Tuesday, November 15, 2016

Giáo dục bằng đớn hèn, chúng ta không thể dựng được thế hệ của hy vọng


Đầu tuần này, có một chuyện khá thú vị diễn ra ở Viện đại học Virginia, Hoa Kỳ. Có gần 500 sinh viên và giảng viên của Viện đại học này cùng ký tên vào một bức thư phản đối bà giám đốc của trường là Terasa Sullivan, vì đã phát đi một bức thư kêu gọi sự hợp nhất của toàn Viện đại học, nhưng trích dẫn trong đó ý văn của tổng thống đời thứ 3 của Hoa Kỳ là Thomas Jefferson.
Mục đích của sự phản đối, là các sinh viên lo ngại về việc giớ thiệu các tư tưởng của tổng thống Thomas Jefferson vào lúc này, có thể bị coi là gợi ý “liên quan sâu sắc về lịch sử phân biệt chủng tộc”. Từ bản tin của The Richmond Time Dispatch, người đọc có thể rằng trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump vừa nhậm chức, khuynh hướng dân tộc cực đoan đang lan đi, việc trích dẫn bị coi là đầy ngụ ý này có thể làm ảnh hưởng tinh thần của Viện đại học nên hàng trăm sinh viên đã cùng ký vào thư phản đối này. Hoàn toàn không ai kich động hay xúi giục họ cả.
Sự phản ứng tức thì này khiến bà giám đốc Teresa Sullivan đã phải viết một lá thư trần tình, giải thích rằng “mọi việc trích dẫn đều không có nghĩa là ngầm tán thành các cấu trúc xã hội hay niềm tin của thời đại đó, chẳng hạn như về chế độ nô lệ, xem thường phụ nữ và không cho người da màu vào trường đại học”. Trong một khung cảnh văn minh, giám đốc của một trường đại học đã phải minh bạch, như một cách tôn trọng thế hệ của tương lai, thay vì coi mình là “người lớn”, và sinh viên chỉ là “kẻ nhỏ” và đến chỉ để đóng tiền học phí.    
Sự kiện này nhắc tôi về những gì đang diễn ra ở đại học Hoa Sen, Saigon, vài ngày trước, nơi có các cuộc tranh chấp giữa các Hội đồng quản trị mới và cũ. Hãy nhích một bước, đứng ngoài các giá trị được và mất của các nhà đầu tư và điều hành, sự kiện đáng nói ở đây, liên quan đến các sinh viên của trường Hoa Sen.
Tóm tắt sự kiện ngắn gọn như sau, ngày 11 tháng 11, khi biết tin Hội đồng quản trị mới đến làm việc ở trường Hoa Sen, hàng chục sinh viên đã làm biểu ngữ, biểu tình… yêu cầu Hội đồng quản trị mới đi theo khuynh hướng phi lợi nhuận. Việc bày tỏ thái độ rất bình thường trong một xã hội dân chủ, thế nhưng được một hệ thống phối hợp tổ chức đưa tin như một âm mưu làm loạn.
Sài Gòn trước năm 1975 có vô số các hội đoàn sinh viên, trong đó có một Tổng hội Sinh viên, nay là Nhà văn hóa Thanh Niên, với hàng ngàn người luôn xuống đường cho các vấn đề xã hội. Ấy vậy mà mới mấy mươi sinh viên bày tỏ ý kiến trong khuôn viên trường của mình, đã bị coi như là một “thế lực thù địch”.
Khác với cách hành xử của Viện đại học Virginia, Hội đồng Quản trị mới không tìm một không gian đối thoại hay giải thích một cách tử tế. Ai đó trong các vị có quyền lực của Hội đồng Quản trị mới đã gọi điện cho các nhân viên công an văn hóa mật PA83 chạy đến như một cách trấn áp, ngay trong buổi ghé đến đại học Hoa Sen lần đầu tiên. Ai đã kinh qua trường đại học ở Sài Gòn trước 1975,  đều biết rằng không thể có chuyện công an được gọi xồng xộc chạy vào như thế. Đại học là một khuôn viên riêng, là một thánh đường của trí thức.
Nhiều ngày, đọc các bản tin trên báo, các dòng tin trên facebook… cứ nhắc đi nhắc lại việc sinh viên bị “xúi giục, kích động”… thật không thể không thảng thốt và buồn nôn. Tinh thần đại học độc lập và giá trị biểu kiến của giới trẻ chưa gì đã bị dán cho những nhãn quan mập mờ đe dọa về chính trị. Đáng tiếc hơn, đôi khi chính những vị là nhà giáo dục, luật sư… cũng có một thói quen cất tiếng, giới thiệu lối tư duy tăm tối của mình để áp đặt cho một không khí sinh hoạt xã hội dân sự bình thường. Chính quý vị trí thức ấy cũng đã góp phần bóp chết tinh thần đại học của Sài Gòn, của giới trẻ là vậy.
Nói trên báo Giáo dục thời đại, một luật sư tên Lê Xuân Lộc cứ nhấn đi nhấn lại là việc điều hành là của “người lớn”, sinh viên chỉ có một việc là “học”. Thậm chí tay luật sư này còn đe dọa bằng việc viện dẫn chuyện biểu tình của sinh viên có thể bị ghép vào tội hình sự. “Pháp luật hoàn toàn không cho phép việc tụ tập la ó, giơ các bảng biểu ngữ như các bạn sinh viên Trường Đại học Hoa Sen đã làm vào chiều ngày 11/11 vừa qua”, luật sư Lê Xuân Lộc nói như vậy.  
Nếu đây là người đại diện luật pháp cho Hội đồng quản trị mới, đó là một người đại diện tồi, vì ông ta không thể học thuộc nổi một đoạn Hiến pháp Việt Nam đã đặt nền tảng cho quyền con người. Dùng luật pháp như một con dao để vung lên dọa tứ tung trong đám đông, hơn nữa lại mang đầy tư duy ngu dốt về thế hệ trẻ trong nền giáo dục đại học, làm sao ông ta có thể thuyết phục giới trẻ nắm tay giúp lôi ông đi vào tương lai?
Chúng ta hay nói và mơ một ngày nào đó, đất nước mình cũng có những thế hệ như sinh viên Hồng Kông bản lĩnh, về những sinh viên đầy tinh thần độc lập như Viện Đại học Virginia, nhưng nếu chúng ta chấp nhận im lặng và thỏa hiệp với những tư duy giáo dục đớn hèn, trẻ con hóa sinh viên, thì làm sao dựng được thế hệ của hy vọng?
Tham khảo thêm

Một vài nét tính cách,tâm lý tiêu cực của người Việt.


Dân tộc nào cũng có những nhược điểm trong tính cách. Chả có dân tộc nào là hoàn hảo. Người Việt mình cũng vậy. Nhưng ngoài những tính cách không được hay mà báo chí dư luận hay nói đến như chuộng hình thức, chuộng bằng cấp, ít quan tâm đến chính trị (số người quan tâm vẫn là thiểu số), vô cảm v.v… có những nét tâm lý, tính cách mang tính tiêu cực khác mà tôi nhận thấy khá phổ biến, ở cà người đang sống trong nước hay đã ra bên ngoài.
Thứ nhất là tâm lý vọng ngoại/chuộng ngoại. Ở trong nước thì quá rõ, từ trên máy bay Vietnam Airline cho tới khi bước chân xuống phi trường, đi mua hàng, vào nhà hàng khách sạn, nếu chú ý một chút, bạn sẽ nhận thấy thái độ đối xử của các nhân viên tại nhiều nơi với khách người Việt và khách nước ngoài là khác nhau (và giữa khách da trắng, da vàng, da đen cũng khác). Đối với khách nước ngoài mà da trắng chẳng hạn, thì lịch sự tươi cười chu đáo hơn hẳn. Hàng hóa cái gì của nước ngoài cũng tốt, nên đừng trách tại sao nhiều khi hàng hóa Việt mà tiểu thương bán hàng cứ nói đại là hàng Thái, hàng Hongkong gì đó cho người mua thích hơn (!).
Nếu như hồi xưa có con gái làm me Tây me Mỹ là cả nhà cúi mặt xấu hổ, xóm giềng nhìn ra nói vào, bây giờ cặp bồ ngoại, lấy chồng ngoại đã thành cái mốt thời thượng, bất kể là chồng Đài chồng Tàu hay chồng Tây chồng Mỹ, cứ ngoại là khoe, ngay giới showbiz cứ thấy cô nào lấy được anh chồng nước ngoài là khoe um sùm.
Thứ hai là tâm lý nô lệ. Có lẽ không cần phải đưa dẫn chứng nhiều, nếu dân ta không có tâm lý đó thì cái đảng hại dân hại nước, phá tàn phá mạt này đâu có ngồi mãi trên đầu trên cổ dân ta như vậy.
Nhưng lạ một điều là ra đến nước ngoài rồi, nhiều người Việt mình vẫn không bỏ được hai nét tính cách đó. Tâm lý vọng ngoại thể hiện trong chuyện đến được nước người cái thứ gì của người ta cũng đẹp cũng hay cũng hơn nước mình. Nhiều người vừa ra nước ngoài liền quay lại chê tất tần tật mọi thứ của VN và khen tất tần tật mọi thứ của nước người ta. Tất nhiên VN dưới cái chế độ thổ tả nảy thì có nhiều thứ để chê lắm, nhưng đâu phải tệ hết 100% vậy?
Chẳng hạn, tôi luôn luôn nói với dân Na Uy rằng ẩm thực VN tuyệt vời, phong phú, còn thức ăn đường phố của VN thì phong phú, hàng ngàn hàng vạn thứ ngon trong khi các bạn làm gì có street food; VN thừa thãi nắng nhé, chỉ riêng cái đó là dân Na Uy thèm nhỏ dãi; VN đông dân, dịch vụ thì rẻ mà nếu tìm đúng chỗ thì rất tốt, ví dụ cắt tóc làm đầu trang điểm may quần áo…ở đây kiếm đâu ra người mà có thì rất đắt và không phải lúc nào cũng đẹp; ở VN muốn học cái gì cũng có người dạy, thời gian dài có ngắn có, ở đây muốn học cái gì cũng khó, phải vào trường học hẳn hoi kéo dài thời gian v.v. và v.v…
Có nhiều người mới bước chân đến Mỹ khen đến nỗi có cảm giác người đó cả ngày cứ ngửa mặt lên trời mà kêu sao cái số tôi nó sướng thế! Khen nước Mỹ thì có mà khen cả ngày. Mới có cái quốc tịch Mỹ đã suốt ngày “I love you, America” và tập suy nghĩ như dân Mỹ trắng thứ thiệt, đã nói mọi thứ trên quan điểm đứng về phía quyền lợi của nước Mỹ mà hoàn toàn không đếm xỉa gì đến quyền lợi của cái đất nước khốn khổ VN còn đang ngụp lặn trong bùn lầy nước đọng kia.
Tất nhiên, tôi cũng không tán thành một người sống ở nước người, ăn lương hưởng mọi thứ chế độ an sinh xã hội quyền lợi của nước người ta nhưng chả lo quan tâm gì đến nghĩa vụ công dân của mình, tối ngày ôm cái laptop bàn chuyện VN, có tiền thì gửi về VN làm tử thiện, có tiền thì đi du lịch VN mà không đóng góp gì cho nước sở tại. Cân bằng được cả hai quê thì hay hơn.
Trong cái chuyện nhiều người mới chân ướt chân ráo đến xứ người ta post hình lên khoe đủ thứ, dường như còn có cái tâm lý khoe cho người ở nhà thấy mình đang sung sướng thế nào nữa.
Người Việt còn có một cái lạ là sống ở đâu bênh đó, khen đó và chê nước khác. Ví dụ người Việt sống ở Mỹ thì Mỹ là nhất, châu Âu là cái đinh gì. Tôi nhớ có lần tôi đọc được một bài báo của một người Việt sống ở Mỹ đi du lịch châu Âu và chê quá trời quá đất, đến Pháp chẳng hạn mà như đến cái xứ dơ dáy mọi rợ nào đâu, rồi cuối cùng kết luận ở Mỹ là nhất, là thiên đường. Người sống ở Mỹ chê ở châu Âu nhà cửa đường xá chật chội nhỏ bé, khó làm giàu, dân ở Pháp thì chê dân ở Mỹ đa phần bước vào nhà không thấy cái kệ sách đâu, không đọc sách không đi thư viện, bảo tàng, gallery bao giờ, chỉ biết hùng hục kiếm tiền v.v…
Dân ở Na Uy hay Bắc Âu cũng cho sống ở Na Uy hay Bắc Âu là nhất, và ra sức so sánh nào ở Mỹ con người phải cày như trâu, không được hưởng y tế giáo dục miễn phí, giàu nghèo cách biệt, nếu ai không giàu thì hay bị người khác khi dễ…Khen đến mức có những cái khen vống lên, khen quá sự thật. Mà lạ cái nữa là nếu người khác chê bai VN thì chưa chắc đã nổi cáu nhưng hễ ai khen nước khác như khen nước Mỹ, Anh, Pháp gì đó hơn Na Uy, Đan Mạch chẳng hạn là sưng mặt lên liền, giận liền. Tôi đã từng gặp những trường hợp như vậy nhiều lần. Là vì tôi luôn cố gắng giữ cho mình đầu óc phân tích, đánh giá và kể cả chỉ trích, nên cái gì ở đâu hay là khen, dở là chê chứ không phải vì sống ở Na Uy thì cái gì của Na Uy cũng nhất.
Hơn nữa, tiêu chuẩn đánh giá một thành phố, một quốc gia trong cái nhìn của tôi không chỉ nằm ở chuyện đời sống yên bình, kinh tế tốt, có an sinh xã hội, y tế giáo dục miễn phí…mà còn có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, cơ hội thưởng thức văn hóa nghệ thuật, cơ hội học hành, vươn lên…Cho nên nếu Na Uy có đời sống bình yên, không phải lo lắng gì nhiều, có thiên nhiên đẹp thì Pháp hay Anh có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, thời trang, ẩm thực…tuyệt vời, ví dụ vậy. Đâu phải cứ cái gì nơi mình ở cũng là nhất.
Tâm lý nô lê còn thể hiện ở chỗ nhiều người Việt, nhất là những “thuyền nhân” bỏ nước ra đi được nước người ta cưu mang thường có tâm lý mang ơn, tâm lý này vửa tốt vửa không tốt ở chỗ là sống ở một quốc gia tự do, dân chủ bao nhiêu năm mà vẫn không suy nghĩ, hành động như một con người tự do, dân chủ. Biểu tình chống Trung Quốc mà cũng không dám làm mạnh, sợ chính phủ Na Uy bị ảnh hưởng quan hệ làm ăn với Trung Cộng chẳng hạn!
Và cuối cùng, là thái độ thiếu tôn trọng quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ chính kiến của người khác. Cái này ở trong nước thì chúng ta thấy đầy dẫy, khi tranh luận với nhau về tình hình chính trị của VN. Đám dư luận viên chụp mũ, vu khống, bôi nhọ những người khác ý họ, nhất là những người hoạt động đấu tranh dân chủ, nhân quyền đã đành, người Việt với nhau, trong hay ngoài nước, kể cả trong những cá nhân, nhóm, tổ chức hoạt động dân chủ nhiều khi cũng chụp mũ nhau, vu cáo nhau.
Không chỉ chuyện chính trị ở VN, chuyện bầu cử ở Mỹ vừa qua cũng vậy. Ảnh hưởng của nước Mỹ nói chung và chuyện ai sẽ lên làm Tổng thống Mỹ nói riêng đối với thế giới rất lớn cho nên nếu thế giới quan tâm đến bầu cử Mỹ là điều dễ hiểu. Người Việt trong và ngoài nước cũng không khác. Mỗi người đều có quan điểm, lý lẽ riêng khi ủng hộ hay không ủng hô một ứng cử viên Tổng Thống, thất vọng hay hân hoan trước kết quả của cuộc bầu cử; nhưng nhiều người lại có thái độ bênh hoặc chê bất chấp lý lẽ, bất chấp logic. Phải nói thật phần lớn đó là những người tuy sống ở Mỹ nhưng tiếng Anh không đủ giỏi để có thể đọc, đối chiếu, so sánh các nguồn thông tin, dữ liệu và tự rút ra kết luận thay vì chỉ phán theo cảm tính yêu ghét, hoặc cũng đọc báo, nghe tivi nhưng không đủ trình độ tra cứu.
Rồi khi tranh cãi không lại thì nổi khùng lên, thóa mạ, hoặc bảo người đang sống ở VN hay nước khác đừng xen vào chuyện “nước Mỹ của chúng tôi” nữa. Nghe không khác gì cái kiểu nhà cầm quyền VN hay nói các anh ở bên ngoài đừng xen vào chuyện nội bộ của VN!
Qua đó mới thấy người Việt còn lâu mới học được tinh thần, thái độ tôn trọng quyền tự do ngôn luận.
Những chuyện này nói còn nhiều lắm, mà nói càng nhiều thì càng mất lòng người Việt mình nhiều hơn mà thôi.
Như đã nói, những nét tâm lý, tính cách này có ở cả người đang sống trong nước hay nước ngoài. Cho nên đâu phải khi đã thoát ra khỏi cái quốc gia có chế độ độc tài như VN và sống ở một quốc gia tự do dân chủ là tâm lý, cách nghĩ, đầu óc đã thay đổi được.

TPP chết – Ông Trump dẫn nước Mỹ đi đâu?

Các nhà lãnh đạo của đảng Cộng Hòa tại Quốc hội Mỹ cho biết họ sẽ không xem xét hiệp ước thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP, trong phiên họp cuối cùng của năm.
Hiệp định thương mại rộng lớn nhằm liên kết Hoa Kỳ với Châu Á coi như đã chết, khi các nhà lãnh đạo quốc hội của lưỡng đảng nói với Tòa Bạch Ốc rằng họ sẽ không thúc đẩy việc phê chuẩn hiệp định trong bối cảnh kết quả của cuộc bầu cử 2016.
Các giới chức của chính quyền Obama cũng thừa nhận giờ đây hiệp định không có con đường để tiến tới phía trước.
Thất bại của việc phê chuẩn TPP tại Quốc Hội Mỹ là thất bại của tổng thống Obama, trong chiến lược chuyển trục về Á Châu để bao vây Trung Cộng.  TPP là vũ khí kinh tế nhằm cân bằng sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Cộng ở mặt địa-chính trị tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương.
Cái chết của TPP là cơ hội cho Trung Cộng bành trướng ảnh hưởng kinh tế trong khu vực với hiệp ước mậu dịch RCEP do Trung Cộng chủ trương, bao gồm 10 quốc gia trong khối ASEAN và 6 quốc gia khác tại Á Châu, gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn và Tân Tây Lan.
Trung Cộng từ trước đến nay đưa ra mọi kế hoạch nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Á Châu, và TPP là cái gai trước mắt cần phải nhổ. Thế nhưng, cái gai tự nhiên được Mỹ nhổ bỏ đi sau cuộc bầu cử 2016, chỉ vì công nhân Hoa Kỳ quá chán nản khi nhìn thấy công ăn việc làm của họ bị chuyển hết ra nước ngoài, vì giá lao động bên ngoài rẻ hơn!
Khuynh hướng chống lại toàn cầu hóa ngày một gia tăng khắp nơi. Sự kiện Anh Quốc rút khỏi khối Liên Âu hồi tháng 7 vừa qua là một thông điệp rất rõ về khuynh hướng này. Trong lúc vận động tranh cử, ông Donald Trump hứa rằng ông sẽ thương lượng lại hiệp ước mậu dịch NAFTA giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico. Nếu cuộc thương lượng không mang đến nhiều điều lợi hơn cho Hoa Kỳ, thì ông sẽ hủy bỏ NAFTA.
Ông còn gọi TPP là hiệp ước hiếp dâm nước Mỹ, và cho dù quốc hội có phê chuẩn TPP thì ông cũng sẽ hủy bỏ nó khi ông lên làm tổng thống. Một ngày sau khi ông Donald Trump đắc cử theo thể thức bầu đại cử tri đoàn, cho dù ông vẫn thua phiếu phổ thông, một bài bình luận của báo lề phải Trung Cộng Tân Hoa Xã khuyến cáo nước Mỹ không nên bước vào con đường chủ nghĩa bảo hộ, và còn nhắc nhở ông Trump về cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu ở thập niên 20 khi nước Mỹ chủ trương bế môn tỏa cảng!
Lời bàn của Tân Hoa Xã và phản ứng từ giới quan sát khắp nơi cho thấy là không chỉ Tầu mà cả thế giới đang quan ngại về bước đi kế tiếp của Mỹ.
Vậy câu hỏi đặt ra là liệu lịch sử sẽ lập lại như ở thập niên 20? Hay ông Trump rồi sẽ nhận ra một thực tế là không một quốc gia nào có thể đóng cửa sống một mình ở thời đại toàn cầu hóa?

Đại Úy & Đại Tá

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Theo thứ tự cấp bậc, và tuổi đời (tính từ thấp lên cao và từ trẻ đến già) xin được giới thiệu trước về ông đại úy – theo thông tin của trang mạng Tiếng Nói Trẻ

Nguyễn Phương Hùng sinh năm 1946 tại Bắc Giang, sống tại Hà Nội và năm 1954 di cư vào Nam, thời kỳ chiến tranh đã từng là sỹ quan binh chủng Biệt động quân của Ngụy. Năm 1975 di tản sang định cư tại Mỹ. Từ khi sang Mỹ, do tiếc nuối thời "vàng son", Nguyễn Phương Hùng đã tích cực tham gia các hoạt động chống đối Việt Nam ở nước ngoài và từ năm 1985 bắt đầu tham gia các tổ chức phản động lưu vong. Suốt 36 năm kể từ khi định cư tại Mỹ, do định kiến cá nhân là người chống cộng và từng là sỹ quan Ngụy, do tiếp nhận những thông tin sai lệch về Việt Nam.

Lê Hồng Hà (1926 - 15/11/2016)

Đại úy Nguyễn Phương Hùng. Ảnh: tiengnoitre.blogspot.com

Báo Quân Đội Nhân Dân, hôm 31 tháng 3 năm 2013, đã có bài phỏng vấn (“Hãy Trở Về Để Thấy Và Tin Vào Sự Thực”) viên cựu sĩ quan này. Xin được ghi lại nơi đây (nguyên văn) vài câu hỏi chính, cùng câu trả lời để rộng đường dư luận:

- Xin ông cho biết ông đã trở về Việt Nam bao nhiêu lần?

- Lần đầu tiên tôi về nước là vào tháng 9-2011 để dự Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất. Từ đó đến nay, tổng cộng tôi đã trở về 6 lần trong 18 tháng. Lần nào về tôi cũng chụp rất nhiều ảnh, quay những thước phim phóng sự, tư liệu… rồi đưa lên trang web kbchn.net.

- Có cơ hội đi nhiều nơi ở Việt Nam, ông có suy nghĩ gì khi một số tổ chức phản động lưu vong ở Mỹ luôn đòi hỏi dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam?

- Ở bên kia chúng tôi cũng bị họ tuyên truyền là ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền nhằm lôi kéo nhiều người tham gia các hoạt động chống phá trong nước. Tôi thừa nhận mình đã bị ít nhiều tác động. Nhưng đó là chuyện trước đây. Những tuyên truyền về “đàn áp tôn giáo” ở Việt Nam đã hoàn toàn biến mất trong tôi khi về nước, tôi được chứng kiến kiến trúc đồ sộ của Đại Chủng viện (Công giáo) Long Khánh hay chùa Bái Đính ở Ninh Bình được công nhận là lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á. Làm sao có thể tin có đàn áp tôn giáo khi ở nhiều nơi tôi đi qua, rất nhiều chùa chiền, nhà thờ được xây dựng dọc bên đường Quốc lộ 1 từ ngã tư Tam Hiệp đến Long Khánh, với những buổi thánh lễ ngày chủ nhật giáo dân đứng chật thánh đường, người dân tấp nập thăm viếng chùa chiền… Các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hòa Hảo, Cao Đài và Hồi giáo tự do phát triển ở Việt Nam. Lễ Phật đản vừa qua tôi cũng có mặt tại Việt Nam nên đã được chứng kiến khắp nơi tưng bừng mừng Đức Thích Ca đản sinh. Ngoài tôn giáo, tín ngưỡng cũng được tự do phát triển, thí dụ hầu đồng đã được phép tái hoạt động.

Tôi đã đi, đã thấy, đã tin và vì đã tin nên tôi phải viết, viết sự thật bằng tiếng nói trung thực của người làm báo. Những hình ảnh đó tôi đã đưa hết lên trang web rồi nhưng tôi cũng không bình luận gì thêm để tự mọi người nhìn vào đó và suy ngẫm xem Việt Nam có tự do tôn giáo hay không.

- Ở Mỹ vẫn tồn tại một số tổ chức phản động luôn rêu rao Việt Nam đàn áp nhân quyền. Vậy thực chất hoạt động của các tổ chức này ở bên đó là như thế nào? Ông suy nghĩ thế nào về những hành động này?

- Họ không chịu hiểu một thực tế rằng, chính Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn sau chiến tranh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước Việt Nam có thể nói đã có được thời gian hòa bình lâu dài và có sự phát triển gần như “lột xác”. Đó chính là nhờ Việt Nam đã giữ được chính trị ổn định, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, đời sống người dân được bảo đảm, vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế, được nhiều nước công nhận. Ở Việt Nam, tôi không gặp lực lượng quân đội hay cảnh sát có vũ trang trên đường như ở Mỹ. Điều đó chứng tỏ sự ổn định về an ninh chính trị ở Việt Nam, sự an toàn của người dân được bảo đảm. Như thế chính là thiết thực bảo đảm nhân quyền cho người dân.

Tôi thực sự khâm phục về khả năng điều hành đất nước của Nhà nước Việt Nam trong hơn 3 thập niên qua. Tôi đã nhìn thấy những tòa nhà cao tầng từ những thành phố tôi đi qua như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Huế, TP Hồ Chí Minh, Long Khánh và Cần Thơ cũng như các thành phố khác của miền Tây Nam Bộ, cùng những khu resort sang trọng ở Đà Nẵng… Tôi chưa có cơ hội đi hết những nơi khác ở Việt Nam, nhưng tôi tin rằng cũng đã có nhiều đổi mới.

- Xin cảm ơn ông!

Nhận định của đại úy Nguyễn Phương Hùng về vai trò vai trò của ĐCSVN, cũng như tình hình đất nước (e) không được mọi người chia sẻ. Đại tá Lê Hồng Hà là một trong những người như thế. 

Đại tá Lê Hồng Hà. Nguồn ảnh: pro & contra

Cách đây chưa lâu, vào ngày 3 tháng 6 năm 2012, trang pro & contra có đăng tải một cuộc phỏng vấn nhân vật này, với lời giới thiệu (hơi) dài: 

Ông Lê Hồng Hà, cựu đại tá công an, năm nay 86 tuổi, là người đã tham dự Khóa I cho người Việt Nam về Chủ nghĩa Marx-Lenin tại Bắc Kinh năm 1949 và ở lại làm trợ giảng cho các khóa II, III đến năm 1952. Năm 1953 về nước phụ trách Trường Công an Trung ương (tiền thân của Học viện An ninh hiện nay). Năm 1958 là Chánh văn phòng Bộ Công an dưới thời Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, là Ủy viên Đảng Đoàn Bộ Công An từ năm 1956. Ông là người đã cùng ông Nguyễn Trung Thành (cựu Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Đảng dưới thời ông Lê Đức Thọ), vào nửa cuối thập niên 1990, đề nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) phải minh oan cho những nạn nhân trong vụ án có tên “Vụ án chống Đảng theo chủ nghĩa xét lại làm tình báo cho nước ngoài” (tên thường gọi: “Vụ án xét lại chống Đảng”). Không lâu sau ông đã bị khai trừ khỏi Đảng (cùng ông Nguyễn Trung Thành) và bị vào tù một thời gian.

Chúng tôi cũng xin được ghi lại nơi đây (nguyên văn) vài câu hỏi chính, cùng câu trả lời, của buổi nói chuyện để rộng đường dư luận:

Phạm Hồng Sơn: Thưa ông Lê Hồng Hà, với cương vị là người đã tham gia Cách mạng tháng Tám, Kháng chiến chống Pháp và chứng kiến Kháng chiến chống Mỹ, thời kỳ Đổi Mới, xin ông cho biết tình hình Việt Nam hiện nay có những vấn đề gì đáng lưu tâm nhất?

Lê Hồng Hà: Tình hình chung hiện nay tôi thấy có ba vấn đề lớn nhất. Thứ nhất là sự đánh giá của ĐCSVN về chính ĐCSVN và về hiện trạng đất nước nói chung là sai lầm. ĐCSVN vẫn cố tô vẽ cho thực trạng hiện nay những điều không có, vẫn tự khoe khoang, huyênh hoang rằng nhờ mình thì đất nước mới có nhiều điều tiến bộ. Ví dụ Đảng luôn cho lịch sử của dân tộc từ khi có Đảng là một bản anh hùng ca. Theo tôi, về công cuộc giải phóng dân tộc thì có thể là anh hùng ca nhưng về việc xây dựng và phát triển đất nước thì từ khi có ĐCSVN đến giờ đó là một quãng lịch sử thất bại. Và giải phóng dân tộc vừa qua cũng không như Đảng nói là nhờ chủ nghĩa Marx-Lenin mà cái chính là do nhân dân đã tiếp thu, tiếp nối được truyền thống yêu nước của dân tộc. Chủ nghĩa Marx-Lenin nếu có chỉ có một phần nhỏ là tập hợp được đoàn kết giữa công nhân và nông dân thôi. Còn thực tế đã cho thấy Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN thì càng phát triển lại càng tụt hậu về nhiều mặt so với các nước trong khu vực. Xây dựng và phát triển đất nước mà lại theo chủ nghĩa Marx-Lenin thì sai hoàn toàn. Chủ nghĩa Marx-Lenin là một học thuyết đấu tranh giai cấp, là một học thuyết phản phát triển.

Thứ hai là tình hình xã hội hiện nay ở mức độ xấu chưa từng có, kể từ năm 1975 đến giờ. Sự xuống cấp của đất nước hầu khắp mọi lĩnh vực từ an ninh, đạo đức, văn hóa, giáo dục, xã hội, hay chính trị. Chính trị nghĩa là uy tín của của ĐCSVN đã xuống thấp chưa từng có, gần như không còn ai tin vào cái Đảng này nữa. Như vậy xã hội hiện nay, theo tôi, đang lâm vào một cuộc tổng khủng hoảng toàn diện mà nguyên nhân là do đường lối của ĐCSVN về phát triển là sai.

Thứ ba là vấn đề Trung Quốc. Trung Quốc đã và đang ráo riết thực hiện những kế hoạch dữ dội, xâm nhập, ảnh hưởng, chèn ép, bao vây trên mọi lĩnh vực, kinh tế, an ninh, quốc phòng, lãnh thổ, nhằm thực hiện ý đồ cuối cùng là thôn tính Việt Nam. Còn về phía Việt Nam thì nhiều cán bộ lãnh đạo của Việt Nam lại đã và đang bị Trung Quốc mua chuộc và khống chế. Tất cả những điều đó đều là một quá trình liên tục từ Đại hội VI của ĐCSVN đến nay. Thái độ nói chung của lãnh đạo Việt Nam hiện nay về Trung Quốc lại lờ phờ, không rõ ràng. Đó là một vấn đề hết sức nguy hiểm.

Phạm Hồng Sơn: Vậy ĐCSVN còn đóng vai trò gì đối với đất nước hiện nay?

Lê Hồng Hà: Trước đây Đảng đã từng giữ vai trò tiền phong trong xã hội, thúc đẩy tiến bộ cho xã hội ở một số phương diện. Nhưng đến nay Đảng không còn giữ được những vai trò đó nữa vì Đảng vẫn đi theo hệ tư tưởng Marx-Lenin. Còn về đội ngũ của Đảng, đặc biệt là hàng ngũ cầm quyền, đã bị tha hóa, tham nhũng, xoay sở, vô cảm với đất nước, xã hội. Vì vậy Đảng hiện nay chỉ còn vai trò kìm hãm xã hội thôi.

Phạm Hồng Sơn: Trân trọng cảm ơn ông Lê Hồng Hà.

Nhận định của đại tá Lê Hồng Hà rõ ràng (và hoàn toàn) tương phản với cái nhìn của đại úy Nguyễn Phương Hùng về tình hình đất nước. Câu hỏi đặt ra là trong hai ông ai là kẻ điêu ngoa và dối trá?

Theo tôi thì đây là lúc giới dư luận viên nên vào cuộc để làm sáng tỏ vấn đề, và để hướng dẫn cho quần chúng “bớt” hoang mang về vai trò của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Cái giai đoạn mà theo đại úy Hùng là “chính Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn sau chiến tranh,” còn theo đại tá Hà thì “Đảng chỉ còn vai trò kìm hãm xã hội thôi.”


Giáo viên đã bị/được "tiếp khách" từ mấy năm qua!

CTV Danlambao - Sự kiện 21 nữ giáo viên có nhan sắc bị các quan chức nắm đầu đi tiếp khách, chiêu đãi rượu (và uống luôn) đã làm cho dư luận lên cơn sốt. Cái chuyện nhỏ như con thỏ trong thiên đường XHCN cái gì cũng có thể xảy ra đâu phải chỉ là lần đầu!!!

Khi ông Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ lên tiếng phê bình các cô giáo và đòi truy hỏi trách nhiệm của các cô giáo có nhan sắc đã không biết "giữ phẩm chất" để các quan tỉnh ép buộc, người ta ùn ùn lên án ông bộ trưởng không có giáo dục đã đâm sau lưng các "nạn nhân" và che ô dù cho các quan chức địa phương.

Tuy nhiên, cứ tưởng các cô giáo "không biết giữ phẩm chất" đã bỏ nhà trường chạy ra nhà hàng tiếp khách chỉ có một lần vào hôm tháng 8; nào ngờ cái vụ "bị ép" làm mất phẩm chất này đã kéo dài nhiều năm.

Theo ông quan cộng sản Nguyễn Văn Hồ, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh thì trò cô giáo là chiêu đãi viên đã có từ nhiều năm qua. Ông này tuyên bố "huy động là cần thiết, không chỉ thể hiện sự quan tâm, mến khách mà còn tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về quê hương."

Chỉ có ở cái xứ mà cán bộ từ trên xuống dưới "sống, chiến đấu, học tập theo gương bác Hồ vĩ đại" mới có cái chuyện cô giáo xinh xinh bị ép đi "làm nhiệm vụ chính trị" là một "hình ảnh tốt đẹp cho quê hương".

Và với sự việc "bị ép" nhiều năm qua, thật tình không biết các cô giáo vừa tiếp vừa chiêu rượu này "bị ép" hay là... thích "được ép".

Muốn rõ thì hãy bước lùi một bước, nhìn lại toàn bộ hệ thống/con người của nền giáo dục cộng sản - từ bộ trưởng bộ giáo dục cho đến những ông bà đảng viên hiệu trưởng, hiệu phó và các thầy cô dưới mái trường xã hội chủ nghĩa được lãnh đạo bởi một bầy đàn loài sản.

16.11.2016

Nữ sinh lớp 8 gây chấn động với bài thơ cảm thán về môi trường

Nữ sinh lớp 8 gây chấn động với bài thơ cảm thán về môi trường
Một nữ sinh 14 tuổi ở Hà Nội đang gây chấn động trên mạng với một bài thơ phản ánh tình trạng ô nhiễm môi sinh trầm trọng tại Việt Nam ngày nay.
Bài thơ mang tựa đề “Xin Đổi Kiếp Này” được xác nhận là của em Nguyễn Bích Ngân, học sinh lớp 8A1, trường trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu. Nhiều người không tin một bé gái 14 tuổi có thể viết được một bài thơ sâu sắc như thế.
Báo mạng Vietnamnet hôm Thứ Ba 15/11 dẫn lời cô Nguyễn Quỳnh Nga, giáo viên chủ nhiệm và cũng là giáo viên môn văn của em Ngân, cho biết bài thơ ban đầu được ông ngoại em Ngân đăng trên Facebook, sau đó được lan truyền theo nguồn này. Theo cô giáo Nga, em Ngân là học sinh giỏi của trường suốt ba năm qua, và cô bé đặc biệt có điểm cao trong môn văn. Tuy nhiên, cô Nga cho biết chưa từng đọc bài thơ nào của em Ngân trước đây. Cô Nga nhận xét rằng em Ngân là “một học sinh kín đáo, trầm tính, rất ít khi bộc lộ cảm xúc, nét mặt lúc nào cũng buồn mặc dù rất xinh xắn”.
Bài thơ “Xin Đổi Kiếp Này” có những câu như:
…Nếu đổi được kiếp này, tôi xin hóa đại dương,
Thử dầu loang hắc nồng, mùi cá trôi hôi thối,
Đau vì kiệt tài nguyên, khổ vì không biết nói,
Thử biết gồng mình, thử quằn quại đứng lên…
Toàn bài chứng tỏ cô học sinh trầm lặng nhìn thấy rất nhiều thảm trạng môi trường do con người đã và đang gây ra tại Việt Nam cây rừng bị chặt phá, đồng ruộng và biển nhiễm hóa chất, không khí đầy khói bụi.
Huy Lam / SBTN

Sập cầu treo ở Đồng Nai, 4 người rơi xuống sông

Sập cầu treo ở Đồng Nai, 4 người rơi xuống sông
Ảnh Pháp Luật
Cầu treo Tà Lài bắc qua sông Đồng Nai ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai bị sập vào lúc khoảng 2 giờ chiều Thứ Ba 15/11, khiến ít nhất 4 người bị rơi xuống sông.
Theo một số nhân chứng, vào lúc cầu sập có 4 người chạy xe máy qua cầu. Ngay sau đó, người dân địa phương và công an xã đã vớt được cả 4 người, trong đó có một người bị gãy chân.
Nguyên nhân vụ sập cầu Tà Lài được cho là do đứt cáp. Tại hiện trường, khoảng 2 phần 3 dây treo cầu cùng với mặt cầu bị chìm dưới sông Đồng Nai. Tin cho hay các lực lượng công an và quân đội của huyện Tân Phú sau đó đã dùng xuồng máy lục soát khắp đoạn sông để tìm kiếm thêm nạn nhân, nhưng không tìm thấy thêm được người nào.
Cầu treo Tà Lài bắc qua sông Đồng Nai khánh thành năm 2005, nối trung tâm xã Tà Lài với ấp 4, là một cộng đồng gồm hai sắc tộc thiểu số Châu Mạ và S’Tiêng. Cầu dài 164 mét, rộng 4 mét, chỉ dành cho xe máy. Hồi đầu năm nay, cầu cây cầu có kinh phí 3.5 tỉ đồng, tương đương hơn 155,000 Mỹ kim, mới trải qua một cuộc trùng tu chỉ sau 11 năm sử dụng.
Đây là vụ sập cầu thứ hai trong năm nay ở Đồng Nai. Hồi tháng 3, cầu Ghềnh dành cho xe lửa bị sập, khiến đường sắt Bắc-Nam bị cắt suốt hơn 3 tháng.
Huy Lam / SBTN

Không chỉ Hà Tĩnh, nhiều chính quyền khác cũng ép cô giáo đi tiếp khách

Ảnh: Báo Mới
Sự việc 21 cô giáo bị một nhà cầm quyền thị xã điều động đi tiếp khách đang khiến dư luận bất mãn trước thềm Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20 tháng 11.
Tuy nhiên, theo báo Dân Việt hôm 14 tháng 11, không riêng gì thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, mà nhiều chính quyền địa phương khác lâu nay có thói lạm dụng các cô giáo theo kiểu này.
Sự việc gây căm phẫn xảy ra từ hồi tháng 8, khi thị xã Hồng Lĩnh tổ chức sự kiện “Liên hoan dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh”, một cái tên đánh lạc hướng dành cho một hội nghị để chính quyền tiếp xúc với giới đầu tư. Ủy ban nhân dân thị xã Hồng Lĩnh có công văn điều động 21 cô giáo từ mẫu giáo đến trung học đến làm nhân viên tiếp khách. Nhiệm vụ của các cô giáo được cho là bao gồm cả ăn nhậu và hát hò với khách trong nhà hàng.
Theo báo Dân Việt, nhiều giáo viên ở những nơi khác cho biết họ “thường xuyên được điều động” phục dịch cho các tiệc rượu của các quan chức, không chỉ trong chính quyền địa phương mà còn trong ngành giáo dục. Theo báo Dân Việt, các quan chức địa phương thường nhờ các cô giáo tiếp khách vì họ có trình độ, thông thạo phong tục tập quán địa phương và biết ăn nói. Một cô giáo ở Yên Bái cho biết, phần lớn các cô giáo bị “điều động” không muốn đi, nhưng họ không dám từ chối vì sợ bị đưa vào “danh sách đen” của nhà cầm quyền. Một cô giáo từng dạy mẫu giáo ở Lào Cai cho biết, nhiều cô giáo trở nên giỏi… uống rượu sau vài năm tham gia các tiệc rượu.
Huy Lam / SBTN

Việt Nam: Chỉ ‘điếu đóm’ cho lãnh đạo cũng thành VIP

Ông Trần Thọ (phải), bàn giao vai trò chủ tịch Hội Ðồng Nhân Dân thành phố Ðà Nẵng. Tin không chính thức cho biết, 40 tỉ chi cho chuyến công cán của ông Thọ là một hình thức “đãi ngộ” trước khi ông Thọ nghỉ hưu. (Hình: TTXVN)
HÀ NỘI (NV) – Trong khi ông Mai Tiến Dũng, chánh văn phòng chính phủ Việt Nam, khuyến cáo Bộ Công Thương không nên… cử tài xế làm tham tán thương mại (!) thì bộ trưởng Công Thương thề không có chuyện đó.
Ông Dũng vừa đại diện cho thủ tướng Việt Nam làm việc với Bộ Công Thương – nơi mới xảy ra hàng loạt scandal liên quan đến những dự án tuy ngốn hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng phải “đắp chiếu.”
Ông Dũng nhấn mạnh, Bộ Công Thương phải xem lại việc lựa chọn-bổ nhiệm nhân sự vốn rất nhiều điều tiếng (chẳng hạn trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Vũ Ðình Duy,…); cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vốn rất chậm chạp; sớm soạn thảo chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, công nghiệp hỗ trợ; chấn chỉnh việc chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại; kiểm tra lại các công trình thủy điện và những dự án xâm hại môi trường,…
Bộ trưởng Công Thương thừa nhận bộ này có nhiều vấn đề nhưng dứt khoát phản đối cáo buộc đã… cử tài xế làm tham tán thương mại (!). Nhiều người tin rằng, ông Dũng “lầm địa chỉ” chứ câu chuyện khó tin này thì có thật và đã chìm rồi.
Ðó là việc từng xảy ra ở thành phố Ðà Nẵng hồi năm ngoái.
Cho đến giờ này chính quyền thành phố Ðà Nẵng vẫn chưa làm gì với trường hợp ông Nguyễn Hữu Sĩ, tài xế của Thành Ủy Ðà Nẵng được cử đi Cuba, Canada, Nam Phi để tìm hiểu thị trường, mời gọi đầu tư.
Hồi tháng 9 năm ngoái, chính quyền thành phố Ðà Nẵng quyết định thành lập một phái đoàn đi tìm hiểu thị trường Cuba, Canada, Nam Phi, đồng thời mời gọi đầu tư, hợp tác phát triển thương mại, du lịch ở Ðà Nẵng.
Ðoàn này do ông Trần Thọ, lúc đó vừa thôi làm bí thư Thành Ủy Ðà Nẵng nhưng vẫn còn là chủ tịch Hội Ðồng Nhân Dân của thành phố này làm trưởng đoàn. Phái đoàn có chín thành viên đã lên đường hồi cuối tháng 10 và trung tuần tháng 11 năm ngoái mới quay về.
Ðáng lưu ý là trừ hai doanh nhân phải tự trả các chi phí, 5/7 thành viên còn lại hoặc là cán bộ của Thành Ủy Ðà Nẵng (chuyên trách về… công tác Ðảng tại văn phòng Thành Ủy, Ban Tổ Chức Thành Ủy), hoặc là lãnh đạo cấp quận. Trong phái đoàn chỉ có hai viên chức của chính quyền thành phố Ðà Nẵng, một làm việc tại Sở Ngoại Vụ, một làm việc tại Sở Kế Hoạch-Ðầu Tư.
Người ta không rõ với thành phần như thế, phái đoàn vừa kể sẽ thương thảo với ai, đúc kết được những gì để chuyến công cán đạt mục tiêu đề ra: Hiểu biết tường tận về thị trường Cuba, Canada, Nam Phi, mời gọi đầu tư, hợp tác phát triển thương mại, du lịch ở Ðà Nẵng?
Một điểm khác khiến người ta ngỡ ngàng là ông Nguyễn Hữu Sĩ, tài xế của ông Trần Thọ cũng được Thành Ủy Ðà Nẵng cho tham gia phái đoàn vừa kể. Vào thời điểm ấy, báo chí Việt Nam đã liên lạc với Sở Ngoại Vụ Ðà Nẵng – nơi chuẩn bị cho chuyến công cán để hỏi thăm về lịch làm việc của phái đoàn nhưng nơi này từ chối trả lời.
Sau khi tìm thông tin ở một số nơi khác, báo chí Việt Nam cho biết, ngày 21 tháng 10 năm 2015, phái đoàn đã bay từ Ðà Nẵng vào Sài Gòn rồi sang Canada. Tại Canada, phái đoàn này đã đến nhiều nơi (Toronto, Ottawa, Montreal, Quebec). Sau đó từ Canada bay sang Cuba, từ Cuba bay sang Nam Phi, từ Nam Phi bay đến Dubai (thành phố du lịch nổi tiếng ở United Arab Emirates), ở lại tại đó “chơi ít ngày,” từ Dubai về Singapore và từ Singapore về lại Ðà Nẵng hôm 8 tháng 11 năm 2015.
Cần lưu ý là chính quyền thành phố Ðà Nẵng đã xuất công quỹ mua vé loại VIP cho bảy viên chức tham gia phái đoàn. Báo chí Việt Nam ước đoán, riêng chi phí cho vé máy bay, tối thiểu công quỹ cũng đã phải chi 15,000 Mỹ kim/người! Còn tổng chi phí cho cả chuyến công cán mà công quỹ phải đài thọ được ước đoán không dưới bốn tỉ đồng Việt Nam.
Báo chí Việt Nam từng chất vấn Thành Ủy Ðà Nẵng rằng tại sao lại chọn cử một tài xế tham gia phái đoàn tìm hiểu thị trường Cuba, Canada, Nam Phi, mời gọi đầu tư, hợp tác phát triển thương mại, du lịch ở Ðà Nẵng. Tuy không có câu trả lời chính thức nhưng Thành Ủy Ðà Nẵng có lưu ý riêng rằng Nguyễn Hữu Sĩ không phải là tài xế bình thường. Ngoài việc chuyên lái xe đưa đón ông Trần Thọ, người vừa mới thôi làm bí thư Thành Ủy Ðà Nẵng nhưng vẫn đang làm chủ tịch Hội Ðồng Nhân Dân thành phố Ðà Nẵng, ông Sĩ còn có chức danh là… phó Phòng Quản Trị của văn phòng Thành Ủy Ðà Nẵng! Ông Sĩ đi công cán ngoại quốc với tư cách đó.
Ðã tròn một năm và 40 tỉ giờ thành bùn, không có ai phải chịu trách nhiệm về chuyện vứt 40 tỉ này qua cửa sổ. Vì xem đó là bùn nên ông Dũng, chánh văn phòng chính phủ Việt Nam chỉ còn nhớ “mang máng” nên chỉ trích lộn chỗ.
Cũng nên nhắc lại là ở Việt Nam không chỉ có ông Sĩ, tuy chuyên môn chính là tài xế nhưng kiêm nhiệm vai trò cán bộ lãnh đạo. Hồi giữa năm ngoái, báo chí Việt Nam phát giác, tài xế của nhiều bí thư, chủ tịch tỉnh, huyện ở Thanh Hóa đồng loạt được bổ nhiệm làm lãnh đạo. Chẳng hạn, ông Nguyễn Hữu Hợi, lái xe cho bí thư huyện Tĩnh Gia được bổ nhiệm làm phó văn phòng Huyện Ủy Tĩnh Gia. Ông Vũ Quang Huy, đồng nghiệp của ông Hợi, lái xe cho chủ tịch huyện Tĩnh Gia, được bổ nhiệm làm phó văn phòng Hội Ðồng Nhân Dân và Ủy Ban Nhân Dân huyện Tĩnh Gia. Rồi ông Nguyễn Văn Hiệp, lái xe cho bí thư huyện Nông Cống được bổ nhiệm làm phó văn phòng Huyện Ủy Nông Cống. Ông Phạm Ðức Nhần, lái xe cho bí thư huyện Lang Chánh được bổ nhiệm làm phó văn phòng Huyện Ủy Lang Chánh…
Giống như Ðà Nẵng, ở Thanh Hóa cũng chẳng có ai phải chịu trách nhiệm về những quyết định bổ nhiệm như vậy. (G.Ð)

‘Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương’ Trương Minh Tuấn


Theo Người Việt-13-11-2016
Phạm Chí Dũng

“Tay kiếm lạnh lùng và tàn nhẫn”



Trương Minh Tuấn đang vụt nổi lên khung trời “định hướng tư tưởng” khuôn sẵn cho “nền báo chí cách mạng” ở Việt Nam. Trái ngược với một Võ Văn Thưởng hoàn toàn mờ nhạt từ khi được điều động từ TP.HCM ra trung ương để trám vào cái ghế trưởng ban tuyên giáo trung ương của Đinh Thế Huynh, ông Tuấn có quá nhiều triển vọng trở thành một “tay kiếm” được Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sủng ái nhưng lại khiến báo giới quốc doanh run như cầy sấy.
“Ở Việt Nam, không hề có mâu thuẫn giữa tự do ngôn luận, tự do báo chí với sự lãnh đạo của đảng, sự quản lý của nhà nước đối với báo chí,” ông Tuấn, bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông nhưng cũng được Bộ Chính Trị cho kiêm chức phó trưởng ban tuyên giáo trung ương từ Tháng Bảy, vừa tung ra loạt hai bài trên báo đảng Nhân Dân vào Tháng Mười năm nay với tựa đề rất “tư tưởng Nguyễn Phú Trọng:” “Nhận diện nguy cơ ‘tự diễn biến,’ ‘tự chuyển hóa’ trong lĩnh vực báo chí và một số giải pháp khắc phục.”
“Tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” là hai cụm từ được Tổng Bí Thư Trọng đặc cách nhấn mạnh tại hội nghị trung ương 4 hồi Tháng Mười, như một loại nguy cơ mà có thể khiến đảng cầm quyền của ông biến mất. Ngay lập tức, những cụm từ đặc thù chuyên chính này được ông Tuấn hăng hái lặp lại. Không những thế, ông Tuấn còn phát triển thêm nội hàm của nghị quyết trung ương 4: “Kiên quyết loại bỏ những phần tử có biểu hiện ‘tự diễn biến,’ ‘tự chuyển hóa’ ra khỏi chức vụ lãnh đạo các cơ quan báo chí.”
“Nói là làm.” Tháng Mười năm 2016 đã đi vào lịch sử của nền “báo chí cách mạng” với hàng loạt vụ “trảm.” Có lẽ phải rất lâu nữa giới nhà báo quốc doanh mới lãng quên được cơn khủng hoảng đột biến này.
Nhiều cái tên đã bị “trảm” như Ngyễn Như Phong của tờ báo chuyên chính Petrotimes, Lê Bình của VTV24, Võ Khối của báo Thanh Niên, Nguyễn Thanh Phong của báo Lao Động và Xã Hội. Cũng trong Tháng Mười, đã có hai tờ báo điện tử là Petrotimes và Tầm Nhìn bị đình bản – quá nhiều so với mật độ xử lý báo chí thưa thớt trước đây.
Báo giới nhà nước rúng động ghê gớm. Chỉ dám thầm thì hoặc tảng lờ trong các cuộc họp nội bộ, nhưng bùng phát trong các quán cà phê, nhiều nhà báo cho rằng đây thực sự là một chiến dịch “đánh” báo chí mà ông Trương Minh Tuấn là “tay kiếm” chủ công và có đủ đức tính lạnh lùng, tàn nhẫn.
Nguy cơ “trở cờ”
Tuy nhiên, chiến dịch “trảm” báo chí không thuần túy mang một màu sắc, mà với những gam màu khác nhau. Nếu vụ Nguyễn Như Phong bị cách chức được nhận định mang màu sắc đơn thuần chính trị khi cho đăng bài phỏng vấn của “phản động Người Buôn Gió” trên Petrotimes, thì những trường hợp bị kỷ luật khác bị cho là liên quan đến hoặc nhóm lợi ích truyền thông, hoặc đến “truyền thông bẩn” qua vụ nước mắm. Hai ông Trọng và Tuấn đang cố gắng xóa nhòa cả hai gam màu ấy trên bức tranh chỉ muốn một màu của đảng.
Khác hẳn với động tác rề rà của những năm trước và rù rì ngay cả trong bối cảnh một đề án “tinh gọn báo chí” xuất hiện vào đầu năm 2015, đảng ra tay quyết liệt hơn hẳn vào nửa cuối năm 2016. Có phải vì năm 2015 chưa có Luật Báo Chí sửa đổi? Hay những người bên đảng chưa giải quyết xong “cuộc chiến quyền lực” với những người bên chính phủ? Cả hai nguyên do này đều có thể xác đáng.
Nhưng nguồn cơn mà nghe nói giới đảng đã giật nảy mình là vụ nhà báo Nguyễn Như Phong của tờ Petrotimes. Nếu chiếu theo các tiêu chí về đạo đức và năng lực đảng viên của Tổng Bí Thư Trọng thì đại tá công an – nhà báo Nguyễn Như Phong đã thể hiện quá đủ. Bằng chứng hùng hồn và hùng hổ nhất là từ khi về Petrotimes làm tổng biên tập, ông Phong đã biến tờ báo này thành một mũi xung kích cúc cung cho đảng để tấn công trên diện rộng và có chiều sâu đối với giới đấu tranh dân chủ nhân quyền mới bộc phát Việt Nam.
Sự việc Nguyễn Như Phong chứng minh một phản đề kinh khủng về triết học Cộng Sản: Không phải lịch sử bao giờ cũng được biện chứng. Những gì mà “lý luận Mác – Lê Nin” và “Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong dĩ vãng chỉ còn là “cái móng tay” so với quyền lợi nhóm vào thời nay. Nguyễn Như Phong “trở cờ” nhanh gọn và dứt khoát cũng vì thế.
Muốn “giữ cờ,” ông Nguyễn Phú Trọng chỉ còn cách dùng “bạo lực cách mạng.” Hơn lúc nào hết và hơn ai hết, ông Trương Minh Tuấn đang trở thành một mũi giáo phù hợp đắc lực cho chiến dịch lấy lại thanh thế cho đảng của ông Trọng.
“Cảnh sát tư tưởng”
Tuy thế, dư luận cũng cho rằng ngoài mục tiêu “làm sạch báo chí” như chủ trương và cách thức “chống tham nhũng” của Tổng Bí Thư Trọng đã phát ra, một mục tiêu khác không thể lẫn vào đâu được là giới định hướng và quản lý báo chí muốn nhân chiến dịch này để thanh loại một số lãnh đạo báo không ăn cánh hoặc thuộc phe “đối lập” (không phải bất đồng chính kiến mà đối lập về quyền lực và lợi ích trong nội bộ) – một cách tương tự với chiến dịch “luân chuyển cán bộ” ba giai đoạn mà “kiến trúc sư” của ông Trong là Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Tô Huy Rứa đã tiến hành rất thành công từ trong nguyên năm 2015, mang về kết quả sáng láng để ông Trọng “ngồi” tiếp một nửa hoặc cả nhiệm kỳ khóa 12, trong khi bản thân ông Rứa phải “nghỉ,” còn đối thủ nặng ký nhất của ông Trọng là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng thậm chí không còn chỗ đứng trong ban chấp hành trung ương.
Giờ đây, sau hội nghị trung ương 4 với khẩu hiệu giương cao ngọn cờ “chống tự chuyển hóa, tự diễn biến” của Tổng Bí Thư Trọng, “tay kiếm” Trương Minh Tuấn đã nổi rõ độ sắc bén của mình.
Sau khi được Bộ Chính Trị điều động thêm về ban tuyên giáo, về thực chất, ông Tuấn trở thành “người của đảng.”
Nhưng cũng bởi quá sốt sắng biểu hiện “tính đảng,” trong bài hai của loạt bài đăng trên báo Nhân Dân vào Tháng Mười, tác giả Trương Minh Tuấn đã phạm một sai lầm nghiêm trọng và mang tính xúc phạm nhân cách khi quy “các phần tử cơ hội chính trị” vào nhóm lợi ích kim tiền như sau:
“Một số tờ báo, trang tin phụ họa một số phần tử cơ hội chính trị tranh thủ sự hậu thuẫn của các thế lực chính trị nước ngoài hòng tạo ra thực lực chính trị nhằm thay đổi chế độ trong tương lai. (Liệu có nên coi đây là loại hành vi hỗ trợ các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình?”)
Dù chiến dịch làm sạch báo chí của ông Trương Minh Tuấn có thể nhận được tình cảm đồng thuận vì khía cạnh “tính nhân dân” của nó, nhưng cái cách mà ông quy kết đối với giới bất đồng chính kiến lại khiến cho nhiều người đọc nhìn nhận về giọng điệu của ông không khác gì “cảnh sát tư tưởng,” và ông đang làm thay nhiệm vụ trấn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí của ngành công an.
Điều kỳ lạ là trong lúc ông Tuấn đang muốn “công an hóa báo chí” như thế, đã xuất hiện một khuynh hướng khá trái ngược trong nội bộ đảng CSVN và biểu lộ rõ trên mặt truyền thông: Tháng Chín, Cựu Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương Vũ Ngọc Hoàng viết loạt bài về “kiểm soát quyền lực” trên báo điện tử VietNamNet và được một số dư luận hoan nghênh bởi vì ông Hoàng lần đầu tiên can đảm đặt vấn đề cần thúc đẩy “tam quyền phân lập” và xã hội dân sự.
“Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương” Trương Minh Tuấn
Logic tiếp tới sẽ là việc ông Trương Minh Tuấn trở thành “tay kiếm” sắc nhất để tiếp tục thực hiện chiến dịch “trảm” báo chí, trong đó một phần sẽ khiến nhiều tổng biên tập báo phải quy thuận với Tổng Bí Thư Trọng.
Nền “báo chí cách mạng” cũng bởi thế sẽ càng bi kịch hơn: Sau chiến dịch xử lý nhiều nhân vật đầu não báo chí, sẽ xuất hiện “cơ chế chính ủy” trong các báo nhà nước, tương tự những “điển hình tiên tiến” mà ông Trương Minh Tuấn ca ngợi như các báo đảng Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân.
Khi đó, báo chí nhà nước sẽ còn viết được gì? Hay sẽ chỉ còn biết đồng ca “Vừng trời đông, ánh hồng tươi sáng bừng lên…?”
Ông Tuấn được nhiều người bình luận rằng ông là người có tham vọng chính trị ngùn ngụt, và trong một hoàn cảnh cần thiết, thậm chí ông còn tỏ ra sắt son với đảng hơn nhiều so với các ủy viên Bộ Chính Trị. Theo đó, ông đang được “quy hoạch” để trở thành tân ủy viên Bộ Chính Trị trong tương lai, thậm chí là tương lai gần.
Trong khi cựu phó bí thư TP.HCM Võ Văn Thưởng, không hiểu vì lý do gì, vẫn quá vắng bóng trên các diễn đàn chính trị, ngày càng nhiều người bắt đầu nghĩ đến một chức vị mang tính thay thế: “Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương” Trương Minh Tuấn.

Trưởng công an xã tàn độc giết người vứt xác phi tang

Hiện trường nơi phát hiện thi thể nạn nhân. (Hình: báo VNExpress)
THANH HÓA (NV) – Ra tay tàn độc với cô giáo dạy lớp mầm non, ông trưởng công an xã Ðồng Lương còn mang thi thể nạn nhân nhét vào bao tải rồi đem vứt phi tang ở bãi rác vắng người, khiến dư luận phẫn nộ.
Tối 15 tháng 11, công an tỉnh Thanh Hóa loan báo với truyền thông Việt Nam cho biết đã bắt được nghi can Phạm Văn Thông (44 tuổi), trưởng công an xã Ðồng Lương, huyện Lang Chánh để điều tra tội “Giết người, phi tang xác.”
Báo điện tử VNExpress dẫn lời nhà chức trách cho hay, ngày 12 tháng 11, ông Hà Văn Thức (44 tuổi), xã Tân Phúc, Lang Chánh, đến công an huyện trình báo vợ mình là bà Lê Thị Tấm (42 tuổi), giáo viên trường mầm non Tam Văn, xã Tam Văn, ra khỏi nhà và mất tích với nhiều dấu hiệu nghi vấn. Người thân đi tìm nhiều nơi, song không có tin tức.
Hai ngày sau, người dân phát hiện một bao tải có mùi nồng nặc ở bãi rác xã Ðồng Lương, bên trong có thi thể một phụ nữ đã phân hủy. Nạn nhân sau đó được xác định là bà Tấm. Mở rộng điều tra, công an bắt giữ ông Thông. “Ông này được cho là có quan hệ tình ái với nạn nhân,” một cán bộ cho hay.
Tại cơ quan điều tra, ông Thông khai do mâu thuẫn cá nhân với bà Tấm nên tối 10 tháng 11, chở bà này ra khu vực bãi rác thuộc xã Ðồng Lương, sau đó dùng khăn len siết cổ chết rồi bỏ xác vào bao tải đem đến bãi rác cách đó khoảng 500 mét vứt phi tang.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, chánh văn phòng huyện Lang Chánh xác nhận, ông Thông là ủy viên Ban Chấp Hành Ðảng Ủy xã Ðồng Lương nhiệm kỳ 2015-2020, đại biểu hội đồng xã nhiệm kỳ 2016-2021, trưởng công an xã. (Tr.N)

Lại thêm nhà máy giấy có nguy cơ hủy diệt sông Tiền

Sơ đồ xả nước thải của nhà máy giấy Ðại Dương. (Ðồ họa: Tuổi Trẻ)
TIỀN GIANG (NV) – Một số chuyên gia về môi trường tại Việt Nam vừa đề nghị xem lại dự án nhà máy giấy Ðại Dương ở Tiền Giang, vì nếu nhà máy này hoạt động, nước thải sẽ hủy diệt sông Tiền.
Tháng 3 vừa qua, chính quyền tỉnh Tiền Giang đã cho phép công ty Chang Yang Holding của Ðài Loan xây dựng một nhà máy giấy có tên là Ðại Dương tại khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước. Tổng vốn đầu tư cho dự án này là 220 triệu Mỹ kim (khoảng 5,000 tỉ đồng Việt Nam).
Cho đến nay, công ty Chang Yang Holding đã san lấp xong 228,000 mét vuông và chờ phê duyệt thiết kế nhà xưởng. Ông Weng Sheng Yao, đại diện công ty Chang Yang Holding hy vọng các thủ tục sẽ hoàn tất sớm để nhà máy giấy Ðại Dương có thể hoạt động trong năm tới.
Sở dĩ các chuyên gia về môi trường tại Việt Nam hối hả đề nghị chính quyền tỉnh Tiền Giang xem lại dự án nhà máy giấy Ðại Dương vì nhà máy này chuyên tái chế giấy phế liệu nhưng mới xin xả nước thải thẳng ra kênh rạch.
Ông Lê Trình, viện trưởng Viện Khoa Học Môi Trường và Phát Triển, kiêm phó chủ tịch Hội Ðồng Ðánh Giá Tác Ðộng Môi Trường Việt Nam, cảnh báo, việc chính quyền tỉnh Tiền Giang cho phép công ty Chang Yang Holding đầu tư-xây dựng nhà máy giấy Ðại Dương, vi phạm quan điểm phát triển công nghiệp trong quy hoạch bảo vệ môi trường của chính tỉnh này.
Ông Trình nhấn mạnh, sản xuất giấy luôn tạo ra một lượng chất thải lớn, đặc biệt đáng ngại là nước thải luôn có rất nhiều loại độc chất với hàm lượng cao, nguy hại cho cả con người lẫn các loại động vật và rất khó xử lý.
Theo ông Trình, với lưu lượng nước thải mà nhà máy giấy Ðại Dương xả ra đến 5,000 khối/ngày, hệ thống xử lý nước thải của khu công nghiệp Long Giang sẽ không thể xử lý triệt để các độc chất.
Ngay cả khi để công ty Chang Yang Holding tự thiết kế, điều hành hệ thống xử lý nước thải thì cũng không thể loại trừ những rủi ro và tác động nguy hại cho môi sinh, môi trường như công ty này cam kết. Lúc đó, nước thải có các độc chất sẽ từ kênh rạch tràn vào sông Tiền, sông Vàm Cỏ và các chi lưu. Vì khả năng tự làm sạch của hệ thống kênh rạch vốn rất thấp nên số lượng người bị tác động có thể sẽ lớn hơn số nạn nhân ở các tỉnh miền Trung trong thảm họa môi trường do Formosa gây ra.
Ông Dương Văn Ni, một chuyên gia môi trường làm việc tại Ðại Học Cần Thơ, nói thêm, nhà máy giấy Ðại Dương sẽ hủy diệt sự đa dạng sinh học, đất đai và nguồn nước của vùng Ðồng Tháp Mười. Ông Ni còn lưu ý là trong vài năm gần đây, do nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, nước ngọt ngày càng khan hiếm, cho phép xây dựng các nhà máy giấy = vốn cần rất nhiều nước – sẽ làm tình trạng khan hiếm nước ngọt trầm trọng hơn.
Chưa rõ chính quyền tỉnh Tiền Giang và chính quyền Việt Nam sẽ quyết định thế nào đối với trường hợp nhà máy giấy Ðại Dương.
Người ta cũng chưa rõ tại sao chính quyền của nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long – một khu vực kênh rạch chằng chịt – lại rất thích những dự án đầu tư nhà máy giấy của các tập đoàn Châu Á, vốn rất nguy hiểm cho môi trường nước của cả khu vực.
Cách nay tám năm, tập đoàn Lee & Man Paper ở Hồng Kông được cấp giấp phép sử dụng khoảng 82 héc ta đất tại cụm công nghiệp Nam sông Hậu, tọa lại tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, để đầu tư một cụm nhà máy, trị giá khoảng 628 triệu Mỹ kim. Cụm nhà máy đó bao gồm hai nhà máy biệt lập, một sản xuất bột giấy tẩy trắng, công suất khoảng 330,000 tấn/năm và một sản xuất giấy cứng để làm bao bì cao cấp, công suất khoảng 420,000 tấn/năm.
Sau thảm họa môi trường ở phía Bắc miền Trung, hồi giữa năm nay, Hiệp Hội Chế Biến và Xuất Cảng Thủy Sản Việt Nam, gửi văn bản cho thủ tướng Việt Nam và Bộ Nông nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, cảnh báo, nếu cụm nhà máy giấy của Lee & Man Paper xả nước thải ra sông Hậu, con sông sẽ bị ô nhiễm trầm trọng, nguồn lợi thủy sản (tôm, cá) bị tận diệt và ảnh hưởng đến cả sản lượng của vựa lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Cảnh báo vừa kể thật ra đã từng được đề cập trước đó mười năm, khi tập đoàn Lee & Man Paper chỉ mới có dự tính đầu tư nhưng lúc đó, chính quyền Việt Nam không thèm bận tâm…


Do sức ép của công luận, đến tháng 7, Bộ Công Thương Việt Nam mới đề nghị chính phủ Việt Nam hủy một phần giấy phép đầu tư nhà máy sản xuất bột giấy của Lee & Man Paper (chỉ chấp nhận cho xây dựng một nhà máy sản xuất giấy cứng để làm bao bì cao cấp), vì không thỏa mãn các tiêu chí về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên đến nay, chính phủ Việt Nam chưa có quyết định cuối cùng. (G.Ð)