Wednesday, November 29, 2017

Dân Đồng Nai mất tiền tại hàng loạt quỹ tín dụng

Người dân tụ tập trước Phòng Giao Dịch của Quỹ Tín Dụng Thái Bình để đòi tiền. Trong hình, ông Hoàng Văn Lục (trái) nói ông gửi vào quỹ này gần 8 tỷ đồng (khoảng $352,283). (Hình: Thanh Niên)
ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Sau khi Quỹ Tín Dụng Thái Bình bị đóng cửa, giám đốc bỏ trốn ra nước ngoài với hơn $2.2 triệu, thì nay thêm Quỹ Tín Dụng Dầu Giây và Quỹ Tín Dụng Tân Tiến “mất khả năng thanh khoản” cho khách hàng, bị đưa vào diện “kiểm soát đặc biệt.”
Trong hai ngày qua, nhiều người dân có gửi tiền tại quỹ Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đã đến trụ sở quỹ này để rút tiền nhưng không được do quỹ hết tiền chi trả.
Ngày 28 Tháng Mười Một, ông Trần Quốc Tuấn, giám đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, xác nhận với báo Dân Trí, đã đưa quỹ Tân Tiến vào diện “kiểm soát đặc biệt do quỹ mất khả năng thanh khoản cho khách hàng.”
“Đến cuối Tháng Mười, 2017, huy động vốn của quỹ đạt hơn 600 tỷ đồng (hơn $26.4 triệu). Thời gian gần đây, khách hàng đến rút tiền đông khiến quỹ mất khả năng thanh khoản, nên Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đưa Quỹ Tín Dụng Tân Tiến vào diện kiểm soát đặc biệt trong thời gian sáu tháng để kiểm tra, xem xét sổ sách, thống kê và đối chiếu các khoản tiền vay, các khoản tiền gửi,” ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, quỹ tín dụng này sử dụng vốn sai quy định và ông đã có văn bản đề nghị Công An tỉnh Đồng Nai vào cuộc điều tra vụ việc.
Quỹ Tân Tiến là đơn vị thứ ba sau quỹ Thái Bình và quỹ Dầu Giây ở huyện Thống Nhất bị Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, do có thể “sập tiệm.”
Trước đó, ngày 20 Tháng Mười Một, hàng chục người dân đã cầm theo băng rôn đến bao vây phòng giao dịch quỹ Thái Bình, thành phố Biên Hòa, liên tục lên tiếng đòi giám đốc quỹ tín dụng trả tiền khiến khu vực trở nên nhốn nháo. Nguyên nhân từ đầu năm 2017, khách hàng của qũy này không nhận được tiền lời như thường lệ. Khi người dân yêu cầu quỹ trả tiền gốc thì giám đốc tìm cách né tránh.
Sau sự việc, công an điều tra thì được biết ông Vũ Công Liêm, giám đốc quỹ, đã cùng người thân bỏ trốn ra nước ngoài “ôm” theo khoản nợ 50 tỷ đồng (hơn $2.2 triệu) của nhiều người tin tưởng gửi vào. (Tr.N)

Công an quận ở Sài Gòn ‘bảo kê’ trường mầm non hành hạ trẻ

Công an lấy lời khai của bà Phạm Thị Mỹ Linh, chủ trường mầm non Mầm Xanh. (Hình: Zing)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – “Tôi có nghe thông tin cơ sở Mầm Xanh có sự ‘đỡ đầu’ của một công an quận 12. Tôi không muốn có thêm một trường hợp Mầm Xanh nào khác trong thời gian tới.”
Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Thu, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố, đề cập nghi vấn này tại cuộc họp khẩn chiều 27 Tháng Mười Một bàn giải pháp chấm dứt nạn bạo hành trẻ mầm non tại Sài Gòn, theo báo Tuổi Trẻ.
Báo này dẫn lời bà Thu: “Cũng như có hay không chuyện cán bộ cung cấp thông tin cho các điểm giữ trẻ để họ biết thời gian đi kiểm tra rồi chuẩn bị rất chu đáo, khi kiểm tra là không có chuyện gì xảy ra. Nhưng khi đoàn kiểm tra về thì rất nhiều chuyện xảy ra với các cháu.”
Còn báo Zing cho hay, bà Thu xác nhận vụ bạo hành này quá dã man. Bà không hình dung được việc này lại do chính những người phụ nữ thực hiện. Hành động dí dao, vớ được vật gì đều lấy làm hung khí đánh các cháu như vậy là không thể chấp nhận được.
“Vậy còn điểm (trường) nào như thế này nữa hay không? Tôi chắc chắn có. Vì cách đây vài tháng đã có rồi, hôm nay lại tiếp tục cho nên chúng ta phải có hành động cụ thể và triệt để,” Zing dẫn lời bà Thu nói.
Tin cho hay, cuộc họp khẩn này được tổ chức sau khi truyền thông Việt Nam phản ánh thực trạng chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, quận 12, Sài Gòn) và các bảo mẫu ở đây đánh đập, hành hạ dã man trẻ em.
Phụ huynh tập trung trước trường mầm non đòi tìm giáo viên bạo hành con mình nói chuyện phải trái. (Hình: Zing)
Theo báo Zing, trước khi bị phát giác đánh đập trẻ, cơ sở tư thục này nhận giữ 30 đến 40 trẻ, từ 12 tháng đến 4 tuổi. Mỗi sáng nhận các cháu vào lớp, bà Phạm Thị Mỹ Linh (43 tuổi, quê Lâm Đồng, chủ cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh) và hai bảo mẫu tên Quỳnh (quê Cà Mau) và Đào (quê Đồng Tháp) đều tươi cười niềm nở. Tuy nhiên, khi cha mẹ các bé đi làm, con họ đã bị đánh đập. Nhiều trẻ bị hành hạ ngay trong lúc ăn ngủ, tắm rửa, vệ sinh, học tập… khiến các em đến trường trong sợ hãi.
Nhiều bé bị bảo mẫu Linh tát vào mặt liên tiếp, bị đánh bằng muỗng múc canh, đập bình nhớt, lưỡi dao vào đầu. Hai bảo mẫu Quỳnh và Đào thì dùng nhiều vật dụng như cây, vá múc canh, thìa, ống nhôm, lược, chổi, cây lau nhà đánh trẻ. Bảo mẫu còn giơ chân đạp vào người trẻ.
Sau khi truyền thông phản ánh, sáng 28 Tháng Mười Một, Công An quận 12 đã có quyết định khởi tố, bắt tạm giam nghi can Phạm Thị Mỹ Linh để điều tra tội “Hành hạ người khác.”
Nói với báo Thanh Niên, ông Đoàn Văn Phúc, trưởng Công An quận 12, cho biết công an chỉ mới bắt được bà Phạm Thị Mỹ Linh, còn hai bảo mẫu tên Quỳnh và Đào đã bỏ trốn, công an quận đang truy tìm. Trước đó, khi bị kiểm tra, cả hai không có bằng cấp chuyên môn.
Bước đầu, bà Linh thừa nhận tội bạo hành trẻ em như trong các clip được báo chí đăng tải. Tuy nhiên, bà Linh lại cho rằng việc hành hạ các cháu bé là do bị áp lực trong công việc và cũng muốn “dạy dỗ” các cháu, bởi vì các bé hiếu động nên phải đánh để dằn mặt, để các cháu sợ và chịu ăn ngủ.
Theo báo Dân Việt, ngoài trường Mầm Xanh, quận 12, Sài Gòn, bà Linh còn là chủ trường mầm non Bông Lúa Vàng, khu phố 1, phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Bà Nguyễn Thị Hồng Kim, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân phường Phú Mỹ, xác nhận: “Ngôi trường này đã hoạt động gần hai năm qua, gồm một cô giáo và ba bảo mẫu, chăm sóc tổng cộng 47 trẻ, hầu hết là con của công nhân. Lúc ghi danh thành lập cơ sở mầm non, các giáo viên và bảo mẫu có đầy đủ bằng cấp theo quy định.” (Tr.N)

Cháy đình cổ hơn 300 năm ở Thái Bình

Ngôi đình làng hơn 300 tuổi bị thiêu rụi trong sáng 27 Tháng Mười Một. (Hình: VietNamNet)
THÁI BÌNH, Việt Nam (NV) – Đình cổ Lưu Xá hơn 300 tuổi ở xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, nay chỉ còn là tàn tích sau đám cháy lớn.
Nói với báo VNExpress, ông Phạm Xuân Cảnh, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Đông Phương, cho biết khoảng 10 giờ sáng 27 Tháng Mười Một, bà Nguyễn Thị Khanh, nhân viên trạm y tế xã, ra đình thắp hương thì thấy khói đen bốc lên và báo cho chính quyền địa phương.
Nhận được tin, nhiều người dân cùng chính quyền đã tổ chức dập lửa. Khi ngọn lửa bùng phát mạnh thì tất cả mọi người hoảng hốt bỏ chạy do không thể tiếp cận. Khoảng 30 phút sau, Phòng Cảnh Sát Phòng Cháy Chữa Cháy, Công An tỉnh Thái Bình, điều hai xe chuyện dụng cùng 30 lính cứu hỏa đến chữa lửa.
Theo báo VietNamNet, sau gần bốn tiếng dập lửa, đến khoảng 2 giờ chiều cùng ngày, ngọn lửa mới được khống chế. Tuy nhiên, ngọn lửa đã thiêu rụi hoàn toàn ngôi đình cổ hơn 300 tuổi này. Rất may không có thiệt hại về người và hiện chưa thống kê được tài sản thiệt hại.
Khi xảy ra vụ hỏa hoạn, đình đang được xây dựng hậu cung.
Theo thủ nhang của đình, ông Lưu Hoàng Văn Nậng, ngôi đình được xây dựng bằng gỗ lim từ năm 1670 có kiến trúc, điêu khắc độc đáo với ba gian hai chái, chiều dài 18 mét, chiều rộng 9 mét, diện tích 170 mét vuông. Năm 1990, ngôi đình cổ này đã được công nhận là “Di tích lịch sử cấp quốc gia.” (Tr.N)

Dân Huế, Quảng Trị thấp thỏm sống trong vùng sạt lở

Một điểm sạt lở sông Hương ăn sát vào cổng trường Tiểu Học Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế. (Hình: SGGP)
THỪA THIÊN-HUẾ, Việt Nam (NV) – Bão tan, lũ rút cũng là lúc bờ sông, đê biển sạt lở nghiêm trọng dọc theo các tỉnh, thành miền Trung, khiến hàng ngàn nhà dân sống trong cảnh thấp thỏm, lo sợ, trong khi chính quyền bất lực vì không có kinh phí khắc phục.
Sau những đợt lũ chồng lũ từ đầu Tháng Mười Một đến nay, dòng chảy ở thượng nguồn sông Hương thay đổi mạnh, xoáy sâu vào xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Chiều 23 Tháng Mười Một, khi phụ huynh vừa chở con em đến trường Tiểu Học Hương Thọ đối diện sông Hương, bất ngờ nhiều cây xanh ven sông và một phần đường bê tông dẫn vào cổng trường học ầm ầm sạt lở, đổ ập xuống sông. Rất may, mọi người kịp thời chạy thoát.
Ngày 27 Tháng Mười Một, nói với báo SGGP, ông Nguyễn Văn Tồn, hiệu trưởng trường, cho biết sông Hương “ngoạm” cả trăm khối đất ven bờ hơn 400 mét, ăn sâu vào bờ 4 mét, khiến cổng chính vào trường trở thành bờ sông.
Cách trường không xa, một điểm sạt lở mới đã hất văng nhà cửa của nhiều người dân nằm gần bờ sông ở thôn La Khe Trẹm, cuốn trôi một phần căn nhà của bà Nguyễn Thị Chạy (51 tuổi). Căn nhà của gia đình anh Lê Ngà cạnh đó cũng bị cuốn từng mảng ra giữa dòng sông Hương. Tại hiện trường, cả hai ngôi nhà chỉ còn sót lại những trụ bê tông và vài tấm lợp rách nát nằm dưới đống đất đá.
Tương tự, tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, hàng chục gia đình nơi đây đang sống trên bờ sông Hiếu di dời chưa được, mà ở cũng không yên. Bởi vì chỉ sau một đêm mưa lớn, bờ sông Hiếu sạt lở vào sát con đường bê tông, với chiều dài hơn 20 mét.
Ngoài ra, ở Quảng Trị nhiều tuyến sông khác như sông Nhùng, sông Thạch Hãn cũng bị xói lở nghiêm trọng do mưa lũ. Nhiều đoạn sạt 5 mét, ăn sâu vào đường giao thông, gần hiên nhà của hàng chục nhà dân.
Không chỉ có sông bị sạt lở, triều cường và sóng lớn tiếp tục xói lở bờ biển rất nặng, với chiều dài gần 10 cây số, ăn sâu vào đất liền từ 5 đến 10 mét. Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở bờ biển ở xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, y như mở thêm cửa biển mới rộng 50 mét, uy hiếp tài sản và tính mạng của khoảng 3,500 nhà dân trong vùng.
Xây dựng kè chống sạt lở bờ biển, bảo vệ khu dân cư, vùng sản xuất được cho là kế hoạch tối ưu. Tuy nhiên, ông Phan Thanh Hùng, chánh văn phòng Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng các dự án xây dựng bờ kè ven biển đang gặp khó vì phải có nguồn kinh phí đến cả ngàn tỷ đồng, cần phải có sự trợ giúp từ trung ương và các bộ, ngành. (Tr.N)

HRW kêu gọi thả tù nhân lương tâm trước đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam

Một số nhà hoạt động nhân quyền tham dự ngày vận động cho các tù nhân lương tâm tại Việt Nam. (Hình: DLB)
BRUXELS (NV) – Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho Mẹ Nấm và tất cả các tù nhân lương tâm trước ngày đối thoại nhân quyền với Liên Hiệp Âu Châu (EU).
Ba ngày trước phiên tòa phúc thẩm blogger Mẹ Nấm, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) gửi một bản tường trình đến tổ chức Liên Hiệp Châu Âu (EU) trình bày thực trạng nhân quyền tại Việt Nam và kêu gọi EU tạo sức ép để Hà Nội trả tự do cho hơn một trăm tù nhân lương tâm đang bị giam cầm tại nhiều nơi ở Việt Nam.
Cuộc đối thoại nhân quyền sắp tới giữa EU và Việt Nam, dự trù sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào Tháng Mười Hai năm 2017. Ngày 16 Tháng Mười Hai 2017, một nhóm các nhà hoạt động của Việt Nam ở Hà Nội vừa đi gặp một số thành viên của đoàn ngoại giao EU trước khi có cuộc đối thoại đối thoại thường niên giữa hai bên.
Nhà báo độc lập Blogger Phạm Đoan Trang, ông Nguyễn Quang A, Nguyễn Chí Tuyến và bà Bùi Thị Minh Hằng đến trao đổi hôm 16 Tháng Mười Một về các vấn đề nhân quyền nổi cộm ở Việt Nam. Khi ra về những người này đã bị công an bắt cóc giữa đường lôi về đồn để thẩm vấn. Riêng blogger Phạm Đoan Trang bị thẩm vấn và giữ đến đêm khuya cùng ngày mới thả.
“Tình hình nhân quyền Việt Nam xấu đi đáng kể trong năm 2017. Đảng Cộng Sản Việt Nam tiếp tục độc chiếm quyền lực và trừng phạt những người dám thách thức vị trí của mình. Tất cả các quyền chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do chính kiến, lập hội, nhóm họp và đi lại đều bị hạn chế. Các nhóm tôn giáo chỉ được hoạt động dưới sự quản lý của chính quyền. Nhà cầm quyền dùng nhiều cách để cản trở các nhà hoạt động chính trị và nhân quyền, kể cả sách nhiễu tâm lý và cơ thể, theo dõi, quản chế trái pháp luật, ngăn cấm đi ra nước ngoài một cách tùy tiện, gây sức ép với nơi làm việc, chủ nhà hay người thân của các nhà hoạt động.”
Một số trong hơn 100 tù nhân lương tâm mà Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền thúc hối nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do. (Hình: HRW)
Bản tường trình của HRW gửi tổ chức EU viết như vậy về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam và viết tiếp rằng: “Công an thường buộc các nhà vận động nhân quyền phải chịu những cuộc thẩm vấn kéo dài, đầy tính dọa dẫm. Nhà cầm quyền tùy tiện giam giữ biệt lập những người lên tiếng phê bình trong thời gian dài mà không cho tiếp xúc với luật sư hay gia đình thăm gặp. Nhiều người đã bị kết các bản án nhiều năm tù theo các tội danh an ninh quốc gia mơ hồ hoặc các điều luật hà khắc khác. Công an thường xuyên tra tấn các nghi can để ép nhận tội và đôi lúc sử dụng vũ lực quá mức để đối phó với các cuộc biểu tình đông người.”
Bản tường trình nêu ra danh sách hơn 100 tù nhân lương tâm hiện đang bị giam giữ trong các nhà tù CSVN. Riêng trong năm 2017, chế độ Hà Nội đã bắt giam hơn 20 người, một số người đã bị kết án tù nặng nề như Mẹ Nấm, Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Hóa. Một số khác chưa biết bao giờ có án. Tất cả đều bị vu cho các tội danh rất mơ hồ như “Tuyên truyền chống nhà nước…,” “Âm muu lật đổ…” hay “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” dù Hiến Pháp của chế độ công nhận có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do hội họp, nghiệp đoàn…
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới, kể cả Ủy Ban Nhân Quyền LHQ đã nhiều lần lên án chế độ Hà Nội làm ngược lại các cam kết quốc tế về nhân quyền. Tất cả các áp lực đều bị nhà cầm quyền gác bỏ ngoài tai.
Bản tường trình của HRW gửi EU cũng dẫn chứng tình trạng đàn áp quyền tự do ngôn luận, lập hội, nhóm họp và đi lại, quyền tự do tôn giáo, hành đạo, qua nhiều vụ việc cụ thể. HRW cũng không quên nhắc nhở EU về tệ trạng công an bạo hành dẫn đến chết người oan uổng tại Việt Nam.
“Trên khắp các vùng miền, công an Việt Nam đã và đang bạo hành những người bị giam giữ, dẫn đến cái chết ở một số trường hợp. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân tử vong chỉ bị câu lưu vì những lỗi nhỏ. Một số người sống sót cho biết họ bị đánh đập để buộc nhận tội, đôi khi về những tội họ đã tuyên bố không hề thực hiện. Dù chính quyền có cam kết sẽ cải thiện tình trạng này sau khi Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền công bố phúc trình về nạn công an bạo hành, dường như những cán bộ công an đã gây ra những sai phạm nghiêm trọng, thậm chí chết người, rất ít khi phải chịu những hậu quả tương xứng theo luật định,” bản tường trình của HRW viết. (TN)

Gần 90% phụ nữ tại Việt Nam bị quấy rối tình dục

Một nữ nhân viên làm nghề tiếp thị thuốc lá trong một quán cà phê ở Sài Gòn. Những cô gái làm việc trong nghề này thường phải đối mặt với nạn “quấy rối tình dục.” (Hình: Văn Lang/Người Việt)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hãng tin Mỹ CNN nêu kết quả của một cuộc nghiên cứu nói khoảng 87% phụ nữ tại Việt Nam bị quấy rối tình dục tại các nơi công cộng.
Hôm Thứ Hai, 27 Tháng Mười Một, CNN có bài viết về tình trạng phụ nữ bị sách nhiễu tình dục trên thế giới dựa vào tài liệu của một số tổ chức và phỏng vấn.
Sách nhiễu tình dục từ nhẹ tới nặng cả bằng lời nói và hành động. Nhẹ thì một vài lời ong bướm như “Sao em sexy thế,” “Anh chỉ muốn”… đến những cử chỉ chân tay thô bạo, và xa hơn nữa có thể xúc phạm thân thể dù người ta phản đối.
Các nghiên cứu được CNN nêu ra với những nơi có tỉ lệ quấy rối tình dục nơi công cộng nặng nhất trên thê giới như Ai Cập tới 99%, đảo quốc Papua New Guinea hơn 90%. Việt Nam cũng có tỉ lệ phụ nữ bị quấy rối tình dục cũng chẳng thua kém bao nhiêu, tới 87% hay cứ 10 phụ nữ thì có đến gần 9 người là nạn nhân của các sự quấy rối. Ấn Độ là 79%, Cambodia là 77%, Bangladesh là 57%.
Tại các quốc gia Tây phương, vấn đề tình hình có vẻ nhẹ hơn, nhưng vẫn là các con số lớn đáng kể. Ở Mỹ, tỉ lệ phụ nữ từng bị quấy rối ở nơi công cộng lên đến 65%, trong khi ở Anh là 64%. Nhiều quốc gia Châu Âu cũng nằm trong “danh sách đen” như 52% đối với Đan Mạch, ở Phần Lan là 47%, Thụy Điển 46%, Pháp là 44%.
Đồ họa tỉ lệ phụ nữ từng bị quấy rối tại một số quốc gia Châu Á trong đó có Việt Nam. (Hình: Ðồ họa CNN)
Hiện nước Mỹ thì đang nóng lên với các lời tố cáo của nhiều phụ nữ bị sách nhiễu ngay tại trụ sở Quốc Hội, một số ứng viên dân biểu, nghị sĩ cũng bị cáo buộc sách nhiễu tình dục, ảnh hưởng tới khả năng trúng cử.
Thật ra, các cuộc khảo sát và nghiên cứu về tệ nạn sách nhiễu tình dục nơi công cộng được CNN dẫn lại để viết trong bài viết ngày 27 Tháng Mười Một căn cứ vào cuộc nghiên cứu của tổ chức ActionAid hồi cuối năm 2014 và được công bố và các báo tại Việt Nam khai thác trong năm 2015. Họ đã phỏng vấn hơn 2,000 người dân tại Hà Nội và Sài Gòn. Actionaid là một tổ chức quốc tế chống bất công và đói nghèo hoạt động tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Quấy rối tình dục nơi công cộng tại Việt Nam vốn là một căn bệnh xã hội đã tồn tại từ lâu và đến nay không thấy có những nghiên cứu mới được đưa ra ngoài một vài vụ án nghiêm trọng, kể cả giết người chỉ vì chòng ghẹo phụ nữ.
Đầu Tháng Sáu vừa qua, tòa án thành phố Hà Nội kết án Đặng Xuân Quý tù chung thân, Quách Ngọc Hải 16 năm tù, cùng về tội “Giết người.” Nguyên nhân chỉ là chọc ghẹo một phụ nữ trong quán nhậu. Tháng Tư trước đó, tờ Phụ Nữ Việt Nam kể câu chuyện một ông anh rể bị đánh suýt què chân vì chọc ghẹo cô em vợ.
Luật pháp CSVN trừng phạt tội “ghẹo gái” đến 300,000 đồng (khoảng $13), theo Nghị Định 167/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28 Tháng Mười Hai, 2013, về “Vi phạm quy định về trật tự công cộng” gồm “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.”
Không thấy có thống kê nào cho thấy từ khi cái nghị định vừa kể được thi hành thì đã có bao nhiêu người bị phạt trong khi tỉ lệ người bị quấy rối thì rất cao.(TN)