(TNO) Đã có nhiều quảng cáo rao bán phụ nữ Việt Nam như một món hàng ngay trên trang mua bán nổi tiếng Taobao của Trung Quốc trong thời gian diễn ra một sự kiện mua sắm trực tuyến lớn ở nước này.
Đoạn quảng cáo rao bán cô dâu Việt Nam giá 9.998 nhân dân tệ trong Ngày Độc Thân 11.11 trên trang Taobao (Trung Quốc) - Ảnh: South China Morning Post
Tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 12.11 đưa tin cô dâu Việt Nam bị rao bán với giá 9.998 nhân dân tệ, tương đương 1.500 USD/người trên Taobao nhân sự kiện Ngày Độc Thân ở Trung Quốc hôm 11.11.
Người Trung Quốc gọi ngày 11.11 là Ngày Độc Thân (Song thập nhất) do toàn chữ số 1. Trong ngày này, các công ty bán hàng tổ chức hạ giá và 'Song thậ̣p nhất' trở thành ngày hội mua sắm lớn nhất trong năm.
Alibaba, tập đoàn mua sắm trực tuyến hàng đầu Trung Quốc và là hãng quản lý trang Taobao, cho biết người tiêu dùng đã chi 1 tỉ USD mua sắm ngay trong tám phút đầu tiên. Và có hơn 130 triệu người đã truy cập ứng dụng mua bán Taobao.
“Cơn sốt mua sắm vợ Việt Nam nhân ngày Song thập nhất đây, Chỉ với 9.998 tệ, rinh ngay một cô vợ xinh đẹp về nhà”, theo nội dung một đoạn quảng cáo đăng tải lúc 16 giờ ngày 11.11 (giờ Trung Quốc) trên Taobao.
Mẫu quảng cáo mang tính sỉ nhục phụ nữ kể trên còn trưng ảnh Chương Tử Di, nữ diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc, kèm nội dung khẳng định 98 “món hàng” mà phía đăng quảng cáo đang sở hữu sẽ được chở từ tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc, đến tận nơi cho khách đặt mua ở bất kỳ đâu trên cả nước này.
Theo thông tin đăng tải trên Taobao, cửa hàng đồ lưu niệm Vương Tiểu Tây - nơi đã phát đoạn quảng cáo trên, đã bán được 2.568 mặt hàng trong 30 ngày qua, trong đó phổ biến nhất là các đôi tất chỉ với giá 1,6 tệ/đôi (5.600 đồng/đôi). South China Morning Post cho biết đoạn quảng cáo này hiện đã không còn trên Taobao kể từ chiều 11.11.
Đây không phải là lần đầu tiên phụ nữ Việt Nam bị rao bán như hàng hóa trong Ngày Độc Thân ở Trung Quốc. Cứ đến trước và sau sự kiện này, báo chí Trung Quốc lại đua nhau viết về phong trào lấy cô dâu Việt Nam.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng việc các cô dâu Việt chịu lấy chồng đại lục chủ yếu do muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó, hi vọng thông qua hôn nhân để thay đổi cuộc đời.
(GDVN) - Nền giáo dục của ta đi ngược so với thế giới vì hiện Bộ GD&ĐT kiểm soát đầu vào rất chặt chẽ nhưng đầu ra lại không kiểm soát, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết.
Càng học càng thất nghiệp
Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý II năm 2015 do Viện Khoa học Lao động Xã hội vừa công bố, tỷ lệ thất nghiệp chung đã giảm, tuy nhiên số lượng người có trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng cao với hơn 199.400 người , chiếm 17,4% số người thất nghiệp (tăng 22.000 người so với quý I).
Theo số liệu thống kê lao động đã qua đào tạo cho thấy ngoại trừ nhóm trình độ cao đẳng có tỷ lệ thất nghiệp giảm so với quý 1/2015 (từ 7,13% xuống còn 6,56%), thì tỷ lệ thất nghiệp của các nhóm trình độ chuyên môn kỹ thuật khác đều tăng.
Cụ thể: Nhóm có trình độ đại học trở lên tăng từ 3,92% lên 4,6%; trình độ trung cấp tăng từ 3,66% lên 4,49% và trình độ sơ cấp tăng từ 2,05% lên 2,71%.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, tỷ lệ lao động trình độ đại học thất nghiệp tăng là do quy mô tuyển sinh đại học quá cao so với nhu cầu lao động.
Cử nhân thất nghiệp “đông như quân Nguyên” (Ảnh: dantri.com.vn)
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến số lao động có chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là trình độ đại học gia tăng.
Phân tích cụ thể hơn về con số cử nhân thất nghiệp của quý II năm 2015, bà Hương cho biết: Số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật (chứng chỉ sơ cấp trở lên) có 10,7 triệu người, chiếm hơn 20% lực lượng lao động.
Trong đó, riêng trình độ đại học trở lên có 4,47 triệu người. Điều này cho thấy, nước ta đang mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo nghề và giáo dục đại học, người có bằng đại học dư thừa, nhưng lao động tay nghề lại thiếu.
Thất nghiệp! Lỗi tại ai?
Trao đổi với báo điện tử Giáo dục Việt Nam về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều, TS. Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng lỗi chủ yếu nằm ở 4 đối tượng sau:
Thứ nhất, người lao động (cử nhân ra trường) không căn cứ vào năng lực để chọn học ngành phù hợp. Hoặc trong quá trình học tập thì không chuyên tâm, chuyên sâu để khi ra trường có đủ năng lực, phẩm chất.
TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, trong thời buổi cạnh tranh muốn có việc làm thì bắt buộc phải có năng lực chỉ có như vậy nhà tuyển dụng họ mới lựa chọn. Còn nếu cứ học theo kiểu phổ thông, học chỉ để lấy bằng thì thất nghiệp là điều dễ hiểu.
Cùng quan điểm với TS. Nguyễn Tùng Lâm, TS. Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Tài chính, Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh từng chia sẻ trong buổi hội thảo cùng các bạn sinh viên rằng:
“Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất nghiệp là thuộc về mỗi cử nhân, thạc sĩ không chịu tự thân vận động, trau dồi đầy đủ năng lực bao gồm: kiến thức, kỹ năng, thái độ để phục vụ công việc sau khi ra trường.
Nhiều sinh viên mới ra trường nhưng có quan niệm làm quan chứ không chịu làm lính, không bắt đầu với những công việc nhỏ nhất rồi phát triển từ từ. Ngược lại, họ đòi hỏi phải có công việc tốt, lương cao nhưng tất cả không biết mình đang ở đâu, đứng vị trí nào trong xã hội”
Chính vì vậy, ngay lúc này, người lao động cần phải rút kinh nghiệm, cần phải chấn chỉnh rằng học cho bản thân chứ không phải cho bố cho mẹ hay học theo phong trào.
Thứ hai, các cơ sở đào tạo không đến nơi đến chốn dẫn đến sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu của thị trường như không có năng lực, phẩm chất hay tay nghề nhất định khiến nhiều doanh nghiệp cần tuyển người nhưng không tuyển được.
Cần phải điều chỉnh để nâng cao chất lượng đào tạo của các trường, ở các ngành nghề.
Thứ ba, do nền giáo dục của ta đi ngược so với thế giới vì hiện Bộ GD&ĐT kiểm soát đầu vào rất chặt chẽ nhưng đầu ra lại không kiểm soát thể hiện qua con số 100% đầu vào, qua 4 năm 100% sẽ ra. Vậy thì làm sao mà đảm bảo chất lượng.
Trong khi các nước trên thế giới họ không quan tâm việc học thế nào để vào trường nhưng khi muốn ra thì bắt buộc phải đảm bảo chất lượng thì mới cho ra.
Thứ tư, Nhà nước mới chỉ kiểm soát cơ sở giáo dục trên giấy tờ còn cụ thể làm thế nào, có người dạy được hay không thì chưa thực hiện được.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, vai trò quan trọng nhất của Nhà nước là định hướng phát triển giáo dục nói chung, các trường đại học, cao đẳng nói riêng là quy hoạch nguồn nhân lực cho đúng, quản lý các trường thực hiện đúng theo quy hoạch.
Trong đó, Nhà nước phải quy hoạch nguồn nhân lực dựa trên cơ sở dự báo đúng thị trường lao động.
Cần phải dự báo được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để đào tạo theo nhu cầu xã hội chứ sắp hội nhập mà vẫn giữ tâm thế của thời bao cấp, cái gì cũng phân phối thì còn chết.
Nhìn nhận xu thế hội nhập, trả lời trên báo điện tử Công an nhân dân, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: “Dường như, mục đích của giáo dục hiện nay chủ yếu là học sinh học xong tiểu học, lên trung học cơ sở, tiếp theo là trung học phổ thông và cuối cùng là vào đại học.
Đây là nền giáo dục ứng thí, phục vụ toàn dân lên lớp, toàn dân học đại học mà không đảm bảo điều kiện cải thiện chất lượng cuộc sống.
Điều này sẽ gây ra những hậu quả về nguồn lực lao động khi chúng ta hội nhập ASEAN và TPP. Khi đó, chúng ta có thể thất bại vì phải nhập thợ chất lượng cao của nước ngoài, còn thợ của Việt Nam chỉ có thể làm thuê ở những ngành nghề đơn giản”.
'Chắc chắn' là Việt Nam nên học hỏi, tham khảo bài học kinh nghiệm 'dân chủ' từ Myanmar qua cuộc bầu cử tự do 2015 vừa diễn ra, cũng như qua quá trình cải tổ chính trị, thể chế và xã hội của quốc gia này, theo ý kiến khách mời của Bàn tròn Thứ Năm của BBC.
Trao đổi tại cuộc Tọa đàm của BBC Việt ngữ hôm 12/11/2015, nhân sự kiện Myanmar vừa tiến hành xong cuộc bầu cử dân chủ, tự do với thắng lợi được cho là ‘áp đảo’ thuộc về Đảng NLD – Liên minh Quốc gia vì Dân chủ do bà Aung Sang Suu Kyu lãnh đạo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triểnHoàng Ngọc Giao, nói:
"Chắc chắn là chúng ta nên học hỏi bài học về dân chủ ở Myanmar," ông PGS. TS Giao nêu quan điểm.
"Tôi cũng chia sẻ ý kiến của Giáo sư Ngô Vĩnh Long rằng là... trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, sự thay đổi của Việt Nam không nhất thiết là phải chờ đợi đến suy sụp về kinh tế thì mới có chuyện thay đổi.
"Mà theo tôi cái đó có thể là một điểm nó tiềm ẩn một nguy hiểm ở chỗ là gì? Phương Bắc, Trung Quốc, trong bối cảnh cần cứu vãn thể chế chính trị này, với một tiềm lực kinh tế như vậy, họ có thể bỏ tiền ra mua chuộc, cũng như chống đỡ cho chế độ này.
"Cũng như thực hiện những mưu đồ về chủ quyền biên giới hải đảo của chúng ta, cho nên vấn đề đó chúng ta phải thận trọng," nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nói.
Sẵn sàng đổi mới?
Trước câu hỏi liệu Việt Nam, kể cả chính quyền, người dân và xã hội, cộng đồng, đã sẵn sàng cho đổi mới, cải tổ đất nước hay chưa, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao nói:
"Còn nói tới tình trạng hiện nay là đất nước ta (Việt Nam) đã sẵn sàng cho một sự thay đổi hay chưa, thì tôi nghĩ rằng đất nước ta, ở thời điểm này, đã sẵn sàng cho việc đó.
"Chúng ta thấy những người công nhân đang bị đối xử tệ và đời sống rất khó khăn, những người nông dân đang bị mất đất, công lý của chúng ta về tư pháp cũng đang bị xâm hại vô cùng.
"Và như vậy, lòng dân rất là không yên và nhân dân thực sự muốn thay đổi. Còn về phía nhà nước thì sao? Về phía nhà nước, theo tôi, nếu nhà nước mà lựa chọn một cái gọi là 'thông thái' đấy, thì phải nhìn thấy sự chuyển đổi nhẹ nhàng, êm ái ở Đông Âu, được gọi là Cách mạng Nhung.
"Phải nhìn thấy cái bước đi từ chế độ quân phiệt ở Myanmar trong 5 năm vừa qua đã cải cách dần dần và đến bây giờ đã trao quyền bầu cử tự do cho... (Myanmar), và trong buối cảnh như vậy, tôi nghĩ rằng Việt Nam cần phải có bước đi ngay theo hướng dân chủ.
"Thứ nhất là thực sự xây dựng luật biểu tình cho tốt, trao quyền biểu tình và phát biểu chính kiến của người dân; thực sự trao cho báo chí của chúng ta (Việt Nam) có quyền tự do ngôn luận; và cũng như thực sự trao cho người dân quyền bầu cử tự do theo hướng là gì?
"Nếu như không được, thì ít nhất cũng phải để cho 30% ứng cử viên tự do là những người ngoài đảng và để cho họ đi họ có thể có cơ hội tiếp cận với cử tri, chứ không phải như cách bầu hiện nay là 'đảng cử, dân bầu'.
Nếu không cải tổ?
Và nhà nghiên cứu chính sách, pháp luật từ Hà Nội giải thích thêm:
"Có nghĩa là gì? Kể cả một ứng viên, nếu đứng ngoài đảng, thì khi đi vận động sẽ không có cơ hội vận động ở tổ dân phố mà ở nơi đó những người dự là những người đã được chỉ đạo là 'nên ủng hộ' hay 'không ủng hộ'
"Và vì thế cho nên hệ thống bầu cử của chúng ta có thể nói là hoàn toàn không có tự do chút nào...
"Và nếu muốn chuyển tiếp mà vẫn lo sợ về cái chuyện..., mà vẫn mong muốn giữ quyền lãnh đạo của Đảng, thì n
ên chăng đặt ra một tiêu chí là 70% là đảng viên và 30% là những người ngoài đảng nhưng được công khai các kế hoạch vận động bầu cử của mình.
"Theo tôi, ngay những năm tới, ngay lập tức phải tiến hành những biện pháp như vậy, thì có thể mới chuyển tiếp một cách hòa bình.
"Còn không, tôi cũng đồng ý với một ý kiến là nếu không, thì cùng với thời gian, cách mạng sẽ là từ bên dưới đi lên, và lúc đó sẽ có bạo loạn, không ai mong muốn cả," PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao nêu quan điểm.
'Cách mạng từ dưới'
Chia sẻ với Tọa đàm từ Đại học Maine Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia và nhà phân tích bang giao quốc tế, nói:
"Trước hết, tôi xin chúc mừng nhân dân Myanmar, họ đã làm được một việc rất tốt, việc này không phải chỉ là nhân dân Myanmar, mà kể cả giới quân phiệt ở Myanmar hiểu rằng là phải có dân chủ và họ bắt đầu dân chủ hóa từ từ.
"Tôi cũng xin nói rằng chế độ quân phiệt nó có thể thay đổi nhanh hơn một chế độ quan liêu, rất là nặng nề, như là Trung Quốc, hay như là Việt Nam.
"Việt Nam đã có một chế độ quan liêu mấy nghìn năm, rồi lại thêm vào đó có chế độ quan liêu của Pháp, rồi chế độ quan liêu của Liên Xô, rồi bây giờ lại vì có nhiều quyền sau chiến thắng, lại càng quan liêu hơn nữa.
"Và ngoài chuyện quan liêu, nó lại quân phiệt hóa và công an hóa. Cho nên vấn đề ở Việt Nam là giai cấp lãnh đạo phải hiểu rằng dùng sức mạnh sẽ tan rã...
"Cho nên họ phải làm sao mà họ kết nối với dân chúng và có một sự dân chủ hóa từ từ. Chứ nếu không thì sẽ có cuộc cách mạng từ dưới lên, chứ không phải từ trên xuống như Myanmar ngay bây giờ," Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói.
Về việc liệu Việt Nam đã sẵn sàng chưa và nếu có thì như thế nào cho 'cải tổ, đổi mới' chính trị, thể chế, nhà phân tích từ Hoa Kỳ nêu quan điểm:
"Tất cả bao giờ cũng có cần có sự dân chủ hóa, nhưng vấn đề là phải có liên kết giữa các tầng lớp. Thì tôi nghĩ tầng lớp lãnh đạo Việt Nam, nếu mà học được bài học gì từ Myanmar là bây giờ chúng ta có rất nhiều quyền.
"Nhưng mà quyền đó có thể mất đi lúc nào không biết, tức nước thì vỡ bờ, cho nên phải từ từ chọn lựa để có thể nâng cao dân trí và có thể đưa đất nước đến một sự dân chủ hóa," Giáo sư Long nói với bàn tròn của BBC.
Khách mời
Bàn tròn Thứ Năm tuần này trao đổi về sự kiện lịch sử này cũng như về bài học khả dĩ nào mà Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi từ cuộc bầu cử nói riêng và quá trình dân chủ hóa, cải tổ thể chế, chính trị tại Myanmar nói chung.
Xin mời các quý vị theo dõi cuộc tọa đàm với các vị khách mời như sau.
1) Bà Tin Htar Swe, Trưởng Ban Myanmar, Thế giới vụ đài BBC.
2) GS. Ngô Vĩnh Long, nhà nghiên cứu lịch sử và bang giao quốc tế, Đại học Maine, Hoa Kỳ.
3) PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển.
4) TS. Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore.
5) Nhà báo tự do Trần Tiến Đức, nhà quan sát, nguyên Vụ Trưởng Ủy ban Dân số Việt Nam (NCPFP); và
6) TS. Phạm Chí Dũng, nhà quan sát, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
"Ông ta đã đối xử với các luật sư như chó, như mèo, như lợn, như súc vật".
"Ông ta [cho người] đẩy tôi lên [xe đưa đi] trước mặt con trai tôi, trước mặt vợ tôi, trước mặt lái xe của tôi, trước mặt nhiều cư dân, có nhiều người là người nước ngoài.
"Ông đã xúc phạm đến nhân phẩm của tôi, xúc phạm đến tôi, tôi không chấp nhận điều này. Các luật sư chúng tôi đề nghị không chấp nhận điều này. Chúng ta mà chấp nhận điều này tạo tiền lệ và chúng phải giải tán nghề luật sư của chúng ta."
Không rời nơi giam giữ
Cập nhật của luật sư Trần Đức Hoàng lúc chiều tối ngày 12/11, con trai luật sư Hải, trên Facebook của cha ông viết:
"[Luật s] Trần Vũ Hải yêu cầu Công an [phường] Xuân La và Công an [thành phố] Hà Nội lập biên bản về việc bắt giữ người trái pháp luật tại Ciputra vào hồi 8h sáng ngày 12 tháng 11/2015.
"Nội dung biên bản phải ghi nhận về lý do bắt người, những người tham gia bắt là ai và công bố các giấy tờ liên quan đến việc bắt người (tôi, con trai [luật sư] Trần Vũ Hải đã yêu cầu những người không mặc đồng phục nhưng tham gia bắt bố tôi phải đưa cho tôi xem và chụp ảnh các giấy tờ này, nhưng đã bị từ chối.
"Không có biên bản này, theo quy định, [luật sư] Hải sẽ không rời khỏi nơi đang giữ mình - trụ sở Công an [Phường] Xuân La.
"Bố tôi rất cám ơn những thân chủ, người dân và đồng nghiệp đã ủng hộ bố tôi."
Kêu gọi tuần hành
Trong khi đó báo nhà nước Petrotimes đăng bài cáo buộc ông Hải "vi phạm pháp luật" và viết:
"Luật sư Trần Vũ Hải là người hiểu biết pháp luật, nhưng lại có cách hành xử vi phạm pháp luật khi kêu gọi một cuộc tuần hành ở Trung tâm thành phố Hà Nội đến Bộ Tư pháp , Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Công an Hà Nội liên quan đến hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân bị hành hung.
"Sáng 12/11, Công an Hà Nội đã mời Luật sư Trần Vũ Hải lên trụ sở Công an phường Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) làm việc, vì người này đã đứng ra kêu gọi một cuộc tuần hành nói trên.
"Hành động của Luật sư Trần Vũ Hải khiến cơ quan chức năng và người dân bất bình."
Petrotimes nói liên quan tới vụ hai luật sư bị hành hung, công an Hà nội đã "khẩn trương vào cuộc và có kết luận ban đầu. Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ."
"Thế nhưng, ngay khi Công an Hà Nội thông báo kết luận ban đầu, Luật sư Trần Vũ Hải đã dùng mạng xã hội gào thét "thế này - thế kia," Petrotimes viết.
Trên mạng xuất hiện lá thư được cho là của một giáo sư ở Hà Nội với mục đích chất vấn các đại biểu Quốc hội Việt Nam về việc đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hôm 10/11, website Xuân Diệp Hán Nôm và một số diễn đàn khác đăng tải lá thư của giáo sư Chu Hảo đề gửi đích danh các đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Lê Như Tiến, Dương Trung Quốc, Trần Du Lịch, Lê Nam…
Trong thư, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường viết: “Vì sao quý vị không có bất kỳ hành động công khai nào phản đối, ngăn chặn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đăng đàn phát biểu tại Quốc hội nước ta, thực chất là với tư cách kẻ xâm lược, đại diện cho bè lũ bá quyền Đại Hán chưa khi nào rời bỏ âm mưu thôn tính Đất nước ta và nô dịch Dân tộc ta?
"Nếu không ngăn chặn được như đã thấy thì vì sao quý vị không thể bày tỏ thái độ cần có của một đại biểu của nhân dân, tối thiểu bằng cách bỏ ra ngoài không tham dự, hoặc tham dự và chất vấn trực tiếp dù chủ tịch đoàn phiên họp cho phép hay không?”.
Tiếp đó, giáo sư đặt câu hỏi: “Quý vị có thấy hổ thẹn với tiền nhân khi cam chịu tham gia đón tiếp long trọng đại diện cho bè lũ xâm lược tại phòng họp mang tên Diên Hồng-biểu tượng thiêng liêng cho tinh thần toàn dân đoàn kết chống ngoại xâm?”.
Hôm 12/11, trao đổi với BBC, tiến sỹ Nguyễn Quang A cho biết ông tán thành những điều giáo sư Chu Hảo viết trong thư, dù rằng những người được đề nhận có phản hồi hay không.
“Dù lá thư này không đem lại hiệu ứng nào thì giới trí thức vẫn phải lên tiếng. Với lá thư này, giáo sư Chu Hảo đã nói lên tiếng nói của mình và nói thay cho nhiều người dân, còn việc các đại biểu Quốc hội có nghe hay không, họ có thấm hay không là điều không quan trọng”, ông A nói.
Nhà hoạt động nói thêm rằng “nếu các đại biểu không nghe, không phản ứng thì chứng tỏ họ là người không chính đáng”.
Ông cũng dự báo rằng chính quyền sẽ không có phản hồi gì về việc đón ông Tập.
Cùng thời điểm xuất hiện lá thư được cho là của giáo sư Chu Hảo, trên Facebook và YouTube hiện đang lan truyền một clip ghi nhận lời nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về‘tình hữu nghị viễn vông’ và kèm theo hình ảnh ông ôm hôn ông Tập ba lần trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc vừa qua.
Trước đây, giáo sư Chu Hảo từng nhiều lần lên tiếng phê phán cách thức của chính quyền và đặc biệt là chính phủ đã ứng xử với các tiếng nói phản biện của trí thức, nhân sỹ trong nước.
Sau khi ông Tập phát biểu, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói với báo giới rằng Quốc hội sẽ cho đăng toàn bộ bài diễn văn của ông Tập.
Tuy nhiên đã một tuần trôi qua chưa thấy Quốc hội hay Chính phủ Việt Nam đăng toàn bộ nội dung bài phát biểu này.
Đài truyền hình Trung Quốc truyền trực tiếp bài phát biểu này và dịch ra tiếng Anh trong khi Đài truyền hình Việt Nam đã quyết định không truyền trực tiếp sự kiện này.