Thursday, December 3, 2020

Chuyện thuế: Tại sao luôn là dân, không phải đảng?

 Theo VOA/Trân Văn

Một tài xế xe ôm 62 tuổi ở Hà Nội.

Năm ngày nữa (5/12/2020), Nghị định 126/2020/NĐ-CP (Nghị định 126/2020) sẽ có hiệu lực. Nghị định này do chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam ban hành nhằm hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý Thuế đã được Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua hồi tháng 6 năm ngoái và đã có hiệu lực hồi đầu tháng 7 vừa qua.

Nghị định 126/2020 hướng dẫn cách thức thực hiện Luật Quản lý Thuế: Tính thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế,… Đồng thời đặt định cách thức kiểm soát các khoản phải đóng thuế, cách thức xử lý việc khai thuế không chính xác, chậm nộp thuế, nợ thuế, trốn thuế… và… cưỡng chế thi hành nghĩa vụ thuế!

***

Tuy Nghị định 126/2020 chưa có hiệu lực thực thi nhưng nhiều giới đang đề nghị… sửa nghị định này (1) vì nó chỉ nhắm đến việc giúp hệ thống công quyền thu cho đầy túi, nhiều qui phạm vừa bất hợp lý, vừa bất cận nhân tình. Chẳng hạn việc buộc hệ thống ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin của khách hàng cho ngành thuế (2)…

Chẳng hạn buộc doanh nghiệp phải… ước đoán chính xác doanh thu cả năm, nếu số thuế thu nhập tạm nộp trong ba quý đầu năm thấp hơn 75% tổng doanh thu của năm đó, doanh nghiệp sẽ bị… phạt! Với những qui định khắc nghiệt như thế, sản xuất - kinh doanh ở Việt Nam đồng nghĩa với vừa phải đóng thuế, vừa được nộp… phạt (3)!

Đáng chú ý nhất là thêm một lần nữa, qua Nghị định 126/2020, hệ thống công quyền muốn trấn lột những công dân đang sống dưới đáy xã hội. Năm 2005, Tổng cục Thuế từng ban hành một qui định mà bản chất là tước đoạt khoản hoa hồng vốn đã rất ít ỏi của người bán vé số dạo (4). Do bị công chúng chỉ trích kịch liệt, nỗ lực này phải tạm ngưng. Tuy nhiên từ đó đến nay, hệ thống công quyền Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ… tham vọng trấn lột những thành phần khốn cùng nhất...

Năm 2018, sau khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã tăng đủ loại thuế (giá trị gia tăng - GTGT, tiêu thụ, tài sản, thu nhập cá nhân - TNCN, môi trường với xăng dầu...) nhưng vẫn không thể cân đối thu – chi ngân sách, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, trách hệ thống công quyền bỏ sót những người… bán trà đá vì đó là lĩnh vực kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới, từ 5.000% đến 7.000% nhưng không góp đồng nào cho ngân sách (5)!

Tuy các chuyên gia nhiều giới khuyến cáo nên… khoan sức dân nhưng từ đó đến nay, Tổng cục Thuế không ngừng đốc thúc cấp dưới thường xuyên rà soát, bảo đảm đầy đủ dữ liệu giải trình khi có yêu cầu với những cá nhân hoạt động không thường xuyên như xe ôm, xe lam, người kinh doanh quán cóc, vỉa hè (6)…

Với một hệ thống chính trị, hệ thống công quyền luôn có tâm thế và luôn sẵn sàng trong tư thế như vậy, chẳng có gì khó hiểu khi Nghị định 126/2020 không cho các tài xế công nghệ nộp thuế theo mức cũ (khoán thuế GTGT ở mức 3%) mà phải đóng thuế GTGT là… 10% trên doanh thu (7).

Về bản chất, tài xế công nghệ chỉ là tên mới của những người nghèo chạy xe ôm nhưng ký hợp đồng với các công ty chuyên cung cấp dịch vụ tìm – nhận khách qua một số ứng dụng trên Internet, điện thoại (công nghệ). Ai cũng biết, nếu không bế tắc về sinh kế, chẳng có mấy người chọn kiếm sống bằng việc làm… tài xế công nghệ. Cơ cực như bán vé số dạo, bán trà đá mà còn không thoát thì làm sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chịu bỏ qua… tài xế công nghệ?

***

Cuối tuần vừa rồi, tại cuộc đối thoại với doanh giới về chính sách thuế và hải quan, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, gạt phăng các băn khoăn, thắc mắc về Nghị định 126/2020, bằng tuyên bố: Sở dĩ có các điều chỉnh về chính sách thuế là do đặc thù ngân sách Việt Nam rất khó khăn, thu để phục vụ chi cho các cấp chính quyền, cho hoạt động quản lý nhà nước và các tỉnh có số thu ngân sách chưa có khả năng điều tiết… Ví thế phải có sự chia sẻ giữa doanh nghiệp và nhà nước (8)…

Rõ ràng là Việt Nam đã cũng như đang mất cân đối nghiêm trọng trong thu – chi ngân sách. Bởi liên tục bội chi nên không những phải liên tục giảm hoặc cắt các khoản chi cho an sinh xã hội, các khoản đầu tư cho phát triển, đồng thời phải liên tục vay ở cả trong lẫn ngoài biên giới quốc gia.

Chia sẻ có thể là cần thiết khi quốc gia gặp khó khăn nhưng tại sao phải chia sẻ khi tình trạng kinh tế - xã hội khó khăn như thế mà đảng vẫn thản nhiên vứt hết ngàn tỉ này đến ngàn tỉ khác vào các cổng chào, tượng đài, quảng trường, mới đây là đại hội đảng các cấp?.. Vì dân là như thế sao?

Chú thích

(1) https://laodong.vn/kinh-te/them-kien-nghi-sua-doi-nghi-dinh-126-ve-quan-ly-thue-857489.ldo

(2) https://plo.vn/kinh-te/roi-vi-quy-dinh-phai-cung-cap-tai-khoan-cho-thue-951845.html

(3) https://vneconomy.vn/nghi-dinh-126-ngan-doanh-nghiep-truoc-nguy-co-nhan-an-phat-thue-moi-20201126200508554.htm

(4) https://maivang.nld.com.vn/cau-chuyen-quan-ly/danh-thue-nhung-nguoi-ban-ve-so-dao-119291.htm

(5) https://thanhnien.vn/chao-buoi-sang/thue-voi-toi-nguoi-ban-tra-da-967152.html

(6) https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/thue-thu-nhap-ca-nhan-qua-tan-thu-ban-pho-xe-om-bi-vat-1155034.html

(7) https://tuoitre.vn/tai-xe-xe-cong-nghe-run-vi-thue-sap-tang-20201124210837981.htm

(8) https://tuoitre.vn/thue-thu-rat-do-ngan-sach-kho-khan-20201127215756467.htm

Xuất khẩu lao động: Lừa đảo hay vô cảm gây nhức nhối nhiều hơn?

 Theo VOA/Trân Văn

Bàn thờ một nạn nhân trong vụ 39 người Việt chết thảm trong thùng container ở Essex, Anh Quốc hồi năm ngoái. Hình minh họa.

Tờ Công an nhân dân (CAND) – cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam – mới đăng “Nhức nhối nạn lừa đảo xuất khẩu lao động” (1), phóng sự mà đọc xong, nhiều người sẽ cảm thấy vấn nạn lừa đảo xuất khẩu lao động không nhức nhối bằng nhức nhối về… ý thức trách nhiệm, cũng như cách hành xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam!

***

Phóng sự vừa kể đề cập đến hoạt động của một doanh nghiệp có tên là Công ty Cổ phần Nhân lực quốc tế MIKA (MIKA), tọa lạc ở quận Long Biên, thành phố Hà Nội, chuyên tuyển những thanh niên đã tốt nghiệp đại học để đưa sang Nhật làm thuê. Tùy trường hợp mà đương sự phải đóng cho MIKA từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Thế rồi MIKA đột ngột gỡ bảng hiệu, đóng cửa…

Theo tờ CAND, đa số nạn nhân của MIKA cư trú ở nông thôn, sau khi đã nỗ lực hoàn tất bậc đại học nhưng không tìm được lối vào đời nên tìm tới với MIKA... Vì MIKA có trụ sở, hoạt động công khai (nhận hồ sơ, dạy Nhật ngữ,…) nên họ tin MIKA sẽ mở ra một lối thoát cho cả họ lẫn gia đình. Họ đã nhờ cha mẹ đứng ra vay tiền để đóng cho MIKA, chấp nhận trả lãi song cuối cùng, tất cả cùng mất cả chì lẫn chài!..

Tại Hà Nội, không chỉ có một MIKA! Trong “Nhức nhối nạn lừa đảo xuất khẩu lao động”, tờ CAND chọn MIKA làm… ví dụ cho thực trạng phổ biến: Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội lại vừa tiếp tục cảnh báo về trình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nơi này đã đề nghị công an điều tra, xử lý MIKA vì không có giấy phép đưa người đi làm việc ở nước ngoài nhưng đã tư vấn, thu tiền để làm thủ tục cho nhiều người đi làm việc tại Nhật, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền. Đồng thời Cục Quản lý lao động ngoài nước còn đề nghị công an điều tra, xử lý một số doanh nghiệp khác giống như MIKA: Công ty Hoàng Phát, Công ty Quý Đức, Công ty Sinh Vũ,… vì không có giấy phép nhưng vẫn thu tiền nhiều người, hứa đưa họ đi làm việc tại Hàn Quốc!

***

Cách nay một năm, thiên hạ rúng động khi có 39 người Việt vay mượn những khoản tiền lớn để trả cho việc được vận chuyển vào Anh rồi chết ngạt trong một container được phát giác ở Essex. 39 người Việt đó cũng như nhiều đồng bào của họ hiện nay – những nạn nhân của MIKA, Hoàng Phát, Quý Đức, Sinh Vũ, - giống hệt nhau: Mơ ước có cuộc sống tốt đẹp hơn, xoay sở đủ kiểu để thực hiện ước mơ này và bị gạt.

Sau sự kiện Essex, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn thế! Tuy lừa gạt trong việc đưa người Việt ra ngoại quốc làm thuê vẫn là vấn nạn được thừa nhận là… nhức nhối nhưng cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam chỉ có thể làm được một chuyện – bảo với công chúng rằng hệ thống công quyền vẫn thường xuyên thông qua cơ quan thông tin truyền thông cảnh báo người lao động!

Còn hệ thống công quyền? Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông của Cục Quản lý lao động ngoài nước thì mượn tờ CAND khuyên công chúng: Để tránh bị lừa, tránh rủi ro, tổn thất, người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp môi giới, chương trình mình muốn tham gia, quốc gia mình sẽ đến,… từ các nguồn chính thống!..

Cứ như tờ CAND tường thuật thì các nạn nhân của MIKA biết và tìm đến doanh nghiệp này là từ những lời mời chào trên mạng xã hội. Hết Bộ Thông tin – Truyền thông đến Bộ Công an khoe đã đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Google, Facebook để các đại doanh nghiệp này ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc (2) và tìm ra - xử lý những cá nhân xúc phạm hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trên mạng xã hội, trên Internet (3)… nhưng không có cơ quan hữu trách ở bất kỳ cấp nào thèm bận tậm đến việc bảo vệ các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của công dân như giải quyết vấn nạn lừa đảo những người muốn đi làm thuê ở ngoại quốc, kể cả khi đã có những thảm nạn như Essex!

Chú thích

(1) http://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Nhuc-nhoi-nan-lua-dao-xuat-khau-lao-dong-621597/

(2) https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/946642/dau-tranh-ngan-chan-thong-tin-xau-doc-tren-facebook-google

(3) https://thanhnien.vn/thoi-su/bo-cong-an-phat-hien-gan-790000-tin-bai-video-xau-doc-trong-6-thang-1298074.html

Một chế độ dùng ‘tâm thần’ vừa để đàn áp vừa để chạy tội

Theo VOA/Hoàng Hoành Sơn


Thẻ đảng viên.

Hôm 27/11/2020, một bản tin đề cập cựu chủ tịch thủ đô Hà Nội Nguyễn Đức Chung “bị tâm thần”, đầu tiên được báo Zing đăng tải, sau đó một trang tin điện tử tổng hợp đăng lại tự động. Khi bản tin nêu trên khiến công luận chú ý, bản tin trên Zing đã lập tức cắt bỏ chi tiết này và chỉ còn lại vụ ông Nguyễn Đức Chung “bị ung thư”, và phạm tội lần đầu” (1).

Đài RFA cũng đăng bài tương tự trích lại nguyên văn mạng báo Tri thức Trực tuyến dẫn cáo trạng cho hay: "Bị can có tiền sử bị bệnh tâm thần, phạm tội lần đầu, được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự". Tuy nhiên, thông tin trong bài viết "Vì sao ông Nguyễn Đức Chung được áp dụng tình tiết giảm nhẹ?" của báo này sau đó được sửa đổi từ "tâm thần" trở thành "tiền sử bệnh ung thư" (2).

Cùng ngày 27.11.2020, Cô Nguyễn Nghiêm viết thông cáo trên mạng xã hội Facebook: Nhà văn Phạm Thành vừa bị nhà cầm quyền đảng cộng sản Việt Nam (đcsVN) đưa vào viện tâm thần Trung ương. “Tôi là vợ anh Phạm Thành, xin thông tin sự việc như sau: Ngày 25-11-2020, điều tra viên cho biết đã chuyển chồng tôi đến Viện Pháp y tâm thần Trung ương để giám định hay kiểm tra sức khỏe gì đó, báo cho tôi biết để đến gửi đồ tiếp tế. Là vợ chồng sống với nhau bao nhiêu năm, tôi thấy anh hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện gì về tâm thần nên không hiểu họ chuyển chồng tôi xuống đó làm gì?” (3)

Trường hợp thứ hai là ông Lê Anh Hùng. Trước khi bị bắt, ông Hùng là cộng tác viên của đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), đồng thời là thành viên của hai tổ chức dân sự không chịu sự kiểm soát của nhà nước: Hội AEDC và Hội Nhà báo độc lập. Lê Anh Hùng bị bắt ngày 5/7/2018 và bị quy chụp vi phạm điều 331-BLHS năm 2013 (Điều 258 năm 1999).

Sau khi bị bắt, Lê Anh Hùng bị giam tại Trại Tạm giam số 2- Công an Hà Nội. Tuy nhiên, vài tháng sau đó ông Hùng bất ngờ bị chuyển từ nhà tù đến… bệnh viện tâm thần. Khi đưa ông Hùng từ nhà tù vào trại tâm thần Trung ương 1, công an không hề thông báo cho gia đình cũng như luật sư của ông theo pháp luật quy định. Bà Trần Thị Niêm chỉ biết tin này khi đến nhà tù tiếp tế cho con trai. Trước khi đi tù, ông Hùng từng bị công an bắt và bị giam giữ trong trại Tâm thần 2 lần. Trong đó, có lần kéo dài 12 ngày đêm hồi cuối năm 2013 và công an buộc phải thả ông trước sức ép của công luận trong và ngoài nước (4). Cùng bị chuyển vào trại tâm thần với Lê Anh Hùng, còn có kỹ sư, nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Trung Lĩnh nữa.

Vâng, trên đây là bốn mảnh đời con dân đất Việt, dẫu cùng mang thân phận làm người, dẫu đang mang tiếng là “tâm thần”, mà lại khác nhau một trời một vực.

Một bên là quan chức cộng sản cao cấp, nguyên thiếu tướng công an và chủ tịch thủ đô Hà Nội một thời hét ra lửa. Nay đồng chí “đã bị lộ” vì quá tham, và đồng chí ta nhũn như con chi chi, chường ra bộ mặt đau đớn vì “ung thư”, trưng ra những chiến công oanh liệt thuở mang hàm thiếu tướng công an. Và sau hết có báo đảng tận tâm tuyên truyền: hiện ảnh đang bị “tâm thần” nhớ nhớ, quên quên cũng như mới phạm tội lần đầu, tha thiết mong đảng trưởng cho chịu kỷ luật, hoặc chờ hết thời hiệu là thoát tội khỏi ngồi tù.

Bên kia là những thường dân anh dũng đấu tranh vì một VN dân chủ tự do, mong sớm thoát ách cộng sản hèn hạ thối nát. Các anh chỉ là kỹ sư, nhà văn, nhà báo không thể hét ra lửa như ông thiếu tướng công an, lại càng không có quyền uy để tham nhũng của công như ông chủ tịch thủ đô Hà Nội. Các anh chỉ đơn giản đã dám nói thẳng nói thật những thứ tội lỗi giả dối, gian ác mà đcsVN đã gây ra, đang tổn hại đến người dân cũng như nguyên khí quốc gia. Đấy là dưới sự cai trị của đcs, VN đã phân hóa thành giai cấp cai trị gồm những đảng viên “cường hào địa chủ mới” và giai cấp bị trị là thứ “nô lệ mới” bao gồm toàn thể dân tộc VN.

Điểm khác biệt còn có một bên muốn tự nhận mình là “tâm thần” và bên còn lại bị chụp mũ và gán ghép phải “tâm thần” cần điều trị. Thiếu tướng - chủ tịch Hà Nội “Chung con” chưa được phép hưởng “quy chế” vào trại tâm thần trung ương, nhưng báo đảng đã nhanh chóng “đánh hóng” cho toàn xã hội biết “bệnh tình” lâm ly bi đát, đáng thương hại và đáng tha thứ của quan tham này; riêng ba anh thường dân, kỹ sư Nguyễn Trung Lĩnh, nhà báo Lê Anh Hùng và nhà văn Phạm Thành, đã bị tống thẳng vào trại tâm thần đến cả mẹ, vợ cũng không hề hay biết. Gia đình các anh đều cho biết họ chưa hề có tiền sử bệnh tâm thần nào? Một bên mong bị “tâm thần” và một bên bị chụp cho cái mũ “tâm thần” để làm gì?

Qua báo đài của đảng cho thấy thiếu tướng – chủ tịch thủ đô đang khao khát ân điển đại xá từ đảng trưởng. Chung vốn lật lọng và chịu trách nhiệm “phụ” trong vụ thảm sát người vô tội ở Đồng Tâm. Riêng ai chịu trách nhiệm “chính” sẽ hạ hồi phân giải. Sau khi đã leo lên đỉnh vinh quang, Chung trở thành một nhân vật cộm cán trong guồng máy nhà nước cộng sản, và sau khi đã ăn tàn phá hại thủ đô đủ cách nay xộ khám, bỗng bung ra một trong tứ chứng nan y: ung thư cộng thêm điên loạn.

Khi còn ôm ghế quyền lực, chả thấy bệnh tật gì sất, thậm chí còn “ăn tạp của dân không chừa một thứ gì”. Đấy là bệnh chung của lãnh đạo cấp cao đcsVN, khi còn tại chức các vị ấy chả bao giờ than đau bụng, nhức đầu gì hết? Lúc nào vào tù mới khai ra đủ thứ bệnh mãn tính. Chả thế mà đcsVN cứ xếp sức khỏe lãnh tụ, ủy viên trung ương đảng vào danh sách tuyệt mật cả đấy. Dân bảo có dàn xếp cả rồi; đảng phán sẽ xét xử nghiêm minh, đốt lò cháy bùng rồi củi tươi quẳng vào cũng cháy ra tro, nhưng đảng cũng gắng chữa thẹn: chống tham nhũng là “ta đánh vào ta” (5), khéo lại “vỡ bình”?!?

Lý lẽ “ung thư - tâm thần” giảm nhẹ hình phạt, mà những báo đài của đảng dành cho Nguyễn Đức Chung, tựa như lý lẽ của “con heo lãnh tụ” trong tác phẩm Trại Súc Vật của nhà văn George Orwell. Con heo trong tác phẩm dẫn đầu bầy động vật tiến hành “cách mạng”, lại được hưởng đặc quyền, một mình hưởng thụ sữa bò và táo. “Heo lãnh tụ ta” tuyên truyền cho đặc quyền này như sau: Chúng tôi ăn những thứ này mục đích duy nhất là phải giữ gìn sức khỏe cho chúng tôi. Toàn bộ việc quản lý và tổ chức công việc trong khu vườn đều dựa vào chúng tôi. Chúng tôi vì hạnh phúc của mọi người mà ngày đêm tận tâm tận lực. Do đó, điều này là vì các bạn, chúng tôi mới uống sữa bò và mới ăn táo.

Nó tựa như lý luận tuyên truyền của mấy đài báo đảng, đang vây quanh xum xoe gỡ tội cho Chung vì “ung thư và tâm thần”: “Nguyên thiếu tướng – chủ tịch thủ đô Hà Nội Nguyễn Đức Chung ung thư - tâm thần vì loạt bệnh này có mục đích duy nhất là phải gỡ tội cho ngài ấy. Toàn bộ việc tham nhũng, lộ bí mật nhà nước, giết hại người vô tội đều từ ý đảng cần thi hành dựa vào ngài ấy thực hiện. Nguyễn Đức Chung vì hạnh phúc của người dân mà ngày đêm tận tâm tận lực đến mức điên loạn và ung thư. Do đó, bệnh tật này là vì các bạn, ngài Nguyễn Đức Chung mới phát ung thư và mới bị tâm thần.” (Xin lỗi nhà văn George Orwell cho người viết được nhập vai thay báo đảng gỡ cho Chung một tí)

Thế còn các vị dân đen miệt mài đấu tranh vì nhân quyền, tự do dân chủ, đòi đcsVN trả lại cho dân những nguồn tài nguyên lẽ ra dân được hưởng; những đất đai đã bị cướp đoạt; những quyền làm người đã bị đảng cưỡng bách lấy mất từ khi chào đời. Cuộc đời tù ngục của các anh tựa như số phận của chú ngựa kiệt sức bị con heo lãnh tụ lừa bán đi lấy tiền mua rượu cho chúng phè phỡn.

Trong Trại Súc Vật mô tả một con ngựa cần cù chăm chỉ, làm việc cho đến khi gục ngã. Thế là con heo lãnh tụ cử một chiếc xe kéo tới, nói là để đưa ngựa tới bệnh viện an dưỡng. Tuy nhiên, con lừa biết đọc lại phát hiện ra rằng đó là chiếc xe của một tay giết thịt. Vậy là con heo lãnh tụ tuyên truyền nói rằng chiếc xe đó đã được mua lại từ tay kẻ đồ tể, và rằng con ngựa sẽ được an dưỡng thích đáng.

Số phận chú ngựa cũng phần nào nói lên số phận của các tù nhân lương tâm bị đày đọa và bị chích thuốc, khủng bố, đánh đập để từ những con người minh mẫn bình thường, biến thành những phạm nhân mang bệnh tâm thần. Chú ngựa cũng là biểu tượng cho người dân trong một chế độ xem việc giết dân là chuyện bình thường, như vụ thảm sát cụ Lê Đình Kình ngay tại phòng ngủ trong nhà riêng cụ giữa đêm tối. Nó diễn tả những tội ác cướp đất thường nhật của đcsVN, tựa như bán thịt chú ngựa cho đồ tể. Đảng cướp một mặt tráo trở đổi bình thường thành tâm thần để chạy tội cho đảng viên, một mặt dùng bệnh “tâm thần” như vũ khí đàn áp những tiếng nói cho công bằng, lẽ phải. Và trại cải tạo chính là nơi đcsVN thao túng mọi sự dã man tột cùng của chế độ.

ĐcsVN độc quyền tuyên truyền theo kiểu “con heo lãnh tụ” trong Trại Súc Vật. Vậy nên việc đổi trắng thay đen, kim thiền thoát xác, hồn Trương Ba da hàng thịt, fake news… là những chiêu bài chuyên môn, “vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề” của báo đài quốc doanh VN. Giết dân rồi đổ tội cho dân là “cường hào địa chủ mới” (6); cướp đất của dân rồi giam lỏng không cho dân Thủ Thiêm đến tham gia đối chất với thanh tra chính phủ và lãnh đạo chính quyền tp.HCM, như trường hợp của bà Nguyễn Thùy Dương bị công an không cho ra khỏi nhà, xâm hại nghiêm trọng quyền tự do đi lại của người dân (7). ĐcsVN vẫn ngang nhiên gian dối và khủng bố người dân dã man chả khác gì hoàn cảnh động vật trong Trại Súc Vật.

Nói gì đến các anh Nguyễn Trung Lĩnh, Lê Anh Hùng và Phạm Thành vốn đang ở trong tay họ, họ muốn cùm xích, tra tấn, chích thuốc cho điên loạn hoặc mất trí nhớ đều ở trong tầm tay của công an. Công an đã bắt các anh, cũng chính công an giám định, kết luận các anh bị tâm thần; lại do công an tống các anh vào trại tâm thần; nữa là công an khẳng định các anh bị tâm thần nhưng “khi phạm tội đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự”; rồi vẫn là công an chích thuốc cho các anh khi cả ba đều là người bình thường? Ác độc hơn công an không hề thông báo cho người nhà các anh biết họ bị chuyển trại tâm thần, chỉ khi mẹ, vợ, người thân các anh đến nhà tù tiếp tế mới vỡ lẽ.

Hiện còn rất nhiều tù nhân lương tâm, như anh Trần Huỳnh Duy Thức, nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Đoan Trang… và nhiều người khác, có nguy cơ tương tự. Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defender- DTD), tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2020, chế độ cộng sản Việt Nam đang giam giữ ít nhất 276 tù nhân lương tâm, trong đó có 35 nữ tù nhân, trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ khác.

Gán cho tù nhân lương tâm bệnh tâm thần là đòn thù hèn hạ đcsVN thường sử dụng cho những ai đã vạch ra những cái xấu xa, tàn độc mà đcs đang khủng bố trên người dân. Riêng tội danh mà Nguyễn Trung Lĩnh, Lê Anh Hùng – Phạm Thành bị cáo buộc: “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”; đấy là thứ luật mơ hồ do nhà nước cộng sản viết ra nhằm trả thù, bỏ tù, dập tắt các tiếng nói bất đồng chính kiến. Cưỡng bách các anh vào viện tâm thần đủ cho thấy đcsVN đang thi hành một chính sách khủng bố những ai đấu tranh cho sự thật, dân chủ, nhân quyền.

Đúng như Trại Súc Vật mô tả, một thời gian sau, con heo lãnh tụ tuyên truyền công bố rằng con ngựa đã ra đi hạnh phúc trong bệnh viện, nhưng sự thật là con ngựa đã bị bán cho bọn đồ tể làm thịt, để lũ heo có tiền mua rượu whisky.

Đây là một thực tế tuy phũ phàng nhưng qua đó minh chứng, nhà văn George Orwell đã nói tiên tri khi viết Trại Súc Vật. Ông đã dự đoán và mô tả chính xác những gì một chế độ cộng sản đã, đang và sẽ tiếp tục đọa đày, chà đạp, hành khổ con người. Cộng sản quả là một chủ nghĩa diệt chủng, tráo trở và luôn tìm cách gây tang thương cho đồng loại.

Tại sao các anh từ những người bình thường ở ngoài đời, sau khi vào tù bị tra tấn, đàn áp tinh thần, giam giữ lại rồi còn bị đổ cho bệnh tâm thần như thế? Có chăng là công an đã tiêm thuốc hủy hoại tâm trí hầu cảnh cáo những nhà hoạt động dân chủ nhân quyền, như thế lần hồi không ai dám lên tiếng phản kháng nữa. Thế là như lũ heo lãnh đạo lại tiếp tục phè phỡn trên mồ hôi, xương máu của những ai đang cong lưng nộp thuế cho chúng tác oai tác quái thể hiện quyền lực?

VN là vậy đó, nó hiện là nơi mà uy tín đcsVN chỉ là thứ giả tạo. Bầu cử gian dối, dân chủ, nhân quyền toàn giả hiệu, bằng cấp giả, thuốc giả, đạo đức giả tràn lan, tham ô tài sản nhà nước và cướp đất đai của dân xảy ra như cơm bữa, người dân bị giết, bị chích thuốc cho điên loạn là điều tất yếu. Đảng viên sau khi bòn rút đầy túi tham, gởi con ra nước ngoài để rửa tiền ăn cắp của công, chạy chọt lấy quốc tịch nước ngoài, để khi “bị lộ” lại trơ tráo dở trò bệnh tật, ung thư, tâm thần bất kể liêm sỉ.

Còn đâu “chiếc bánh vẽ” lý tưởng cộng sản rêu rao thuở ban đầu như: bình đẳng, vô sản, vô giai cấp, giải phóng, tự do, dân chủ.. chúng đang chuyển hóa thành một lý niệm rất khác biệt. Trong đó, lý niệm theo kiểu “tất cả các loài động vật đều bình đẳng như nhau” được thay thế bằng lý niệm “tất cả các loài động vật đều bình đẳng như nhau, nhưng một số thì ‘bình đẳng’ hơn những con khác” (8).

(Nhân Ngày Quốc tế Nhân Quyền sắp đến (10/12/2020), người viết xin dùng bài này như một lời tri ân tưởng nhớ đến những hy sinh cao quý, cùng sự đồng cảm với những đau đớn thể xác – tinh thần, mà quý anh chị em tù nhân lương tâm đang phải gánh chịu hằng ngày, hằng giờ quằn quại trong chốn lao tù và trong trại tâm thần, vì công cuộc tranh đấu và nói thay tiếng nói người dân thấp cổ bé họng.

Xin vì lòng trung thành với tổ quốc, sự nhẫn nại cam chịu đủ thứ ngục hình cho tiền đồ dân tộc, sẽ được Anh linh Tiên tổ đất Việt, tựa như dãy Hoành Sơn tinh thần của Việt Nam, gia tăng lòng can trường cho quý anh chị em tù nhân lương tâm. Đồng thời biến cuộc đời tù ngục của quý anh chị em thành lời thức tỉnh cho đồng bào cả nước.

Xin ghi ơn và cảm phục tất cả các tù nhân lương tâm thân yêu.)

Tư liệu tham khảo

(1) https://www.datviet.com/1564494-2/

(2) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-hanoi-chairman-got-leniency-for-mental-illness-11272020092656.html

(3) https://www.facebook.com/profile.php?id=100026945987746

(4) Thúc Lân. 03-01-2020. chuyên mục Chân Dung Tù Nhân Lương Tâm trên đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi.

(5) https://dantri.com.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-chong-noi-xam-kho-vi-tu-ta-danh-vao-ta-20161017131013771.htm

(6) http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Thieu-tuong-To-An-Xo-noi-ve-vu-an-Dong-Tam/406966.vgp

(7) https://www.facebook.com/RFAVietnam/videos/3895594589238

(8) https://trithucvn.org/van-hoa/trai-suc-vat-biem-hoa-sau-cay-ve-cac-the-luc-thu-dich.html

Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực lần 3, dặn ‘hãy tận dụng sự ra đi của tôi’

 NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Ông Trần Huỳnh Duy Thức hiện đang tuyệt thực được chín ngày. Ông đang thọ án 16 năm tù và hiện bị giam giữ hơn 11 năm.

Hôm 2 Tháng Mười Hai, tin từ gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức cho hay, đây là lần tuyệt thực thứ ba của người tù nhân lương tâm được ghi nhận là biểu tượng của phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam. Hai lần tuyệt thực trước của ông diễn ra vào năm 2016 và 2018.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức đang thọ án 16 năm tù. (Hình: Facebook Trần Huỳnh Duy Tân)

Ông Thức hiện đang thọ án 16 năm tù với cáo buộc “Hoạt động lật đổ chính quyền” tại Trại Giam 6 ở Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Trang Facebook Trần Huỳnh Duy Thức hiện do gia đình ông quản lý, cho biết: “Các đơn [đề nghị miễn hình phạt còn lại] gửi đến tòa án của anh [Trần Huỳnh Duy Thức] đều được họ [trại giam] chuyển đến nơi nhận theo đúng quy trình. Mặc cho nỗ lực của tất cả mọi người, tòa án vẫn tiếp tục im lặng, vì vậy mà anh Thức đã quyết tâm đấu tranh đến cùng, thậm chí có phải chết để nhà nước thượng tôn pháp luật. Anh động viên gia đình là mình sẽ cố gắng đến cùng, tuy nhiên anh cũng dặn dò gia đình phải tính đến trường hợp xấu nhất.”

Trong thư đề gửi cha mình và cộng đồng, ông Thức nêu đề nghị: “Hãy tận dụng sự ra đi của tôi để đẩy cuộc đấu tranh này đến cuối cùng trong năm nay và năm sau.”

Trước hành động này, Luật Sư Ngô Ngọc Trai cùng gia đình ông Thức đã nhiều lần phát động chiến dịch kêu gọi nhà cầm quyền CSVN miễn hình phạt còn lại do ông đã bị giam giữ hơn 11 năm.

Tuy vậy, đến nay, luật sư và gia đình không nhận được bất kỳ phản hồi nào.

Hồi Tháng Chín, trả lời VOA Việt Ngữ, bà Trần Diệu Liên, chị ông Thức cho biết: “…Có một việc khá ngộ nghĩnh là trong quá trình ở tù đôi khi Thức lại chính là nguồn động viên tinh thần ngược lại cho cả gia đình. Những nhận định về tình hình chính trị thế giới, trong nước, tình hình Biển Đông, đại dịch COVID-19 và Đại Hội 13 mà Thức chia sẻ rất thú vị và ‘thời sự,’ ngay cả mình ở bên ngoài mà đôi khi còn không có được những nhận định như vậy, cách lập luận và viễn kiến của Thức giúp tôi hy vọng về tương lai đất nước nhiều hơn.”

Về ý nguyện của ông Thức là không đi tị nạn chính trị mà ở lại Việt Nam, bà Liên giải thích: “Thức chỉ chấp nhận về bằng con đường công lý, vì con đường đấu tranh cho công lý không chỉ trả tự do cho Thức mà còn làm cho luật pháp phát huy được giá trị thật sự của nó và được thượng tôn. Thức mong muốn việc trả tự do cho mình sẽ dẫn đến sự xác lập một án lệ, chứng minh tội danh ‘Lật đổ chính quyền’ chỉ hình thành khi có sử dụng đến sức mạnh vật lý.”

Bà Liên nhấn mạnh rằng việc ra nước ngoài hay vận động đặc xá “không phải là mục tiêu đấu tranh của Thức.”

Ông Trần Huỳnh Duy Thức được cho là đã từ chối đi tị nạn chính trị. (Hình: Facebook Trần Huỳnh Duy Tân)

Trần Huỳnh Duy Thức là một kỹ sư, doanh nhân Việt Nam. Ông là cựu tổng giám đốc công ty Dịch Vụ Điện Thoại Internet OCI và cũng là một nhân vật bất đồng chính kiến.

Hồi năm 2008, ông lập hai blog “Change We Need” và “Trần Ðông Chấn” đăng tải nhiều bài viết và bình luận được công luận chú ý về lãnh đạo cũng như nền chính trị Việt Nam. Ông ra tòa hồi Tháng Giêng, 2010, cùng với các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long. Ba người này đều đã ra tù. (N.H.K) [qd]

Thủy điện xả lũ, người nuôi cá ở Tây Nguyên thiệt hại nặng

 ĐẮK NÔNG, Việt Nam (NV) – Thủy điện xả lũ với lưu lượng lớn đã cuốn phăng hàng chục lồng bè nuôi cá của người dân ở của huyện Cư Jút. Cùng lúc, nước lũ trên sông dâng cao khiến hơn 800 tấn cá ở huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, bị chết và cuốn trôi.

Nói với báo Người Lao Động ngày 3 Tháng Mười Hai, ông Hồ Sơn, trưởng Phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, cho biết cơ quan hữu trách của huyện đang tổ chức thống kê thiệt hại tài sản của người dân sống ven sông Sêrêpốk sau khi nhà máy thủy điện Buôn Kuốp xả lũ.

Bà Nguyễn Thị Hoa khóc nức nở khi hàng chục lồng cá bị cuốn phăng trong chốc lát. (Hình: Cao Nguyên/Người Lao Động)

Trước đó vào rạng sáng cùng ngày, nhà máy Thủy Điện Buôn Kuốp, trên sông Sêrêpốk đã xả lũ với lưu lượng 1,100 khối/giây, làm nước trên sông chảy cuồn cuộn, dâng cao nhiều mét so với bình thường, cuốn trôi hàng chục lồng nuôi cá của người dân.

Bà Nguyễn Thị Hoa (54 tuổi, ngụ thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút) khóc nức nở vì 20 lồng cá trị giá hơn 5 tỷ đồng ($216,476) bị cuốn trôi trong ít phút.

“Tổng cộng có 20 lồng bè nuôi cá lăng đuôi đỏ, cá trắm… chuẩn bị xuất bán thì nước cuốn sạch. Khoảng 5 tỷ đồng ($216,476) tiền cá và 200 triệu đồng ($8,659) tiền lồng bè đã trôi theo dòng nước. Không chỉ trắng tay, 2 tỷ đồng ($86,594) vay mượn đầu tư giờ không biết lấy đâu ra trả,” ông Tống Văn Chung, chồng bà Hoa, nghẹn ngào nói.

Cũng theo ông Chung, khu vực nuôi thủy sản của gia đình là một nhánh phụ của sông Sêrêpốk. Những ngày qua, gia đình ông không nhận được thông báo của nhà máy thủy điện Buôn Kuốp (cách đó khoảng 3 cây số) cũng như chính quyền địa phương về việc xả lũ.

Tương tự, ông Bùi Văn Bình (58 tuổi, ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết gia đình ông đầu tư nuôi 10 lồng cá. Theo dự tính, còn khoảng hơn tháng nữa là đến thời điểm thu hoạch, nhưng nay mất trắng.

“Vào khoảng 4 giờ 30 phút sáng 3 Tháng Mười Hai, nước trên sông Sêrêpốk bắt đầu chảy xiết và dâng cao rất nhanh. Nước chảy mạnh đến nỗi xé rách lưới, cuốn trôi, nhấn chìm năm lồng cá của tôi trong nháy mắt. Năm lồng cá còn lại được neo gần bờ nhưng cũng bị nước xé rách lưới, cá chết và tuồn ra ngoài hết sạch,” ông Bình cho biết.

Ông Hồ Sơn cho hay: “Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp được xây dựng hơn 20 năm qua. Đây là lần thứ 2 (lần đầu vào năm 2017), nhà máy này xả lũ khiến nước sông Sêrêpốk dâng cao đến vậy.”

Trong khi đó theo báo Thanh Niên, từ chiều 2 Tháng Mười Hai đến nay, nước lũ trên sông Krông Ana bất ngờ dâng cao khiến cho 119 lồng, với khoảng 833 tấn cá (đa số là cá rô phi và cá diêu hồng) tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, bị vỡ tràn ra ngoài, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi.

Để vớt vát phần nào chi phí, nhiều gia đình nuôi cá đã dùng thuyền máy đi vớt cá và chở cá về nhà để bán rẻ lại cho các thương lái.

Cá nuôi trong lồng trên sông Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, bị chết do nước lũ về quá mạnh. (Hình: Thanh Niên)

Một thương lái thu mua cá cho hay bình thường cá rô phi, cá diêu hồng được mua với giá từ 35,000 đến 45,000 đồng ($1.5 đến $1.9)/kg, nhưng nay do lũ phá nên lượng cá quá nhiều, phải mua thấp hơn phân nửa giá bình thường để dễ tiêu thụ.

Tin cho biết, tại thị trấn Buôn Trấp, ngoài việc nhấn chìm, cuốn trôi hàng trăm bè cá, nước lũ đã tràn lên gây ngập nhiều nhà dân ở đường Nơ Trang Gư. Rất may khi thấy nước sông bắt đầu dâng cao, người dân đã kịp thời di tản tài sản để hạn chế tối đa thiệt hại. (Tr.N) [qd]

Hòa Bình bắt xe chở nửa tấn thịt và heo sống mắc bệnh dịch tả đi tiêu thụ

 HÒA BÌNH, Việt Nam (NV) – Cục Quản Lý Thị Trường tỉnh Hòa Bình đã bắt giữ một vụ vận chuyển gần nửa tấn thịt và heo sống đang nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi đưa đi tiêu thụ.

Theo báo Tuổi Trẻ ngày 2 Tháng Mười Hai, Cục Quản Lý Thị Trường phối hợp với Công An tỉnh Hòa Bình đã chặn bắt xe vận tải chở 180 kg thịt heo và số heo sống khoảng 300 kg đang được vận chuyển từ vùng công bố dịch tả heo Châu Phi trong tỉnh mang đi bán cho người dân tiêu thụ.

Xe chở heo sống và thịt heo nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi bị chặn bắt. (Hình: Tuổi Trẻ)

Qua kiểm tra, lực lượng hữu trách phát giác trên xe vận tải có ba bao tải đựng thịt heo và nội tạng heo; năm con heo còn sống. Toàn bộ số hàng hóa trên là của ông Ngần Văn Giáp (ở xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình).

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy mẫu gửi Chi Cục Thú Y Vùng 1 xét nghiệm. Kết quả cho thấy 5/5 mẫu mang đi xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với virus Asfarviridae, gây bệnh dịch tả heo Châu Phi. Giới hữu trách đã tiến hành tiêu hủy số heo trên, đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 17.5 triệu đồng ($757) đối với chủ lô hàng.

Liên quan đến bệnh dịch tả heo Châu Phi, chiều 3 Tháng Mười Hai, báo Thanh Niên dẫn lời ông Lô Xuân Du, chủ tịch xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, cho biết chính quyền xã này vừa cho thu gom, tiêu hủy gần 100 con heo nhiễm dịch bệnh bị vứt bỏ tại khu vực giáp ranh giữa hai xã Nghĩa Lạc và xã Xuân Bình, thuộc huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Trước đó, khoảng 4 giờ sáng cùng ngày, người dân thấy số heo này bị vứt bỏ tại đây nên báo cho chính quyền xã. Qua kiểm tra, gần 100 con heo rất yếu và nhiều con đã chết đều có biểu hiện bị mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi. Theo ông Du, có thể số heo này bị vứt bỏ vào đêm 2 Tháng Mười Hai, do khu vực này ít người qua lại.

Sau khi phát hiện sự việc, chính quyền địa phương đã thu gom, xử lý tiêu độc, khử trùng và tiêu hủy số heo này để tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Tin cho biết sau thời gian tạm lắng, gần đây bệnh dịch tả heo Châu Phi xuất hiện trở lại ở một số tỉnh thành như Bình Phước, Long An, Hòa Bình… với nhiều ổ dịch buộc cơ quan hữu trách phải tiêu hủy heo, khoanh vùng xử lý tiệt trùng để tránh nguy cơ lây lan diện rộng.

Gần trăm con heo bệnh bị vứt bỏ ở Nghệ An được mang đi tiêu hủy. (Hình. Minh Thái/Infonet)

Báo chí trong nước dẫn tin từ Cục Thú Y thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn cho hay từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh dịch tả heo Châu Phi đã phát sinh tại 773 xã của 217 huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy là 34,000 con.

Để bù vào số heo thịt bị thiếu hụt và kéo giảm giá thịt heo tại Việt Nam, 15 doanh nghiệp trong nước đã ghi danh nhập cảng 1.9 triệu con heo thịt từ Thái Lan. Số heo nhập cảng này được tám doanh nghiệp Thái Lan cung cấp và đã được cơ quan thú y hai nước công nhận “đủ điều kiện xuất cảng heo sống vào thị trường Việt Nam.” (Tr.N) [qd]

Hồ Thị Kim Thoa trốn tại Pháp, bị khai trừ đảng… từ xa

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu thứ trưởng Công Thương CSVN, đang trốn tại Pháp, vừa bị CSVN khai trừ đảng vì “Vi phạm quản lý đất đai và tài sản nhà nước.”

Hôm 2 Tháng Mười Hai, nhiều báo nhà nước đưa tin biện pháp này được công bố trong bối cảnh bà Thoa đang định cư tại Pháp và hai tuần trước, mạng xã hội dấy lên tin bà cựu thứ trưởng sắp sửa bị dẫn độ về Việt Nam. Đến nay, chưa có chỉ dấu nào cho thấy tin đồn này sắp trở thành sự thật.

Bà Hồ Thị Kim Thoa là cựu thứ trưởng Công Thương CSVN. (Hình: VietNamNet)

Báo Zing dẫn cáo buộc của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương nói bà Thoa đã có những vi phạm liên quan đến dự án “khu đất vàng” ở 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, Sài Gòn.

Sai phạm của bà Thoa bị cho là “rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Công Thương.”

Tuy vậy, biện pháp khai trừ đảng xem ra không có tác dụng đối với bà Thoa, vì cũng theo báo nhà nước, từ sau khi có quyết định nghỉ hưu, bà Thoa “đã bỏ sinh hoạt đảng và xuất cảnh.”

“Khai trừ đảng” được xem là biện pháp kỷ luật nghiêm khắc nhất trong nội bộ đảng CSVN và thường được tiến hành với việc bắt giam, khởi tố quan chức “vào lò Nguyễn Phú Trọng.”

Tuy vậy, biện pháp này chỉ hữu hiệu trong trường hợp quan chức bị kỷ luật vẫn còn ở Việt Nam và chưa có quốc tịch nào khác. Trong trường hợp bà Thoa được xác nhận trốn sang Paris mà vẫn chưa bị dẫn độ về Hà Nội, dù giữa hai nước có ký hiệp định dẫn độ, không loại trừ khả năng bà này nhập cảnh Pháp không phải bằng quốc tịch Việt Nam mà là một quốc tịch nào khác.

Trong vụ án này, các báo đảng nhấn mạnh rằng cơ quan điều tra Bộ Công An CSVN “đã tiến hành các thủ tục với Interpol để phối hợp với cảnh sát nước ngoài bắt bị can [Hồ Thị Kim Thoa] về nước xử lý theo quy định của pháp luật.”

Tuy vậy, một điều khoản trong hiệp định dẫn độ Việt-Pháp có đề cập về một số trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ như: “Đối với các tội phạm được Pháp xác định là tội phạm chính trị hoặc hành vi liên quan đến tội phạm chính trị; hoặc Pháp có lý do xác đáng để cho rằng việc dẫn độ được yêu cầu nhằm mục đích truy tố hoặc trừng phạt một người vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch hoặc chính kiến; hoặc trong trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ sẽ bị xét xử bởi một tòa án không đáp ứng các bảo đảm cơ bản về thủ tục…”

Bà Hồ Thị Kim Thoa (trái) trong một cuộc họp. (Hình: Tuổi Trẻ)

Ngoài ra là trường hợp từ chối dẫn độ vì “lý do nhân đạo,” trong trường hợp việc chuyển giao người bị yêu cầu dẫn độ “có thể gây ra cho người đó những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chủ yếu do tuổi tác hoặc tình trạng sức khỏe.”

Đến nay, khi được các phóng viên quốc tế hỏi về vụ bà Thoa, cả Bộ Công An lẫn Bộ Ngoại Giao CSVN đều trả lời chung là “chưa có thông tin.” (N.H.K) [qd]

Bà Rịa bắt cha con đại gia có biệt thự ‘dát vàng’ vì ‘cho vay cắt cổ’

 BÀ RỊA-VŨNG TÀU, Việt Nam (NV) – Đại gia sở hữu biệt thự “dát vàng” nổi tiếng ở thị xã Phú Mỹ, bị tố cáo đã cho vay nặng lãi và ép con nợ đến đường cùng “tán gia bại sản.”

Ngày 2 Tháng Mười Hai, ông Lê Thái Thiện (còn gọi là Thiện “Soi,” 55 tuổi), cùng con trai là Lê Thái Phong (20 tuổi, ở xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ) đã bị Công An thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, bắt tạm giam hai tháng với cáo buộc “Cho vay lãi nặng” và “Rửa tiền.”

Ông Lê Thái Thiện chứng kiến công an khám xét nhà mình. (Hình: Trường Hà/VNExpress)

Theo báo VNExpress, sau buổi khám xét kéo dài nhiều giờ tại ngôi biệt thự “dát vàng” Thiện Soi nằm trên quốc lộ 51, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, vào tối 1 Tháng Mười Hai, công an thu giữ cả trăm Giấy Chứng Nhận Quyền Sở Hữu Nhà Đất (sổ đỏ), giấy tờ cho vay tiền, hai khẩu súng bắn đạn bi, hai xe hơi hạng sang do ông Thiện đứng tên… được cho là “tang vật vụ án.”

Trước đó, khi biết tin công an đến khám nhà, ông Lê Thái Phong đã đốt một số giấy tờ cho vay nhằm phi tang. Động thái này bị Công An thị xã Phú Mỹ đưa ra sau khi xác minh đơn tố cáo của nhiều người, cho rằng trót vay tiền của cha con ông Thiện với lãi suất đến 12% mỗi tháng, rồi sau đó không có khả năng trả. Họ bị cha con ông Thiện ép phải bán tài sản.

Là người đầu tiên tố cáo ông Thiện, ông Lưu Ngọc Tư (42 tuổi), cựu chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ thị xã Phú Mỹ, cho biết ông bị “đẩy vào bước đường cùng” vì mượn nợ của cha con ông Thiện.

Khoảng Tháng Ba, 2017, ông Tư tìm đến nhà ông Thiện vay 500 triệu đồng ($21,676) để đầu tư bất động sản và xây văn phòng công ty. Đôi bên thỏa thuận lãi suất 0.35% mỗi ngày, thời hạn trả lãi 10 ngày.

Thế là từ Tháng Ba, 2017, đến Tháng Năm, 2020, ông Tư vay của ông Thiện tổng cộng 32.5 tỷ đồng ($1.4 triệu) để gom đất. Tuy nhiên, do công việc kinh doanh thất bại, ông Tư không xoay được số tiền lãi hơn 3 tỷ đồng ($130,019) mỗi tháng.

“Cứ 10 ngày phải chốt lãi, tôi không có tiền trả thì bị cộng dồn tiền lãi thành tiền gốc, tiếp tục tính lãi trên số tổng đó nên tiền nợ sinh sôi rất nhanh, và rồi bị ông Thiện buộc phải trả tổng cộng hơn 155 tỷ đồng ($6.71 triệu). Trong số đó, tôi đã trả cho ông Thiện 27 tỷ đồng ($1.17 triệu) tiền mặt và cấn bốn lô đất có giá hơn 110 tỷ đổng ($4.77 triệu), nhưng hiện vẫn còn bị ghi nợ 18.5 tỷ đồng ($802.297),” ông Tư lý giải.

Theo ông Tư, ông đã nhiều lần “lôi hết ruột gan” xin ông Thiện khóa nợ gốc để trả từ từ, tạo cơ hội cho ông làm lại từ đầu nhưng đều bị khước từ. Hồi Tháng Sáu vừa qua, bị cha con ông Thiện chửi bới, bôi nhọ, ông Tư buộc phải làm đơn tố cáo. Kể từ đó, ông Thiện không còn tìm gặp và cũng không đòi nợ nữa.

Cùng là một trong những người gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra, bà Trần Quốc Phú (ngụ ở thị xã Phú Mỹ) cho báo Zing biết hồi năm 2017, bà vay ông Thiện 1 tỷ đồng ($43,381) với lãi suất 0.35% mỗi ngày, tương đương 10.5% mỗi tháng. Thế là cứ 10 ngày, ông Thiện lại đến thu tiền lãi. Và rồi thời gian bà Phú làm ăn khó khăn, không trả lãi đúng hạn thì khoản phát sinh bị cộng dồn vào tiền gốc.

Rất nhiều công an khám xét biệt thự Thiện Soi nằm bên quốc lộ 51,thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu. (Hình: T.K/Zing)

“Ông Thiện 10 ngày đi thu lãi một lần, không trả đúng hạn sẽ bị cộng dồn vào tiền gốc tiếp tục sinh lãi. Vì vậy người vay 100 triệu đồng ($4,337) cũng có thể phá sản,” bà Phú nói.

Sau khi trả lãi số tiền lớn, bà Phú không còn tiền trả nợ nên xin ông Thiện được trả góp hằng tháng, song ông Thiện không đồng ý. Bị đe dọa, bà Phú phải mượn sổ đỏ thế chấp cho chủ nợ.

Sau đó, để được khất nợ, bà Phú phải tiếp tục ủy quyền một sổ đỏ khác cho người thân của ông Thiện. “Lúc này, ông Thiện buộc tôi phải trả 10 tỷ đồng ($433,803) mới trả lại hai sổ đỏ. Tôi cố năn nỉ xin trả sổ lại để bán lấy tiền trả nợ, nhưng họ không đồng ý,” bà Phú kể.

Bị bức ép, bà Phú đã gửi đơn cầu cứu đến cơ quan hữu trách. Ngoài hai người trên, một số người khác xác nhận đã cung cấp chứng cứ về việc cho vay nặng lãi của ông Thiện để công an điều tra.

Công an phong tỏa trước biệt thự của ông Thiện. (Hình: Trường Hà/VNExpress)

Ông Lê Thái Thiện xây biệt thự Thiện Soi (ghép tên hai vợ chồng) theo kiến trúc Châu Âu trên khu đất rộng hơn 3,000 mét vuông, bên ngoài sơn màu vàng, họa tiết trang trí bên trong ngôi nhà được cho là “dát vàng” và bài trí nhiều đồ gỗ, đồ cổ.

Một căn tương tự cách đó chừng vài trăm mét cũng thuộc sở hữu của gia đình ông Thiện. Vị đại gia này còn sở hữu nhiều xe hơi hạng sang, môtô phân khối lớn và xe gắn máy cổ. Việc khám xét biệt thự của ông Thiện đã thu hút rất đông người dân theo dõi. (Tr.N) [qd]

Nhóm cảnh sát giao thông huyện ở Bắc Giang đánh, chửi tài xế xe vận tải

 BẮC GIANG, Việt Nam (NV) – Ba viên cảnh sát giao thông huyện Việt Yên đã chửi thề, hành hung một tài xế xe vận tải khiến công luận bất bình.

Ngày 2 Tháng Mười Hai, dưới sức ép của công luận, giám đốc Công An tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo giới hữu trách công an xác minh, làm rõ sự việc ba viên cảnh sát giao thông huyện Việt Yên “dùng tay đánh người vi phạm.”

Cán bộ Cảnh Sát Giao Thông tỉnh Bắc Giang dùng gậy đập cửa xe rồi lấy tay đánh vào đầu và mặt nam tài xế. (Hình: VTC News)

Theo báo Tuổi Trẻ, khoảng 10 giờ 25 phút sáng 29 Tháng Mười Một, tổ Cảnh Sát Giao Thông Công An huyện Việt Yên đi tuần tra “xử lý vi phạm giao thông” trên tuyến quốc lộ 17 thuộc huyện Việt Yên.

Tại đây, tổ công tác thấy một xe vận tải “có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải” nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, nhưng tài xế lái xe bỏ chạy đến xã Việt Lập, huyện Tân Yên, và vướng vào barie hạn chế chiều cao không thể chạy được mới dừng lại.

Trong lúc xử lý, ba viên cảnh sát giao thông là Thiếu Tá Hoàng Anh Cường, Đại Úy Tống Kiên Cường, và Thượng Úy Đỗ Trọng Đại đã “có lời nói không đúng mực (chửi thề), lôi kéo, tát vào mặt tài xế xe tải, vi phạm điều lệnh Công An Nhân Dân.”

Tất cả hành động của nhóm công an đã bị camera đặt trong xe vận tải quay lại. Hình ảnh từ clip 36 giây cho thấy khi xe vận tải dừng lại, nhóm cán bộ cảnh sát giao thông đã lao lên đập cửa xe, đánh liên tiếp vào đầu và mặt tài xế, kèm theo tiếng chửi thề. Đoạn video clip sau đó được đăng lên mạng xã hội Facebook và chia sẻ mạnh trên mạng, với cả ngàn lượt xem, yêu thích và bình luận với đa phần không đồng tình với thái độ côn đồ của nhóm công an.

Nói với báo Tuổi Trẻ chiều 2 Tháng Mười Hai, Thượng Tá Nguyễn Hồng Sơn, trưởng Công An huyện Việt Yên, cho biết sau khi nắm được thông tin, công an huyện đã yêu cầu các cán bộ cảnh sát giao thông viết báo cáo, tường trình.

“Hiện Thanh Tra Công An tỉnh đang xác minh về hành vi, lời nói không đúng điều lệnh Công An Nhân Dân. Về kết quả xử lý sai phạm thì giám đốc công an tỉnh đã yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định,” ông Sơn nói.

Đây chỉ là một trong hàng trăm vụ cán bộ cảnh sát giao thông ở Việt Nam hành hung người dân bị camera vô tình ghi lại được bằng chứng.

Trước đó ngày 11 Tháng Chín vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video clip dài hơn ba phút tố Cảnh Sát Giao Thông huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, đã lạm dụng quyền lực đánh người đi đường.

Báo báo Zing dẫn nội dung clip cho thấy cảnh anh Nguyễn Đức Giang tố cán bộ tên Đoàn Như Luận làm nhiệm vụ trên quốc lộ 3B hướng Vĩnh Lộc-Yên Nguyên đã vụt gậy vào mặt vợ anh là chị Nông Thị Mai (21 tuổi, xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang) để ra hiệu dừng xe.

Clip thể hiện trên Facebook cho thấy chị Mai ngồi khóc tức tưởi vì đau đớn với gương mặt sưng đỏ, chảy máu mũi, miệng và mắt bị sưng đỏ đứng gần tổ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Ngay cạnh đó là anh Giang đang dùng điện thoại quay lại toàn bộ sự việc, có sự làm chứng của anh Nông Đức Anh (17 tuổi, ở xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang) người chạy xe gắn máy cùng chiều với vợ chồng anh đã chứng kiến sự việc.

“Đoạn đường đang vào khúc cua, vợ tôi không kịp xử lý để dừng xe theo hiệu lệnh thì bị cảnh sát giao thông vụt gậy vào mặt,” anh Giang bất bình chia sẻ với người dân xung quanh.

Sau đó, anh Giang tỏ ra tức giận và yêu cầu tổ công tác kêu Công An xã Yên Nguyên đến lập biên bản sự việc và đưa vợ mình đi bệnh viện cấp cứu. Thấy người dân đến xem ngày càng đông, mặt nạn nhân ngày càng sưng tím, một cán bộ cảnh sát giao thông định đưa chị Mai đi cấp cứu, nhưng anh Giang nhất quyết chờ công an xã đến hiện trường…

Nạn nhân Nông Thị Mai bị gậy của viên Cảnh Sát Giao Thông Tuyên Quang đập vào mặt gây thương tích nặng. (Hình: Kinh Tế và Xã Hội)

Thế nhưng giải thích với các báo nhà nước, Trung Tá Đào Đức Phương, đội trưởng Đội Cảnh Sát Giao Thông huyện Chiêm Hóa, Công An tỉnh Tuyên Quang, cho rằng do chị Mai chở theo chồng “di chuyển với tốc độ cao, không có gương chiếu hậu,” nên cán bộ Đoàn Như Luận đã dùng gậy “chỉ huy giao thông ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.”

Tuy nhiên sau khi kiểm tra vết thương, các bác sĩ tại Trung Tâm Y Tế huyện Chiêm Hóa chẩn đoán chị Mai bị “Vỡ xương cánh mũi phải; chấn thương mắt trái; tác động dụng phải nhãn cầu. Yêu cầu chuyển tuyến trên (bệnh viện tỉnh) điều trị.” (Tr.N) [qd]

Nông dân Quảng Trị sắp đói vì ruộng nương bị vùi lấp, tan hoang sau lũ

QUẢNG TRỊ, Việt Nam (NV) – Phù sa là thứ cần thiết để có những mùa bội thu. Song, bùn đất đóng dày cả mét trên ruộng đồng sau “trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Trị” vừa qua đã để lại sự ám ảnh cho người nông dân.

Nói với báo Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng, chủ tịch tỉnh Quảng Trị, cho biết thiệt hại do lũ lụt liên tiếp ở tỉnh này là rất lớn, song “khủng khiếp nhất” là lượng bùn đất đã vùi lấp khoảng 1,650 hécta ruộng nương. Với diện tích lớn như vậy, việc cải thiện đồng ruộng gặp nhiều khó khăn, cần nhiều phương tiện cơ giới và nhân công lớn mới có thể hoàn thành.

Một mảnh ruộng ở Quảng Trị bị bùn đất vùi lấp sau khi lũ rút. (Hình: Hoàng Táo/VNExpress)

Ngày 1 Tháng Mười Hai, ông Hồ Văn Rào (46 tuổi, trú xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đi xem ruộng để tính việc sản xuất. Thế nhưng hơn một tháng sau lũ, cả hécta ruộng lúa và rẫy sắn của ông Rào vẫn ngổn ngang đá tảng, gỗ rừng và cát sỏi.

Băng qua bãi cát sát sông Nguồn Rào, nói với báo VNExpress ông Rào cho biết trước trận lũ hồi Tháng Mười, nơi đây từng là mảnh ruộng màu mỡ nuôi sống gia đình ba người. Giờ, ruộng bị cát phủ dày khoảng 70 cm. Một phần ruộng khác bị sông cuốn trôi. Rẫy sắn trồng 10 tháng qua chuẩn bị thu hoạch bị núi lở vùi lấp, ngổn ngang đá tảng, cây rừng.

Tranh thủ ngày nắng, ông Rào mang hai bao lúa bị ẩm sau mưa ra phơi trước sân nhà. Đây là số lương thực còn lại để gia đình ông ăn trong sáu tháng tới. “Ruộng nương bị vùi lấp, gia đình chưa biết phải trồng cây gì để sinh sống,” ông Rào lo lắng nói.

“Ở xã Hướng Sơn có hơn 192 hécta trồng lúa nước, nhưng mưa lũ khiến 90 hécta bị vùi lấp bởi đá và gỗ rừng nên không thể sản xuất. Do vậy, thời gian sắp tới người dân gặp khó khăn về lương thực, nguy cơ thiếu đói là rất lớn,” ông Lê Trọng Tường, chủ tịch xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, nói.

Tương tự, đứng giữa bãi bùn đã khô lại như sa mạc, bà Nguyễn Thị Lương (65 tuổi, ở xã Triệu Nguyên, huyện Đắkrông) không thể hình dung đâu là vị trí nương ngô xanh tốt trước đây của gia đình.

“Tôi sống đến chừng này tuổi chưa bao giờ thấy bùn đất đổ về khủng khiếp đến thế. Tôi thực sự trắng tay,” bà Lương nhìn xa xăm nói.

Nhưng nỗi ám ảnh trên không chỉ hiện diện ở xã Hướng Sơn, Triệu Nguyên, mà ở xã Ba Lòng bên kia sông Đắkkrông với hàng trăm gia đình nông dân cũng đang rối bời vì đồng đất bị vùi lấp.

Hay ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, nơi từng bị cô lập nhiều ngày sau lũ dữ, có đến 500 hécta đất sản xuất nông nghiệp đã thành bình địa vì… bùn.

Ruộng lúa của gia đình ông Hồ Văn Rào bị vùi lấp hoàn toàn bởi cát. (Hình: Hoàng Táo/VNExpress)

“Khoảng vườn đó chúng tôi trồng lúa nếp, giờ mất hết rồi, Tết này lấy gì ăn đây,” ông Hồ Văn Vươn (ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa) chỉ tay về khoảng đất rộng mênh mông nói.

Không chỉ có Quảng Trị, sau khi khảo sát một số vùng bị bồi lấp tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Viện Khoa Học Nông Nghiệp Việt Nam đánh giá mức độ bồi lấp lớn và dày. Tầng bồi lấp trên cùng là lớp đất sét nặng nên rất khó để canh tác ngay nếu không cải thiện.

Ông Lê Xuân Uyển (56 tuổi, trú xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) nhìn cánh đồng bị đất bùn bồi lấp dày gần 1 mét không thể gieo trồng vụ lúa Đông Xuân, ngao ngán vì nếu muốn gieo trồng, phải mất nhiều thời gian và công sức.

Các trang trại lớn nhỏ dọc sông Đắkrông ở xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, tan hoang sau mưa lũ. (Hình: Thanh Lộc/Quảng Trị)

Theo kinh nghiệm của ông Uyển, lượng đất bồi lấp có một số yếu tố độc hại cho cây, nếu trồng lúa thì sẽ hư rễ và chết. “Chúng tôi lo lắng vì không kịp thời vụ mà cũng không biết trồng cây gì nữa,” ông Uyển nói.

Chính quyền tỉnh Quảng Trị đang huy động nhân lực cùng phương tiện để san gạt, cải thiện đồng ruộng bị vùi lấp, nhằm sớm chuẩn bị cho vụ Đông Xuân vào tháng tới, nhưng không biết có dọn hết hay không. (Tr.N) [qd]