Saturday, November 19, 2016

APEC : Trung Quốc « rình chờ » Mỹ thoái lui tại châu Á – Thái Bình Dương

Minh Anh 
Theo RFI-19-11-2016 
media
 Ảnh minh họa: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Mỹ Barack Obama tại thượng đỉnh G20 Hàng Châu, Trung Quốc, ngày 04/09/2016 AFP 
Đây là tựa bài nhận định trên Le Figaro số ra ngày 18/11/2016. Tại thượng đỉnh châu Á – Thái Bình Dương APEC đang diễn ra tại Lima, thủ đô Peru, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tận dụng cơ hội ông Trump bỏ rơi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP, vốn dĩ gạt Bắc Kinh ra khỏi cuộc chơi.
Cuối tuần này, Lima là nơi diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực mang tính biểu tượng, có tầm cỡ của thế kỷ XXI giữa đôi bờ Thái Bình Dương. Đương nhiên, tại thượng đỉnh APEC lần này (quy tụ 21 quốc gia thành viên, trong đó có Nga, Mỹ và Trung Quốc), chủ tịch Tập Cận Bình sẽ chào từ biệt lần cuối ông Barack Obama, sau thắng lợi bất ngờ của ông Donald Trump.
Nhật báo ví cuộc gặp này như một biểu tượng ngắn gọn cho mối tương quan lực lượng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đang tranh giành ưu thế tại châu Á – Thái Bình Dương. Kể từ khi ông Trump đắc cử, cán cân ưu thế nghiêng về phía đại cường Trung Quốc hồi sinh, nhắm vào thương mại để củng cố vai trò bá quyền khu vực.
Do đó, tại Peru, Tập Cận Bình có thể sẽ tận hưởng niềm vui chiến thắng đầu tiên. Tổng thống Obama sẽ phải thông báo chính thức với các thành viên APEC việc khai tử Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, nạn nhân đầu tiên dưới thời tổng thống Trump.
Việt Nam lẻ loi
Thỏa thuận thương mại này, được chính quyền theo đảng Dân Chủ thương lượng với 11 quốc gia trong khu vực – không có Trung Quốc – chính là vũ khí kinh tế trong chính sách « xoay trục » sang châu Á của ông Obama, với mục đích kềm chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực chiến lược này. Được đúc kết sau các cuộc đàm phán quyết liệt, nhất là với Nhật Bản, Việt Nam hay Singapore, hiệp ước này giờ trở thành « tờ giấy lộn », khi Quốc Hội Mỹ quyết định từ bỏ việc phê chuẩn, sau thắng lợi của ứng viên tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa.
Le Figaro trích phân tích của ông Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến Lược và Phát Triển Quốc Tế, một tổ chức tư vấn tại Hà Nội, Việt Nam, cho rằng : « TPP từng là vũ khí tốt nhất của Obama để tái cân bằng tương quan lực lượng tại châu Á. Đó từng là phao cứu hộ để đưa nền kinh tế Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc. Nhờ vào TPP, Việt Nam đã trở thành đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ ». Với Donald Trump, kể từ giờ, Hà Nội lại lần nữa trở nên lẻ loi trước gã hàng xóm khổng lồ, mà tầm ảnh hưởng thương mại và tài chính ngày càng lớn trông thấy ở Việt Nam.
Úc chuyển hướng
Nỗi khiếp hãi về sự trống vắng và sự co cụm của Hoa Kỳ tạo cho Bắc Kinh một cơ hội bằng vàng để dúi các quân cờ của mình. Tại Lima, chủ tịch Tập sẽ cố gắng thúc đẩy dự án của chính ông về khu vực tự do mậu dịch châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) bao gồm 21 thành viên của APEC, theo lời thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông (Li Baodong). Ngay cả các đồng minh trung thành của Hoa Kỳ như Úc đang xem xét lại kế hoạch của họ và hiện đang đặt cược vào việc xích lại gần với Trung Quốc.
Theo quan điểm của Canberra, thất bại của TPP cũng « có thể bù đắp » bằng RCEP (Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực), một dự án thỏa thuận về tự do mậu dịch giữa ASEAN, Úc hay với Trung Quốc, mà không có Hoa Kỳ. Giờ phải chờ xem liệu các thỏa thuận đó có đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp thuộc các nước phát triển hay không nhất là trên phương diện gỡ bỏ các rào cản đối với đầu tư trong ngành dịch vụ.
Bắc Kinh hiện vẫn tỏ ra dè chừng, lo ngại trước những lời đả kích mang tư tưởng bảo hộ của ông Trump, đe dọa áp thuế hải quan đến 45% lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ. Sau cuộc trao đổi điện đàm giữa Tập Cận Bình và chủ nhân tương lai của Nhà Trắng, báo chí chính thức tại Trung Quốc cho thấy tình hình có vẻ dịu xuống và bất ngờ đưa ra những lời ca tụng nhà tỷ phú New York.
Nhưng sự nghi kỵ vẫn tồn tại và các lãnh đạo Trung Quốc lưu ý tổng thống Mỹ tương lai không nên có ý định tiến hành một cuộc chiến thương mại, qua việc nhấn mạnh đến « sự lệ thuộc lẫn nhau » giữa các cường quốc.
Ông Thái Sùng Tín (Joe Tsai), phó chủ tịch tập đoàn Alibaba, chuyên buôn bán qua mạng cảnh báo : « Trung Quốc là một nguồn vốn và là một đầu ra quan trọng cho xuất khẩu Hoa Kỳ. Mỗi năm, Trung Quốc giúp cho thu nhập của Mỹ tăng 700 tỷ đô la. Nếu như ông là tổng thống, ông muốn tạo công ăn việc làm mà lại không hiểu điều đó, thì ông sẽ gặp nhiều vấn đề ».
Nếu như những cảnh báo này vẫn chưa đủ, thì Bắc Kinh còn sở hữu cả một kho « vũ khí trả đũa thương mại », sẵn sàng được sử dụng, Le Figaro kết luận.

Dân mua 800 con vịt chết, dàn đèn 24 tỷ tan hoang...

(BáoĐấtViệt) - Câu chuyện người dân ở Long An mua giúp 800 con vịt chết để giúp đỡ một người nuôi vịt bị lật xe tải khiến cư dân mạng cảm động.

Dan mua 800 con vit chet, dan den 24 ty tan hoang...
Người dân góp tiền mua vịt chết để giúp đỡ chiếc xe bị nạn. Ảnh: danviet
Vài tuần trước, câu chuyện một chiếc xe tải đi qua địa phận Bình Định bị cháy, người dân ra hôi của lấy đi hàng hóa trên xe khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, vừa mới hôm qua, 1 vụ tai nạn xe tải chở vịt ở Long An khiến 800 con vịt chết ngộp văng ra đường được người dân mua giúp đang khiến mạng xã hội cảm động.
Báo Dân Việt cho biết, khoảng 6 giờ 20 sáng 17/11, xe tải biển số 63C.023.59 chở gần 800 con vịt thịt nặng từ 2kg trở lên, xuất phát từ đồng ruộng khu vực Đan Mỹ thuộc địa bàn ấp Bình Đông, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An ra quốc lộ 1 thì gặp tai nạn. Xe bị lật nghiêng, vịt chết ngộp, chủ xe đứng khóc ròng vì số vịt trị giá cả trăm triệu đồng coi như mất trắng.
Chứng kiến cảnh tượng đó, người dân chẳng những không hôi vịt mà còn rủ nhau mua giúp chủ xe với giá 20.000 đồng/con vịt chết để giúp khắc phục bớt phần nào hậu quả. Có chị còn đứng ra thu tiền hộ rồi giao lại cho chủ xe, không quản quần áo lấm bùn, mùi vịt chết hôi hám.
Câu chuyện thật đẹp về tình người khiến mạng xã hội cảm động với hàng ngàn lượt chia sẻ. Chuyện người dân tự đứng ra giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn, sẻ chia những đồng bạc nghĩa tình để giúp 1 người không quen biết chẳng may gặp tai nạn đúng là một “chuyện hiếm” thời nay.
Một xã hội thiếu thốn và khao khát những câu chuyện đẹp, nên chỉ cần một hành động đẹp, một nghĩa cử, một lời nói tử tế cũng khiến chúng ta rưng rưng cảm động. Câu chuyện về việc người dân mua giúp 800 con vịt chết (mà chắc chắn là ăn không ngon, thậm chí có khi phải bỏ đi) cho thấy, trong xã hội, những người tốt quanh ta còn nhiều lắm.
Người Việt còn biết yêu thương đùm bọc nhau theo kiểu “lá rách ít đùm lá rách nhiều” thế này, là chúng ta còn có nhiều hy vọng ở tương lai. Bởi một khi để sự vô cảm lan tràn trong cộng đồng, khiến tình người nguội lạnh thì quả thực là một điều rất đáng lo ngại.
Dan mua 800 con vit chet, dan den 24 ty tan hoang...
Dàn đèn 24,5 tỷ giờ thành đống sắt vụn. Ảnh: vnexpress
Bên cạnh câu chuyện người dân ứng xử đẹp ở Long An, chúng ta vẫn có một câu chuyện buồn và rất đáng bức xúc ở Hải Phòng. Đó là sau hai năm hoạt động chập chờn, dự án đèn led nghệ thuật hàng chục tỷ đồng ở trung tâm thành phố Hải Phòng phải dỡ bỏ.
Dự án đèn led nghệ thuật trang trí trung tâm thành phố được UBND giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng làm chủ đầu tư với tổng giá trị gần 24,5 tỷ đồng, trong đó riêng phần trang trí đường Lê Hồng Phong chiếm 14,65 tỷ. Tuy nhiên đến nay, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, dàn đèn đã nhanh chóng xuống cấp, gây mất mỹ quan đô thị.
Báo Vnexpress dẫn lời ông Chánh văn phòng UBND thành phố Nguyễn Kim Pha cho biết, Ủy ban giao Sở Xây dựng tháo bỏ hệ thống đèn trang trí này, đồng thời Sở đang trình UBND thành phố thẩm định, phê duyệt đề án trang trí mới dịp Tết Nguyên đán 2017. 
Một dự án đèn trang trí đường phố trị giá 24,5 tỷ nhưng tuổi thọ quá ngắn, chỉ chưa đến 2 năm là dỡ bỏ, sau đó lại lập dự án trang trí mới cho tết 2017. Quá xót xa cho tiền ngân sách, tức là đóng góp từ tiền thuế của người dân.
Người dân thì vẫn có tấm lòng, vẫn có thể bỏ tiền ra để giúp người dưng trong cơn hoạn nạn. Thế nhưng những dự án “đốt tiền” kiểu như dàn đèn ở Hải Phòng hay những nhà máy ngàn tỷ đắp chiếu là những mất mát quá lớn mà họ không thể nào quyên góp để bù lại được.
  • Mi An

Kiểm tra gấp sập mố cầu nghi ít sắt thép

(BáoĐấtViệt) - Ông Bùi Thành Vinh – Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Nam cho biết ông cùng kỹ sư đang tiếp cận hiện trường để kiểm tra.
Vừa qua, trời mưa to làm cho cầu Sông Oa nối hai xã Trà Tân và Trà Sơn của huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam bị sập hết nửa mố cầu ngay đầu đường dẫn lên cầu rất nguy hiểm cho người dân đi qua lại. Theo ghi nhận, một khối bê tông của nửa mố cầu sập rơi xuống sông, nửa mố cầu còn lại thể hiện bên ngoài ít sắt thép.
Mố cầu này nằm ngay đường dẫn lên cầu bị sập hết một nửa có chiều cao khoảng 3m, bề rộng cũng khoảng 3m. Cây cầu này dài 20m.
Kiem tra gap sap mo cau nghi it sat thep
Mố cầu Sông Oa nối hai xã Trà Sơn và Trà Tân của huyện Bắc Trà My do Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư sập hết một nữa. Ảnh ĐT
Sáng ngày 19/11, trao đổi với phóng viên Báo Đất Việt về việc cầu Sông Oa bị sập một nửa mố cầu ngay đầu đường dẫn lên cầu thì ông Bùi Thành Vinh – Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Nam cho biết là đã nắm được thông tin qua báo chí.
 “Tôi đã nắm được thông tin cầu Sông Oa nối hai xã Trà Tân và Trà Sơn của huyện Bắc Trà My trên báo. Cầu này do Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh làm chủ đầu tư cách đây hơn 10 năm”, ông Vinh nói.
Kiem tra gap sap mo cau nghi it sat thep
Sau khi mố cầu Sông Oa bị sập hết một nữa thì lòi ra ít sắt thép. Ảnh ĐT
Theo ông Vinh, hiện ông và kỹ sư xây dựng của Tổng đội đang đi lên hiện trường để kiểm tra thực tế tìm nguyên nhân làm cho mố cầu bị sập một nửa. Trước mắt, Tổng đội sẽ phối hợp với hai xã Trà Tân và Trà Sơn để cắm biển hai bên đầu cầu cấm người dân qua lại để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân địa phương.
Kiem tra gap sap mo cau nghi it sat thep
Mưa lũ cũng cuốn trôi đoạn đường dẫn lên cầu Sông Oa. Ảnh ĐT
Đề cập đến chất lượng công trình, ông Vinh nói cầu Sông Oa được xây dựng cách đây hơn 10 năm nên phải kiểm tra kỹ lại hồ sơ thiết kế của công trình mới biết được đơn vị nào giám sát và đơn vị nào thi công và tổng vốn đầu tư là bao nhiêu. Vì ông chuyển về làm Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh được 2 năm nên chưa tiếp cận được hồ sơ của cầu Sông Oa.
Ông Vinh nói sau khi kiểm tra hiện trường xong và kiểm tra lại hồ sơ sẽ thông tin đầy đủ đến báo chí về cầu Sông Oa.
Hồng Sơn

Tàu TQ đâm tàu ngư dân Khánh Hòa: 40 phút sinh tử

(Báo Đất Việt) - “Anh em sợ quá chạy lên phía trước mặc áo phao, chuẩn bị tâm lý có thể gặp chuyện xấu. Tàu Trung Quốc vừa đâm vừa đuổi chúng tôi trong 40 phút”. 
Anh Tống Thành Tiến vẫn chưa hết hoảng hốt sau khi bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm va tại ngư trường Hoàng Sa. Ảnh: TPO
 

Đâm va trong 40 phút

Trưa 17/11, trao đổi với Đất Việt, anh Tống Thành Tiến (32 tuổi, tổ dân phố Thủy Đầm phường Ninh Thủy, TX Ninh Hòa, Khánh Hòa) chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá KH 97580 TS vẫn chưa hết hoảng hốt sau khi bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm va tại ngư trường Hoàng Sa.

Anh Tiến cho biết, ngày 12/10, anh cùng 7 thuyền viên và 1 máy trưởng xuất bến để ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt cá.

Sáng 10/11, khi đang đánh bắt cá tại đây, tàu KH 97580 TS đã gặp tàu của Trung Quốc mang số hiệu 45103.

“Họ tiến lại gần rồi húc và đuổi tàu chúng tôi ra khỏi khu vực Hoàng Sa. Khi thấy họ hung hăng quá thì tôi đã quyết định cho thuyền đi ra chỗ khác. Họ bám sát tàu chúng tôi khoảng 3h tiếng. Khi tàu của tôi đã đi cách xa khoảng 20 hải lý thì họ bỏ đi không giám sát nữa. Họ cũng chụp ảnh tàu trước khi rời đi”, anh Tiến kể lại. 

Chưa hết hoảng hốt, đến khoảng 21h ngày 13/10, khi đang tiến hành hoạt động thu câu trong khu vực giữa đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn (huyện Hoàng Sa, Đà Nẵng) tàu tiếp tục bị tàu 45103 tìm cách đâm va. 

“Họ chạy đến rồi chiếu thẳng đèn pha vào phía chúng tôi. Khi tôi điều khiển tàu di chuyển thì tàu Trung Quốc lui lại phía sau rồi húc thẳng liên tiếp nhiều lần. 

Anh em sợ quá chạy lên phía trước mặc áo phao, chuẩn bị tâm lý có thể gặp chuyện xấu. Họ vừa đâm vừa đuổi tàu chúng tôi trong khoảng 40 phút. 

Tôi vừa là chủ tàu, vừa là thuyền trường, dù rất sợ hãi nhưng lúc đó tâm lý vẫn phải vững vàng, kêu cứu và chạy về phía trước. 

Do tàu Trung Quốc xô mạnh nên dây ăng ten trên tàu bị rớt xuống. Khi gọi điện về cho bộ đội biên phòng cũng như các đài thông tin như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Khánh Hòa không ai nghe được mình nói”, anh Tiến giọng run run kể lại. 

Sau khi tàu Trung Quốc bỏ đi, anh Tiến và các thuyền viên quyết định đưa tàu cập bến dù theo kế hoạch còn hơn 10 ngày đánh bắt. 

“Lúc đó ai cũng sợ cả, không còn tâm trí nào đánh bắt cả. Tôi điều khiển tàu về phía trước, đến khoảng 6h sáng hôm sau thì mới liên lạc được với bộ đội biên phòng và người thân”, anh Tiến nói. 

Nỗi lo trả nợ

Thuyền trưởng tàu cá KH 97580 TS chia sẻ, nhiều năm gắn bó trên biển, đã không ít lần gặp tai nạn hay bị tàu Trung Quốc, tàu lạ va đập. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên, anh đối mặt với nỗi lo sinh tử và bị thiệt hại nặng nề như vậy. 

“Tàu này công suất 550 CV tôi mới đóng cách đây không lâu.  Tất cả tiền công, tiền đóng tàu, đồ đạc, thiết bị rơi vào khoảng 2,7 tỷ đồng. Giờ tàu bị đâm hư hỏng nặng, ước tính thiệt hại lên tới khoảng 150 triệu đồng. Chúng tôi đã kiến nghị lên UBND phường, bộ đội biên phòng, hội nghề cá cũng như Chi cục Thủy sản để mong muốn được giúp đỡ”, anh Tiến buồn bã nói. 

Dù chưa hết hoảng loạn sau lần đối mặt với tàu Trung Quốc, nhưng anh Tiến vẫn không hề run sợ. Anh cho biết, bản thân cảm thấy may mắn khi tất cả các thuyền viên vẫn an toàn, không ai bị thương hay xây xát gì. 

“Thật may mắn là mọi người vẫn bình an. Tôi giờ chỉ mong muốn các cơ quan chức năng, các quỹ tấm lòng vàng giúp đỡ, tạo điều kiện để tiếp tục vươn khơi, bám biển. Nghề đi biển dù nguy hiểm nhưng đây là nghề từ đời cha, đời anh truyền lại. Vì thế khó khăn vất vả thế nào cũng phải vươn khơi, bảo vệ chủ quyền của đất nước cũng như kiếm thêm đời sống kinh tế gia đình”, anh Tiến chia sẻ. 

Trong cuộc trò chuyện với Đất Việt, vị thuyền trưởng vẫn đau đáu trong lòng nỗi lo “cơm áo gạo tiền” và khoản nợ ngân hàng chưa trả hết. Theo anh Tiến, dù có khó khăn đến đâu cũng không thể bỏ mặc thuyền viên cũng như thờ ơ với cuộc sống của các gia đình xung quanh. 

“Mỗi lần đi biển tốn khoảng 140 triệu nhưng khi đi biển phải đánh được từ 200-300 triệu mới đủ chi phí và trang trải cho các thuyền viên. Nhưng lần này chúng tôi đã mất hết. 

Cá nhân tôi, cuộc sống gia đình cũng không khá giả gì. Vợ không đi làm gì cả, ở nhà chăm con, mẹ thì đi bán cá. Trong khi khoản nợ vay ngân hàng và người thân vẫn còn gần 2 tỷ đồng. Tương lai khiến tôi rất lo lắng”, anh Tiến buồn bã nói. 



Tìm cách hỗ trợ ngư dân gặp nạn

Trao đổi thêm với Đất Việt về việc này,  ông Nguyễn Trọng Chánh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết đã trực tiếp liên hệ với phía ngư dân Tống Thành Tiến.

“Chúng tôi đã liên hệ được với chủ tàu. Rất may chỉ hư hại tàu thuyền còn người thì không làm sao”, ông Chánh khẳng định.

Ông Chánh cho biết đã động viên ngư dân Tống Thành Tiến sớm khắc phục khó khăn để tiếp tục vươn khơi bám biển. 

“Chúng tôi sẽ lập danh sách để gửi lên Hội nghề cá cũng như các cấp để hỗ trợ anh Tiến cùng các thuyền viên. Số tiền thiệt hại ước tính cũng khoảng hơn 100 triệu đồng”, ông Chánh nói. 

Theo ông Chánh không chỉ ngư dân Khánh Hòa mà các tỉnh lân cận khi đánh bắt tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đều gặp những khó khăn do bị tàu lạ, tàu Trung Quốc cản trở. 

“Vừa qua chúng tôi cũng có phối hợp với Cục Kiểm ngư để tập huấn cho các ngư dân chủ động phòng tránh các sự cố có thể xảy ra trên biển. Việc này cần phải được đẩy mạnh hơn nữa”, ông Chánh nhấn mạnh. 

Hà Đông

Oan khốc tại Bình Dương: Tai họa ập xuống từ một lời nói (kỳ 1)

Hàn Giang-18-11-2016

(VNTB) - “Không ngờ đến năm 2013 ra tòa, Tòa nói tôi có một tiền sử tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”, tôi chưa biết mình mắc tội này bao giờ thì Tòa trích dẫn lại là năm 2012 tôi có bị bắt về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Tôi mới hỏi lại Tòa là vậy Tòa căn cứ vào đâu nói tôi có tiền sử tội tàng trữ trái phép chất ma túy, có biên bản, giấy tờ gì không? Năm 2012, tôi bị bắt giam 9 ngày và nằm ở đó 9 ngày là về thôi mà không hề có điều tra hay xét hỏi. Toà nói tôi là anh có 1 biên bản nộp phạt 1,5 triệu đồng. Tòa đơn giản chỉ căn cứ vào mỗi biên bản nộp phạt 1,5 triệu đồng này mà nói tôi có tiền sử tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Tôi có được xem lại biên bản ấy, ở phần căn cứ quyết định không có ghi căn cứ vào đâu”



                  Ông Nguyễn Chí Dũng (ảnh: Bùi Yên- báo PLO)

Một người đàn ông sinh sống ở thị xã Thuận An (Bình Dương) bị công an bắt giam khi không có lệnh bắt, không lập biên bản, bị bỏ tù gần 3 năm vì tội liên quan đến chất ma túy mà bằng chứng phạm tội duy nhất chỉ là một tờ biên bản nộp phạt hành chính mà theo người đàn ông này là do ngồi nhậu ở trước cửa kiot thuê làm ăn. Người đàn ông mà Việt Nam Thời Báo (VNTB) nói đến chính là ông Nguyễn Chí Dũng (SN 1967, ngụ ở phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, Bình Dương), hiện ông Dũng đang kêu oan ... 


Tại họa từ một lời nói …?

Căn cứ vào những thông tin tìm hiểu trên mạng Internet, căn cứ vào những thông tin từ ông Dũng cung cấp cho VNTB và cuối cùng là căn cứ vào một số tình tiết từ báo PLO thì VNTB được biết diễn biến vụ án của ông Nguyễn Chí Dũng như sau:

Theo ông Dũng suy đoán, vụ án bắt đầu từ lúc ông Dũng có bức xúc khi thấy việc buôn bán của vợ bị lực lượng dân quân tự vệ địa phương thu giữ tài sản mà không lập biên bản, giấy tờ gì. Trong một lần có sự hiện diện của ông Nguyễn Văn Chót, trưởng công an phường Bình Hòa, một câu nói phát ra từ cửa miệng ông Dũng thì vụ án mà ông Dũng đang gánh, kéo dài một chuỗi từ đây. Chia sẻ với VNTB, ông Dũng nói:

Tại vì vợ tôi bán trái cây... hôm ấy ông Trưởng công an phường không trực tiếp nhưng dân quân tự vệ thu tài sản của vợ tôi rất nhiều lần mà không có lập biên bản gì cả. Trong một lần thu giữ thì có mặt Trưởng công an phường thì tôi có nói lại là: Tôi nói thật với các ông nhé. Các ông cần thiết thì tôi chỉ ngay chỗ bọn bán ma túy, cờ bạc, lô đề... Nó bán công khai sao tôi không thấy các ông tới bắt trong khi gia tài tôi có mỗi cái xe buôn bán mà vợ tôi có sai phạm thì các ông phải lập biên bản rồi bắt nộp phạt chứ các ông không có quyền thu giữ tài sản gia đình tôi. Các ông có muốn thu tài sản thì cũng phải có biên bản, giấy tờ đàng hoàng còn không thì tôi sẽ làm đơn kiện.”

Theo ông Dũng, từ lời nói trên mà trước khi bỏ về, ông Chót là trưởng công an phường Bình Hòa có hỏi một dân quân là “thằng này là thằng nào?”. 

Vài ngày sau, tức là vào ngày 15/6/2012, ông Dũng và mấy người bạn ngồi uống nhậu trước cửa kiot thuê làm ăn thì công an ập vào bắt trói ông Dũng, lục soát nơi ở của ông Dũng và thu một số giấy tờ, một chiếc xe máy, gần 500 ngàn đồng. Ông Dũng sau đó bị công an giải về đồn Công an thị xã Thuận An giam giữ 9 ngày với lý do mà phía công an đưa ra là để điều tra vì nghi ngờ có “tàng trữ ma túy”. Ông Dũng kể những gì diễn ra tại thời điểm 9 ngày ông bị bắt giam ở Công an thị xã Thuận An như sau: 

Lúc bắt 9 ngày, tôi thực ra cũng không biết mình bị bắt vì lý do gì? Không có điều tra, không có xét hỏi và tôi cứ năm trong đồn công an thị xã đúng 9 ngày, ông Nguyễn Trọng Sang là điều tra viên thì ổng vào tận trong buồng giam đưa cho tôi một tờ giấy bảo tôi ký vào đây. Một số anh em ở trong buồng bảo tôi là phải cẩn thận, đọc cho thật kỹ rồi mới ký. Tôi đọc thì thấy có ghi biên bản xét nghiệm thử Test gì đó nhưng thực tế tôi chưa bao giờ thử Test mà tự nhiên có biên bản này. Mấy anh em ở trong buồng nói nếu chú mà ký là ngày mai chúng bắt chú đi cai nghiện đó thế là tôi không ký và tôi giữ lại biên bản đó. Ông Sang có đòi nhưng tôi không đưa. Tôi gọi bà phó giám thị Võ Thị Thu Hồng, tôi nói với bà Hồng là cán bộ điều tra đã ép tôi ký vào biên bản thử Test gì đó nhưng 9 ngày qua chẳng ai Test gì tôi và ngoài đời tôi cũng không nghiện ngập, không biết ma túy là gì. Bà Hồng bảo tôi thôi được rồi, ông đợi tôi khoảng 15 phút sẽ trả lời ông. Khi bà Hồng quay lại thì bà ấy nói với tôi là cái sai lần này là do ở cơ quan điều tra, chúng tôi chỉ là bên quản lý trại giam nhưng mà chúng tôi cũng thay mặt, đứng ra xin lỗi ông về vụ việc này và bây giờ ông được tự do. Bà Hồng có trao cho tôi 1 tờ giấy trả tự do

Và sau khi được trả tự do sau 9 ngày bị giam giữ, ông Dũng nói mình có bị cán bộ ở đồn Công an thị xã Thuận An bảo ký vào một biên bản xử phạt hành chính, phạt số tiền 1,5 triệu đồng. Ông Dũng có ký và chia sẻ tiếp với VNTB:

Công an thị xã Thuận An giam tôi 9 ngày rồi sau đó trả tự do cho tôi, lúc ra đến cổng tôi có hỏi cán bộ ở đấy để lấy lại xe, cán bộ ở đây họ nói nếu muốn lấy lại xe thì phải nộp phạt 1,5 triệu đồng. Tôi bảo tôi có tội gì đâu? Tôi ngồi uống rượu với mấy đứa bạn ở ngay trước cửa thì công an phường ập đến lục soát, bắt giam tôi mà không có một biên bản giấy tờ gì cả. Ông cán bộ này nói với tôi, tao thấy công an phường nói mày tụ tập ngồi nhậu nhẹc ngoài cửa đúng không? Tội xác nhận là có. Ông cán bộ này nói, nhậu ngoài đường là vi phạm hành chính, đóng tiền phạt rồi lấy xe về. Tôi lấy 1,5 triệu đồng ra đóng phạt để lấy xe về

Ông Dũng còn chia sẻ thêm, tại thời điểm bước ra cổng Công an thị xã Thuận An này, ông Dũng có gặp điều tra viên Nguyễn Trọng Sang và điều tra viên Sang có nói với ông Dũng vài lời có liên quan đến ông Chót, trưởng công an phường Bình Hòa. Ông Dũng thuật lại lời của điều tra viên Sang đã nói:

Chính ông Nguyễn Trọng Sang hôm mà 9 ngày tôi được thả về, ra cổng tôi có gặp ổng và ổng có nói; tao dặn mày để mày biết đường mà liệu, ông Trưởng công an phường không muốn nhìn mặt mày ở phường này đâu. Mày đi chỗ khác mà làm ăn. Tôi chẳng vi phạm gì? Tôi làm ăn ở đâu là chuyện của tôi, việc gì tôi phải sợ ông Trưởng công an phường mà bỏ đi chỗ khác làm ăn.

Đến ngồi tù vì dính líu đến ma túy, Tòa căn cứ vào một biên bản xử phạt hành chính

Ngày 27/7/2013, ông Dũng đang ngồi sửa chữa điện tử tại nơi ở thì công an và những người thường phục tự xưng là cảnh sát hình sự ập vào bắt giữ ông Dũng với cáo buộc là “Mua bán trái phép chất ma túy”. Cũng như lần bắt trước, ông Dũng có hỏi số tờ liên quan đến việc bắt giữ mình nhưng phía công an đã không đáp ứng. Ông Dũng sau đó bị giải về Công an thị xã Thuận An để phục vụ công tác điều tra. Chính điều tra viên Nguyễn Trọng Sang đã đưa cho ông Dũng một tờ giấy gọi là biên bản nhận tội và bảo ông Dũng ký vào nhưng ông Dũng nói mình không ký, không nhận tội vì không có phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” cũng như khẳng định mình không có dính dáng gì đến chất ma túy. 

Ông Dũng bị giam giữ cho đến ngày 4/6/2014, Tòa án thị xã Thuận An mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Dũng 8 năm tù giam về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”

Theo báo PLO, trong phiên xét xử, có 3 lời khai của Bùi Văn Chí, Lê Mạnh Hùng, Nguyễn Như Anh Nguyện được cho là người mua ma túy từ ông Dũng. Tuy nhiên, sau đó, những địa phương được cho là có 3 nhân chứng trên đăng ký hộ khẩu thường trú có văn bản trả lời, khẳng định không có người nào tên họ, số chứng minh nhân dân như 3 người trên đăng ký hộ khẩu ở địa phương mình. Ông Dũng cho rằng, 3 nhân chứng này là giả, do công an dựng lên để đổ tội cho ông. 

Không chấp nhận bản án, ông Dũng kêu oan. Ngày 28/8/2014, Tòa án tỉnh Bình Dương mở phiên xét xử phúc thẩm, tuyên hủy án bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về Cơ quan điều tra để xét xử lại vì không đủ chứng cứ kết tội ông Dũng về hành vi “mua bán trái phép chất ma túy”. 

Cơ quan điều tra sau đó đổi tội danh của ông Dũng từ “mua bán” sang “ tàng trữ trái pháp chất ma túy”. 

Ngày 14 và ngày 18/3/2016, Tòa án thị xã Thuận An mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên ông Dũng 2 năm 7 tháng 20 ngày về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” bằng với khoảng thời gian ông Dũng bị bắt giam để phục vụ công tác điều tra. Ông Dũng sau đó được trả tự do ngay tại tòa.

Không chỉ khẳng định mình vộ tội mà vì danh dự, tương lai của ba người con nên ông Dũng quyết định tiếp tục hành trình kêu oan. 

Ngày 2/8/2016, Tòa án tỉnh Bình Dương mở phiên xét xử phúc thẩm và tuyên hủy bản án sơ thẩm vì hồ sơ không đủ chứng cứ kết tội ông Dũng. 

Một chi tiết mà ông Dũng chia sẻ với VNTB, trải qua mấy phiên xử, phía Tòa án từ thị xã Thuận An đến Tòa án tỉnh Bình Dương chỉ đưa ra có một bằng chứng nói là chứng cứ phạm tội của ông Dũng liên quan đến ma túy là tờ biên bản nộp phạt hành chính 1,5 triệu đồng tại thời điểm ông Dũng bị giam 9 ngày ở Công an thị xã Thuận An vào năm 2012. Ông Dũng thuật lại:

Không ngờ đến năm 2013 ra tòa, Tòa nói tôi có một tiền sử tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”, tôi chưa biết mình mắc tội này bao giờ thì Tòa trích dẫn lại là năm 2012 tôi có bị bắt về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Tôi mới hỏi lại Tòa là vậy Tòa căn cứ vào đâu nói tôi có tiền sử tội tàng trữ trái phép chất ma túy, có biên bản, giấy tờ gì không? Năm 2012, tôi bị bắt giam 9 ngày và nằm ở đó 9 ngày là về thôi mà không hề có điều tra hay xét hỏi. Toà nói tôi là anh có 1 biên bản nộp phạt 1,5 triệu đồng. Tòa đơn giản chỉ căn cứ vào mỗi biên bản nộp phạt 1,5 triệu đồng này mà nói tôi có tiền sử tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Tôi có được xem lại biên bản ấy, ở phần căn cứ quyết định không có ghi căn cứ vào đâu.”

Việt Nam Thời Báo sẽ tiếp tục thông tin về vụ án của ông Nguyễn Chí Dũng. Những lần người bị tạm giam bị bức cung, ép nhận tội ngay tại nơi giam giữ là Công an thị xã Thuận An và một mái ấm gia đình đang hạnh phúc bỗng chốc tan nát, oan khốc qua lời kể cũng của chính ông Nguyễn Chí Dũng. 

Kết lời, ông Dũng có nói thêm; “Tôi có xác định là xong cái vụ này thì tôi sẽ thưa lại cái vụ năm 2012, nói đúng ra là bắt tôi trái pháp luật.”

Bộ trưởng không phải là công chức

Trúc Giang-18-11-2016
(VNTB) - Cho đến thời điểm này, mọi cáo buộc về hành vi vi phạm pháp luật của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ có thể được xác lập bởi một tuyên bố của Tòa án.
Kết quả hình ảnh cho hinh anh vũ huy hoàng
Ông Vũ Huy Hoàng bị cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Công Thương
Liên quan đến việc xem xét xử lý kỷ luật hành chính với cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, bên hành lang Quốc hội chiều 16-11, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết ông vừa có công văn trả lời về cơ sở pháp lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng.
“Chúng ta hoàn toàn vẫn có cơ sở pháp lý theo quy định của Luật Cán bộ công chức năm 2008, vận dụng khoản 1 điều 80 liên quan đến thời hiệu xử lý kỷ luật. Trong đó quy định vấn đề liên quan, áp dụng điều 78 của luật xử lý đối với ông Hoàng, căn cứ vào điều khoản về thời hiệu để xử lý ông Hoàng, có thể xử lý khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi miễn”, ông Quyền nói.
Ông Quyền lập luận, thời hiệu tính từ khi hành vi sai trái trong quá trình đương nhiệm, cơ sở pháp lý là căn cứ vào điều khoản về thời hiệu. “Vận dụng hình thức gì trong khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm thì do chúng ta, nhưng cách chức, bãi nhiệm có nên hay không thì phải tính vì đã không còn đương chức”. Cũng theo ông Quyền, việc vận dụng thời hiệu xử lý kỷ luật để cảnh cáo ông Vũ Huy Hoàng trong khi đương nhiệm và thời hiệu có giá trị 2 năm, nên kể cả lúc đã rời nhiệm sở vẫn có thể bị xử lý theo quy định.
Ông Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp đã đem râu ông nọ cắm cằm bà kia trong trường hợp cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Luật Cán bộ công chức năm 2008, Điều 4.2 định nghĩa: “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.
Điều 4.2 này được thực hiện theo hướng dẫn của Nghị định 06/2010/NĐ-CP. Điều 5 của Nghị định 06/2010/NĐ-CP cho biết các Bộ trưởng không phải là công chức:
“Điều 5. Công chức trong Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập:
1. Thứ trưởng và người giữ chức danh, chức vụ tương đương; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong văn phòng, vụ, thanh tra và tổ chức khác không phải là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.
2. Tổng cục trưởng và tương đương, Phó Tổng cục trưởng và tương đương, người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong văn phòng, vụ, thanh tra thuộc Tổng cục và tương đương.
3. Cục trưởng, Phó Cục trưởng, người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong văn phòng, phòng, thanh tra, chi cục thuộc Cục.
4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và người làm việc trong các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập”.
Khoản 4 của Điều 5, sau đó được điều chỉnh bởi Điều 2 Thông tư 08/2011/TT-BNV, và cũng hoàn toàn không liên quan đến chức danh Bộ trưởng.
Cho đến thời điểm này, mọi cáo buộc về hành vi vi phạm pháp luật của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ có thể được xác lập bởi một tuyên bố của Tòa án.

Đại biểu quốc hội CSVN đề nghị cấm hướng dẫn viên du lịch nước ngoài hành nghề tại Việt Nam

Đại biểu quốc hội CSVN đề nghị cấm hướng dẫn viên du lịch nước ngoài hành nghề tại Việt Nam
Nhiều đại biểu quốc hội Cộng Sản Việt Nam hôm Thứ Sáu 18/11 than vãn về trình độ phát triển yếu kém của ngành du lịch nước nhà, bao gồm tình trạng thiếu nhân lực.
Một trong những lời kêu gọi họ đưa ra nhắm vào việc cấm hướng dẫn viên Trung Cộng hành nghề tại Việt Nam. Đại biểu Triệu Thanh Dung từ Cao Bằng nhận định rằng nhân lực trong ngành du lịch Việt Nam hiện nay “vừa thiếu vừa yếu”. Bà cho biết cả nước chỉ có 9,500 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, phục vụ cho 8 triệu lượt khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch, và 6 triệu lượt khách Việt Nam ra nước ngoài du lịch mỗi năm. Cả nước cũng chỉ có 7,150 hướng dẫn viên du lịch nội địa, phục vụ cho hơn 45 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Bà ước tính để phục vụ những số lượng khách vừa nêu, Việt Nam cần 25,000 hướng dẫn viên quốc tế và 50,000 hướng dẫn viên nội địa.
Vị đại biểu từ Cao Bằng cũng cho rằng, hướng dẫn viên du lịch hiện nay cũng “yếu” ở vốn kiến thức, trình độ hiểu biết, kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ, khả năng ứng xử và giải quyết tình huống.
Bà Triệu Thanh Dung cũng nhắc đến tình trạng hướng dẫn viên du lịch “chui” ngày càng nhiều ở các điểm du lịch nổi tiếng, mà bà chỉ rõ đó là những hướng dẫn viên Trung Cộng. Họ bị cho là nói tiếng Hoa, tiêu tiền Trung Cộng, và thường xuyên tạc lịch sử Việt Nam khi giới thiệu những danh lam thắng cảnh của Việt Nam cho du khách đến từ Trung Cộng.
Huy Lam / SBTN

Trump sẽ chẳng giữ biển Đông không công cho Việt Nam.

Bùi Quang Vơm (Danlambao) - Từ sau ngày 08/11/2016, Tổng thống đắc cử Donald Trump hình như chưa có một phát ngôn nào, dù chỉ là dính líu tới biển Đông. Điều này nói rằng, dù có cố tình an ủi, hoặc có cố tình tìm mọi lý do để tự an ủi, người Việt, trong đó có cả chính quyền cộng sản Hà Nội đều có chung một tâm trạng lo lắng tới số phận của biển Đông.

Trước sự kiện Nhật Bản vội vã phê chuẩn Hiệp định TPP trước khi thủ tướng Nhật ABE đi Mỹ gặp trực tiếp TRUMP một ngày, trước một cuộc gặp lớn hơn với các nền kinh tế Thái bình dương tại Thượng đỉnh APEC Peru ngày 19-20/11/2016, cho thấy một tâm lý lo lắng tới mức hoảng sợ một nước MỸ dưới tay TRUMP sẽ bỏ mặc Nhật Bản tự đối phó với đe dọa hiếu chiến của Trung Quốc.

Việc Quốc Hội Nhật đã cố tình phê chuẩn TPP như một việc “đã rồi”, buộc TRUMP phải chấp nhận, và lấy cớ không còn khả năng đảo ngược để vận động APEC tạo sức ép với Tổng thống Mỹ, cho thấy rõ ràng đối với Nhật Bản, công cụ hiệu quả lớn nhất, nếu không là duy nhất chống lại mối đe dọa Trung Hoa chính là TPP.

Nhưng TRUMP vẫn giữ tuyên bố sẽ bác bỏ TPP ngay cả trước một sức ép và tâm lý như vậy, và ông ABE vẫn phải tuyên bố, cuộc gặp là "thẳng thắn" và "ấm cúng".

Tại sao lại như vậy? Ông ABE đã nhận được gì từ những thảo luận “ngầm” giữa ông và TRUMP. “Thẳng thắn”, nghĩa là ông đã nói với TRUMP về tuyên bố cuả TRUMP về việc rút quân Mỹ khỏi OKINAWA, giảm chi phí cho các hoạt động quân sự của MỸ tại Nhật, gợi ý để Nhật tự phát triển vũ khí hạt nhân nhằm tự đối đầu với Trung Quốc, giảm cho Mỹ khỏi những chi phí tốn kém chỉ phục vụ nền an ninh Nhật và tách Mỹ ra khỏi một cuộc chiến Trung Nhật có thể sẽ rất tai hại cho nền kinh tế Mỹ? Thẳng thắn, vì chắc chắn Nhật Bản phản đối gay gắt, thậm chí có thể nặng lời quy kết TRUMP là phản bội đồng minh.

Nhưng còn “nồng ấm”nghĩa là gì, có thể là gì, nếu TPP vẫn sẽ bị từ chối?

Khác với bất cứ cuộc thương thảo nào khác, thương thảo lần này giữa ông ABE và TRUMP sẽ không có nội dung nào quan trọng hơn là mối quan hệ an ninh giữa Nhật với Trung Quốc, trong đó, át chủ bài là sự phê chuẩn TPP.

Và TRUMP đã giải cơn stress lớn này của ông ABE như thế nào?

Rất khó đoán và không trái với một đặc tính đã giúp TRUMP đắc cử là đặc tính “khó đoán”. Phải dùng một lối suy diễn cũng thật khó đoán, may ra rơi phần nào vào những cái khó đoán của TRUMP.

Trump sẽ kích động một cuộc chạy đua vũ trang “giả nhưng thật, thật nhưng giả”. Nghĩa là Nhật và Hàn sẽ được cung cấp các tài liệu và hỗ trợ kinh phí để làm như “thiết lập ngành công nghiệp hạt nhân”. Dẫu không thật thì Trung Quốc không thể làm gì khác là tăng cường đầu tư. Một Trung Quốc phải đối phó với ba nền hạt nhân, sẽ như da một con ếch căng ra ba góc. Nạn tự chảy máu trong một nền kinh tế đã kiệt sức, sẽ đưa Trung Quốc vào tình huống của Liên xô năm 1989, ít nhất thì Trung Quốc cũng chỉ còn là cái thùng rỗng đối với các dự án khổng lồ đầy tham vọng lũng đọan nền tài chính thế giới. Với việc này, nếu Trung Quốc không sụp đổ thì cũng chỉ là một con hổ trong cũi sắt, may lắm, người ta cũng chỉ nghe tiếng gầm, có phần cay đắng, của nó.

Và chỉ “giả như thật” thì cũng đủ để Bình Nhưỡng tự sụp đổ vì kiệt quệ với những cơn ác mộng của mình. Những tư duy độc ác này, trong thế giới văn minh có thể coi là bất thường, nhưng bất thường thì thành khó đoán, mà khó đoán thì đúng loại với TRUMP hay Duterte.

Với tư duy của một con buôn có hạng, và sĩ diện của một kẻ ngạo mạn, huênh hoang, TRUMP sẽ không chịu để Trung Quốc vượt mặt theo kiểu khôn vặt, điều mà tất cả các nhà trị quốc quen tôn trọng thể diện và văn hoá kiêu hãnh trước đây, đã vì thế mà thất bại trước một kiểu văn hoá bất chấp, kết quả biện minh cho thủ đoạn, của các bậc vĩ nhân Trung Quốc.

Hoặc đồng nhân dân tệ phải được tăng lên tới 45% hoặc hàng hoá Trung Quốc vào Mỹ phải chịu thuế tới 45%. Hàng hoá Trung Quốc, ngoài chuyện đang chịu tẩy chay vì độc hại trên toàn địa cầu, sẽ không còn rẻ so với hàng Mỹ, sẽ một mặt, làm cho nền kinh tế đang còn tồn tại nhờ xuất khẩu của Trung Quốc không còn đất sống, một mặt, toàn bộ tiền vốn Mỹ đang đầu tư vào Trung Quốc sẽ được rút về Mỹ, tạo công ăn việc làm cho người Mỹ. Cùng với Nhật và Hàn Quốc, khoảng 30% lượng tiền vốn đầu tư, tạo ra gần 60% lượng hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc sẽ không cánh mà bay. Nghĩa là khoảng 30% GDP biến mất, gần 50 triệu việc làm biến mất. Không có gì gây thiệt hại cho nền kinh tế của Trung Quốc hơn thế. Và không có gì làm cho lãnh đạo Trung Quốc sợ hơn thế.

Trật tự kinh tế thế giới sẽ quay lại thời kỳ trước khi Trung quốc vào WTO. Tiền vốn Nhật và Hàn Quốc sẽ quay sang châu Âu, sẽ quay lại Mỹ, hay ít nhất cũng chuyển sang các nước ASEAN. Và những gì là “Giấc mơ Trung Hoa”, những gì là “Đường tơ luạ”, là “Đại ngân hàng đầu tư phát triển”, chả có ai hô, mà tự khắc “biến”.

Có thể những chuyện này là chuyện khó trở thành thực tế, và nhất là không thể thực thi được trong một sớm một chiều, nhưng vì không khả thi, nên khó đoán, và vì khó đoán, nên nó đúng là tính cách của TRUMP, và vì đúng là tính cách của TRUMP, nên, nếu TRUMP còn là Tổng thống Mỹ ngày nào, thì cái khó đoán ấy sẽ có khả năng thực thi lớn nhất.

Vì thế mà, dù TRUMP vẫn bác bỏ TPP, ABE vẫn thấy là “ấm cúng”.

Những chuyện ít có lãi, và có lãi nhưng chậm và cần vốn đầu tư ban đầu quá lớn như việc an ninh và tự do hàng hải biển Đông, và chuyện không đâu như chuyện nhân quyền tại một quốc gia mắt muỗi Việt Nam, với cái đầu thực dụng và vị lợi nhuận của nhà kinh doanh làm tổng thống, thì sẽ chẳng bõ để ông ta bận tâm.

“Khôn thì sống, mống thì chết”, đó là triết lý cần và đủ cho các nhà lãnh đạo Việt Nam. Việc ông Đinh Thế Huynh cất công đi Mỹ 8 ngày, thăm dò số phận của TPP, thường trực ban bí thư, tức là vị trí quyền lực thứ hai, quyết định chính sách, có được xem là tương đương Thủ tướng ở thể chế thông thường không, đã thành công dã tràng.

Cái quyết tâm giữ tỷ lệ tăng trưởng 6,7% GDP trong nghị quyết 05, quyết tâm đẩy mạnh quá trình hội nhập và chủ trương “cải cách hoạt động của Tổng liên đoàn lao động” đối phó với công đoàn độc lập, trong nghị quyết 06, thuộc TW4 vưà rồi, sẽ giống như những quả đấm trí tuệ của toàn đảng chỉ để “đấm vào bị bông”.

Sự vĩ đại của một tổng bí thư lần đầu tiên ra được tới sáu nghị quyết ( chỉ thấy công khai nghị quyết 04, 05 và 06) cho một hội nghị trung ương 4, nhiệm kỳ XII, chỉ vưà ký chưa ráo mực đã phá sản. Cùng với TRUMP, cùng với sự ra đi cuả TPP chưa rõ số phận, lãnh đạo đảng hoàn toàn mất hướng với một tổng bí thư chỉ biết viết sách về thủ đoạn xây dựng đảng và tiêu diệt phe nhóm, không một chút hiểu biết về lý thuyết kinh tế, với một ông thủ tướng có trình độ văn hoá hạn chế tới mức khó chấp nhận.

Cái chính danh chủ quyền của một thể chế chính trị do đảng cầm quyền, phải mất gần 30 năm để được nền chính trị Mỹ thưà nhận, vừa hiện hình đầy tham vọng với chính quyền bao dung 8 năm của OBAMA, đang biến mất. Bây giờ, không thể lập lờ đánh lận con đen được nưã. Sẽ không thể có kinh tế dính đuôi “xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” mà vẫn được thưà nhận là kinh tế thị trường. Sẽ không có loại nhân quyền trong phạm vi biên giới quốc gia, nhân quyền riêng của chế độ độc đảng, loại nhân quyền có tính đảng.

Lối thoát phía trước là chân thành hội nhập, làm những gì mà một nền kinh tế thật sự cần làm, cần có để phát triển. Hãy làm những gì mà một xã hội dân chủ thực sự cần có để ổn định và giải phóng năng lượng. Không thể tồn tại chỉ nhờ khôn lỏi, luồn lách giữa những kẽ hở của thiên hạ và bằng lừa lọc. Đảng cộng sản Việt Nam hoặc cải tổ thật sự hoặc lại phải chờ đợi một chu kỳ bao dung nhẹ dạ mới cuả Mỹ để lại sử dụng thủ đoạn khôn lỏi, lập lờ tính chính danh của thể chế.

Chủ nghĩa ích kỷ sẽ tạo ra chủ nghĩa ích kỷ. Cao nhân sẽ có cao nhân trị. Chủ nghĩa ích kỷ dân tộc đã náo loạn thế giới. Trung Quốc là nguồn gốc của tư tưởng khoanh vùng lợi ích trong phạm vi biên giới lãnh thổ, nguồn gốc của chia rẽ cộng đồng châu Âu. Trung Quốc tạo ra luân lý của Brexit. Trung Quốc đã tạo ra TRUMP. Và TRUMP sẽ là người chiến thắng, vì TRUMP là người đến sau.

Nhưng riêng về chuyện biển Đông, thì khó có thể đoán trước.

TRUMP sẽ không ham hố cái “lợi ích cốt lõi tại vùng biển Đông Nam Á”. Mặc dù sẽ không bao giờ chịu nhả cho Trung Quốc. Nhưng trước mắt, trong một tương lai gần, TRUMP sẽ chỉ quan sát diễn biến.

TRUMP sẽ nhìn kỹ xem Duterte làm gì, Malaisie làm gì và Trung Quốc hành xử ra sao. Và quan tâm của TRUMP sẽ là Trung Quốc và sẽ chỉ là Trung Quốc. Đơn giản chỉ với một triết lý, nếu cái cây mà chết, thì những loại dây leo sẽ tự nhiên chết.

Trung Quốc, với bản tính tham lam thực dụng, sẽ không bỏ lỡ cơ hội khi Mỹ không còn khả năng can thiệp trực tiếp do Duterte dỡ bỏ hiệp ước an ninh tương hỗ ký với Mỹ năm 1951. Và khi không còn Philippines và Malaisie cùng với Brunei, Việt Nam không còn chỗ bám cho một chính sách đa phương. Nếu Trường Sa bị mất, vì một “sự cố” được xắp đặt nào đó, thì dù Mỹ không muốn, cũng sẽ chỉ còn quyền tuyên bố cảnh cáo Trung Quốc bằng con đường ngoại giao, và sẽ cho qua, khi nhận được lợi ích do Trung Quốc “hối lộ”. TRUMP cũng chỉ cần có vậy. Không mất gì mà được lợi.

TRUMP dù sẽ tìm cách diệt Trung Quốc, nhưng không phải vì Việt Nam và càng không phải để đòi lại đảo cho Việt Nam. Một nước Việt Nam không dân chủ, chẳng có giá trị gì với lợi ích của Mỹ, chẳng đáng để TRUMP bận tâm. Việt Nam sẽ vĩnh viễn không còn đảo. Và Mỹ vẫn có tự do hàng hải do Trung Quốc sẵn lòng cung cấp. Đảo là của Việt nam và Việt Nam chẳng là gì với Mỹ. Mỹ vẫn tôn trọng “quyền tự lựa chọn của Việt Nam, không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt nam”.

Đúng là “trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”. Cái trò khôn vặt, làm bạn với tất cả, sẽ chẳng có ai làm bạn thật khi lâm nguy. Nếu cả với kẻ thù cũng làm bạn, thì bạn với kẻ thù là một. Và nếu bạn chết thì sẽ chẳng có ai viếng bạn, vì trong những người viếng sẽ có cả bạn và kẻ thù. Họ sẽ đánh chém nhau và giết nhau ngay trên đám tang của bạn. Có thể khi chưa chết, ai cũng tử tế, nhưng khi nằm xuống, dù thảm thương, sẽ chỉ có những người đứng nhìn bạn từ xa.

Nếu ngay cả NATO, ngay cả Nhật, Hàn Quốc, TRUMP cũng không cho không gì, thì Việt Nam có thể hối lộ nước MỸ hoặc bằng chế độ chuyên chính độc đảng, hoặc bằng tự do của hơn 90 triệu dân chúng mà đảng đang cai trị.

18/11/2016