Saturday, October 20, 2018

Vụ D'Capitale: Dân muốn đối thoại với Vingroup, Tân Hoàng Minh

Theo BBC-19-20-2018

Nhiều cư dân D'Capitale "khá giả, có trí thức và vị thế xã hội"Bản quyền hình ảnhLAM NGUYEN NHU/FACEBOOK
Image captionNhiều cư dân D'Capitale "khá giả, có trí thức và vị thế xã hội"
Nhiều người mua từ chối nhận nhà tại khu D'Capitale do Tân Hoàng Minh đầu tư và VinHomes phân phối, vì xây không đúng nhà mẫu.
Những người này cho biết họ sẽ tiếp tục đấu tranh yêu cầu bên Tân Hoàng Minh và Vingroup đối thoại để thương lượng giải quyết khủng hoảng, ông Nguyễn Thạch Cương, trưởng ban Đại diện lâm thời của cư dân khu chung cư D'Capitale cho BBC biết.
Theo ông Cương, kể từ 2016, phía Vingroup đã rao bán nhà ở khu chung cư D'Capitale, với những căn nhà mẫu rộng rãi, thoáng mát, đẹp đẽ và sẽ do VinHomes độc quyền phân phối.
Với chủ đầu tư là công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, công ty liên kết trực thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh và với uy tín của Vingroup, nhiều người dân đã tin tưởng đặt tiền mua.

Cáo buộc 'Treo đầu dê bán thịt chó'

"Dân rất là tin tưởng Vingroup, nên góp tiền vào mua," ông Cương nói. "Nhưng sau họ rào kín, không cho vào, mặc dù hợp đồng ghi là cho người mua nhà lên xem, theo dõi công trình."
"Tháng 9 vừa rồi, gần thời điểm giao nhà thì một số người dân tò mò, đã tìm cách lên xem cho bằng được thì thấy thật sự là khủng khiếp. Hàng chào bán và hàng bàn giao khác một trời một vực," ông Cương nói.
Hành lang 1m4 của D'CapitaleBản quyền hình ảnhLAM NGUYEN NHU/FACEBOOK
Image captionHành lang 1m4 của D'Capitale
Theo ông Cương, dự kiến khu nhà đầu tiên sẽ bàn giao vào 20/10 tới đây, với nhà mẫu có hành lang 2m4, chiều cao hơn 3m, thông thoáng với điều hòa mát rượi, được quảng cáo là căn hộ hạng sang, kim cương tinh hoa hội tụ với giá từ ít nhất 60 triệu/m2 trở lên.
Tuy nhiên, căn nhà mà người dân đến kiểm tra thực tế thì hành lang chỉ rộng khoảng 1m4, trần nhà cao đến 2m9, với hành lang dài hun hút mà không có điều hòa không khí.
Ông Cương còn phản ánh rằng thang máy trong tòa nhà có trên 40 tầng nhưng không có điều hòa, trong khi đó cầu thang thoát hiểm thì quá nhỏ hẹp.
Người mua làm đơn yêu cầu đề nghị phía chủ đầu tư cung cấp các văn bản pháp lý và thiết kế thi công của tòa nhà tuy nhiên đến nay họ vẫn chưa nhận được thông tin giấy tờ đầy đủ.
Tính đến ngày 30/9, đã có khoảng 700 hộ đã làm đơn ủy quyền cho Ban đại diện cư dân D'Capitale lâm thời, và đồng thường cũng có 300 hồ sơ từ chối nhận nhà đầy đủ tính pháp lý, theo ông Cương.
Một cuộc họp nội bộ cư dân khu căn hộ D'CapitaleBản quyền hình ảnhNHÓM FACEBOOK CƯ DÂN D'CAPITALE
Image captionMột cuộc họp nội bộ cư dân khu căn hộ D'Capitale
Trong một lần đối thoại không chính thức, đại diện của Tân Hoàng Minh nói rằng "nhà mẫu chứ không phải hàng mẫu," khiến nhiều người dân thêm bức xúc.
Đỉnh điểm là vào hôm 13/10, hàng chục chiếc xe hơi đã diễu hành trên phố quanh các khu căn hộ do Vingroup và Tân Hoàng Minh xây dựng với các băng rôn biểu ngữ phản đối.
Nhưng công an giao thông tìm cách ngăn cản bằng cách kiểm tra giấy tờ hoặc lùa xe vào hướng đi khác, ông Cương kể lại.
Vụ việc xảy ra xô xát và ông Cương cáo buộc ba phụ nữ đã bị thương khi bị công an tấn công bằng dùi cui.
"Họ bị đánh nghiêm trọng, rất là dã man. Tôi không hiểu chính quyền đang bảo vệ cho ai?"

Dân thiện chí, muốn thỏa hiệp

Ông Cương cho biết hầu hết cư dân D'Capitale đều khá giả, là dân có trí thức, có trình độ, vị thế trong xã hội, có người mua đến 5-6 căn trong khu căn hộ.
Tuy nhiên, vì nhà đã xây rồi, hành lang thì không thể sửa được, nên người dân thiện chí muốn đàm phán lại về giá cả, ông Cương nói.
Khu phức hợp căn hộ D'Capitale 'hội tụ đầy đủ tinh hoa'Bản quyền hình ảnhNHÓM FACEBOOK CƯ DÂN D'CAPITALE
Image captionKhu phức hợp căn hộ D'Capitale 'hội tụ đầy đủ tinh hoa ba thương hiệu bất động sản và tài chính hàng đầu Việt Nam'
Ông nói thêm rằng Vingroup và Tân Hoàng Minh không thể tiếp tục né tránh, mà nên đối thoại trực tiếp với cư dân.
"Nếu bên đầu tư và phân phối không chịu làm việc, người dân sẽ làm tất cả có thể trong tay. Chúng tôi không chống đối chính quyền, nhưng sai thì phải sửa, để giải quyết bất đồng càng nhanh càng tốt," ông Cương nói.
"Anh phải có đạo đức, không thể mang danh hiệu ra bán để thu tiền và trở nên vô trách nhiệm như vậy.
"Tôi tin đồng chí Tổng Bí Thư đã rất thẳng tay trong thời gian vừa qua, với cả thành viên Bộ Chính trị đến tướng công an. Tôi hi vọng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ xử lý [bọn] hút máu khô của người dân," ông Cương nói thêm.
Dàn xe hơi đi 'biểu tình' dự án D'Capitale của Tân Hoàng Minh và VingroupBản quyền hình ảnhNHÓM FACEBOOK CƯ DÂN D'CAPITALE
Image captionDàn xe hơi đi 'biểu tình' dự án D'Capitale của Tân Hoàng Minh và Vingroup

Phía Vingroup nói gì?

Trả lời BBC qua email hôm 19/10, đại diện Vingroup viết rằng với vai trò là đơn vị phân phối sản phẩm, Vingroup "đã giới thiệu, cung cấp thông tin về Dự án hoàn toàn dựa trên cơ sở các tài liệu, thông tin được Chủ Đầu tư cung cấp và kiểm duyệt."
"Theo đó, Vinhomes có trách nhiệm là đơn vị bán hàng theo quy định của pháp luật; còn trách nhiệm về thiết kế và chất lượng dự án thuộc về Chủ Đầu tư."
Vingroup cũng phủ nhận việc nhờ lực lượng công an can thiệp để cản trở người dân phản đối ôn hòa trên đường hôm 13/10, và nói rằng "không có ai bị thương trong vụ việc này".
Về việc đối thoại với người dân, Vingroup nói "việc đối thoại trực tiếp và thương lượng điều chỉnh các mức giá của Căn hộ đã bán... không thuộc trách nhiệm của Vinhomes."
Còn trong lá thư phúc đáp chủ đầu tư Công ty TNHH Đầu tư Bất Động Sản Ngôi sao Việt, đại diện công ty này viết rằng Ngôi sao Việt đang "khẩn trương hoàn thiện các hạng mục cuối cùng kịp thời bàn giao" theo hợp đồng.
Ngoài ra, chủ đầu tư cho biết sẽ đảm bảo hệ thống phòng cháy chữa cháy theo quy định của Pháp luật và Hợp đồng mua bán Căn hộ.
Về việc lắp đặt máy điều hòa trong thang máy, Chủ đầu tư cho biết "sẽ sẵn sàng xem xét để bổ sung trang thiết bị nếu điều kiện, thông số kỹ thuật đáp ứng được" và sẽ thông báo cho khách hàng.
Về vấn đề gây tranh cãi nhất là chiều rộng của hành lang, Chủ đầu tư khẳng định "chiều rộng hành lang được phê duyệt là 1,5m (chưa bao gồm lớp trát) và sau khi hoàn thiện là 1m47" và "nằm trong tiêu chuẩn xây dựng cho phép".
Việc lắp điều hòa tại hành lang thì sẽ "gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, như thay đổi thiết kế PCCC" dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thành xây dựng. Ngôi sao Việt nói "cần thêm thời gian để nghiên cứu phương án này".
vietnamBản quyền hình ảnhLAM NGUYEN NHU/FACEBOOK
Ngôi sao Việt cũng cho rằng "Chủ đầu tư chỉ làm các căn hộ mẫu chứ không xây dựng khu nhà mẫu như cách gọi của một số khách hàng" và cũng sẽ không thể "đáp ứng đề nghị giảm giá bán nhà".
Chủ đầu tư cũng cho rằng "Ban đại diện" nhóm khách hàng của ông Nguyễn Thạch Cương "chưa cung cấp được văn bản ủy quyền hợp lệ", nên "không đủ cơ sở để tiếp tục làm việc".
"Chúng tôi rất tiếc, bất chấp những nỗ lực của Chủ đầu tư trong việc đàm phán, trao đổi ôn hòa, nhóm khách hàng đã có những hành vi ứng xử vượt quá chuẩn mực thông thường, đi xe ô tô căng băng rôn qua nhiều địa điểm trong thành phố, gây ách tắc giao thông và làm ảnh hưởng đến trật tự, an ninh trong khu vực," theo lá thư phúc đáp do Tổng giám đốc Ngôi sao Việt Nguyễn Mạnh Hùng ký.

Dự án D'Capitale từng được Vingroup sở hữu

Trên thực tế, Vingroup đã từng sở hữu khu đất vàng tại Đông Nam Trần Duy Hưng này vào 2015.
Khi đó, khu đất này chính là dự án StarCity Centre của Công ty Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Đô thị Ngôi Sao Xanh thuộc CTCP Đầu tư Đại dương Thăng Long (OTL) của Ocean Group.
Vào tháng 8/2015, OTL chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Ngôi sao Xanh cho Vincom Retail của Vingroup với giá khoảng 2,148 tỷ đồng, dự án StarCity Centre được đổi tên thành Vinhomes StartCity Center.
Nhưng ngay sang 2016, Vingroup lại chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Ngôi sao Xanh cho một số doanh nghiệp đối tác. Sau được biết là công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt, công ty con của Tân Hoàng Minh, và dự án lại được đổi tên thành D'Capitale, theo báo Dân Việt.
Vì vậy D'Capitale là thương vụ nghìn tỷ giữa hai ông lớn, do Tân Hoàng Minh làm chủ dự án và Vinhomes giữ vai trò phân phối và vận hành quản lý.

Vì sao CSVN phóng thích và trục xuất Mẹ Nấm

Theo VOA-Thiện Ý/20/10/2018 
Mẹ Nấm và gia đình được chào đón tại phi trường IAH ở Houston.
Mẹ Nấm và gia đình được chào đón tại phi trường IAH ở Houston.
Việc phóng thích Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trước thời hạn, sau hơn hai năm thụ án phạt 10 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước”, rồi đưa từ nhà tù ra sân bay Nội Bài Hà Nội trục xuất qua Hoa kỳ cùng mẹ già và hai con nhỏ vào ngày 17 -10-2018 vừa qua, đã không còn là một bất ngờ gây ngạc nhiên cho những ai từng quan tâm đến số phận nghiệt ngã của các tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Bởi lẽ, đây không phải là lần đâu tiên và cũng chưa phải là lần cuối cùng, nhà cầm quyền CSVN thực hiện điều này. Vì trong quá khứ xa gần, nhà cầm quyền Việt cộng đã từng thực hiện đối sách này với các nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền và dân oan, tiêu biểu như nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, Ls Cù Huy Hà Vũ, blogger Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải và gần đây nhất là luật sư Nguyễn Văn Đài bị trục xuất qua nước Đức; nay là Blogger Mẹ Nấm bị trục xuất qua Hoa Kỳ và đã đến sân bay quốc tế George H. Bush, Houston, bang Texas vào 11 giờ đêm 17-10-2018, với sự chào đón nồng nhiệt của hàng trăm đồng hương tỵ nạn cộng sản.
Vậy vì sao nhà cầm quyền CSVN đã có những hành động như vậy? Câu trả lời tổng quát của chúng tôi: Việt cộng thả các tù nhân lương tâm theo kiểu này không đơn thuần chỉ là vì áp lực của Hoa Kỳ và quốc tế, mà còn là một thủ đoạn có tính toán để thủ lợi qua một “đối sách điệu hổ ly sơn”. Nội dung “đối sách điệu hổ ly sơn” là gì và vì sao Hoa Kỳ lại chấp nhận hệ quả của đối sách này của nhà đương quyền Việt Nam?
I/- ĐỐI SÁCH “ĐIỆU HỔ LY SƠN” LÀ GÌ?
Như chúng tôi đã có dịp trình bầy nhiều lần trước đây, ngoài áp lực công luận quốc tế và các cường quốc dân chủ hàng đầu có ảnh hưởng mạnh như Hoa Kỳ, các nước EU, nhà cầm quyền Việt Nam đã phải trả tự do cho Blogger Mẹ Nấm cũng như những nhà đấu tranh cho dân chủ bị cầm tù trước đây và tiếp diễn sau này, không chỉ dựa trên sự toan tính trao đổi lợi ích song phương hay đa phương, còn là tương kế tựu kế loại trừ các phần tử nguy hiểm chống đối chế độ ra khỏi nước theo đối sách điệu hổ ly sơn”.
Vì một khi đưa được những nhà đấu tranh cho dân chủ hàng đầu không thể “cải tạo” như Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra khỏi nước, nhà cầm quyền Việt Nam đã đưa được những “Con hổ đấu tranh cho dân chủ” ra khỏi “lãnh địa rừng rú của CS” tại Việt Nam, nơi phát huy sức mạnh đấu tranh mạnh mẽ, có hiệu quả vốn là mối hiểm nguy cho sinh mạng chính trị của chế độ độc tài toàn trị CSVN. Một khi những “mãnh hổ dân chủ ” này đưa ra nước ngoài, tác dụng của các hoạt động đấu tranh cho mục tiêu dân chủ hóa Việt Nam của họ dầu muốn dầu không sẽ suy yếu đi, không còn là hiểm họa cận kề.
Đó là chưa kể họ sẽ bị cô lập, tấn công, chụp mũ, nhục mạ thậm từ của chính những người quốc gia chống cộng thật mà cực đoan, đa nghi; hay chống cộng giả (Việt cộng nằm vùng) làm công tác “Đặc tình truyền thông”cho nhà cầm quyền Việt Nam.Nhất là mức độ và cường độ tấn công có thể ác liệt, tàn nhẫn hơn đối với những nhà dân chủ gốc cán bộ đảng viên cộng sản phản tỉnh, từng tham gia guồng máy công quyền dân sự hay quân sự Việt cộng như: cố nhà báo Bùi Tín lúc sinh tiền, vốn là cựu Đại tá, Phó Tổng Biên Tập báo Quân Đội Nhân Dân (QĐND); Ls Cù Huy Hà Vũ, con trai của nhà thơ Cù Huy Cận, con nuôi của nhà thơ Tố Hữu vốn là những công thần của chế độ; hay như Blogger Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải, cựu chiến binh QĐND và Blogger Tạ Phong Tần, cựu sĩ quan công an nhân dân… Những nhà đấu tranh cho dân chủ này, dù quá khứ là thế, nhưng sau này dù đã thực sự “Phản tỉnh”, nhận thức được những sai lầm quá khứ theo đảng CSVN, đã có những lời nói, hành động cụ thể đấu tranh quyết liệt cho dân chủ, nhân quyền, dân oan, phải vào tù, bị đầy ải nhiều năm tháng. Thế nhưng, với đối sách Điệu hổ ly sơn”, nhà cầm quyền Việt Nam đã thành công phần nào trong ý đồ cô lập và vô hiệu hóa các hoạt động đấu tranh của các nhà dân chủ sau khi bị trục xuất ra hải ngoại. … Và vì vậy, nhiều người vẫn lo ngại, rồi đây blogger Mẹ Nấm có là nạn nhân bị “đặc tình cộng sản nằm vùng” đội lốt người quốc gia đánh phá, chụp mũ hay không. Mặc dầu khi mới đến sân bay ở Houston, Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vẫn khẳng định với đồng hương ra đón, rằng trong môi trường hải ngoại sẽ tiếp tục lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ cho tự do, dân chủ nhân quyền của nhân dân cũng như các nhà dân chủ, bất đồng chính kiến đang bị cầm tù trong nước.
II/- VÌ SAO HOA KỲ CHẤP NHẬN HỆ QUẢ ĐỐI SÁCH “ĐIỆU HỔ LY SƠN” CỦA VIỆT CỘNG?
Theo nhận định của chúng tôi, Hoa Kỳ không tiếp tay (theo nghĩa chủ động) mà đã phải tiếp nhận (theo nghĩa bị động) các nhà đấu tranh dân chủ trong nước sau khi được phóng thích và bị trục xuất thẳng từ nhà tù qua Hoa Kỳ, là vì chính sách hai mặt của Hoa Kỳ đối với chế độ độc tài đảng trị CSVN và đối với các lực lượng đấu tranh cho mục tiêu dân chủ hóa Việt Nam.
1.- Đối với chế độ độc tài đảng trị CSVN.
Sau khi nối lại quan hệ ngoại giao, từ 23 năm qua (1995-2018), Hoa Kỳ đã coi chế độ độc tài đảng trị CSVN như là một đối tác làm ăn, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, không còn là đối phương như trước đây trong chiến tranh. Hoa Kỳ nhiều lần xác nhận, rằng Hoa Kỳ luôn tôn trọng sự khác biệt chế độ chính trị của Việt Nam (độc tài, độc đảng) với Hoa Kỳ (Dân chủ, đa đảng).Mặc dầu trên thực tế Hoa Kỳ không che dấu chính sách can thiệp tạo áp lực thúc đẩy Việt Nam chuyển đổi qua chế độ dân chủ đa đảng. Hoa Kỳ có nhiều cách trực tiếp hay gián tiếp tạo áp lực với nhà cầm quyền CSVN theo chiếu hướng dân chủ hóa Việt Nam .
Một cách gián tiếp như ngầm hay công khai lên tiếng yểm trợ các cao trào đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và dân quyền trong cũng như ngoài Việt Nam. Những người tham gia các cao trào này, nếu bị bắt cầm tù do các hành vi đấu tranh ôn hòa, bất bạo động, Hoa Kỳ sẵn sàng lên tiếng, áp lực cách này cách khác,đòi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do và ngưng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, vô điều kiện hay ngầm trao đổi có điều kiện nhằm thành đạt lợi ích nào đó.Thường thì nhà cầm quyền Việt Nam khi cần vẫn sử dụng việc bắt bớ giam cầm các nhà bất đồng chính kiến có giá trị như Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và nhiều người khác, như điều kiện để trao đổi lợi ích nào đó với Hoa Kỳ.
2.- Đối với chính phủ Hoa Kỳ
Việc Hoa Kỳ đồng ý tiếp nhận các nhà bất đồng chính kiến bị cầm tù trục xuất thẳng từ nhà tù như Blogger Mẹ Nấm mới đây, hay Ls Cù Huy Hà Vũ, Blogger Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải, Ls Nguyễn Văn Đài và nhiều người khác trước đây, trước mắt có thể đem lại lợi ích ngầm nào đó cho nhà cầm quyền Việt Nam (tỷ như lợi ích quân sự song phương qua chuyến đi Việt Nam mới đây của Bộ. trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ hay tạo thuận lợi cho chuyến đi Hoa Kỳ sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo đồn đoán có thể diễn ra cuối năm nay, sau khi Quốc hội của đảng chuẩn phê nghị quyết của đảng để Tổng bí thư Trọng kiêm nhiệm Chủ tịch nước?).Trước mắt có thể không có lợi ích gì cho Hoa Kỳ, nhưng tương lai có thể là những vốn nhân sự hữu dụng một khi Việt Nam chuyển đổi qua chế độ dân chủ, đa đảng vốn là mục tiêu tối hậu mà Hoa Kỳ muốn giúp thành đạt tại Việt Nam chăng?
Bởi vì, đây là những vốn nhân lực, hữu dụng cho tương lai, có năng lực và phẩm chất từng được tôi luyên qua đấu tranh gian khó, cần được Hoa Kỳ bảo vệ, tích lũy đưa ra khỏi nhà tù đến nơi an toàn, hơn là tiếp tục để cho bị đầy ải, chết dần mòn và đui chột với án phạt nhiều năm trong nhà tù khắc nghiệt của chế độ đương thời tại Việt Nam. Nghĩa là, Hoa Kỳ không hợp tác, không khuyến khích cho đối sách “Điệu Hổ Ly Sơn của Việt cộng, mà vì lý do nhân đạo và hậu ý lợi ích về sau, nên đã và sẽ tiếp tục tiếp nhận những nhà bất đồng chính kiến được phóng thích và trục xuất thẳng từ nhà tù ra nước ngoài.
Động thái này phù hợp với chủ trương bao lâu nay của Hoa Kỳ là chỉ tạo áp lực trực tiếp hay gián tiếp đẩy đưa Việt Nam chuyển đổi hòa bình từ chế độ độc tài, độc đảng qua chế độ dân chủ đa đảng (diễn biến hòa bình, tự chuyển đổi để chuyển hóa chế độ từ độc tài toàn trị qua dân chủ pháp trị…). Nghĩa là Hoa Kỳ không ủng hộ bạo lực lật đổ để thay thế, mà thực hiện chính sách cải tạo từng bước nhà cầm quyền Việt cộng” thành công cụ chiến lược trong vùng và “chuyển hóa hòa bình chế độ độc tài, độc đảng qua dân chủ, đa đảng theo một tiến trình thời gian phù hợp, tránh bất ổn chính trị, xáo trộn xã hội”. Do đó, trước sau gì Hoa Kỳ chỉ coi các lực lượng quốc gia, dân tộc, dân chủ như những công cụ mà thuật ngữ chính trị gọi là “những đoàn thể quần chúng áp lực, không giành quyền lực để nắm quyền”, góp phần tạo các lực đẩy, lực xoay cùng chiều về hướng dân chủ hóa việt Nam.
III/- KẾT LUẬN:
Giờ đây Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã thoát khỏi nhà tù của chế độ độc tài toàn trị CS trong nước, được hít thở bầu không khí tự do sau những năm tháng tù đầy (hơn 2 năm thụ án 10 năm tù vì chống chế độ độc tài toàn trị CS), được một số cá nhân và đoàn thể người Việt quốc gia ở hải ngoại đón tiếp nồng hậu tại sân bay George H. Bush hôm 17-10 vừa qua và những ngày sau đó. Mặc dầu Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã có những lời tuyên bố kiên định lập trường tiếp tục con đường đấu tranh cho mục tiêu dân chủ hóa đất nước.
Thế nhưng, nhiều người quan tâm, cảm thông không khỏi lo ngại tự hỏi, rồi đây sau khi ổn định sức khỏe và cuộc sống, liệu Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một “Mãnh hổ đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền, dân sinh” ở trong nước, sẽ có còn là “Mãnh hổ đấu tranh cho dân chủ Việt Nam” ở hải ngoại nữa hay không? Đồng thời liệu Cô có bị đối xử bất công và tàn nhẫn như đã từng xẩy ra với các nhà đấu tranh cho dân chủ cùng chung cảnh ngộ trước đây đã bị nhà đương quyền Việt Nam phóng thích và trục xuất thẳng từ nhà tù qua Hoa Kỳ?
Câu trả lời về mặt chủ quan xin dành cho Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh; về khách quan xin dành cho những người quốc gia chống cộng vốn đa nghi ở hải ngoại. Nhưng không cần đặt ra với những kẻ “nằm vùng”đang “đội lốt người quốc gia” làm công tác “Đặc tình truyền thông” có nhiệm vụ đánh phá không riêng gì những nhà đấu tranh cho dân chủ bị bắt cầm tù, bị phóng thích và trục xuất thẳng từ nhà tù ra hải ngoại như Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và nhiều người trước đó; mà đánh phá mọi đoàn thể cũng như cá nhân chống cộng nào mà các hoạt động của họ bất lợi cho chế độ độc tài toàn trị cộng sản hiện nay tại Việt Nam.
Người viết từng nếm mùi tù đầy qua các nhà tù nổi tiếng ở số 4 Phan Đăng Lưu, Chí Hòa và lao động khổ sai ở trại tù Z.30D-K1. Hàm Tân Thuận Hải (1978-1981), thành tâm cầu chúc đồng tù Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một trong những anh thư và nhà đấu tranh kiệt xuất cho mục tiêu dân chủ hóa Việt Nam, sớm bình phục sức khỏe, sau những năm tháng tù đầy và nghị lực kiên cường để tiếp tục dấn thân cùng người Việt quốc gia hải ngoại và toàn dân trong nước đẩy mạnh đấu tranh cho mục tiêu dân chủ hóa đất nước; để mọi tầng lớp nhân dân (chứ không riên chỉ có giai cấp cán bộ đảng viên cộng sản cầm quyền) được sống trong “Độc lập - Tự do - Ấm no - Hạnh Phúc” thực sự.

Thiện Ý
Houston, ngày 18-10-2018

Mỹ Trung: Anh đi đường anh, tôi đường tôi


Phạm Nguyên Trường dịch (VNTB) / Economist | 

Hai siêu cường đã trở thành đối thủ như thế nào?

Trong một phần tư thế kỷ qua, cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc được xây dựng trên niềm tin vào sự hội tụ. Hội nhập chính trị và kinh tế sẽ không chỉ làm cho Trung Quốc giàu có hơn, mà còn làm cho nước này tự do hơn, đa nguyên hơn và dân chủ hơn. Đã xảy ra những cuộc khủng hoảng, ví dụ, vụ đối đầu trong eo biển Đài Loan, năm 1996 hoặc vụ bắn hạ chiếc máy bay gián điệp, năm 2001. Nhưng Mỹ vẫn tin rằng, với những khích lệ phù hợp, cuối cùng, Trung Quốc cũng sẽ tham gia vào trật tự thế giới như một “người có trách nhiệm ”.

Hôm nay, hi vọng hội tụ đã cáo chung. Mỹ đã bắt đầu coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược - một diễn viên đầy ác ý và một kẻ phá hoại pháp luật. Chính quyền Trump cáo buộc nước này can thiệp vào nền văn hóa và chính trị của Mỹ, ăn cắp tài sản trí tuệ và gian lận trong buôn bán, và tìm kiếm không chỉ vai trò lãnh đạo ở châu Á, mà còn muốn thống trị toàn thế giới. Mỹ lên án thành tích nhân quyền của Trung Quốc ở trong nước và bành trướng một cách hung hăng ra bên ngoài. Trong tháng này, Mike Pence, phó tổng thống Mỹ, đã cảnh báo rằng toàn bộ chính quyền Trung Quốc đã tham gia tấn công. Giọng điệu bài phát biểu thật đáng ngại, chẳng khác gì hồi kèn khơi màu cho cuộc chiến tranh lạnh mới.

Đừng nghĩ rằng ông Pence và cấp trên của ông ta, Tổng thống Donald Trump, là những người đơn độc. Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang tranh giành nhau xem bên nào chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ hơn. Ngay từ cuối những năm 1940 một số doanh nhân, một số nhà ngoại giao và trong các lực lượng vũ trang Mỹ người ta đã nhanh chóng chuyển sang ý tưởng cho rằng Mỹ đang phải đối mặt với một đối thủ chiến lược và ý thức hệ mới.

Đồng thời, Trung Quốc cũng đang thay đổi quan điểm của chính mình. Các chiến lược Trung Quốc đã nghi ngờ từ lâu rằng, trong thâm tâm, Mỹ muốn ngăn chặn, không cho nước mình vươn lên. Đó là một phần lý do vì sao Trung Quốc tìm cách giảm bớt đối đầu bằng cách “ẩn mình chờ thời”. Đối với nhiều người Trung Quốc, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã làm cho họ không cần khiêm tốn nữa. Cuộc khủng hoảng đẩy nước Mỹ lùi lại, trong khi Trung Quốc thịnh vượng. Từ đó, Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy “Giấc mơ Trung Hoa”, làm cho quốc gia này vươn lên đỉnh cao trên thế giới. Nhiều người Trung Quốc coi Mỹ là đạo đức giả, họ cho rằng Mỹ đã phạm tất cả những tội lỗi mà Mỹ cáo buộc Trung Quốc. Náu mình chờ thời đã qua.

Tình hình là rất đáng báo động. Theo các tư tưởng gia, ví dụ Graham Allison, đại học Harvard, lịch sử cho thấy các nước bá quyền như Mỹ và các cường quốc đang lên, như Trung Quốc, có thể dính mắc vào nhau trong chu kỳ cạnh tranh đầy thù nghịch.

Mỹ sợ rằng thời gian đang ủng hộ Trung Quốc. Tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc cao hơn hơn hai lần so với Mỹ và nước này đang đổ tiền vào công nghệ tiên tiến, ví dụ, trí thông minh nhân tạo, điện toán lượng tử (quantum computing) và công nghệ sinh học. Hành động mà chỉ đơn thuần là làm nản chí trong ngày hôm nay – ví dụ, ngăn chặn việc thủ đắc một cách bất hợp pháp sở hữu trí tuệ, hoặc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông - có thể là bất khả thi vào ngày mai. Dù muốn dù không, các chuẩn mực mới, điều chỉnh cách thức các siêu cường cư xử với nhau đang được thiết lập ngay lúc này. Khi tiêu chuẩn đã được thiết lập, sẽ khó mà thay đổi được nữa. Vì lợi ích của nhân loại, Trung Quốc và Mỹ cần phải thông cảm với nhau trong hòa bình. Bằng cách nào?

Trump và chính quyền của ông đã làm đúng ba việc. Trước hết, Mỹ cần phải trở thành đất nước đầy sức mạnh. Chính phủ của ông đã làm cho những luật lệ về việc tiếp quản các công ty Mỹ trở thành cứng rắn hơn, đặt ra nhiều điều khoản nhằm bảo an ninh quốc gia hơn trước. Chính phủ Mỹ cũng đã dẫn độ một nhân viên tình báo Trung Quốc bị cáo buộc từ nước Bỉ về Mỹ. Chính phủ cũng đã gia tăng ngân sách quân sự (mặc dù số tiền chi thêm cho châu Âu vẫn còn qua ít do với chi cho khu vực Thái Bình Dương). Và chính phủ cũng đã tăng các khoản viện trợ cho nước ngoài nhằm chống lại các khoản đầu tư hào phóng của Trung Quốc ở nước ngoài.

Trump cũng đúng khi cho rằng nước Mỹ cần điều chỉnh kỳ vọng về hành vi của Trung Quốc. Hệ thống giao dịch hiện nay không ngăn cản được các công ty được nhà nước Trung Quốc hỗ trợ xóa nhòa ranh giới giữa lợi ích thương mại và lợi ích quốc gia. Chính phủ Trung Quốc trợ cấp tiền và bảo vệ các công ty khi các công ty này mua công nghệ sử dụng cả trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự hoặc làm méo mó thị trường quốc tế. Trung Quốc đã và đang lợi dụng ảnh hưởng về thương mại của mình trong các nước nhỏ hơn nhằm tác động đến chính sách đối ngoại, ví dụ, ở Liên minh châu Âu. Phương Tây cần sự minh bạch về các khoản tài trơ của các đảng chính trị, các tổ chức nghiên cứu (think-tank) và các khoa của các đại học.

Thứ ba, khả năng có một không hai của Trump trong việc thể hiện thái độ coi thường của ông đối với nhận thức thông thường dường như đã và đang mang lại hiệu quả. Ông không phải là người tinh tế hay nhất quán, nhưng cũng như với hiệp định thương mại với Canada và Mexico, những lời hăm dọa của Mỹ có thể dẫn đến giao kèo. Trung Quốc không phải là đối tác dễ bị bắt nạt – kinh tế Trung Quốc không phụ thuộc vào xuất khẩu vào Mỹ như Canada và Mexico và khi đứng trước nhân dân, Tập [Cận Bình] không thể thể từ bỏ giấc mơ Trung Hoa. Tuy nhiên, việc Trump sẵn sàng đoạn tuyệt và xúc phạm đã gây khó khăn cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, những người cho rằng Mỹ không sẵn sàng lật ngược thế cờ.

Nhưng, để xử lí những việc sẽ diễn ra, Trump cần chiến lược chứ không chỉ chiến thuật. Điểm khởi đầu phải là quảng bá các giá trị Mỹ. Trump hành động như thể ông tin rằng đấy có thể là đúng. Ông khinh bỉ các giá trị mà Mỹ coi là thiêng liêng trong các thiết chế toàn cầu giai đoạn sau Thế chiến II. Nếu theo đường lối đó, nước Mỹ sẽ mất dần vai trò tư tưởng và vai trò của lực lượng đạo đức và chính trị. Khi Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc trong vai người giám hộ trật tự dựa trên luật pháp, là nước này bắt đầu từ quan điểm của sức mạnh. Nhưng bất kỳ chế độ dân chủ phương Tây nào đối xử cạn tàu ráo máng với Trung Quốc sẽ - và chắn chắn sẽ - thua.

Chiến lược này nên dành không gian cho Trung Quốc vươn lên một cách hòa bình - có nghĩa là cho phép Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng của mình. Một phần là vì nỗ lực ngăn chặn theo kiều “được ăn cả ngã về không” có thể dẫn đến xung đột. Nhưng làm như thế cũng vì Mỹ và Trung Quốc cần hợp tác, mặc dù họ vẫn cạnh tranh với nhau. Hai nước gắn bó với nhau về thương mại hơn là với Mỹ với Liên Xô trước đây. Và hai nước cùng chia sẻ trách nhiệm - ngay cả khi Trump phủ nhận - trong đó có các lợi ích về môi trường và an ninh, ví dụ, bán đảo Triều Tiên.

Và chiến lược của Mỹ phải bao gồm một loạt biện pháp nhằm chia tách nước này một cách rõ ràng ra khỏi Trung Quốc: thành lập các liên minh. Ví dụ, trong lĩnh vực thương mại, Trump nên làm việc với EU và Nhật Bản để ép Trung Quốc phải thay đổi. Về quốc phòng, Trump không chỉ phải ngừng công kích các liên minh mà còn cần giúp đỡ những người bạn cũ, như Nhật Bản và Australia, đồng thời, khích lệ những người bạn mới, như Ấn Độ và Việt Nam. Liên minh là cái gốc vững chắc nhất cho việc bảo Mỹ nhằm chống lại những lợi thế mà Trung Quốc sẽ gặt hái được nhờ sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của họ.


Có lẽ việc Mỹ và Trung Quốc trở thành đối thủ của nhau là không thể tránh khỏi. Nhưng đối thủ, cạnh tranh không có nghĩa là chiến tranh là không thể tránh khỏi.

Tinh thần quý tộc, phẩm chất tinh hoa và trách nhiệm đối với xã hội

Tinh thần quý tộc, phẩm chất tinh hoa và trách nhiệm đối với xã hội
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao vì cụm từ “tầng lớp tinh hoa, quý tộc” sau một ý kiến bảo vệ việc xây dựng nhà hát 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm. Người ta bắt đầu tìm hiểu và phân tích định nghĩa thế nào là tầng lớp tinh hoa, quý tộc. Và có vẻ như, sự tinh hoa, quý tộc không liên quan gì tới mức độ thừa thãi về mặt vật chất hay sự toàn diện trong giáo dục.
Bởi có những người thiếu thốn trong đời sống vật chất cũng không được học hành đến thạc sĩ hay tiến sĩ, nhưng phẩm chất quý tộc vẫn toát lên trong mọi hành động và suy nghĩ của họ.
Nghệ thuật chỉ là một điều kiện cần để trở thành tầng lớp tinh hoa
Trong cuốn sách Phẩm cách Quốc gia, giáo sư người Nhật Fujiwara Masahiko đã viết:
“Để trở thành tinh hoa thật sự thì người ta cần tới hai điều kiện. Một là trang bị cho bản thân vốn văn hóa – những thứ vốn được coi là không đem lại lợi ích gì như văn học, triết học, lịch sử, nghệ thuật, khoa học. Dựa trên nền tảng văn hóa đó mà có được cái nhìn toàn cục và năng lực phán đoán tổng hợp ưu việt mà người dân thường khó có thể sánh được. Đây là điều kiện thứ nhất. Hai là, khi “hữu sự” thì có tấm lòng sẵn sàng hy sinh tính mạng cho quốc gia, dân tộc”.
Đúng là muốn trở thành tinh hoa theo như ông Masahiko, người ta cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức về nghệ thuật bởi đó là một phần của nền tảng văn hoá để giúp ta có cái nhìn và năng lực phán đoán toàn diện hơn trước mọi vấn đề. Nhưng không phải cứ nhồi nhét thật nhiều văn hoá vào người là trở thành người có văn hoá, không phải tới xem thật nhiều buổi biểu diễn nhạc giao hưởng với cái quạt phe phẩy ồn ào và ngáp lia lịa là trở thành tinh hoa, quý tộc.
Giáo sư Trịnh Cường của Đại học Chiết Giang, Trung Quốc từng nói một cách thẳng thắn không e ngại rằng: “Người dân chúng ta thì có hai người trên xe buýt thôi mà vẫn chen lấn nhau. Tương lai cho dù Trung Quốc phát triển rồi, bạn hãy nhìn những người giàu lái xe hơi sang trọng xem, họ khạc nhổ, vứt rác qua cửa kính ô tô, bạn sẽ biết ngay Trung Quốc có giàu có hơn nữa cũng không có lớn mạnh”.
Thế nên đâu phải cứ đi ô tô thì sẽ văn hoá hơn xe máy, nghe nhạc giao hưởng thì sẽ quý tộc hơn nghe nhạc trữ tình. Người có tinh thần quý tộc thật sự, dù họ đi xe đạp cũng thẳng lưng, khoan thai, đi nhanh cũng không thở hồng hộc phì phò, tất nhiên chẳng thể vượt đèn đỏ hay lạng lách đi bừa. Người có tinh thần quý tộc thì dù mặc quần áo cũ, bạc, thì vẫn phải thẳng thớm, gọn gàng. Người có tinh thần quý tộc thì dù phải nghe thứ âm nhạc mà họ cảm thấy uỷ mỵ, thê lương cũng sẽ không bày tỏ thái độ khó chịu để tôn trọng người nghệ sĩ và những người yêu thích thứ âm nhạc đó.
Tinh thần quý tộc vốn không thể đo lường bằng của cải vật chất. (Ảnh minh họa: sabaso.ir)
Người quý tộc khi tới cửa sẽ nép mình vào một bên nhường đường cho người đối diện qua trước rồi mới tới lượt mình. Khi thấy người ăn xin, người quý tộc sẽ không trực tiếp ném tiền vào họ mà lặng lẽ mua một xuất ăn nóng hổi nhờ nhân viên nhà hàng mang tới cho người cần. Người quý tộc biết giữ lễ nghĩa với tất cả những ai đối diện họ, giữ nề nếp tại tất cả những môi trường công cộng mà họ tới. Và người quý tộc sẽ không vội vàng nhảy bổ vào các cuộc tranh luận để bày tỏ quan điểm hay bác bỏ người khác để tôn lên cái chủ kiến cá nhân.
Điều làm nên sự khác biệt là cái gốc văn hoá thật sự trong con người, là khả năng phán đoán, phân tích tình hình một cách khách quan và rộng lượng; có chính kiến mà không áp đặt, phê phán người khác; có tiết tháo, trọng danh dự mà không quá cầu kỳ, giả tạo về mặt hình thức; có lương tri và sự từ bi đạt tới khả năng giao cảm với mọi tầng lớp xã hội và thiên nhiên, tạo hoá.
Phẩm chất quý tộc thật sự
Thế nên một điều quan trọng làm nên phẩm cách quý tộc phải là sự từ bi, rộng lượng, và tự thấy có trách nhiệm, sứ mệnh gánh vác đối với các mối quan tâm lâu dài của xã hội.
Trữ An Bình trong Anh quốc phong thái lục có nói: “Phàm là một quý ông quý tộc thực thụ, họ đều xem thường đồng tiền… Người Anh cho rằng một quý ông quý tộc thực thụ là một người cao quý thực sự, chính trực, không thiên vị, không sợ gian khó, thậm chí có thể vì người khác mà hy sinh chính mình. Anh ta không chỉ là một người có danh dự, mà còn là một người có lương tri”.
Bởi trên hết, khi họ có thể có đủ văn hoá để nhận định mọi chuyện, họ biết rằng, cái tôi cá nhân thật nhỏ bé, cái họ hiểu biết cũng thật nhỏ bé. Và dù họ biết rằng phải có trách nhiệm bảo vệ những điều đúng đắn, nhưng phong thái tranh luận cũng nói lên nội hàm con người, và cách khiến người khác tâm phục khẩu phục không phải là bằng sự phán xét, áp đặt và chỉ trích.
Trong văn hóa phương tây, quý tộc thực thụ là một người cao quý thực sự, chính trực, không thiên vị, thậm chí có thể vì người khác mà hy sinh chính mình. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)
Quan điểm về phấm chất quý tộc phương Đông
Có câu nói, quý tộc không phải là hưởng thụ vật chất mà là một loại trạng thái tinh thần, quả đúng lắm. Cái quan điểm về tinh thần quý tộc phương Tây này thật ra lại rất đồng điệu với quan điểm về người quân tử trong văn hoá phương Đông. Có điều, để làm nổi bật hơn nữa, người ta thường phân biệt rõ ràng giữa quân tử (người có đầy đủ đức hạnh) và tiểu nhân (người có nhân cách thấp kém).
Trong đó, trí tuệ của người quân tử không thể hiện ở những tranh luận, thu vén lợi ích vụn vặt mà ở lòng dạ quang minh chính đại, khoan dung độ lượng. Từ đó, lấy tĩnh chế động, hoà ái từ trong tâm cho tới hành động.
Quân tử thường cầu mình chứ không cầu người, nghĩa là đặt yêu cầu cao cho bản thân mà ước thúc thực hành tu tâm lẫn thân. Còn kẻ tiểu nhân thường không xem xét chính mình mà tìm sai lầm của người khác và phán xét.
Người ta vẫn thường nhầm tưởng rằng người quân tử thì thường có khí chất cao ngạo, nhưng thật ra đó chỉ là cái áo mỏng tang của kẻ thất phu. Người quân tử ung dung, bình thản, sống hợp đạo Trời, thuận theo lòng người mà vẫn nhận được sự tôn kính tột bậc. Họ trang trọng trong ăn mặc, bình thản trong tâm hồn, không làm chuyện thất thố, thái quá. Còn kẻ tiểu nhân thì khoe mẽ, tâm hồn xáo động chẳng lúc nào yên.
Khổng Tử từng nói: “Nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ”, tạm dịch là người có lòng nhân thì không ưu tư, có kiến thức thì không nghi ngờ, có dũng cảm thì không sợ hãi. 
Thế nên, người quân tử đã hiểu biết tỏ tường cái phông văn hoá hay có đạo học đầy đủ thì luôn trầm tĩnh tự tại, khoan dung độ lượng với mọi sự khác biệt và thấp kém, lại càng chẳng có thế lực nào có thể lay chuyển được họ. Ngược lại, kẻ tiểu nhân tâm địa hẹp hòi, trong lòng luôn có điều mờ ám, vĩnh viễn bất an và thích làm những chuyện phiến động đồn đại.
Dù có phân biệt bằng khái niệm nào đi nữa, tầng lớp tinh hoa, quý tộc hay bậc quân tử trượng phu, thì đều phải có một điểm như Fujiwara Masahiko hay Trữ An Bình mô tả, đó là sự sẵn sàng hy sinh bản thân cho những lợi ích lớn lao hơn của cộng đồng.
Sự khác biệt của người có tinh thần quý tộc là sự sẵn sàng hy sinh bản thân cho những lợi ích lớn lao hơn của cộng đồng. (Ảnh minh họa: baomoi.com)
Đó là nền tảng cơ bản ở mọi quốc gia hùng mạnh nhất khi muốn dựa vào tầng lớp tinh hoa để dẫn dắt đất nước. Bởi những người này cảm thấy trách nhiệm làm việc tốt đẹp cho xã hội là sứ mệnh của họ, làm việc công là để mang tới lợi ích cho xã hội, đó là quá trình đòi hỏi sự hy sinh chứ không phải hưởng thụ. Làm việc công không phải vì danh vọng, quyền lực, tiền tài, vật chất, mà vì người khác, vì sự tốt đẹp hơn của cộng đồng.
Thế nên muốn quốc gia phát triển, Masahiko đã đặt vấn đề rằng phải cần đến những người tinh hoa thật sự, và rằng giới quan liêu bao cấp không phải là tinh hoa. Chỉ khi những người đang dẫn dắt đất nước thật sự đạt đến tiêu chuẩn tinh hoa, quý tộc thực thụ, với tinh thần hy sinh và sẵn sàng tiếp thu ý kiến trái chiều, có thể viên dung lợi ích của những tầng lớp xã hội khác nhau, thì lúc đó quốc gia mà chúng ta đang xây dựng mới thật sự phát triển bền vững và hùng mạnh.
Thuần Dương