Tuesday, March 4, 2014

Quốc Hội Việt Nam sẽ xét lại các dự án bauxite!

HÀ NỘI (NV) Ông Mai Xuân Hùng, phó chủ tịch Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội Việt Nam, vừa tuyên bố, sẽ đề nghị Quốc Hội xét lại các dự án khai thác bauxite.

Ông Mai Xuân Hùng vừa cùng Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam đi khảo sát hiệu quả tổng thể về kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm an ninh-quốc phòng của hai dự án bauxite Tân Rai (Lâm Ðồng) và Nhân Cơ (Ðắk Nông) do Tập đoàn Than và Khoáng Sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư.



Một góc công trường khai thác bauxite ở Tân Rai, Lâm Ðồng. (Hình: xaluan.com)

TKV chính thức báo cáo, trong 7 năm tới, hai dự án khai thác bauxite tại Lâm Ðồng và Ðắk Nông sẽ bị lỗ khoảng 2,400 tỷ đồng. Ðây là lý do khiến ông Hùng nhấn mạnh cần xét lại và đánh giá cẩn trọng hệ lụy về nợ nần đối với hai dự án khai thác bauxite.

Chính quyền Việt Nam đã từng bảo lãnh cho TKV vay 600 triệu USD của nước ngoài để thực hiện hai dự án bauxite ở khu vực Tây Nguyên và theo ông Hùng, đó là điều đáng ngại. Viên phó chủ tịch Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội Việt Nam, cho rằng, chính phủ không thể mạo hiểm vì trước đây đã có nhiều bài học tương tự.
Cách nay sáu năm, khi nghe tin chính quyền CSVN dự định tổ chức khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nhiều nhà khoa học, chuyên gia của đủ mọi lĩnh vực ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam đã lên tiếng ngăn cản, bởi ý định đó không những sẽ không khả thi về mặt kinh tế mà còn lãng phí công quỹ, gây nguy hại cho cả môi trường, an ninh-quốc phòng, lẫn văn hóa-xã hội.

Bất chấp các phân tích, khuyến nghị, đầu tháng 2 năm 2009, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam đăng đàn tuyên bố: “Khai thác bauxite là chủ trương lớn của Ðảng và nhà nước.”
Ý định khai thác bauxite ở Tây Nguyên vẫn được thực hiện thông qua hai dự án: Dự án Tân Rai và dự án Nhân Cơ.
Năm ngoái, TKV công bố: Tính đến cuối tháng 3, tổng vốn đầu tư cho dự án Tân Rai đã ở mức 11,000 tỉ đồng (tương đương 640 triệu USD). Nếu so giá thành với giá bán, TKV sẽ phải bù lỗ khoảng 5 năm và mất chừng 12 năm để thu hồi vốn.

Tương tự, với dự án Nhân Cơ, TKV tiết lộ, vốn đầu tư đã tăng thêm 31% so với dự kiến. Thời gian hoàn thành dự án chậm khoảng 18 tháng so với kế hoạch. Thời gian thu hồi vốn khoảng 13 năm. Trước mắt, theo tính toán, chi phí vận chuyển sẽ tăng thêm 250,000 đồng/tấn.

Những thông tin này khiến nhiều chuyên gia lo ngại bởi khi giá bán thấp hơn giá thành thì đó rõ ràng là thua lỗ.
Trong vài năm qua, giá khoáng sản liên tục giảm và chưa biết bao giờ ngưng. Nếu so giá thành với giá bán quặng nhôm, mỗi năm, các dự án khai thác bauxite sẽ lỗ vài chục triệu USD. Các chuyên gia còn cảnh báo, nếu tính đúng, tính đủ, không thể loại bỏ khoản chi lên tới ba tỷ USD để xây dựng một tuyến đường sắt nhằm vận chuyển quặng nhôm từ Tây Nguyên đến cảng. Không tìm ra ba tỷ USD để làm tuyến đường sắt này, quặng nhôm sẽ kẹt trong núi, chẳng bán được cho ai. Trong thực tế, luôn có vài chục ngàn tấn quặng nhôm kẹt ở Tân Rai vì thiếu đường vận chuyển.

Một chuyên gia kinh tế nhận định, ông tin Vinacomin cũng muốn dừng việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên nhưng họ sợ trách nhiệm. Chỉ một nơi có thể ra lệnh này là lãnh đạo Ðảng CSVN. Với các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, ra lệnh dừng là lối thoát duy nhất! 

No comments:

Post a Comment