Friday, November 24, 2023

Nhìn lại vụ Trương Mỹ Lan, Phạm Quý Ngọ & Trần Đại Quang

 Đồng Phụng Việt

Phạm Quý Ngọ

Một người tên Tiệp từng giúp Trương Mỹ Lan giao cho ông Dũng 20 tỷ để ông Dũng chuyển cho ông Ngọ. Trước tòa, ông Dũng khai rất rõ ràng rằng lúc đó, nhân vật tên Tiệp bảo ông Dũng: “Anh yên tâm đi, tôi đã gặp và báo cáo với anh Trần Đại Quang.”

Năm 2012 – thời điểm công an Việt Nam khởi tố vụ án “tham ô tài sản” xảy ra ở Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines (mua ụ nổi đã hết hạn sử dụng với giá 2,3 triệu Mỹ kim rồi nâng lên thành… 19 triệu Mỹ kim, chưa kể còn áp dụng phương thức này trong nhiều dự án đầu tư khác để nâng khống giá trị, chiếm đoạt số tiền tính bằng ngàn tỷ đồng), Dương Chí Dũng, cựu Tổng Giám đốc, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, đột nhiên biến mất ngay trước ngày công an thực hiện lệnh bắt.

Sau khi bị dẫn độ về Việt Nam, phải ra tòa, trước tòa, ông Dũng khai chính ông Phạm Quý Ngọ – Thượng tướng, Thứ trưởng Công an, Trưởng Ban chuyên án Vinalines gọi điện thoại để khuyên ông bỏ trốn… Ông Dũng còn khai thêm nhiều chuyện động trời khác…

Chẳng hạn một người tên Tiệp từng giúp Trương Mỹ Lan giao cho ông Dũng 20 tỷ để ông Dũng chuyển cho ông Ngọ. Trước tòa, ông Dũng khai rất rõ ràng rằng lúc đó, nhân vật tên Tiệp bảo ông Dũng: “Anh yên tâm đi, tôi đã gặp và báo cáo với anh Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an – để anh Quang có ý kiến với anh Ngọ và anh Quang sẽ điện cho anh, để anh Ngọ không can thiệp hay gây khó cho doanh nghiệp nữa…”

Cũng theo lời ông Dũng: Sau đó ít ngày, tôi có đến thăm gia đình anh Quang. Ngồi ở phòng khách có hai anh em, anh Quang tự nói ra những chuyện đó. Chính anh Quang Bộ trưởng nói ra và tôi cũng báo cáo lại với anh Quang là anh Ngọ có giới thiệu công ty như thế… Anh Quang bảo chú cứ làm đúng nguyên tắc, đúng luật. Chọn đơn vị nào có năng lực, kinh nghiệm, có uy tín tham gia. Không phải ngại ai can thiệp cả. Ông Dũng còn khai thêm ông từng đưa 30.000 Mỹ kim cho hai sĩ quan của C48…

Không rõ có phải vì thành khẩn như đã tường thuật hay không mà kết quả chung thẩm vẫn là Dương Chí Dũng bị phạt tử hình. Tháng sau, 2/2014, Phạm Quý Ngọ đột tử. Cả đơn tố cáo mà Dương Chí Dũng gửi nhiều lãnh đạo đảng, nhà nước sau phiên xử sơ thẩm lẫn lời khai của ông tại phiên xử phúc thẩm chỉ khuấy động dư luận được một thời gian ngắn rồi rơi tõm vào quên lãng. Toàn bộ hệ thống tư pháp, từ Tòa án, Viện Kiểm sát tới Bộ Công an không làm gì cả ngoài chuyện Bộ Công an công bố quyết định khởi tố phóng viên Nguyễn Hùng của BBC Tiếng Việt vì trong tường thuật về phiên phúc thẩm ông Dũng đã ám chỉ Thiếu tướng Trần Quang Tiệp, trợ lý Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang trong khi Dũng khai tên người đưa tiền là ‘Tiệc’…

Tháng 4/2016, Trần Đại Quang thôi làm Bộ trưởng Công an để đảm nhận vai trò Chủ tịch nước. Tháng 8/2017 giới hữu trách ở Việt Nam quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra hoạt động của SCB từ 30/6/2014. Xin lưu ý bà Trương Mỹ Lan và VTP Group đã nổi tiếng về khả năng “chọc Trời, khuấy nước” từ lâu và từ lâu, công chúng đã thắc mắc tại sao bà Trương Mỹ Lan cũng như VTP Group có thể làm được những chuyện khó tưởng như đã biết.

SCB hình thành từ ba ngân hàng là Sài Gòn, Tín Nghĩa, Đệ Nhất. Bà Lan chỉ có thể sử dụng SCB như công cụ kể từ 2012. Vì sao đề cao “sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật” nhưng hệ thống tư pháp lại bỏ qua những lời khai của ông Dương Chí Dũng, không “mở rộng điều tra” như vẫn làm thế?

Nếu công an Việt Nam thật sự “chí công vô tư”, thật sự có trách nhiệm trong việc bảo vệ, thực thi pháp luật thì bà Lan có thể lũng đoạn hoạt động của SCB trong mười năm và gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như công an vừa công bố hay không?

https://www.datviet.com/nhin-lai-vu-truong-my-lan-pham-quy-ngo-tran-dai-quang/

2 tiếp viên Vietnam Airlines ‘vô tội’ dù mang cần sa vào Nam Hàn

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Các báo ở Việt Nam đưa tin về vụ hai nữ tiếp viên hàng không Việt Nam được tuyên “vô tội,” trong vụ vận chuyển ma túy vào Nam Hàn đều không cho biết tên cụ thể của hãng mà họ làm việc.

Báo VNExpress hôm 24 Tháng Mười Một dẫn lời ông Nguyễn Văn Viện, cục trưởng Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Ma Túy, Bộ Công An, cho biết một tòa án ở Seoul, Nam Hàn, vừa tuyên hai nữ tiếp viên hàng không Việt Nam vô tội trước cáo buộc buôn lậu tinh dầu cần sa, giấu trong hàng hóa.

Hai nữ tiếp viên hàng không Việt Nam bị bắt quả tang buôn lậu lượng tinh dầu cần sa tại phi trường Incheon của Nam Hàn. (Hình: Facebook Incheon Airport)

Ông Viện nói thêm rằng, tuy được tuyên vô tội nhưng vụ án đang trong quy trình xem xét kháng cáo nên hai nữ tiếp viên chưa được cho về Việt Nam.

Theo VNExpress, hai tiếp viên không rõ danh tính, đã thừa nhận làm dịch vụ xách tay hàng hóa từ Việt Nam sang Nam Hàn với thù lao 69,000-150,000 won ($52-$114) mỗi lượt.

Tuy nhiên, hai bị cáo phủ nhận cáo buộc vận chuyển tinh dầu cần sa và khẳng định rằng họ chỉ chuyển “mỹ phẩm” tới Nam Hàn mà không biết bên trong các hộp này là ma túy.

Bản tin cho biết, hai hãng hàng không Bamboo Airways và Vietjet Air khẳng định họ không có tiếp viên bị giữ ở Nam Hàn trong lúc Vietnam Airlines “đang xác minh.”

Tuy vậy, hồi Tháng Chín, bản tin trên đài MBC của Nam Hàn về vụ hai nữ tiếp viên hàng không Việt Nam mang cần sa có hình nền là một phi cơ của hãng Vietnam Airlines.

Thời điểm đó, một bản tin tiếng Nam Hàn của kênh truyền hình nêu trên cho hay: “Hai nữ tiếp viên hàng không Việt Nam bị cảnh sát bắt khi nhập cảnh tại phi trường Incheon với một lượng tinh dầu cần sa tổng hợp đựng trong các hộp mỹ phẩm, có giá thị trường là 300 triệu won ($229,538).”

Đài MBC cũng cho biết thêm, trước khi vụ việc xảy ra, việc kiểm tra hành lý tại phi trường Incheon đối với phi hành đoàn của các hãng hàng không ngoại quốc “tương đối lỏng lẻo” và “đơn giản hơn so với hành khách thông thường.”

“Giới chức Hải Quan phi trường Incheon nói rằng họ sẽ tăng tần suất kiểm tra hành lý của phi hành đoàn các hãng hàng không Việt Nam gắt gao hơn trước,” theo MBC.

Cũng theo VNExpress, ông Nguyễn Văn Viện nói thêm rằng ông này đã khuyến cáo các hãng hàng không Việt Nam về chuyện nhân viên “có thể bị tội phạm ma túy lợi dụng.”

Trong một vụ tương tự xảy ra hồi Tháng Ba, bốn nữ tiếp viên của hãng Vietnam Airlines bị bắt quả tang mang tổng cộng 11 kg thuốc lắc, cocain và ketamine giấu trong các hộp kem đánh răng sau một chuyến bay từ Pháp về phi trường Tân Sơn Nhất.

Bản tin trên đài MBC của Nam Hàn về vụ hai nữ tiếp viên hàng không Việt Nam có hình nền là một phi cơ của hãng Vietnam Airlines. (Hình: Chụp qua màn hình)

Bốn cô này sau đó được trả tự do vì khai rằng họ “nhận vận chuyển các tuýp kem đánh răng với tiền công 10 triệu đồng ($412), chứ không biết bên trong có ma túy.”

Nay theo lời ông Nguyễn Văn Viện thì Công An ở Sài Gòn “đã sáng suốt khi trả tự do cho bốn tiếp viên dù có nhiều ý kiến trái chiều.” (N.H.K)

3 cha con ‘đại gia’ Trần Quí Thanh bị truy tố vì ‘chiếm đoạt hơn $31 triệu’

 SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ông Trần Quí Thanh, giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát, cùng hai con gái, vừa bị truy tố với cáo buộc “chiếm đoạt tài sản 767 tỷ đồng ($31.6 triệu).”

Báo VietNamNet hôm 24 Tháng Mười Một dẫn bản kết luận điều tra của Bộ Công An Việt Nam cho hay ông Thanh cùng hai con gái, Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích, cho một số doanh nghiệp, cá nhân vay tiền nhưng không ký hợp đồng cầm cố tài sản mà buộc ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng rồi chiếm đoạt tài sản với khoản tiền nêu trên.

Ông Trần Quí Thanh và hai con gái, Trần Uyên Phương (giữa), Trần Ngọc Bích. (Hình: Người Lao Động)

Sau khi các bên vay tiền đã trả nợ gốc, lãi đúng theo thỏa thuận, ba cha con ông Trần Quí Thanh bị cho là viện lý do bất hợp lý đề từ chối việc trả lại tài sản, cho rằng chủ tài sản “vi phạm các điều khoản hợp đồng” nên bị mất quyền mua lại…

Khi bên vay tiền không đáp ứng được các điều kiện mới phát sinh, ông Thanh và hai con gái cố tình chiếm đoạt tài sản của họ.

Trong vụ này, ông Thanh, 70 tuổi, bị quy chụp đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu, trong lúc hai con gái “giúp sức tích cực.”

Ông Thanh và bà Phương bị bắt tạm giam đã hơn nửa năm. Riêng bà Trần Ngọc Bích thì đang được cho tại ngoại.

Bộ Công An cho rằng cả ông Thanh lẫn hai con gái đều “ngoan cố, chưa thành khẩn khai báo, không nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật.”

Ba cha con ông Thanh không thừa nhận hành vi cho vay mà chỉ thừa nhận mua, bán các tài sản với các đại diện doanh nghiệp, cá nhân.

Kể từ thời điểm ông Thanh và hai con gái dính vòng lao lý, Tân Hiệp Phát được ghi nhận thôi làm nhà tài trợ hạng “Platinum” cho Trung Tâm Thúy Nga (Paris By Night).

Điều hy hữu là theo báo VietNamNet hồi Tháng Tư, ông Nguyễn Văn Chung, một trong các nạn nhân tố cáo cha con ông Trần Quí Thanh, nay bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Theo hồ sơ của Công An ở Sài Gòn, trong giai đoạn 2015-2018, ông Chung với tư cách đại diện công ty DCB, đã ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất các khu đất tại quận Bình Tân, Tân Phú, Sài Gòn.

Nhưng sau đó, ông Chung ký hợp đồng hợp tác kinh doanh hay văn bản thoả thuận chuyển nhượng đất nền cho nhiều người.

Các lô đất này được xác định không thuộc quyền sở hữu của ông Chung hay công ty DCB. Trong đó, có một số lô đất thuộc quy hoạch giao thông, đất trồng lúa, trồng cây xanh, thuộc diện tích đất bị thu hồi, không có khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng…

Ông Trần Quí Thanh và con gái, Trần Uyên Phương. (Hình: CafeF)

Thậm chí, một số lô đất bị ông Chung còn dùng pháp nhân công ty DCB để tự lập dự án ma, tự lập bản vẽ, phân lô, ký các hợp động nhận cọc hay văn bản chuyển nhượng.

Trong suốt thời gian dài, ông Chung không có nền đất giao cho những khách hàng nhưng cũng không trả lại tiền. (N.H.K)

Con trai ‘đại gia’ Đỗ Anh Dũng bất ngờ được cho tại ngoại

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Đỗ Hoàng Việt, con trai “đại gia” Đỗ Anh Dũng, chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh, được cho tại ngoại từ hồi Tháng Chín, nhưng đến nay tin mới được báo VietNamNet hôm 24 Tháng Mười Một xác nhận.

Cả hai cha con ông Dũng đều bị truy tố với cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Ông Đỗ Anh Dũng (trái) và con trai, Đỗ Hoàng Việt, cùng điều hành tập đoàn Tân Hoàng Minh. (Hình: VietNamNet)

Trong vụ án Tân Hoàng Minh, ông Việt, người giữ vai trò phó tổng giám đốc phụ trách tài chính, bị Bộ Công An Việt Nam quy chụp là người “đề nghị chủ trương phát hành trái phiếu” để huy động tiền cho tập đoàn này.

Theo bản tin, ông Đỗ Hoàng Việt bị bắt tạm giam từ Tháng Tư năm ngoái. Đến hôm 19 Tháng Chín, bị can Việt được cho tại ngoại và bị áp đặt biện pháp “ngăn chặn bảo lãnh.”

Theo giải thích của các báo ở Việt Nam, “ngăn chặn bảo lãnh” là bị can được cho tại ngoại khi có cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức làm giấy cam đoan việc không để bị can tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can theo giấy triệu tập của tòa án.

Không rõ liệu gia đình bị can Đỗ Hoàng Việt có nộp tiền thế chân và đã phải trả bao nhiêu tiền để con trai họ được tại ngoại. Cũng không rõ lý do khiến ông Việt là bị can hiếm hoi được cho tại ngoại trong lúc đang chờ hầu tòa.

Theo giới quan sát, nhiều khả năng việc này là do cha con ông Đỗ Hoàng Việt đã nộp tiền “khắc phục hậu quả” lên đến 5,651 tỷ đồng ($233.1 triệu).

Khoản tiền này nhiều khả năng sẽ giúp cha con ông Dũng được giảm án đáng kể khi phiên tòa diễn ra.

Trước đó, hầu hết các bị can khác đều bị Viện Kiểm Sát bác bỏ đơn xin tại ngoại với lý do sức khỏe, dù họ sẵn sàng nộp tiền thế chân lên đến hàng trăm ngàn đô la.

Trường hợp gần nhất là bà Nguyễn Phương Hằng, tổng giám đốc công ty Đại Nam, hồi nửa năm trước liên tục được con trai và anh ruột làm đơn xin bảo lãnh tại ngoại, với tiền thế chân lên đến 10 tỷ đồng ($412,541) nhưng bất thành.

Trụ sở tập đoàn Tân Hoàng Minh. (Hình: VietNamNet)

Thời điểm đó, gia đình bà Hằng viện lý do bà này lúc bị bắt thì “đang chữa trị nhiều chứng bệnh như cao huyết áp, rối loạn lo âu, rối loại lipid máu, mất ngủ kéo dài, u xơ tử cung… phải thường xuyên uống thuốc.”

Sau hơn một năm rưỡi bị tạm giam với nhiều lần gia hạn, bà Hằng hầu tòa hồi trung tuần Tháng Chín và bị kết án ba năm tù. (N.H.K)

Dư âm từ một vụ bắt giữ

 11/23/2023 - 23:36 — nguyenanhtuan

Trong chế độ một đảng Việt Nam, quyền lực thực sự tập trung ở Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chứ không phải Quốc Hội. Mặc dù hàng nghìn tỷ đồng đã được chi ra cho cuộc bầu cử mỗi năm năm một lần theo sau Đại Hội Đảng, ai cũng hiểu Quốc Hội chỉ đóng vai trò hợp thức hóa quyền lãnh đạo của Đảng, khoác vỏ bọc dân chủ cho nền đảng trị.

Trong một Quốc Hội như vậy, Đảng cần một số đại biểu hoạt ngôn, thường xuyên xuất hiện trên truyền thông phát biểu một số điều phù hợp ý nguyện dân chúng. Những đại biểu này có thể là đảng viên hoặc không, nhưng chỉ chiếm thiểu số tuyệt đối trong Quốc Hội để lá phiếu của họ hoàn toàn không có trọng lượng.

Vì không có bầu cử công bằng, tự do để các ý nguyện của công chúng được biểu đạt, Đảng rất quan tâm đến việc thăm dò dư luận và thực tế đã làm điều này bằng nhiều cách khác nhau, kể cả các công cụ kỹ thuật số. Cho phép một vài Đại biểu Quốc Hội phát biểu về các vấn đề nóng bỏng của đất nước cũng là một cách để Đảng đo lường dư luận nhằm ứng phó với những phẫn uất xã hội tiềm ẩn.

Những nhiệm kỳ trước công chúng đã rất quen thuộc với Đại biểu Dương Trung Quốc - một người ngoài Đảng, hoặc gần đây hơn là Đại biểu Trương Trọng Nghĩa và Lưu Bình Nhưỡng. Hình ảnh của họ tràn ngập các bản tin báo chí và các phát ngôn của họ cũng xuất hiện khắp nơi. Trong cơ chế "Đảng cử dân bầu" ở Việt Nam, dù trong đảng hay ngoài đảng, các Đại biểu này cũng đều là người được Đảng chọn.

Có còn hơn không

Không nên đơn giản hóa rằng các đại biểu này đơn thuần chỉ đang thực hiện nhiệm vụ Đảng giao phó. Dù rằng Đảng rất muốn thông qua các đại biểu này để thuyết phục người dân tin rằng Quốc Hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và đã được bầu lên một cách dân chủ, tuy nhiên, chẳng ai ở Việt Nam, kể cả các vị đại biểu này nghĩ như vậy cả. 

Các vị này hiểu hệ thống không kém bất kỳ ai, và có thể từng thực lòng tin rằng cải sửa hệ thống từ bên trong là cách thức khả thi nhất trong bối cảnh chính trị Việt Nam. Vị thế Đại biểu Quốc Hội có thể cho họ cơ hội cất lên và lan tỏa tiếng nói về những điều tốt đẹp hơn cho đất nước.

Ông Lưu Bình Nhưỡng có thể là một người như vậy. Là một đảng viên, thật khó đòi hỏi ở ông phải lên tiếng về tự do, dân chủ hay chuyển đổi chính trị. Ngay cả những chủ đề ít nhạy cảm hơn nhưng vẫn là cấm kỵ trong Đảng như tam quyền phân lập hoặc xã hội dân sự, ông Nhưỡng thừa hiểu ông sẽ bị hệ thống loại bỏ ngay lập tức sau khi lên tiếng. 

Mà cũng có thể ông ấy có một cách tiếp cận khác. Như một số người cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu vào đêm trước thời khắc chuyển đổi cũng chẳng hề mong muốn đa nguyên đa đảng. Điều họ muốn đôi khi vẫn là chế độ xã hội chủ nghĩa nhưng mang khuôn mặt con người hơn.

Thông điệp phía sau

Không phải ngẫu nhiên mà ông Nhưỡng thu hút được một sự ủng hộ đông đảo của công chúng. Ông đã thực hiện vai trò Đại biểu Quốc Hội một cách thật nổi bật so với những đồng nghiệp của mình. 

Ông có những phát ngôn dậy sóng nghị trường về những vấn đề được dư luận quan tâm. Ông tiếp đón gia đình các tử tù bị cho là oan sai trong những vụ việc mà báo chí nhà nước hiện cũng ngần ngại đưa tin. Ông cũng không ngần ngại phê phán tệ nạn tham nhũng của công an lẫn thực trạng thiếu độc lập tư pháp, nghĩa là đụng chạm đến những thế lực mạnh nhất trong guồng máy chính trị Việt Nam. 

Bởi vậy, việc bắt giữ một cách bất ngờ Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng gửi đi những thông điệp thật đáng chú ý:

Đầu tiên, có vẻ Đảng đang lo ngại quá mức về an ninh chế độ tới nỗi trở nên nhạy cảm với bất kỳ lời kêu gọi cải tổ nào, dù từ bên ngoài hay bên trong hệ thống. Nhìn qua lăng kính an ninh, bất kỳ cá nhân nào thu hút sự ủng hộ của công chúng trong địa hạt chính trị đều có thể trở thành một mối đe dọa trong tương lai, bởi vậy cần bị tiêu diệt sớm để trừ hậu họa. 

Tiếp đến, nhu cầu tô vẽ bộ mặt dân chủ cho chế độ không còn quan trọng bằng nhu cầu an ninh. Bất kỳ ai tin rằng có thể tham gia để cải sửa những khiếm khuyết của hệ thống chính trị Việt Nam từ bên trong cần phải cẩn trọng hơn cho an toàn của bản thân họ. Các chế độ độc đảng như Việt Nam, Trung Quốc luôn nói về lằn ranh đỏ không ai được phép bước qua nhưng hiếm khi vẽ lằn ranh đó một cách rõ ràng.

Cuối cùng, công cuộc "rèn dân, chỉnh đảng" do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lĩnh xướng nhiều năm qua đang vô tình hay hữu ý ban cấp quyền lực khổng lồ cho khối nội chính-công an-tư pháp đến mức tới đây có thể vượt khỏi mọi kiểm soát chính trị. Hệ quả nhãn tiền là bất kỳ phê phán nào nhắm vào khối này sẽ bị trừng phạt nặng nề, trong khi về lâu dài thì xu hướng dịch chuyển quyền lực này sẽ còn định hình chính trị nội địa Việt Nam trong những năm tới đây, ngay cả khi Nguyễn Phú Trọng không còn tại vị.

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Mua chuộc quan chức Việt cộng dễ hơn mua mớ rau?

 

Khu “đất vàng” rộng 2,000 mét vuông trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, Sài Gòn, thuộc sở hữu của tập đoàn Vạn Thịnh Phát. (Hình: Minh Đức/Công An Nhân Dân)

Qua các vụ án “chuyến bay giải cứu”, “công ty Việt Á”, “Vạn Thịnh Phát”,… chúng ta thấy 100% quan chức Việt cộng được giao trách nhiệm quản lý, giám sát, thanh tra,… đều tự bán mình hoặc bị mua chuộc.

Vụ chuyến bay giải cứu có 21 quan chức từ Văn phòng chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương;

Vụ án công ty Việt Á, đã khởi tố 33 vụ án, trên 112 bị can với 6 tội danh. Phần lớn các bị can là quan chức trung ương và địa phương. Trong đó có 2 cựu bộ trưởng, một cựu bí thư tỉnh uỷ tỉnh Hải Dương;

Vụ Vạn Thịnh Phát đã có 18 quan chức gồm: 9 cán bộ thanh tra của Ngân hàng nhà nước, 2 cán bộ Kiểm toán Nhà nước, 4 cán bộ Thanh tra Chính phủ và 3 người của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Mở rộng điều tra giai đoạn 2, đã khởi tố thêm 2 vụ án, khởi tố mới 72 bị can (trong đó, có 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và cán bộ lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương).

Các quan chức Việt cộng đã và đang bị xử lý kỷ luật hay bị xử lý hình sự đều là những người được chọn lựa, đào tạo bài bản về lý luận chính trị, đạo dức,… từ trình độ sơ cấp cho tới cao cấp.

Điểm qua những quan chức cao cấp của Việt cộng đã và đang bị xử lý kỷ luật hay bị xử lý hình sự:

Nổi bật nhất là cựu Uỷ viên Bộ chính trị, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; cựu Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh; cựu Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; các cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, hai cựu Chủ tịch TP. Hà Nội là Nguyễn Đức Chung và Chu Ngọc Anh; cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng,….

Sẽ mất nhiều thời gia để liệt kê hết các quan chức Việt cộng cao cấp cũng như cấp thấp hơn đã tự bán mình hay bị mua chuộc.

Chúng ta hãy cùng xem qui trình, tiêu chuẩn để trở thành một đảng viên đảng CSVN và sau đó trở thành quan chức từ thấp đến cao như thế nào?

Thứ nhất vai trò của đảng viên đảng CSVN

Mỗi Đảng viên đóng vai trò không thể thiếu trong tổ chức của Đảng để đẩy mạnh sức mạnh của tổ chức này. Để tổ chức Đảng trở nên mạnh mẽ, cần có những Đảng viên xuất sắc. Mỗi Đảng viên đóng vai trò như một hạt nhân, góp phần xây dựng một tổ chức Đảng bền vững để điều hành quốc gia và thúc đẩy sự phát triển.

Một Đảng viên phải là một chiến sĩ hàng đầu của giai cấp lao động, công nhân và dân tộc Việt Nam. Họ phải luôn hướng đến mục tiêu của Đảng, lý tưởng của Đảng và là những người dẫn đầu trong mọi hoạt động. Đảng viên luôn đặt lợi ích của nhân dân và quốc gia lên hàng đầu, tuân thủ Điều lệ của Đảng, các nguyên tắc chính trị của Đảng và thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước. Họ phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, lắng nghe và gắn bó chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và đoàn kết với các Đảng viên khác để xây dựng một Đảng ngày càng mạnh mẽ hơn.

Thứ hai, tiêu chuẩn để trở thành một đảng viên đảng CSVN.

Trước hết, họ phải là đoàn viên, điều này là một điều kiện tiên quyết để trở thành Đảng viên. Chủ thể cần có những phẩm chất cần thiết của một Đảng viên, luôn nỗ lực trong việc học tập, lao động và sản xuất. Họ phải tuân thủ chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước, không vi phạm pháp luật. Chủ thể cần có lối sống lành mạnh, hòa hợp với mọi người, giúp đỡ và hỗ trợ đồng bào, biết chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Họ cần xứng đáng được mọi người tin tưởng và là một tấm gương sáng trong cơ quan, tổ chức hoặc địa phương. Chủ thể phải lập trường trung thành với Đảng và Nhà nước, có mong muốn gia nhập hàng ngũ Đảng, và sẵn lòng phấn đấu vì lý tưởng của Đảng. Cuối cùng, chủ thể cần tự nguyện chấp nhận cương lĩnh của Đảng và Điều lệ Đảng.

Để trở thành Đảng viên, người đó cần tham gia khóa học cảm tình Đảng để nắm vững kiến thức về Đảng. Sau khi hoàn thành khóa học, họ sẽ nhận được Giấy chứng nhận cảm tình Đảng. Tuy nhiên, giấy này sẽ có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định, và chỉ khi giấy còn có hiệu lực, người đó mới có thể tiến hành quy trình nhập Đảng.

Sau khi được kết nạp ĐảngĐảng viên sẽ trải qua thời gian dự bị là 12 tháng, tính từ ngày chi bộ tổ chức lễ kết nạp.

Chương trình học tập bắt buộc của đảng viên bao gồm :

Đảng viên trong thời gian dự bị phải học xong chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới.

Đảng viên chính thức tuỳ theo yêu cầu trách nhiệm, vị trí công tác và trình độ lý luận chính trị đã được đào tạo để lựa chọn chương trình học tập phù hợp.

Tại sao quan chức Việt cộng được đào tạo bài bản như vậy nhưng 100% sa ngã, hủ bại?

Triết gia Lord Action đã nói:

“Quyền lực tuyệt đối thì sinh ra sự tha hoá tuyệt đối”

Sự tha hoá và hủ bại bắt nguồn từ bản chất chế độ độc tài, độc đảng CSVN. Chế độ chính trị độc đảng CSVN không bao giờ có được 3 yếu then chốt và quan trọng đó là cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực; cơ chế phản biện và cảnh báo; cơ chế sửa chữa khuyết điểm của hệ thống quyền lực.

Thứ nhất là cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực: phải có đa đảng đối lập, tam quyền phân lập, báo chí tự do và xã hội dân sự.

Chỉ có bốn thực thể này tồn tại thì người dân mới có thể tham gia vào quá trình giám sát và kiểm soát quyền lực.

Thứ hai là cơ chế phản biện và cảnh báo: Khi đảng cầm quyền đưa những chính sách không phù hợp, quan chức vi phạm pháp luật. Các thực thể như đảng đối lập, báo chí, xã hội dân dẽ phản biện, cảnh báo, hay thực hiện các biện pháp mạnh như biểu tình để buộc đảng cầm quyền phải thay đổi chính sách hay xử lý ngay lập tức các quan chức tham nhũng.

Thứ ba là cơ chế sửa chữa: đó là tự do ứng cử và bầu cử. Đảng cầm quyền và quan chức yếu kém sẽ bị đa số người dân loại bỏ thông qua cuộc bầu cử tự do.

Trong chế độ độc đảng CSVN không có các cơ chế này, trong khi các quan chức của các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật lại tự bán mính hoặc bị giới doanh nhân hủ bại mua chuộc.

Qua các vụ án tham nhũng, kinh tế đã và đang bị điều tra, truy tố và xét xử thì cho chúng ta thấy đó chỉ là một phần của tảng băng chìm trong chế độ và xã hội cộng sản Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng việc mua chuộc các quan chức CSVN còn dễ hơn cả mua một mớ rau.

Truyện cười: Đầu thừa đuôi thẹo

 Trần Thế Kỷ  


 
1. VOA có bài : “Thấy gì từ nỗ lực của VN thúc giục Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường”. Sau đây là ý kiến của một số vị:

 – Tại sao tự mình đẻ ra cái quái thai “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, giờ lại xin xỏ Mỹ công nhận thứ quái thai đó là “kinh tế thị trường” ? ( Loc Tran )

 – “Kiên trì theo đuổi XHCN” sao lại cứ muốn cái mác “kinh tế thị trường” ? Thế chẳng khác gì thằng đực rựa mà cứ bôi son trát phấn xưng mình là hoa hậu ! ( codobai ) 

– Nền kinh tế VN hiện tại là đầu con vịt đít con gà, mafia nhóm lợi ích lũng đoạn ( Nam ) – Võ Văn Thưởng cầu xin Mỹ công nhận VN có kinh tế thị trường. Không rõ ông ta có xin công nhận luôn cái đuôi “định hướng XHCN” không ? ( Ông già Saigon )

 – VVT đời nào dám xin Mỹ công nhận cái đuôi “định hướng XHCN” vì làm thế khác gì bảo Mỹ hãy ngửi cái đống cứt thối um đó ( Năm Sài Gòn )     


2. Anh Năm bảo anh Tư : 

– Sách của ông Trọng bị cho là vô bổ, chỉ tốn tiền thuế của dân. 

– Vô bổ là cái chắc, tốn tiền thuế là cái chắc. Vì thời buổi này mà còn lảm nhảm về CNXH trong khi đất nước lầm than vì Đảng. Ai cũng biết điều đó, chỉ ông Trọng là không biết hoặc giả vờ không biết. 

– Đúng vậy. Sách của ông ấy cũng hô hào chống tham nhũng trong khi nhân dân thấy rõ tham nhũng chính là con đẻ của Đảng.

 – Rốt cuộc, sách của ông Trọng, dân chẳng thèm đọc  mà ngay cả đảng viên cũng chẳng thèm đọc vì xa rời thực tế. 

– Vậy ông Trọng ra sách để làm gì ? 

– Chắc là để đảng viên kê đít mà nghĩ chuyện vơ vét cho đầy túi tham !     


3. Mấy người bạn trò chuyện : 

– Lò lửa Trung Đông lại bùng cháy. Súng lại nổ, máu lại rơi. 

– Thảy cũng vì hận thù do tranh chấp đất đai, lãnh thổ mà lý do lớn hơn là tôn giáo và sắc tộc. 

– Sớm muộn Israel sẽ đánh bại bọn khủng bố Hamas.

 – Sao lại gọi Hamas là khủng bố ? Họ có chính nghĩa vì chiến đấu cho dân tộc Palestine.

 – Chính nghĩa gì bọn này ? Gọi Hamas là khủng bố là đúng. Việc giết hại hàng ngàn người vô tội hôm 7/10 của Hamas đã chứng tỏ điều đó. 

– Tớ vẫn xem Hamas là chính nghĩa. Cầu cho Palestine sớm được giải phóng. 

– Nói gì thì nói, Hamas chắc chắn sẽ thua. Israel chỉ cần bơm nước vào các đường hầm. Bọn Hamas bị ngộp nước sẽ phải chui ra cho quân Israel bắn sướng tay. 

– Rất có thể Hamas không đơn độc mà sẽ có cả Hezbollah, Iran, Houthi… nhảy vào. Lò lửa Trung Đông tha hồ cháy rực. 

– Cứ cái đà này, cộng thêm chiến tranh Nga 

– Ukraine, thì tận thế tới nơi rồi. 

– Tận thế thì đã sao ? Chạy ăn từng bữa chán lắm rồi. Cầu Trời cho tận thế càng sớm càng tốt !  


 4. Năm Xích lô bảo Tư Ba gác : 

– Chuyến đi Trung Đông của tớ xem như thất bại. 

– Thật đáng tiếc. Vậy là ngòi nổ Hamas 

– Israel vẫn chưa được tháo. Hai bên bảo cậu thế nào ? 

– Chẳng thế nào cả. Họ không tiếp tớ. 

– Vì sao ? 

– Cả hai đều bảo đang bận, không tiếp khách.

 – Cậu có bảo cậu là công dân nước CHXHCNVN độc lập tự do miếng nào to thì gắp không ? 

– Tớ bảo điều đó ngay từ đầu. Phải chăng đó là lý do họ không chịu tiếp ?!

https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-truyen-cuoi-dau-thua-duoi-theo/ .

Dân hay chính quyền, ai là kẻ nói dối

Quang Nguyên   

(VNTB) – Công an xã Liêng S’rông cướp công của người dân Tiểu khu 179.   

Chúng tôi nhận được bài viết trên trang Facebook “Hmong Human Rights” của  các ông Ma Seo Cháng, Ma A Sính, Ma Seo Bình từ Tiểu khu 179 huyện Đam Rông Tỉnh Lâm Đồng, được biên tập bởi Johnny Huy viết, “Sự thật về bài báo của công an huyện Đam Rông Tỉnh Lâm Đồng đăng ngày 30/4/2023”. 

Bài viết này tố cáo một bài báo của công an xã Liêng S’rông đã có nội dung mang tính xuyên tạc trắng trợn, hay nói rõ hơn là cướp công của người dân làm của chính quyền. Bài viết này có nội dung, hình ảnh và dẫn chứng như sau: 

Dạo gần đây chúng tôi vô tình phát hiện một bài báo của công an xã Liêng S’rông đã được đăng trước đó vào ngày 30/4/2023, tuy nhiên nội dung mang tính xuyên tạc trắng trợn. Vì vậy chúng tôi đành phải lên bài viết để đính chính lại những thông tin sau: 

1.Nội dung tu sửa lại trường học 

2.Chỉnh sửa lại cầu sắt Xây dựng nông thông mới 

3.Luật đất đai. 

4.Luật hôn nhân và gia đình. 

Nội dung 1: Người dân chúng tôi không chấp nhận nội dung chính quyền đăng báo về việc tu sửa lại trường học.

 Người dân chúng tôi đã dựng trường từ năm 2012-2016, trong vòng 4 năm người dân chúng tôi mới dựng được 3 ngôi nhà cho con em chúng tôi học tại tiểu khu 179 và một ngôi nhà riêng cho thầy cô ở. Tổng kinh phí người dân góp ra là 150 triệu VND. 

Trong quá trình sử dụng nhiều năm cho đến năm 2022, lớp học đã hư hỏng không an toàn cho con em và thầy cô. Nên được sự quan tâm từ nhóm từ thiện và người dân phối hợp với nhau. Nhóm từ thiện công ty du lịch lữ hành HT tại Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ 13 triệu VND để mua tôn thay và nhóm từ thiện “Thắp Lửa” tài trợ sơn. Và đã tu sửa từ trước khai giảng năm học 2021 và 2022. Tuy nhiên chính quyền huyện Đam Rông đã đến chụp hình làm truyền thông năm 2023 để cướp công của đoàn công tác từ thiện. Quý vị xem ảnh A, B 

Năm 2020 có đoàn từ thiện “dulichbui” tài trợ xây một căn phòng mẫu giáo cho các con em tại Tiểu khu 179, người dân chúng tôi nhiều lần gửi đơn kíến nghị chính quyền cử giáo viên lên dạy nhưng chính quyền không hồi âm. Xem ảnh C 

Ngày 02/09/2023 có đoàn từ thiện (giấu tên) phối hợp với người dân tại Tiểu khu 179 góp tiền mua tôn. Đoàn từ thiện góp 12 triệu VND và người dân tiểu khu 179 góp 10 triệu VND, tổng cộng số tiền 22 triệu VND chưa tính tiền công. Bà con chúng tôi đã phối hợp với nhau tu sửa nốt 2 lớp học còn lại. 

Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng 2 lớp học này trước đó chính quyền huyện Đam Rông khoe khoang trên bài báo chưa hề được chính quyền tu sửa cho đến tháng 9 năm 2023. Xem ảnh D, E


 Nội dung thứ 2 là người dân chúng tôi không chấp nhận những nội dung chính quyền đăng báo về chỉnh sửa cầu sắt cho người dân.

 Nhiều năm về trước người dân chúng tôi đi qua sông rất nguy hiểm và thậm chí có cả người dân và cả cán bộ đã chết đuối trên con sông này. Vì vậy người dân chúng tôi nhiều lần gửi đơn kiến nghị chính quyền làm cầu qua sông nhưng không được sự quan tâm của chính quyền địa phương. 

Vì vậy cho đến năm 2018 người dân chúng tôi tại Tiểu khu 179 góp tiền mua vật liệu để làm cây cầu sắt, tổng số tiền với tổng ngân sách là 500 triệu VND. Vì đã sử dụng nhiều năm, cây cầu đã hư hỏng không an toàn cho mùa mưa tới. 

Vì vậy đến ngày 27/04/2023 người dân chúng tôi mới góp tiền tu sửa lại cây cầu. Đúng lúc đang tu sửa thì chính quyền đi ngang qua thấy người dân chúng tôi đang làm việc thì chính quyền vào chụp hình chung rồi đăng báo nhận vơ trắng trợn là họ tu sửa cây cầu. Xem ảnh F, G 


Nội dung thứ 3 người dân chúng tôi không chấp nhận những nội dung mà chính quyền đăng báo về vận động xây dựng nông thôn mới. 

Điều này người dân chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị và chính quyền tỉnh và huyện đã ra văn bản quyết định 125 và 147 với tổng vống đầu tư là 107 tỷ để xây dựng nông thôn mới tại tiểu khu 179 và Tây Sơn. Quyết định năm 2019 cho đến năm 2025 hoàn thành dự án. 

Từ đó đến nay không thấy một tín hiệu gì là nông thôn mới. Thay vào đó chính quyền lại tìm cách bắt và đàn áp những người đứng đầu cộng đồng và quy chụp là phản động vì dám đứng đơn đòi hỏi quyền công dân.

Nội dung thứ 4 người dân chúng tôi không chấp nhận những nội dung mà chính quyền đăng báo về Luật Đất đai. 

Theo quyết định bằng Văn bản 125 và 147 của Tỉnh và Huyện quy hoạch đất ở và đất sản xuất và đất rừng. Nhưng từ năm 2019 cho đến nay chưa được triển khai và quy hoạch. Thời gian gần đây một số người dân Tiểu khu 179 còn bị chính quyền chặt phá cây café.

Nội dung thứ 5 mà người dân chúng tôi không chấp nhận những nội dung mà chính quyền đăng báo là về Luật hôn nhân và gia đình. 

Trong đó người dân chúng tôi đã nhiều lần gửi kiến nghị liên quan đến giấy tờ tùy thân như hộ khẩu và chứng minh nhân dân hay căn cước công dân nhưng đến nay người dân chúng tôi chưa được cấp. Người lớn không được đăng ký kết hôn, sinh con không đăng ký được khai sinh. 

Và chúng tôi không làm được thẻ ngân hàng, không được vay vốn. Không được hưởng các chính sách mà một công dân Việt Nam đáng được hưởng. 

VNTB kiểm tra facebook của công an huyện Đam Rông Tỉnh Lâm Đồng không thấy còn bài viết “kể công của công an” nói trên. Cũng không thấy chính quyền Lâm Đồng hay Huyện Đam Rông, hay một nguồn chính thức của chính quyền phản hồi về tố cáo của các ông Ma Seo Cháng, Ma A Sính, Ma Seo Bình. Tuy nhiên một hình chụp lại trên trang công an xã Liêng Srônh đọc được, có nội dung giống như bài tố cáo công an xã này cướp công của người dân .

Duy chỉ đọc được trên Facebook Góc Nhìn Người Đà Lạt bài viết Ai Mới Là Người Nói Dối?(*) 

Bài viết trên trang Góc Nhìn Người Đà Lạt phản bác bài viết của nhóm người tự nhận là “người dân của Tiểu khu 179” có nội dung sai sự thật, mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Cụ thể, trang FB Góc Nhìn Người Đà Lạt viết, nhóm người tự nhận là “người dân của Tiểu khu 179” cho rằng bài viết trên trang Facebook của Công an xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông là “xuyên tạc trắng trợn” về các nội dung sau: Nội dung tu sửa lại trường học; Chỉnh sửa lại cầu sắt; Xây dựng nông thông mới; Luật đất đai; Luật hôn nhân và gia đình. 

Bài viết trên trang Góc Nhìn Người Đà Lạt không có một câu nào chứng minh được bài viết của người dân tiểu khu 179 là sai sự thật, là có mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chỉ đưa ra 3 cái quyết định, nghị quyết của Huyện và lấp liếm rằng, “trách nhiệm [của chính quyền] chăm lo cho đời sống cho nhân dân. Nó lớn hơn, rộng hơn rất nhiều, không dừng lại ở câu chuyện cùng nhân dân chỉnh sửa cầu, tuyên truyền về pháp luật, hôn nhân, gia đình…” 

Tiểu khu 179 là một điểm nóng phát sinh từ chính sách đàn áp tôn giáo của chính phủ VN. Từ hơn 30 năm trước, chính quyền VN đã đàn áp người Hmông vô cùng dã man, vì họ theo đạo Tin Lành, khiến hàng chục ngàn người thuộc các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên phải bỏ quê cha đất tổ, mồ mả tổ tiên trốn đi. Họ trốn sang Trung quốc, Lào, Thái, Miến Điện. Hàng ngàn người vào Nam. Một số vào tận các vùng sâu trong rừng Lâm Đồng. Chính quyền Lâm Đồng cho đến nay vẫn không công nhận sự có mặt của họ, nơi ở của họ chỉ được đánh dấu bằng các con số 179, 181..gọi là tiểu khu. Chính quyền ép họ phải trở về quê cũ. Họ hết sức đàn áp, tạo nên tình trạng những người Hmông tỵ nạn thành những người vô tổ quốc (stateless). Đã hàng chục năm, hàng trăm gia đình Tiểu khu 179, 181 không được cấp căn cước công dân, không được hưởng phúc lợi xã hội, không trường học, bệnh xá, không cấp hôn thú, con đẻ ra không được làm khai sinh, hay bắt phải mang họ mẹ. Thậm chí người dân không có đất chôn cất người qua đời. 

Khoảng sau COVID-19, nhờ sự can thiệp tích cực của tổ chức BPSOS, với sự tham gia tích cực của đồng bào trong Tiểu khu 179, luật sư VAĐ, luật gia TMT và 2 thành viên của Việt Nam Thời Báo lôi kéo được sự chú ý của dư luận quốc tế, sự đến thăm của một số đại sứ và dân biểu VN, chính quyền đành phải nới lỏng sự kiềm chế nhân dân tại tiểu khu này. Chính quyền có một số tiến bộ, nhưng nói chung sự thỏa mãn ý nguyện của người dân gần như chỉ giậm chân tại chỗ. Các nghị định, nghị quyết ký đã khô mực, vẫn không thấy thực hiện cụ thể. 

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đam Rông Trương Hữu Đồng ký quy hoạch tái định cư tại chỗ cho cộng đồng người Hmông thuộc Tiểu Khu 179 vào ngày 14/12/2020 cho đến nay chỉ là lời nói suông, chính quyền vẫn tìm nhiều cách khác nhau để chưa triển khai trên thực tế. Tiểu khu 179, Tiểu khu 181..vẫn chỉ là các tiểu khu tạm dung cho người lạ đến ở, chưa được nhận là các đơn vị hành chánh. 

Nhưng việc vẽ ra trong các nghị định, nghị quyết dễ như trở bàn tay, nhưng thực hiện lại là chuyện lớn. Chuyện lớn chưa làm được, hay không làm được chỉ để mị dân. Những chuyện “nhỏ” nhưng thiết thực có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân như cầu đường, trường học, bệnh xá thì không làm, cho đến khi có người giúp hay dân tự làm thì nhận vơ là của chính quyền. Điều đó một phần chứng tỏ khả năng yếu kém, vô trách nhiệm, lừa mị dân, nói giỏi hơn làm của các quan chức cộng sản. Việc nhỏ còn không làm, còn nhận vơ công của người khác thì việc lớn như giáo dục, giao thông, kinh tế hàng chục năm ký rồi vẫn  không triển khai, chỉ là bánh vẽ.

 (*)https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02kdyzd5fMBrxPbL9rfG8JJHtiK2cCLTWB1Z12zfmgxPxApzkSoLmdFe78n1FJYL7ml&id=100029444870994


https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-dan-hay-chinh-quyen-ai-la-ke-noi-doi/ .