Saturday, January 7, 2017

Thủ tướng vs. Chủ tịch Hà Nội và Đồng thuận Ba Đình


Khi Thủ tướng Phúc hỏi: "Ai cho phép xây 50 tầng ở Giảng Võ?", hẳn ông đã có câu trả lời, nhưng vì lý do gì đó nên mới yêu cầu Hà Nội phải trả lời thay, chứ nếu thật sự ông không biết thì hoặc là bộ máy giúp việc cho ông quá kém, hoặc là ông không nên...làm Thủ tướng nữa.
Nhưng Chủ tịch Hà Nội cũng không phải tay vừa, không trả lời trực tiếp vào câu hỏi bằng một cái tên cụ thể, mà lại vòng vo rằng quyết định cấp phép 50 tầng là dựa vào Thông báo số 30 ngày 3/2/2016 của Văn phòng Chính phủ về khu đất dự án số 148 Giảng Võ. [1]
Chỉ bằng vài thao tác google người ta có thể truy ra ngay Thông báo số 30 này [2] truyền đạt ý kiến của chính Thủ tướng, nhưng không phải Thủ tướng Phúc mà người tiền nhiệm của ông, Nguyễn Tấn Dũng. Thời điểm ông Dũng đưa ra kết luận này là tháng 2/2016, nằm trong giai đoạn vịt què (sau khi rớt Trung ương khóa mới và chỉ còn 2 tháng nữa là bàn giao cho Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) không khỏi khiến cho dư luận có cảm giác ông muốn 'hốt cú chót' trước khi về hưu để 'gắng làm người tử tế'.
Cái không thể chấp nhận được ở ông Dũng là với Thông báo số 30 ở trên, ông đã sổ toẹt vào chính Quyết định 1259/QĐ-TTg mà ông ký 5 năm trước đó, phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050, trong đó nói rõ vùng nội đô lịch sử (bao gồm khu đất Giảng Võ) phải hạn chế xây cao tầng, tăng cường cây xanh mặt nước. [3]
Quay lại phần đối đáp của Hà Nội, thú vị hơn, Chủ tịch Chung còn đưa ra nguyên tắc của bản thân là 'không bao giờ đổ lỗi cho thế hệ trước' [4], khác nào như một lời nhắn nhủ đến Thủ tướng Phúc rằng nếu Thủ tướng làm đến cùng vụ Giảng Võ này, không sớm thì muộn cũng phải đụng đến người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, và rằng Hà Nội nếu có sai thì cái sai đó cũng dựa trên trên kết luận của cựu Thủ tướng.
Phải chăng cũng vì thế mà Thủ tướng Phúc ngay từ đầu đã đặt câu hỏi bỏ ngỏ như trên, dù chính ông biết rõ câu trả lời, vì là một trong những người dự họp hồi tháng 2/2016 để đưa ra Thông báo 30 trong vai trò Phó Thủ tướng? Ông cũng ngại đụng đến tiền nhiệm, dù biết rõ sai trái của người đó?
Nếu quả thế thật thì dù ở hai phía trong một cuộc đối đáp, song Thủ tướng Phúc và Chủ tịch Chung vẫn rất đồng thuận với nhau ở điểm không đụng đến sai trái của tiền nhiệm, vì cả hai rồi cũng sẽ trở thành 'tiền nhiệm' trong vài năm nữa thôi - lối suy nghĩ đặc trưng của một nền văn hóa chính trị lạc hậu, thiếu công khai minh bạch và vắng bóng phê phán.
Giảng Võ sẽ là phép thử mà nếu Thủ tướng rút lui trước người tiền nhiệm, thứ đồng thuận tệ hại trên xứng đáng được gọi tên là đồng thuận Ba Đình.
---
Chú thích:

40 người Việt Nam bị bắt vì vượt biên vào Đài Loan

RFA 2017-01-07  
Ảnh chụp màn hình bài báo của thông tấn xã Đài Loan cho thấy cảnh 40 thuyến nhân Việt Nam đang bị lực lượng biên phòng Đài Loan cầm giữ tối 6/1/2017.
Ảnh chụp màn hình bài báo của thông tấn xã Đài Loan cho thấy cảnh 40 thuyến nhân Việt Nam đang bị lực lượng biên phòng Đài Loan cầm giữ tối 6/1/2017. Screenshot of CNA
40 thuyền nhân Việt Nam cùng với thủy thủ đoàn 6 người đã bị chận bắt ngoài khơi bờ biển Nghi Lan tối thứ Sáu 6/1/2017, lực lượng biên phòng Đài Loan cho biết tin này hôm nay.
Thông tấn xã trung ương Đài Loan CNA trích dẫn giới chức biên phòng nước này cho biết, 40 di dân bất hợp pháp từ Việt Nam, gồm 25 nam và 15 nữ, đã được phát hiện trong hầm chiếc tàu đánh cá Đài Loan chỉ cao có 1,2m.
6 người còn lại là thủy thủ của chiếc tàu cá.
Chiếc tàu cá bị chận bắt khi còn cách bờ biển thành phố Nghi Lan phía đông bắc Đài Loan, khoảng 9,2 hải lý; sau khi biên phòng Đài Loan nhận được tin báo về chiếc thuyền chở di dân lậu.
Cơ quan Biên phòng Đài Loan cho biết, theo lời khai của những thuyền nhân Việt Nam này, để vượt biên đến Đài Loan, họ đã tìm cách sang Trung Quốc bằng đường bộ. Sau đó họ thuê thuyền đánh cá chở sang Đài Loan.
Các thuyền nhân này cũng khai rằng họ phải trả từ 4.000 đôla đến 6.500 đôla mỗi người để được chở sang Đài Loan. Và mỗi chuyến vượt biển như vậy thường kéo dài 4 ngày.
Theo cơ quan biên phòng Đài Loan, đây là vụ bắt giữ thuyền nhân Việt Nam với số lượng lớn nhất từ trước tới nay.
Hiện tất cả 40 thuyền nhân Việt Nam và 6 thủy thủ bị bắt đã được chuyển sang cơ quan công tố Đài Loan để điều tra.

Vũ Quang Hải liệu có được bãi nhiệm?

Lan Hương, RFA 2017-01-07  
Ông Vũ Quang Hải, con trai của nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc Sabeco.
Ông Vũ Quang Hải, con trai của nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc Sabeco. File photo
Mấy ngày gần đây vụ Vũ Quang Hải, 28 tuổi, con trai của nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng được bổ nhiệm sai quy trình dường như dần lắng xuống sau khi Hải xin rút khỏi Ban Quản trị Tập đoàn Sabeco.
Hiện tại bộ Công thương cho biết đang xem xét xử lý vấn đề liên quan đến Vũ Quang Hải.
Liệu Ban Quản trị Sabeco có bãi nhiệm ông Hải hay không, và nếu có thì việc xử lý tình huống như vậy có đủ tính răn đe cho các trường hợp khác hay chưa?

Từ chức hay dàn xếp nội bộ?

Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng được bổ nhiệm các chức vụ Kiểm soát viên ở Vinataba, Thành viên Hội đồng quản trị Sabeco và Phó Tổng giám đốc Sabeco khi mới chỉ 28 tuổi. Sự việc khiến cộng đồng nghi ngờ về tính minh bạch trong quá trình bổ nhiệm của tập đoàn bia rượu số 1 Việt Nam.
Sau khi sự thật Vũ Quang Hải được bổ nhiệm sai quy trình được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố ngày 24/10/2016, dưới áp lực của dư luận, ngày 23/12/2016, Vũ Quang Hải đã chính thức xin từ chức khỏi Ban quản trị tập đoàn Sabeco.
Luật sư Hà Huy Sơn cho biết dự đoán của mình về việc bãi nhiệm ông Hải:
“Theo kinh nghiệm của tôi thì chuyện những trường hợp mà các cơ quan báo chí của nhà nước đã nêu lên thì tức là họ đã có động thái về mặt nội bộ rồi. Chuyện Vũ Quang Hải nộp đơn xin từ chức thì theo quan điểm chủ quan của tôi cũng có sự sắp xếp rồi thì theo tôi Hội đồng quản trị người ta cũng sẽ chấp thuận đơn này thôi.”
Trong khi đó blogger Huỳnh Công Thuận cho biết nhìn nhận sự việc theo góc độ của một người dân bình thường thì chuyện ông Hải từ chức cũng là do dàn xếp trong nội bộ, việc Hải nộp đơn chỉ là vỏ bọc cho sự dàn xếp ấy. Chính vì vậy, ban Quản trị sẽ đánh lừa dư luận qua việc bãi nhiệm ông Hải dưới hình thức phê duyệt đơn từ chức của ông này:
“Nói chung những người đó đều là Đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam hết, và những Đảng viên của Đảng cộng sản phải làm theo sự chỉ đạo của Đảng, không được quyền làm gì khác hết, chị có nhớ một lần ông Thứ trưởng bộ Môi trường tự xin ra ứng cử Quốc hội còn bị khiển trách, phải rút đơn.
Những người Đảng viên của Đảng cộng sản không được làm gì khác sự chỉ đạo của Đảng hết, tôi nói chắc chắn 100% là hai bên đã chỉ đạo đã họp bàn rồi mới đưa ra cái nào nhẹ nhất để xoa dịu, đánh lừa dư luận thôi, chứ thực ra không có cái gì là làm tự ý, tự nguyện được hết trơn.
Ngôn ngữ Cộng sản Việt Nam dùng từ "tự nguyện” đó, nhưng đó là giả dối hoàn toàn, không bao giờ có sự tự nguyện.”

Luật pháp không bằng phe cánh

Nói về tính răn đe cho các trường hợp khác qua vụ việc này, luật sư Hà Huy Sơn cho biết giả sử Ban Quản trị của Sabeco đồng ý bãi nhiệm ông Hải đi chăng nữa thì giải pháp này vẫn không đủ tính răn đe vì ngay từ đầu, đã không được giả quyết dựa trên cơ sở pháp luật và bị ảnh hưởng từ vụ của cha ông Hải, nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
“Tôi thấy cách xử lý này không phải là cách tốt vì nó không dựa trên quy định của pháp luật, nó mang tính chất chủ quan, nó mang yếu tố khác, tức là ảnh hưởng từ ông Vũ Huy Hoàng, tức là cách hành xử của cơ quan nhà nước trong sự vụ này, tức là không lấy pháp luật nhà nước đề làm cái tối thượng để mà xử lý.”
vu-huy-hoang-b-622.jpg
Cựu Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng trong một lần trao đổi với báo chí khi còn đương chức. (Ảnh minh họa) Courtesy NLD
Cũng trình bày quan điểm về tính răn đe và hiệu quả của sự việc, blogger Huỳnh Công Thuận lại nhấn mạnh đến thế lực của các đối tượng trong từng trường hợp có thể khác nhau mà tính răn đe có thể ảnh hưởng một cách khác nhau:
“Cái đó thực sự từ trước đến nay đã xảy ra nhiều lắm rồi, mà từ chức thì chưa, còn xử lý nội bộ với nhau thì người ta có xử lý rồi. Nhẹ nặng là tùy người ta xử với nhau.
Luật pháp Việt Nam không dính dáng gì đến các việc đó hết. Sợ hay không sợ không có quan trọng, quan trọng là cái phe cánh có mạnh hay là không, chứ không phải là xử lý như thế nào. Mạnh thì người ta có làm việc tày trời nhất thì cũng không sao, mà yếu thì làm chuyện nhỏ nhất cũng bị di lìa. Còn riêng vụ này thì rõ ràng cái phe của con ông Vũ Huy Hoàng đang ở thế yếu rồi, thế lực không có thì phải thua thôi.

Vẫn là “con ông cháu cha”

Qua vụ việc Vũ Quang Hải lại một lần nữa làm dấy lên một vấn nạn trong bổ nhiệm, tuyển dụng của Việt Nam đó là “ưu tiên con ông cháu cha”.
Tình hình này xảy ra qua thường xuyên khiến nhiều người cho đó là chuyện tất yếu trong xã hội Việt Nam.
Luật sư Hà Huy Sơn có nêu ra một số giải pháp cho Chính phủ Việt Nam, tuy nhiên ông không quên nhấn mạnh rằng những giải pháp này chính phủ đã nhắc đi nhắc lại rồi nhưng cốt lõi ở chuyện nói nhưng có làm hay không:
“Theo tôi tình hình này đã diễn biến một cách công khai có thể là chục năm trở lại đây, và tình trạng này tôi không thấy có một cơ sở nào là giảm bớt.
Muốn giảm thiểu tình trạng này thì công tác cán bộ phải công khai, minh bạch, và mọi vấn đề đề bạt cán bộ phải thực hiện theo dân chủ hóa thực sự và tuân thủ pháp luật.
Đấy là nguyên tắc mà nhà nước và chính phủ cũng nhắc đến nhiểu nhưng mà người ta không thực hiện được mà thôi.”
Trong khi đó blogger Huỳnh Công Thuận lại cho rằng sự tồn tại của chế độ ưu tiên con ông cháu cha hoàn toàn phụ thuộc vào sự tồn tại của chế độ độc đảng tại Việt Nam:
“Theo tôi trường hợp bổ nhiệm con ông cháu cha vẫn còn và luôn luôn còn nếu Đảng Cộng sản còn, nếu tôi không là con ông cháu cha thì sao tôi làm chỗ đó được.
Cái điều chắc chắn là không một người dân nào, dù cho tài giỏi cỡ nào đi chăng nữa mà không phải là Đảng viên Đảng Cộng sản thì không bao giờ được bổ nhiệm đâu, cái đó đừng có mơ, không bao giờ có.
Điều đó là chắc chắn rồi vì nếu không bổ nhiệm con ông cháu cha thì bổ nhiệm ai bây giờ, người dân đâu có vô ngồi chỗ đó được. Dù cho người đó vô phá đám hoài nhưng vì người ta là Đảng viên thì người ta vô. Dở cỡ nào không cần biết.
Chị thấy có trường hợp con ông Thứ trưởng, Bộ trưởng nào đó đang học ở nước ngoài còn bổ nhiệm làm Phó chủ tịch ủy ban Tỉnh, chuyện đó là bình thường dù cho chưa biết mặt ra sao hết, chưa thấy tên, chưa biết là ai mà người ta vẫn bổ nhiệm được.
Đối với Việt Nam này, con ông cháu cha, Đảng viên Đảng cộng sản là phải sắp vô chỗ ngồi. Việt Nam đừng có nói có tài hay không có tài. Có Đảng hay không có Đảng!
Nói một chuyện nhỏ nhặt ngoài đời thôi, một trường học thì Hiệu trưởng, Hiệu phó phải là Đảng viên, điều đó là điều bắt buộc. Người dân đừng có mơ được bổ nhiệm. Đảng Cộng sản còn thì điều đó còn. Đó là chuyện chắc chắn không thể thay đổi được.”
Việt Nam luôn nói mục tiêu là phấn đấu trở thành một Nhà nước công bằng, dân chủ, văn minh, nhưng một vấn đề nhỏ thôi là làm sao để công tác tuyển dụng được công bằng cho người dân xem ra vẫn còn quá khó.

Đô thị kiểu mẫu bị “băm nát” như thế nào?

TTO - Câu chuyện quy hoạch Hà Nội bị “băm nát” một lần nữa đã được nêu ra tại Hội nghị tổng kết ngành xây dựng hôm qua (6-1) với những dẫn chứng cụ thể từ khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm (Hoàng Mai).
Đô thị kiểu mẫu bị “băm nát” như thế nào?
Toàn cảnh khu tổ hợp 12 tòa nhà cao tầng (nhìn từ xa và từ trên cao) của Tập đoàn Mường Thanh tại khu đô thị Linh Đàm - Ảnh: Việt Dũng
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị ngành xây dựng phải quản lý chặt việc đầu tư xây dựng tại các đô thị vì việc thực hiện quản lý đô thị theo quy hoạch hiện còn nhiều hạn chế.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết khi thị sát khu chung cư Mường Thanh tại Linh Đàm, ông mất 25 phút để đi từ tầng 1 đến tầng 20 và thêm 15 phút để quay trở lại tầng 1. Ông Hà cũng nói các hạ tầng khác trong dự án này còn rất kém.
Còn ông Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị, thẳng thắn cho rằng khu đô thị Linh Đàm là một khu đô thị kiểu mẫu nhưng nay đã bị “băm nát” khi cho một doanh nghiệp vào xây dựng nhà giá rẻ với 5ha mà xây 12 tòa nhà, mỗi tòa cao tới 40 tầng.
Doanh nghiệp xây 12 tòa nhà 40 tầng mà ông Chính đề cập cũng chính là Tập đoàn Mường Thanh.
Ngày 7-1, TTO đã ghi nhận thực tế tại 12 tòa chung cư của Tập đoàn Mường Thanh trong khu đô thị Linh Đàm.
Khu 12 tòa chung cư còn được gọi là tổ hợp chung cư HH. Mỗi một tòa có khoảng 700 đến 800 căn hộ. Khuôn viên “lòng chảo” bên trong còn hỗn loạn hơn vì đã bị nhiều hộ kinh doanh tận dụng cho thuê xe đồ chơi.
Xung quanh hành lang tầng 1 các tòa nhà bị vây kín bởi các hộ kinh doanh, buôn bán đủ các loại từ hàng ăn sáng, quán nước, quán cà phê, cửa hàng quần áo... tạo nên một khung cảnh lộn xộn như một khu chợ.
Tại các vỉa hè, lòng đường xung quanh các tòa nhà, mặc dù có biển cấm đỗ xe máy nhưng phần lớn diện tích vỉa hè được tận dụng kể kinh doanh hàng nước hoặc để trông giữ xe máy, ôtô. Hành lang đường vào các tòa nhà xe máy dựng la liệt, kẻ buôn người bán tấp nập.
Khu vực tầng hầm chỉ có 1 tầng để trông xe máy, không có chỗ để ôtô, luôn trong tình trạng chật cứng. Thậm chí, cửa vào hầm để xe của tòa nhà HH3 khóa kín cửa, còn cửa lên của tòa HH1 cũng không mở.
Đô thị kiểu mẫu bị “băm nát” như thế nào?
Góc chung cư không khác gì khu chợ - Ảnh: QUANG THẾ
Theo những người dân sống tại đây, phần lớn họ đều cảm thấy chưa hài lòng về chất lượng nhà ở, dịch vụ, không gian. Từ quá tải đường vào, quá tải hầm để xe, thang máy, các khu vực công cộng, quản lý trật tự an ninh, đô thị còn chưa đạt.
Ông Phan Đình Bính (P2734, tòa nhà HH2A) cho biết: "Tại đây thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải thang máy vào giờ cao điểm, phải đứng chờ cả chục phút. Mà thang máy thường xuyên bị hư. Không những vậy, tôi ở tầng 27 nước rất yếu, thường xuyên bị tiếng ồn từ bên trên và xung quanh".
Theo bà Hồ Thị Đào (P310, tòa nhà HH1A), khu tổ hợp này quá đông người nên thiếu chỗ để xe, thiếu sân chơi cho trẻ em, khu vực sân chơi đáng lẽ dành cho trẻ em thì lại bị lấn chiếm hết bởi các hộ kinh doanh.
Đô thị kiểu mẫu bị “băm nát” như thế nào?
Các bãi xe tràn lan trên vỉa hè - Ảnh: QUANG THẾ
Đô thị kiểu mẫu bị “băm nát” như thế nào?
Góc chung cư không khác gì khu chợ - Ảnh: QUANG THẾ
Đô thị kiểu mẫu bị “băm nát” như thế nào?
Buôn bán và làm thịt cá, gà ngay cạnh các căn hộ - Ảnh: QUANG THẾ
Đô thị kiểu mẫu bị “băm nát” như thế nào?
Buôn bán và làm thịt cá, gà ngay cạnh các căn hộ - Ảnh: QUANG THẾ
Đô thị kiểu mẫu bị “băm nát” như thế nào?
Các tòa nhà nằm liền kề với nhau tuy nhiên không gian cho cư dân rất thiếu - Ảnh: QUANG THẾ
CHÍ TUỆ - QUANG THẾ 

Công an vô cớ “vây bắt” và đánh 5 người, 2 người nhập viện

TTO - Không bắt được người bán số đề, lực lượng công an đã cự cãi với dân, rồi huy động gần cả chục người mặc quân phục “vây bắt” và đánh 5 người, làm 2 người phải nhập viện cấp cứu.
Công an vô cớ “vây bắt” và đánh 5 người, 2 người nhập viện
Bà Sáu khóc kể lại việc công an vô cớ bắt con bà rồi đánh đập gây trọng thương - Ảnh: BỬU ĐẤU
Khoảng 17g30 ngày 2-1, 3 người xông vào nhà bà Nguyễn Thị Sáu (55 tuổi) ở ấp Mỹ Thành, xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, An Giang.
Lúc này, anh Lê Minh Hoàng (35 tuổi, con bà Sáu, có nhà sát vách) bước qua và xảy ra cãi vã với 3 người này. Sau đó, Hoàng dùng xe 3 bánh trẻ con đuổi nhóm này đi.
Khoảng 30 phút sau, Công an xã Định Mỹ huy động gần 10 người mặc quân phục bao vây nhà bà Sáu và Hoàng với lý do Hoàng chống người thi hành công vụ.
Theo bà Sáu, sau khi bao vây nhà, có người dùng súng điện bắn chỉ thiên.
Khi Hoàng vừa bước ra thì 2 công an xã lao vào quật ngã Hoàng, còng hai tay ra phía sau, lôi ra giữa đường phía trước nhà và đánh đập.
Lúc này, Lê Minh Trung (30 tuổi, con trai bà Sáu) vừa tắm xong bước ra cũng bị công an xã dùng dùi cui, ba trắc đánh ngã rồi còng tay, đưa ra cặp mé lộ như Hoàng.
Công an vô cớ “vây bắt” và đánh 5 người, 2 người nhập viện
Anh Nghị, Khang và Tân (từ trái qua) đã chứng kiến toàn bộ vụ việc và là nạn nhân bị công an xã bắt, đánh vô cớ - Ảnh: BỬU ĐẤU
Bà Sáu kể: "Tôi hỏi: Con tôi bị tội gì mà mấy chú đánh đập như vậy?, nhưng không ai trả lời. Lát sau, ông Trần Minh Thái, phó Công an xã, chỉa súng điện vào tôi nói: Bà la nữa tôi bắt bà luôn về tội chống người thi hành công vụ”.
Nhóm công an này còn bắt thêm 3 người mà không rõ lý do là Lê Hữu Nghị (28 tuổi), Nguyễn Văn Khang và Lê Hữu Tân (đều 23 tuổi). Đến khoảng 21g cùng ngày mới thả về.
Theo giấy ra viện của Bệnh viện Chợ Rẫy thì Hoàng bị “chấn thương đầu và chấn thương phần mền cổ”. Hiện tại Hoàng mới chuyển qua khoa chấn thương chỉnh hình, còn Trung đang nằm ở Bệnh viện An Giang.
Công an vô cớ “vây bắt” và đánh 5 người, 2 người nhập viện
Anh Hoàng đang nằm điều trị ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình - Ảnh: BỬU ĐẤU
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 7-1, đại tá Nguyễn Văn Hiếu, trưởng Công an huyện Thoại Sơn, cho biết ngay sau khi xảy ra vụ việc, Công an huyện đã cử cán bộ điều tra toàn bộ vụ việc, lấy lời khai các bên và nhân chứng, xác định trong vụ này công an xã đã sai.
“Mấy anh công an xã này nhào vô tính bắt người bán số đề nhưng không có chứng cứ mà còn cự cãi rồi huy động lực lượng mang theo roi điện và công cụ hỗ trợ để bắt là không đúng. Hiện tại, tôi đang chờ giám định tỉ lệ thương tật để xử lý các công an xã. Còn đối với bà Sáu, địa phương đã cử cán bộ đến tận nhà xin lỗi. Nếu bà không chấp nhận thì vài ngày tới tôi sẽ trực tiếp gặp gia đình” - đại tá Hiếu nói.
07/01/2017 18:10 
BỬU ĐẤU

Blogger, một nghề nguy hiểm ở Việt Nam

Thụy My 
Theo RFI-07-01-2017 19:10 
media
Biểu tình tại Hà Nội ngày 01/05/2016 phản đối Formosa gây ra thảm họa cá chết ở miền Trung Việt Nam, một đề tài được nhiều blogger tham gia tranh đấu. HOANG DINH NAM / AFP 
Liên quan đến Việt Nam, Le Courrier International tuần này đăng bài viết « Blogger, một nghề nguy hiểm » của tờ báo Khaosod ở Bangkok Thái Lan, sau khi gặp gỡ các cây bút đối lập ở Saigon. Theo tác giả Lobsang Dundup Sherpa Subirana, chính quyền Việt Nam tiếp tục cuộc chiến không ngơi nghỉ chống lại những ai dám lên tiếng chỉ trích.
Bài báo mở đầu bằng việc mô tả cảnh tượng hai chục nhân viên an ninh xuất hiện trước một trường mẫu giáo, bắt đi ông Phạm Chí Dũng ngay trước mắt các phụ huynh, giáo viên và các em học sinh. Và đây chỉ là một trong ba vụ câu lưu tùy tiện mà ông Dũng, 50 tuổi, là mục tiêu trong năm 2015. Mỗi lần như vậy ông bị thẩm vấn nhiều tiếng đồng hồ, chịu áp lực tâm lý. Người ta muốn ông thú nhận một tội phạm, mà tại đa số các nước, là một quyền con người. Nhà báo tự do này than thở : « Họ cư xử như tôi là một kẻ khủng bố ».
Theo tác giả, Phạm Chí Dũng là một trong những blogger đối lập tích cực nhất tại Việt Nam. Ông không chấp nhận việc Nhà nước kiểm soát báo chí, và thách thức các luật lệ hà khắc đang cấm đoán mọi chỉ trích chính quyền. Là đảng viên cộng sản từ ba mươi năm, ông Dũng cũng như một số người khác bị thất sủng và bị giam cầm bảy tháng vào năm 2012, do những phát biểu tự do của mình. Nhưng không vì thế mà ông im tiếng.
Sau khi được trả tự do, ông tiếp tục chỉ ra những sai sót của Nhà nước. Phạm Chí Dũng trở thành người đồng sáng lập và chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, với mục tiêu tố cáo các vi phạm nhân quyền của đảng Cộng sản. Cho đến nay, hội đã nêu ra nhiều xì-căng-đan lạm dụng quyền lực, nhà đất và tham nhũng có liên quan tới đảng. Trang web Việt Nam Thời Báo - bị chặn ở Việt Nam, phải thông qua proxy - gần đây đã lên án vụ bắt giữ hai blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Hồ Văn Hải, bị truy tố vì tội tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88. Hồi tháng Chín, tòa án Hà Nội cũng đã bác kháng cáo của blogger Nguyễn Hữu Vinh, tức Ba Sàm và cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy, bị kết án 5 năm tù vì « lạm dụng tự do dân chủ » và chống chính quyền.
Tác giả bài báo dẫn lời nhà báo Phạm Chí Dũng, nhấn mạnh sở dĩ có nhiều vụ bắt bớ vào cuối năm là vì công an muốn có thành tích. Tuy nhiên cũng theo ông Dũng, ngọn gió đổi thay đang thổi đến. Lo sợ nổi dậy, chính quyền tỏ ra cứng rắn hơn trước đối với những người chỉ trích chế độ, nhưng trấn áp chỉ làm cho người ta thêm hăng hái bảo vệ tự do ngôn luận. Khát vọng dân chủ rất mạnh mẽ trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tham nhũng hoành hành.
Bài viết cũng nhắc đến Lê Công Định, cựu luật sư 48 tuổi, bị bắt vì tội tuyên truyền chống Nhà nước cùng với bốn nhà tranh đấu khác. Ông Định kể, ông bị lãnh án 5 năm tù nhưng nhờ áp lực quốc tế, ông được phóng thích trước hạn một năm và bị quản chế ba năm. Ông than phiền là bị theo dõi mỗi khi ra khỏi nhà. Vào đầu tháng 10/2016, khi tham dự một cuộc hội thảo ở Vũng Tàu, công an đã đến bắt giữ cả nhóm khoảng ba chục người, câu lưu mười tiếng đồng hồ. Còn ông Dũng cho biết ông thường xuyên bị giám sát.
Các blogger phải đấu tranh ngay trong nước, Nhà nước cho rằng quá nguy hiểm nếu để họ xuất cảnh. Bài báo nhắc đến một trong những xì-căng-đan tệ hại nhất gần đây là vụ nhà máy thép Formosa xả chất thải hóa học độc hại làm cho cá chết hàng loạt trên hàng trăm kilomet bờ biển miền Trung hồi tháng Tư. Đã nổ ra những vụ biểu tình chống Formosa Plastics Group, chính quyền không ngăn cản nổi nhưng không muốn các blogger liên tục đề cập đến, để tránh khả năng phong trào lan rộng hơn.
Để kết luận, bài báo cho biết mặc dù bị ngăn trở, các blogger Việt Nam vẫn tỏ ra lạc quan về phong trào đấu tranh. Theo tác giả Lobsang Dundup Sherpa Subirana, ông Phạm Chí Dũng vẫn tin rằng Hội của ông sẽ được Nhà nước công nhận, và sẽ được phép hoạt động. Ông thổ lộ : « Có lẽ vào năm 2017…Chúng tôi muốn trở thành một diễn đàn tự do ngôn luận, khởi đầu cho một xã hội dân sự tích cực vốn rất cần thiết cho Việt Nam trong tương lai ».

Việt Nam: 'Đừng đòi hỏi đạo đức' ở các doanh nghiệp

Theo BBC- 5 giờ trước 

Vietnam real estateImage copyrightHOANG DINH NAM/AFP/GETTY
Image captionNhiều 'đại gia' Việt Nam làm giàu từ kinh doanh bất động sản
Nhận xét về một phát biểu gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với dự án xây dựng chung cư ở Giảng Võ, ông Nguyễn Quang A nói trong thảo luận hôm 05/11 của BBC Tiếng Việt rằng, ông thấy "hơi lạ" với câu hỏi của đương kim Thủ tướng.
Trong phiên họp Chính phủ hôm 29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới công trình cao ốc dự tính xây ở nơi từng là Trung tâm Triển lãm Giảng Võ và đặt câu hỏi: "Ai cho phép xây cao ốc 50 tầng ở Giảng Võ?".
Ông Phúc nhấn mạnh: "Không có một lý thuyết quy hoạch nào mà tại Trung tâm Giảng Võ lại xây dựng chung cư 50 tầng, với mấy nghìn căn hộ, làm sao chịu được?".
Nhà quan sát Nguyễn Quang A nhận xét: "Lúc đó ông ấy đang làm Phó Thủ tướng thường trực, thì phải đặt câu hỏi xem là: Phó thủ tướng thường trực lúc đấy là ai mà không biết?
"Tôi nghĩ cái đáng lên án là lên án những người đương chức đương quyền, còn bản thân các doanh nghiệp họ chạy theo lợi nhuận, đừng đòi hỏi họ là phải có đạo đức, phải thế này thế kia.
"Vì họ chạy theo lợi nhuận và nếu mà họ có thể lũng đoạn được, mua chuộc được giới quan chức thì họ sẵn sàng làm, thì điều đáng chê trách nhất là thể chế này, chế độ này, quan chức đã tạo điều kiện cho sự lũng đoạn chính sách như thế và cái đó một số người gọi là tham nhũng chính sách."
Tuy nhiên, ông Trần Quốc Quân, Tiến sỹ và là doanh nhân từ Ba Lan cho rằng cũng cần công nhận đóng góp của các doanh nghiệp bất động sản trong việc thay đổi diện mạo đô thị và cung cấp các dịch vụ như siêu thị, trường học, bệnh viện, bãi đỗ xe.
"Nhưng khu đô thị ở Triển lãm Giảng Võ xây đến 8 tòa nhà 50 tầng thì tôi quả thực thấy hoảng sợ. Tôi không đả phá hay ghét bỏ bất cứ doanh nghiệp nào và tôi đánh giá cao sự đóng góp của họ cho xã hội, nhưng điều rất đáng tránh là xây dựng chung cư cao cấp nội đô, mà hiện nay đều đang quá tải."
Tư duy 'đánh quả'
Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt về khả năng cạnh tranh ở nước ngoài của các 'đại gia' Việt Nam, doanh nhân, ông Trần Quốc Quân phân tích, với các doanh nhân bất động sản tận dụng được cơ chế ở Việt Nam, cơ hội làm giàu trong nước lớn hơn là đầu tư ra nước ngoài.
Khách mời từ Ba Lan nói trong Bàn tròn thứ Năm rằng, nếu các doanh nghiệp mang tài sản ra nước ngoài, thì có lẽ động lực là "vì một mục đích khác".
"Việc tận dụng cơ chế sở hữu tài nguyên là toàn dân, sở hữu nguồn nước đập thủy điện cũng toàn dân để biến sở hữu toàn dân đó bằng một giá rất rẻ chuyển thành sở hữu tư nhân thì chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc thì mới có thể làm giàu nhanh được.
"...Với cơ chế ở Việt Nam rõ ràng cơ hội làm giàu hơn là đầu tư ra nước ngoài," ông Quân nói.
Men playing golf in HanoiImage copyrightPAULA BRONSTEIN/GETTY
Đồng ý với quan điểm trên, ông Quang A, người cũng từng kinh doanh ở Việt Nam cho rằng nhiều đại gia bất động sản "hoàn toàn không có khả năng cạnh tranh nếu ra bên ngoài" do nhiều doanh nghiệp giàu lên nhờ "ăn chênh lệch địa tô" - không mấy phổ biến bên ngoài Việt Nam.
"Nhưng nếu những người kinh doanh ấy thực sự có đầu óc kinh doanh, họ tận dụng cơ hội của họ là đã có lưng vốn rất lớn rồi, thì họ có thể nhảy sang các lĩnh vực khác như công nghệ thông tin hay công nghệ cao thì họ có khả năng tiến nhanh.
"Còn với tư duy đánh quả, tận dụng cơ hội móc ngoặc với quan chức nhà nước thì sẽ không bao giờ lớn lên được."
Trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình Hồng Nga về việc liệu bao giờ Việt Nam sẽ có những sáng chế, công ty khởi nghiệp vươn tầm thế giới, ông Quang A nói điều đó "hoàn toàn tùy thuộc vào bản thân những người Việt Nam chúng ta.
"Để có những người thành tỷ phú đô la, triệu phú đô la bằng tài năng riêng của mình, tôi nghĩ rằng ở Việt Nam không thể làm được.
"Nhưng với thế giới mở, với sự hội nhập, họ vẫn có thể ngồi ở Việt Nam mà làm ăn ở khắp thế giới, khả năng đó vẫn có với công nghệ, nhất là công nghệ thông tin hay những ngành mũi nhọn như công nghệ sinh học, công nghệ nano, với những người biết nắm bắt."

'Mừng cho người giàu'

Vietnam billionaire Pham Nhat VuongImage copyrightHOANG DINH NAM/AFP/GETTY
Image captionÔng Phạm Nhật Vượng về Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực bất động sản sau một thời gian làm ăn ở Ukraine
Tiến sỹ Nguyễn Quang A tỏ ra không quá ngạc nhiên trước thông tin hơn một nửa số người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, và nói đây là "điều rất đáng mừng".
"Dư luận quá ồn ào có thể là về chuyện bất công về chuyện làm giàu quá nhanh, nhưng càng nhanh càng tốt chứ sao?
"Có thể người ta e ngại về sự bất công. Tôi nghĩ đó là tàn dư của một thời mà người ta vinh danh khẩu hiệu rằng không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng. Tôi lại nghĩ chỉ sợ thiếu thôi, còn bản thân cuộc sống là không công bằng.
"Bây giờ chúng ta cố gắng làm sao để bớt cái bất công bằng ấy đi mà thôi, những chuyện khác tính sau. Tôi nghĩ là càng nhiều tỷ phú ở Việt Nam càng tốt, tôi chỉ mong là các tỷ phú ấy làm ăn một cách đường hoàng và nghĩ đến trách nhiệm xã hội của mình."

Tự kê ván làm cầu tạm rồi thu phí với giá ‘cắt cổ’

Không có đường đi, nhiều người vẫn phải liều mình qua cầu. (Hình minh họa: danviet.vn)
QUẢNG NAM (NV) – Sau khi chiếc cầu bắc qua sông Tranh ở tỉnh Quảng Nam bị nước lũ cuốn một đoạn hơn 20 mét bị chính quyền làm ngơ, một ông ở huyện Hiệp Đức đã “nhanh trí” bắc ván làm cầu tạm rồi thu phí với giá “cắt cổ,” khiến người dân bất bình.
Theo phản ảnh của người dân, sau đợt mưa lũ vào giữa Tháng Mười Hai, 2016, phần mố trụ của cây cầu dài hơn 100 mét bắc qua sông Tranh nối xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước với xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức bị nước cuốn trôi khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Lợi dụng việc này, khoảng 10 ngày nay, ông Trần Văn Em (55 tuổi), ngụ xã Phước Gia đã dùng cây rừng, ván gỗ làm một đoạn cầu tạm ở khu vực bị lũ cuốn trôi và thu của người dân và xe máy đi qua cầu 40,000 đồng một lượt.
Theo mô tả của phóng viên báo Thanh Niên, cây cầu tạm này làm khá đơn sơ trên dòng sông mà phía dưới nước chảy rất xiết, song nhiều ngày qua nhiều người dân vẫn phải liều mình qua cầu vì không có con đường nào thay thế.
Sáng 6 Tháng Giêng, khi thấy phóng viên đến, ông Em nói nếu qua cầu thì phải trả phí 40,000 đồng và xe máy một người. Ông Em còn cho biết đã tự làm cầu và tự thu phí chứ không xin phép chính quyền địa phương. “Tôi làm cầu và thu tiền là bình thường, không cao,” ông Em nói.
Người dân cho rằng họ, họ đồng ý trả phí vì ông Em đã bỏ công làm cầu tạm, nhưng với mức phí đang thu là quá cao. “Con tôi ở bên Phước Gia nhưng phải sang xã Tiên Cảnh học, mỗi ngày đi 4 lượt nhưng vì có quen biết nên mỗi lần mất 20,000 đồng. Số tiền này dồn lại cũng khá nhiều,” một phụ nữ cho biết.
Nói với phóng viên báo Thanh Niên, ông Võ Hồng Nhiệm, chủ tịch xã Tiên Lãnh cho biết, khu vực ông Em làm cầu tạm và thu phí thuộc xã Phước Gia và khi tiếp nhận phản ảnh của người dân, ông đã gọi điện cho những người có trách nhiệm ở huyện Hiệp Đức “đề nghị sớm có giải pháp khắc phục.” (Tr.N)

Phụ huynh trường tiểu học ở Nghệ An tức giận vì trường lạm thu

Phụ huynh trường tiểu học ở Nghệ An tức giận vì trường lạm thu
Trong những ngày qua, phụ huynh các em học sinh tiểu học Phúc Thành và một số trường lân cận trong khu vực huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An rất tưc giận, bất bình về các khoản lạm thu trong trường năm học 2016-2017.
Những ngày qua, phụ huynh các em học sinh Trường tiểu học số 1 Phúc Thành đã nhiều lần tới gặp ban giám hiệu để yêu cầu làm rõ các khoản thu trong giáo dục, nhất là khoản phải đóng cho con học 2 buổi/ngày với số tiền 90.000₫/hs/tháng, và tiền gửi xe học sinh 103.000₫/xe đạp.
Nhiều phụ huynh cho biết vào đầu năm học, Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo đã ra công văn cấm các trường tiểu học dạy thêm dưới bất kỳ mọi hình thức án dạy học 2 buổi/ngày để. Tuy nhiên, ban giám hiệu nhà trường lại bắt con em đăng ký học 2 buổi/ngày, và tổ chức thu tiền 90.000₫/hs/tháng. Những em đăng ký học thì mới được học thêm các môn: Tiếng Anh, Tin Học và Kỹ Năng Sống. Còn những học sinh nào không đăng ký học thì không được đi học buổi chiều.
Được biết, phụ huynh các em học sinh cũng đã làm đơn tố giác về việc Ban giám hiệu Trường tiểu học số 1 Phúc Thành lạm thu các khoản đóng góp năm học 2016-2017 tới phòng giáo dục huyện Yên Thành và các cấp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có văn bản nào trả lời.
Trong khi đó, những ngày qua, ban giám hiệu nhà trường đã nhốt những em học sinh không đăng ký học 2 buổi/ngày vào một phòng khi đi học buổi chiều và có những lời nói đe doạ các em học sinh. Các phụ huynh đang rất bất bình trước cách hành xử của ban giám hiệu trường, cho biết sẽ tiếp tục đấu tranh, để yêu cầu thanh tra Bộ giáo dục và đào tạo làm rõ sự việc.
Nguyên Nguyễn/SBTN