Wednesday, November 11, 2015

Vở diễn tồi

Phạm Đình Trọng (Danlambao) - Cuộc họp báo của công an Hà Nội về vụ việc hai luật sư bị hành hung ở Chương Mỹ là một vở diễn quá tồi.

Cuộc họp báo, lại là họp báo của công an Hà Nội, lực lượng bảo vệ pháp luật của thủ đô đất nước là sự việc có thật của cuộc đời mà những người chỉ đọc thông tin về cuộc họp báo đã nhận ra đó chỉ là một vở diễn vụng về, đều ngao ngán thấy những người được trao trọng trách bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lí đã mang công lí ra làm trò diễn. Mang sự thật sờ sờ giữa ban ngày ra làm trò chơi trốn tìm bất tận trong bóng tối. Sự thật được mang ra làm trò ảo thuật, đánh tráo thật thành giả, biến đổi có thành không.

Qua vở diễn tồi trong cuộc họp báo ở bản doanh công an Hà Nội, người ngây thơ, đơn giản nhất cũng thấy rằng vụ hành hung hai luật sư ở xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội không phải là vụ việc tự phát của mấy gã trai làng, của công an cấp xã. Cuộc tập hợp bạo lực ở Đông Phương Yên, những nắm đấm vung lên, những cú ra đòn ở đó và lí lẽ, diễn giải ở cuộc họp báo ở phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội như đều có dấu ấn vụng về, hấp tấp của một đạo diễn kém nhưng quá tự tin, quá coi thường người dân, coi thường luật pháp, coi thường người bị nạn, những luật sư vừa là người thông tỏ pháp luật vừa là người trong cuộc, sự việc diễn ra bằng máu của chính họ, diễn ra ngay trên da thịt họ, ngay trước mắt họ. 

Vở diễn tồi trong cuộc họp báo của công an Hà Nội càng cho người dân thấy cách hành xử pháp luật bất minh của một thể chế xã hội bất cập. Bạo lực lộng hành ở Đông Phương Yên, một xã của Hà Nội có yếu tố công an, có dấu ấn công an, có mặt viên công an Nguyễn Cửu trong đám người hành hung luật sư nhưng điều tra, kết luận vụ việc lại được giao cho chính công an Hà Nội, tất yếu sẽ dẫn đến kết luận điều tra theo ý muốn người điều tra chứ không theo sự thật. Vì thế cuộc họp báo trở thành vở diễn tồi

Chân đá bóng, miệng thổi còi thì dù chân bỏ bóng đá người, tiếng còi cất lên cũng chỉ để phạt thẻ đỏ kẻ bị đá gãy chân và bảo đảm sự vô can cho thủ phạm bỏ bóng đá người. Đó là pháp quyền Xã Hội Chủ Nghĩa. Pháp quyền XHCN kiểu đó đã diễn ra suốt mấy chục năm trên đất nước Việt Nam hiền hòa. 

Công lí của pháp quyền XHCN là công lí của sức mạnh. Sức mạnh bạo lực. Sức mạnh quyền lực. Sức mạnh đồng tiền. Ai có sức mạnh của bạo lực, sức mạnh của quyền lực, sức mạnh của đồng tiền, người đó có công lí. 

Pháp quyền XHCN đã và sẽ còn gây ra hàng ngàn án oan khiên Nguyễn Thanh Chấn, Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải... 

Pháp quyền XHCN đã và sẽ còn có hàng trăm, ngàn người dân bị đánh chết trong đồn công an như những hồn oan Ngô Thanh Kiều, Nguyễn Văn Khương, Nguyễn Mậu Thuận...

11/11/2015

Cuộc bầu cử tự do tại Miến Điện - Một thách thức cho Đại Hội Đảng CSVN

Vũ Ngọc Yên (Danlambao) - Cộng hòa Liên bang Miến Điện (51 triệu dân), một quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiến hành một cuộc bầu cử tự do vào ngày 08.11.2015 đã tạo được sự chú ý của thế giới. Hầu hết các quốc gia dân chủ tây phương đều khen ngợi những nỗ lực của chính quyền, các chính đảng và các Hiệp hội công dân ở Miến Điện đã đặt quyền lợi đất nước trên quyền lợi đảng phái khi hợp tác thực hiện bầu cử mở đầu cho kỷ nguyên xây dựng một nước Miến Điện dân chủ.

Giới trẻ hỗ trợ đối lập thắng cử

Cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên trong nhiều thập niên qua đã diễn ra trên cả nước trong bầu không khí tưng bừng. Gần 30 triệu cử tri hân hoan đi bỏ phiếu để bâu 1100 đại biểu cho Quốc Hội và các Nghị viện địa phương... Thành viên của 91 chính đảng và các đoàn thể tham gia ứng cử... Nhưng kết quả bầu Quốc hội (Lưỡng viện) được xem có ý nghĩa chính trị quan trọng nhất. Thượng viện và Hạ viện có tổng số 664 ghế, trong đó, ¼ ghế được dành cho quân đội.

Ngày 9-11, Myanmar qua nhiều cuộc kiểm phiếu cho thấy Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (National League for Democracy -NLD) của bà Aung San Suu Kyi, người mang giải Nobel hòa bình chiếm nhiều ghế nhất trong lưỡng viện và Liên minh Đoàn kết phát triển (Union Solidaity and Development Party -USDP) đã nắm quyền từ năm 2011 đã nhìn nhận thất bại. Tổng thống hiện tại Thein Sein và Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing đã lên tiếng chấp nhận "Ý dân" thể hiện qua kết quả bầu cử.

Giới quân nhân đã cai trị Miến Điện gần 50 năm (1962-2011). Đảng của bà Suu Kyi đã thắng trong cuộc bầu cử 1990 nhưng quân đội không công nhận kết quả bâu cử và bà bị quản thúc tại gia 20 năm. 

Lưỡng viện sẽ bầu Tổng thống vào tháng 2- 2016 và nhiệm kỳ bắt đầu ngày 30.03.2016. Dân chúng lo ngại bà Suu Kyi khó trở thành Tổng thống vì hiến pháp Myanmar cấm bất cứ ai có con với nước ngoài giữ chức vụ này. Hai con trai của bà với người chồng quá cố đều là người Anh. Dầu vậy Bà Suu Kyi (70 tuổi) cho biết Liên đoàn NLD sẽ có ứng cử viên Tổng thống.

Hy vọng và những trở ngại

Một nước Miến Điện giàu có tài nguyên, có vị trí chiến lược thuận lợi giữa Trung Cộng, Ấn Độ và Đông Nam Á đã bị độc tài kìm hãm phát triển hàng chục năm, nay cuộc bầu cử tự do đã khởi sự đưa đất nước vào con đường dân chủ và mang đến nhiều hy vọng cho nhân dân Miến Điện trong tương lai.

Triển vọng phát triển đất nước được các chuyên gia kinh tế ngoại quốc đánh giá rất khả quan... Trong vòng 15 năm tới, Miến Điện cần 650 tỉ USD để đầu tư trong nhiều lãnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở (đường xá, hải cảng, điện nước...) Đến năm 2030 Miến Điện sẽ đạt tổng sản lương nội địa hằng năm 200 tỉ USD và tạo thêm 10 triệu chỗ làm. Cách đây 4 năm cựu tướng Thein Sein giữ chức Tổng thống đã mạnh dạn cải cách chính trị và kinh tế. Đầu tư ngoại quốc tăng trong khi mức đầu tư của Trung cộng và Hương Cảng trước chiếm hơn 2/3 nay đã giảm xuống còn 15%. Nhật bản đầu tư xây dựng khu công nghiệp Thilawa gần Rangun tạo hơn 12000 việc làm. Giới chuyên gia kinh tế phỏng định tiến trình hòa giải dân tộc và dân chủ hóa đất nước sẽ tạo thêm sức mạnh cho nền kinh tế Miến Điện có khả năng đạt tăng trưởng 8% mỗi năm và kéo dài 30 năm góp phần giảm thiểu mức độ chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp nhân dân.

Bà Suu Kyi và cử tri trong cuộc bầu cử tự do

Miến Điện - Bài học cho Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN)

Cuộc bầu cử dân chủ và tự do với sự tham dự của nhiều chính đảng diễn ra ôn hòa ở Miến Điện đã minh chứng lý luận dân chủ đa đảng tạo ra hỗn loạn chỉ là ngụy biện của ĐCSVN nhằm duy trì chế độ độc tài, độc đảng. Một quốc gia chỉ có một đảng là quốc gia độc tài. Các quốc gia đa đảng dù chưa kiện toàn thể chế dân chủ, và còn có nhiều xáo trộn chính trị như Thái Lan, Mã Lai Á, Nam Dương... nhưng vẫn là các quốc gia có mức phát triển kinh tế cao hơn các quốc gia độc đảng như Triều Tiên, Việt Nam, Lào…

Hiện nay Việt Nam và Lào là hai quốc gia còn kiên trì chủ trương thực hiện xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa dưới chế độ độc đảng và cũng là hai quốc gia nghèo nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.(ASEAN)

Mức thu nhập GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD chỉ bằng 3/5 của Nam Dương, 2/5 của Thái Lan, 1/5 của Mã Lai Á, và 1/27 của Tân Gia Ba.

Về mặt tệ trạng xã hội: Tham nhũng, kinh tế bè nhóm lợi ích, gia tộc lãng phí của công… thì Việt Nam vượt trội các quốc gia trong vùng.

40 năm dưới chế độ Cộng sản độc đảng - Việt Nam đã không phát triển, thậm chí còn tụt hậu

Những phát biểu hứa hẹn "đổi mới", "nhân dân làm chủ"... mà lãnh đạo đảng và các cơ quan thông tin, báo chí của đảng ra rả đã làm người dân chán ghét.

Quần chúng không còn quan tâm đến những quyết định liên quan đến sự tồn vong của đảng hay những thay đổi nhân sự lãnh đạo đảng.

Nhân dân cả nước hiện đang trông đợi ở một sự cải cách thực sự sâu rộng về mọi mặt có khả năng hồi sinh tự do, dân chủ và phục hưng đất nước.

Trước đại hội đảng lần thứ 12 dự kiến triệu tập vào năm 2016, giới lãnh đạo đảng hãy can đảm nêu ra những trở lực chính kìm hãm sự đoàn kết và sức mạnh của quốc gia: Chủ nghĩa xã hội, chế độ độc đảng, sự tước đoạt quyền làm chủ của nhân dân.

Đã đến lúc phải có những quyết định mang tính chất lịch sử:

- Dứt khoát gạch bỏ cụm từ "Chủ nghĩa xã hội ra khỏi Hiến pháp. Đảng không thể áp đặt Việt Nam mãi chấp nhận một chủ nghĩa lỗi thời và viễn vông.

- Chuyển hóa chế độ độc đảng phi dân chủ qua chế độ đa đảng dân chủ thực hiện nguyên tắc tam quyền phân lập, nhà nước dân chủ pháp trị và nền kinh tế thi trường thật sự...

- Trả lại quyền làm chủ cho nhân dân thể hiện qua bầu cử tự do chọn người lãnh đạo. Chỉ nhân dân là người chủ duy nhất có quyền giao quyền và chia quyền lãnh đạo chứ không phải ĐCSVN.

- Chấp nhận quyền tư do tư tưởng, quyền đối lập chính trị, quyền tự do báo chí và quyền tự do lập hội.

Đại hội 12 sắp đến sẽ là cô hội lịch sử cho ĐCSVN dẹp bỏ chủ nghĩa xã hội Mác-Lênin ra khỏi hiến pháp, kết thúc chế độ một đảng toàn trị tệ hại bao che cho tham nhũng và bất công cũng như cản trở sự nghiệp canh tân đất nước.

11/11/2015


Obama không còn kiên nhẫn đối với Bắc Kinh nữa!

Hiroyuki Akita * Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) lược dịch - Tại Hoa Thịnh Đốn - Việc Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình từ chối ngừng xúc tiến chương trình xây đảo nhân tạo tại vùng biển Đông còn đang tranh chấp đã khiến Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama có thái độ cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.

Phân tích một cách tổng quát, lãnh đạo các quốc gia có thể chia ra làm hai loại. Loại thứ nhất bao gồm những vị lãnh đạo bao giờ cũng tin rằng họ có thể giải quyết mọi bất đồng thông qua thương thảo đối với mọi đối thủ. Loại thứ nhì bao gồm những vị lãnh đạo nghĩ rằng nhiều đối thủ của họ không thể nào dùng đối thoại để mà giải quyết vấn đề.

Tổng thống Obama là khuôn mẫu cho hạng người lãnh đạo thuộc loại thứ nhất. Giới chức cao cấp trong chính phủ thừa nhận ông Obama rất miễn cưỡng khi phải sử dụng quân đội. Ấy thế mà ông Obama cũng không còn chịu đựng được nữa trước thái độ của Tập Cận Bình khi viếng thăm Hoa Kỳ.

Hy vọng có thể đồng hành cùng với họ Tập thảo luận cởi mở và trung thực, Tổng thống Obama đã cho mở một buổi tiệc ăn tối đãi riêng ông Tập vào đêm 24 tháng Chín, một ngày trước buổi yến tiệc long trọng chính thức đãi quốc khách của quốc gia. Chỉ có hai vị lãnh đạo và các cố vấn thân cận được dự tiệc. Những đòi hỏi lãnh hải của Trung Cộng là một trong những trọng tâm mà Tổng thống Obama muốn đàm đạo trong buổi gặp gỡ ăn tối này.

Tạo ra đảo nhân tạo tại vùng biển còn đang tranh chấp đã gây ra nhiều căng thẳng huống hồ gì Bắc Kinh lại còn làm tăng thêm sự căng thẳng khi cho xây căn cứ quân sự trên những đảo nhân tạo này. Trong buổi ăn tối đó, Obama đề cập đến vấn đề nà rất chi tiết, cặn kẽ và hối thúc ông Tập ngừng mọi xúc tiến xây dựng căn cứ quân sự trên đảo nhân tạo này. Theo nguồn tin chính phủ, Tổng Thống Obama không đạt được một thỏa thuận nào cả, ông Tập cứ trơ mặt ra như gổ trước sự cố gắng thuyết phục của Obama.

Phút giây quyết định

Ngay sau buổi ăn tối đó, Obama bực bội gọi điện đàm với Harry Harris, chỉ huy toàn bộ lực lượng Hải quân của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (bao gồm Hạm Đội Ba và Hạm Đội Bảy) . Sau cuộc điện đàm đó, Tổng Thống Obama ra lệnh cho Hải quân tiến thẳng vào Trường Sa (nơi Trung Cộng xây đảo nhân tạo) tiến hành tuần tiểu.

Kế hoạch đề ra là Hoa Kỳ sẽ đưa chiến hạm tuần tra tiến sâu vào Trường Sa cách đảo nhân tạo trong vòng 12 hải lý, tức khoảng 22 km. Theo luật biển quốc tế, lãnh hải của một quốc gia sẽ từ bờ biển ra đến 12 hải lý. Như vậy, quyết định tuần tiểu sâu vào trong vòng 12 hải lý cho thấy Hoa Kỳ muốn nói với Bắc Kinh và các nước trong vùng là Hoa Kỳ không công nhận lãnh hải nơi này là của Trung Cộng (như Trung Cộng tuyên bố trước đó.)

Giới chức quân sự cao cấp của Hoa Kỳ đã có kế hoạch này trong tay từ hồi tháng Bảy. Giới quân nhân muốn hành động ngay kế hoạch này nhưng Obama đã đình chỉ không cho tiến hành. Tổng thống hy vọng rằng cuộc đàm đạo mặt đối mặt sẽ thuyết phục được họ Tập và khiến kế hoạch quân sự này không còn cần thiết nữa.

“Tuy nhiên, Obama đã nhận ra rằng nỗ lực hòa giải đối thoại đã khiến Bắc Kinh lờn mặt không cộng tác,” theo Edward Luttwak. một chiến lược gia quân sự khét tiếng, tiết lộ. Kế hoạch tuần tiểu 12 hải lý này đánh dấu sự thay đổi sách lược của Hoa Kỳ đối với Trung Cộng. 

"Trong vụ này, Bắc Kinh tự đào cái hố chôn mình thì biết làm sao hơn" , ông Luttwak thừa nhận.

Tác động trong vùng:

Quyết định của Tổng thống Obama đương nhiên tạo ra nhiều dao động trong vùng, trong đó có Nhật Bản.

Theo nhiều nguồn tin ngoại giao, từ lâu, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á đã thúc giục Hoa Thịnh Đốn cho tàu chiến tuần tiểu vùng biển tranh chấp. Đối với các quốc gia trong vùng, hòa bình và ổn định chỉ có thể có khi đối mặt, thách thức sức mạnh quân sự mà Trung Cộng đang sử dụng để lấn hiếp và gây căng thẳng bấy lâu nay.

Nếu đứng trên quan điểm này thì rõ ràng Tokyo mừng rỡ và ủng hộ quyết định của Obama.Tuy nhiên kế hoạch tuần tiều 12 hải lý này ẩn chứa hung hiểm: nếu Trung Cộng quyết tâm chận đầu ngăn cản tàu chiến Hoa Kỳ tuần tiểu trong vòng 12 hải lý thì xung đột sẽ bùng phát leo thang dù hai bên không muốn.

Nhật Bản cần suy xét phải ứng phó như thế nào khi tình huống đó xảy ra. Hiện nay, điều này lại càng vô cùng quan trọng khi mà Quốc Hội Nhật Bản đã thông qua dự luật cho phép quân đội được quyền tác chiến trợ giúp Đồng Minh nếu Đồng Minh bị tấn công bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản.

Thận trọng:

Nỗ lực của Tống thống Obama sẵn sàng thỏa thuận ngay cả với kẻ thù không đội trời chung dẫn đến thỏa hiệp hạch tâm với Ba Tư (Iran) và phục hồi quan hệ với Cuba. Tổng thống Obama dường như không bao giờ từ bỏ đường lối thảo thuận thương thào một cách vội vã nếu ông thấy còn có cơ hội thương thào.

Obama chỉ còn làm tổng thống thêm một năm nữa mà thôi. Giới hữu trách của tòa Bạch Ốc ủng hộ kế hoạch tiếp tục gia tăng sức ép để ngăn cản tham vọng độc chiếm lãnh hải của Trung Cộng, đồng thời vẫn muốn làm việc chung với Bắc Kinh trên các vấn đề như biến đổi khí hậu, tái thiết Afghanistan.

Rất khó mà đoán biết được chắc các siêu cường đang tính toán điều gì, họ có thể cãi vã nhau dữ dội bên ngoài mặt nhưng lại bắt tay nhau trong bí mật. Về phần mình, chính phủ Nhật Bản cần phải theo dõi chặt chẽ mối liên hệ Hoa Thịnh Đốn- Bắc Kinh đề điều chỉnh chính sách bang giao đối với Trung Cộng cho thích hợp- lúc nào cũng phải hành động một cách cẩn thận phối hợp nhịp nhàng giữa thương thảo và thách thức.


11/11/2015


(Ghi chú: Phối hợp nhịp nhàng giữa thương thảo và thách thức khác với đường lối vừa quy lụy, vừa năn nỉ hiện nay của Cộng Sản Hà Nội. Năn nỉ một "niềm tin chính trị" từ phía Trung Cộng để rồi lại bị Tập Cận Bình lừa đảo một lần nữa trong tháng này.)

Dư Luận Viên

Cựu chiến binh Trần Bang: Thảm đỏ đón Tập Cận Bình nhuộm bằng máu nhân dân Việt Nam!


CTV Danlambao - Một cựu binh từng tham gia chống quân Trung Cộng xâm lược tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh bằng mọi cách để giành lại chủ quyền biển đảo Việt Nam do cha ông để lại.

Đó là lời khẳng định của ông Trần Bang – người đã bị CA đánh đổ máu trong cuộc biểu tình sáng ngày 5/11/2015 vừa qua, tại Sài Gòn.

Đây là cuộc biểu tình ôn hoà do 21 tổ chức xã hội dân sự cùng ký tên kêu gọi nhằm phản đối chế độ CSVN tiếp đón chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình. 

Ít nhất 40 người đã bị CA đánh đập thô bạo và bắt giam. Trong lúc lộn xộn, ông Bang đã bị một viên CA thường phục đánh rất mạnh vào đầu bằng một thanh sắt bọc tay. Ngay lập tức, máu tuôn ra khắp cả trên mặt lẫn trên áo.

Khi bị bắt về trụ sở CA, do mất nhiều máu nên ông đã bất tỉnh. Phải đến nhiều tiếng sau, nạn nhân mới được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Ông Trần Bang là một cựu chiến binh từng chiến đấu cùng sư đoàn 356, sau đó là sư đoàn 345 đóng quân tại Lào Cai trong cuộc chiến tranh biên giới chống quân xâm lược Trung Cộng suốt từ những năm 1979 đến 1989. 

Khi ấy, những viên CA cộng sản đã ra tay đánh ông đổ máu sáng 5/11/2015 vẫn còn chưa sinh ra đời!

Ông Trần Bang trong cuộc biểu tình sáng 5/11/2015 tại Sài Gòn. Ảnh: Facebook Huy Phan.

Đấu tranh bằng mọi cách 

Trao đổi với CTV Danlambao sau khi đã hồi tỉnh, ông Bang cho biết bản thân ông rất căm phẫn khi chứng kiến cảnh CA đàn áp những người biểu tình ôn hoà, thậm chí đánh đập cả phụ nữ. 

Theo ông, máu của những người dân Việt Nam yêu nước đã bị đem nhuộm làm thảm đỏ để tiếp đón Tập Cận Bình. 

“Tôi nghe nói đã đón Tập Cận Bình bằng 21 phát đại bác và rải cả thảm đỏ. Tôi nghĩ cái thảm đỏ đã được nhuộm bằng máu của người dân Việt Nam rồi”.

“Đây là máu của ngư dân Lý Sơn – Quảng Ngãi, máu của bà con ngư dân miền Trung và ngư dân Việt Nam - những người đi đánh cá ở ở các vùng biển Việt Nam như Hoàng Sa – Trường Sa bị Trung Quốc đánh, bắt, cướp, phá và húc cho tan nát”.

“Họ dùng máu của ngư dân Việt Nam làm thảm đỏ để trải đón Tập Cận Bình!”

Dù vết thương trên chán vẫn còn đang rỉ máu, ông Trần Bang khẳng định sẽ chắc chắn tham gia vào các cuộc biểu tình tương tự trong tương lai. Ông nói:

“Tôi đã từng ở trên chốt [biên giới], đối chọi với cái chết, và tôi cũng đã tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc.” 

“Nếu Trung Quốc còn chưa trả Hoàng Sa – Trường Sa cho Việt Nam, còn mạo nhận đường lưỡi bò thì chúng tôi còn phải đấu tranh bằng mọi cách để giành lại chủ quyền biển đảo Việt Nam do cha ông để lại.”

Chúng tôi thách đố đảng CSVN!

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Chúng tôi ở đây là ai? Như Trần Quốc Toản khi xưa cầm quả cam trong tay. Họ, những tuổi trẻ Việt Nam ngày nay đang khảng khái cầm trong tay lời thách thức chế độ độc tài cộng sản Việt Nam hãy trả lại quyền làm chủ đất nước của toàn dân tộc đã bị tước đoạt suốt 70 năm qua. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” (nước nhà hưng thịnh hay suy vong, mọi người dân đều có trách nhiệm) Họ, tuổi trẻ Việt Nam như đang thét lên... Đất nước không của riêng ai, mọi Công dân có quyền tham gia quản lý điều hành nhà nước và xã hội, (Điều 28- Hiến pháp) Không ai sinh ra nghiễm nhiên là lãnh đạo (không thể con quan nếu thích là được làm quan) Nhân tài, lãnh đạo, phải thông qua cạnh tranh chứng minh từ “Tự Do” ứng cử và “Dân Chủ” bầu chọn như quốc gia Myanmar...

Chúng tôi thách đố đảng CSVN dám làm (bầu cử) như Myanmar

Họ - Tuổi trẻ tri thức Việt Nam ngày nay hầu như biết rất rõ và tởm lợm quá rồi với biết bao tiền của mồ hôi nước mắt nhân dân bốc hơi qua những lần bầu cử bịp bợm giả hiệu là “dân chủ” chỉ cốt để hợp thức hóa cho: “đảng CSVN dành quyền cắt cử ứng viên CS- bắt dân phải bỏ phiếu có sẳn ứng viên và tổ chức Mặt Trận Tổ Quốc quán triệt (chọn lựa) ai được đắc cử theo cơ cấu ấn định do đảng CSVN đã duyệt trước."(!?) mà nhà nước và đảng CSVN tung hô là “Đảng cử, dân bầu”?. (Đảng cử chọn rồi thì nhân dân còn bầu bán đếch gì nữa cho tốn kém!) Một màn hài kịch rẻ tiền.

Chúng tôi thách đố đảng CSVN dám làm (bầu cử) như Myanmar

Chúng tôi thách đố đảng CSVN dám làm (bầu cử) như Myanmar

Vì sao Tuổi Trẻ Việt Nam thách thức đảng CS(?) 

Trong khối Asean, 2 quốc gia láng giềng của Việt Nam, Campuchia và Myanmar thua kém Việt Nam về mọi mặt nhưng tại Campuchia trong lần bầu cử Quốc hội khóa 5, chọn ra một chính đảng lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ 2013-2018. Để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra tự do, công bằng cho các đảng phái tranh cử đã có trên 40.000 quan sát viên độc lập tình nguyện tại các tỉnh thành và trên trên 800 phóng viên báo chí trong nước cộng với gần 300 phóng viên quốc tế đăng ký tham gia giám sát chứng kiến. 

Còn tại cuộc bầu cử Quốc Hội Myanmar ngày 8/11 vừa qua có 10.500 quan sát viên độc lập trong nước và nước ngoài gồm 1.118 đại diện các cơ quan giám sát bầu cử, ngoại giao quốc tế và 9.406 quan sát viên địa phương + 290 phóng viên đến từ 45 tổ chức truyền thông quốc tế chứng kiến giám sát…

Một bối cảnh mà không bao giờ đảng CSVN dám cho diễn ra trong các cuộc bầu cử tại Việt Nam - Đơn giản, dễ hiểu - Chế độ độc tài CS không cho phép bất cứ một đảng phái nào khác cạnh tranh với chính nó. Và như nói trên: 

“đảng CSVN dành quyền cắt cử ứng viên CS- bắt dân phải bỏ phiếu có sẳn ứng viên chỉ định và tổ chức Mặt Trận Tổ Quốc quán triệt (chọn lựa) ai được đắc cử theo cơ cấu ấn định do đảng CSVN đã duyệt trước". Vi phạm trắng trợn Hiến Pháp Việt Nam (Điều 27) Công dân đủ 18 tuổi và 21 tuổi trở lên có quyền bầu cử, ứng cử, vào Quốc hội, HĐND và Tuyên Ngôn Nhân quyền LHQ (Điều 21) Mọi người đều có quyền tham gia vào việc điều hành xứ sở của mình, một cách trực tiếp hay qua các đại biểu được tuyển chọn bầu cử một cách tự do. 

Và vì vậy không bao giờ đảng CSVN chấp nhận sự có mặt của lực lượng phóng viên báo chí truyền thông quốc tế và quan sát viên độc lập trong nước hay nước ngoài, bởi chính họ (đảng CSVN) đang vi phạm pháp luật trong nước do họ đặt ra và công pháp quốc tế -LHQ- mà họ đã ký vào.

Chúng tôi thách đố đảng CSVN dám làm (bầu cử) như Myanmar

Chúng tôi thách đố đảng CSVN dám làm (bầu cử) như Myanmar

Một ngày, sau bầu cử đa nguyên tự do dân chủ tại Myanma – Tuổi trẻ Việt Nam:Chúng tôi thách đố đảng CSVN dám làm (bầu cử) như Myanmar” - Một sự thách đố rất đơn giản mà tuyệt đại bộ phận (190 nước) các quốc gia văn minh tự do dân chủ trong Liên Hiệp Quốc tự động hành động thay vì đợi công dân mình phải thách thức. 

Qua 70 mùa đông CS/XHCN khắc nghiệt, không còn cam chịu mãi trong giá băng, cộng đồng mạng Facebook tại Việt Nam đang cựa mình mạnh mẽ vươn lên nở hoa, những nụ hoa tự do dân chủ tươi trẻ tỏa hương khát vọng vì một dân tộc Rồng Tiên Âu Lạc không thể cúi đầu lạc hậu kéo mãi cặp búa liềm rỉ sét lầm lũi như trâu chậm uống nước đục, lẽo đẽo theo sau thiên hạ ngửi bụi nhân quyền, tự do, dân chủ. 

11/11/2015

Sau Philippines, Indonesia có thể kiện Trung Quốc ra tòa

Ông Luhut Panjaitan nói 'Chúng tôi muốn tìm ra một giải pháp về vấn đề này thông qua đối thoại trong tương lai gần. Nếu không, chúng tôi sẽ đưa chuyện này ra tòa quốc tế'.
Ông Luhut Panjaitan nói 'Chúng tôi muốn tìm ra một giải pháp về vấn đề này thông qua đối thoại trong tương lai gần. Nếu không, chúng tôi sẽ đưa chuyện này ra tòa quốc tế'.Theo Reuters, VOA-11.11.2015
Indonesia có thể đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế nếu tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn biển Đông và một phần lãnh thổ Indonesia không thể được giải quyết thông qua đối thoại. Người đứng đầu lực lượng an ninh Indonesia tuyên bố như vậy hôm nay.

Bản đồ hình lưỡi bò của Trung Quốc “liếm trọn” biển Đông, trong đó có một số phần của quần đảo Natuna do Indonesia kiểm soát.
Indonesia tin rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với một số phần của quần đảo Natuna “không có cơ sở pháp lý”.
Ông Luhut Panjaitan được trích lời nói: “Chúng tôi đang cố gắng giải quyết. Chúng tôi đang tìm cách tiếp xúc với Trung Quốc. Chúng tôi muốn tìm ra một giải pháp về vấn đề này thông qua đối thoại trong tương lai gần. Nếu không, chúng tôi sẽ đưa chuyện này ra tòa quốc tế”.
Ông Panjaitan nói thêm rằng “Indonesia đang phải đối mặt với đường chín đoạn, và không chỉ nước ông, mà quyền lợi của Malaysia, Brunei, Việt Nam và Philippines cũng bị ảnh hưởng”.
Trước Indonesia, Philippines đã đưa Trung Quốc ra tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye.
Hồi cuối tháng trước, tòa này đã ra phán quyết chống Trung Quốc và ủng hộ Philippines, theo đó đồng ý xem xét vụ kiện Bắc Kinh của Manila liên quan tới biển Đông.
Tòa quốc tế này nói rằng có đủ thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp chủ quyền ở biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Đơn kiện của Philippines cho rằng Trung Quốc đã hành động trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Bắc Kinh từng tuyên bố rằng đây là tranh chấp về chủ quyền các hòn đảo, và điều đó vượt ra ngoài thẩm quyền của tòa.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm nay nói rằng vụ kiện của Philippines đã gây căng thẳng quan hệ với Trung Quốc, và cho rằng việc hàn gắn rạn nứt tùy thuộc vào Philippines.

Tại sao Tổng thống Obama không thăm Việt Nam?

Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trong hơn một tuần vừa qua, các mạng thông tin xã hội ở Việt Nam, từ lề phải đến lề trái, đều xôn xao về chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Người ta tường thuật và bình luận về chi tiết này chi tiết nọ. Tuy nhiên, những nội dung quan trọng nhất trong các cuộc gặp gỡ chắc chắn vẫn là một bí mật lâu dài. Dưới chế độ bưng bít như ở Việt Nam và Trung Quốc, không ai biết là giữa các nhà lãnh đạo của hai nước đã có những thoả thuận hay cam kết những gì với nhau. Nhưng dù có thoả thuận hay cam kết gì đi nữa, quan hệ giữa hai nước chắc không có gì thay đổi: Trung Quốc vẫn tiếp tục muốn bành trướng thế lực trên Biển Đông và Việt Nam vẫn tiếp tục nhường nhịn cho đến khi nào không thể nhường nhịn được nữa.
Theo tôi, liên quan đến tình hình chính trị Việt Nam, đáng quan tâm hơn là sự vắng mặt của một người đáng ra sẽ đến Việt Nam trong giai đoạn này: Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Cách đây mấy tháng, báo chí trong nước loan tin cả Tổng thống Mỹ Barack Obama lẫn Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sang thăm Việt Nam vào tháng 11. Gần đến ngày, tin từ chính phủ Mỹ cho biết trong tháng 11 này, Tổng thống Obama chỉ đến Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines và Malaysia nhưng sẽ không ghé Việt Nam. Chỉ có chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình là vẫn diễn ra như dự định.
Câu hỏi đầu tiên cần được đặt ra là tại sao Tổng thống Obama hoãn lại chuyến thăm Việt Nam? Về phía Mỹ, người ta chỉ nói là lịch trình chuyến công du của ông Obama đã kín đặc. Hơn nữa, ông muốn ghé Việt Nam lâu hơn, khi có thì giờ. Thì giờ ấy, người ta chỉ nói bâng quơ là vào một ngày nào đó trong năm 2016, năm cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của Obama.
Ai cũng biết các tổng thống Mỹ vô cùng bận bịu: Họ phải giải quyết cả hàng ngàn vấn đề không những trong nước họ mà còn của cả thế giới. Tuy nhiên, sự bận bịu được thông báo một cách muộn màng như vậy không thể không làm giới quan sát ngạc nhiên. Có ít nhất hai lý do chính:
Thứ nhất, lời mời đã được đưa ra từ lâu: vào tháng 7 năm 2013, trong chuyến đi Mỹ, Trương Tấn Sang đã chính thức mời Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam và đã được Obama nhận lời. Đúng hai năm sau, vào tháng 7 năm 2015, Nguyễn Phú Trọng lại chính thức ngỏ lời mời Obama sang thăm Việt Nam và cũng được Obama hứa sẽ sang Việt Nam vào một thời điểm thích hợp, dự trù vào tháng 11 nhân chuyến công du châu Á để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Manila và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Kuala Lumpur.
Thứ hai, từ lúc lên cầm quyền đến nay Tổng thống Obama đã từng viếng thăm hầu hết các quốc gia thuộc khối ASEAN. Có nước ông thăm một lần: Singapore (2009), Campuchia (2012) và Thái Lan (2012). Có nước ông đến tới hai lần: Indonesia (2010, 2011), Miến Điện (2012, 2014), Malaysia (2014, 2015) và Philippines (2014, 2015). Chỉ có ba quốc gia ông chưa hề tới: Việt Nam, Lào và Brunei. Với Lào và Brunei, việc Obama không tới tương đối dễ hiểu: Đó là hai quốc gia quá nhỏ, không có ý nghĩa gì nhiều về kinh tế hay chính trị và địa chính trị. Với Việt Nam thì khác: Trong xu hướng xoay trục về châu Á, đặc biệt trong những tranh chấp liên quan đến Biển Đông, Việt Nam đóng một vai trò cực kỳ quan trọng: Đó là quốc gia có diện tích biển nằm trong vùng tranh chấp lớn nhất, có thể xem như một cửa ngõ chính trong con đường bành trướng của Trung Quốc. Vậy tại sao Obama lại không đến Việt Nam?
Theo tôi, có hai lý do chính:
Thứ nhất, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, sau chuyến thăm Mỹ của Nguyễn Phú Trọng vào giữa năm nay, không có chuyển biến gì nổi bật. Thường, chuyến viếng thăm của tổng thống Mỹ bao giờ cũng nhằm đánh dấu một sự kiện quan trọng nào đó. Trong tình hình hiện nay, sự kiện quan trọng ấy chỉ có thể liên quan đến mối quan hệ Việt - Mỹ. Trước đây, về phía Việt Nam, chuyến thăm Mỹ của Nguyễn Phú Trọng được coi như một dấu mốc lớn trong quan hệ ấy. Tuy nhiên, từ đó đến nay, quan hệ ấy có gì thay đổi? Hình như không. Và vì không có diễn biến đột phá nào, việc thăm viếng Việt Nam, với Tổng thống Mỹ, được xem là vô nghĩa và không cần thiết.
Thứ hai, Mỹ chỉ muốn nói chuyện với những người thực sự cầm quyền chứ không phải với những người sắp về hưu. Cả bốn người đứng đầu trong guồng máy lãnh đạo Việt Nam (Tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội và thủ tướng) đều đã đến tuổi về hưu. Thế nào cũng có một hoặc hai người còn ở lại như một trường hợp đặc biệt nhằm bảo vệ tính chất ổn định trong quá trình chuyển tiếp quyền lực. Nhưng người ấy là ai? Phần lớn các tin đồn đều chú mục vào Nguyễn Tấn Dũng, người có hy vọng trở thành Tổng bí thư sau đại hội đảng vào đầu năm tới. Tuy nhiên, đó chỉ là tin đồn. Quan sát các cuộc hội nghị của Ban chấp hành Trung ương đảng thời gian gần đây, người ta thấy ngay là các cuộc tranh chấp quyền lực vẫn chưa ngã ngũ. Bởi vậy, khất hẹn đến năm sau, Tổng thống Mỹ có lẽ chỉ muốn chờ xem kết quả bầu bán trong đại hội lần thứ 12 để ông có thể tin chắc là mình sẽ đối thoại với một đối tác thực sự có thẩm quyền trong việc hoạch định chính sách lâu dài trong quan hệ Việt - Mỹ.
Từ gần nửa năm nay, sau chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rất nhiều người Việt Nam tin tưởng giới lãnh đạo Việt Nam, hoặc ít nhất, một phần khá lớn trong giới lãnh đạo Việt Nam, quyết định ngả theo Mỹ để thoát khỏi những ảnh hưởng nặng nề từ Trung Quốc và để bảo vệ Biển Đông. Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ từ chối đến Việt Nam năm nay cho thấy con đường theo Mỹ vẫn còn lắm chông chênh. Bức tranh chính trị Việt Nam, tôi nghĩ, sẽ rõ hơn, sau kỳ đại hội đảng vào đầu năm tới.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nhiều luật sư Việt Nam ‘tuần hành’ tới gặp công an

Luật sư Trần Thu Nam (phải) và Luật sư Lê Văn Luân sau khi bị hành hung. Vụ việc xảy ra hôm 3/11 khi luật sư Nam và Luân tới nhà bà Đỗ Thị Mai, mẹ của thiếu niên Đỗ Đăng Dư, người đã bị tử vong trong lúc bị giam giữ.
Luật sư Trần Thu Nam (phải) và Luật sư Lê Văn Luân sau khi bị hành hung. Vụ việc xảy ra hôm 3/11 khi luật sư Nam và Luân tới nhà bà Đỗ Thị Mai, mẹ của thiếu niên Đỗ Đăng Dư, người đã bị tử vong trong lúc bị giam giữ.
Một nhóm hơn 200 luật sư dự kiến sẽ tuần hành đến công an TP Hà Nội, Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao để trình bày một số việc, trong đó có vụ hai đồng nghiệp của họ bị hành hung.

Luật sư Trần Thu Nam cho biết như vậy hôm nay, một ngày sau khi đại diện công an Hà Nội họp báo, nói rằng việc ông và ông Lê Văn Luân bị tấn công là “do phóng ôtô gây bụi”.

Theo ông Nam, cuộc xuống đường nhằm mục đích “nộp văn bản yêu cầu bỏ quy định cấp giấy chứng nhận người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi trong tố tụng hình sự và dân sự” cũng như “đề nghị công an Hà Nội khởi tố vụ án và làm sáng tỏ một số tình tiết liên quan đến các đối tượng” trong vụ hành hung xảy ra trong khi ông và đồng nghiệp đi tác nghiệp ở Chương Mỹ chiều 3/11.

Tuy nhiên, luật sư này cho biết hiện chưa ấn định ngày giờ các luật sư sẽ tuần hành, cũng như sẽ tiếp tục bàn thảo về vấn đề này.

Hôm qua, ông Nguyễn Văn Viện, Trưởng phòng Tham mưu – Công an Hà Nội, cho biết, vì xe của hai luật sư “phóng nhanh làm bắn bụi bẩn lên người các đối tượng” nên dẫn đến vụ hành hung.

"Nói chung toàn bộ việc đó chúng tôi thấy rất là thất vọng, và đương nhiên là nó không đúng. Vì vậy, chúng tôi đã có văn bản gửi cơ quan cảnh sát điều tra về việc khởi tố vụ án và làm rõ thêm một số vấn đề liên quan. Chúng tôi cũng đã gửi thư tới lãnh đạo công an TP Hà Nội với mong muốn có một buổi gặp để trao đổi một cách chính xác hơn."-Luật sư Trần Thu Nam cho biết.

Ông Viện cho biết đang điều tra và làm rõ “8 đối tượng đánh hội đồng” ông Nam và Luân, đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng những người tham gia hành hung có cả công an xã.

Phản ứng về thông báo này, luật sư Nam cho rằng kết quả điều tra ban đầu đó “chưa đúng sự thật bản chất của vấn đề”. Ông nói thêm với VOA Việt Ngữ:

“Nói chung toàn bộ việc đó chúng tôi thấy rất là thất vọng, và đương nhiên là nó không đúng. Vì vậy, chúng tôi đã có văn bản gửi cơ quan cảnh sát điều tra về việc khởi tố vụ án và làm rõ thêm một số vấn đề liên quan. Chúng tôi cũng đã gửi thư tới lãnh đạo công an TP Hà Nội với mong muốn có một buổi gặp để trao đổi một cách chính xác hơn. Đó là những cái mà chúng tôi phản ứng lại với việc công an TP Hà Nội hôm qua đã lên tiếng.”

Ông Nam còn cho hay cả ông lẫn đồng nghiệp của mình không được mời tới tham gia buổi họp báo. Tuyên bố của công an Hà Nội hiện vẫn gây ra nhiều phản ứng trên các trang mạng xã hội.

Luật sư Trần Vũ Hải viết trên Facebook: “Các luật sư rất thương 8 người hành hung hai đồng nghiệp. Với những lời khai của họ chỉ vì xe luật sư gây bụi mà 8 người chờ rình rồi hành hung hai luật sư, họ sẽ bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích thuộc trường hợp côn đồ và có tổ chức. Bạn nào biết họ, báo cho biết nếu ai khai thật thà sẽ được chính hai luật sư bị hành hung làm đơn giảm nhẹ, đề nghị không tạm giam và các đồng nghiệp của họ sẽ bào chữa miễn phí”.

Về phản ứng của giới luật sư lẫn công chúng đối với diễn biến mới nhất liên quan tới vụ hành hung, ông Nam nói:

“Công an Hà Nội nói riêng và công an nói chung từ trước tới nay có những cái không khách quan trong quá trình điều tra, gây nhiều bức xúc trong xã hội Việt Nam hiện tại. Kết quả công bố đó nghe rất là khôi hài, và không đúng sự thật. Những gì không đúng sự thật thì nó sẽ tạo ra một cái nghi ngờ và tạo ra một cái bức xúc cho người nghe. Cho nên là cái gì mà đã không đúng sự thật, bịa đặt ra thì nghe nó không xuôi, không lọt tai".

"Kết quả công bố đó nghe rất là khôi hài, và không đúng sự thật. Những gì không đúng sự thật thì nó sẽ tạo ra nghi ngờ và bức xúc cho người nghe. Cho nên là cái gì mà đã không đúng sự thật, bịa đặt ra thì nghe nó không xuôi, không lọt tai."-Luật sư Nam nói.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với đại diện lực lượng công an của thủ đô Việt Nam để phỏng vấn.

Trong khi đó, báo chí Việt Nam cũng đăng tải nhiều bài viết về kết luận trên.

Báo điện tử VnExpress dẫn lời của một đại biểu quốc hội nói rằng “vì bụi mà hành hung luật sư, xã hội sẽ loạn”.

Ông Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng Công an Hà Nội cần khởi tố vụ án điều tra việc 8 người hành hung luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân dù lý do được xác định chỉ vì "phóng xe gây bắn bụi bẩn".

Trà sữa Trung Quốc đầu độc người Việt

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam 
Theo RFA-2015-11-11   
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa  File photo
Trà sữa trân châu là thức uống mà giới trẻ, đặc biệt lứa tuổi học trò rất thích loại thức uống này. Tên trà sữa trân châu bắt nguồn từ cách gọi một loại trà sữa có nhiều hạt thạch trái cây của Trung Quốc và loại trà này có mặt tại Việt Nam từ những năm 2005, đầu tiên ở thành phố Hà Nội, sau đó lan dần trên cả nước. Nguồn cung cấp hương trà sữa cũng như nguyên liệu pha loại thức uống này chủ yếu do Trung Quốc sản xuất. Trong thời gian gần đây, trà sữa trân châu có nguồn sản xuất bất minh đang hoành hành trên thị trường Việt Nam, đặc biệt là lô hàng làm từ lốp xe phế thải và giày dép đang làm người tiêu dùng hoang mang.
Xi rô và thạch Trung Quốc
Một người bán trà sữa tên Nguyệt, hiện sống tại quận 4, thành phố Sài Gòn, chia sẻ: “Em đâu có biết nó giả đâu, từ nào đến giờ nó bán mình mua về bán chứ đâu có biết đâu. Cái hãng nó nằm ở dưới Sài Gòn. Em chủ yếu mua thạch Ái Liên thôi. Bây giờ nhiều nhãn lắm. Nó bán rẻ lắm nhưng em không dám mua...”.
Theo bà Nguyệt, là người bán trà sữa ngót nghét mười năm nay, bà không thể biết được nguồn gốc các chai xi rô và thạch này do ai sản xuất. Bởi vì trên thị trường hiện nay có rất nhiều nhà sản xuất các loại xi rô và thạch nhưng cùng một nhãn mà có nhiều giá khác nhau. Ví dụ như nhãn thạch A, B, C nào đó có cùng địa chỉ nhà sản xuất nhưng khi ra chợ trời mua thì giá thành chỉ rẻ bằng nửa so với mua tại các quầy tạp hóa trong thành phố.
Và các loại xi rô cũng vậy, giá của cùng một nhãn hiệu nhưng khác nhau rất xa khi mua giữa chợ trời và mua ở các cửa hàng tạp hóa. Thường thì người ta chọn mua ở các chợ như chợ Bình Tây, chợ Bà Chiểu, chợ Kim Biên. Nhưng theo bà Nguyệt thì chủ yếu là ở chợ Kim Biên vì giá thành nơi này rẻ hơn rất nhiều so với các chợ khác. Bất kì thứ hương liệu gì cũng có ở đây, từ hương liệu để làm bia giả cho đến hương liệu làm bánh trung thu, làm nước trái cây, làm thạch dừa, làm xi rô… Đều có mặt ở chợ này.
Nhưng thường thì bà Nguyệt mua các loại xi rô và thạch ở chợ Bến Thành, bởi theo bà, hương liệu, nguyên liệu ở chợ Bến Thành tuy đắt hơn các chợ kia một chút nhưng đảm bảo sạch sẽ, ít cặn bã và không bị kết tủa nếu khui ra để lâu ngày. Ngược lại, hương liệu ở các chợ vừa nói có giá rất rẻ nhưng không đảm bảo để lâu ngày được. Hơn nữa, thời gian gần đây bà nghe tin người ta làm thạch trà sữa trân châu từ lốp xe và dép cao su bỏ. Điều này khiến bà rất ái ngại khi đi đến những chợ mà họ có thể giả bất kì món hàng nào.
Riêng chợ Kim Biên, bà Nguyệt cho rằng kĩ thuật làm giả ở chợ này có thể biến bất kì thứ gì thành thức ăn mà khách hàng không tài nào nhận ra được, thậm chí có mùi vị còn thơm ngọt hơn cả hàng thật. Có lần, bà nghe nói thạch dừa có thể làm bằng cao su dép đứt tẩy trắng bằng hóa chất và tẩm đường hóa học, sau đó qua một số bí quyết nhà nghề, người ta có thể cho ra những hủ thạch dừa ngon ngọt, thơm và trắng tinh. Thạch dừa là thứ không thể thiếu trong trà sữa trân châu.
Bà Nguyệt nghĩ rằng nếu bằng cao su thì đốt lên sẽ cháy và tạo mùi khét chứ không thể nào tạo ra mùi của dừa cháy giống như thạch dừa, nhưng khi lấy mất miếng thạch mưa ở chợ Kim Biên ra đốt thì bà thấy có mùi cao su cháy, cháy xong cho ra một cục than đen, vón lại giống y hệt mẫu dép cao su bị cháy. Điều này làm bà Nguyệt rất lo ngại và đổ sạch các hủ thạch, các chai xi rô mua về từ chợ Kim Biên.
Ảnh minh họa (2)
Ảnh minh họa (2)
Bởi theo bà Nguyệt tìm hiểu thì ở Trung Quốc có thứ gì mới, có thứ gì được gọi là sáng tạo thì chợ Kim Biên cũng có thứ đó. Nghĩa là giữa chợ Kim Biên và các chợ chuyên bán hàng đểu ở Vân Nam, Trung Quốc có một mối liên hệ rất chặt chẽ. Bất kì thứ gì, kể cả những món hàng đểu có thể nguy hại đến tính mạng nhưng cho lợi nhuận cao, nếu có ở các chợ Vân Nam thì chừng nửa tháng sau, chúng cũng có mặt ở chợ Kim Biên và chợ Bà Chiểu, chợ Bình Tây…
Kính thưa các loại hương
Một phụ huynh học sinh, đồng thời cũng là nhà buôn bán lẻ tên Thắng ở quận Tân Bình, Sài Gòn, tỏ ra lo lắng: “Bây giờ thì có cái gì nó cũng giả được hết á. Nó giả dữ dội lắm. Con nít bị nặng nhất. Cha mẹ cho mười lăm hai chục ngàn để ăn sáng thì nó cất bớt năm ngàn, mười ngàn để ăn thạch dừa, uống trà sữa, đụng ngay hàng đểu thì chỉ có chết. Thị trường bây giờ đầy hàng giả, bên quản lý thị trường đầy ra đó nhưng nó có lo gì cho dân. Chỉ cần nhét cho mấy ông thị trường một cái phong bì thì mấy ổng lo mà im miệng để người ta làm giả. Mấy ổng có lo gì cho sức khỏe của dân đâu, họ chỉ biết phong bì thôi…”.
Theo ông Thắng, các loại hương liệu có mặt và trôi nổi ở thành phố Sài Gòn hiện tại có thể nói rằng hơn 99% là hàng nhái, hàng đểu, không thể nói khác đi được. Ngay ở các siêu thị, vẫn có hàng sử dụng hương liệu nhái lọt vào. Bởi hàng nhái có chi phí sản xuất rất thấp nhưng lại cho ra khoản lợi nhuận rất cao. Đặc biệt, các loại hương liệu trong chế biến cà phê, trà sữa thì miễn bàn, hy vọng là các nhà hàng, khách sạn lớn và các quán cà phê có tên tuổi trên thế giới mới có thể tránh được dùng hương liệu giả khi sang đến Việt Nam.
Ông Thắng đưa ra một ví dụ, các loại cà phê bột trôi nổi trên thị trường, từ các quán cóc cho đến các quán tương đối lớn tại Sài Gòn đều có nguồn gốc hàng đểu. Muốn có lãi khi cạnh tranh giá với nhau để hút khách, người ta buộc phải dùng những loại bột cà phê xay từ bắp, đậu nành, cơm nguội phơi khô và chấy, đậu hủ bán ế người ta xử lý cho khô và để một thời gian rồi rang giòn… Tất cả những thứ ấy khi xay ra, chấm thêm vài giọt tinh hương cà phê thì cho ra loại cà phê bột thơm sực nức, cuốn hút vô cùng…
Người lớn uống cà phê thì bị cà phê giả, trẻ em uống trà sữa thì bị thạch giả từ cao su, lốp xe, dép đứt… Hương liệu xi rô đều giả, từ hương sầu riêng, hương chanh, hương cam, hương táo, hương mãng cầu, hương dâu, hương chuối, hương kiwi… Kính thưa các loại hương đều có thể làm giả từ những hóa chất chế nước rửa chén. Nếu người tiêu dùng chịu khó ngửi thật kĩ, mùi hương của các loại xi rô gần với mùi hương nước rửa chén, nước chùi nhà hơn là mùi hương thật.
Ông Thắng nói rằng muốn chiết xuất một lượng mùi hương nào đó từ trái cây, người ta phải tốn rất nhiều công phu cùng với nhiên liệu, đương nhiên khi ra sản phẩm, hương liệu phải đắt gấp ba, gấp bốn lần so với giá của trái cây đó trên thị trường. Đằng này, người ta có thể mua một chai xi rô dâu với giá mười ngàn đồng, hai chục ngàn đồng, ba chục ngàn đồng, giá chưa bằng mợt phần tư so với nguyên liệu gốc. Thử hỏi, người ta làm xi rô đó từ thứ gì?
Khi mà mọi thứ đều có thể giả, mọi thứ đều đạp lên lương tâm để lấy tiền, tương lai của chúng ta cũng sẽ là một tương lai giả, một tương lai làm từ những thứ phế thải của kẻ khác. Và đây mới là vấn đề đáng nói.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.