Tuesday, December 12, 2017

VN Index có bắt đầu lao dốc?

Theo VOA-Phạm Đỗ Chí-13/12/2017 
Hình minh họa.
Hình minh họa.
Sau cơn hồ hởi của kỳ họp APEC ở Đà Nẵng vào tháng 11/2017, VN Index hy vọng tìm đường đi đến mốc tâm lý quan trọng 1,000. Nhưng sau khi đạt mức 970 ngày 04/12/17, trong ba ngày qua liên tiếp, chỉ số này đã mất 32 điểm hay 3,3%. Ngoài Hà nội, chỉ số chứng khoán cũng mất 2,3% riêng ngày 05/12 và chỉ tăng nhẹ trong hai ngày hôm sau. Đây là lúc cơn sốt chứng khoán tạm ngừng hay dấu hiệu của một cơn lao dốc sắp bắt đầu?
VN Index đang được dân đầu tư và đầu cơ mong tái lập kỷ lục cũ 1.100 của năm 2007 cũng sau kỳ họp APEC ở Hà nội vào tháng 11/2006. Dạo đó, thay vì tìm đến đỉnh trời bao la không giới hạn như giới chứng khoán mong mỏi, chỉ số này đã lao xuống nhiều vực thẳm tới mức 250 trước khi tạm dừng và loay hoay ở mức 300-400 trong nhiều năm. Trong cả hai thời kỳ đó, thị trường chứng khoán (TTCK) có phản ánh tình trạng thực của nền kinh tế không và ra sao?
Mười một năm trước, TTCK còn phản ánh các yếu tố căn bản của nền kinh tế nhiều triển vọng hơn về “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” được tung hô, và nền tài chính ngân hàng tương đối ổn định chưa bị phá nát về nợ nần của các xí nghiệp quốc doanh lớn kiểu Vinashin hay Vinalines...Đầu cơ BĐS đang sôi sục nhưng nợ xấu ngân hàng còn chịu đựng được. Ngân sách quốc gia thời cựu TT Phan Văn Khải còn có kỷ luật tương đối của một nhà điều hành kỹ trị thận trọng”.
Trong mười năm sau (2007-2016), nền tài chính đất nước bị tàn phá bởi nhóm lợi ích thân cận ("cronies") đã thu vén không nương tay, đưa đến tài nguyên quốc gia cạn kiệt, ngân sách ở thế vỡ trận và nợ công ở mức 210% GDP thực sự (thay vì 63,7% như công bố chính thức, vì không kể đến món nợ lớn của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà chính phủ thực sự phải gánh trả), nợ xấu ngân hàng trên 15% tổng dư nợ nhưng vẫn được gói gọn dưới mức chính thức công bố là 3%. Các DNNN vẫn không lối thoát vì thiếu quyết tâm giải quyết thực sự. Nhiều chính sách trong thời kỳ này còn đi ngược lại chương trình Đổi Mới tương đối thành công của 2 thập niên trước!

Kinh tế đang về đâu?

Kinh tế Việt Nam bây giờ, không ai còn nhắc nhở đến khẩu hiệu “công nghiệp hoá, hiện đại hoá”quen thuộc của 10 năm trước. Thay vào đó, với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ào ạt và nóng hổi, nhưng không có định hướng chính sách quốc gia, nền kinh tế hướng đến mô hình kinh tế dịch vụ theo mẫu của Philippines! Sẽ khai thác du lịch thành công, các khu resorts khách sạn nhà hàng giải trí phát triển liên tục để phục vụ khu dịch vụ đó và khu FDI, nhất là khách hàng Trung quốc, Hàn quốc và Nhật bản. Canada. Sẽ có thêm nhiều lao động rẻ gồm trí thức và chuyên gia, mà đa số bị thất nghiệp trong nước vì kinh tế đang thật sự bế tắc, ra nước ngoài kiếm sống và gửi tiền về hỗ trợ gia đình. Số nhỏ trí thức có vốn kỹ thuật cao sẽ tìm được bến đỗ ở các nước tiên tiến mà thiên đường là Mỹ.
Còn lại nền kinh tế nội địa phục vụ giới đầu tư ngoại và giới trung lưu trong nước đang giàu có lên sẽ phát triển mạnh trong vài năm tới.
Giải quyết thâm hụt ngân sách? Hy vọng giá dầu quốc tế sẽ tăng lên trên 60$/thùng để khai thác thêm tài nguyên dự trữ, nhưng giải pháp chính là bán các công ty nóng như Vinamilk, Sabeco, Vinaconex...Điều kiện là phải hâm nóng TTCK và bất động sản để tăng thu cho ngân sách trong kế hoạch này. Và bước đầu đã thành công, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã biết châm tín dụng ào ạt cho hệ thống ngân hàng vào hai khu vực này từ quý 3 năm nay, nhằm mục đích tăng mức tín dụng lên 20-22%, để đẩy tốc tăng trưởng GDP lên 6,7% cho cả năm 2017 như mục tiêu chính thức.

Sốt chứng khoán

Bước thứ hai thành công đáng kể và nhờ hình ảnh hấp dẫn của kỳ họp APEC như năm xưa, đầu cơ đã đưa VN Index lên nhanh chóng vượt mức 800 rồi 900 trong thời gian kỷ lục một tháng, như dạo tháng 11/2006 đến tháng 1/2007 đã vượt mức 1.100 trong hồ hởi của thị trường. Ai nói ngược lại là “thằng điên” như người viết này đã chịu đựng sự châm biếm trêu chọc trong nhiều tháng lúc đó, khi còn là "phân tích gia chiến lược” của một quỹ đầu tư hàng đầu! Dù kết quả là quỹ này đã xuống vài trăm triệu đô trong năm 2007!
Lịch sử có tái diễn? Tất nhiên, nhưng trong khung cảnh nền kinh tế vĩ mô tệ hại hơn nhiều trong dài hạn, dù trong ngắn hạn đang có vẻ hấp dẫn. Thêm vào đó tuy chứng khoán Việt Nam đang dẫn đầu so với các nước ASEAN, và lên vù vù vượt mặt cả chỉ số Dow Jones ở Hoa kỳ (lên 35% từ ngày 08/11/16 lúc ông Trump đắc cử TT đến hôm 04/12/17), nhưng tỷ số quan trọng của thị trường Việt Nam là P/E hiện nay ở mức 17-18 cũng không còn rẻ nữa!

Sẽ lao dốc? Và làm gì?

Con đường cho VN Index leo đến 1.000 có lẽ còn hé mở trước khi lao xuống. Một thân hữu theo sát tình hình kinh tế và thị trường nhận xét rằng đầu cơ chứng khoán sẽ vẫn còn tiếp: "nếu NHNN không thay đổi chính sách cho vay thì chẳng ai dừng lại đâu!". Ông Các Mác có câu nói rất hay và hoàn toàn đúng cho máu chuộng bài bạc và đầu cơ ở xứ mình: nhà đầu tư nếu lãi 300% thì chết cũng vẫn làm. Câu này cũng đúng lắm cho toàn nền kinh tế hiện nay. Vì lợi nhuận, người ta chẳng sợ gì hết và không phải chỉ giới hạn ở nhà đầu tư như Mác nhận xét mà là toàn xã hội. Vụ đặc khu kinh tế và hiện tượng BOT (Build-Operate-Transfer) đang được bàn sôi nổi là các thí dụ khác.
Nhưng nếu VN Index thật sự lần này đang lao xuống, sẽ dừng ở mức nào và bao lâu nữa? Câu hỏi khó nhất cho cả các dân chơi và nhà phân tích. Có lẽ may mắn chỉ số có thể tạm dừng ở mức 600, nhờ đầu cơ mới bùng nổ trong nửa năm sau và ngân sách còn cần nguồn thu mới từ bán tài sản hiện có. Bao giờ tới mức đó? Câu trả lời tùy theo sự sáng suốt tỉnh ngộ kịp thời của giới hữu trách, nhất là NHNN, nếu muốn có hạ cánh an toàn cho thị trường lần này để tránh thảm kịch xảy ra cho toàn nền kinh tế kéo dài từ 2007 đến 2010, khi cả bất động sản và chứng khoán cùng "sập tiệm", và đe dọa đổ vỡ của hệ thống ngân hàng!
Các quỹ đầu tư chứng khoán, nhất là của nước ngoài, đã tạo thành tích lợi nhuận cao trong 6 tháng qua và có thể chịu đựng các mất mát trên giấy tờ của "portfolios" cho 6 tháng tới. Nhưng riêng cho các dân chơi đầu cơ cá nhân, có biết tỉnh ngộ sớm hay không để giữ tiền ăn Tết? Ai khôn thì tỉnh sớm cho vợ con hay chồng con nhờ? Phải biết nhớ lại lịch sử, mới 10 năm trước thôi!

Nên hiểu ‘Mật ước Thành Đô’ như thế nào?

 Lê Anh Hùng Theo VOA-13/12/2017 
Hội nghị Thành Đô đã diễn ra trong bí mật.
Hội nghị Thành Đô là một chủ đề gây rất nhiều tranh cãi ở Việt Nam cũng như trong các cộng đồng người Việt hải ngoại suốt nhiều năm qua.
Chỉ 4 ngày sau khi được Đại sứ Trung Quốc thông báo, ba nhà lãnh đạo Việt Nam là TBT Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng đã có mặt tại Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) vào đúng ngày Quốc khánh lần thứ 45, trong khi Đặng Tiểu Bình thậm chí không thèm xuất hiện như lời hứa hẹn lấp lửng ban đầu.
Bối cảnh
Cuối thập niên 1980, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bắt đầu chao đảo trước khi sụp đổ hàng loạt.
Về phần mình, mặc dù đã thực hiện cải cách kinh tế từ sau Đại hội VI nhưng Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng về chính trị - kinh tế - xã hội vốn bắt đầu ngay từ năm 1975.
Lo sợ cho số phận của mình và tự huyễn hoặc “dù bành trướng thế nào thì Trung Quốc vẫn là một nước XHCN”, một số nhân vật chủ chốt trong ban lãnh đạo CSVN, đứng đầu là TBT Nguyễn Văn Linh, đã quay sang ôm chân các ông chủ Trung Nam Hải, bất chấp thực tế là trước đó Bắc Kinh đã đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa năm 1974, phát động cuộc chiến tranh biên giới từ 1979 - 1989, thảm sát 64 quân nhân Việt Nam rồi chiếm đảo Gạc Ma năm 1988.
Mật ước Thành Đô?
Từ nhiều năm trước, trong dư luận đã lan truyền thông tin rằng kết quả Hội nghị Thành Đô là một bản mật ước, theo đó lãnh đạo CSVN đề nghị và lãnh đạo Trung Quốc đồng ý để Việt Nam trở thành một khu vực tự trị của Trung Quốc.
Đến tháng 5/2014, một số trang mạng thậm chí còn đăng tải nội dung của bản “mật ước” (được cho là do Hoàn Cầu Thời Báo và Tân Hoa Xã công bố): “…Và Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây….
Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc.…”
Đâu là sự thật?
Trong cuốn hồi ký “Hồi ức và Suy nghĩ” của mình, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ đã tiết lộ: “Sau 2 ngày nói chuyện (3 - 4/9/1990), kết quả được ghi lại trong một văn bản gọi là ‘Biên bản tóm tắt’ gồm 8 điểm. Khi nghiên cứu biên bản 8 điểm đó, chúng tôi nhận thấy có tới 7 điểm nói về vấn đề Campuchia, chỉ có 1 điểm nói về cải thiện quan hệ giữa hai nước mà thực chất chỉ là nhắc lại lập trường cũ của Trung Quốc gắn việc giải quyết vấn đề Campuchia với bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.”
Nghĩa là, Hội nghị Thành Đô kết thúc song việc bình thường hoá quan hệ hai nước, điều mà ban lãnh đạo Việt Nam nóng lòng mong đợi, vẫn chưa chốt lại được. Vì thế, giả thuyết về bản “mật ước” kia rõ ràng là thiếu cơ sở.
Thậm chí ngay cả “Biên bản tóm tắt” 8 điểm nói trên cũng không được phía Việt Nam thực hiện đầy đủ. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phản đối của Bộ Ngoại giao dưới quyền Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, với sự đồng tình của một vài uỷ viên Bộ Chính trị khác, như Thứ trưởng Trần Quang Cơ đã thuật lại trong hồi ký. (Trong cuộc họp kiểm điểm về Hội nghị Thành Đô, Phó Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: “…Mình bị nó lừa nhiều cái quá. Tôi nghĩ Trung Quốc chuyên là cạm bẫy.”)
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1974-1987) cho biết là mặc dù cùng 19 cựu sỹ quan cao cấp khác ký tên vào bản kiến nghị yêu cầu minh bạch hóa Hội nghị Thành Đô song ông cũng không tin vào thông tin phía Trung Quốc đưa ra.
Đại tá Nguyễn Văn Tuyến (cán bộ tiền khởi nghĩa và là thành viên sáng lập CLB chống tham nhũng, tiêu cực của các vị lão thành cách mạng ở Hà Nội) cho chúng tôi biết là trong một cuộc gặp với Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, khi ông đề cập đến “Mật ước Thành Đô”, ông Huynh khẳng định đích thân ông ta đã vào kho lưu trữ của đảng để tìm nhưng không hề thấy bản “mật ước” đó. (Lãnh đạo cộng sản nói thì không hẳn là đáng tin, song điều đó không có nghĩa là họ chưa bao giờ nói thật. Và sự khẳng định của nhân vật số 5 trong ban lãnh đạo Việt Nam phù hợp với logic ở trên, cũng như với một tài liệu được cho là của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2014 nhằm giải thích về Hội nghị Thành Đô.)
Toan tính gì?
“Người Trung Quốc làm gì cũng có tính toán.” Thông tin về “Mật ước Thành Đô” được Bắc Kinh tung ra ngay giữa lúc họ đưa giàn khoan HD981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 2/5 đến 15/7/2014. Rõ ràng, họ muốn qua đó để biện hộ cho hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam, gây chia rẽ trong ban lãnh đạo CSVN, khiến người Việt trong và ngoài nước bị phân hoá, và cuối cùng là làm suy yếu nỗ lực của Hà Nội trong việc chống lại hành vi ngang ngược đó.
Mặc dù nội dung cụ thể của “Mật ước Thành Đô” được Bắc Kinh “tiết lộ” vào thời điểm họ đưa giàn khoan HD981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhằm mục đích như chúng tôi đã đã chỉ ra, song thông tin về sự tồn tại của nó thì đã xuất hiện từ lâu. Vậy động cơ của họ là gì?
Quả thực, không khó để nhận ra toan tính của Bắc Kinh khi cho lan truyền thông tin về “Mật ước Thành Đô”. Đây thực sự là một mũi tên trúng nhiều đích theo đúng bản chất “thâm như Tàu” của họ: (i) khiến những người Việt tâm huyết với công cuộc chống bành trướng Trung Quốc nản lòng (do nghĩ rằng mọi nỗ lực đều vô ích bởi cái văn kiện bán nước kia); (ii) làm phân tâm những người chống hiểm hoạ Trung Quốc tại Việt Nam (thay vì lẽ ra cần tập trung vào việc vạch trần và ngăn chặn bàn tay tội ác của “nhóm lợi ích Tàu”trong bộ máy hiện hành thì họ lại phung phí thời gian và công sức vào việc tranh cãi hoặc lên án và đòi bạch hoá một chuyện không có thật trong quá khứ); và (iii) khiến cho người dân bình thường không tin tưởng vào truyền thông phi chính thống (khi thấy trên mạng toàn loan truyền những thông tin nhảm nhí).
Không chỉ nặn ra cái gọi là “Mật ước Thành Đô”, Bắc Kinh thậm chí còn dựng lên cả một câu chuyện kỳ bí qua tác phẩm “Hồ Chí Minh sinh bình khảo” của Hồ Tuấn Hùng. Theo đó, Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Sinh Cung (nguyên quán Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An), mà là Hồ Tập Chương, người Đài Loan. (Ngoài những mục đích nêu trên, điều này còn giúp dọn đường dư luận để “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải ngày càng “chui sâu, leo cao” và cuối cùng là thâu tóm chiếc ghế Tổng Bí thư.)
Không còn nghi ngờ gì, “Mật ước Thành Đô” là một câu chuyện bịa đặt nhằm phục vụ mưu đồ đen tối của Trung Nam Hải. Việc nhà cầm quyền CSVN không công khai Thoả thuận Thành Đô là vì đó không chỉ là một thất bại nhục nhã trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, mà còn là bằng chứng không thể chối cãi về hành vi “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về dày mả tổ” của họ. Chỉ chừng ấy thôi họ đã bị lịch sử và nhân dân đời đời lên án, chứ đừng nói đến chuyện mưu toan biến Việt Nam thành một bộ phận của “đại gia đình các dân tộc Trung Quốc”.
Ngoài ra, ngay cả khi “Mật ước Thành Đô” là sự thật đi nữa thì nó cũng không có giá trị pháp lý, bởi nó không tuân theo những trình tự pháp lý thông thường của một hiệp ước giữa hai quốc gia. Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười hoàn toàn không đủ chính danh để đóng dấu hiệu lực vào một hiệp ước vô cùng hệ trọng như thế. Trong khi đó, những người ký kết “mật ước” đó hoặc đã chết, hoặc gần như không còn ảnh hưởng trên chính trường, nên nó lại càng vô giá trị.
Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã chỉ ra rằng, nếu các bản tuyên bố chung Việt - Trung xưa nay luôn được Hà Nội thực hiện đúng thì Việt Nam đã trở thành “một bộ phận không thể tranh cãi của Trung Quốc” từ lâu, chứ chẳng cần phải đợi đến khi “Mật ước Thành Đô” được thi hành. Điều này không xẩy ra bởi thực tế là trong ban lãnh đạo Việt Nam luôn tồn tại những thành phần ý thức được hiểm hoạ phương bắc mà Bắc Kinh chưa thao túng được (chẳng hạn như Nguyễn Cơ Thạch và Võ Văn Kiệt trong “Hồi ức và Suy nghĩ”), bên cạnh áp lực từ một công chúng vốn ngày càng bộc trực và “dị ứng” với những gì liên quan đến Trung Quốc.
Bất luận thế nào, việc đất nước chúng ta ngày càng bị các gọng kìm của Đại Hán siết chặt như hiện nay không phải là vì “Mật ước Thành Đô” kia, mà chính là vì 90 triệu người Việt, đặc biệt là những tinh hoa của giống nòi, đã làm chưa đủ để bảo vệ giang sơn gấm vóc mà tổ tông đã đổ bao máu xương để dựng xây, gìn giữ.

Công an và quân đội có quá nhiều tướng

 Theo VOA-Trân Văn-13/12/2017 
Hình minh họa.
 Hình minh họa
Cuộc trò chuyện giữa ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam với cử tri của ông tại Đà Nẵng hồi đầu tháng này có một chi tiết rất đáng chú ý: Ở kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng trước, các đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 đã thông qua hai đạo luật để cải sửa Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân và Luật Công an nhân dân hiện hành.
Hai đạo luật vừa kể vốn mới được cải sửa hồi tháng 11 năm 2014, giờ, sau ba năm phải tiếp tục cải sửa vì cả Quân đội nhân dân lẫn Công an nhân dân có… nhiều tướng quá!
Theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân và Luật Công an nhân dân mà các đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13 vừa thông qua và sẽ có hiệu lực ngay lập tức khi Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định công bố, số lượng tướng của quân đội không được vượt quá 415 và số lượng tướng của công an không được vượt quá 205.
Lương căn bản (chưa kể phụ cấp chức vụ và chi phí lấy từ ngân sách để thực hiện các hình thức đãi ngộ khác) cho một thiếu tướng là 11.180.000 đồng/tháng
Chưa biết lúc nào Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định công bố Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân và Luật Công an nhân dân mới được cải sửa nhưng chắc chắn là vào lúc đó, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân dư ra 74… viên tướng!
Theo tường thuật của báo điện tử Infonet thì dù Quốc hội khóa 14 đã khống chế số lượng tướng quân đội và tướng công an nhưng cử tri Đà Nẵng chưa hài lòng khi vẫn còn phải nuôi tới 620 ông tướng chính thức, 74 ông tướng “ngồi chơi xơi nước” chờ ngày nghỉ hưu và vô số ông “tướng chìm” (mang cấp bậc đại tá nhưng hưởng lương tướng).
Ông Sơn, vốn cũng là tướng (Thượng tướng, cựu Tư lệnh Quân khu 5) phân trần, dẫu chuyện phong tướng trong thời gian vừa qua rõ ràng là hết sức tùy tiện nhưng chấn chỉnh thì lại là “vấn đề hết sức nhạy cảm, tế nhị” và “rất khó, không đơn giản”. Nhân vật từng mang ba ngôi sao trên cầu vai thú thật là việc kiểm soát số lượng tướng quân đội và tướng công an đã được giới lãnh đạo Việt Nam nâng lên, đặt xuống nhiều lần nhưng không thể đưa ra quyết định tối hậu bởi sẽ làm các sĩ quan quân đội và công an “tâm tư”. Trước, rất dễ dàng nên giờ, “giảm xuống ‘họ’ không chịu”!
Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam bảo rằng, nội dung ban đầu của hai dự luật nhằm cải sửa Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân và Luật Công an nhân dân hiện hành có nhiều điểm khác biệt so với nội dung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân và Luật Công an nhân dân mà Quốc hội Việt Nam mới thông qua hồi tháng trước. Tuy ông Sơn và nhiều người “chưa thật ưng lắm” với nội dung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân và Luật Công an nhân dân mà Quốc hội Việt Nam mới thông qua hồi tháng trước nhưng dù sao đó cũng là “cố gắng lớn”. Cho dù cử tri hết sức bất bình khi phải nuôi quá nhiều tướng và ông Sơn thừa nhận, sự bất bình đó là “đúng” song theo tiết lộ của ông Sơn thì chỉ có khoảng 70% đại biểu Quốc hội tán thành việc hạn chế phong tướng! 30% còn lại (trong đó có khoảng 10% đại diện cho quân đội và công an trong Quốc hội) bỏ phiếu chống hoặc không biểu quyết!

***

Vào thời điểm này, lương căn bản (chưa kể phụ cấp chức vụ và chi phí lấy từ ngân sách để thực hiện các hình thức đãi ngộ khác) trả cho một thiếu tướng là 11.180.000 đồng/tháng. Tương tự, lương căn bản (chưa kể phụ cấp chức vụ và chi phí lấy từ ngân sách để thực hiện các hình thức đãi ngộ khác) của một thiếu tá là 8.840.000 đồng/tháng.
Không thể tính chính xác lương hưu/tháng của các sĩ quan trong lực lượng vũ trang (bao gồm cả quân đội lẫn công an) vì lương hưu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhưng nhìn chung, lương hưu của các sĩ quan trong lực lượng vũ trang (bao gồm cả quân đội lẫn công an) không có khác biệt đáng kể so với lương căn bản.
Sau khi dư luận dậy lên thành bão trước trường hợp một nữ giáo viên ở Hà Tĩnh chỉ nhận được khoản lương hưu là 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm “gõ đầu trẻ”, đầu tháng trước, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam bảo rằng, tính toán của họ không sai và họ không thể làm gì khác. Tuy lương hưu của rất nhiều người dân bình thường cực kỳ thấp nhưng trong vài năm gần đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên tục cảnh báo, quỹ dành cho lương hưu của Việt Nam có thể sẽ “vỡ” vào năm 2024 vì thu thì ít mà chi thì nhiều. Sống ung dung với lương hưu giờ chỉ còn nhóm lương hưu rất cao, bao gồm những nhân viên cao cấp cấp của các doanh nghiệp ngoại quốc (do lương cao nên từng phải đóng góp rất nhiều cho bảo hiểm xã hội trong một thời gian dài) và các sĩ quan trong lực lượng vũ trang (lương hưu luôn luôn cao hơn mức lương hưu bình thường từ… hai đến năm lần)
Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam đều “từ nhân dân mà ra” nhưng từ lâu quân đội đã thôi thề “trung với nước” để “trung với Đảng”, công an cũng đã thôi hứa “vì nhân dân phục vụ” để tụng niệm “còn Đảng, còn mình”. Hồi tháng 12 năm 2012, Đại tá Trần Đăng Thanh, Phó Giáo sư – Tiến sĩ làm việc tại Học viện Chính trị thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam đột nhiên nổi như cồn vì huỵch toẹt: Phải làm cho bằng được việc bảo vệ tổ quốc Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa vì đó là bảo vệ sổ hưu cho những người đang hưởng chế độ hưu và bảo vệ sổ hưu cho những người tương lai sẽ hưởng sổ hưu.
Giới lãnh đạo Việt Nam có lý do để rộng tay phong tướng và lưỡng lự, thậm chí thỏa hiệp trong việc kiểm soát số lượng tướng quân đội và tướng công an. Còn công chúng có mở rộng lòng mình để chấp nhận và khoác lên vai cái gánh càng ngày càng nặng này hay không lại là chuyện khác. Chuyện đó Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ không màng.

Đòi ‘tam quyền phân lập’, ‘xã hội dân sự’, bị khai trừ đảng

Theo VOA-13/12/2017 
Ông Trần Quốc Vượng thứ 5 từ trái sang.
Ngô Đồng Ông Trần Quốc Vượng thứ 5 từ trái sang. 
“Đảng viên sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ nếu đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng"; bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.”
Báo điện tử Viêtnamnet của Bộ Thông Tin và Truyền Thông tại Hà Nội hôm Thứ Tư 6/12/2017 thuật nội dung lời cảnh cáo tới tất cả đảng viên đảng CSVN qua một chỉ thị từ ông Trần Quốc Vượng.
Theo nguồn tin vừa kể, ông Trần Quốc Vượng, ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung Ương đảng CSVN vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành quy định về “xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”.
Quy định này mang số 102-QĐ/TW được ông Trần Quốc Vượng ký từ ngày 15 tháng 11 năm 2017 nhưng không thấy được quảng cáo rộng rãi, mãi ba tuần sau mới thấy Vietnamnet đề cập.
Trong đó, 5 chương với 37 điều nêu các loại tội trạng và các hình thức từ khiển trách, cảnh cáo, cách chức đến khai trừ đảng. Trong trường hợp các vi phạm “đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ".
Tại điều 7 của quy định trừng phạt đảng viên , khi bị coi là vi phạm nhẹ thôi thì chỉ bị “khiến trách” nếu “Bị người khác xúi giục, lôi kéo, mua chuộc mà có hành vi nói, viết, lưu trữ, tán phát, xuất bản, cung cấp thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước.”
Hoặc là “Phụ họa, a dua theo những quan điểm trái với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thiếu trách nhiệm trong đấu tranh chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, chống diễn biến hòa bình.”
Nhưng nếu “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
a. Cố ý nói, viết có nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật, phủ nhận vai trò lãnh đạo và thành quả cách mạng của Đảng và dân tộc.
b. Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng".
c. Cố ý đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; truyền thống của dân tộc, của Đảng và Nhà nước.
d. Lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo hoạt động gây nguy hại đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
đ. Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.
e. Hoạt động trong các đảng phái, tổ chức chính trị phản động.
g. Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.
Vào ngày ông Trần Quốc Vượng ký văn bản “Quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm' ở Hà Nội thì ông tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tới họp với các đảng viên chủ chốt của đảng bộ tỉnh Hải Phòng. Ông nhắc nhở các ông cầm đầu tỉnh này phải “ngăn chặn tình trạng chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị” tại địa phương.
Đảng viên đảng CSVN cũng đều có điện thoại thông minh, có máy điện toán tại nhà và truy cập internet toàn cầu. Họ có thể biết được mọi thứ thông tin “ngoài luồng” từ các tổ chức, cá nhân không trong hệ thống đảng và nhà nước.
Sự dao động tinh thần dẫn tới “chán Đảng” là điều khó tránh nên Bộ Chính Trị CSVN đã nhiều đợt đưa ra các kế hoạch đối phó với các vấn đề “diễn biến hòa bình” và ngay trong nội bộ đảng thì “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.
Tờ Quân Đội Nhân Dân, cơ quan tuyên truyền của Bộ Quốc Phòng CSVN có hẳn một chuyên mục “Chống Diễn Biến Hòa Bình”, hay “Phòng chống Tự Diễn Biến, Tự Chuyển Hóa”. Không mấy ngày là tờ QĐND không có một bài bình luận, phân tích về các chủ đề vừa kể, đồng thời với các đề nghị giải pháp đối phó.

Ba cán bộ môi trường bị bắt liên quan đến Formosa Hà Tĩnh

VOA Tiếng Việt-12/12/2017  
Nhà máy Formosa Hà Tĩnh.
Nhà máy Formosa Hà Tĩnh.
Công an Việt Nam bắt ba cán bộ môi trường ở Hà Nội vì gian dối trong xử lý rác tại nhà máy Formosa, cho rằng họ làm hồ sơ khống để thu lợị.
Truyền thông Việt Nam hôm 12/12 loan tin Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 3 người nguyên là cán bộ của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 10 (URENCO 10), gồm ông Ngô Xuân Hiếu, nguyên Giám đốc, ông Bùi Trí Bình, nguyên Phó giám đốc và ông Tống Ngọc Thanh, nguyên cán bộ phòng kinh doanh, về hành vi lập khống giấy tờ, thủ tục xử lý rác thải tại Formosa Hà Tĩnh.
Tuần hành vì môi trường ở Nghệ An
Tuần hành vì môi trường ở Nghệ An
Báo Công an Nhân dân nói một đại lý ở Hà Tĩnh đã ký hợp đồng với công ty Formosa để thu gom, xử lí rác thải. Sau đó, đại lí này ký hợp đồng với số cán bộ trên của URENCO 10 thuê xử lí rác thải của Formosa.
Tuy nhiên, khi vận chuyển rác ra Hà Nội, nhóm cán bộ trên không đưa rác về công ty để xử lý mà lập chứng từ khống gây thiệt hại hàng tỷ đồng rồi đưa ra ngoài xử lý nhằm thu lợi, báo Công an Nhân dân cho biết thêm.
Báo Dân trí nói cơ quan công an xác định từ 2013 - 2015, nhóm cán bộ trên ký các hợp đồng thu gom, xử lý ba bên, nhưng hoàn thiện hồ sơ khống, thu về không xử lý ở công ty mục đích để thu lời.
Nhà hoạt động vì môi trường Nguyễn Thiện Nhân ở Bình Dương nói với VOA rằng việc bắt ba cán bộ này cho thấy có bàn tay của Formosa cấu kết với các viên chức nhà nước trong việc che đậy thảm họa môi trường:
“Đây chỉ là những cán bộ thuôc công ty bên ngoài Formosa, nhưng họ cấu kết với Formosa để xử lý chất thải, nhưng thực tế là họ không xử lý, mà chỉ hợp thức hóa giấy tờ cho cái gọi là xử lý đó. Mặt khác, họ còn rút tiền từ ngân sách nhà nước qua việc xuất hóa đơn khống. Tôi nghĩ chắc chắn công ty Formosa có nhúng tay vào việc này và cần thiết phải điều tra luôn cả công ty Formosa để làm rõ và xử lý triệt để.”
Thảm họa biển miền trung xảy ra hồi năm ngoái khi nhà máy thép của hãng Formosa của Đài Loan đặt ở Hà Tĩnh gặp sự cố khi vận hành thử, xả thải độc hại trái phép làm cá chết hàng loạt ở tỉnh này và 3 tỉnh khác.
Ônh Nhân nói qua đó cho thấy có hành vi gian lận trong việc Formosa xử lý chất thải:
“Thường chính quyền rất ngại đụng đến Formosa một cách trực tiếp và chỉ đụng đến các cán bộ kinh tế liên quan mà thôi. Trên giác độ quan sát của người dân thì chúng ta thấy rõ rằng đây là một hành vi gian lận để chôn giấu chất thải của nhà máy Formosa mà không xử lý.”
Tháng 6/2016, Formosa đã nhận trách nhiệm về vụ này và chấp nhận bồi thường 500 triệu đôla cho chính phủ Việt Nam.
Một cuộc biểu tình ở Đài Loan phản đối nhà máy Formosa xả thải không xử lý.
Một cuộc biểu tình ở Đài Loan phản đối nhà máy Formosa xả thải không xử lý.
Từ đó đến nay, nhà chức trách Việt Nam đã phát tiền đền bù cho những người bị ảnh hưởng nhưng nhiều người vẫn chỉ trích rằng số tiền đền bù và sự minh bạch của chính phủ về vụ ô nhiễm còn chưa thỏa đáng.
Trong năm qua, nhiều nhà hoạt động vì môi trường khi lên tiếng về thảm họa Formosa đã bị chính quyền Việt Nam bắt giam, kết án tù, quy tội “truyên truyền chống phá nhà nước” hay “lật đổ chính quyền.”
Vào tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thi hành kỷ luật bốn người liên quan tới Formosa, trong đó có ông Võ Kim Cự, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, người có liên quan đến quá trình cấp phép đầu tư cho Formosa ở Hà Tĩnh. Sau đó, ông Cự xin thôi làm đại biểu Quốc Hội khóa 14 “vì lý do sức khỏe,” và từ tháng 10, ông đã thôi chức Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam.

Sập lan can trường tiểu học ở Bắc Ninh, hàng chục học sinh nhập viện

 Theo VOA-12/12/2017 
Giới hữu trách đến hiện trường vụ tai nạn ở Trường tiểu học Văn Môn ngày 11/12/2017.
 Giới hữu trách đến hiện trường vụ tai nạn ở Trường tiểu học Văn Môn ngày 11/12/2017.
13 học sinh trường tiểu học Văn Môn ở tỉnh Bắc Ninh phải nhập viện ngày 11/12 vì lan can tầng 2 của trường sập, khiến học sinh rơi xuống đất từ độ cao khoảng 4 mét.
Trường tiểu học Văn Môn, thuộc xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, được xây dựng từ năm 1995 và đã xuống cấp nghiêm trọng.
Tai nạn xảy ra trước giờ học buổi chiều ngày 11/12 khi các học sinh đang chơi đùa trên ban công tầng 2 của trường. Do không chịu được sức nặng khi các em xô đẩy nhau, lan can bị bật ra và khiến hàng chục em rơi xuống đất, theo Dân Việt.
Hiện trường vụ sập lan can trường tiểu học ở Bắc Ninh.
Hiện trường vụ sập lan can trường tiểu học ở Bắc Ninh.
Trong số 13 em phải nhập viện, trong đó có 6 em phải chuyển đi cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội. Các học sinh còn lại được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh và Bệnh viện huyện Yên Phong.
Hiện nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra.
Đây không phải là lần đầu tiên trường học bị sập tại Việt Nam. Trước đó vào tháng 8, 300 học sinh trường mầm non công lập Thủy Tiên, Đà Nẵng, đã phải nghỉ học vì dãy bờ tường trường học sập, khiến các phòng học bị sập theo.
Cuối tháng 9, một công trình xây dựng trường mầm non tại Khu đô thị Mỹ Đình-Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cũng bị sập do “kết cấu giàn giáo không đủ khả năng chịu lực, dẫn đến sàn tầng 3 và tầng 2 bị sụp đổ”, VnExpress dẫn kết luận điều tra sơ bộ của thanh tra xây dựng quận Từ Liêm.

Hơn 10.000 người dự Lễ '500 năm Tin Lành cải chính' ở Hà Nội

Theo VOA-12/12/2017 
Mục sư Franklin Graham phát biểu tại buổi giảng đạo ở Hà Nội, 8/12/2017.
 Mục sư Franklin Graham phát biểu tại buổi giảng đạo ở Hà Nội, 8/12/2017.
Hơn 10.000 người Việt Nam đã đến dự buổi giảng của Mục sư Franklin Graham, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tổ chức Samaritan’s Purse, diễn ra tại một vận động trường ở Hà Nội trong buổi tối Thứ Sáu 8/12. Sự kiện kéo dài hai ngày cho tới hết Thứ Bảy 9/12, là sự kiện truyền bá phúc âm Cơ Đốc Giáo “hiếm hoi” ở nước cộng sản Việt Nam, theo hãng thông tấn AP.
Mục sư Graham nói rằng buổi cầu nguyện tại Hà nội hôm thứ Sáu là sự kiện “chưa từng diễn ra về mặt quy mô đối với Việt Nam. Ông cho biết chính quyền tại Hà nội không đặt ra bất cứ điều kiện nào’ cho sinh hoạt tôn giáo này. Mặc dù cần tới 1 năm để tổ chức sự kiện, giới hữu trách Việt Nam chỉ mới bật đèn xanh “hồi tuần trước”, theo lời mục sư Graham nói với AP.
“Tôi hy vọng chính phủ sẽ nhận ra rằng các tín hữu Ki-tô không phải là những kẻ thù, mà nằm trong thành phần công dân tốt nhất của Việt Nam"
Mục sư Franklin Graham, Chủ tịch/CEO Hiệp hội Truyền giáo Billy Graham và Tổ chức cứu trợ Samaritan
“Đây là một sự kiện chưa từng có tiền lệ đối với chúng tôi và đối với chính phủ Việt Nam”, AP dẫn lời mục sự Graham, “Chúng tôi không muốn làm bất cứ điều gì có thể gây bối rối cho chính phủ Việt Nam, hay nhân dân Việt Nam. Thực tế là, chúng tôi chỉ là những người khách, chính phủ Việt Nam chưa hề bảo tôi phải nói điều gì hay không nói điều gì. Tôi sẽ chỉ nói về Thượng Đế, chúng tôi không có mặt ở đây để nói về các vấn đề chính trị.”
Theo AP, Mục sư Franklin Graham nói ông hy vọng rằng qua sự kiện này, Hà nội sẽ có một cái nhìn khác hơn về Ki-tô giáo. Ông nói:
“Tôi hy vọng chính phủ sẽ nhận ra rằng các tín hữu Ki-tô không phải là những kẻ thù, mà nằm trong thành phần công dân tốt nhất của Việt Nam, và là những người mà họ có thể tin cậy và dựa vào.”
Nhà truyền giáo nói ông hy vọng thay đổi đó sẽ tốt cho các giáo hội, và ông hy vọng cuộc gặp mặt kỳ này cũng sẽ có lợi cho chính phủ Việt Nam, và “họ sẽ nhìn chúng ta dưới một ‘ánh sáng khác’ sau tuần này.”
Trang mạng christianpost.com trích lời Mục sư Franklin Graham ca ngợi chính phủ Việt Nam là đã bắt đầu có quan hệ ấm áp hơn với Ki-tô giáo.
Trước sự kiện đêm thứ Bảy 9/12, hãng tin AP nói chính quyền Hà nội không bình luận với AP về sinh hoạt tôn giáo đặc biệt này.
Vấn đề tôn giáo dường như vẫn là một vấn đề hết sức nhạy cảm ở Việt Nam không chỉ vì những lời ‘rào trước đón sau’ của nhà truyền giáo nổi tiếng nước Mỹ, mà một số người trong Hội Thánh Tin Lành ở Hà nội có đến tham dự buổi giảng của Mục sự Franklin Graham đã tỏ ra vô cùng ngần ngại, và một mực từ chối trả lời những câu hỏi của Ban Việt ngữ-VOA vào đêm 11/12, dù được trấn an rằng những câu hỏi ấy chỉ liên quan tới không khí buổi sinh hoạt, bao nhiêu người tham dự, và trải nghiệm của họ tại buổi sinh hoạt đó là như thế nào.
Dưới hàng tít “Mục sư Franklin Graham giảng đạo tại sự kiện hiếm hoi tại nước cộng sản Việt Nam”, bản tin của AP hôm 8/12 nói bất chấp những cải cách kinh tế sâu rộng trong 30 năm qua đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có đà tăng trưởng nhanh nhất khu vực, đảng cộng sản đương quyền vẫn kiểm soát chặt chẽ mọi khía cạnh của xã hội, “từ truyền thông cho tới tôn giáo”.
AP dẫn lời Tổ chức Human Rights Watch nói rằng hơn 100 người Việt Nam đang bị giam cầm vì những sinh hoạt tôn giáo hay chính trị ôn hòa.
Linh mục/ Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Lý được giúp ra khỏi xe sau khi được trả tự do ngày 20//5/2016. (Courtesy - Archdiocese of Hue)
Linh mục/ Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Lý được giúp ra khỏi xe sau khi được trả tự do ngày 20//5/2016. (Courtesy - Archdiocese of Hue)
Bản tin của AP nhắc lại trường hợp của Linh mục Công giáo Tadeo Nguyễn văn Lý, một trong những người sáng lập Khối 8406, tổ chức kêu gọi dân chủ đa nguyên ở Việt Nam về tội tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam, đã được phóng thích năm ngoái sau 8 năm bị giam cầm.
Truyền thông trong nước nói chung dường như không mấy chú ý tới sự kiện tôn giáo ‘hiếm hoi’ này, mặc dù báo mạng Hà Nội Mới và Kinh Tế Đô Thị có đưa tin Mục sư Graham được Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp đón trước các buổi giảng đạo diễn ra tại Sân Vận Động Quần Ngựa.
Bài viết đăng trên trang mạng kinhtedothi.vn chạy hàng tít “Hà Nội trân trọng những đóng góp của tổ chức Samaration's Purse” tường thuật rằng Chủ tịch UBND thành phố Hà nội đã tiếp đoàn đại biểu của tổ chức cứu trợ nhân đạo Samariton’s Purse, và chúc mối quan hệ giữa hai bên ngày càng phát triển tốt đẹp.
Theo hãng thông tấn AP, Mục sư Graham nói rằng ông muốn nhà cầm quyền cộng sản xem người Cơ Đốc Giáo là “những công dân tốt”. Ông cho biết đã dành cả một năm để chuẩn bị cho các sự kiện này, và nhà cầm quyền CSVN đã không đặt ra bất cứ điều kiện nào. Ông Graham nói với AP rằng, cuộc tập họp của tín hữu Cơ đốc giáo tại Hà Nội hôm Thứ Sáu là “chưa có tiền lệ về quy mô” tại Việt Nam. Ông không muốn làm bất cứ điều gì khiến cho nhà cầm quyền cộng sản bị mất mặt, và cũng không nói chuyện chính trị.
Ban Tôn giáo Chính phủ hôm 12/12 tải lên mạng một số hình ảnh nhân “Lễ 500 năm Tin Lành cải chính” của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), với lời giới thiệu sau đây:
“Trong 500 năm qua, đạo Tin Lành trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã thể hiện được một lối sống đạo tích cực, tiến bộ, tuân thủ pháp luật và giàu lòng bác ái. Đông đảo tín hữu, chức sắc đạo Tin Lành tại Việt Nam đã tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước”.
Mục sư Franklin Graham là Chủ tịch và Giám Đốc điều hành của Hiệp Hội Truyền giáo Billy Graham và tổ chức Cứu trợ và Truyền giáo Cơ Đốc quốc tế Samaritan's Purse, con trai của nhà truyền bá phúc âm Billy Graham, người sáng lập hội, và một trong những nhân vật có ảnh hưởng chính trị rất lớn tại Hoa Kỳ.
Chủ tịch Hội Truyền giáo Franklin Graham nói rằng trong 30 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều thay đổi. Ông nói thái độ của chính phủ Việt Nam đối với Hội Truyền bá Phúc Âm đang thay đổi, và ông tin là những thay đổi ấy sẽ tiếp tục theo hướng tích cực.
“Tín đồ Ki-tô tại Việt Nam được tự do hơn về mặt tôn giáo, trong khi theo những dấu hiệu bề ngoài thì dường như chúng ta ở phương Tây, đang dần dà mất đi những cái quyền ấy.”
Trong những năm gần đây, Hiệp Hội Billy Graham đã gia tăng hoạt động tại Đông Nam Á, ngay cả tại các nước có truyền thống theo Phật giáo. Vào tháng 11/2016, Hội Truyền giáo Billy Graham đã tổ chức sự kiện truyền giáo 3 ngày “Love Joy Peace” tại trung tâm hội nghị Myanmar. Sự kiện này được Hội Thánh Tin Lành Hà nội miêu tả là “một trong những sự kiện truyền giảng lớn nhất tại Myanmar kể từ khi nước này mở cửa”, với sự tham dự của hơn 170,000 người.
Với dân số khoảng 95 triệu người Việt Nam, đại đa số người Việt theo đạo Phật như Myanmar, khoảng 6.5 triệu người là tín đồ Công Giáo, và hơn 1 triệu người theo đạo Tin Lành.

Con trai cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử vào Trung ương Đoàn

VOA Tiếng Việt -12/12/2017 
Nguyễn Minh Triết, con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Ảnh: Facebook Triet Nguyen)
Nguyễn Minh Triết, con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Ảnh: Facebook Triet Nguyen)
Ông Nguyễn Minh Triết, con trai út của cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, tái đắc cử vào Ban chấp hành Trung ương Đoàn với 88,78% số phiếu thuận.
Truyền thông Việt Nam hôm 12/12 chạy dòng tít nói rằng ông Triết, 29 tuổi, trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa 11, nhiệm kỳ 2017-2022, cùng với 150 thành viên khác.
Ông Triết hiện giữ chức Trưởng Ban Thanh niên trường học Trung Ương Đoàn, từng là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa 10, từ năm 2012.
Theo VOV, ông Triết sinh năm 1988, từng tốt nghiệp thạc sĩ tại Anh. Cuối tháng 6-2014, khi đang là Phó Ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển sinh viên Việt Nam, ông được Ban bí thư Trung ương Đoàn cử về làm Phó bí thư Tỉnh đoàn Bình Định, nhiệm kỳ 2013-2017. Vào năm 2015, ông được Trung ương Đảng chỉ định tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định.
Trước đó, báo Zing.vn cho biết ông Triết là tỉnh ủy viên trẻ nhất của tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2015-2020.
Hôm 11/12, phát biểu tại phiên khai mạc đại hội Đoàn toàn quốc tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng: “Đoàn cần giúp thanh niên vững vàng bản lĩnh chính trị, tăng sức đề kháng cho thanh niên, tránh tình trạng nhạt Đảng, khô Đoàn,” theo báo Tuổi trẻ.
Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam còn nói thêm rằng Đoàn phải làm tốt vai trò ‘nòng cốt chính trị,’ phải đổi mới hoạt động; và phải xây dựng cơ chế để thanh niên phát huy tự chủ, làm giàu chính đáng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội Đảng 12, tháng 1 năm 2016.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội Đảng 12, tháng 1 năm 2016.
Tên tuổi của gia đình cựu thủ tướng Dũng khá ‘lu mờ’ sau khi ông rời khỏi chức vụ, và lần gần nhất ông xuất hiện trước công chúng là vào tháng 6 năm nay khi trung ương tặng ông danh hiệu “50 năm tuổi Đảng.”
Thậm chí các tờ báo của nhà nước hôm 12/12/2017, dù đưa tin về ông Triết, nhưng không nhắc đến ông Dũng, người được cho là bị buộc phải thôi chức thủ tướng ở đại hội Đảng 12 vào đầu năm 2016.
Khi thân mẫu của ông Dũng qua đời hồi đầu tháng này, tin về đám tang của bà chỉ xuất hiện trên các trang mạng Phật giáo, và không được các tờ báo của nhà nước đề cập. Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn, người đứng đầu Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến thắp hương cho bà Nguyễn Thị Hường tại tỉnh Kiên Giang, nơi ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai lớn của ông Dũng, đang giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.
Reuters nói Đảng Cộng sản Việt Nam bày tỏ quyết tâm muốn giải quyết nạn tham nhũng, nhưng một số nhà phê bình cáo buộc giới lãnh đạo hiện nay, đứng đầu là ông Trọng, đã khởi sự một cuộc “săn lùng phù thủy” sau khi phát động chiến dịch điều tra và bắt giữ nhiều nhân vật từng nắm giữ các chức vụ cao trong chính quyền của ông Dũng như cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng, cựu tổng giám đốc Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) Trịnh Xuân Thanh.

Dòng kênh đen ngòm, bốc mùi vẫn khả quan trong mắt người dân

Thông tín viên RFA -2017-12-11  
Người dân tập trung trên cầu phía trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé.
 Người dân tập trung trên cầu phía trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé.  RFA
Mùi hôi bốc lên nồng nặc trên đại lộ Võ Văn Kiệt và dòng kênh nước đen nháy là điều chúng tôi chứng kiến khi đi dọc con đường này. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì một số người dân sống quanh khu vực lại có những đánh giá khá khả quan về dòng kênh.

Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé

Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé là một trong năm lưu vực kênh, rạch lớn của thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Kênh dài khoảng 9,3km bắt đầu từ sông Sài Gòn đến kênh Lò Gốm chảy qua quận 1, 4, 5, 6, và 8. Một thời gian dài tuyến đường thủy Tàu Hủ - Bến Nghé bị bỏ hoang, bùn đất bồi lắng làm dòng kênh cạn dần.
Theo báo Lao Động, giai đoạn 3 của dự án cải thiện môi trường nước TP. HCM, nhằm chống ngập úng và cải thiện môi trường cho lưu vực này có tổng vốn triển khai lên đến 9.782 tỉ đồng.
Cá nhân phóng viên chúng tôi khi tìm hiểu khu vực tại đây có bắt gặp nhiều hình ảnh ô nhiễm trên kênh rạch thuộc hệ thống sông Sài Gòn kèm với mùi hôi khó chịu. Chiếc ghe chở than xua nước để ra giữa kênh khi đó làm lộ rõ màu đen của dòng kênh Tàu Hủ.
Một người thuộc nhóm ghe thường xuyên qua lại lưu vực kênh tại khu vực phường 16, Quận 8 cho chúng tôi biết, hiện tại mùi của kênh vẫn còn hôi, đặc biệt là những lúc nước xuống.
“Bình thường nước nhiều thì không ô nhiễm, không có mùi hôi nhiều. Nhưng lúc nước cạn thì nước thải ra đây có mùi khó chịu, mùi nồng, nhất là khi đi bên đại lộ Đông Tây, nhiều khi có gió thì gió phất cái mùi cảm thấy khó chịu.
Bình thường nước nhiều thì không ô nhiễm, không có mùi hôi nhiều. Nhưng lúc nước cạn thì nước thải ra đây có mùi khó chịu, mùi nồng.
- Người dân
Tại vì nước thải mấy khu đó nó thải sông này để ra sông ngoài mà.
Cái nhìn của người tham gia giao thông ngang khu vực là ở đây ô nhiễm, mùi khó chịu như vậy, nhưng những người sinh sống lâu năm tại khu vực này lại đánh giá tích cực về độ ô nhiễm đã giảm dần của dòng kênh.

Ý kiến người dân

Chị Sau, Quận 8, Tp. HCM có hơn 10 năm sinh sống tại khu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé nhận định trước đây khu vực này thường bốc lên mùi khó chịu, kênh rạch cũng nhỏ và không thông thoáng như hiện tại.
Hồi trước tới đây là thấy thối, mấy năm trước khi vô ở hẳn là biết rồi. Hồi xưa cây cối um tùm chứ đâu được sạch sẽ như bây giờ.
Theo chị Sau, nguyên nhân khiến tình trạng kênh hiện tại được cải thiện là do hệ thống cống ngăn triều và bơm xả.
Biết cái kênh này cũng tầm 13, 14 năm rồi. Nước thì trước kia làm cống thì đen  thối. Giờ làm cống rồi thì đỡ rồi, không thối như ngày xưa nữa. Nghĩa là mình đứng đây thì mình không ngửi thấy mùi thối nữa.
Bây giờ thì nước cứ ra vô ra vô hoài thì thí dụ như ở ngoài kia đóng cổng, mở ra mở vô thì nước ra nước vô rồikhông có thối.
Làm xong rồi người ta múc hết bùn đất, khai sông khai rạch múc hết bùn thối rồi. Làm cống kia rồi nhiều khi lâu lâu người ta xả bọt lên thì nó không thối nữa.
Cùng chia sẻ cái nhìn khả quan về dòng kênh, Ông Phùng Văn Tiễn, 80 tuổi sinh sống tại Quận 8 nhận định tình trạng nước ngập đã giảm hẳn, kèm theo đó là mức ô nhiễm cũng bớt dần là những thay đổi có thể nhận thấy về dòng kênh.
Bởi vì nước ra thì họ xả ra, nước vô thì cho vô. Thành ra nước thủy triều vô được thì nước nó trong.
Ngay ở đây cũng còn dơ chỗ cầu Bà Lài bắt đầu sạch trước. Rồi tới đây từ từ tới đây nó sạch. Nhiều người tới đây chiều chiều còn ra đây ngồi chơi được. Chứ còn trước đây hôi lắm, không có ra đây ngồi được.
Ông Tiễn cho hay, trước đó, vào khoảng sau năm 1975, dòng nước ở đây ô nhiễm tới mức không loài cá nào sống được ngoài cá lóc, cá trê, người dân cũng không ai dám tắm.
“Thời kỳ mới thì người ta tắm được. Hồi kỳ 75 trở về đây thì nước nó đen, nước nó đục, không ai tắm được hết. Chỉ cá trê cá lóc sống được thôi chứ không cá nào sống được hết á.
Cách mấy năm trước thì nó ô nhiễm nhiều lắm. Đen, nước đen. Bởi vì người ta làm cơ sở nhiều, xả hóa chất này kia đó. Nước đen bởi vậy cá sống không nổi.
Biết cái kênh này cũng tầm 13, 14 năm rồi. Nước thì trước kia làm cống thì đen và thối. Giờ làm cống rồi thì đỡ rồi, không thối như ngày xưa nữa.
- Chị Sau, Quận 8, Tp. HCM 

Cải thiện

Theo ông Tiễn, phía chính quyền đã có những biện pháp tích cực cải thiện khu vực này, kèm theo đó, việc người dân ý thức hơn trong việc xả thải cũng góp phần làm hệ thống kênh rạch đỡ ô nhiễm hơn trước.
Nhưng mà nói là nó đỡ hơn nhiều hồi xưa là bởi vì chính phủ bây giờ không cho đổ rác xuống với vớt rác hàng ngày thành ra là nó trong sạch. Rác không có đổ ở dưới chứ hồi trước rác nó đầy nghẹt. Nilon rồi lục bình đủ thứ hết. Bây giờ vớt đi với người ta có ý thức nhiều nữa. Không có ném xuống dưới thì hi vọng sau này nó cũng sạch hơn.
Bị nhà nước dọn dẹp bày ra cái rác không đổ dưới sông nữa. Có người thu, mỗi tháng thu 15 ngàn, tự dưng có người đi thu rác, đi đổ thành ra không có đổ rác nhiều nữa. Chẳng hạn mấy người cần giục rác họ chút đỉnh vậy chứ không nhiêu nữa.
Mặc dù tương đối hài lòng với mức độ ô nhiễm hiện tại, ông Tiễn vẫn mong chính quyền tăng áp lực để cải thiện chất lượng kênh rạch nơi đây.
Nước vẫn đen nhưng mà nó không có hôi không có tanh nữa.
Tháng 9 này nước lớn vô, xả nước dơ ra, rồi nước sạch vô thì nó đỡ hơn nhiều. Còn tháng nắng thì mình không biết làm sao.
Hi vọng chính quyền thẳng tay xử phạt mấy người đổ rác dưới sông ném xuống dưới. Nhưng mà có cách nghiêm khắc như là mấy người đổ rác có thùng rác với người ta tới thu rác này kia nọ. Bây giờ 100% nhà nào cũng đổ rác hết. Hi vọng là có ngày nó cũng trong sạch hơn.”
Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt không phải là dòng kênh duy nhất có màu đen nhánh vì ô nhiễm. Dòng kênh chạy dọc đường Trần Xuân Soạn, Quận 7, hay khúc kênh gần công viên nước Đầm Sen, Quận 11 và nhiều dòng kênh khác cũng chịu số phận tương tự. Những dòng kênh này đã ô nhiễm hơn chục năm qua nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để.

Chủ công ty cẩu xe ở trạm BOT Cai Lậy bị bắt

RFA 2017-12-12  
Anh Lê Tấn Tú tại đồn công an ngày 12/12/2017.
 Anh Lê Tấn Tú tại đồn công an ngày 12/12/2017.  Courtesy of 24h
Công an quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ ngày 12/12 đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam chủ công ty cẩu xe ở trạm BOT Cai Lậy để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích.
Trước đó, anh Lê Tấn Tú, chủ Công ty dịch vụ cứu hộ Tú Anh đã được BOT Cai Lậy thuê để cẩu những xe gây ách tắc tại trạm thu phí này.
Sau đó đến ngày 1/12, xe của anh Tú đã được yêu cầu kéo một chiếc xe đang tranh cãi với nhân viên thu phí. Chủ chiếc xe này được nói là một thành viên của nhóm Bạn Hữu Đường Xa.
Sau khi sự việc này xảy ra, một số tài xế của nhóm Bạn Hữu Đường Xa đã tới công ty của anh Tú để “nói chuyện” về vụ việc tại BOT Cai Lậy.
Trong lúc đang nói chuyện, hai bên đã xảy ra cãi cọ và anh Tú đã lấy cây rựa (dùng để chặt cây) để chém một tài xế.
Tài xế này sau đó được đưa vào bệnh viện với vết thương dài 15 cm ngang mặt.
Anh Tú đã thừa nhận hành vi của mình với cơ quan chức năng.