Tuesday, May 7, 2019

Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh kể chuyện tù: ‘Sự khác biệt phân xử giữa tù chính trị và tù hình sự’

Cát Linh/Người Việt
Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh ngày mãn án tù. (Hình: Nguyễn Lân Thắng)
LTS: Lúc 10g30 tối ngày 7 tháng Năm, giờ Việt Nam, Nhật Báo Người Việt thực hiện cuộc phỏng vấn trực tuyến với Nhà Báo/Blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang blog Basam, trang mạng chuyên về điểm tin tình hình trong nước, thế giới, các bài viết về dân chủ, nhân quyền. Trong đó, nổi bật với các bài về Trung Quốc và Biển Đông.
Ông Nguyễn Hữu Vinh chia sẻ nhiều câu chuyện trong thời gian thi hành bản án, trong đó đặc biệt là câu chuyện về sự khác biệt đối xử giữa phạm nhân tù chính trị và tù hình sự. Ông kể:
Tù chính trị bị giám sát nghiêm ngặt
Việc giam giữ có sự phân loại. Một số trại đại đa số là tù hình sự, là những người phạm các tội như kinh tế, gây tai nạn chết người hoặc chiếm đoạt tài sản…Một số ít thôi tạm gọi là tù chính trị như chúng tôi, bị tách ra một khu riêng. Tôi ở trại 5. Ở phân trại đó khoảng 700 người là tù hình sự.
So sánh 1 cách khách quan sự khác biệt giữa hai khu đó. Khu chính trị thì điều kiện sống, tạm gọi là điều kiện vật chất thì thuận lợi hơn khu hình sự rất nhiều. Một phòng giam lớn của khu hình sự có vài chục phạm nhân. Trong đó rất thiếu quạt mát vào mùa hè. Rất khổ.
Còn chúng tôi ở bên này, 1 phòng nhỏ thôi, 2 đến 3 phạm nhân thì có 1 cái quạt. So với bên hình sự thì nó thuận lợi hơn.
Thế nhưng, thứ nhất, điều kiện vật chất thì đáng lẽ là phải tốt hơn nữa trong phạm vi có thể nhưng người ta luôn siết chặt 1 cách vô nguyên tắc. Nếu như có đấu tranh mức độ nào đó thì người ta mới nới lỏng ra.
Ông Nguyễn Hữu Vinh đưa tin tức ngay sau cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ngày 24/07/2011, gần Hồ Gươm, Hà Nội. (Hình: Nguyễn Lân Thắng)
Thứ 2 nữa là tinh thần. Có những cái o ép, kiểm soát mà lẽ ra phạm nhân hình sự phải chịu nhưng lại không bị. Tôi lấy ví dụ như ở trong 1 phòng giam của chúng tôi, chỉ có 2 hoặc 3 người thôi nhưng có đến 2 cái camera giám sát 24/24. Khi mất điện, tắt đèn tối đen nó vẫn giám sát được. Ngoài sân nhỏ cũng có 1 camera. Nghĩa là 3 người (trong phòng giam tù chính trị) có 3 camera.
Nhưng ở ngoài khu hình sự, 1 phòng giam rất lớn thì không có camera nào cả. Phạm nhân hình sự rất dễ có những chuyện đụng độ với nhau, và nhiều chuyện khác nữa đáng lẽ rất cần phải có camera giám sát nhưng họ lại coi như không cần.
Mấy phạm nhân chính trị thường là rất nghiêm túc trong chuyện thực hiện nội qui. Chúng tôi trong suốt mấy năm ở đây không vi phạm nội qui nhưng vẫn bị giám sát. Khi chúng tôi ra ngoài vui chơi hoặc lao động một chút thì lúc nào cũng có vài cán bộ ngồi đấy. Tôi cũng có nhiều lần gợi ý là họ không cần cẩn thận quá như thế, chỉ cần khóa cái cửa là được rồi. Tù hình sự, 50 người, 70 người mà người ta vẫn khóa cửa để cho vui chơi trong khuôn viên ấy, không cần cán bộ trông coi như chúng tôi, 10 người, 15 người cũng có cán bộ trông coi.
Hoặc là mấy ngày tôi sắp về đây thì tôi thấy ngay hiện tượng họ (trại giam) tăng cường giám sát. Mấy người qua phòng tôi chia tay, tâm sự mấy câu, họ nhìn camera họ thấy thế là có sự chỉ đạo bên ngoài vào, dùng điện đàm ra lệnh ngay ở trong là “thôi, dẹp, cho mỗi người về một phòng.” Tôi biết ngay là không muốn chúng tôi trao đổi với nhau nhiều. Đấy là một cái ví dụ. Còn rất nhiều ví dụ khác nữa. Ví dụ như thư từ, gặp người nhà, viết cái gì mà hơi đụng chạm tới những cái họ cho là chính trị là bị chặn ngay. Như mấy tháng đầu tôi viết thư về nhà là bị chặn lại, không cho gửi rất nhiều thư mà không giải thích lý do gì cả. Mà tôi cho rằng giáo dục phạm nhân là rất nên để cho phạm nhân quan tâm đến thời cuộc. Đó là dạy cho người ta, để người ta thay đổi con người, hướng thiện. Đây lại ngược lại, khi tỏ ra hướng thiện thì bị ngăn chặn. Cái đó là chuyện không thể giải thích nổi.
Sự khác biệt về tinh thần giữa phạm nhân hình sự và chính trị.
Ví dụ có 1 việc trong văn bản pháp luật có qui định là giữa  gia đình phạm nhân với trại phải có những sự trao đổi, phối hợp để giúp phạm nhân cải tạo. Muốn làm điều đó thì trại có làm đôi việc, trong đó có 1 việc mà 1 năm chỉ làm 1 lần, đó là có gia đình một số phạm nhân được mời đến trại để họp 1 hội nghị gia đình như được ăn uống cùng với gia đình. Đấy như một phần thưởng với những phạm nhân cải tạo tốt.
Nhưng chuyện đấy chỉ xảy ra với các phạm nhân tù hình sự. Còn đối với chúng tôi thì không biết gì về những việc ấy cả.
Đến một ngày, tôi để ý loa thông báo ngoài khu vực tù hình sự thì tôi ngờ ngợ có việc đó. Tôi tìm cách hỏi phạm nhân hình sự thì tôi mới biết có chuyện đó. Tôi mới đề nghị là chúng tôi cũng phải được tiêu chuẩn đó thì tại sao chúng tôi không được thông báo chuyện ấy. Dù chúng tôi không được cũng phải cho chúng tôi biết là tại sao không được. Chúng tôi hoàn toàn bị bưng bít chuyện đó.
Đề nghị này của tôi qua mấy năm, họ cứ ậm ờ, không giải đáp, không trả lời gì cả. Có năm thì họ nói là ờ vì năm nay trại bận bịu nhiều việc nên không tổ chức hội nghị gia đình hoặc là tổ chức rất là hẹp thôi. Họ không giải đáp một cách minh bạch cho chúng tôi.
Đấy là 1 ví dụ cho thấy phạm nhân tù chính trị và tù hình sự có sự khác biệt rất chênh lệch về tinh thần rất quan trọng. Có thể là hơn về vật chất nhưng về tinh thần thì có những cái rất thua thiệt.
Kể cả thăm nuôi, có qui định là mấy tháng thì phạm nhân được xếp loại khá, tốt sẽ được thưởng là có thêm nhiều giờ thăm nuôi từ gia đình, hoặc có người được phòng riêng để ở với gia đình 24 tiếng. Cũng như với hội nghị gia đình, chúng tôi hoàn toàn không được thông báo chuyện này cũng không ai được hưởng chế độ này. Liên tục mấy năm tôi đấu tranh cho việc này nhưng họ cũng không giải đáp và không giải quyết.
Nhưng tôi cũng được biết là họ ngấm ngầm cho vài người được hưởng cái đó.
Cái này lại là 1 cái tệ khác, 1 cái sai khác. Tôi biết tại sao họ ngấm ngầm làm như thế, tại sao họ làm sai nguyên tắc, phân biệt đối xử như thế. Những cư xử này nó chẳng phải là nghiệp vụ gì cả, nó trở thành 1 cái gọi là cách cư xử nhỏ mọn, không thể gọi là nghiệp vụ được. Nó sẽ là phản tác dụng, phản giáo dục và vô giáo dục.
Tôi nói thẳng trước mặt cán bộ trại, phó giám thị, tôi nói các vị là những người gọi là giáo dục phạm nhân nhưng lại làm những việc phản giáo dục.
Nhà báo/Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh lập trang blog Basam vào năm 2007. Trang blog này không lâu sau trở nên nổi tiếng nhất và có nhiều ảnh hưởng nhất Việt Nam. Ông vừa mãn án tù hôm 5 tháng Năm sau 5 năm thụ án với cáo buộc bởi điều luật 258 của Luật Hình Sự Việt Nam. Việc bắt ông Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự là bà Nguyễn Thị Minh Thúy vào ngày 5 tháng Năm, 2014 đã gây ra một làn sóng rộng khắp các trang mạng trong và ngoài nước. Phiên tòa xét xử ông Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của phóng viên quốc tế.

Bộ Giao Thông Vận Tải lại tìm cách đổi tên trạm BOT để vơ vét

Lần đầu đổi tên thành “trạm thu giá” bị công luận phản đối. (Hình: Tiền Phong)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Sau một thời gian lắng dịu vụ đổi tên các trạm thu phí BOT thành “trạm thu giá” nhằm lách luật để dễ thu tiền người dân, Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN lại giở trò “lấy ý kiến” dự thảo thông tư đổi tên trạm BOT thành “trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.”
Theo báo Tiền Phong, đầu năm 2018, “trạm thu giá” được Bộ Giao Thông Vận Tải sử dụng để thay cho tên gọi “trạm thu phí,” nhưng khi bị nhiều ý kiến phản đối vì cụm từ “trạm thu giá” không có nghĩa, và không cần thiết, bộ này đổi thành “trạm thu phí,” nay lại đổi thành “trạm thu tiền.”
Hiện tại, Bộ Giao Thông Vận Tải đang “lấy ý kiến” để thay thế Thông Tư số 49/2016 về “trạm thu giá” trước đó, để các trạm thu phí BOT hiện nay sẽ được gọi là “trạm thu tiền.”
Khái niệm “thu tiền” hoàn toàn được sử dụng trong dự thảo thông tư này mà không cần úp mở cho việc che đậy, lách luật để móc túi dân như lần trước. Theo đó, “Trạm Thu Tiền Dịch Vụ Sử Dụng Đường Bộ là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của xe cộ tham gia giao thông đường bộ.”
Nếu tên trong dự thảo này được thông qua, các “trạm thu phí” BOT trước đây sẽ có tên gọi mới là “trạm thu tiền.” (Hình: Tuổi Trẻ)
Báo Tuổi Trẻ ngày 7 Tháng Năm, 2019, dẫn lời một thành viên tổ soạn thảo thông tư, Luật Phí và Lệ Phí có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Giêng, 2017, đã đổi tên “phí sử dụng đường bộ” thành “giá dịch vụ sử dụng đường bộ.”
Theo đó, hồi năm 2016, Bộ Giao Thông Vận Tải đã ban hành Thông Tư số 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ đã gọi là “giá dịch vụ sử dụng đường bộ.”
Tuy nhiên, việc một số trạm BOT viết tắt “Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ” thành “trạm thu giá” đã tạo ra phản ứng trong công luận. Cách gọi là “trạm thu phí” như cũ đã được trả lại, nhưng cách gọi này “không đúng tinh thần Luật Giá.”
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc Hội CSVN khóa 14, ngày 4 Tháng Sáu, 2018, để xoa dịu dư luận, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội CSVN, cho rằng Bộ Giao Thông Vận Tải “cứ quay trở về tên gọi cũ là ‘trạm thu phí’ vì tên này đã đúng bản chất.”
Kết quả, ngày 10 Tháng Bảy, 2018, Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam đã chính thức có văn bản hỏa tốc yêu cầu các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án BOT đổi tên “trạm thu giá” thành “trạm thu phí.” (Tr.N)

Bí Thư Nguyễn Thiện Nhân: Ông Trọng ‘sẽ sớm xuất hiện và làm việc’

Ông Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc "tiếp xúc cử tri" ở Quận 3, Sài Gòn, hôm 7 Tháng Năm. (Hình: Thanh Niên)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – “Trả lời cử tri về sức khỏe của tổng bí thư, chủ tịch nước, ông Nguyễn Thiện Nhân nói: Tôi tin rằng các đồng chí sẽ sớm thấy tổng bí thư, chủ tịch nước xuất hiện và làm việc.”
Báo VietNamNet hôm Thứ Ba, 7 Tháng Năm, 2019, thuật lại lời ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn, trong buổi “tiếp xúc với cử tri quận 3” về tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng.
Còn báo VNExpress, mở đầu bản tin tương tự là “Nói với cử tri quận 3, bí thư Thành Ủy khẳng định sức khỏe tổng bí thư, chủ tịch nước ngày càng tốt.”
Báo này cũng nói và dẫn lời ông Nhân “Tôi tin là các đồng chí sẽ sớm thấy tổng bí thư, chủ tịch nước xuất hiện và làm việc.”
Còn tờ Thanh Niên cũng thuật lời ông Nguyễn Thiện Nhân: “Liên quan đến sức khỏe thì mỗi người có một tốc độ, mức độ hoàn thiện khác nhau nên chúng ta chưa thể tự đưa ra thời hạn được. Tôi tin là các đồng chí sẽ sớm thấy tổng bí thư, chủ tịch nước xuất hiện và làm việc.”
Ngoài các câu trả lời chung chung trong cuộc tiếp xúc của ông Nguyễn Thiện Nhân, vẫn không thấy có một chi tiết nào về tình trạng sức khỏe hay bệnh tật của ông Nguyễn Phú Trọng được hé lộ.
Ông ta bị bệnh gì, chữa trị ra sao, có tiến bộ gì không, nếu tốt lên thì tốt thế nào, nhưng nó thuộc “bí mật nhà nước” nên người ta chỉ có thể thấy những thứ thông tin “ngoài luồng” truyền nhau trên mạng xã hội không ai có thể kiểm chứng.
Có vẻ, trong các cuộc tiếp xúc cử tri của những ông bà “đại biểu nhân dân” cũng là chức sắc cấp cao trong đảng và nhà nước CSVN, những người thắc mắc về sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng gắn với âu lo về ác vụ “đốt lò” trấn áp tham nhũng của ông này. Người ta sợ nếu ông Trọng “có mệnh hệ nào” rất có thể những kẻ khác lên thay lại là bè đảng tham nhũng.
Từ ngày 14 Tháng Tư, 2019, khi ông Trọng đến Rạch Giá “thăm và làm việc,” nơi ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dùng, làm bí thư tỉnh ủy, không thấy ông xuất hiện ở đâu ngoài những thư hay điện văn. Trước những tin tức lan truyền trên mạng xã hội quá ồn ào náo nhiệt, ngày 25 Tháng Tư mới thấy phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN nhìn nhận ông Trọng “không khỏe” và “sớm trở lại làm việc bình thường.”
Chữ “không khỏe,” thường ám chỉ một cơn cảm nhẹ chỉ một vài ngày là qua, đến nay, đã ba tuần lễ.
Cho đến hôm Thứ Ba, 7 Tháng Năm, người ta vẫn thấy guồng máy tuyên truyền của chế độ loan báo ông Trọng “gửi điện thăm hỏi” đến Tổng Thống Nga Putin khi hay tin máy bay của hãng hàng không “Aeroflot” gặp nạn, làm 41 người chết.
Trước đó, các báo vẫn đều đặn đưa ra các bản tin tuyên truyền ông tổng bí thư kiêm chủ tịch nước chúc mừng, chia buồn với lãnh tụ các nước từ Đông sang Tây. Trong khi đó, người ta biết thừa là, nhiều phần, ông Trọng đang nằm liệt giường, chống đỡ khó khăn với hậu quả của cơn tai biến mạch máu não, không thể làm gì khác hơn.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, sau bà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân và phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao, cả quyết ông Nguyễn Phú Trọng “sớm xuất hiện và làm việc.”
Tuy nhiên sớm là sớm thế nào, vài ngày, một tuần lễ hay ba tháng, sáu tháng?
Nếu ông Trọng còn đang “tập đi,” “tập nói” và “bị méo mồm” đúng như tin tức trên mạng xã hội thì rất có thể, hai ba tháng nữa, người ta vẫn còn được đọc các bản tin thông báo ông “chủ lò” Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục gửi điện, gửi thư chúc mừng hay chia buồn đến nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao. (TN)

Công an Hà Tĩnh ‘cầu cứu’ do bất lực với chất thải độc hại từ Formosa

Một góc nhà máy Formosa Hà Tĩnh ngày đêm phun chất thải vượt ngưỡng. (Hình: Một Thế Giới)
HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Công an Hà Tĩnh cho biết Formosa đang thải ra 14 nhóm chất thải với 64 danh mục của hàng ngàn tên chất thải độc hại khác nhau, nhưng không cung cấp cho cơ quan hữu trách để theo dõi, xử lý.
Theo báo Một Thế Giới ngày 6 Tháng Năm, 2019, trong công văn liên quan đến việc “Xử lý chất thải của Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS)” gửi Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Trọng Hải, giám đốc Công An tỉnh Hà Tĩnh, cho biết theo đánh giá của Cảnh Sát Môi Trường, Công An Hà Tĩnh, quá trình hoạt động của FHS “đã phát sinh rất nhiều loại chất thải, được phân thành 14 nhóm và 64 danh mục với hàng ngàn tên chất thải trên tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh hàng năm là 3,360,000 tấn.
Cụ thể: Bùn cán nóng phát sinh 35 tấn/ngày, lượng tồn kho 10,700 tấn; bùn phối trộn tồn kho 28,737 tấn; bùn lò cao phát sinh 200 tấn/ngày, lượng tồn kho 70,000 tấn; bùn lò chuyển phát sinh khoảng 128,000 tấn và xỉ thép phát sinh 2,500 tấn/ngày, tồn kho khoảng 780,000 tấn.
“Việc phân định các loại bùn, bụi đều do Formosa thuê các đơn vị tư nhân (được Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cấp phép) để phân tích các chỉ tiêu về môi trường và căn cứ vào đó để phân loại có nguy hại hay không. Trong khi đó, các cơ quan hữu trách không lấy mẫu đối chứng để kiểm tra tính chính xác của kết quả phân tích, do đó việc phân định chất thải rất khó mang tính khách quan, chính xác (như việc bùn lò cao trước đây phân tích là chất thải nguy hại, nhưng sau đó phân tích lại kết quả là chất thải thông thường). Đặc biệt, các kết quả phân tích chất thải ‘vượt ngưỡng,’ Formosa không cung cấp cho cơ quan hữu trách để theo dõi, quản lý,” theo công văn.
Bên cạnh đó, “Formosa cố tình đánh tráo tên các loại chất thải. Chẳng hạn, FHS gọi các loại bùn thải là ‘bùn quặng, bùn khoáng’… không thể hiện đúng bản chất. Bởi các loại bùn của Formosa là chất thải sản xuất công nghiệp, trong khi “bùn khoáng” là loại bùn thiên nhiên được hình thành do những biến đổi của địa chất là cố tình làm sai lệch bản chất của chất thải.”
Dù có đưa ra phương án tái chế chất thải rắn, bùn lò cao, lò chuyển chứa nhiều kẽm (Zn) không thể tái sử dụng trực tiếp bằng việc đầu tư lò đáy quay RHF dùng để tách kẽm trong bùn để tái sử dụng, nhưng chỉ đạt 30-70%, phần còn lại thì… chịu.
Bởi vì Formosa “không đánh giá các thành phần nguy hại khác trong bùn, sẽ gây nguy hại cho môi trường. Và khi xử lý xỉ thép bằng công nghệ lò điện hồ quang sẽ phát sinh khí thải SO2 lớn vì xỉ thép có hàm lượng lưu huỳnh cao…”
Văn bản Công An tỉnh Hà Tĩnh tố Formosa không cung cấp thông tin về chất thải cho cơ quan hữu trách theo dõi, quản lý. (Hình: Một Thế Giới)
Cũng theo công văn này, trong bảy loại xỉ thép, có ba loại xỉ thép đã được “hợp chuẩn” dùng làm vật liệu cấp phối, san lấp cho công trình xây dựng, giao thông, phụ gia khoáng cho sản xuất xi măng cho chính FSH nhưng bốn loại còn lại là thép xỉ, bột xỉ từ lò chuyển, gang xỉ, bột từ xỉ khử lưu huỳnh được tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hoặc bán cho các nhà máy luyện thép.
“Trong đó, bột từ xỉ khử lưu huỳnh có hàm lượng lưu huỳnh cao (S), khi đưa vào các nhà máy luyện thép công nghệ lò điện hồ quang (công nghệ cũ) sẽ phát sinh khí thải SO2 rất lớn, nếu không có hệ thống xử lý khí thải được đầu tư bảo đảm sẽ gây ô nhiễm môi trường.”
Công an Hà Tĩnh đã yêu cầu Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cùng các bộ hữu trách “tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và yêu cầu” Formosa phân loại xử lý các loại chất thải theo đúng nội dung cam kết trong báo cáo ĐTM (đánh giá tác động môi trường) và quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Sau khi công văn trên được báo chí Việt Nam loan tin, công luận bất bình cho rằng, biển đã chết vì Formosa và tới đây có thể tài nguyên đất và không khí.
Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ phẫn nộ bày tỏ trên trang Facebook cá nhân: “Điều nguy hiểm là Formosa cố tình giấu nhẹm các cơ quan hữu trách, nhập nhèm không minh bạch trong vấn đề xử lý chất thải độc hại và người lãnh đủ sẽ là người dân Việt Nam, tài nguyên Việt Nam và môi trường Việt Nam. Trong khi đó, những kẻ mở cửa rước Formosa về giày mả tổ thì vẫn ung dung hưởng thụ những đồng tiền tanh bẩn từ việc bán đứng một vùng quê cho Formosa vùng vẫy.” (Tr.N)

Dịch tả heo Phi Châu lan tới miền Nam, tỉnh nói huyện ‘công bố ẩu’

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng hai huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch (Đồng Nai) công bố dịch tả heo Phi Châu là “công bố ẩu.” (Hình: Thanh Niên)
ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Dịch tả heo Phi Châu đã xuất hiện tại hai huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai, đang làm giới chăn nuôi và người tiêu thụ sợ hãi trong nguy cơ có thể lan nhanh ra các tỉnh khác ở miền Nam. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng hai huyện này công bố dịch tả heo Phi Châu là “công bố ẩu.”
Tỉnh Đồng Nai với hàng trăm cơ sở nuôi heo từ lớn đến nhỏ được coi là “thủ phủ” của ngành nuôi heo tại Việt Nam. Hôm Thứ Ba, 7 Tháng Năm, 2019, báo Infonet cho hay: “Hai huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vừa công bố dịch tả lợn Châu Phi.”
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 4 Tháng Năm, Ủy Ban Nhân Dân huyện Trảng Bom có quyết định “công bố dịch đối với bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn xã Đồi 61, huyện Trảng Bom.” Cùng thời điểm này, Ủy Ban Nhân Dân huyện Nhơn Trạch cũng có quyết định “công bố dịch tả heo Châu Phi đã có tại địa bàn xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch từ ngày 2 Tháng Năm.”
Tuy nhiên, nói với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Văn Chánh, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đồng Nai – trưởng Ban Chỉ Đạo Phòng, Chống Khẩn Cấp Dịch Tả Heo Châu Phi, cho rằng Đồng Nai chưa có dịch tả heo Phi Châu, hai ổ dịch đó là dịch heo tai xanh, hai văn bản trên do hai huyện làm “ẩu.”
Theo báo Thanh Niên, Sài Gòn với hơn 7 triệu dân là khách hàng tiêu thụ nhiều thịt heo nhất từ Đồng Nai và cũng có rất nhiều trang trại chăn nuôi bên cạnh các gia đình nông dân nuôi heo ở các huyện ngoại thành. Khi được tin, chính quyền ở Sài Gòn đã vội vàng “tăng cường kiểm soát, thành lập thêm hàng loạt chốt chặn ở các khu vực cửa ngõ.”
Miêu tả dịch heo Phi Châu tại hai huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai, báo Infonet cho biết: “Tại huyện Trảng Bom, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện đầu tiên tại một hộ chăn nuôi thuộc ấp Tân Đạt, xã Đồi 61 vào ngày 24 Tháng Tư với tổng đàn 268 con. Tại huyện Nhơn Trạch cũng đã phát hiện có hai hộ chăn nuôi với tổng số 29 con có triệu chứng dịch tả lợn Châu Phi. Toàn bộ số lợn bệnh ở hai huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch đã được mang đi tiêu hủy.”
Khoảng hơn một tháng kể từ cuối Tháng Ba, 2019, cho đến khi có dịch ở Đồng Nai, người ta không thấy có thêm tin tức gì mới. Ngày 31 Tháng Ba, người ta thấy Bộ Nông Nghiệp và Phát Triền Nông Thôn CSVN cho biết có 476 xã của 91 huyện, thuộc 23 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tả heo Phi Châu với 73,000 con heo bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy. Phần lớn là các tỉnh phía Bắc và Bắc miền Trung.
Có vẻ như đèo Hải Vân và dải đồi núi chập chùng ngăn đôi hai miền Nam Bắc đã cản trở đường “Nam tiến” của dịch tả heo Phi Châu về phía Nam được ít tuần lễ. Nhưng nay không phải Quảng Nam, tỉnh gần với Thừa Thiên-Huế có dịch, mà vào sâu tận phía Nam, nơi được mô tả là “thủ phủ” của kỹ nghệ nuôi heo Việt Nam.
Cán bộ kiểm dịch phun tiêu độc khử trùng cho đàn heo đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai. (Hình: Đồng Nai)
Như vậy, thêm tỉnh Đồng Nai, dịch tả heo Phi Châu đã xảy ra tại 24 tỉnh, thành phố tại Việt Nam theo thứ tự trước sau là Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên-Huế, Lai Châu, Bắc Giang, Quảng Trị, Vĩnh Phúc và Đồng Nai.
Theo báo Dân Việt, “Điều đáng nói là, ý thức phòng bệnh của người dân thực sự chưa cao, những người dân sinh sống dọc tuyến đường liên huyện nối xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất) đi xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) phản ánh về tình trạng xác heo chết vứt bừa bãi bên đường, gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ xảy ra dịch bệnh.”
Nếu các biện pháp đối phó thụ động và kém hiệu quả, dịch sẽ rất có thể lây lan nhanh ra các tỉnh chung quanh, ông Nguyễn Kim Đoán – phó chủ tịch Hiệp Hội Chăn Nuôi tỉnh Đồng Nai – cho rằng rất có thể cuối năm 2019 sẽ có một đợt “khủng hoảng thiếu” thịt heo do nhiều địa phương ở miền Bắc đang có dịch tả heo Phi Châu. Dịch bây giờ xuất hiện ngay tại miền Nam, nguy cơ thiếu thịt heo lại càng nghiêm trọng hơn đối với loại thịt quen thuộc nhất trong các bữa cơm của người Việt.
Theo báo Dân Việt hôm Thứ Hai, giá heo hơi cả nước “vừa tăng nhẹ trở lại được hơn một tháng sau chuỗi ngày giá xuống thấp, thị trường ảm đạm vì ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi ở các tỉnh phía Bắc, thì mới đây, giá heo hơi ở nhiều tỉnh thành lại tiếp tục đi xuống, nhất là khu vực Đông Nam Bộ giá heo hơi đang giảm rất nhanh, khiến bà con chăn nuôi vô cùng lo lắng.”
Vẫn theo báo Dân Việt, ngay thời điểm xuất hiện dịch tả heo Phi Châu tại các tỉnh phía Bắc, tỉnh Đồng Nai đã “ban hành kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả heo châu Phi. Tỉnh dự tính sẽ chi 17.3 tỷ đồng (hơn $742,568) nhằm chủ động phòng, chống hiệu quả dịch tả heo Châu Phi; khống chế, dập tắt dịch bệnh khi mới phát hiện và còn ở diện hẹp; sẵn sàng ứng phó nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo cho sản xuất chăn nuôi phát triển.”
Mới “dự tính” đối phó thì dịch đã đến rồi. (TN)