Monday, June 17, 2019

Nợ công gần $74 tỉ, CSVN ‘loay hoay vay mới trả cũ’

Công nhân may quần áo đàn ông để xuất khẩu tại một cơ sở ở Hà nội. (Hình: MANAN VATSYAYANA/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Thu ngân sách không đủ để vừa nuôi guồng máy đảng và nhà nước lại còn trả nợ nên nợ công vẫn tiếp tục leo thang khiến nhà cầm quyền Việt Nam “loay hoay vay mới trả cũ.”
Báo VietNamNet hôm Thứ Hai, 17 Tháng Sáu, 2019 cho biết: “Nợ công dù giảm vẫn lên đến hơn 3.2 triệu tỷ đồng (tức khoảng $73 tỉ 920 triệu) áp lực trả nợ đang ngày càng lớn lên. Nhưng tiền làm ra vẫn không đủ để trả nợ, cho nên chính phủ vẫn phải vay nợ mới để trả nợ cũ.”
Về tỉ lệ nợ công so với năm trước thì báo cáo của CSVN nói “về mặt số liệu, thì nợ công so với GDP đã giảm,” nhưng đổ đồng, cứ mỗi người dân phải cõng 32 triệu động tiền nợ hay khoảng $1,385.
Chỉ riêng năm 2018, CSVN phải trả tổng cộng khoảng 250 ngàn tỷ đồng (khoảng $5 tỉ 775 triệu). Trong đó, trả nợ trong nước là 198,907 tỷ đồng mà gần một nửa là để trả lãi. Ngoài ra, trả nợ nước ngoài là hơn 51 ngàn tỷ đồng.
“Số liệu của Bộ Tài Chính cho thấy, nhu cầu trả nợ gốc tăng nhanh trong một vài năm gần đây, năm 2017 là 144 ngàn tỷ đồng, 2018 là hơn 146 ngàn tỷ đồng. Năm 2019 dự kiến là 181,970 tỷ đồng, nếu tính cả chi trả nợ gốc của ngân sách địa phương, tổng số chi trả nợ gốc năm 2019 là xấp xỉ 200 ngàn tỷ đồng. Điều đáng lưu ý là, dù thu ngân sách hàng năm vẫn liên tục tăng cao, nhưng vẫn không bù nổi chi. Thu ngân sách vẫn thấp hơn số chi ngân sách,” theo bản tin VietNamNet nói trên.
Vì thu ngân sách năm 2019 dự trù vẫn thấp hơn chi ngân sách tới 222 ngàn tỷ đồng, cho nên nhà cầm quyền Việt Nam, giống như những năm trước, vẫn phải vay nợ thêm để bù đắp cho phần “chi nhiều hơn thu” làm cho nợ công ngày càng cao chứ không giảm.
Cuối Tháng Năm 2019 vừa qua, tin tức cho hay nhà cầm quyền Việt Nam phải vay tới 700,000 tỉ đồng (hay khoảng $16 tỉ 170 triệu) để trả nợ cho ba năm 2019-2021. Chỉ ít ngày trước đó, ngày 22 Tháng Năm, 2019, VNExpress nói nhà cầm quyền trung ương đã phải ứng ra $97 triệu “trả nợ cho dự án thua lỗ ngàn tỉ” tức nhà máy bột giấy Phương Nam do Bộ Công Thương làm chủ đầu tư.
Tháng Ba, 2018, báo VNExpress dựa vào “báo cáo của kiểm toán nhà nước chuyên đề kiểm toán nợ công” cho biết, “tính đến cuối năm 2016, nợ công của Việt Nam là 2,868 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với 2015. Trong đó, nợ chính phủ là 2,37 triệu tỷ đồng (chiếm gần 83%). Nợ được chính phủ bảo lãnh gần 462,000 tỷ đồng, nợ chính quyền địa phương hơn 34,000 tỷ đồng. Riêng nợ nước ngoài của chính phủ là 947,500 tỷ đồng (khoảng $43 tỉ), chiếm khoảng 40%.” (TN)

CSVN cảnh cáo đảng viên chớ ‘bắt tay với âm binh’

Một người giới thiệu logo của Facebook trên chiếc điện thoại cầm tay. (Hình: LOIC VENANCE/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một bài viết dài tới 4,580 chữ phổ biến trên tờ Tiền Phong hôm Thứ Hai, 17 Tháng Sáu, 2019 được tờ báo đặt tựa đề “Không để thế lực thù địch lợi dụng, chiếm lĩnh truyền thông xã hội”. Bài viết sau đoạn giới thiệu của tờ báo thấy tấm hình và đề “Đồng Chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.”
Cũng bài viết này được phổ biến trên tất cả các báo điện tử lớn như Người Lao Động, Lao Động, Thanh Niên, Vietnamnet,… với các tựa đề khác như “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam….”
Có thể bài viết tuy ký tên ông Thưởng nhưng do một người hay một nhóm người trong nhóm chuyên viết lý luận, tuyên truyền của “Tuyên giáo trung ương” chấp bút nhằm cảnh giác đám đảng viên từ trên xuống dưới về nguy cơ từ mạng xã hội có thể dẫn đến “sự suy yếu nhanh chóng của các chế độ như ở Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ Latinh”.
Hiển nhiên, bài viết ám chỉ đến chế độ độc tài và cực kỳ tham nhũng tại Việt Nam cũng không thoát khỏi, nếu không đối phó đủ liều lượng.
Những năm gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam đã tạo nhiều áp lực, buộc các mạng xã hội, đặc biệt YouTube, Facebook, phải gỡ bỏ hoặc chặn các video clip, hình ảnh, bài viết được gọi là “xấu độc” đối với chế độ. Họ lại còn khoe có nhiều tổ chức, lực lượng đông hàng sư đoàn tay cầm bút hay gõ phím tuyên truyền giải độc trên mạng.
Nhưng như bài viết trên tờ Tiền Phong gián tiếp xác nhận, cả guồng máy đảng và nhà nước gồng lên đấu tranh ngày đêm như thế, lại còn đưa nhiều thứ luật để trói tay trói chân dân chúng, mà đến nay vẫn còn phải gào lên “Không để thế lực thù địch lợi dụng, chiếm lĩnh truyền thông xã hội”.
Internet đẻ ra các mạng xã hội. Các mạng xã hội đẻ ra “tầng lớp KOLs (Key Opinion Leader), influencers là những người có “thương hiệu” hoặc là “người bình thường” mà thông tin, quan điểm nêu ra có sức thu hút, ảnh hưởng, được “cư dân mạng” chia sẻ, khuếch tán nhanh trên phạm vi rộng.”
Bài viết trên tờ Tiền Phong nhiều phần dựa vào các tài liệu nghiên cứu ở nước ngoài viết như thế để tấn công “những KOLs, influencers có động cơ không trong sáng, nền tảng văn hóa thấp, bất mãn chế độ, thậm chí từng vi phạm pháp luật nhưng lại biết ‘khơi gợi những cảm xúc xấu xa’; lạm dụng chữ nghĩa, ảo tưởng ‘quyền lực bàn phím’, luôn tìm cách điều hướng dư luận; tấn công doanh nghiệp nhằm trục lợi; đe dọa, xúc phạm cá nhân, tổ chức…”
Bài viết trên cáo buộc “Một số được nuôi dưỡng, cấp phát từ các tổ chức thù địch bên ngoài. Lợi dụng những bất cập trong quản lý nhà nước về Internet, mạng xã hội, chúng thâm nhập vào các nền tảng truyền thông xã hội, ‘nuôi’ nick (tên tài khoản), lập ra hàng trăm nghìn tài khoản ảo và nhiều trang giả mạo cá nhân, tổ chức. Với nhiều thủ đoạn tinh vi được hỗ trợ bởi công nghệ, chúng tập trung chống phá nền tảng tư tưởng, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gieo rắc tư tưởng cực đoan, tạo bất đồng, xung đột trong nội bộ Đảng và nhân dân. Chúng cường điệu những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý để khoét sâu vào xung đột lợi ích, làm chia rẽ xã hội, suy giảm lòng tin, thực hiện “diễn biến hòa bình”, đòi lật đổ chế độ. Từ đó, lôi kéo, tập hợp lực lượng, kích động biểu tình trái phép, chống đối, bạo loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội như trong các vụ lợi dụng vấn đề môi trường tại Formosa Hà Tĩnh, phản đối Dự Luật về Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng…”
Nguy hiểm hơn nữa “Có hiện tượng KOLs, influencers được hỗ trợ ‘không trong sáng’ từ những thông tin mật trong nội bộ các cơ quan Đảng, Nhà nước bị rò rỉ, không loại trừ có cả những cái ‘bắt tay với âm binh’ vô cùng nguy hiểm của những cán bộ suy thoái, cơ hội chính trị, đầy tham vọng cá nhân.”
Để đối phó với đảng viên “suy thoái, biến chất” hợp tác với “bè lũ phản động” và “thế lực thù địch”, bài viết trên tờ Tiền Phong đưa ra cái công thức một là, hai là, ba là…coi như kim chỉ nam cho chế độ hành động, giành lại ảnh hưởng trên internet.
Theo đó, phải “đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet theo kịp sự phát triển của công nghệ Internet,… chủ động, kiên trì thúc đẩy phát triển đúng hướng đi đôi với quản lý chặt chẽ”.
Mới 10 ngày trước ông thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc thúc các cơ quan và những người làm thông tin đối ngoại cả nước “cần đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá, luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động”.
Trước đó nữa, ông tổng bí thư đảng CSVN kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu trong Hội nghị Công an toàn quốc 2019 ngày 3 Tháng Giêng 2019 trong đó nhấn mạnh vấn đề chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ngành này. (TN)

EU phản ứng các vụ xử tù bất đồng chính kiến, liệu CSVN có ‘mở mắt?’

Phạm Chí Dũng/Người Việt
Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương (trái) và Vũ Thị Dung ra tòa hôm 10 Tháng Năm, 2019, vì cáo buộc “rải truyền đơn chống phá nhà nước” với án tù 5 và 6 năm tù. (Hình: Báo Thanh Niên)
Chỉ trong ít tháng gần đây, Liên Minh Châu Âu (EU) đã có loạt hành động phản ứng nhà cầm quyền Việt Nam gia tăng bắt bớ và xử tù nặng nề đối với những người bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền, xã hội dân sự.
Vào Tháng Năm, 2019, Phái đoàn Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam đã phản ứng sau khi Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai kết án nặng nề đối với hai người bất đồng là bà Vũ Thị Dung và bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, và “mong đợi việc Bà Vũ Thị Dung và Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương sẽ được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.”
Đến Tháng Sáu, 2019, mức độ phản ứng đã lên đến cấp EU ở Bruxelles, Bỉ (nơi đặt trụ sở của EU) đối với trường hợp kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh bị tòa án Việt Nam tuyên án 6 năm tù và 5 năm quản chế, đồng thời nhận định đây là “một sự phát triển đáng lo ngại.”
EU đã nhắc lại các quan điểm:
“Những vụ xét xử này là một phần của việc thực thi trên phạm vi rộng các điều khoản về an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đồng thời tiếp nối xu hướng tiêu cực trong việc truy tố và kết án các công dân Việt Nam vì các lý do trong đó có việc biểu đạt một cách ôn hòa các quan điểm của mình trên mạng”;
“Liên Minh Châu Âu cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ các nhà hoạt động nhân quyền trên khắp thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền ở Việt Nam đồng thời hợp tác với các cơ quan chức năng hướng tới việc cải thiện tình hình nhân quyền tại đây.”
Cần chú ý là mật độ phản ứng của EU về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian gần đây là dày hơn khá nhiều so với mối quan tâm thưa thớt cùng chủ đề của cơ quan này trước đây.
Những năm trước, EU và đặc biệt là Phái đoàn Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam không mấy chú tâm đến làn sóng bắt bớ dân chủ nhân quyền ở Việt Nam mà chỉ đặt trọng tâm vào hoạt động giao thương.
“Mở mắt”
Tâm thế mềm mỏng chuyển sang cứng rắn về cải thiện nhân quyền của EU chỉ lộ rõ hơn từ nửa cuối năm 2017, sau việc Nhà nước Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin.
Có thể cho rằng vụ Trịnh Xuân Thanh là cú đột phá khẩu mà đã khiến cho toàn Châu Âu được “mở mắt,” nhận thức lại hoàn toàn về toàn bộ những gì mà chính quyền Việt Nam vẫn tự cho là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” và “Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người.”
Vào ngày 14 Tháng Mười Hai, 2017 – ngay sau khi kết thúc Đối Thoại Nhân Quyền EU – Việt Nam với kết quả tồi tệ, Quốc Hội Liên Minh Châu Âu đã thông qua một nghị quyết khẩn cấp, được thông qua bởi đa số các nghị sĩ trong phiên họp toàn thể nghị viện ở thành phố Strasbourg, lên án chính phủ Việt Nam về các hành động đàn áp tự do thông tin, và yêu cầu Việt Nam phải trả tự do cho toàn bộ các nhà báo công dân.
Kết quả hầu như là con số 0 của Đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam cùng những bản nghị quyết đầy sắc thái cứng rắn của Quốc hội EU đã cho thấy Châu Âu không còn chấp nhận tư thế dễ bị “ăn hiếp” bởi giới chóp bu Việt Nam quá quen mặc cả nhân quyền đổi lấy lợi ích thương mại, đồng thời dựng lên một bức tường đủ cao trước Hà Nội nếu muốn đạt được EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu – Việt Nam).
Tình trạng vi phạm nhân quyền bất chấp của chính thể độc đảng ở Việt Nam chính là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp mà đã khiến vào ngày 15 Tháng Mười Một, 2018, gần một tháng sau khi Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy Ban Châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam, nghị viện Châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam.
Bản nghị quyết này còn cứng rắn hơn cả bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2016/2755 (RSP) công bố vào Tháng Sáu, 2016.
Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925 (RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…
Đến Tháng Hai, 2019, EVFTA đã bị Hội Đồng Châu Âu hoãn vô thời hạn mà nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyền của Hà Nội. Một đòn choáng váng dành cho những kẻ đánh võng mà không có lấy một chút thực tâm cải thiện nhân quyền.
Chưa bao giờ diễn ra mối đồng cảm và sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng như hiện nay giữa các tổ chức nhân quyền quốc tế và nhiều nhà nước ở Châu Âu. Hiểu một cách đơn giản, nếu chính thể Việt Nam không chịu thỏa mãn những điều kiện nhân quyền chính yếu của Nghị Viện Châu Âu, sẽ chẳng có EVFTA nào hết.
Vào lúc này, có thể những người Âu Châu đã đã rút ra được bài học xương máu như người Mỹ trong các cuộc đàm phán nhân quyền bất tận và vô nghĩa với Việt Nam: chính sách “đổi tù nhân lương tâm lấy lợi ích thương mại” của Việt Nam là cực kỳ “xuyên suốt” cho đến khi nào chính thể này còn chưa bị đẩy vào chân tường.
Ngân – Phúc đi Châu Âu công cốc?
Thế nhưng cho đến nay, không khí đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vẫn đặc sệt như một thùng thuốc súng. Chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho bất kỳ một “cải thiện nhân quyền” nào, dù chỉ mang tính mị dân hoặc để đối phó với cộng đồng quốc tế.
Những chuyến đi Châu Âu liên tiếp của Nguyễn Thị Kim Ngân (Chủ tịch Quốc Hội) và Nguyễn Xuân Phúc (thủ tướng chính phủ) chỉ nhằm phát đi những cam kết mà rất có thể vẫn chỉ là lối hứa cuội về nhân quyền.
Hãy ghi nhớ rằng quan điểm “vào trước, bắt sau” của Hà Nội là rất nhất quán kể từ thời WTO: vào năm 2006, chính thể Việt Nam đã tạm ngưng bắt bớ giới hoạt động dân chủ nhân quyền để đổi lấy điều kiện được Mỹ chấp nhận cho tham gia vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và còn được nhấc khỏi CPC (Danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo) của Mỹ.
Nhưng khi đã ung dung trong trong WTO và hưởng lợi lớn từ nhiều ưu đãi của tổ chức này, nhà cầm quyền Việt Nam lại bắt trở lại, và bắt ồ ạt, hung hãn và đầy sắc máu đối với nhiều người hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến.
Việc EU gia tăng phản ứng trong thời gian gần đây về việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt bớ và xử tù nặng nề đối với những người bất đồng chính kiến là một tín hiệu và cũng là thông điệp xấu đối với chính thể độc đảng độc tài: EVFTA sẽ rất khó được nghị viện mới của Châu Âu đồng ý cho ký kết và phê chuẩn.
Quả thực, từ sau chuyến thăm ba nước Châu Âu là Nga, Na Uy và Thụy Điển của Thủ Tướng Phúc vào cuối Tháng Năm, 2019, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy EVFTA “sẽ được ký kết và phê chuẩn vào cuối Tháng Sáu” như một số nguồn tin của đảng và “thân đảng” khấp khởi trước đó.
Thói chủ quan, kênh kiệu rởm đời và không chịu thay đổi não trạng đàn áp nhân quyền của giới chóp bu Việt Nam đã khiến hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam mất cơ hội được tham gia sớm vào thị trường EU khi EVFTA bị hoãn ký. Đồng thời làm chìm đắm hơn nền ngân sách hộc rỗng của chính quyền trung ương ở Việt Nam khi không biết đào đâu ra ngoại tệ để trả nợ nước ngoài đang liên tiếp đến hạn thanh toán và lên đến hàng chục tỷ đô la mỗi năm. (Phạm Chí Dũng)

Hé lộ chuyện quán bún bò ‘không tiếp Tàu Khựa’ bị cưỡng chế

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hai ngày sau vụ cưỡng chế quán bún bò được biết đến với tấm bảng “Không tiếp Tàu Khựa” ở phường 4, quận 8, nhà báo Trương Châu Hữu Danh của báo Làng Mới, tiết lộ nhiều chi tiết trên trang cá nhân hôm 16 Tháng Sáu, 2019.
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết: “Họ [lực lượng cưỡng chế của chính quyền] tháo dỡ và để lại hiện trường tan hoang. Tài sản đem về phường, gồm cả nồi niêu, bát đũa, bếp núc. Có hai cái tủ lạnh trong quán, họ cũng gom luôn. Đến cọng hành hạt tiêu cũng đem về phường. Tôi nghĩ mãi không hiểu, đêm 14 Tháng Sáu, cán bộ đã làm gì với 62 kg bò Úc, 34 kg gân bò, 27 kg chân giò, 38 kg thịt heo, hành ngò, ớt, xả. Thậm chí trong tủ lạnh còn có cả bia và nước ngọt ướp lạnh nữa… Đặc biệt, còn có 12 bộ pín bò… Hiện ông Dũng đã có đơn xin lại thực phẩm. Không biết cán bộ khi đập phá có liệt kê ra hay không? Và họ tính đấy là tài sản hay là gì?”
Nhiều phần ông Dũng không thu dọn thực phẩm ở quán vào giờ chót vì vẫn giữ niềm tin rằng lệnh cưỡng chế của chính quyền sẽ được hủy bỏ vào giờ chót sau khi ông cầu cứu khắp nơi và loan báo trên mạng xã hội những ngày trước đó.
Con chó của ông Dũng Đinh sau khi lực lượng cưỡng chế rời khỏi hiện trường. (Hình: Facebook Trương Châu Hữu Danh)
Vụ cưỡng chế quán bún bò khiến cộng đồng mạng xôn xao vì đây là một quán ăn có phong cách độc đáo với nhiều người Sài Gòn. Nhiều blogger chia sẻ rằng họ thường xuyên đến ăn bún bò ở quán không chỉ vì tô bún ngon mà còn vì đồng cảm với các dòng chữ được dán ở quán: “Nước free tự chọn, chúng tôi không bán nước,” “Hỡi người yêu nước Việt Nam, tẩy chay hàng lạ, dùng hàng nước ta…”
Chủ quán, Facebooker Dũng Đinh, từng là một ca sĩ được nhiều người ở Sài Gòn biết đến hồi thập niên 1990. Ông và một số người ủng hộ ông đã phát video trực tiếp cuộc cưỡng chế của nhà chức trách lên trang cá nhân nhưng tất cả các clip đều bị phá sóng.
Trong vụ cưỡng chế, “tội” duy nhất của ông Dũng được giới blogger giải thích là vì ông này làm chủ đến 1,600 mét vuông “đất vàng” (nơi ông dựng tạm quán bún bò bằng khung kim loại, phủ bạt) và treo ở quán những khẩu hiệu khiến người của nhà cầm quyền “ngứa mắt.”
Hôm 16 Tháng Sáu, ông Dũng Đinh viết trên trang cá nhân: “Thiên Chúa đã ban cho tôi quán bún bò Dũng Đinh, thì chỉ có Ngài mới lấy lại được nó, không ai có quyền hủy hoại và tiêu diệt nó. Luôn cầu nguyện và phó thác, hãy giữ vững đức tin. Người ta không cho tôi bán bún bò, thì tui làm ruộng trên đất của mình thôi. Mà cũng vui, Sài Gòn năm 2019 vẫn còn đất nông nghiệp để quyết tâm xây dựng ‘nông thôn mới,’ nhất định không cho chuyển đổi sang đất thổ cư.” (T.K.)

Thiếu úy biên phòng Long An xả súng vào đồng đội rồi tự sát

Các ngả đường vào đồn biên phòng bị phong tỏa. (Hình: Thanh Niên)
LONG AN, Việt Nam (NV) – Đội trưởng Tham Mưu Tổng Hợp Đồn Biên Phòng Cửa Khẩu Bình Hiệp đã xả súng làm bốn đồng đội bị thương, sau đó ôm súng cố thủ trong đồn nhiều giờ rồi tự sát.
Tối 15 Tháng Sáu, 2019, nói với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Vũ, chủ tịch thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), cho biết khoảng 4 giờ chiều cùng ngày Thiếu Úy Tạ Quang Đạt, đội trưởng Tham Mưu Tổng Hợp Đồn Biên Phòng Cửa Khẩu Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), đang làm nhiệm vụ, bất ngờ đi vào bên trong lấy khẩu AK nhắm vào đồng đội cùng cơ quan xả đạn, khiến bốn người bị thương, trong đó có một người dân.
Trong đó, Đại Úy Vũ Hào Hiệp (35 tuổi), đồn phó Đồn Biên Phòng Cửa Khẩu Bình Hiệp, bị thương với nhiều vết đạn trên cơ thể tại ba vị trí bụng, ngực và tay. Sau khi chuyển vào Bệnh Viện Đa Khoa thị xã Kiến Tường cấp cứu gần 20 phút thì ông Hiệp chết.
Còn anh Vũ Duy Công (22 tuổi) bị đánh nhiều báng súng vào đầu và ngực nhưng chỉ chấn thương phần mềm.
Bệnh viện đang chuyển các nạn nhân bị thương đi cấp cứu. (Hình: Tuổi Trẻ)
Hai cán bộ Đồn Biên Phòng Cửa Khẩu Bình Hiệp bị bắn còn lại là ông Phan Văn Lợi (29 tuổi) có vết thương hở ở đùi, nghi phần đầu đạn vẫn còn bên trong và ông Trần Minh Triết (38 tuổi) bị một vết thương hở ở cẳng chân trái. Tối cùng ngày cả hai đã được chuyển từ Bệnh Viện Đa Khoa thị xã Kiến Tường đến Bệnh Viện 7A tại Sài Gòn để giải phẫu.
Cũng theo ông Vũ, sau khi xả súng vào đồng đội, Thiếu Úy Tạ Quang Đạt cố thủ nhiều giờ bên trong trụ sở Đồn Biên Phòng Bình Hiệp, dù được giới hữu trách kêu gọi bỏ súng ra trình diện, nhưng không chấp hành.
Đến khi lực lượng hữu trách áp sát vòng ngoài thì nghe nhiều tiếng súng nổ bên trong đồn do Thiếu Úy Đạt tự sát.
Liên quan đến sự việc này, trả lời báo Thanh Niên, Thiếu Tướng Nguyễn Hoài Phương, phó tư lệnh Bộ Tư Lệnh Bộ Đội Biên Phòng, cho biết: “Hung thủ có dấu hiệu trầm cảm, nhưng nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc này vẫn đang được tiếp tục điều tra.” (Tr.N)

Lại thêm một người dân chết bất thường tại trụ sở công an vì ‘tự tử’

Gia đình ông Nguyễn Xuân Thắng dựng rạp trong ngày 15 Tháng Sáu nhưng vẫn chưa được giao thi thể ông Thắng về để chôn cất. (Hình: Tuổi Trẻ)
HẢI DƯƠNG, Việt Nam (NV) – Một ông 40 tuổi ở xã Nam Tân, huyện Nam Sách, lỡ trộm tiền của người quen đến Công An thành phố Chí Linh đầu thú, để rồi sau đó gia đình nhận được tin báo “đã tự tử chết trong quá trình hỏi cung.”
Trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 15 Tháng Sáu, 2019, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An tỉnh Hải Dương cho biết “Đang xác minh vụ ông Nguyễn Xuân Thắng (40 tuổi, trú tại thôn Đột Hạ, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), một nghi phạm trộm cắp tài sản bị chết sau khi đến Công An thành phố Chí Linh đầu thú.”
Theo tin của gia đình ông Thắng, hôm 9 Tháng Sáu, ông Thắng đã ăn trộm tài sản của một gia đình người quen ở thành phố Chí Linh, với số tiền và vàng trị giá khoảng 50 triệu đồng ($2,142).
Đến sáng ngày 13 Tháng Sáu, ông Thắng cùng người nhà đến trụ sở Công An thành phố Chí Linh để tự thú. Sau đó, công an nơi này tiến hành lấy lời khai của ông Thắng “để làm rõ vụ việc.”
Thế nhưng, đến khoảng 8 giờ tối cùng ngày, gia đình ông Thắng bất ngờ được cơ quan hữu trách thông báo “ông Thắng đã tự tử trong quá trình hỏi cung, bằng cách dùng dây điện của bình đun nước dí vào ổ cắm điện tại phòng hỏi cung, sau đó dí vào tay và ngực.”
Khi gia đình đến nơi thì thấy thi thể ông Thắng đã được công an đưa vào nhà xác của Trung Tâm Y Tế thành phố Chí Linh. Người nhà ông Thắng không đồng tình với lý giải của công an, nghi ngờ người thân bị công an đánh chết trong lúc hỏi cung nên đã tố cáo với báo chí.
Cũng theo tờ Tuổi Trẻ, cho đến chiều 15 Tháng Sáu, gia đình ông Thắng vẫn chưa nhận được thi thể của nạn nhân từ phía công an để mang về chôn cất, mặc dù Viện Khoa Học Hình Sự Bộ Công An đã giảo nghiệm tử thi cách đây hơn một ngày.
Nói với báo Tuổi Trẻ, ông Vũ Thanh Chương, giám đốc Công An tỉnh Hải Dương, chỉ cho biết “Đã nắm được thông tin về sự việc và giao cơ quan điều tra của tỉnh vào cuộc xác minh.”
Theo Công An thành phố Chí Linh, ông Nguyễn Xuân Thắng có gia đình và có hai con nhỏ, chưa có tiền án nhưng “từng bị xử lý hành chính về tội trộm cắp.” (Tr.N)

Bị chế giễu, công an Đồng Nai bắt ‘nguội’ đại ca giang hồ


Giang hồ chặn xe chở cán bộ công an gây náo loạn cả khu vực. (Hình: Zing)
ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Bị công luận chế giễu trong vụ giang hồ vây xe chở đồng nghiệp, Công An Biên Hòa đã ra lệnh bắt khẩn cấp đại ca giang hồ ở khu chợ Điều, phường Long Bình, do đã điều động đàn em “gây rối trật tự công cộng.”
Ngày 15 Tháng Sáu, 2019, Công An thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã ra lệnh bắt ông Ngô Văn Giang (tự Giang “36”), một đại ca giang hồ ở khu chợ Điều, phường Long Bình (thành phố Biên Hòa), để điều tra về tội “gây rối trật tự công cộng.”
Theo báo VNExpress, ông Giang “đã huy động hàng chục đàn em xăm trổ kéo đến nhà hàng Lam Viên, xã Hiệp Hòa An, gây náo loạn khu vực cũng như rượt theo chặn, bao vây xe hơi chở nhóm bốn người, trong đó có hai cán bộ Công An tỉnh Đồng Nai và một đại tá về hưu.”
Trước đó hôm 12 Tháng Sáu, hai trung tá Phòng Quản Lý Hành Chính và Trật Tự Xã Hội Công An Đồng Nai là ông Đinh Tú Anh và Nguyễn Quang Trường, cùng Đại Tá Huỳnh Bảo Hùng, cựu trưởng phòng Phòng Cháy Chữa Cháy và Cứu Hộ Cứu Nạn Biên Hòa, và ông Phạm Văn Hiền (35 tuổi, doanh nhân ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) ăn nhậu tại phòng VIP 2, nhà hàng Lam Viên, thành phố Biên Hòa.
Cũng thời gian này, hai ông Nguyễn Tấn Lương (38 tuổi) và Lê Võ Trường Hải cùng tám thanh niên khác ăn nhậu tại phòng VIP 8 của nhà hàng.
Đến khoảng 2 giờ trưa, ông Hiền say rượu, vừa ra khỏi cửa phòng thì ói mửa trúng vào chân ông Lương nên xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến xô xát. Quản lý nhà hàng phải gọi bảo vệ vào can ngăn thì trật tự mới được vãn hồi.

“Đại ca giang hồ” Ngô Văn Giang tại hiện trường vụ bao vây các công an trong xe hơi hôm 12 Tháng Sáu, 2019. (Hình: VietNamNet)

Sau khi giải hòa, ông Hiền và nhóm cán bộ công an đi cùng lên xe hơi rời khỏi quán chạy về hướng Ngã Ba Vũng Tàu. Không đồng ý cho nhóm ông Hiền ra về, ông Lương gọi điện cho ông Giang nhờ đến giúp mình “giải quyết vụ việc.”
Khi xe chở ông Hiền và các công an rời khỏi quán vài trăm mét thì ông Giang chỉ đạo đàn em lên xe bán tải rượt theo chặn đầu, khoảng 10 xe gắn máy khóa đuôi chận lại. Những thanh niên xăm trổ sau đó dùng vật nhọn đâm thủng lốp xe của công an rồi bao vây, hò hét uy hiếp, yêu cầu nhóm người trong xe ra ngoài “nói chuyện.” Sợ nguy hiểm, nhóm công an cố thủ trong xe và gọi điện cho đồng nghiệp cầu cứu.
Khoảng 15 phút sau, nhiều Cảnh Sát 113, Đặc Nhiệm Hình Sự… lần lượt xuất hiện dày đặc hai bên đường để giải vây. Nhóm giang hồ vẫn không cho bốn người trong xe hơi rời đi. Đến khi lãnh đạo Công An thành phố Biên Hòa xuất hiện “thương thuyết” sự việc mới được giải quyết.
Sau khi sự việc xảy ra, trên các trang mạng xã hội tràn ngập những lời nhận xét và chế giễu chính quyền thành phố Biên Hòa và Công An Đồng Nai “hèn với giặc, ác với dân,”  “công an cũng khiếp sợ giang hồ…”
Ký giả Nguyễn Hồng Lam viết trên trang Facebook cá nhân “Hết sức vô lý là việc cả trăm cảnh Cảnh Sát Cơ Động có mặt nhưng không lập tức giải giáp đám côn đồ, kể cả việc phải dùng vũ lực. Bởi, chúng đã cấu thành tội phạm: gây rối trật tự, hủy hoại tài sản và sau đó là cản trở người thi hành công vụ. Không có yếu tố ‘đe dọa nguy hiểm đến tính mạng con tin,’ cho nên yêu cầu này không phải là ưu tiên. Vậy tại sao cơ quan luật pháp phải thương thuyết, đàm phán với đám lưu manh? Trả lời: Vì ai đó muốn điều đó diễn ra, muốn cho thiên hạ thấy. Và thiên hạ đã thấy. Luật pháp đang bị nhạo báng và điều khiển. Công An Đồng Nai nợ công luận một câu trả lời lớn về trách nhiệm.”
Trong khi đó, bạn Lê Ngọc Ánh nhận xét: “Quá đơn giản đây là sự thể hiện rõ nhất của lãnh đạo Công An Đồng Nai và cả hệ thống chính quyền Đồng Nai, chỉ cần xâu chuỗi lại các sự vụ ở Đồng Nai sẽ thấy sự nhu nhược yếu kém hay là vì một lý do nào khác của chính quyền Đồng Nai.” (Tr.N)