Saturday, May 28, 2016

Video biểu tại Thiên An Môn được công bố

Bắc Kinh, Trung Cộng. (Reuters) – Video cho thấy quân đội Trung Cộng nổ súng vào người biểu tình đòi dân chủ ở Thiên An Môn, thành phố Bắc Kinh, vào ngày 4 tháng 6 năm 1989.
Cho tới nay, số tử vong chính thức vẫn chưa được công bố. Chính quyền Trung Cộng không hề cho biết bao nhiêu người bị giết trong cuộc đàn áp này, nhưng theo ước tính của các nhóm nhân quyền, số người chết có thể từ vài trăm đến vài ngàn. Trung Cộng rơi vào nền kinh tế hỗn loạn trong năm 1988, sau khi mức lạm phát chạm tới đỉnh điểm là 30%. Sự bất mãn của công chúng, cộng với cái chết của nhà lãnh đạo có đầu óc cách tân Hồ Diệu Bang vào ngày 15 tháng 4, là tiền đề cho các cuộc biểu tình.
Tập trung tại Thiên An Môn, sinh viên dựng tượng Nữ thần Dân Chủ đối diện với tượng Chủ tịch đảng Cộng sản Mao Trạch Đông. Hơn 1 triệu người tràn ra các đường phố ở Bắc Kinh, biểu lộ sự giận dữ trước tình trạng tham nhũng và việc quản lý kinh tế yếu kém.
Ngày 4 tháng 6 năm 1989, quân đội Trung Cộng với sự hậu thuẫn của hàng chục xe tăng, đàn áp người biểu tình một cách dã man. Cảnh một sinh viên đứng đối mặt với xe tăng đang lăn bánh, trở thành một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất của thế kỷ 20. (Mai Đức)
05/28/2016 - 07:33

Mỹ điều tra việc phá giá Cty thép Trung Cộng

Pittsburgh, Pennsylvania. (Reuters) - Một giới chức của Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc hôm thứ Sáu nói việc Hoa Kỳ điều tra vào ngành công nghiệp thép của Trung Cộng là một hành động bảo hộ mậu dịch.
Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ viết tắt là USITC công bố hôm thứ Năm tuần này là sẽ điều tra các khiếu nại của Công ty Thép Hoa Kỳ ở Pittsburgh, tố cáo các nhà sản xuất thép và các công ty phân phối của Trung Cộng đã âm mưu để ấn định giá, đánh cắp các bí mật thương mại và che dấu nguồn gốc của hàng hoá xuất khẩu sang Hoa Kỳ .
Trong đơn khiếu nại của công ty được thực hiện theo điều khoảng 337 của luật thuế quan ở Hoa Kỳ, công ty Thép Hoa Kỳ tìm kiếm việc ngăn cấm gần như tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu từ các công ty sản xuất thép lớn nhất Trung Cộng. Cuộc điều tra sẽ bao gồm khoảng 40 công ty thép của Trung Cộng, các đại lý phân phối và ngay cả Hiệp hội Sắt Thép.
Ông Lưu Trấn Giang, tổng thư ký của Hiệp hội sắt thép Trung Cộng nói là hiệp hội của ông không bao giờ xắp xếp giá cả. Ông Lưu cũng ám chỉ là Hoa Kỳ làm việc này vì không muốn nước ông có một ngành công nghiệp thép phát triển. (Lê Hoàng)
 05/28/2016 - 14:37

Điện lực nói “không chịu trách nhiệm” vụ trụ bê tông có đất

CHÍ HIẾU-10:39 29/05/2016 
Chủ đầu tư nói "không chịu trách nhiệm" trong vụ trụ điện bê tông đường dây 220 kV Trực Ninh cắt đường dây 220 kV Ninh Bình - Nam Định bị phát hiện thi công kém chất lượng.

Điện lực nói “không chịu trách nhiệm” vụ trụ bê tông có đất
Trụ điện bê tông đường dây 220 kV Trực Ninh cắt đường dây 220 kV Ninh Bình - Nam Định bị phát hiện thi công kém chất lượng.
Ngày 27/5, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVN NPT), chủ đầu tư dự án đường dây 220 kV Trực Ninh cắt đường dây 220 kV Ninh Bình - Nam Định, đã phát đi thông cáo liên quan đến vụ việc bị tố có lẫn đất trong các trụ bê tông.

Theo EVN NPT, sau khi kiểm tra hiện trường và các hồ sơ thủ tục liên quan đến quá trình triển khai thi công, thấy tại các vị trí cột số 1 và 2 mà báo chí phản ánh và đoạn tuyến từ G1 - G3 của công trình, đại diện BQL dự án trực thuộc EVN NPT (NPMB) đã yêu cầu nhà thầu dừng thi công từ hơn hai tháng nay. Cụ thể, ngày 9/3/2016, Tổng công ty quản lý bay Việt Nam có văn bản thông báo tuyến đường dây đi qua đài dẫn đường Nam Hà và yêu cầu dịch chuyển tuyến để bảo đảm an toàn dẫn đường. Trên cơ sở đó, NPMB đã yêu cầu nhà thầu thi công là Công ty cổ phần Sông Đà 11 dừng thi công từ ngày 9.3.
Cho đến nay, do đang hoàn thiện các thủ tục để điều chỉnh đoạn tuyến theo yêu cầu của ngành hàng không nên NPMB chưa có văn bản cho phép đơn vị thi công tiếp tục thi công phần móng vị trí số 1 và 2.
“Việc Công ty cổ phần Sông Đà 11 đã tự ý thi công là trái yêu cầu của NPMB. Vì những lý do nêu trên, EVN NPT hoàn toàn không chịu trách nhiệm về những vấn đề có liên quan đến các công việc đã thi công ở hai vị trí móng cột số 1 và 2”, EVN NPT khẳng định, đồng thời cam kết sẽ kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng công trình khi thi công trở lại sau khi có quyết định hướng tuyến mới.
Theo Báo Thanh Niên

“Sự cố như kiểu Formosa, chúng ta có thể gọi là thảm hoạ môi trường”

TÂM AN-09:55 28/05/2016 
BizLIVE - “Dù Formosa có cải tiến công nghệ tốt hơn nhưng thảm hoạ môi trường xuất phát từ rủi ro môi trường, từ việc chưa làm chủ công nghệ trong một thời điểm nào đấy”, ông Đỗ Thanh Bái, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và an toàn hóa chất cho biết.

“Sự cố như kiểu Formosa, chúng ta có thể gọi là thảm hoạ môi trường”
Ông Đỗ Thanh Bái, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và an toàn hóa chất. Ảnh VietnamNet
Tại cuộc hội thảo Thương mại tự do: Dịch chuyển đầu tư và các vấn đề môi trường ở Việt Nam diễn ra vào hôm qua (27/5), ông Bái cho biết, những tiêu chuẩn công nghệ đặc biệt tiêu chuẩn rác thải đang là thách thức lớn đối với bảo vệ môi trường của Việt Nam.
“Những tiêu chuẩn của Việt Nam, nếu như trước đây quá dễ dãi để trải thảm đỏ cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đang để lại những lo lắng rất lớn về môi trường và xã hội. Trước xu hướng đầu tư ngày càng tự do vào Việt Nam, cơ chế thị trường chúng ta có quyền lựa chọn những nhà đầu tư ngoài thoả mãn lợi ích kinh tế cần đảm bảo khía cạnh môi trường, xã hội”, ông Bái nói.
Dẫn chứng trường hợp nhà máy thép Formosa (Hà Tĩnh), ông Bái cho biết, việc cho phép Formosa xả thải 11.000m3 một ngày đêm, trong khi công suất dự tính ban đầu là 43.000m3 là rất lớn, đe doạ môi trường là hiện hữu.
Cũng theo ông Bái trong làn sóng đầu tư vừa qua chúng ta nhìn nhận chưa hết khả năng tiếp nhận ô nhiễm và chất thải, ở nhiều khu vực đã chạm đến mức trần.
Về vấn đề đạo đức môi trường của nhà đầu tư, theo ông Bái hiện vẫn chỉ có mức độ, khi chúng ta nhận chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ không tốt hệ quả chất thải công nghệ nhiều, rủi ro về mặt môi trường rất lớn. “Vũng Áng, Formosa chúng ta có thể gọi đó là thảm hoạ môi trường”, ông Bái cho hay.
“Dù Formosa có cải tiến công nghệ tốt hơn nhưng thảm hoạ môi trường xuất phát từ rủi ro môi trường, xuất phát từ việc chưa làm chủ công nghệ trong một thời điểm nào đấy”, ông Bái cho biết thêm.
Cũng theo ông, quá trình đánh giá môi trường vừa qua kém nên đã tiếp nhận những dự án đầu tư với rủi ro môi trường lớn, để cải thiện theo ông cần đánh giá tác động môi trường và quá trình xây dựng.
Việc đánh giá môi trường chiến lược theo ông là đánh giá rất quan trọng nhưng hiện nay chưa nhận định được hết tầm quan trọng và năng lực đánh giá còn hạn chế, nguồn lực hạn chế nên hệ quả để lại những tác động, thách thức ở liên vùng hoặc vùng nóng chưa giải quyết được.
“Vấn đề Vũng Áng là vấn đề phụ thuộc vào đánh giá liên vùng nhưng trong khoảng thời gian dài chúng ta đã coi nhẹ điều này. Khi đàm phán đầu tư, vấn đề liên quan đến trách nhiệm nhà đầu tư với môi trường cần được quan tâm hơn trong khi Việt Nam chưa chú trọng lắm”, ông Bái nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Bái cũng cho biết, nhận thức về vấn đề môi trường trong việc xây dựng luật còn khá hạn chế, hệ thống quan trắc kém…
Nhận xét chung về ngành thép ở Việt Nam, ông Bái cho biết “sự cố Formosa” về cơ bản bắt nguồn từ công nghệ quặng sắt được nghiền ra thành bột cùng với than, trộn với than cốc đốt trong lò cao, phương pháp này tiêu thụ nhiều than và sinh ra xỉ (than), khí dioxdide carbon và bụi, phát thải nhiều chất độc hại ra môi trường… và hệ thống xử lý nước thải chưa đảm bảo.
Liên quan đến việc xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt tại ven biển các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, mớit đây Chủ tịch Hội nghề các Việt Nam đã có công văn đề nghị Chính phủ và các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ xác định nguyên nhân.
Theo lãnh đạo Hội nghề cá, càng kéo dài tiến độ xác định nguyên nhân thì chất độc trong trầm tích ở đáy biển sẽ bị pha loãng dần. Các mẫu cá ở thời điểm đầu tháng 4/2016 được lưu tại phòng kiểm nghiệm đã hết hạn và sẽ được tiêu hủy, khiến việc truy tìm nguyên nhân chính xác khó khăn hơn rất nhiều.
TÂM AN

Nhiệt điện nửa tỷ USD lại “liệt” một nửa

NGUYỄN HÙNG -08:24 29/05/2016 
Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả, nằm trên phường Cẩm Thịnh, TP.Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh), gồm 2 tổ máy có vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng (500 triệu USD), kể từ khi nhà thầu Trung Quốc bàn giao luôn xảy ra hỏng hóc. Và gần nửa năm nay, nhà máy này bị “liệt” một nửa do tua-bin của tổ máy số 1 gặp sự cố nghiêm trọng.

Nhiệt điện nửa tỷ USD lại “liệt” một nửa
Nhà máy có công nghệ, thiết bị Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc thi công.
Sự cố tốn triệu đô
Hai tổ máy số 1 và 2, hay còn gọi là Nhiệt điện Cẩm Phả 1 và 2 chính thức hoạt động từ năm 2010 và được nhà thầu Trung Quốc - Công ty TNHH Công trình điện quốc tế Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) - bàn giao cho Công ty CP Nhiệt điện Cẩm Phả - Vinacomin vào tháng 9.2011. Tổng công suất của hai nhà máy là 680MW, có tổng vốn đầu tư 10.635 tỷ đồng do 10 cổ đông góp vốn, trong đó Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) giữ cổ phần chi phối. Bình quân, khi hoạt động ổn định, mỗi năm, Công ty CP Nhiệt điện Cẩm Phả cung cấp cho thị trường khoảng 3,3 tỷ kWh, với doanh thu trên 4.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vào tháng 2.2016, trong khi đang hoạt động, tua-bin của tổ máy số 1 gặp sự cố nghiêm trọng - bị gãy cánh, khiến nhà máy này phải dừng hoạt động khẩn cấp. Đây không phải là lần đầu tiên tua-bin của nhiệt điện Cẩm Phả gặp sự cố nghiêm trọng. Năm 2014, tua-bin của tổ máy số 2 cũng từng bị gãy cánh và phải ngừng hoạt động mất 4 tháng, từ 17.7 - 17.11.2014.
Ngay sau khi tua-bin của tổ máy số 1 gặp đại nạn, một loạt chuyên gia trong nước và sau đó là các chuyên gia Trung Quốc được mời đến để “khám” và “chữa” bệnh cho tổ máy này, nhưng bất lực. Không còn cách nào khác, Công ty CP Nhiệt điện Cẩm Phả buộc phải đưa cả tua-bin nặng khoảng 80 tấn sang Trung Quốc “chữa trị”.
Từ Cẩm Phả, một chiếc xe siêu trường, siêu trọng chở chiếc tua-bin trên lên cửa khẩu Lạng Sơn, rồi một chiếc xe cùng cỡ của đối tác Trung Quốc đón đưa sâu vào nội địa - khoảng 4.000km, với hành trình khoảng 20 ngày mới đến nơi sửa chữa. Chúng tôi đã nhiều ngày nỗ lực liên hệ xin làm việc với lãnh đạo Công ty CP Nhiệt điện Cẩm Phả để có thông tin thêm về số phận chiếc tua-bin trên nhưng đều bất thành.
Tuy nhiên, đến nay, tua-bin của tổ máy số 1 vẫn đang trong quá trình đại sửa chữa bên Trung Quốc và dự kiến phải đến tháng 7 tới, tổ máy số 1 may chăng mới trở lại hoạt động. Giới chuyên môn ước tính, sẽ phải mất hàng chục tỷ đồng để khắc phục sự cố này; chưa kể tới liệu sửa xong, tổ máy có tái bệnh hay không.
Không chỉ tốn cả triệu đô để sửa chữa tua-bin, mà việc tổ máy số 1 dừng hoạt động cả nửa năm còn khiến Công ty CP Nhiệt điện Cẩm Phả mất cả trăm tỷ đồng khi công suất giảm mất 50%, nhất là vào dịp hè này nhu cầu điện tăng đột biến.
Khó khăn chồng chất
Kể từ khi đi vào hoạt động, đến nay, các cổ đông - chủ yếu là các Công ty thuộc Vinacomin, như: Than Đèo Nai, Cao Sơn, Cọc Sáu, Mông Dương… - vẫn chưa nhìn thấy tương lai được nhận cổ tức, khi mà mức lỗ dù đã giảm nhưng năm 2015 vẫn ở mức trên 270 tỷ đồng và nay lại “dính” phải vụ đại sự cố hỏng tua-bin.
Theo lý giải của Công ty CP Nhiệt điện Cẩm Phả, nguyên nhân chính gây lỗ lớn là do Công ty chưa áp dụng Nghị định 41 về việc thanh toán giá điện theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán. Cụ thể, Công ty vay ngoại tệ để xây dựng nhà máy, nhưng đến nay vẫn chỉ được tính giá ngoại tệ 19.500 đồng/USD trong kết cấu giá điện, trong khi giá USD hiện đã trên 22.400 đồng/USD, trong khi đó, nhiều nhà máy khác lại được áp dụng Nghị định 41.
Theo ông Phạm Quốc Cường - Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Nhiệt điện Cẩm Phả - bản thân thu nhập của 720 cán bộ, công nhân viên Công ty cũng luôn thấp hơn so với các nhà máy điện khác do không được hưởng Nghị định 41, nay gặp sự cố tua-bin, lại càng thấp hơn.
Để tạm thời ổn định công việc của người lao động, Công ty phải linh hoạt luân chuyển công việc: Người lao động ở tổ máy số 1 và số 2 thay phiên nhau đổi vị trí làm việc. “Công ty vẫn bố trí lực lượng trung tu, bảo dưỡng tổ máy số 1, nhưng nếu cứ làm ở đây thì thu nhập sẽ thấp. Vì thế, luôn có sự hoán đổi lao động ở hai tổ máy với nhau, nhằm đảm bảo thu nhập công bằng cho người lao động trong toàn Công ty” - ông Cường cho biết. Cũng theo ông Cường, sở dĩ dù gặp đại sự cố, phải dừng hoạt động hơn nửa năm, nhưng thu nhập của người lao động không giảm quá nhiều là do có nguồn tiền dự phòng từ năm 2015. Tuy nhiên, từ tháng 5-6.2016 trở đi, tình hình sẽ khó khăn hơn nhiều do nguồn dự phòng đó đã hết.
Vinacomin từng đề xuất xây thêm nhà máy số 3 tại Cẩm Thịnh
Như báo Lao Động đã phản ánh, sau khi đưa hai nhà máy vào hoạt động, Vinacomin nhiều lần đề xuất với tỉnh Quảng Ninh cho phép xây dựng thêm nhà máy thứ 3, bên cạnh hai nhà máy đang hoạt động, bất chấp ý kiến phản đối của cử tri về ô nhiễm bụi. Hiện tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất không xây dựng nhà máy số 3 tại vị trí trên.
Theo Báo Lao Động

Mỗi năm Hà Nội chi bao nhiêu ngân sách cho dự án thoát nước?

HỒNG QUÂN  07:17 28/05/2016
 BizLIVE - Chỉ tính riêng dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội được khởi công sau trận mưa lịch sử gây ngập úng cuối năm 2008, trung bình Hà Nội chi hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Đến nay Hà Nội đã chi hơn 8.000 tỷ đồng cho dự án, nhưng dự án chưa thể hoàn thành. Hà Nội vẫn ngập chỉ sau 1 trận mưa lớn.

Mỗi năm Hà Nội chi bao nhiêu ngân sách cho dự án thoát nước?
Đường Đỗ Đức Dục, khu vực khách sạn JW Marriott bị ngập sau trận mưa đêm 24/05. Ảnh: Trần Thanh Công
Dĩ nhiên, trong gần 8 năm qua kể từ sau trận mưa lịch sử kéo dài trong 3 ngày vào tháng 10-11/2008 với lượng kỷ lục khoảng 700ml biến đường phố thành “sông”, Hà Nội đã chi nhiều hơn con số 8.000 tỷ đồng cho hoạt động thoát nước của Thành phố. Tuy nhiên, dự án thoát nước nhằm cải thiên môi trường Hà Nội – Dự án II (dự án) có thể xem là nơi “ngốn” ngân sách của Hà Nội lớn nhất trong hoạt động thoát nước.
Dự án được phê duyệt vào năm 2006 với mục tiêu chống ngập úng thành phố trong lưu vực song Tô Lịch do nước mưa. Dự án có chiều dài 77,5km với chu kỳ bảo vệ 10 năm đối với sông và mương thoát nước ứng với lượng mưa 310mm/2ngày (giai đoạn I là 172mm/2ngày); chu kỳ 5 năm đối với hệ thống cống ứng với lượng mưa là 70mm/giờ. Đây là dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản.
Hà Nội kỳ vọng khi dự án hoàn thành cùng với các dự án cải tạo thoát nước trên địa bàn đảm bảo thoát nước cho khu vực nội thành, các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Long Biên,
Sau 3 lần điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án nhảy từ 3.064 tỷ đồng với chi phí giải phóng mặt bằng là 822,5 tỷ đồng lên 9.693,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số gần 9.700 tỷ đồng chưa phải là con số cuối cùng cho tổng mức đầu tư.
Nguồn: Tổng hợp số liệu các quyết định của UBND TP. Hà Nội 
Tại thời điểm cuối năm 2015, chỉ tính riêng phần vốn đối ứng của Hà Nội, dự án đã đội vốn gần 10% vốn được duyệt chủ yếu do chi phí giải phóng mặt bằng tăng và dự báo sẽ còn tăng do chi phí giải phóng mặt bằng được phê duyệt vào cuối năm 2015 lên đến 4.267 tỷ đồng, tức cao hơn 567 tỷ đồng so với con số đã chi và vượt hơn 20% vốn đối ứng được duyệt.
Thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2014, được điều chỉnh lên năm 2015, tiếp tục được điều chỉnh đến ngày 30/06/2016. Như vậy nếu hoàn thành, dự án thoát nước của Hà Nội tiêu hết bình quân 130 tỷ đồng/km. 
Nguồn: Số liệu báo cáo dự toán ngân sách Hà Nội 
Báo cáo quyết toán và dự toán ngân sách Hà Nội giai đoạn 2009 – 2015 cho thấy, đến hết năm 2015, Hà Nội đã chi hơn 8.000 tỷ đồng cho dự án, tương đương hơn 1.000 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh dự án thoát nước nhằm cải thiên môi trường Hà Nội – Dự án II, trong giai đoạn 2008 – nay, Hà Nội còn đầu tư các dự án liên quan đến thoát nước như dự án cải tạo môi trường vệ sinh KDC xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê đoạn từ dốc La Pho đến Cống Đô với tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt 224,8 tỷ đồng; xây dựng tuyến mương Gia Thụy – Cầu Bây trên địa bàn quận Long Biên 1.315 tỷ đồng; dự án thoát nước quận Hà Đông; Dự án cải thiện hệ thống tiêu thoát nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội; cải tạo hồ nội thành…..
Vào tháng 5/2012, Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch đầu tư dự án thoát nước cho thành phố giai đoạn 2011 – 2015 không bao gồm dự án II là hơn 11.000 tỷ đồng. Giả thiết Hà Nội chỉ dùng đúng con số kế hoạch đã dự toán vào tháng 5/2012, trung bình mỗi năm ngân sách Hà Nội chịu thêm khoảng hơn 2.000 tỷ đồng cho các dự án thoát nước khác.
HỒNG QUÂN

Kiên quyết nói "không" với dự án thép 3 tỷ USD

DĐDN-29-05-2016

Bất chấp việc chủ đầu tư dự án thép Guang Lian Dung Quất là tập đoàn E-United và Tycoons Steel International của Đài Loan xin tiếp tục tái khởi động lại dự án sau 10 năm liên tục điều chỉnh và trì hoãn, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi vẫn tỏ ra kiên quyết loại bỏ dự án này.

Dự án nhà máy thép Guang Lian Stell chậm trễ kéo dài khiến hàng trăm ha đất bỏ hoang tại Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: Trí Tín
Trong kết luận thanh tra dự án thép Guang Lian Dung Quất mới được công bố, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã chỉ đạo tỉnh sẽ tham vấn ý kiến các bộ, ngành liên quan đến quá trình xử lý dự án này, trong đó “thể hiện rõ quan điểm là chấm dứt hoạt động của dự án theo Luật Đầu tư.”
Chỉ đạo trên thể hiện rõ sự kiên quyết của người đứng đầu chính quyền tỉnh trong việc loại bỏ dự án thép có quy mô vốn đầu tư lên đến 3 tỷ USD và cũng như một thông điệp gửi đến nhà đầu tư rằng, chính quyền địa phương đã hết kiên nhẫn sau 10 năm chờ đợi.
Việc Quảng Ngãi tuyên bố kiên quyết loại bỏ dự án thép 3 tỷ USD diễn ra trong bối cảnh những lo ngại về môi trường của các dự án thép, đặc biệt là từ nhà đầu tư Đài Loan, đang lên cao trước nghi vấn nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển miền Trung. Cũng có thể trước những lo ngại đó, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cũng không còn thực sự mặn mà muốn níu kéo nhà đầu tư ở lại, cho dù lần này cả Tycoons Steel International và E-United cam kết hoàn thành dự án ngay trong 42 tháng kể từ khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh.
Trong kết luận thanh tra, chính quyền tỉnh đã khẳng định rõ ràng chủ đầu tư không có khả năng thực hiện dự án theo đúng tiến độ với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp giãn tiến độ theo quy định.
Theo kết luận này thì dự án “đủ điều kiện để nhà nước đơn phương chấm dứt hoạt động của dự án” theo Luật Đầu tư.
Dự án Guang Lian Dung Quất được cấp phép lần đầu vào năm 2006, đến nay đã trải qua 5 lần xin thay đổi tiến độ, quy mô đầu tư và cổ đông. Hiện tại, E-United – một tập đoàn thép cũng có tiếng của Đài Loan – đang nắm giữ khoảng 90% cổ phần tại dự án. Chủ đầu tư đã được bàn giao 377 ha đất để tiến hành xây dựng giai đoạn một, nhưng chỉ thực hiện xây dựng được một phần rất nhỏ gồm nhà làm việc, ký túc xá cho công nhân, đóng cọc và tường bao cùng hệ thống nước./.
Diễn đàn doanh nghiệp

Hẹn em Sài Gòn 2016: Chúng ta cũng chính là người mà chúng ta đang chờ

 


Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Từ trước đến giờ, phải nói có lẽ đây là bài ca chúng tôi hy vọng được gởi gấm, chia sẻ nhiều nhất. Tất cả dường như đã gởi trọn tim mình từ lời thơ, tiếng nhạc, giọng hát và cả những phối hợp hòa âm. Nhưng thật tình điều chúng ta muốn trao gởi với nhau chính là tâm thức hẹn hò ấy ấy thì đúng hơn. Cái tâm thức đau đáu trên cả chữ và lời, trên cả những chuyên chở thần sầu mãnh liệt của thi ca và âm nhạc. Đó cũng bỗng là hình ảnh đấu tranh có tính cách đột phá của một Nancy Nguyễn, một khuôn mặt trẻ hải ngoại vừa về Sài Gòn bị an ninh giam giữ 6 ngày, chỉ vì Nancy viết thẳng trên Facebook là muốn được “thành nhân” mà thôi.

Nghĩ mà coi, Trần Huỳnh Duy Thức bên trong những chấn song còn dũng cảm biết mấy xác quyết vào điều mình tin là đúng, để đến nỗi: “Con yêu ba và gia đình nhiều lắm, nhưng con yêu Việt Nam hơn.”

Và như thế, không lẽ chúng ta còn lại đây rốt cuộc cũng chỉ có những hẹn thề trong cơn mơ? Không phải “Chúng ta cũng chính là những người mà chúng ta đang chờ đợi” như Tổng thống Obama mới đây đã bơm vào đầu chúng ta sao? Ơi, sao tôi yêu kính quá những nhắn nhủ phát biểu đầy cảm xúc chân tình và cực kỳ thâm thúy, gợi mở của vị Tổng thống thứ ba ghé thăm Việt Nam: Bravo Barrack Obama!

Tiếp tục xuống đường đi nói cùng quốc tế

Trên thực tế, tiếng nói của người Việt hải ngoại đặc biệt ở Washington D.C thường được gây ít nhiều chú ý. Do đó, xin gợi lại hôm chủ nhật 15/5 cộng đồng nơi đây cũng đã có tới hai cuộc xuống đường đồng hành với quốc nội trong cùng một ngày. Coi như sự yểm trợ tinh thần trùng lắp này cũng tốt thôi, vì đúng vào thời điểm này, bà con trong nước đã bị đàn áp đánh đập dã man, bóp nghẹt thông tin báo chí và khủng bố mọi tiếng nói. Chủ nhật 22/5 vừa rồi, trời một phen thử lòng những người con xa xứ nên cứ rỉ rả mưa không dứt. Điều khá thú vị là trời mưa thì mặc trời mưa, Cộng Đồng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn vẫn tổ chức được rất đông đảo đồng hương xuống đường tuần hành trước Tòa Bạch Ốc, để ủng hộ quyết tâm tuyệt thực đòi quyền tự quyết cho nhân dân của Trần Huỳnh Duy Thức, cũng như sự minh bạch về thảm họa quốc gia cá chết, biển chết và người dân cũng đang rũ chết vì mầm mống ung thư, khát đói, ô nhiễm…

Xin mở một ngoặc đơn ở đây: Một khi nhà cầm quyền này không hề biết lo cho sự an toàn nguy khốn của dân nói chung và tình trạng Miền Trung nói riêng, cũng như đã cố tình chặn đứng mọi liên lạc thông tin nguy cập của đồng bào ở Vũng Áng, Hà Tĩnh…, chúng ta phải bằng mọi cách đứng lên “cứu nước, cứu dân”. Họ không thể tiếp tục lấy vải thưa bịp bợm, toa rập để che mắt thánh của nhân dân đang đến hồi rực sáng.

Đình chỉ hoạt động của Formosa cho đến tháng 9 chỉ là kế hoãn binh, câu giờ ấu trĩ. Liệu quý vị lãnh đạo có đọc thấy những biểu hiện vũ bão như: “Đón Obama, đuổi Formosa” hay “Chào Obama, Cút Tập Cận Bình”?

Một số bạn trẻ có mặt cũng đã đứng ra giương cao tinh thần Trần Huỳnh Duy Thức, mà tôi xin gọi là Tọa Kháng Tuyệt Thực, dĩ nhiên là có thể làm tại nhà, nơi công cộng hoặc trải dài danh sách tham gia như tiếng nói của chung công dân mạng toàn cầu. Đồng hành khít khao với mốc điểm 24/5 đã đành, khởi đi từ cuộc tuyệt thực đến chết đầy bi tráng hào hùng của Trần Huỳnh Duy Thức. Nhưng tận cùng của những bất lực gọi kêu này chính là những tiếp sức của tất cả chúng ta: “Đấu tranh này là trận cuối cùng.” Quyết tâm mà Trần Huỳnh Duy Thức đã nguyện đánh đổi cho tự do hay là chết. Đó là đòi cho được một sự “thượng tôn pháp luật và trưng cầu dân ý trao cho nhân dân quyền quyết định thể chế chính trị của đất nước”.

Với tù nhân lương tâm này chính là sự đánh dấu 7 năm của ngày khởi đầu thứ định mệnh khắc nghiệt oan sai. Cho một bản án phi lý đằng đẵng 16 năm vì không hề có tội và không hề thỏa hiệp, khoan nhượng.

Việc anh không chọn ngày của Tổng Thống Obama đến thăm Việt Nam là 22/5 để dấy lên tiếng nói tưởng chừng không còn một chọn lựa nào khác, thì cũng có thể hiểu được nhiều phần một nhân cách như anh chỉ muốn làm theo sự mách bảo của ý chí bất khuất, và luôn tự quyết định bằng chính đôi chân quyết liệt, khẳng khái của mình. Đúng là tính chất của một thủ lãnh, và hơn ai hết Trần Huỳnh Duy Thức đã quá hiểu rõ bản chất Cộng Sản. 

Đánh mất thể diện của một nhà nước

Khác xa với phẩm chất hài hòa tử tế xứng đáng cương vị của một người đã được vinh tặng Hòa Bình Thế Giới, tôi ngờ rằng Tổng thống Obama đã khó lòng hình dung nổi thứ văn hóa búa liềm búa tạ của C.S đã “mời” cả Ngài chứng kiến ngay màn trấn áp, hủy bỏ cuộc gặp mặt những đại diện dân sự hôm 24/5, khiến Ngài phải lắc đầu chép miệng: “Tôi cần phải lưu ý rằng đã có một số nhà hoạt động khác được mời, nhưng họ đã bị chặn không thể tới đây vì những lý do khác nhau. Tôi cho rằng đây là một chỉ dấu cho thấy mặc dù đã có ít nhiều tiến bộ, và mặc dù chúng tôi từng hy vọng với việc có một số cải cách tư pháp trong dự thảo được thông qua, thì sẽ có những tiến bộ thêm nữa, nhưng vẫn có những người bị cản trở khi muốn tụ tập ôn hòa để nói về những vấn đề họ quan tâm sâu sắc.” Đã vậy, thật khó mà tin được họ còn dám bắt một công dân Mỹ khi Ngài Obama cũng đang có mặt trực tiếp theo dõi xem xét những giải trình của họ. 

Chuyến thăm của Obama lần này dễ làm cho những người chú trọng duy nhất đến vấn đề nhân quyền đâm ra thiếu bình tĩnh, tỏ vẻ thất vọng. Tuy nhiên trong bối cảnh của Việt Nam lúc này, điều hệ trọng dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương và trở thành đối tác toàn diện hầu củng cố lòng tin chiến lược, chắc chắn sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều sức mạnh khí giới tự vệ để bảo vệ độc lập chủ quyền, như Ngài Obama đã ám chỉ không chấp nhận một nước lớn đi ăn hiếp một nước nhỏ hơn. Cứ nhìn phản ứng hậm hực của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, Trung Quốc cho rằng Ngài Obama đã không quên “quẩy lưới” trước khi rời Việt Nam là đủ biết tầm khẩn thiết quan trọng và đã khiến Trung Quốc hốt hoảng. 

Cách gì đi nữa, chính những người dân Việt Nam trong nước phải tự đứng lên trước hết. Họ càng sử dụng bạo lực, chúng ta càng phải tìm cách nối kết, đoàn kết gây sức mạnh để bảo bọc đường lối đấu tranh ôn hòa, bất tuân dân sự. Tọa Kháng Tuyệt Thực là một hình thức của bất tuân dân sự. Ôn hòa nhưng quyết liệt, và không thể không nuôi dưỡng lòng căm phẫn đau thương, vì sẽ không có thời cơ nào là thời cơ thuận tiện nên cần phải nhanh chân lên đường phấn đấu đến kỳ cùng. Họ đã hết thời rồi!

Những chỉ đạo của chúa tể Sài Gòn Đinh La Thăng

Chắc ông bí thư này chỉ thích làm chúa tể Thành Hồ. Vừa rồi thấy ông ra chỉ đạo cấm lai vãng tham quan nhà thờ Đức Bà vào cuối tuần, nhiều người không biết mình đang trở về với thời kỳ đồ đá đồ đểu nào, mà khi không lại có chuyện cấm đạo, răn đe cấm du lịch thăm viếng ở đây.

Đúng là thành phố đang đầy dẫy những kẽm gai đâm thủng vào tim nhau lẫn cả bầu trời tự do. Hòn Ngọc Viễn Đông khác với lời hứa mị dân của ông, đã không thể bị trầy trụa chảy máu hơn dưới bàn tay ông.

Nhất là với ông chủ của Nhà Trắng vĩ đại đứng đầu thế giới Obama, mà ông Đinh La Thắng cũng còn không biết điều xuống lệnh xem thường ngoại giao, không cho dân treo áp phích có hình bán thân chào đón rõ lớn Tổng thống Obama hôm 23/5 trên đường Đời Cô Lựu (Mai Thị Lựu?) với hàng chữ: “Welcome President Obama to Vietnam”.

Vậy là chuyến này coi như dân chúng Sài Gòn không được đích thân nhiệt liệt chào đón Tổng thống Obama như đồng bào Hà Nội, nên họ chỉ được đứng ngập hai bên đường để vẫy chào tạm biệt Ngài Obama với bao luyến tiếc, ngưỡng mộ.

Điều này càng cho thấy lúc Ngài đến, dân chúng Hà Nội đã háo hức thức trắng cả đêm để được hoan nghênh người đứng đầu một nước có nền văn minh dân chủ nhất thế giới. Thức và lúc nào Việt Nam cũng cần có những đêm Thức, mất ngủ rộn ràng như thế. 

Vậy thì nghĩa lý gì tấm lòng biết trọng thị của 21 phát đại bác có hay không cũng chỉ cốt làm đẹp lòng Đại Hán(g). Thêm nữa, tôi không hiểu họ học thói ngoại giao ở đâu, để áp đặt một vị nguyên thủ quốc gia như Ngài Obama phải đứng chịu trận chào quốc ca của XHCN.

Đã bảo lòng dân và ý đảng là hai đường song song chẳng biết bao giờ hội ngộ. Đảng không biết lột xác chuyển mình sớm hơn nên càng ngày càng lún xuống bùn sâu và chừng như quá muộn.

40 năm mà mưa vẫn còn rơi

Khi không bỗng chợt buồn vì một câu trong bản nhạc như thế. Thì đúng là 40 năm hơn chúng ta vẫn còn chờ hoài một ngày nắng đẹp. Lại càng sâu đậm hơn, khi nhớ ra hôm nào xuống đường mưa xứ người vẫn không ngừng rơi, và xuống đường thì cứ phải xuống đường nhưng chỉ trong một ý nghĩa hỗ trợ quê nhà. 

Còn thì… có ai sẽ mở lòng hẹn đón cùng nhau ở những phi trường ngập tràn quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài?

Và bây giờ, đâu biết làm gì với những chiếc dù xanh với lia thia cá, sao mà mang đầy hồn những biểu tượng biển không còn xanh và môi trường cũng đã mất hết máu không còn xanh. Gợi nhớ những chiếc dù vàng quá ấn tượng của thủ lãnh phong trào dân chủ Hoàng Chí Phong làm sao đâu… bạn ơi.


Độc thoại vô đề


- Có những nhân vật chẳng cần nói tên, mà ai cũng biết.
- Có những sự việc cố tình che dấu, mà ai cũng hiểu.

"Cá ơi có nhớ biển chăng,
Biển thời một dạ khăng khăng nhớ hoài"


Biển nước mình trong xanh mơ mộng hiền hòa, ôm ấp giải Non Sông gấm vóc hình chữ S cong cong.

Bỗng nổi sóng ào ào cuồn cuộn xô bờ lôi theo xác chết trăm ngàn tấn hải sản: cá, tôm, ngao, sò, ốc, hến.

Có phải thủy cung nội chiến hay đảo chính cướp quyền Thủy Vương?

Ngạc nhiên thấy màu xanh hòa bình biến thành màu đỏ chiến tranh.

Thảm họa môi sinh, độc chất hòa tan, âm mưu diệt chủng… vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng!

Ngư dân thẫn thờ rơi lệ vì tuyệt đường mưu sinh.

Đoàn người phẫn uất, nổi dậy biểu tình phản đối khắp nơi đòi hỏi ‘Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch’ nhưng bị côn an, du đãng đàn áp dã man.

Dân thừa biết nguyên do từ đâu đến. Có phải nhà máy Formosa tuôn độc chất vào biển với âm mưu thâm độc của loài quỉ đỏ ẩn núp phía sau.

Hay những con ‘tàu lạ’ ma quái lẩn quẩn ngoài khơi, thả xuống lòng biển chất độc hủy diệt môi sinh.

Tà quyền vờ vịt làm ngơ, tuyên bố không cần chứng cớ. Tệ hơn trả lời vô trách nhiệm: độ nhiễm độc có thể chấp nhận, cứ việc thỏa thích bơi lội, thưởng thức hải sản ngon lành, chế biến nước mắn hương vị đậm đà.

Người phụ nữ ngồi khóc bên đống cá chết đã thấy bốc mùi.

Những con thuyền nằm buồn hiu quạnh vì không thể ra khơi.

Nghe văng vẳng đâu đây âm vang trên sóng biển bản nhạc "Cá chết tang thương"

"Chàng đi chia cắt đôi ta,
Thiếp về thả cá ao nhà nuôi con"


Nàng thướt tha trong chiếc áo dài truyền thống trăm năm người phụ nữ Việt Nam. 

Chàng chững chạc phong thái nhàn du đến từ nơi xa xôi cách nửa vòng cầu trái đất.

Họ sánh bước bên nhau không phải trong cuộc tình lãng mạn, nhưng để phô diễn một trò chơi chính trị hơn thua.

Đến thăm ao cá ông Hồ - người sáng lập ra một đất nước tang thương tan rã, đang cần người vực dậy.

Hai bóng hình lung linh soi trên mặt nước trong xanh.

Chàng nhẹ nhàng từng nắm nhỏ thả thức ăn cho cá làm rung rinh mặt nước.

Nhưng nàng ném mạnh từng nắm lớn làm sóng xao động vì đàn cá chen chúc giành mồi như đoàn xe cộ ùn tắc hai chiều.

Rồi nàng vung tất cả mồi còn lại trong chiếc sô vội vã như có tiếng ai réo gọi.

Chàng, người đứng đầu một siêu cường đầy quyền lực, ngỡ ngàng liếc mắt nhìn nàng nhủ thầm:

"À! Mình đang bên cạnh một người phụ nữ đứng đầu Quốc Hội đầy sức mạnh vì mọi người luôn luôn Nhất trí!"

Rồi lại tự an ủi mình: Thế mà cái ông đầu bếp của mình cứ lo xa! Bữa chiêu đãi nếu có món cá cứ vớt lên từ cái ao này thì đảm bảo ngon lành và không nhiễm độc. Họ đang cần mình giúp đỡ, không lẽ lại hại mình? OK!

Từ chiếc loa phóng thanh bên nhà sàn đang vang lên bài ca bất hủ: "Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng…"


A đây rồi, thiên tài đây chứ đâu!

Hạ Trắng (Danlambao) - Khi còn là Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu “tham nhũng (ở Việt Nam) là quốc nạn”. Là một tên trùm tham nhũng nhưng phát biểu câu ấy, ông Trọng đương nhiên là “trừ mình ra” và chỉ nói đến các đồng chí đồng rận khác một cách chung chung, như một kiểu mị dân mà thôi.

Mà tham nhũng ở Việt Nam là quốc nạn thật. Vì đó là đặc trưng của nhà nước độc tài. Nhà nước độc tài không bao giờ muốn chống tham nhũng, và chống cũng không được. Giống như kiểu Việt cộng phải dựa lưng vào Trung cộng, thà mất nước chứ nhất định không chịu mất đảng.

Trò hề chống tham nhũng đôi khi cũng có hồi gay cấn. Ví dụ hôm 4/3/2016, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ đã đá phản lưới nhà tại Hội nghị chống tham nhũng do Bộ Tư pháp tổ chức. Ông này phát biểu: “Tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn, chống lại cơ chế xin cho. Chúng tôi chống lại có khi chết trước”. 

Bao nhiêu giải pháp mị dân được vẽ ra để (giả vờ) chống tham nhũng xem chừng như bế tắc. Bỗng đâu, một “sáng kiến” bất thình lình được đưa ra khiến công luận được phen giật mình. “Sáng kiến” ấy mang tên Nguyễn Đức Hiển - phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an). Hiển đề nghị “nghiên cứu không in các loại tiền có mệnh giá lớn, nếu chỉ in loại tiền có mệnh giá 20.000 đồng thôi, không cho phép giao dịch bằng ngoại tệ thì người ta rất khó đưa phong bì bởi khi đó phong bì sẽ rất dày”. (*)

Kính thưa các thể loại Cục. Kính thưa các thể loại “sáng kiến”. Nhìn bản mặt của ông Phó cục, người ta nghĩ ngay đến ba chữ: “Ngu”, “tham nhũng”. Cũng đúng thôi, như ông Cục trưởng Phạm Trọng Đạt khẳng định: “Tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn”. Cho nên có thể hiểu là những người có chức vụ, quyền hạn đều tham nhũng. Càng chức to càng tham nhũng mạnh. Càng ngu dốt càng leo cao. Trong bộ máy cai trị của cộng sản, không có đất cho những người tài đức. Nếu không thì đất nước đâu lụn bại thế này. Cho nên làm đến chức Cục, là phải ngu, phải ác và phải là trùm tham nhũng.

Đây, mời bà con cùng chiêm ngưỡng dung nhan của ông Phó cục.

Nguyễn Đức Hiển - phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an). Ảnh Lê Kiên/Tuổi Trẻ

Một số chuyên gia nói ông Phó cục là kỳ cục. Lại còn bảo sáng kiến của ông là “ngớ ngẩn”, “lạ”, “vô tác dụng”. 

Riêng tôi thì thấy “sáng kiến” của ông Phó cục quả là hơn người. Đúng là ranh giới giữa thằng điên và thiên tài chỉ là một bước chân. 

Ông Phó cục đang khuyến khích các đồng chí, đồng rận của mình phải “ăn” cho khéo, kẻo bị bọn dân đen phát hiện. Triệt để việc không ăn của đút bằng tiền mặt. Tuy rằng kinh nghiệm này đã luôn được quán triệt từ trung ương đến địa phương, nhưng cũng cần công khai cảnh báo cho nhau kẻo một đồng chí sơ hở là kéo theo cả lũ. Đó là vẫn tiếp túc đẩy mạnh hình thức ăn bất động sản, vila, biệt thự, ô tô, vàng, tài khoản ngân hàng, ngoại tệ, v.v... Khuyến khích hình thức tham nhũng bằng chức vụ, quyền lực, cơ chế và cả gái đẹp nữa. Nhà, xe, gái, quyền lực, cơ chế... thì đếch có phong bì nào chứa nổi. 

Mấy lão chuyên gia chuyên vào còn lo là việc in tiền tốn kém. Đúng là lo bò trắng răng. Tiền của dân chứ có phải tiền của nhà nước, tiền của quan chức đâu mà lo. 

Tôi còn nghĩ ông Phó cục có tố chất là một nhà cải cách xã hội. Nghĩ đi. Bây giờ mỗi người dân khi ra đường, hay đi chợ, đi mua bán, giao dịch sẽ vác theo cả một cái túi to, hay va li để đựng tiền. Các loại túi to, bao tải rồi sẽ thay thế cho những chiếc ví da gọn nhẹ xinh đẹp. Không những là một sáng kiến chống tham nhũng mà còn là một cuộc cách mạng về thời trang. Chưa kể những đảo lộn xã hội sẽ phát sinh nếu sáng kiến này được áp dụng trên thực tế. 

Thật choáng váng với đỉnh cao “trí tệ” của nhân loại.

Không biết người dân Việt Nam còn phải đóng thuế nuôi những tên ăn hại này đến bao giờ?