu vực Biển Đông của các quốc gia đã kí kết vào Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là cần thiết để bảo vệ nguồn hải sản cho tương lai ở vùng biển này, nhất là trong ba tháng vào mùa cá sinh sản.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Hồi tháng 11/2016, Tổng thống Philippinnes Rodrigo Duterte tuyên bố vùng cạn trên bãi Scarborough do Trung Quốc kiểm soát sẽ trở thành một khu bảo tồn biển nơi các ngư dân Philippines và Trung Quốc bị cấm đánh bắt cá.

Thân nhân người chết bị cảnh cáo 'không cấu kết phản động'

Khánh An-VOA/04/03/2017 
Bà Nguyễn Thị Ái ôm di ảnh con trai, anh Phạm Ngọc Nhung.
Bà Nguyễn Thị Ái ôm di ảnh con trai, anh Phạm Ngọc Nhung.

Mẹ của một nam thanh niên tử vong trong lúc bị tạm giam tại đồn công an cho biết bà bị giới hữu trách cảnh cáo không được cấu kết hay để “bọn phản động” lợi dụng, nếu không sẽ bị “đi tù mọt gông”.
Bà Nguyễn Thị Ái, mẹ của anh Phạm Ngọc Nhung, người tử vong trong lúc bị công an phường Cầu Ông Lãnh, Q.1, TPHCM, bắt giữ, kể lại cho VOA về trường hợp của con bà:
“Hôm 15/1/2017, con trai em và 3 thanh niên gây lộn trên phố, rồi bị công an phường Cầu Ông Lãnh bắt. Hai ngày sau thì con mất”.
Theo lời bà Ái, ngày 6/2, cơ quan chức năng đã gọi bà lên để trả kết quả khám nghiệm tử thi. Kết quả khám nghiệm cho biết anh Phạm Ngọc Nhung chết do chấn thương sọ não.
Cụ thể, anh bị gãy 2 xương sườn và gãy xương quai hàm bên phải, dập sọ, trên người có 9 vết thương. Mỗi vết dài từ 3 đến 8-9 cm.
Bà Ái khẳng định với VOA con trai bà “cao 1,71 mét, nặng trên 70 kg và không có vấn đề về sức khỏe” trước đó.
Tin cho hay hai người dân tham gia bắt Nhung vì tưởng là cướp đã được thả ra vì camera và lời khai cho thấy không có dấu hiệu những người này đã gây ra chấn thương cho Nhung.
Bà Ái cho biết từ khi bị bắt cho đến khi con trai chết, gia đình bà không hề nhận được thông báo từ cơ quan chức năng. Bà nói: “Tôi chỉ buồn là tại sao công an bắt con tôi, nhân viên của trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin TPHCM, mà sao con tôi bị mất tích 7 ngày, gia đình và nhà trường đi tìm, máy của con tôi mở 24/24 mà công an bắt về không ai báo cho tôi, cho gia đình cả. Sau đó họ đem con tôi đi bệnh viện, con tôi chết xong họ mổ, để trong nhà xác. Mấy ngày sau, anh em trong nhà trường đi kiếm cũng không biết. Rồi qua một người bạn báo về cho bạn gái của con trai tôi, nói là con tôi bị tai nạn mất rồi”.
Người mẹ đơn chiếc cho biết bà hiện đang tá túc tại một ngôi chùa ở TPHCM do hoàn cảnh khó khăn. Bà nói trong tiếng khóc: “47 ngày mà tôi vẫn chưa được gặp con. Các cháu xin được cho vào gặp thì tôi cũng không đủ can đảm vào gặp con. Hận mình không bảo vệ được con. Khi con chết, tôi cũng không gặp được. Gần 2 tháng rồi mà tôi cũng chưa gặp được con để nhìn một cái…”
Sau khi vụ việc được đưa lên mạng xã hội, một số luật sư đã làm đơn kiến nghị gửi Bí thư TPHCM Đinh La Thăng để yêu cầu xem xét, làm rõ nguyên nhân cái chết của anh Phạm Ngọc Nhung.
Trước Tết Nguyên Đán, ông Đinh La Thăng đã trực tiếp làm việc với các luật sư và gia đình nạn nhân Phạm Ngọc Nhung. Ông cũng chỉ đạo công an thành phố làm rõ nguyên nhân tử vong theo đơn đề nghị của gia đình.
Luật sư Nguyễn Quynh, một trong số các luật sư tham gia vụ án, hôm 27/2 thông báo trên mạng rằng sau khi bị cản trở không cho gia đình và các luật sư vào làm việc tại Viện kiểm sát TPHCM, cuối cùng nhờ đấu tranh, các luật sư đã được Viện kiểm sát mời vào làm việc. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cam kết, đồng ý trưng cầu giám định tử thi Phạm Ngọc Nhung và sẽ thông báo trong vài ngày tới.
Trả lời VOA tối 3/3, bà Ái cho biết hiện bà vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng. Ngược lại, bà bị cảnh cáo không được cấu kết với “bọn phản động”. Nếu không sẽ bị “tù mọt gông”.
“Họ bảo tôi là phản động. Đi nói với bọn phản động rồi bị bắt, đi tù mọt gông. Tôi mới bảo là ‘Xin lỗi anh, tôi là dân đen ở Nghệ An vào. Anh chỉ cho tôi ai là người phản động để tôi tránh, chứ giờ tôi cũng chả biết ai phản động, ai không phản động cả. Tôi là một người mẹ không biết chữ. Con tôi chết thì tôi cứ đi hết chỗ này đến chỗ khác để xin mọi người cứu mẹ con tôi”.
Những năm gần đây, Việt Nam bị nhiều tổ chức quốc tế chỉ trích về các trường hợp tử vong trong khi bị giam giữ. Ước tính đã có hơn 200 người bị chết trong lúc bị giam giữ tại các đồn công an Việt Nam trong những năm qua.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có phải là nhân vật cải cách thực chất?

Theo VOA-03/03/2017 
Phạm Chí Dũng
Ảnh tư liệu Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (giữa). Ảnh tư liệu Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (giữa).
‘Ngọn cờ đầu móc túi’
Trái ngược hẳn với hoàn cảnh nheo nhóc của dân tình vào thời suy thoái kinh tế đã tiếp diễn đến năm thứ 9 liên tiếp, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn đạt mức lợi nhuận kỷ lục 6.300 tỷ đồng dù doanh thu năm 2016 giảm 16,2% so với năm 2015 do giá dầu thế giới sụt giảm.
Từ lâu Petrolimex đã được xem là “cục cưng” của Bộ Công Thương, cơ quan chủ quản của doanh nghiệp độc quyền này.
Dưới thời bộ trưởng trước là Vũ Huy Hoàng, Petrolimex vẫn tỏ ra là ngọn cờ đầu của nhóm lợi ích chính sách trong những chiến dịch “đi đêm” với giới quan chức liên ngành tài chính và Bộ Công Thương vào thời tân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Bằng chứng mới nhất vừa được phát hiện vào đầu năm 2017: sau đề xuất của Petrolimex và Bộ Công Thương, một lần nữa trong hai năm liên tiếp, cơ quan tham mưu đắc lực cho chính phủ và đảng là Bộ Tài chính lại tìm cách “móc túi” tuyệt đại đa số công dân và người nghèo bằng một bản dự thảo sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường với 8.000 đồng đánh vào 1 lít xăng.
Công cuộc “móc túi” đầy tính biểu tượng như thế đã khiến công luận phản ứng và xoáy thẳng nghi ngờ vào tân Bộ trưởng Công Thương: ông Trần Tuấn Anh có phải là “ngọn cờ đầu cải cách” trong số các bộ ngành hiện thời như Thủ tướng Phúc ra mặt khích lệ và một số tờ báo nhà nước tung hô theo kiểu “bầy đàn”?
Kẻ tiền nhiệm
Công bằng mà xét, sau gần một năm kể từ lúc thành lập chính phủ mới, Bộ Công Thương là cơ quan duy nhất trong số 22 bộ và cơ quan ngang bộ đã bắt đầu vài bước đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm “gỡ khó cho doanh nghiệp”, tinh giản bộ máy tham mưu một cách khá ấn tượng, lại còn đang thực hiện “đề án tái cơ cấu ngành công thương”. Tất cả những việc nho nhỏ, thuần túy là trách nhiệm chứ không có gì gọi là “kiến tạo” này, chưa từng được Vũ Huy Hoàng sáng tạo dưới thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Bản luận tội về Vũ Huy Hoàng là rất dài. Viên cựu bộ trưởng ngành công thương này đã rất thường bị dư luận xem là tội đồ về đủ thứ chuyện bê bối liên quan đến nhập khẩu phi mã từ Trung Quốc, mua điện cũng từ Trung Quốc với giá gấp 3 lần giá sản xuất trong nước, để các nhóm đầu cơ xăng dầu và điện lực tự tung tự tác trong quá nhiều năm, để các đập thủy điện xả lũ giết chết dân, bỏ mứa các công trình đầu tư ngàn tỷ đắp chiếu…
Còn Trần Tuấn Anh lại không “dính” những cú phốt điêu tàn trên. Ngay tại thời điểm này, nếu lập ra một giản đồ so sánh thì có thể bước đầu tạm kết luận: Trần Tuấn Anh “sạch” hơn Vũ Huy Hoàng. Sạch hơn nhiều.
Nhưng mới chỉ là bước đầu.
Sẽ là hoàn hảo hơn nhiều cho vị tân bộ trưởng công thương này nếu như ông ta thoát khỏi cái bóng và cung đường ngập ngụa đến tận mặt của kẻ tiền nhiệm.
Thế nhưng vào cái thời hết tiền và hết viện trợ mà quá nhiều dư luận phải đặt tên là “thời đại quan chức hốt cú chót” hay “chuyến tàu vét” như hiện thời, bước lầy lội đầu tiên của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, oái oăm thay, lại có nét gì đó từa tựa tấn bi kịch kinh điển Formosa.
Formosa ở Hà Tĩnh và Thép Cà Ná ở Ninh Thuận.
Lời ‘chúc tết’ của Trần Tuấn Anh
Từ quý 3 năm 2016, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Bộ Công Thương “đi đêm” với Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen và cố ý làm trái để dự án thép Hoa Sen - Cà Ná của doanh nghiệp này được “bế” vào quy hoạch, trong lúc trước đó dự án này không hề nằm trong danh sách quy hoạch đó. Truyền thuyết ngược dòng vào quy hoạch như thế lại diễn ra trong bối cảnh việc xử lý hậu quả của vụ Formosa Hà Tĩnh vẫn cực kỳ tắc trách và dư luận kịch liệt lên án những hậu quả nặng nề không tránh khỏi về môi trường và môi sinh của dự án thép Hoa Sen - Cà Ná.
Một chi tiết xã hội học mà người ta thường đề cập: không chỉ là con ruột của cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, tân Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh còn là anh em cọc chèo với Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ - người đã đi vào lịch sử kinh tế học phát triển mang đặc thù Việt Nam với thành ngữ “Ngu gì không làm thép!”.
Xã hội và kinh tế lại như môi với răng. Sát tết Nguyên đán 2017, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã “chúc tết” 90 triệu dân Việt bằng hành động chính thức đưa dự án thép Hoa Sen - Cà Ná vào quy hoạch và được chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, cho dù trước đó đã sôi trào phản ứng trên mặt công luận về một tương lai “Formosa thứ hai” tại dự án này ở khu vực thuộc loại đói nghèo nhất nước - Ninh Thuận.
Đơn giản là nếu có thêm một “biển chết” nữa ở Ninh Thuận, cảnh hoàng hôn chế độ lại càng có cơ may bị dệt thêm màu tối liệm, còn người dân thì tràn trề cơ hội để đào mồ chôn quan chức.
Nhưng dự án thép Hoa Sen - Cà Ná mới chỉ là vết đen đầu tiên của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Những vết nhám khác, đang lộ dần trên mặt, vẫn là tên những nhóm lợi ích chính sách như Petrolimex và EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam).
Những vết nhám trên mặt
Sát tết Nguyên đán 2017, Bộ Công Thương tung ra một dự thảo mở rộng thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện, từ chỗ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không được quyết định (theo Quyết định 69 của Chính phủ) đến chỗ EVN được chủ động quyết định tăng đến 20% giá điện mỗi năm; đồng thời thẩm quyền của Bộ Công Thương cũng tăng tương ứng từ chỗ được quyết định tăng tối đa 20% mỗi năm lên đến 40% mỗi năm.
Tính toán của EVN thuộc vào đặc tính khôn vặt của cái mà dư luận thường gọi là “tính xấu người Việt”: sẽ chẳng cần đến thủ tướng phải “ra tay”, thậm chí cũng không cần đến Bộ Công Thương phải “quyết”, chỉ cần chính phủ chấp nhận đề xuất vừa nêu là EVN nghiễm nhiên có quyền tự tăng giá điện ít nhất 20% một năm.
Rất đáng chú ý, đề xuất này hầu như xuất hiện đồng thời với một dự thảo của Bộ Tài chính về tăng gấp đôi thuế bảo vệ môi trường để “đạt thành tích” bổ thuế 8.000 đồng mỗi lít xăng lên đầu người tiêu dùng, khiến xã hội lên tiếng kêu than để tố cáo thực chất ngân sách cùng bản chất chế độ.
Hãy nhớ lại: vào lúc nền kinh tế Việt Nam dợm chân vào suy thoái, sự đổ bể của hai thị trường chứng khoán và bất động sản đã kéo theo một phát minh không tiền khoáng hậu kể từ thời mở cửa: những doanh nghiệp nhà nước đặc trưng bởi chủ thuyết “giá chỉ có tăng chứ không giảm” như EVN và Petrolimex đã tạo thành cặp song sinh có chung lợi ích. Hàng loạt chiến dịch đầu tư trái ngành của các tập đoàn này vào chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm rốt cuộc đã tích đọng gánh nợ đến trên 40.000 tỷ đồng.
Trong suốt nhiều năm qua, toàn bộ số nợ nần đó đã được EVN và Petrolimex đổ lên đầu người dân đóng thuế.
Từ sau Đại hội XII đến nay, lợi dụng thời hỗn quân hỗn quan và “cát cứ sứ quân”, nhóm lợi ích Bộ Công Thương lại một lần nữa “quật khởi” trên đầu đồng bào mình.
Nhưng cũng còn một cái tên khác: “nhóm thân hữu” - một chủ đề mà chưa một ủy viên Bộ Chính trị nào dám mổ xẻ trước bàng dân thiên hạ.
Có phải nhân vật cải cách?
Nhóm thân hữu, về bản chất, lại có mối quan hệ hữu cơ giữa các chính khách ở các cấp khác nhau, từ dưới lên và từ trên xuống. Trong trải nghiệm của người dân Việt, thực tế sinh tồn của các doanh nghiệp lệ thuộc vào chính sách từ nhiều năm qua đã chứng tỏ một nguyên tắc bất thành văn là chỉ có chính sách mới tạo ra được lợi nhuận, để đến lượt mình, lợi nhuận phải quay lại “nuôi” chính sách.
Sự tán tận lương tâm của quan chức và hậu quả của nó không thể không liên quan đến trách nhiệm của giới lãnh đạo chính phủ, những người đã im lặng hoặc “bật đèn xanh” cho EVN và Petrolimex gây nên các chiến dịch tăng giá vào thời gian giữa hai kỳ Quốc hội.
Không chỉ bị lên án bởi dư luận trong nước, khối u độc quyền doanh nghiệp quốc doanh ở Việt Nam còn bị nhiều chính phủ xã hội dân sự trên thế giới và các tổ chức quốc tế chỉ trích kịch liệt, bởi hiện trạng bệnh hoạn đó đi ngược lại với những cam kết về “hoàn thiện nền kinh tế thị trường” mà chính phủ Việt Nam đã lặp đi lặp lại không biết chán trước cộng đồng quốc tế…
Quay lại với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Một ít thủ tục hành chính, lọt thỏm trong cả rừng “giấy phép con” của ngành công thương, được ông Trần Tuấn Anh dẹp bỏ và được truyền thông tuyên giáo đảng tung hô như thể một hành động “cải cách thể chế” thực sự, liệu có tương xứng chút nào với những góc tối luôn bị Ban Tuyên giáo trung ương tìm cách bao che, không cho báo chí chỉ trích như Dự án Thép Hoa Sen - Cà Ná, hai nhóm độc quyền chính sách EVN và Petrolimex?
Vẫn còn đó, nóng hổi, “bài học Đinh La Thăng”. Nhân vật được báo chí đảng ồn ào phong cho danh hiệu “tư lệnh ngành” này đã ồn ào còn hơn thế khi “nói đi đôi với làm” vào lúc nhận chức bộ trưởng giao thông vận tải. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông Thăng đã “chìm” hẳn khi người đời phát hiện ra ông ta “nói nhiều hơn làm”…
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.