Monday, July 10, 2017

Tính tuyệt đối, toàn diện của Đảng: cần xem lại?

Kỳ Lâm (VNTB) Người dân Việt Nam “từ ngày có Đảng” thường được nghe mãi câu nói: “Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng – nhân tố quyết định chiến thắng của…”.

Có một thời, câu nói này là chân lý tuyệt đối, và ai cũng tin với “sức mạnh” và sự “lãnh đạo” gần như trăm tai, ngàn mắt, Đảng sẽ là “ánh sáng soi đường”, cho sự nghiệp đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Và tất nhiên, Đảng sẽ là “đạo đức, là văn minh”.

Cho đến khi, sự toàn diện, sự tuyệt đối lãnh đạo của Đảng lại trở thành nguyên cớ của sự hủ hóa và suy thoái đạo đức ở tầng lớp cán bộ Việt Nam.

Gần nhất đây, liên quan đến những sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư tỉnh ủy, người chỉ được “phát hiện” qua đơn tố cáo, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng “không nắm được”.

Và mặc dù sai phạm từ năm 2008, lãnh đạo tỉnh này nói không biết cho đến khi có đơn tố cáo.

Điều này cho thấy, tổ chức đảng tại Đồng Nai hoặc bị tê liệt hoàn toàn; hoặc là đang chê giấu sai phạm cho “đồng chí” của mình.

Và dù nằm ở trường hợp nào, thì nó cũng minh chứng cho việc, sự lãnh đạo “toàn diện” của Đảng đã trở nên vô hiệu hóa, trong khi sự lãnh đạo “tuyệt đối” của Đảng đã khiến cho quyền lực bị “lạm dụng” một cách triệt để.

Cụ thể, nếu đặt trong bối cảnh sai phạm liên quan đến việc “chấp thuận cho Công ty TNHH Cường Hưng làm chủ đầu tư dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ tại xã Phước Tân có tổng diện tích 91,75 ha, quy mô dân số khoảng 15.000 người” thì Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nơi có quyền “quyết định những vấn đề lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội; các chương trình, dự án trọng điểm về đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh... liên quan đến đời sống nhân dân địa phương”; và Ban thường vụ tỉnh ủy nơi “cho ý kiến về các dự án đầu tư liên quan đến sử dụng đất có diện tích từ 01 ha trở lên” lại là nơi làm trái tuyệt đối nhất quan điểm, nguyên tắc lãnh đạo Đảng. Nó không những không phát huy tính “toàn diện” và sâu sắc trong kiểm tra, kỷ luật, quản lý Đảng viên, mà ngược lại, yếu tố “tuyệt đối” của Đảng khiến cho Đảng viên cao cấp hay những lãnh đạo cao nhất của Đảng tại tỉnh Đồng Nai tha hóa, biến chất, chi phối tập thể và làm lợi cho mình. Ở góc khác, giữa các đảng viên cao cấp nhìn nhau để phán xử trên tinh thần “đồng chí tốt”, “tạo điều kiện” cho bà Phan Thị Mỹ Thanh tiếm quyền, vượt quyền nhằm mưa lợi cá nhân.

Đó là về tập thể, còn về cá nhân lãnh đạo, thì bản thân ông Nguyễn Phú Cường là Bí thư tỉnh ủy, là cấp trên trực tiếp của bà Phan Thị Mỹ Thanh, đồng thời là người đứng đầu tỉnh bộ (cơ sở Đảng tại tỉnh Đồng Nai), nhưng không nắm được “tình hình” thì khác gì xóa bỏ nguyên tắc số 3 về Đảng lãnh đạo hành chính nhà nước?

Nguyên tắc số 3 về Đảng lãnh đạo hành chính nhà nước có đề rõ, “Ðảng lãnh đạo trong quản lý hành chính nhà nước thông qua công tác kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng trong quản lý hành chính nhà nước”.

Sự việc xảy ra tại tỉnh Đồng Nai càng cho thấy, vấn đề đảng lãnh đạo tuyệt đối là có, nhưng về mặt toàn diện dường như trở thành một nhiệm vụ bất lực khi mà người gây sai phạm là là những người đứng đầu cơ sở Đảng, họ trực tiếp sử dụng quyền lực của Đảng cho để gây sai phạm (vừa đá bóng, vừa thổi còi). Trước đó, những sai phạm liên quan đến cơ sở Đảng tại các khu vực hành chính, kinh tế nhà nước cũng xuất phát từ hệ thống đảng bộ bị tê liệt, trong đó có vụ PMU 18 và vụ vi phạm của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô.

Sai phạm lần này cũng gián tiếp tố cáo những tổ chức hình thức “công” như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ Việt Nam, thậm chí là Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Nơi mà bà Phan Thị Mỹ Thanh chắc chắn đang sinh hoạt, tuy nhiên, lại là nơi không hề nắm bắt gì về lối sống, sinh hoạt đạo đức của đồng chí mình?

Nếu đặt Nghị quyết T.Ư 4 về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cơ sở Đảng”, thì rõ ràng, nó là một câu chuyện cười về thuộc tính “ngược lại”. Tính là tính văn hoa của Nghị quyết cao bao nhiêu, thì thực tiễn (thực hiện Nghị quyết tại cơ sở) lại thảm bại bấy nhiêu. Không những không được xây dựng và tăng cường các yếu tố có lợi cho dân, cho nước, mà ngược lại, việc lạm dụng khẩu hiệu hoặc Nghị quyết chỉ là nhằm vào tăng cường quyền lực cá nhân, sức chiến đấu để “tham nhũng” và để chỉnh đốn tập thể nhằm vun lợi cho mình.


Điều đó cũng hàm nghĩa, những tuyên bố hay thậm chí là những quan điểm dựa vào nghị quyết hay các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng từ những nhà lãnh đạo Đảng chỉ là những tuyên bố hời hợt và hoàn toàn không có sức sống. 

‘Quân đội làm kinh tế’: Khi Quân ủy trung ương ‘đá’ nhau

Thiền Lâm11-07-2017
(VNTB) - Chỉ qua vụ việc “quân đội làm kinh tế” mà Quân ủy trung ương còn “đá” nhau đến thế, thử hỏi khi thật sự cần bảo vệ Tổ quốc thì quân đội Việt Nam sẽ làm gì ngoài biển đảo và biên giới?

Không biết vô tình hay hữu ý, đúng vào ngày công bố dự thảo kết luận thanh tra tại huyện Mỹ Đức, Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã “thăm và làm việc” tại Viettel với những chỉ đạo không thể vô tình: “trách nhiệm chính trị của đảng bộ quân đội là phải phấn đấu có thêm nhiều doanh nghiệp như Viettel”, và “tham gia phát triển kinh tế, xây dựng kinh tế là chức năng, thể hiện được truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam”.


Ông Ngô Xuân Lịch - nhân vật mất hút trong cơn sóng trào tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2017 liên quan đến một cuộc khủng hoảng khác - “sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất” - đã bất thần lộ diện như thế, bất thần và như một cách lên tiếng phủ nhận phát biểu “quân đội sẽ không làm kinh tế nữa” và “đây là chủ trương của Bộ Quốc phòng” của Thứ trưởng quốc phòng Lê Chiêm chỉ mới vào cuối tháng 6/2017.

Mặc dù báo chí và công luận sôi nổi được một thời gian ngắn với đa số ý kiến ủng hộ “chủ trương” của ông Lê Chiêm, nhưng quan điểm này chỉ tồn tại được một thời gian ngắn. Còn sau đó, mặt nước chợt lặng hẳn đi như chưa hề có một hòn đá nào được ném xuống. Thậm chí còn xuất hiện ý kiến nghi ngờ rằng phát biểu của ông Lê Chiêm chỉ mang tính chất cá nhân chứ không phải của “vua tập thể”.

Nghi ngờ trên phần nào có cơ sở. Tướng Lê Chiêm bật ra những phát biểu trên trong ngữ cảnh không phải là một cuộc họp chính thức của Bộ Quốc phòng, cũng chẳng có văn bản nào của Bộ Quốc phòng đính kèm, mà lại trong một cuộc họp với Thành ủy và chính quyền TP.HCM do Thủ tướng Phúc chủ trì với chủ đề chính là về “sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất”.

Dù ngay đến một cựu sĩ quan quân đội là Trung tá Lê Trọng Sành - nguyên Cục phó Cục tác chiến Quân chủng Phòng không không quân - còn phải nêu ý kiến “Quân ủy trung ương cần có ý kiến”, nhưng từ đó đến nay những đầu não của “Quân ủy trung ương” như Bí thư quân ủy Nguyễn Phú Trọng và Phó bí thư quân ủy kiêm bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã chưa bao giờ dám lộ diện để hồi âm trước đòi hỏi “trả sân golf về sân bay” của công luận.

Không dám thể hiện chính kiến trong vụ sân golf Tân Sơn Nhất, nhưng lại sẵn sàng “bảo vệ Tổ quốc” bằng hành động phủ nhận quan điểm “quân đội không làm kinh tế nữa”.

Quân Đội Nhân Dân – tờ báo "cơ quan ngôn luận" của Bộ Quốc phòng - đã mở cả một chiến dịch như thể phản bác và phủ nhận thủ trưởng Lê Chiêm của họ. Vào ngày ngày 30/6/2017, tờ báo chuyên chính này đăng bài “Khẳng định vai trò của Quân đội ta trên mặt trận sản xuất, xây dựng kinh tế”. Sau đó, tờ báo này tổ chức một hội thảo lấy ý kiến các tướng lĩnh và chuyên gia, với tuyệt đại đa số đồng tình với “quân đội làm kinh tế là nhiệm vụ chính trị”.

Cần nhắc lại, ở Trung Quốc, Tập Cận Bình đã tước hẳn quyền làm kinh tế của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Các doanh nghiệp quân đội Trung Quốc đã phải chấm dứt cảnh “mượn đầu heo nấu cháo” kể từ năm 2016.

Trong khi đó, hàng trăm doanh nghiệp kinh tế quân đội ở Việt Nam vẫn nghiễm nhiên kinh doanh, trong số đó có nhiều vụ việc lợi dụng chính sách như dạng chiếm dụng 157 ha của sân bay Tân Sơn Nhất nhưng đã không hề bị pháp luật sờ gáy.

Những dấu hiệu và biểu hiện liên quan đến “quân đội làm kinh tế” cho thấy dường như trong quân đội đang có hai “trường phái” - một phe muốn chấm dứt thời kỳ đặc quyền đặc lợi của các danh nghiệp quân đội, còn phe kia đang cố níu kéo lợi ích được ngày nào hay ngày nấy.

Rất có thể, mối bất đồng sẽ trở nên sâu sắc hơn hoặc hơn hẳn chính từ những xung đột lợi ích này.  


Chỉ qua vụ việc “quân đội làm kinh tế” mà Quân ủy trung ương còn “đá” nhau đến thế, thử hỏi khi thật sự cần bảo vệ Tổ quốc thì quân đội Việt Nam sẽ làm gì ngoài biển đảo và biên giới?

Chính sách, pháp luật nào của Đảng?

Nguyễn Tường Thụy -10-072017
(VNTB) LĐLSVN (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) mới có văn bản số 173/BTV-LĐLSVN chấn chỉnh các luật sư, không được phát ngôn theo ý chủ quan trên mạng xã hội, “chưa phù hợp với chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước”.

Đọc xong, tôi giật mình. Theo LĐLSVN thì Đảng (Đảng Cộng sản Việt Nam) sinh ra chính sách hoặc pháp luật hoặc cả hai (!?)

​Hình: news.zing
Pháp luật của Nhà nước, điều này ai cũng rõ. Nhưng Đảng cũng không sinh ra chính sách vì như thế là bao biện, làm thay

“Chính sách là những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối, nhiệm vụ. Chính sách được thực hiện trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể nào đó. Bản chất, nội dung và phương hướng của chính sách tùy thuộc vào tính chất của đường lối, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa…” (Từ điển bách khoa Việt Nam). 

Chính sách căn cứ vào đường lối mà đặt ra, ví dụ chính sách đối với đồng bào dân tộc ít người, chính sách đối với vùng sâu vùng xa. Cũng như pháp luật, chính sách cụ thể hóa đường lối.

Còn Đảng chỉ đưa ra đường lối thôi, ví dụ đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, đường lối hợp tác hóa nông nghiệp… (mà những đường lối này đều tắc tị hoặc phá sản).

Trên thực tế có thể có chuyện đảng đưa ra chính sách, thậm chí can thiệp vào những việc cụ thể hơn nữa như quyết định bố trí nhân sự vào bộ máy hành pháp. Nhưng đó là chuyện lấn sân. Còn đã nói bằng văn bản thì phải nói theo sự phân công của hệ thống chính trị.

Sự nhầm lẫn này thật đáng tiếc nhất là trong văn bản của LĐLSVN - tổ chức phải nắm vững luật hơn ai hết.

Trở lại chuyện chấn chỉnh các luật sư. LĐLSVN muốn tỉa tót, nhào nặn các luật sư theo khuôn mẫu của Đảng, tước đi quyền nói năng hàng ngày của họ. Thiết tưởng, đã là luật sư thì phải thượng tôn pháp luật và chỉ chấp hành luật pháp là đủ . Cũng như mọi công dân khác, họ căn cứ vào pháp luật, điều gì cấm và điều gì không cấm để phát ngôn hay hành nghề. Họ không cần biết đến đường lối của Đảng ra sao vì đường lối của Đảng đã được cụ thể hóa trong các điều khoản của luật pháp và trong các văn bản pháp qui khác.

Với văn bản này, LĐLSVN tước bớt đi của giới luật sư quyền công dân. Tại sao lại cấm họ bình luận theo ý chủ quan của mình? Trong vai trò bào chữa, nếu họ chỉ được nói những điều theo kết luận của cơ quan nhà nước thì luật sư làm gì được cho thân chủ đây khi công tố, hội đồng xét xử buộc tội thân chủ của họ một cách oan ức? Trong trường hợp luật sư biết rõ những tình tiết chứng minh thân chủ bị oan sai nhưng vì chưa có “kết luận của cơ quan nhà nước”, luật sư cũng phải ngậm miệng sao?

Nói và làm theo pháp luật đó là nghĩa vụ và quyền lợi của công dân chứ không thể nói và làm theo các cơ quan nhà nước khi rất nhiều cơ quan nhà nước làm cũng sai mà ban hành văn bản cũng sai. Chính luật sư, giới trước hết có khả năng vạch ra những cái sai đó.


Văn bản của LĐLSVN không chỉ nhầm lẫn vai trò của Đảng mà còn muốn tước đi của luật sư những quyền tối thiểu như quyền bày tỏ chính kiến, hạn chế tư duy sáng tạo của luật sư. LĐLSVN muốn biến nốt số luật sư có chính kiến ít ỏi còn lại thành vật trang trí cho nền pháp luật hiện nay.

Liệu còn ai “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”?

Trung Nguyễn-09-07-2017

(Tiếng Dân)

“Những người lính phải ngày đêm tập luyện trên thao trường hay phải ở doanh trại 24/24 với đồng lương còm nhìn sang những “người lính làm kinh tế” với thời gian làm việc nhàn hơn, lương cao hơn và có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn, và hệ quả là lên cấp, lên chức nhanh hơn với suy nghĩ gì? Họ sẽ đặt câu hỏi, liệu có công bằng hay không giữa lính chiến đấu và lính kiếm tiền?”
chuyen-gia-nga-luc-quan-viet-nam-manh-nhat-dong-na
Những người lính này nghĩ gì về chủ trương “quân đội làm kinh tế”? Nguồn: QĐND VN
Hiện nay đang rộ lên tranh luận dữ dội về chuyện quân đội có nên làm kinh tế hay không. Về phía người dân, trí thức thì hầu như đồng tình với quan điểm quân đội nên chấm dứt làm kinh tế mà tập trung vào nhiệm vụ tập luyện, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên vẫn còn những tướng lãnh, quan chức cao cấp nhân danh những điều có vẻ cao đẹp hay tưởng chừng có lý để bảo vệ cho những công ty quân đội được tiếp tục hoạt động.

Từng là một người lính, có bố cũng là một cựu chiến binh, bạn bè, họ hàng cũng có một số người theo nghiệp lính, tôi chỉ muốn kể ra vài câu chuyện mà tôi thấy để các lãnh đạo đảng cộng sản có thêm thông tin để ra quyết định đúng. Vì e rằng họ ở cao và xa quá, bản thân chỉ nhận được những báo cáo màu hồng của cấp dưới mà không nghe được sự thật.

Sỹ quan con ông cháu cha

Tôi từng chứng kiến một sỹ quan trẻ có bố là Thượng tướng – Thứ trưởng Bộ quốc phòng mỗi ngày đến đơn vị là lái một chiếc xe ô tô hạng sang khác nhau, với đủ các hiệu như Mercedes, BMW, Audi, Lexus… Hỏi ra mới biết là viên tướng này được cấp rất nhiều đất quốc phòng, ngoài ra còn kinh doanh bên ngoài. Lính ở đơn vị cũng bị huy động để làm bảo vệ cho các cơ sở kinh doanh đó.

Một người lính chịu trách nhiệm phục vụ riêng cho tay sỹ quan trẻ đó (trong quân đội gọi là “le le”), có lần kể tôi nghe là trong chiếc điện thoại Mobiado của hắn toàn số điện thoại của các người mẫu, diễn viên, ca sỹ trẻ đẹp.

Tôi biết các sĩ quan khác rất ác cảm đối với viên sỹ quan trẻ đó. Họ có thể rất nỗ lực phấn đấu nhưng chắc chắn không bao giờ có thể thăng tiến nhanh bằng một sỹ quan con ông cháu cha, dù bất tài, ăn chơi giỏi hơn bắn súng. Ngoài ra, với đồng lương của một sỹ quan, họ nuôi gia đình rất vất vả, lại chịu thiệt thòi ở trong doanh trại 24/24, bao giờ họ có thể sắm được một chiếc ô tô chứ đừng nói gì một chiếc siêu xe?

Một chính trị viên đại đội từng tâm sự với tôi rằng, nếu Bộ Quốc phòng chấp nhận tất cả đơn xin ra khỏi ngành của đơn vị, cả đơn vị chỉ còn lại 10 sỹ quan là con ông cháu cha. Những sỹ quan con em dân thường đều không muốn tiếp tục cống hiến trong quân đội.

Nước sông công lính

Người thân ở quê tôi miền Trung cũng kể tôi nghe về những tháng ngày họ phải đi nghĩa vụ quân sự. Anh em bộ đội toàn bị bắt phải đi lao động như phụ hồ, trồng trọt hoa màu,… theo thỏa thuận giữa chỉ huy đơn vị và doanh nghiệp ngoài quân đội. Lính không hề nhận được tiền công, dĩ nhiên, chỉ huy là người nhận hết.

Những đơn vị quân đội rất hay lợi dụng sức lao động không công của lính để phục vụ cho các công ty quân đội. Ví dụ như lính có thể đi kéo cáp điện thoại, xây các công trình không công cho Viettel. Thử hỏi có doanh nghiệp dân doanh nào có được lực lượng lao động hùng hậu và miễn phí như thế để có cái gọi là “cạnh tranh bình đẳng” hay “kinh tế thị trường”? Chưa kể đến chuyện Viettel sử dụng đất quốc phòng cũng là “xài chùa”.

Cần biết là lính đi nghĩa vụ đa số là con nhà nghèo vì không có tiền để chạy. Bố mẹ nhà giàu có con ăn chơi, hút chích muốn con đi bộ đội cũng phải bỏ tiền ra chạy. Nói chung thì đằng nào các sỹ quan phụ trách tuyển lính cũng được lợi.

Những người lính trẻ thấy bất công rành rành trước mặt như vậy, bị bóc lột như vậy thì tự họ cũng nhận ra được bản chất bất công của chế độ. Không cần một thế lực thù địch nào phải “nói xấu”, “bôi nhọ” chế độ với họ. Những bất công đó chính là chất xúc tác khiến quá trình “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong quân đội cũng như trong thanh niên, diễn ra nhanh hơn bao giờ hết.

Làm lính hay sỹ quan gì cũng đều phải “chạy”

Một bạn tốt nghiệp Trung cấp an ninh quân đội tâm sự với tôi rằng, bạn phải chạy để được ở lại Sài Gòn, nếu không thì sẽ bị điều đi vùng sâu, vùng xa như Tây Nguyên.

Một bác hàng xóm của tôi cũng kể là bác ấy phải chạy cả trăm triệu để con bác ấy được nhận vào làm sỹ quan chuyên nghiệp.

Bạn của bố tôi, đang mang hàm đại tá, cũng kể với bố tôi là bác ấy được ra giá cho chức thiếu tướng là 20 tỷ đồng.

Khi sao, vạch được định giá bằng tiền chứ không phải bằng tài năng, cống hiến thì liệu sỹ quan cấp dưới có còn phục sỹ quan cấp trên nữa không, hay chỉ còn sự khinh bỉ nhưng vẫn giả bộ phục tùng? Điều này cực kì nguy hiểm vì kỉ luật là sức mạnh của quân đội. Khi cấp dưới khinh thường cấp trên thì khi có biến, cấp dưới cũng sẽ vứt bỏ tấm mặt nạ phục tùng của mình.

Một hệ thống như vậy sẽ khuyến khích các sỹ quan biết chạy chọt, biết lợi dụng chức quyền để kiếm chác, và sẽ làm nản lòng những người tâm huyết, tài năng.

Tham nhũng

Trong một lần xe quân sự chở lính đi ra trường bắn ở xa doanh trại để tập luyện, tôi chứng kiến sỹ quan lái xe dừng xe giữa đường hút xăng ra để bán cho một cây xăng ven đường. Tham nhũng vặt là vậy.

Một anh bạn tôi là doanh nhân trong ngành vải. Anh này kể cho tôi nghe rằng các công ty quân đội nhập khẩu vải về mà không phải đóng thuế vì khai là hàng phục vụ cho nhu cầu quốc phòng. Sau đó thì số hàng hóa đó được bán lại cho các công ty khác với giá rẻ hơn rất nhiều và đưa ra thị trường. Thật sự làm kinh doanh trong công ty quân đội có thể kiếm lời rất dễ dàng với những thủ thuật trốn thuế như vậy. Đó là tham nhũng lớn.

Vẽ dự án

Một người bạn tôi là sỹ quan kỹ thuật của quân đội. Bạn cũng ngao ngán kể tôi nghe về chuyện vẽ các dự án kỹ thuật trong quân đội. Ví dụ như tiền xin rót về dự án là 10 tỷ, tiền phải lại quả cho các sếp duyệt dự án là 5 tỷ. Tiền các sỹ quan trong tổ dự án kỹ thuật chia nhau cũng khoảng 3 tỷ. Còn lại là tiền thực sự để làm dự án thì không bao nhiêu, không đủ để làm bất cứ thứ gì ra hồn nhưng cũng giả bộ nghiệm thu, và rồi cũng lại quả cho các sỹ quan nghiệm thu. Tất cả thành một đường dây khép kín để moi tiền của Bộ quốc phòng, tức là tiền thuế của dân. Trong khi năng lực quốc phòng, sản xuất vũ khí không hề có tiến bộ gì.

Hỏi và suy ngẫm

Những người lính phải ngày đêm tập luyện trên thao trường hay phải ở doanh trại 24/24 với đồng lương còm nhìn sang những “người lính làm kinh tế” với thời gian làm việc nhàn hơn, lương cao hơn và có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn, và hệ quả là lên cấp, lên chức nhanh hơn với suy nghĩ gì? Họ sẽ đặt câu hỏi, liệu có công bằng hay không giữa lính chiến đấu và lính kiếm tiền?

Vậy khi giặc đến, thì những người lính chiến đấu đó liệu có “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” nữa hay không? Liệu họ có chiến đấu và chết cho một chế độ bất công hay không?

Câu trả lời xin dành cho các lãnh đạo của đảng cộng sản cầm quyền, cho các tướng lãnh trong quân đội.

Vốn Nhà nước quản lý còn thất thoát, huy động vàng của dân ra sao?

Dân trí-10-07-2017

Chia sẻ với PV Dân Trí xung quanh việc Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia mới đây kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và USD trong dân vào sản xuất kinh doanh, các chuyên gia từ Hiệp hội Vàng và nhà kinh tế độc lập có đánh giá thận trọng, một số hoài nghi về việc hiệu quả thực hiện.

Theo ý kiến của vị đại diện Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (đề nghị dấu tên), muốn đề án huy động vàng trong dân hiệu quả trước hết phải giải thích cho người dân hiểu hết nghi ngại của họ, đồng thời xác định rõ đối tượng vàng mà Nhà nước nên huy động cho nền kinh tế.
Vốn Nhà nước đã thất thoát, quản lý vàng của dân ra sao?
Theo vị đại diện Hiệp hội vàng kể trên, vấn đề cơ bản nhất hiện nay là người dân không tin là Nhà nước sử dụng vàng của họ có trả lại được cho họ hay không bởi họ đã nhìn thấy tiền vốn nhà nước bị thất thoát, bị tham nhũng làm phương hại đến hiệu quả đầu tư ở các dự án. Những thất bại đó đã gây tổn thất lớn cho nền kinh tế dẫn đến khi đề cập đến gửi vàng cho Nhà nước, ai cũng có tâm lý e ngại.
Đề án huy động vàng trong dân tiếp tục được đưa ra nhưng những có nhiều vấn đề mà dư luận vẫn băn khoăn về tính hiệu quả và thực tiễn
Đề án huy động vàng trong dân tiếp tục được đưa ra nhưng những có nhiều vấn đề mà dư luận vẫn băn khoăn về tính hiệu quả và thực tiễn
"Ở góc độ vĩ mô, nếu triển khai và huy động được vàng trong dân thì trước hết phải minh bạch các dự án đầu tư hay minh bạch trong việc sử dụng vốn từ vàng của dân để chí ít cũng cho người dân tin tưởng, hưởng ứng", đại diện Hiệp hội vàng cho biết.
Đại diện của Hiệp hội vàng kiến nghị: "Việc huy động vàng là vấn đề rất lớn, Việt Nam chưa làm nhưng quốc tế đã làm rồi, theo quan điểm của Hiệp hội nên học Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc mời các chuyên gia hàng đầu có kinh nghiệm của Hội đồng vàng thế giới đến giúp".
Về các số liệu để tính toán hiệu quả của đề án huy động vàng, chúng ta phải điều tra cụ thể, vì đây là số liệu liên quan đến đầu vào là chuyển đổi loại vàng nào? Ví dụ như vàng miếng SJC 99.99 hay vàng nhẫn tròn trơn 99.9% mà hiện nay nhiều DN đang kinh doanh, mua bán với dân hay vàng trang sức 75% trở lên?
"Có thực tế hiện các nhà vàng lớn ở Hà Nội, TPHCM và các thành phố lớn đang mua bán vàng nguyên liệu nhập khẩu 99.99% không chính thống số lượng rất nhiều và số lượng người dân có loại vàng này cũng không ít vì giá vàng thỏi nguyên liệu 1kg loại 99.99% này chênh lệch so với giá vàng quốc tế rất ít, mà việc nhập lậu không kiểm soát được", vị chuyên gia nói.
Vì vậy, theo Hiệp hội vàng, để có bài toán chính xác thì phải đánh giá đúng các loại vàng trong dân là những loại gì và liệu loại nào là khi nhận vàng của dân chúng ta kiểm tra, kiểm soát được chất lượng để đánh giá đúng giá trị của nó không thiệt cho người dân mà cũng không bị rủi ro cho Nhà nước.
Vàng là nơi trú ngụ, rất khó hút ra
Đánh giá đề án huy động vàng trong dân lần thứ 2 được đưa ra, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH&ĐT tỏ ra khá hoài nghi.
"Dù mục đích của chủ trương này đưa ra trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho đất nước đang cấp bách. Tuy nhiên, nếu không làm rõ được hiệu quả kinh doanh vốn của người dân. Tôi không hy vọng vào việc Nhà nước có thể huy động được vàng của dân để làm động lực phát triển kinh tế".
Ông Hồ nói thêm: Vì huy động vàng chính là một công cụ hành chính, ở đó người dân tự nguyên thì làm được nhưng Nhà nước áp đặt mệnh lệnh hành chính thì sẽ không huy động được.
“Thay vì Nhà nước huy động vàng trong dân để sản xuất, sao không có cách thức để cho dân không muốn giữ vàng nữa, bởi nó không có lãi, phải thay vì đầu tư vào vàng, bằng việc bán vàng để gửi tiết kiệm. Gửi vàng giá cao người ta mới gửi, người ta sẽ không bỏ vàng ra mua trái phiếu của Chính phủ”, TS Hồ nói.
Đồng quan điểm với TS Hồ, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam nói: "Tôi phản đối hoàn toàn bởi không có cách nào để Nhà nước đứng ra huy động vàng của dân, bởi lẽ một khi người dân đã mua vàng và cất trữ, tôi mua vàng là tôi bảo vệ giá trị, tôi chịu hy sinh để bảo vệ nguồn lực nằm không ở đó".
"Về nguyên lý kinh tế, chúng ta không thể lấy nó ra lại được, lại vừa sử dụng nguồn huy động đó vào phát triển vừa có cam kết bảo vệ giá trị của nó được", chuyên gia Thành nói.
Là đơn vị được tham gia vào đề án trên, ông Nguyễn Tất Thái, Quyền Trưởng ban, Ban Giám sát các Tập đoàn Tài chính, Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia nói: Theo kế hoạch đề án sẽ đưa ra các Hội đồng, sau đó đưa ra Tổ tư vấn của Thủ tướng để báo cáo trước khi đệ trình Chính phủ. Hiện nay, chúng tôi cũng đang tổng hợp các ý kiến thôi, chưa trình Chính phủ.
Ông Thái chia sẻ, ngay cả Hội đồng tư vấn cũng mới họp hôm 1/7, Ngân hàng Nhà nước là đầu mối cũng chỉ tổng hợp ý kiến sơ bộ chứ chưa có động thái làm sâu hơn. "Có nhiều nước đã huy động được vàng, nhiều người lo sợ huy động sẽ nảy sinh ra vàng hóa, nhưng hiểu thế nào là vàng hóa, phải làm rõ cái đó. Vàng có cách tiếp cận khác nhau, nếu vàng đầu tư thì nó là tiền, còn là tài sản tích trữ như nữ trang thì không tham gia vào phương tiện thanh toán", ông Thái nói.
Nguyễn Tuyền

Hịch quan tham

Phạm Văn Hải-10-07-2017 
(VNTB) Lịch sử đã chứng minh: Không có dân thì không có Tổ quốc, mất lòng dân thì chế độ suy tàn, độc tài tham nhũng tất diệt vong.

Ảnh minh họa
Nay, ta cùng các ngươi sống trong thời kinh tế khó khăn, hiện diện trong lúc chính trị thế giới phức tạp, dân nghèo nước yếu, môi trường bị tàn phá, xã hội suy đồi, tham nhũng đã là quốc nạn, vô cảm đã thành quốc bệnh, ngó thấy giặc bành trướng Trung Quốc đang xâm chiếm lãnh hải của Tổ quốc, đầu độc dân ta bằng những loại hàng hóa độc hại, áp đặt chế độ Hán nô ... mà lòng đau như cắt, uất hận tê người.

Thế mà các ngươi không thấy đó mà đau, mà nhục, không biết xấu hổ với tiền nhân, lại còn vênh váo vỗ ngực là "đỉnh cao trí tuệ" là "vì vì nước, vì dân". Các ngươi ỷ thế cơ chế độc quyền để vơ vét tài nguyên đất nước, ăn chặn tiền thuế của dân, cấu kết bè đảng đẻ ra “nhóm lợi ích”, vẽ ra những dự án ngàn tỷ để thâu tóm tài sản quốc gia, cướp đất dân lành, đàn áp những người yêu nước.

Các ngươi vì quyền lợi, danh vọng trước mắt mà đi theo bọn giặc đại Hán, bán nước cầu vinh, tàn hại xã tắc, áp bức nhân dân, phá hoại tài sản quốc gia. Hãy nhớ, bản chất chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc là độc tài, xâm lược, đi ngược lại xu thế văn minh nhân loại nên chúng đang bị cô lập, tất sẽ thảm bại thôi.

Ta thường ngày đọc sách thánh hiền, truy cập thông tin tổng hợp, đêm đêm viết blog về xã hội công bằng dân chủ, chỉ ra những thói hư tật xấu, lên án các chế độ tham tàn để các ngươi lấy đó làm gương, thế mà các ngươi chặn phá, cản trở, vu cáo ta là “phản động".

Trong tình cảnh xã hội suy đồi, tội ác lộng hành, lòng tin cạn kiệt, giặc Trung Quốc xâm chiếm biển Đông, vận mệnh quốc gia lâm nguy… Ta kêu gọi các ngươi hãy hạn chế lòng tham, dẹp ngay những âm mưu thâm hiểm, từ bỏ những si mê thấp hèn. Đây là lúc phải đặt quyền lợi Tổ quốc, quyền lợi Dân tộc lên trên hết. Hãy lấy dân làm gốc vì dân giàu thì nước mạnh, chế độ mới trường tồn, các ngươi cũng được hưởng bổng lộc vinh quang (Sao đạo lý đơn giản này mà các ngươi không hiểu?).
Các ngươi phải biết: Dân nghèo thì nước suy, cường quyền tất sinh bạo loạn, áp bức sẽ có đấu tranh, xã hội suy đồi thì chế độ diệt vong. Lúc đó quyền lực, bổng lộc của các ngươi cũng mất, thậm chí tính mạng của các ngươi cũng khó bảo toàn.

Ta cảnh báo các ngươi: Lời nói phải đi đôi với việc làm. Nói hay nói tốt mà cứ làm nhiều điều xằng bậy thì có ngày sẽ rước họa vào thân. Lịch sử sẽ công bằng minh bạch phán xét chính xác tội lỗi các ngươi, ngàn đời sẽ nguyền rủa giòng giống các ngươi.

Ta khuyên các ngươi: “Quay đầu là bờ”, “Buông đao thành phật”, các ngươi vẫn có cơ hội để sửa chữa sai lầm, vẫn còn điều kiện để lấy công chuộc tội. Dân đen vốn dĩ an phận và chóng quên, nếu có Tự do-Công bằng- Dân chủ họ sẽ dễ dàng thông cảm, bỏ qua tội lỗi của các ngươi.

Hãy nhớ! Đời cha ăn mặn thì đời con khát nước, luật nhân quả, lịch sử và tòa án lương tâm sẽ nghiêm khắc trừng phạt các ngươi.

Đừng tính chuyện khi chế độ suy vong thì các ngươi sẽ trốn ra nước ngoài sống với đống tài sản bất minh- đó là những tài sản hắc ám, tội lỗi, lạm dụng nhiều sẽ bị quả báo gây họa cho đời sau. Số phận những kẻ tội phạm vong quốc cũng chẳng tử tế, hay ho gì. Ta đã ăn học, làm việc ở nước ngoài hàng chục năm nên ta rõ lắm, chẳng đâu hạnh phúc bằng được sống trên quê hương no ấm, thanh bình.

Ta chỉ là một gã dân đen cô độc lẻ loi, nhưng ta đã học được đạo lý nhân gian, công lý của xã hội văn minh nên ta cũng hiểu rõ sự đời. Dẫu thân ta có bị bọn Hán gian hành hạ, tính mạng ta có bị lũ Việt gian hãm hại ta cũng cam lòng.

Nay ta theo gương đức Thánh Trần viết bài Hịch này để các ngươi biết rõ bụng ta và bụng dân đen.

Đổi mới hay sụp đổ!

Hãy mau tỉnh ngộ!

Giới trẻ: trẻ hóa nền chính trị già cỗi tại Việt Nam

Anh Văn-09-07-2017
(VNTB) Trần Hoàng Phúc (thành viên chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á - YSEALI) trở thành người mới nhất bị bắt giam liên quan đến Điều 88. Phúc sinh năm 1994. Trước đó, Nguyễn Văn Hóa (1995) cũng bị bắt giam liên quan đến Điều 258 và Điều 88. Tương tự, Phan Kim Khánh (1993), vào tháng 3 vừa rồi cũng bị bắt vì Điều 88.

VNTB - Giới trẻ: trẻ hóa nền chính trị già cỗi tại Việt Nam
Điểm chung là cả ba người đều rất trẻ, và bị bắt giam theo Điều luật 88 gắn với hành vi "Tuyên truyền chống Nhà nước XHCHCN Việt Nam".

Có thể nói, năm 2016 – 2017, nhà nước Việt Nam tăng cường “nhập kho” số lượng tù nhân chính trị, trong bối cảnh TPP bị đổ vỡ. Và việc này tiếp tục trở thành chủ đề gây quan ngại, liên quan đến sự mở rộn bắt bớ và co hẹp không gian nhân quyền có chủ ý từ phía Hà Nội.

Tuy nhiên, việc trẻ hóa độ tuổi Tù nhân chính trị cũng cho thấy nhiều điểm sáng, trong đó – nó giúp nền chính trị già cỗi của Việt Nam được “thay máu”.


Trẻ hoá chính trị bên ngoài sẽ khiến?


Đầu tiên là việc người trẻ tham gia vào chính trị đã thổi làn gió mới vào trong nền chính trị cũ kỹ của nước nhà. Những người trẻ là nhân tố làm nên sức hút chính trị ngày càng lớn, làm đa dạng và phong phú trong hệ thống hoá các phương pháp chính trị. Tiến hành các giá trị trên nền tảng mới, tiệm cận với các giá trị chuẩn mực của chính trị trên thế giới. Nó sẽ kéo theo sự thay đổi của các phương pháp, cách thức vận động chính trị theo hướng tạo lập những giá trị mới, phù hợp với hoàn cảnh xã hội Việt Nam hơn!

Thứ hai, rõ ràng nó đã phá vỡ thông lệ chính trị là đặc quyền do Đảng ban hành, và nhóm con cháu của các lão thành chính trị mới được phép đi theo con đường này. Hệ thống chính trị theo hướng Thái Tử đỏ vẫn tiếp tục được duy trì, tuy nhiên nó sẽ buộc phải chú ý đến các lực lượng chính trị bên ngoài do lớp trẻ khởi xướng và sự độc tôn cũng nhau tranh giành các quyền lực nội tại cũng phải chú ý đến lực lượng giới trẻ tự phát này.

Thứ ba, việc hình thành các mạng lưới chính trị là sự hữu hình trong tương lai. Khi mỗi cá nhân tham gia chính trị hiện tại là những người trẻ tuổi thuộc lớp thế hệ 8x, 9x. Và chính điều này sẽ thách thức thẳng tuyên bố không chấp nhận các lực lượng chính trị đối lập! Cần nhớ rằng, các hệ thống đảng trẻ hiện nay; thậm chí ngay cả đảng cộng sản đều xuất thân từ những hội nhóm chính trị trẻ tuổi do những người cùng chí hướng lập nên trước đó.

Hệ thống chính trị Việt Nam dù quan liêu đến đâu, thì cũng không thoát khỏi những tác động của việc trẻ hoá chính trị này! 


Ngăn chặn hoặc giảm thiểu tính cạnh tranh máu?


Cạnh tranh máu (là cách người viết sử dụng) đề cập thực trạng tranh giành quyền lực chính trị khốc liệt giữa các phe nhóm. Từ đầu thế kỷ XX đến nay, tình trạng này được biết qua những cuộc đảo chính trong thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa, chỉ trong 5 năm (1960 – 1965), miền Nam chứng kiến 3 cuộc đảo chính đẫm máu, trong đó riêng cuộc đảo chính 1963 khiến Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu chết thảm.

Bản chất của “cạnh tranh máu” là khi quyền lực không còn là một sự chia sẻ trong đồng thuận, việc lựa chọn những “chính trị gia có tư cách” không còn được dựa trên lá phiếu, mà đã thể hiện bằng sự truất phế bằng quyền lực hơi hướng bạo lực. 

Trở về với hiện trạng Việt Nam, khi những công thần của chế độ và những người giao thời (bao cấp và đổi mới kinh tế) đã nhường bước vào trong cho giới con cháu ra kế cận. Tuy nhiên, quá trình chuyển giao quyền lực này hoàn toàn không hề được yên bình, mà ngược nó là sự báo hiệu cho tranh chấp tối đa về mặt địa vị quyền lực. Việt Nam dù không mang tính đa đảng, nhưng mỗi thế lực chính trị (thuộc vùng miền) lại đại diện cho một “tiểu đảng” nhỏ để giữ gìn lợi ích trước đó và thu vén lợi ích mới. Do đó, cái bình chế độ sẽ trở thành một không gian hẹp để đấu đá nhau, giữ “chế độ” trong sự đồng thuận của người cầm chịch (Tổng Bí thư) trở thành một cuộc chiến dài ngày, vô cùng khó khăn. Chân Dung Quyền lực (xuất hiện vào tháng 10/2014) trở thành một trong những biểu hiện sơ khai nhất của cạnh tranh máu trong chính trị Việt, và nó sẽ tăng cấp dần trong các kỳ Đại hội sắp tới, song hành cùng với tiến trình nhất thể hóa Đảng với Nhà nước.

Nhưng lực lượng trẻ tham gia chính trị sẽ hỗ trợ làm nhòa yếu tố “cạnh tranh máu” nêu trên. Hiện tượng này được coi là một trọng tâm của “diễn biến chính trị” trong tương lai. Và để dễ hình dung hơn, thì có thể hiểu theo nghĩa giải thích của ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương viết trên báo Tuyên giáo về tự diễn biến là khi “...biến đổi không ngừng là một tất yếu, là yêu cầu nội tại, tự nó, của sự vật, và xã hội. Trong thời kỳ quá độ, sự biến đổi như vậy càng nhiều hơn. Mọi việc không thể đứng yên. Nếu không tốt thì sẽ xấu. Vì vậy, cần phải tốt, để không bị xấu.” Và muốn có sự biến đổi theo hướng tốt thì “vận động tự nhiên, theo quy luật, với lợi ích, hiệu quả, bình đẳng cho từng người và cho cả cộng đồng xã hội”.

Việc người trẻ hướng tới chính trị, nó phá tan thế độc quyền chính trị tại một không gian nhà nước độc đảng. Và khi người trẻ hướng tới một lợi ích và bình đẳng cho cộng đồng xã hội (thực tế là tham gia chính trị để minh bạch hóa, đa nguyên hóa, dân chủ hóa nhà nước) thì đó sẽ là một sự vận động “tốt” để nền chính trị không bị quá xấu trong thời kỳ “quá độ” chính trị.

Họ cũng sợ gây nguy hiểm cho bản thân. Điều này đặc biệt đúng đối với những người trẻ, những người không có can đảm để đặt câu hỏi chính trị. Thật không may, điều này cũng có nghĩa là họ không suy nghĩ về nhiều vấn đề xã hội và công dân.

Ca sĩ Mai Khôi, người được biết đến như một nghệ sĩ chính trị trong cuộc trò chuyện với DW (thời báo Đức) đã chia sẻ rằng, nền chính trị đất nước già cỗi trong bối cảnh 40% dân số là ở độ tuổi 24 trở xuống. Và hệ thống giáo dục của chế độ làm cho người ta sợ tiếp xúc với chính trị. Họ nghĩ rằng đây là công việc duy nhất của hệ thống nhà nước và chính phủ - không nên làm gì với nó hay nói gì về nó.

Tuy nhiên, cô ca sĩ phản bác mạnh lại rằng: Chính trị không phải là [cái gì đó] khó khăn hay phức tạp. Mọi người nên cảm thấy rằng họ có thể thực hiện điều gì đó, rằng họ là một phần của một xã hội và một quốc gia và rằng họ có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.

Và sự thật, ngày càng nhiều giới trẻ tham gia chính trị, nó phá vỡ nền chính trị già cỗi tại Việt Nam.