Saturday, September 5, 2020

Ăn chưa đã miệng, Bộ Công An CSVN lại vẽ tiếp dự án để lấy tiền thuế dân

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dự án “Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân” với kinh phí lên đến 2,696 tỷ đồng ($116.2 triệu) của Bộ Công An CSVN vừa được Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc rốt rẻng thông qua.

Báo VietNamNet hôm 5 Tháng Chín nhấn mạnh dự án “nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về căn cước công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự, hướng tới xây dựng chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời góp phần phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.”

Dự án “Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân” nay được báo đảng biện hộ là “nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân.” (Hình: VietNamNet)

Việc giải ngân khoản tiền thuế dân được VietNamNet diễn giải là “sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, minh bạch, thường xuyên kiểm tra, giám sát, phòng ngừa thất thoát, lãng phí.”

Thủ Tướng Phúc được ghi nhận giao Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ Công An CSVN rót tiền cho dự án được triển khai từ nay đến năm 2022.

Không hề thấy các báo nhà nước tường thuật việc dự án nêu trên có được phản biện, đánh giá hiệu quả, mức phân bổ ngân sách hợp lý, cũng như hiệu quả của những lần thay “chứng minh nhân dân” trước đây.

Liên quan dự án này, hệ thống truyền thông nhà nước được chỉ thị đăng liên tiếp nhiều bài tuyên truyền về tính ưu việt của thẻ căn cước công dân gắn chip thay vì mã vạch như hiện nay.

Tuy vậy, chiến dịch truyền thông rầm rộ này cũng không làm công luận bớt hoài nghi về chuyện Bộ Công An CSVN cố tình “vẽ” dự án tốn kém trăm triệu đô từ ngân sách để tăng cường việc kiểm soát người dân, trong lúc đợt đổi “chứng minh nhân dân” sang thẻ căn cước công dân có mã vạch mới thực hiện hồi năm 2016.

Điều oái oăm là đến cuối năm 2020, khi nhà cầm quyền bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân gắn chip, ở Việt Nam sẽ tồn tại đồng thời bốn mẫu căn cước đều có giá trị sử dụng gồm: “chứng minh nhân dân” chín số, “chứng minh nhân dân” 12 số, căn cước công dân có mã vạch và căn cước công dân gắn chip.

Báo Tuổi Trẻ hồi đầu Tháng Tám ghi nhận: “Không chỉ người dân bất ngờ, cán bộ thực hiện công tác tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân cũng gặp lúng túng khi vừa mới triển khai nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ cấp thẻ. Tại Sài Gòn, từ Tháng Bảy, số người dân đi làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân tăng lên. Nay chấp hành chủ trương mới thì gặp khó khăn với kế hoạch vừa triển khai.”

Có lẽ biết rằng không cơ quan truyền thông nào của nhà nước được phép phản đối dự án của Bộ Công An CSVN, báo Tuổi Trẻ dè dặt đưa ra lời khuyên rằng “chứng minh nhân dân” nếu vẫn còn hạn sử dụng thì cứ dùng tiếp, còn trường hợp cần cấp căn cước công dân để đi thi, đi học, giao dịch… mới cần đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip.

Bộ Trưởng Công An CSVN Tô Lâm (trái) và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nay là “cặp bài trùng” tại các sự kiện. (Hình: Trang web Công An Nghệ An)

Lên tiếng trên báo điện tử Pháp Luật Plus của Bộ Tư Pháp CSVN, ông Nguyễn Ái Việt, cựu viện trưởng Công Nghệ Thông Tin, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, cho biết: “Việc gắn chip lên thẻ căn cước công dân, về nguyên tắc thì có thể định vị được, nếu người thiết kế muốn. Vì thế, việc người dân băn khoăn, lo lắng là có cơ sở. Nếu cần thiết phải gắn chip lên thẻ căn cước công dân thì nhà chức trách cần công bố công khai, đồng thời phải nêu rõ việc quản lý, sử dụng chip để làm gì? Việc thu thập thông tin không có lý do chính đáng là vi phạm quyền riêng tư. Điều quan trọng là dữ liệu trong từng chip sẽ được quản lý và sử dụng như thế nào?… Hiến Pháp có nêu về quyền cá nhân, quyền riêng tư [của người dân] được bảo vệ. Không ai được xâm phạm những bí mật cá nhân, trừ khi người đó là nghi can hoặc kẻ phạm tội.” (N.H.K) [qd]

Bộ Trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận Formosa được xả thải thoải mái

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong một hành động hiếm hoi, ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Tài Nguyên Môi Trường CSVN, thừa nhận rằng dự án Formosa “có nguồn thải lớn nhưng lại không được đánh giá tác động môi trường sơ bộ trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư.”

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Hà giải thích rằng do Formosa là “dự án cấp tỉnh phê duyệt” và “có quy mô đầu tư tư nhân” nên chính phủ, Quốc Hội không phê duyệt (chủ trương đầu tư) và cũng không tính toán, đánh giá tác động môi trường sơ bộ.”

Nhà máy Formosa Hà Tĩnh được báo đảng ghi nhận lỗ lũy kế hơn $1 tỷ sau hai năm đi vào hoạt động. (Hình: CafeF.vn)

Nhà máy Formosa Hà Tĩnh được cho là thủ phạm gây ra thảm họa cá chết ở bốn tỉnh miền Trung hồi năm 2016, khiến hàng triệu gia đình mất sinh kế.

Trong một diễn biến khác, tờ Pháp Luật TP.HCM cho hay, Bộ Tài Chính CSVN đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi miễn thuế nhập cảng đối với dự án Formosa Hà Tĩnh và đã được Thường Trực Chính Phủ đồng ý. Phương án miễn thuế cho nhà máy này đã được triển khai từ năm 2010. Báo này cho rằng việc dừng ưu đãi thuế đối với dự án Formosa “sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, dẫn đến khiếu kiện của doanh nghiệp.”

Việc nhà cầm quyền CSVN quyết định tiếp tục chính sách miễn thuế cho Formosa Hà Tĩnh khiến công luận bất bình. Kể từ khi đầu tư vào Việt Nam, Formosa Hà Tĩnh đã và đang được nhận những ưu đãi lớn về thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp lẫn thu nhập cá nhân, trong lúc lại gây ra  thảm họa môi trường tồi tệ nhất.

Đáng lưu ý, theo trang tin điện tử Nhịp Sống Kinh Tế hôm 1 Tháng Chín, Formosa Hà Tĩnh báo lỗ lũy kế hơn $1 tỷ sau hai năm đi vào hoạt động.

Trang tin này cho biết thêm, những tháng đầu năm 2020, sản lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phôi thép, thép thành phẩm của Formosa giảm mạnh do hiện nay giá thép thành phẩm liên tục giảm trong lúc giá nguyên liệu tiếp tục tăng cao.

Cũng cần nói thêm, không chỉ lên tiếng bao biện cho Formosa, Bộ Trưởng Hà từng khiến người dân phẫn nộ vì kiểu “trấn an” trước các thảm họa môi trường như trong vụ cháy nhà máy Rạng Đông hồi cuối Tháng Tám, 2019, vụ trung tâm Nhiệt Điện Vĩnh Tân, nhà máy Nhiệt Điện Mông Dương 1… thải ra hàng triệu tấn tro xỉ mỗi năm gây nguy hại cho môi trường và sức khỏe của người dân.

Một trong những vết nhơ của người đứng đầu Bộ Tài Nguyên Môi Trường CSVN là hồi Tháng Tám, 2016, trong lúc công luận tức giận tột độ về thảm họa cá chết, ông Hà cho các báo nhà nước đồng loạt đăng ảnh cho thấy ông và bộ sậu đang tắm biển Cửa Việt và ăn hải sản ở Quảng Trị để chứng thực rằng nước biển miền Trung “đạt chuẩn.”

Ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Tài Nguyên Môi Trường CSVN. (Hình: Gia Hân/Thanh Niên)

Đến nay, báo cáo đánh giá tác động môi trường được cho là khái niệm “nhạy cảm” trên báo đảng. Trong vụ gần đây nhất, hồi Tháng Bảy, công luận phản đối gay gắt dự án xây khu đô thị lấn biển Cần Giờ của tập đoàn Vingroup với quy mô 2,870 héc ta. Nhiều blogger thuộc giới hoạt động môi trường lên tiếng đòi công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này nhưng không được đáp ứng. Thậm chí, những người này còn bị báo đảng quy chụp là “bị thế lực thù địch kích động.”

Thời điểm đó, theo báo Zing, Tổng Cục Môi Trường tuyên bố rằng đánh giá tác động môi trường của dự án lấn biển Cần Giờ “theo đúng quy định” và kết luận dự án này “tác động không đáng kể tới rừng ngập mặn.” (N.H.K) [qd]

Bác bỏ thông tin mặt cầu Thăng Long do chuyên gia Trung Quốc sửa chữa

 RFA-2020-09-04
Mặt cầu Thăng Long bị hằn lún.
 Mặt cầu Thăng Long bị hằn lún.Nguồn: baochinhphu.vn

Tổng cục Đường bộ Việt Nam ngày 4/9 khẳng định công nghệ sửa cầu Thăng Long do chuyên gia trong nước đề xuất, nghiên cứu và được thực hiện bởi nhà thầu trong nước, thông tin sử dụng công nghệ Trung Quốc hoàn toàn không chính xác.

Báo Nhà nước Việt Nam loan tin cùng ngày.

Tin cho biết, trường đại học Giao thông Vận tải đề xuất giải pháp sử dụng công nghệ lõi của châu Âu để sửa chữa cầu Thăng Long. Qua quá trình nghiên cứu, phương án này được đánh giá khả thi và hiệu quả.

Theo lời người đại diện Tổng cục Đường bộ, chỉ có thiết bị rải lớp bê tông siêu tính năng và bảo dưỡng hơi nước được nhập khẩu từ Công ty Thành Hưng của Trung Quốc nên quá trình vận hành, bàn giao theo hợp đồng mua sắm thiết bị rải và bảo dưỡng lớp bê tông siêu tính năng có hai kỹ thuật viên nhà thầu Trung Quốc thực hiện.

Còn lại, toàn bộ quá trình nghiên cứu đề xuất giải pháp sửa chữa và tiến hành thi công đều được thực hiện bởi tư vấn và nhà thầu xây dựng trong nước. Vật liệu cũng được sử dụng trong nước, không phải nhận chuyển giao công nghệ từ bất cứ quốc gia nào.

Cầu Thăng Long là công trình ghi dấu mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Cầu bắc qua sông Hồng được các chuyên gia Nga thiết kế và xây dựng từ năm 1974, hoàn thành cuối năm 1985. Cầu được tu sửa sau nhiều lần xuống cấp qua hơn 20 năm sử dụng.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 269 tỉ đồng, được thi công từ ngày 16/8 vừa qua và được dự kiến hoàn thành vào cuối quý 4/2020.

Phiên tòa Đồng Tâm: “Dọn đường đưa dân lên đoạn đầu đài”?

 RFA-2020-09-04 
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy đông đảo lực lượng cơ động đang tiến về thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội sáng sớm ngày 9/1/2020.

Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy đông đảo lực lượng cơ động đang tiến về thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội sáng sớm ngày 9/1/2020. Courtesy of Netizen. RFA edited

Tuyên bố “Vụ án Đồng Tâm: Chính quyền từ sai lầm đến tội ác”

Tiến sĩ Mạc Văn Trang, vào tối ngày 4/9 lên tiếng với RFA liên quan tuyên bố mới nhất của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng về vụ án Đồng Tâm:

“Quan điểm của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng là những người đã trải qua hai cuộc kháng chiến cùng những thăng trầm của lịch sử và đã thấu hiểu được nỗi khổ của nhân dân, cũng như những oan ức trong vụ án Đồng Tâm. Và, hiện nay sắp xét xử về vụ án Đồng Tâm. Đem 29 người dân Đồng Tâm ra xử tội, với 25 người bị xử tội ‘giết người’ và 4 người tội ‘chống người thi hành công vụ’. Nghe được tin đó thì anh, chị, em trong Câu lạc Bộ Lê Hiếu Đằng rất bàng hoàng và kinh khủng quá. Thế thì, chúng tôi đã thảo luận nội dung được trình bày trong bài viết về quan điểm của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng về vụ án Đồng Tâm.”

Bản tuyên bố “Quan điểm của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng về vụ án Đồng Tâm: Chính quyền từ sai lầm đến tội ác”, được công bố vào ngày 3/9, trong bối cảnh Việt Nam kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Nội dung của bản tuyên bố này trình bày 10 sai lầm và tội ác của chính quyền trong vụ án Đồng Tâm, bao gồm sai lầm về chính sách ruộng đất và quản lý đất đai; sai lầm về việc cố tình chiếm 59 héc-ta đất đồng Sênh của dân Đồng Tâm; tội ác lừa ông Lê Đình Kình ra cánh đồng, đánh gãy chân và bắt đi; sai lầm: ông Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký cam kết rồi lật lọng; sai lầm về công tác dân vận và thực thi pháp luật; tội ác rạng sáng ngày 9/1/2020; sai lầm bịa đặt các kịch bản; tội ác ép cung nhận tội trên tivi; tội ác ngăn cản sự cứu giúp nạn nhân và trợ giúp pháp lý; tội ác truy tố các nghi can một cách áp đặt.

Truyền thông Nhà nước dẫn dắt dư luận vụ án Đồng Tâm?

Bây giờ họ đang dẫn dắt dư luận rằng đây là một vụ giết người, giết chết 3 công an và đây là một nhóm khủng bố. Nhưng người dân không tin. Bởi vì rằng một bằng chứng rõ ràng là khi lực lượng chức năng tập kích vào làng lúc người dân đang ngủ giữa đêm thì đã sai luật rồi. Thêm nữa, lại giết chết một cụ già hơn 80 tuổi, bị què một chân và bắn chết, phanh thây như thế thì người dân đã phẫn nộ vô cùng. Chính quyền không thể biện minh rằng đã làm theo pháp luật được. Nhưng đương nhiên, họ dẫn dắt như thế thì sẽ bất lợi cho 29 người dân Đồng Tâm đã bị bắt khi ra tòa xét xử. Tại vì luật trong tay họ và họ ngồi xổm lên pháp luật. Họ đã quyết xử những người dân Đồng Tâm có tội thì với chế độ này, chắc chắn những người dân Đồng Tâm sẽ có tội, sẽ bị đi tù và thậm chí bị tử hình
-Nhà báo Sương Quỳnh

Đài RFA ghi nhận truyền thông Nhà nước Việt Nam đồng loạt đưa tin thông báo của tòa án về phiên tòa sơ thẩm đối với vụ án Đồng Tâm. Nội dung các bản tin tập trung chủ yếu vào những thông tin cáo buộc 29 người dân Đồng Tâm là tội phạm lên kế hoạch giết người kỹ càng, bài bản và có chủ đích. Chẳng hạn, trong tản tin của VTC News, đăng tải hôm 3/9 ghi rõ “với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, những kẻ ở Đồng Tâm dùng dao phóng lợn tấn công khiến 3 chiến sĩ ngã xuống hố sâu, sau đó chúng nhẫn tâm đổ xăng xuống và châm lửa đốt”.

Nhà báo tự do Sương Quỳnh đưa ra nhận định với RFA rằng cách thức truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin về vụ án Đồng Tâm và phiên tòa sắp diễn ra trong vài ngày tới là một sự dẫn dắt dư luận một cách trắng trợn. Tuy nhiên dân chúng tại Việt Nam, những ai quan tâm vụ án Đồng Tâm không tin vào sự định hướng dư luận đó.

“Bây giờ họ đang dẫn dắt dư luận rằng đây là một vụ giết người, giết chết 3 công an và đây là một nhóm khủng bố. Nhưng người dân không tin. Bởi vì rằng một bằng chứng rõ ràng là khi lực lượng chức năng tập kích vào làng lúc người dân đang ngủ giữa đêm thì đã sai luật rồi. Thêm nữa, lại giết chết một cụ già hơn 80 tuổi, bị què một chân và bắn chết, phanh thây như thế thì người dân đã phẫn nộ vô cùng. Chính quyền không thể biện minh rằng đã làm theo pháp luật được. Nhưng đương nhiên, họ dẫn dắt như thế thì sẽ bất lợi cho 29 người dân Đồng Tâm đã bị bắt khi ra tòa xét xử. Tại vì luật trong tay họ và họ ngồi xổm lên pháp luật. Họ đã quyết xử những người dân Đồng Tâm có tội thì với chế độ này, chắc chắn những người dân Đồng Tâm sẽ có tội, sẽ bị đi tù và thậm chí bị tử hình.”

Nhà báo Sương Quỳnh nhấn mạnh rằng dù cho các bản án nặng nề nhất mà tòa án Việt Nam cố tình áp đặt tuyên cho 29 người dân Đồng Tâm thì Chính quyền Việt Nam cũng sẽ bị bất lợi trước công luận thế giới.

“Chắc chắn là bất lợi, tức là quốc tế thì người ta có tòa án độc lập và họ sẽ nhìn nhận đâu là vấn đề về pháp lý đúng hay sai. Nhưng về luật quốc tế là đã sai rồi. Về luật của Việt Nam thì chính quyền cũng sai. Thế thì phiên tòa này chỉ làm cho người dân càng căm phẫn hơn vì nhìn thấy rõ hơn bộ mặt sự thật của nhà cầm quyền này. Và, chắc chắn thế giới không thể nào ủng hộ phiên tòa này. Bởi đó là hành vi giết người, chứ không còn đàn áp nữa rồi.”

Đường vào Đồng Tâm bị chặn sau vụ bắt giữ cán bộ và công an ở xã Đồng Tâm hôm 20/4/2017.
Đường vào Đồng Tâm bị chặn sau vụ bắt giữ cán bộ và công an ở xã Đồng Tâm hôm 20/4/2017. Reuters
Bản án nào dành cho người dân Đồng Tâm?

Tuyên bố mới nhất của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng ngoài 10 kết luận về sai lầm và tội ác của chính quyền trong vụ án Đồng Tâm, còn có thêm 4 kiến nghị. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng kêu gọi chính quyền cần phải nhìn căn nguyên sâu xa và diễn biến của vụ án Đồng Tâm để thấy chính quyền đã mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác, và lấy tội ác để khoả lấp đi những sai lầm mà tội ác sau càng khủng khiếp hơn để trùm lấp, xoá đi đi tội ác trước. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng kiến nghị “các nhà lãnh đạo lắng nghe, suy ngẫm, xử lý vụ án này sao cho hợp đạo lý dân tộc, hợp lòng người”.

Một thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng và cũng là người góp phần soạn thảo bản Tuyên bố “Quan điểm của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng về vụ án Đồng Tâm: Chính quyền từ sai lầm đến tội ác”, tiến sĩ Mạc Văn Trang chia sẻ với RFA rằng bản thân ông mong muốn chính quyền sẽ sáng suốt, hiểu lòng dân và đứng về phía nhân dân để trừng trị các nhóm lợi ích, là những kẻ đã gây ra tội ác để lấy lại niềm tin của nhân dân đối với chính quyền trong vấn đề đất đai ở Việt Nam, mà điển hình là qua vụ án Đồng Tâm.

Với cái nhìn nhân bản của một nhà giáo dục, tiến sĩ Mạc Văn Trang bày tỏ niềm hy vọng đối với phiên tòa xét xử 29 người dân Đồng Tâm trong vài ngày nữa sẽ được công tâm và đúng pháp luật. Thế nhưng, với kết quả phiên tòa giám đốc thẩm trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải, giáo sư Mạc Văn Trang cũng có phần quan ngại tương tự quan điểm của nhà báo Sương Quỳnh. Và, theo ông, trong trường hợp Chính quyền và Tòa án Việt Nam vẫn cương quyết trừng trị vụ án Đồng Tâm theo chủ ý của họ, thì:

“Nếu như họ cứ tiếp tục thắng dân bằng mọi giá và áp đặt tội ác của họ lên dân thì từ sai lầm này đến sai lầm khác, từ tội ác này đến tội ác khác ngày càng chồng chất lên thì lòng hận thù của nhân dân đối với chính quyền sẽ càng nung nấu và tội ác tày trời đó sẽ đi vào lịch sử mãi mãi.”

Tôi đã theo dõi từ đầu vụ Đồng Tâm và tôi đã thấy thái độ trái pháp, lừa đào, bất nhân, đầy bạo lực từ phía Công an Hà Nội và nhà cầm quyền Việt Nam. Đến cấp cao nhất của chính phủ và Đảng, họ nhất quyết chém đầu của các gia đình dám chống lại cái chính sách cướp đất mà nó là tai họa của đất nước…Trong vụ này công an vừa là lực lượng tấn công, cũng là kẻ giết cụ, cũng là tổ chức điều tra, cũng là kẻ làm chứng trước tòa. Cho nên, ván đã đóng thuyền rồi! Xin đừng mơ phiên tòa xét xử sắp tới không thể công tâm một chút nào cả. Nó sẽ hợp pháp hóa những tội ác đã có từ phía công an cùng những kẻ chủ mưu trong bóng tối và nó sẽ bôi nhọ thêm các nạn nhân vô tội mà thôi. Một phiên tòa như một kịch hề bi hài
-Ông Menras André

Ông Menras André, nhà làm phim tài liệu “Việt Nam: Tiếng gào thét từ bên trong” đón nhận thông tin về phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm trùng với những thông báo bộ phim có ghi lại hình ảnh cụ Lê Đình Kình cùng người dân Đồng Tâm được tiếp tục chọn trình chiếu ở mốt số liên hoan phim quốc tế.

Trong tâm trạng niềm vui phim tư liệu sắp công chiếu xen lẫn nỗi niềm thương cảm 29 nạn nhân Đồng Tâm, ông Menras André vào ngày 4/9 chia sẻ với RFA rằng “đừng mơ tưởng đến một phiên tòa công tâm” cho họ.

"Tôi đã theo dõi từ đầu vụ Đồng Tâm và tôi đã thấy thái độ trái pháp, lừa đào, bất nhân, đầy bạo lực từ phía Công an Hà Nội và nhà cầm quyền Việt Nam. Đến cấp cao nhất của chính phủ và Đảng, họ nhất quyết chém đầu của các gia đình dám chống lại cái chính sách cướp đất mà nó là tai họa của đất nước. Như cụ Lê Đình Kình đã nói trong cuộc phỏng vấn của tôi: «… mưu đồ ( của họ) là giết người cướp đất. » Rất tiếc mà thực tế đã xác nhận các lời nói đầy tỉnh táo của cụ. Hơn nữa , trong vụ này công an vừa là lực lượng tấn công, cũng là kẻ giết cụ, cũng là tổ chức điều tra, cũng là kẻ làm chứng trước tòa. Cho nên, ván đã đóng thuyền rồi! Xin đừng mơ phiên tòa xét xử sắp tới không thể công tâm một chút nào cả. Nó sẽ hợp pháp hóa những tội ác đã có từ phía công an cùng những kẻ chủ mưu trong bóng tối và nó sẽ bôi nhọ thêm các nạn nhân vô tội mà thôi. Một phiên tòa như một kịch hề bi hài.”

Trong cùng ngày 4/9, mười một tổ chức chính trị, xã hội dân sự trong và ngoài nước công bố một thư chung gửi Liên Hiệp Quốc về việc xét xử các dân làng Đồng Tâm, dự kiến diễn ra vào ngày 7 tháng 9 tới đây.

Bức thư chung kêu gọi bà Đại sứ Elisabeth Tichy- Fisslberger, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cùng Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu Chính quyền Việt Nam thực hiện ba điểm. Thứ nhất, phải xét xử công minh, phiên tòa cần công khai cho thân nhân cũng như các tổ chức phi chính phủ và truyền thông quốc tế tham dự. Thứ hai, phải cho phép các bị cáo được gặp luật sư; chấm dứt hăm dọa các bị cáo để họ có quyền kêu oan theo đúng pháp luật; cũng như không hăm dọa luật sư. Và, thứ ba là đại diện Liên Hiệp Quốc phải được tham dự và tường trình về phiên tòa để giảm thiểu bất công và lạm dụng luật pháp có thể xảy ra.

Blogger Phạm Minh Vũ cũng kêu gọi dân chúng ở Việt Nam hãy hướng về phiên tòa ngày 7/9, xét xử 29 người dân vô tội ở Đồng Tâm vì “hôm nay Đồng Tâm thì ngày mai chắc chắn sẽ là chúng ta, vì khi người dân vẫn chưa có quyền tư hữu thì ai cũng sẽ là nạn nhân của những điều luật bất công ấy”.

Nhiều cán bộ tại Lạng Sơn, Phú Yên bị bắt giữ, tuyên án vì sai phạm đất đai

 RFA-2020-09-04
An ninh được thắt chặt khu vực xét xử, người dân hạn chế vào tham dự phiên tòa 4/9.

 An ninh được thắt chặt khu vực xét xử, người dân hạn chế vào tham dự phiên tòa 4/9.Nguồn: tienphong.vn

Tòa án Nhân dân huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn vào ngày 4/9 mở phiên sơ thẩm xử nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bình Gia cùng hai người khác với tội danh “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra trên địa bàn huyện.

Báo Nhà nước Việt Nam loan tin cùng ngày, dẫn nội dung phiên tòa cho biết ông Hoàng Kim Nguyên, nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bình Gia bị tuyên án 3 năm tù giam; ông Lý Thanh Diệp, viên chức chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ Bình Gia 2,5 năm tù giam và ông Lộc Văn Đạo, nguyên cán bộ địa chính xã Hòa Bình 2 năm tù giam.

Ba người vừa nêu được xác định đã cấu kết với nhau để lập hồ sơ trình ký khoảng trên 300 ha đất rừng sản xuất tại Bản Duộc và Tà Chu (xã Hòa Bình) cho 6 hộ sinh sống ở huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn và ông Lý Văn Thiệu, trú tại xã Hòa Bình, huyện Bình Gia.

Đến tháng 7/2015, Ủy ban Nhân dân huyện Bình Gia đã thu hồi, hủy bỏ các giấy quyền sử dụng đất sai phạm sau khi nhận ra việc cấp sổ quyền sử dụng đất rừng sản xuất chưa đúng quy định.

Vẫn liên quan đến sai phạm đất đai, Ủy ban Nhân dân thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên vào ngày 4/9 đã phải tạm dừng việc tiếp nhận, thực hiện các thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất đối với 1.156 thửa đất theo yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên.

Theo đó, những thửa đất vừa nêu nằm trong danh sách có liên quan đến các sai phạm mà Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố và đang mở rộng điều tra vi phạm các quy định về quản lý đất đai khi chuyển đổi mục đích hơn 1.150 hồ sơ đất lúa, đất cây trồng trái quy định sang đất đô thị, đất nông thôn ở thị xã Đông Hòa.

Liên quan đến vụ việc, đến nay đã có gồm 2 cán bộ huyện Đông Hòa bị bắt giam là Lê Tấn Thảo, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân và Nguyễn Văn Tiên, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường.

Ngoài ra, còn có 4 cán bộ, nguyên lãnh đạo bị khởi tố bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” gồm Phạm Hoàng Huynh, Trưởng phòng Đo đạc - bản đồ và viễn thám Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN-MT tỉnh Phú Yên); Nguyễn Bửu, nguyên Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Trung; Trần Hải Âu, cán bộ địa chính phường Hòa Hiệp Trung (thị xã Đông Hòa); và Phạm Trường Kỳ, nguyên Trưởng khu phố Phú Thọ 2, phường Hòa Hiệp Trung.

Những người vừa nêu được phía cơ quan chức năng xác định đã cấu kết, hợp thức hóa hồ sơ biến đất Nhà nước thành đất cá nhân với diện tích hơn 13.350m².

Phó công an xã ở Nam Định vô cớ bắn nam sinh bị thương

 NAM ĐỊNH, Việt Nam (NV) – Để “thị uy,” ông phó trưởng Công An xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng, đã vô cớ bắn người bị thương nhưng chối tội “do súng bắn đạn cao su cướp cò.”

Theo báo Thanh Niên, trưa ngày 5 Tháng Chín, Đại Tá Phạm Văn Long, giám đốc Công An tỉnh Nam Định, cho biết đã nhận được thông tin về việc ông Vũ Anh Đức, phó trưởng Công An xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng, dùng súng bắn bị thương một nam sinh lớp 12.

Người dân kéo đến vây trụ sở Công An xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng, yêu cầu làm rõ sự việc. (Hình: Thanh Niên)

“Công an tỉnh đã giao Công An huyện Nghĩa Hưng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan làm rõ sự việc, yêu cầu ông Vũ Anh Đức viết báo cáo tường trình, lấy lời khai của các nhân chứng, đồng thời phối hợp với Viện Kiểm Sát Nhân Dân huyện tiến hành điều tra,” ông Long cho biết.

Tin cho biết khoảng 8 giờ 15 tối 4 Tháng Chín, em Ngô Thế Phòng (17 tuổi, đang là học sinh lớp 12) cùng các bạn tụ tập ở khu vực cầu nối Sa Hạ, xã Hoàng Nam, hóng mát.

Đúng lúc này ông Đức đi “kiểm tra địa bàn,” thấy nhóm thanh niên tụ tập đã dừng xe gắn máy tra hỏi và yêu cầu giải tán, vì “trước đó từng xảy ra nhiều vụ việc gây mất an ninh, trật tự.”

Bị tra hỏi, em Phòng tỏ ra bất bình không chịu về thì bị ông Đức hâm dọa và rồi xảy ra cự cãi.

Tuy nhiên theo tường trình của ông Đức, trong lúc cãi vã ông đã rút súng bắn đạn cao su ra “nhằm thị uy, yêu cầu nhóm thanh niên giải tán, nhưng lúc đang cầm súng thì bị ‘cướp cò,’” viên đạn bắn thủng vai em Phòng khiến nam sinh ngã xuống.

Sau khi bị trúng đạn, em Phòng được Công An huyện Nghĩa Hưng đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Nam Định. Kết quả từ bệnh viện cho thấy “vết thương rộng khoảng 2 cm ở phần mềm vai.” Nhờ vậy mà không gây thương tích nặng.

Tại hiện trường, cơ quan hữu trách còn thu giữ được một viên đạn cao su bị rơi ra khỏi súng của ông Đức.

Theo báo Tiền Phong, khoảng gần 9 giờ tối cùng ngày, trên mạng xã hội xuất hiện video clip thông tin về sự việc trên, kèm theo hình ảnh rất đông người dân địa phương kéo đến Ủy Ban Nhân Dân xã Hoàng Nam gây áp lực, phản đối, yêu cầu chính quyền làm rõ việc phó trưởng công an xã vô cớ rút súng bắn người vô tội.

Để xoa dịu người dân và công luận, lãnh đạo xã Hoàng Nam và huyện Nghĩa Hưng hứa sẽ giải quyết “thỏa đáng.”

Cả trăm người dân tập trung ở Ủy Ban Nhân Dân xã Hoàng Nam không chịu giải tán. (Hình: Tiền Phong)

“Tôi đã yêu cầu Viện Kiểm Sát Nhân Dân, Công An huyện phải nhanh chóng làm rõ, thông tin với người dân. Nếu đúng có sự việc trên phải xử lý nghiêm,” ông Trần Văn Dương, chủ tịch huyện Nghĩa Hưng, nói với báo Tiền Phong sáng 5 Tháng Chín.

Trong khi đó nói với báo Zing, một lãnh đạo Công An tỉnh Nam Định, lại bao che cho rằng: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, một người đã có hành vi chống đối nên cán bộ công an xã đã dùng súng cao su để bắn thị uy. Việc bắn thị uy không may làm người chống đối bị thương. Chúng tôi đã tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ này để xác minh vụ việc.” (Tr.N)

Bỏ hơn $23 triệu làm đường tránh ‘cho có,’ không người đi

 KON TUM, Việt Nam (NV) – Được đầu tư hàng trăm tỷ đồng và mới đưa vào sử dụng bốn năm nhưng đường tránh đèo Văng Rơi, huyện Tu Mơ Rông, đã xuống cấp nghiêm trọng và hầu như không có người đi.

Theo báo Giao Thông, đoạn đường tránh này do Ủy Ban Nhân Dân huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 543 tỷ đồng ($23.41triệu), dài chỉ khoảng 15 cây số nối hai huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông, được khởi công xây dựng từ năm 2010, nhưng đến năm 2016 mới hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Đường tránh nối hai huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông đưa vào sử dụng nhưng không có người đi. (Hình: Giao Thông)

Tuy nhiên từ khi cho thông xe, con đường này liên tục xảy ra nhiều vụ sạt lở đất, đá. Sợ tai nạn bất ngờ nguy hiểm đến tính mạng, người dân không ai dám qua lại. Ấy vậy mà nhiều năm qua, giới hữu trách vẫn đổ tiền ra sửa chữa, gia cố nhằm ngăn tình trạng sạt lở nhưng vẫn không thể dứt điểm.

Đáng lưu ý, đầu năm 2019 Ủy Ban Nhân Dân huyện Tu Mơ Rông lấy lý do “dù làm xong đã lâu nhưng đường tránh lại liên tục bị sạt lở, thường xuyên ách tắc và tiềm ẩn nhiều rủi ro nên rất ít xe cộ dám đi đường này,” đã đổ tiếp 12 tỷ đồng ($517,356) từ “nguồn vốn cấp bách” của tỉnh để “khắc phục những vấn đề tồn tại của đường tránh đèo Văn Rơi.”

Theo báo VNExpress, ông Nguyễn Hữu Hùng, giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải Kon Tum, cho hay sau khi nhận bàn giao tuyến đường tránh, sở đã giao cho nhà thầu sửa chữa xong năm điểm hư hỏng nghiêm trọng. Nhưng “Đợt mưa bão vừa qua tiếp tục nhiều sạt lở mới nên sở đang chỉ đạo khắc phục, cơ bản đã hoàn thành 80%.”

Trong khi đó ông Đặng Hòa, công ty Quản Lý Sửa Chữa và Xây Dựng Giao Thông Đăk Bình, cho rằng: “Theo tôi quá lãng phí vì đường không hiệu quả, xe cộ lưu thông rất ít và mùa mưa sạt lở nhiều.”

Ông Vương Văn Mười, phó chủ tịch huyện Tu Mơ Rông, đá trách nhiệm biện minh: “Tuyến đường trên do huyện làm chủ đầu tư nhưng đầu năm 2019, đã bàn giao về cho Sở Giao Thông Vận Tải Kon Tum quản lý và sửa chữa. Việc khắc phục và sửa chữa tuyến đường tránh Văn Rơi hiện nay do Hạt Quản Lý Đường Bộ phụ trách.”

Nhiều đoạn đường bị sụt lún làm những mảng nhựa đường vỡ ra rơi xuống vực. (Hình: Trần Hóa/VNExpress)

Hiện con triệu đô này vẫn chưa hoàn toàn thông suốt. Đơn vị thi công sửa chữa đã làm biển báo để hướng dẫn người dân tránh không đi, mà đi vào đường đèo cũ dài 8 cây số, với nhiều khúc cua ngoặt, độ dốc lớn. Nguyên nhân sạt lở là ảnh hưởng của những đợt mưa liên tiếp vừa qua.

Tin cho biết huyện Tu Mơ Rông là một trong những huyện nghèo nhất nhì ở Việt Nam, còn rất nhiều lĩnh vực cần được đầu tư để cải thiện đời sống dân sinh. (Tr.N)

Khoảng 90% người dân ở Việt Nam đang ăn gạo ‘bẩn’

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Thị trường nội địa Việt Nam chỉ có 10% gạo thương hiệu Việt đạt tiêu chuẩn sạch, còn lại thì toàn là gạo “bẩn, so với tiêu chuẩn chuyên ngành nông sản thực phẩm mà các nước trên thế giới sử dụng.

Mặc dù đứng top đầu những quốc gia xuất khẩu gạo, nhưng tại buổi tọa đàm trực tuyến “Xuất cảng Châu Âu từ lợi thế EVFTA, hàng Việt cần gì?” diễn ra hôm 3 Tháng Chín, tại Hà Nội, ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc công ty Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Trung An, cho biết thị trường nội địa chỉ có 10% gạo thương hiệu Việt đạt tiêu chuẩn sạch, còn 90% người tiêu dùng vẫn đang ăn gạo “bẩn” mà không hề hay biết.

Ăn gạo “bẩn” tuy không chết ngay, nhưng sự tích tụ của thuốc bảo vệ thực vật gây ra các bệnh ung thư, tiểu đường. (Hình: Tiền Phong)

“Rất nhiều người nghĩ ăn gạo bẩn không chết, mà thực tế thì Việt Nam hay thế giới ăn gạo bẩn cũng không ai chết ngay cả. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây tỷ lệ người bị ung thư, tiểu đường…ngày càng tăng, mà nguyên nhân có sự góp phần của gạo bẩn, của thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo,” báo Nhà Đầu Tư dẫn lời ông Bình nói.

Theo ông Bình, hiện người tiêu thụ đã nhận thức được mối nguy hiểm của gạo “bẩn” và tìm mua gạo có thương hiệu. Thế nhưng, do gạo “bẩn” chiếm tới 90% và 10% được xem là gạo “sạch” được một số doanh nghiệp đầu tư trồng.

Do số lượng rất hạn chế nên nảy sinh vấn đề doanh nghiệp trồng diện tích nhỏ nhưng công bố số lượng lớn. Có những đơn vị chỉ trồng 5 hécta gạo hữu cơ, hay tiêu chuẩn Global GAP ( Global Good Agricultural Practice, tức thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) nhưng mở cửa hàng gạo sạch bán khắp Việt Nam. Hiện tại ở Sài Gòn và Hà Nội có rất nhiều cửa hàng trưng bảng bán gạo Global GAP nhưng được trồng ở đâu, chất lượng như thế nào thì chẳng ai biết.

Nhu cầu tăng nhưng nguồn cung ít nên người dân tìm đến gạo nhập cảng từ Nam Hàn, Nhật, Thái Lan, Cambodia ngày càng nhiều. Những loại gạo nhập cảng này “sạch” đến đâu cũng khó kiểm chứng.

Không chỉ gạo trong nước không đạt tiêu chuẩn mà ngay cả gạo xuất cảng cũng không khá hơn. Ông Bình cho rằng dù đứng top đầu xuất cảng, nhưng thương hiệu gạo Việt khá mờ nhạt.

“Gạo Việt thường mang thương hiệu của đơn vị trung gian, đơn vị nhập cảng. Và chỉ có 10% gạo thương hiệu Việt Nam bảo đảm tiêu chuẩn sạch của thế giới,” ông Bình nói.

Phát ngôn trên của ông Bình đã khiến người dân lo lắng với nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng, trong khi phía Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đã lên tiếng phản bác.

Nói với báo Tuổi Trẻ chiều 5 Tháng Chín, ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng Trọt thuộc Bộ Nông Nghiệp, cho biết nhận định trên là “không chính xác” bởi những năm qua ngành lúa gạo Việt Nam đang có những thay đổi và khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường quốc tế.

“Tất cả các thị trường trung bình như Philippines, Châu Phi… hay thị trường cao cấp như Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật… đều yêu cầu rất ngặt nghèo về hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta đều đã vượt qua các yêu cầu của thị trường, các nước chấp nhận gạo Việt thì làm sao nói gạo Việt là ‘gạo bẩn’ được,” ông Cường dẫn chứng.

Ông Cường cho rằng khi có những nhận định về một ngành sản xuất quan trọng với người nông dân thì cần có những căn cứ, số liệu chính xác, khoa học, không nên có những nhận xét mang tính cảm tính.

“Điều này sẽ ảnh hưởng đến những thành công và phát triển vượt bậc của ngành lúa gạo Việt Nam trong những năm qua, làm tổn hại đến uy tín hạt gạo Việt ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp và nông dân đã xây dựng trong suốt nhiều năm qua,” ông Cường nói thêm.

Trước áp lực của giới hữu trách, giải thích về phát ngôn của mình ông Phạm Thái Bình cho biết, nội dung trên được ông nói hơn một tiếng đồng hồ, nhưng “nhà báo lại cắt khúc ra để gây sốt cộng đồng mạng, quy tội tôi.”

“Tôi nói gạo ‘bẩn’ ở đây là nói theo tiêu chuẩn chuyên ngành nông sản thực phẩm mà các nước trên thế giới đang nói tới và sử dụng. Cụ thể là trong lúa, gạo, rau, củ, trái cây, hoặc thủy sản sạch là sản xuất canh tác đạt tiêu chuẩn từ GlobalGAP, VietGAP hoặc hướng hữu cơ, organic. Còn không đạt tiêu chuẩn tối thiểu như trên là sản phẩm không an toàn,” ông Bình nói với báo Tiền Phong.

Ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc công ty Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Trung An. (Hình: Tiền Phong)

“Đã là gạo không an toàn người ta gọi là ‘bẩn’ cũng không sai. Tôi nói ‘con số 90%’ ăn gạo chưa sạch là có căn cứ: Việt Nam trung bình mỗi năm canh tác 4.5 triệu hécta đất lúa, nhưng trong đó hiện tại chưa đến 400,000 hécta trồng lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP để cho ra gạo an toàn. Như vậy, con số 90% là còn ít,” ông Bình phân tích.

Theo ông Bình, múc đích của ông là để “cảnh báo” người tiêu thụ trong việc sử dụng thực phẩm ăn hàng ngày sao cho thông minh, đừng bị lừa.

Ông Bình cũng khẳng định rằng, thông tin về việc người dân Việt đang sử dụng gạo không an toàn không ảnh hưởng đến xuất cảng gạo của Việt Nam. Thậm chí, ngược lại, ở Châu Âu hoặc các nước khác khi biết được thông tin họ còn cho là Việt Nam thành thật và thẳng thắn, bởi chính các nước cũng đang “đau đầu” với thực phẩm “bẩn,” trong đó có cả gạo chứa nhiều hóa chất. (Tr.N)

Công an Sài Gòn đến nhà ‘hỏi tội’ dân vì ký ủng hộ ‘Tuyên Bố Đồng Tâm’

 SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Bà Huỳnh Thị Út bị hai viên công an, an ninh quận Tân Bình đến nhà “làm việc” xoay quanh việc bà ký vào danh sách ủng hộ bản “Tuyên Bố Đồng Tâm” do các nhóm xã hội dân sự phát động hồi Tháng Giêng.

Bà Út là mẹ của tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc, người đang thi hành án 6 năm tù.

Một nhóm tri thức tới thăm bà quả phụ Dư Thị Thành (thứ hai, trái), vợ ông Lê Đình Kình. (Hình: Facebook Mac Van Trang)

Hôm 4 Tháng Chín, trên trang cá nhân, bà Huỳnh Thị Út đưa hình chụp “biên bản làm việc” ghi nội dung: “…Qua trao đổi những nội dung trong ‘Tuyên Bố Đồng Tâm,’ đương sự Út trình bày quan điểm cho rằng sự việc xảy ra tại Đồng Tâm không có tình người, đang đêm sử dụng lực lượng trang bị vũ khí, sử dụng cả chó để tấn công vào khu vực Đồng Tâm, gây tổn thất, thiệt hại về tính mạng cho người dân, cụ thể là xâm phạm tính mạng của ông Lê Đình Kình, tổ chức bắt những người trong gia đình của ông Kình.”

Nội dung nêu trên được ghi nhận hoàn toàn tương phản với các bài tường thuật trên báo nhà nước cáo buộc rằng những người dân Đồng Tâm “quá manh động sử dụng cả lựu đạn, bom xăng, dao phóng… để chống lại lực lượng chức năng.”

Văn bản có chữ ký xác nhận của bà Út và hai công an, an ninh Võ Văn Thất, Nguyễn Minh Toàn.

Bà Út cho biết thêm trên trang cá nhân: “…An ninh Nguyễn Minh Toàn cho biết: Buổi làm việc này không có ai chỉ đạo làm cả mà do bên an ninh quận Tân Bình chuẩn bị trước thôi. Tôi không hiểu gì luôn nhưng an ninh quận Tân Bình có lòng thì mình lịch sự tiếp thôi.”

Bản “Tuyên Bố Đồng Tâm” được phát đi hồi Tháng Giêng, và được nhóm Lập Quyền Dân, Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng và Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam khởi xướng.

Đây được cho là một trong những văn bản lên tiếng mạnh mẽ của giới xã hội dân sự ở Việt Nam, với yêu cầu đòi nhà cầm quyền “khởi tố ngay những kẻ chủ mưu, kẻ thừa hành trong việc biến đất của người dân Đồng Tâm thành đất của một nhóm lợi ích giả danh nhà nước, che đậy bằng ngôn từ lừa dân ‘đất quốc phòng,’ trừng trị những kẻ ra lệnh cho lực lượng vũ trang đi đàn áp dân, những kẻ đồng lõa với các nhóm lợi ích trong tranh chấp dân sự.”

Hình chụp văn bản được bà Huỳnh Thị Út, mẹ của tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc, đăng tải trên trang cá nhân. (Hình: Facebook Huynh Nghia)

Đến nay, nhà cầm quyền CSVN không hề hồi đáp yêu cầu giải quyết công khai minh bạch vụ Đồng Tâm thông qua trình tự pháp luật dân sự và cho báo chí quốc tế đến “tự do tìm hiểu, chứng kiến mọi ngóc ngách của vấn đề và quá trình giải quyết.” Tuy vậy, với việc cho công an đến nhà “hỏi tội” bà Huỳnh Thị Út, nhà cầm quyền CSVN muốn áp đặt người dân phải nhìn vụ Đồng Tâm theo đúng tuyên truyền của báo đảng.

Theo báo VNExpress, tại phiên xử dự trù diễn ra hôm 7 Tháng Chín tại Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội, 25 người dân Đồng Tâm bị truy tố với cáo buộc “Giết người” phải đối mặt với mức 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Bốn người còn lại bị cáo buộc “Chống người thi hành công vụ,” đối mặt với mức án 2-7 năm tù. (N.H.K) [qd]

Con gái Huỳnh Thục Vy không được đến trường vì ‘là con phản động’

 ĐẮK LẮK, Việt Nam (NV) – Hôm 3 Tháng Chín, một số blogger lên tiếng trên mạng xã hội kêu gọi nhà cầm quyền CSVN chấm dứt việc phân biệt đối xử đối với bé Tuệ Nhã, con gái nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy.

Huỳnh Thục Vy là blogger bất đồng chính kiến bị Tòa Án Nhân Dân thị xã Buôn Hồ tuyên phạt 2 năm 9 tháng tù với cáo buộc “Xúc phạm cờ đỏ” hồi Tháng Mười Một, 2018, nhưng hiện bà được hoãn thi hành án do đang nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi.

Bà Huỳnh Thục Vy và con gái. (Hình: Facebook Jane Hoang)

Trước đó, bà Vy chia sẻ trên trang cá nhân về chuyện bé Tuệ Nhã bị từ chối nhập học vào giờ chót tại một trường của các soeur Công Giáo. Theo bà Vy, vị nữ tu đại diện nhà trường giải thích quyết định từ chối nhận con gái bà là vì “nhiều người đã nói rồi” và “Tuệ Nhã đi học ở đây rồi mẹ Nhã đưa đi đón về, có gì thì ảnh hưởng đến cả sơ và cả trường.”

“Buồn cho con gái, buồn hơn cho một Việt Nam chưa thấy tương lai!” bà Vy viết trên trang Jane Hoàng.

Đề cập vụ này trên Facebook, Tiến Sĩ Mạc Văn Trang nhận định: “…Tôi muốn nói với các công an viên ở cơ sở: Các anh chỉ muốn ‘làm sạch địa bàn’ mà nhiều khi làm những việc vô pháp, vô đạo một cách vô ý thức. Những việc làm đó không chỉ khiến người dân thù oán mà chính là các anh đã chà đạp lên những điều thiêng liêng được ghi trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập, trong Hiến Pháp và các bộ luật của nhà nước.”

Vị giới chức kỳ cựu, từng công tác tại Viện Khoa Học Giáo Dục Việt Nam đề nghị chính quyền tỉnh Đắk Lắk “hãy suy ngẫm một chút trước khi hành xử ác với dân, nhất là đối với các cháu nhỏ.”

Trong khi đó, nhà báo tự do Đoàn Bảo Châu bày tỏ ý kiến trên trang cá nhân: “…Tôi biết nhiều chuyện khi chính quyền ép buộc các công ty đuổi việc người bất đồng chính kiến, ép chủ nhà tống họ ra đường giữa đêm lạnh nhưng việc cấm cản một đứa trẻ đến trường là vi phạm pháp luật, là cặn đáy của những gì bẩn thỉu nhất trong đầu óc của lũ người được gọi là lớn nhưng nhân cách ngang tầm loài bò sát.”

Ông Bảo Châu cũng viết thêm rằng ông ‘vô cùng phẫn nộ về việc này” và kêu gọi cộng đồng quan tâm để “sự bẩn thỉu này không lây nhiễm ra các địa phương khác.”

Trước vụ này, hồi đầu Tháng Bảy, trang Facebook của bà Vy tố cáo Ngân Hàng Tiên Phong (TPBank) ở Buôn Ma Thuột vì “lý do chính trị” mà ra văn bản từ chối tuyển dụng một ứng viên là cô Nguyễn Nhật My, cháu gái của ông Lê Khánh Duy, chồng bà.

Bé Tuệ Nhã là con gái nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy. (Hình: Facebook Jane Hoang)

Bà Vy đăng kèm hình chụp văn bản cho thấy ông Hoàng Minh Sơn, phòng nhân sự Ngân Hàng Tiên Phong, viết trong email “Thông Báo Nhân Sự” gửi cô My: “Vì một vài lý do chính trị, chúng tôi e ngại rằng bạn không phù hợp với vị trí hiện tại và cản trở sự thăng tiến của bạn.”

Thời điểm đó, nhà nữ hoạt động được trao giải thưởng nhân quyền Hellman/Hammett 2012 viết trên Facebook: “…Là một người bất đồng chính kiến gần 10 năm nay, tôi chấp nhận những sách nhiễu mà mình phải đối mặt khi chỉ trích chính quyền độc tài CSVN. Quả thực, có một chút hạt nhân ‘hợp lý’ nào đó nếu bạn bị thương trong khi chọc giận một con thú dữ. Nhưng thật vô lý và bất nhân, nếu vì ý chí và hành động chống chính quyền của bạn mà những người thân của bạn, hoặc những người bà con họ hàng liên quan đến bạn phải chịu kỳ thị.” (N.H.K) [qd]