Monday, March 13, 2017

Nhà cầm quyền Huế tiếp tục quấy phá Đan Viện Thiên An

Nhà cầm quyền Huế tiếp tục quấy phá Đan Viện Thiên An
Ngày 13.03.2017, trang mạng GNsP (Tin Mừng Cho Người Nghèo) đưa tin Đan viện Thiên An tiếp tục bị nhà cầm quyền CSVN sách nhiễu và xâm phạm nội vi, chửi bới và đe dọa các Đan sĩ đang sinh sống tại đây.
Các tu sĩ cho biết những ngày gần đây khi các tu sĩ canh vườn cam như thường lệ thì bị một nhóm côn đồ khoảng hơn 10 người chạy nẹt bô xe máy gầm rú xung quanh vườn, đột nhập vào quấy rối, khiêu khích thô tục làm ảnh hưởng đến đời sống Đan tu nơi đây.
Suốt cả tuần qua, ngày nào cũng có khoảng vài chục người túc trực 24/24, dòm ngó, la lối và không ngần ngại mắng chửi các Đan sĩ trong khi các thầy lao động làm việc.
Bên cạnh khuôn viên tượng Chúa Giêsu chịu nạn, các Đan sĩ dựng tạm một căn nhà nhỏ lợp mái tôn đơn sơ cho khách hành hương dừng chân, nghỉ mệt. Tuy nhiên, ngôi nhà nhỏ tềnh toàng luôn bị “ngập nước” mỗi khi trời đổ cơn mưa.
Do vậy, các Đan sĩ quyết định cho máy xúc cào đất, san bằng khu vực nhỏ này, tạo một khuôn viên có nơi cầu nguyện thoáng mát hơn, có nơi dừng chân tốt hơn cho khách hành hương.
Thế nhưng, nhà cầm quyền địa phương đã tự tiện xông thẳng vào nội vi Đan viện, ngăn cản công việc của các Đan sĩ. Giới chức cho rằng, các Đan sĩ muốn làm gì trên khu đất thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An đều phải “xin phép”!
Sau năm 1975, Nhà cầm quyền cộng sản thường lấy lý cớ là Đan Viện Thiên An không đủ cơ sở pháp lý trên khu đất rộng hơn 107 hecta của nhà Dòng để chiếm khu đất này.  Họ “mượn” nhà trường Thánh Mẫu, để làm công ty Lâm trường Tiền Phong, đến nay vẫn chưa trả. Hơn 63 hécta đất của Đan viện Thiên An để “phục vụ công ích”, nhưng lại dùng để xây dựng khu du lịch Hồ Thủy Tiên, nay đã bị hoang tàn bỏ phế vì không có du khách. Chính quyền còn tự tiện giao đất cho các cá nhân như nhà hàng Bội Trân, Cát Tường Quân…
Để đáp lại, Đan Viện Thiên An đã gởi những văn bản đến các cấp chính quyền,  xác minh lịch sử của mảnh đất: “…Từ tháng 04 năm 1940 đất đai đan viện Thiên An đã được hai linh mục Dom Romain và Dom Corentin mua từ đất hoang,thuộc vùng đồi núi Kim Sơn, Cư Chánh, Thủy Bằng, Thừa Thiên Huế, với giá 40.000 Phật-Lăng, qua sự giới thiệu của Đức Khâm Sứ Drapier và ngài Công Sứ Graffeuil. Và ngày 10/06/1940, hai cha Romain và Corentin đã dâng thánh lễ đầu tiên trên mảnh đất này để thành lập đan viện Thiên An. Trong khi đó, vào ngày 26/10/1955, ngài Thủ Tướng Ngô Đình Diệm mới chấp chánh để trở thành vị tổng thống đầu tiên của nền đệ nhất Cộng Hòa Miền Nam. Vậy, đan viện Thiên An đã ra đời trước khi ngài Ngô Tổng Thống chấp chánh là 15 năm.  Với biến cố Mậu Thân(1968), bom đạn tàn phá đan viện Thiên An cháy rụi. Sau biến cố này, đơn xin cấp trích sao địa bộ và bản đồ cho đan viện do cha đan trưởng Thomas Châu Văn Đằng đứng tên vào ngày 22/04/1969 đã được Ty Điền Địa tỉnh Thừa Thiên Huế phúc đáp, và cấp lại cho đan viện Bản Đồ Giải Thửa Số vào ngày 17/05/1969. Theo luật đất đai 2013, điều 100, mục e/ thì giấy tờ đất đai của chế độ cũ vẫn có giá trị và hợp lệ. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã nói giấy tờ sở hữu đất của đan viện Thiên An là của chế độ cũ, nên không có giá trị. Rõ ràng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đi ngược lại với luật và hiến pháp của nhà nước CHXHCNVN…”
Sự việc căng thẳng xảy ra vào cuối năm 2015, khi các Đan sĩ cho dựng cây Thánh Giá, thì nhà cầm quyền CSVN tại Huế đã huy động lực lượng tự tiện xông vào nội vi Đan viện Thiên An tháo dỡ, đập nát Tượng Chúa Giêsu chịu nạn và bỏ vào rừng sâu. Sau đó, Tượng Thánh được các Đan sĩ tìm thấy, với thân thể Chúa Giêsu gẫy làm ba khúc, hai bàn tay bể vụn được mang về, để lại nơi cũ. Biến cố tượng Chúa Giêsu chịu nạn bị đập nát trở thành một trong những nơi mà khách hành hương từ Bắc vào Nam đổ về, để thăm viếng Đan Viện và nguyện cầu trong suốt thời gian qua.
Trong báo cáo về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ mới đây, Việt Nam bị lên án vi phạm quyền tự do tôn giáo. Hoa Kỳ cho rằng việc chiếm đất và sách nhiễu các Đan sĩ là đi ngược lại các cam kết mà Việt Nam đã ký kết với cộng đồng quốc tế. Việc sách nhiễu các Đan sĩ hay chiếm đất của Đan Viện bị cộng đồng quốc nội, quốc tế lên án. Nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn bất chấp công luận, ngang nhiên chà đạp pháp lý để mưu đồ tư lợi riêng.
đan vienj thiên an
Quốc Hiếu & Nguyên Nguyễn/SBTN

Việt Nam thứ 2 thế giới về hối lộ: Vì sao phải rửa tay xà bông?

Việt Nam thứ 2 thế giới về hối lộ: Vì sao phải rửa tay xà bông?
Ảnh: Zing News
Sau khi phỏng vấn 22,000 người trong khoảng thời gian 18 tháng từ tháng 7/2015 đến tháng 1/2017, tổ chức Minh Bạch Quốc Tế cho ra kết quả: Ấn Độ có tỷ lệ hối lộ cao nhất trong số 16 quốc gia ở Châu Á-Thái Bình Dương mà Minh Bạch Quốc Tế khảo sát, với 69% người được phỏng vấn ở Ấn Độ nói họ phải trả tiền hối lộ. Đứng thứ nhì sau Ấn Độ là Việt Nam, với khoảng 2/3 số người (tương đương 65%) đã phải hối lộ khi tiếp cận các dịch vụ công.
Kết quả của Minh Bạch Quốc Tế về tỷ lệ 65% số người phải hối lộ ở Việt Nam lại rất tương đồng với một đánh giá được công bố vào tháng 10/2013, tại cuộc hội thảo về chống tham nhũng được tổ chức ở Hà Nội với cái tên rất kêu: “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, hướng tới thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam”. Khi đó, ông Soren Davidsen, chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB) đã cho biết 63% doanh nghiệp Việt Nam phải trả các khoản phí không chính thức, nhằm tạo ra cơ chế ngầm để được giải quyết công việc nhanh chóng; 63% doanh nghiệp nói công chức cố tình kéo dài thời gian xử lý để gây khó dễ; 79% công chức đổ lỗi cho lương thấp là động cơ để tham nhũng…
Nhưng giới quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” của Việt Nam vẫn cố gắng ngụy biện bằng những con số thấp hơn hẳn. Trần Đức Lượng, Phó tổng thanh tra chính phủ Việt Nam, thanh minh rằng 70% số trường hợp đưa hối lộ là do doanh nghiệp chủ động thực hiện; chỉ có 30% số trường hợp doanh nghiệp đưa hối lộ là do công chức gợi ý, nhũng nhiễu.
Thanh tra chính phủ lại là một trong những cơ quan bị công luận và người dân chỉ trích nhiều nhất, bởi trong nhiều năm qua, cơ quan này đã rất ít khi “phát hiện tham nhũng”.
Cũng tại cuộc hội thảo về chống tham nhũng ở Hà Nội vào năm 2013, ông Davidsen đã nêu ra những con số chứng minh rất rõ xu hướng “hành là chính”: nếu như năm 2005, 56% doanh nghiệp cho biết có hiện tượng kéo dài thời gian giải quyết công việc, thì năm 2012 tăng lên tới 67%. Đối với chuyện giải thích không rõ để cố tình bắt lỗi doanh nghiệp, năm 2005 khoảng 45%, thì năm 2012 tăng lên 66%. Đối với chuyện bám vào các quy định không chặt chẽ để bắt bí doanh nghiệp thì năm 2005 khoảng 39%, năm 2012 tăng lên 54%. Còn đưa thông tin hù dọa gây sức ép tăng từ 16% lên 23% vào năm 2012…

Bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia của Ngân Hàng Thế Giới, cũng nêu ra một kết luận chi tiết: “Các ngành, lĩnh vực tham nhũng nhất theo góc nhìn của doanh nghiệp gồm: cảnh sát giao thông; quản lý đất đai; xây dựng; hải quan; y tế và thuế…”.
Dẫn số liệu từ khảo sát tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức do Thanh tra Chính phủ và WB công bố vào năm ngoái, ông Davidsen kết luận: từ năm 2005 đến năm 2012, tình trạng tham nhũng của công chức không được cải thiện, mà ngày càng tệ hại hơn.
Vô số ví dụ sống động về tham nhũng. Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin đã trở thành tai họa cho dân nghèo Việt Nam với số nợ lên đến ít nhất 80,000 tỷ đồng, đủ xây dựng 214,000 phòng học, hoặc 53,000 trạm xá xã…
Còn trước đó nữa, không ai có thể lãng quên những vụ tham nhũng chấn động liên quan trực tiếp đến viện trợ ODA như PMU 18, Đại lộ Đông – Tây. Những vụ việc này đều có số “lại quả” ít nhất 10% giá trị hợp đồng.
Nhưng sau này đã bật ra  một phát hiện có lẽ chỉ có ở Việt Nam về tỷ lệ nâng khống, đến mức trí não bình thường của con người khó mà tưởng tượng: từ việc mua lại thiết bị lặn với giá 100 triệu đồng, Tổng giám đốc Công ty Cho thuê tài chính II (thuộc Ngân hàng Agribank) Vũ Quốc Hảo đã cùng các tòng phạm “thổi” giá lên thành 130 tỉ đồng, tức gấp đến 1,300 lần, để chia chác nhau…
Một người nước ngoài xin kín tên kể lại rằng, cứ đều đặn mỗi năm một lần, ông được mời dự những cuộc hội thảo sang trọng về chống tham nhũng hoặc bàn về giải pháp chống nạn hối lộ ở Việt Nam. Rồi cứ sau mỗi lần kết thúc hội thảo, ông lại lặng lẽ vào xe hơi, lấy khăn mù xoa chà xát lòng bàn tay. Còn khi về nhà, ông vội rửa sạch bàn tay ấy bằng ít nhất hai lớp xà bông…
Lê Dung / SBTN

Kon Tum: Phó chủ tịch hội đồng xã bán bằng giả, chỉ bị án treo

Bà Phạm Thị Màu tại tòa. (Hình: báo Tuổi Trẻ)
KON TUM (NV) – Bà phó chủ tịch Hội Ðồng Xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, đã làm nhiều bằng tốt nghiệp cấp 3 giả, bán cho nhiều người có nhu cầu để lấy tiền bất chính.
Ngày 13 Tháng Ba, tòa án tỉnh Kon Tum đã tuyên phạt bà Phạm Thị Màu, nguyên phó chủ tịch Hội Ðồng Xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy 12 tháng tù treo về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.”
Báo Tuổi Trẻ dẫn cáo trạng cho biết, từ năm 2007 đến năm 2010, bà Màu nói với nhiều người dân ở xã Ya Xiêr và các xã khác trong huyện Sa Thầy mình có khả năng “lo” được bằng tốt nghiệp trung học phổ thông ( cấp 3) mà không cần phải học hành, thi cử.
Nhiều người truyền tai nhau và tìm đến tận nhà bà Màu để nhờ cậy và nhờ “tài năng” của mình, bà phó chủ tịch hội đồng nhân dân đã “lo” được “bằng tốt nghiệp” như ý.
Tại tòa, bà Màu khai nhận đã lên mạng Internet tìm hiểu và copy mẫu, chữ ký bằng tốt nghiệp cấp 3, sau đó tự đi in ấn “sản xuất” 8 cái bán cho 8 người dân ở huyện Sa Thầy với giá trên dưới một triệu đồng/cái.
Ðặc biệt, bà Màu còn “cấp” bằng cho hai người con đẻ của mình là ông Nguyễn Văn Ðoàn và bà Nguyễn Thị Ba. Ðến cuối năm 2016, người dân tố cáo vụ việc vỡ lở, bà Màu bị khởi tố. (Tr.N)

Nghệ An: Vỡ đập chứa bùn thải quặng, người dân khốn khổ

Thân đập trên núi bị vỡ. (Hình: Báo Pháp Luật Sài Gòn)
NGHỆ AN (NV) – Bể chứa chất thải quặng của một xí nghiệp khai thác thiếc ở huyện Quỳ Hợp bị vỡ, khiến chất độc chảy xuống suối làm cá chết, lúa hư, sinh hoạt người dân ảnh hưởng, nhưng 3 ngày sau đoàn kiểm tra mới đến “làm việc.”
Theo báo Pháp Luật Sài Gòn, đến sáng ngày 13 THáng Ba, đoàn công tác của Bộ Công Thương mới vào xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, “để kiểm tra hiện trường vụ vỡ đập bùn thải quặng trên núi của xí nghiệp khai thác thiếc Suối Bắc.”
“Do hiện trường ở trên núi cao và cách thành phố Vinh chừng 150 cây số, nên khó tiếp cận sớm được,” ông Tô Xuân Bảo, phó Cục trưởng Cục Kỹ Thuật An Toàn và Môi Trường Công Nghiệp, Bộ Công Thương cho biết.
Trước đó, truyền thông Việt Nam loan tin, khuya 9 Tháng Ba, thân đập chứa bùn thải trên núi Lan Toong, của xí nghiệp thiếc Suối Bắc, xã Châu Thành bị rạn nứt rồi vỡ thân đập dài khoảng 12 mét, khiến hàng trăn khối bùn thải chảy tràn dọc theo suối Nậm Huống.
Sau hai ngày xảy ra sự việc, xuôi theo dòng hạ lưu con suối từ điểm bùn thải chảy ra, nước dòng suối vẫn đục ngầu, hai bên bờ suối bùn thải bám đen khiến nhiều ao cá nuôi chết và hơn 300 ha lúa dọc theo nguồn suối Nậm Huống bị bùn bồi lắng hư hại.
Nghệ An: Vỡ đập chứa bùn thải quặng, người dân khốn khổ
Sau khi vỡ đập chứa bùn thải quặng, cá tôm 3 xã của người dân ở huyện Quỳ Hợp bị chết. (Hình: Báo Pháp Luật Sài Gòn)
Người dân cũng đang lo ngại nước và bùn thải chứa hóa chất chảy xuống hạ nguồn của dòng suối, lòng sông Nậm Huống gây ô nhiễm và nguy cơ nhiễm kim loại. Hiện ở xã Châu Quang, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, đã có hàng chục hộ gia đình có cá nuôi tiếp tục bị chết nghi bị ô nhiễm từ nước và bùn thải quặng trên.
Chính quyền địa phương đã thông báo với người dân ở ba xã Châu Thành, Châu Cường, Châu Quang không được đánh bắt, sử dụng cá; không sử dụng nguồn nước; không chăn thả, để trâu bò uống nước ở những dòng suối này… cho đến khi có kết luận chính thức vụ vỡ đập.
Trong khi đó, phúc trình của Tập Ðoàn Than Khoáng Sản Việt Nam cho hay: “Hiện đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, xác định nguyên nhân và khắc phục để giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường.” (Tr.N)

Phú Thọ: Dân chặn xe phản đối trạm thu phí

Sáng 13 Tháng Ba, người dân Phú Thọ đã dàn hàng xe tải chắn ngang trạm thu phí BOT Tam Nông để phản đối thu phí cao. (Hình: báo VNExpress)
PHÚ THỌ (NV) – Người dân ở huyện Tam Nông đã đưa hàng chục xe hơi các loại đỗ dàn hàng ngang trước trạm thu phí BOT Tam Nông trên quốc lộ 32 để phản đối việc thu phí quá cao.
Truyền thông Việt Nam loan tin, khoảng 8 giờ 30, ngày 13 Tháng Ba, người dân ở huyện Tam Nông, đã đưa khoảng 50 xe hơi các loại đến trạm thu phí BOT Tam Nông. Các chủ xe không mua vé để qua trạm mà dàn hàng ngang trước 4 làn thu phí, gây ách tắc giao thông kéo dài gần nửa cây số ở hai đầu trạm thu phí này.
Báo điện tử VNExpress, dẫn phản ánh của người dân và các chủ xe cho biết, việc đặt trạm thu phí BOT này đã gây tức giận cho người dân ở xung quanh vì mức phí cao. Mỗi lượt xe hơi qua lại phải mất phí từ 35,000-50,000 đồng/lượt tùy loại.
Phú Thọ: Dân chặn xe phản đối trạm thu phí
Quốc lộ 32 bị ùn tắc kéo dài cả cây số ở 2 đầu trạm. (Hình: báo VNExpress)
“Trạm thu phí đặt rất vô lý, họ chỉ thảm lại nhựa, nâng cấp 12 cây số trên nền đường cũ, giờ bắt dân đi qua đây phải nộp phí,” ông một lái xe tải cho biết.
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, giám đốc công ty BOT Hùng Thắng, chủ đầu tư, trong sáng cùng ngày, công ty đã mời các chủ xe vào đối thoại và giải thích việc thu phí. Sau đó, nếu người dân không đưa xe ra khỏi trạm thì công an địa phương sẽ cưỡng chế.
Ông Hải, cho biết thêm, chủ đầu tư đang xin ý kiến ủy ban tỉnh Phú Thọ cho cẩu xe mà người dân đưa chắn ngang trạm thu phí. “Chúng tôi mong Bộ Giao Thông sớm phê duyệt hỗ trợ dân địa phương, để tránh thiệt thòi cho những người hàng ngày qua trạm và không làm thất thu nhà đầu tư,” ông Hải nói với truyền thông.(Tr.N)

‘Bauxite Tân Rai’ càng làm càng lỗ hàng ngàn tỉ đồng

Tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Ðồng, còn gọi là dự án Tân Rai có khả năng đóng cửa. (Hình: Báo Người Lao Ðộng)
HÀ NỘI (NV) – Sau 3 năm hoạt động, tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Ðồng nhiều tai tiếng khai thác tài nguyên quốc gia đem bán đã bị thua lỗ 3,696 tỉ đồng.
Theo báo Người Lao Ðộng, ngày 13 Tháng Ba, Tập Ðoàn Công Nghiệp Than-Khoáng Sản Việt Nam vừa bị thanh tra nhiều nội dung về hoạt động kinh doanh, đầu tư của tập đoàn này.
Các kết quả thanh tra tại tổ hợp dự án Bauxite-Nhôm Lâm Ðồng và dự án Alumin Nhân Cơ cho thấy, “các dự án này hoạt động chưa hiệu quả, vốn đầu tư tăng quá cao so với dự kiến ban đầu.”
Cụ thể, tại dự án tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Ðồng, theo quyết định ban hành năm 2006, tổng mức đầu tư là hơn 7,787,5 tỉ đồng(khoảng $493,5 triệu) với công suất 600,000 tấn/năm, thời gian thực hiện 2006-2009. Tuy nhiên, qua 4 lần điều chỉnh đã tăng vọt lên đến hơn 15,414 tỉ đồng(tương đương $805 triệu), gần gấp 2 lần vốn đầu tư dự kiến ban đầu. Trong khi đó thời gian thực hiện dự án bị chậm 4 năm so với quyết định phê duyệt lần đầu.
“Nguyên nhân việc đội vốn này do việc điều chỉnh tăng công suất, thay đổi công nghệ sản xuất alumin, nhà nước thay đổi chính sách thuế, tiền lương, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, thiếu kinh nghiệm quản lý điều hành của chủ đầu tư và năng lực thi công của nhà thầu hạn chế,” báo Người Lao Ðộng dẫn thông tin từ cơ quan thanh tra cho biết.
'Bauxite Tân Rai' càng làm càng lỗ hàng ngàn tỉ đồng
Vụ vỡ đường ống chứa chất độc hại tại nhà máy alumin Tân Rai, khiến ô nhiễm môi trường. (Hình: Báo Người Lao Ðộng)
Ðáng chú ý, kết quả của đoàn thanh tra cũng cho thấy tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Ðồng sau 3 năm đi vào hoạt động, tính từ Tháng Mười 2013 đến hết Tháng Chín, 2016 đã thua lỗ 3,696 tỉ đồng, vượt xa so với số lỗ lũy tiến dự kiến theo kế hoạch là 1,660 tỉ đồng, không kể phần lỗ do chênh lệch tỉ giá.
Còn tại dự án nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, vốn đầu tư cho dự án này cũng tăng rất mạnh so với dự kiến ban đầu. Theo quyết năm 2007, tổng vốn đầu tư cho dự án này chỉ 3,285 tỉ đồng, nhưng đến năm 2014 đã tăng lên đến 16,821 tỉ đồng, cao hơn gấp 5 lần. Ngoái ra, dự án này đưa vào hoạt động chậm 6 năm so với quyết định ban đầu.
Trước đó, quá trình đầu tư các dự án này đã xảy ra một số sự việc. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc vỡ đường ống dẫn sút nhà máy Alumin Nhân Cơ vào ngày 23 Tháng Bảy, 2016 tại Ðắk Nông gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, khiến người dân tức giận, buộc ông Hoàng Quốc Vượng, thứ trưởng Bộ Công Thương phải cam kết “rút kinh nghiệm, không để xảy ra sự cố tương tự.” (Tr.N)

Lại thêm một thảm họa môi trường

CTV Danlambao - Vào ngày 8 tháng 3 bể chứa bùn thải của Công ty TNHH MTV kim loại màu Nghệ Tĩnh đã bị vỡ một đoạn dài 12 m tại. Nước thải đổ xuống dòng Nậm Huống làm hàng loạt cá chết, nhiều nhất là quanh các xã Châu Cường, Châu Thành, Châu Quang.

Cho đến chiều ngày 12/3, dọc khu vực suối Nậm Huống, vẫn đục ngầu bởi bùn thải chảy ra. Những chất độc hại cho môi trường và sức khỏe con người đổ ra Nậm Huống gồm có thiếc, asen, chì, thủy ngân...

Tác hại trước mắt của thảm họa môi trường mới nhất này gồm có:

- Nguồn nước khe Nâm Huống bị nhiễm chì, asen và nhiều hoá chất độc hại khác.

- Những ao nuôi cá của người dân lấy nguồn nước Nậm Huống, điển hình là tại xóm Quang Hương, xã Châu Quang, huyện Qùy Hợp đã bị chết hàng loạt.

- Ruộng lúa nước ruộng lúa của nông dân các xã dọc theo nguồn suối Nậm Huống đã bị ô nhiễm.

- Các nguồn nước của các khe suối mà người dân sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày cũng bị nhiễm độc.

Về phía nhà nước, đến 4 ngày sau mới cử nhân viên của sở Tài-Môi tỉnh đến nơi cá chết lấy mẫu nước, mẫu đất để phân tích và dự kiến sẽ có kết quả trong 7 ngày.

Đối với người dân thì các quan chức ra khuyến cáo người dân đừng ăn... cá chết, uống nước nhiễm độc, đồng thời tiến hành việc tổng hợp thiệt hại của dân để Công ty CP kim loại màu Nghệ Tĩnh phải đền bù.

Sau khi thảm họa đã xảy ra rồi, ông Nguyễn Đình Duệ - Giám đốc Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh mới cam kết công ty của ông ta sẽ khắc phục các hệ luỵ còn tồn tại. Điều cần ghi nhận là ông ta đã không biết hay không muốn trình bày nguyên nhân mà tuyên bố là chờ kết luận của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, không cần chờ đến kết luận của các quan chức bộ Tài-Môi người dân cũng thấy rõ nguyên nhân và hiểm họa của bể thải này.
Bể chứa đựng bùn và nước thải của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh nằm ở lưng chừng núi, chứa khoảng 10 ngàn m3 bùn thải bằng những bờ chắn được đắp sơ sài bằng đất. Tuy vậy, các quan chức vẫn phê duyệt và cho hoạt động. Đã có nhiều cảnh báo, kiến nghị về vấn đề này nhưng công ty và các quan chức trách nhiệm vẫn không giải quyết.

Từ bế chứa bằng đất ở lưng chừng núi, nước và bùn thải đã đổ xuống suối:


(Nguồn ảnh: Dantri.com)

Hiện nay, các bờ chắn còn có nhiều chỗ rạn nứt khác và có nguy cơ bị vỡ thêm.

Thảm hoạ môi trường mới nhất này cho thấy đảng và nhà nước cộng sản hoàn toàn không có một kế hoạch nào để kiểm tra, ngăn ngừa hiểm hoạ môi trường. Chỉ đợi đến khi nào "sự cố" xảy ra thì mới "vào cuộc". Lúc đó thì đã quá muộn. Bên cạnh đó, mọi sự bồi thường nếu có chỉ dựa vào con số cá chết người dân nuôi, số lượng hoa màu, lúa bị hư hại trước mắt những những hệ luỵ lâu dài về sức khoẻ, canh tác sau đó hoàn toàn không được đếm xỉa tới.

13.03.2017

Thiếu tướng công an Trương Giang Long: Chửi Tàu, dạy Mỹ, khen Nhật, bợ Trọng, nổ đảng

"Trung Quốc, không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chủ quyền của chúng ta. Mà không phải thời ông Tập Cận Bình đâu, ông khác lên cũng sẽ như vậy thôi. Câu chuyện là, bao giờ họ sẽ lấy và lấy bằng cách nào… Chính vì vậy mà chúng ta không loại trừ việc mà họ làm suy yếu từ bên trong... Tôi xin nói lại là Trung Quốc xấu như vậy hay xấu nữa chúng ta cũng phải tìm cách chung sống với họ, chỉ cố gắng phấn đấu làm sao để họ đừng xấu hơn... Hiện nay tụi nó khống chế chúng mình rất là kinh khủng!" - Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, kiêm Giám đốc Học viện Chính trị, Công an Nhân dân.

Dân Làm Báo gửi đến các bạn video clip và nguyên văn phát biểu viết lại từ clip sau đây của Thiếu tướng công an Trương Giang Long. Buổi nói chuyện của Trương Giang Long xảy ra vào tháng 10, 2016.



Trung Quốc, tôi xin thưa các đồng chí là, không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chủ quyền của chúng ta ở Biển đông, không bao giờ từ bỏ dã tâm này. Mà cái này không phải chỉ thời ông Tập Cận Bình đâu, ông khác lên cũng sẽ như vậy thôi. Câu chuyện là, bao giờ họ sẽ lấy và lấy bằng cách nào…

Thưa các đồng chí, chính vì vậy mà chúng ta không loại trừ cái việc mà họ tìm mọi cách làm suy yếu từ bên trong. Chúng ta không loại trừ, chúng ta phải nói rõ với nhau như thế.

Chúng tôi nói với các đồng chí là: bọn xấu nó cài cắm, nó móc ngoặc, nó lôi kéo đó. Hồi xưa chỉ một vài người là đã nguy hiểm rồi, đã chết rồi. Bây giờ, tôi thông báo với các đồng chí là, nó đã có con số đến hàng trăm, mà hàng trăm không chỉ là con số dừng lại ở hàng trăm, mà trăm này có thể cộng với trăm kia nữa chứ không phải trăm, báo cho các đồng chí biết. Mà nếu chúng ta không phát hiện, không nghiêm trị, thì xin thưa với các đồng chí là, đầu năm trong tổng kết hội nghị bảo vệ an ninh quốc gia, thì cán bộ chủ chốt chúng tôi, được nghe đồng chí lãnh đạo cấp cao của ngành thông báo là chúng ta đang theo dõi, đang nắm rất chắc, rất chặt những cái diễn biến của các phần tử cơ hội chính trị mà có mưu toan, là móc ngoặc, cấu kết bên ngoài, để lật đổ chống phá chế độ của chúng ta. Những bộ phận ấy làm ngòi nổ cho các cuộc bạo loạn cho các điểm nóng chính trị, mà chúng ta, thưa các đồng chí không thể xem thường và coi nhẹ.

Có người, sau khi những vấn đề với Trung Quốc nảy sinh, báo cáo với các đồng chí là, tôi xin nói lại, Trung Quốc xấu như vậy hay xấu nữa, chúng ta cũng vẫn phải tìm cách chung sống với họ, chỉ cố phấn đấu sao để họ đừng xấu hơn. Chứ các bây giờ các đồng chí nói, đổi Trung Quốc đi, đổi Việt Nam đi chỗ khác đi, thì không bao giờ có rồi, vĩnh viễn mãi mãi như thế này. Nó bất hạnh cho chúng ta là sống bên cạnh một ông anh mức động lòng tốt nó thấp, zen tốt nó thấp, cái zen không tốt nó vượt trội.

Báo cáo các đồng chí là hiện nay họ khống chế chúng mình rất là kinh khủng, họ vào sâu rất sâu hang hàng xóm của chúng ta rồi. Ông kia thì trở mặt hoàn toàn rồi, đây là tôi nói ở trong nhà. Ông kia là xương máu của chúng ta đổ chất đầy, miệng nó xoen xoét là đời tôi, con tôi, cháu tôi, gia đình dòng tộc nhà tôi, tổ quốc tôi đất nước tôi, đời đời mãi mãi trân trọng kính nhớ biết ơn. Không có Việt Nam không có tôi, không có Việt Nam không có đất nước chúng tôi. Nhưng mà mồm nó nói thế, bên trong nó vẫn móc ra thằng khác chơi mình.

Cá nhân nó chơi mình thôi thì thưa các đồng chí là cũng còn có thể, nghĩa là chúng ta không dung thứ nhưng cũng còn thể chấp nhận, nhưng mà nó kéo cả quốc hội để chống lại mình, kéo cả nhà nước, chính phủ chống lại. Lợi ích cốt lõi nhất của chúng ta trên biển Đông, thưa các đồng chí là vì thằng khác khống chế, chứ cá nhân một mình ông ta thì cho tiền cũng không dám. Cũng như cuộc chiến biên giới Tây Nam, thưa các đồng chí, nhé, chấp 5 đời Pol Pot nó cũng không dám phát động chiến tranh chống lại chúng mình, nhưng ai, câu chuyện là ai đứng đằng sau, ai hà hơi, ai tiếp sức, ai cổ vũ, ai động viên, ai định hướng, ai xúi dục, câu chuyện nó như vậy.

Và một người anh em ruột của chúng ta, lâu nay thưa các đồng chí chúng ta vẫn nói là anh em, bây giờ nó trở chứng nó hỏi lại “thế anh em, ai là anh, ai là em”. Câu hỏi tưởng chừng, ví dụ ở Việt Nam mình cứ thằng nào để trước, thấy mặt trời trước thì là anh, còn mày dưới là chú, nó rõ như thế, nó minh bạch như thế. Lâu nay mình lỡ gọi, không có nghĩa là mình nói tao anh mày em, bây giờ nó hỏi ngược lại, có khi trong đầu mình, tình cảm mình trong suy nghĩ mình, mình nghĩ tao anh mày em, bây giờ nó hỏi ngược lại, thế ông nào là anh, ông nào ai là em.

Tôi nói với các đồng chí ở đây. Tôi nói mở ngoặc riêng. Tôi nói rất thật là bây giờ mừng vô cùng các đồng chí ạ, đại hội 12 đảng ta mới bừng tỉnh, mới ghi vào trong nghị quyết của mình là “Mọi chủ trương đường lối đối ngoại của chúng ta đều phải lấy lợi ích dân tộc làm trọng và đều phải xuất phát từ lợi ích dân tộc.” Đây nói trong nhà. Bây giờ các bố mới té ngữa ra, chết cha chúng mình mấy đời, mà cái này thì cũng không trách ai được, là bởi vì thưa các đồng chí là trên thế giới này, tôi không biết nhiều, nhưng tôi dám khẳng định với các đồng chí dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc mà chơi với bạn tốt đến mức mà còn một cái quần xà lỏn cũng chơi. Không ai chơi với bạn tốt như chúng mình, thậm chí tốt đến cái mức là sẵn sang biếu không tặng không bạn 1 bà vợ của mình. Mịa chơi tốt đến thế là cùng chứ còn gì tốt hơn. Tất nhiên hồi ấy lão 2, 3 vợ, ông tặng được 1 bà chứ chúng tôi bây giờ có một bà mà tặng thì chết. Chơi với bạn tốt đến như thế.

Thưa các đồng chí, câu chuyện Lưu Bình, Dương Lễ ông chẳng mang hẳn 1 bà vợ tặng bạn à, tặng không ông bạn 1 bà vợ còn cho tiền mang theo nữa cơ. Thì Việt Nam chúng ta cũng tốt với bạn xuất phát từ lịch sử truyền thống. Tôi xin lỗi các đồng chí là cái gì của chúng ta đều có truyền thống lịch sử cả mà, mà chúng mình dựa vào tổ tiên ông bà để làm lên đất nước giang sơn như bây giờ, thì cái điểm mạnh mình khai thác đã đành rồi, nhưng có những điểm mình không mạnh, mình vẫn từ đấy. Cho nên bây giờ tôi nói xa hơn như thế về Trung Quốc để cho các đồng chí biết rằng họ gây sức ép rất ghê gớm. Mà bây giờ nó không chơi luật kinh tế thị trường, “mạnh về gạo, bạo về tiền” thôi, tất cả đều thắng, nó nhá 1 phát ông Philippine gần như quay 180 độ về cái cũ rồi. Câu chuyện là tiền, nên các đồng chí phải nhớ là, nếu chúng ta để cho đất nước ở trong một cái nức cứ lông bông thế này mãi mãi trong đói nghèo thì các cụ dạy rất rõ “nghèo là hèn” thôi. Nếu bây giờ thu nhập đầu người của chúng ta, khoảng 20.000$, 30.000$, đồ chơi trong nhà mình có nhấn 1 phát là nó biết chúng mình là ai thì thưa các đồng chí, 3 cái vụ điểm nóng này không có nhằm nhè gì mà phải quan tâm lo ngại nhiều.

Nói ngoài lề cho các đồng chí nghe, nếu bây giờ chúng mình có công nghệ cao, mà nhấn 1 phát là chúng mày biết lễ độ là gì. Hôm qua trên đường đi đến đây tôi đọc một thông tin về Nga, báo cáo với các đồng chí là Nga bây giờ sản xuất ra một loại tên lửa mang đồ đạc hủy diệt, lớn chưa từng có trong lịch sử loài người. Tốc độ bay, 24500km/h, chưa có một loại tên lửa nào có tốc độ bay nhanh như vậy. Và ưu điểm của nó là gì, một là tốc độ rất nhanh, 2 là các tên lửa của đối phương, các phương tiện công nghệ của đối phương không có khả năng phát hiện được và 3 là mức độ hủy diệt. Báo cáo các đồng chí là, gấp mấy chục ngàn làn quả bom nguyên tử. Ví dụ như người ta viết trên báo là, nếu bắn một phát, thì New York bị hủy diệt ¾, nếu bắn một quả là ¾ bị hủy diệt. Vì sao mà Nga lại tiết lộ thông tin cơ mật này, là bởi vì Mỹ đang ép Nga rất quyết liệt xung quanh vụ Ukraine và vụ Syria, cho nên Nga phải móc đồ chơi ra, công khai hóa cho mày biết, mày ngon thì mày cứ đụng đi. Nói trộm vía mà các cụ nhà mình hồi xưa kha khá một chút mà chuẩn bị cho chúng mình có được cái góc như thế thì bây giờ con cháu “mày nóng thế này chứ nóng nữa đi nữa tao cũng dội nước cho mày nguội tươi”.

Nhưng câu chuyện là chúng ta không có cái đó. Cho nên là chúng tôi đang tập trung nghiên cứu, báo cáo đồng chí là bảo vệ tổ quốc là độc lập. Bây giờ hiểu thuật ngữ độc lập là gì? Hả? Độc lập là độc lập thế nào? Cho nên là về sau này càng lớn lên càng đọc nghiên cứu đó tôi mới thấm vô cùng cái câu nói của bác Võ Văn Kiệt. Bác nói là khi nào mà đảng ta thật sự độc lập về đường lối thì bấy giờ đất nước mới chuyển biến tích cực. Nhưng thân phận của một nước yếu... Thế mà có người nói là bây giờ đó, bây giờ là trong tình hình như vậy thì theo cha nước Mỹ đi. Phải không, để giải quyết vấn đề biển Đông. Tôi xin lỗi các đồng chí là thay vào bằng cái hang hùm thì sang hang cọp. Xui nhau thế. Câu chuyện là chúng ta phải độc lập và hiểu cái thuật ngữ độc lập thế nào trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta nghiêng về bất cứ chỗ nào đó, thưa các đồng chí, cũng đều thất bại hết.

Cho nên bây giờ đó tôi nói ý thứ hai là họ gây sức ép với chúng ta, nếu mà chúng ta ngoan ngoãn mà đi theo sự chỉ bảo của họ, thì đó, chúng ta có cơ may là ổn định bình yên. Còn nếu mà chúng ta không đi theo quỹ đạo của họ thì lập tức là bắt đầu nổi lên những điểm nóng. Tôi lấy thí dụ như vấn đề tôn giáo nè, vấn đề dân tộc nè, vấn đề dân chủ nhân quyền nè, Mỹ luôn luôn sử dụng như một công cụ phương tiện để mà gây sức ép. Đó, ở các nước khác nó đánh bằng vũ lực. Bây giờ nó đánh ta không được rồi thì nó dùng công cụ phương tiện này để nó gây sức ép với chúng ta.

Tôi kể câu chuyện như thế này thì các đồng chí thấy là mưu đồ của họ như thế nào. Ông đại sứ quán mới của Mỹ đó, trước khi sang nhậm chức thì có đến thăm Bộ Công an của chúng tôi mà cụ thể là thăm đồng chí Tô Lâm. Lúc bấy giờ anh là thứ trưởng phụ trách an ninh của đất nước này. Khi đến nói chuyện với anh thì anh khuyên ông ấy là ngài sang làm đại sứ lần này thì đừng đi theo vết xe đỗ mà những người tiền nhiệm của ngài đã từng đi. Các ông đại sứ quán trước sang VN làm gì các đồng chí? Nó chủ tâm là đi móc ráp các phần tử bất mãn, các phần tử cơ hội chính trị có quan điểm khác lại chống đối chúng ta. Để làm gì đây? Nó xâu chuỗi cái lũ này lại thành một lực lượng gây sức ép với chúng mình. Nó đi đến các cái vùng đồng bào dân tộc, nó cho người đến thông qua các cái tổ chức từ thiện mà chúng ta gọi là ngo đó các đồng chí, để nó đến nó thâm nhập, nó móc ráp, nó xây dựng, nó nhen nhóm cơ sở. Cũng là những cái phần tử bất mãn chống đối và một bộ phận người dân không nhận thức được, không thấy rõ được cái thâm địa độc ác nham hiểm của nó. Cho tiền, tạo điều kiện hỗ trợ kể cả cái mặt tung hô về chính trị xã hội để mưu đồ lôi kéo họ. Rồi gặp gỡ các cái tín đồ, các loại công giáo, cái loại giáo hội, các loại tôn giáo khác nhau để mà kích hoạt, để mà tập hợp quy tụ lực lượng. Thế nếu mà chúng ta mà mạnh, quan hệ chúng ta với họ mà tốt thì đó lực lượng này nó đứng im, nó ngồi tại chỗ. Còn quan hệ chúng ta với họ mà có vấn đề gì đấy trục trặc, mục tiêu đặt ra, ý đồ của họ không đạt được, nhất định họ dùng lực lượng này làm cái ngòi nổ xung kích gây ra cái điểm nóng chống lại chúng ta. Cho nên vì vậy đó mà đồng chí Tô Lâm cảnh báo cái ông đại sứ này là ngài không được, không được phép, nhé, đi theo những vết xe đổ mà những người tiền nhiệm của ngài đã từng đi.

Các đồng chí biết lão ta ứng xử thế nào không? Ông ta cười rất tươi! Cám ơn đồng chí Tô Lâm và ông ta nói với đồng chí Tô Lâm là vâng thưa ngài tôi nhất định lần này sẽ không đi theo vết xe đổ của những người tiền nhiệm của tôi đã từng đi. Bởi vì con đường mà chúng tôi đã từng đi chỉ dẫn nước Mỹ đến thất bại. Khẳng định như vậy mà các đồng chí. Cho nên sự mệnh của tôi, nhiệm vụ của tôi, trọng trách của tôi lần này sang Việt Nam là phải tìm mọi cách để hàn gắn, để nâng cấp cái mối quan hệ Việt Nam và Mỹ, định hướng sang một cái trang mới trong đó chúng tôi đặc biệt quan tâm chú ý đến cái việc tạo điều kiện cho tuổi trẻ hai nước Việt Nam và Mỹ gắn kết với nhau, quan hệ với nhau, cho phép mở rộng để có rất nhiều thanh niên VN sang Mỹ du học tại các trường đại học của Mỹ. Và mong muốn chân thành của chúng tôi là những cái gì mà mấy chục năm nay nước Mỹ không làm được ở trên đất nước này thì con cháu của các ngài, thế hệ trẻ VN trong tương lai nó sẽ giúp nước Mỹ thực hiện được giấc mơ của người Mỹ.

Thưa các đồng chí một cuộc tuyên chiến rất sòng phẳng rõ ràng. Cái gì thế hệ những người Mỹ bây giờ không làm được thì thế hệ trẻ VN trong tương lai nó kỳ vọng là con cháu chúng ta sẽ làm được điều đó. Và tôi xin thưa các đồng chí là họ chuẩn bị hết rồi, họ đang chuẩn bị từ bây giờ, họ chuẩn bị rất công phu rất bài bản và nếu chúng ta không biết trước ứng phó thì câu chuyện thưa các đồng chí, bây giờ về mặt chiến lược Mỹ mong muốn đến vô cùng có một VN nằm trong quỹ đạo liên minh của Mỹ để đảm nhiệm sứ mệnh xoay trục châu Á mà Mỹ đang triển khai.

Thưa các đồng chí là lâu nay chúng ta thấy rất rõ quan hệ VN và Nhật là quan hệ tốt, đặc biệt tốt. Chúng ta không những là xác lập đối tác chiến lược toàn diện, không những toàn diện mà còn là toàn diện sâu rộng, không những sâu rộng mà phải thiết thực, hiệu quả, nghĩa là ngôn ngữ đó trong quan hệ đó những gì tốt nhất là chúng ta được cả rồi. Không có cái từ nào tốt hơn mà chúng ta không dùng trong cái quan hệ VN và Nhật Bản. Và trên thực tế bạn cũng đã phối hợp với chúng ta một cách rất nhiệt tâm, chân thành và có hiệu quả trên nhiều phương diện trong đó kể cả lãnh vực ở bên trong an ninh quốc phòng của chúng ta. 

Nhưng mà câu chuyện thưa các đồng chí nước Nhật là ai? Câu chuyện mà chúng ta phải trả lời nước Nhật là ai? Nước Nhật là nước Mỹ thứ hai ở châu Á. Mỹ mà bây giờ mà vào VN thì khó lắm. Bởi vì nói gì thì nói chứ lòng người chưa phải lúc nào cũng là yên bình khi đón Mỹ tiếp Mỹ đâu, mặc dù bây giờ thái độ của Mỹ khác. Nhưng không vào VN như Nhật Bản được. Về mặt chiến lược chúng ta phải nhận ra cái điều ấy. Bây giờ chúng ta có cần có Mỹ không? Chúng ta rất cần các đồng chí ạ. Nhe. Chúng ta rất cần.

Báo với các đồng chí là tôi nói trong phạm vi rất là hẹp để các đồng chí biết nhé. Bây giờ các ông cứ ghi mà các ông đặt cái này nhiều người nghe mà tôi không dám nói. Tôi nói một thông tin, một thông tin. Các đồng chí theo dõi trên báo chí các đồng chí biết hết rồi. Trung Quốc rất hung hăng sau khi mà Tòa Trọng Tài tuyên án về cái phán quyết tranh chấp về biển Đông. Và Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng. Họ dự định là chiếm các bãi cạn ngay tức khắc. Và họ cơi nới mở rộng như đã cơi nới mở rộng như đã ở trong phạm vi của chúng ta. Thậm chí là họ còn tính đến cái ngay lập tức tuyên bố cấm, thiết lập vùng cấm bay. Ngay lập tức là sẽ đánh chiếm một số các mục tiêu khác để dằn mặt, trong đó không loại trừ là có VN. Chuẩn bị sẵn sàng rồi. Nhưng mà họ biết được một cái thông tin là thưa các đồng chí, 15 phút nếu Trung Quốc tuyên bố toàn bộ 7 cái đảo mà TQ chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa của VN lập tức sẽ trở thành bình địa ngay tức khắc. Lập tức nó sẽ trở về vị trí ban đầu. Nó bị xoá tên trên các bản đồ quân sự, chính trị của TQ. Thay đổi thái độ ngay. TQ thay đổi thái độ ngay.

Cho nên bây giờ đó họ rất ngại là chúng ta ngã về đâu? Họ ngại vô cùng. Đó! Cho nên các đồng chí thấy là trước khi đồng chí tổng bí thư chúng ta sang thăm Hoa Kỳ là đó họ mau chóng mời TBT chúng ta sang thăm TQ. Lúc đầu là nó không mời đâu, nó chưa mời đâu. Nó còn lắng nghe, còn theo dõi, còn đắn đo, còn cân nhắc, còn xem xét.

Báo với các đồng chí đây là tôi nói mở rộng thêm các đồng chí nghe, các đồng chí phải hiểu thật sâu cái nguyên nhân bên ngoài bên trong thì mới thấy được tình hình đất nước thì mới giải quyết các vấn đề chính trị xã hội, kể cả là an ninh tôn giáo bây giờ. Báo với các đồng chí là nước Mỹ đó, tức là TQ họ không dự đoán hết được là bởi vì trong lịch sử chưa bao giờ nước Mỹ đó là mời một nguyên thủ cộng sản nào sang thăm Mỹ. Lịch sử nước Mỹ chưa từng có. Kể từ khi có CNXH đến bây giờ, Liên Sô hùng mạnh như vậy, TQ hùng mạnh như vậy nó cũng không mời ai. Cho nên TQ nó rất ngại, ổng mới chuyển sang một cái xu hướng nhất thể vì ông muốn chơi với Mỹ mà. TQ, tôi không có thời gian nói sâu các đồng chí, nếu mà có chuyên đề một chút tôi sẽ nói thật sâu các đồng chí nghe cái chuyện TQ họ đi đêm với Mỹ như thế nào. TQ rất cần Mỹ.

Mà tôi nói thật các đồng chí là cái cải cách đổi mới của TQ thành công như hôm nay có một phần TQ dựa vào Mỹ. Dựa rất quan trọng bởi vì công nghệ ở đâu, tiền ở đâu, thị trường ở đâu nếu mà không có Mỹ hà hơi tiếp sức. Chuyện đánh VN là nằm trong cái chiêu kế mà Đặng Tiểu Bình thời bấy giờ nó chọn để nó có được Mỹ.

Nói như vậy để cho các đồng chí thấy… thế thì nó biết như thế, nó biết rằng là trong lịch sử nước Mỹ chưa bao giờ và không bao giờ mời TBT, mà có mời thì sang cũng không thể đón tiếp theo nghi thức quy định của nhà nước Mỹ. Nhưng mà bây giờ thì thưa các đồng chí, tình báo nó đan xen vào nhau nó biết thôi. Các đồng chí hình dung là lần đầu tiên trong lịch sử của loài người, của CNXH, từ khi có nước Mỹ, mời đồng chí TBT của chúng ta sang, không phải với tư cách là một nguyên thủ Quốc gia, là lãnh tụ của đảng, nhưng mà nước Mỹ chấp nhận đón đồng chí TBT theo đúng nghi thức của một nguyên thủ Quốc gia cấp cao. Đấy là cái tiêu chí thứ nhất. Tiêu chí thứ 2 thưa các đồng chí, đồng ý tiếp rồi, nhưng mà câu chuyện là tiếp ở đâu, tiếp ở chỗ nào.

Tôi nói câu chuyện Mỹ để tôi muốn minh chứng với các đồng chí là những điểm nóng trong nước của chúng ta nó có những nguyên nhân từ bên ngoài, và tôi thông qua việc này, bằng thực tiễn tôi mới phân tích để các đồng chí thấy là đảng ta giải quyết điểm nóng trong nước bằng cái việc là ứng xử bên ngoài như thế nào để các đồng chí thấy cách thức của chúng ta, phương thức của chúng ta, đảng ta ứng xử, giải quyết rất tuyệt vời.

Tôi xin trình bày tiếp với các đồng chí là, khi mà Mỹ thỏa thuận mời đồng chí TBT của chúng sang, thì việc đầu tiên chúng ta phải khẳng định đây là việc làm có ý nghĩa lịch sử mà như đồng chí TBT kết luận. Mỹ chưa mời ai bao giờ trong toàn bộ lịch sử của nước Mỹ. Và sau khi được Mỹ mời, với một nghi thức tiếp như là tiếp một Nguyên thủ cấp Quốc gia, nghi thức cao nhất thì câu chuyện là bây giờ tiếp ở đâu.

Lúc đầu thì họ nói với chúng ta là họ sẽ tiếp ở một chỗ khác, không phải là Nhà Trắng, nhưng Bộ ngoại giao chúng ta đặt ra là không, đã tiếp với nghi thức cao nhất là phải tiếp ở Nhà Trắng chứ không tiếp ở đâu hết. Mà các đồng chí biết là Nhà Trắng là gì, là cái nơi mà nước Mỹ chỉ dành để tổ chức những sự kiện lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ thôi. Và như vậy, tiếp đồng chí TBT của chúng ta tại Tòa Bạch Ốc tức là tiếp ở một nơi diễn ra những sự kiện quan trọng bậc nhất của nước Mỹ.

Sau khi đồng ý tiếp đồng chí TBT ở Tòa Bạch Ốc rồi, thì câu chuyện phía tiếp theo là, vậy thì tiếp xong thì ra thông cáo chung hay là ra tuyên bố chung. Phía Mỹ, nó hạ một cấp, chỉ ra thông cáo chung chứ không ra tuyên bố chung giữa 2 nước. Thế thì ta kiêm quyết không đồng ý, nếu mà chúng tôi đến bàn luận với nước Mỹ những vấn đề căn cơ, cả quốc tế, cả những vấn đề quan điểm của Việt Nam và Mỹ về vấn đề quốc tế lẫn quan điểm của Việt Nam và Mỹ về quan hệ song phương là phải ra tuyên bố chung. Tôi bí mật nói với các đồng chí là trong chuyến đi của TT Obama, các đồng chí thấy được là người ta nói đến một bông hoa đồng đằng sau TT Mỹ với tư cách là một cố vấn an ninh quốc gia cho TT Mỹ là người gốc Việt Nam. Anh em mình mới nói chuyện là, con mẹ này nó được giao chuẩn bị tuyên bố chung giữa ta và Hoa Kỳ. Trong quá trình chuẩn bị thì thưa các đồng chí là, anh em mình tìm cách tiếp cận để cố gắng khai thác yếu tố Việt Nam, để cho những ngôn ngữ khái niệm trong bản tuyên bố chung này làm sao nó mềm mại duyên dáng có lợi cho chúng ta nhất. Thì các đồng chí thấy là, cả trong quá trình mình chuẩn bị đấy, cô ta làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam, không hề nói một câu tiếng Việt nào, nói tiếng anh không à. Nhưng mà sau khi chuẩn bị xong, đôi bên ký tác rồi, ký tắc tức là về nguyên tắc xong rồi, ra 2 ông kia ký là chính thức thôi chứ công tác chuẩn bị từ bên trong, thì cô ta mới nói một câu tiếng Việt, nói rành rọt như Việt Nam, là bởi vì người Việt Nam mà, nói rất chuẩn tiếng Nam Bộ của chúng mình. Nói với anh em mình rằng: “Tôi chỉ có một nghĩa vụ duy nhất là phục vụ vô điều kiện lợi ích của nước Mỹ”. Nói bằng tiếng Việt, đau như thế chứ. Một khi mà người ta đã từ bỏ, người ta đã phản bội rồi, thì câu chuyện ở phía đằng sau là cực kỳ nguy hại. Thế mà thưa các đồng chí là, trong tuyên bố chung ấy có rất nhiều điểm mà sau này nếu có thời gian tôi phân tích cho các đồng chí nghe, nhưng mà phải nói rằng rất có lợi cho chúng ta.

Bây giờ báo cáo các đồng chí là, trong 5 nước thường trực hội đồng bảo an LHQ thì ta đã bình thường hoá quan hệ và đã ngồi ở mâm trên rồi. Hồi xưa họ ngồi trên ta ngồi dưới các đồng chí ạ. Bây giờ mình ăn cùng mâm, ngồi cùng bàn với các thành viên thường trực hội đồng bảo an LHQ, ngồi mâm trên mâm cao, mà cũng phải nói thật là thời của các cụ thì không có bao giờ có thể mơ ước có được chuyện này, nhưng mà chúng ta thế hệ đi sau, con cháu làm được cái việc rất vĩ đại như vậy.

Sau khi mà thỏa thuận, đồng ý là tuyên bố chung thì vấn đề phía sau là chiêu đãi đoàn ta ở đâu, thì thưa các đồng chí là ta cũng phải ra tối hậu thư với Hoa Kỳ là phải chiêu đãi ta ở nơi tập thể nhất của nước Mỹ đã từng chiêu đãi các nguyên thủ, các quốc gia khác ta mới chịu. Sau 4 cái tiêu chí mà ta ra điều kiện, chính Hoa Kỳ đã đồng ý chấp thuận với ta rồi, thì có một đề nghị thứ 5 là TT Obama của Mỹ phải sang thăm đáp lễ chuyến đi này của TBT ta. Thì báo cáo các đồng chí là, là ông đồng ý, nhưng mà ông lại nêu ra một lịch trình của ông là ông sang G7 ở Nhật trước, rồi xong G7 ông mới đi sang thăm Việt Nam. Ta cũng đặt điều kiện với phía Hoa Kỳ là không, không phải sang thăm Việt Nam trước, rồi từ Việt Nam không mới sang G7 ông đi về, chứ chúng tôi không chấp nhận ông đến G7 trước ông mới sang Việt Nam. Nghĩa là, chuyến sang thăm Việt Nam đáp lễ TBT của chúng ta phải là chuyến thăm chính thức, danh chính ngôn thuận chứ không có kết hợp tay đôi tay ba gì ở đây cả.

Tôi muốn nói với các đồng chí như vậy để thấy được gì, thấy được cái thế của ta bây giờ với Mỹ là một thế hoàn toàn khác. Vì sao mà chúng ta có được một thế khác như vậy đối với Mỹ? Một là: Mỹ vô cùng cần chúng ta; Hai là: Trong các nhân tố mà Mỹ phân tích về Việt Nam, thì Mỹ cũng thấy rất rõ, không có một đảng phái chính trị nào, có thể lãnh đạo quản lý đất nước bằng ĐCSVN. Cho nên hôm qua trong thông cáo về chuyến đi của đồng chí Đinh Thế Huynh, thường trực ban bí thư gặp bộ trưởng bộ ngoại giao Hoa Kỳ đấy, nước Mỹ nói rất rõ là: Quan hệ với ĐCSVN là một kênh quan hệ quan trọng của bộ ngoại giao Mỹ, của nước Mỹ. Câu chuyện nó như vậy thôi. Câu chuyện là người ta biết rất rõ dùng vũ lực để đánh chúng mình là không được, không ổn, không thu phục được chúng mình, dùng bao vây cấm vận cũng không thể mà khống chế đè bẹp chúng mình rồi. Bây giờ Mỹ phải tìm một phương thế khác, cách khác lôi kéo Việt Nam về phía Mỹ, tạo mọi điều kiện để Việt Nam cùng chung đội hình với Mỹ để mà chống lại TQ. Báo cáo với các đồng chí là họ biết rất rõ là chỉ có Việt Nam mới chống lại được TQ thôi, lịch sử 23 cuộc chiến tranh mà dân tộc Việt Nam phải đối đầu, có 21 cuộc chiến tranh chúng ta phải đối đầu với TQ rồi, chưa bao giờ TQ thắng được Việt Nam, kể cả việc TQ có mặt đô hộ trên đất nước này, dân tộc này 1000 năm cũng không thể thắng được.

13/3/2017

CSVN muốn “tiêu diệt mọi dấu tích văn hóa-nghệ thuật của một nửa đất nước trước 1975”

Hạ Trắng (Danlambao) - Sau khi “cởi trói” cho “Ly rượu mừng”, Cục Nghệ thuật Biểu diễn vừa ra quyết định tạm... trói lại năm ca khúc trước 1975 là "Con đường xưa em đi", "Chuyện buồn ngày xuân", "Cánh thiệp đầu xuân", “Rừng xưa”, “Đừng gọi anh bằng chú” để “thẩm định lại dị bản, tên tác giả, ca từ”.

Tuy nhiên, công luận đều cho rằng việc “thẩm định lại dị bản, tên tác giả” chỉ là trò bịa đặt, không có căn cứ mà mục tiêu chính là nhằm bức tử các ca khúc vốn thuộc vào hàng tinh hoa của nền nhạc Miền Nam trước năm 1975. Điều này thể hiện thái độ hằn học, thù ghét, sự ngu dốt và cả mặc cảm của chế độ Cộng sản đối với chế độ VNCH.

Dưới chế độ VNCH, nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng đã đạt đến trình độ đỉnh cao. Các tên tuổi nhạc sĩ, nghệ sĩ và những ca khúc trước 1975 dù bị bách hại, bức tử hay cấm đoán vẫn có sức sống mãnh liệt cho đến ngày hôm nay. Ngược lại, miền Bắc dưới sự cai trị của cộng sản thì các văn nghệ sĩ, từ họa sĩ đến nhà điêu khắc, từ đạo diễn đến nhà biên kịch, từ nhà văn cho đến nhà thơ, nhạc sĩ đến văn công đều phải phục vụ lợi ích cho mưu đồ chính trị. Nhiệm vụ duy nhất của họ là ca ngợi Hồ Chí Minh, ca ngợi đảng cộng sản. Các văn nghệ sĩ cộng sản hầu hết bị biến thành những tên đao phủ và các sáng tác của họ góp phần không nhỏ trong việc đẩy hàng vạn thanh niên ra trận để rồi chết cho cuộc chiến phi nghĩa này.

Do không được tự do sáng tác nên nhiều năm qua, “nền âm nhạc Việt Nam” dưới bảng chỉ đường XHCN, đôi mắt cú vọ của tuyên giáo, công an... đã không có nổi một tác phẩm ra hồn. Điều này đã tạo ra xu hướng “trở về với nhạc miền Nam” mà ngay cả nhà cầm quyền dù ngăn cấm, kiểm duyệt cũng không thể chống lại. Thậm chí, các bài “nhạc xưa” còn được biểu diễn một cách “tự nhiên” trên truyền hình. Trừ các đảng viên cộng sản, những kẻ cuồng cộng và những người không được tiếp cận với nền âm nhạc nào khác ngoài “nhạc đỏ” mới hát và nghe những ca khúc tuyên truyền của đảng. Còn lại, người ta tìm đến nhạc quốc tế hoặc nhạc lính, nhạc vàng và cả những sáng tác “sau 1975” mà tác giả hoặc nội dung có dính dáng đến VNCH.

Cựu TNCT - blogger Huỳnh Anh Tú, chia sẻ với chúng tôi: 

“Các ca khúc miền Nam trước 1975 nói chung và năm ca khúc bị “cấm” lần này nói riêng, đều là những bài hát mang hơi thở của tự do, là nghệ thuật đích thực. Hãy làm một phép thử, nếu như chúng ta loại bỏ hết các ca khúc miền Nam trước 1975 thì gia tài âm nhạc của Việt Nam còn lại gì. Người ta không thể “tỏ tình” với nhau bằng “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Cô gái vót chông”, “Đảng đã cho ta cả mùa xuân” hay những bài nhạc đỏ, nhạc “Cách mạng” theo cách gọi của người cộng sản được. Chả lẽ, với trí tuệ luôn tự nhận là “đỉnh cao” mà suốt hơn 40 năm, người cộng sản không thể hiểu được nội dung một bài hát vẻn vẹn của ít câu ngắn ngủi hay sao mà bây giờ còn cần “thẩm định lại”. Việc cấm đoán này, tôi nghĩ không những không đạt được mục đích mà còn mang lại những tác dụng ngược. Điều gì cấm, càng gây tò mò và hứng thú. Tôi nghĩ, trong thời gian tới "Con đường xưa em đi", "Chuyện buồn ngày xuân", "Cánh thiệp đầu xuân", “Rừng xưa”, “Đừng gọi anh bằng chú” sẽ được hát nhiều hơn như chưa bao giờ bị cấm”.

Cựu TNCT Huỳnh Anh Tú từng có thời gian 14 năm tù đày trong nhà tù cộng sản vì chống lại thể chế độc tài này. Anh cũng chính là người cuối cùng sở hữu “cây đàn tù” và mang nó trở về trong ngày mãn án. Cây đàn guitar đã trải qua gần 40 năm tù đày và làm bạn tâm giao với nhiều thế hệ tù chính trị. Để được làm bạn với cây đàn guitar, những người tù chính trị từng phải trả giá bằng máu, nước mắt, những trận đòn thù của cai tù. Cây đàn guitar cũ kỹ và những ca khúc Miền Nam trước 1975 đã được Huỳnh Anh Tú và các bạn tù chính trị của anh xướng lên trong nhà tù, nơi họ từng bị giam cầm, bất chấp cấm đoán và đánh đập.

Chúng tôi cũng tìm gặp Nhà báo Phạm Đoan Trang, người không chỉ được biết đến bởi những hoạt động nhân quyền mà còn với tư cách của một người yêu nhạc và chơi nhạc. Nhà báo Phạm Đoan Trang cho rằng nhà cầm quyền muốn “tiêu diệt mọi dấu tích của văn hóa- nghệ thuật của một nửa đất nước trước 1975”.

“Có một điểm tôi phải nói rõ là hầu như tất cả các bài hát của thời VNCH đều bị cấm. Ngoài ra, về mặt tuyên truyền còn bị dán vào nhãn “nhạc vàng”, nhạc độc hại. Trong số các bài bị cấm, có rất nhiều bài là những tình khúc nổi tiếng, ví dụ như “Chiều mưa biên giới” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, “Con đường xưa em đi”, “Đêm hỏa châu” của nhạc sĩ Châu Kỳ, “Ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương... Thế thì, việc làm của Cục BDNT lần này chỉ là việc nhắc lại việc bị cấm của “Con đường xưa em đi” mà thôi, chứ không phải bây giờ mới bị cấm.

Tại sao bây giờ nhắc lại lệnh cấm “Con đường xưa em đi”? Tôi nghĩ họ nhằm vào bài “Gánh xiếc to trên quê hương nhỏ” của Nhạc sĩ Tuấn Khanh, thứ hai là họ muốn ngăn chặn ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trước 1975. Quan sát các tụ điểm âm nhạc, kể cả các dịch vụ Karaoke, tôi thấy nhạc vàng chưa bao giờ chết như cộng sản mong muốn. Nhiều khi, nó được thanh niên Việt Nam ưa thích, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Vì thế, tuyên giáo VN thấy cần phải “chấn chỉnh” gấp. Họ muốn tiêu diệt mọi dấu tích của văn hóa- nghệ thuật của một nửa đất nước trước 1975. “Con đường xưa em đi” là một trong 10 ca khúc trước 1975 mà tôi thích nhất.”

Ôi! con đường xưa em đi thì bị cấm. Con đường nay em đi như Mẹ Nấm thì bị vào tù!

Kết thúc bài viết, xin được gửi tặng quý bạn đọc một bài “vè” phỏng theo bài “Con đường xưa em đi” đang được lan truyền trên mạng, như một kiểu giễu cợt và thách thức nhà cầm quyền trong cái lệnh cấm ngớ ngẩn này.

“Con đường xưa em đi
Nhiều năm đã đi rồi
Bỗng chiều nay cấm đi
Biết rằng không cho đi
Khách qua đường vẫn đi
Sợ gì không dám đi?

Những đường không cho đi
Người ta vẫn đi hoài
Cấm, càng thêm khoái đi
Có đường không cho đi
Cấm đi người vẫn đi

Hỏi tại sao vẫn đi!?”.

13.03.2017

Nó rớt rồi sao

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - "Dân chủ không giống như món mì gói cứ đổ nước sôi vào là ăn được ngay." - Ngô Nhân Dụng.

Hồi cuối thập niên 1980, lúc Liên Xô sắp đổ, có một ông chồng kiên nhẫn đứng xếp hàng trước cửa hàng thịt tươi sống quốc doanh từ lúc tờ mờ sáng. Đến quá trưa thì nghe tiếng loa oang oang là hàng hết nhẵn rồi!


Thằng chả nổi điên: “Tôi là công nhân. Tôi là công dân X.H.C.N. Tôi là cựu binh của cuộc Chiến Tranh Vệ Quốc Vỹ Đại mà lại không được mua vài lạng thịt à! Thật là một đất nước khốn nạn!”

Một thằng cha khác, trông như cớm chìm, lừ lừ sáp lại: “Này, đồng chí liệu mà giữ mồm giữ miệng nhá. May là bây giờ chứ mấy năm trước mà phát biểu linh tinh như thế thì ăn đạn đấy. Có xéo ngay đi không thì bảo!” Hắn vừa nói vừa dí hai ngón tay vào thái dương của ông chồng, như thể là đang cầm một khẩu súng ngắn và sẵn sàng để bóp cò vậy.

Về nhà, bà vợ hỏi: 

- Lại hết thịt à? 

- Không chỉ thịt hết mà súng đạn giờ cũng chả còn!

Chuyện “súng đạn” của thành trì phe Xã Hội Chủ Nghĩa, vào lúc suy tàn, khiến tôi liên tưởng đến bản tin (“Cảnh Sát Cơ Động ‘Khoe’ Dàn Xe Hummer Chống Đạn, Xe Bọc Thép Đặc Chủng”) của Báo Dân Trí, hồi cuối năm rồi:

Trong buổi triển khai mô hình tổ chức bộ máy mới sáng nay, 8/9, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CATP Hà Nội) đã diễu binh, diễu hành, phô diễn sức mạnh. Tổ chức bộ máy của Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ – Công an TP Hà Nội) gồm 10 đầu mối trực thuộc, trong đó có 5 Tiểu đoàn CSCĐ (Ban Tham mưu, Ban Chính trị, Ban Hậu cần, Ban Huấn luyện, Đội Nghi Lễ Công an Thủ đô, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm và 4 Tiểu đoàn CSCĐ). Đặc biệt, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm (CSĐN) được tập trung đầu tư trang thiết bị, phương tiện, vũ khí… đủ mạnh để chủ động ngăn chặn, trấn áp các vụ gây rối.

Ảnh & chú thích: news.zing

Tôi in đậm mấy từ (khoe, phô diễn, sức mạnh) trong đoạn văn thượng dẫn với không ít lo âu. Khi một chế độ phải khoe khoang hay phô diễn sức mạnh thì e là “sức khỏe” của nó đã có vấn đề rồi. 

Y như rằng. Ba tuần sau, từ Việt Nam, blogger Phạm Thanh Nghiên có bài tường thuật (“Cởi Áo Tháo Chạy”) với những hình ảnh khiến người xem phải lấy làm ái ngại: 

“Nhiều tên công an, bộ đội đã cởi bỏ sắc phục, rời bỏ hàng ngũ trong hoảng hốt khi những người biểu tình bao vây trụ sở Formosa Hà Tĩnh.

Có thể nói đây là hình ảnh chưa từng có trong lịch sử đàn áp của công an, bộ đội-lực lượng cốt cán và trực tiếp bảo vệ chế độ cộng sản. Cuộc biểu tình của người dân (đa số là giáo dân) trước đại bản doanh của Formosa Hà Tĩnh sáng ngày 2/10/2016 chắc chắn đi vào lịch sử.”


Vài tháng sau lại thêm một sự cố khác nữa, cũng “chắc chắn sẽ đi vào lịch sử” – theo tường trình VOA, nghe được vào ngày đầu năm 2017:

“Vào đêm 2/1, người dân ở một xã của tỉnh Bình Định đã vây đánh 2 nhân viên công an vì nghi họ đã đánh chết một người địa phương...

Tin cho hay khoảng 20-30 người đánh bạc đã ‘bỏ chạy tán loạn’ khi thấy 6 nhân viên công an, nhưng không có thông tin chi tiết về diễn biến cụ thể nào đã làm anh Phạm Đặng Toàn, 29 tuổi, bị thiệt mạng trong vụ này.

Mạng xã hội và báo chí nói người dân đã đưa nạn nhân đến một bệnh viện và bắt giữ hai công an có tên Trần Đức Thuận và Nguyễn Ngọc Khánh vì nghi hai người này đã đánh chết anh Toàn. Có thông tin là nhiều người không kiềm chế tức giận đã đánh và bắt hai nhân viên công an quỳ gối.”

Đã đến nước mà lực lượng công an và cảnh sát phải cởi áo/ tháo giầy bỏ chạy, và bị dân chúng bắt qùi thì dù có năm, hay mười (hoặc hàng trăm) Tiểu Đoàn Cảnh Sát Cơ Động thì cũng thế thôi. Nhà nước hiện hành được xây dựng trên căn bản lừa gạt và tồn tại được nhờ vào bạo lực. Nay thì mọi sự dối trá đều đã bị bóc mẽ, và bạo lực thì bị bắt qùi. Sinh mạng của chế độ (tựa) như chỉ mành treo chuông. 

Rớt là cái chắc! 

Nhưng nó “rớt” rồi sao?

Năm ngoái, tôi cũng đã đặt một câu hỏi tương tự (nó sập rồi sao?) khiến không ít người hơi bị phiền lòng. Tuần rồi đọc lại những trang sách (viết lúc cuối đời) của Bùi Ngọc Tấn, tôi mới chợt nhận ra rằng mình quả vô duyên thiệt, và vô tâm quá:

“Tôi mong đợi từng ngày và mong đợi quá lâu rồi, sự sụp đổ của cái trật tự bóp chết con người, bóp chết tự do, sự dối trá thống trị, cái trật tự làm thành một bầu trời đá xám úp chụp lên đầu..! Cái trật tự xã hội tôi đã sống gần trọn đời và ghê sợ nó.”

Lê Phú Khải gọi “cái trật tự bóp chết con người, bóp chết tự do” này là một con điếm, và cũng than rằng ông đã phải sống với nó “cả đời người.”

Tôi may mắn chỉ phải chung đụng với cái thứ điếm đàng vài ba năm (lẻ) nên không hiểu cái tâm trạng “nóng như hơ” của rất nhiều người khác. Ai cũng chỉ mong nó sụp cho rồi. Đổ (mẹ) nó đi, càng nhanh càng tốt, khỏi phải bàn luận lôi thôi gì ráo! 

Lịch sử tính bằng thế kỷ; đời người tính bằng năm. Kiếp nhân sinh vốn ngắn nên nôn nóng là điều dễ hiểu. Tôi cũng đã bước vào tuổi xế chiều, và cuối đời cũng không có mong ước gì khác hơn là “nó rớt trước mình!”

Tuy thế - đôi lúc - tôi vẫn cứ băn khoăn tự hỏi “nó sụp rồi sao,” hay “nó rớt rồi sao,” hoặc “nó đổ rồi sao”… chỉ vì vài câu nói (nghe) quanh bàn nhậu. Bữa đó, ngồi uống ở Phnom Penh với mấy bạn trẻ Khmer Krom ( quê quán Sóc Trăng và Trà Vinh) vừa chạy sang Cambodia xin tị nạn. Rượu vào lời ra, chúng tôi thi nhau kể chuyện cười chơi:

- Người Miên tụi em chịu chơi lắm. Họ đợi khi nào cơm sôi rồi thì mới chịu mang cần câu ra sông kiếm cá về kho!

- Người Việt còn chịu chơi hơn nhiều. Khỏi thổi cơm và kho cá luôn. Chỉ nấu nước sôi, rồi xé gói mì là kể như xong bữa.

Dù là chuyện bên bàn rượu (nghe qua rồi bỏ) nhưng hổng biết sao, từ đó tôi buồn! Dân Việt bất đồng quan điểm trong mọi vấn đề, và trên từng cây số. Tuy thế, hầu như tất cả mọi người (bất kể tôn giáo, tuổi tác, giới tính, sắc tộc, và thành phần xã hội) đều chuộng món mì ăn liền – trừ có mỗi ông Ngô Nhân Dụng: “Dân chủ không giống như món mì gói cứ đổ nước sôi vào là ăn được ngay.”

Cứ theo ý của của ông nhà báo (khó tính, khó nết) này thì “lỡ” mai, hoặc mốt, đám lãnh đạo Hà Nội chịu đội nón ra đi thì đến ngày kia (hay ngày kìa) nước Việt vẫn chưa có dân chủ đâu. Còn lâu, lâu lắm, bởi người Việt chưa sẵn sàng để sống trong một thể chế tự do! Mà cái gì chớ “chuẩn bị” thì e không hợp với cái tạng của một dân tộc vốn chỉ thích ăn liền. 

Không tin, cứ thử đặt một câu hỏi nhỏ (cỡ con thỏ) xem: “Nếu tuần sau nó đổ thì tuần tới nữa hệ thống giáo dục ở Việt Nam có vẫn còn tiếp tục dùng những cuốn sách giáo khoa hiện nay không?” 

Bộ sách của nhóm Cánh Buồm. Ảnh: huynhngocchenh

Mọi người (trong cũng như ngoài) đều sẽ đỏ mặt lên ngay vì chả ai có thể trả lời được câu hỏi giản dị thượng dẫn, trừ nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm. Ít nhất thì nhóm này cũng không đến nỗi ngượng ngập khi đáp rằng tuy ở vào một hoàn hết sức khó khăn nhưng họ đã “làm việc thiện nguyện để xây dựng bộ sách giáo khoa làm mẫu theo định hướng hiện đại hóa nền Giáo dục Việt Nam.”

Thế còn những nhóm khác? Hàng tỉ bè nhóm, hội hè, đoàn thể, phe đảng (của những kẻ tị nạn chính trị, sống an ổn bên ngoài đất nước) thì làm gì – hơn bốn mươi năm qua – để chuẩn bị cho một Việt Nam mai hậu? 

13/3/2017