Friday, March 17, 2017

Đạo đức chìm xuồng

Hoàng Giang 
Theo VOA-18/03/2017
Ảnh tư liệu.
Ảnh tư liệu.

Trong blog của mình, tôi đã đề cập đến vấn đề lạm dụng trẻ em qua rất nhiều bài viết, đặc biệt trong khoảng thời gian có 2 sự kiện diễn ra song song, đó là vụ diễn viên hài Minh “béo” bị bắt giữ tại Mỹ do có hành vi ấu dâm với trẻ vị thành niên và một bé gái bị lạm dụng bởi ông Nguyễn Khắc Thủy (sinh năm 1940) tại Vũng Tàu. Cho đến nay, khi mà vụ án Minh “béo” được giải quyết xong xuôi, phạm nhân đã mãn hạn tù và quay trở lại Việt Nam thì vụ tại Vũng Tàu vẫn lửng lơ, chưa có quyết định xét xử từ phía tòa án chính quyền dù rất nhiều bằng chứng đã được cung cấp, thậm chí có nguy cơ bị đình chỉ. Chỉ duy nhất một thông tin được biết thêm: đó là kẻ xâm hại cháu bé từng là giám đốc ngân hàng nhà nước chi nhánh Vũng Tàu, kiêm Đảng viên lâu năm. Chi tiết tưởng chừng cỏn con nhưng lại là lời giải đáp cho sự chìm xuồng đáng ngờ của vụ này.
Đầu năm 2017, liên tiếp 2 vụ ấu dâm khác xảy ra, tại Hà Nội và Sài Gòn. Tại Hà Nội, một bé gái 8 tuổi bị xâm hại ngay trong khu vực sinh sống của mình bởi nghi phạm Cao Mạnh Hùng, hàng xóm của gia đình bé. Sau khi bị tố cáo và bị công an địa phương bắt để xét xử nhưng được thả về ngay lập tức, nghi phạm cùng vợ con đã chuyển chỗ ở ngay trong ngày. Gây phẫn nộ nhất là hành vi không cảm thấy hổ thẹn của y, trái lại còn thách thức gia đình nạn nhân khi cậy mình có mối quan hệ rộng rãi. Tại một trường tiểu học ở quận Thủ Đức, Sài Gòn, một em học sinh 6 tuổi bị xâm hại ngay trong khuôn viên nhà trường. Nhưng khi được yêu cầu điều tra thì giáo viên trong trường lại khẳng định cháu nghịch chơi bị té ngã, chảy máu vùng kín. Camera an ninh tại thời điểm đó bỗng dưng bị hư hỏng, không lưu giữ được hình ảnh.
Tôi không hiểu sao đến thời điểm hiện tại, những bộ trưởng bộ giáo dục, bộ văn hóa hay bất cứ một ngài tai to mặt lớn nào có đủ thẩm quyền trên đất nước này vẫn im phăng phắc không một lần lên tiếng. Phải chăng sự thờ ơ, im lặng của các quan chức này là minh chứng rõ ràng cho một xã hội mà những kẻ có tiền là có quyền. Tại sao đến thế kỷ của văn minh, ánh sáng mà trong môi trường giáo dục, những lớp học kiến thức về tình dục, về tâm sinh lý của trẻ em vẫn không được dạy dỗ phổ biến? Các buổi họp phụ huynh vẫn lu bu chuyện đóng các khoản phí phát sinh mà không phải là chia sẻ về cách bảo vệ con em mình? Những buổi chào cờ đầu tuần kéo dài cả tiếng đồng hồ chỉ xoay quanh điểm thành tích, xếp hạng? Tại sao không một ai trong chúng ta dám nói thẳng rằng những tên đồi bại kia là đáng tội nhưng chính chúng ta cũng đóng góp một phần không nhỏ tạo môi trường dễ dàng cho chúng lộng hành?
Những câu chuyện về xâm hại trẻ em dạo gần đây cùng một lúc được biết đến rất nhiều và làn sóng phẫn nộ từ dư luận bùng lên nhưng dường như chỉ như bọt bong bóng xà phòng vụn vỡ khi mà báo chí chỉ đơn giản là kền kền đói tin mà nói viết nhăng cuội chứ không theo đuổi đến cùng. Gia đình bé gái ở Vũng Tàu đã từng ngỡ ngàng vì không ít phóng viên nhắn tin đòi thêm tiền để viết thêm về vụ việc. Tất cả chỉ như món mồi ngon để truyền thông lao vào cắn xé, những kẻ hiếu kỳ nhào nặn bóp méo câu chuyện, các nhà đạo đức học lên tiếng bảo vệ gay gắt… Mạng xã hội là một phương tiện chia sẻ mang tính lan truyền cao nhưng tồn tại ngắn hạn. Có thể ngày hôm nay đang “hot” đấy nhưng ngày mai lại im lìm ngay tức khắc. Tất cả những cái “like”, “share” không đem trả lại được tuổi thơ yên bình cho các bé nạn nhân, và chắc chắn cũng không đảm bảo được môi trường trong sạch, an toàn cho trẻ em Việt. Việc cần làm là những hành động thiết thực như dán biển hiệu, băng rôn thông báo toàn khu dân cư sinh sống (các thanh niên hội Đoàn, Đảng, hội phụ nữ, tổ dân cư họp hàng tuần để làm gì?), môi trường giáo dục như nhà trường lớp học cần có các buổi nói chuyện phổ biến về vấn đề xâm hại trẻ em cho phụ huynh và các em học sinh… Phản ứng, thái độ quyết liệt của chính mỗi cá thể trong cộng đồng này là một cái tát vào mặt những kẻ đã và đang có ý định đồi bại với trẻ nhỏ, chứ không phải những lời kêu gọi rỗng tuếch được truyền qua mạng ảo. Việt Nam với những tòa nhà được xây cao hơn, những khu sinh sống khang trang hơn, hiện đại hơn nhưng chỉ như lớp vỏ bọc hào nhoáng cho sự xuống cấp của giáo dục, của đạo đức đang lộng hành.
* Blog Trong lòng Hà Nội của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Người trong một nước phải thương nhau cùng

Nguyễn Tiến Trung
Theo VOA-17/03/2017 
Ảnh chụp màn hình đoạn video bị rò rỉ trung tuần tháng 3/2017.
Ảnh chụp màn hình đoạn video bị rò rỉ trung tuần tháng 3/2017.
Gần đây, có một đoạn phim dài khoảng nửa tiếng bị rò rỉ trên các mạng xã hội. Đoạn phim quay lại bài phát biểu của Thiếu tướng, GS.TS Trương Giang Long, Phó tổng cục trưởng Tổng cục chính trị Bộ Công an, giám đốc Học viện chính trị Công an nhân dân.
Dù đoạn phim được dư luận chú ý nhưng đến lúc tôi viết bài này thì Bộ Công an không hề đưa ra bình luận nào về đoạn phim, cũng không bác bỏ tính xác thực của nó. Do đó, tôi giả định rằng đoạn phim vừa nêu là xác thực, và những gì Tướng Long nói đại diện cho tư duy của các tướng lãnh công an nói riêng, cũng như tư duy của các lãnh đạo cộng sản nói chung.
‘Bạn vàng’ hiện nguyên hình
Ngay phần mở đầu, Tướng Long đã khẳng định:
“Trung Quốc, tôi xin thưa các đồng chí là, không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chủ quyền của chúng ta ở Biển Đông, không bao giờ từ bỏ dã tâm này. Mà cái này không phải chỉ thời ông Tập Cận Bình đâu, ông khác lên cũng sẽ như vậy thôi. Câu chuyện là, bao giờ họ sẽ lấy và lấy bằng cách nào…”
Sau đó, Tướng Long cũng tiết lộ là công an Việt Nam đã phát hiện hàng trăm người làm việc cho Trung Quốc trong hệ thống chính trị. Vậy còn bao nhiêu người mà công an chưa phát hiện? Cũng như tại sao người dân chưa thấy các gián điệp làm việc cho Trung Quốc bị đem ra xét xử để răn đe những phần tử bán nước khác? Và tại sao những buổi lễ dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ đã hi sinh trong các cuộc chiến với Trung Quốc lại bị chính lực lượng công an, an ninh ngăn cản?
Tin tốt là nhà cầm quyền đã nhận thức được đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ thù chứ không phải “bạn vàng”. Còn tin xấu là nhà cầm quyền vẫn mơ hồ trong chính trị, nhầm lẫn bạn - thù, để đến nỗi nhìn đâu cũng thấy “thế lực thù địch”, từ người dân Việt Nam đến các quốc gia láng giềng khác và xa hơn như Mỹ, Nhật Bản.
Chính từ sự hồ đồ trong nhận thức chính trị này đã dẫn đến những hành động mâu thuẫn nhau. Trên báo chí chính thống thì đăng tin bài tràn ngập về các trận chiến với Trung Cộng, gọi thẳng mặt Trung Cộng là quân xâm lược hèn hạ, nhưng khi người dân làm lễ tưởng niệm các liệt sỹ thì bị phá hoại, ngăn cản.
Năng lực chính trị yếu kém
Tướng Long cũng thổ lộ: “Đại hội 12 đảng ta mới bừng tỉnh, mới ghi vào trong nghị quyết của mình là mọi chủ trương đường lối đối ngoại của chúng ta đều phải lấy lợi ích dân tộc làm trọng và đều phải xuất phát từ lợi ích dân tộc.” Một đảng cầm quyền nắm vận mệnh cả dân tộc hàng mấy chục năm nay mà đến tận Đại hội 12 năm 2016 mới bừng tỉnh rằng quyền lợi dân tộc là trên hết thì còn gì để nói? Vậy trước đó đảng Cộng sản đặt quyền lợi của ai ở trên hết, của Nga Xô, Trung Cộng, hay của chính đảng Cộng sản? Bao nhiêu máu xương của dân Việt đã đổ xuống trong các cuộc chiến tranh do đảng cộng sản tiến hành vì lợi ích của ai?
Thật là “Ma đưa lối quỉ dẫn đường. Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”! (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Cũng trong đoạn phim trên, Tướng Long bày tỏ mộng ước nước Việt Nam hết đói nghèo để mà hết hèn. Ông nói nếu thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mà cao và có tiền bạc dư dả để mua vũ khí thì không lo ngại ai xâm lược.
Vậy Tướng Long có bao giờ suy nghĩ xem tại sao cả nước dưới sự lãnh đạo “sáng suốt, tài tình” của đảng Cộng sản đã hơn 40 năm mà nước Việt vẫn “nghèo”, “hèn” không? Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa quốc gia vào năm 2020 đã thất bại. Rõ ràng ông đã gián tiếp thừa nhận đảng Cộng sản Việt Nam không đủ năng lực quản trị quốc gia để đưa đất nước trở nên hùng cường, thịnh vượng.
Một đảng chính trị chân chính cần phải có tầm nhìn cho quốc gia và có khả năng hiện thực hóa tầm nhìn đó, đưa đất nước đến dân chủ, giàu mạnh. Tài tình của một đảng chính trị không phải ở việc khôn lỏi trong chuyện đi đôi co chữ nghĩa với Mỹ thế nào, đòi Mỹ đón tiếp ra sao, đàn áp dân thế nào như lời Tướng Long đã kể.
Tư duy ‘mày được tao mất’
Trong tư duy của giới lãnh đạo cộng sản không hề có khái niệm các bên cùng thắng. Họ chỉ nghĩ nếu như người khác có lợi thì họ bị thiệt. Đó là lý do tại sao họ thấy nếu người Việt Nam có dân quyền hiện thực thì họ sẽ bị thiệt vì bị mất quyền lực bất hợp pháp. Cũng như họ cho rằng nếu nước Mỹ, Nhật Bản có lợi thì Việt Nam sẽ bị thiệt hại.
Từ tư duy như vậy dẫn đến thảm trạng của đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại, “tứ bề thọ địch”, không có bạn bè, đến cả anh “bạn vàng” thật ra cũng là “thù địch”. Lãnh đạo cộng sản ngồi ở trên đỉnh quyền lực nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị lật đổ. Trong khi đó, các quốc gia có nền tảng pháp luật chuẩn mực với chính quyền chính danh do dân bầu ra như Mỹ, Nhật Bản, Nam Triều Tiên… đâu bao giờ lo sợ bị lật đổ.
Tướng Long có bao giờ suy nghĩ tại sao Nhật Bản, Nam Triều Tiên liên minh quân sự với Mỹ nhưng không ai nói các nước đó mất độc lập không? Những thứ “đồ chơi” mà Tướng Long mơ ước Việt Nam sở hữu để đối phó với Trung Cộng thì Mỹ đang cung cấp cho Nhật Bản, Nam Triều Tiên như các hệ thống tên lửa Aegis, Thaad, PAC, máy bay F22, F35,…
Rõ ràng là việc liên minh, liên kết với nhau giữa các quốc gia là câu chuyện các bên cùng có lợi, cùng thắng chứ không phải một nước có lợi thì nước khác bị thiệt hại.
Cả dân tộc cùng thắng
Tương tự như thế, các lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam nên hiểu rằng người dân Việt Nam là nguồn tài nguyên quan trọng nhất của quốc gia chứ không phải là “thế lực thù địch”. Nhà cầm quyền cần phải trao trả quyền làm chủ cho người dân, thực hiện trưng cầu dân ý, phúc quyết hiến pháp, bầu cử tự do, và đảm bảo quyền sở hữu đất đai, tài sản của dân.
Khi người dân làm chủ đất nước thì người dân sẽ ra sức xây dựng nó và bảo vệ nó. Lúc đó lo gì các trí thức Việt Nam từ trong nước đến hải ngoại không đóng góp ý kiến tâm huyết để xây dựng, chuyển giao công nghệ, kể cả công nghệ quốc phòng. Lúc đó thì kẻ thù nào dám nhòm ngó một Việt Nam đoàn kết?
Khi pháp luật chuẩn mực đảm bảo quyền tư hữu của người dân thì dân mới yên tâm làm ăn kinh doanh. Khi đó thì lo gì đất nước này không giàu, không mạnh.
Khi người dân được làm chủ thì chính các đảng viên cộng sản cũng là dân, cũng là chủ đất nước, cũng được pháp luật chuẩn mực bảo vệ tính mạng và tài sản hợp pháp. Vậy thì tại sao nhà cầm quyền phải lo sợ? Và có phải pháp luật chuẩn mực là giải pháp để cả dân tộc cùng thắng hay không?
Cần khẳng định rằng người Việt là đồng bào, giữa người Việt không có thù địch. Dân tộc này, tiêu biểu như thời Nguyễn Trãi còn cấp lương thực, ngựa xe cho quân Trung Quốc xâm lược về nước thì các lãnh đạo cộng sản lo gì dân tộc này sẽ không bao dung với họ. Đảng cầm quyền hãy trở về với nhân dân trong tình tự dân tộc, cùng nhau đoàn kết dân tộc trên nền tảng pháp luật chuẩn mực để “dựng lại người, dựng lại nhà” (tựa bài hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn), như câu ca dao mà tổ tiên Việt Nam đã nhắn nhủ:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Trung Quốc có đổ tiền cứu Việt Nam?

Phạm Chí Dũng 
Theo VOA-18/03/2017 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội, ngày 5/11/2015.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội, ngày 5/11/2015.
Câu hỏi này, thậm chí mang ý nghĩa đối với một phần sự sống còn của dân tộc Việt Nam, đã tồn tại từ rất lâu và giờ đây lại một lần nữa đặc biệt xáo động trong tâm thức nhiều người đang lo lắng việc Bắc Kinh sẽ đổ tiền để cứu vãn chế độ Hà Nội - như một cách nhằm bảo vệ ý thức hệ độc đảng chuyên quyền và phản dân chủ.
Ngửa bài đe dọa
Quá nhiều người Việt vừa không thích Trung Quốc, vừa lo sợ lịch sử về nguy cơ Trung Quốc sẽ biến Việt Nam thành một thứ tỉnh lỵ thuộc Bắc Kinh vào một thời điểm nào đó, nhất là sau khi Hội nghị Thành Đô đặt mọi chuyện vào sự đã rồi và luôn là một cái cớ để Bắc Kinh tấn công Việt Nam bất kỳ lúc nào thuận lợi.
Năm 2016, một trung tâm nghiên cứu có uy tín của Hoa Kỳ là Pew đã chứng thực và lượng hóa tâm lý “thoát Trung” ấy. Khi Pew đặt câu hỏi đối với 1.000 dân Việt được hỏi nước nào là mối đe dọa lớn nhất, có tới 74% chọn Trung Quốc. Và khi Pew đề cập quốc gia nào có thiện cảm nhất, chỉ có 16% dân Việt chọn Trung Quốc.
Nhưng ở Việt Nam đương đại, chủ nghĩa “thân Trung” vẫn tồn tại từ thời Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống. Chỉ có một điểm khác biệt cơ bản: nếu ít năm trước loại chủ nghĩa này còn cố gắng che giấu ý đồ và hành vi của nó, thì nay một số nhân vật người Việt đại diện cho khuynh hướng và tổ chức “thân Trung” ở Hà Nội thậm chí còn công khai tuyên truyền cho khả năng “không có chuyện chế độ (Việt Nam) sụp đổ vì Trung Quốc sẽ đổ tiền để cứu”.
Hầu như không khác với giới tuyên huấn Bắc Kinh mà từ lâu vẫn hô hào về một “Trung Quốc đang trỗi dậy” để người dân nước này không nên ngả theo phương Tây và cũng chẳng cần phải đấu tranh giành các quyền con người, các nhân vật “thân Trung” ở Hà Nội muốn lật ngửa bài để đe dọa những quan chức manh nha theo đường lối đồng minh quân sự với Mỹ và Nhật, cùng lúc khống chế phong trào dân chủ nhân quyền và tinh thần kháng Trung ở Việt Nam.
Không biết vô tình hay hữu ý, hành động “thân Trung” trên càng gia tốc và nguy hiểm hơn sau chuyến làm việc của ông Nguyễn Phú Trọng tại Trung Quốc vào tháng Giêng năm 2017, kéo theo 15 hiệp định song phương và ngay lập tức vốn đầu tư của Trung Quốc vọt lên hàng thứ hai trong các kênh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Vì sao phải ‘cứu Việt Nam’?
2017 - năm bị xem là “cực kỳ khó khăn” đối với nền kinh tế Việt Nam mà thậm chí một quan chức cao cấp là Nguyễn Xuân Phúc đã phải cảnh báo về “sụp đổ tài khóa quốc gia”.
Hẳn là thế và hình như không còn lối thoát nào khác nếu chiếu theo luận thuyết “kinh tế quyết định chính trị” của Mác mà Việt Nam vẫn hàng ngày truyền tụng trong các cơ sở đào tạo “lý luận chính trị cao cấp”.
Sau triều đại bị xem là “phá chưa từng có” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sự thật về một nền kinh tế suy sụp và cận kề khủng hoảng đã không còn lời nào để bào chữa. Nếu trước đây Thủ tướng Dũng, dàn tham mưu bộ ngành của ông ta, và kể cả dàn đồng ca phụ họa của những người bên đảng còn tự an ủi rằng những “khó khăn kinh tế” như nợ xấu, nợ công, ngân sách không phải là chuyện lớn và “vẫn còn dư địa để vay tiếp và phát triển”, làm thế nào có thể lý giải được một sự thật trần trụi là ít nhất 25 tỷ USD nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn hoàn toàn bế tắc trong xử lý trong khi nợ công quốc gia không phải chỉ gần 65% GDP như đủ loại báo cáo “nâng lên một tầm cao mới” mà đã vọt lên đến 210% GDP - gấp hơn 3 lần ngưỡng nguy hiểm?
Kinh nghiệm của các quốc gia từng suýt vỡ nợ nhưng cuối cùng không vỡ là cho dù nợ công cao nhưng ngân sách và dự trữ ngoại hối vẫn còn đủ bù đắp. Cách đây vài năm, giới chuyên gia nhà nước vẫn thường lấy Nhật Bản như một bài học kinh nghiệm về tỷ lệ nợ công vượt hơn 200% GDP nhưng vẫn an toàn để cho rằng Việt Nam… cũng sẽ ổn. Nhưng lại theo kinh nghiệm của những quốc gia đã từng thực sự vỡ nợ như Argentina, nợ công kinh khủng mà ngân sách lại cạn kiệt là những tiêu chí chắc chắn dẫn đến một kịch bản vỡ nợ chắc chắn, có khi còn kéo theo sự sụp đổ của cả một chính phủ.
Việt Nam lại đang bước vào năm suy thoái kinh tế thứ 9 liên tiếp, trong lúc các kênh “ngoại viện” gần như đóng lại. Ngay cả Hiệp định TPP mà giới lãnh đạo Việt Nam từng trông đợi để được “tăng 25% GDP” cũng gần như tan vỡ. Trong khi đó, một hiệp định khác - Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - cũng chưa tới đâu, cho dù đã được ký kết từ cuối năm 2015. Nghe đâu Nghị viện châu Âu còn đang rất cân nhắc có nên thông qua việc triển khai hiệp định này hay không khi chính quyền Việt Nam vẫn thẳng tay đàn áp nhân quyền.
Thậm chí vào năm 2016, lượng kiều hối của “kiều bào ta” gửi về quê hương đã sụt đến 3 tỷ USD - giảm hơn 30% so với năm 2015, báo hiệu một thời kỳ “đen tối”…
Việt Nam đang hội tụ gần như đầy đủ các yếu tố đủ lớn cho một sự ra đi về “ổn định kinh tế tức ổn định chính trị”: từ năm 2015, ngân sách trung ương đã bị cảnh báo là “có thể trống rỗng”, để đến năm 2017, bên cạnh lời cảnh báo “cực kỳ khó khăn” là bắt đầu xuất hiện dự báo về khả năng nền ngân sách này “không trụ nổi đến hết năm 2018”.
Đó là nguyên do sâu xa để chế độ một đảng ở Trung Quốc, nếu không thật sự khó khăn tài chính, đã và sẽ phải đổ tiền để cứu chế độ độc đảng tại Việt Nam.
Thực chất kinh tế Trung Quốc ra sao?
Rất nhiều người cho rằng những nhân vật sâu hiểm và có tầm như Tập Cận Bình sẽ chỉ “cứu Việt Nam” nếu Trung Quốc có đủ sức.
Khách quan mà xét, Trung Quốc đã vượt qua được một thử thách rất lớn về kinh tế vào giai đoạn những năm 2012 - 2013. Từ năm 2011, người được giải Nobel kinh tế là Tiến sĩ Nouriel Roubini đã đưa ra dự báo rằng kinh tế Trung Quốc sẽ “hạ cánh cứng vào năm 2013”. Tốc độ suy giảm GDP, nợ chính quyền địa phương và tình hình thiếu khả quan của các thị trường bất động sản và chứng khoán… là một số cơ sở cho nhận định bi quan như vậy của Rounini và cả một số tổ chức phân tích tài chính phương Tây. Tuy thế đến năm 2013, Trung Quốc lại bất ngờ vượt qua vực thẳm kinh tế và tài chính để sau đó nhịp độ tăng trưởng GDP có phần phục hồi. Cho tới nay, nền kinh tế quốc gia này vẫn có vẻ “ổn” và không bị quá nhiều dư luận nghi ngờ như trước đây.
Nhưng vẫn có một tử huyệt của nền tài chính Trung Quốc mà chính quyền nước này chưa bao giờ dám công bố: tỷ lệ nợ công quốc gia vọt lên đến 237% GDP, tức đến 28 ngàn tỷ USD vào năm 2016 - theo phân tích của tờFinancial Times vào tháng 4/2016 - vượt xa tỷ lệ nợ của các nước đang phát triển khác. Tình trạng này có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính hoặc trì trệ kinh tế kéo dài ở Trung Quốc.
Tất nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn có thể tự an ủi rằng họ có một kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới - lên đến 4.000 tỷ USD vào năm 2016. Chỉ có điều, con số 4.000 tỷ này chỉ bằng 1/7 so với gánh nặng nợ công 28 ngàn tỷ.
Chưa kể vào đầu năm 2017, Trung Quốc phải thừa nhận dự trữ ngoại hối của mình đã giảm mạnh từ 4.000 tỷ về dưới mốc 3.000 tỷ USD.
Gần đây, những tin tức phản biện mới nhất về thực chất nền kinh tế Trung Quốc đến từ ông Gordon G. Chang, tác giả của cuốn sách Sự sụp đổ sắp đến của Trung Quốc. Vị luật sư kiêm nhà bình luận người Mỹ này nhận định “kinh tế Trung Quốc sắp rơi tự do” trong một cuộc phỏng vấn mới đây với trang Đại Kỷ Nguyên, theo đó ông cho rằng Trung Quốc chỉ ổn định trên bề mặt trong năm 2017, nhưng tiềm ẩn bất ổn thực sự dưới bề mặt.
Hai thông tin đặc biệt mà ông Gordon G. Chang cho biết là: Trong năm 2015, luồng vốn chuyển ra nước ngoài là cao chưa từng thấy, từ 900 tỷ đến 1.000 tỷ USD; và theo nguồn tin của ông, chỉ có 500 tỷ USD trong số 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối là còn có thể sử dụng được. Cũng theo ước tính của ông, Trung Quốc chỉ còn 1,5 nghìn tỷ USD tiền khả dụng để bảo vệ đồng Nhân dân tệ.
Ông Gordon G. Chang có ít nhất một cơ sở cho nhận định về tiền khả dụng chỉ chiếm một nửa so với con số dự trữ ngoại hối mà chính quyền Trung Quốc công bố: vào năm 2011, chính một cục trưởng thống kê của Trung Quốc, người sau đó đã về hưu, đã phải thừa nhận rằng nhiều thống kê của quốc gia này không phản ánh đúng sự thật. Cũng vào năm đó, con số nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc được công bố chỉ khoảng 1.550 tỷ USD, nhưng đến năm 2014 thì Trung Quốc đã phải thừa nhận loại nợ này đã tăng gấp đôi, tức 3.000 tỷ USD.
Vài nhà phân tích ở Hồng Kông cũng cho rằng GDP thực sự ở Trung Quốc không thể tăng đến 7% như báo cáo, mà chỉ khoảng 4-5% hàng năm.
Việt Nam lại rất thường “đồng tình” với Trung Quốc về phương thức tuyên truyền về các số liệu kinh tế. Vào những năm 2009 - 2010, giới lãnh đạo Việt Nam cũng “nâng” tăng trưởng GDP lên đến 9 - 9,5% như Trung Quốc, để đến gần đây phải “co” về còn 6-6,5%.
Nhưng nói gì thì nói, tình hình kinh tế và tài chính ở Việt Nam là tồi tệ hơn nhiều so với Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc có đến 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối mà đã phải “gánh” 237% tỷ lệ nợ công, tỷ lệ nợ công ở Việt Nam vẫn lên đến 210% nhưng kho dự trữ ngoại hối chỉ có khoảng 40 tỷ USD theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước (về thực chất số khả dụng trong kho dự trữ ngoại hối của Việt Nam là thấp hơn khá nhiều vì có đến 1/3 trong đó là trái phiếu chính phủ Mỹ, số còn lại không được minh bạch).
Có muốn cũng không cứu được!
Trong bối cảnh đầy nguy cơ tiềm ẩn về nợ công như thế, làm thế nào Trung Quốc có thể “cứu Việt Nam”, cho dù Bắc Kinh muốn làm điều đó vào một thời điểm nào đó?
Có một bằng chứng tương đối rõ ràng về khả năng hạn chế của Trung Quốc: vào cuối năm 2016, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã phải quyết định chọn nhà đầu tư trong nước làm dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái mà không vay vốn của Trung Quốc, cho dù vốn đầu tư của dự án này chỉ khoảng 300 triệu USD và đã được Bộ Giao thông Vận tải nhiệt tình “vận động” cho vụ vay mượn này.
Một chuyên gia phản biện độc lập là ông Lê Đăng Doanh đã nói toạc thực chất nguồn gốc rất đặc biệt của số vay 300 triệu USD trên: số tiền này được lấy ra từ quỹ hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc, chứ không phải là hỗ trợ xuất nhập khẩu. Nghĩa là điều kiện đi kèm của khoản vay này là Việt Nam phải nhập khẩu hàng hoá của Trung Quốc.
Một thông tin khác cũng cho biết việc vay vốn từ Trung Quốc cho dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái không phải là dễ dàng và cũng chẳng có ưu đãi nào, còn nếu có ưu đãi (ví dụ: không cần chính phủ Việt Nam phải bảo lãnh) thì lại gắn liền với nguy cơ thao túng về kinh tế và cả chính trị mà một số quốc gia như Campuchia và ở châu Phi đã bị Bắc Kinh “gài bẫy”. Nhiều khó khăn như thế đã khiến giới lãnh đạo Việt Nam chùn tay trong vay vốn. Thực tế này cũng dẫn đến một kết luận khác có thể rất quan trọng: chính sách của Trung Quốc cho Việt Nam vay tín dụng vẫn chưa thể mở rộng.
Dù có đồn đoán về việc Trung Quốc đã cho Việt Nam vay mượn hàng trăm tỷ đô la trong nhiều năm qua, nhưng từ sau chuyến đi Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng vào tháng 1/2017 đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào về khả năng “Trung Quốc đổ tiền cứu Việt Nam”. Thay vào đó, dấu hiệu rõ hơn nhiều là Trung Quốc đã và đang tăng cường đầu tư vào các dự án ở Việt Nam để khống chế dự án dể từ đó mở rộng thao túng kinh tế Việt Nam lẫn chiến thuật “lấn đất”.
Trong 2 tháng đầu năm 2017, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đã đăng ký thực hiện 123 dự án tại Việt Nam và 174 lượt mua cổ phần, chiếm 21,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, trở thành nước đầu tư lớn thứ hai vào Việt Nam, sau Singapore.
Trên bình diện quốc tế, một dấu hiệu mang tính tham khảo đang diễn ra ở phía bên kia bán cầu. Ở nơi đó, đồng minh thân cận của Trung Quốc là “Venezuela xã hội chủ nghĩa tươi đẹp” đã chìm dưới cơn sóng thần lạm phát 700% nhanh đến mức có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có vẻ như đang tính toán lại mối quan hệ liên minh với Venezuela - quốc gia mà nước này đã cho vay khoảng 60 tỷ đôla...
Một nguồn tin quốc tế cho biết một cơ quan Trung Quốc đã nêu quan điểm: “Các cuộc họp đã đi đến nhất trí là [Trung Quốc] sẽ không đầu tư thêm vào Venezuela”, “Có một thông điệp rõ ràng từ trên xuống: cứ để mặc họ gục ngã”. Cũng theo nguồn tin này, các công ty Trung Quốc ở Venezuela đang chuyển nhân viên sang Colombia và Panama vì lý do an ninh, và cũng vì nhiều dự án của Trung Quốc ở nước này đã bị đình trệ.
Từ nhiều năm qua, chính sách cho vay tín dụng của Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào mưu tính và mưu toan chính trị. Nếu chi phối được đối tượng vay, Trung Quốc mới sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn cho vay với lãi suất ưu đãi. Giới lãnh đạo Việt Nam nghĩ thế nào nếu ngay cả một chế độ thể được coi là “thần phục thiên triều” như chế độ Hun Sen ở Campuchia mà cũng chỉ được Trung Quốc viện trợ hơn 600 triệu USD trong năm 2015?
Việt Nam lại là “ca” khó hơn nhiều so với Campuchia. Muốn kinh tế Việt Nam tạm tránh khỏi sụp đổ, nền kinh tế nước này phải được bơm lập tức ít nhất 100 tỷ USD, tương đương 50% GDP của Việt Nam, để cứu hệ thống ngân hàng và trả một phần nợ công. Trung Quốc sẽ lấy ở đâu số tiền khổng lồ đó, cho dù Bắc Kinh có đủ tin cậy và muốn rót tài chính cho một phe nào đó ở Việt Nam?
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Quan hệ Mỹ - Trung và tranh chấp Biển Đông tháng 3 năm 2017.

RFA 2017-03-17  
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson tại Seoul ngày 17 tháng 3 năm 2017.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson tại Seoul ngày 17 tháng 3 năm 2017.
Ngày 18/3/2017, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson có chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên và dự kiến sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tầm nhìn mới
Chuyến thăm của Ngoại trường Rex Tillerson tới Bắc Kinh được tờ Kyodo của Nhật Bản đánh giá để nhằm “bắt đầu vạch ra một tầm nhìn cho mối quan hệ Trung - Mỹ trong vòng bốn năm tới”. Đây là cuộc gặp có tầm quan trọng, nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao hơn nữa giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump, dự trù diễn ra tại Hoa Kỳ vào giữa tháng tới.
Theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, kể cả chuyến thăm lần này của ông Tillerson, ít nhất là đã có ba cuộc lobby chính thức để sắp xếp cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Mỹ sắp tới.
Chúng ta chưa biết được nội dung chương trình nghị sự, chưa biết được vật cược họ đặt ra trên bàn đàm phán là về vấn đề gì. Có thể đó là vấn đề biển Đông, Triều Tiên, hoặc nói rộng ra là toàn bộ cấu trúc an ninh Châu Á - Thái Bình Dương. Thế nhưng nội dung của các thỏa thuận sắp tới tôi đánh giá có ý nghĩa hết sức quan trọng.”
Còn theo nhà văn Nguyên Bình - một người nhiều năm nghiên cứu về Trung Quốc, hiện là tổng biên tập tạp chí của viên nghiên cứu các vấn đề phát triển cho rằng, quan hệ Mỹ - Trung sẽ “bất định”, dựa trên căn bản quyền lợi quốc gia của mỗi bên và không bao giờ trở thành đồng minh, nhưng sẽ có những thời cơ có lợi cho Việt Nam.
“Cũng có những cái thời cơ có lợi cho mình thì những nhà lãnh đạo của Việt Nam phải biết nắm lấy thời cơ đấy. Mà cái quan trọng nhất là Việt Nam làm thế nào để có sức mạnh riêng của mình và có những biện pháp khôn khéo cũng như sự chủ động để nắm được và thích nghi với tình hình.”
Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo
Động thái mới nhất gần đây liên quan đến Biển Đông, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề cuộc họp Quốc hội nước này vừa qua đã có những tuyên bố xoa dịu tình hình căng thẳng.
e360ad3b-3ebe-47f7-8b0c-9e95ceb09508-400.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Lý Khắc Cường bỏ phiếu trong phiên họp cuối của Quốc hội tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 15 tháng 3 năm 2017. AFP photo
Tuy nhiên, Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng nhấn mạnh đến yếu tố “không nhất quán giữa lời nói và hành động” của Trung Quốc từng trước tới nay. Trong bối cảnh, Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế PCA, tăng cường đầu tư cho hạm đội Nam Hải và gia tăng các hoạt động quân sự tại Biển Đông.
“Nếu lãnh đạo Trung Quốc vẫn nói nước đôi. Một mặt nói là tương lai của Biển Đông phụ thuộc vào quan hệ, tương quan của Mỹ - Trung. Mặt khác thì ông ngoại trưởng vẫn đòi gạt Mỹ ra khỏi Biển Đông, muốn để một mình Trung Quốc thao túng.”
Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng cũng nhận định, khó có chuyện Trung Quốc dám gây sự to chuyện với Mỹ về vấn đề tuần tra tự do hải hành trên Biển Đông. Tuy nhiên, những xung đột nhỏ vẫn có thể xẩy ra. Nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang có nhu cầu đẩy những căng thẳng bên trong ra bên ngoài để ve vuốt chủ nghĩa Đại Hán trong nước.
Còn theo bà Nguyên Bình, về phía Hoa Kỳ, xung đột với Trung Quốc tại Biển Đông là chưa có khả năng xảy ra, bởi cán cân lực lượng tại khu vực.
“Nếu mà xung đột thì chắc là không có. Mà chỉ có là họ điều đình với nhau thế nào đấy để mà chia chác quyền lợi.”
ASEAN cần làm gì?
Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) được Trung Quốc loan báo là đã có bản dự thảo đầu tiên với các nước ASEAN. Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng đưa ra hàng loạt dẫn chứng để khẳng định, Trung Quốc vẫn tiếp tục trì hoãn và cản trở tiến trình hoàn tất bộ quy tắc này để họ có thể tiếp tục quân sự hóa các đảo đã chiếm đóng.
“Ở đây bản thân các nước ASEAN cũng rất thận trọng. Họ xem xét giữa lời nói, tuyên bố của Trung Quốc với thực tế có thống nhất với nhau hay không.”
Bà Nguyên Bình thì cho rằng, Trung Quốc không mong muốn tồn tại Bộ quy tắc này.
Ở đây bản thân các nước ASEAN cũng rất thận trọng. Họ xem xét giữa lời nói, tuyên bố của Trung Quốc với thực tế có thống nhất với nhau hay không.
- Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng
“Trung Quốc rất có tài câu giờ. Họ làm ra những động thái có vẻ như có thiện chí. Trong khi đó thì họ làm những chuyện rất không thiện chí. Họ càng ngày càng quân sự hóa các đảo chiếm được của Việt Nam ở Biển Đông.”
Xét về tổng thể, Hoa Kỳ được nhìn nhận là khó có thể bỏ qua lợi ích chiến lược tại Biển Đông và Đông Nam Á, cũng như phải cạnh tranh với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này. Điều này là một lợi điểm cho các nước ASEAN khi đối phó với Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, các nước ASEAN cần chủ động và tích cực hơn nữa, phải thay đổi ngay cái não trạng “đèn nhà ai nhà ấy rạng” và đoàn kết với nhau thành một khối nhất quán. Đặc biệt, ASEAN nên tập trung hơn nữa trong việc phát triển quan hệ với “bên thứ ba”, tức là kết nối với “mắt xích” Nhật - Ấn - Úc.
“Chứ còn nếu có những cái đi đêm với Trung Quốc hay có những thỏa thuận ngầm với Trung Quốc thì cái đó rất nguy hiểm không những cho chính bản thân nước đó mà cả tình hình chung.”
Nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên Biển Đông, hai nhà quan sát đều cho rằng, Việt Nam cần phải thay đổi cả tư thế và tâm thế đối với Trung Quốc và các mối quan hệ đan xen trong khu vực.

Nông dân điêu đứng vì cây chuối

 RFA -2017-03-17  
Buồng chuối Việt Nam.
Buồng chuối Việt Nam.  RFA photo
Giá chuối đột ngột giảm mạnh sau Tết vì thương lái Trung Quốc không mua đã khiến cho nhiều nhà nông trồng chuối ở Đồng Nai lâm vào cảnh khó khăn vô cùng.
Phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc
Xã Bàu Hằm, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cũng là nơi có nhiều hộ nông dân trồng chuối tiêu hồng. Chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Duy Thành và Trần Nhịt Vằn và được anh Thành cho biết:
Chuối phải thật đẹp người ta mới mua thôi, còn những cái chuối bị sâu vẽ bùa, xấu xấu là họ không mua, hay là để mập quá họ cũng không mua. Họ chỉ lấy tầm 6 tuổi đến 7 tuổi thôi. Chuối hơi to hơn một tí, mập là không mua. Nó dạt, mình bán người ta cũng được nhưng mà nó dạt nó vứt hết, vứt quá trời luôn.
Những khắt khe mà thương lái Trung Quốc đưa ra đã làm cho một số lượng chuối không đạt tiêu chuẩn phải bán lẻ, đổ bỏ, hoặc…cho động vật ăn. Anh Thành nói với chúng tôi trong vườn gần nhà:
Chứ giờ mình làm chuối ra mà mình không biết đầu ra lúc nào nó lấy hay không lấy, nó đắt hay rẻ mình cũng hoảng!”
Thì thời điểm lúc đấy giá nó rẻ, nói thẳng ra là mua thì vẫn mua nhưng mà họ mua ép mình giá lúc đấy có 2 ngàn mấy”.
Ngoài yêu cầu về độ tuổi, trái chuối còn phải mượt mà, nếu có vết sâu vẽ bùa thì coi như không đạt.
“Nó bị cái đốm đốm này này”
Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tượng sâu vẽ bùa chỉ chiếm một phần nhỏ mà thôi.  Qua trò chuyện ở vườn nhà anh Vằn, hai anh cho biết thêm.
Thương lái TQ nó đổ thừa nhiều cái vấn đề gọi là khí hậu bên đó ổn định hơn, chuối bên TQ nhiều hơn, …nói tóm lại TQ nó không mua là dân chết.
- Trần Nhịt Vằn
Không biết lý do sao mà năm nay nó nhập ít lắm. Thương lái Trung Quốc nó đổ thừa nhiều cái vấn đề gọi là khí hậu bên đó ổn định hơn, chuối bên Trung Quốc nhiều hơn, …nói tóm lại Trung Quốc nó không mua là dân chết”.
Nhưng trước đó, các thương lái Trung Quốc đã có nhiều hứa hẹn.
“Trung Quốc vô đây mua nè, bữa hôm bán nè. Nó nói cứ trồng đi, chuối mô này cứ trồng đi, hai năm ba vụ cỡ nào nó cũng thu hết. Nhưng đến lúc thu hoạch quan trọng giá cả nó như thế nào? Mua thì vẫn mua mà giá cả quá bèo! Nó nói trồng đi sau này giá cao. Nhưng mà thực chất mình sản xuất ra cái cây chuối lúc thu hoạch giá cả như năm nay nè, có hai ngàn mấy à! Thậm chí hai ngàn ba mà nó còn không đóng nữa. …những vườn đẹp may ra hai ngàn tư mà nó kén chuối, một chấm tí xíu nó cũng dạt ra. Đó, nó không lấy như năm kia năm ngoái.”
Nói chung là dân thương gia quen biết bên Trung Quốc, trước Tết giá nó là năm ngàn rưỡi, mà ăn Tết xong nó còn hai ngàn mấy luôn. Em nghi chắc con buôn bắt tay nhau ép…”
Thương lái ép nhà vườn, chuối mình đẹp cỡ nào thí dụ mình bán được giá thị trường là 33 mà nó ép còn 25 à”.
Trong khi chưa tìm được nguồn để bán thì nhà vườn vẫn phải gồng mình chăm sóc, tưới tiêu.
“Mấy ngày nữa là chín rồi đó. Như quầy này thêm 3 ngày nữa là chín…Nếu mà mình xịt nước tưới liên tục á, với giá thành như vậy thì mình cũng lỗ. Mà mình bỏ nước một cái một là nó chín cực kì nhanh. Nếu mà giờ mình bỏ nước một lần cái này cỡ hai ngày chín… giờ mình bỏ nước một tuần nó chín ào ạt luôn”.
Như vậy vì nghe theo lời hứa hẹn của thương lái Trung Quốc nhiều nông dân đã mang nợ, nhiều vườn chuối lỡ trồng bị bị bỏ không chăm sóc.
Hồi nãy mẫu rưỡi đầu tư hết hai trăm triệu, thu vô mới được có hơn trăm triệu lại à.

Kẽ hở của luật pháp Việt Nam trước nạn ấu dâm

RFA -2017-03-17  
Pano tuyên truyền cho người dân rằng xâm hại tình dục trẻ em là tội ác.
 Pano tuyên truyền cho người dân rằng xâm hại tình dục trẻ em là tội ác.  AFP photo
Trong thời gian vừa qua, vấn nạn ấu dâm là tâm điểm cho sự quan tâm của cả đất nước Việt Nam, bởi nhiều vụ việc bị truyền thông và mạng xã hội phanh phui, cũng như nhiều người cho rằng mình đã từng bị xâm hại tình dục. Những câu chuyện này đã có từ hàng chục năm trước, nhưng nay xã hội mới thực sự để tâm, lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ.
Nguyên nhân
“Là một người mẹ tôi cảm thấy rất bức xúc khi đọc những tin như vậy. Tôi rất đau xót cho những trẻ rơi vào hoàn cảnh như vậy.”
“Đầu tiên trên địa vị một phụ huynh đang nuôi con nhỏ, tôi cảm thấy rất lo lắng trước thông tin các vụ xâm hại trẻ con gần đây được đưa ra. Tôi lo rằng sẽ còn rất nhiều vụ khác mà chúng ta chưa biết đến.”
Đó là cảm nhận của những người làm cha, mẹ khi truyền thông và mạng xã hội liên tiếp loan tải về các vụ việc ấu dâm bị phanh phui.
Pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành quy định các tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em gồm có: Tội hiếp dâm trẻ em; Tội cưỡng dâm trẻ em; Tội giao cấu với trẻ em và Tội dâm ô đối với trẻ em.
Là một người mẹ tôi cảm thấy rất bức xúc khi đọc những tin như vậy. Tôi rất đau xót cho những trẻ rơi vào hoàn cảnh như vậy.
- Kim Tiến, Hà Nội
Theo luật sư Lê Văn Luân - người bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân bị ấu dâm tại quận Hoàng Mai cho rằng, hệ thống luật pháp vẫn còn có nhiều kẽ hở:
“Chúng ta đang khó khăn ở hai vấn đề:
-  Một là do việc khung hình phạt thấp.
- Thứ hai, chúng ta đang áp dụng chưa chuẩn, chưa hiểu, chưa đúng đối với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Chúng ta trong thực tế luôn đòi hỏi chứng cứ về mặt vật chất để lại trên thân thể. Điều này không đúng với quy định của điều luật đó. Nếu chứng minh có việc tiếp xúc đó thì đã có thể truy tố.”
Chính những kẽ hở này đã khiến cho quá trình giải quyết các vụ án ấu dâm tại Việt Nam trở nên khó khăn và chậm trễ, số vụ được xử lý hình sự rất ít. Bên cạnh đó, nhận thức và trình độ, cũng như tinh thần trách nhiệm của các cơ quan hữu trách còn yếu kém.
Ở mức độ cao nhất, người tiến hành tố tụng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, tội ra quyết định trái pháp luật trong các vụ ấu dâm.
“Trong quá trình tiến hành tố tụng được giao chức trách mà các anh không thực hiện đúng chức trách của mình, mặc dù anh có trình độ, có nhận thức và hiểu biết pháp luật nhưng anh không làm đúng pháp luật. Ví dụ như hết thời hạn mà không được gia hạn, nhưng anh lại gia hạn tiếp, làm khó khăn cho quá trình điều tra, gây ra hậu quả lớn cho quá trình giải quyết tiếp theo. Thế thì có dấu hiệu xem lại hoạt động tư pháp và có thể chịu trách nhiệm hình sự.”
“Các cơ quan chức năng ở đâu?”
Trong các vụ việc ấu dâm gần đây, dưới sức ép của mạng xã hội và truyền thông, các quan chức cấp cao từ trung ương đã chỉ đạo các cơ quan hữu trách địa phương phải giải quyết vụ việc. Điều này khiến cho bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đã chua chát nói rằng bà “mất niềm tin” vào hệ thống thực thi pháp luật “Các cơ quan chức năng ở đâu?”
Một đứa trẻ có 15 cơ quan bảo vệ, vậy mà tại sao khi con chúng ta bị xâm hại thì chúng ta không biết gọi đến đâu?
- Bà Nguyễn Vân Anh Giám đốc CSAGA
Lời phát biểu này được nói tại buổi hội thảo về xâm hại tình dục trẻ em ở Hà Nội ngày 14/3/2017 vừa qua. Theo bà Lê Thị Hoàng Yến đại diện Hội bảo vệ quyền trẻ em, tại Việt Nam có hơn 15 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em. Điều này làm cho bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và cả cộng đồng phải thốt lên:
“Một đứa trẻ có 15 cơ quan bảo vệ, vậy mà tại sao khi con chúng ta bị xâm hại thì chúng ta không biết gọi đến đâu? Cá nhân tôi thấy điều này thật mỉa mai, chúng ta có lẽ không cần quá nhiều cơ quan như vậy. Chúng ta chỉ cần đến 1, 2 cơ quan nhưng thực sự làm.”
“Tôi cảm thấy là không chỉ riêng ấu dâm, mà trong tất cả vấn đề liên quan đến phụ nữ hay trẻ nhỏ thì những hội đoàn đó vô tác dụng. Họ không làm việc, không có một tiếng nói nào cho người dân, không thăm hỏi, không động viên, không bảo vệ. Nói chung họ không có vai trò gì hết, họ chỉ có cái tên và nhận lương. Vậy Thôi!”
Tại sao lại lên án nạn nhân?
Trong một thời gian dài, vấn nạn ấu dâm đã không được nói đến, bởi theo nhiều người đánh giá, đó là do nền văn hoá truyền thống, tư tưởng ảnh hưởng bởi Nho Giáo liên quan đến “trinh tiết của người con gái”, “Bởi vì văn hoá châu Á… xoay sang lên án nạn nhân.” Phó giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ánh - Giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội chia sẻ:
Nhiều khi vì quyền lợi con cái, một khái niệm rất kì cục nữa là danh dự gia đình, rất nhiều bố mẹ chấp nhận. Đây là nét văn hóa đầu tiên.
Nét văn hóa thứ hai cũng chính từ đặc điểm đó, dẫn đến việc dư luận thay vì lên án kẻ gây nên tội ác thì lại xoay sang lên án nạn nhân.
Nhưng xã hội đã thay đổi, nhiều người đã mạnh mẽ lên tiếng. Cô Kim Tiến và một số người khác đã tới Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để bày tỏ sự bất bình ngày 13.3.2017 vừa qua:
Nét văn hóa thứ hai cũng chính từ đặc điểm đó, dẫn đến việc dư luận thay vì lên án kẻ gây nên tội ác thì lại xoay sang lên án nạn nhân.
- PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh 
Tôi muốn tham gia góp phần tiếng nói của tôi để ngăn chặn tình trạng này tái diễn. Phải để yêu cầu cơ quan công an cũng như những cơ quan có trách nhiệm phải giải quyết cho người dân, thực thi đúng theo pháp luật.
Đã có nhiều tiếng nói, ý kiến đóng góp nhằm ngăn chặn vấn nạn ấu dâm được đưa ra, có hai vấn đề chính: hoàn thiện quy định pháp luật liên quan và thay đổi những suy nghĩ lạc hậu, cũ kỹ trong văn hoá, nhận thức về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em. Thứ hai là vai trò của gia đình, nhà trường và cộng động, các tổ chức xã hội phải có những hành động thiết thực để bảo vệ trẻ em trước mối nguy bị xâm hại.
Nhưng đầu tiên, đó là toàn xã hội phải lên tiếng, lên án mạnh mẽ hành vi ấu dâm, chứ không để mọi việc chìm xuồng rơi vào quên lãng bằng sự im lặng.
Việt Nam là quốc đầu tiên tại Châu Á và là nước thứ nhì trên thế giới, tham gia ký kết và phê chuẩn Công ước Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc ngày 20 tháng 2 năm 1990.

Mặt trận những người mẹ không yên tĩnh

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết từ Sài Gòn 
Theo RFA-2017-03-16  
Trường Lương Thế Vinh (số 1 Dân chủ, Phường Bình Thọ,  Quận Thủ Đức).
Trường Lương Thế Vinh (số 1 Dân chủ, Phường Bình Thọ, Quận Thủ Đức). Courtesy of baomoi.com
Trong buổi chiều ngày 16/3, tôi được nhìn thấy một chị bạn thoát trở về từ đồn công an. Gương mặt của chị  đầy nét mệt mỏi. Chị bị bắt giữ và giam nhiều tiếng đồng hồ, sau khi đã đứng giơ khẩu hiệu đòi minh bạch nghi án ấu dâm ở trường Lương Thế Vinh (số 1 Dân chủ, Phường Bình Thọ,  Quận Thủ Đức).
Nghi án ấu dâm ở trường Lương Thế Vinh đã qua nhiều ngày, với những điều ngày càng được phơi bày sáng tỏ hơn. Ngay trong buổi sáng mà những người phụ nữ bị xua đuổi, giải tán và thậm chí bị bắt giam, giới phụ huynh giận dữ chuyền tay nhau bản video phỏng vấn của Báo Thanh niên, trong đó xác định bé gái học lớp một đã bị lạm dụng đến chảy máu đẫm chiếc quần lót, bởi đã chứng cứ xét nghiệm cho thấy có tế bào nam trong dịch âm đạo của bé.
Bản tin này, với lời khẳng định việc bé gái bị xâm hại tình dục là hoàn toàn có cơ sở. Bước ngoặt này hoàn toàn khác với những cuộc điều tra, thông báo đầy tính loanh quanh, thậm chí bất minh trước đó. Nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng về sự an toàn của bản tin nên đã vội tải về, gửi đi trên các trang mạng xã hội khác. Lo lắng không thừa, chỉ ít giờ sau khi được đăng tải, các phụ huynh nói với nhau rằng bản tin cũng bị rút xuống một cách khó hiểu.
Người chị đã giơ khẩu hiệu đòi minh bạch điều tra vụ ấu dâm trước trường Lương Thế Vinh may mắn trở về được, trong khi 2 người mẹ khác, bạn của chị, vẫn còn bị công an quận Thủ Đức tiếp tục giam giữ trong chiều hôm ấy. Chị bị điều tra như một loại tội phạm khủng bố. Công an buộc chị phải mở điện thoại, thẩm vấn… và chị đã phản ứng quyết liệt đến mức đập cong nát chiếc điện thoại của mình, thậm chí nuốt luôn simcard sắc nhọn như một cách tự vẫn, để từ chối việc công an địa phương xâm phạm quyền riêng tư của chị.
Có cái gì đó thật bất bình thường, khi những người mẹ đứng lên đòi bảo vệ con cái của mình, lại trở thành kẻ bị đàn áp tức thì, trong khi các nghi can tội phạm thì luôn được đắn đo để đưa vào tìm hiểu sự việc.
Xã hội thật bất an, khi luật pháp không trực tiếp và tức thì chống lại tội ác. Mà thanh gươm cong nhân danh luật pháp dường như lại luôn nhằm thẳng vào nhân dân trong một hành động quá mơ hồ, không đủ lý lẽ thuyết phục như vậy.
Tố cáo nạn ấu dâm bùng lên ở Việt Nam, chỉ khi một số bà mẹ quá đau xót và tức giận trước kẻ thủ ác như vẫn ung dung trong sự che chắn kỳ lạ nào đó. Bất kỳ ai theo dõi các sự vụ đều hoang mang khi thấy một quan chức, đảng viên cộng sản 76 tuổi, thoát được mọi cáo buộc, mặc dù có đến 9 bà mẹ đòi đưa người đàn ông này ra ánh sáng khi xâm hại các con gái nhỏ của họ, trong cùng một khu chúng cư. Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Vũng Tàu thì đã bộc lộ điều đầy vẻ mờ ám khi cứ lần lữa bằng cách gia hạn điều tra thêm, dù đã có quyết định khởi tố từ tháng 8/2016.
Tương tự như vậy, đối diện nghi vấn về chuyện một nghi phạm ấu dâm 34 tuổi đang làm việc tại Hoàng Mai, Hà Nội đang làm người dân sôi sục, trước khi điều tra được về sự việc chính là tội ác đối với trẻ em, thì công an nhanh chóng tuyên bố là sẽ phải nhanh chóng “điều tra và xử lý sớm” về chuyện ai đã làm mất uy tín ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Đơn giản vì có lời đồn nghi phạm có quan hệ gia đình với ông chủ tịch. Việc ấu dâm tội ác thì tạm thời tuyên bố sau.
Luật pháp để phục vụ toàn dân. Luật pháp để phụng sự cho cho đất nước của những người dân đóng thuế và nuôi nấng xã hội. Nhưng trong những điều diễn ra, người ta đang cảm giác rằng luật pháp đang chỉ phục vụ cho một nhóm người, cho những thành phần được ngấm ngầm ưu đãi. Còn lại, tất cả như chỉ là bánh vẽ đối một dân tộc đang nhọc nhằn cần lao và thấp thỏm hy vọng.
Chỉ khi có lệnh từ chủ tịch nước Trần Đại Quang, bộ máy luật pháp ở nhiều nơi mới uể oải làm nhiệm vụ của mình, dĩ nhiên, trong đó bao gồm cả việc bắt giữ và thẩm vấn những bà mẹ đứng lên đòi một môi trường sống an toàn cho con em mình. Thật vô nhân.
Kèn trống của các loại truyền thông muốn làm nhẹ sự việc cũng được khua lên inh ỏi. Thật sửng sốt, khi một bộ máy vẫn được dân chúng thường gọi đầy khinh bỉ là Dư Luận Viên cũng sôi động lúc nhúc, thậm chí kêu gào bào chữa cho hiện trạng xã hội bằng những lời ngu dốt tận đáy như “nước nào cũng có nạn ấu dâm”.
Một thống kê tạm bợ cho biết, Việt Nam một năm có khoảng 1000 trẻ em bị xâm hại. Gần 60% các cháu 12-15 tuổi, 13% mới chỉ dưới 6 tuổi. Thực tế chắc còn vượt xa các con số đó. Tin trên báo Tuổi Trẻ cho biết Việt Nam dàn trận đến 15 tổ chức gọi là bảo vệ trẻ em, nhưng khi trẻ bị xâm hại thì chẳng biết gọi ai. Khi dư luận xã hội bùng lên dữ dội, một vài quan chức cũng lên tiếng nhiệt tình như một cách vỗ tay theo nhịp, mặc dù trước đó, họ chính là những kẻ giỏi im lặng nhất.
Hình ảnh đất nước Việt Nam hôm nay, không khác gì một bức Guernica khổng lồ. Mọi thứ giận dữ, sợ hãi và tuyệt vọng quẫy đạp chồng chéo trong đám đông mà không có được một tiếng động nào thoát ra ngoài thế giới thật.
Như cú đập điện thoại dứt khoát phản đối của chị bạn tôi, những bà mẹ và những gia đình Việt Nam đã tự mình leo khỏi bức tranh xinh đẹp quảng bá về cuộc sống Việt Nam, họ sẳn sàng hy sinh mọi thứ để tạo nên tiếng động gây sự chú ý giữa màn đen bí ẩn bao phủ khắp nơi, vì một tương lai của chính mình và những người chung quanh.
Và nếu luật pháp không đủ sức mạnh để gìn giữ đời sống xã hội, thì chính quyền tạo ra nó, hôm nay, cũng sẽ bị nhân dân đặt một dấu hỏi rằng: liệu chính quyền và luật pháp ấy nên tồn tại để làm gì?
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

Con kênh Hy Vọng không còn nữa!

RFA 2017-03-17  
Con kênh Hy Vọng ngập rác.
 Con kênh Hy Vọng ngập rác.  RFA photo
Thành phố Sài gòn vốn là nơi hội tụ của nhiều con sông, rạch thiên nhiên, rất gắn bó với đời sống cư dân vùng đất này. Nạn ô nhiễm đã và đang làm mất đi nguồn tài nguyên quí giá đó.
Kênh Hy Vọng, con kênh với cái tên thật đẹp nằm tại quận 5 tân bình, nhưng tình trạng ô nhiễm khiến chúng tôi lạnh người khi chứng kiến. Vị trí cầu bản nằm sát với ‘Xưởng gia công cơ khí’, trên bảng ghi rõ ‘Quân chủng phòng không- không quân- Bộ Quốc Phòng’. Đây là nơi bị người dân phản ánh đã xả nhiều chất thải gây ô nhiễm con kênh này.
Quân đội người ta cho thuê đất, trong quân đội trong kia kìa, người ta làm nhuộm làm bê tông làm đủ thứ trong đó. Nước thải trong đó chảy ra là chính chứ ở dây dân đổ rác chỉ có góc đó người ta đem tới người ta đổ”.
Rác thải sinh hoạt, cộng với nước thải từ ‘xưởng gia công cơ khí’ đã khai tử con kênh Hy Vọng từ nhiều năm nay. Mặc dù địa phương đã phản ảnh việc xả nước gây ô nhiễm nhưng tình trạng không hề thay đổi.
“Nếu mà tính ra con kênh chỗ này là sạch á, tương đối sạch chứ không tới nỗi lắm. Khúc dưới mới ghê! Dân ở đây ít bỏ rác mà dân khắp nơi lại tới đây bỏ rác. Cô nhớ hôm 27 Tết có chú đó chở nguyên một xe tới chú bỏ góc đăng sau lưng”.
Theo lời người dân, chúng tôi tìm đường chạy dọc theo con kênh thì đúng như vậy, nước xuôi dòng càng về phía cuối con kênh thì càng có nhiều rác ứ đọng. Và chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự khi hỏi tại sao con kênh này ô nhiễm.
“Quân đội mà, đâu phải của mình đây đâu. Này là từ cái con kênh trong quân đội ra mà.”
KENH-HY-VONG-2-400.jpg
Rác ngập con kênh Hy Vọng. RFA photo
Kênh rạch qua đời, quanh đi quẩn lại cũng vì các nguyên nhân như nước thải, rác thải sinh hoạt, chất thải từ các nhà máy xí nghiệp, hóa chất thải trực tiếp ra kênh rạch, sông hồ. Nhưng biện pháp xử lý qua loa của chính quyền không đủ để chấm dứt hành vi vi phạm làm ô nhiễm môi trường. Hệ quả tất yếu là người dân luôn phải hứng chịu ảnh hưởng và thiệt hại. Một bà mẹ đang sống cùng các con nhỏ tại khu vực ngập rác nặng nhất kênh Hy Vọng, khu vực giao với đường Trần Huy Ích, cho biết:
“Đi học cực muốn chết, đưa rước rồi nước ngập đâu đi về được đâu. Phải đợi nước xuống mới đi về được. Giống như 5h chiều nó ngập, thì cũng phải tới 9-10h đêm, 11h nó mới xuống. Năm vừa rồi ngập ba bốn lần, ở đây con nít đi học nhiều lắm. Nhà trong kia 4,5 đứa nhỏ đi học còn cực dữ nữa”.
Những người dân khác sống trong xóm cũng phản ánh thêm:
Rác nhiều tới đó nó không qua được, phải hốt mới được. Năm rồi nó hốt liên tục mà năm nay nó không hốt. Ở đây người ta cũng phản ảnh dữ lắm, mình không biết nói ai chứ giờ kiểu dơ vậy đó”.
Phản ảnh tỉ như ai lại hỏi thì mình góp ý giờ yêu cầu hốt rác sạch sẽ cho đừng có muỗi, đừng có hôi hám thôi chứ giờ biết ở đâu giờ?”
Mùa nắng thì sống với mùi hôi thối, mùa mưa thì nước sình ngập mênh mông. Người dân nơi đây phải khổ sở đủ bề.
“Rầu nhất là tới tháng mưa, nó ngập sẽ ngập vô nhà, ngập sâu vậy nè”.
“Địa phương này dở, đáng lẽ chính quyền người ta coi quan tâm tới cũng đỡ”.
Tại Sài Gòn, con kênh Hy vọng không chết lẻ loi vì còn rất nhiều những con kênh, rạch khác cùng chung một số phận như con kênh tại Đường Trần Bá Giao và Lê Đức Thọ, Gò Vấp vân vân.. Tình trạng xả rác và chất thải ra môi trường như hiện nay đã khai tử rất nhiều kênh rạch và cũng chính là dập tắt luôn hy vọng cho một môi trường trong lành để sống.

Khi kiều hối giảm mạnh

Lan Hương, phóng viên RFA 2017-03-17  
Nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội đang đếm tiền đô la Mỹ.
 Nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội đang đếm tiền đô la Mỹ.  AFP photo

Lượng kiều hối về Việt Nam giảm sút trong năm qua năm qua và có thể sẽ còn giảm mạnh hơn trong tương lai do ảnh hưởng từ các chính sách nhập cư của Hoa Kỳ.
Ảnh hưởng kinh tế Việt Nam
Lượng tiền gửi về Việt Nam liên tục tăng từ năm 2010 và đạt kỷ lục 13,2 tỷ đô la vào năm 2015 nhưng bất ngờ giảm xuống còn 9 tỷ đô la năm ngoái. Hãng thông tấn AP cho biết các chuyên gia kinh tế dự đoán kiều hối sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới do ảnh hưởng của các chính sách kiểm soát biên giới của Tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãi suất tiền gửi ngoại tệ tại Việt Nam giảm xuống 0% từ đầu năm.
Khoảng 60% kiều hối của Việt Nam được chuyển về từ Mỹ, chiếm 4% GDP của Việt Nam. Hiện tại có khoảng 4,5 triệu người Việt sinh sống tại nước ngoài và đến phân nửa số đó đang sống tại Hoa Kỳ.
Có phân tích cho rằng trước tình hình kiều hối giảm mạnh như hiện nay, GDP của Việt Nam có thể cũng giảm xuống khoảng 0,4% trong năm nay. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên cố vấn văn phòng Thủ tướng có phân tích thêm:
Lượng kiều hối của Việt Nam giảm xuống thì chắc chắn có tác động ít nhiều đến nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nguồn vốn của Việt Nam đã khan hiếm hơn...
- Bà Phạm Chi Lan
Lượng kiều hối của Việt Nam giảm xuống thì chắc chắn có tác động ít nhiều đến nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nguồn vốn của Việt Nam đã khan hiếm hơn, kể cả nguồn vốn trong ngân sách cũng như nguồn vốn đầu tư, hay là nguồn vốn ODA từ các nơi. Việt Nam trở thành quốc gia có nguồn thu nhập trung bình rồi nên ODA giảm đi cũng là điều có thể hình dung được. Hay là điều kiện để vay ODA khó khăn, khắc nghiệt hơn trước cũng là điều Việt Nam hình dung được. Chúng tôi cũng nói rằng sẽ có lúc phải cho “tốt nghiệp” ODA để huy động nguồn tiết kiệm trong nước cho đầu tư phát triển.
Tuy nhiên các nguồn khác như nguồn kiều hối thì nó có cả hai mặt tác động. Một mặt nó là một nguồn vốn đóng góp vào tổng nguồn đầu tư xã hội của Việt Nam. Đó cũng là một nguồn quan trọng. Có nhiều năm nó tương đương với nguồn FDI từ nước ngoài vào Việt Nam. Có những năm còn cao hơn tổng ODA vào Việt Nam. Như vậy là vị trí của nguồn kiều hối so với tổng nguồn đầu tư xã hội của Việt Nam là đáng kể, bổ sung rất quan trọng cho Việt Nam những nguồn vốn cần thiết để có thể đầu tư phát triển các lĩnh vực khác nhau. Nhất là nguồn vốn đó lại bằng ngoại tệ.
Credit Suisse trước đó cũng cảnh báo sự suy giảm kiều hối có thể sẽ gây thêm áp lực lên tỷ giá đồng đô la. Kể từ cuối năm ngoái, tiền đồng Việt Nam đã mất giá 2,2% so với đô la Mỹ. Ngoài ra, nếu dự luật về thuế biên giới đánh vào hàng nhập khẩu của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump được thông qua, Việt Nam có thể bị giảm thêm 0,9% GDP.
Theo thông tin mà chúng tôi tìm hiểu, nguyên nhân chính làm giảm lượng kiều hối mà các cơ quan Việt Nam đưa ra là do việc tăng lãi suất của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED) vào cuối năm 2016 và có thể lãi suất USD sẽ tăng ba lần trong năm 2017, làm giữ chân đồng đô la chuyển từ Mỹ về Việt Nam.
Tuy nhiên giải thích này liệu có chính xác hay không khi cuối năm 2016 Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ mới đưa ra quyết định tăng lãi suất trong khi kiều hối chuyển về Việt Nam có dấu hiệu giảm từ đầu năm. Hơn nữa, theo một nguồn tin khác thì năm 2015 Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ cũng đã đưa mức lãi suất lên cao hơn 0.25% nhưng kiều hối về Việt Nam vẫn tăng mạnh.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra dự đoán về một nguyên nhân khác dẫn đến lượng kiều hối giảm trong năm qua:
Lượng kiều hối vào Việt Nam có khi lại cân bằng với lượng kiều hối ra khỏi Việt Nam của hội tham nhũng ăn cắp được. Sau đó bằng cách này hay cách khác họ chuyển qua bên đó nhưng thực sự không phải chuyển qua nhưng thực tế lại không hẳn là như vậy. Hay nói cách khác là dùng ngoại hối để hợp thức hóa lượng tiền tham nhũng được và nó sẽ làm giấy tờ giống như là kiều hối thật. Và có thể việc kiều hối giảm vừa qua là do việc siết tham nhũng ở Việt Nam.
Ông Trump mới lên đầu năm nay, nên khó mà ảnh hưởng đến kiều hối về Việt Nam từ năm ngoái.
Giảm nguồn vốn quan trọng?
024_2562967-400.jpg
Người dân lưu thông trên đường phố quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.AFP photo
Năm 2015 TS Vũ Quang Việt nguyên chuyên gia cao cấp của Liên Hiệp Quốc có đưa ra bài phân tích về những dòng tiền bất hợp pháp ra vào Việt Nam. Bài viết gây sôi nổi dư luận suốt một thời gian dài vì TS Vũ Quang Việt sử dụng các số liệu chính thức và các phép tính toán chuyên môn cho ra kết quả từ năm 2008 đến 2013 khoảng 33 tỷ USD đã được tuồn bất hợp pháp ra nước ngoài.
Thứ hai, nguồn kiều hối còn có vai trò quan trọng trong việc giúp cho sự phát triển kinh doanh tư nhân của người dân Việt Nam. Thực tế các doanh nghiệp Việt Nam vay mượn tiền từ ngân hàng hay các nguồn tín dụng khác là không hề dễ dàng. Cho nên họ cũng tìm kiếm các nguồn vốn từ các nơi khác nhau, kể cả từ người thân của mình được cử đi lao động nước ngoài hoặc là bà con của mình sống ở nước ngoài mà có nguồn vốn nào đó muốn đầu tư ở Việt Nam.
Nếu thiếu vắng nguồn này thì công việc kinh doanh của họ cũng khó khăn hơn, tìm kiếm nguồn vốn thay thế vào đó không phải dễ dàng.
Những bà con có cuộc sống khó khăn mà được hỗ trợ bằng những đồng tiền từ nước ngoài thì cuộc sống của họ cũng đỡ khó khăn hơn. Như vậy cũng đỡ gánh nặng từ nhà nước phải chăm lo cho họ. Việt Nam dù sao vẫn là nước có tỷ lệ nghèo khá cao, và gánh nặng xã hội phải quan tâm đến những người đó còn khá lớn.
Nếu thiếu vắng nguồn này thì công việc kinh doanh của họ cũng khó khăn hơn, tìm kiếm nguồn vốn thay thế vào đó không phải dễ dàng.
- TS Vũ Quang Việt 
Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước và một số bộ ngành khác, số kiều hối chuyển về Việt Nam được sử dụng với mục đích kinh doanh chiếm đến 70.6%, bất động sản chiểm 20.7%.
Bà Chi Lan cũng nhận xét rằng kiều hối được đưa thẳng vào hoạt động kinh doanh tư nhân có thể là giải pháp tốt hơn vì tư nhân có thể sử dụng những đồng vốn đó một cách hiệu quả hơn so với các đồng vốn ODA. Bởi vì nguồn vốn ODA đưa vào nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước, theo bà, chưa chắc đã được sử dụng một cách hiệu quả. Cuối cùng, gánh nặng nợ nần lại đặt lên vai cả xã hội hay những người phải nộp thuế.
Bà nói thêm về tác động kinh tế khi kiều hối giảm:
Khi nguồn kiều hối gửi về Việt Nam thì các ngân hàng có thêm hoạt động kinh doanh, qua đó tăng thêm hoạt động, dịch vụ kinh doanh của họ, cũng làm phát triển thêm các hoạt động của ngân hàng.
Ngoài ra, bà Phạm Chi Lan cũng hi vọng kiều hối giảm đi cũng là một cơ hội để Việt Nam có thể học hỏi, cố gắng hơn về ý thực tự lực, tự lập. Cố gắng sử dụng cho tốt nhất từng đồng vốn nội lực huy động trong nước từ tài nguyên, sức lao động con người,… Bà cũng nhấn mạnh rằng dù có nhiều tiền mà nếu không biết cách sử dụng, đầu tư có hiệu quả thì vẫn khó có thể tiến bộ trong phát triển kinh tế. Có nhiều nghiên cứu từ trước đến nay cho thấy nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam chưa được sử dụng hiệu quả. Có những thời điểm nguồn vốn tăng lên rất cao nhưng lại tỷ lệ nghịch với tính hiệu quả khi được đưa vào thực tiễn.
2016 là một năm u ám của nền kinh tế Việt nam khi nhiều ngành sản xuất kể cả nông nghiệp và công nghiệp “rủ nhau” tụt xuống. Số lượng doanh nghiệp phá sản cũng tăng hơn nhiều so với những năm trước, gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế và làm gia tăng tình trạng thất nghiệp. Năm 2017 khi kiều hối suy giảm mạnh, các lĩnh vực kinh doanh cũng chưa thấy có sự khởi sắc, có thể là điềm báo hiệu một năm kinh tế buồn nữa cho Việt Nam mà tiến sĩ Nguyễn Quang A dự báo cũng dậm chân tại chỗ giống năm ngoái.