Monday, September 26, 2016

Mỹ phạt công ty TQ do làm ăn với Bắc Hàn

Theo BBC-1 giờ trước 

Image copyrightAFP
Image captionThành phố Đan Đông, Trung Quốc nằm cạnh biên giới với Bắc Hàn
Mỹ trừng phạt một công ty Trung Quốc và bốn người điều hành vì cáo buộc giúp đỡ Bắc Hàn né tránh lệnh trừng phạt.
Công ty Dandong Hongxiang bị cáo buộc thay mặt một ngân hàng Bắc Hàn nằm trong danh sách trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn việc tăng cường các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Các biện pháp trừng phạt được áp đặt sau khi Bắc Hàn tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 5 gây làn sóng phản đối khắp toàn cầu trong tháng này.
Công ty công nghệ và những người điều hành cũng đang bị chính quyền Trung Quốc điều tra.
Quyết định của Mỹ kéo dài lệnh trừng phạt với doanh nghiệp bán buôn thiết bị công nghiệp nghĩa là các công ty hoặc cá nhân người Mỹ bị cấm làm ăn với công ty này hoặc bốn người điều hành.
Bên cạnh người sáng lập công ty, Ma Xiaohong, lệnh trừng phạt còn nhắm vào Zhou Jianshu, Hong Jinhua và La Chuanxu, những người bị cáo buộc âm mưu vi phạm lệnh trừng phạt và tham gia vào đường dây rửa tiền quốc tế.

'Mắt xích'

Theo Adam Szubin, quan chức giám sát các lệnh trừng phạt của Bộ Ngân khố Mỹ, Dandong Hongxiang là mắt xích trong "mạng lưới bất hợp pháp trợ giúp Bắc Hàn phổ biến vũ khí," và đại diện cho ngân hàng Kwangson của Bình Nhưỡng.
Image copyrightAFP
Image captionLãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vẫn thách thức công luận quốc tế
Doanh nghiệp Trung Quốc "tìm cách né tránh lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và Mỹ, tạo điều kiện tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ thông qua một đối tượng chỉ định," thông cáo của ông cho hay.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết các tài khoản ngân hàng liên quan đến công ty này và các công ty bình phong đã nhận chuyển ngân hàng trăm triệu đôla qua Mỹ.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Hongxiang đang bị điều tra về giao dịch bất hợp pháp và tội phạm kinh tế.
Cùng thời điểm, Hoa Kỳ loan báo Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhất trí đẩy mạnh hợp tác tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các kênh thực thi pháp luật sau vụ thử hạt nhân với quy mô lớn nhất của Bắc Hàn hôm 9/9.
Quốc gia cộng sản bị cô lập đang bị áp 5 lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc kể từ thời điểm tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006.
Các cuộc đàm phán của những cường quốc khu vực đã thất bại trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Bắc Hàn.
Những tháng gần đây, Bắc Hàn tiến hành một loạt các vụ phóng tên lửa đạn đạo và công khai mục đích nhắm mục tiêu tấn công Mỹ.

'Tham nhũng lan vào chốn thiêng liêng'

Theo BBC-26 tháng 9 2016 

Image copyrightOTHER
Image captionÔng Vũ Ngọc Hoàng có hai bài viết trên VietnamNet bàn về quyền lực và kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam mới đây.
Cựu Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, Vũ Ngọc Hoàng có bài viết nói rằng hiện nay "tham nhũng và lợi ích nhóm" đã lan vào cả các lĩnh vực "trong sạch, thiêng liêng".
Trang VietnamNet đăng bài của ông Vũ Ngọc Hoàng phê phán cả sự tha hóa quyền lực trong bộ máy ở Việt Nam.
"Có những người lúc đầu khi chưa có quyền lực thì tốt, nhưng sau đó, khi đã có quyền lực trong tay thì dần dần trở nên hư hỏng, thành người xấu; thậm chí đến mức có thể phản bội nhân dân, bán rẻ Tổ quốc vì ngai vàng của cá nhân."
Tuy nhiên, ông không nêu rõ những người đó là ai mà chỉ nêu ra luận điểm chung là quyền lực "làm thay đổi con người".
"Trên đỉnh cao của quyền lực ít ai nhìn thấy tai họa ẩn chứa vốn có từ bên trong quyền lực ấy, nếu không phải là người lãnh đạo có nhân cách lớn, minh triết uyên thâm..."
Ông cũng cảnh báo "tha hóa quyền lực dẫn đến sụp đổ chế độ" và nhắc rằng "việc kiểm soát quyền lực trước tiên là để bảo đảm cho quyền lực luôn thuộc về đúng chủ nhân của nó, tức là thuộc về nhân dân".
"Sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn đến sụp đổ chế độ chính trị. Nếu sự tha hóa ấy không dừng lại và lành mạnh hóa thì sụp đổ là không thể khác, chỉ còn là vấn đề thời gian. Sự sụp đổ ấy chính là tự đổ, không phải do ai phá và cũng không ai cản nổi."
Tuy vậy ông cũng thừa nhận một thực trạng kêu gọi, vận động nhiều năm qua mà ngành Tuyên giáo của ông đóng một vai trò, đã không đem lại kết quả:
"Nhiều năm qua lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã rất nhiều lần đề ra chủ trương và kêu gọi phải chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm” tiêu cực, cũng đã mất nhiều công sức cho công việc khó khăn và vất vả này, nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế."
"Tình hình tham nhũng, 'lợi ích nhóm' chẳng những không dừng lại, mà đang còn khá phổ biến và phức tạp, gây nhức nhối xã hội, đau đầu các cơ quan lãnh đạo đất nước."

'Tha hóa mọi lĩnh vực'

TS Hà Hoàng Hợp
Image captionÝ kiến trong hai bài viết của nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng còn 'chưa minh bạch, lập lờ', theo TS. Hà Hoàng Hợp.
"Nó cứ lan rộng dần vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, của công việc quản lý và quản trị quốc gia, vào ngay trong các lĩnh vực mà trước đến nay thường được cho là trong sạch, thiêng liêng."
Các lĩnh vực này được Tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàng định nghĩa là "dạy người, cứu người, an ninh quốc gia, nắm cán cân công lý để bảo vệ sự nghiêm minh, kể cả cơ quan ở cấp cao, cả nhà thờ, chùa chiền, cả lĩnh vực làm từ thiện, nhân đạo, chính sách đền ơn đáp nghĩa…".
Tóm lại là, theo ông, việc "kiểm soát quyền lực về cơ bản chưa được kiểm soát, từ đó dẫn đến tha hóa cán bộ và các tổ chức trong bộ máy lãnh đạo quản lý".
Thời gian qua trong chính bộ máy Đảng Cộng sản và chính quyền tại Việt Nam đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ việc gây lo ngại.
Hôm 18/8, truyền thông nhà nước Việt Nam nói một chi cục trưởng kiểm lâm ở Yên Bái, ông Đỗ Cường Minh đã dùng súng công vụ bắn chết Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Ngô Ngọc Tuấn.
Mới đây Bí thư Thanh Hóa, tỉnh lớn vào loại nhất nước về dân số, ông Trịnh Văn Chiến phải lên tiếng bác bỏ các tin trên mạng xã hội rằng ông có 'bồ nhí, con riêng' và tài sản 'nhiều chục tỉ đồng'.

'Chưa minh bạch, lập lờ'?

Cựu Phó Trưởng ban Tuyên giáo Vũ Ngọc Hoàng trong phần 2 của bài viết nói trên cũng trên VietnamNet đưa ra quan điểm của ông về kiểm soát quyền lực.
Trong bài viết có tựa đề " Nhiều việc bị lấy cớ là 'nhạy cảm' để không minh bạch thông tin", Tiến sỹ Hoàng viết:
"Trong phần 1, tôi đã nói về lý do phải kiểm soát quyền lực. Trong phần 2 này, tôi xin góp bàn về quyền lực cần được kiểm soát như thế nào, bằng cách nào? Trước tiên phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm quyền lực tối cao thuộc về nhân dân. Lời ấy không phải là hô khẩu hiệu, mà phải được thấm sâu trong hệ thống chính trị và trong cộng đồng nhân dân. Mọi người phải ý thức rõ ràng và đầy đủ về quan điểm ấy, thường xuyên thể hiện bằng hành động thực tế.
"Bảo đảm việc lập hiến là của toàn dân (thông qua cử tri toàn quốc), nhân dân phải trực tiếp quyết định những vấn đề cơ bản của Hiến pháp (chứ không phải là nhân dân góp ý để Quốc hội xem xét). Phải trưng cầu dân ý đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Tiến tới Chủ tịch nước phải do nhân dân trực tiếp bầu (chứ không phải Quốc hội)..."
Bình luận về ý kiến của ông Vũ Ngọc Hoàng qua hai bài báo trên VietnamNet, hôm 25/9, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và quốc tế, từ Hà Nội nêu nhận xét:
"Bài thứ hai ông ấy nói về chuyện vì nhạy cảm không minh bạch hóa thông tin, chính ông mắc vào chuyện ấy. Ông chẳng chẳng minh bạch gì cả, ông nói rất lập lờ, đọc thì tôi thấy ông ấy nói rất lập lờ, ông chẳng nói gì cụ thể cả.
"Ông 'đao to, búa lớn' nói có người bán rẻ Tổ Quốc. Nếu ông ấy đủ dũng cảm, ông ấy đủ minh bạch, ông ấy nên nói thẳng ra đấy là ai? Hay ông nói đến Trần Ích Tắc hay là Lê Chiêu Thống xưa?"

Dân Sài Gòn bức xúc sau trận mưa ngập nặng

Theo BBC-10 phút trước 

Cơn mưa làm ngập hơn 30 điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh và khiến nhiều người không thể về nhà sau giờ làm việc.
Nhiều người đã thể hiện ý kiến sau sự cố bị ngập nặng giữa thành phố lớn nhất tại Việt Nam này.
Một người tên Đỗ Oanh nói cô "băn khoăn" sau trận mưa và nước dâng. Cô liệt kê:
“Mưa ngập ướt khắp nơi vầy nguồn điện dễ chạm mạch, rất là nguy hiểm tính mạng.
“Những xe bốn bánh khi ngập nước sẽ bị hư hỏng rất nặng . Chi phí bảo trì và sửa chữa hơn giá trị 1/2 chiếc xe . Ko biết lái xe taxi họ sẽ về đâu.
“Rắn rết , côn trùng độc hại bò lên bờ cắn người.
“Nước cống , nước thải tràn lên bờ tắm người.
“Mọi thứ đình trệ , thiệt hại tổn thất rất lớn ... Trận ngập này có tính là thiên tai ko ? Ai gánh trách nhiệm này ? Ông trời hay ai?,” bình luận của cô được nhiều người chia sẻ.

“Đất nước trên yên xe máy”

Nhiều báo tại Việt Nam tường thuật cảnh hỗn loạn tại thành phố lớn sau cơn mưa dai dẳng.
Trang tin Kenh14.vn đăng tải sự cố một bà mẹ khi đi ngang qua đoạn đường ngập đã vô tình thất lạc đứa con.
Image copyrightFACEBOOK
Image captionNhiều xe máy bị cuốn vào dòng nước, trong một clip người đàn ông đuổi theo chiếc xe máy bị trôi đi
Nhà văn Đàm Hà Phú, tác giả nhiều quyển sách nói về văn hóa Sài Gòn viết: "Ai cũng nói chuyện cơn mưa đêm qua, về quy hoạch đô thị và 68 ngàn tỉ tiền chống ngập cùng sự chịu đựng lô cốt kẹt xe khói bụi mấy năm rồi đã trôi theo dòng nước cống đêm qua... nên mình không nói lại, nói thêm chi nữa, mình chỉ nên nói về xe máy.”
“Hôm qua cả trăm ngàn chiếc xe máy bị ngập, bị cuốn trôi, bị chết máy, bị ngã... kèm với đó là hàng ngàn ngàn người, bao gồm phụ nữ và trẻ em, vâng tội nhất là trẻ em, chúng đói, lạnh, hoặc khóc ngất hoặc vất vưởng chịu đựng cùng cha mẹ.
“Bên cạnh chỗ tôi, một chị kia dỗ con mãi không nín, chị ôm con khóc nức nở theo nó, chiếc xe bị cuốn trôi và chết máy vừa được mọi người vớt lên để nằm chỏng chơ bên cạnh. Bạn Thắm đội mưa đi mua đồ ăn cho con bị rơi vào miệng cống, ướt như chuột, đứt dép, đau đớn và căm phẫn.
“Đó là bức tranh chung của Sài Gòn đêm qua, hàng triệu người phải vật lộn xoay xở với cơn mưa trên xe máy, vâng, chiếc xe máy, cùng với một văn hoá quốc gia giao thông bằng xe gắn máy, chính là bộ mặt của nghèo đói và lạc hậu,” nhà văn này bình luận.
“Và, trong khi các báo cáo ở hội nghị ca ngợi mọi thứ, các bạn dư luận viên đang hát bài của họ, thì nhân dân vẫn trần mình cùng kẹt xe, khói bụi, tai nạn, nước ngập... trên chiếc xe gắn máy thần thánh cùng với áo mưa cánh dơi hai đầu huyền thoại... trong khi hầu hết phần còn lại của thế giới người ta ngồi xe hơi, xe buýt, xe điện ngầm, MRT...”
Ông Đàm Hà Phú ví von “một đất nước trên yên xe máy, trong kỷ nguyên vũ trụ".
Image copyrightTHANH NIEN NEWS
Image captionCảnh các hộ lý bắt lươn trong bệnh viện Trưng Vương bị ngập, do báo Thanh Niên tại Việt Nam ghi nhận

“Quy hoạch” kém?

Báo Thanh Niên có nhiều video về trận mưa và nước ngập, với cảnh nhiều bác sĩ trong bệnh viện bắt được cả lươn khi nước dâng.
Vnexpress chạy tựa "Sài Gòn rối loạn vì ngập nặng", với cả video tòa nhà Bitexco cao nhất thành phố bị mưa hắt, nước tràn từ tầng bốn xuống sảnh.
Một số báo về giải trí đăng tải hình ảnh ngôi nhà của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị ngập và nhiều người phải dọn dẹp đồ đạc lên cao.
Người dùng Facebook tên Thinh Nguyen bình luận: "Sài Gòn ngập nước sau cơn mưa kéo dài lịch sử. Ngay cả nhà xây cất kiên cố hàng trăm tỉ (vài triệu dollars) của ca sĩ Đam Vĩnh Hưng cũng bị nước ngập tơi tả !?"
Bạn đọc Quynh Anh Pham lại dẫn một bài báo "Hơn 1000 xe máy bị nhấn chìm trong hầm sâu 2 mét giữa Sài Gòn" của báo Dân Trí và bình luận: "Không thể lấy lí do trận mưa khủng khiếp như một vài báo giật tít (vì không có số liệu lịch sử khí tượng kèm theo), và chắc chắn trong lịch sử Sài gòn cũng đã từng hứng những trận mưa như thế nhưng không hoặc ít ngập.
Image copyrightFACEBOOK
Image captionTòa nhà cao nhất thành phố Bitexco cũng bị nước dột và phải lau dọn
“Đã đến lúc (tuy đã muộn nhưng còn hơn không) cần nhìn thẳng vào sự thật: Nguyên nhân căn bản là do quy hoạch và quản l‎ý trật tự đô thị yếu kém, trong thời gian dài - ít nhất cả thập kỉ.”
Người dùng Facebook này cũng nói với vị lãnh đạo thành phố: “Thưa anh Đinh La Thăng, trong nhiệm kì của mình, anh chỉ cần huy động bộ máy quản lí nhà nước đồ sộ của thành phố tập trung giải quyết được vấn đề tối thiểu, cơ bản của 1 thành phố văn minh là: ít hay tốt hơn là hết ngập nước và kẹt xe máy là dân thành phố và cả nước sẽ đội ơn anh và hệ thống quản lý nhà nước lắm rồi.
“Không cần đặt mục tiêu khó với tới: Hòn ngọc Viễn Đông, chỉ cần hết là "hòn ngập, bãi xe máy Viễn đông" là thiết thực và quí lắm rồi ạ!"

Khu trục hạm USS John S. Mccain do đại tá gốc Việt dẫn đầu sẽ tới Đà Nẵng

Đại tá Lê Bá Hùng của Hải Quân Hoa Kỳ sẽ dẫn dắt 280 sĩ quan và thủy thủ trên khu trục hạm USS John S. McCain đến thăm thành phố Đà Nẵng trong tuần này
Đại tá Lê Bá Hùng (Ảnh: goldsea.com)
Truyền thông Việt Nam hôm 26/09 cho hay, tàu USS John S. McCain sẽ tới Đà Nẵng vào Thứ Tư ngày 28 tháng 9 và lưu lại cho đến ngày 1 tháng 10.
Đến Đà Nẵng lần này, đoàn Hải Quân Hoa Kỳ sẽ tham dự Hội Thảo Luật Biển, trao đổi chuyên môn về y tế và về Bộ Quy Tắc Về Các Vụ Đụng Độ Không Báo Trước Trên Biển với đối tác Việt Nam. Hai bên cũng sẽ có một buổi diễn tập chung trên biển vào ngày 1/10
Khu trục hạm USS John S. McCain mang số hiệu DDG 56, là khu trục hạm thuộc lớp Arleigh Burke. Tàu có căn cứ nhà ở Yokosuka, Nhật Bản.
Khu trục hạm USS John S. McCain thuộc lớp hiện đại của Hải Quân Hoa Kỳ nên được trang bị nhiều vũ khí tối tân, như hoả tiễn hành trình Tomahawk và hoả tiễn chống hạm Harpoon. Khu trục hạm này còn được đánh giá là “có khả năng tốt nhất trong đội tàu khu trục trên thế giới”.
Đây là lần thứ ba khu trục hạm USS John S. McCain ghé vào Đà Nẵng. Lần gần đây nhất là vào tháng Tư năm 2014, khi tàu lưu lại Đà Nẵng 6 ngày.
Đại tá Lê Bá Hùng, 46 tuổi, là con của Trung tá Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa Lê Bá Thông. Ông là chỉ huy Biên đội khu trục hạm số 7, Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ.
Đại tá Hùng cũng là người Mỹ gốc Việt đầu tiên giữ chức vụ hạm trưởng của một chiến hạm Hải Quân Hoa Kỳ.
Huy Lam / SBTN

Người Việt âm thầm ra nước ngoài: ‘Cuộc di cư đau lòng’

Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai nói, khi người dân thấy trong đời sống thực của họ cái gì cũng có thể mua được, thậm chí nếu không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền, thì điều đó cũng đã lan vào cả trong chùa chiền.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai nói, khi người dân thấy trong đời sống thực của họ cái gì cũng có thể mua được, thậm chí nếu không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền, thì điều đó cũng đã lan vào cả trong chùa chiền.

Lam Thủy
Theo VOA-25.09.2016 

Chị Nguyễn Phương Mai là Phó Giáo Sư Tiến sĩ chuyên ngành giao tiếp và quản trị đa văn hóa, hiện đang giảng dạy tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan. Chị là người phụ nữ có cá tính mạnh, thích dịch chuyển, đồng thời là tác giả của bộ sách du ký “Lên đường với trái tim trần trụi” gồm 2 cuốn “Tôi là một con lừa” kể về chuyến đi lần theo dấu vết di cư của loài người và “Con đường Hồi giáo” thuật lại hành trình đến 13 nước vùng Trung Đông.
PGS Tiến sĩ Phương Mai là người đưa ra khái niệm “tị nạn niềm tin” giữa lúc ngày càng có nhiều cuộc di cư, trong đó có nhiều người Việt, đang diễn ra trong thời gian gần đây. Theo chị, không có một cuộc chiến niềm tin nào cả, nhưng có sự giao hàm giữa khủng hoảng đức tin và khủng hoảng niềm tin, một trong những căn nguyên của cuộc tị nạn thời bình này.
Từ “khủng hoảng đức tin”…
Chị Phương Mai cho biết, cũng giống như rất nhiều người Việt khác, chị lớn lên trong một gia đình theo tam giáo. Chị nói "tín ngưỡng của Việt Nam nằm trong máu thịt người Việt rồi. Không chỉ các quan chức mà cả những người làm kinh tế, ở nơi nào mà họ tìm được sự phù trợ thì họ sẽ tìm đến để cúng bái".
Chị nói thêm, khi người dân thấy trong đời sống thực của họ cái gì cũng có thể mua được, thậm chí nếu không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền, thì điều đó cũng đã lan vào cả trong chùa chiền. Bây giờ đi vào chùa không còn là để vãn cảnh nữa mà gần như là một sự cạnh tranh, hối hả, bon chen nhau đặt đồ cúng, rồi nhét tiền lẻ vào tay tượng ở khắp nơi trong chùa.
Chị chia sẻ: “Chùa chiền mà như chiến trường thì có thể thấy họ có cái nhìn hơi sai khác về đức tin, về tôn giáo, về tín ngưỡng. Có thể họ thấy quan lại ở ngoài thực tế cuộc sống có thể mua được, thậm chí thánh thần cũng có thể mua được thì có thể giải thích cho khủng hoảng niềm tin, khi niềm tin vào cuộc sống không có.”
…đến “tị nạn niềm tin”
PGS Tiến sĩ Phương Mai tâm sự, những người bạn của chị khi thấy bi quan với thực tế cuộc sống, họ đi tìm một nơi để thư thái tâm hồn bằng cách vào chùa chiền thì cũng nhìn thấy một thực tế không khác gì mấy. Họ sẽ tự hỏi ở đâu họ có thể tìm thấy sự công bằng, văn minh, tương lai cho con cái của họ.
Chị kể câu chuyện về một người bạn đã lên kế hoạch rất chi tiết và cẩn thận cho cả gia đình đi định cư ở nước ngoài. Người bạn này có một công việc ổn định, gia đình hạnh phúc, có vài căn nhà ở trong Sài Gòn và ngoài Hà Nội, nhưng “bạn ý không muốn con cái phải sống cuộc sống đôi khi phải gù lưng thì mới sống ổn”. Và vấn đề quan trọng là người bạn đó "sợ con cái họ không có đủ thời gian để hưởng thành quả của một xã hội văn minh cho trọn".
Chị đưa ra khái niệm “tị nạn niềm tin” sau buổi trò chuyện với người bạn này.
Chị Nguyễn Phương Mai là Phó Giáo Sư Tiến sĩ chuyên ngành giao tiếp và quản trị đa văn hóa, hiện đang giảng dạy tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan.
Chị Nguyễn Phương Mai là Phó Giáo Sư Tiến sĩ chuyên ngành giao tiếp và quản trị đa văn hóa, hiện đang giảng dạy tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan.
Khi được hỏi có phải chính chị cũng đang “tị nạn niềm tin” không, chị Phương Mai cho biết, chị quyết định ra nước ngoài sinh sống và làm việc là vì lý do cá nhân. Chị đi theo tiếng gọi của tình yêu. Mặc dù vậy, đôi khi chị cũng tự vấn liệu mình có mất niềm tin vào tương lai của chính mình ở Việt Nam hay không, và câu trả lời hiện nay vẫn là không.
Tuy nhiên, chị cũng thừa nhận đó là một câu hỏi khó, chỉ có thời gian và thực tế mới trả lời được bởi nếu về Việt Nam sống và hàng ngày phải đối mặt với những điều chướng tai gai mắt thì chưa chắc chị vẫn có thể giữ nguyên câu trả lời đó.
Chị nói: “Nếu quay trở lại Việt Nam sống và hàng ngày phải đối mặt với những cái khó khăn, những điều chướng tai gai mắt, phải gù lưng mà sống thì chưa chắc đâu. Có thể lúc đó tôi cũng lại giống như những người bạn tôi, cũng lại mất niềm tin thì sao?”
“Cái vấn đề là chúng ta sống trong môi trường tham nhũng, sống trong môi trường gù lưng, gần như thành Chí Phèo ai cho tao lương thiện, sống trong xã hội mà ai cũng cho rằng phải đút lót thì công việc mới suôn sẻ. Nếu tôi phải đối mặt với cái thực trạng như thế thì cũng không đủ tự tin để mà giữ vững cái ý nghĩ mình có thể nhìn thấy tương lai ở Việt Nam, mình có thể tin mình tồn tại, mình sống hạnh phúc, mình theo đuổi những cái đam mê của mình khi trở lại Việt Nam.”
Số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế và Vụ Liên Hiệp Quốc về Vấn đề Kinh tế và Xã hội cho thấy, từ năm 1990 đến năm 2015 có hơn 2,5 triệu người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 100 nghìn người Việt di cư.
Vậy câu hỏi đặt ra là đất nước không còn chiến tranh nữa, kinh tế cũng tốt hơn, thì tại sao họ lại bỏ đi?
Theo PGS Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, cuộc di cư này diễn ra âm thầm và không phải ai cũng biết đến, nhưng nó lại là cuộc di cư đau lòng. Đau lòng hơn cả so với cuộc di cư của các thuyền nhân Việt Nam. Chị cho biết:
“Chúng ta đang có một cuộc di cư khác, một cuộc di cư thứ hai âm thầm hơn. Không ai bắt buộc họ cả, họ cũng chẳng chạy trốn một cái xã hội, một cái chế độ nào cả, nhưng mà họ đi tìm đến vùng đất mới vì ở nơi đó tốt đẹp hơn, như người ta nói là đất lành chim đậu và con số này khá là cao. Khi họ di cư ra nước ngoài, họ mang theo rất nhiều thứ mà chúng ta đang cần, không những là sức người sức của mà còn là kiến thức, tài năng.”
Chị Phương Mai chia sẻ niềm tin là thứ được xây dựng và bồi đắp từng chút một. Nó không phải là sự va chạm, đối đầu giữa hai khái niệm hoặc hai chủ thể mà nó là sự trôi dần đi, mòn dần đi. Chị nói “người ta không thể tìm thấy niềm tin ở đây thì người ta sẽ cố gắng tìm niềm tin ở nơi khác”. Phải chăng đó là lý do vì sao có một cuộc “tị nạn niềm tin” đang âm thầm diễn ra ở Việt Nam?

Diệt tham nhũng hay diệt lẫn nhau giữa các phe phái trong đảng CSVN?



Thiện Ý
Theo VOA-26.09.2016 

Vụ án các cán bộ đảng viên cấp cao ở tỉnh Yên Bái sát hại nhau chưa tìm ra thủ phạm thì lại xảy ra vụ đánh tham nhũng Trịnh Xuân Thanh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang bị hụt vì đối tượng đã trốn thoát mà vẫn chưa xác định được đang lẩn trốn ở đâu. Đến nay nhiều tuần đã trôi qua chỉ có đồn đoán là ông Trịnh Xuân Thanh đã đào thoát được ra nước ngoài và nghi rằng ông ta đang có mặt ở Đức hoặc Canada. Bộ Công an Việt Nam đã gửi lệnh truy nã đến khắp nơi trong nước và cho cả cảnh sát quốc tế Interpol nhờ hỗ trợ.
Trước thực tế trên, người ta tự hỏi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phe cánh đang phát động chiến dịch diệt trừ tham nhũng hay diệt trừ lẫn nhau giữa các phe phái trong đảng CSVN?
Theo nhận định của chúng tôi, câu trả lời tổng quát là "diệt tham nhũng là diện, diệt trừ nhau là điểm" hay nói cách khác bề ngoài là diệt tham nhũng, bên trong là diệt trừ nhau giữa các phe phái trong nội bộ đảng CSVN. Những phe phái này hình thành trên hai yếu tính là lợi ích và óc địa phương tạo ra mâu thuẫn đối kháng tiêu diệt lẫn nhau. Mâu thuẫn này đã có từ lâu ngay trong thời kỳ chiến tranh gọi là "Chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước"!
Trong chiến tranh, yếu tính lợi ích còn mờ nhạt vì đảng CSVN chưa nắm được chính quyền trên cả nước, nên lợi ích chính trị (quyền lực) và kinh tế (tiền đẻ ra từ quyền lực) cho các cán bộ đảng viên chưa nhiều. Mặc dù đã nắm được chính quyền trên Miền Bắc, song lúc đó "toàn đảng, toàn dân ta" đang dồn hết "sức người, sức của" cho cuộc chiến tranh cướp chính quyền ở Miền Nam, nhu cầu đoàn kết nội bộ được đưa lên hàng đầu… Vả lại tình trạng kinh tế nghèo nàn, lạc hậu lúc đó chỉ có hiện tượng tham nhũng ăn mảnh, cò con, chứ chưa có sự câu kết thành tham nhũng một cách có hệ thống và trên quy mô lớn như hiện nay.
Yếu tính địa phương cũng đã có trong chiến tranh, khi nhóm Bắc Kỳ và Trung Kỳ ở Miền Bắc chiếm ưu thế đối với những cán bộ đảng viên Miền Nam tập kết. Khi chúng tôi ở tù chung vì tội "phản động" với một số cán bộ đảng viên vì tham nhũng phải vào nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu (T.30) họ có xác định mâu thuẫn này là có thật trong chiến tranh, dù cố gắng tránh va chạm nhưng đã có lúc hai bên bộ đội Miền Bắc chi viện vào và quân chủ lực miền, dân quân du kích địa phương dàn quân đối đầu nhau, chỉ vì lúc nào "họ cũng chơi cha không hà". Sau này khi chiếm được Miền Nam, tính chất này dường như trở thành chủ trương không văn bản của đảng trong việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo chính quyền các cấp các ngành ở Miền Nam. Đảng chia ra cán bộ A gốc Bắc Kỳ thường biên chế lãnh đạo cơ quan, còn cán bộ B gốc Miền Nam tập kết và cán bộ C lực lượng chiến đấu hay hoạt động nằm vùng tại chỗ thì thương ở vị trí thứ yếu khiến người dân có cảm tưởng như người Miền Bắc cai trị Miền Nam sau ngày thống nhất đất nước. Ví dụ, tại một trường phổ thông cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh nơi tôi đăng ký dạy học sau ngày 30/4/1975, Hiệu trưởng là một nữ cán bộ đảng viên gốc A có chồng lúc đó (1977-1978) là Ủy viên dự khuyết Trung ương đảng. Hiệu phó học tập là một nữ cán bộ gốc B, hai hiệu phó còn lại đều gốc C. Trước đó, trong khi mới "giải phóng" chưa kịp điều nhân sự từ Bắc vào thì cả Ban Giám hiệu mới đều là gốc C nhân sự tại chỗ.
Bây giờ, sau hơn 40 năm "giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước", các cán bộ đảng viên cộng sản có chức, có quyền các cấp vẫn tiếp tục cấu kết thành phe nhóm có chung lợi ích (chính trị và kinh tế) và tình đồng hương, cái sau có nhẹ hơn cái trước, nhưng vẫn còn là một trong hai yếu tính cơ bản cấu kết với nhau thành hệ thống bao che (tham nhũng) và bảo vệ lẫn nhau (giữ vững quyền và lợi). Chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định trong kỳ Đại Hội XII rằng cần chọn tổng bí thư gốc người Bắc và ông đã toại nguyện. Giờ đây sau khi nắm quyền tổng bí thư trong tay lại được coi là người "trong sạch nhất" trong đảng (!) xứng đáng được giao cho trọng trách cầm trịch chống tham nhũng. Phải chăng nhân dịp này ông muốn lợi dụng chiến dịch đánh tham nhũng để diệt những người không cùng cánh Bắc với ông?
Nhưng vụ Phó Bí thư tỉnh ủy kiêm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, một cán bộ đảng viên gốc Bắc Kỳ đang bị ông Tổng Trọng cho đánh về tội tham nhũng có phải là một trường hợp như thế không? Chúng tôi nghĩ là không. Vì Ông Thanh gốc Hà Nội là một trong những người được phe phái Bắc Kỳ của ông gài vào hệ thống chính quyền các cấp các ngành ở Miền Nam. Người mà hệ thống đảng do Tổng Bí thư Trọng lãnh đạo đã thuyên chuyển và đề bạt lên các chức vụ cao sau khi Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu Khí làm ăn thua lỗ làm thất thoát hơn 3.300 tỷ đồng mà ông Trịnh Xuân Thanh là Tổng Giám đốc phải chịu trách nhiệm chính. Nhưng lúc đó (2012-2013) ông Thanh được cứu khi cuộc điều tra đã kết luận rằng thất thoát thua lỗ là do nguyên nhân khách quan do thời vận kinh tế suy thoái, nên ông Thanh thoát nạn. Sau đó ông Thanh được chuyển công tác sang bộ phận chính quyền, với nhiều bằng khen và còn được phong danh hiệu "Anh hùng lao động". Nay không lẽ Tổng Trọng hay người của ông lại móc lại một hồ sơ có dấu hiệu tham nhũng từ 3 năm trước đã "khép lại" để dùng ông Thanh như vật tế thần để mở đầu cho chiến dịch đánh tham nhũng theo kiểu "đả hổ, diệt ruồi" của ông Trung Quốc sao?
Đành rằng kinh nghiệm các cuộc thanh trừng đẫm máu nội bộ các đảng cộng sản cho thấy người cộng sản không coi trọng "tình đồng chí", vì lợi ích cá nhân hay bè phái họ có thể sát phạt, thủ tiêu nhau không thương tiếc. Nhưng trong trường hợp này chúng tôi cho rằng Tổng Trọng hoàn toàn bị động, có thể do người của phe phái chống ông đã đẩy ông vào thế chẳng đặng đừng phải hy sinh người của mình để chứng tỏ tính "bất vị thân" trong quyết tâm chống tham nhũng … đến cùng? Phải chăng vì tình nên ông Trọng và người của ông trong bộ máy chuyên chính công an đã cố tình không bắt giữ ngay, hay là bắt giữ không được vì chính những người thuộc phe phái chống ông ở Miền Nam đã che chở, tạo cơ hội cho ông Thanh có đủ thời gian và phương tiện đào thoát và công khai xin ra khỏi đảng trước khi có quyết định khai trừ, với lý do không còn tin vào sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hầu làm mất mặt và hạ uy tín của ông?
Nay thì ông Trịnh Xuân Thanh đã cao bay xa chạy và có tin đồn là ông đang ở nước ngoài. Theo chỉ thị của Tổng Bí thư Trọng cơ quan chức năng Bộ Công an đã phát lệnh truy nã Trịnh Xuân Thanh và xin cảnh sát hình sự quốc tế Interpol hỗ trợ là thật hay chỉ là động tác giả? Việc mới đây có quyết định chuyển sinh hoạt đảng cùng lúc tam trụ triều đình Trọng-Quang-Phúc về đảng ủy Bộ Công An có phải là dấu hiệu không còn tin tưởng lãnh đạo bộ này vì đã để Trịnh Xuân Thanh đào thoát được hay là để tập trung quyền lực vào công cụ chuyên chính hàng đầu là Bộ Công An để bảo vệ đảng (là các ông) và chế độ (cũng là các ông và phe nhóm) chuẩn bị đối phó với biến chuyển tình hình mới trong tương lai cần bạo lực để trấn áp?
Tình hình đó là gì, có phải là bạo loạn do các phe phái tranh dành quyền lực và quyền lợi tìm cách diệt trừ nhau dưới vỏ bọc chống và diệt tham nhũng để huy động sức mạnh quần chúng nhân dân đồng tình tạo ra "tình thế cách mạng chín muồi" để lật dổ Ông Trọng và phe cánh thân Trung Quốc, giành chính quyền và lãnh đạo chính quyền đi theo chiều hướng mới, phù hợp với ý nguyện của nhân dân, có lợi cho dân cho nước và cho chính quyền lợi thiết thân của phe cánh này? Đây chỉ là một dự kiến, tình hình thực tế diễn biến thế nào, kết cuộc ra sao, chúng ta hãy chờ xem.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

'Chủ nghĩa xã hội' mà vắng bóng xã hội

Bùi Tín
Theo VOA-26.09.2016 

Ở Việt Nam, các chữ "xã hội chủ nghĩa" xuất hiện hàng ngày, bất cứ ở đâu, với mật độ dày đặc nhất, trên văn kiện, báo chí, truyền thanh, truyền hình, diễn văn, thông báo, khẩu hiệu tuyên truyền… Tên nước là "Cộng Hòa XHCN Việt Nam", hiến pháp là "Hiến pháp XHCN", quốc huy là "Quốc huy XHCN", kinh tế là "kinh tế thị trường theo định hướng XHCN", xây dựng "con người XHCN", theo "đạo đức XHCN", theo "cương lĩnh XHCN" của đảng CS, với mục tiêu cuối cùng là chủ nghĩa Xã hội (CNXH) rồi chủ nghĩa Cộng sản (CNCS).
Điều mỉa mai dai dẳng là cái khái niệm được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất ấy lại là một khái niệm ảo, không có thật, không một ai nhìn thấy và cảm thấy. Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải công nhận là đến cuối thế kỷ XXI này cũng chưa chắc sẽ nhìn thấy mặt mũi của nó ra sao! Còn ông nguyên bộ trưởng Bùi Quang Vinh sau khi tụng niệm nó hàng triệu lần trong lời nói và văn kiện đã thật thà hơn khi cho rằng "cái khái niệm XHCN ấy làm gì có thật mà tốn công đi tìm!" Cái khái niệm đó chỉ là một ảo tưởng, một điều bịa đặt … vậy mà hàng trăm triệu con người vẫn cứ tin là thật. Sự ngây thơ, nói thẳng ra là sự ngốc ngếch của con người đến thế là cùng!
Xin giở lại lý luận cơ bản của Karl Marx về CNXH, tiền thân của CNCS. Theo Marx định nghĩa, CNXH khoa học, hay "CNXH mang bộ mặt con người" là toàn xã hội ra sức lao động sáng tạo có năng xuất cao, sản phẩm được phân phối công bằng theo công sức bỏ ra, không có nạn người bóc lột người. Ngay khi khởi đầu xây dựng CNXH toàn xã hội đã chăm lo cuộc sống cho nhau, trong một cộng đồng đề cao giá trị lao động và thương yêu đùm bọc nhau trong tình người thân ái. Thật là lý tưởng.
Theo đúng tinh thần này, ở các nước tư bản phát triển từng có các đảng Xã hội và đảng Xã hội-Dân chủ tham gia chính quyền, các phương châm trên được thực hiện khá rõ, được cả xã hội hoan nghênh, các chính đảng cầm quyền tranh đua nhau thực hiện. Chỉ kể ở Pháp, từ thời Mặt trận Bình Dân những năm 1930, các thành tích xã hội đã ngày một rõ và nhiều. Các chính sách xã hội trở thành nội dung chính của các chính quyền kế tiếp nhau, của các đạo luật ngày càng phong phú cụ thể. Cộng đồng xã hội cùng Nhà nước ngày càng chăm lo sâu sắc đến cuộc sống của mỗi công dân đồng bào của mình. Toàn xã hội chăm lo cho cuộc sống yên lành của mỗi công dân - đồng bào, mỗi gia đình, cho công dân từ khi trong bụng mẹ, khi khôn lớn, lúc học hành, thành nghề, lao động, đến tuổi về hưu, dưỡng già, cho đến tận khi chết làm lễ an táng tại các nghĩa trang.
Trong cuộc sống của mỗi công dân thường gặp những bất ngờ, tai nạn, tàn tật, ốm đau, thất nghiệp, thiên tai, bất hạnh, nợ nần, phá sản, dù ở đâu lúc nào, ra sao, nhà nước và xã hội cũng có mặt để hỗ trợ cứu giúp.
Từ khi người mẹ có thai, đã được khám thai miễn phí, khi cần còn được nghỉ và nhận phụ cấp dưỡng thai, khi sinh được chăm lo mẹ tròn con vuông, trợ cấp sữa nếu thiếu sữa mẹ, trợ cấp nuôi con, trợ cấp đông con theo lũy tiến là con sau được nhận cao hơn con trước, có cố tật, các bệnh hiểm nghèo hay lây được trị miễn phí 100%, nghỉ, chữa bệnh giữ nguyên lương, được phụ cấp khi thất nghiệp, bị tai nạn, được nhờ luật sư cãi miễn phí khi không có điều kiện thuê khi có kiện tụng. Khi cao tuổi được vào nhà già nếu muốn, được hưởng nhiều chiếu cố, đi lại tàu xe công cộng miễn phí, đi nghỉ mát, du lịch gần, tour du lịch tàu biển, tắm suối nước nóng miễn phí, các công dân nam nữ sống độc thân được trợ cấp đi giải trí, nghỉ ngơi, du ngoạn … Dịp khai giảng năm học, mỗi gia đình bình thường được trợ cấp cho mỗi con tùy theo tuổi và lớp, để mua cặp sách, các loại bút, vở tập, sách giáo khoa đủ loại cho từng lớp, cho đến phụ cấp di chuyển để đi học bằng phương tiện công cộng, rồi nhà nước cho thuê phòng giá rẻ cho học sinh và sinh viên ở xa đến trọ. Các em được chữa răng, chữa mắt miễn phí, được cấp kính viễn hay cận, cho làm hàm răng giả, chân tay giả, xe lăn khi cần…
Trong khi đó, ở nước Cộng hòa XHCN VN theo báo Pháp Luật tháng 8 vừa qua, mỗi gia đình phải đóng gần 60 khoản thuế và lệ phí đủ loại cho xã hội và Nhà nước, mà nhận về chẳng được mấy. Ngoài những thuế phổ cập như thuế nhà đất, thuế sử dụng tài nguyên, thuế môi sinh, giao thông, an ninh quốc phòng, có những thứ thuế tuy là tự nguyện nhưng lại mang tính bắt buộc, không theo luật mà chỉ theo ước lệ, như quỹ khuyến học, quỹ phúc lợi xã hội, phí xây dựng nông thôn mới, thuế làng văn hóa, quỹ bóng đá thiếu niên, thuế dân số (đẻ con thứ ba phải nộp 2 triệu đồng), quỹ đền ơn đáp nghĩa (cho gia đình liệt sỹ, thương binh), rồi các phí xin chữ ký, xin dấu triện, chứng nhận khai sinh, học bạ, văn bằng, di chuyển, quỹ người cao tuổi, quỹ công ích, quỹ dân sinh, quỹ cán bộ xóm, có người nằm liệt giường hàng chục năm hay em bé mới sinh ra cũng phải nộp gần 20 loại phí mang tên mình.
Vậy là trong chế độ dân chủ tuy không mang tên XHCN, xã hội và Nhà nước chủ động chăm sóc, phục vụ tận tình mỗi công dân, mỗi gia đình, không cần gì công dân phải cầm đơn đến cơ quan công quyền để van xin. Các Quỹ hỗ trợ gia đình (Caisse d’ allocations familiales - CAF) và Quỹ An sinh Xã hội (Sécurité Sociale) rất phong phú chủ động xem xét từng trường hợp thật chính xác, công bằng theo luật và gửi tiền đúng thời hạn đến tận nhà. Đúng là chủ nghĩa xã hội, có nghĩa là xã hội chăm lo, săn sóc, quan tâm, phục vụ đến nơi đến chốn mỗi công dân, không chút phiền hà, quà cáp, phong bì, chờ đợi theo kiểu xin - cho, vòi ăn hối lộ, đút lót tệ hại cổ hủ, như các chế độ quan liêu CS, bao cấp, mang danh CNXH.
Nó không cần mang danh CNXH, đội mũ CNXH, huênh hoang CNXH một cách cao ngạo, đao to búa lớn mà thật ra là rỗng tuyếch, gượng gạo, ngược đời. Nó thực chất là một chế độ dân chủ, một mô hình thật sự của dân, do dân, vì dân, mang bộ mặt nhân ái, mang bản chất Người, người thật với người là anh em.
Đến bao giờ nước Việt Nam mới có CNXH thật sự mang bộ mặt Người, một chế độ của dân, do dân và vì dân, có chế độ pháp quyền đúng đắn, từ đó mỗi công dân được xã hội và nhà nước chăm sóc chu đáo một cách bình đẳng, từ khi sinh ra cho đến khi tắt thở sau một cuộc đời đáng sống trong nhân cách, hạnh phúc?
Vậy cái chế độ CS kỳ khôi giả danh XHCN, mà nội dung xã hội rỗng nên gọi là gì? Nó đang hiện hữu ở Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba, Việt Nam. Theo báo le Monde mới đây (tháng 8/2016) các học giả phương Tây như Bertrand Jacquillet (Pháp), James Galbraith (Hoa Kỳ) gọi nó là "chế độ tư bản đặc thù", vì cũng đề cao giá trị đồng tiền và lợi nhuận tối đa, nhưng lại không theo luật pháp, luật lệ nghiêm minh, mà theo luật rừng của kẻ có chức quyền, người với người bóc lột nhau theo thú tính tàn ác, nên có thể đặt tên chính xác là "chủ nghĩa tư bản thú tính" (le "capitalisme prédateur", nghĩa đen là "chủ nghĩa tư bản ăn thịt nhau"). Ở đó không có luật, không có tòa án, không có xã hội, thì làm gì có CNXH, chỉ có các nhóm lợi ích Cộng sản tham lam gầm ghè ăn thịt nhau. Đã có người mỉa mai đọc XHCN là "xuống hố cả nút", hay là "xấu hơn cả ngụy", cũng là nói lên sự thật.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.