Friday, June 24, 2016

Công an bắt 2 người truyền bá pháp luân công

NINH THUẬN (NV) - Công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đã bắt hai người đang phát tán tài liệu pháp luân công mà nhà cầm quyền Việt Nam cho là “trái phép.” 

Nhiều tài liệu, băng đĩa pháp luân công bị thu giữ. (Hình: Báo Người Lao Động)

Công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, đã ra quyết định xử phạt hành chính ông Phạm Văn Mới (36 tuổi), ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang và bà Nguyễn Thị Sen (42 tuổi), trú Sơn Tây, Hà Nội, về tội “tuyên truyền trái phép tài liệu pháp luân công, gây phức tạp tình hình trật tự xã hội địa phương.”

Theo tin báo Người Lao Động, ông Mới và bà Sen bị lực lượng công an bắt quả tang khi đang phát tán tài liệu pháp luân công mà không được cơ quan chức năng cho phép. Tang vật thu giữ gần 100 ấn phẩm, tài liệu, kinh văn tuyên truyền về pháp luân công.

Công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm cho rằng, pháp luân công là môn phái thiền, các bài tập sinh lực và các bài giảng đạo đức làm phương tiện tu luyện tâm thân đã bị Trung Quốc cấm truyền bá.

Vẫn theo lời công an thì: “Trong nội dung tuyên truyền của pháp luân công có một số quan điểm phản khoa học như: Người tập pháp luân công khi đạt đến ‘khai ngộ’ thì linh hồn sẽ bất diệt; nguyên nhân của bệnh tật là do việc làm xấu của kiếp trước, nếu tin tưởng vào luyện công thì không cần chữa trị vẫn khỏi bệnh...” (Tr.N)

24-06-2016 5:13:32 PM 

Kỷ luật quan chức giống như đùa

Vụ cả sở đóng cửa đến nhà giám đốc ‘ăn giỗ’

SÀI GÒN (NV) - Một viên phó chủ tịch của thành phố Sài Gòn vừa loan báo rằng, Ban Cán Sự Đảng của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố này đã đề nghị... “khiển trách” ông Lê Minh Tấn!

Công xa rời công sở đổ đến nhà ông Lê Minh Tấn. Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội của thành phố Sài Gòn ngưng hoạt động vì ông Tấn tổ chức tiệc. (Hình: Tuổi Trẻ)

Hồi thượng tuần tháng này, ông Tấn, giám đốc Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội của thành phố Sài Gòn tạo ra một scandal khiến dân chúng Sài Gòn nói riêng và dân chúng Việt Nam phẫn nộ.

Theo báo chí Việt Nam, chiều thứ sáu ngày 10 tháng 6, Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội của thành phố Sài Gòn không hoạt động vì toàn bộ viên chức hữu trách lấy hết công xa trong sở đến tư gia của ông Tấn ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi dự tiệc.

Lúc đầu, ông Tấn, cựu bí thư huyện Củ Chi giải thích, vì mới được bổ nhiệm làm giám đốc Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội của thành phố Sài Gòn nên ông mời thuộc cấp tới nhà dùng cơm để thắt chặt tình cảm.

Tuy nhiên chuyện cả một sở đóng cửa ngưng hoạt động, lấy hết công xa để đi dự tiệc ở nhà thượng cấp, trong bối cảnh ngân khố cạn kiệt vì nuôi hệ thống công chức đã được xác định là có tới 2/3 không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ đã trở thành chuyện lớn.

Cũng vì vậy, chủ tịch thành phố Sài Gòn phải yêu cầu kiểm tra và xem xét trách nhiệm tất cả những người có liên quan. Thậm chí viên chủ tịch thành phố Sài Gòn còn thành lập một nhóm đảm nhận vai trò giống như “Ủy Ban Điều Tra” riêng về vụ này.

Ông Tấn - tất nhiên đã lên tiếng xin lỗi dân chúng! Ông xin thông cảm bởi bữa tiệc “thắt chặt tình cảm” mà ông tổ chức vào giờ hành chính vì muốn... kết hợp giỗ cha.

Ngay sau đó, hàng xóm của ông Tấn khẳng định, ngày giỗ cha ông Tấn luôn diễn ra trong Tháng Chín. Giám đốc Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội của thành phố Sài Gòn đành phải xuất đầu lộ diện thêm một lần nữa để thề rằng, mỗi năm, ông tổ chức giỗ cha tới... hai, ba lần!

Cuối cùng, “Ủy Ban Điều Tra” gồm các thành viên trong Ban Cán Sự Đảng của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Sài Gòn, kết luận, hành vi của ông Tấn rõ ràng là “thiếu gương mẫu, chưa quán triệt cho người đứng đầu các đơn vị trực thuộc trong việc sử dụng thời gian làm việc và xe công vào việc riêng, gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của người đứng đầu cơ quan” nên cần phải... “khiển trách!”

Tuy đây mới chỉ là đề nghị nhưng gần như chắc chắn đề nghị này sẽ được chấp thuận và “sự nghiêm khắc” đó khiến công chúng thêm ngao ngán.

Chính quyền Việt Nam đã bốn lần tổ chức cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống công quyền nhưng càng cải cách thì càng nhiều chuyện giống như đùa. Một chuyện giống như đùa khác đối với tiến trình cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống công quyền cũng vừa xảy ra trong tuần qua.

Hồi giữa tuần qua, chính quyền huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang công bố quyết định điều động ông Đặng Văn Dũng, bí thư xã Vĩnh Thuận về nhận nhiệm vụ tại văn phòng Ủy Ban Nhân Dân huyện này. Quyết định vừa kể khiến nhiều người chưng hửng vì việc kỷ luật các viên chức tham nhũng giống hệt như đùa.

Hồi Tết vừa qua, chính quyền huyện Vĩnh Thuận đã chuyển cho chính quyền xã Vĩnh Thuận 43 triệu đồng để hỗ trợ 86 gia đình nghèo có cơm ăn trong dịp Tết. Sau đó, người ta phát giác, không có gia đình nghèo được phát tiền. Danh sách đại diện các gia đình nghèo ký nhận 500,000 đồng mà xã nộp lại cho huyện được xác định là ngụy tạo. Do áp lực của dư luận, ông Dũng thừa nhận ông chỉ đạo làm như thế.


Scandal đó khiến huyện ủy huyện Vĩnh Thuận phải ra một quyết định điều động ông Dũng về huyện ủy. Tuy nhiên khi áp lực từ dư luận giảm đi, huyện ủy huyện Vĩnh Thuận đã cho thu hồi quyết định vừa kể với lý do ông Dũng không đồng ý. Ông Dũng tiếp tục làm bí thư xã Vĩnh Thuận và đến giờ thì được điều động thêm một lần nữa. (G.Đ)

24-06-2016 5:15:16 PM 

Hai công nhân bất ngờ bị đất sạt lở vùi lấp

Theo Dân trí-25-06 2016 10:26 
Đang thi công công trình cống thoát nước, hai công nhân bất ngờ bị đất sạt lở vùi lấp. Hàng chục lính cứu hộ đã được huy động, kịp thời đưa các nạn nhân ra khỏi chỗ nguy hiểm, chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Hiện trường công trình hai công nhân bị đất vùi khi đang thi công đường cống thoát nước
Hiện trường công trình hai công nhân bị đất vùi khi đang thi công đường cống thoát nước
Vụ việc xảy ra vào chiều 24/6, tại công trình thi công cống thoát nước trên đường Nguyễn Văn Tiết (thị trấn Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Khoảng 13h cùng ngày, anh Liêu Tấn Tài (25 tuổi, quê Sóc Trăng, công nhân của công ty TNHH đầu tư - tư vấn xây dựng Thép Mới - đơn vị thi công) đang lắp đặt ống nước phía dưới hố sâu khoảng 2 mét thì bất ngờ bị đất phía trên mặt đường sập xuống. Anh Tài bị mắc kẹt bên dưới.
Thấy đồng nghiệp bị đất lấp, anh Võ Anh Thi (41 tuổi, ngụ Đồng Nai) lao xuống cứu thì bị va vào ống cống gãy chân, ngã khuỵu. Lúc này, đất hai bên tiếp tục sạt lở vùi qua đầu anh Tài, chèn gần đến ngực anh Thi.
Nhận tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC cứu nạn, cứu hộ số 2 tỉnh Bình Dương huy động hàng chục chiến sĩ và xe cẩu đào bới khu vực 2 người gặp nạn. Thiếu tá Đinh Văn Phước (Đội phó Cảnh sát PCCC cứu nạn, cứu hộ số 2) cho biết, thời điểm đó xuất hiện cơn mưa khá lớn, nguy cơ đất tiếp tục sạt lở rất cao nên lực lượng cứu hộ phải làm rất khẩn trương, thận trọng. Sau nửa giờ nỗ lực giải cứu, cả hai nạn nhân được đưa lên chuyển cấp cứu.
Theo anh Tài, nhờ có chiếc nón bảo hộ nên khi bị đất vùi lấp hết đầu anh vẫn còn một khoảng trống để thở, giúp anh chờ được đến khi giải cứu.
Quan sát tại hiện trường, khu vực xảy ra vụ việc đang được đào hào sâu khoảng 2 mét, rộng hơn 1 mét kéo dài một bên đường Nguyễn Văn Tiết, hai bên có rào chắn và nhiều máy móc và công nhân đang thi công bên trong khu vực rào chắn.
Bước đầu, đơn vị thi công đã hỗ trợ toàn bộ viện phí cho các công nhân bị nạn và 20 triệu đồng để lo chi phí chữa trị. Về hướng giải quyết vụ tai nạn lao động, đại diện đơn vị thi công đã rà soát lại quy trình, cho máy móc lấp lại đường ống để đảm bảo an toàn.

Bất thường ở Nhà máy giấy tỷ đô Trung Quốc đầu tư

Dự án đầu tư sản xuất giấy và bột giấy có giá trị cả tỷ USD có thể bức tử dòng sông Hậu khi hệ thống nước thải tại nhà máy đang có những biểu hiện bất thường.

Dự án đầu tư sản xuất giấy và bột giấy do Công ty TNHH giấy Lee & Man (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc) đầu tư tại xã Phú Hữu A (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đang khiến dư luận lo ngại sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chất thải độc gây bức tử dòng sông Hậu. Không những thế, việc xây dựng hệ thống nước thải tại nhà máy đang có những biểu hiện bất thường.
“Biển thủ” nước thải
Trước sức ép của công luận, ngày 17/6/2016, UBND tỉnh Hậu Giang có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án Nhà máy giấy của Cty Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam. Theo đó, dự án này đã được Bộ TNMT tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vào ngày 27/7/2008 và được Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt vào tháng 9/2008.
UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, theo báo cáo ĐTM đã được phê duyệt, dự án có hạng mục xử lý nước thải công suất 155.000 m3/ngày đêm, được đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng nhà máy xử lý nước thải 50.000 m3/ngày đêm để xử lý nước thải cho nhà máy giấy và các công trình phụ trợ khác (trạm nhiệt điện, cảng, kho chứa than…). Giai đoạn 2 xây dựng nhà máy xử lý nước thải 105.000 m3/ngày đêm để xử lý nước thải cho nhà máy bột giấy và các công trình phụ trợ khác, dự kiến triển khai vào năm 2017.
Nhà máy giấy, Công ty TNHH giấy Lee & Man, hệ thống nước thải nhà máy giấy, nhà máy giấy ở Hậu Giang, dự án Trung Quốc, sông Hậu
Nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì công suất 420.000 tấn giấy/năm của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam.
Việc xây dựng hệ thống nước thải hiện đã hoàn thành phần thô các bể xử lý, đang tiến hành lắp đặt thiết bị và đường ống và dự kiến cuối tháng 7 sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành thử nghiệm.
Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy nước thải đã không đúng như những gì được cơ quan quản lý nhà nước quy định và cho phép. Công ty của Trung Quốc này được Bộ TN&MT cấp phép xả thải vào nguồn nước tháng 12/2015 với lượng xả thải lớn nhất 50.000 m3/ngày đêm. Song, theo Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam cho biết, đơn vị này đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải chỉ với công suất 20.000m3/ngày đêm. Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam giải thích rằng do quy trình, công nghệ sản xuất hiện đại, nước thải phát sinh ít hơn.
Báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang gửi Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, theo quy định, việc xây dựng nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì, sản lượng 420.000 tấn/năm và nhà máy bột giấy tẩy trắng 330.000 tấn/năm của Cty Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam thuộc đối tượng phải báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường.
Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đã không báo cáo cơ quan chức năng khi thay đổi công suất nhà máy xử lý nước thải. Chính quyền địa phương khi phát hiện điều này cũng không có biện pháp xử lý kịp thời, ngoài việc “yêu cầu công ty phải thực hiện đúng quy định trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức”.
Nỗi lo bức tử sông Hậu
Dự án sản xuất giấy và bột giấy Công ty TNHH giấy Lee & Man đầu tư gồm có hai nhà máy: Nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì công suất 420.000 tấn giấy/năm và nhà máy bột giấy tẩy trắng 330.000 tấn/năm. Trong đó, nhà máy giấy cứng bao bì có vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, được khởi công xây dựng tháng 8/2007, sau đó bị đình trệ và đến năm 2014 mới khởi động lại. Đến nay, công trình hoàn thành 95% và dự kiến chạy thử nghiệm vào giữa tháng 7/2016 và chính thức hoạt động vào tháng 8 (Riêng nhà máy bột giấy tẩy trắng dự kiến triển khai vào năm 2017 và sản xuất thử nghiệm vào tháng 10/2018).
Theo báo cáo ĐTM, nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp không sử dụng sút NaOH; còn nhà máy sản xuất bột giấy tẩy trắng có sử dụng NaOH 215 tấn/ngày và được thu hồi trong quá trình sản xuất bột giấy. Ngoài ra, trong quy trình xử lý của hệ thống xử lý nước thải tập trung cho hai nhà máy có sử dụng NaOH với khoảng 22 tấn/ngày.
Ông Chung Wai Fu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam nói rằng, trong quá trình sản xuất giấy của nhà máy hoàn toàn không sử dụng sút (NaOH) gây ô nhiễm môi trường mà chỉ dùng chút ít trong quá trình xử lý nước thải để trung hòa độ PH khi cần thiết. Ông Chung Wai Fu cũng thừa nhận từ khi khởi động lại dự án (năm 2014) đến nay chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường cho toàn bộ dự án.
Biểu hiện bất thường
Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 23/6, ông Hoàng Quốc Cường - Phó GĐ Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang đã lặng lẽ rời khỏi cuộc họp trước khi nhận được những câu hỏi từ các phóng viên. Sau đó, phóng viên gọi vào số di động của ông nhưng không liên lạc được.
Chiều ngày 24/6, phóng viên Tiền Phong tiếp tục liên lạc với ông Cường qua điện thoại nhưng đều không được. Một nguồn tin riêng của PV Tiền Phong cho biết, ông Cường cho rằng mình không có thẩm quyền trả lời và “đá bóng” lên Giám đốc Sở này. Cuối ngày 24/6, phóng viên Tiền Phong liên lạc được với ông Hồ Trọng Phú- Giám đốc Sở TN&MT Hậu Giang và được ông Phú trả lời: “Tôi đang ăn giỗ, thông cảm!” rồi cúp máy.
Liên hệ với ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, (người thay mặt Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam) để hỏi thêm thông tin song ông Tuyên từ chối trả lời. Ông nói: “Tôi phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, việc này tôi không biết. Chủ tịch bảo ký thì tôi ký”(!)
Bộ TNMT: Chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường
Trước thông tin nhà máy giấy của Công ty TNHH giấy Lee & Man chuẩn bị đi vào sản xuất, GS.TS Lê Thạc Cán, Viện Môi trường và Phát triển bền vững cho biết, chất thải của các nhà máy giấy nhìn chung rất độc hại. Mức độ độc hại cụ thể phụ thuộc vào công nghệ mà nhà máy đó sử dụng. “Tôi chưa được biết công nghệ và xem thiết kế hệ thống xử lý chất thải của nhà máy này nên chưa đánh giá cụ thể mức độ độc hại của chất thải nhà máy”. GS Cán nói. Theo ông, cơ quan chức năng như Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang nên công bố cụ thể công nghệ cũng như thiết kế hệ thống xử lý chất thải của nhà máy này để đánh giá.
TS Trần Thế Loãn, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường cho biết, chất thải nhà máy giấy chắc chắn độc hại, vì sử dụng nhiều NaOH, các hóa chất tẩy trắng.
Liên quan đến Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, trong khi phía Công ty Lee &Man cho biết năm 2014, đơn vị này đã làm lại các thủ tục để xin phê duyệt, trong đó có cả ĐTM. Tuy nhiên, ông Mai Thanh Dung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, đơn vị này chưa nhận được bất kỳ báo cáo đánh giá tác động môi trường nào do phía Công ty TNHH giấy Lee&Man trình lên. Trong khi đó, đại diện Cục Bảo vệ Môi trường miền Nam cho biết, chưa thể đưa ra thông tin gì liên quan đến dự án này.
25/06/2016  07:57 
(Theo Tiền phong)

155 trẻ em ở Hà Tĩnh kêu cứu vì Formosa

“Kể cả mẫu giáo, mầm non và tiểu học 2 năm trời họ không cho đến trường, mục đích là bắt các cháu làm con tin để chúng tôi phải chuyển đi”.

Hoàng Nguyên (Quochoi) - Trong khi học sinh cả nước nô nức đến trường thì ở một nơi không xa đường quốc lộ 1A, có 155 đứa trẻ vẫn bị “tước quyền” được học hành. Việc “tước quyền” này không phải ngẫu nhiên mà có chủ đích hẳn hoi. Các em - những mầm non của đất nước, đang phải mang trên mình bản “án treo” mà chính Formosa gián tiếp gây nên.

Vũng Áng (Kỳ Anh) là một trong những vùng đất có khí hậu khắc nghiệt nhất Hà Tĩnh. Nắng nóng, cộng với gió Lào và những cơn bão dữ quần thảo hàng năm khiến cuộc sống người dân vô cùng cực khổ. Rồi Khu Kinh tế Vũng Áng thành lập, dự án Formosa triển khai, vùng đất này nằm trong diện quy hoạch dành mặt bằng cho dự án. Để có được hơn 3.000 ha mặt bằng phục vụ dự án Formosa, hơn 2.500 hộ dân của 9 xã vùng Nam Kỳ Anh phải di dời. Riêng xã Kỳ Lợi gần như bị xóa trắng để dành đất cho dự án. Đây được xem là một cuộc đại di dời, tái định cư thế kỷ mà Hà Tĩnh đã rốt ráo thực hiện trong những năm qua và kết quả thật “ngoạn mục”. Đến nay, gần như toàn bộ diện tích dành cho dự án cơ bản “sạch”, và nhà đầu tư rất hài lòng về việc này. Trong khi đó, hàng nghìn hộ dân buộc phải rời bỏ quê cha đất tổ, cộng với sự thiếu minh bạch, o ép trong đền bù giải phóng mặt bằng của chính quyền đã đẩy cuộc sống của không ít người dân vào cảnh khốn khó cùng cực.

155 trẻ em xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh 
2 năm qua không được đến trường có liên quan đến dự án Formosa

Có câu “an cứ lạc nghiệp”, nay an cư đâu chưa thấy, hàng trăm người dân xã Kỳ Lợi lại gặp họa khi nằm trong khu vực hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất vì thảm họa môi trường làm cá biển chết hàng loạt mà nghi phạm chính không ai khác là Formosa – nguồn cơn đẩy họ sống cảnh “không nhà”? Hiện đời sống bà con ngư dân xã Kỳ Lợi chẳng những đang vô cùng khó khăn, phải chạy ăn từng bữa mà ẩn sau những phận đời khốn khổ đó là một sự thật đau đớn hơn, chỉ vì cha mẹ không chịu dời lên khu tái định cư mà 155 đứa trẻ vô tội bỗng trở thành nạn nhân, bị gạt bên ngoài trường học. Ít ai biết, ròng rã suốt 2 năm qua, các em nhỏ ở đây không được nhập học các trường gần nhà trong khi có tới 6 phòng học tại trường THCS Kỳ Lợi phải để trống do thiếu học sinh.

Tương lai của các em sẽ thế nào khi ước nguyện giản đơn 
được đến trường như bao đứa trẻ khác lại bị tước đoạt?

Lý giải về việc các con của mình không được tới lớp, ngư dân Hoàng Tinh Danh (trú thôn Đông Yên) cho hay: “kể cả mẫu giáo, mầm non và tiểu học 2 năm trời họ không cho đến trường, mục đích là bắt các cháu làm con tin để chúng tôi phải chuyển đi”.

Ngư dân Hoàng Tinh Danh (trú thôn Đông Yên) cho hay: 
“kể cả mẫu giáo, mầm non và tiểu học 2 năm trời họ không cho đến trường, 
mục đích là bắt các cháu làm con tin để chúng tôi phải chuyển đi”.

Còn ông Nguyễn Xuân Trình buồn rầu nói: “Thấy con cái thất học, chúng tôi cũng lo lắng và sốt ruột, bất đắc dĩ mới phải cho ở nhà. Nếu bây giờ trường THCS Kỳ Lợi tiếp nhận thì mọi người sẽ cho con em tới lớp”. Ông Trình cũng chia sẻ thêm, người dân chỉ muốn chủ đầu tư đứng ra đối thoại với bà con về lý do và mục đích lấy đất rồi khi đó mới quyết định chuyển đi hay không?.

Tuy ngôi trường chỉ các nhà một đoạn đường ngắn đi bộ, 
ấy vậy mà hai năm nay nó trở nên quá xa vời 
đối 155 học sinh Kỳ Anh chỉ vì 
Formosa đã “chọn” nơi các em ở làm dự án.

Đang ngồi chơi cùng đứa em gái giữa sân nhà, khi được hỏi về việc cháu muốn được quay trở lại trường học hay không, em Nguyễn Thị Lành (SN 2002) chia sẻ: “Cháu muốn được đến trường lắm, đến trường cháu được học, được chơi cùng các bạn, cháu nhớ thầy cô, bạn bè khi hơn một năm rồi không được tới lớp”. Nói rồi em Lành cúi mặt xuống đất như muốn nói rằng, việc quay trở lại trường đối với em là điều quá xa vời. Có lẽ đây cũng chính là suy nghĩ và ước muốn chung của 155 em học sinh thôn Đông Yên suốt 2 năm qua.

Vâng, không phải là 1 hay 2 em, mà tới 155 em học sinh, 2 năm trời đằng đẵng không được đến trường, chỉ vì Formosa đã “chọn” nơi các em ở làm dự án. Tương lai của các em sẽ thế nào đây khi ước nguyện giản đơn là được đến trường như bao đứa trẻ khác lại bị tước đoạt?

Môi trường sống chung với rác thải.

Không lẽ hàng triệu người lớn chúng ta đành lòng để 155 phận đời con trẻ vô tội tiếp tục xa cách với thầy cô, bạn bè và trường lớp của chúng hay sao? Một dự án kinh tế gieo rắc nhiều tai họa như Formosa có đáng để chúng ta hy sinh sự sống của toàn bộ khu vực miền Trung và tương lai của con em chúng ta hay không?

Biết rằng, một ngày chậm đến trường là một ngày các em chậm đi một nhịp so với bạn bè cùng trang lứa. Xin đừng vì lợi ích của người lớn mà tước bỏ đi niềm vui được đến trường, tước bỏ quyền học tập của con trẻ.

Cá đông lạnh từ Việt Nam bán tại Mỹ bị thu hồi

James T. Mulde * CTV Danlambao lược dịch 

Syracuse, New York - Khoản 25.760 pound (11.685 kg) cá philê đông lạnh của Việt Nam đã bị thu hồi từ các cửa hàng của Aldi bởi vì những món hàng này đã không được thử nghiệm trước khi bán cho khách hàng.

Cục Kiểm Tra An Toàn Thực Phẩm của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết cá đông lạnh mang thương hiệu Sea Queen đang được thu hồi bởi công ty sản xuất Cado Holdings, Inc có trụ sở tại Santa Anna, California.

Các mặt hàng này nặng 2 pound, được đóng gói tại Việt Nam bởi công ty Golden Quality Seafood, với con dấu ngày tháng là 30 tháng 3 năm 2016 kèm theo lời quảng cáo "Swai philê không da và không xương" và tiêu thụ tốt nhất là trước ngày 30 Tháng Ba 2018. 


Swai là một loài cá da trơn - catfish. Vụ việc đã bị phát hiện khi USDA được thông báo rằng các sản phẩm này được nhập vào Hoa Kỳ mà không đáp ứng những yêu cầu quy định. Đó là việc kiểm nghiệm thông thường dành cho các mẫu cá nhập cảng để xác định có thuốc trừ sâu hay các loại hóa chất khác.

Một cửa hàng Aldi

Bộ Nông nghiệp Mỹ xếp loại hành động thu hồi này vào hạng 1 được áp dụng cho sản phẩm tiêu dùng có xác suất dẫn đến việc sử dụng các sản phẩm này sẽ gây ra những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng hoặc tử vong.

Hiện vẫn chưa có báo cáo xác nhận các phản ứng bất lợi do tiêu thụ các sản phẩm này. Người tiêu dùng đã mua các sản phẩm này cũng không nên ăn chúng và nên vứt bỏ đi hoặc trả lại cho cửa hàng đã mia. Khách hàng nếu có những câu hỏi về việc thu hồi có thể liên hệ với ông Paul Nguyễn của công ty Cado Holdings Inc tại Hoa Kỳ, số (714) 973-2272.

24.06.2016

Nguồn: 


Lược dịch:


CSVN: Từ bước quy phục Thành Đô qua chính sách Ba Không đến lập trường Một Có

Nguyễn Cao Quyền (Danlambao) - ...Để lừa bịp nhân dân Việt Nam, chương trình 30 năm mà hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc thực hiện, cho đến nay đã được 26 năm, được ngụy trang dưới những danh từ mỹ miều như: đại cục và 16 chữ vàng. Bây giờ, sau 26 năm thực hiện đại cục, chúng ta thử cùng nhau nhìn xem những người cộng sản Việt Nam đã làm mất về tay Trung Cộng những gì của đất nước?...

*

Cuối năm 1989 hệ thống cộng sản quốc tế tan vỡ từng mảng. Làn sóng dân chủ tác động mạnh và cách mạng thành công chớp nhoáng tại Đông Âu. Trên đất nước Ba Lan, Công Đoàn Đoàn Kết thắng lợi lớn và lãnh tụ công nhân Lech Walesa tiếp nhận chính quyền. 

Cùng thời điểm 1989 Hung Gia Lợi dứt khoát chia tay với khối cộng sản Đông Âu để gia nhập Thị Trường Chung Âu Châu. Tại Đức, ngày 9/11/1989, bức tường ô nhục Bá Linh bị phá đổ. Dân Đức thống nhất reo hò mừng rỡ trong khi tên chủ tịch đảng cộng sản Đức là Honecker đào tẩu vì bị truy nã. Chính phủ cộng sản của Tiệp Khắc cũng tiêu tan và tại Roumania vợ chồng tên lãnh tụ cộng sản độc tài khát máu Ceaucescu bi xử bắn. 

Biến động xảy ra và tiếp nối nhau như một tràng pháo Tết để chào mừng cách mạng dân chủ thành công. Những tiếng reo hò hoan hô vang dậy vọng lại từ phía bên kia châu lục khiến các lãnh tụ của đảng CSVN lo sợ. 

Ngày 10/4/1990 Bộ Chính trị đảng CSVN hội họp để tìm đường thoát hiểm. Phân tích tình hình chính trị Đông Âu người ta đổ tội cho mưu toan của đế quốc tư bản. Chỉ có Trần Xuân Bách và Nguyễn Cơ Thạch cho rằng nguyên nhân sụp đổ là do quản lý yếu kém, tư tưởng giáo điều gắn liền với mô hình Xã hội Chủ nghĩa sai lầm. 

Trong buổi họp, Nguyễn văn Linh lập luận Trung Quốc dù là bành trướng hay bá quyền vẫn là một nước XHCN nên phải tìm hết cách đoàn kết lại thì mới mong thoát hiểm và mới hy vọng phục hồi phong trào cộng sản thế giới. 

Quan điểm nói trên được đa số ủy viên trong Bộ Chính trị đồng tình. Sau phiên họp Trần Xuân Bách bị loại khỏi Bộ Chính trị và ít lâu sau Nguyễn Cơ Thạch cũng chịu chung một số phận. Thời gian như thế đã trôi qua được một phần tư thế kỷ. Giờ đây ta hãy thử nhìn lại xem ai đúng ai sai. 

Bước quy phục Thành Đô 

Như chúng ta đã biết, một hội nghị bí mật đã diễn ra giữa Hà Nội và Bắc Kinh tại Thành Đô - thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên bên Tàu vào các ngày 3-4/9/1990. Phái đoàn Cộng sản Việt Nam gồm: Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Hồng Hà, Đinh Nho Liêm. Phái đoàn Cộng sản Trung Quốc gồm: Giang Trạch Dân và Lý Bằng. 

Vào thời gian đó, sự sụp đổ của đế quốc cộng sản Liên Sô gây lo sợ cho cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội. Vì lo sợ mà nhóm Ba Đình phải muối mặt sang Thành Đô xin quy phục. Và cũng vì lo sợ mà nhóm Trung Nam Hải tại Bắc Kinh phải tạm quên mối hận thù phản chủ đưa tới cuộc chiến tranh biên giới Trung-Việt năm 1979, mà vui lòng chấp nhận cho Hà Nội làm đàn em ý thức hệ để gây thế chống Mỹ. 

Địa điểm Thành Đô được chọn để bảo đảm bí mật cho hội nghị. Cuộc đàm phán thành công và hai bên thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương. Tuy nhiên, đối với phần nói chuyện bí mật thì phái đoàn CSVN giữ tuyệt đối cho riêng mình, không tiết lộ và cũng không tuyên bố cho nhân dân Việt Nam hay. 

Mặc dầu vậy, ngay sau khi hội nghị vừa kết thúc thì nhật báo Tứ Xuyên loan tải một thông điệp của phái đoàn CSVN. Thông điệp đó như sau: “Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng và Quảng Tây. Phía Trung Quốc đồng ý và chấp nhận đề nghị nói trên và cho Việt Nam 30 năm (1990-2020) để Đảng CSVN giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc”. (Lý Bằng Nhật Ký Ngoại Sự). 

Để lừa bịp nhân dân Việt Nam, chương trình 30 năm mà hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc thực hiện, cho đến nay đã được 26 năm, được ngụy trang dưới những danh từ mỹ miều như: đại cục và 16 chữ vàng (sơn thủy tương lân, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan). 


Bây giờ, sau 26 năm thực hiện đại cục, chúng ta thử cùng nhau nhìn xem những người cộng sản Việt Nam đã làm mất về tay Trung Cộng những gì của đất nước? 

Thứ nhất, từ 26 năm nay, tất cả những người lãnh đạo CSVN đều đã phải qua Bắc Kinh để khấu đầu trước “thiên triều” và báo cáo việc thi hành chính sách, xác định quyết tâm thúc đẩy hợp tác toàn diện trên phương châm 16 chữ vàng. 

Thứ hai là phải đề cập đến hai bản Thỏa Thuận Về Biên Giới, Trên Đất Liền Và Trên Biển. Trong bản Thỏa Thuận Về Biên Giới Trên Đất Liền (1990) CSVN phải nhường cho Trung Cộng khoảng mấy chục ngàn cây số vuông lãnh thổ suốt dọc biên giới của 10 tỉnh phía Bắc, đặc biệt là tại những vùng chiến lược Cao Bắc Lạng, gồm núi non hiểm trở, nơi mà quân Trung Quốc mỗi lần sang xâm lược đều phải chịu thua vì không vượt qua được. Trung Cộng đã di chuyển sâu vào lãnh thổ của ta những cột mốc chiến lược quan trọng nhất. Những di tích lịch sử nổi danh như Ải Nam Quan và Thác Bản Giốc cũng chịu chung một số phận. 

Về Thỏa Thuận Trên Biển (2000) thì Trung Cộng thu nhỏ lãnh hải 12 hải lý của Việt Nama để chiếm quyền đánh cá và chiếm của ta mấy chục ngàn cây số vuông trong vùng lãnh hải đặc quyền kinh tế (EEZ) để lấn quyền khai thác dầu hỏa. Quần đảo Hoàng Sa của ta đã bị Trung Cộng dùng vũ lực chiếm đoạt năm 1974 và một số đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa cũng đã bị Trung Cộng dùng vũ lực tước đoạt năm 1988. 

Thứ ba, phải nói qua về kinh tế. Năm 2005 CSVN đã ký kết với Trung Cộng 20 văn kiện dùng làm căn bản pháp lý giữa hai nước. Từ ngày 1/1/2004 Việt Nam và Trung Cộng bỏ thuế xuất nhập khẩu. Các cửa khẩu giữa hai nước được khai thông và hàng hóa được lưu thông tự do. 

Nhà thầu Trung Quốc hình như thắng hầu hết những công trình quan trọng với các loại thầu “trọn gói” (EPC: Enginering, Procurement, Construction). Hiện nay có 90% gói thầu EPC được giao cho Trung Cộng thực hiện. Năm 2013 Việt Nam nhập khẩu 36 tỷ, 960 triệu USD hàng hóa của Trung Cộng, trong khi chỉ xuất cảng sang Trung Cộng có 13 tỷ 960 triệu USD. Sư chênh lệch về cán cân mậu dịch khiến cho Việt Nam phu thuộc nặng nề về phương diện kinh tế. 

Thứ tư, thử nhìn qua về phương diện di dân. Người Tàu sang Việt Nam không cần VISA nhập cảnh. Họ đi lại và có mặt trên khắp hang cùng ngõ hẻm của đất nước. Trong 65 khu chế xuất và khu công nghiệp không có khu nào vắng bóng người Hoa. 

Họ chiếm đóng các vị trí chiến lược, từ việc thuê đất (306.000 hecta) trong 50 năm với giá rẻ mạt ở biên giới phía Bắc, từ bauxít Tây Nguyên đến Cà Mau, họ có thể thành lập nhiều sư đoàn của “đạo quân thứ năm” một cách dễ dàng với những công nhân mà thực chất là binh sĩ, tình báo, đặc công. Họ nắm trong tay những bản đồ vị trí các nhà máy điện, nhà máy quốc phòng, cơ xưởng... Họ tạo lập những khu riêng biệt của người Hoa mà công an Việt Nam không được vào kiểm soát. 

Khu phố Tàu Bình Dương có tên là Trung Tâm Thương Mai Đông Đô Đại Phố. Trong khu này có một trường đại học quốc tế, một bệnh viện 1000 giường, một sân golf, một khu giải trí, một khu thể thao. Vào dịp các lễ hội của Tàu, cờ Trung Quốc được treo rợp trời ở Bình Dương. Luật pháp Việt Nam bị bỏ ra ngoài. Nhân viên công lực Việt Nam không có quyền hành gì trong khu vực. 

Ngoài ra, Trung Cộng còn ép CSVN phải ưu tiên để bốn tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam được đặc quyền khai thác bảy tỉnh biên giới của Việt Nam như Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Người Trung Hoa có mặt tại Việt Nam để thi hành công tác, được hưởng quy chế bất khả xâm phạm. 

Thứ năm, về phương diện chiến lược thâm độc của Trung Cộng, phải để ý đến tử huyệt sung yếu của ta là Đèo Ngang. Đèo Ngang là khu vực hẹp nhất của đất nước, với chiều rộng Đông-Tây khoảng 70 km. Vùng này đã bị Trung Cộng án ngữ bằng dự án Vũng Áng trong 50 năm. Vũng Áng với rừng Lào phía Tây đã được Trung Cộng thuê lâu dài, để nếu cần thì chia cắt Việt Nam tại Đèo Ngang. Điều tương tự cũng có thể xảy ra ở Tây Nguyên khi Trung Cộng tham gia khai thác bauxít. 

Một chiến lược với khả năng xâm chiếm rộng khắp đã được Bắc Kinh bày ra để khống chế CSVN phản chủ. Chỉ còn 4 năm nữa là Hà Nội phải trả lời Bắc Kinh dứt khoát về quy chế “khu tự trị” đã hứa tại Thành Đô năm 1990. Lúc đó dù Hà Nội có muốn cựa cũng không cựa nổi. 

Chính sách “ba không” 

Từ khi mang thân xin làm nô lê cho Bắc Kinh tại Thành Đô năm 1990, để làm cho “thiên triều” khỏi phật lòng và tin tưởng, Hà Nội đã đề ra chính sách “ba không”. Chính sách đó đã được minh thị viết trên giấy trắng mực đen như sau: 

1/ không để nước ngoài thiết lập căn cứ quân sự tại Việt Nam;

2/ không đi với nước này để chống nước kia;

3/ không cho nước khác sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại một nước khác.

Chính sách nói trên chỉ nhằm làm yên lòng Trung Quốc thế thôi chứ thực ra thì trong những năm gần đây Hà Nội cũng nhận thấy rằng trên đất liền cũng như tại Biển Đông, Trung Cộng đang dùng sức mạnh “cả vú lấp miệng em” để nói lấy được. Thái độ của Bắc Kinh tại Biển Đông không phải là muốn đàm phán song phương hay đa phương mà là một lập trường không thương lượng được. Trường hợp của dàn khoan HD-981 là một minh chứng. Câu 16 chữ vàng và 4 tốt họ đề ra là để cho Việt Nam và một số các nước nhỏ trong vùng vâng lời chứ không phải để cho Bắc Kinh thực hiện. 

Lúc này, lực lượng hải quân của CSVN chỉ ở vào khoảng từ 5 đến 7% lực lượng hải quân của Trung Cộng. Như vậy, cán cân về sức mạnh quân sự giữa hai nước không được quân bình. Chính sách “ba không” rõ ràng là một đường lối mà CSVN không thể duy trì để tiếp tục đi trong tình huống hiện nay. Với một bờ biển dài và quan trọng như vậy, hải quân CSVN không đủ sức để bảo đảm an ninh quốc phòng cho đất nước. 

Sự yếu đuối dưới biển cũng được phản ánh trên bầu trời. Theo IISS (International Institute for Strategic Studies) thì Việt Nam có khoảng 90 phi cơ chiến đấu gồm các loại MIG 21, SU2, SU24, SU 30 là những phi cơ đã quá cũ và lỗi thời. Nếu đem so sánh với Đài Loan với diện tích chỉ bằng 1/9 của Việt Nam thi ta phải cảm thấy xấu hổ vì họ có tới 400 phi cơ gồm toàn những loại tối tân hiện đại.

Lập trường “một có” 

Vào lúc này, Trung Cộng chưa sẵn sàng thương lượng. Chừng nào họ chưa củng cố xong những cứ điểm ở Trường Sa và từ ngoài vịnh Bắc Bộ xuống tới phía Nam thì lập trường của họ là không nói chuyện. Sau khi dàn khoan HD-981 được đưa vào Biển Đông thì sự kiện này đã làm đảo lộn quan hệ Việt-Trung và làm người Việt Nam mất lòng tin vào những thỏa thuận cấp cao với các lãnh đạo Hoa Lục. Nói khác sự kiện dàn khoan HD-981 đặt ra nhu cầu phải cài đặt lại quan hệ với Bắc Kinh. 

Thông tin của Trung Cộng cho biết rằng, trong Hội Nghị Singapore gần đây, tại tọa đàm ba bên Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ, đại diện của Việt Nam cho biết:“Chúng tôi vẫn duy trì chính sách ba không đấy, nhưng mà có thêm một có”. 

Một có không phải là phản ứng chiến thuật mà là quan điểm chiến lược. Đại diện Hà Nội xác định thêm: việc mua bán võ khí hay tăng cường tiềm lực giám sát biển nằm trong khuôn một có mà Việt Nam cần làm và phải làm mạnh. Cái ba khôngkhiến Việt Nam ở trong thế bị động. Do đó cần phải bổ túc thêm một có để được chủ động và linh hoạt về cả hai phương diện chiến lược và chiến thuật. 

Thái độ của Mỹ hiện nay tại Biển Đông rất thuận lợi cho CSVN. Chính quyền Obama đã lên tiếng hỗ trợ các quốc gia láng giềng của Trung Quốc trong tranh chấp hải phận và chính tổng thống Mỹ đã tự tay mang đến cho cấp lãnh đạo Hà Nội việc bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương. 

Bản đồ lưỡi bò chín đoạn của Trung Cộng đã bị Quốc hội Hoa Kỳ phủ nhận vào tháng 2/2014 và quyết định này đã được công bố cho toàn thế giới biết. Mỹ sẽ can thiệp nhiều hơn vào sự tranh chấp lãnh hải này để giữ uy tin cho các đồng minh tại Á Châu. 


Chuyến đi của TT Obama sang thăm Việt Nam cuối tháng 5/2016 vừa qua là một cơ hội bằng vàng mà những người lãnh đạo cộng sản phải nắm lấy, nếu trong tim óc họ còn một chút gì gọi là tinh thần dân tộc. 

Những đám đông dân chúng đang đêm đổ ra đường hoan nghênh một kẻ “cựu thù” chứng minh là “lòng dân và ý Đảng” đã không còn song hành như trong thời hoang dã nữa. Sớm muộn gì rồi đây đất nước và dân tộc sẽ nhanh chóng trở thành văn minh dân chủ, nếu lời hứa bán nước Thành Đô không trở thành sự thật.

24.05.2016

Xã hội lại tăm tối ngột ngạt mông muội trong đấu tố

Phạm Đình Trọng (Danlambao) - Lấy đấu tố thay cho luật pháp, lấy quyền uy thay cho lẽ phải chỉ diễn ra ở xã hội mông muội chưa có pháp luật. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước bằng hành xử vô pháp luật, lấy đấu tố thay cho pháp luật, lấy quyền uy thay cho lẽ phải thì lối hành xử đó chỉ đưa xã hội lùi về thời hồng hoang mông muội, làm sao có thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa!

*

Trong thảm họa của đất nước, biển bị đầu độc, cá chết xếp lớp dưới đáy biển và cá chết nổi trắng thê lương, dày đặc trên mặt biển trải dải hàng trăm kilomet thì một trang mạng cá nhân của một người làm truyền thông chia sẻ một clip của đài truyền hình cấp nhà nước về cái chết của cá ở vùng biển bị đầu độc là việc quá nhỏ nhặt, thường tình và chính đáng. Đó là quyền tư do báo chí, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt chính kiến đã được hiến định, không vi phạm bất cứ điều luật tố tụng hình sự nào.

Liên tiếp hai máy bay hiện đại nhất, kỳ vọng nhất của đất nước gặp nạn ngoài biển, máy bay tan tành, cả chục người đang là nhân lực quí hiếm của đất nước chết thảm theo máy bay. Đồng cảm, chia sẻ với nỗi đau, nỗi bất an lớn đó của đất nước, trang facebook của nhóm nhà báo trẻ đã đưa ra các tình huống: Máy bay bị bắn; Máy bay bị giông lốc quật xuống biển vỡ tan; Máy bay chất lượng kém do tham nhũng trong ngành quốc phòng luôn bị đóng dấu mật..., để các nhà báo thảo luận vì sao chiếc máy bay thứ hai là máy bay tuần tra, trinh sát hiện đại, đắt tiền Casa 212, có tính ổn định, an toàn cao nhưng vừa bay ra biển đã tan xác. Diễn đàn đó của trang facebook cũng chỉ là một sinh hoạt dân sự lành mạnh, bình thường, quá nhỏ nhặt, thường tình và hợp pháp.

Dồn dập những tai ương ngoài biển cướp đi mạng sống của hàng ngàn dân lành, cướp nguồn sống của hàng triệu người dân đánh cá. Kéo dài đã nhiều năm vấn nạn cướp đất, cướp đi nguồn sống của hàng vạn gia đình nông dân trên khắp cả nước. Liên tiếp những sự biến thách thức nghiêm trọng an ninh đất nước, nỗi đau mất lãnh thổ thiêng liêng đã diễn ra và đang hiển hiện nguy cơ mất cả giang sơn gấm vóc, mất cả nòi giống Lạc Hồng. Lồ lộ quá nhiều quan chức hư đốn ngang nhiên tham nhũng của cải của nước, tham nhũng quyền lực của dân, vô liêm sỉ và trắng trợn thách thức người dân khi đưa những đứa con non nớt, công tử bột, cuộc đời trống rỗng, chưa thử thách, rèn luyện, chưa công tích, đóng góp, không một chút năng lực quản lý, lãnh đạo vào những vị trí nắm quyền lực lớn của nhà nước và nắm hàng ngàn tỉ đồng tiền vốn làm ăn sinh lời của dân để rồi quyền lực của dân trở thành quyền lực của riêng con ông cháu cha, nền hành chính nước nhà khép kín âm u, trì trệ, cồng kềnh, quan liêu, chỉ biết hành dân, để rồi hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng vốn liếng là mồ hôi nước mắt của dân, là máu của nền kinh tế đất nước bị thất thoát, thua lỗ, mất mát dễ dàng, mau lẹ. Trước những tai họa và vấn nạn nguy khốn như vậy thì cả hệ thống truyền thông hùng hậu của nhà nước lạnh lùng làm ngơ, bình chân như vại nhưng lại quá xăng xái, sôi sục bất thường khi lôi hai sự việc cỏn con, vụn vặt, thường tình, hợp pháp kia ra hằn học xét nét, gay gắt lên án.

Đài truyền hình quốc gia hùng hổ huy động cả một đội ngũ những nhà báo, nhà thơ, tiến sĩ vào một chương trình truyền hình kéo dài cả tiếng để áp đảo, chất vấn, tra hỏi, truy bức một người đơn độc: “Động cơ gì? Động cơ gì mà chia sẻ clip cá chết?”, biến một chương trình truyền hình văn hóa xã hội thành màn đấu tố sôi sục, ngột ngạt và lạc lõng giữa kỉ nguyên dân chủ và văn minh tin học. Xu thế dân chủ hóa cho người dân được làm mọi việc pháp luật không cấm và công nghệ thông tin đã xóa đi mọi khoảng cách không gian và thời gian, đưa người dân tiếp cận với mọi thông tin, mọi sự thật.

Tờ báo đã coi phẩm chất một nhà báo cần có suy nghĩ, có tư duy, có chính kiến riêng phải như phẩm chất một con chó chỉ biết có miếng ăn và sự trung thành với miếng ăn, tờ báo với tổng biên tập có phẩm chất của con chó mà họ cho là cao quí đó đã hô lên hiệu lệnh khởi xướng cuộc đấu tố, luận tội diễn đàn Nhà Báo Trẻ đã dùng từ “tan xác” với chiếc máy bay Casa 212 bị nạn ngoài biển và những tờ báo quốc doanh cũng có phẩm chất như tờ báo khởi xướng cùng với những tướng lãnh võ biền một sao, hai sao, những nhà báo, nhà thơ, tiến sĩ, quan chức và cả bộ máy quyền lực nhà nước ào ào lao vào cuộc đấu tố, luận tội từ “tan xác” quá nhỏ nhặt, thường tình trên diễn đàn Nhà Báo Trẻ kia.

Cuộc đấu tố những nghệ sĩ, những nhà văn hóa, nhà khoa học trong vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, cuộc đấu tố những nhân cách trung thực, những trí tuệ chói sáng, những khí phách trung kiên trong vụ án Xét lại chống lại sự lạc lối đi theo tư tưởng Mao của đảng cộng sản đã đánh tan tác một thế hệ trí thức tài năng vừa hình thành đội ngũ đi đầu, mở đường cho sự phát triển của đất nước. Hậu quả cuộc đấu tố nặng nề đến mức đội ngũ trí thức bị đánh tan tác cho đến tận hôm nay vẫn manh mún, liêu xiêu, ngơ ngác, lơ láo chưa hoàn hồn, cho đến hôm nay chỉ có những cá nhân trí thức ít ỏi, nhỏ bé, lẻ loi, đơn độc và rúm ró trong sợ hãi, không có một đội ngũ trí thức đủ mạnh, đủ dũng khí, bản lĩnh định hướng, soi sáng con đường đi cho đất nước.

Cải cách ruộng đất phát động số đông nông dân không thước đất cắm dùi, chỉ biết cắm mặt làm thuê, nghèo khổ, mù chữ vào cuộc đấu tố, bức hại những người chủ đất giỏi giang biết tổ chức sản xuất làm ra của cải nuôi cả xã hội. Bục đấu tố nào cũng liền kề pháp trường giữa cánh đồng và hàng trăm ngàn chủ đất lương thiện có công lớn với dân với nước đã bị dẫn từ bục đấu tố ra pháp trường nhận lấy cái chết tức tưởi. Dù vị tư lệnh tối cao cuộc cải cách ruộng đất có đứng trên diễn đàn Quốc hội trình diễn màn xin lỗi mùi mẫm ứa nước mắt nhận sai lầm của cuộc đấu tố tàn bạo, man rợ trong cải cách ruộng đất thì cuộc đấu tố đó đã đánh một đòn chí tử làm tan rã, ly tán khối đoàn kết đùm bọc của dân tộc Việt Nam, để lại hậu quả cho đến tận hôm nay vẫn chưa thể hàn gắn, dân tộc Việt Nam vẫn ly tán trong phân chia giai cấp, trong khác biệt ý thức hệ, để lại một nỗi đau, một vết nhơ hằn sâu mãi mãi trong lịch sử Việt Nam đã có quá nhiều đau khổ.

Những người chồm chồm nhảy lên đấu tố những chủ đất có công tổ chức sản xuất tạo ra miếng ăn nuôi xã hội, nuôi cuộc kháng chiến chống Pháp là những người nông dân chân đất áo đụp, nghèo khổ, mù chữ, làm thuê. Còn những người xăng xái xông ra đấu tố “Động cơ gì? Động cơ gì mà chia sẻ clip cá chết?”, những tướng lĩnh, quan chức, nhà nọ, nhà kia hằm hè kết tội diễn đàn Nhà Báo Trẻ chỉ vì chữ “tan xác” đều là những người xúng xính với quần là, áo lượt, đều bằng cấp đầy mình, học hàm học vị chót vót nhưng hành xử của họ vẫn không khác những người nông dân chân đất, áo đụp, mù chữ, vẫn chưa đủ nhân cách và tri thức làm chủ con người mình, vẫn chỉ là đám đông, là công cụ của những phong trào, những chiến dịch và căn tính nông dân thời manh mún, hủ lậu vẫn làm chủ, chi phối, dẫn dắt họ! 

Lấy đấu tố thay cho luật pháp, lấy quyền uy thay cho lẽ phải, chỉ diễn ra ở xã hội mông muội chưa có pháp luật. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước bằng hành xử vô pháp luật, lấy đấu tố thay cho pháp luật, lấy quyền uy thay cho lẽ phải thì lối hành xử đó chỉ đưa xã hội về thời hồng hoang mông muội, làm sao có thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa!

24.6.2016