(Baodatviet) - Tiếp tục cấm vận Crimea, Mỹ và EU tiếp tục đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau trong dự án kênh đào Nicaragua và “con đường tơ lụa Á-Âu”.
Lệnh trừng phạt của Mỹ-EU tiềm ẩn nguy cơ lớn
Trong ngày 18/12, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Crimea. Lệnh trừng phạt này không áp dụng cho toàn thể Liên bang Nga mà chỉ cấm toàn bộ hoạt động đầu tư và hạn chế thương mại với Crimea và Sevastopol nhằm phản đối việc sáp nhập vào Nga.
Theo thông báo của EU, kể từ ngày 20-12, các biện pháp trừng phạt bổ sung này sẽ có hiệu lực. Theo đó, việc đầu tư vào Crimea và Sevastopol bị cấm hoàn toàn. Cá nhân và doanh nghiệp ở châu Âu không thể mua tài sản cố định hoặc các công ty tại Crimea, cũng như không thể cung cấp các dịch vụ liên quan.
Ngoài ra, các công ty du lịch tại châu Âu cũng không thể khai thác dịch vụ du lịch ở Crimea hoặc Sevastopol. Đặc biệt, kể từ ngày 20-3-2015, tất cả các du thuyền được sở hữu hoặc kiểm soát bởi một chủ tàu châu Âu hoặc treo cờ của một quốc gia thành viên EU không thể cập cảng nằm trong bán đảo Crimea, trừ trường hợp khẩn cấp.
Hơn nữa, lệnh trừng phạt được công bố vài giờ trước khi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh mùa Đông của EU tại Brussels này cũng cấm xuất khẩu các công nghệ và hàng hóa châu Âu trong lĩnh vực giao thông vận tải, viễn thông, năng lượng, khảo sát, thăm dò, khai thác và sản xuất dầu khí.
Sau khi ký Đạo luật số 5859 về "Luật về hỗ trợ nền tự do của Ukraine 2014" ngày 18-12 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiếp tục ký sắc lệnh về các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga. Washington dự định phong tỏa tài sản của bất kỳ cá nhân và công ty nào liên quan tới Crimea, cơ quan báo chí Nhà Trắng thông báo.
Sắc lệnh nghiêm cấm các khoản đầu tư mới của cư dân Hoa Kỳ vào khu vực Crimea của Ukraine, toàn bộ hoạt động nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, công nghệ từ Crimea vào Hoa Kỳ cũng như xuất khẩu, tái xuất khẩu, bán và cung cấp hàng hóa, dịch vụ và công nghệ từ Hoa Kỳ do những người đang sống ở Mỹ thực hiện, đến khu vực Crimea của Ukraine.
|
Sau khi ông Putin quyết định sáp nhập Crimea vào Nga, bán đảo này liên tiếp phải nhận các lệnh cấm vận của Mỹ và EU
|
Ngoài ra, ông Obama còn cấm người Mỹ tiến hành bất cứ hoạt động kinh doanh nào với các công ty hiện đang do cư dân Crimea kiểm soát cũng như có bất kỳ mối quan hệ tài chính hoặc vật chất nào với những đối tượng nêu trên. Thêm vào đó, tất cả những người nằm dưới sắc lệnh trừng phạt này bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Trước lệnh cấm vận bổ sung của Washington và Brussels, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng cảnh báo sẵn sàng trả đũa các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây sau khi cả Mỹ và Liên minh châu Âu đều tán thành việc siết chặt các biện pháp hạn chế đối với những hoạt động đầu tư ở Crimea.
Theo báo Vzglyad, chính quyền Crimea cũng tràn đầy lạc quan và tin tưởng khi khẳng định không có gì đáng sợ vì phương Tây chẳng còn gì để gây ảnh hưởng đến Crimea nữa và những biện pháp trừng phạt mới sẽ không có tác dụng đối với sự phát triển của khu vực này.
Người đứng đầu đặc khu hành chính này là ông Sergei Aksenov, nhấn mạnh: “Tôi cho rằng ngay từ những ngày đầu của phong trào ‘Mùa xuân Crimea’, Mỹ và Liên minh châu Âu đã thực hiện chế độ trừng phạt tối đa đối với Crimea và những người có chức trách ở đây rồi” và giờ điều đó đã trở lên quá bình thường.
Việc Mỹ và EU thay nhau đưa ra các lệnh cấm vận đối với Crimea được họ cho là một đòn đau đối với Nga hay một niềm vui của Ukraine nhưng đã để lại những hậu quả vô cùng tai hại, chắc chắn nó sẽ gây ra những hệ lụy rất lớn đối với chính Mỹ và EU, thậm chí là có ảnh hưởng lớn trên phạm vi toàn cầu.
Bởi xuất phát từ đây, tham vọng vô bờ bến của Trung Quốc là chiến lược kinh tế quy mô trên phạm vi toàn cầu, xây dựng con đường tơ lụa trên biển và trên bộ sẽ được hiện thực hóa thông qua những đổi chác mang màu sắc chính trị, trong bối cảnh Nga đang bị bao vây tứ phía và nền kinh tế đang suy sụp.
|
Lệnh cấm vận của Mỹ và EU có thể gây ra những hậu qủa lớn hơn người ta tưởng (Ảnh minh họa)
|
Để hiểu được điều này, chúng ta lần ngược lại những toan tính của Trung Quốc trong quan hệ với Ukraine và những dự án nước này đã bắt tay với chính quyền dưới thời của ông Yanukovych.
Trung Quốc âm mưu bành trướng thế lực thông qua Crimea
Trước khi chính quyền của ông Viktor Yanukovych sụp đổ, Trung Quốc và chính quyền Ukraine đã bắt tay thực hiện hàng loạt kế hoạch phát triển kinh tế ở bán đảo Crimea. Theo các chuyên gia, việc Nga sáp nhập Crimea đã phá vỡ kế hoạch đầy tham vọng tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc tới các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Trong năm 2013, mối quan hệ thương mại song phương giữa Ukraine và Trung Quốc đạt mức 10 tỷ USD và nước này trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Ukraine, chỉ chịu đứng sau Nga. Bắc Kinh cũng đã cam kết cung cấp khoản vay 10 tỷ USD cho Kiev phát triển kinh tế.
Tháng 9-2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố dự án “Khu vực kinh tế con đường tơ lụa” trong buổi nói chuyện tại ĐH Nazarbayev, Astana (thủ đô Kazakhstan) và sau đó là cuộc họp của các nước trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Bishkek.
Với sự có mặt của ông Putin, ông Tập Cận Bình đã trình bày dự án của Trung Quốc về hành lang giao thông mới nhằm giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc tới châu Âu, đi qua Trung Á và các nước Liên Xô cũ - bao gồm cả Ukraine, nhưng lại không có sự tham gia của Nga.
Tiếp theo, ngày 3-12-2013, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã bay tới Bắc Kinh theo lời mời của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm 4 ngày. Ông Yanukovych đã tham dự diễn đàn doanh nghiệp Ukraine - Trung Quốc cũng như đưa ra tuyên bố Ukraine đã sẵn sàng hỗ trợ dự án “Khu vực kinh tế con đường tơ lụa”.
Nhằm đối phó với các căng thẳng gia tăng tại Ukraine, ông Yanukovych cũng yêu cầu khoản vay khẩn cấp 12 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình không hứa hẹn gì về khoản vay kể trên và đề nghị 2 nước "dần dần thúc đẩy quan hệ đối tác dự án lớn" và Trung Quốc "sẵn sàng thảo luận hợp tác" với Ukraine về “Khu vực kinh tế con đường tơ lụa”.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 5-12-2013
|
Báo chí Nga theo dõi rất sát những bước đi này của Ukraine và Trung Quốc và cho biết, hai nước đã có kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm tập trung vào Crimea. Trung Quốc cũng thảo luận với ông Yanukovych trong việc thuê 600 dặm vuông ở Crimea để trồng 8 triệu tấn lúa mỳ và ngô xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh, ông Yanukovych đã có buổi gặp gỡ tỷ phú Hồng Kông - Trung Quốc là ông Wang Jing. Đây là một doanh nhân đầy bí ẩn với những cáo buộc được sự chống lưng của Bắc Kinh để bành trướng thế lực thông qua những dự án kinh tế “khủng” ở khắp nơi trên thế giới.
Sau đó, tỷ phú này đã công bố dự định đầu tư 10 tỷ USD vào Crimea bằng bản kế hoạch 2 giai đoạn. Khi đó, ông Oleksiy Maziuk - Giám đốc của Kievgidroinvest cho biết, cảng mới ở Crimea sẽ đem về ít nhất 1,5 tỷ USD thu nhập mỗi năm cho Ukraine.
Trong giai đoạn 1, tỷ phú này sẽ liên doanh 3 tỷ USD trong giai đoạn đầu với Kievgidroinvest nhằm xây dựng cảng thương mại nước sâu gần Saki ở Crimea, cải tạo Sevastopol và xây dựng một khu công nghiệp.
Giai đoạn thứ 2 của liên doanh này sẽ được đầu tư 7 tỷ USD để xây dựng nhà máy lọc dầu, nhà máy hóa lỏng khí đốt tự nhiên, sân bay và nhà máy đóng tàu.
Cảng nước sâu không phải là dự án hàng hải duy nhất của Trung Quốc ở Crimea. Bắc Kinh cũng lên kế hoạch xây dựng hàng loạt kho chứa hàng để trữ ít nhất 20 triệu tấn hàng hóa dọc bờ Biển Đen. Trong kế hoạch của Trung Quốc cũng có việc tái xây dựng và phát triển cảng cá Sevastopol cũng như thành lập một cảng mới cho khu công nghệ cao.
|
Trung Quốc dự định đầu tư rất lớn vào cảng Sevastopol (Ảnh minh họa)
|
Tỷ phú Wang Jing cho biết, việc xây dựng ở Crimea sẽ được bắt đầu vào cuối năm 2015 với thời gian triển khai không quá 2 năm và cảng sẽ bắt đầu có lợi nhuận vào năm thứ 6, sau khi tất cả các gian đoạn của dự án được thực hiện đầy đủ.
Tuy nhiên, cuộc chính biến trên quảng trường Độc Lập ở Kiev, chính quyền của ông Yanukovych bị lật đổ thay bằng một chính phủ tạm quyền thân phương Tây đã làm gián đoạn những toan tính của Trung Quốc. Washington và Brussels chắc chắn sẽ không cho phép Kiev để Bắc Kinh tiếp tục những dự án này.
Nếu Crimea không trở về Nga, có thể chắc chắn rằng những kế hoạch của Trung Quốc ở đây sẽ đổ vỡ hoàn toàn. Nhưng “vận may” của Bắc Kinh đã đến khi Moscow sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ, để nhận về những cú đòn bao vây cấm vận kinh tế khốc liệt của phương Tây và phải bắt tay với Trung Quốc.
Nga sẽ đẩy mạnh các dự án kinh tế với Trung Quốc
Sau khi Nga sáp nhập Crimea, Trung Quốc buộc phải phải chấp nhận sự thực là các thỏa thuận của mình trên bán đảo này giờ sẽ nằm trong quyền điều khiển của Nga và Bắc Kinh có những bước đi khôn ngoan nhằm lấy lòng Moscow nhằm tiếp tục thúc đẩy các dự án đã định.
Về phần Nga, nước này cũng xác định là sẽ tiếp tục thay thế Ukraine trong những dự án đã định với Trung Quốc nhưng trong khuôn khổ các vấn đề cho phép bởi Crimea hiện có tầm quan trọng rất lớn trong chiến lược đối phó với Mỹ và NATO của Moscow.
Sau các buổi hội đàm với phía Trung Quốc, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich cho biết Moscow đã đồng ý với Bắc Kinh về việc sẽ xem xét tiếp tục cấp phép cho các dự án của Trung Quốc tại Crimea. Kế hoạch này vẫn được triển khai nhưng sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Nga với một số thay đổi đáng kể so với kế hoạch ban đầu.
|
Trung Quốc đề nghị đầu tư xây đường hầm dưới đáy biển qua eo biển Kerch
|
Sau đó, đại sứ Nga ở EU Vladimir Chizhov thông tin thêm rằng, Nga sẽ hợp tác với Trung Quốc để xây dựng cảng nước sâu ở Crimea như một phần trong kế hoạch “Khu vực kinh tế con đường tơ lụa”. Những kế hoạch còn lại của tỷ phú Wang như thuê đất nông nghiệp và việc Trung Quốc muốn mua thêm thủy phi cơ ở Crimea cũng tiếp tục được bàn bạc.
Sau khi 2 nước ký kết thêm hợp đồng xuất khẩu khí đốt trị giá tới 400 tỷ USD, Trung Quốc đã đề xuất Crimea kết nghĩa với đảo Hải Nam và đưa ra kế hoạch xây dựng một đường hầm ngầm dưới biển xuyên qua eo biển Kerch, nối Nga với Crimea, thay cho cây cầu Nga dự định bắc qua eo biển này.
Đường hầm này sẽ gồm hai tuyến đường sắt và sáu làn đường cao tốc. Đề xuất này đến từ một công ty xây dựng của chính phủ Trung Quốc, đơn vị đã hoàn thành đường hầm ngầm dài khoảng 3 km ở Macau. Nếu xây dựng, đường hầm này sẽ có chiều dài khoảng 4 km băng qua eo biển Kerch.
Hiện vẫn chưa biết dự toán kinh phí cụ thể của dự án này là bao nhiêu, tuy nhiên, các chuyên gia xây dựng thuộc Tập đoàn xây dựng cầu đường quốc doanh Avtodor của Nga từng tính toán, kinh phí để xây dựng một cây cầu bắc qua eo biển Kerch đã ngốn tới khoảng 283 tỉ rúp, tương đương 8 tỉ USD.
Phía Trung Quốc đã cực kỳ ưu ái cho Nga khi các ngân hàng nước này sẽ cung cấp các nguồn tài chính cho dự án, vì vậy Nga không phải đầu tư bất cứ gì vào lúc này. Crimea sẽ hoàn lại số tiền này cho ngân hàng Trung Quốc theo một lịch trình nhất định.
Đối với Trung Quốc, Bắc Kinh đã được lợi rất nhiều khi vừa có cơ hội đầu tư làm ăn lớn trong bối cảnh đang thừa tiền, đồng thời lại có thể trói buộc lợi ích của mình với Nga, phục vụ cho cơn khát năng lượng và hợp tác quốc phòng, đồng thời thuận lợi mượn đường của Nga và đồng minh Kazakhstan, Belarus để bành trướng thế lực sang châu Âu.
|
Nga và Trung Quốc có thể bắt tay nhau trong hàng loạt dự án phát triển Crimea, đào kênh Nicaragua, xây tuyến đường sắt “Con đường tơ lụa Á-Âu”
|
Việc Trung Quốc đồng loạt triển khai 5 tuyến đường sắt, bao gồm tuyến YixinOu (Nghĩa Ô - Madrid/Tây ban Nha), tuyến YuxinOu (Trùng Khánh - Duisburg/Đức), tuyến HanxinOu (Vũ Hán - Meilink Pal Dube/Cộng hòa Czech), tuyến RongOu (Thành Đô - Lodz/Ba Lan) và tuyến ZhengxinOu (Trịnh Châu - Hamburg/Đức) là lời khẳng định dự đoán này.
5 tuyến đường sắt của Trung Quốc đều bắt đầu từ các trọng tâm kinh tế lớn của họ, xuyên qua Kazakhstan, Nga, Belarus (3 nước trong Liên minh hải quan do Nga đứng đầu) để tỏa ra khắp các trọng điểm kinh tế của châu Âu như Ba Lan, Đức, Czech, Tây Ban Nha… đã chứng minh cho tham vọng của Trung Quốc.
Trước đây, khi tình hình kinh tế còn ổn định, các dự án này sẽ khiến Nga phải cân nhắc trước ảnh hưởng thế lực của Trung Quốc ở bán đảo này cũng như dọc “Con đường tơ lụa” nhưng trong bối cảnh kinh tế đang khủng hoảng, Crimea bị cấm giao thương với toàn bộ châu Âu và Mỹ nên không còn nhiều lựa chọn giành cho Nga.
Về phía Moscow, bị bao vây cô lập về chính trị và kinh tế đã khiến nền kinh tế Nga lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Để phá vỡ vòng vây của phương Tây, tìm kiếm đối tác hợp tác phát triển kinh tế, Nga buộc phải thực hiện chính sách “cào bằng quan hệ”, chọn bạn vì lợi ích kinh tế trước mắt.
Vì vậy, việc mượn vốn Bắc Kinh để xây dựng và thúc đẩy kinh tế ở Crimea cũng là một phương án không tồi đối với Moscow, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách bị hao hụt trầm trọng do giá dầu giảm và sự mất giá của đồng Rúp. Điều này ta cũng có thể thấy rõ qua chiến lược mượn vốn Trung Quốc để phát triển Viễn Đông.
Đặc biệt là trong bối cảnh Moscow đang đàm phán với Bắc Kinh để các công ty nước này tham gia dự án xây dựng kênh đào Nicaragua - vừa được khởi công ngày 22-12 vừa qua - nhằm cạnh canh lợi ích kinh tế và phạm vi ảnh hưởng của Washington ở châu Mỹ Latin, rất có thể ông Putin và ông Tập sẽ có màn trao đổi lợi ích thiết thực.
Hơn nữa, ngoài lợi ích kinh tế, việc lợi dụng Trung Quốc để hiện diện quân sự ở Nicaragua nhằm làm Mỹ bất ổn là điều Nga luôn mong muốn. Lợi ích địa-chính trị và lợi ích kinh tế cùng với tác động ngoại lực là lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến Moscow và Bắc Kinh càng xích lại gần nhau hơn nữa.