Friday, October 14, 2016

Người cộng sản và tín ngưỡng

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-10-13  
Những người tham dự lễ hội cướp phết cúng tiền tại đình làng Hiền Quang, tỉnh Phú Thọ, vào ngày 20 tháng 2 năm 2016.
 Những người tham dự lễ hội cướp phết cúng tiền tại đình làng Hiền Quang, tỉnh Phú Thọ, vào ngày 20 tháng 2 năm 2016.  AFP photo
Báo chí trong nước đang chú ý tới một nhân vật cao cấp trong chính phủ là ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Y tế sau khi một video clip cho thấy ông này tham gia một buổi hầu đồng tại Hà Nội nhưng sau đó được ông đính chính không phải hầu đồng mà là lễ tạ, là lễ trả ơn thần thánh sau khi đã được thăng quan tiến chức.
Mê tín dị đoan
Hầu đồng và những thể loại khác mang dáng vẻ mê tín dị đoan đang hoành hành trong nhiều cơ sở tôn giáo Việt Nam, Mặc Lâm có cuộc trao đổi với nhà báo Ngô Nhật Đăng xoay chung quanh đề tài “Người cộng sản và tín ngưỡng” để tìm hiểu thêm về hiện tượng quay về với tôn giáo của họ. Trước tiên nhà báo Ngô Nhật Đăng cho biết về hầu đồng:
Theo sự hiểu biết của tôi thì hầu đồng bắt nguồn từ đạo thờ “Mẫu” của dân mình. Từ thời xa xưa ngoài chuyện hầu đồng nó có một tác dụng là nhắc lại những người có công với đất nước. Trong những giá hầu đồng có nói đến ông Hoàng Bảy ông Hoàng Mười. Một số giá khác là các cô cũng là những người có công với đất nước cũng giúp dân chống ngoại xâm. Có một điều mà rất ít người biết tức là khởi thủy của hầu đồng ông bà ta dùng hầu đồng để chữa bệnh tức là chữa những người bệnh điên, tâm thần.
Bây giờ có hiện tượng là theo hầu đồng. Người dân Hà Nội đều biết rằng các quan chức lớn, nhất là trong ngành công an thì theo hầu đồng đông lắm.
- Ngô Nhật Đăng
Hầu đồng sau thời gian 1954 thì Hà Nội hầu như bị cấm tuyệt đối, mọi điều liên quan đến hầu dồng đều bị xếp vào mê tín dị đoan và gần như tuyệt chủng ở miền Bắc.
Hầu đồng nó cũng mới chỉ xuất hiện trở lại vào năm 1980 khi nước ta bắt đầu mở cửa rồi cũng có những số nơi phục hồi lại nhưng phục hồi một cách quá đáng. Có hiện tượng người ta thấy là các cán bộ nhà nước, quan chức cao cấp đều tham gia vào trong chuyện này và biến tướng rất nhiều. Trong khi hầu đồng họ tiêu tiền một cách khủng khiếp.
Tiền lễ người nghèo lắm cũng vài chục triệu còn quan chức thì vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng và người ta thấy nó bị biến tướng trong các buổi hầu đồng. Người ta tin tưởng rằng qua thánh thần sự ban phát lộc của thánh mà mình xin. Xin thăng quan tiến chức, giàu có cần xin các thánh thì sẽ được ban chỉ cần thành tâm và lễ vật phải càng hậu hỉ.
Tôi cũng có thời gian nghiên cứu những người hầu đồng có tên tuổi ở Hà Nội thí dụ như Quách Trang Thịnh ở khu Hắc Quảng ông ta nổi tiếng và giàu khủng khiếp nên tất cả chùa chiền nổi tiếng ở Hà Nội như Chùa Hương cũng như các chùa khác trong những lần cầu thì đóng góp tiền thì bao giờ cũng có tên của ông Thịnh đứng đầu tiến đó người ta gọi là con nhang đệ tử đóng góp. Hiện tượng này không có gì lạ người dân người ta còn biết đầu năm thì Nam Định Phủ Dầy nó là nơi xuất phát nghề xem bói và hầu đồng. Dịp sau tết có những vị quan chức rất lớn xuống đó và người ta có thể hầu đồng hai ba ngày ở đó nói chung dân chúng họ cũng biết.
Mặc Lâm: Hình ảnh của ông Phạm Văn Tác khi cúng tạ cho ta thấy điều gì khi tham dự vào một hoạt động mê tín mà một cán bộ cao cấp tới chức Vụ trưởng của nhà nước trực tiếp tham gia?
Ngô Nhật Đăng: Vừa qua người ta ngạc nhiên chuyện ông Tác, Vụ trưởng Vụ Y tế đi hầu đồng tôi có xem cái clip đó thì thấy rằng ông ta nói không phải hầu đồng là đúng mà đó là một nghi lễ “lễ tạ” có thể là trước đó con nhang đệ tử đã xin một điều gì đó và được thánh ứng thánh ban cho nên làm lễ tạ.
Nhìn dưới con mắt của mọt người bình thường thì ta thấy con người sống cần phải có niềm tin, thí dụ như người đảng viên cộng sản trước họ tin vào lý tưởng cộng sản, làm cho cuộc sống tươi đẹp giải phóng đất nước và những điều đó bây giờ người ta biết là chuyện nói dối rồi nên xảy ra hiện tượng mà người ta gọi là “khủng hoảng niềm tin”.
Khi người ta không còn tin vào lý tưởng nào đó thì tìm đến niềm tin tôn giáo chẳng hạn. Trong đó có những tôn giáo chân chính và cả những cái ta có thể gọi là biến tướng, biến thái hay tà đạo. Bây giờ có hiện tượng là theo hầu đồng. Người dân Hà Nội đều biết rằng các quan chức lớn, nhất là trong ngành công an thì theo hầu đồng đông lắm.
Khi cán bộ đi chùa
000_EY3PB.jpg-400.jpg
Một cửa hàng bán vàng mã ở Hà Nội chụp ngày 16/8/2016. AFP photoMột cửa hàng bán vàng mã ở Hà Nội chụp ngày 16/8/2016. AFP photo
Mặc Lâm: Trên cái nhìn xã hội, chính trị hay tín ngưỡng anh giải thích thế nào về nạn công an chạy theo hầu đồng như tại Hà Nội mà anh vừa nói?
Ngô Nhật Đăng: Như tôi nói ban đầu những người nào còn chút lương tâm hoặc là họ đã trót tin vào điều gì đó chẳng hạn nhưng khi thấy niềm tin đó không thật, không đúng như họ suy nghĩ thì họ bị rơi vào khủng hoảng niềm tin do đó họ đi tìm cái gì đấy mà đặt niềm tin vào đấy. Tôi rất ngạc nhiên khi phần lớn sĩ quan công an nhất là phái nữ thì rất ham mê hầu đồng. Có lẽ trong chốn quan trường phải luôn cạnh tranh khốc liệt nên họ phải mượn cả thần thánh để lo cho mình mà hại người khác, hoặc họ coi đó là niềm an ủi hay một lý do nào đó. Tôi nghĩ vấn đề này chắc cũng cần phải nghiên cứu thêm nữa.
Mặc Lâm: Trong xã hội ngày nay người dân thấy xuất hiện rất nhiều chùa mới mà hầu hết trong số đó không còn dáng vẻ kiến trúc của những ngôi chùa Việt Nam nữa mà hoàn toàn theo cung cách của Đài Loan, hay Trung Quốc rất rõ, chẳng hạn như chùa Bái Đính ở miền Bắc. Xin anh cho biết phải chăng cái gu thẩm mỹ của Phật tử thay đổi hay còn gì phía sau đó?
Ngô Nhật Đăng: Vâng cũng phải nói một chút về lịch sử xa xưa như nước ta vào thời nhà Lý thì đạo Phật rất phát triển gần như quốc đạo và đạo Phật thời ấy còn rất thuần khiết. Có hiện tượng các chùa chiền thời Lý được xây dựng rất hoành tráng có cái Tứ đại An Nam của thời nhà lý xây bây giờ còn sót lại tháp chuông chùa Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh.
Nó cũng xảy ra hiện tượng khi mà nhà nước tốn kém tiền bạc xây dựng những công trình đó không khoan sức dân thì cũng báo hiệu cho chế độ suy tàn. Tới thời nhà Trần thì chúng ta thấy các chùa chiền tại miền Bắc rất nhỏ và hợp với các khung cảnh chung quanh. Ta cũng thấy vua Trần Nhân Tông từng đi tu cũng là người sáng lập ra phái thiền Nam tông của Việt Nam.
Sau năm 54 gần như là những chùa chiền như thế gần như bị phá hỏng mà thay vào đó là những ngôi chùa to lớn ví dụ như anh vừa nhắc đến đó là chùa Bái Đính. Trong dân gian có tin đồn cái chùa đó là do tiền xây riêng cho mười mấy vị trong Bộ chính trị và các kiến trúc cũng như tượng trong chùa hoàn toàn theo văn hóa Trung Hoa. Làm người dân bình thường tất nhiên ai cũng phải đặt câu hỏi đau xót cho truyền thống dân tộc của chúng ta mặc dù là gần gũi với văn hóa Trung Quốc nhưng không hề phụ thuộc một cách quá đáng như bây giờ.
Có lẽ trong chốn quan trường phải luôn cạnh tranh khốc liệt nên họ phải mượn cả thần thánh để lo cho mình mà hại người khác, hoặc họ coi đó là niềm an ủi hay một lý do nào đó.
- Ngô Nhật Đăng
Người dân cũng đặt câu hỏi phải chăng họ theo âm mưu của Bắc triều đồng hóa người Việt chúng ta với Trung Quốc? Vấn đề này không còn là bình thường nữa rồi mà rất nguy hiểm vì đặt đất nước trước hiểm họa xâm lăng về mặt văn hóa. Chúng ta cũng biết người Trung Quốc rất giỏi trong cái gọi là quyền lực mềm với các Viện Khổng Tử đặt khắp nơi còn Việt Nam thì với những ngôi chùa kiến trúc cũng như việc thờ cúng mê tín hoàn toàn theo người Trung Hoa.
Mặc Lâm: Như chúng ta đã biết tín ngưỡng không bao giờ được người cộng sản chấp nhận nhưng trong những năm gần đây từ ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rồi bây giờ là Nguyễn Xuân Phúc đều vào chùa khi có dịp . . .phải chăng Đảng Cộng sản Việt Nam đã thay đổi lý tưởng mà sống theo tâm linh?
Ngô Nhật Đăng: Vâng theo cá nhân tôi nghĩ nếu chúng ta nhìn vào tổ chức Đảng Cộng sản thì chúng ta thấy trên cùng là một vị giáo chủ không ai có thể động chạm đến uy tín như một vị thần thánh thí dụ nước ta là ông Hồ Chí Minh chẳng hạn, giống như một ông thánh một giáo chủ đứng bên trên. Họ có các cơ sở lý luận về chủ nghĩa, các tài liệu rồi Ban tuyên huấn, rồi những điều mà các đảng viên phải tụng niệm hàng ngày như một thứ kinh nhật tụng. Cái mô hình đó nó giống như của một tôn giáo có thể gọi đó là thứ tôn giáo nhập thế mà biến thái.
Khi họ đã có tư duy như một tôn giáo và bây giờ tôn giáo đấy có vẻ không còn tác dụng nữa thì theo tôi nghĩ có lẽ họ phải đi tìm một niềm tin nào đó. Các tín ngưỡng của những người lãnh đạo mà người ta nhầm tưởng là đạo Phật thật ra không phải mà theo tôi nó không phải đạo Phật đành rồi nhưng nó không phải là đạo Lão không phải đạo Giáo mà nó là thứ pha trộn gì đó mà có lẽ chúng ta phải cất công tìm hiểu mới có thể cắt nghĩa được điều này.
Mặc Lâm: Xin cảm ơn nhà báo Ngô Nhật Đăng.

Nghệ An yêu cầu trục xuất Linh mục Đặng Hữu Nam BTV

Mặc Lâm 2016-10-14  
Linh mục Đặng Hữu Nam cùng bà con nộp đơn kiện Formosa
 Linh mục Đặng Hữu Nam cùng bà con nộp đơn kiện Formosa  Giáo xứ Phú Yên
Ủy ban Nhân Dân Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản do ông Lê Xuân Đại, Phó chủ tịch UBND Tỉnh ký thay Chủ tịch Tỉnh yêu cầu "Cụ Giám Mục Vinh chấn chỉnh các hoạt động mục vụ của Linh mục Đặng Hữu Nam và không bố trí Linh mục Đặng Hữu Nam tiếp tục hoạt động trên địa bàn tỉnh Nghệ An".
Văn bản cáo buộc Linh mục Đặng Hữu Nam lợi dụng các buổi lễ để rao giảng kích động giáo dân tại các nhà thờ mà Linh mục Nam tới làm lễ. Linh mục Nam cũng thường xuyên tiếp đón, tiếp xúc các thành phần, đối tượng Việt Tân, giúp một số người trú ngụ trong nhà thờ giáo xứ Phú Yên.
LM Đặng Hữu Nam  đã tổ chức kêu gọi môt số đối tượng biểu tình cũng như dẫn dầu giáo dân giáo xứ Phú Yên nộp đơn khiếu kiện Formosa tại Tòa án Kỳ Anh.
Văn bản gửi cho Giám mục Giáo phận Vinh cũng khẳng định giáo dân cũng như chức sắc thuộc giáo phận Vinh không đồng lòng với các hoạt động của Linh Mục Đặng Hữu Nam cho nên việc Linh mục Nam ở lại không được hoan nghênh.
Lá thư được gửi đi vào ngày 7/10 và hôm nay chính thức được công bố rộng rãi trên mạng xã hội.
Chúng tôi có cuộc điện đàm với linh mục Đặng Hữu Nam và được ông cho biết:
“Chúng ta thấy ngay trong văn bản này họ đã nói tôi là người đã lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường, kêu gọi xuống đường tổ chức các thánh lễ ở ngoài giáo xứ nữa và họ nói rõ ràng linh mục Đặng Hữu Nam huy động hàng trăm giáo dân kéo đến thị xã Kỳ Anh đệ đơn khởi kiện công try Formosa. Thêm nhiều diễn biến phức tạp mới! Tại sao vậy? Chúng ta đã biết rằng cái quyền khởi kiện là quyền được hiến pháp đã quy định và tôi trong tư cách là một công dân, tôi cũng là nạn nhân của thảm họa Formosa, tôi ăn cá nhiễm độc thì cũng bị ảnh hưởng thôi. Dù tôi không có con cháu tương lai của tôi những mà ít nhất tôi là người ăn cá nhiễm  độc thì tôi cũng bị ảnh hưởng, hơn nữa ở đây là đất nước của tôi, dân tộc của tôi.
Trong tư cách là một linh mục, một người hướng dẫn tôi giúp đỡ những người khác để đòi công lý và thực thi quyền của con người đã được hiến pháp và pháp luật quy định như quyền khởi kiện đó là lẽ đương nhiên. Cái văn bản này chứng tỏ rằng Việt Nam không hề có tự do tôn giáo. Khi chúng tôi làm điều này không phải là vì chúng tôi mà chúng tôi làm là vì sự sống còn của người dân, vì môi trường biển vì chủ quyền của đất nước và đây là lương tâm của người công giáo chứ tôi có làm gì phá hoại đất nước đâu?”
Khi được hỏi sau khi nhận được văn bản này thì linh mục có hỏi ý kiến của Giám mục địa phận Vinh là nơi linh mục đang phục vụ hay không, Linh mục Đặng Hữu Nam Quản xứ giáo xứ Phú Yên cho biết:
“Tôi có trao đổi một số vần đề với Đức Giám mục Giáo phận, chưa có một văn bản chính thức nhưng tôi đã gặp trực tiếp đức Giám mục Giáo phận để nói một số sự kiện cũng như nội dung có liên quan đến văn bản nà của UBND tỉnh Nghệ An”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và tường trình khi có dữ kiện mới.

Không được đền bù, ngư dân Nghệ An nói gì?

Hoàng Dung, thông tín viên RFA 2016-10-13  
Trẻ em địa phương ven biển miền Trung Phú Yên bán đồ lưu niệm san hô khô cho khách du lịch hôm 1/8/2016.
 Trẻ em địa phương ven biển miền Trung Phú Yên bán đồ lưu niệm san hô khô cho khách du lịch hôm 1/8/2016.  AFP photo
Vào ngày 29 tháng 09 năm 2016, thủ tướng chính phủ đã ký quyết định đền bù cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế chịu tác động bởi thảm họa môi trường do Formosa gây nên. Trong khi đó một số ngư dân Nghệ An cũng nói chịu thiệt hại nhưng không thuộc đối tượng được bồi thường.
Ngư dân ở Nghệ An chịu nhiều thiệt hại
Sự việc thảm họa môi trường do Formosa gây ra hồi đầu tháng 04 năm 2016, đã gây ra biết bao khó khăn cho ngư dân ở khu vực miền Trung, cá bị chết hàng loạt, người dân không ai dám ăn cá.
Vào ngày 30 tháng 06 năm 2016, chính phủ đã nhận 500 triệu Mỹ kim của Formosa đền bù cho sự việc mà họ gây ra, sau khi quyết định nhận số tiền đền bù đó của Formosa thì nhiều ngư dân lại chờ vào số tiền đền bù của Formosa, trong thời gian đó thì chính phủ đã có 1 số hỗ trợ gạo cho ngư dân ở Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, trong khi đó ngư dân ở Nghệ An lại không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào.
Vào các ngày 26 và 27 tháng 09 năm 2016, hơn 600 bà con ngư dân ở Nghệ An đã vào tòa án thị xã Kỳ Anh để khởi kiện và yêu cầu Formosa bồi thường thiệt hại cho bà con ngư dân, số tiền bà con yêu cầu Formosa bồi thường là 56 tỉ đồng với 506 lá đơn, tuy nhiên sau đó vào ngày 08 tháng 10 năm 2016, tòa án đã trả lại đơn cho bà con ngư dân với những lý do không hợp lý.
Sau đó vào ngày 03 tháng 10 linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục, Quản xứ giáo xứ Song Ngọc cũng đã đại diện cho hơn 600 bà con ngư dân, gửi đến Quốc hội và Chính phủ đơn kiện của bà con ngư dân yêu cầu Formosa bồi thường cho ngư dân.
Đời sống của người ngư dân thì vô cùng tệ hại bởi vì biển là nguồn sống của người dân, người ngư dân sống với biển và chết vì biển...
- LM Đặng Hữu Nam
Vào ngày 29 tháng 09 thủ tướng chính phủ đã ký quyết định số 1880 đền bù cho ngư dân cho 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, mà không có đền bù cho ngư dân ở Nghệ An.
Trước sự việc đó linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên ở Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết, giáo dân của cha đa số là đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, làm muối, nên sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra từ hồi đầu tháng 04 thì bà con ngư dân trong giáo xứ của cha gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Cha Nam chia sẻ:
“Đời sống của người ngư dân thì vô cùng tệ hại bởi vì chúng ta biết là vốn đời sống ngư dân vốn đã nghèo rồi thì gặp thảm họa này thì đời sống của họ càng thêm thê thảm hơn bởi vì biển là nguồn sống của người dân, người ngư dân sống với biển và chết vì biển, vì thế mà khi biển chết cá chết thì người dân cũng lâm vào hoàn cảnh chết đó là bởi vì người ngư dân không thể đi làm được, không thể có nghề nghiệp và  mất việc thuyền bè nằm bờ. Điều đó sáu tháng trời mà không có thu nhập hàng ngày để người ta chi dùng hậu quả của nó tàn khốc đến mức độ nào. Bên cạnh đó không chỉ là việc người ta không thu nhập hàng ngày mà các gia đình lâm vào cảnh phá sản hoàn toàn bởi vì các phương tiện đánh bắt của họ đều phải vay ngân hàng để chi trả vào phương tiện đánh bắt, người ta sống được qua 6 tháng qua, là nhờ vào các tổ chức từ thiện hoặc các tổ chức tôn giáo giúp đỡ cứu trợ mà thôi”
Anh Thanh một ngư dân ở thị xã Cửa Lò, Nghệ An cũng cho biết những khó khăn mà gia đình anh cũng như những ngư dân đánh bắt cá, hay kinh doanh ở bãi biển Cửa Lò gặp phải:
Thiệt hại thì rõ ngay trước mặt nói chung thì ở Miền Trung thì 4 tỉnh trong kia nhưng mà có cả Nghệ An nữa. Thứ nhất là cả vấn đề là hải sản cũng bị nhiễm rồi. Thứ hai nữa là nếu có đánh về được thì người ta cũng không mua nữa, người ta cũng không tiêu thụ nữa giá cả nó quá bèo nên đời sống ở đây giờ khó khăn, chật vật lắm
Ông Hanh một ngư dân ở Hà Tĩnh cho rằng, thảm họa môi trường ở 4 tỉnh miền Trung, chịu ảnh hưởng nhất là Hà Tĩnh rồi theo dòng hải lưu thì vào đến tận Thừa Thiên Huế, nhưng ngư dân ở Nghệ An cũng chịu rất nhiều ảnh hưởng, vì có cùng ngư trường đánh cá, hơn nữa ông cho biết, dù đánh cá ở biển Hà Tĩnh hay biển Nghệ An thì sau sự kiện cá chết thì người dân ở Nghệ An không ai ăn cá, thì như vậy ngư dân họ cũng chịu ảnh hưởng rồi.
“Khi mà đánh bắt trên biển thì thường thường trước đây biển chưa chết thì tôi gặp rất nhiều thuyền bè ở Tỉnh Nghệ An mà vùng biển Nghệ An khi mà theo luồng cá, khi con cá, con mực mà nó đi theo dòng nước thì ở tỉnh Hà Tĩnh thì lên cùng tỉnh Nghệ An nên đánh bắt ở cùng vùng tỉnh Nghệ An khi thảm họa môi trường thiệt hại ở bốn tỉnh miền Trung thì các tỉnh lân cận cụ thể như là tỉnh Nghệ An thì sát với tỉnh Hà Tĩnh thì cũng chẳng xa là bao mà một khó khăn nhất, một thiệt hại nhất đó là khi đánh bắt thu nhập về chẳng ai mua mặc dù cá đó là của biển Nghệ An”
Sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra, thì nhiều ngư dân từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế còn nhận được số ít ỏi hỗ trợ từ chính quyền, tuy nhiên ngư dân Nghệ An không nhận được bất cứ thứ gì.
Cha Nam cho biết:
“Nghệ An thì không có ở nơi nào có mà kể cả nơi Giáo Xứ Phú Yên của tôi đây thì thậm chí không được đả động đến trong tất cả các báo cáo của nhà cầm quyền về vấn đề thảm họa là nạn nhân”.
Tại sao ngư dân Nghệ An không nhận được đền bù
Theo quyết định số 1880 của chính phủ về việc đền bù cho ngư dân chịu ảnh hường thảm do Formosa gây ra thì ngư dân Nghệ An không được đền bù, để tìm hiểu lý do ngư dân Nghệ An không nhận được đền bù dù cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì chúng tôi có liên lạc với phòng tài nguyên môi trường tỉnh Nghệ An, thì người đại diện cho biết, ngư dân Nghệ An chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp, không bị thiệt hại nhiều.
Người đại diện này cho biết:
“Nghệ An có ảnh hưởng trực tiếp đâu, cái hỗ trợ này có cơ sở cả”
Ông Thanh ngư dân ở Nghệ An cho rằng, cán bộ họ không về trực tiếp dân để xem tình hình, nên không biết ngư dân sống khổ như thế nào, khi nói về lý do ngư dân Nghệ An không nhận được tiền đền bù thì ông nói cái này do mấy ông trên lo, nhưng ngư dân ở Nghệ An sẽ quyết đòi cho được tiền đền bù.
Chính phủ đền bù cho bốn tỉnh là từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế chứ ở Nghệ An mình không được nhưng mà mình phải kiên quyết là đòi bằng được chứ Nghệ An mình cũng nằm trong Miền Trung mà.
- Ông Thanh, Nghệ An
Chính phủ đền bù cho bốn tỉnh là từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế chứ ở Nghệ An mình không được nhưng mà mình phải kiên quyết là đòi bằng được chứ Nghệ An mình cũng nằm trong Miền Trung mà.
Anh Phi một ngư dân ở Quỳnh Lưu ở Nghệ An cũng không biết tại sao ngư dân Nghệ An không được đền bù, nhưng vùng đánh bắt là vùng đánh bắt chung nên càng thiệt hại:
“Vùng đánh bắt thì đánh bắt chung, Hà Tĩnh với Nghệ An lại càng gần lại càng thiệt hại hơn nữa.
Khi nói về quyết định số 1880 của chính phủ về việc đền bù cho ngư dân thì cha Nam cho rằng:
“Với quyết định của 1880 của thủ tướng thôi chúng ta cũng có nhiều điều để chúng ta nhận ra bộ mặt của chính quyền. Bởi vì sao Việt Nam ngày hôm nay như thế nào, bởi vì tôi đánh giá được khả năng trình độ và nhận thức của họ, những cái tâm cái tầm của nhà lãnh đạo ngày hôm nay.”
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Vũ Hải cho biết cách ngư dân tiếp cận để dần dần đòi được bồi thường mà Formosa gây nên.
“Trước mắt, họ lên chỗ bộ nông nghiệp phát triển nông thôn trao về tình hình lên quan đến vấn đề trao đôi cho ngư dân, nếu chính phủ nói không được thì xem xét tiếp.”
Qua đây ông Thanh ngư dân ở Nghệ An cũng nhắn gửi đến cán bộ Việt Nam rằng, các ông chỉ ngồi 1 chỗ rồi ra quyết định, còn để biết ngư dân Nghệ An chúng tôi có chịu ảnh hưởng hay không thì các ông nên về tìm hiểu cho biết vì từ khi thảm họa Formosa gây ra tới nay, chưa thấy 1 cán bộ nào về Nghệ An để tìm hiểu cũng như động viên ngư dân cả.

Chức năng của Thủ tướng và chuyện mấy bãi cứt chó


Câu chuyện đêm khuya: 
- Chú ơi, chú rỗi không? cho cháu hỏi vài điều được không ạ?
- Gì vậy cháu? Cháu hỏi cái gì đấy?
- Chú hồi này làm gì ạ?
- Chẳng làm gì, đang định đi làm học trò của giáo sư,  tiến sĩ.
- Học trò của giáo sư tiến sĩ ạ, mà giáo sư tiến sĩ nào vậy ạ? Ở ta hàng ngũ ấy đông như lợn con, chú theo ông nào ạ?
- Hoàng Chí Bảo. Có gì cần hỏi nói nhanh lên, để chú nghe nốt bài kể chuyện của ông ấy.
- Chú ơi, Thủ tướng thì dùng để làm gì ạ?
- Thì... để làm thủ tướng chứ làm gì nữa.
- Nhưng chức năng, nhiệm vụ của Thủ tướng ấy chứ.

- À, nhiều chức năng và nhiệm vụ lắm cháu ạ, toàn những việc tầy đình, to lớn... nói chung là "lãnh đạo". - Vậy sao những việc thủ tướng làm gần đây lại toàn việc lặt vặt, vớ vẩn thế chú? Chẳng hạn như "Kiểm tra suất ăn công nhân", "Thị sát quán phở", "đi chợ và kiểm tra rau quả", "kiểm tra thực phẩm tại Sài Gòn"... toàn những việc mà bọn công nhân, cu ly phải làm chứ sao lại Thủ tướng phải làm hả chú?
- À, thì thỉnh thoảng phải đi sâu, đi sát cái quần chúng chứ cháu, vớ vẩn là thế nào? Toàn những việc đại sự đấy chứ. Thủ tướng không đi kiểm tra thực phẩm nhỡ thực phẩm bẩn nó lọt ra thị trường thì sao? Không ăn phở nhỡ nó làm phở bằng thịt, thịt, thịt... hà bá thì làm sao, dân ăn chết hết à? Thủ tướng không đi chợ thì sao biết rau tưới thuốc sâu, làm sao biết giá cả tăng như tên lửa, làm sao biết thịt thối inh tẩm hóa chất vẫn bán ở chợ... đại khái thế.
Nhưng thủ tướng chỉ đi qua chợ làm sao biết được rau quả thế nào hả chú? Thủ tướng có phải thánh đâu.
- Thì không phải là Thánh, nhưng là thủ tướng, là lãnh đạo, hiểu chưa. Đã là lãnh đạo, thì cái gì cũng biết, lĩnh vực nào cũng thông nhé. Hiện giờ thì đang lãnh đạo chính phủ, có thể sau này sẽ sang lãnh đạo Quốc hội, rồi sang Chủ tịch nước, rồi sang làm Tổng Bí thư hoặc Mặt trận Tổ Quốc không chừng. Tùy theo vị trí mà có chức năng nhiệm vụ khác nhau. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Đã là thủ tướng thì đi qua là biết, cần gì phải phân tích nọ kia. Thủ tướng uống cafe 8 ngàn kêu ngon, nghĩa là dân chỉ nên uống loại 3 ngàn là được. Thủ tướng ăn phở vào miệng là biết ngay phở không ngon, bởi thủ tướng ăn phở ngon quen miệng rồi nên ăn không ngon biết ngay... đại khái thế. Thế mà vớ vẩn à?
- Vậy các cơ quan chức năng đi đâu mà lại phải thủ tướng hả chú?
- À, thì có thể họ... đi chơi, đi ăn giỗ hoặc đi đền chùa, cầu cúng thăng quan tiến chức. Thủ tướng thì không cần cầu cúng thăng quan tiến chức nữa thì đi làm việc đó thay họ chút thôi, có sao đâu. Chỉ cần họ "sáng cắp ô đi tối cắp về", hàng ngày ăn lộc, cuối tháng lĩnh lương, thế là được thôi mà.
- Nhưng cháu thấy không ổn ạ.
- Sao không ổn? Không ổn chỗ nào?
Thì thủ tướng đi tay không, sờ nắn vậy sao biết được thực phẩm có sạch hay không, phở có hóa chất bảo quản không? Phải có máy móc phân tích hoặc các cơ quan chức năng làm chuyên môn chứ.
- Cháu tưởng máy móc phân tích là chính xác à? Cháu không thấy cả Trung Tâm pháp y Cà Mau giám định mà hàng loạt kết quả bị nghi ngờ là không chính xác ảnh hưởng đến vụ án, rồi cơ quan báo chí Hà Tĩnh, cũng như Phó Chủ tịch khẳng định có thể ăn cá, tắm biển Vũng Áng, thế mà dân nghe theo có mà đưa đám không kịp đấy à? Đâu có phải là cứ phân tích, cứ chức năng là đúng. Ở ta nó khác cháu ạ. Vì thế nên Thủ tướng phải thân chinh đi kiểm tra.
Cháu không thấy ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Giao thông đi kiểm tra mặt đường bằng cách dùng ngón tay trỏ gí gí vào mặt đường là biết à? Không nghe Bộ trưởng Công thương là "Cán bộ thị trường kiểm tra phân bón bằng miệng" đấy à. Cần gì máy móc cho nó phức tạp ra. Đã là thủ tướng thì cái gì cũng biết, cũng chuẩn, cứ tin như thế nhé.
À, mà cháu đừng có học cái kiểu hỏi đểu của báo chí là "Kiểm tra phân bón bằng miệng thì thuốc trừ sâu kiểm tra bằng cái gì" nhé. Cái kiểu hỏi đểu ấy bọn chú biết từ lâu, thực ra chúng nó mới nói thuốc trừ sâu chứ nếu nói là phân bắc thì chắc chắn đi tù như chơi đấy. Đừng dại.
Thế sao không thấy thủ tướng đi kiểm tra việc biển nhiễm độc và cá chết do Formosa là cái mà cả nước và cả thế giới quan tâm hả chú? Chẳng lẽ không quan trọng sao?
- Đi làm gì, biển bẩn rồi sẽ tự sạch, chỉ cần mấy ông tuyên giáo không cho đăng báo về biển chết, là coi như sạch. Nếu muốn sạch hơn thì cứ theo tờ báo Hà Tĩnh viết bài "Biển đã sạch, bà con lại ra khơi", thế là biển sạch sành sanh, không khéo thì dân cũng sạch luôn ấy chứ. Cá chết chỉ khoảng một tháng là hết cá chết, vì còn con nào nữa đâu mà chết? Tại sao Thủ tướng lại phải đi, nhỡ vào đó dân nó mời ăn cá thì trả lời thế nào? Không ăn thì ngượng mà ăn để lấy chết à? Thủ tướng chứ có phải thằng ngu đâu mà cháu bảo làm những việc như thế chứ.
Nhưng dân không biết, ăn vào sẽ nguy hiểm, rồi ung thư, chết dân thì sao ạ?
- Dân có phải là thủ tướng không? Có phải là lãnh đạo đất nước không? Cháu thử tính xem trong đất nước này có bao nhiêu dân và được mấy thủ tướng? Cái nào quý hơn?
Dân chết thì nó đẻ, ốm đau thì nó chịu hoặc chui vào bệnh viện nằm năm thằng một giường, chứ Thủ tướng mà chết thì có mà toi đất nước này à? Cháu xem Phó chủ tịch Tỉnh xúi dân ăn cá, tắm biển chứ ông ta có thò mặt ra tắm hôm nào chưa, ai thấy ông ta ăn cá Vũng Áng khi nào chưa?
Nhưng có điều cháu không thông, là thủ tướng là người lãnh đạo cao cấp, nhiệm vụ nặng nề to lớn lại đi lo những việc vớ vẩn mà ai cũng làm được. Sao không đi lo những việc quốc gia đại sự như tham nhũng hoành hành, biển đảo bị giặc chiếm, dân bị Tàu giết ngoài biển, cá mập cắn cáp thường xuyên, thảm họa môi trường đang nhức nhối, công an thì toàn "gạt tay trúng má" và "giơ chân hơi cao" với dân chẳng hạn?
- Cháu ạ, những chuyện to lớn kia là chuyện lâu dài, đời thủ tướng không làm được, thì đời con thủ tướng, cháu thủ tướng sẽ lên thay và làm tiếp. Còn chuyện tại sao Thủ tướng đi lo những việc nhỏ nhỏ ấy à? Nói thế nào cho mày hiểu nhỉ?
À, mày biết chuyện bãi cứt chó trong vườn chưa?
- Dạ, cháu chưa nghe ạ, chú kể cho cháu được không ạ?
- Chuyện như vầy: Một ông có một bầy con nhưng lười nhác và chỉ lo ăn hại. Sáng dậy ông đi cày dặn con ở nhà dọn vườn tược sạch sẽ.  Chiều về, ông thấy vườn tược được dọn sơ sài không đâu đến đâu, mấy bãi cứt chó cuối vườn ông thấy từ sáng vẫn còn nguyên. Ông quát loạn xị bắt mấy đứa ra dọn sạch ngay, mấy đứa khi đó mới cuống quýt đi dọn.
Sau bữa ăn, ông giảng cho mấy đứa con một bài: "Chúng mày là đồ ăn hại, sáng tao đã dặn dọn vườn sạch sẽ mà vẫn làm không đến nơi đến chốn? Mấy bãi cứt chó ở góc vườn kia mà tao không thò cái mồm vào cũng không xong".
Khiếp, cái chú này. Thế thì đất nước này giống như cái vườn, có mấy bãi cứt chó mà không có mồm thủ tướng cũng không xong à?
- Này, đừng nói linh tinh, đối với thủ tướng phải kính trọng, lễ phép, nghe chưa? Thôi, học bài đi, tao nghe Giáo sư Tiến sĩ kể chuyện cái đã.
Hà Nội, Ngày 13/10/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Việt Nam phủ nhận tin Nga trở lại căn cứ Cam Ranh

Thủy thủ USS Frank Cable xếp hàng trên boong, khi chiến hạm này vào quân cảng Cam Ranh hôm 2 tháng 10. (Hình: U.S. Navy)
KHÁNH HÒA (NV) – Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam vừa tái khẳng định, Việt Nam không để cho quốc gia nào xây dựng căn cứ quân sự tại Cam Ranh.
Trước đó, truyền thông Nga dẫn lời ông Nikolai Pankov, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nga, cho biết Nga đang xúc tiến việc tái hiện diện về quân sự tại Việt Nam và Cuba và do vậy, có tin Nga sẽ quay lại quân cảng Cam Ranh.
Trước thông tin vừa kể, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam lập lại “lập trường nhất quán của Việt Nam” là “không liên minh quân sự với ngoại quốc, không liên minh với quốc gia này để chống lại quốc gia kia và cũng không cho quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam.”
Sau tháng 4 năm 1975, vịnh Cam Ranh được chia thành hai khu vực. Một khu vực dùng vào các mục đích dân sự. Khu vực còn lại là quân cảng. Tương tự, tại Cam Ranh có hai phi trường, một dân sự và một quân sự.
Quân cảng và phi trường quân sự Cam Ranh từng được Hoa Kỳ sử dụng trước tháng 4 năm 1975. Sau đó, mơi này từng là một trong những căn cứ thuộc Hạm Ðội Thái Bình Dương của Nga từ 1979 đến 2002.
Vài năm gần đây, Cam Ranh là địa danh gắn với nhiều sự kiện liên quan tới nỗ lực “tăng cường hợp tác quốc phòng” giữa Việt Nam và các quốc gia khác, cũng như nỗ lực “hiện đại hóa Hải Quân Việt Nam.”
Ðã vài lần, Nga có những tuyên bố giống như sắp quay trở lại Cam Ranh. Chẳng hạn hồi 2015, Bộ Quốc Phòng Nga chủ động tiết lộ, Không Quân Nga đã tái sử dụng phi trường Cam Ranh từ năm 2014 để hỗ trợ các phi vụ mà phạm vi mở rộng đến Ðông Nam Á. Những thông tin này khiến người ta tin rằng, Việt Nam đang hỗ trợ Nga quay lại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Cam Ranh sẽ trở thành một điểm trung chuyển chiến lược của cả Không Quân lẫn Hải Quân Nga.
Trong chuyến thăm Nga hồi đầu tháng 12 năm 2014, ông Nguyễn Phú Trọng-tổng bí thư đảng CSVN từng ký một thỏa thuận với ông Putin-tổng thống Nga, cho phép các chiến hạm của Nga có thể dễ dàng ra vào cảng Cam Ranh.
Thỏa thuận này “đơn giản hóa thủ tục,” lược bỏ nhiều yêu cầu theo thông lệ quốc tế, vì vậy, khi muốn vào cảng Cam Ranh, các chiến hạm của Nga chỉ cần thông báo cho chính quyền tỉnh Khánh Hòa khi đã đến gần quân cảng này. Trước đây, chỉ có Syria dành cho các chiến hạm của Nga hình thức ưu đãi như vừa kể.
Giới quan sát thời sự quốc tế tin rằng, sau Hoa Kỳ, Nga cũng đang nỗ lực chuyển trọng tâm chiến lược sang Châu Á và các thỏa thuận về việc sử dụng cả phi trường quân sự lẫn quân cảng Cam Ranh là một phần trong chiến lược đó.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, Việt Nam có muốn thì cũng khó mà dựa vào Nga. Nga là một trong số rất ít quốc gia phản bác “phán quyết về Biển Ðông” và khẳng định ủng hộ “quan điểm của Trung Quốc về Biển Ðông.” Hải Quân Nga và Hải Quân Trung Quốc cũng vừa tổ chức tập trận tại Biển Ðông để gia tăng khả năng phối hợp ứng phó với những “thách thức trên biển.”
Ðó có lẽ là lý do Cam Ranh được dùng như nam châm, thu hút cả Hoa Kỳ, Nhật. Kể từ tháng 2 năm 2010, Cam Ranh đã trở thành nơi mà một số tàu của Hải quân Hoa Kỳ ghé vào để thuê bảo trì, nhận tiếp liệu.
Hồi tháng 4 năm 2014, khi ghé Ðà Nẵng, Ðại Tá Paul Schilse, hạm trưởng USS John S. McCain, thuộc Hạm Ðội 7 của Hải Quân Hoa Kỳ, cho biết, hạm đội này có nhu cầu sửa chữa, bảo trì các chiến hạm. Nhiều tàu cứu nạn, tàu hậu cần của Hạm Ðội 7 đã ghé Cam Ranh để sửa chữa, bảo trì và con số này sẽ tăng nếu Việt Nam thỏa mãn được nhu cầu sửa chữa, bảo trì chiến hạm.
Cũng vào giữa năm 2014, Việt Nam khởi công xây dựng một công xưởng Hải Quân ở Quân Cảng Cam Ranh với sự trợ giúp của Nga. Dù Việt Nam không cung cấp chi tiết về kế hoạch vừa kể, song lúc đó, hãng tin RIA Novosti (Nga) dẫn lời ông Yevgeny Shustikov, phó tổng giám đốc công xưởng Hải Quân Zvezdochka (Nga), cho biết, công xưởng Hải Quân mà Việt Nam đang xây dựng ở Cam Ranh sẽ là nơi sửa chữa và bảo dưỡng toàn bộ các chiến hạm mà Liên Xô (trước đây) và Nga (hiện nay) cung cấp cho Việt Nam. Ðồng thời còn cung cấp các dịch vụ hậu cần cho những con tàu ghé vịnh Cam Ranh.
Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam lúc đó là ông Phùng Quang Thanh từng nói với Thông Tấn Xã Việt Nam rằng, Nga yêu cầu Việt Nam “đơn giản hóa thủ tục” để họ có thể “vào cảng Cam Ranh sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền, cho quân nhân nghỉ ngơi trong quá trình hành quân” nhưng thay mặt Việt Nam, ông Thanh đã trả lời rằng, “Việt Nam không liên minh quân sự với ngoại quốc, không liên minh với quốc gia này để chống lại quốc gia kia và cũng không cho quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam.”
Gần đây, sau hai chiến hạm của Trung Quốc, hai chiến hạm USS John S. McCain và USS Frank Cable của Hải Quân Hoa Kỳ đã thả neo tại Cam Ranh. Trước đó một chút là hai chiến hạm thuộc lực lượng phòng về biển của Nhật. Cuối năm ngoái, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam và bộ trưởng Quốc Phòng Nhật từng ký kết một thỏa thuận theo đó, các chiến hạm của Nhật có thể ra vào quân cảng Cam Ranh. (G.Ð)

Biển Ðông: Trung Quốc lại dạy dỗ và cảnh cáo lân bang

Một tàu tuần duyên của Nam Hàn tại Hoàng Hải. Nam Hàn loan báo đã ra lệnh cho lực lượng tuần duyên nổ súng nếu tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập. (Hình: Getty Images)
BẮC KINH (NV) – Trung Quốc muốn Úc phát biểu và hành động hết sức cẩn trọng đối với vấn đề Biển Ðông. Ðó là nội dung chính trong thông cáo về cuộc hội đàm giữa Tướng Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương của Trung Quốc với Tướng Mark Binski, tư lệnh Không Quân Úc, do Bộ Quốc Phòng Trung Quốc phát hành.
Ðây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc dùng giọng điệu như vậy với Úc – quốc gia tuy là đồng minh của Hoa Kỳ, từng nhiều lần lên tiếng ủng hộ quan điểm của Hoa Kỳ về Biển Ðông, nhiều lần khẳng định sẽ thực hiện các cuộc tuần tra tại Biển Ðông để chứng minh nỗ lự bảo vệ luật pháp quốc tế và quyền tự do lưu thông – song cũng rất dè dặt với Trung Quốc vì kinh tế Úc đang phụ thuộc rất lớn vào quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Sự càn rỡ của Trung Quốc đã vượt khỏi khả năng hình dung của nhiều người và nhiều giới.
Cuối tháng trước, Trung Quốc từng cảnh cáo Singapore với giọng điệu tương tự. Thậm chí hồi đầu tháng này, viên thiếu tướng tên là Kim Nhất Nam, giáo sư một trường võ bị của Trung Quốc còn cho rằng, Trung Quốc cần sớm có biện pháp buộc Singapore phải trả giá cho việc dám đứng ra vận động “quốc tế hóa vấn đề Biển Ðông,” khiến tình trạng đối đầu giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ tại biển Ðông thêm căng thẳng và vì vậy đã gây tổn hại nghiêm trọng cho lợi ích của Trung Quốc.
Từ khi công khai ủng hộ “phán quyết về Biển Ðông” và kêu gọi công đồng quốc tế tham gia gìn giữ hòa bình, sự ổn định ở khu vực Ðông Nam Á bằng cách gia tăng các cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do lưu thông tại Biển Ðông, Singapore liên tục bị Trung Quốc chỉ trích kịch liệt, bị cảnh cáo là sẽ phải trả giá.
Singapore hiện là điều phối viên quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc. Sự giận dữ của Trung Quốc đối với Singapore tăng vọt sau khi Singapore nhấn mạnh tại hội nghị thượng đỉnh châu Phi diễn ra hồi tháng trước rằng, các bên có liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Ðông phải tôn trọng “phán quyết về Biển Ðông.”
Chẳng riêng Biển Ðông, Trung Quốc đang vừa gây hấn, vừa dạy dỗ các quốc gia khác có lãnh hải tiếp giáp với các vùng biển của Trung Quốc.
Chẳng hạn Trung Quốc vừa khuyến cáo Nam Hàn phải bình tĩnh và hành xử hợp lý ở Hoàng Hải – vùng biển phía Tây bán đảo Triều Tiên. Tuần trước, hai tàu đánh cá vỏ thép của Trung Quốc đã đâm chìm một tàu tuần duyên của Nam Hàn vì bị đuổi ra khỏi lãnh hải Nam Hàn. Nam Hàn đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Nam Hàn đến để phản đối song không những không xin lỗi, Trung Quốc còn khuyên Nam Hàn bình tĩnh. Lối hành xử trịch thượng này đã khiến chính phủ Nam Hàn hết sức phẫn nộ.
Ông Lee Choon Jae, tư lệnh phó Tuần Duyên Nam Hàn loan báo, Lực Lượng Tuần Duyên Nam Hàn đã được phép sử dụng vũ khí để đối phó với những tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập và đánh bắt trái phép lãnh hải Nam Hàn ở Hoàng Hải. Trung Quốc không phủ nhận Nam Hàn có chủ quyền ở vùng biển mà tàu đánh cá của mình đã đâm chìm tàu tuần duyên của Nam nhưng nhấn mạnh đó là khu vực mà ngư dân hai bên có thể… khai thác chung!
Càng ngày, số quốc gia công khai tỏ ra bất bình với thái độ và cách hành xử của Trung Quốc càng nhiều, đặc biệt là những lân bang của Trung Quốc. Tuy nhiên vì kinh tế của quốc gia nào cũng bị chi phối bởi quan hệ thương mại với Trung Quốc nên việc ứng xử với Trung Quốc thiếu sự cứng rắn và nhất quán.
Chẳng hạn, Úc và Singapore vừa đạt được một thỏa thuận, theo đó, Singapore sẽ chi 1.7 tỉ Mỹ kim để mở rộng các trung tâm huấn luyện của Singapore ở bang Queensland-Úc. Nhờ vậy thời gian huấn luyện Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến của Singapore tại Úc sẽ tăng gấp ba lần, từ 6 tuần thành 18 tuần/năm. Số lượng quân nhân được Singapore gửi sang huấn luyện tại Úc cũng sẽ tăng từ 6,600 lên 14,000/năm.
Trong khi nhiều người tin rằng, bối cảnh khu vực Ðông Nam Á và hiện trạng Biển Ðông là lý do dẫn tới thỏa thuận vừa kể thì cả thủ tướng Singapore lẫn thủ tướng Úc cùng khẳng định, không nên xem việc Singapore và Úc gia tăng hợp tác quân sự là nhằm chống Trung Quốc. Cả hai quốc gia đều không chống bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.
Không chỉ Nam Hàn mà Nhật cũng đang thực thi hàng loạt biện pháp nhằm chống tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập, đánh bắt trái phép tại lãnh hải của Nhật ở biển Hoa Ðông.
Theo đài truyền hình NHK thì 70% ngư trường của Nhật đang bị các tàu đánh cá Trung Cộng khai thác thường xuyên một cách tận tình. Cũng vì vậy, Nhật đã cho đóng hàng loạt tàu tuần duyên loại mới vừa có khả năng giám sát cao hơn, vừa… chịu đựng va chạm tốt hơn để đối phó với các tàu đánh cá Trung Quốc. Ðến 2018, cả nhân sự lẫn số tàu tuần duyên của Nhật hoạt động tại biển Hoa Ðông sẽ tăng gấp bốn lần so với hiện nay.
Cho dù ai cũng biết, ngoài việc khuyến khích ngư dân khai thác tài nguyên biển của những quốc gia khác, Trung Quốc còn muốn dùng các tàu đánh cá như công cụ để thực hiện chiến lược hàng hải của mình nhưng nỗ lực đối phó, ngăn chặn chỉ đến mức như vừa kể. (G.Ð)

Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng vì thất bại của Samsung Galaxy Note 7

Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng vì thất bại của Samsung Galaxy Note 7
Những rắc rối mới nhất của Samsung đã bắt đầu ảnh hưởng tới xuất cảng của Việt Nam, một trong những trung tâm sản xuất chính của hãng điện thoại Nam Hàn khổng lồ này.
Báo mạng Korea Bizwire dẫn nguồn tin địa phương cho biết, xuất cảng của Việt Nam trong tháng 9 đạt 15 tỉ Mỹ kim, giảm 6.8% so với tháng 8, trong khi xuất cảng liên quan tới điện thoại di động giảm tới 17.4%, còn 560 triệu Mỹ kim. Theo tờ báo mạng, các mức giảm này phần lớn bắt nguồn từ việc Samsung phải ngưng sản xuất kiểu điện thoại Galaxy Note 7 vào cuối tháng 8 vừa qua vì lỗi pin gây cháy nổ. Samsung rốt cuộc phải thông báo hủy bỏ hoàn toàn sản phẩm vừa là điện thoại, vừa là máy tính bảng mới nhất của họ vào hôm 11 tháng 10.
Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với các khoản đầu tư từ Samsung Electronics và các chi nhánh khác của Samsung lên tới 15 tỉ Mỹ kim kể từ năm 2008, sau khi thiết lập một khu phức hợp sản xuất điện thoại di động ở Việt Nam. Kim ngạch xuất cảng của riêng các sản phẩm Samsung hồi năm ngoái đã lên tới 33 tỉ Mỹ kim, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất cảng của Việt Nam.
Hãng tin tài chính Bloomberg dẫn lời ông Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp Hội Các Doanh Nghiệp Đầu Tư Nước Ngoài, xác nhận rằng quyết định của Samsung ngưng sản xuất điện thoại Galaxy Note 7 chắc chắn gây thiệt hại cho xuất cảng của Việt Nam trong năm nay. Cuộc khủng hoảng Note 7 cũng sẽ hạ thấp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống dưới mục tiêu đề ra cho năm 2016 là 6.7%.
Ông Alan Phạm, trưởng kinh tế gia tại VinaCapital Group, nhìn nhận đây là một cú sốc mới và cũng là hậu quả của việc tập trung vào một công ty hoặc một ngành kỹ nghệ.
Huy Lam / SBTN

230,000 tỷ đồng làm đường bộ cao tốc Bắc- Nam: Hoang tưởng!

230,000 tỷ đồng làm đường bộ cao tốc Bắc- Nam: Hoang tưởng!
Sau khi chính phủ mới chính thức vận hành từ tháng 7/2016, không hiểu giới lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải có “uống thuốc liều” hay không, mà mới đây đã nhiệt tình đề xuất dự án đường cao tốc Bắc-Nam với ước toán lên tới 230,000 tỷ đồng!
Cũng mới đây, Bộ Tài chính có văn bản trả lời Bộ Giao thông Vận tải, trong đó đánh giá dự án trên là “chưa có cơ sở”, “không hợp lý”, và chưa biết lấy đâu ra tiền cho dự án lên tới 230,000 tỷ đồng khi nợ công đã sát trần.
Thực tế phũ phàng này rất có thể khiến giới lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải bẽ mặt. Thời hoàng kim “mổ nội tạng” ngân sách đã qua. Bây giờ thì tìm ra một ngàn tỷ đồng cũng đã khó.
Cần nhắc lại, dự án xây dựng sân bay Long Thành, mặc dù đã được Bộ trưởng giao thông vận tải thời trước đại hội 12 là Đinh La Thăng PR quyết liệt và Thủ tướng Dũng đã “chỉ đạo” gần 500 đại biêu quốc hội phải cúi đầu bám nút, nhưng sau khi hoàn tất thủ tục đó thì vấn đề cực kỳ nan giải là “tiền đâu”.
“Chỉ có” 15 tỷ USD, tương đương khoảng 330,000 tỷ đồng, nhưng cho tới giờ dự án sân bay Long Thành vẫn gần như giậm chân tại chỗ vì ngay cả tiền đề làm dự án tiền khả thi cũng chưa đủ. Trong khi đó trừ kênh Nhật Bản, hầu như các nguồn ODA vay mượn nước ngoài của Việt Nam đều bế tắc. Từ đầu năm 2016 đến nay, liên tiếp có các cuộc gặp của lãnh đạo Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển Á châu (ADB) với giới lãnh đạo Việt Nam, nhưng kết quả vẫn không có thể đồng nào. Ngược lại, Việt Nam còn có trách nhiệm phải trả nợ quốc tế đến ít nhất 12 tỷ USD trong tài khóa năm 2016 này.
Nhìn xa hơn nữa về trước dự án sân bay Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc – Nam, ngành giao thông vận tải cũng từng đề xuất dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Nếu dự án sân bay Long Thành có vốn đầu tư 15 tỷ USD, dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam còn cao gấp 3-4 lần Long Thành. Vào năm 2006, đường sắt cao tốc Bắc – Nam đã khiến dư luận phẫn nộ, không chỉ vì “tính cấp thiết” được thuyết minh quá sơ sài của nó, mà bởi con số tiêu tốn đến 33 tỷ USD và 55.8 tỷ USD năm 2010, tức chiếm đến 1/3 GDP của VN vào thời điểm đó.
Vào tháng 8/2015, như một hiệu lệnh, một số tờ báo nhà nước đồng loạt phất cờ hình ảnh “tư lệnh ngành” giao thông vận tải Đinh La Thăng “Chúng ta nợ nhân dân đường sắt cao tốc Bắc – Nam”.
Trong bối cảnh đen tối cả tiền đồng lẫn lương tâm ấy, “món nợ với nhân dân” mà “tư lệnh ngành” Đinh La Thăng hứa hẹn sẽ có quá nhiều triển vọng chất chồng thêm núi nợ ODA lên đầu 90 triệu dân chúng còm cõi ở đất nước “thơ tôi khóc lệ rơi hình chữ S”.
Giờ đây, ông Đinh La Thăng đã trở thành ủy viên bộ chính trị, và chẳng thấy ai nhắc tới dự án đường sắc cao tốc Bắc – Nam nữa.
Lê Dung / SBTN

Người Việt ăn thịt 5 triệu con chó một năm, nhiều thứ hai trên thế giới

Người Việt ăn thịt 5 triệu con chó một năm, nhiều thứ hai trên thế giới
Theo Liên Minh Bảo Vệ Chó Châu Á, gọi tắt là ACPA, mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ khoảng 5 triệu con chó, đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Cộng và trước Nam Hàn.
Theo ước tính của ACPA, ở Trung Cộng có khoảng 20 triệu con chó bị giết thịt mỗi năm, ở Việt Nam khoảng 5 triệu con mỗi năm, và ở Nam Hàn từ 2 tới 3 triệu con mỗi năm. ACPA cho biết thịt chó được tiêu thụ ở nhiều khu vực khác trên thế giới, nhưng phổ biến rộng rãi nhất là ở Châu Á.
Buôn bán thịt chó là hoạt động phi pháp ở Philippines, Đài Loan, Thái Lan và Hong Kong, nhưng vẫn còn hợp pháp hoặc nói chung không được kiểm soát ở Trung Cộng, Việt Nam và Nam Hàn. Ngành sản xuất thịt chó đã phát triển từ mô hình kinh doanh gia đình trở thành nền kỹ nghệ trị giá hàng tỷ Mỹ kim.
Tiến trình thương mại hóa đã dấy lên nhiều lo ngại về vấn đề phúc lợi động vật và sức khỏe con người. Liên Minh Bảo Vệ Chó Châu Á được thành lập, bởi các tổ chức bảo vệ động vật bao gồm Hiệp Hội Nhân Đạo Quốc Tế, Động Vật Châu Á, Sáng Hội Soi Dog và Sáng Hội Thay Đổi Vì Động Vật. Trưởng đại diện Hiệp Hội Nhân Đạo Quốc Tế tại Việt Nam, bà Nguyễn Thảo Vi cho biết, những năm trở lại đây, hoạt động cứu trợ động vật và nâng cao phúc lợi của động vật tại Việt Nam diễn ra ngày càng mạnh mẽ, và nhận được sự quan tâm đáng kể của cộng đồng cũng như của các cơ quan hữu trách.
Huy Lam / SBTN

Sập giàn giáo xây cao ốc ở Hà Nội, 2 chết, 4 bị thương

Công trình nơi xảy ra vụ sập giàn giáo gây chết người. (Hình: báo Người Lao Ðộng)
HÀ NỘI (NV) – Khi các công nhân đang thi công tại tầng 6 của một tòa cao ốc ở quận Hoàng Mai, bất ngờ giàn giáo đổ sập khiến 2 người chết, 4 người bị thương.
Truyền thông Việt Nam loan tin, khoảng 5 giờ sáng ngày 13 tháng 10, tại công trình xây dựng chung cư 28 tầng Eco Green Tower, ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, đã xảy ra một vụ tai nạn lao động khiến 6 người thương vong.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ tịch phường Thịnh Liệt, xác nhận sự việc và cho biết, hai nạn nhân chết tại chỗ là ông Lê Văn Quý (52 tuổi), quê huyện Thanh Oai và chị Nguyễn Thị Cẩn (25 tuổi), quê Hà Nam.
Tờ Người Lao Ðộng dẫn lời ông Ðinh Văn Minh (63 tuổi), tổ trưởng tổ dân phố số 12, cho biết vào thời điểm trên, ông đang ở trong nhà thì nghe tiếng “rầm” lớn. Chạy lên tầng 5 nhà mình, nhìn xung quanh, ông Minh phát hiện công trình gần đó giàn giáo bị sập, nhiều công nhân hoảng loạn.
Theo ông Minh, khi quan sát ở khu vực sập giàn giáo ở tầng 6 thì phát hiện nhiều công nhân mắc kẹt. Cùng lúc đó, có tiếng tri hô có 2 người rơi xuống tầng hầm. Bên trong công trường, sắt thép làm giàn giáo ngổn ngang, chất thành nhiều đống lớn.
Sau khi xảy ra vụ tai nạn, cổng chính vào tòa nhà đã được che bạt kín, chỉ công nhân trong công trường hoặc lực lượng chức năng mới có thể ra vào. Công an phường Thịnh Liệt đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Khoảng 8 giờ sáng cùng ngày, các nạn nhân được đưa khỏi hiện trường. (Tr.N)

Làm người tốt, thanh niên bị công an đánh trọng thương

Những vết bầm tím trên người Khoa sau khi bị đánh. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
GIA LAI (NV) – Thấy xe máy để giữa đường cản trở giao thông định dắt vào lề đường, một thanh niên ở thị xã Ayun Pa bị công an chụp mũ là trộm cắp, đánh đập đến nhập viện.
Sáng 13 tháng 10, ông Lê Quang Trung, trưởng công an huyện Phú Thiện, cho biết, ông Nguyễn Văn Thìn, trưởng công an xã Ia Hiao của huyện đã bị đình chỉ công tác “do bị tố cáo đánh người gây thương tích.”
Báo Tuổi Trẻ dẫn nội dung đơn tố cáo của anh Ksor Khoa (25 tuổi), ở thị xã Ayun Pa, cho hay, chiều 8 tháng 9, anh Khoa tới nhà bà con dự tiệc thôi nôi. Ðến 19 giờ cùng ngày, thấy ông Trần Văn Toàn, người trong nhóm uống rượu say nên anh Khoa lấy xe máy chở ông Toàn về nhà.
Trên đường về, ông Khoa ghé vào nhà ông Lê Văn Chính để mua đồ thì giữa ông Toàn và ông Chính xảy ra cự cãi. Vì không muốn liên quan nên anh Khoa để ông Toàn và xe máy ở lại rồi đi bộ về nhà.
Ði được khoảng 50 mét, anh Khoa thấy có một chiếc xe máy dựng cách lề đường chừng 1 mét. Cùng lúc đó, có cảnh sát giao thông đang đi tuần tra vừa trờ tới.
Khi anh Khoa đang định dắt xe không phải của mình này vào sát lề đường thì cảnh sát giao thông bên kia đường chạy tới hỏi xe của ai. Anh Khoa khẳng định không phải xe mình thì họ bảo “không phải xe của mày sao định dắt đi,” rồi liền đó họ bắt anh Khoa về xã Ia Hiao bàn giao cho công an xã.
“Vừa về tới trụ sở ủy ban xã, tôi bị 5-6 công an viên lao tới đánh tới tấp, sau đó đưa vào phòng làm việc để lấy lời khai. Tuy nhiên vừa bước vào phòng, tôi lại tiếp tục bị ép vào tường đánh đập,” anh Khoa kể.
Ðến 23 giờ cùng ngày, anh Khoa được người thân lên đón về. Khi thấy trên người bị nhiều thương tích nên gia đình liền đưa đi cấp cứu ở bệnh viện đa khoa Ayun Pa. Ngày hôm sau thấy không ổn nên gia đình quyết định chuyển Khoa lên bệnh viện Quân Y 211 thành phố Pleiku.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán anh Khoa bị chấn thương sọ não kín, gãy kín 1/3 giữa xương trụ trái. Chấn thương phần mềm cánh tay trái do bị đánh.
Nói với phóng viên báo Tuổi Trẻ, ông Thìn cho rằng: “Tối đó tôi đi phối hợp với công an huyện tăng cường tuần tra kiểm soát bảo đảm an toàn giao thông. Khi trở về nghe nói Khoa ăn cắp xe máy nên các công an viên đã làm việc với Khoa. Tôi chỉ vào phòng Khoa đang lấy lời khai một lúc rồi đi ra chứ không có đánh người. Còn Khoa bị như thế do ai đánh thì phải chờ công an huyện điều tra mới biết được.” (Tr.N)

Không đổ được cho dân, CSVN đổ vấy tội cho Việt Tân

Một số người biểu tình đòi đuổi Formosa leo lên tường rào công ty này căng biểu ngữ ngày 2 tháng 10, 2016. (Hình: Internet)
HÀ TĨNH (NV) – Không thể đổ tội lên đầu “quần chúng nhân dân,” nhà cầm quyền CSVN chỉ còn có thể đổ tội cho những bất ổn gần đây là “có bàn tay phá hoại của Việt Tân” và “đối tượng xấu.”
“Qua báo cáo của lực lượng chức năng, tất cả các hoạt động diễn ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong những năm gần đây đều có bàn tay phá hoại của Việt Tân.”
Một bản “thông tin” của “Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy Hà Tĩnh” đề ngày 11 tháng 10, 2016 gửi cho các cấp chính quyền trong tỉnh bị lọt ra ngoài và được một số trang mạng facebook phổ biến, cho thấy như vậy.
Ðồng thời, bản thông tin này cũng cáo buộc, “Lẫn vào các nhóm đi khởi kiện, tuần hành có nhiều đối tượng thường xuyên đi kích động, bôi nhọ vai trò lãnh đạo của đảng, tuyên truyền trái pháp luật…”
Có lẽ đây là lần đầu tiên người ta thấy nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh xác nhận có sự hiện diện của tổ chức Việt Tân ở Mỹ tại tỉnh này. Tuy nhiên, có hay không là một vấn đề. Người ta hiện chỉ thấy chế độ đang muốn đổ vấy lên Việt Tân về phong trào quần chúng đòi nhà cầm quyền phải minh bạch trong việc đối phó với thảm họa môi trường do công ty Formosa gây ra.
Trong bản “thông tin: nói trên của Ban Tuyên Giáo tỉnh Hà Tĩnh, ngoài chuyện đổ vấy lên Việt Tân, nhà cầm quyền CSVN còn vu cho các chức sắc tôn giáo, linh mục bị “các đối tượng xấu, đối tượng cực đoan, lợi dụng sự cố môi trường, để kích động nhân dân có các hoạt động chống phá nhà nước, vụ lợi cá nhân, coi thường kỷ cương phép nước.”
Bản “thông tin” lập lại cách giải quyết bồi thường áp đặt thiệt hại mà nhà cầm quyền trung ương chỉ đền bù cho 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế trong khi dân Nghệ An cũng bị thiệt hại nghiêm trọng nhưng lại bị lờ đi, dẫn đến việc dân huyện Quỳnh Lưu đi kiện.
Tuy thiệt hại của huyện Quỳnh Lưu và những vùng lân cận hiển nhiên, cá không đánh được bao nhiêu và bán lại không ai mua, hàng quán dọc biển hoàn toàn ế ẩm, nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An vẫn quay mặt đi nơi khác. Ðây là một trong những lý do thúc đẩy những người bị thiệt hại trực tiếp từ Formosa nhưng đã bị bỏ rơi, phải đi kiện, đòi đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam.
Ngày 2 tháng 10 vừa qua, hàng ngàn người dân khắp nơi đã kéo đến cơ sở nhà máy gang thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh biểu tình. Trước khí thế và số lượng người quá đông đảo, một số trong lực lượng trấn áp gồm cả quân đội, cảnh sát cơ động và công an chìm nổi đã cởi bỏ đồng phục rồi chạy.
Nhưng nay, nhà cầm quyền vu cho những cuộc biểu tình của quần chúng và các đơn kiện đòi bồi thường là có “bàn tay Việt Tân” và “các thế lực thù địch” để dễ đàn áp.
“Không để các thế lực thù địch lợi dụng tinh thần yêu nước của nhân dân thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.” Bản “thông tin” mà Ban Tuyên Giáo tỉnh Hà Tĩnh nhắc nhở các cán bộ đảng viên dưới quyền. (TN)