Wednesday, January 25, 2017

Người dân trong nước Việt Nam bị buộc phải treo cờ ngày tết

Người dân trong nước Việt Nam bị buộc phải treo cờ ngày tết
ẢNh: South China Morning Post
Lá cờ đỏ sao vàng của CSVN có lẽ chỉ được treo dưới áp lực của một nhà cầm quyền độc tài, đang ngày càng cảm thấy phải sự dụng quyền lực cứng để kêu gọi “lòng yêu nước xã hội chủ nghĩa”.
Điều này vừa được báo South China Morning Post của Hong Kong đề cập đến trong một bài viết về việc treo cờ bắt buộc ở Việt Nam trong mấy ngày Tết Nguyên Đán. Tựa của bài viết hôm 25 tháng 1 là “Người Việt Nam yêu nước chuẩn bị treo cờ… nếu không họ có thể phải ra tòa”. Tờ báo giải thích mặc dù việc treo cờ không có tính pháp quy, nhưng người nào từ chối treo cờ có thể tự rước lấy phiền nhiễu từ các giới chức chính quyền, và sự sách nhiễu của những kẻ còn trung thành với chế độ. Vì vậy nhiều người phải treo cờ dù oán ghét trong lòng.
Tờ báo Hong Kong dẫn lời một cư dân Hà Nội chỉ nêu tên Minh, nói rằng ông không thích bị buộc phải treo cờ, nhưng chính quyền ra rả thét vào tai người dân qua loa phường là phải treo cờ. Một giới chức chỉ nêu tên là Quan ở Hà Nội cũng nói rằng, hầu hết mọi nhà tuân thủ việc treo cờ, vì họ không muốn gặp phiền phức.
Hiện tượng dùng áp lực để buộc công nhận lá cờ đỏ đã lan ra khỏi biên giới quốc gia.
Nhiều chính quyền địa phương tại các nước tự do như Hoa Kỳ đã nhận những bức thư hù dọa từ các cơ quan ngoại giao CSVN, đòi phải công nhận lá cờ đỏ sao vàng, bất chấp sự chống đối của cộng đồng người Việt tị nạn ở đó. Tất nhiên là họ thất bại. Nghị quyết chống cờ đỏ vừa được thông qua tại thành phố San Jose California là một biểu hiện đòan kết của cộng đồng Người Việt Tự Do tại Cali.
Huy Lam / SBTN

Nghêu chết hàng trăm tấn, chính quyền đổ cho ‘ông Trời’

Với kết luận do... ông Trời, người nuôi nghêu trắng tay. (Hình: báo Người Lao Động)
THANH HÓA (NV) – Nguyên nhân nghêu chết hàng loạt xảy ra ở biển Thanh Hóa trong Tháng Mười Hai năm 2016 vừa qua là do… ông Trời, không phải bị đầu độc.
Báo Người Lao Động cho biết, ngày 25 Tháng Giêng, Sở Nông Nghiệp Thanh Hóa đã có văn bản gửi ủy ban tỉnh này phúc trình  kết quả kiểm tra, phân tích và xác định nguyên nhân làm nghêu nuôi chết hàng loạt xảy ra hồi  cuối Tháng Mười Hai năm 2016 ở huyện Hậu Lộc.
Theo đó, kết quả quan trắc đột xuất nghêu chết của Trung Tâm Quan Trắc Môi Trường và Bệnh Thủy Sản Miền Bắc, nghêu nuôi chết hàng loạt không phải do dịch bệnh mà do “nghêu nuôi rất gầy do nuôi với mật độ cao, không phát hiện thấy mối liên quan giữa yếu tố môi trường nước nuôi cơ bản, yếu tố độc tố hóa học và tảo độc hại với hiện tượng ngao chết hàng loạt.”
Về điều kiện thời tiết, khí hậu và chế độ thủy triều vùng Hòn Nẹ trong khoảng thời gian trước và sau khi nghêu nuôi chết cho thấy “nhiệt độ không khí tại Thanh Hóa biến động rất lớn. Ban ngày từ 26-30 độ C, nhưng ban đêm xuống chỉ còn từ 10-12 độ C. Đây là những yếu tố ảnh hưởng xấu, gây sốc cho nghêu nuôi.”
Ngoài ra, kết quả phân tích mẫu nghêu thương phẩm thu ngày 8 Tháng Giêng năm 2017 về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm của Cục Quản Lý Chất Lượng Nông, Lâm Sản và Thủy Sản cho thấy “không phát hiện độc tố sinh học, thuốc trừ sâu gốc hữu cơ, Trichlorfon trong mẫu nghêu, các kim loại nặng như Pb, Hg, Cd đều trong ngưỡng giới hạn cho phép. Với kết quả này, việc nghêu chết bất thường ở vùng triều nuôi nghêu xã Hải Lộc và Đa Lộc, huyện Hậu Lộc và xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa là do yêu tố thiên nhiên gây nên, không phải do con người đầu độc.”
Trước đó, truyền thông Việt Nam đã loan tin, hồi Tháng Mười Hai năm 2016, ở 2 huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa xuất hiện tình trạng nghêu chết hàng loạt bất thường trong bãi nuôi với số lượng cả trăm tấn.
Nghi ngờ có người cố tình đầu độc nên người dân đã tổ chức mật phục và rạng sáng ngày 31 Tháng Mười Hai năm 2016, họ đã bắt được vợ chồng ông Hoàng Văn Thành đang đổ chất tẩy rửa thủy sản của một cơ sở chế biến hải sản ở xã Ngư Lộc xuống bãi nuôi nghêu, với tiền công 200,000 đồng/chuyến. Việc làm này đã diễn ra từ đầu năm 2016, mỗi tháng từ 7-10 chuyến, mỗi chuyến đổ ra biển từ 10-15 thùng chất thải. (Tr.N)

Dân chúng nội thành Hà Nội đang chết dần, chết mòn vì ô nhiễm

Hà Nội sáng 19 Tháng Mười Hai năm 2016. Số ngày Hà Nội và Sài Gòn lờ mờ trong sương mù do ô nhiễm càng ngày càng nhiều. (Hình: Dân Trí)
HÀ NỘI (NV) – Những số liệu được cập nhật thường xuyên trên một trang web về môi trường do chính quyền Hà Nội thiết lập cho thấy không khí ở Hà Nội rất tệ.
Theo trang web của nhà cầm quyền thành phố này, thì kết quả thu lượm từ mười trạm quan trắc được đặt rải rác ở Hà Nội vào tối 23 Tháng Giêng cho thấy, API ở  trạm Hàng Đậu tọa lạc tại quận Hoàn Kiếm là 299, ở trạm Phạm Văn Đồng tọa lạc tại quận Cầu Giấy là 257, ở trạm Thành Công tọa lạc tại quận Ba Đình là 239, các trạm khác như  khác như Tây Mỗ tọa lạc tại quận Nam Từ Liêm và Nhổn tọa lạc tại quận Bắc Từ Liêm cũng xấp xỉ 200.
AQI (Air Quality Index)  là chỉ số về chất lượng không khí dựa trên nồng độ của một nhóm các chất như: CO, NO2, SO2, O3 và bụi, qua đó cho biết chất lượng không khí có nguy hại cho sức khoẻ con người trong khu vực hay không.
Chất lượng không khí được xem là kém nếu AQI từ 101 đến 200, được xem là xấu nếu AQI từ 201 đến 300 và những người mắc các bệnh về đường hô hấp, tim mạch nên ở trong nhà. Khi AQI vượt qua 300 thì người khỏe mạnh cũng được khuyến cáo là nên hạn chế ra khỏi nơi cư trú.
Tại Hà Nội, AQI ở khu vực nội thành rất cao, đặc biệt là từ 8 giờ tối đến sáng. Chất lượng không khí chỉ tốt hơn một chút trong khoảng từ 10 giờ sáng đến cuối buổi chiều. Lý do là mùa Đông có hiện tượng nghịch nhiệt do bức xạ về đêm, các chất gây ô nhiễm cao hơn ban ngày nhiều lần và kéo dài cho đến sáng. Cũng vì vậy, không khí buổi sáng không hề trong lành như nhiều người vẫn tưởng.
Không phải tự nhiên mà một số chuyên gia nhận định cư dân các đô thị lớn ở Việt Nam như Hà Nội, Sài Gòn đều đang chứ không phải sẽ chết ngộp.
Liên Minh Năng Lượng Bền Vững Việt Nam từng công bố Báo Cáo Chất Lượng Không Khí Việt Nam 2016, theo đó, chỉ số AQI ở Hà Nội và Sài Gòn đều vượt tiêu chuẩn quốc gia và thế giới. Riêng với bụi, năm 2016, Hà Nội có 282/365 ngày mà nồng độ bụi PM 2.5 (bụi có đường kính động học ≤ 2.5µm) vượt tiêu chuẩn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO).
Vào ngày 4 Tháng Mười năm 2016, sau khi thu thập và phân tích dữ liệu mà hệ thống quan trắc chất lượng không khí đặt tại Đại Sứ Quán Hoa Kỳ ở Việt Nam ghi nhận, Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ cho biết, chất lượng không khí ở Hà Nội chỉ khá hơn thành phố Ardhali Bazar của Ấn Độ – nơi đang dẫn đầu về ô nhiễm không khí.
Theo Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ thì với chất lượng không khí tại Hà Nội như kết quả đã đo đạc, mọi người không nên ra khỏi nhà để tránh tổn hại sức khỏe. Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ  nói thêm rằng, các số liệu mà họ thu thập chỉ phản ánh chất lượng không khí trong một phạm vi nhất định chứ không thể xem đó là số liệu tiêu biểu cho cả khu vực.
Cũng trong ngày 4 Tháng Mười năm 2016, Sài Gòn lại bị sương mù phủ kín. Giống như nhiều lần trước, sương dày tới mức đứng tại Bến Bạch Đằng, nhìn sang bên kia sông, các cao ốc chỉ là những khối lờ mờ. Giống như nhiều lần trước, phải đến giữa trưa, sương mù mới tan hết.
Hồi 2007, sau khi khảo sát về môi trường quốc gia, giới khoa học ở Việt Nam đã cảnh báo về tình trạng không khí của các đô thị, các khu công nghiệp ở Việt Nam sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chỉ trong hai năm, từ 2005-2007, kết quả quan trắc cho thấy, bụi và các chất độc hại trong không khí đã tăng từ hai tới bốn lần. Lúc đó, giới khoa học cảnh báo, đến năm 2010, hàm lượng bụi và các chất độc hại trong không khí ở Hà Nội và Sài Gòn có thể sẽ tiếp tục tăng từ hai đến năm lần. Những chất độc hại đó sẽ kết hợp với hơi nước tạo thành các giọt acid và tấn công phổi gây đau rát phổi, giảm hô hấp, đau đầu, hôn mê, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Tuy nhiên, những cảnh báo đó không được quan tâm.
Từ 2012, Hà Nội bắt đầu có nhiều ngày lờ mờ trong sương khói. Mỗi lần như thế, chính quyền thành phố Hà Nội lại cáo buộc nông dân ở ngoại thành đốt rơm. Năm 2013, ông Nguyễn Đình Hòe, giảng viên Khoa Môi Trường của Đại Học Quốc Gia Hà Nội, phản bác cáo buộc này. Khi có mưa nhẹ trong những ngày Hà Nội lờ mờ sương khói, ông Hòe đã thử kiểm tra nước mưa và thấy độ pH của nước mưa chỉ khoảng 5.0-5.5. Điều đó đồng nghĩa với việc có mưa acid ở Hà Nội và khói chính là sương mù acid, hay còn gọi là sương mù quang hóa.
Cũng theo ông Hòe, do độ ẩm thấp, dân Sài Gòn ít thấy hiện tượng sương mù acid nhưng mức độ ô nhiễm trong không khí ở Sài Gòn không thua Hà Nội. Tình trạng phần lớn trẻ em, người già tại Sài Gòn mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, chính là bằng chứng về mức độ ô nhiễm trong không khí ở Sài Gòn cũng rất nghiêm trọng. Ông Hòe tiết lộ, dù tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận ít có hiện tượng sương mù acid nhưng mưa acid xảy ra rất thường xuyên. Đã có từ 60% đến 70% trận mưa trong năm ở khu vực Đông Nam bộ là mưa acid.
Đến năm 2014, Trung Tâm Quan Trắc Môi Trường thuộc Tổng Cục Môi Trường Việt Nam phát cảnh báo, chất lượng không khí trên toàn Hà Nội càng ngày càng tệ. Mỗi năm có khoảng 240 ngày chất lượng không khí nằm ở ngưỡng xấu, chất lượng không khí của 125 ngày còn lại rơi vào mức nguy hại.
Hồi đầu Tháng Mười năm ngoái, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường của Việt Nam công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn từ 2011 đến 2015. Theo báo cáo này thì nồng độ nitrite trong không khí tại một số thành phố của Việt Nam như: Sài Gòn, Hà Nội và Hạ Long đều đã vượt qua ngưỡng an toàn.
Nitrite sẽ oxy hóa huyết sắc tố trong hồng cầu khiến người ta xanh xao, đáng lưu ý là nitrite đang đe dọa tính mạng của trẻ em dưới sáu tháng tuổi. Nồng độ nitrite trong không khí cao quá mức cho phép cũng là nguyên nhân chính khiến người ta cảm thấy khó thở, dễ choáng, dễ ngất. Nitrite với hàm lượng cao có thể tương tác với các amine trong cơ thể và trở thành nitrosamine – loại hợp chất dẫn tới tiền ung thư. Chưa kể nếu hàm lượng nitrosamin trong không khí luôn luôn vượt qua ngưỡng an toàn, cơ thể sẽ không kịp đào thải hết và gan sẽ bị nhiễm độc.
Bộ Tài Nguyên-Môi Trường Việt Nam giải thích, sở dĩ nồng độ nitrite trong không khí tại Sài Gòn, Hà Nội vượt ngưỡng an toàn là vì lượng khói thải quá mức từ hoạt động giao thông và hoạt động công nghiệp. Tình trạng vừa kể xảy ra tại Hạ Long là do hoạt động khai thác than và hoạt động của các nhà máy nhiệt điện.
Chết dần, chết mòn không còn là “sẽ” mà đang hiện hữu. (G.Đ)

Mỗi năm, dân Việt đốt 1 tỉ đô la cho thuốc lá

Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. (Hình: báo Người Lao Động)
HÀ NỘI (NV) – Mỗi năm, chính quyền Việt Nam đã chi ra hơn 23,000 tỉ đồng (khoảng $1.1 tỉ) để chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá. Trong khi đó, người dân lại bỏ ra 22,000 tỉ đồng (khoảng $1 tỉ) để mua thuốc lá hút mỗi năm.  Báo Người Lao Động, ngày 24 Tháng Giêng dẫn tin Bộ Y Tế cho biết như vậy.
Theo thống kê của Bộ Y Tế, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Qua khảo sát thuốc lá toàn cầu dành cho người trưởng thành (GATS), tỉ lệ người hút thuốc lá trong nhóm nam giới trưởng thành tại Việt Nam chiếm 45.3%, và có tới hơn 15.6 triệu người đang hút thuốc, trong đó tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới các vùng nông thôn rất cao.
Hậu quả tác động sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam đang ngày càng rõ rệt với số người mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch và ung thư do thuốc lá ngày càng gia tăng nhanh chóng.
Hiện Việt Nam có hơn 40,000 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, cao gấp 4 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông và nhiều hơn số người chết do HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao cộng lại.
Báo cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cho hay, theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành trong năm 2015 tại Việt Nam, thì nhà hàng ăn uống là một trong những nơi chịu ảnh hưởng của khói thuốc nhiều nhất, chiếm đến 80.7%. (Tr.N)

Không ‘hối lộ thánh thần’ bằng tiền lẻ, Việt Nam tiết kiệm 1,900 tỉ

Tiền lẻ trở thành thứ không thể thiếu để hối lộ thánh thần trong mỗi mùa Tết ở miền Bắc Việt Nam. (Hình: Internet)
HÀ NỘI (NV) – Đó là thống kê của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam. Nhờ không in, không phát hành tiền lẻ trong dịp Tết Nguyên Đán 2017, cơ quan này tiết giảm được 400 tỉ đồng chi phí phát hành tiền lẻ.
Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam ngưng in giấy bạc loại 500 đồng vào năm 2013. Đến năm 2014 cơ quan này ngưng in giấy bạc loại 1,000 đồng và 2,000 đồng. Sang năm 2015, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam ngưng in giấy bạc loại 5,000 đồng. Nhờ vậy tiết kiệm được 1,500 tỉ đồng.
Năm nay, do không phát hành giấy bạc mới. Tổng số tiền tiết kiệm được nhờ dứt khoát với tiền lẻ trong năm năm vừa qua là 1,900 tỉ đồng.
Tại Việt Nam, từ lâu, dân chúng đã không dùng các loại giấy bạc có giá trị từ 5,000 đồng trở xuống. Tuy nhiên cứ đến Tết, các loại giấy bạc 5,000 đồng, 2,000 đồng, 1,000 đồng, 500 đồng lại trở thành một mặt hàng không thể thiếu ở miền Bắc Việt Nam. Chúng được sử dụng để “mua chuộc” thánh thần, cầu tài lộc, xin may mắn.
Dùng tiền lẻ để “mua chuộc” thánh thần đã trở thành phong trào khó hiểu ở miền Bắc Việt Nam. Trong khoảng hai thập niên vừa qua, càng ngày càng nhiều người dân miền Bắc thi nhau đổi tiền lẻ để rải khắp các đình, đền, chùa, miếu suốt Tháng Giêng âm lịch.
Tuy phong trào chỉ phổ biến ở miền Bắc Việt Nam nhưng vì nhu cầu “hối lộ thần thánh” quá lớn, mỗi năm, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam phải chi hàng trăm tỉ đồng để in tiền lẻ. Sau đó phải chi thêm cả tỉ đồng nữa để kiểm, đếm, gom mớ tiền lẻ khổng lồ đó đem cất vào kho rồi ít năm sau phải tổ chức hủy vì tiền lẻ không có ai dùng.
Trước Tết âm lịch năm ngoái, một phó thống đốc của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam khẳng định, nếu in tiền lẻ chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu “hối lộ thần thánh” trong dịp Tết thì đó rõ ràng là một sự lãng phí không thể chấp nhận được.
Bởi Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam không còn tiếp tay cho nhu cầu kỳ quái này, tiền lẻ bắt đầu khan hiếm và kể từ năm ngoái, nhiều người bắt đầu phải trả thêm tiền để mua tiền lẻ. Trong Tháng Giêng âm lịch năm ngoái, các đình, đền, chùa, miếu ở miền Bắc Việt Nam vẫn ngập tiền lẻ.
Lúc đó, báo chí Việt Nam tường thuật, vào ngày đầu tiên của lễ hội Yên Tử (mùng 10 Tháng Giêng âm lịch, diễn ra ở núi Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), tuy Ban Tổ Chức kêu gọi khản giọng qua loa rằng đừng thắp quá nhiều nhang vì khói sẽ làm người khác ngộp, đừng dùng tiền chà xát vào chùa Đồng nhưng khu vực Yên Tử vẫn mù mịt khói và đám đông vẫn xô đẩy nhau để lấn tới, dùng đủ thứ mài vào chùa Đồng để lấy hên, trong đó có không ít kẻ là viên chức, đeo phù hiệu “khách mời.” Dẫu cấu trúc của chùa Đồng rất khít song đa số khách hàng hương vẫn tìm đủ cách nhét tiền… lẻ vào các khe để “hối lộ thần thánh”…
Có lẽ cũng nên nhắc lại rằng, trong khoảng hai thập niên vừa qua, Tháng Giêng âm lịch – tháng của các “lễ hội dân gian” là thời điểm mà miền Bắc Việt Nam trở thành hỗn loạn vì rác rưởi của những đoàn người từ khắp nơi đổ về dự hội xả ra, vì trộm cắp, cướp giựt, lừa đảo. Đặc biệt là vì sự ái ngại khi càng ngày càng nhiều người nhận ra, các “lễ hội dân gian” đã trở thành dịp cho thấy sự u mê, man rợ trong đám đông càng ngày càng lớn.
Chẳng hạn dẫu đã có nhiều khuyến cáo về tác hại nhưng năm ngoái, lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, vẫn được tổ chức. Hàng ngàn con người lại háo hức chờ đợi hai người đàn ông dùng dao bén chặt đứt cổ hai con heo sống rồi lao vào chấm máu tươi bôi lên mặt, lên người hoặc dùng các vật dụng khác để thấm máu rồi giữ lại để cầu may.
Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 8,000 lễ hội dân gian. Khoảng hai phần ba diễn ra trong Tháng Giêng âm lịch và chủ yếu là ở miền Bắc Việt Nam.
Cuối năm ngoái, Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch Việt Nam, xác nhận, nhiều lễ hội không còn phù hợp, có biểu hiện lợi dụng lễ hội để trục lợi. Một số lễ hội có biểu hiện mê tín, bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác,… cần hạn chế và chấn chỉnh.
Chưa rõ Tết năm nay chính quyền Việt Nam sẽ “chấn chỉnh” thế nào nhưng nhiều người khẳng định, sở dĩ các lễ hội tại Việt Nam càng ngày càng u mê, xô bồ và man rợ vì những viên chức Việt Nam dẫn đầu trong việc cầu may ở mọi nơi. Đồng thời cố tình tạo “nét riêng” nhằm tăng “tính hấp dẫn” để thu hút thiên hạ đến dự hội, mở rộng cơ hội tìm thêm nguồn thu. (G.Đ)

San Jose thông qua nghị quyết cấm cờ CSVN

Quang cảnh buổi họp của Hội Đồng Thành Phố San Jose tối Thứ Ba. (Hình: Trần Củng Sơn)
SAN JOSE, California (NV) – Hội Đồng Thành Phố San Jose đồng thanh bỏ phiếu chấp thuận nghị quyết cấm trưng bày cờ Cộng Sản Việt Nam dưới bất cứ hình thức nào tại các cơ sở công cộng trong thành phố, trong buổi họp thường kỳ vào tối Thứ Ba, 24 Tháng Giêng, tờ The Mercury News loan tin.
Tác giả nghị quyết này là Nghị Viên Tâm Nguyễn, người từng chạy trốn khỏi Cộng Sản Việt Nam lúc 19 tuổi. Nghị quyết của nghị viên gốc Việt này được chấp thuận sau nhiều tiếng đồng hồ điều trần và tranh luận.
Thành phố San Jose cũng tái xác định việc công nhận quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa là “Lá Cờ Di Sản và Tự Do của Việt Nam.”
Nghị Viên Chappi Jones, một trong những người bỏ phiếu chấp thuận nghị quyết, so sánh việc cho phép trưng bày lá cờ Cộng Sản với việc trưng lá cờ Liên Hiệp Miền Nam đang bị cấm.
Lên tiếng nhân dịp này, Thị Trưởng Sam Liccardo nói: “Rõ ràng là cộng đồng chúng ta vẫn còn đang cảm nhận những vết thương tinh thần trầm trọng… vì thế, chúng ta phải làm hết sức mình để giúp vào các nỗ lực hàn gắn vết thương đó mà vẫn tôn trọng tinh thần bản Hiến Pháp Hoa Kỳ.”
Được biết, trước cuộc bỏ phiếu, Thượng Nghị Sĩ California Janet Nguyễn cũng gởi thư cho Thị Trưởng Liccardo, cho biết bà “ủng hộ quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa và hoàn toàn phản đối cờ CSVN, và yêu cầu hội đồng thành phố thông qua nghị quyết để thể hiện sự đồng lòng với cộng đồng Việt Nam, đồng thời cho thấy sự sẵn sàng bảo vệ các giá trị tự do và dân chủ.”
Nghị Viên Kimberly Hồ, thay mặt Hội Đồng Thành Phố Westminster, cũng có mặt tại buổi họp, phát biểu trước hội đồng thành phố, và cùng với cư dân vận động các vị dân cử ủng hộ nghị quyết.
Hồi năm ngoái, thành phố Westminster tại Orange County ở miền Nam California, nơi có khu Little Saigon được coi là thủ đô của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ, là nơi đầu tiên thông qua nghị quyết cấm trưng bày cờ Cộng Sản tại bất cứ nơi đâu trên địa bàn thành phố chứ không riêng gì tại những nơi công cộng. (V.P.)

Những nước hào phóng nhất thế giới

Lindsey Galloway 

BBC Travel 8 giờ trước 

Tại Miến Điện hiến đồ ăn và tiền chủ yếu là cho nhà chùa.Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionTại Miến Điện hiến đồ ăn và tiền chủ yếu là cho nhà chùa.
Chúng tôi có nói chuyện với người dân sống ở 5 nước được xếp hạng cao nhất để tìm hiểu điều gì thúc đẩy họ cống hiến thời gian và tiền bạc, và việc này có tác động thế nào đến xã hội tại những nơi đó.
Hình như việc dang tay giúp đỡ một người lạ thì còn ‎có ‎nghĩa hơn cả một hành động tốt.
Thực tế, theo công ty tư vấn nghiên cứu Gallup, một sự sẵn lòng trong văn hóa giúp đỡ người khác là một chỉ số mạnh của các yếu tố kinh tế tích cực, gồm cả GDP và tỷ lệ thất nghiệp dài hạn, cũng như nhiều lợi ích khác như là sự khuyến khích phát triển thịnh vượng chung.
Để hiểu sâu hơn nữa, công ty Gallup đã khảo sát hơn 145.000 người của hơn 140 nước, hỏi người dân là gần đây họ có hiến tiền cho một một cơ quan từ thiện, có làm tình nguyện cho một tổ chức hoặc có giúp một người lạ trong khó khăn hay không. Những kết quả đáng khích lệ này (lấy ở Báo Cáo Vận Động Công Dân Thế Giới 2016), sau đó đã được ước tính cho toàn thế giới hiện là 7,4 tỷ người, và thấy là trong một tháng nhất định có 1,4 tỷ người đã hiến tiền cho từ thiện, gần 1 tỷ người tình nguyện và 2,2 tỷ người giúp đỡ người lạ.
Tuy nhiên, điểm cho nước cá lẻ thì chênh lệch nhau rất xa, dân của một số nước sẵn sàng hơn một cách đáng kể trong việc giúp đỡ dưới mọi hình thức. Chúng tôi đã nói chuyện với dân sống ở 5 nước xếp hạng cao nhất để tìm ra điều gì thúc đẩy họ cống hiến thời gian và tiền bạc, và việc này có tác động thế nào đến xã hội ở đó.

Miến Điện

Ở Miến Điện hiến tặng thức ăn cho nhà sư là việc thông thường theo truyền thống của đạo PhậtBản quyền hình ảnhSTEFANO POLITI MARKOVINA
Image captionỞ Miến Điện hiến tặng thức ăn cho nhà sư là việc thông thường theo truyền thống của đạo Phật
Đa số dân của nước Đông Nam Á nhỏ bé này trả lời "có" cho từng câu hỏi về việc hiến tặng, do vậy nước này có điểm cao nhất, vượt hơn hẳn, trong điều tra khảo sát.
Truyền thống đạo Phật mạnh mẽ ở nước này nói nhiều về khoan hồng và hào phóng. Nữ tiến sĩ Hninzi Thet, người gốc Yangon, cha theo công giáo và mẹ theo Phật giáo, có giải thích là quan niệm về nghiệp chướng của đạo Phật Tiểu Thừa và ưu thế của đạo Phật ở đây đã đóng vai trò quan trọng.
"Mọi việc làm tốt sẽ được củng cố cho kiếp sau và cuộc sống sẽ tốt hơn," bà nói. "Thí dụ vào ngày sinh nhật của một đứa trẻ, họ sẽ hiến thức ăn cho sư là người do công chúng nuôi dưỡng, và họ sẽ được phẩm hạnh tốt."
Hninzi Thet có nói rằng việc hiến thức ăn và tiền chủ yếu chỉ cho sư và nhà chùa. "Chỉ mới gần đây mới có việc bắt đầu hỗ trợ cho trẻ mồ côi và hỗ trợ có tổ chức," bà nói, đặc biệt khi mà những người Miến Điện xa quê đưa đến những quan điểm phương Tây về hiến tặng.
Do sự ổn định chính trị và do tổng tuyển cử trong những năm gần đây, số người nước ngoài tới Miến Điện đã tăng lên. Ngoài việc được xếp hạng số 1 thì mới đây Miến Điện được gọi là đất nước thân thiện nhất thế giới trong đợt khảo sát InterNations Expat Insider 2015, với hơn 96% những người được khảo sát đồng ý rằng dân ở đây niềm nở với người nước ngoài.

Hoa Kỳ

So với Miến Điện, Hninzi Thet, hiện sống ở Baltimore, thấy rằng ở Hoa Kỳ (xếp thứ 2 trong danh sách Gallup) việc hiến tặng ít mang tính tôn giáo.
"Quan điểm cho để nhận lại được cái gì là ít hơn," bà nói. "Điều tôi ngưỡng mộ việc hiến tặng ở Hoa Kỳ là hiến tặng đơn thuần, nó gắn với trách nhiệm công dân."
Hiến tặng trong văn hoá Mỹ có nhiều loại, tùy thuộc vào ở nông thôn, ngoại ô hay thành phố. Naomi Hattaway, ở Nebraska và là người thành lập nhóm văn hoá quốc tế I Am Triangle cho những người sống đã ở nước ngoài và trải nghiệm ở từng nước. "Có rất nhiều tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận ở Washington DC Metro, nhưng khi ta phát triển ra vùng ngoại ô, tôi thường thấy người dân nói là họ không có khái niệm gì về tình nguyện, tham gia như thế nào và ở đâu," bà nói.
Hiến tặng ở Hoa Kỳ thường là những việc làm từ thiện, phi lợi nhuận và tình nguyệnBản quyền hình ảnhANDREA BOOHER
Image captionHiến tặng ở Hoa Kỳ thường là những việc làm từ thiện, phi lợi nhuận và tình nguyện
Nhưng ở thị trấn nhỏ bé Lucketts ở Virginia, bà thấy "tinh thần của việc hiến tặng, lòng bác ái và việc từ thiện là cái gì gần như bắt buộc đối với hầu hết người dân. Khi ai đó muốn hiến tặng thì dân chúng ủng hộ ngay. Khi quyên góp tiền thì mọi người tham gia nhiệt tình không đắn đo.
Có cảm giác như đây là một đặc điểm được truyền qua các thế hệ. "Ở cả hai nhánh nội ngoại, ông bà tôi liên tục hiến tặng. Họ không khoe khoang về việc này nhưng có kể cho tôi biết các chuyện như đăng cai tổ chức phát thức ăn trong nhiều năm qua thời kỳ kinh tế suy thoái và qua 2 cuộc chiến tranh thế giới I và II," Zoe Helene ở Massachusetts nói. "Tôi nghĩ họ muốn tôi biết là sự thông cảm với người khác là cốt yếu để tạo tính cách và phải biết giúp đỡ lẫn nhau nếu không nền văn minh sẽ tan rã."
Trong khi những người xuất xứ ở nước tương đối giàu này thường cảm thấy họ có thể và nên làm nhiều hơn nữa thì những người nước ngoài lại không hết lời ca ngợi. "Là người Úc sống ở Mỹ, tôi thấy lòng tốt của người Mỹ là phi thường," Jim Dailakis, diễn viên hài, quê ở Perth, nói. "Khi sống ở New York trong vụ 9/11 tôi đã chứng kiến lòng tốt và sự hào phóng vô bờ ở đây. Với riêng tôi, tôi không ngạc nhiên gì. Tôi thấy người New York là một trong những người thân thiện nhất thế giới."

Úc

Quỹ Movember Foundation, thành lập năm 2003 ở Úc, hỗ trợ cho sức khỏe của đàn ông trên khắp thế giớiBản quyền hình ảnhEVA RINALDI
Image captionQuỹ Movember Foundation, thành lập năm 2003 ở Úc, hỗ trợ cho sức khỏe của đàn ông trên khắp thế giới
Đảm bảo rằng mọi người có cơ hội bằng nhau để thành công, đó là một phần cốt lõi của văn hoá Úc.
"Nói cách khác, cơ hội để thành công trong điều kiện như những người khác," Erik Stuebe, tổng giám đốc của InterContinental Melbourne The Rialto và là người gốc ở New South Wales, nói.
"Là một quốc gia trẻ, một lục địa đảo và có dân số thấp, chúng tôi rất tự hào về khả năng so găng với các nước nặng ký hơn ở hầu hết các lĩnh vực hỗ trợ quốc gia. Chúng tôi rất tôn trọng những người thành công nhưng vẫn khiêm tốn và thật thà, gắn bó với cội nguồn và sẵn lòng giúp người khác."
Melbourne là nơi đặc biệt có tinh thần cộng đồng mạnh mẽ và thường tổ chức các sự kiện đóng góp hàng triệu USD cho sự nghiệp của Úc và thế giới. Một số sự kiện có ảnh hưởng thế giới, như quỹ Movember Foundation được bắt đầu năm 2003 và hiện khuyến khích đàn ông trên khắp thế giới để râu vào tháng 11 để khuyến khích đóng góp tiền cho y tế nam giới.
Người Úc cũng rất hào phóng hỗ trợ các cuộc khủng hoảng. "Khi có sóng thần ở Indonesia năm 2004, người Úc đã hiến tặng 42 triệu USD," Dailakis nói. "Nên nhớ rằng dân số năm đó của Úc chỉ hơn 20 triệu người."
Rồi đến 2009, khi cháy rừng gây thiệt hại về người và tài sản, người Úc đã vào cuộc. "Người Melbourne gây quá tải cho hệ thống cứu trợ với việc hiến tặng thời gian, tiền, quần áo, nơi ở nhờ và tin nhắn hỗ trợ," Stuebe nói. "Tôi nghĩ người Úc hiến tặng mọi thứ cần thiết một cách hào phóng và đến hết giới hạn của khả năng họ."
Người Úc đặc biệt tự hào về trách nhiệm xã hội và về mạng lưới an toàn được luật pháp bảo vệ, với luật sử dụng súng nghiêm ngặt, trợ cấp thất nghiệp dồi dào và chăm sóc sức khỏe tốt làm cho người dân cảm thấy an toàn. Như thế không có nghĩa là họ không biết thưởng thức một sự trêu chọc hay, họ thiên về nói đùa tự nhạo mình và xuồng xã, và thường cho người nước ngoài biết chọc ghẹo là dấu hiệu của quý mến.

New Zealand

Những người tham gia cuộc chạy Great Kids Can Santa Run ở New Zealand mặc như ông già Noel để hỗ trợ trẻ em nghèoBản quyền hình ảnhPHIL WALTER/GETTY
Image captionNhững người tham gia cuộc chạy Great Kids Can Santa Run ở New Zealand mặc như ông già Noel để hỗ trợ trẻ em nghèo
Là dân của một đảo quốc nhỏ chủ yếu là vùng nông thôn, họ có một truyền thống lâu đời giúp đỡ người xung quanh.
"Đôi khi có cảm giác là mọi người đều biết nhau, do vậy phải có trách nhiệm với nhau," Katherine Shanahan, người gốc ở Wellington và làm việc ở hãng du lịch, nói. "Có lẽ ý thức cộng đồng mạnh mẽ cũng là lý do vì sao đất nước này có nét đặc trưng từ thiện."
Wellington là nơi đăng cai các sáng kiến như The Free Store mà các hàng ăn và hiệu bánh hiến tặng thức ăn không bán được trong ngày, và người dân có thể có được thức ăn và họ không có khả năng mua. Vào tháng 12, 18 địa điểm trên khắp New Zealand tổ chức cuộc chạy Great Kids Can Santa Run, mà mọi người tham gia chạy 2-3 Km mặc như ông già Noel để hỗ trợ các trẻ em nghèo.
Lần động đất ở Christchurch năm 2011, với hàng trăm người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương, đã làm mạnh thêm tinh thần hiến tặng của đất nước.
"Khi tôi qua Christchurch 5 năm sau động đất, thì thành phố rõ ràng vẫn chưa thể vực lại được. Tôi ngạc nhiên khi thấy các bảng đề 'Tốt rồi chứ?' Shanahan nói. "Trước tôi cứ nghĩ đó là một câu quảng cáo đơn giản và thành thực. Không phải để bán một thứ gì, nó là lời nhắc người dân hãy thỉnh thoảng giúp nhau một tay."
Những người sống ở New Zealand cũng có thể có nhiều thời gian để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước. Là một quốc gia đảo với dân số thấp, ta dễ tìm thấy và tới được các bãi tắm ít người, vì không một nơi nào của đất nước này lại xa biển hơn 130 Km.

Sri Lanka

Tương tự như Miến Điện, hiến tặng ở Sri Lanka là lời dạy bảo của tôn giáo. "Phần lớn người Sri Lanka theo đạo Phật và đạo Hindus, cả 2 đạo chủ trương từ thiện và chia sẻ cho nhau," Mahinthan sống ở thủ đô Colombo, nói.
Việc sẵn lòng giúp đỡ là đặc biệt rõ ở vùng nam thành phố Matara. "Có câu ngạn ngữ ở Sri Lanka rằng 'Dù bạn đi đâu trên đảo này, nếu gặp khó khăn, bạn luôn gặp một người ở Matara vui lòng giúp đỡ bạn,'" Supun Budhajeewa ở Matara nói. "Tình cảm đó nằm sâu trong chúng tôi. Tôi nghĩ chúng tôi là vậy."
Từ việc hiến máu đến hỗ trợ từ thiện cho học hành, luôn được tổ chức thành sự kiện ở Matara và ngoài ra còn khuyến khích lòng hảo tâm. Nhiều tổ chức thành phố và khu vực thường lập các quầy lớn ăn không mất tiền trong những dịp như hội Poya là các ngày nghỉ lễ hàng tháng vào dịp trăng tròn. Các ngày lễ cũng là thời điểm ưa thích để giúp đỡ bằng công lao động như dọn dẹp đường xá, tình nguyện giúp trong bệnh viện và xây nhà cho người vô gia cư.
Cùng với việc người dân sẵn sàng vui vẻ giúp đỡ, Sri Lanka cũng nổi tiếng có thức ăn đa dạng. Do ảnh hưởng từ nhà buôn Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Ấn Độ và Ba Tư, các món ăn thường thơm ngon và nhiều gia vị, với món chủ đạo là cơm và cà ri. Món cào cào, bánh tráng có trứng, mật và sữa, là những món được ưa chuộng, ngoài ra có trà Ceylon nổi tiếng thế giới vì đậm đà và có hương chanh.

Từ Hùng Cửu Long đến việc San Jose cấm cờ đỏ

 Bùi Văn Phú 

Nhà báo tự do, gửi tới BBC Tiếng Việt từ San Jose 7 giờ trước 

Cộng đồng Việt tại California và lá cờ vàng ba sọc đỏ của VNCHBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionCộng đồng Việt tại California và lá cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH
Biết tin Hội đồng Thành phố San Jose sẽ biểu quyết cấm cờ đỏ sao vàng, tôi có hỏi Nghị viên Nguyễn Tâm về thời điểm ra nghị quyết thì được nghe: "Vì mới đây có sự kiện Hùng Cửu Long định mang cờ đỏ đến Little Saigon."
Từ hai thập niên qua, đúng hơn là từ khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ (1995), nhiều người Việt ở Mỹ e ngại cờ đỏ sao vàng của CHXHCN Việt Nam sẽ phấp phới bay khắp nơi trên đất Hoa Kỳ.
Lá cờ đó, gắn liền với lịch sử chiến tranh, với trại học tập cải tạo, vùng kinh tế mới, đánh tư sản mại bản, với vượt biển vượt biên và đã để lại trong lòng nhiều người Việt, những người Mỹ đã chiến đấu trên mảnh đất Việt Nam và gia đình họ, nhiều khổ đau và nước mắt.
Nay đến bến bờ tự do họ không còn muốn nhìn thấy bóng dáng lá cờ đỏ đó nữa.
Năm 1998, khi Tổng Lãnh sự quán Việt Nam lần đầu tiên liên hoan đón Tết tại San Francisco, cờ đỏ sao vàng được treo bên cạnh cờ Hoa Kỳ trước tiền đình của nơi tổ chức Tết là Veteran Building.
Nhưng chỉ trong một thời gian chưa đến một giờ đồng hồ là đã phải kéo cờ xuống vì bị đe doạ biểu tình phản đối.
Đến đầu năm 1999 có sự kiện Trần Trường treo cờ đỏ và hình Hồ Chí Minh trong cửa tiệm của ông ở Westminster thuộc Quận Cam, California và đã bị biểu tình phản đối kéo dài gần hai tháng.
Vào đầu thiên niên kỷ, sau một phần tư thế kỷ định cư, cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã vững mạnh hơn với những dân cử gốc Việt trong chính trường nên có những vận động các cấp chính quyền từ tiểu bang xuống đến thành phố để công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là di sản của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Luôn luôn là cờ vàng

Từ đó hình ảnh cờ vàng luôn có trong các sinh hoạt của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
Vài tháng qua lại bùng nổ lên chuyện cờ đỏ, cờ vàng với sự kiện một du khách từ Việt Nam là Hùng Cửu Long muốn phô trương cờ đỏ ở Little Saigon, Quận Cam.
Ngày 20/11/2016, Hùng Cửu Long xuất hiện trước Thương xá Phước Lộc Thọ gây xôn xao cộng đồng.
Ít tuần sau, Thị trưởng Tạ Đức Trí và Nghị viên Diep Tyler đã đệ trình nghị quyết cấm cờ đỏ và đã được hội đồng thành phố đồng thanh chấp thuận trong phiên họp ngày 14/12/2016.
Nghị viên Sergio Contreras của Westminster đã phát biểu rằng ông không muốn thấy bất cứ ai "đến thành phố của chúng ta để tạo ra những xáo động và rắc rối."
Nghị quyết này cấm trưng bày hay treo cờ đỏ sao vàng ở bất cứ nơi nào trong phạm vi Thành phố Westminster vì: "Lá cờ này trong quá khứ và đến nay vẫn tiếp tục là biểu tượng cho một nền độc tài chuyên chế."
Sau khi Westminster chấp thuận nghị quyết cấm cờ đỏ sao vàng, ngày 19/12/2016 bốn nghị viên Thành phố San Jose là Tâm Nguyễn, Mạnh Nguyễn, Sergio Jimenez và Magdalena Carrasco đã đệ trình một nghị quyết chỉ cấm treo cờ đỏ trên các cột cờ thuộc sở hữu của thành phố.
Westminster là nơi đã có nghị quyết về cờ vàng đầu tiên và đây cũng là nơi đầu tiên đưa ra nghị quyết cấm cờ đỏ và đã được thông qua một cách mau chóng, vì không có tiếng nói phản đối.
Nhưng San Jose thì khác.
Khi nghị quyết cấm cờ đỏ được đưa ra tiểu ban cách đây hai tuần và đã có người phản đối. Thung lũng Điện tử nay có nhiều du sinh từ Việt Nam tại các đại học trong vùng, có nhiều doanh gia bỏ tiền đầu tư, có con cháu quan chức nhà nước chọn là nơi định cư.
Sự chống đối nghị quyết cũng có ở San Jose vì vùng Vịnh San Francisco có khuynh hướng chính trị thông thoáng, sẵn sàng chấp nhận những quan điểm khác biệt hơn là Quận Cam bảo thủ.
Cuộc họp của Hội đồng TP San Jose ra nghị quyết cấm cờ đỏBản quyền hình ảnhPHILIP
Image captionCuộc họp của Hội đồng TP San Jose ra nghị quyết cấm cờ đỏ
Sau gần ba tiếng đồng hồ cho cư dân phát biểu, các vị dân cử đã nghe cả trăm ý kiến, đại đa số ủng hộ nghị quyết. Chỉ có vài ba ý kiến phản đối.
Phát biểu ủng hộ có nhiều tiếng nói quen thuộc của cộng đồng.
Bryan Đỗ đại diện cho Dân biểu Liên Bang Ro Khanna đọc quan điểm của ông về vấn đề này. Ông chống lại việc trưng bày lá cờ đỏ của chế độ toàn trị tại Việt Nam vì "chế độ đó đã đàn áp nhân quyền, bỏ tù người cầm bút và những ai lên tiếng phản kháng."
Cùng ủng hộ nghị quyết có Nghị viên Kimberly Hồ của Westminster, có Mindy Nguyễn đại diện cho Dân biểu Tiểu bang Ash Kalra.
Có những nhân vật cộng đồng như Thomas Nguyễn, Jimmy Phạm, Đỗ Thành Công, Jane Đỗ Bùi, Kính Đoàn, Mai Quyền, Minh Nguyễn, có cụ bà Đào Nguyên Nguyễn, cụ ông Nghiệp Đoàn.
Những người ủng hộ nghị quyết cho rằng lá cờ đỏ là ác mộng vì những gì họ đã trải qua.
Hoặc cho rằng đó là biểu tượng của sự thiếu tự do dân chủ, không tôn trọng nhân quyền của chế độ cộng sản Việt Nam hiện tại.
Thượng Nghị sĩ Tiểu bang Janet Nguyễn, Dân biểu Tiểu bang Ash Kalra, Nghị viên Thành phố Milpitas Anthony Phan cũng gửi văn thư chính thức ủng hộ.
Có tin Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco gửi văn thư phản đối, nhưng văn phòng thành phố đã không nhận được để đưa vào hồ sơ nghị trình.

Hai luồng ý kiến

Phản đối nghị quyết có ý kiến của Long Lê, Chris Lê, Sam Lê và Phúc Lê.
Long Lê cho rằng nghị quyết này sẽ tạo một tiền lệ không tốt cho thành phố, vì nếu mai này có nhóm người khác đòi không cho treo cờ Mexico, Cuba hay cờ của các nước Trung Đông thì thành phố cũng chiều theo hay sao.
Sam Lê nhắc đến những hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang có trên Biển Đông, vì thế việc chống lại lá cờ của quốc gia Việt Nam sẽ làm tổn thương đến quyền lợi của Hoa Kỳ trong khu vực.
Chris Lê nhận ông là một người theo đảng Libertarian và ông không hy vọng hội đồng thành phố sẽ bác bỏ nghị quyết này.
Sau khi lên tiếng phản đối từ lúc nghị quyết được đưa ra tiểu ban hai tuần trước, trả lời báo chí trong những ngày qua Chris Lê cho biết ông sẽ ra tranh cử ở Khu vực 7 vào năm 2018 với mục đích đánh bại Nghị viên Tâm Nguyễn, đồng tác giả của nghị quyết cấm cờ đỏ.
Cờ đỏBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionDiễu hành ở Việt Nam: cờ đỏ gợi lại quá khứ chiến tranh kinh hoàng với nhiều người tỵ nạn gốc Việt
Trong năm qua Chris Lê tích cực tham gia vận động tranh cử dân biểu tiểu bang cho Phó Thị trưởng Madison Nguyễn.
Trước khi phiên họp hội đồng thành phố diễn ra, tôi hỏi cựu Phó Thị trưởng Madison Nguyễn về nghị quyết này, bà cho biết ý kiến như sau:
"Tôi hết lòng ủng hộ nghị quyết cấm cờ cộng sản ở San Jose. Nó sẽ tái xác nhận những cam kết của thành phố là tôn trọng lịch sử của nhiều người tị nạn Việt Nam đã chối bỏ chế độ cộng sản để đến Mỹ, trong đó có gia đình tôi."
Tháng 11/2016 cựu Phó Thị trưởng Madison Nguyễn ra tranh chức dân biểu tiểu bang nhưng không thành công.
Sau khi đã nghe tất cả các phát biểu của cư dân, một số nghị viên đã phát biểu ý kiến.
Nghị viên Raul Peralez nhấn mạnh rằng quyền tự do phát biểu của người dân vẫn được tôn trọng nếu có ai muốn mang cờ đỏ đến San Jose. Nghị quyết chỉ cấm treo lá cờ đỏ trên cột cờ thuộc về thành phố.
Tân Nghị viên Diệp Thế Lân nói đây không phải là vấn đề tự do biểu đạt hay quan hệ quốc tế mà nó liên quan đến một cộng đồng đã bị cộng sản làm hại vì họ đã không có tự do biểu đạt dưới chế độ cộng sản.
Ông nói: "Ở bất cứ nơi nào có người Việt tự do, họ sẽ lên tiếng chống lại cộng sản."
Sau đó hội đồng thành phố San Jose gồm Thị trưởng Sam Liccardo và tất cả 10 nghị viên đã đồng thanh biểu quyết chấp thuận nghị quyết không cho phép treo cờ đỏ sao vàng của cộng sản Việt Nam trên các cột cờ của thành phố.
Sau Westminster và San Jose, đang có những vận động của cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở những thành phố như Garden Grove, Santa Ana và Milpitas để thông qua những nghị quyết cấm cờ đỏ.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả Bùi Văn Phú, nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco.