Wednesday, September 23, 2015

Dân phá quốc lộ, mở đường cho người và trâu bò

QUẢNG BÌNH (NV) - Quốc lộ 1 đoạn đi qua tỉnh Quảng Bình vừa được mở rộng, nâng cấp thì đã bị người dân tháo dỡ dãy phân cách, phá bỏ lưới chống chói để mở đường băng ngang cho người và trâu bò.

Theo mô tả của tờ Thanh Niên ngày 22 tháng 9, ngay từ khi các đơn vị thi công vừa lắp đặt dãy phân cách và gắn tấm lưới chống chói thì đã bị người dân phá bỏ để mở đường băng ngang.

Nhiều đoạn lưới chống chói bị phá bỏ để làm nơi leo trèo qua lại. (Hình: Thanh Niên)

Cụ thể, đi từ xã Lộc Ninh, thành phố Ðồng Hới đến huyện Quảng Trạch, phóng viên Thanh Niên đã ghi nhận rất nhiều nơi bị phá hoại. Nghiêm trọng nhất là các đoạn qua Thanh Khê, xã Thanh Trạch và Lý Hòa, xã Hải Trạch, thuộc huyện Bố Trạch; đoạn Quảng Thuận, thị xã Ba Ðồn; đoạn Quảng Hưng, Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch,...

Tin cho hay, các tấm lưới bị tháo mất, có nơi thì còn treo lủng lẳng; nhiều chỗ lại bị đập bung ra cong queo rất thảm hại. Nhiều điểm người dân còn kê gạch làm bậc để dễ trèo. Có nơi cả đoạn dãy phân cách bê tông bị hất xuống vệ đường.

Theo phúc trình của công ty Tasco, chủ đầu tư đoạn quốc lộ qua huyện Quảng Trạch, thị xã ba Ðồn và huyện Bố Trạch, tính đến tháng 7, 2015, chỉ riêng đoạn đường 30 cây số đã có 48 vị trí bị phá hoại.

Trâu, bò “vô tư” qua lại nơi dãy phân cách bị phá. (Hình: Thanh Niên)

Ðể bảo vệ và bảo đảm an toàn giao thông cho người dân đi qua đoạn đường này, ủy ban tỉnh Quảng Bình yêu cầu các cơ quan chức năng từ công an đến chính quyền khắp nơi “điều tra, tăng cường tuyên truyền, vận động và nghiêm cấm các hộ gia đình dọc quốc lộ 1 không phá hoại xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.”

Thế nhưng, trên thực tế tình hình phá hoại ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây bất an cho xe cộ qua lại. “Trong thời điểm chập choạng hay buổi tối thì đúng là nỗi ám ảnh với cánh lái xe. Chúng tôi chạy quen tuyến mà vẫn chùn tay,” ông Lê Mỹ, một tài xế địa phương quan ngại.

Trả lời phóng viên Thanh Niên, ông Trần Văn Luận, phó giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải Quảng Bình chỉ biết nói trong sự bất lực: “Việc tự ý tháo dỡ, mở lối đi thể hiện ý thức, cách sống tùy tiện của một số người sống dọc quốc lộ và vi phạm pháp luật.” (Tr.N)

09-22-2015 2:36:23 PM

RSF: Vẫn còn 15 người cầm bút bị cầm tù tại Việt Nam

PARIS (NV) .- Ít nhất vẫn còn 15 người cầm bút bầy tỏ chính kiến hay viết blog đang bị cầm tù tại Việt Nam với các bản án khác nhau và giam giữ rải rác tại nhiều nơi tại Việt Nam.

LM Nguyễn Văn Lý bị Công an CSVN bịt miệng không cho nói tại phiên tòa ngày 30/3/2007. Ngài bị bắt giam ngày 18/2/207 và bị kết án 8 năm tù vì bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước” đến nay đã quá 8 năm vẫn chưa được thả. (Hình: Internet)

Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF (Reporters Sans Frontières) hôm Thứ Ba 22/9/2015 phổ biến một bản tuyên bố bầy tỏ sự hài lòng khi hay tin blogger Tạ Phong Tần đã được trả tự do và đến Mỹ. Tuy nhiên, RSF chỉ ra rằng hiện còn ít nhất 15 người cầm bút khác vẫn còn đang bị giam giữ.

Bà Tạ Phong Tần, 47 tuổi, được nhà cầm quyền CSVN ra quyết định “tạm hoãn thi hành án” và đã đến Hoa Kỳ ngày 19/9/2015 vừa qua nhờ các áp lực của chính phủ Hoa Kỳ. Bà bị bắt hồi năm 2011 và bị đưa ra tòa vì bị vu cho tội “Tuyên truyền chống chính phủ...” qua các bài viết phân tích, bình luận thời sự và đòi hỏi tự do dân chủ trên các blogs “Công Lỳ và Sự Thật”, và “Sự thật và Công Lý”.

Trong khi bà Tạ Phong Tần được trả tự do thì ông Trần Anh Kim, 66 tuổi, một cựu sĩ quan quân đội CSVN ở Thái Bình, từng bị nhà cầm quyền bỏ tù hơn 5 năm với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước...” được thả ra từ hồi Tháng Giêng vừa qua, lại vừa bị bắt bắt giam trở lại từ hôm Thứ Hai đến nay. Hiện chưa có tin gì và tại sao ông bị bắt.

“Chúng tôi rất vui khi được hay tin bà Tạ Phong Tần đã ra khỏi nhà tù sau 4 năm bị nhốt trong tình trạng tồi tệ kinh hoàng.” Ông Banjamin Ismail, trưởng ban Á Châu vụ của tổ chức RSF phát biểu trong bản tin của tổ chức. “Đồng thời, chúng tôi muốn nêu ra là còn 15 bloggers khác, cũng là những người công dân cầm bút khác vẫn còn đang ở trong các nhà tù tại Việt Nam chỉ vì họ thực thi quyền công dân, cung cấp cho đồng bào và mọi người trên thế giới các thông tin gồm cả thông tin nhân quyền. Chúng tôi kêu gọi nhà cầm quyền trả tự do cho họ.”

Theo RSF để bắt bỏ tù các người viết blogs cá nhân bầy tỏ chính kiến hay đưa các thông tin ngược với đường lối thông tin tuyên truyền một chiều của nhà cầm quyền, chế độ Hà Nội đã sử dụng những điều luật mơ hồ của Bộ Luật Hình Sự được coi là ngược với các điều ước quốc tế như Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà nhà cầm quyền đã ký cam kết tuân theo.

Bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước...” theo điều 88 hay “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ...” theo điều 258, hoặc một số điều luật khác như “Gây rối trật tự công cộng...”(Điều 245) , “Phá hoại chính sách đoàn kết...” (Điều 87) đều bị kết án tù rất nặng.

Theo RSF, guồng máy công an đã sử dụng 'xã hội đen' làm tay sai, hoặc nhiều khi là những công an giả danh 'xã hội đen,' chận đường hành hung, phá nhà, cướp tài sản của những người tham gia vận động dân chủ hóa đất nước.

Thời gian gần đây, những vụ hành hung rất dã man những người bất đồng chính kiến xảy ra rất nhiều chứng tỏ CSVN ngày càng gia tăng các trò trấn áp bằng bạo lực.

Hơn hai năm qua, Hà Nội trả tự do nhỏ giọt một số rất ít các người Việt Nam đấu tranh đòi hỏi tự do dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí rồi bị bắt bỏ tù. Một số người cho rằng CSVN thả một số người rồi lại bắt ngay một số người khác để sử dụng như những món hàng mặc cả với Mỹ về những chuyện khác.

RSF đưa ra danhsách 15 bloggers còn đang bị cầm tù, hoặc đã có án hoặc chưa, như sau: Phạm Minh Vũ, bị giam từ ngày 12/2/2015. Nguyễn Ngọc Già, bị giam từ ngày 27/12/2014. Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm) bị giam từ ngày 5/5/2014. Nguyễn Thị Minh Thúy, bị giam từ 5/5/2014. Bùi Thị Minh Hằng, bị giam từ ngày 11/2/2014. Ngô Hào, bị giam từ 11/9/2013. Đinh Nguyên Kha, bị giam từ 19/10/2012. Lê Thanh Tùng, bị giam từ 1/12/2011. Trần Vũ An Bình, bị giam từ 19/9/2011. Đặng Xuân Diệu, bị giam từ 30/7/2011. Hồ Đức Hòa, bị giam từ 30/7/2015. LM Nguyễn Văn Lý, bị giam từ 25/7/2011. MS Nguyễn Công Chính, bị giam từ 28/4/2015. Nguyễn Ngọc Cường, bị giam từ Tháng 4-2011. Trần Hùynh Duy Thức, bị giam từ 7/7/2010.

Sau khi hộ tống bà Tạ Phong Tần đến Mỹ, tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho tất cả các tù nhân hiện đang bị giam cầm chỉ vì họ đòi hỏi các quyền tự do căn bản của người dân.

“Chúng tôi hoan nghênh nhà cầm quyền CSVN quyết định thả bà Tạ Phong Tần để bà quyết định đến Hoa Kỳ sau khi được trả tự do.” Ông Terry White, viên chức giao tế dân sự của tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội nói với hãng thông tấn AP.

Ông White phát biểu tiếp rằng “Chúng tôi vẫn vô cùng quan tâm đến tất cả các tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Họ bị tù đày chỉ vì thực thi nhân quyền và các quyền tự do căn bản. Chúng tôi kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do vô điều kiện cho hết tất cả những tù nhân đó và để cho người dân Việt Nam được bầy tỏ quan điểm chính trị mà không sợ bị trả thù.” (TN)
09-22- 2015 4:17:02 PM

Hà Nội mùa ‘lội’ nước

Đánh từ khóa “Hà Nội lụt” lên google có thể tìm thấy gần 700,000 kết quả, gần một nửa số đó vừa được cập nhật trong ngày. Những năm gần đây tôi cảm thấy Hà Nội ngày càng trở thành một nơi khó sống. Chỉ nói riêng về thời tiết, mùa hè ngày càng nắng nóng kinh hoàng, nhiệt độ lên tới gần 40 độ. Mùa đông thì rét căm căm. Và mùa thu ngỡ tưởng nhẹ nhàng dễ thở nhất thì mưa lũ triền miên. Thủ đô Việt Nam đang lặn ngụp trong biển nước.
Có thể ví nội thành hiện nay như “Venice giữa lòng Hà Nội”, nước tràn ngập phố phường, người dân di chuyển bằng thuyền hết sức “lãng mạn”. Kèm theo mưa, lũ, giá cả rau xanh tăng cao ngất trời, xe cộ không thể đi lại dựng đầy trên phố, gara để xe của các chung cư cũng ngập lênh láng làm hỏng hóc hàng loạt ô tô, xe máy gây thiệt hại hơn tỉ đồng, chưa kể nhà sập, đường xá hỏng hóc.
Trận lụt vừa qua khiến mọi người liên tưởng ngay lập tức đến trận lụt lịch sử năm 2008. Sau hơn 7 năm, Hà Nội vẫn là Hà Nội, không thay đổi, vẫn bập bềnh sông nước. 7 năm trôi qua, tôi đã sống ở thành phố này, đã đi xa, đã trở về. Đối với một người xa nhà lâu ngày, đôi khi muốn quê hương đừng thay đổi quá nhiều, để mình bớt hẫng hụt nhưng vào những thời điểm như thế này, đó lại là một điều đáng buồn. Mỗi năm, ngân sách chống ngập lụt được đầu tư đến hàng ngàn tỉ đồng, biết bao những công trình cầu đường được dự kiến, được công bố để khởi công, để sửa sang lại, nhưng sửa mấy vẫn hỏng, mưa xuống cống lại tắc, đường lại lụt.
Người dân bất lực chỉ biết ngửa mặt lên mà than mà trách mà cầu ông trời đừng mưa nữa. Tôi ở xa gọi điện về có dặn bố mẹ đừng ra ngoài đường nhỡ chẳng may có chuyện nguy hiểm, mẹ bảo đã dự trữ đầy đủ lương thực trong tủ lạnh, không thiếu thứ gì. Thì riết rồi, dân mình cũng đều tự chuẩn bị kỹ năng sống qua mùa lũ như thế, từ ngoài Bắc vào đến trong Nam. Phải chăng các “ông lớn” cứ dùng chiêu “sống chết mặc bay” từ xưa thế mà lại hay? Người dân cứ kiên cường mà tự chống tự chọi để sống sót. Miền Trung gặp lũ hàng năm như gặp bạn bè, tuổi thơ của họ là lũ, trưởng thành và kiên cường cũng là nhờ lũ. Những thời điểm như thế, “khúc ruột miền Trung” lại lên tiếng kêu gọi anh em Nam Bắc, mà giờ cũng đang loay hoay lo lụt lội, liệu có còn tâm trí mà đáp lại miền Trung?
Tôi nhớ một bài báo đọc đã lâu về hệ thống chống lụt tại đất nước Hà Lan, một đất nước khoảng một nửa lãnh thổ chỉ cao hơn 1m so với mực nước biển, còn lại hầu như thấp hơn mực nước biển. Dự án Delta của Hà Lan từ năm 1958 đã, đang và chắc chắn sẽ là một công trình chống lũ lụt hoàn hảo và cực kỳ hiệu quả. Hệ thống đê được xây dựng khoảng 3.000km bao biển và 10.000km bao sông có sức chịu đựng vô cùng vững chắc. Hà Lan nổi tiếng với đê biển Afsluitdijk dài gần 35km, rộng 90m, cao 7,25m trên mực nước biển, được sử dụng đồng thời như đường cao tốc và là điểm đến thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
Năm ngoái, vào đợt lụt lịch sử khi nước sông Thames dâng cao nhất trong vòng 60 năm trở lại đây, nước Anh cũng phải “cầu cứu” chính phủ Hà Lan 8 máy bơm nước công suất cao và đội ngũ kỹ sư Hà Lan để hỗ trợ chống lụt. Khoảng thời gian này, hai hoàng tử nước Anh đã lội nước 6 tiếng đồng hồ để giúp người dân chống lụt. Trong khi đó, chủ tịch nước Việt Nam gửi thư cho đồng bào nhân ngày phòng, chống lụt bão đồng thời đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể… thực hiện tốt luật phòng, chống thiên tai.
Biết đến bao giờ chúng ta mới có một vị lãnh đạo bước ra khỏi tòa nhà Quốc Hội, ngừng viết thư,  nhìn vào mênh mông sông nước, nhìn từng người dân thủ đô đang “chổng mông” dùng xô dùng chậu hất nước ra khỏi sân nhà một cách vô vọng, nhìn hàng ngàn gia đình Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Trị… đang còm cõi ngồi trên mái nhà đợi nước xuống, ngóng viện trợ, đau xót vì mất người thân, nhìn dòng người và xe đang bì bõm đi qua dòng nước đen ngòm trên những tuyến đường Sài Gòn. 5 năm gần đây, Việt Nam công bố lọt vào danh sách những nước thoát nghèo, không biết đến bao giờ, nước ta trở thành nước thoát ngập?
* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Người Việt cố giàu lên, để làm gì?

Tuấn Khanh
Trong những ngày mưa ngập lụt lội nhiều nơi tại Việt Nam, có một người đàn ông đi xe hơi hạng đắt tiền đã giận dữ bỏ đi giữa làn nước, vốn đã lên đến thắt lưng, để lại chiếc xe của mình một cách đau đớn bất lực. Như hàng vạn người nghèo khó khác đã ngụp lặn, lội qua giòng nước ô nhiễm đó, chèo kéo từng chiếc xe honda, xe đạp của mình để về nhà, người đàn ông đó chắc cũng có chung một câu hỏi không lời đáp về tương lai mà tiền của là vô nghĩa trước những biến động đang ập đến ngay cửa nhà mình.
Qua những biểu đạt than phiền về ngập lụt khắp nơi, qua các trang mạng hay báo chí, có thể thấy rằng không phải con người Việt Nam đã quá sức chịu đựng, mà họ như sực tỉnh trước một giấc mộng dài được vỗ về bởi những người lãnh đạo về sự hoa lệ của đô thị, về những chỉ số phát triển… nhưng chỉ trong tíc tắc đã lộ ra rằng mọi thứ chỉ là sân khấu tạm thời rực rỡ. Khi cánh màn nhung và những lời tuyên bố vừa dứt, hiện thực đã hiện ra tàn nhẫn với tương lai về nhà đen ngòm.
Người Việt rầm rộ làm giàu từ nhiều năm nay, tập bỏ quên mọi thứ khác chung quanh mình, mà tưởng chừng miếng cơm manh áo no đủ sẽ giải quyết tất cả, nhưng mọi thứ lại không phải như vậy.
Chưa bao giờ người Việt ào ạt in và ngấu nghiến đọc những công thức dạy làm giàu, dạy thành đạt như bây giờ. Thậm chí liều thuốc cường dương dựng đứng giấc mơ thành đạt của Mã Vân (Jack Ma) cũng được nhắc đi nhắc lại như một kim chỉ nam “quá 35 tuổi mà còn nghèo là tại bạn”. Thế nhưng những phong trào uống, chích các loại thuốc như vậy không hề có việc ghi chú chống chỉ định rằng việc thành đạt nóng, phải giàu có cho bằng được đôi khi cũng tạo ra loại ác thú núp kín sau bộ mặt niềm nở với đồng loại của mình.
Rất nhiều người trẻ ở Việt Nam muốn nhanh giàu có, nên đã bơm hoá chất vào heo gà và rau xanh, hoặc trở thành những kẻ cướp máu lạnh. Tệ hơn nữa là những kẻ luồn lách và làm giàu bằng gian lận và tham nhũng tiền thuế của nhân dân. Làm giàu và khoe giàu đã trở thành một tín chỉ quan trọng để vuơn lên, leo vào một chuồng trại khác trong xã hội Việt Nam hôm nay. Già hay trẻ cũng vậy! Sự tôn thờ vật chất đã có rất nhiều ví dụ đau lòng như con giết cha mẹ để lấy nhà, lấy đất cho đời thụ hưởng.
Nhưng rồi sự giàu có đó, sự tách biệt hãnh tiến đó bất chợt vỡ toang như những chiếc bong bóng xà phòng khi cơn mưa đem lụt lội đến. Họ nhận ra rằng mặt bằng cuộc sống không an sinh, khônh có gì cân bằng với giáo dục. Môi trường, an ninh… Mọi hợp đồng bảo hiểm chỉ là trò tận thu chứ không hề cứu rỗi lúc tai ương. Mọi lời hứa vĩ đại trôi qua năm tháng, chìm vào hiện thực. Tương tự như sự kiện “ngày đen tối” của thị trường chứng khoán Việt Nam ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán Trung Quốc, trong tháng 9/2015 với gần 10 tỷ USD bốc hơi trong vài ngày, đã nhắc khéo rằng dường như mọi lâu đài đang được dựng lên bằng ảo tưởng của một đám đông, và bằng thực tế đáng giá của một vài kẻ đứng sau cánh gà.
Một chị bạn để dành được ít tiền sau những năm dài vật lộn mưu sinh, đã gọi hỏi tôi rằng có cách nào đưa con đi du học nước ngoài thật nhanh. Khi tôi hỏi lý do vì sao chị gấp gáp như vậy, thì câu trả lời – không phải của riêng một người – rằng chị cảm thấy lo lắng và muốn đưa con đến một môi trường sống và giáo dục tốt hơn. Một thế hệ mới của người Việt đang tự cào cấu với khát vọng đổi thay cuộc sống của mình nhưng bất lực, nên đành chọn cách chạy đi?
Câu chuyện của chị bạn xảy đến cùng lúc với tin những học trò nghèo ở Huế chưa đóng được học phí bị bêu tên dưới cột cờ. Công ty Tôn Hoa Sen kêu gọi từ thiện nhưng chặn nguồn nước của dân thiểu số ở Đạ Mri đế ép lấy đất. Công ty Tân Hiệp Phát thì thay vì xin lỗi người tiêu dùng, bãi nại cho người tố cáo sản phẩm lỗi bị gài bẫy đi tù… thì thay giám đốc người nước ngoài để rửa mặt. Và ở Hà Nội, quan lại chia nhau cai trị trong họ hàng của mình ở huyện Mỹ Đức.
Đã có bao nhiêu người Việt đang gắng làm giàu, chỉ để tìm cách cho mình hay con em mình rời xa quê hương? Chắc không ít, và cũng chắc chắn không phải là một khuynh hướng tạm thời.
Nhan nhãn trên các trang báo, cũng như tin nhắn rác, là các dịch vụ môi giới đầu tư hay học nghề… ám chỉ việc ra đi, định cư ở nước ngoài. Một người bạn làm công việc này cho biết lượng người gọi vào, tìm hiểu, làm đơn hay hy vọng đang tăng đến mức kinh ngạc, thậm chí diện EB-5 của Mỹ, đòi hỏi phải có ít nhất 500.000 USD cũng vậy . Trong các bài phóng sự đuợc dịch từ báo nước ngoài cho thấy người Trung Quốc làm ra tiền đang ùn ùn tìm cách chuyển tài sản ra khỏi nước hoặc tìm cách di cư sang các nước phương Tây. Chỉ tính trong 10 năm, từ năm 2000 đến 2011, Trung Quốc đã chảy máu hơn 3.500 tỷ USD do người giàu Trung Quốc chuyển ra ngoài.
Chưa có con số thống kê nào về người Việt Nam nhưng tin tức vẫn hay hé mở cho biết các đại gia Việt luôn trong thế “an toàn” khi tất cả nhà cửa, tài sản, gia đình… được sắp xếp ở Mỹ, Canada… thậm chí ở ngay Singapore. Cũng như người Trung Quốc, họ đã cố gắng làm giàu bằng mọi cách trên quê hương mình nhưng không chọn tồn tại ở nơi đó. Điều này có ý nghĩa gì?
Có cái gì đó thật khó nghĩ về cách vồ vập muốn làm giàu của người Việt hôm nay, kể cả cách sau đó họ che mặt ra đi, bất chấp Việt Nam vẫn đang sáng rực tên trên các bản tin bình chọn là một trong những quốc gia hạnh phúc và đáng sống nhất thế giới.
Trong bài thơ Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân, đời thật đẹp với những chùm khế ngọt. Nhưng dường như một lớp người Việt hôm nay không chỉ tranh nhau hái trái, đốn hạ cây mà âm mưu sở hữu bán cả mảnh đất cha ông đã trồng cây để đầy túi. Nhưng lạ thay, sau đó họ lại lặng lẽ gói ghém ra đi thật xa. Người Việt đang cố gắng làm giàu thật nhanh rồi như vậy, vì sao?
Xin đừng ai trả lời. Đừng nói một lời nào cả. Chúng ta hãy cùng lặng im và suy ngẫm.
(Hết phần 1)
https://www.danluan.org/tin-tuc/20150923/tuan-khanh-nguoi-viet-co-giau-len-de-lam-gi#sthash.kb3ql3xH.dpuf

Lưu đày tù nhân lương tâm, chính quyền Việt Nam đã đạp chân lên chính pháp luật của mình - See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20150923/mai-tu-an-luu-day-tu-nhan-luong-tam-chinh-quyen-viet-nam-da-dap-chan-len-chinh-phap#sthash.i49SKLMA.dpuf

Mai Tú Ân
Blogger Tạ Phong Tần bị áp giải từ nhà tù thẳng sang Mỹ.
Sự kiện tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần được áp giải từ nhà tù ra thẳng sân bay để đi Mỹ, cũng giống như trường hợp của các TNLT khác như Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải… trước đó đã đưa ra rất nhiều vấn đề mà mỗi công dân Việt Nam đều có quyền thắc mắc và đều thấy có nhiều uẩn khúc...
Chính quyền Việt Nam, mặc dù đã từng là UV Không Thường Trực LHQ, Uỷ Ban Nhân Quyền Thế Giới v.v... nhưng đã tỏ ra mập mờ, đổi trắng thay đen không chỉ với công dân của mình, mà còn với nền tư pháp của họ nữa. Nhất là trong việc đưa tù nhân chính trị qua Mỹ vừa rồi.
Chỉ tính từ những người gần đây như Cù Huy Hà Vũ đầu năm 2014 rồi Điếu Cày và cho đến Tạ Phong Tần hiện nay thì có thể kết luật trên cơ sở pháp luật rằng . Đây là một chương trình kéo dài, có hệ thống và tái diễn liên tục.
Rõ ràng là những TNLT kể trên không phải là gián điệp của Mỹ, cũng không phải hoạt động vì quyền lợi của nước Mỹ, mà cũng không phải là công dân Mỹ hay có dây mơ rễ má gì với nước Mỹ. Nhưng con đường của các tù nhân đó đều đi đến nước Mỹ sau khi ra khỏi nhà tù.
Và với cung cách hoàn toàn của lực lượng CA khi đưa các tù nhân này rời khỏi nhà tù để ra thẳng sân bay đi Mỹ mà không hề báo cho người nhà, cũng không cho phép ghé qua nhà, dù chỉ để đốt một cây nhang trước mộ mẹ như Tạ Phong Tần, thì hoàn toàn đúng kiểu của một cuộc lưu đầy phát vãng như thời xa xưa. Một hình thức man rợ mà ngày này đã cấm tuyệt đối ở bất cứ quốc gia nào. Chỉ có điều nơi đến của sự “lưu đầy” này là nước Mỹ nên người ta mới ít liên tưởng đến sự tàn độc của việc lưu đầy thời thực dân phong kiến.
Nhưng chính là Nó với bản chất không đổi dù dưới tên gọi nào. Những người đấu tranh dân chủ ôn hoà bất bao động đã bị bắt giữ và xét xử bất công thì giờ đâyt bị lưu đầy bất nhẫn. Họ không được nhìn thấy quê hương chôn nhau cắt rún, không được gặp lại gia đình người thân, không được cả vái lạy mồ mả ông bà tổ tiên. Họ bị đưa thẳng đến một nơi xa lạ chưa bao giờ họ đến, và với một cái án đi đầy mơ hồ không biết ngày nào mới được hồi cố hương, mà giờ đã trở nên xa xôi diệu vợi:
Mịt mờ quan ải mờ sương
Nửa đêm thức giấc vấn vương nhớ nhà...
Chế độ thực dân phong kiến ngày xưa có luật lưu đày để lưu đày tù nhân, còn chính quyền Việt Nam hiện nay không hề có luật lưu đày, thậm chí còn có cả luật cấm trục xuất công dân của mình nhưng họ lại vẫn lưu đày tù nhân của mình.
Chính quyền Việt Nam nói không có tù nhân lương tâm mà chỉ có những người phạm tội vi phạm pháp luật. Vậy thì tại sao cùng là vi phạm pháp luật, mà chỉ có những người hoạt động dân chủ mới có “chuẩn” để đi Mỹ, còn những người tù khác như tù hình sự, tù kinh tế thì lại không?
Sự bất bình đẳng, cho dù bất bình đẳng trong tù cũng như sự vi phạm pháp luật của chính họ còn ở chỗ là, nếu cả bộ máy tư pháp đã kết tội một nhà hoạt động dân chủ với “đầy đủ chứng cứ” rồi thì tại sao họ lại được ưu ái thả ra (để đi Mỹ) sớm, thậm chí chưa ở đúng thời hạn mà pháp luật qui định để được xét tha hay đặc xá. Và toà án đã xét xử và tuyên án công khai, báo chí đăng tin rầm rộ thì tại sao lúc tạm tha, hay tạm đình chỉ án thì tất cả lại im re, từ cơ quan thực thi pháp luật cho đến thông tin đại chúng? Chắc chắn rằng nếu không có thông tin mạng internet thì người dân VN sẽ chẳng biết mô tê gì.
Và rồi sẽ có chuyện khôi hài có thật là người nhà của những TNLT trên có quyền thắc mắc, thậm chí khởi kiện bộ máy tư pháp rằng người thân của chúng tôi đâu, các ông đã bẳt và cho họ đi tù rồi thì bây giờ họ ở đâu khi trong tù không còn có họ nữa.
Rồi còn có rất nhiều câu hỏi tương tự, mà dù im lặng hay chống chế bao biện thì đó cũng là những câu trả lời về việc chính quyền Việt Nam đang vi phạm nghiêm trọng luật pháp của chính mình, cũng như vi phạm lên chuẩn mực đạo đức mà chính họ thường rêu rao.
Câu trả lời trung thực cho tất cả, nếu họ có can đảm trả lời trung thực rằng, đó là một sự trao đổi. Giống như nhận định của Ts Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội NBĐL rằng: ”Chuyến đi thăm Việt Nam sắp tới của TT Obama đã được phía Viẹt Nam trao đổi bằng gói thả tù nhân chính trị, mà Tạ Phong Tần là người đầu tiên”.
Đúng như vậy. Một sự trao đổi có lợi không hơn không kém. Và cũng đúng khi nói chính quyền Việt Nam đã hành động một cách vô trách nhiệm khi đem công dân của mình ra làm món hàng, hay vật trao đổi để thủ lợi.
Và cũng hoàn toàn đúng khi cho rằng, cái chính quyền ấy không chỉ vi phạm mà còn đạp chân lên chính pháp luật của mình, cũng như chuẩn mực đạo đức của chính họ…
https://www.danluan.org/tin-tuc/20150923/mai-tu-an-luu-day-tu-nhan-luong-tam-chinh-quyen-viet-nam-da-dap-chan-len-chinh-phap#sthash.Y6QjKfI5.dpuf

Sáu bạn trẻ ở Hà Nội bị Công an bắt giữ?

CTV Dân Luận tổng hợp
Dân Luận tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc này gởi đến quý độc giả.
* Cập nhật lúc 21h35:
Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Chí Tuyến thông báo thông tin: Cả Lưu Văn Minh, Phạm Đoan Trang và Thảo Gạo tiếp tục bị đánh và đẩy ra khỏi đồn công an Hai Bà Trưng.
* Cập nhật lúc 21h25:
Cả 2 người hoạt động là Lưu Văn Minh và Phạm Đoan Trang đã bị công an sắc phục bắt giữ và đưa vào đồn công an Hai Bà Trưng, tin tức từ anh Nguyễn Lân Thắng cho biết.
* Cập nhật lúc 20h30:
Cơ quan an ninh cho hai xe rác chặn trước nơi những người hoạt động đang tập trung đòi thả người.
Sau đó, nhiều người mặt thường phục xông vào tấn công và cướp xé biểu ngữ của những người hoạt động. Tin cho biết Blogger Đoan Trang bị đánh "máu me be bét mồm".

Người bị nghi là an ninh (áo kẻ) đang chỉ đạo xe rác chỗ đỗ. Ảnh: FB Nguyen Lan Thang

Những người hoạt động căng biểu ngữ phản đối hành vi bắt người trái phép của công an. Ảnh: Thảo Teresa
* Cập nhật lúc 20h:
Theo FB anh Nguyễn Lân Thắng tại công an quận Hai Bà Trưng tại góc Tô Hiến Thành - Nguyễn Bỉnh Khiêm:
"Khoảng 20 anh em đang đến hỏi thăm bạn bè. Công an HBT phủ nhận chuyện giữ người, nhưng chúng tôi biết chính xác Hà Suri, Nguyễn Vũ Bình và Trần Đức Thịnh đang bị giữ trái phép ở đây. Luật sư Nguyễn Văn Đài sau khi vào hỏi thăm đã bị công an ép về nhà. Yến, Cường... thì không biết chính xác giữ ở đâu
Hiện tại tình hình khá căng thẳng, có khả năng có côn đồ đàn áp. Khoảng 20 chục tên đã lảng vảng xung quanh..."
* Cập nhật lúc 19h:
Theo blogger Đoan Trang cho biết khoảng 20 bạn bè của Lê Yến và Hà Suri - hai biên tập viên truyền hình kênh Lương Tâm TV bị an ninh bắt từ sáng nay - đã đến cơ quan cảnh sát điều tra, CA quận Hai Bà Trưng, để hỏi thông tin về vụ bắt giữ tuỳ tiện này. Công an, như thường lệ, chối bai bải rằng họ "không bắt, không giữ ai cả".

Bạn bè của những người bị bắt đang tập trung trước đồn CA Hai Bà Trưng để đòi người. Ảnh: Blogger Đoan Trang.
***
DL - Hôm nay, ngày 23/9/2015, sáu bạn trẻ ở Hà Nội đã bị bắt đưa đi đâu không rõ. Thông tin cho biết những bạn này bị Công an Hà Nội bắt vì những hoạt động xã hội của mình trong thời gian qua.
Sáu bạn trẻ bị bắt gồm có: Lê Thị Yến, Lê Thu Hà, Trần Đức Thịnh, Phạm Đắc Đạt, Nguyễn Mạnh Cường (Fb Hades Prime), Cựu TNLT Nguyễn Vũ Bình.
Lúc 7 giờ sáng nay, Lê Thị Yến bị bắt đưa đi và không thể liên lạc được. Sau đó, Cường và Đạt cũng bị bắt giữ. Khoảng 11 giờ trưa, hai người nữa là Lê Thu Hà và Trần Đức Thịnh đang đi trên đường thì bị bắt. Hiện tại không thể liên lạc và có thông tin gì về cả 6 người này.
Theo thông tin từ Fb Lý Quang Sơn cho biết, nhóm bạn trẻ này đã bị những người lạ mặt theo dõi từ hôm qua, và đến sáng nay thì tất cả đều bị bắt đưa đi đâu không rõ.
Được biết, cả 6 người này đều tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội dân sự như đi biểu tình phản đối chặt cây ở Hà Nội, biểu tình chống Trung Quốc. Ngoài ra, bạn Lê Thị Yến đang dẫn chương trình cho kênh Lương Tâm TV.
Hình ảnh một số bạn bị bắt hôm nay, ngày 23/9:

Facebooker Lê Thu Hà. Ảnh: Facebook

Bạn trẻ Trần Đức Thịnh. Ảnh: Facebook

Bạn trẻ Nguyễn Mạnh Cường (Fb Hades Prime). Ảnh: Facebook

Bạn trẻ Lê Thị Yến. Ảnh: Facebook

Cựu tù nhân lương tâm Trần Vũ Bình. Ảnh: Facebook
* * *

ĐOAN TRANG - MỘT BIÊN TẬP VIÊN TRUYỀN HÌNH BỊ CÔNG AN HÀ NỘI BẮT GIỮ TÙY TIỆN

Sáng nay, 23/9, biên tập viên, phát thanh viên Lê Yến, 23 tuổi, của kênh truyền hình Lương Tâm TV đã bị an ninh TP Hà Nội bắt giữ tại nhà riêng ở Hà Nội.
Ngoài Lê Yến, an ninh cũng bắt lẻ thêm vài người bạn của cô, gồm: Nguyễn Mạnh Cường, Phạm Đắc Đạt, Lê Thu Hà, Trần Đức Thịnh...
Bạn trẻ Nguyễn Mạnh Cường, thành viên nhóm Vì Một Hà Nội Xanh, vừa đi cùng nhóm đến Trụ sở tiếp công dân của TƯ Đảng và Nhà nước, trở về thì bị bắt.
Lê Thu Hà, tức Facebooker Hà Suri, bị bắt khi đang trên đường đi khám sức khỏe định kỳ. Trước đó, Hà thông báo trên Facebook rằng từ 12h đêm qua, cô đã được an ninh nhắc nhở “bằng kiểu ỉ ôi rằng mai ở nhà thôi, đừng đi đâu cả”, và từ sáng sớm, đã có 4 nhân viên an ninh thường phục ngồi canh ở cổng nhà cô.
Không có lệnh bắt bằng văn bản, do đó, hiện chưa biết lý do bắt người là gì và hiện giờ họ đang bị giữ ở đâu. Tuy nhiên, nhiều khả năng việc bắt giữ xuất phát từ nhu cầu của lực lượng an ninh muốn “điều tra, làm rõ” về kênh truyền hình Lương Tâm TV, nơi Lê Yến đang làm phát thanh viên - biên tập viên.
Lương Tâm TV là một kênh truyền hình chuyên về tình hình nhân quyền và đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, mới được thành lập và phát chương trình đầu tiên (trên mạng Youtube) vào ngày 19/8. Với thời lượng 7-10 phút một bản tin, Lương Tâm TV có tham vọng sẽ là nơi “cất lên tiếng nói của lương tâm con người trong xã hội Việt Nam thuộc mọi tầng lớp, mọi tuổi tác, mọi ngành nghề, mọi tôn giáo...”.
Vào tháng 6 năm ngoái, tại kỳ họp thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, đại diện chính phủ Việt Nam đã ra tuyên bố ủng hộ và cam kết thực hiện 182 trong tổng số 227 khuyến nghị UPR về nhân quyền ở Việt Nam. Trong số khuyến nghị được chấp thuận, có những điều liên quan trực tiếp đến quyền tự do báo chí, tự do biểu đạt, như:
- Thực thi hơn nữa các biện pháp nhằm thúc đẩy tự do biểu đạt và hội họp và tự do truyền thông phù hợp với những tiêu chuẩn quốc tế tiến bộ nhất (khuyến nghị từ phía Italy);
- Tiến hành các biện pháp cho phép không hạn chế tiếp cận và sử dụng internet với tất cả công dân và đảm bảo tiến hành các biện pháp để đảm bảo tự do quan điểm và biểu đạt với mọi người, cũng như tự do báo chí và truyền thông trong nước (Estonia);
- DÀNH KHÔNG GIAN CHO TRUYỀN THÔNG KHÔNG PHẢI CỦA NHÀ NƯỚC, và làm cho các điều 79, 88 và 258 Luật Hình sự cụ thể hơn và nhất quán với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế về tự do biểu đạt (Úc).
- V.v.
Bằng việc bắt giữ tùy tiện các biên tập viên và phát thanh viên của một kênh truyền hình độc lập về nhân quyền, an ninh TP Hà Nội đang nhổ toẹt vào các khuyến nghị UPR mà Chính phủ Việt Nam đã chấp nhận và cam kết thực hiện.
https://www.danluan.org/tin-tuc/20150923/sau-ban-tre-o-ha-noi-bi-cong-an-ha-noi-bat-giu#sthash.rLYoVGXb.dpuf

Kiểu đánh cá tận diệt bằng máy châm điện

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam 
Theo RFA2015-09-23
Một thanh niên vai mang kích điện đang tận diệt cá
Một thanh niên vai mang kích điện đang tận diệt cá Một thanh niên vai mang kích điện đang tận diệt cá -RFA
Những con cá lia thia bảy màu, cá thờn bơn nổi mặt nước và cá sặc kiếm vàng kiếm đỏ bơi như mơ trong đám ruộng mùa thu nay về đâu? Những con cá trắm đen màu cổ tích và đàn cá gáy sặc sỡ màu phù sa… Hầu như đàn cá đồng năm nào đã vắng bóng trong mùa mưa này. Kiểu đánh bắt tóm cùng diệt tận bằng máy châm điện của Trung Quốc sản xuất, và những chiếc nơm, chiếc đăng hay chiếc đó bị xếp vào bảo tàng nông nghiệp chỉ cho thấy đàn cá đồng không còn nữa, chúng đã tuyệt chủng bởi kiểu đánh bắt tàn bạo và sử dụng chất hóa học vô tội vạ của con người.
Những cánh đồng thuốc độc
Sở dĩ cho đến hiện tại, loài cá thia lia bảy màu, người miền Trung còn gọi là cá rô thia hầu như không còn nữa, hiếm họa lắm mới có thể gặp một vài con bơi lạc lỏng đâu đó trong các ao hồ nhưng sự sống của chúng cũng không mấy bình an, chúng có thể chết bất kì giờ nào cho dù con người không đánh bắt là vì nguồn nước chúng đang thở hằng ngày quá nguy hiểm, lượng độc tố, hóa chất trong đó quá cao.
Một nông dân  tên Hiền, buồn bã cho chúng tôi biết: “Ít lần rồi, triệt lần rồi, không có như hồi xưa nữa, với giờ nó châm điện, nó mang bình đi châm chết hơn trơn! Cá rô thia là không thấy trơn luôn á, thì thuộc diệt cỏ, diệt mầm, thuốc sâu nằm đầy trong nước, con nào sống sót thì bị châm điện, chết hết! Cá mẹ chết thì cá con nó cũng chết…”.
Ông Hiền chia sẻ thêm với chúng tôi là hiện tại, sự sống của bất kì loài cá nào trong các đồng ruộng, bờ mương hay ao chuôm đều không bền, chúng có thể chết bất kì giờ nào bởi chất độc hóa học. Ông Hiền nói thêm là thời chiến tranh, có không ít chất độc hóa học rải xuống ao hồ nhưng cá vẫn sống được, vẫn sinh sôi nảy nở. Nhưng thời hiện tại, mặc dù không có chiến tranh mà sinh bật vẫn chết vì chất độc.
Ông Hiền cho rằng sở dĩ sinh vật bị chết đến độ tuyệt chủng như vậy là vì hàm lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng cho lúa và những loại thuốc khác có liên quan đến quá trình sản xuất nông nghiệp đã làm cho các cánh đồng trở nên dữ tợn, chứa đầy độc tố và cái chết. Mặc dù vậy, sản lượng lúa lại không hề tăng so với trước đây hai mươi năm, nông nông dân càng lúc càng thua lỗ so với trước.
Nếu như các cánh đồng trở nên không khốc, trơ trọi sinh vật bao nhiêu thì sức khỏe con người bị đe dọa bấy nhiêu. Ông Hiền khẳng định là không những sức khỏe sinh học bị đe dọa mà sức khỏe tinh thần của người nông dân cũng bị ảnh hưởng không nhẹ chút nào. Vì hiện tại, nếu biết xử lý chống sâu bọ theo cách ngày xưa người nông dân đã làm thì sâu bọ, các loại bệnh cũng không nhiều, nguồn nước trở nên trong sạch.
Ông Hiền lý giải cho quan điểm của ông rằng ngày xưa, người ta xử lý bằng phương pháp sinh học, ví dụ như có nhiều châu chấu thì dùng vợt đi bắt, cả cánh đồng đều có người đồng loạt ra bắt châu chấu. Nguồn phân cũng không phải là phân hóa học, phân tự ủ giúp cho cây phát triển tự nhiên, mạnh mẽ, ít sâu bệnh. Ngược lại, bây giờ ngay từ khi bón lót, người ta đã dùng phân hóa học, đến khi phát hiện cây lúa vừa có sâu bọ một chút thì dùng thuốc rầy để bơm. Mà đám ruộng này bơm thì đám khác cũng phải bơm để tránh tình trạng sâu bọ ruộng người mò sang ruộng mình để tránh thuốc.
Một con cá đồng chết do bị chích điện
Một con cá đồng chết do bị chích điện. RFA
Chỉ riêng cách nghĩ đó khi bơm thuốc độc, theo ông Hiền cũng đã là quá bệnh hoạn. Và khi hàng loạt đám ruộng đều bơm thuốc thì nguồn nước trở nên độc hại vô cùng, không có con cá đồng nào có thể sống sót. Nói như tiếc nuối, ông Hiền kể lại thời ông còn trẻ, chỉ cần vác cần câu ra đám ruộng trước ngõ, lần cho con mồi và lưỡi câu lọt qua các bụi lúa, nhấp vài cú, thấy đầu cần bị rung, giật lên thì chắc chắc có một con cá rô hay cá trắm, cá lóc cắn câu. Chuyện ông Hiền kể là có thật, nhưng bây giờ nếu làm như vậy không những tốn công mà còn bị xem là điên rồ.
Những chiếc bình điện Trung Quốc sản xuất
Một người chuyên đánh lưới cá ở các ao hồ hoặc những đám ruộng ngày nước lụt, ngày mưa trước đây, tên Kỷ, chia sẻ: “Ít dần rồi, không nhiều như hồi xưa nữa, giờ nó bơm thuốc, rồi họ mang bình đi châm, nó dần chết hết, cá gì cũng chết hết trơn!”
Ông Kỷ nói rằng trước đây chừng năm năm, ông vẫn còn đi đánh lưới ở các con sông cạn hoặc ao hồ sau mùa gặt, vì sau mùa gặt, ruộng khô nước, cá sẽ tập trung vào vào các ao chuôm. Thường thì ba giờ sáng ông bắt đầu đi đánh lưới, đến năm giờ sáng là hoàn tất công việc, ông mang cá về cho vợ đem ra chợ bán. Nhưng hiện tại, ông chỉ đánh cá mùa nước lụt, các ao hồ không còn con cá nào để bắt.
Sở dĩ các ao chuôm đã sạch cá là vì một phần cá đã bị chết trên ruộng trong quá trình người ta bơm thuốc cho lúa, phần khác, các bình điện do Trung Quốc sản xuất và bán ồ ạt khắp từ Bắc chí Nam là nguyên nhân dẫn đến các loài cá có nguy cơ tiệt chủng.
Điểm khác biệt giữa đánh cá bằng lưới và đánh cá bằng bình châm nằm ở chỗ nếu cá bị đánh lưới, những con cá lớn mắc lưới nhưng cá nhỏ sẽ thoát qua mắt lưới và tiếp tục sinh trưởng, sinh sản. Đánh bằng bình châm thì lớn nhỏ gì cũng không thoát, cá nhỏ bị châm điện chết trước, nổi lên trước, người ta vớt trước, sau đó cá lớn nổi lên, tiếp tục bị vớt.
Cá nhỏ được dùng cho món cá kho lá nghệ, món độc, món hiếm của giới trọc phú bây giờ, cá lớn dùng nấu lẩu, chiên xù, hấp cuốn bánh tráng… Nói chung, không có con cá nào sống sót khi các quán nhậu chiếu cố, các bợm nhậu thấy thích.
Ông Kỷ buồn bã nói rằng hiện tại, các loài cá quen thuộc như cá rô đồng, cá lóc đồng và cá bống mú, còn gọi là cá bống cơm hầu như còn rất ít, quá hiếm hoi gặp. Mà dân bắt cá một khi gặp loại cá này thì không bỏ qua dù chúng còn rất nhỏ. Cá thia lia thì hầu như đã tuyệt chủng, chỉ còn rất hiếm hoi ở một số nơi nhưng nếu còn cũng chỉ là thấy chúng đớp bóng trên mặt nước, đoán là cá thia lia chứ chưa bao giờ bắt được.
Bình kích điện châm cá do Trung Quốc sản xuất với giá rẻ mạt, từ hai trăm ngàn đồng đến một triệu đồng mỗi bộ đã nhanh chóng làm cho các loài cá trên các cánh đồng tuyệt chủng. Những con cá đồng nay về đâu? Câu hỏi giống như câu thơ này bây giờ không còn thơ là một câu điếu văn tiễn đưa từng loài cá đi vào quên lãng. Những cánh đồng trở nên trơ trọi, hoang vu…!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Vệ sinh an toàn thực phẩm đã ở mức báo động

Anh Vũ, thông tín viên RFA -2015-09-23  
 Kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Cao Lãnh
Kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Cao Lãnh  Baodongthap.com
Vệ sinh an toàn thực phẩm hiện là mối lo lắng lớn đối với người tiêu dùng tại Việt Nam hơn bao giờ hết.
Tình trạng đó diễn ra thế nào và vai trò quản lý của nhà nước thực hiện ra sao?
Sử dụng hóa chất chế biến thực phẩm
Ở VN, bên cạnh tình trạng mất vệ sinh, thì việc sử dụng hóa chất bị cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm là hết sức phổ biến. Do chạy theo lợi nhuận, người sản xuất và kinh doanh thực phẩm vẫn sử dụng những biện pháp bảo quản, kích thích tăng trưởng không hợp lý, hoặc làm giả các hàng hóa thực phẩm.
Theo báo Nông nghiệp, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhiều người dân trồng rau dù biết rõ rau có thuốc trừ sâu là nguy hại, nhưng vẫn bán cho người tiêu dùng. Thống kê tỷ lệ dư lượng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm rau muống, cải, đậu… tại Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh mức thấp nhất là 15%, cao nhất 30%.
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, mỗi năm ở VN có chừng 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000-10.000 nạn nhân và 100 – 200 ca tử vong.
Điều đó đã khiến hầu hết các thực phẩm không đạt tiêu chuẩn, bị nhiễm độc và đã gây nên sự lo lắng cho người tiêu dùng.
Chị Huệ ở Hà nội cho biết:
“Trước đây tôi thường chọn các siêu thị lớn để mua thực phẩm cho gia đình, tuy vậy với tình trạng mất vệ sinh và an toàn thực phẩm như hiện nay thì tôi cảm thấy không an toàn, dù rằng mình mua ở siêu thị hay ngoài chợ thì cũng vậy. Thực sự tôi đã mất niềm tin vào tình trạng mất vệ sinh và an toàn thực phẩm bây giờ.”
Trước đây tôi thường chọn các siêu thị lớn để mua thực phẩm cho gia đình, tuy vậy với tình trạng mất vệ sinh và an toàn thực phẩm như hiện nay thì tôi cảm thấy không an toàn, dù rằng mình mua ở siêu thị hay ngoài chợ thì cũng vậy. Thực sự tôi đã mất niềm tin vào tình trạng mất vệ sinh và an toàn thực phẩm bây giờ
Chị Huệ ở Hà nội
Trước tình trạng, đó nên nhiều cư dân ở các thành phố đã phải tự trồng rau sạch trên sân thượng để sử dụng cho gia đình. Ông Phú ở Gia lâm chia sẻ:
“Ở ngoài chợ thì rau họ dùng hóa chất hay thuốc sâu rất độc hại cho sức khỏe, vì vậy tôi nghĩ ra cách mình dùng thùng xốp để trồng rau ăn cho gia đình.”
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam
Đánh giá về tình hình chung trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Nguyễn Quốc Anh, Khoa Công nghệ thực phẩm, Học Viện Nông nghiệp nhận xét:
“Nhận thức của xã hội về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã được nâng lên rõ rệt, sự quan tâm của cộng đồng về vấn đề này đã được nâng lên rất cao. Các doanh nghiệp kinh doanh và chế biến thực phẩm cũng đã ý thức được và thấy được trách nhiệm của mình. Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của nhà nước thì có đôi chỗ, đôi nơi vẫn còn những điểm tồn tại. ”
Hiện nay, tình trạng các loại thực phẩm không an toàn vẫn ngang nhiên tồn tại và lưu thông trên thị trường là tình trạng khá phổ biến. Nói về nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Quốc Anh nhận định:
“Chuyển thể từ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh hàng hóa thì chúng ta cần phải có giai đoạn thích nghi, cần có đầu tư về trang thiết bị cũng như các nguồn lực con người, cần có hệ thống pháp luật tân tiến hơn, đầy đủ hơn để đảm bảo quyền được sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng.”
Những lò mổ heo thiếu vệ sinh
Những lò mổ heo thiếu vệ sinh

Đa số nguồn cung ứng thực phẩm hiện nay đều xuất phát từ các vùng nông thôn và đưa thẳng đến chợ để tiêu thụ, trong điều kiện canh tác nhỏ và nông dân chưa có kiến thức về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệp hội KHKT An toàn thực phẩm Việt Nam nhận định:
“Trong điều kiện bà con ta vẫn phải tồn tại, phát triển sản xuất kinh doanh để nuôi sống gia đình và cho con cái học hành. Với số lượng gần 15 triệu hộ nông dân thì đây là vấn đề rất khó chứ không phải là đơn giản.”
Trước thắc mắc của chúng tôi khi cho rằng, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng ở các quốc gia khác đã làm khá thành công. Nhưng tại sao ở VN việc quản lý đã làm từ lâu, song không đạt được kết quả?
Các nước khác đa số là sản xuất với quy mô công nghiệp với số đầu các doanh nghiệp chỉ khoảng vài trăm, đó là điều khác cơ bản với VN...VN có tới 9 triệu hộ tham gia vào quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm, với trình độ học vấn, ý thức chấp hành pháp luật, tập tục tập quán cũng khác nhau
Ông Nguyễn Quốc Anh
Các nước khác đa số là sản xuất với quy mô công nghiệp với số đầu các doanh nghiệp chỉ khoảng vài trăm, đó là điều khác cơ bản với VN. Ông Nguyễn Quốc Anh giải thích:
“VN có tới 9 triệu hộ tham gia vào quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm, với trình độ học vấn, ý thức chấp hành pháp luật, tập tục tập quán cũng khác nhau. Bây giờ nếu chúng ta lại mang cái phương thức quản lý cho máy trăm hộ của nước ngoài cho 9 triệu hộ, thì không bao giờ đúng cả. Vì 2 cái nó khác nhau. ”
Cách quản lý như hiện nay chỉ giải quyết được phần ngọn, nghĩa là chỉ kiểm tra quản lý khi thực phẩm đã bán ra trên thị trường, chứ không giải quyết từ gốc, nơi sản xuất. Vấn đề kiểm tra, kiểm soát và xử lý chưa đạt hiệu quả, các văn bản pháp luật hiện hành còn nhiều lỗ hổng, chưa chặt chẽ nên khó có thể xử lý người vi phạm. Ông Nguyễn Quốc Bình khẳng định:
“Có những hành vi là sai, nhưng chiếu vào văn bản pháp luật thì không xử lý được. Tôi nghĩ rằng đây là một thực tế cần phải được xem xét, để công tác kiểm tra xử lý của các cơ quan trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được nghiêm hơn, đúng hơn.”
Được biết hiện nay, việc tổ chức quản lý vấn đề vệ sinh và an toàn thực phẩm được giao cho các bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp phối hợp với UBND các cấp để thống nhất quản lý.
Các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết, trong thời gian qua đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Một cán bộ của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế không muốn nêu danh tính cho biết:
“Giải pháp cơ bản để đảm bảo an toàn thực phẩm là tuyên truyền vận động để thay đổi hành vi, thứ 2 là tuyên truyền thực hiện pháp luật và cái thứ 3 là việc thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó cần xây dựng các mô hình điểm để hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật và cả kinh phí của nhà nước.”
Vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng các bệnh gây ra từ thực phẩm không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế và xã hội. Việc các nông sản của VN khi xuất khẩu sang các nước khác bị trả lại, do không đáp ứng được các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm là bài học đắt giá.