Tuesday, May 26, 2015

Mỹ nợ tiền Trung Cộng, có sao không?


Theo Người Việt-05-26-2015 7:24:29 PM
Ngô Nhân Dụng

Sau vụ Mỹ và Trung Cộng đối đáp nhau ở Biển Ðông, Bắc Kinh đã hùng dũng tuyên bố “Quân ta đã đuổi máy bay Mỹ” ra khỏi không phận. Ai cũng biết đây là ba hoa nói khoác. Vì sau khi bay qua trên không phận đảo Chữ Thập và đảo Gạc Ma của nước ta (đang bị quân Tàu chiếm đóng), xong việc rồi, thế nào các phi công Mỹ cũng đưa đoàn chuyên viên đi quay phim bay về nhà ăn cơm! Mục tiêu của chuyến bay là xác định nước Mỹ không công nhận nước Tàu là chủ nhân của các hòn đảo chiếm đóng bất hợp pháp. Quân Tàu tám lần đòi Mỹ bay đi chỗ khác, phi công Mỹ được dịp xác định lại tám lần: Các ông không phải là chủ nhân, thế cũng đủ rồi. Chính phủ Tàu nói chỉ cốt cho dân Tàu nghe sướng tai, cả thế giới biết như vậy.

Nhưng lại có người Việt Nam muốn tuyên truyền thêm cho Trung Cộng. Một người viết điện thư cho báo Người Việt Online đưa ra con số chính phủ Mỹ nợ Trung Cộng hàng ngàn tỷ đô la, và “thay mặt Bắc Kinh” dọa rằng nếu Tàu không cho vay thì Mỹ sẽ chết đói!

Người viết bức thư trên chắc không cố ý tiếp tục truyền thống nịnh nọt Tàu (theo lối “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ) từ năm 1950. Vì đường lối xu nịnh đó đã bị dân Việt Nam chửi từ mấy chục năm nay rồi. Chắc ai viết bức thư đó cũng không được Bắc Kinh trực tiếp trả công. Ðảng Cộng Sản Việt Nam lo việc lương bổng và tính công điểm cho các “dư luận viên” mỗi ngày ghi sổ. Chủ ý của Ðảng khi sai bồi bút viết bức thư trên là để dọa dân Việt Nam. Bằng cách gieo vào đầu óc mọi người một mối sợ hãi ngàn đời: Sợ Tàu. Ðừng ai phản đối chủ trương lệ thuộc Tàu của đảng nữa vì Tàu là chủ nợ, cả Mỹ cũng sợ! “Ðây nhé, Mỹ vẫn phải vay nợ Tàu mới sống được! Ðừng tính chuyện châu chấu đá xe nữa nhé!” Họ muốn làm nhụt ý chí của những người Việt chống xâm lược. Ðảng Cộng Sản chỉ dọa nạt được những người không hiểu biết về kinh tế.

Sự thật về những món nợ khổng lồ của chính phủ Mỹ ra sao?

Trước hết, xin báo tin buồn cho các bồi bút nịnh Tàu biết: Chủ nợ lớn nhất của Mỹ không phải là Trung Quốc nữa, mà là Nhật Bản. Ngày 15 Tháng Tư năm 2015, Mỹ đang nợ Nhật $1.2244 ngàn tỉ (trillion) đô la, chỉ nợ Trung Cộng $1.2237 ngàn tỉ. Chênh lệch nhau chỉ có $700 triệu thôi, nhưng hiện giờ Nhật Bản mới là chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ.

Các con số trên cũng không quan trọng, hai nước có thể thay đổi thứ hạng mỗi ngày. Trong năm 2014, Trung Quốc đã giảm bớt $49.2 tỉ đô la trong số Công trái Mỹ họ đang giữ; còn Nhật Bản đã tăng thêm 13.6 tỉ. Khác với hệ thống kinh tế chỉ huy ở Bắc Kinh, không riêng chính phủ Nhật cho Mỹ vay.
Nước Mỹ nợ các công ty và ngân hàng tư nhân sẵn tiền ở Nhật. Nhật tham dự vào mạng lưới tài chánh, thế giới từ nửa thế kỷ nay rồi, họ sử dụng mạng lưới đó nhiều hơn người Trung Hoa. Cho nên nói chung chắc nước Nhật cho Mỹ vay nhiều hơn chính phủ Tàu. Những con số trên cũng chưa nói hết sự thật, vì còn những món hai nước này không trực tiếp cho Mỹ vay mà đi qua mạng lưới các tổ chức tài chánh quốc tế, con số không thể đếm chính xác được.

Chính phủ Mỹ mang hiện nợ hơn $12 ngàn tỉ đô la qua việc phát hành công trái. Người ngoại quốc là chủ nhân 34% số “giấy nợ” đó; riêng Tàu và Nhật mỗi nước nắm trong tay khoảng 10%. Ðứng hàng thứ ba là nước Bỉ, cho Mỹ vay khoảng 400 tỷ, kế đến các ngân hàng tư ở quần đảo Caribeans, rồi tới Brazil đứng thứ năm. Nhưng các quốc gia này vẫn chưa phải là những chủ nợ nặng ký nhất. Công chúng Mỹ làm chủ 14% số công trái, ngân hàng trung ương (Quỹ Dự trữ Liên bang) hiện cho chính phủ Mỹ vay 2,500 tỉ, làm chủ 13%, tiền dư chưa dùng của các cơ quan chính quyền Mỹ chiếm 28%, còn lại là các chủ nợ linh tinh khác.

Người Việt Nam đời xưa coi việc đi vay nợ là bất đắc dĩ. Ở nước Mỹ, ai cũng biết người nợ nhiều nhất thường là người giầu nhất. Nếu không có khả năng kiếm ra tiền thì khó đi vay. Những kẻ kiếm tiền khỏe nhất thường mượn vốn của người khác mà làm ăn. Nếu anh có 100 đồng để đầu tư mà sinh lời 10% thì anh kiếm được 10 đồng mỗi năm. Nếu anh vay thêm được 100 đồng nữa với lãi suất 5% thì số vốn sẽ lên 200 đồng. Dù mức lời chỉ còn 9%, sau một năm, với số vốn 200 đồng anh sinh lợi được 18 đồng, trả lãi rồi anh vẫn còn 13 đồng bỏ túi. Nếu còn có người cho vay tại sao không vay thêm? Ðó là phép lạ của đòn bẩy vay nợ trong kinh tế thị trường.

Tại sao người ta cho chính phủ Mỹ vay nợ? Vì công trái do nước Mỹ phát hành được coi là món đầu tư an toàn nhất thế giới. Nhiều người quản lý hàng tỷ đô la do thân chủ đóng góp, nắm số tiền vốn đó trong tay với điều kiện chỉ được đầu tư vào những món nào an toàn mà thôi. Thí dụ, các hãng bảo hiểm, các quỹ hưu bổng, họ không được phép bỏ tiền vào những nơi nhiều rủi ro. Có những công ty hay ngân hàng đang dư tiền chưa biết dùng làm gì trong ba tháng, bảy tháng, chỗ này vài tỉ, chỗ kia mươi tỉ. Họ muốn đầu tư sinh lợi cho khỏi phí, với điều kiện là món đầu tư đó có thể đem ra bán bất cứ lúc nào trong thị trường cũng có người mua. Công trái Mỹ là thứ hàng rất dễ bán, trong tài chánh học gọi là có tính “lưu hoạt.” Hai đặc tính, không rủi ro và rất lưu hoạt khiến cho công trái của chính phủ Mỹ không bao giờ ế; nghĩa là họ lúc nào muốn vay tiền cũng vay được.

Chính phủ Bắc Kinh mua công trái Mỹ không phải vì thương yêu dân Mỹ. Lý do chính là họ có đô la chất đầy nhà. Những món đô la đó không phải tự trên trời rớt xuống, mà do tiền thu vào khi xuất cảng hàng hóa. Ðô la kiếm được là nhờ công nhân Trung Quốc đổ mồ hôi làm việc; nhưng dân không được hưởng bao nhiêu, hầu hết bị “lãnh đạo” ở Bắc Kinh cất giữ.

Những món đô la nhờ bán hàng cũng không chỉ thu về nhờ bán hàng cho dân Mỹ được xài đồ rẻ. Vì hầu hết các nước khác, khi mua bán với nhau cũng thanh toán bằng đô la Mỹ, dù họ ở Phi Châu, Á Châu hay Châu Mỹ La Tinh. Bắc Kinh muốn tìm một nơi an toàn nhờ người giữ hộ số đô la đó, thì họ mua công trái Mỹ, dù mức lời thường chỉ một hai phần trăm mỗi năm. Nếu các quỹ hưu bổng của Singapore hay các công ty bảo hiểm của Nhật Bản biết mua công trái Mỹ là an toàn thì các ông Ðặng Tiểu Bình, Hồ Cẩm Ðào hay Tập Cận Bình cũng không ngu dại gì mà không làm theo.

Trung Cộng còn có thêm một số đô la dư không dùng nữa là do chính sách giữ hối suất đồng nhân dân tệ rất thấp, để giá hàng xuất cảng cũng thấp. Làm cách nào ghìm giá đồng nguyên của họ xuống trên thị trường? Mỗi khi thấy đồng nguyên tăng giá, họ in tiền, đem tiền đi mua đô la Mỹ. Mua thêm đô la, lại phải đem chúng đi đầu tư.

Tại sao họ không ghìm hối suất đồng nguyên bằng cách mua đồng euro, đồng yen Nhật Bản hay tiền Thụy Sĩ; rồi đem cho các nước đó vay nợ? Bởi vì ngoảnh đi ngoảnh lại, vẫn thấy thị trường công trái Mỹ rộng lớn nhất, ít rủi ro mà lại lưu hoạt, dễ bán lại nhất. Nếu Bắc Kinh đem tiền gửi vào ngân hàng Anh Quốc, ngân hàng Bỉ hay ngân hàng Thụy Sĩ, những nước này cuối cùng cũng lại đem phần lớn số tiền đó đi mua công trái Mỹ.

Ðầu năm 2014, lo mức hàng xuất cảng không lên, các xí nghiệp đình đốn, công nhân thất nghiệp, Bắc Kinh đã cố gắng ghìm hối suất đồng nguyên, bỏ tiền ra mua rất nhiều đô la. Họ lại dư đô la, thế là trong năm tháng đầu đã mua thêm hơn $107 tỉ công trái Mỹ. Món hàng nào mà nhiều người muốn mua thì càng được giá. Nhờ thế, chính phủ Mỹ bán được công trái với giá cao hơn, tiền lãi thực thụ họ phải trả đã tụt từ 3% vào cuối năm 2013, xuống chỉ còn 2.54%.

Chính phủ Mỹ luôn luôn tạo áp lực yêu cầu Bắc Kinh phải cho đồng nguyên lên giá tự nhiên. Mỗi lần Bắc Kinh làm theo ý Mỹ, họ bớt đem nhân dân tệ đi mua đô la, lúc đó số tiền hoa mua công trái Mỹ cũng giảm; giá xuống thấp, lãi suất Mỹ phải trả cũng tăng. Chính quyền Mỹ họ vẫn tiếp tục làm áp lực, vì mất chỗ này lại được hưởng chỗ khác.

Mỗi lần Bắc Kinh giảm bớt số công trái họ đang mua, chính phủ Mỹ phải trả lãi suất cao hơn; nhưng hàng hóa Mỹ lại dễ bán sang Tàu hơn, các xí nghiệp Mỹ có lời sẽ đóng thêm thuế cho Chú Sam.

Nhưng liệu Mỹ có lo Trung Cộng “chơi đòn tài chánh,” đem hàng ngàn tỉ đô la công trái Mỹ đi bán hay không? Trong thị trường, con số đó lớn thật nhưng không đủ để gây chấn động. Hơn nữa, Trung Cộng khó thi thố được thủ đoạn này, vì chính họ sẽ bị thiệt hại trước hết. Khi họ đem bán công trái Mỹ, đến một mức nào đó nếu giá công trái Mỹ bị giảm giá 3% thì chính họ bị mất 3% số tiền trị giá của các công trái mà họ còn đang giữ. Nếu số công trái họ đem bán lên cao nữa, gây khủng hoảng tài chánh cho kinh tế thế giới, thì họ còn bán được hàng hóa rẻ tiền cho ai? Làm sao đối phó với hàng trăm triệu công nhân thất nghiệp?

Khi đã hiểu rõ lý do tại sao Trung Cộng cứ phải đi mua công trái Mỹ, tức là cho chính phủ Mỹ vay nợ hoài hoài, thì chúng ta thấy những luận điệu nói Mỹ lệ thuộc tiền Tàu cho vay là rất ngu, không biết gì về thị trường tài chánh quốc tế. Luận điệu đó chỉ cốt hù họa, làm cho dân Việt Nam sợ Tàu hơn mà thôi.


Malaysia sợ lãnh đạo sinh viên Hồng Kông Joshua Wong

KUALA LUMPUR, Malaysia (AFP) - Lãnh tụ sinh viên Hồng Kông tranh đấu đòi dân chủ, Joshua Wong, hôm Thứ Ba bị cấm nhập cảnh Malaysia vì lo ngại rằng điều này sẽ đe dọa mối quan hệ với Trung Quốc, theo tư lệnh cảnh sát quốc gia Malaysia.

 
Joshua Wong phát biểu với truyền thông sau khi anh bị cấm nhập cảnh vào Malaysia. (Hình: AP/Photo)

Joshua Wong là khuôn mặt trẻ được cả thế giới biết tới trong phong trào tranh đấu mệnh danh “Umbrella Movement,” từng làm tê liệt một số nơi tại Hồng Kông trong hơn hai tháng với các cuộc biểu tình có đông đảo người tham dự để đòi tự do bầu cử.

Wong đã dự trù sẽ nói chuyện về tình hình dân chủ ở Trung Quốc, từ cuộc thảm sát sinh viên tranh đấu tại Thiên An Môn năm 1989 tới phong trào Umbrella Movement ở Hồng Kông.

Tuy nhiên tư lệnh cảnh sát quốc gia Malaysia, Abu Bakar Khalid, nói rằng mục đích chính của Wong là giải thích làm thế nào mà anh ta đã tổ chức được các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.

“Chúng tôi lo ngại rằng những gì anh ta nói sẽ gây nguy hại cho an ninh của Malaysia,” ông cho báo chí hay.

“Anh ta cũng nói về Trung Quốc. Chúng tôi biết quan điểm chống Trung Quốc của anh ta. Chúng tôi không muốn anh ta làm hại mối quan hệ giữa Malaysia với Trung Quốc,” ông Khalid nói.

Các nhà tranh đấu dân chủ ở Hồng Kông không chấp nhận các giới hạn Bắc Kinh đặt ra cho cuộc bầu cử đặc khu trưởng Hồng Kông năm 2017, theo đó ứng cử viên phải được sự chấp thuận của một ủy ban gồm thành phần thân Trung Quốc.

Sau khi bị chặn ở phi trường Kuala Lumpur, Wong phải trở về lại Hồng Kông trên cùng chuyến bay Dragonair mà anh đã bay tới. (V.Giang)
05-06-2015 2:42:29 PM

Hải quân Trung Quốc sẽ 'vươn ra xa hơn' trên đại dương

BẮC KINH (NV) - Ðó là nội dung đáng chú ý nhất trong chiến lược quân sự năm 2015 mà Trung Quốc vừa bạch hóa (thường được gọi là Sách Trắng).

Trước đây, nhiệm vụ chính của Hải Quân Trung Quốc chỉ là phòng vệ ven bờ nhưng nay, lực lượng này được giao trách nhiệm bảo vệ “các vùng biển.” Bên cạnh đó, Không Quân Trung Quốc cũng sẽ thay đổi vai trò, chuyển từ phòng vệ không phận thành tấn công và phòng vệ trên phạm vi rộng hơn.


Trung Quốc sẽ gia tăng đầu tư cho hải quân. (Hình: Tân Hoa Xã)

Ngoài mục tiêu vừa kể, Trung Quốc sẽ đầu tư nhiều hơn vào chương trình không gian, vũ khí hạt nhân và an ninh Internet.

Chiến lược quân sự năm 2015 của Trung Quốc đề cập đến những đe dọa tiềm ẩn đối với các quyền và lợi ích của Trung Quốc. Ðó là sự “khiêu khích” của các lân bang ở biển Ðông và sự “can thiệp” của bên ngoài. Sách Trắng nhấn mạnh, Trung Quốc “chỉ đánh trả khi bị tấn công nhưng sẽ phản công.”

Cùng lúc với việc công bố Sách Trắng, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc nói thêm về hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại biển Ðông, theo đó, hoạt động này chẳng khác gì những hoạt động xây dựng bình thường khác trên khắp Trung Quốc. Ðó là chưa kể hoạt động xây dựng tại biển Ðông còn có lợi cho cộng đồng quốc tế vì có thể hỗ trợ hoạt động tìm kiếm-cứu nạn và bảo vệ môi trường. Tân Hoa Xã cũng vừa loan báo Trung Quốc sẽ xây hai hải đăng cao 50 mét ở quần đảo Trường Sa.

Các quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền trên biển Ðông và cộng đồng quốc tế chưa nêu nhận định nào về chiến lược quân sự năm 2015 của Trung Quốc. Tuy nhiên cộng đồng quốc tế không mơ hồ về tham vọng của Trung Quốc. Trong vài năm gần đây, một số quốc gia, chuyên gia an ninh-quốc phòng đã từng cảnh báo về việc bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân tạo, mở rộng các đảo hiện hữu, biến chúng thành một chuỗi căn cứ quân sự nhằm khống chế toàn bộ biển Ðông. Nay Trung Quốc chính thức xác nhận đã giao cho hải quân, không quân mở rộng phạm vi trách nhiệm của những lực lượng này.

Hồi thượng tuần tháng này, những cảnh báo vừa kể tiếp tục được nhắc lại trong báo cáo thường niên về tình hình quân sự của Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố. Theo đó, chỉ từ đầu năm 2014 đến nay, diện tích các bãi đá, các đảo mà Trung Quốc bồi đắp tại biển Ðông đã lên tới 800 héc ta. Khoảng 600-800 hecta này được bồi đắp trong bốn tháng đầu năm 2015.

Theo báo cáo vừa kể thì việc bồi đắp của Trung Quốc tập trung vào bốn khu vực trong quần đảo Trường Sa và về cơ bản đã hoàn tất. Trung Quốc đang tiến hành xây dựng tại những khu vực đã được bồi đắp, với ít nhất là một phi đạo, đồng thời thiết lập hệ thống giám sát, hệ thống thông tin. Nạo vét luồng lạch để các chiến hạm có thể dễ dàng ra vào quần đảo Trường Sa.

Ngay sau khi Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ công bố báo cáo thường niên về tình hình quân sự của Trung Quốc, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã lên tiếng phản bác với lý do, Báo cáo thường niên về tình hình quân sự của Trung Quốc của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ là thiếu cơ sở, cố ý bóp méo sự thật nhằm biến Trung Quốc trở thành một mối đe dọa.

Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc tuyên bố một cách chung chung rằng, việc Trung Quốc gia tăng khả năng quân sự là nhằm “giữ gìn an ninh chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự phát triển hòa bình của Trung Quốc.”

Thời gian gần đây, những viên chức đại diện chính quyền Trung Quốc đưa ra rất nhiều tuyên bố nhằm trấn an cộng đồng quốc tế về các hành động bất thường, bất chấp luật pháp quốc tế của mình tại biển Ðông và thường thì ngay sau đó, họ đột nhiên... đổi giọng.

Chẳng hạn hôm 1 tháng 5, ông Ngô Thắng Lợi, tư lệnh Hải Quân Trung Quốc, ngỏ “lời mời” Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế sử dụng các căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa, khi có nhu cầu tìm kiếm-cứu nạn. Song song với lời mời này, ông Lợi giải thích thêm, việc Trung Quốc bồi đắp hàng loạt bãi đá tại biển Ðông thành đảo nhân tạo và biến các đảo nhân tạo này thành một chuỗi căn cứ quân sự là nhằm “cải thiện chất lượng các dịch vụ công cộng tại biển Ðông như dự báo khí tượng, nghiên cứu hải dương, tìm kiếm-cứu nạn,” góp phần “thực thi các nghĩa vụ quốc tế về an ninh tại hải phận quốc tế.”

Ðến ngày 2 tháng 5, ông Jeff Rathke, Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, tuyên bố, Hoa Kỳ không quan tâm đến “lời mời” của Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói thêm, ngay cả khi các cơ sở được xây dựng trên các hòn đảo nhân tạo chỉ được sử dụng cho các mục đích dân sự và nhân đạo thì việc đơn phương bồi đắp các bãi đá đang còn tranh chấp về chủ quyền vẫn nguy hại cho hòa bình và ổn định trong vùng. Nếu thật sự muốn làm giảm căng thẳng, Trung Quốc nên ngưng việc bồi đắp, mở rộng các bãi đá. Muốn hợp tác cứu nạn, Trung Quốc nên làm việc với những cơ chế đa phương hiện có như cơ chế của ASEAN.

Bởi tuyên bố thẳng thừng của Hoa Kỳ, ngày 7 tháng 5, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc huỵch toẹt, Trung Quốc “có quyền lập ADIZ (vùng nhận dạng phòng không) tại biển Ðông.”

Theo nhiều chuyên gia an ninh quốc phòng, nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ tại biển Ðông và gia tăng các cuộc tuần tra cả trên biển lẫn trên không, các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại biển Ðông sẽ bị đẩy khỏi khu vực này vì đường tiếp liệu cho các hòn đảo mà họ kiểm soát bị cắt. (G.Ð)
05-26- 2015 4:45:10 PM

Hòa giải bằng Hiệp định

Trần Gia Phụng (Danlambao) - Sau kinh nghiệm hòa giải năm 1945, những thành phần theo chủ nghĩa dân tộc, quy tụ trở lại chung quanh cựu hoàng Bảo Đại, ở thế chẳng đặng đừng liên kết với Pháp năm 1949, thành lập chính thể Quốc Gia Việt Nam, chống Việt Minh cộng sản. Chiến tranh kéo dài đến năm 1954, và kết thúc bằng Hiệp định Genève ngày 20-4-1954, chia hai Việt Nam tại vĩ tuyến 17. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ở phía bắc, thường được gọi là Bắc Việt Nam (BVN); Quốc Gia Việt Nam (QGVN), đổi thành Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ngày 26-10- 1955, ở phía nam, thường được gọi là Nam Việt Nam (NVN).

Hòa giải bằng Hiệp định Genève 

Danh xưng chính thức của hiệp định Genève là Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, nghĩa là hiệp định Genève chỉ là một hiệp định có tính cách thuần túy quân sự, hai bên ngưng chiến đấu, tập trung ở hai vùng khác nhau và hiệp định nầy không đưa ra một giải pháp chính trị nào cho tương lai Việt Nam. 

Sau khi Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam cùng các hiệp định đình chỉ chiến sự ở Lào và Cambodia được ký kết, các phái đoàn tham dự hội nghị Genève họp tiếp vào ngày 21-7-1954 và cùng nhau bàn thảo bản "Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương"

Bản tuyên bố gồm 13 điều; quan trọng nhất là điều 7, ghi rằng: “Để cho việc lập lại hòa bình tiến triển đến mức cần thiết cho nhân dân Việt Nam có thể tự do bày tỏ ý nguyện, cuộc Tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956 dưới sự kiểm soát của một Ban Quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong Ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế đã nói trong Hiệp định đình chỉ chiến sự. Kể từ ngày 20-7-1955 những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có những cuộc gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó." (Thế Nguyên, Diễm Châu, Đoàn Tường, Đông Dương 1945-1973, Sài Gòn: Trình Bày, 1973, tr. 53.) 

Điểm đặc biệt là sau khi soạn thảo xong bản tuyên bố nầy, chủ tịch phiên họp là Anthony Eden (ngoại trưởng Anh) hỏi từng phái đoàn, thì bảy phái đoàn là Anh, Pháp, Liên Xô, CHNDTH, VNDCCH, Lào và Cambodge (Cambodia) trả lời miệng rằng "đồng ý". Bảy phái đoàn nầy tuy đồng ý, nhưng không ký vào bản tuyên bố, và chỉ trả lời miệng mà thôi. (Hoàng Cơ Thụy, Việt sử khảo luận, cuốn 5, Paris: Nam Á 2002, tr. 2642. Có thể tìm trong Google bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.) Một văn kiện quốc tế không có chữ ký, thì chỉ có tính cách gợi ý, hướng dẫn chứ không có tính cách cưỡng hành. 

Phái đoàn QGVN và phái đoàn Hoa Kỳ không ký vào Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ngày 20-7-1954 và cũng không đồng ý bản "Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương" ngày 21-7-1954. Hai phái đoàn QGVN và Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố riêng của mỗi phái đoàn để minh định lập trường của mình. Tuy nhiên, chính phủ QGVN vẫn tôn trọng Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ngày 20-7-1954 và thi hành việc chia hai nước Việt Nam theo đúng thỏa thuận quốc tế. 

Nếu để cho Nam Việt Nam (NVN) yên bình xây dựng kinh tế với sự trợ giúp của Hoa Kỳ, thì đến một lúc nào đó chắc chắn NVN với nền kinh tế tự do sẽ phát triển và vượt xa VNDCCH hay Bắc Việt Nam (BVN) với nền kinh tế chỉ huy theo đường lối cộng sản. Đó chính là điều mà BVN thực sự lo lắng.

Sự giúp đỡ của Hoa Kỳ cho NVN chẳng những khiến BVN rất quan ngại, mà sự hiện diện của người Hoa Kỳ tại NVN còn khiến cho cả Trung Cộng chẳng yên tâm. Không kể cuộc tranh chấp ở Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ đã từng giúp chính phủ Quốc Dân Đảng Trung Hoa tiễu trừ đảng CS ở lục địa, và nay đang giúp Trung Hoa Dân Quốc bảo vệ Đài Loan (Taiwan), chống Trung Cộng. Trung Cộng mạnh mẽ chống đối Hoa Kỳ khắp nơi trên thế giới, hơn cả Liên Xô chống Hoa Kỳ. Nay người Hoa Kỳ lại có mặt ở NVN, gần sát với Trung Cộng, nên Trung Cộng rất quan ngại cho an ninh của chính Trung Cộng.

Vì Liên Xô và Trung Cộng đều chống Hoa Kỳ, nên cả hai hậu thuẫn cho BVN mở cuộc chiến xâm lăng NVN. Bắc Việt Nam đưa ra chiêu bài “chống Mỹ cứu nước”, vừa để khích động lòng yêu nước của dân chúng BVN chống lại NVN, vừa để phù hợp với chủ trương chống Hoa Kỳ của Trung Cộng và Liên Xô, 

Như thế, rõ ràng các lý do “thống nhất đất nước” và “chống Mỹ cứu nước” chỉ có tính cách biểu kiến bên ngoài, dùng làm chiêu bài động binh, trong khi lý do thật sự được nhà nước BVN che đậy là tham vọng lớn lao của đảng Lao Động (LĐ) tức đảng Cộng Sản, muốn đánh chiếm toàn bộ Việt Nam, bành trướng chủ nghĩa CS đồng thời thi hành nghĩa vụ quốc tế, như lời Lê Duẫn nói, đánh NVN là “đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc”. Kế hoạch tấn công NVN đã được đảng LĐ chuẩn bị trước khi ký hiệp định Genève ngày 20-7-1954, thấy rõ trong kế hoạch Liễu Châu đầu tháng 7-1954.

Trước khi hiệp định Genève được ký kết, tại Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Hoa), từ ngày 3 đến ngày 5-7-1954, Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Cộng, bí mật gặp gỡ Hồ Chí Minh, chủ tịch VNDCCH, đưa ra kế hoạch là trước khi rút người ra BVN theo quyết định của Hiệp định Genève, đảng LĐ gài cán bộ ở lại NVN, đồng thời phân tán và chôn giấu võ khí ở lại NVN để chuẩn bị chiến đấu về sau. (Về hội nghị Liễu Châu, mời đọc Tiền Giang, Chu Ân Lai dữ Nhật-Nội-Ngõa hội nghị [Chu Ân Lai và hội nghị Genève] Bắc Kinh: Trung Cộng đảng sử xuất bản xã, 2005, bản dịch của Dương Danh Dy, tựa đề tiếng Việt là Vai trò của Chu Ân Lai tại Genèvenăm 1954, chương 27, "Hội nghị Liễu Châu then chốt".)

Như thế, ngay trước khi ký hiệp định Genève vào ngày 20-7-1954, phía cộng sản đã chủ tâm sắp đặt trước kế hoạch trường kỳ mai phục ở NVN, chuẩn bị lực lượng tiếp tục chiến tranh. Ngoài chuyện gài cán bộ đảng viên lẫn trốn trong dân, đảng LĐ còn có cách cài người rất thâm hiểm là cho cán bộ đảng viên đảng LĐ vội vàng cưới vợ trước khi tập kết ra Bắc. Những người vợ ở lại NVN và con cái từ các cuộc hôn nhân nầy sinh ra, sẽ tiếp tay cho cán bộ CS khi họ trở về hoạt động. 

Trong khi đó, để kiếm cớ gây chiến, đảng LĐ tức đảng cộng sản BVN lại đổ lỗi cho phía NVN không tôn trọng hiệp định Genève, trong khi chính hiệp định Genève chỉ là một hiệp định đình chiến mà thôi và không đưa ra giải pháp chính trị. Còn giải pháp chính trị được dư tính trong bản "Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương", thì không có chữ ký của bất cứ phái đoàn nào, không có giá trị pháp lý. Lý do có thể là phía CS (Trung Cộng, CSVN) tại Liễu Châu đã quyết định tiếp tục cuộc chiến, nên vận động không ký vào bản tuyên bố cho dễ hành động về sau nầy.

Đó là cách hòa giải bằng hiệp định Genève của CSVN. Tạm dừng để lấy sức, rồi tiếp tục chiến tranh. Cách hòa giải nầy đưa đến việc BVN tái phát động cuộc chiến năm 1960, và dùng viện trợ của khối CS quốc tế, nhất là Liên Xô và Trung Cộng, tấn công NVN.

Hòa giải bằng Hiệp định Paris

Chiến tranh Việt Nam lọt vào cao điểm chiến tranh lạnh toàn cầu. Liên Xô, Trung Cộng giúp đỡ, viện trợ cho BVN. Ở thế yếu, NVN phải nhờ Hoa Kỳ giúp đỡ, viện trợ. Điểm khác nhau quan trọng là Liên Xô và Trung Cộng gởi quân viện cho BVN, và BVN sử dụng quân đội BVN và du kích NVN để chiến đấu ở NVN. Liên Xô chỉ gởi chuyên viên ở hậu phương chứ không ra chiến trường. Ngoaøi quaân vieÄn, töø thaùng 6-1965 ñeán thaùng 3-1968, TQ gôûi sang BVN 320,000 quaân, truù ñoùng ôû caùc tænh vaø thaønh phoá phía baéc Haø NoÄi, ñieàu khieån caùc suùng phoøng khoâng, söûa chöõa ñöôøng saù, caàu coáng, ñöôøng xe löûa, baûo veÄ caùc tænh phía baéc, nhaèm giuùp BVN keùo heát löïc löôïng xuoáng taán coâng NVN. (Qiang Zhai, China & the Vietnam Wars, 1950-1975, The University of Carolina Press, 2000, tr. 135.) Về phía Hoa Kỳ, Hoa Kỳ gởi Bộ binh và Không quân trực tiếp chiến đấu ở Việt Nam từ năm 1965.

Điểm quan trọng là Hoa Kỳ áp dụng chiến lược phòng thủ ở NVN chứ không đánh ra BVN bằng bộ binh như chiến tranh Triều Tiên. Hoa Kỳ chỉ gởi Không quân tấn công những hậu cứ của CS ở BVN. Cứ thủ mãi và chờ địch quân đến tấn công, đưa đến kết quả là tuy quân đội Hoa Kỳ không thua trận nào, nhưng tử trận mỗi ngày một ít; cộng nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm thành số nhiều. Mỗi ngày vài phi công thuộc Không quân Hoa Kỳ bị bắn rơi ở BVN và bị bắt làm tù binh; cộng nhiều ngày thành số đông. 

Các số liệu tử vong và tù binh tăng cao làm cho dân chúng Hoa Kỳ sốt ruột, lo sợ cho sinh mệnh của thân nhân mình, đòi rút quân về nước. Phong trào phản chiến trong nước Hoa Kỳ hoạt động mạnh mẽ, dân chúng, sinh viên biểu tình rầm rộ, làm cho đất nước Hoa Kỳ xáo trộn, khiến chính phủ Hoa Kỳ phải kiếm cách ổn định tình hình nội bộ. (Chú ý: lúc đó quân đội Hoa Kỳ còn gồm thành phần động viên. Luật động viên Hoa Kỳ bị bãi bỏ năm 1973, sau Hiệp định Paris. Ngày nay, quân đội Hoa Kỳ gồm toàn quân nhân chuyên nghiệp.) Hơn nữa, thông qua chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ bắt tay với Trung Cộng và đang muốn tách Trung Cộng ra khỏi khối CS do Liên Xô lãnh đạo. Chính phủ Hoa Kỳ liền thay đổi chiến lược, rút quân khỏi Việt Nam và kiếm cách ký hiệp định hòa bình để lấy lại tù binh.

Từ đó, Hoa Kỳ mở đường hòa đàm với BVN và đi đến hội nghị Paris. Chính phủ NVN với kinh nghiệm ê chề năm 1945 và 1954, không chịu nhượng bộ BVN, không chịu ngồi vào bàn Hội nghị Paris, nhưng Hoa Kỳ áp lực, rút quân, giảm viện trợ, nên NVN đành phải chấp nhận. Sau những cuộc thảo luận gay go kéo dài từ năm 1968 đến cuối năm 1972, cuối cùng, ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris tức Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (Agreement on Ending the War and Restoring Peace in Vietnam), còn được gọi là Hiệp định Hòa bình Paris (Paris Peace Accords) được ký kết tại nơi bắt đầu, tức Trung Tâm Hội Thảo Quốc Tế (Centre de Conférences International), trong khách sạn Majestic, số 19 đường Kléber, Paris.

Hiệp định gồm 9 chương, 23 điều, có hai bản. Bản thứ nhứt giữa bốn bên VNCH, Hoa Kỳ và CHMNVN, VNDCCH. Bản thứ hai giữa hai bên Hoa Kỳ và VNDCCH. Hai bản chỉ khác nhau ở phần mở đầu và điều 23, còn giống nhau từ điều 1 đến điều 22. Vì có hai bản, nên hiệp định Paris được ký kết hai lần. Lần bốn bên VNCH, Hoa Kỳ, VNDCCH và CHMNVN ký kết vào buổi sáng 27-1-1973. Lần hai bên Hoa Kỳ và VNDCCH ký kết vào buổi chiều 27-1-1973. Hiệp định có hiệu lực từ 0 G. giờ quốc tế GMT đêm 27 rạng 28-1-1973, tức 8 giờ sáng giờ Việt Nam ngày 28-1-1973. 

Những điểm chính của hiệp định Paris là: Ngưng bắn trên toàn lãnh thổ Việt Nam; Hoa Kỳ rút quân đội và cố vấn còn lại (khoảng 23,700) trong 60 ngày; Hoa Kỳ triệt phá tất cả các căn cứ trong 60 ngày; trao trả tù binh Hoa Kỳ và các tù binh khác trong 60 ngày; quân đội Bắc Việt tiếp tục đóng giữ tại chỗ ở Nam Việt Nam; rút tất cả các lực lượng ngoại nhập tại Lào và Cao Miên; cấm lập căn cứ và chuyển quân qua hai nước nầy; duy trì khu phi quân sự tại vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời cho đến khi nào thống nhất đất nước bằng một giải pháp hòa bình; thành lập Ủy ban Kiểm soát Quốc tế gồm có người các nước Canada, Hungary, Ba Lan và Indonesia với 1,160 thanh tra kiểm soát việc thi hành hiệp định; Nguyễn Văn Thiệu vẫn là tổng thống miền NVN cho đến khi có bầu cử; BVN tôn trọng quyền tự quyết của dân chúng NVN; không chuyển quân qua khu phi quân sự; không sử dụng võ lực để thống nhất đất nước. (John S. Bowman, The Vietnam WarDay by Day, New York: Maillard Press, 1989, tr. 210.)

Rõ ràng BVN chiếm lợi thế trong hiệp định Paris so với NVN. Trong khi Hoa Kỳ rút quân, triệt phá hết các căn cứ Hoa Kỳ tại NVN, thì quân đội BVN tiếp tục đóng giữ tại chỗ ở NVN. Trong khi đó, BVN bí mật tiếp nhận viện trợ của Liên Xô và Trung Cộng ở BVN, rồi bí mật chuyển vào NVN qua đường Trường Sơn và ngay cả đường vùng phi quân sự ở vĩ tuyến 17, trắng trợn vi phạm hiệp định Paris. Số viện trợ do Liên Xô và Trung Cộng cho BVN trong thời gian nầy tăng gấp 4 lần so với trước đây. (Henry Kissinger, Years of Renewal, New York: Simon & Schuster, 1999, tr. 481.) 

Hiệp định Paris quy định việc thành lập một số cơ chế để thực hiện và theo dõi việc ngừng bắn. Đầu tiên là HỘI ĐỒNG HÒA GIẢI HÒA HỢP DÂN TỘC (National Council of National Reconciliation and Concord). Điều 12 chương IV Hiệp định Paris ghi rằng “hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính nhau để thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau. Hội đồng sẽ làm việc theo nguyên tắc nhất trí.” Danh xưng rõ ràng là“Hòa giải hòa hợp dân tộc”, nhưng thực chất là HGHH theo kiểu CS.

Ba thành phần nêu trên đây là VNCH, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng (MTDTGP) và lực lượng thứ ba. Lực lượng thứ ba được gọi là trung lập, không theo VNCH cũng không theo MTDT. Trong thực tế, lực lượng thứ ba do CSVN ngấm ngầm tổ chức và điều động, gồm những nhà hoạt động chính trị đòi hỏi hòa bình, dân chủ mà không nhất thiết phải tán thành chủ nghĩa CS hay chủ nghĩa xã hội, nhằm cô lập chính phủ VNCH. Cách quyết định theo nguyên tắc nhất trí, có nghĩa là cả ba bên phải cùng đồng ý mới thông qua một quyết định. Nói cách khác, mỗi bên đều có quyền phủ quyết. Vậy làm sao hòa giải hòa hợp, vì ai không bằng lòng thì phủ quyết, thế là đường ai nầy đi. 

Cũng theo điều 12 nầy, HĐHGHHDT sẽ đứng ra tổ chức tổng tuyển cử nhằm bầu chọn cơ quan quyền lực cho NVN. Tuy nhiên, vì chính phủ Hoa Kỳ nôn nóng rút quân, rút tù binh nên ký hiệp định Paris, chịu để cho BVN đóng quân ở lại NVN, nên BVN tiếp tục tấn công NVN, và chiến tranh vẫn tiếp diễn. Cho đến ngày 30-4-1945, BVN cưỡng chiếm NVN, HĐHGHHDT cũng chưa thành lập được.

Như thế, chuyện hòa giải hòa hợp theo điều 12 chương IV Hiệp định Paris chỉ là một cái bánh vẽ cho Hoa Kỳ rút quân, vì trong thực tế, sau HĐHGHHDT, Hiệp định Paris còn thành lập, theo điều 18 chương VI, Ủy ban Quốc tế Kiểm soát và Giám sát (International Commission for Control and Supervision), gồm đại diện bốn quốc gia Canada (Gia Nã Đại), Hungary (Hung Gia Lợi), Indonesia (Nam Dương), Poland (Ba Lan). Ủy ban nầy cũng chẳng làm được việc gì vì thiếu sự hợp tác về phía CSVN. 

Trong khi Ủy ban QTKSGS tự do đi lại trong vùng do chính quyền NVN kiểm soát, thì Ủy ban bị ngăn cản khi đi vào những vùng CS hoạt động. Ngày 7-4-1973, hai trực thăng của Ủy ban chở nhân viên đến Khe Sanh và Lao Bảo để quan sát và kiểm soát sự xâm nhập của CS theo đường Trường Sơn, liền bị quân CS bắn rơi một chiếc, gây tử thương cho phi hành đoàn và 7 nhân viên. Các chuyến bay ở Lộc Ninh cũng bị quân CS hăm dọa. Sau khi một nhân viên Canada bị CSVN bắt giữ, phái đoàn Canada rút lui vào cuối tháng 7-1973, Iran (Ba Tư) được cử thay thế. Tuy Ủy ban tiếp tục hoạt động cho đến năm 1975, nhưng hoàn toàn bất lực.(Webster's New World Dictionary of the Vietnam War, tt.. 180-181.)

Kết luận 

Sau cuộc hòa giải nội bộ năm 1945, người Việt theo chủ nghĩa dân tộc có được kinh nghiệm ê chề với CSVN. Trong hai giai đoạn 1954 và 1973, người Pháp rồi người Hoa Kỳ, do chủ tâm rời bỏ Việt Nam, nên dễ dàng thỏa mãn những yêu sách của CSVN để CSVN nhanh chóng ký kết hiệp định giúp hai nước nầy ra đi cho rồi, trong khi đối với CSVN, ngưng chiến chỉ là những giờ giải lao và các hiệp định đó chẳng qua chỉ là những tờ giấy loại bị CSVN xé bỏ dễ dàng. Năm 1954, CSVN ký Hiệp định Genève để dưỡng sức chuẩn bị tiếp chiến tranh. Năm 1973, CSVN ký Hiệp định Paris để Hoa Kỳ rút quân, bỏ rơi và ngưng viện trợ cho NVN, rồi CSVN nhận thêm quân viện của Liên Xô và Trung Cộng, tiếp tục tấn công và đánh chiếm NVN năm 1975.

Với những kinh nghiệm lịch sử như thế, bằng những hiệp định quốc tế, CSVN ký, nhiều nước ký và nhiều nước làm chứng, mà CSVN vẫn vi phạm trắng trợn, xé bỏ dễ dàng, thì còn ai dám tin CSVN và hòa giải hòa hợp với CSVN?

(Toronto, 24-05-2015)


TPP - Không phải là lá phiếu mà là cơ hội tranh đấu

Vũ Đông Hà (Danlambao) - TPP = Freedom for Tạ Phong Tần; TPP = Tự do cho Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, cho Bùi Hằng, Việt Khang, Trần Huỳnh Duy Thức...; TPP = Tự do cho những công dân Việt Nam bị bỏ tù vì hoạt động công đoàn, nhân quyền, dân sinh, tự do và dân chủ... Khai dụng những điều kiện để gia nhập TPP như là cơ hội tranh đấu đang là tiếng trống khởi hành cho bước 2 của chiến dịchWe Are One - Nhanquyen 2015.

TPP - Lợi nhuận và điều kiện ràng buộc

Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) - TPP dự trù sẽ bao gồm 12 quốc gia, chiếm 1/3 tổng số giao dịch thương mại thế giới và 40% GDP toàn cầu. Với những thỏa thuận về tự do thương mại, giảm thiểu và đi đến xóa bỏ các loại thuế xuất nhập cảng giữa các thành viên quốc gia, TPP sẽ đem lại tăng trưởng kinh tế ở mức hàng trăm tỷ đô la cho các thành viên trong thập niên trước mắt. Nếu gia nhập TPP, dự phóng vào năm 2025, tăng trưởng của Nhật và Singapore sẽ cộng thêm 2% so với không gia nhập. Hoa Kỳ hơn 4% và Malaysia sẽ được thêm 5%. Trong khi đó Việt Nam sẽ được thêm 10% tăng trưởng so với không là thành viên. Những con số này là những khúc nhạc rộn ràng đối với giới thương mại, tài phiệt, đại công ty. Con số 10% đang làm sáng mắt tập đoàn sâu và chuột ở Ba Đình. 

Đi kèm với những lợi nhuận kinh tế là những điều kiện đặt ra cho các thành viên, bao gồm những ràng buộc theo luật chơi của những nước dân chủ Tây phương ở nhiều lãnh vực như luật bảo vệ sản phẩm trí tuệ, luật lao động quốc tế trong đó có sự hoạt động của công đoàn độc lập, tiêu chuẩn của sản phẩm, mua bán vật liệu sản xuất từ các nước thành viên, công bằng trong doanh nghiệp và vấn đề tôn trọng nhân quyền.

TPP và quyền hạn của công dân Việt Nam:

Kể từ ngày 30 tháng 4, năm 1975, người dân Việt Nam chưa bao giờ được thực thi quyền bỏ phiếu theo đúng nghĩa của nó. Tất cả đều là trò chơi chính trị lừa bịp có tên gọi là "đảng cử dân (bắt buộc phải) bầu" của đảng cộng sản. Bất cứ ai không hoàn tất phần chơi dân bầu để làm "chính danh" những sắp xếp đã đâu vào đó của đảng thì sẽ có vấn đề với bộ máy công an còn đảng còn mình.

Do đó, và đương nhiên, đối với hiệp ước TPP, người dân Việt hoàn toàn không có quyền bỏ phiếu trực tiếp, hay được thể hiện ý nguyện từ lá phiếu đại diện của các thành viên Hạ viện, Thượng viện do chính mình bầu ra trong một cuộc bầu cử tự do, dân chủ như ở Hoa Kỳ. Việt Nam "chịu" vào hay không vào TPP hoàn toàn nằm trong quyền quyết định của bộ chính trị đảng CSVN và được "thông qua" bởi các đảng viên đang chiếm giữ những chiếc ghế quyền lực ở quốc hội bù nhìn. Ngược lại Việt Nam "được" trở thành thành viên của TPP hay không lại nằm trong tay chính phủ Hoa Kỳ.

Vậy người dân Việt Nam đứng ở đâu trong bàn cờ chính trị - thương mại này mà hệ quả tốt hay xấu của nó thì không ai khác mà chính hơn 90 triệu người dân Việt Nam trực tiếp chịu ảnh hưởng?

TPP và cơ hội tranh đấu:

Chúng ta chỉ có một chỗ đứng, một thái độ: tranh đấu để đòi hỏi những điều kiện về nhân quyền, quyền của người lao động, quyền hoạt động của công đoàn, bảo vệ môi trường, bảo vệ sản phẩm, bình đẳng giữa công ty tư nhân và nhà nước... phải được thực thi TRƯỚC KHI Việt Nam được chấp nhận gia nhập, được tôn trọng và giám sát SAU KHI trở thành thành viên.

Làm thế nào để tranh đấu? 

Trước hết, cho dù không có quyền bỏ phiếu trực tiếp, hay gián tiếp qua đại diện, thì phải có tiếng nói được cất lên từ Việt Nam bởi người Việt Nam để chứng minh rằng người dân Việt thực sự đang muốn có nhân quyền, công đoàn độc lập và đồng ý rằng Việt Nam chỉ được gia nhập TPP nếu những điều kiện đặt ra được đáp ứng. Nguyện vọng đó chắc chắn không đến từ bộ máy độc tài, cũng không đến từ các tổ chức nối dài của đảng, và cũng không đến từ đại đa số người dân thầm lặng không dám lên tiếng. Chỉ còn lại là tiếng nói của các tổ chức, hội đoàn, cá nhân đang tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Sẽ rất phi lý nếu nhân quyền là điều kiện được đặt ra bởi Hoa Kỳ và chỉ có những chính khách Hoa Kỳ lên tiếng đòi hỏi... giùm cho người Việt Nam.

Tuy nhiên, nguyện vọng thì xuất phát từ người Việt, nhưng quyết định bỏ phiếu cho TPP nằm trong tay Hành Pháp lẫn Lập Pháp của Hoa Kỳ. Từ đó chúng ta thấy vai trò của người Mỹ gốc Việt đang sinh sống tại Hoa Kỳ (lẫn người Việt đang mang quốc tịch Canada, Úc, hay Nhật vốn là 3 cường quốc bên cạnh Hoa Kỳ trong TPP). Cộng đồng người Việt tại Mỹ, Canada, Úc đã trở thành một sức mạnh chính trị, là thành phần "swing vote" - làm nghiên sự cân bằng - trong lực lượng bỏ phiếu và những đòi hỏi của cư dân Việt đã và đang được chính giới Hoa Kỳ lắng nghe và tìm cách thực thi.

Chúng ta cần sự khởi động, lên tiếng tranh đấu của thành phần lý tưởng trong nước và sự vận động của cộng đồng, tổ chức người Việt tại hải ngoại. Không có tiếng nói từ Việt Nam chúng ta không xác định được nhu cầu và khát vọng của hơn 90 triệu người Việt. Không có bàn tay của người Việt hải ngoại, chúng ta không gõ cửa được văn phòng các chính giới ngoại quốc.

Chưa bao giờ chúng ta có được cơ hội tranh đấu cụ thể như lúc này. Chưa bao giờ nhu cầu kết hợp trong và ngoài nước của người Việt lại rõ ràng và cần thiết như bây giờ. Chưa bao giờ mà chúng ta có thể trở thành một cùng nhau tranh đấu để kéo Việt Nam ra khỏi quỹ đạo thống trị của Bắc Kinh bởi sự thần phục của thành phần nô lệ Bắc Kinh trong đảng CSVN, để giành lại nhân quyền, tự do và dân chủ cho Việt Nam.



26.05.2015

Đại hội 12 - đại tang của đảng CSVN

Thằng Lượm (Danlambao) - Đảng cộng sản VN (ĐCSVN) sau 70 năm độc quyền cai trị, độc tài toàn trị đã đẩy đất nước VN vào bờ vực thẳm. Đảng chỉ lo bảo vệ quyền lợi của đảng; đặt quyền lợi của đảng viên và phe nhóm lên trên quyền lợi của Tổ quốc, dân tộc. Đất nước sau 40 năm thống nhất vẫn đầy rẫy bất công, nghèo đói; công nghiệp, nông nghiệp cực kỳ lạc hậu; nông dân bị phản bội (bị cướp trắng quyền làm chủ ruộng đất); công nhân bị bán rẻ cho tư bản trong và ngoài nước tha hồ bóc lột; đời sống đại đa số nhân dân lao động, trí thức đều ngày càng bi đát; đạo đức XH ngày càng xuống cấp; quân đội thì “trung với đảng”, công an “chỉ biết còn đảng còn mình” nên quyền con người bị chà đạp thô bạo, hận thù chia rẽ chồng chất…

Bên ngoài thì Trung Quốc luôn chực chờ nhảy vào cướp đất liền, biển đảo; băm nát tài nguyên khoáng sản, cát cứ những vị trí trọng yếu của đất nước.

Ảnh sưu tầm-chỉ có tính chất minh họa
Ai cũng thấy rõ là đảng CSVN đang hấp hối và giãy chết. Như một con thú hung dữ, trước khi trút hơi thở cuối cùng, đảng CSVN trở nên điên cuồng, cố bám giữ quyền lực và quyền lợi cho các phe cánh của đảng và cho các nhóm lợi ích thân hữu ăn chia; ra sức cướp sạch những đồng tiền cuối cùng trong ngân khố và trên mồ hôi, xương máu của nhân dân. Sự sụp đổ của đảng CSVN là tất yếu, chỉ còn vấn đề thời gian.

Thời gian phù hợp để đảng CSVN giãy chết là từ nay đến kỳ ĐH 12 của đảng (dự kiến vào đầu năm 2016).

Các dấu hiệu sụp đổ, giãy chết của đảng CSVN đang hiện ra rất rõ:

1. Khủng hoảng lãnh đạo: Không còn một tên độc tài nào trong đảng “đủ tài” để tập họp nhóm cầm đầu đảng (Bộ Chính trị-BCT) để “nhất hô, bá ứng” như thời Lê Duẩn –Lê Đức Thọ. Các vị vua tập thể (BCT) đang chia rẽ sâu sắc về quyền lợi, sẵn sàng đấu đá, triệt hạ lẫn nhau. Phe đảng X và phe đảng Lú đấu đá quyết liệt, hậu quả là con chốt thí Nguyễn Ba Thanh “đang từ khỏe mạnh chuyển sang từ trần”. Đảng CSVN hiện nay chỉ là một triều đình phong kiến trá hình. Các ông bà vua chúa và các sứ quân tỉnh thành đang chia bè rẽ phái, chuẩn bị tranh quyền đoạt vị tại ĐH 12 này. Bài học lịch sử cho thấy: các triều đình phong kiến bị sụp đổ là do “Lú quân” và “loạn tướng” khắp nơi, nạn kiêu binh hoành hành bá đạo như hiện nay.

2. Khủng hoảng đường lối xây dựng đất nước: Đảng tiếp tục kiên định lấy Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng HCM làm cương lĩnh lãnh đạo, xây dựng đất nước theo định hướng XHCN, tức là chấp nhận “thiên đường mù”. Đi tìm thiên đường mù thì… ai cũng biết, đến hết thế kỷ này và thêm vài thế kỷ nữa cũng không thể tìm ra. Giáo sư Trần Phương, cựu phó thủ tướng, đã phát biểu nhân dịp góp ý vào cương lĩnh của đảng cách nay bốn năm: Thế bây giờ cái CNXH của ông là cái gì đây? Thật ra mà nói, chúng ta nói và chúng ta biết là chúng ta bịp người khác! Đến tôi bây giờ, tôi cũng không biết cái CNXH mà chúng sẽ đi là cái CNXH gì đây? Ông bip thiên hạ với cái CNXH của ông!... Ông nói CNXH mà ông không biết nó là cái gì cả. Ông nói định hướng XHCN mà ông không biết cái định hướng nó là cái gì… Tôi nói thật là chúng ta tự lừa dối chúng ta… tôi hỏi ông CNXH bây giờ là cái gì? Tôi đố các ông trả lời được đấy?. Chính tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thừa nhận: “xây dựng CNXH còn lâu dài lắm, đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.

3. Khủng hoảng kinh tế: Đảng CSVN đang cạn tiền, không còn đủ chi tiêu cho hệ thống cai trị tham nhũng, lạc hậu, mang đậm tính băng đảng và khủng bố. Sau khi “ăn không chừa thứ gì”, đảng CSVN đang bị bức bách về kinh tế, chỉ trông chờ vào kiều hối hàng năm và in tiền, tăng đủ loại thuế để cố sống qua ngày. Dấu hiệu ngày càng bi đát, đến mức phải "chặt khúc Quốc lộ để bán vé; hầm chưa xây đã thu phí; dự án ngàn tỷ bỏ hoang, mất vốn…"(1). Quan chức các tỉnh thành đua nhau lập dự án bán đất để chia chác (tỉnh Khánh Hòa đang bán bãi biển Nha Trang cho Cty nước ngoài cát cứ). Nợ nước ngoài đến hạn phải trả ngày càng tăng cao, trần nợ công đã chạm ngưỡng nguy hiểm, quỹ BHXH không còn đủ tiền chi trả cho công nhân nên đẻ ra Điều 60 luật BHXH, nguồn thu từ dầu thô ngày càng ít vì giá thấp (có thể càng khái thác càng lỗ vì chi phí-lãng phí cao.)

4. Dấu hiệu đảng bán nước ngày càng lộ rõ: Mật ước tại Hội nghị Thành Đô (9/1990) đang được TQ thi hành gấp rút. Từ nay đến năm 2016, TQ sẽ hoàn thành việc thiết lập các căn cứ quân sự trên các đảo, bãi đá chiếm được của VN (Hoàng-Trường sa), thực thi quyền kiểm soát 80% biển Đông. Nguồn thu từ tài nguyên tại biển Đông của VN coi như mất trắng. Dầu thô và nguồn lợi hải sản sẽ bị cạn kiệt trong vài năm tới, nguồn thu ngoại tệ sẽ bị bế tắc. VN không thể in tiền đi mua vũ khí để phòng vệ biển đảo như đã lừa dối với Nhân dân được nữa. Đảng càng đi vay mượn của TQ càng đưa đầu vào thòng lọng. Chính sách ngoại giao “đu dây” giữa Mỹ và TQ càng làm cho đảng kẹt giữa hai làn đạn, nghiêng về phía nào cũng chết.

5. Khủng hoảng đạo đức XH: Giáo dục đào tạo loạn xạ, hàng chục vạn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, nạn bằng cấp giả “rờ đâu cũng có”; bệnh viện biến thành máy chém bệnh nhân; XH rối ren, loạn lạc, tình trạng cướp, giết, hiếp… và loạn các loại tặc: không có thời điểm nào trong lịch sử mà các loại cướp (tặc) nhiều như bây giờ. Dưới sự cai trị “sáng suốt, đạo đức, văn minh” của đảng CSVN, cán bộ đảng viên biến thành cướp ngày (hối lộ, tham nhũng), rất nhiều loại cướp (tặc) đã được sinh sôi nảy nở loạn cào cào: Sa tặc, khoáng tặc, vàng tặc, lâm tặc, địa tặc, than tặc, đinh tặc, tin tặc, cáp (điện) tặc, nghêu tặc, cẩu tặc… dâm tặc!

Ảnh sưu tầm-chỉ có tính chất minh họa
6. Khủng hoảng niềm tin: Do lo sợ Nhân dân không còn tin vào đảng nên đảng không dám “trưng cầu ý dân”, không dám ra luật Lập hội, luật Biểu tình. Đảng coi Nhân dân là “lực lượng thù địch” tiềm năng, sẵn sàng sử dụng toàn diện các biện pháp đê hèn nhất để khủng bố, bắt giam những người yêu nước. Trong mười năm trở lại đây, trước mắt đảng, chỗ nào cũng có “thế lực thù địch”. Đảng CSVN đã chính thức tuyên chiến với Nhân dân. Kẻ nào dám tuyên chiến với Nhân dân, kẻ đó phải chết chắc!

Rõ ràng: đảng CSVN đang lâm vào bế tắc toàn diện!

Nhiều GS-TS của đảng đang tìm thuốc để cố cứu đảng CSVN qua cơn hấp hối này nhưng không còn thuốc nào phù hợp. Cộng sản chỉ có thể bị thay thế, không thể sửa đổi!

Đảng CSVN đã lộ nguyên hình là một đảng cướp! Không còn “ăn không chừa thứ gì” nữa mà đang “cướp sạch, không chừa thứ gì” để chuẩn bị lo hậu sự.

Từ nay đến ngày đảng CSVN tổ chức ĐH 12-cũng là ngày đại tang của đảng, toàn dân VN hãy chung tay đào mồ để chôn lấp cái xác chết phình trương, thối tha của đảng.

Xin mượn lời của Phương Uyên để thay lời kết thúc: đảng CSVN đi chết đi!

Ngày đó đang đến rất gần… rất gần.

26/5/2015



_______________________________________

Chú thích:

(1) Xem trên báo Laodong.com.vnTuoitre.vnVietnamnet.vn từ ngày 23/5 đến 26/5/2015)

Thực chất việc “phát hành riêng lẻ” TPCP 1 tỷ đô của 3X/BR


Trò “độc” hay màn diễn sáng tạo mới của ruồi và chú phỉnh

Tuần qua, lần đầu tiên chúng ta thấy chú phỉnh (chính phủ) 3X biểu diễn một trò “độc” chưa có tiền lệ ở VN và cả thế giới. Đó là việc thốc đống Bình ruồi BR phát hành trái phiếu riêng lẻ bằng 1 tỷ đôla Mỹ cho duy nhất một ngân hàng “thương mại” Vietcombank - và tất nhiên là “rất thành công” - báo chí đảng hết lời ca ngợi. Báo chí gọi “thành công” đó là “cái khó ló cái khôn”, ý là sáng tạo mới của tưởng thú X và thốc đống Ruồi.

Thấy có chuyện “cái khó ló cái khôn”, tôi rất nghi ngờ, nên mới phải soi kỹ để học hỏi và phổ biến màn diễn “sáng tạo thành công” này của chú phỉnh cho bà con ta chiêm ngưỡng và “ca ngợi” thêm trên lề dân, để 3X/BR còn “phát huy” nữa chớ!

Tên tác phẩm/kịch: “Phát hành riêng lẻ 1 tỷ đôla Mỹ TPCP của CSVN”.

Tác giả: Tưởng thú 3X và Ruồi thốc đống NHNN (ruồi chui đống...)

Đạo diễn: chú phỉnh và “ruồi xin nửa nôbeo” (tức tưởng thú và thốc đống)

Diên viên: NHNN và Việtcombank (ruồi và nhặng cái VCB...)

Đạo cụ chính: TPCP bằng ngoại tệ (thay vì TPCP bằng vnđ)

Sàn diễn: Nội bộ lõi cốt của kinh tế định hướng XHCN (thay vì TPCP bằng đôla thì phải ra phát hành trên thị trường quốc tế, như hai lần trước - năm 2005 ở Mỹ và 2007 ở Sing).

Nghệ thuật: Phát hành TPCP bằng đôla (vay đôla hứa trả vô thời hạn - vay không cần trả...)

Bối cảnh màn diễn: Sau 7 lần NHNN phát hành TPCP bằng vnđ đầu năm 2015 “chưa thành công” - chỉ “vay” được 66 ngàn tỷ vnđ so với mục tiêu đầu năm là vay 250 ngàn tỷ vnđ và cả năm là vay 440 ngàn tỷ vnđ). 

Và, sau khi NHNN “nghiên cứu” cho chú phỉnh vay dự trữ ngoại tệ (đang “có” đến 35 tỷ đôla) nhưng “chưa thành công”.

Và nữa, sau khi chú phỉnh loay hoay đáo nợ quốc tế và trả nợ đến hạn của CP nhưng cũng vẫn “chưa thành công” vì còn hơn 310 triệu đôla Mỹ là nợ quá hạn (chủ yếu từ các con “ma” cưng của phỉnh -Vinashin/SBIC và Vinalines để lại), 

Và còn nữa, sau khi chú phỉnh cắt hứa chi cho gói hỗ trợ Bất động Sản 30 ngàn tỷ vnđ, cắt hứa gói hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt 30 ngàn tỷ vnđ (cái này theo lệnh Tàu), cắt luôn cả kế hoạch-hứa tăng gói giải cứu nợ xấu của VAMC từ 50 lên 150 ngàn tỷ vnđ..., có nghĩa là chú phỉnh tự cắt hết lưỡi vì nhiều lưỡi hứa lèo quá!

Và chưa hết, sau khi chú phỉnh tăng giá xăng dầu trong nước liên tục 5 lần trong 2 tháng (tăng trên 3,000 vnđ/lt, tức trên 20%) khi giá dầu thế giới vận xuống.

Nhất là, khi Cuốc hội 13 không dám xử điều 60 Luật bảo hiểm vì sợ 500 ngàn người lao động sẽ rút bảo hiểm 1 lần, tức sẽ làm sập ngay hệ thống BHXH vốn rộng không như cái nhà rông đã mục của chế độ CS này (500 ngàn người rút trung bình 50-100 triệu vnđ/ng thì chú phỉnh phải có ngay 25-50 ngàn tỷ vnđ hay 1-2 tỷ đôla Mỹ để trả cho người lao động - chú phỉnh lấy đâu ra?!)

(Viết đến đây về “bối cảnh”vay tiền của chú phỉnh và ruồi, tôi nghĩ đến “bối cảnh” tài chính của cá nhân mình, và nghĩ có lẽ sẽ phải ra ngay NHTM “của mình” rút ngay dăm bảy trăm triệu vnđ tiền xương máu của mình ở đó gửi sang ngân hàng ngoại như Citybank, ANZ thôi, hihi, không thì, huhu... khô máu có ngày!)

Mục tiêu: Tham gia phong trào thi đua tìm nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước 2015 đang thiếu hụt do chính chú phỉnh gấp rút phát động trong các bộ ngành, để lập thành tích dâng đám giỗ 12 của đảng sắp tới (mong nó không thành đám đại tang 12).

Những “sáng tạo” vô lối của vở bịp kịch...

Trước khi đi vào phân tích những sự “sáng tạo” “có sức công phá lớn” của vở diễn trên của chú phỉnh và ruồi, chúng ta hãy nhìn lại sự thúc bách phải sáng tạo của bối cảnh kinh tế VN hiện nay đầu 2015 mà các tác giả phải chịu trách nhiệm... tác giả, để hiểu cho rõ, đó là: thiếu hụt ngân sách 2015 là 440 ngàn tỷ vnđ (hay khoảng 40% NSNN); luôn luôn thiếu hụt ngoại tệ khoảng 1-2 tỷ đô để giải quyết lãi vai và nợ ngoại tệ đến hạn của chú phỉnh; phỉnh đang “có” đến 35 tỷ đôla dự trữ ngoại tệ mà không “vay” được.

Tiếp theo, chúng ta ai cũng biết, phát hành trái phiếu chính phủ TPCP bằng tiền vnđ mới huy động trên thị trường tiền vnđ nhàn rỗi trong nước - trong dân và các doanh nghiệp (mà các DN đã gom lại từ dân), còn phát hành TPCP bằng ngoại tệ thì phải phát hành trên thị trường quốc tế, cho các nhà đầu tư tài chính quốc tế là các ngân hàng hay quĩ tài chính, hoặc cả các chính phủ bằng uy tín bảo lãnh vay của chính phủ vay. 

Việc “đảo hàng, đổi chủ” ở đây - đem huy động ngoại tệ bằng TPCP (lời hứa trả có lãi) vào thị trường trong nước là sáng tạo đầu tiên kinh hoàng của chú phính và ruồi. Tại sao phải có sáng tạo “đem bóng đá vào sân bóng chuyền ép các cầu thủ bóng chuyền chơi” thế này? Là vì “bóng đá thế giới” - ở đây xin hiểu là huy động ngoại tệ bằng TPCP trên thị trường tài chính thế giới - đã thực tế loại chính phủ của chú phỉnh 3X ra ngoài sân chơi từ lâu rồi, do “toàn chỉ đá bậy” hay hứa vay mà không trả và cũng không trả nổi - hết khả năng chi trả (bắt đầu từ sau vụ Bình “sếu”/Vinashin 2007)

Câu hỏi ở đây là, thị trường trong nước có ngoại tệ dư dôi để gom không, và có bao nhiêu, gom được bao nhiêu? Có. Nhưng ngoại tệ trong thị trường thương mại trong nước rất hạn chế và bị kiểm soát cho và chỉ đủ cho những như cầu thương mại của dân, của các doanh nghiệp trong nước - cho du lịch, công tác và xuất nhập khẩu và dự trữ ngoại tệ ở cấp vi mô (từng doanh nghiệp, cá nhân), và chúng được NHNN liên tục gom lại (qua các ngân hàng Thương mại) thành dự trữ ngoại tệ chính phủ mà 3X và ruồi nói là có đến 35 tỷ đôla rồi đó?! Lý do là, trong nước không có thị trường kinh doanh ngoại tệ như một loại hàng hóa đặc biệt, do nền kinh tế bị định hướng XHCN và ngoại tệ chỉ được dùng phục vụ chính sách kinh tế và tiền tệ “định hướng” của chú phỉnh thôi - chúng không phải đối tượng kinh doanh như hàng hóa đặc biệt “lỏng”, nên không có dự trữ đáng kể và bình thường, như ở các thị trường nước khác.

Có bao nhiêu ngoại tệ dư dôi trong nước còn lại (ngoài “35 tỷ”) ư? Không nhiều. Tùy thời điểm của nền kinh tế trong nước và thế giới, nhưng con số này chắc chỉ nhỏ bằng khoảng 10% quả bong bóng dữ trữ ngoại tệ 35 tỷ đôla của chí phỉnh thôi - vì chú phỉnh cấm dân và doanh nghiệp kinh doanh ngoại tệ (như cấm “chơi” Forex) mà. Vậy nó khoảng 3-5 tỷ đôla, và là quá ít cho chính nhu cầu ngắn hạn (trong vài tháng) của thị trường trong nước rồi.

Ý thứ ba phần này là liệu chú phỉnh và ruồi có thể phát huy sáng tạo (gom đô trong nước bằng TPCP) được bao nhiêu? Sau khi gom 1 tỷ đô qua Vietcombank (mà chắc chắn là Vietcombank đã gom đa số đó từ trước) thì giá USD so với vnđ tăng lên ngay đến 2%, từ khoảng 21,250 lên 21,840 vnđ/USD, tức đô la bị khan hiếm đi và giá trị đồng nội tệ bị bốc hơi ngay mất 500 triệu đô (2% của 500 ngàn tỷ vnđ là tổng số tiền vnđ trên thị trường, là khoảng 500 triệu đôla Mỹ). Nếu chú phỉnh gom thêm 1 tỷ đôla bằng TPCP nữa theo kiểu đó thì đồng tiền VN sẽ mất giá thêm không phải 2% mà có lẽ khoảng 3% hay 5%, hay cao hơn thế nữa? 

Sự “sáng tạo kinh hoàng” thứ hai của chú phỉnh và ruồi ở đây là cách phát hành TPCP. Chúng ta ai cũng biết phát hành TPCP gọi nôm na là một cuộc đấu giá vay tiền công khai trên phạm vi chính phủ - tức cả nước, trong đó chú phỉnh tuyên bố CP muốn vay 1 tỷ đôla nhàn rỗi của mọi cá nhân, đơn vị trong nước trong thời hạn 5 năm trở lên (Nghị định 87 của Nhà nước cấm CP phát hành TPCP thời hạn ngắn hơn 5 năm) từ những người tự nguyện đồng ý cho CP vay để kiếm lời với lãi suất ưu đãi thấp nhất do chính người cho vay đặt ra (sao cho thương vụ có lời tài chính cho họ), theo thứ tự “first come first” - ai cho vay rẻ nhất sẽ “được” cho CP vay(!), cho đến khi chú phỉnh có đủ 1 tỷ đôla. Đổi lại, chú phỉnh sẽ trao cho khổ chủ (chủ nợ) chứng chỉ TPCT là xác nhận CP đã vay và cam kết CP sẽ trả nợ theo điều kiện phát hành TPCP đó (loại tiền, số tiền, thời hạn, lãi vay và cách tính lãi, cách giải quyết khi đáo hạn, khi CP trả chậm, trả thiếu hay không trả...).

Trò hề “sáng tạo” ở đây là, cuộc đấu giá này chỉ có một người tham dự, là Vietcombank -con đẻ của chú phỉnh, và khó mà tin đó là người tham dự tự nguyện và muốn đi kiếm lợi nhuận cho mình trong thương vụ này, dù đo là NH thương mại. Tóm lại, thị trường ngoại tệ trong nước của chú phỉnh là cái chợ gồm “hai mẹ con và một con vịt”. Vậy hãy xem Vietcombank, “đứa con phải mua vịt của mẹ” là chú phỉnh 3X, là ai?

Vietcombank xuất thân là NHTM 100% vốn nhà nước CS này và gần đây chú phỉnh đã cho bán ra thị trường 30% vốn nhà nước đó, nhưng chỉ bán được khoảng 15% thành cổ phần tư nhân. Dù sao, nhờ đó VCB vẫn được coi là NHTM CP, vẫn do chú phỉnh nắm đến 85% vốn. Trong số các nhà đầu tư ngoại ngây thơ năm đó mua 15% cổ phần của VCB có một tập đoàn thương mại uy tín của Nhật, và người Nhật được chú phỉnh “trân trọng mời vào” một ghế hội đồng quản trị VCB, thậm chí trong Ban điều hành VCB, chỉ để phỉnh. Rất tiếc là người Nhật giỏi giang và quân tử chỉ nhận ra mình đã bị phỉnh to trong cái VCB đó sau vài năm đau đớn, vì thấy nó vẫn hoàn toàn do chú phỉnh chỉ đạo “té tát như mẹ dạy con” không theo nguyên tắc thị trường và kinh doanh nào cả. Và người Nhật đã cắn răng chịu lỗ (chứ không chịu học cách làm điếm), và rút khỏi VCB, coi như VCB vẫn trên 90% của chú phỉnh và gần 10% của các “con gái khác” của phỉnh - giống như Cuốc hội VN có trên 90% là đảng viên CS vậy.

Vở kịch Mẹ phỉnh bán vịt TPCP 1 tỷ đôla cho con gái VCB có lẽ đã diễn ra thế này:

Mẹ phỉnh: Con gái, mẹ đang cần 1 vài tỷ đô trả nợ gấp, mà mày đang có gần tỷ đô sẵn đó, cho mẹ vay đi rồi mẹ thế chấp TPCP đặc biệt (tiền đô nhé!) cho...

Gái VCB: Nhưng đó đâu phải tiền đô của con hả mẹ? Là của người ta gửi con giữ tạm để họ dùng xài gấp hàng ngày, con chỉ được ăn hoa hồng cất giữ tiền thôi mà?

Mẹ phỉnh: Thì cho mẹ vay rồi mẹ đưa tiền vnđ cho mày đi mua đô trong nước gom lại trả người ta chứ có ăn cướp của ai đâu mà mày lo!

Gái VCB: Không được đâu mẹ! Con đâu có được dùng vnđ gom tiền đô ngoài chợ như anh ruồi đâu mẹ, cả tiền vnđ con cũng thiếu đây, cầm TPCP của mẹ con càng chết vì anh ruồi ảnh có NHNN ảnh đâu đổi cho con ra tiền mặt vnđ ngay, chứ đừng nói lần này là đổi ra đôla của mẹ, hu hu, mẹ ơi đừng có xúi dại con gái già này, hu hu. Con suýt lấy được chồng anh Nhật, ảnh giỏi giang thế, ảnh tốt thế, ảnh giàu có khỏe mạnh thế... thế mà ảnh bỏ con vì con cứ phải nghe mẹ đó! Huhu!

Mẹ phỉnh: Con gái, mẹ nói phải nghe! Không nghe mẹ, không giúp mẹ thì nhà Sản ta phá sản đến nơi rồi đó! Ngồi đó mà khóc tiếc thằng chồng Nhật! Mẹ mày đây muốn làm bồ ông Hoa Kỳ bỏ cha, mà có được “Kỳ” nào đâu, phải làm gái già của lão Hoa (Tàu) lở loét suốt đời đây này! Nhưng mẹ vẫn có chúng mày để hy vọng về già. Nghe mẹ đi, giúp mẹ lừa thằng Lú cú chót này là sau đám giỗ tổ 12 mẹ lên Tổng thống sẽ gả mày cho công tử AIIB sắp đẻ luôn chứ Nhật chỉ có cái ABD thì ăn nhằm gì! Lúc đó mày có đến năm bảy chục thằng chồng, chả sướng lắm ru?!...

Gái VCB: Thế hả mẹ? Lấy AIIB là lấy năm bảy chục chồng giàu hả mẹ?! Thế thì mẹ bảo gì con cũng làm ngay… Con gom thêm cho mẹ đủ 1 tỷ đô và mẹ bảo anh ruồi đưa con ngay ít nhất 50 ngàn vnđ tiền mặt nhé!

Mẹ phỉnh: Mày tham thế?! 30 ngàn tỷ thôi! Mày tưởng mẹ vẽ ra tiền à?!

Gái VCB: Thì mẹ vẫn bảo anh ruồi in ra vô khối giấy lộn đó thôi, con cần có 50 ngàn tỷ để cứu mẹ, ngay những 1 tỷ đô tiền thật mà mẹ không cho thì... con không dám lấy 1 tỷ đô của người ta cho mẹ đâu!

Mẹ phỉnh: Đồ gái chợ! Thôi, mẹ bảo anh ruồi in cho mày ngay 40 ngàn tỷ vnđ, rồi mày gom ngay đưa nó 1 tỷ đô nhé, nhanh kẻo mẹ không kịp trả nợ. Mà cũng có đủ đâu! Đào đâu ra 5-10 tỷ đôla nữa từ nay đến trước đám giỗ tổ lần thứ 12, hả thằng Lú! Lão Tập ơi, lão có cứu tôi không, hay cứ hiếp tôi như đang hiếp ngoài Trường Sa ấy?! Tôi đã bỏ mẹ, bỏ cha, phản dân hại nước để theo ông mà ông và giả vờ sướng 4x16 lần mỗi khi bị lão hiếp… mà lão để tôi thế này sao?! Hừ, có khi thằng Lú nó mới hứa gì với lão Tập còn ngon hơn cả mình mà mình không biết chăng? Lú ơi, đợi đó, sau đám giỗ 12 này rồi mày biết tay “bà”...

Sáng tạo kinh hoàng và hủy diệt thứ ba của ruồi và chú phỉnh trong vở diễn thành công trên là chúng dùng tiền vạy nợ ngắn hạn để đi cho vay, biến thành nợ dài hạn, thành công!

Ai cũng biết (nếu muốn biết) điều đơn giản là tiền trong các NHTM như VCB là tiền gửi ngắn hạn của khách hàng (như các khoản deposits) có thời hạn dưới 12 tháng (ngắn hạn, có lãi suất thấp), về lý thuyết không thể dùng mua các khoản nợ hay cho vay trung và dài hạn (trên 1 năm và trên 5 năm, có lãi suất cao hơn) vì cả hai lý do thời hạn và lãi suất, làm cho việc kinh doanh (của NHTM) lỗ lã. Nhưng nếu chấp nhận lỗ lã kinh doanh và “đẩy” lỗ đó sang thị trường và người khác, như cách vay-mượn 1 tỷ đôla của “mẹ phỉnh” và “gái VCB” mà chúng ta hình dung trên - và người chịu lỗ là cả thị trường nội tệ, cả nền kinh tế quốc gia – tức tất cả những ai có xài tiền vnđ đều bị mất sức mua, tức toàn dân Việt bị cướp... thì việc lấy tiền ngắn hạn thành tiền dài vô hạn (như TPCP của chú phỉnh…) lại rất dễ dàng, nếu bạn có thể in tiền và TPCP của mình ra để tự mua đôla của người khác nhưng mình đang tạm giữ - coi như nó là của chính mình.

Tất nhiên, đây là sự sáng tạo có sức công phá hủy diệt cả nền kinh tế, khi nó được tích lũy. Ví dụ, nếu mẹ phỉnh lại chỉ đạo các cô con gái NHTM khác của mình như VIDB, VRDB (NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn VN), Techcombank, Vietnam Development Bank - VDB... “phát hành riêng lẻ TPCP bằng đôla Mỹ” như đã làm với VCB để có (cướp được) thêm vài tỷ đôla nữa từ túi dân và cả nền kinh tế, thì cả nền kinh tế sẽ sập... chỉ chưa biết nền kinh tế sẽ chịu đựng được đến khi nào?

Nói không quá, kinh tế VN hiện nay như một đại gia đình kinh tế mà đàn con (là các NHTM và các doanh nghiệp, và toàn dân Việt) bị “ông bố” là chú phỉnh 3X và “ông anh” là ruồi NHNN hiếp dâm đều đặn từ khi họ 12-13 tuổi và họ phải chịu đựng “cha, anh mình hiếp”, nhưng ai biết khi nào họ sẽ vùng lên cầm dao đâm chết cả “cha” lẫn “anh” mất dậy và độc ác tột cùng đó - khi họ 16 hay 18 tuổi...?

Kết quả vở diễn

Kết quả “có ngay” là chú phỉnh có 1 tỷ đô để giật gấu vá vai, gái già VCB có thêm mấy chục ngàn tỷ vnđ dư ra để gom đô với bất cứ giá nào vẫn còn dư chút đỉnh chia nhau (ban điều hành) và đắp chút vào nợ xấu, rồi VCB cũng phải chia cho anh ruồi khoảng 1-2 ngàn tỷ thì ảnh mới in tiền ra cho.

Còn lãi suất cho vay ưu đãi 4,5%/năm ư? VCB chờ vào đó có mà tự sát, vì 5 năm nữa mẹ con nhà gái “phỉnh” và “V-côm-bờ” cùng các con cháu khác của phỉnh đều đã cao chạy xa bay ở đẩu ở đâu rồi (Mẹ phỉnh thì sang Mỹ, ruồi thì sang châu Phi, giá côm-bờ thì làm gái ở đâu cũng được trừ VN). Món vay và lãi vay của hai mẹ con còn ai ngó đến làm chi? Hehe...

Vì, trước khi cao chạy xa bay, mẹ con nhà gái còn cho nhau vay vài chục tỷ đôla theo cách “sáng tạo của ruồi & phỉnh” như thế nữa đã chứ!

Kết quả chính mà vở diễn mong đợi là lừa được đảng lú và dân Việt ngu, (đảng) cho phép và (dân) để cho chú phỉnh phát hành thêm TPCP như thế thêm 5-10 tỷ đôla nữa, để cứu đảng (và hại dân - mà dân không biết).

Thực ra thì, đảng CSVN không có cách nào khác là ngoài việc “nhất trí về chủ trương” cho chú phỉnh phát hành “trái phiếu đôla” như thế, vì từ khi ra đời đảng CSVN chỉ biết hút máu dân Việt chứ có làm ra đồng xu nào bao giờ đâu. Còn nhân dân VN hơn 70 năm quan đã bị CSVN hút máu cạn đến khô xác - luôn sống lờ đờ vô tri giác, đảng và chú phỉnh nói sao, làm gì thì cũng “tin tưởng tuyệt đối” và ủng hộ nhiệt liệt” mà thôi - nếu không thì chết hay vào tù, hay điên dại mà tự tử trong đồn công an của đảng và chú phỉnh, nhẹ nhất là bị đánh vỡ đầu, gãy chân, mù mắt... Thế cho nên việc đảng CSVN và chú phỉnh từ từ hút hết đôla từ túi dân để “cứu nước”-cứu đảng là một việc làm vô cùng “nhân đạo và cao cả”, nên dân sẽ ca ngợi đảng và chú phỉnh về những hành động sáng tạo cao cả đó.

Vấn đề là, đôla Mỹ vốn màu xanh lá (Green) nằm trong túi dân tức thị trường trong nước, cũng chỉ rất có hạn. Nếu Chú phỉnh và ruồi diễn thêm màn 2, màn 3, tức rút tỷ đô thứ hai rồi thứ ba... cho đến màn 5, màn 7... cho đủ trả nợ quốc tế và trang trải thâm hụt ngân sách (chủ yếu đảng do tăng chi tiêu cho hàng triệu côn an), thì đồng đôla đó sẽ chuyển sang màu đỏ, vì đó cũng là máu dân Việt. Và cuối cùng, đảng CSVN nợ máu dân Việt 85 năm qua thì sẽ phải trả bằng máu vậy. Đó là điều rất có thể sẽ sớm xảy ra, ngay trước sau đám giỗ tổ lần 12 của chúng đầu năm 2016 tới?

(Mà cái vụ “phát hành trái phiếu 1 tỷ đôla riêng lẻ” này chỉ là một trong muôn vàn giọt nước - máu tràn ly...)

26.05.2015