Monday, September 14, 2015

Ai không thích cải cách tư pháp?

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Image captionMột phiên họp Quốc hội hồi tháng 5/2015
Hôm 26/8 diễn ra Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Đỗ Văn Đương lại có phát biểu về quyền im lặng, ông dẫn ra ví dụ về vụ thảm án 6 người chết ở Bình Phước rồi đặt vấn đề rằng nếu nghi can đòi quyền im lặng thì sẽ ra sao?
Ông Đương là người phản đối quyền im lặng, ông đã nhiều lần phát biểu đưa ra đủ mọi lý do phản đối. Với khẩu khí hùng hồn và kiến thức am hiểu, những phát biểu của ông đã tạo được ảnh hưởng tới nhận thức của nhân dân lao động.
Không chỉ vấn đề quyền im lặng, ông cũng phản đối đề xuất quy định ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can, ông cho rằng việc ghi âm ghi hình để chống bức cung nhục hình là lạc quan tếu.
Từng là cán bộ ngành kiểm sát nên ông Đương là đại biểu đại diện cho giới cán bộ tư pháp. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc ông Đương hiểu rõ các vấn đề của nền tư pháp. Mặc dù vậy ông lại phản đối những chế định pháp lý tiến bộ giúp cho nền tư pháp được công minh.
Điều này là vì những ý kiến của ông xuất phát từ động cơ quyền lợi của nhóm người mà ông đại diện.
Ví như giới cán bộ điều tra chẳng hạn, những đề xuất mới về quyền im lặng hay quy định buộc ghi âm ghi hình khi hỏi cung sẽ là những kiểm soát trói buộc khiến việc làm của họ không được tùy tiện phóng túng như trước, cho nên hẳn là họ không thích.
Và chính đại biểu Đỗ Văn Đương là người đại diện nói lên thay quan điểm cho giới cán bộ điều tra về những vấn đề này.
Cho nên cải cách tư pháp sẽ gặp phải trở lực từ chính giới cán bộ tư pháp, những người muốn giữ nguyên trạng và không muốn thay đổi vì quyền lợi. Không nhận ra điều này là nể nang tránh né sự thật, không thừa nhận điều này là không trung thực trước các vấn đề của nền tư pháp.

Từ một vụ án thực tế

Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Image captionTù nhân trong lễ thông báo ân xá hôm 31/08 tại một trại giam gần Hà Nội
Năm 2005 ở Bắc Giang xảy ra vụ án giết người và hiếp dâm trẻ em, bị can là Hàn Đức Long đã nhiều lần bị tuyên tử hình và nay vụ án đang trong quá trình điều tra lại. Thời điểm xảy ra vụ án vào lúc chập tối và không ai nhìn thấy hung thủ, cơ quan điều tra thu giữ được ở hiện trường một số lông tóc và tinh trùng nhưng giám định lại không cho ra kết quả.
Vụ án do vậy không có nhân chứng vật chứng, cơ quan điều tra kết tội chỉ dựa vào lời khai nhận của bị can. Hồ sơ vụ án trước đây thể hiện bị can đã khai nhận và tự viết đơn xin đầu thú, nhưng đến khi ra tòa lần đầu và cho tới bây giờ bị can kêu oan khai rằng đã bị đánh đập buộc phải nhận tội.
Bản thân tôi là luật sư bào chữa, trong khi cố gắng xác định đâu là sự thật của vụ án đã nhiều lần tiếc rẻ, giá mà lúc bị can tự thú được ghi âm ghi hình lại thì tốt biết mấy. Khi đó sẽ biết được ngay việc tự thú có phải tự nguyện không, bị can có phải thủ phạm không, vụ án có lẽ đã không kéo dài tới 10 năm, các cơ quan tố tụng đã không vất vả xác định sự thật như hiện nay.
Đó là điều nhận thấy từ thực tế một vụ án cho thấy tác dụng hữu ích cần thiết của việc ghi âm ghi hình khi hỏi cung, chỉ một việc làm không tốn kém bao nhiêu nhưng có khả năng giúp ích rất nhiều. Những trang thiết bị cơ sở vật chất trở thành nguồn bổ trợ cho hoạt động điều tra, bù đắp cho năng lực có giới hạn của con người.
Tác dụng hữu ích cần thiết của việc ghi âm ghi hình là không thể phủ nhận, song nền tư pháp hiện nay mặc dù còn tồn tại nhiều bất cập dễ chỉ ra nhưng vẫn có những người muốn giữ nguyên trạng từ chối mọi thay đổi.
Chính do mối bận tâm quyền lợi nội tại nằm trong giới cán bộ tư pháp là chướng ngại cản trở những cải cách đổi mới, những chính sách trái quyền lợi rất khó được những người bị ảnh hưởng chấp nhận triển khai.
Ngay khi chính sách còn đang trong giai đoạn xây dựng đã có những ý kiến lên tiếng ngăn cản thông qua những đổi mới cải cách. Là những người am hiểu ngành lĩnh vực của mình nên tiếng nói phản đối không dễ gì phản bác.
Đến khi quyết sách đã thành luật rồi thì việc triển khai thực hiện cũng phải qua những người phản đối. Với thẩm quyền lớn họ có thể tự ban hành thêm những văn bản như thông tư, đưa thêm những quy định bổ sung khiến những tiến bộ tích cực theo tinh thần của luật bị méo mó xóa bỏ.

Bản chất của cải cách tư pháp

Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Các quyền hạn trong lĩnh vực tư pháp xét cho cùng cũng chỉ bao gồm một cơ số các quyền nhất định, nhưng lâu nay việc phân bổ thực hiện các quyền không hợp lý dẫn đến nền tư pháp còn xộc xệch.
Ví như quyền bắt giam giữ nằm trong tay cơ quan cảnh sát điều tra, điều này dẫn đến tình trạng lạm dụng bắt bớ khiến quá tải ở những trại giam giữ.
Cải cách tư pháp thực chất nhằm căn chỉnh phân bổ lại việc thực hiện các quyền sao cho hợp lý, điều này tất yếu dẫn đến hệ quả là cơ quan nào lâu nay nhiều quyền thì phải giảm bớt (như cơ quan điều tra), cơ quan nào yếu quyền thì tăng lên (như luật sư và tòa án).
Cần phải nhận thấy điều này để giới luật sư và cán bộ tòa án có động lực tích cực tham gia vào cải cách tư pháp, không chỉ vì quyền lợi của giới mình mà đó còn vì sự nghiệp chung, vì một nền tư pháp được trở lên công minh tiến bộ.
Từng thẩm phán và thư ký tòa án cần tích cực tham gia tránh tình trạng thụ động tiêu cực trông chờ sự thay đổi đến từ bên ngoài, ỉ lại vào cấp trên, tự nguyện đặt vận mệnh của giới mình vào tay người khác.
Ngoài việc hành nghề chuyên môn xét xử, các thẩm phán và thư ký tòa án cần chịu khó học hỏi xem những vướng mắc bất cập hiện nay có nguyên nhân từ đâu, giải pháp thế nào. Vì thực tế trong nền tư pháp hình sự hiện nay tòa án có vai trò rất yếu trong việc phán quyết hình phạt cho bị cáo, lẽ nào không nhận ra?
Một mặt tòa án làm việc phụ thuộc vào kết quả hồ sơ điều tra (quá trình này không được tham gia kiểm soát), nên khi hồ sơ xây dựng theo hướng kết tội thì tòa án hầu như không thể làm gì khác ngoài việc tuyên có tội.
Tòa án yếu kém nên ít dám tuyên án vô tội, khi vụ án có điểm chưa rõ thay vì tuyên án không kết tội bị cáo thì tòa lại trả trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Điều này không chỉ bộc lộ yếu kém mà còn thể hiện nhận thức coi trọng theo đuổi xử lý tội phạm mà xem nhẹ quyền công dân. Tòa án phải dám tuyên vô tội mới giữ được ‘phẩm giá’ của mình.
Mặt khác, phán quyết về hình phạt của tòa án lại bị làm suy yếu ở khâu thi hành án bởi hoạt động ân xá thả tù trước thời hạn, hoạt động này cũng nằm ngoài khả năng kiểm soát của tòa án.
Ví như dịp Quốc khánh mùng 2 tháng 9 vừa rồi cả nước có tới 18.000 phạm nhân được đặc xá tha tù trước thời hạn. Hoạt động này bản chất là cơ quan khác đã lấy đi một phần quyền phán quyết hình phạt của tòa án, tranh giành một phần quyền phán quyết hình phạt với tòa án, làm suy yếu vai trò của tòa án.
Giới cán bộ tòa án cần nhận ra điều này và thúc đẩy cho loại hình phạt tù không giảm án, có như thế mới giữ được vị thế của mình. Còn nhiều vấn đề khác nữa, giới cán bộ tòa án cần nhìn sâu vào lại bản thân mình nghĩ xem cần cải cách những gì.

Đẩy lùi ý kiến không thích

Image copyrightHoang Dinh Nam AFP GETTY
Cải cách tư pháp là thay đổi nguyên trạng, có người mừng ủng hộ có người lo chống đối vì ảnh hưởng quyền lợi. Vậy làm thế nào để thúc đẩy tiến bộ gạt bỏ đi những ý kiến thiên lệch xuất phát từ quyền lợi hẹp hòi?
Có thể đạt được thông qua bàn luận công khai. Bàn luận công khai giúp lộ rõ động cơ đằng sau mỗi ý kiến, giúp phơi bày các vấn đề bị che giấu. Ánh sáng của sự công khai giúp công luận thấy được nguyên nhân và giải pháp cho mỗi vấn đề.
Bàn luận công khai giúp những người liên quan nhận ra mối quyền lợi của mình được mất như thế nào trước những đổi mới. Khi những điều mất là mối quyền lợi không chính đáng nó sẽ bị bộc lộ đẩy lùi, ngược lại những mối quyền lợi chính đáng sẽ có động lực để thúc đẩy cho đổi mới.
Kết quả cuối cùng đúc rút ra sau khi đã trải qua thử thách tranh luận công khai, chính là những điều hợp lý đúng đắn là cơ sở xây dựng nên các thiết chế mới.
Bàn luận công khai cũng giúp lưu chuyển dòng tri thức, tránh tình trạng tự che mắt, tự ngu hóa mình do thiếu vắng bàn luận công khai. Trong khi cải cách tư pháp là làm mới làm khác, đòi hỏi những tư duy tri thức mới vượt quá những khuôn khổ tri thức chật hẹp trong hiện tại.
Bàn luận công khai còn giúp nâng cao hiểu biết của cộng đồng, giáo dục và khơi dậy tinh thần trách nhiệm của công chúng, hình thành thói quen quan tâm tham gia thảo luận các vấn đề sự nghiệp chung.
Khi cộng đồng có hiểu biết sẽ tăng cường khả năng kháng ngừa, tạo sức mạnh đẩy lùi những luận điệu ngụy biện mị dân của những người không thích cải cách tư pháp.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả Ngô Ngọc Trai, gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.

'VN cần cách mạng dân chủ nhân dân'

Trần Văn Tý (1925-2011) Tư liệu nghiên cứu chính trị VN  Theo BBC-4 giờ trước
Image copyrightGetty
Image captionThượng tầng kiến trúc không phù hợp sao có thể mở đường cho hạ tầng cơ sở phát triển?
...Ở nước ta nên tiến hành cách mạng dân chủ nhân dân thay vì làm cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Các văn kiện Đại hội đã chủ trương để kinh tế tư nhân tồn tại và phát triển lâu dài; thừa nhận sản xuất hàng hóa, cơ chế thị trường, phát triển kinh tế công cộng. Chúng tôi hiểu đó là cơ sở hạ tầng của chế độ dân chủ của nhân dân (kiểu mới).
Nhưng lại có chủ trương “chống tư tưởng tư sản”, xây dựng “pháp luật xã hội chủ nghĩa”, văn hóa “xã hội chủ nghĩa”.
Như vậy, thượng tầng kiến trúc lại là thượng tầng kiến trúc xã hội chủ nghĩa.

Vừa động viên vừa tiêu diệt?

Đã động viên khuyến khích người tư sản phát triển kinh tế, lại đồng thời chống tư tưởng của họ và hơn nữa, họ không còn được kể đích danh trong lực lượng nhân dân, thì họ yên tâm, mạnh dạn bỏ vốn ra sao được?
Kinh tế tư nhân còn chiếm tỉ trọng tuyệt đối và chỉ giảm dần dần sẽ còn tồn tại, phát triển lâu dài, sao có thể được chế định sát hợp bởi nền pháp chế xã hội chủ nghĩa?…
Thượng tầng kiến trúc không phù hợp như thế sao có thể mở đường cho hạ tầng cơ sở phát triển, mà chắc chắn chỉ có tác dụng ngược lại.
Cho nên chúng tôi kiến nghị nên dứt khoát sửa lại cho thượng tầng kiến trúc cũng là của xã hội dân chủ nhân dân, và gọi tên cách mạng nước ta là Cách mạng Dân chủ Nhân dân.
Như vậy có thể nghĩ ngay là thụt lùi, là làm chậm bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhưng thực ra, sẽ là tiến nhanh hơn, tiến vững chắc hơn.
Bởi lẽ: một mặt, không hề gây trở ngại gì cho việc xây dựng các tiền đề của chủ nghĩa xã hội, mặt khác không cản trở khu vực tư nhân phát triển, nâng cao thêm sức sản xuất, và như vậy, cũng có nghĩa là tạo thêm điều kiện vật chất - kỹ thuật khách quan cho việc hình thành quan hệ sở hữu công cộng; ngoài ra còn giúp tránh được tư tưởng nôn nóng, hành động vội vã làm sút giảm kinh tế.
Qua tổng kết tình hình phát triển cá nước Châu Á, Châu Phi tiến theo con đường phi tư bản chủ nghĩa, chỉ có mỗi một nước ở châu Phi, Cabo Verde, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn khách quan, đã ổn định phát triển được kinh tế, tránh được khủng hoảng.
Từ khi đất nước giành được độc lập cuối những năm 1960, Đảng CSVN lãnh đạo chủ trương tập hợp huy động rộng rãi nhân dân thực hiện các mục tiêu trực tiếp về dân tộc, dân chủ, dân sinh.
Trong khi đó, có những biện pháp phòng ngừa những người tư sản trở thành giai cấp thống trị, xây dựng dần dần những cơ sở kinh tế quốc doanh có hiệu quả kinh tế khá, đảm bảo cân bằng xã hội, và tiến theo mục tiêu xã hội không còn bóc lột.
Nếu đổi lại là làm cách mạng dân chủ nhân dân thì vấn đề tên gọi của quốc gia cũng nên đặt ra xem xét.
Vẫn giữ tên “xã hội chủ nghĩa ” thì tên gọi không phù hợp với nội dung kinh tế, chính trị của xã hội, trở thành một tên gọi rỗng và có thể làm nảy sinh những tư tưởng, hành động tả khuynh.
Bỏ đi thì có thể gây thắc mắc. Đảng đã từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa chăng?
Những thắc mắc này dễ giải thích thôi.
Image copyrightGetty
Image captionBỏ cụm từ XHCN có thể gây thắc mắc nhưng cũng dễ giải thích
Do rất nghèo nàn về vốn và thiếu kinh nghiệm quản lý, cần trước hết thu hút vốn tư nhân để phát triển mạnh, nhưng cũng phải vững chắc, khu vực kinh tế tư bản nhà nước, vì lẽ:
a) có được thêm vốn, thêm hiểu biết quản lý của tư bản tư nhân ;
b) có được sự giám sát chặt chẽ của những người “của đau con xót”, hạn chế được tham ô lãng phí.
c) và chính quyền, do có trực tiếp bỏ vốn, trực tiếp tham gia quản lý, cũng dễ kiểm tra, điều tiết được khu vực này. Trong chính sách kinh tế mới, Lenin cũng đã coi trọng như vậy khu vực tư bản nhà nước.

Hạ thấp để đạt 'chủ nghĩa xã hội'?

Trong những kế hoạch ngắn hạn đầu tiên, khi đã có bộ máy nhà nước, thực hiện chức năng quản lý, hướng dẫn, điều tiết về kinh tế, và đã nắm xương sống của nền kinh tế, thì chưa nên vội để ra riêng cho kinh tế quốc doanh vai trò chủ đạo, nhiệm vụ giành ưu thế đối với các thành phần kinh tế khác, vì có thể dẫn đến những hậu quả :
a) phát triển tràn lan cơ sở kinh tế quốc doanh kém, thậm chí không có hiệu quả kinh tế.
b) làm giảm vốn cần thiết cho lĩnh vực sự nghiệp, tiêu dùng, khó cải thiện được đời sống nhân dân.
c) tạo ra xu hướng dành ưu thế bằng việc hạn chế sự phát triển của các thành phần khác.
Định nghĩa về xã hội chủ nghĩa trong cương lĩnh còn quá chung chung, có thể dẫn tới sự hạ thấp nội dung của chủ nghĩa xã hội, và từ đó dẫn tới những tư tưởng, hành động hoặc hữu, hoặc tả, như đã từng xảy ra trên quốc tế.
Image copyright
Image captionThu nhập quốc dân cao không đến từ mô hình xã hội chủ nghĩa
Chủ nghĩa Marx đã luôn nói có thể đặc trưng chất lượng đầu tiên của chủ nghĩa xã hội khoa học là đảm bảo một hiệu quả lao động cao hơn so với chủ nghĩa tư bản. Lenin lại còn nói rõ cao hơn các nước tư bản tiên tiến nhất. Chúng tôi nghĩ đó không hề là nói cho hay, cho đẹp.
Đặc trưng đó chỉ là hệ quả tất yếu của việc quan hệ sở hữu công cộng đến thay thế được sở hữu tư nhân bằng việc đem lại một hiệu quả kinh tế cao hơn. Và không nên nghĩ rằng chủ nghĩa xã hội ở nước ta thì không cần đến như thế; khu vực kinh tế tư nhân đang hàng ngày tiếp nhận công nghệ tiên tiến của những nước tư bản phát triển nhất.
Chủ nghĩa xã hội còn bao hàm sự vượt qua phương thức phân công lao động xã hội chật hẹp dưới chủ nghĩa tư bản, một phương thức làm cho con người thành dị dạng về thể chất và tinh thần.
Sự vượt qua đó là một biểu hiện cụ thể về con người được phát triển toàn diện như thế nào trên cơ sở một thu nhập quốc dân rất cao. Engels đã gọi During – người không hiểu đặc trưng đó – là “một tên lùn tự phụ”.
Engels còn nói chủ nghĩa xã hội khoa học bao hàm việc xóa bỏ sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn.
Đó là chỉ số cụ thể về mức sống rất cao mọi người dân trên đất nước.
Những đặc trưng cụ thể trên cho thấy cần biết bao công sức và thời gian mới có thể đạt tới chủ nghĩa xã hội khoa học.
Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy hạ thấp chủ nghĩa xã hội thì cũng không thể có được chủ nghĩa xã hội.

Còn mất bao lâu?

...Cách mạng xã hội trong thời kỳ lâu dài này với đặc trưng phức hợp như trên không phải là cách mạng tư sản đơn thuần, cũng chưa là cách mạng xã hội chủ nghĩa có nội dung xóa bỏ sở hữu tư nhân, xác lập sở hữu xã hội.
Đó là một kiểu cách mạng đặc thù, đã được gọi trong phong trào các nước phát triển phi tư bản chủ nghĩa, là cách mạng dân chủ kiểu mới hay cách mạng dân chủ nhân dân.
Cách mạng dân chủ nhân dân sẽ chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Nhưng hai cuộc cách mạng vẫn khác biệt theo một đặc điểm quan trọng: sở hữu tư nhân vẫn còn hay đã hết tiềm năng phát triển sức sản xuất, vẫn cần được tồn tại và phát triển hay không?
Cho nên cần xác định ranh giới cho rõ ràng để tránh sai lầm tả khuynh làm ngưng trệ, sút giảm sản xuất.
Cách mạng dân chủ nhân dân ở ta sẽ diễn ra bao lâu?
Chúng tôi thiết nghĩ: cho tới khi tạo được cơ sở vật chất kỹ thuật vững chắc cho quan hệ sở hữu công cộng hình thành rộng rãi, chiếm tỉ trọng tuyệt đối, có đủ sức tiến lên chiếm lĩnh toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Thời kỳ đó chắc không thể bó gọn trong vài thập kỷ.
Tác giả Trần Văn Tý (1925 - 2011), đảng viên cộng sản, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Định năm 1945 và giữ các chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến huyện Xuân Trường và làm việc tại Cục tình báo Bộ quốc phòng và Nha Công an trong kháng chiến chống Pháp. Sau ông Giám đốc Nhà xuất bản Văn-Sử-Địa, Giám đốc Nhà xuất bản Sử học, Trưởng Phòng biên tập - trong Ban Phụ trách Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Sử học...Các đoạn trích trong bài thuộc di cảo viết trước Đổi Mới 1986, nay do gia đình công bố và đã đăng trên trang Diễn đàn - Forum ở Paris. Đề bài do BBC đặt. Các bạn xem thêm Chuyên đề 'Cách mạng Tháng 8'.

'Thể chế không phụ thuộc vào số đảng'

Theo BBC-4 giờ trước
Image copyright
Image captionTBT Trọng viếng lăng Lenin trong một lần thăm Moscow
Bảo vệ cho chế độ do Đảng Cộng sản nắm quyền một mình ở Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Phú Trọng cho rằng sức sống của thể chế "không phụ thuộc vào việc có một đảng hay đa đảng" miễn là đáp ứng được chuyện vọng, lợi ích chính đáng của đại đa số nhân dân.
Trả lời báo chí và truyền thông Nhật hôm 12/9 tại Hà Nội trước khi sang thăm Nhật Bản tuần này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời câu hỏi về thể chế 'một đảng độc đáo' ở Việt Nam.
Theo bài đăng trên báo chí Việt Nam, ông Trọng đã trả lời phỏng vấn Kyodo News, báo Nikkei, hãng NHK, các báo Yomiuri Simbun, Asahi, TV Asahi và hãng thông tấn Jiji Press.
Trong số nhiều câu hỏi từ báo giới Nhật, có một câu nhằm thẳng vào tương lai thể chế độc đảng ở Việt Nam nhưng bằng lời lẽ lịch lãm, theo những gì bản dịch trên truyền thông Việt Nam đăng tải:
"Việt Nam đã thiết lập thể chế chính trị một đảng duy nhất trong nhiều năm lịch sử. Hiện nay, hệ thống chính trị như vậy là rất hiếm trên thế giới. Ngài có tin tưởng rằng hệ thống chính trị độc đáo này sẽ được duy trì lâu dài trong tương lai?
TBT Nguyễn Phú Trọng đã đáp lời:
"Tôi cho rằng bản chất cốt lõi nhất của dân chủ là bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; thể chế chính trị nào đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của đại đa số nhân dân, của dân tộc thì thể chế đó sẽ có sức sống lâu dài, mãnh liệt, không phụ thuộc vào việc có một đảng hay đa đảng. "
"Và vấn đề quan trọng quyết định không phải là ở số lượng mà là ở chất lượng của đảng, tức là đảng đó là đảng của ai, được tổ chức, hoạt động như thế nào và vì lợi ích của ai, mối quan hệ với nhân dân như thế nào, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân ra sao, có được đại đa số nhân dân ủng hộ hay không?"
Tuy thế, ông đã không né tránh xác nhận đây là một tình thế cụ thể, do hoàn cảnh lịch sử tạo ra:
"Thực tiễn lịch sử nhân loại cho thấy, việc hình thành các thể chế chính trị là dựa trên hoàn cảnh, điều kiện lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội cụ thể của mỗi quốc gia, không có mô hình duy nhất để áp đặt cho tất cả các nước."
"Chế độ chính trị của Việt Nam là kết quả của tiến trình lịch sử cụ thể của Việt Nam, trong đó có sự tín nhiệm và ủng hộ rộng rãi của nhân dân đối với vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực tiễn cuộc đấu tranh lâu dài giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đổi mới, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc."
Trả lời một câu hỏi khác về 'kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa' ông nói:
"Chúng tôi không cho rằng định hướng xã hội chủ nghĩa mâu thuẫn với kinh tế thị trường. Trái lại, đó là sự kết hợp biện chứng, cần thiết, phù hợp với thực tiễn Việt Nam."
Là nhà lý luận của Đảng Cộng sản nhưng lần này, trong cả bài trả lời phỏng vấn, Giáo sư Trọng không hề nhắc tới chủ nghĩa Marx-Lenin.
Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Nhật Bản từ 15 đến 18/9 và đây là lần đầu ông Trọng thăm Nhật từ khi trở thành Tổng bí thư năm 2011.
Image copyrightAP
Image captionTrả lời báo Nhật, ông Trọng không nhắc gì đến ý thức hệ Marx-Lenin
Người tiền nhiệm, Nông Đức Mạnh, đã thăm Nhật Bản năm 2009.
Nhân dịp này, báo Nhật, Japan Times đã đăng bài của Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Hoàng Bình Quân viết rằng:
"Cho dù có những khác biệt về chế độ chính trị và mô hình kinh tế, nhưng hai nước luôn có sự tin cậy, tôn trọng nhau, coi trọng lẫn nhau."
Sau cải cách Minh Trị từ thế kỷ 19, Nhật Bản có chế độ dân chủ đại nghị, đa đảng.
Nhật Bản là nhà tài trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư FDI lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.

Sáng Kiến Của Một ‘Con Vẹt’

Trong cuốn Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1' có bài học dạy trẻ bước trên thủy tinh vỡ để thể hiện lòng dũng cảm.
Trong cuốn Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1' có bài học dạy trẻ bước trên thủy tinh vỡ để thể hiện lòng dũng cảm.
Dũng cảm hay sự dốt nát?
Khi đọc thấy mẫu sách của ông tiến sĩ, tôi thấy buồn cười về sự méo mó của lòng dũng cảm trong con mắt của một người có học thức. Chẳng biết ông tiến sĩ học đâu ra cái trò đi trên mảnh thủy tinh chính là sự dũng cảm, riêng tôi, đó là sự dốt nát một cách lố bịch. Dũng cảm không chỉ là một khái niệm ở chỗ “dám làm” hay “không dám làm”, mà nó còn nằm ở bối cảnh và ý nghĩa mang tính thực tiễn, nhân văn của hành động. Nói cách khác, “trong tình huống cấp bách, không còn cách nào khác, con người ta phải chọn sự mạo hiểm để bảo vệ một giá trị tốt đẹp hơn, đó chính là dũng cảm”.
Tôi lấy ví dụ, có người sẵn sàng cầm súng tiến lên để ngăn chân địch không tiếp cận đến căn cứ, phá hủy cơ đồ. Đó chính là dũng cảm. Nhưng nếu lấy súng chỉa vào đầu người khác, và bảo “đừng sợ”, rồi trấn an rằng đó là lòng dũng cảm, theo kiểu “đi trên mảnh thủy tinh” thì đó quả thật là một phép so sánh khập khiễng, nếu không muốn nói là ngu ngốc. Hoàn cảnh nguy hiểm phải mang tính khách quan, khi đó buộc con người phải chọn lựa một cách quyết đoán, đó là lòng dũng cảm. Còn việc tự tạo ra mối nguy hiểm cho bản thân một cách “ảo thuật”, thì đó là một trò đùa dại hơn là một phép toán của sự can trường hay lòng dũng cảm. Chẳng ai tự chuốc lấy cái nguy hiểm để cố vượt qua rồi bảo rằng mình can đảm. Ranh giới giữa lòng dũng cảm và sự dốt nát không phải là quá rộng. Thế nên, hiểu sai một chút thì người vốn được xem là dũng cảm, thật ra lại là dốt nát.
Hậu quả của việc học vẹt
Chuyện dạy trẻ em đi trên mảnh thủy tinh thể hiện lòng dũng cảm của vị tiến sĩ này khiến tôi nhớ đến giai thoại học vẹt. Trên thực tế, có những khóa học dành cho người lớn về việc ăn dao lam, phun lửa, đi trên thủy tin, thậm chí là bước trên than hồng. Mục tiêu của khóa học là giúp bạn thay đổi tư duy về sự nguy hiểm, rằng nếu nguy hiểm bị kiểm soát, sắp xếp một cách hợp lý và logic thì câu chuyện nhanh chóng được giải quyết.
Tuy nhiên, câu chuyện này không mang lại một giá trị thực tế nào nếu áp dụng với trẻ em – vốn là những mầm non tiêu biểu và gia đình gặp khó khăn. Trẻ tiểu học vốn là những mảnh giấy trắng và vô nghĩa. Khi đưa thông điệp “đi trên thủy tin tức là dũng cảm”, trẻ em chỉ hiểu một cách đơn nghĩa theo cơ học, tức là ai dám đi trên thủy tin thì người đó dũng cảm. Tai hại có thể xảy ra khi các em học sinh bắt chước y chang những gì người lớn đang làm mà không hề biết nó đang thách thức an toàn thân thể, sức khỏe của các em.
Như vậy, dường như có một sự “copy” (hay còn gọi lại đạo văn) từ một chương trình đào tạo kỹ năng cho người lớn sang áp dụng cho trẻ em. Mới nghe qua cứ tưởng sáng kiến, nhưng nhìn lại sẽ thấy nó đang âm ỉ và có khả năng giết người một cách đầy tiếc nuối. Tính máy móc một cách rất “vẹt” của ông tiến sĩ khiến người ta càng thấy buồn về nền giáo dục quốc gia – vốn vẫn còn không ít kẻ lạc hậu, chỉ biết áp dụng các bài học một cách lý thuyết và máy móc.
Trách nhiệm của người quản lý
Một cuốn sách đầy tranh cãi và thiếu phù hợp như vậy, chẳng hiểu sao vẫn được duyệt xuất bản trong sự ngỡ ngàng của không ít người. Đây không phải là lần đâu các ấn phẩm sách giáo khoa, sách giáo dục tại Việt Nam gây ra các cuộc tranh cãi lớn. Rõ ràng, có một sự lơ là trong khâu quản lý, để rồi sau đó ngành chức năng lại phải thu hồi vội vàng từng quyển sách “vô lý đùng đùng” – vốn đã làm dậy sóng dư luận. Đến người dân bình thường cũng thấy không ổn với một vài nội dung trong sách kỹ năng sống. Do đó không lý gì các thầy các cô, được đào tạo bài bản, lại không nhận ra điều đó.
Bên cạnh đó, rõ ràng ngành giáo dục hiện vẫn còn thiếu sự hiện diện của các chuyên gia về mặt khoa giáo. Có thể họ chưa phải là tiến sĩ như ông tác giả của quyển sách vô lý lần này, nhưng những gợi ý của họ ít nhất cũng sẽ chỉn chu, dễ hiểu, không phải theo kiểu “đập đầu vào tường là can đảm hay dũng cảm”. Như vậy, việc chọn một bộ sách giáo khoa nhưng không có sự đánh giá sát sao, suy cho cùng cũng không thể mang về hiệu quả. Trách nhiệm chính thuộc về nhà trường, đơn vị chọn bộ sách tham khảo ấy để sử dụng.
Cuối cùng, phải thừa nhận thị trường sách giáo khoa, sách hướng dẫn tăng cường phát triển kỹ năng cho trẻ em hiện nay rất thiếu. Đó là lý do các bộ sách được xuất bản một cách ồ ạt và thiếu sự kiểm soát, dẫn đến các trang sách thiếu sự chín chắn, chuẩn xác, ý nghĩa và bao dung. Nếu đa dạng hóa thị trường sách, việc chọn lựa của phụ huynh và các em học sinh sẽ khiến các quyển sách “đi trên thủy tinh” sẽ không có cơ hội để tồn tại.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Thế giới sau năm 2001

Trong lịch sử thế giới đương đại, cuộc tấn công của những người Hồi giáo cực đoan nhắm vào nước Mỹ vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 có thể được xem là biến cố quan trọng nhất làm thay đổi diện mạo của cả thế giới.
Chỉ cách đó đúng 10 năm, cả thế giới vui mừng chứng kiến sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, đánh dấu sự cáo chung của cuộc chiến tranh lạnh vốn kéo dài gần nửa thế kỷ. Trong cảm giác vui mừng ấy, mọi người đều nghĩ thế giới từ nay sẽ được sống trong hoà bình, mỗi nước chỉ lo tập trung vào việc phát triển kinh tế và hoàn thiện dần nền dân chủ trong nước mình để dân chúng được sống một cách êm ấm, tự do và dân chủ. Biến cố 11 tháng 9 làm tan vỡ những ảo tưởng ấy. Mọi người giật mình ngơ ngác nhận ra thế giới họ đang sống vẫn đầy những bất an. Người ta phát hiện ra một kẻ thù mới lúc nào cũng tìm cách khủng bố họ: những người Hồi giáo cực đoan.
Thật ra, không phải đến năm 2001, những người Hồi giáo cực đoan mới tìm cách tấn công Mỹ. Trong bài viết tưởng niệm 14 năm cuộc tấn công khủng bố nhắm vào Trung tâm Thương mại Quốc tế tại New York, ông Rudolph W. Giuliani, cựu Thị trưởng thành phố New York nhắc: những âm mưu khủng bố nhắm vào Mỹ của những lực lượng Hồi giáo đã bắt đầu từ lâu, từ những năm cuối thập niên 1970 với việc chính quyền Hồi giáo Iran bắt giữ người Mỹ làm con tin trong suốt 444 ngày, những vụ nổ bom nhắm vào toà Đại sứ Mỹ ở Kenya và Tanzania năm 1998 (làm 213 người chết, trong đó có 12 người Mỹ) hay ngay tại Trung tâm Thương mại Thế giới vào năm 1993 (làm 6 người chết và trên 1000 người bị thương). Có điều, tác hại của các cuộc khủng bố ấy được cho là không quá nghiêm trọng khiến mọi người, một mặt, không quá lo sợ; mặt khác, chỉ xem đó như những hành động quá khích của một số cá nhân điên khùng.
Cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 khác hẳn. Khác ở quy mô: Nó khiến đến 3000 người bị thiệt mạng. Khác ở biểu tượng: hai toà nhà cao ngất tượng trưng cho sự giàu có và sự tự do của thế giới tư bản bị sụp đổ. Và khác ở tính chất: đằng sau vụ tấn công ấy là một tổ chức gắn liền với một tôn giáo có tính toàn cầu.
Chính những sự khác biệt ấy đã khiến chính phủ Mỹ phản ứng quyết liệt bằng hai cuộc chiến tranh họ khởi sự ở Afghanistan và ở Iraq cho đến bây giờ vẫn chưa kết thúc. Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng góp phần làm sụp đổ một chính quyền Hồi giáo cực đoan khác ở Libya. Song song với các cuộc chiến tranh ấy là một làn sóng dân chủ ồ ạt nổi lên ở một số nước Trung Đông và Bắc Phi, lật đổ bốn chính quyền độc tài ở Tunisia, Ai Cập, Libya và Yemen và làm lung lay nhiều quốc gia khác, từ Bahran, Algeria đến Syria, Jordan, Kuwait, Morocco và Sudan. Tuy nhiên, tất cả các biến động dữ dội ấy đều không mang lại an bình cho thế giới. Hết nhóm Hồi giáo cực đoan này bị tiêu diệt thì có một số nhóm cực đoan khác nổi dậy, có khi còn cực đoan và nguy hiểm hơn cả các nhóm trước. Thành ra khủng bố và chiến tranh vẫn treo lơ lửng trên đầu mọi người.
Chỉ có điều chiến tranh hiện nay khác hẳn các cuốc chiến tranh trước đó. Trước, trong nửa đầu thế kỷ 20, chiến tranh chủ yếu xuất phát từ xung đột về lãnh thổ, kinh tế và quyền lực giữa các quốc gia với hai đỉnh cao là chiến tranh thế giới lần thứ nhất và chiến tranh thế giới lần thứ hai. Từ năm 1945 trở về sau, trong cuộc chiến tranh lạnh, yếu tố chính gây ra xung đột là ý thức hệ với hai luồng chính: chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Từ năm 1990 trở đi, theo Samuel P. Hungtington, trong cuốn “Clash of Civilization” (1996), nguyên nhân chính gây ra chiến tranh trên thế giới là các xung đột về văn hoá, trong đó, quan trọng nhất là tôn giáo. Hungtington chia thế giới ra thành nhiều nền văn minh khác nhau, tuy nhiên, theo ông, mâu thuẫn gay gắt nhất là sự xung đột giữa văn minh Tây phương và văn minh ngoài Tây phương. Trong cái gọi là văn minh ngoài Tây phương ấy, nổi bật lên hẳn là văn minh Hồi giáo. Nói một cách tóm tắt, mâu thuẫn chính hiện nay là mâu thuẫn giữa Tây phương và Hồi giáo.
Lý thuyết của Hungtington bị nhiều người phê phán một cách gay gắt. Nhiều người cho Hungtington đơn giản hoá vấn đề: Trên thế giới hiện nay không có các nền văn hoá thuần nhất, tất cả đều tương tác, pha trộn và lai ghép lẫn nhau. Hầu hết các nền văn minh ngoài Tây phương, với những mức độ khác nhau, đều Tây phương hoá. Nhiều người đi xa hơn, cho đằng sau các luận điểm của Hungtington là chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, không khác thời thực dân trước đó: Xem Tây phương như là phần văn minh nhất trên thế giới, có nhiệm vụ khai sáng các nền văn minh phi-Tây phương khác.
Phê phán thì phê phán, nhưng càng ngày người ta càng thấy Hungtington nói đúng: Mâu thuẫn chính của thế giới hiện nay là mâu thuẫn giữa Tây phương và Hồi giáo, ít nhất là những thành phần Hồi giáo cực đoan. Mà những người theo Hồi giáo cực đoan cũng không hề giấu giếm điều đó: Họ tìm cách phá huỷ văn minh Tây phương càng nhiều càng tốt, giết hại người Tây phương càng nhiều càng tốt. Với họ, Tây phương, tiêu biểu nhất là Mỹ, là đối tượng chính để trả thù.
Cuộc chiến tranh dựa trên tôn giáo ít nhiều giống với các cuộc chiến tranh dựa trên ý thức hệ: Cả hai đều có tính cực đoan. Nhưng mức độ cực đoan trong tôn giáo sâu đậm hơn hẳn mức độ cực đoan trong ý thức hệ. Hình thức nổ bom tự sát để giết hại chính mình và những người chung quanh là hình ảnh tiêu biểu nhất của tính chất cực đoan ấy: Người ta không sợ chết vì tin tưởng sẽ nhận được một phần thưởng lớn lao nào đó ở thế giới bên kia.
Trong chiến tranh lạnh, kẻ thù của Tây phương là những quốc gia có biên giới và có chính phủ hẳn hòi; trong cuộc chiến hiện nay, phần lớn cái gọi là Hồi giáo cực đoan ấy không gắn liền với lãnh thổ nào cả: Họ ở khắp nơi, ngay trong chính các nước Tây phương. Bởi vậy, hầu như ở đâu cũng cảm nhận được sự đe doạ của họ. Mỹ bị đe doạ. Các quốc gia Âu châu cũng bị đe doạ. Ngay ở Úc, xa khuất và chơi vơi giữa đại dương mênh mông, cũng bị đe doạ.
Tuy nhiên, những đe doạ ấy không đủ làm bùng nổ chiến tranh lớn. Hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan chỉ tạo nên sự bất ổn trong xã hội Tây phương nhưng không đủ sức uy hiếp chủ quyền của bất cứ quốc gia nào ở Tây phương. Bởi vậy, một số nhà bình luận cho nguy cơ từ các lực lương Hồi giáo cực đoan ít nhiều bị phóng đại. Theo họ, nguy cơ thực sự đối với Tây phương đến từ một đối tượng khác: chủ nghĩa dân tộc. Trong cái gọi là chủ nghĩa dân tộc ấy, hai quốc gia tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhất là Nga và Trung Quốc. Trong khi Nga chỉ nguy hiểm đối với châu Âu, những nguy cơ đến từ Trung Quốc sẽ tác động, trước hết, đến Biển Đông, và ở Biển Đông, quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp nhất chính là Việt Nam.
Nói cách khác, nếu chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc sẽ làm thay đổi bàn cờ chính trị trên thế giới, ít nhất là ở châu Á, nó sẽ làm thay đổi, trước hết, đến sự an nguy của Việt Nam. Bàn về chính trị thế giới cũng như Việt Nam trong hiện tại cũng như trong những năm sắp tới, không thể không lưu ý đến điều đó.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.