Phạm Trần (Danlambao) - Mặt trận tuyên truyền của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã lầm vào mê hồn trận của Luật An ninh mạng khi Ban Tuyên giáo đảng chỉ biết rung cây dọa khỉ.
Trước hết hãy bàn về mối lo âu của Ban Tuyên giáo đảng khi Luật An ninh mạng (ANM) được chuẩn bị đi vào cuộc sống từ ngày 01/01/2019.
Trao đổi với cử tri Biên Hòa ngày 20/06/2018, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhìn nhận: "Hiện nay công nghệ thông tin phát triển mạnh tạo ra môi trường ảo, tuy là ảo nhưng lại là thật. Vấn đề an ninh mạng là vấn đề rất quan trọng, việc ra đời luật An ninh mạng là để điều chỉnh các mối quan hệ trên không gian mạng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật." (Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV).
Nói thế vì ông Thưởng không thể nói khác trong khi ai cũng biết Luật ANM, được Quốc hội chấp thuận ngày 12/06/2018 và đã được ban hành ngày 09/07/2018, chỉ nhằm khóa miệng dân, tiêu diệt quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và vi phạm quyền được tiếp cận thông tin của người dân đã quy định trong Điều 25 Hiến pháp 2013 (Điều 25: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin...)
Những ngăn cấm trong Luật ANM và trừng phạt vi phạm theo Bộ Luật hình sự (LHS), sửa đổi ngày 20/06/ 2017 đã ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, là bằng chứng phơi bầy chủ trương dùng Luật do mình tự viết để giúp Đảng duy trì chế độ độc tài.
Nhưng người đứng đầu ngành tuyên truyền để bảo vệ đảng, Võ Văn Thưởng, vẫn chối biến Luật ANM không có cạm bẫy gì.
Ông ta nói: "Phải khẳng định rằng ra luật An ninh mạng hoàn toàn không có chuyện vi phạm quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ quan điểm, chính kiến của công dân. Mà ngược lại còn tạo điều kiện thực hiện quyền này theo quy định của pháp luật. Ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến nhưng chúng ta phải theo quy định của pháp luật, không phải chúng ta nói tự do rồi muốn làm gì thì làm. Mà có quy định pháp luật để điều chỉnh hành vi của con người trong mối quan hệ giữa công dân với công dân, giữa công dân với xã hội, giữa công dân với Nhà nước" - (VOV, 20/06/2018).
Nhưng “theo quy định của pháp luật” là luật nào? Nếu đó là Luật ANM và LHS là ngụy biện Cộng sản. Trong bất kỳ quốc gia nào, không phải có tự do là được phép vi phạm pháp luật. Nhưng tự do ở các nước dân chủ là thứ tự do có thượng tôn luật pháp. Mọi người, từ dân tới lãnh đạo, đều bình đẳng như nhau và không ai được hưởng đặc quyền đặc lợi trước tòa án.
Ngược lại, ở các nước độc tài, nhất là độc tài Cộng sản như Việt Nam, luật pháp chỉ nằm trong tay kẻ cầm quyền và phe nhóm. Quan tòa ở Việt Nam, như đã chứng minh trong qúa khứ và hiện nay, là thành phần tham nhũng quyền lực và địa vị vì chỉ biết xử bị cáo chính trị theo lệnh nhà nước, nhất là đối với những người tranh đấu đòi dân chủ và tự do.
Con số trên 100 tù nhân lương tâm và chính trị đang bị giam cầm, đánh đập trong các nhà tù CSVN, trong đó có hai phụ nữ can trường Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) và Trần Thị Nga là một bằng chứng của những phiên tòa luật rừng của nhà nước CSVN.
Bối rối - chạy quanh
Vì vậy, khi bị các Tổ chức Nhân quyền, Tôn giáo và các nước dân chủ lên tiếng chỉ trích, Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ biết chối quanh nói rằng: “Ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm, không có việc những người bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ. Như ở tất cả các quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam, những hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng pháp luật.”
Nhưng lời nói quanh co ngày 05/04/2018 của Lê Thị Thu Hằng, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, vẫn không thay đổi được bộ mặt vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam vì chẳng ai tin lời bà Hằng nói.
Vì vậy, khi đã bị “một sự bất tín, vạn sự bất tin” nên ngành Tuyên giáo của đảng cũng thất bại trên mặt trận tuyên truyền giả mạo.
Tình trạng bối rối này đã được nhìn nhận bởi ông Võ Văn Thưởng tại Hội nghị sơ kết công tác tuyên giáo ngày 09/07/2018 tại Hà Nội.
Ông Thưởng nói: “Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng chính trị, dư luận xã hội có việc chưa kịp thời; sự phối hợp, hỗ trợ giữa các ban, bộ, ngành với Ban Tuyên giáo Trung ương trong cung cấp, định hướng thông tin và chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa còn có việc, có lúc chưa chặt chẽ, nên chưa làm tốt công tác tuyên truyền. Công tác nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội, nhất là một số vấn đề phức tạp nảy sinh còn chậm, việc phản ánh, báo cáo và định hướng thông tin chưa kịp thời, công tác tuyên truyền chưa chủ động, chưa đáp ứng nhu cầu và trình độ ngày càng cao của nhân dân, phương pháp chưa thực sự phù hợp.” (Thông tấn xã Việt Nam, 09/07/2018).
Song song với những tuyên bố của ông Thưởng là hàng loạt bài viết bênh vực và ca tụng Luật ANM xuất hiện trên các báo dòng chính như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân và hai cơ quan VOV và TTXVN v.v...
Dưới cái tựa “Tỉnh táo, chủ động trước tin tức bịa đặt, sai sự thật”, báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng viết hồ hởi rằng: “Số liệu thống kê từ chương trình đánh giá về an ninh mạng năm 2017 của BKAV cho biết: 63% người dùng ở Việt Nam thường xuyên đọc tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó có 40% là nạn nhân hằng ngày. Ðây là số liệu thống kê cần được quan tâm, nhất là trong điều kiện các loại tin tức giả mạo do thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí vẫn thường xuyên gieo rắc trên internet (in-tơ-nét) nhằm đầu độc người nhẹ dạ, cả tin hoặc kích động những ai vì nhận thức cảm tính mà dễ bức xúc, tự đẩy mình tới hành vi vi phạm pháp luật...” (Nhân Dân, ngày 03/07/2018)
Nhưng BKAV là của ai và số liệu của BKAV có khả tín không?
BKAV là tên viết tắt của Bách Khoa AntiVirus, và tên Bách Khoa được lấy từ Đại học kỹ thuật Bách khoa Hà Nội, do chuyên viên điện tử Nguyễn Tử Quảng, tốt nghiệp từ trường này thành lập.
Vậy liệu Công ty BKIS và BKAV có là một bộ phận của nhà nước Việt Nam hay chỉ là công ty tư nhân hợp tác với nhà cầm quyền CSVN không phải là điều quan trọng. Chỉ biết rằng những số liệu của ông Quảng công bố và được báo Nhân Dân của đảng chốp lấy tuyên truyền cũng chẳng thuyết phục được ai.
Có chăng thì cũng chỉ là trò rung cây dọa khỉ của báo Nhân Dân để hù họa những người đang sử dụng Internet ở Việt Nam.
Để phụ họa với BKAV, Nhân Dân viết tiếp: “Cùng với việc tự sản xuất tin tức bịa đặt, sai sự thật, BBC, VOA, RFA và một số địa chỉ chống phá Việt Nam còn thường xuyên khai thác loại tin tức này từ internet, đặc biệt là mạng xã hội. Phải nói rằng càng gần đây, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đã biến internet, cụ thể là mạng xã hội, thành nơi truyền tải tin tức giả mạo mục đích mà họ trông đợi là những thông tin này sẽ gây hoang mang, nghi ngờ, gieo mầm và hướng sự bức xúc vào vai trò lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, nhằm tác động và lũng đoạn niềm tin xã hội, đẩy tới hành vi chống đối.”
Lo bị lật đổ
Ngoài Nhân Dân còn có báo Quân đội Nhân dân (QĐND) cũng viết nhiều bài giải thích “vì sao Việt Nam cần phải có Luật An ninh mạng?”
QĐND ngày 09/07/2018 viết: “Khác với các thời kỳ lịch sử trước, bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ biên cương, bảo vệ vùng đất, vùng trời, vùng biển của đất nước, ngày nay, bảo vệ Tổ quốc còn phải bảo vệ không gian điện tử của Tổ quốc. Thực tế cho thấy từ khi internet, mạng xã hội ra đời đến nay đã từng diễn ra việc lợi dụng internet, mạng xã hội để tập hợp lực lượng, kích động biểu tình, gây rối, kêu gọi lật đổ chính quyền. Ngày nay, các thế lực thù địch đã có thêm một phương thức mới để chống phá nhà nước, đó là sử dụng internet, mạng xã hội để tấn công cơ quan, tổ chức, thậm chí còn có thể gây bạo loạn, lật đổ chế độ xã hội... Vì vậy, Nhà nước Việt Nam cần có chế tài nghiêm minh đối với tội phạm mạng là điều hết sức cần thiết.”
Lời cáo buộc những cuộc biểu tình bất bạo động của hàng ngàn người dân khắp Việt Nam trong các ngày 10,11 và 17 tháng 06/2018 chống Luật ANM của QĐND cũng như dọa dẫm của Nhân Dân chỉ lấy được lòng tin của mọi công dân Việt Nam nếu họ chứng minh được rằng Luật này sẽ không đàn áp quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng và tôn trọng quyền được thông tin như Hiến pháp 2013 đã minh thị.
12.07.2018