Tuesday, June 9, 2015

15 ngân hàng “ôm” 25.521 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn

Vietinbank "sở hữu" số nợ có khả năng mất vốn nhiều nhất với 5.546 tỷ đồng mặc dù ngân hàng này không dẫn đầu về bơm vốn ra nền kinh tế. ABBank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất với 5% trên tổng dư nợ trong khi tăng trưởng tín dụng âm gần 10%.
 
15 ngân hàng “ôm” 25.521 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn
HẠNH PHÚC07:26 10/06/2015
Theo thống kê của BizLIVE, ngoại trừ 4 ngân hàng TPbank, OCB, NCB và LienVietPostBank không công bố chi tiết phần thuyết minh trong báo cáo tài chính quý I/2015, so với cuối năm 2014, cho vay khách hàng của 15 ngân hàng còn lại chỉ tăng 3,12% tuy nhiên tổng số nợ xấu bao gồm nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3), nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đã tăng tới 17,8%.
Trong đó về cơ cấu nợ, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất, tăng 6.082 tỷ đồng lên 25.521 tỷ đồng, chiếm 55% tổng số nợ xấu. 
Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) là ngân hàng "sở hữu" số nợ có khả năng mất vốn nhiều nhất trong số các ngân hàng đã được khảo sát với 5.546 tỷ đồng mặc dù ngân hàng này không phải là ngân hàng dẫn đầu về bơm vốn ra nền kinh tế.
ABBank có tỷ lệ nợ xấu cao nhất ngành 
Đáng chú ý tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), số nợ xấu tăng 3 tỷ đồng, từ 1.170 tỷ đồng cuối năm 2014 lên 1.173 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2015. Tuy nhiên do dư nợ cho vay của ngân hàng trong 3 tháng đầu năm chỉ đạt 23.436 tỷ đồng, giảm mạnh đến 9,75%. Đây chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng từ 4,5% cuối năm 2014 lên 5%. Đây cũng là con số vọt lên cao nhất trong số 15 ngân hàng đã công bố chi tiết báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2015.
Trong khi đó phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra vừa qua, ông Phạm Duy Hiếu, nguyên Tổng giám đốc ABBank cho biết năm 2015 ngân hàng không còn nợ xấu để bán cho VAMC và sẽ tất toán trước hạn trái phiếu cho VAMC.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam cho biết, Techcombank đã bán khoảng 3.400 tỷ đồng cho VAMC. Nợ xấu của Techcombank hiện không còn nhiều nếu bán thì cũng chỉ còn khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo tài chính của ngân hàng này, tỷ lệ nợ xấu vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực hơn khi 3 tháng vừa qua tỷ lệ nợ xấu vẫn tăng lên 2,57% từ 2,38% cuối năm 2014.

Chủ tịch Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam bị bắt

KIÊN GIANG (NV) - Công an vừa bắt giữ đương kim chủ tịch Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam được cho là gây thất thoát chục tỷ đồng trong thời gian đương chức tổng giám đốc công ty Du Lịch Thương Mại Kiên Giang.


Ông Nguyễn Hùng Linh. (Hình: VnExpress)

Truyền thông Việt Nam loan tin, ngày 8 tháng 6, ông Huỳnh Đông Bắc, chánh văn phòng Viện Kiểm Sát tỉnh Kiên Giang xác nhận, Cảnh sát điều tra công an tỉnh này đã bắt giam ông Nguyễn Hùng Linh, chủ tịch Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong thời gian còn đương nhiệm chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc công ty Du Lịch Thương Mại Kiên Giang (KTC).

VnExpress dẫn nguồn tin từ công an Kiên Giang cho biết, ông Đỗ Hiếu Liêm, phó tổng giám đốc KTC cũng bị khởi tố nhưng được cho tại ngoại.

Trước đó, đầu tháng 3, 2015, tỉnh Kiên Giang đã đình chỉ chức vụ chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc KTC. Sau đó, theo điều lệ của Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam (VFA), ông Linh bị đình chỉ chức vụ phó chủ tịch VFA.

Vụ án cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại KTC đã được khởi tố từ đầu năm 2014. Ngoài ông Linh, còn có ba cán bộ khác của công ty này bị tạm giam gồm ông Lê Nguyễn Hoàng Nam, trưởng phòng kinh doanh; ông Âu Tấn Việt, phó trưởng phòng tổng hợp và ông Huỳnh Vũ Anh, cán bộ kiểm soát hàng hóa tồn kho.

Theo điều tra, KTC thành lập tháng 12 năm 2006 và từng là một trong ba doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất nước. Trong thời gian đương chức, ông Linh cùng cấp dưới gây thiệt hại cho nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Đơn cử, ngày 11 tháng 4, 2013, doanh nghiệp Hữu Dũng do Quách Hữu Kỳ (55 tuổi) làm giám đốc ký hợp đồng với KTC giao 1,000 tấn gạo trị giá 7.3 tỷ đồng. Nhưng khi mới nhận khoảng 500 tấn gạo thì KTC đã đưa đủ tiền khiến đối tác ngưng giao hàng, chiếm đoạt 3.2 tỷ đồng còn lại. Tháng 7, 2014, Kỳ bị bắt giam.

Ông Huỳnh Văn Gành, giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang cho biết, KTC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Nhiều năm nay, công ty này liên tục làm ăn thua lỗ, hiện số nợ khó có khả năng thanh toán của KTC lên tới hàng chục tỷ đồng. (Tr.N)
06-09-2015 2:28:22 PM

Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ VN đòi 1 tỷ USD

Huỳnh Bá Hải (Danlambao) - ...Tổ hợp luật sư của ông Trịnh Vĩnh Bình kỳ này cũng là các luật sư từng giúp cho tỷ phú dầu mỏ của Nga là ông Khodorkovsky. Thuận lợi cho ông Bình và tổ hợp Luật sư của ông là chính Tòa án Quốc tế này đã tuyên án chính phủ Nga phải có nghĩa vụ bồi thường 50 tỷ USD cho ông Khidorkovsky. Lần này cùng với các hiệp ước thương mại giữa Việt Nam và Hoà Lan cùng với án lệ có sẵn thì phía Việt Nam thua kiện là rất cao...


*

Một nguồn tin thân cận cho chúng tôi biết là ông Trịnh Vĩnh Bình chính thức đưa chính phủ Việt Nam ra Tòa án Trọng tài Quốc tế ở Den Haag-The Hague (Tiếng Anh) hay La Haye (Tiếng Pháp) - Hoà Lan.

Vụ kiện chính thức khởi hành vào tháng 1.2015. Ngày 30.4.2015 phía Tòa án Quốc Tế đã chính thức gởi lệnh thông báo đến nhà nước Việt Nam vào đúng ngày đảng cộng sản ăn mừng 40 năm cưỡng chiếm Miền Nam. Người đứng tên là ông Trịnh Vĩnh Bình, mang quốc tịch Haà Lan. Nội dung đòi chính phủ Việt Nam với các liên can trực tiếp là Bộ kế hoạch đầu tư và UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phải bồi thường cho ông 1 tỷ USD vì đã trắng trợn vi phạm cam kết mật giữa ông và phía chính phủ Việt Nam vào năm 2005.

Trịnh Vĩnh Bình
Ông Trịnh Vĩnh Bình sinh năm 1947. Ông đến Hoà Lan tỵ nạn  và vào năm 1987 ông đã đem 3,5 triệu USD về Việt Nam đầu tư. Ban đầu ông đã rất thành công và nâng tổng số tài sản đầu tư lên đến 30 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó nhà nước Việt Nam đã tịch thu tài sản của ông và đem ông ra xét xử 2 cấp sơ thẩm kết án 13 năm tù qua phúc thẩm giảm xuống 11 năm tù. Sau khi bị giam tù ông tìm cách trốn qua Cambodia và về Hoà Lan kiện ra một Trung tâm trọng tài quốc tế tại Stockholm, Thụy điển đòi bồi thường 100 triệu USD vào năm 2005. Cầm chắc thất bại nên phía Việt Nam chọn hòa giải ngay với các cam kết:

A. Phía Việt Nam có các nghĩa vụ:

1. Bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình 15 triệu (mười lăm triệu) USD là tiền chi phí đi kiện số tiền này giao ngay trong năm 2005

2. Phía Việt Nam trao trả toàn bộ tài sản ở VN cho ông Trịnh Vĩnh Bình bao gồm phân xưởng, nhà kho, đất đai bất động sản. Việc trao trả tài sản chậm nhất vào năm 2012.

3. Phía Việt Nam cho ông Trịnh Vĩnh Bình ra vào Việt nam tự do để làm từ thiện.

B. Phía ông Trịnh Vĩnh Bình:

Có nghĩa vụ giữ kín cam kết mật nói trên không được tết lộ cho bất cứ cơ quan truyền thông nào. 

Cho đến hết năm 2014 thì phía Việt Nam chỉ thực hiện được 2 việc là trả 15 triệu USD tiền mặt cho ông Bình. Không như nhiều nguồn tin nói là trả 150 triệu. Và cho ông vào ra Việt Nam làm từ thiện ở bãi biển tại Tuy Hòa- Phú Yên. Còn chuyện trao trả tài sản thì chưa trả bất cứ động sản hay bất động sản nhà kho phân xưởng nào cho ông Trịnh Vĩnh Bình.

Thấy việc cam kết ban đầu bị vi phạm ông Trịnh Vĩnh Bình lần này nhờ đến một Tòa án quốc tế can thiệp.

Tổ hợp luật sư của ông Trịnh Vĩnh Bình kỳ này cũng là các luật sư từng giúp cho tỷ phú dầu mỏ của Nga là ông Khodorkovsky.

Thuận lợi cho ông Bình và tổ hợp Luật sư của ông là chính Tòa án Quốc tế này đã tuyên án chính phủ Nga phải có nghĩa vụ bồi thường 50 tỷ USD cho ông Khidorkovsky. Lần này cùng với các hiệp ước thương mại giữa Việt Nam và Hà Lan cùng với án lệ có sẵn thì phía Việt Nam thua kiện là rất cao.

Không như giải pháp im lặng như cam kết bị Việt Nam trắng trợn vi phạm. ông Trịnh Vĩnh Bình có hứa dùng 90% tiền được sau khi trừa các chi phí vụ kiện sẽ được dùng từ thiện, hoạt động nhân đạo hay giúp các nạn nhân của chế độ cộng sản đi kiện ra các tòa án quốc tế đòi bồi thường, việc hỗ trợ bao gồm tư vấn cả tiền bạc nhằm giúp cá nạn nhân lấy lại công lý cho mình. Không loại trừ khả năng một số tiền sẽ được giúp các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam. 

Ban đầu tổ hợp Luật sư muốn ông Bình khóa toàn bộ vụ việc cho họ nhưng ông chọn phương án đồng hành cùng họ.

Chuẩn bị cho tiến trình vụ kiện có thể lâu dài hay bị nhà nước Việt Nam cho người đi ám sát ông Trịnh Vĩnh Bình thì ông Bình cũng đã hoàn tất lập chúc thư thừa kế vụ kiện cho các thừa kế của ông ngõ hầu theo đuổi vụ việc đến cùng. Nguồn tin cho hay là ông Bình được chính Tòa án quốc tế khuyến cáo không nên quay về Việt Nam lúc này, ông cũng tuyên bố sẽ không về Việt Nam cho đến khi công lý thực thi hoàn toàn cho ông.

Trong vài ngày tới các cơ quan truyền thông tại Hòa Lan và EURO-zone sẽ thông báo tin này trên các phương tiện truyền thông nhằm khuyến cáo Việt kiều cân nhắc khi về Việt Nam đầu tư làm ăn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ kiện khi nó bị nhà nước Việt Nam chà đạp trắng trợn các cam kết do chính họ đặt bút ký kết.


Nỗi khổ của dân miền núi Thanh Hóa

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Theo RFA-2015-06-08
Những loại xe ngựa thồ vẫn còn xuất hiện trên đường phố ở Thanh Hóa
Những loại xe ngựa thồ vẫn còn xuất hiện trên đường phố ở Thanh Hóa- RFA
Với người dân miền núi Thanh Hóa, nỗi ám ảnh mất mùa bởi nắng hạn, cái đói giáp hạt, đi tìm việc làm bị chê vì là dân Thanh Hóa và bị nhiều khoản thuế chồng chất luôn hiện hữu trong từng bữa ăn, từng gương mặt thảm não và từng đám ruộng khô khốc, manh mún của người nông dân. Từ Ngọc Lặc đến Quan Hóa, Thường Xuân, Như Xuân… Đi đâu cũng gặp những con đường nhựa chảy thành nước, nắng hốc ruộng đồng và những cánh rừng luồng, nứa mát rượi nhưng sự hiện hữu của nó cũng thách thức nỗi đói khổ của người dân như bao sự hiện hữu xa hoa, giàu có khác.
Giới quan lại địa phương ăn bẩn
Một người dân ở Thường Xuân, Thanh Hóa, tên Xuân, buồn bã chia sẻ: “Nói chung thì cuộc sống của họ phụ thuộc vô khoai sắn hoặc mùa này người Kinh lên đầu tư, mía, cà phê hoặc những cây ăn quả thì họ làm theo, cuộc sống của họ rất thuần túy, đơn thuần không có đột phá, thu nhập không cao. Bữa ăn của họ giản dị, bình thường, nhưng có một nhóm người Kinh lên đó thì cuộc sống của họ (người Kinh) cao. Còn đồng bào thì tự cung tự cấp tự nuôi con heo con gà con vịt, trồng ngô khoai sắn để ăn, trừ cuối tuần hoặc dịp lễ hội gì lớn thì họ xuống xuôi mang theo con lợn để đổi thứ mình cần.”
Theo ông Xuân, vấn đề nặng nề nhất khiến cho đời sống của người dân miền núi Thanh Hóa trở nên ngột ngạt và thiếu hụt chính là sự không tử tế của các cơ quan cầm quyền địa phương. Nếu họ tử tế thì đời sống người miền núi không đến nỗi khốn đốn như hiện tại. Tài nguyên rừng bị khai thác triệt để, khánh tận, cán bộ cấp nhỏ thì vơ vét của dân theo cách của kẻ nhỏ, ăn chặn từng phần cứu trợ của nhân dân một cách bẩn thỉu.
Đơn cử vài ví dụ, ông Xuân nói rằng hiện tại, chỉ riêng việc khai thác các loại gỗ lim, sến trong rừng già và đào gốc lim để làm các bộ bàn ghế của giới có quyền thế ở Thanh Hóa đã khiến cho các khoản rừng trở nên trơ trọi, mất sức sống. Bởi vì với các loại lim, gụ, sến.. rừng phải tốn hàng trăm năm nuôi dưỡng cây trưởng thành, và khi cây trưởng thành, mọi khoản đất chung quanh đều không có những cây lớn tương đương bởi cây đã chiếm hết ánh sáng và dinh dưỡng tỉ lệ với bóng mát nó phủ xuống. Một khi cây ngã xuống, sẽ hiện ra một khoản rừng trơ trọi.
Bán rau rừng đổi gạo
Bán rau rừng đổi gạo
Và đây cũng là nguyên nhân của nắng nóng, sạt lở núi, những đám ruộng bậc thang bị tàn phá do thiếu nước mùa nắng nhưng lại bị đất sạt làm hư hỏng bờ quai vào mùa mưa. Và những đám ruộng bậc thang vốn dĩ thiếu nước, khô khốc, khó sản xuất lại càng gặp nhiều khó khăn khi bàn tay con người tác động vào, biến nó trở nên méo mó, dị dạng.
Đó chỉ là một phần nguyên nhân, sự thiếu tử tế của quan chức cầm quyền địa phương vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến đời sống bà con miền núi bi thảm. Bởi đa phần bà con miền núi nghèo khổ, chật vật lại thiếu ăn học nên mọi vấn đề thủ tục sẽ rất lủng củng, khó khăn, nhiều khi không đủ chữ để đọc và hiểu một văn bản.
Lợi dụng điểm yếu này, giới cán bộ địa phương thường làm những bộ hồ sơ khống để xin cứu trợ từ cơ quan bên trên, và khi các món hàng cứu trợ về đến ủy ban xã, họ tiếp tục làm các biên bản khống, mượn tên người dân nghèo để phát quà. Họ vẫn gọi bà con đến nhận quà, mời bà con ký vào biên bản và bà con cứ nghe có quà thì mừng mở cờ trong bụng, ký vào để được nhận. Trong khi đó, số quà trên biên bản có thể là mười con dê, thậm chí vài chục con dê nhưng khi nhận thì hai, ba gia đình được nhận chung một con dê để tự chia nhau mà nuôi.
Chuyện cứu trợ gạo ngày giáp hạt, mùa thiên tai hoặc những gói tiền hỗi trợ bà con nông dân làm vốn vượt nghèo, vượt khó đều bị giới cán bộ địa phương đục đẽo bằng mọi giá. Ví dụ như gói tiền hỗ trợ cho bà con dân tộc Thái Trắng ở Ngọc Lặc với mỗi sào đất được hơn mười triệu đồng nhằm cải tạo đất và trồng cây chiến lược.
Thay vì giao gói tiền và hướng dẫn kĩ thuật canh tác cho bà con, cán bộ địa phương đã ôm trọn gói tiền này, sau đó cho máy cày xuống cày đất của bà con và trồng sắn (tức khoai mì) lên đó, trồng xong thì bỏ mặc, bà con phải làm cỏ, bón phân, tát nước. Đến cuối mùa, mỗi sào ruộng sắn thu hoạch chưa được một triệu đồng. Như vậy, khoản tiền hơn chín triệu đồng còn lại đã bay hơi thông qua “dự án” thuê xe máy cày vỡ đất của cán bộ địa phương.
Nguồn nước không có, nước sinh hoạt dơ dáy là tình trạng chung của người dân miền núi
Nguồn nước không có, nước sinh hoạt dơ dáy là tình trạng chung của người dân miền núi
Ông Xuân lắc đầu thở dài, đưa ra kết luận là với cái đà ăn bẩn, tham lam vô độ, thiếu hẳn tình người của giới cán bộ địa phương như vậy, đời sống bà con dân tộc miền núi sẽ còn khổ dài dài, và nỗi khổ của bà con sẽ là cái cớ để các quan tham đục khoét, xin xỏ ngân sách nhà nước mà tư túi, mập mạp, láng béo ra. Sự nghèo khổ trở thành cái cớ để giới quan lại địa phương ăn sung mặc sướng.
Bộ máy cầm quyền nặng nề
Một người dân Thái Trắng tên Phồn, ở Như Xuân, chia sẻ thêm: “Xa nhà y tế, dễ gì mà đến trạm y tế để sinh đẻ, ra suối để đẻ, sống thì sống chết thì chết. Học thì có mấy trường, dễ chi, cũng có mấy người dưới quê lên dạy, đi học thì phải đến tận từng nhà… Kinh tế thì khó khăn, mấy đứa được thì nhà cho về dưới xuôi học. Mình đi rừng, trồng sắn, đi măng…!”.
Ông Phồn tỏ ra tiếc nuối thời hợp tác xã bao cấp. Vì dù sao đi nữa, thời hợp tác xã bao cấp cũng dễ thở hơn thời bây giờ. Bởi lẽ, thời đó tuy vẫn có tham nhũng, gian lận, biển thủ công quĩ nhà nước nhưng mức độ không tàn bạo như bây giờ và số lượng cán bộ cấp xã cũng không nhiều như bây giờ.
Chính vì số lượng cán bộ cấp xã ở dạng chính thức và bán chính thức cũng như cộng tác viên quá nhiều đã khiến cho hệ thống cơ quan quyền lực cấp xã trở thành một loại khủng long ăn tạp. Nó có thể nuốt ngấu nghiến bất cứ thứ gì giúp cái bụng đói của nó được yên ổn. Từ việc các cán bộ xã xuống đồng ruộng đánh thuế trực tiếp vào hạt lúa của bà con nông dân bằng cách xúc lúa bỏ bao, cân theo biên bản và chừa lại số lúa “thừa” để bà con mang về ăn. Và kiểu đánh thuế như vậy sẽ khiến nhiều gia đình làm nông thiếu lúa ăn từ mùa này sang mùa khác, không có lối thoát.
Ông Phồn nói thêm rằng thời bao cấp, tuy rằng cửa quyền, hách dịch không ít nhưng chưa đến nỗi bóc lột trắng trợn như bây giờ. Trong khi đó, tuy bộ máy cầm quyền địa phương nhiều nhung nhúc nhưng khi cần ký đấm một hồ sơ, giấy tờ gì, người dân rất khổ sở, phải vác đơn lên ủy ban xã chầu chực cả ngày, có khi đến cuối buổi làm việc hoặc cuối ngày mới được cán bộ xác nhận, đóng dấu bởi họ bận việc khác bên ngoài, không ngoại trừ việc họ tiếp khách, nhậu nhẹt. Và cũng đương nhiên khoản nhậu nhẹt này cũng được thanh toán bằng hóa đơn đỏ, trích ngân sách xã để chi trả!
Với một hệ thống cầm quyền địa phương như vậy, cộng với thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt, e rằng đời sống của bà con dân tộc thiểu số miền núi ở đây sẽ còn khổ triền miên, không có hy vọng gì! Trong khi đó, không hiểu tự bao giờ, người dân Thanh Hóa rất khó khăn khi đi xin việc làm ở những vùng khác, khi nhìn lý lịch, biết là người Thanh Hóa thì bên nhận đơn loại ngay tức khắc. Phải chăng bộ máy cầm quyền đồ sộ với lối ăn bẩn vô tội vạ của họ đã gây phương hại không nhỏ đến tư cách người Thanh Hóa trong xã hội?!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-06-09
Một người bán ve chai thu gom bao nylon hoặc các thứ gì may ra có thể bán được dọc theo một con kênh bị ô nhiễm nặng tại Hà Nội, ngày 20 tháng mười năm 2006
Một người bán ve chai thu gom bao nylon hoặc các thứ gì may ra có thể bán được dọc theo một con kênh bị ô nhiễm nặng tại Hà Nội, ngày 20 tháng mười năm 2006-AFP
Ô nhiễm môi trường là vấn nạn chung của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là những nước đang phát triển như Việt Nam… Trước thảm trạng đó các nước đều phải có biện pháp khắc phục trước khi phải trả giá đắt lúc mà ô nhiễm vượt quá mức được giới chuyên môn gọi là ‘điểm tới hạn’.
Thực tế ô nhiễm tại Việt Nam ra sao? Và biện pháp giải quyết được tiến hành thế nào?
Bài học Trung Quốc
‘Phát triển bằng mọi giá bất chấp đánh đổi môi trường’ là điều mà giới chuyên gia nêu ra qua thực tế Trung Quốc. Đây là nơi được mệnh danh ‘công xưởng sản xuất’ của thế giới từ mấy thập niên qua.
Chính các cơ quan chức năng chuyên về môi trường của Trung Quốc trong thời gian gần đây phải thừa nhận tình trạng môi trường không khí, nước, đất bị hủy hoại sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về mặt kinh tế và xã hội.
Bộ trưởng Bảo vệ Môi trường Trung Quốc hiện nay, ông Trần Cát Ninh, lên tiếng thừa nhận những phản đối về môi trường ô nhiễm sẽ gây ra bất ổn xã hội, từ đó có thể khiến bất ổn chính trị.
Việt Nam cũng được cho là đang theo ‘vết xe đổ’ của Trung Quốc: chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng mà không quan tâm đúng mức đến môi trường. Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, người quan sát kỹ tình hình ô nhiễm tại Việt Nam trong nhiều năm qua, có đánh giá về điểm này:
“ Về mức độ phát triển cũng như ô nhiễm, Việt Nam chỉ rập khuôn đi theo con đường của Trung Quốc. Trung Quốc từ khi mở cửa từ năm 1979 trở đi, chúng ta thấy rõ ràng tình trạng mà như hiện nay có những ngày thành phố Bắc Kinh người dân không hề thấy ánh sáng mặt trời. Và một số khói bụi từ các nhà máy sản xuất ở Vân Nam có nhiều lần được khám phá ra ở thành phố Seattle tận bên Hoa Kỳ, phía tây Thái Bình Dương. Điều đó chứng tỏ mức độ ô nhiễm đó.
Việt Nam mở cửa từ năm 1986, nghĩa là chừng 10 năm sau Trung Quốc. Và Việt Nam chập chững đi vào khủng hoảng về môi trường giống y hệt như của Trung Quốc. Điều này có thể càng ngày càng tệ hại hơn vì có thể nói hầu hết các cơ sở sản xuất hạng nặng như cơ sở sản xuất gang thép, cơ sở sản xuất điện năng dùng than đá và đặc biệt hai cơ sở khai thác bô xít lớn ở Tân Rai và Nhân Cơ. Và dự trù còn có thêm 6 cơ sở nữa tại Daknong; thì chúng ta thấy rõ với qui trình sản xuất lạc hậu, với não trạng sản xuất như người Trung Quốc đã làm cho đất nước Trung Hoa thì tình trạng của Việt Nam có thể càng ngày càng mau trầm trọng hơn, càng mau nguy kịch hơn nếu chúng ta không có biện pháp nào để giải quyết vấn đề.”
Về mức độ phát triển cũng như ô nhiễm, Việt Nam chỉ rập khuôn đi theo con đường của Trung Quốc. Trung Quốc từ khi mở cửa từ năm 1979 trở đi, chúng ta thấy rõ ràng tình trạng mà như hiện nay có những ngày thành phố Bắc Kinh người dân không hề thấy ánh sáng mặt trời
TS Mai Thanh Truyết
Chuyên gia môi trường thuộc Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Lê Huy Bá, đưa ra đánh giá về điều được nói là ‘vết xe đổ’ của Trung Quốc trong vấn nạn ô nhiễm môi trường:
“Bởi vì mình là dạng các nước xã hội chủ nghĩa với nhau; nói chung không hoàn toàn giống nhau nhưng cũng có phần tương đối đúng vì đang phát triển với khát vọng phát triển về kinh tế mạnh mẽ mà không coi trọng về môi trường sẽ dẫn đến những chuyện khó xử.
Nếu làm mạnh tay cách đây 10 năm thì đỡ lắm rồi; bây giờ mạnh tay thì cũng tốt thôi nhưng chỉ có tính chất vớt vát, chữa cháy thôi!”
Thực tế ô nhiễm tại Việt Nam
Qua theo dõi tình hình môi trường tại Việt Nam, tiến sỹ Mai Thanh Truyết hiện sinh sống tại bang California, có những đánh giá cụ thể về tình trạng ô nhiễm của các lĩnh vực khác nhau như sau:
“Đứng về tổng thể thì tất cả môi trường: không khí, đất, cũng như nước mặt, nước ngầm càng ngày càng tệ hại.
Giờ cao điểm trên đường phố TPHCM (donre-hochiminhcity-gov)
Giờ cao điểm trên đường phố TPHCM (donre-hochiminhcity-gov)

Nói về không khí thì ngày nay Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay Sài Gòn cũ, chúng ta không còn thấy những bàn tay, bộ mặt trong trắng mà chỉ những bộ mặt như người ninja của Nhật bản- bịt mặt, đeo găng tay. Thứ nhất vì bụi ô nhiễm quá cao. Theo tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc, tiêu chuẩn của hạt bụi đường kính 10 micro meter quá nhiều nên phải bịt mặt. Ngoài nguồn bụi là nguồn khí độc thải ra do hằng triệu xe máy hai bánh. Nguồn xăng ở Việt Nam có độ octane cao, nhưng trong thực tế pha nhiều benzene. Do đó khí benzene tồn tại trong không khí; mà khí benzene là một khí có nguy cơ tạo ra ung thư. Cũng do vậy ‘tầng ozone mặt đường’ tức từ 1-2 thước chứa nhiều hóa chất độc hại trong có có benzene. Thực tế cho thấy hằng năm tỷ lệ người mắc bệnh phổi tăng cao, đặc biệt trẻ em dưới 5 tuổi.
Qua 19 năm phát triển Việt Nam có trên 265 khu gọi là khu chế xuất hay là khu phát triển công nghiệp. Khu chế xuất Tân Thuận là khu đầu tiên. Với trên 265 khu như thế từ bắc chí nam, và ở thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn còn có trên 20 ngàn cơ sở sản xuất lẫn lộn trong khu dân cư khiến cho khí thải, chất thải rắn và chất thải lỏng đều ‘không được’!
Đối với mặt nước, các chất phế thải lỏng do không có hệ thống thanh lọc, xử lý do đó nguồn nước thải đi vào các sông rạch. Đến nay chúng ta thấy rõ các sông Đuống, sông Luộc quanh Hà Nội cũng như hệ thống kênh rạch trong nội thành Sài Gòn hầu như biến thành những dòng sông đen.
Các nước xã hội chủ nghĩa với nhau; nói chung không hoàn toàn giống nhau nhưng cũng có phần tương đối đúng vì đang phát triển với khát vọng phát triển về kinh tế mạnh mẽ mà không coi trọng về môi trường
GS Lê Huy Bá
Đó là một hệ lụy mà nếu không giải quyết thì ngay cả sông Đồng Nai, sông Sài Gòn sẽ biến thành dòng sông đen vì nguồn chảy tự nhiên, sự điều tiết tự nhiên, sự thanh lọc thiên nhiên đã đến ‘điểm tới hạn’.
Đối với đánh giá về ‘điểm tới hạn’ của tình trạng ô nhiễm mà tiến sỹ Mai Thanh Truyết nêu ra; giáo sư Lê Huy Bá tại Sài Gòn có ý kiến:
“Điểm tới hạn thì nói cũng hơi quá. Có một số kênh rạch ở thành phố (Sài Gòn) thì tới hạn thật; nhưng môi trường đất chưa đến mức tới hạn. Về nước sông thì có một số sông tới hạn nhưng có một số sông thì chưa như sông Đồng Nai chưa tới hạn, còn sông Sài Gòn thì gần đến tới hạn. Kênh rạch của thành phố quá tới hạn chứ không phải tới hạn. Không khí của nông thôn còn sạch, không khí của thành thị rất bụi gần mức tới hạn. Tại các khu công nghiệp của thành phố thì tới hạn rồi, khu nông thôn thì chưa, còn khu ngoại thành mà có các khu công nghiệp thì tới hạn rồi.
Các trục giao thông chính ô nhiễm bụi đã tới hạn.”
Thực thi luật pháp
Tương như như nhiều nước khác trên thế giới, chính phủ cũng như các cơ quan chức năng tại Việt Nam cho ban hành luật cũng như những qui định pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Vậy việc thực thi và công tác kiểm tra, chế tài trong lĩnh vực môi trường ở Việt Nam lâu nay ra sao?
Tiến sỹ Mai Thanh Truyết đưa ra nhận định:
“Chính cơ chế này tạo ra một tập thể cán bộ từ trên xuống dưới cùng nhóm lợi ích với nhau ‘tham nhũng’. Lấy ví dụ giản dị là việc khai thác bô xít tại Tân Rai và Nhân Cơ hoàn toàn không qua nghiên cứu tác động môi trường nên vừa qua bùn đỏ nhiều lần tràn xa xã Tân Thắng cách Bảo Lộc 15 cây số. Mặc dù trong bộ Luật Môi trường, bộ Luật Đầu tư, luật xây dựng các cơ sở sản xuất hóa chất đều có ghi cần phải nghiên cứu tác động môi trường cũng như phải có hệ thống xử lý chất phế thải nhưng điều đó hầu như không xảy ra tại Việt Nam.”
Đối với mặt nước, các chất phế thải lỏng do không có hệ thống thanh lọc, xử lý do đó nguồn nước thải đi vào các sông rạch. Đến nay chúng ta thấy rõ các sông Đuống, sông Luộc quanh Hà Nội cũng như hệ thống kênh rạch trong nội thành Sài Gòn hầu như biến thành những dòng sông đen
TS Mai Thanh Truyết
Một người sinh sống và hoạt động trong ngành môi trường ở Việt Nam như giáo sư Lê Huy Bá cũng chỉ ra những bất cập tồn tại lâu nay trong nước về tình trạng thực thi luật pháp bảo vệ môi trường:
“Nói chung luật, qui định dưới luật khá đầy đủ, nhưng ngay cả luật, nghị định đôi lúc chồng chéo nhau như qui định về chất thải nguy hại người ta cũng cãi nhau khiến cho các cơ sở quản lý luật pháp ở cấp tỉnh, huyện khó thực thi.
Nhiều người thấy điều đó nhưng cách quản lý của mình (Việt Nam) trì trệ, không linh hoạt và ‘trên bảo dưới không nghe’. Ngoài ra không phải tất cả nhưng còn có một số chưa thống nhất.”
Giáo sư Lê Huy Bá nêu ra một số dẫn chứng:
“Ví dụ để theo dõi ô nhiễm không khí, có khoảng 6-7 trạm quan trắc tự động nhưng nay hư hết rồi, không còn chính xác nữa; nhưng mấy năm rồi cứ để như thế; không đầu tư thêm, không sửa chữa, không thay thế gì cả.
Ví dụ thứ hai là vấn đề quản lý lưu vực sông, cách đây gần mười mấy năm rồi có lập ra Ban Quản lý Lưu vực Sông nhưng có hoạt động gì đâu. Mỗi tỉnh có cách quản lý riêng, không ai nói ai được cả, không thống nhất với nhau. Mỗi tỉnh muốn đi một mình, có khi dẫm đạp lên nhau, có khi lại để cả khoảng trống, không ai lo cả!”
Cảnh báo cũng như thực tế cho thấy nếu chỉ hô hào suông mà không có biện pháp ngay từ lúc này thì một khi ô nhiễm đạt ‘điểm tới hạn’ thì đã quá muộn và giá phải trả sẽ đắt gấp nhiều lần so với hiện nay.
Tuy nhiên hầu như mọi cảnh báo của giới khoa học vẫn không được các nhà quản lý đất nước tại Việt Nam nghe như chính thừa nhận của giáo sư Lê Huy Bá; một chuyên gia trong ngành ngay tại Việt Nam.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.

Tranh cãi về quyền im lặng trong luật tố tụng

Cát Linh, phóng viên RFA
2015-06-09
Bị cáo Nguyễn Mạnh Một phòng xử án. Ảnh minh họa
Một phòng xử án. Ảnh minh họa- AFP
Ở các quốc gia phát triển, khi bị can bị bắt giữ hoặc tạm giam thì họ có quyền im lặng cho đến khi họ có luật sư đại diện. Tất cả các vấn đề đều có luật sư. Không có luật sư thì các cơ quan tranh tụng sẽ không tiếp xúc.
Còn theo bộ luật tố tụng hình sự hiện hành của Việt Nam thì quyền im lặng của bị can bị cáo hoàn toàn không được đề cập đến. Ngay cả sau khi bộ luật đã được sửa đổi bổ sung vào năm 2011. Cát Linh có bài viết sau đây.
Thay đổi để phù hợp hiến pháp mới
Ông Trần Phú, luật sư thành viên Hiệp hội Luật sư Châu Á Thái Bình Dương cho biết về vai trò của quyền im lặng trong bộ luật tố tụng hình sự hiện hành của Việt Nam từ trước đến giờ là hoàn toàn không có. Lý giải điều này ở góc nhìn của một luật sư, ông nói:
“Với bộ luật tố tụng hình sự hiện nay, không có quyền im lặng được ghi nhận trong bộ luật tố tụng hình sự. Sau năm 2013, hiến pháp Việt Nam có thay đổi và sửa đổi. Tại điều 3 của hiến pháp Việt Nam qui định CH XHCN VN bảo vệ quyền con ngừơi. Tại điều 12 qui định nhà nước Việt Nam là thành viên của Liên Hiệp Quốc và tuân thủ theo hiến chương của LHQ.”
Những sự thay đổi trên đã cho thấy bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có quá nhiều điểm lạc hậu so với hiến pháp năm 2013. Theo ông Phú, chính vì lý do  đó mà nhà nước Việt Nam đang dự thảo sửa đổi bộ luật tố tụng hình sự để phù hợp với hiến pháp vốn là một đạo luật mẹ. Ông cho rằng:
Hai yếu tố quan trọng để sửa đổi bộ luật hình sự này là quyền con người và nhà nước pháp quyền
LS Trần Phú
“Chính những quyền mới nhất trong hiến pháp là một bước ngoặt rất lớn trong hệ thống pháp luật Việt Nam.”
Một đặc điểm khoa học pháp lý Việt Nam là từ xưa đến nay, đó là từ hiến pháp 46, 80, đến 92, rồi cả những thay đổi bổ sung trong hiến pháp 92 đều không thừa nhận quyền con người trong đó. Và cũng không ghi nhận Việt Nam là thành viên của LHQ.
Cho nên, theo ông Phú, ý nghĩa quan trọng nhất của việc đưa luật quyền im lặng vào bộ luật tố tụng hình sự là:
“Đó là do hiến pháp đã sửa rồi. Từ xưa đến giờ hiến pháp Việt Nam đâu có thừa nhận quyền con người, họ chỉ thừa nhận quyền công dân. Hiến pháp 2013 là một hiến pháp mới, cực kỳ mới, tư duy mới để phù hợp với cả thế giới, sự phát triển của nền văn minh phát triển của thế giới.”
Và ông nhấn mạnh thêm rằng:
“Hai yếu tố quan trọng để sửa đổi bộ luật hình sự này là quyền con người và nhà nước pháp quyền.”
Trong ảnh là ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị 10 năm tù oan được trả tự do (năm 2013)
Trong ảnh là ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị 10 năm tù oan được trả tự do (năm 2013)

Một góc nhìn khác được ghi nhận cũng từ phía luật sư, đó là ý kiến của bà Tuyết Mai, luật sư chuyên về tố tụng hình sự của Công ty hợp doanh luật Trần Cao.
“Từ trước đến giờ đối với hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng như công an, kiểm sát toà án là những cơ quan chủ động, còn bị cáo hoàn toàn là bị động. Và tránh những việc dẫn đến bức cung, án oan sai, người ta mới dẫn đến việc đưa nguyên tắc quyền im lặng vào trong hình sự để bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo.”
Một chia sẻ khác của bà Tuyết Mai cho biết thêm, cho dù với những vụ án hình sự ở Việt Nam hiện nay, luật sư đã được tham gia ngay từ giai đoạn khởi tố ban đầu, thế nhưng:
Từ trước đến giờ đối với hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng như công an, kiểm sát toà án là những cơ quan chủ động, còn bị cáo hoàn toàn là bị động. Và tránh những việc dẫn đến bức cung, án oan sai, người ta mới dẫn đến việc đưa nguyên tắc quyền im lặng vào trong hình sự để bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo
LS Tuyết Mai
“Thật ra trên thực tế tham gia thì có nhưng vẫn còn nhiều cái bất nhất.”
Có tránh được án oan sai?
Như thế, phải chăng nếu luật quyền im lặng được chính thức đưa vào bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam thì luật sư sẽ được tham gia ngay từ lúc khởi tố. và như thế sẽ tránh những vụ án oan sai trong tố tụng, hoặc những trường hợp gọi là bức cung?
Theo luật sư Trần Phú ông cho rằng điều này chưa hẳn là một yếu tố, theo phân tích của ông, câu trả lời được hiểu rằng:
“Bởi vì cái vấn đề nhận định một người hành vi có tội hay không tội là do một chủ thể con người nhất định. Nếu người đó nhận thức pháp luật, kiến thức pháp luật của họ giỏi, trình tự giai đoạn làm tố tụng của họ chặt chẽ thì sẽ không dẫn đến sai.”
Ngoài ra, vấn đề án oan sai còn hay hết không thể không có sự tác động của phát triển xã hội, kinh tế của đất nước. Khó có thể nói những nước phát triển khác không có án oan sai. Thế nhưng, theo ông Phú:
“Vì nền kinh tế người ta phát triển, đời sống nhân dân người ta cao. Trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế còn đang bị lạc hậu, đang từng bước mày mò hội nhập với quốc tế,  thì nền kinh tế như vậy không thể nâng cao đời sống nhân dân 1 cách nhanh chóng được.”
Một ý kiến khác từ bà Tuyết Mai, bà cũng cho rằng quyền im lặng không phải là một yếu tố để loại trừ án oan sai.
“Bởi vì không phải bị can bị cáo nào cũng có khả năng mời luật sư.”
Đề cập đến khả năng thực tế này của các bị can bị cáo, luật sư Trần Phú đưa ra câu hỏi:“Tiền đâu để họ thuê luật sư? Rồi vấn đề toà án chỉ định luật sư thế nào? Đó là cả một vấn đề.”
Chính vì thế mà ông Phú kết luận rằng: “Do đó quyền im lặng chỉ là một phần trong vấn đề oan sai.”
Vì sao họ phản đối?
Theo lời ông Phú, có một vấn đề cần được nêu ra ở đây, đó là trong bộ luật tố tụng hình sự, nghĩa vụ của công an là chứng minh tội phạm, lệ thuộc vào  thời gian tố tụng, bắt giam giữ. Ví dụ tạm giam 2 tháng đối với tội ít nghiêm trọng, 3 hoặc 4 tháng đối với tội nghiêm trọng hơn. Cho nên, ông Phú cho rằng sự phản đối của các đại biều quốc hội là công an là do họ quan ngại quyền im lặng sẽ ảnh hưởng đến thời gian điều tra vụ án.
Một tư duy cũ, khoa học cũ để chuyển qua tư duy mới mà quốc hội vừa rồi thông qua hiến pháp dó là một bước nhảy vọt của pháp luật Việt Nam thì dĩ nhiên phải có những tư duy đối lập với nhau
LS Trần Phú
Một lý do thứ hai nhìn ở góc độ khoa học thứ hai theo ông Phú đó là:
“Hiện nay về ngân sách của nhà nước Việt Nam đã trang bị cho lực lượng công an kịp thời đầy đủ những phương tiện khoa học hiện đại để thực hiện các công vụ của họ chưa?”
Và sau cùng, bên cạnh những lý do được phân tích theo góc độ khoa học và pháp lý, thì theo ông Phú, sự phản đối của một số đại biểu quốc hội là một phản ứng đối trọng đến từ vết tích của nền tư duy xưa cũ.
“Một tư duy cũ, khoa học cũ để chuyển qua tư duy mới mà quốc hội vừa rồi thông qua hiến pháp dó là một bước nhảy vọt của pháp luật Việt Nam thì dĩ nhiên phải có những tư duy đối lập với nhau.”
Cho dù hiện nay vấn đề về “quyền im lặng” đang được tranh luận rất nhiều trong giới luật sư, luật gia, và những ngành làm luật khác, công an, viện kiểm sát, toà án nhưng vẫn chưa đưa đến được những thống nhất chung. Phản đối của một số đại biểu quốc hội cũng chỉ là trong giai đoạn dự thảo. Theo giới luật gia, luật sư như ông Trần Phú thì họ cho rằng  “trong tình huống đại biểu quốc hội không đồng ý, không thông qua thì vấn đề này tương lai cũng phải đến đó, sớm muộn gì cũng phải vào đó, vì hiến pháp đã quy định rồi.”

Trò hề trưng cầu dân ý

Theo Người Việt -06-08-2015 1:59:31 PM
 Lê Diễn Đức

Cộng đồng mạng xã hội Facebook sôi động chỉ trích phát biểu của Phó Chủ Tịch Hội Nhà Báo Việt Nam Hà Minh Huệ về vấn đề trưng cầu dân ý tại cuộc thảo luận của Quốc Hội hôm 1 tháng 6, 2015.

Theo ông Huệ, bản dự thảo luật có thể khiến “những người to mồm thành thiểu số.” “Dân chủ của ta có hạn, dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu có khi gây hại, không thể tùy tiện,” ông Huệ nói.

Ông Huệ còn thêm:

“Nước ta đang phát triển mọi mặt, trình độ dân trí tăng lên, nhưng trình độ thực hiện dân chủ chưa có đủ kinh nghiệm để làm, nên tôi đề nghị làm việc gì cũng hết sức thận trọng, đặc biệt là vấn đề trưng cầu dân ý.”

“Các thế lực thù địch bên ngoài sẽ thúc đẩy trưng cầu dân ý, và khi có một vấn đề cần trưng cầu dân ý mà họ xúi giục người dân thì chúng ta phải làm như thế nào giải quyết những vấn đề đó?”

Một số bạn đọc cho rằng ông Hà Minh Huệ hoặc có vấn đề về tâm thần, hoặc “quan trí” của ông quá thấp, nên mới có những phát biểu ngớ ngẩn như vậy! Cũng giống như ông “đại biểu” Hoàng Hữu Phước có lần cũng đã từng nói ở Quốc Hội rằng, dân trí dân ta còn thấp nên chưa nên có luật biểu tình, dù rằng, quyền biểu tình được Hiến Pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà bảo hộ và xuyên suốt trong các bản Hiến Pháp tiếp theo tới nay.

Cũng dễ hiểu! Là thành viên của một Quốc Hội “đảng cử dân bầu” của Đảng Cộng Sản Việt Nam, các ông “nghị” này chẳng có sự hiểu biết cũng như thực tiễn nào về trưng cầu dân ý.

Trưng cầu dân ý là gì?

Trưng cầu dân ý là một hình thức biểu quyết về các mối quan tâm chung, gần gũi nhất với lý tưởng dân chủ trực tiếp, trong đó có sự tham gia của tất cả các công dân có quyền biểu quyết (tức là có quyền bỏ phiếu). Trong cuộc trưng cầu dân ý, công dân của toàn quốc gia hoặc một phần, sẽ bày tỏ quan điểm của họ về các vấn đề được đưa ra bỏ phiếu.

Trưng cầu dân ý có thể xem là hình thức biểu đạt đầy đủ nhất về chủ quyền công dân, bởi vì thông qua nó, người dân được sử dụng quyền chính trị trực tiếp trong việc quyết định những vấn đề thuộc về vận mệnh dân tộc. Đây là một cách thức can thiệp quyền lực, bởi vì kết quả của nó sẽ buộc nhà nước phải tuân thủ và điều chỉnh chính sách thích hợp.

Cuộc trưng cầu dân ý lần đầu tiên được thực hiện ở tiểu bang Massachusetts tại Mỹ, vào năm 1778. Dự thảo Hiến Pháp lúc bấy giờ đã bị cử tri bác bỏ. Ngoài ra, Hiến Pháp của Pháp cuối thế kỷ 18 đã được phê chuẩn thông qua các cuộc trưng cầu dân ý: Jacobin năm 1793, Thermidorian năm 1795 và tổng tài 1799. Cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc về lập pháp đầu tiên diễn ra tại Thụy Sĩ vào năm 1848.

Hiện nay, tất cả các nước dân chủ đều áp dụng trưng cầu dân ý. Chỉ 5 quốc gia dân chủ chưa bao giờ thực hiện nó trên quy mô toàn quốc là Ấn Độ, Israel, Nhật Bản, Hà Lan và Mỹ. Tuy nhiên, ở Mỹ, trưng cầu dân ý được thực hiện rộng rãi ở các tiểu bang. Năm quốc gia có nhiều hơn 10 lần trưng cầu dân ý trong lịch sử là Australia, Đan Mạch, New Zealand, Thụy Sĩ.

Khi hội đủ số cử tri đề nghị thực hiện, trưng cầu dân ý sẽ là một phương tiện hiệu quả của những thiểu số khác biệt - chính trị, dân tộc hay xã hội. Bằng trưng cầu dân ý, không những họ khẳng định được sự tồn tại của mình, mà còn đề cao các vấn đề được xem là quan trọng cho bản thân. Trưng cầu dân ý được xem là nhân tố của giáo dục quyền chính trị và công dân. Người dân tham gia vào các vấn đề liên quan đến chức năng quản lý của nhà nước, xác định được vai trò đáng kể của mình. Nhà nước, ngược lại, không còn độc quyền hay là bộ máy quan liêu, trở thành sở hữu và đối tượng quan tâm của tất cả. Trưng cầu dân ý vì vậy, giữ vai trò hoàn hảo trong việc giáo dục dân chủ cho xã hội.

Trong hệ thống chính trị độc tài, trưng cầu dân ý được sử dụng như một thứ công cụ chống lại dân chủ. Đi kèm với nó luôn luôn là mạng lưới tuyên truyền độc quyền, mị dân, song song với đàn áp chính trị, làm sai lệch kết quả cuối cùng. Trong lịch sử đã từng diễn ra những cuộc trưng cầu dân ý như vậy. Ví dụ năm 1802 tại Pháp, Napoleon Bonaparte, bằng trưng cầu dân ý, đã trở thành quan tổng tài suốt đời, hai năm sau lên ngôi hoàng đế. Hitler cũng đã từng thực hiện trưng cầu dân ý, qua đó bãi bỏ các đảng phái chính trị khác...

Nguyên tắc trưng cầu dân ý được quy định thành luật, nhưng nhìn chung một cuộc dân cầu dân ý có giá trị khi số người đi bỏ phiếu vượt quá 50%. Dưới 50%, cuộc trưng cầu dân ý chỉ còn mang tính chất tham khảo.

“Trưng cầu ý dân phải xem lòng đảng”

Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là một nhà nước độc tài, toàn trị Cộng Sản. Từ năm 1954 trên miền Bắc và từ năm 1975 trên cả nước, Đảng Cộng Sản Việt Nam nắm độc quyền cai trị tuyệt đối. Luật pháp được ban hành chủ yếu là để bảo vệ chế độ. Hiến Pháp, bộ luật khung cao nhất, mang tính hình thức, trưng diễn với dư luận hơn là hiệu lực thực chất. Rất nhiều các nghị định được thủ tướng chính phủ ban hành chà đạp lên các quyền công dân được Hiến Pháp quy định như quyền biểu tình, lập hội và tự do thông tin...

Cho nên các “ông nghị” bàn chuyện trưng cầu dân ý là chuyện khôi hài! Một chế độ công an trị, không chấp nhận các lực lượng đối lập, không có báo chí tự do, hệ thống tuyên truyền bị kiểm soát và khống chế, thử hỏi có cho một kết quả trưng cầu dân ý khách quan hay không, chưa nói tới việc gian lận phiếu. Hay là, công an, tổ trưởng dân phố đi đến từng nhà vận động đi bỏ phiếu, rồi thông báo nhân dân đi bỏ phiếu gần 100% và tự tuyên bố rằng, nhân dân hoàn toàn nhất trí với chủ trương của đảng, giống như “nhất trí” chặt cây xanh” ở Hà Nội, lấp sông Đồng Nai, hay “sẵn sàng” chờ đợi dự án sân bay Long Thành!

Tổng Cục Phó Tổng Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Bộ Công An Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cũng đã nói toạc ra rằng, “thể chế chính trị của Việt Nam khác các nước, vấn đề quốc gia đại sự đều do trung ương quyết định.” (*)

“Cơ chế của Việt Nam là đảng lãnh đạo, sau khi trưng cầu ý dân rồi thì Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư cũng phải xem ý dân thế nào, lòng đảng ra sao, trên cơ sở đó mà quyết định,” ông Tuyến phát biểu. (*)

Ý dân một đường, nhưng lòng đảng một kiểu thì đương nhiên phải theo lòng đảng. Dự án Bauxite Tây Nguyên là một điển hình. Không trưng cầu dân ý, nhưng bất chấp thư phản kháng của hàng ngàn trí thức trong ngoài nước, các cán bộ lão thành, một số đại biểu Quốc Hội, đảng vẫn quyết tâm làm và hậu quả mang lại ê chề, thảm hại!

Lời kết

Trong chính trị không có phương pháp giải quyết hoàn hảo, nhưng trưng cầu dân ý cách làm tốt nhất của xã hội dân chủ. Một nhà nước do dân bầu ra, nếu chưa thực sự tin tưởng vào chủ trương của mình trong một vấn đề nào đó, cần tìm sự đồng thuận của xã hội, thì trưng cầu ý dân là phép giải của bài toán. Trưng cầu dân ý cần được xem xét một cách nghiêm túc, phải có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng để người dân hiểu hết nội dung được đưa ra biểu quyết và chỉ áp dụng nơi nào và khi nào thấy cần thiết nhất. Trưng cầu dân ý không bao giờ được sử dụng như là một phương tiện để loại bỏ hoặc hạn chế các nguyên tắc dân chủ.

Thực hiện trưng cầu dân ý bởi một nhà nước độc tài, toàn trị là một trò hề, chẳng có ý nghĩa gì, vì nguyên tắc của nó là trói buộc tự do tư tưởng. Đáp số của trưng cầu dân ý, thậm chí nếu được tiến hành, sẽ là hiệu ứng của đám đông, y hệt tiếng “cạc, cạc” đồng thanh của đàn vịt, trong một cuộc thăm dò dư luận, rằng, “Việt Nam là nước hạnh phúc nhất nhì thế giới.”

(*): http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/241118/trung-cau-y-dan-phai-xem-long-dang.html

Dân oan Hà Nội và Bến Tre đi khiếu kiện bị cưỡng chế về trụ sở công an

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-06-09

Bà con dân oan tuần hành tại thủ đô Hà Nội ngày 19-05-2015
Bà con dân oan tuần hành tại thủ đô Hà Nội ngày 19-05-2015- Video clip
Một số dân oan khiếu kiện tại thủ đô Hà Nội và tại thành phố Bến Tre ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long hôm nay khi đến cơ quan công quyền để kêu gọi giải quyết cho trường hợp của họ bị lực lượng chức năng cưỡng chế và đưa về trụ sở chính quyền.
Một cháu gái con dân oan hiện đang theo cha mẹ khiếu kiện ở Hà Nội vào lúc 4 giờ chiều hôm nay cho biết:
“Bà con hằng ngày vẫn đi đến quốc hội, và sáng nay đi tổng cộng 22 người. Tại tòa nhà quốc hội, khi xe đại biểu quốc hội đến bà con kêu cứu thì họ cho lực lượng công an đến bắt bà con lên xe hết, đàn áp bà con. Họ không chở về Ngô Thì Nhậm mà chở về số 6 Quang Trung. Bà con không chịu xuống thì họ cho lực lượng đến lôi bà con xuống. Tổng cộng 4 người bị bắt gồm một cô tên Hải, một bà 70 mấy tuổi tên Hòa, chú Nguyễn Đình Tu và một người dân oan tỉnh Daknong”.
Dân oan Trần Thị Ơi vào lúc 4:15 chiều hôm nay cũng cho biết tình hình của nhóm dân khiếu kiện đến cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre để yêu cầu giải quyết vụ việc của họ và bị cưỡng chế như sau:
“Bắt đầu họ nhào vào ‘nơ’ bà Kính rồi Trần Thị Hồng, Nguyễn Văn Trạch, chị Thanh Tâm, và bà Lê thị Đành. Họ ‘nơ’ lên xe rồi cưỡng chế thả như thả heo. Đến lúc này còn hai người vẫn bị giữ là Huỳnh thị Kính và Nguyễn thị Hồng.”
Cụ thể là hai người dân khiếu kiện tại Bến Tre vẫn còn bị giữ tại trụ sở Công an Phường 4, thành phố Bến Tre.
Tại Hà Nội, đến lúc 4 giờ chiều những người dân oan khiếu kiện không bị bắt vẫn lưu lại bên ngoài trụ sở số 6 Quang Trung, Hà Nội để đòi người.
Tình trạng dân oan khiếu kiện lâu ngày là một vấn nạn không có lối thoát ở Việt Nam. Nhiều trường hợp được cho biết đã có ý kiến của cơ quan chức năng trung ương gửi xuống địa phương nhưng không được thi hành buộc người trong cuộc lại phải tiếp tục khiếu kiện.
Vào những dịp quốc hội nhóm họp, nhiều người lại ra Hà Nội với hy vọng gặp được các vị đại biểu để nêu ra trường hợp của họ.

Đắk Nông: Khởi tố chủ tịch xã 'nắn đường' bạc tỷ vào nhà riêng

ĐẮK NÔNG (NV) - Lợi dụng chức vụ, chủ tịch xã đã trích gần 1 tỷ đồng từ tiền ngân sách và của người dân để làm con đường “hoành tráng” vào thẳng nhà riêng của mình, gây xôn xao dư luận.


Nhánh đường do ông Nguyễn Văn Minh tự ý rẽ vào nhà mình. (Hình: Tuổi Trẻ)

Tờ Tuổi Trẻ loan tin, ngày 7 tháng 6, ông Nguyễn Văn Minh (42 tuổi), chủ tịch xã Tân Thành,huyện K'Rông Nô, đã bị Viện kiểm sát tỉnh Đắk Nông khởi tố về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo phúc trình điều tra, năm 2013 xã Tân Thành được nhà nước hỗ trợ xây dựng một số tuyến đường giao thông nông thôn. Trong quá trình triển khai dự án, ông Minh đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, thông đồng với cấp dưới lập hồ sơ ma, giả mạo chữ ký nhằm xây dựng đường không đúng thiết kế, gây thất thoát gần 1 tỷ đồng, trong đó tiền ngân sách 900 triệu đồng, tiền người dân đóng góp gần 300 triệu đồng.

Cụ thể, tại đoạn đường đi qua thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành có tổng chiều dài 1.3 cây số ông Minh tự ý “thiết kế” một đoạn đường rẽ “hoành tráng” từ ngoài ngõ dẫn vào nhà riêng của mình với chiều dài 280 mét.

Cũng theo tờ Tuổi Trẻ, chiều 8 tháng 6, cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Cần Thơ đã bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Thiết (36 tuổi), thẩm phán tòa án quận Thốt Nốt đề điều tra về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Theo cơ quan điều tra, ông Thiết bị tình nghi có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của ít nhất 3 người.

Thế nhưng, ông Nguyễn Thanh Thiên, chánh án tòa án thành phố Cần Thơ cho biết, “Tôi vừa nghe thông báo về việc bắt giữ thẩm phán Nguyễn Văn Thiết. Tòa quận chỉ báo cáo sơ bộ, chúng tôi đang chờ văn bản chính thức.” (Tr.N)

06-08-2015 4:16:09 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=208439&zoneid=2#.VXdYCk9Viko

Quốc hội họp kín về Biển Đông - Dân nghĩ gì?

Hòa Ái, phóng viên RFA
2015-06-08
000_Hkg10178220.jpg
Trung Quốc đang gấp rút cải tạo các đảo đá nhân tạo ở Biển Đông. Ảnh chụp từ máy bay quân sự Hoa Kỳ hôm 11/5/2015.AFP photo

Quốc hội VN không đưa ra được lời tuyên bố nào về tình hình hình biển Đông sau phiên họp kín hôm thứ Sáu vừa qua.
“Thật sự thất vọng! Đã thất vọng từ lâu chứ không phải bây giờ vì từ trước đến nay bất cứ chuyện gì người dân không được tham gia đóng góp ý kiến và mọi thông tin Nhà nước này cũng không bao giờ mở cho người dân biết”.
Vừa rồi là chia sẻ của một người dân ở Sài Gòn khi biết tin Quốc hội VN họp kín vào chiều hôm mùng 5 tháng 6 năm 2015 để nghe Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh báo cáo về tình hình biển Đông.
Trước phiên họp kín diễn ra, báo giới trong nước trích lời của một số đại biểu Quốc hội bày tỏ Đảng CSVN và Nhà nước không nên vì hợp tác với Trung Quốc mà hy sinh tấc đất, tấc biển nào của quốc gia sau khi nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn kiên định tuyên bố “Việt Nam vừa hợp tác vừa đấu tranh”.
Nhiều người dân quan tâm đến vận mệnh đất nước trước động thái bành trướng của Trung Quốc cho mở rộng 800 ha và quân sự hóa hai đảo cùng bãi đá chiếm được của VN ở Trường Sa cho rằng có sự không minh bạch khi Quốc hội họp kín về tình hình Biển Đông. Họ lý giải mặc dù Quốc hội là cơ quan cao nhất nhưng chỉ về mặt hình thức chứ không có thực quyền. Tuy vậy, dân chúng trong nước cũng mong chờ buổi họp kín ít nhiều đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của họ khi biển, đảo, lãnh hải quốc gia đang đứng trước nguy cơ bị xâm chiếm. Bạn trẻ Thiên Ân từ Đồng Nai bày tỏ:
“Nói chung tình hình ở Biển Đông thì em quan tâm cũng rất nhiều trong thời gian hiện nay. Em cũng nghe về Quốc hội họp kín, em cũng đang chờ chính phủ VN đi theo con đường nói chung nghiêng về phía Mỹ thì mới đủ tài năng quân sự để đánh lại Trung Quốc”.
Trong khi tại cuộc đối thoại quốc phòng thường niên Shangri-La lần thứ 14 vừa diễn ra ở Singapore hồi cuối tháng 5, nhiều quốc gia trong đó có Hoa Kỳ lên tiếng quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông thì Quốc hội VN sau cuộc họp kín đã không đưa ra được lời tuyên bố nào với lý do các đại biểu không có thời gian thảo luận vì phiên họp này không có trong chương trình nghị sự. Một vài vị đại biểu lên tiếng vấn đề Biển Đông có thể sẽ được Quốc hội bàn đến trong tuần này chung với các cuộc thảo luận về kinh tế xã hội. Trưởng đòan Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Anh Sơn phát biểu nếu Quốc hội không có hành động thích đáng thì sẽ tạo ra tiền lệ xấu về sau.
Nếu nhà nước tổ chức biểu tình...
000_Hkg5073133-400.jpg
Người dân Hà Nội biểu tình phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 3/7/2011. AFP photo
Ngay sau phiên họp kín của Quốc hội về tình hình biển Đông, vào sáng mùng 6 tháng 6, tàu Tân Hải 517 của Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển Bình Thuận-Bà Rịa Vũng Tàu khoảng 40 hải lý. Trả lời câu hỏi của Hòa Ái liệu rằng người dân sẽ xuống đường tuần hành để phản đối thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay hay không khi Quốc hội VN không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào, Blogger Huỳnh Công Thuận, người từng tham gia các cuộc biển tình tự phát chống Trung Quốc trước đây, cho biết:
“Theo tôi thấy là không. Chúng tôi, những người đấu tranh, thấy rõ rằng nếu có là do chính quyền muốn khơi, dẫn đường cho người ta biểu tình chứ không phải người dân tự biểu tình. Chúng tôi nói đúng theo từ ngữ của nhà cầm quyền là ‘chuyện đó có Đảng và Nhà nước lo’, không lo đến chuyện đó nữa. Lo không được. Đã bao nhiêu lần biểu tình chống Trung Quốc xâm lược rõ ràng qua vụ giàn khoan 981 mà lại bị bắt bớ, bị làm khó dễ, bị quy chụp là lợi dụng biểu tình chống phá Nhà nước”.
Blogger Huỳnh Công Thuận cho biết thêm tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của ông cũng như của nhiều người dân không bị dập tắt vì những áp lực của nhà cầm quyền Hà Nội gây ra nhưng sẽ không tham gia vào cuộc biểu tình nào nếu được Nhà nước tổ chức. Một người dân ở Sài Gòn có cùng quan điểm, nói với đài ACTD vì sao không tham gia cuộc tuần hành do Thành Đoàn tổ chức:
“Tổ chức đi biểu tình chống Trung Quốc gì mà cứ ca ngợi Bác Hồ, hát những bài hát về Bác Hồ. Bây giờ đất nước, biển, đảo bị Trung Quốc lấy mà Thành Đoàn tổ chức đâu kêu chống Trung Quốc đâu”.
Những người dân trong nước đài RFA tiếp xúc được đều bày tỏ sự bất mãn đối với Đảng CSVN lãnh đạo khi mềm mỏng quá mức cần thiết trước sự leo thang căng thẳng ở Biển Đông giữa Trung Quốc với VN. Dù chính phủ VN đang có các kế hoạch như tiến hành cải tạo đất tại đảo Sơn Ca và đảo Đá Tây ở khu vực Trường Sa, hay đang đàm phán với phương Tây để mua các loại máy bay phản lực chiến đấu, phi cơ trinh sát biển...và mở tour đưa khách du lịch đến Trường Sa vẫn không khiến cho dân chúng tin tưởng tưởng VN có chủ quyền thật sự ở Biển Đông.
Dư luận vẫn đặc biệt quan tâm đến thông báo kết quả kiểm tra của Hà Nội về việc tàu Trung Quốc săn đuổi tàu cứu hộ ngư dân của VN hôm mùng 1 tháng 6 tại đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa vừa qua. Và trước tình thế người dân cho là chủ quyền độc lập quốc gia đang nguy cấp cùng sự trường tồn của dân tộc, nhiều người lên tiếng rằng phải chăng đã đến lúc cần có một “Hội nghị Diên Hồng”?