Monday, May 4, 2015

Đảng CSVN họp chuẩn bị nhân sự, quyết ôm chặt quyền lực

HÀ NỘI (NV) - Trung Ương Đảng CSVN họp hội nghị lần thứ 11 đưa ra các tiêu chuẩn để “giới thiệu nhân sự” vào các chức vụ chủ chốt của guồng máy đảng và nhà nước cho nhiệm kỳ kế tiếp, sẽ bầu bán đầu năm tới.


Mô hình phi trường Long Thành, dự án tốn kém đến hơn 15 tỷ đô la chưa biết lấy tiền ở đâu, bất ngờ được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị lần này của Đảng CSVN. (Hình: VTC News)

“Công tác nhân sự” là vấn đề cốt lõi của mỗi nhiệm kỳ 5 năm của Đảng CSVN. Trên nguyên tắc, đây là cuộc họp theo thông lệ của Trung Ương Đảng CSVN tổ chức bề ngoài thì có vẻ công bằng, dân chủ, nhưng những tin tức bị xì ra về những đấu đá phe nhóm hầu tranh ghế, nắm quyền trong nội bộ thượng tầng của chế độ, luôn luôn thấy vào dịp này.

Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng CSVN đọc bài diễn văn khai mạc khóa họp kéo dài 4 ngày từ Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015 nhấn mạnh đến tiêu chuẩn lựa chọn những người lãnh đạo của đảng và nhà nước tương lai vẫn phải bám chặt lấy “đường lối, nhiệm vụ chính trị của đảng” là quyết ôm chặt lấy quyền lực để “xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”

Khi nhà cầm quyền CSVN chuẩn bị sửa bản hiến pháp rồi thông qua vào cuối năm 2013, hàng chục ngàn người qua một số tổ chức quần chúng đã ký tên trên các bản kiến nghị thúc giục bỏ Điều 4 Hiến Pháp vốn dành độc quyền cai trị cho Đảng CSVN, cũng như trả lại quyền tư hữu cho nhân dân. Các đề nghị này đã bị lờ đi.

Bài diễn văn của ông Nguyễn Phú Trọng nêu ra 4 vấn đề chính được đưa ra thảo luận trong kỳ họp trung ương đảng lần này là “Phương hướng công tác nhân sự”; “Số lượng và phân bổ đại biểu dự đại hội đảng lần thứ 12” dự trù vào đầu năm 2016; “Mô hình tổ chức chính quyền địa phương”; và cuối cùng, đáng ngạc nhiên là bàn về “Dự án phi trường Long Thành.”

Ông Trọng đưa ra các “tiêu chuẩn ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương, Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư trong thời điểm hiện nay” là “phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của đảng, Hiến Pháp của nhà nước và lợi ích của dân tộc; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong đảng, được quần chúng thực sự tin yêu.”

Lời ông Nguyễn Phú Trọng trong bài diễn văn khai mạc phiên họp trung ương Đảng CSVN được một người bình luận trên mạng là “theo tiêu chí kể trên, không tìm được ai cả.”

Nhiều người khác bầy tỏ sự phẫn nộ về chủ trương bám chặt lấy quyền lực để tiếp tục vơ vét tiền bạc tài sản đất nước vào tay một thiểu số đảng viên Đảng CSVN, bất chấp sự khốn khó của đại đa số quần chúng và quyền lợi tối thượng của quốc gia dân tộc.

Một bản phúc trình về tham nhũng tại Việt Nam gần đây được Liên Hiệp Quốc phối hợp với nhà cầm quyền CSVN tổ chức khảo sát cho thấy tham nhũng vẫn tràn lan từ trên xuống dưới trong guồng máy công quyền. Bản phúc trình hàng năm của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế cũng nói những điều không kém tệ hại.

Điều gây ngạc nhiên cho những ai quan tâm đến tình hình thời sự Việt Nam là bài diễn văn của ông Nguyễn Phú Trọng lại coi chuyện đầu tư xây dựng phi trường Long Thành thuộc tỉnh Đồng Nai là một trong những điều quan trọng ngang với vấn đề nhân sự của đảng và “mô hình tổ chức chính quyền địa phương.”

Một số chuyên gia đã vạch ra các điều phi lý khi nhất quyết thực hiện dự án phi trường quốc tế Long Thành, tốn kém đến hơn 15 tỷ đô la chưa biết lấy tiền ở đâu. Trong khi đã có phi trường Tân Sơn Nhất và chỉ cần nới rộng phi trường Tân Sơn Nhất bằng cách lấy sân gôn nằm bên cạnh hiện đang do quân đội CSVN quản lý, nếu muốn mở rộng thêm, vừa đỡ tốn kém, vừa không phải đuổi hàng chục ngàn người đang sinh sống ở Long Thành đi chỗ khác.

Một bài viết hôm Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015 của báo Nhật Japan Times nói rằng phi trường Tân Sơn Nhất không thể mở rộng được vì cái sân gôn là cái chỗ để nhóm tướng lãnh quân đội có chỗ chấm mút tiền bạc. Nguồn lợi từ cái sân gôn “được để ngoài sổ sách.” Tham vọng xây dựng phi trường Long Thành để cạnh tranh với phi trường quốc tế Singapore khai thác dịch vụ trung chuyển hàng không là điều không tưởng, theo giới chuyên viên nhận định.

Tại Việt Nam, đám quan chức chế độ lâu nay có châm ngôn được mọi người biết đến là “tư duy nhiệm kỳ.” Điều này được hiểu khi còn tại chức, các quan chức chế độ cố gắng vơ vét càng nhiều càng tốt. Mất chức rồi hoặc nghỉ hưu thì không còn cơ hội.

Cuộc khảo sát 95 quốc gia trên thế giới của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) về nạn tham nhũng năm 2013 cho biết 30% người dân Việt Nam đã phải hối lộ viên chức nhà nước mỗi khi đến “cửa công.” Có 55% số người được phỏng vấn cho rằng tham nhũng tăng lên. Trong khi đó, 38% người được phỏng vấn tin rằng các nỗ lực của nhà cầm quyền CSVN nhằm chống tham nhũng là không có hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Doan, phó chủ tịch nước CSVN từng than rằng quan chức của chế độ khắp nơi “mỗi ngày người ta ăn từng tí của dân, không từ một cái gì” trong một cuộc họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN ngày 11 tháng 9, 2013 nhân dịp cơ quan này, “Cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012.”

Gần chục năm trước, khi được đôn lên làm thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng từng nói trên truyền hình rằng nếu không chống được tham nhũng ông ấy từ chức. Đến nay ông Dũng còn đang hy vọng leo lên ghế tổng bí thư Đảng CSVN tại đại hội đảng vào tháng 1 năm tới, dù tham nhũng ngày một kinh hoàng.

Cuộc họp 4 ngày của trung ương Đảng CSVN chuẩn bị cho chuyện bầu bán, cắt đặt người vào trung ương đảng và các chức sắc chóp bu đảng và guồng máy cầm quyền nhà nước ở trung ương không có dấu hiệu gì như ông Nguyễn Phú Trọng tuyên truyền “xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh...” (TN)
05-04-2015 6:31:34 PM 

Nguy hiểm chực chờ khách thăm Vịnh Hạ Long

QUẢNG NINH (NV) - Năm nào trên Vịnh Hạ Long cũng xảy ra tai nạn, khi cháy tàu, lúc chìm ghe... mà nguyên nhân điều có đủ 2 yếu tố: thiên nhiên và con người.


Tàu du lịch bị đắm sau khi va chạm với tàu vận tải chở đá. (Hình: Người Lao Động)

Truyền thông Việt Nam loan tin, lúc 11 giờ 20 phút ngày 2 tháng 5, tại khu vực Hang Rom, gần điểm du lịch hòn Trống Mái, tàu du lịch Đôn Hiền đang chở 48 du khách (36 người lớn, 12 trẻ em) tham quan Vịnh Hạ Long bất ngờ va chạm với tàu chở đá xây dựng. Rất may tàu Bài Thơ 16 đang chạy gần đó ứng cứu kịp thời, chuyển hết người về cảng tàu du lịch Tuần Châu an toàn.

Dù đã thoát nạn, nhưng những du khách vẫn chưa hết bàng hoàng sau những gì vừa xảy ra với họ. Riêng tàu Đôn Hiển bị chìm ngay sau đó.

Ngay sau vụ tai nạn này, buộc ông Nguyễn Đức Long, chủ tịch tỉnh Quảng Ninh phải ký lệnh tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải khách du lịch trên Vịnh Hạ Long và trên các tuyến đường thủy nội địa.

Theo Người Lao Động, vụ tai nạn này một lần nữa cần báo động về nguy cơ mất an toàn cho du khách khi tham quan Vịnh Hạ Long. Bởi chỉ trước đó 3 tháng, khoảng 20 giờ 30 phút ngày 3 tháng 2, khi 16 du khách ngoại quốc đang nghỉ đêm trên tàu du lịch 3 sao Hạ Long Biển Ngọc ở gần đảo Ti Tốp thì bỗng nhiên tàu bốc cháy. May mắn là 25 con người trên tàu được lực lượng cứu hộ di chuyển an toàn vào đảo Ti Tốp. Trong khi đó, con tàu bị thiêu rụi rồi chìm giữa biển.

Đây không phải lần đầu xảy ra cháy tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long. Năm 2014, có ít nhất 2 vụ cháy tàu trên vịnh, trong đó tàu QN 3736 cháy ngày 10 tháng 4, 2014 và 17 du khách trên tàu may mắn thoát nạn.

Trước đó nữa thảm khốc nhất là vụ đắm tàu Trường Hải 06 vào trưa ngày 16 tháng 2, 2011, đưa 21 du khách tham quan Vịnh Hạ Long. Khi neo đậu tại đảo Ti Tốp, thuyền trưởng tắt máy tàu nhưng không đóng các van ống thông khiến nước biển ùa vào, làm bật mối nối đường ống bơm chung làm nước biển chảy vào khoang máy. Đến 5 giờ hôm sau, khiến tàu đắm. Thuyền trưởng, máy trưởng, 3 nhân viên phục vụ cùng 9 du khách nước ngoài may mắn thoát nạn, 12 du khách còn lại chết trên biển.

Bà Phạm Thùy Dương, trưởng ban Quản Lý Vịnh Hạ Long, cho biết nguyên nhân nhiều vụ nổ, cháy và chìm tàu trên vịnh ngoài thiên tai lốc xoáy, gió bão... phần lớn là do các vi phạm từ con người như: hệ thống điện không bảo đảm, bình gas nấu ăn vượt trữ lượng cho phép, lớp cách nhiệt xung quanh bếp gas không kín, hệ thống thông gió buồng máy kém...

Chưa hết, qua những vụ lật và chìm tàu trên Vịnh Hạ Long cho thấy, việc bắt buộc du khách mặc áo phao trong quá trình tham quan còn lơ là, dường như trang thiết bị cứu hộ chỉ để đối phó. Trong khi tai nạn xảy ra trên biển, những du khách không mặc sẵn áo phao khó mà thoát nạn. (Tr.N)
05-04- 2015 3:44:35 PM

Truyền hình Việt Nam một ngày mắc hai lỗi 'phản động'

HÀ NỘI (NV) .- Cùng một ngày Thứ Bảy, 2 Tháng Năm, 2015, hai chương trình của đài truyền hình trung ương Việt Nam (VTV) mắc hai lỗi lầm thuộc vào loại 'phản động' gây xôn xao trong dư luận.

 
Trong hình ảnh minh họa đường bay, vị trí thủ đô Hà Nội bị "di dời" sang lãnh thổ Trung Quốc - (Hình: Chụp màn hình của báo Tuổi Trẻ)

Hai báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ hôm Thứ Hai 4 Tháng Năm, 2015 đều tỏ vẻ ngạc nhiên khi đài VTV3 phát sóng kỳ đầu tiên lúc 20 giờ tối ngày 2 Tháng Năm, 2015 chương trình “Điệp vụ tuyệt mật”. Trong đó, “đã mắc sai sót khi phát đi hình ảnh thủ đô Hà Nội trên bản đồ đường bay ở tận…Trung Quốc và không có hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam”, tờ Tuổi Trẻ viết. Còn tờ Thanh Niên thì kêu là “dời thủ đô Hà Nội sang Trung Quốc”, một lỗi lầm “không đáng có”.

Cũng trong buổi sáng cùng ngày 2 Tháng Năm, đài truyền hình VTV1 phát hình trong chương trình “Chào buổi sáng”  phần tin tức quốc tế, có đoạn clip tổng thống Mỹ Barack Obama họp báo về tự do báo chí trên thế giới mà ngồi bên cạnh ông là blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, người đã bị CSVN trục xuất thẳng từ nhà tù số 6 tỉnh Nghệ An sang Mỹ hồi tháng 10 năm ngoái.

Hiện không thể dùng internet vào mục trực tuyến Chào Buổi Sáng có phần video clip “phản động” của VTV1. Người ta cũng không thể vào tài khoản của VTV3 trên youtube để coi cái chương trình “Điệp vụ tuyệt mật” của VTV3 có cái bản đồ “phản động”.

Theo tờ Tuổi Trẻ, “Điệp vụ tuyệt mật” là chương trình truyền hình thực tế do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với công ty Cát Tiên Sa sản xuất, gồm 14 tập với sự tham gia của 12 thí sinh, trong đó có 1 thí sinh đóng vai điệp viên bí mật cùng 11 thí sinh còn lại chung sống trong một căn hộ ở Thái Lan và hoàn thành các thử thách của chương trình.”

Theo nguồn tin, “Nhiệm vụ của điệp viên là “phá hoại” các thử thách và ngăn cản 11 người chơi giành được số tiền thưởng. Nếu “phá hoại” thành công thì số tiền thưởng sau mỗi thử thách sẽ thuộc về điệp viên.”

Cái người ta chú ý không phải là cái trò chơi trong “gameshow” này mà nhiều người được cả hai tờ báo nói phẫn nộ vì “hình ảnh thủ đô Hà Nội trên bản đồ đường bay ở tận…Trung Quốc và không có hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.”

Nhìn trên tấm bản đồ minh họa đường bay từ Bangkok Thái Lan đến Hà Nội minh họa cho hành trình khứ hồi của giải thưởng là một cặp vé máy bay được hãng hàng không Air Asia tài trợ lại nằm tuốt bên Tầu, tuốt luốt phía bắc đảo Hải Nam.

Tờ Thanh Niên viết: Nick Ngọc Nguyễn đặt câu hỏi: "Không thể hiểu nổi, do những người thực hiện "mù địa lý" hay họ quá cẩu thả vậy?". Nick Lý Thắng bình luận: "Lên sóng truyền hình quốc gia mà để phạm sai lầm như vậy là sao? Chẳng lẽ VTV không kiểm duyệt lại hay sao mà để xảy ra sơ suất này?".

Tờ Thanh Niên cho hay ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) “vừa ra văn bản yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam giải trình về sự cố trong chương trình Điệp vụ tuyệt mật (phát sóng vào tối 2.5, trên kênh VTV3).”

Trên trang báo điện tử VTV News được coi là “phát ngôn viên của hệ thống truyền hình VTV thấy thông báo “Đài truyền hình Việt Nam tạp dừng phát sóng 'Điệp Vụ Tuyệt Mật' và đồng thời “thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét và có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với một Phó Trưởng ban sản xuất các chương trình Giải trí và các cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng để xảy ra sai sót”.

Bản tin “Chào Buổi Sáng” của đài truyền hình nhà nước VTV1 phát hình clip tổng thống Mỹ Obama họp báo tại Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Sáu 1 Tháng Năm, 2015 nhân dịp Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới. Ngồi hai bên tổng thống Mỹ là blogger Điếu Cày của Việt Nam và cô Simegnish ‘Lily’ Mengesha, người Ethiopia. Nữ ký giả Nga Fatima Tlisova ngồi đối diện. Cả ba đều là nạn nhân của các chế độ độc tài, khủng bố báo chí, đến được nước Mỹ.

Không thấy báo chí ở Việt Nam nói ông  Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử CSVN có ý kiến gì với cái clip blogger  Điếu Cày ngồi cạnh tổng thống Mỹ.

Tại Việt Nam, hệ thống truyền thông từ báo giấy, báo điện tử đến truyền thanh, truyền hình đều hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của nhà cầm quyền từ trung ương đến địa phương. Các cơ quan báo đài này đều được giao nhiệm vụ chính trị là làm loa tuyên truyền cho chế độ. Cho nên xảy ra các “sai sót” lớn như thế, không phải là chuyện nhỏ. (TN)
05-04- 2015 6:32:35 PM

Những mối lợi của tự do thương mại

Theo NGười Việt-05-04- 2015 5:12:05 PM
 Nguyễn-Xuân Nghĩa

Một phúc trình “giải ảo” từ Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế của tổng thống Mỹ

Thứ Sáu Mùng Một vừa qua, Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế (CEA) của tổng thống Hoa Kỳ có một phúc trình với nội dung đáng chú ý: Vừa hỗ trợ vừa sửa lưng ông Barack Obama về hồ sơ thương mại. Nhờ đó, may ra nước Mỹ giành lại thế chủ động trong cuộc tranh đua với Trung Quốc.

Hãy nói về bối cảnh. Hoa Kỳ hiện đang thương thuyết hai hiệp ước quan trọng về kinh tế với các quốc gia thuộc hai đại dương tiếp cận với lãnh thổ. Một đàng là Hiệp Ước Đối Tác Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP) với 11 quốc gia trên vành cung Thái Bình Dương từ Tây bán cầu qua Đông Á, là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Bên kia là Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Đại Tây Dương Về Thương Mại và Đầu Tư (Trans-Atlantic Trade and Investment Partnership, T-TIP) với 28 nước của Liên Hiệp Au Châu bên kia Đại Tây Dương.

Trong hai hiệp ước, T-TIP có trọng lượng hơn về kinh tế vì bao gồm phân nửa sản lượng toàn cầu. Nhưng Hoa Kỳ vốn có sẵn quan hệ thương mại và đầu tư khá tự do với nhiều nước trong khối nên việc thương thuyết chỉ đẩy mạnh thêm việc hợp tác cho toàn diện. Ngược lại, TPP lại quan trọng cao hơn về chính trị vì quy tụ các nước có sản lượng kinh tế là 37% sản lượng toàn cầu nhưng có Nhật Bản mà không có Trung Quốc.

Muốn hoàn thành, Hoa Kỳ cần đạo luật tái tục mỗi năm năm cho phép Hành Pháp Thương Thuyết theo thủ tục nhanh gọn (gọi là “fast track” trong đạo luật Trade Promotion Authority, TPA). Đạo luật bị Đảng Dân Chủ gạt qua một bên từ năm 2012. Tháng trước, nhờ sự đề xướng của phe Cộng Hòa và sự hưởng ứng của vài dân biểu nghị sĩ Dân Chủ, hai ủy ban hữu trách tại Thượng và Hạ viện vừa đệ nạp lại một dự luật TPA mới để xin hai viện thông qua.

Trở ngại xảy ra là sự chống đối từ Đảng Dân Chủ và các thế lực xã hội và chính trị xưa nay vẫn hỗ trợ Đảng Dân Chủ và có khuynh hướng chống tự do thương mại (tự do mậu dịch và đầu tư).

Khi còn ra tranh cử tổng thống, Obama cũng thuộc khuynh hướng ấy và đòi rà soát để điều chỉnh một hiệp ước tương tự là Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ (NAFTA), được Tổng Thống Bill Clinton ban hành từ năm 1994 với nhiều lá phiếu Cộng Hòa hơn Dân Chủ. Năm 2008, Tổng Thống George W. Bush ủng hộ sáng kiến của bốn nước sáng lập mạng lưới đối tác ban đầu của hệ thống TPP, nhưng khi nhậm chức vào đầu năm 2009, Tổng Thống Obama ngần ngại mất gần một năm, đình hoãn kỳ họp đầu năm đó, trước khi ủng hộ. Sau 20 kỳ họp giữa các nước, hiệp ước TPP có hy vọng hoàn thành năm nay, nếu đa số trong Quốc Hội Mỹ biểu quyết đạo luật TPA. Đó là bối cảnh chính trị.

Trong tình hình hiện tại, điều khó là tranh thủ được 218 phiếu tại Hạ Viện, nơi mà phe Cộng Hòa có 244 ghế và Dân Chủ có 188 ghế, đa số là chống TPP. Cả hai phe chống (chủ yếu là Dân Chủ) và thuận (chủ yếu Cộng Hòa và ông Obama) đang tranh luận và thuyết phục lẫn nhau.

Giữa bối cảnh ấy, phúc trình hơn 50 trang của Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế CEA, gồm các kinh tế gia được tổng thống chọn lựa để cho ý kiến về chánh sách kinh tế có lợi nhất, mới có tầm quan trọng.

***

Bản phúc trình khá chuyên môn này kiểm điểm lại kết quả hợp tác và hội nhập kinh tế từ nhiều thập niên để đưa ra lập luận ủng hộ nguyên tắc tự do và bác bỏ lý luận của phe chống, kể cả vài lý luận quen thuộc của ông Obama khi chưa ráo riết ủng hộ TPP. Chuyện ấy khiến ta tự hỏi, vì sao các chính khách Dân Chủ như Clinton hay Obama lại hưởng ứng việc hội nhập kinh tế mà nhiều người trong đảng lại chống? Phải chăng vì ở vào vai trò lãnh đạo Hành Pháp, họ phải lấy quyết định vì quyền lợi quốc gia hơn là vì lý do cục bộ?

Về nội dung, các kết luận của hội đồng CEA gồm có mươi điểm sau đây.

Hoa Kỳ chỉ có 5% dân số toàn cầu và giao dịch với 95% còn lại, nơi mà hàng rào quan thuế và các hạn chế ngoài thuế suất trung bình hiện nay là 6,8%, vẫn là sự cản trở. Nếu giải tỏa được trở ngại ấy, Hoa Kỳ sẽ có lợi. Huống hồ là trong cùng ngành sản xuất, doanh nghiệp nào của Mỹ mà hướng về xuất cảng (cho 95% dân số kia) thì hưởng lợi tức cao hơn. Với thành phần trung lưu, đối tượng ông Obama muốn nâng đỡ, việc được mua hàng nhập cảng rẻ hơn cũng là mối lợi, nhờ đó dư lợi tức để tiêu vào việc khác. Đấy là ba lợi thế khá căn bản và dễ hiểu, nếu người ta muốn hiểu.

Đi vào chi tiết kỹ thuật hơn với khá nhiều số liệu, khi mở cửa cạnh tranh - như mua vật liệu và bán thành phẩm cho xứ khác, năng suất của doanh nghiệp và sản lượng kinh tế cũng tăng: Xứ nào cũng khai thác ưu thế tương đối của mình để sản xuất ra mặt hàng có lợi nhất. Tự do thương mại cũng nâng tiêu chuẩn lao động và lợi tức của xứ khác, cho nên họ sẽ mua thêm hàng của Mỹ.

Và ngược với lý luận của trào lưu chống toàn cầu hóa hay bảo vệ môi sinh, tự do thương mại không gây thêm ô nhiễm mà còn cải tiến dị biệt lợi tức nam/nữ (phụ nữ có lương cao hơn), giải trừ nạn kỳ thị thiểu số, kỳ thị di dân và nâng tiêu chuẩn về nhân quyền. Đây là phát giác ly kỳ nhất của hội đồng CEA, vì thiên về xã hội và chính trị.

Sau cùng, Mỹ có tiềm lực cao về canh nông và dịch vụ. Nếu mở rộng việc hợp tác với các nước thì sẽ khai thác được tiềm năng đáng kể, cụ thể là tăng sản lượng kinh tế nhờ xuất cảng nông sản và có thể thu về 800 tỷ nhờ xuất cảng dịch vụ.

Chi tiết lý thú hơn cả là hội đồng CEA bác bỏ lý luận của cánh tả, rằng các hiệp định thương mại tự do thường làm doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra ngoài để kiếm lợi nhờ nhân công rẻ, làm công nhân Mỹ mất việc. Đây là lập luận sai lầm của những người đã chống hiệp định NAFTA, kể cả Obama. Hiện tượng “mất việc ra ngoài” vì quyết định “outsourcing” của doanh nghiệp Mỹ không xảy ra.

Ngược lại, và ta trở về hồ sơ Trung Quốc, chính là các hiệp định tự do mậu dịch do Bắc Kinh ký kết với các nước mới gây vấn đề cho Hoa Kỳ.

Các hiệp định ấy cho xứ khác lợi thế gia nhập thị trường Trung Quốc với tiêu chuẩn thấp hơn về lao động và môi sinh nên sẽ thu hút doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào các xứ đó để kiếm lời. Các hiệp định tự do thương mại của Hoa Kỳ đặt tiêu chuẩn cao hơn nên cải thiện môi trường kinh doanh sản xuất trên toàn cầu, giúp doanh nghiệp Mỹ bán hàng qua nhiều hơn qua xứ khác mà khỏi cần đầu tư trực tiếp ra ngoài. Tức là không làm công nhân Mỹ bị mất việc.

Diễn lại theo bạch văn thì trò làm ăn theo kiểu Trung Quốc mới là vấn đề cho nước Mỹ và cho thế giới.

***

Vì kinh tế cũng là chính trị, những khúc mắc chuyên môn về kinh tế thường lọt khỏi tầm nhìn của quần chúng, và để các chính khách bẻ queo sự thật cho mục tiêu chính trị của họ.

Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế của ông Obama không là chuyên gia kinh tế thuộc cánh hữu, bảo thủ và ác ôn, cố duy trì những lý luận phản động. Nói rộng hơn, giới kinh tế gia có thể có khác biệt về lý luận nhưng vẫn dựa trên cơ sở khách quan về khoa học nên sự dị biệt ấy không khiến họ coi nhau là kẻ thù và gán cho người kia nhiều ý đồ mờ ám. Giới chính trị - nhất là các nghiệp đoàn Mỹ - không bị ràng buộc vào thực tế như vậy nên tha hồ tung ra lập luận mị dân để lừa phỉnh quần chúng ngây dại của mình.

Và tạo điều kiện cho Bắc Kinh lừa phỉnh thiên hạ.

Công an Sài Gòn chối bỏ có 300 vụ đánh nhau trong dịp lễ

SÀI GÒN (NV) - Bộ Y Tế loan tin, trong đợt nghỉ lễ vừa qua thành phố Sài Gòn có trên 300 người nhập viện vì đánh nhau chiếm tỉ lệ cao nhất, thế nhưng công an nơi đây lại không thừa nhận. 


Một nam học sinh bị đâm thủng ruột khi đánh nhau trong dịp lễ (Hình: VnExpress)

Theo VnExpress, các phúc trình từ các địa phương gởi về Bộ Y Tế cho biết, trong 5 ngày lễ từ 28 tháng 4 đến ngày 2 tháng 5, tỉnh thành nào ở Việt Nam cũng có người nhập viện do đánh nhau. Trong đó, thành phố Sài Gòn dẫn đầu với trên 300 người, và ngày cao nhất là 1 tháng 5 với hơn 70 người phải vào viện vì lý do này.

Thế nhưng, sáng 4 tháng 5, Ban Giám Đốc Công An thành phố Sài Gòn đã tổ chức họp báo và cho rằng, về con số 300 ca đả thương mà Sở Y Tế thành phố Sài Gòn phúc trình lên Bộ Y Tế là con số không chính xác, không phản ánh đúng thực trạng an ninh trật tự của nơi đây.

Ông Nguyễn Sĩ Quang, trưởng phòng Tham Mưu Công An Sài Gòn lý giải, “Hơn 300 người bị thương do đánh nhau là con số được chuyển từ khắp nơi về thành phố Sài Gòn điều trị, cứu chữa. Nhưng vì vậy mà nói rằng, riêng khu vực thành phố Sài Gòn có 300 trường hợp đả thương là không đúng.”

Trong thông cáo báo chí, công an Sài Gòn chỉ thừa nhận, trong 6 ngày lễ tại thành phố Sài Gòn đã xảy ra 76 vụ án hình sự, trong đó có 3 vụ giết người, 1 vụ cướp tài sản, 19 vụ cướp giật, 40 vụ trộm cắp tài sản.

Tin cho hay, không riêng gì thành phố Sài Gòn, các tỉnh thành khác như Vĩnh Phúc, Sơn La, Lâm Đồng, Hà Nội... đều có hàng chục người nhập viện vì đánh nhau trong dịp lễ. Nguyên nhân là những dịp lễ, tết nhiều người thường tụ tập ăn nhậu, từ đó không kiểm soát được hành vi dẫn đến đánh nhau hoặc gây tai nạn giao thông. (Tr.N)

05-04-2015 4:05:11 PM

TQ cấm nhập cảng gạo VN theo đường tiểu ngạch

SÀI GÒN (NV) - Tuy nhu cầu nhập cảng gạo rất lớn nhưng kể từ tháng trước, Trung Quốc đã cấm nhập cảng gạo từ Việt Nam theo đường tiểu ngạch. Đó cũng là lý do khiến hàng ngàn tấn gạo bị ứ đọng.


Nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa. Trong tương lai, giá gạo tại Việt Nam có thể bị tác động mạnh do Trung Quốc cấm nhập cảng gạo theo đường tiểu ngạch. (Hình: TBKTSG)

Tiểu ngạch là một hình thức thương mại do dân cư sinh sống ở các vùng nằm hai bên biên giới quốc gia trực tiếp thực hiện, không phụ thuộc vào hạn ngạch nhập cảng và không phải thực hiện những thủ tục rườm rà như chính ngạch. Tuy nhiên giá trị của các giao dịch thương mại theo hình thức tiểu ngạch thường phải bên dưới mức/thương vụ do các quốc gia nằm hai bên biên giới ấn định.

Trước nay, mua bán nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc thường được thực hiện dưới hình thức tiểu ngạch.

Trò chuyện với tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, ông Nguyễn Công Khanh, một thương nhân chuyên bán gạo theo kiểu tiểu ngạch sang Trung Quốc, cho biết, hoạt động xuất cảng gạo theo kiểu tiểu ngạch sang Trung Quốc đã bị đình trệ gần như hoàn toàn. Chỉ còn một ít người “có cách riêng” mới đưa được gạo vào Trung Quốc.” Ông Khanh nhận định, Trung Quốc làm như thế có thể vì muốn thu thuế nhập cảng gạo.

Lệnh cấm nhập cảng gạo Việt Nam theo đường tiểu ngạch của Trung Quốc không chỉ làm hàng ngàn tấn gạo bị ứ đọng ở biên giới phía Việt Nam mà có thể sẽ ảnh hướng đến giá lúa gạo tại Việt Nam trong ít tháng nữa. Đặc biệt là khi xuất cảng gạo của Việt Nam gặp khó khăn.

Theo bà Nguyễn Thị Tự, một thương nhân cũng chuyên bán gạo theo kiểu tiểu ngạch sang Trung Quốc, các bạn hàng của bà ở Trung Quốc vẫn có nhu cầu mua gạo nhưng chuyện mua bán gạo giữa bà và họ không thể thực hiện như trước được nữa.

Song song với việc cấm nhập cảng gạo Việt Nam theo đường tiểu ngạch, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc nhập cảng gạo của Campuchia theo đường chính ngạch. Đặc biệt là từ đầu năm đến nay.

Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam (VFA) cho biết, riêng tháng 3 vừa qua, Trung Quốc nhập cảng 36,000 tấn gạo của Cambodia - tương đương 48% tổng lượng gạo mà Campuchia xuất cảng.

Trước tình trạng xuất cảng gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc gặp khó khăn, thủ tướng Việt Nam vừa yêu cầu Bộ Công Thương Việt Nam kiểm tra, mở cửa biên giới ở những khu vực có thể đẩy mạnh xuất cảng gạo. Bộ Tài Chính Việt Nam cũng được yêu cầu bỏ 5% thuế giá trị gia tăng đối với gạo mua bán trong nội địa để kích thích tiêu thụ. (G.Đ)
05-04-2015 3:24:42 PM

Việt Nam 'nhất thể hóa' khó vì nhiều 'đụng chạm'

HÀ NỘI (NV) - “Nhất thể hóa”: Sáp nhập hệ thống điều hành của Đảng CSVN và hệ thống hành chính thành một, nhằm tăng hiệu quả trong hoạt động và tiết kiệm công quỹ được cho là rất khó vì nhiều “đụng chạm.”


Mỗi năm, bộ máy công quyền ở Việt Nam ngốn hết 9,5% GDP, vượt xa mức chi tiêu cho bộ máy công quyền ở các quốc gia đang phát triển. (Hình: Tiền Phong)


Đó là “tâm sự” của bà Đỗ Thị Hoàng, phó bí thư của tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh với tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn.

Từ trước đến nay, hệ thống điều hành của Đảng CSVN vẫn hoạt động song song với hệ thống hành chính của chính quyền Việt Nam và dân chúng Việt Nam phải đóng thuế nuôi cả hai hệ thống này. Theo các thống kê chính thức, trong giai đoạn từ 2001-2012, chi tiêu cho cả hai hệ thống ngốn 55,37% tổng chi tiêu của cả quốc gia!

Trong thực tế, hệ thống hành chính của chính quyền Việt Nam có bao nhiêu ngành, bao nhiêu cấp thì hệ thống điều hành của Đảng CSVN cũng có từng đó ban bệ tương đương rải đầy ở tất cả các ngành, các cấp.

Đáng nói là chi tiêu rất lớn nhưng hoạt động của toàn bộ hệ thống công quyền (bao gồm cả hệ thống điều hành của Đảng CSVN và hệ thống hành chính của chính quyền Việt Nam) rất kém.

Bà Hoàng nhấn mạnh hiệu quả hoạt động kém vì hai hệ thống giẫm đạp lên nhau. Chẳng hạn hệ thống hành chính của chính quyền Việt Nam có các cơ quan “Nội Vụ” thì hệ thống điều hành của Đảng CSVN có các cơ quan “Tổ Chức.” Khi cần bổ nhiệm công chức, các cơ quan “Nội Vụ” phải trình cho các cơ quan “Tổ Chức” xem xét. Các cơ quan “Tổ Chức” sẽ trình ý định của lãnh đạo chính quyền cho lãnh đạo Đảng đồng cấp xem xét, quyết định rồi thông báo cho các cơ quan “Nội Vụ” để các cơ quan “Nội Vụ” ra quyết định. Đây cũng là lý do quy trình bổ nhiệm công chức dài gấp đôi thời gian cần thiết.

Tương tự, hệ thống hành chính của chính quyền Việt Nam có các cơ quan “Thanh tra” còn hệ thống điều hành của Đảng CSVN có các cơ quan “Kiểm Tra” dù hai loại cơ quan này có cùng một nhiệm vụ là xác định sai phạm của cán bộ, viên chức. Khi các cơ quan “Thanh tra” xác định cán bộ, viên chức nào có sai phạm thì các cơ quan “Kiểm Tra” xem xét lại từ đầu.

Cũng theo bà Hoàng thì bộ phận điều hành ủy ban nhân dân các cấp và bộ phận điều hành hệ thống Đảng cùng cấp đều có tới 20% nhân viên phục vụ và thường thì nhu cầu công việc của cả hai bộ phận điều hành này đều không sử dụng hết cả khả năng lẫn thời gian của 20% nhân viên đó.

Cũng vì vậy, việc “nhất thể hóa” hai hệ thống đã được nêu ra từ năm 2009 nhưng nhân vật là phó bí thư của tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh xác nhận, đã và đang có sự né tránh để thực hiện. Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN chỉ nêu chủ trương “nhất thể hóa” chứ chưa ban hành bất kỳ hướng dẫn nào để thực hiện. Tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị được phép thực hiện thí điểm việc sáp nhập Ban Tổ Chức Tỉnh Ủy với Sở Nội Vụ, Ủy Ban Kiểm Tra Đảng của Tỉnh Ủy với Thanh Tra, Ban Tuyên Giáo của Tỉnh Ủy với Sở Thông Tin-Truyền Thông, Văn Phòng Tỉnh Ủy với Văn Phòng Hội Đồng Nhân Dân-Ủy Ban Nhân Dân.

Theo tính toán của tỉnh Quảng Ninh, nếu làm như thế thì sẽ giảm được 15% biên chế so với định mức. Về ngân sách, ngay trong năm 2015, sẽ tiết kiệm được 268 tỷ đồng tiền lương. Chưa kể còn tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng từ cơ sở vật chất do sáp nhập và thôi không phải đầu tư cho những cơ quan không còn hiện diện nữa. Tuy nhiên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN chưa đồng ý.

Cho đến nay, Ban Bí Thư của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN chỉ đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh dùng chung “cơ quan tham mưu” giúp việc giữa Mặt Trận Tổ Quốc và các đoàn thể ở cấp huyện.

Bà Hoàng nói rằng, “nhất thể hóa” khó thực hiện vừa vì đụng đến cơ chế, chính sách, pháp luật, vừa vì dụng đến con người - yếu tố khó nhất.

Công chức vốn là một vấn nạn của Việt Nam. Nhiều chuyên gia từng nhận định, Việt Nam “mạt” vì công chức. Công chức đông, chi phí cao nhưng hiệu quả kém vốn là một vấn nạn đã xuất hiện cách nay vài thập niên nhưng chính quyền Việt Nam hoàn toàn bất lực, không thể giải quyết. Sau các kế hoạch “tinh giản biên chế,” đội ngũ công chức không những không giảm mà càng ngày càng đông.

Năm ngoái, viên bộ trưởng Nội Vụ của Việt Nam thú nhận, kế hoạch biên chế công chức hàng năm mà các bộ, ngành, địa phương gửi về luôn đề nghị tăng từ 9% đến 11% so với biên chế công chức được giao của năm trước.

Bộ Nội Vụ Việt Nam vừa công bố đề án từ nay đến năm 2020 giảm 100,000 cán bộ, viên chức nhưng theo viên bộ trưởng Nội Vụ của Việt Nam, khả năng giảm 100,000 cán bộ, viên chức là rất thấp. (G.Đ)
05-04-2015 3:30:45 PM

Đội lốt

Đặng Xương Hùng (eThongluan) - "...nhà tôi có treo một bức ảnh ông Hồ ngồi trên bộ bàn ghế mây, tay ông cầm cây bút. Tôi thắc mắc với bố là bác Hồ cầm bút như là viết chữ Nho ấy... Bố tôi trả lời chụp ảnh ấy mà con. Rồi mọi người bỏ qua thắc mắc ấy, nhưng tôi thì chẳng bao giờ quên..."

Tra từ điển trên mạng, đội lốt được định nghĩa là vỏ bên ngoài giả trá để lừa dối.

Tôi sẽ kể cho các bạn 6 câu chuyện về đội lốt.

Câu chuyện thứ nhất: Vào khoảng giữa tháng 4 năm 2013, khi tôi đi công tác tại Châu Âu, lúc đang đứng chờ tại sân bay Charles De Gaulle-Paris, đột nhiên tôi nghe thấy tiếng chào từ phía sau: Chào anh Hùng, anh đi công tác à. Tôi quay lại, thấy một thầy tu mặc áo cà sa nâu, vấn qua đầu một cái xà cột cũng mầu nâu. Lúc đó, bộ nhớ trong đầu tôi làm việc một cách khẩn trương để nhớ ra xem mình có quen biết ai, đã xuống tóc đi tu hay không? Do cái óc phải làm việc liên tục nên câu chuyện qua lại tôi không thể nào nhớ nỗi nữa, chỉ còn nhớ là "thầy tu" đó cũng đang đi dự hội nghị về tôn giáo tại châu Âu. Khi ngồi trên máy bay tôi mới chợt tỉnh ra: thôi chết rồi, "anh ấy" ở bên an ninh mà mình đã từng quen hoặc là từ thời ở Bỉ, hoặc là thời làm ở trong nước giữa các Bộ với nhau.

Câu chuyện thứ hai: Vào đầu tháng 3 năm 2013, tôi đỗ cái xe ô tô của tôi ở cổng Bộ Ngoại giao, trước vườn hoa Kính Thiên, bị công an phường Quan Thánh cẩu đi mất, hề hề do đậu dưới lòng đường. Khi tôi ra, gặp một anh xe ôm đứng ở góc ngã năm đó: Xe của chú à, họ chờ mãi không thấy ai nhận, họ cẩu đi rồi. Anh vanh vách cho biết có thể xe của chú đã bị cẩu đến đây đến đây, thế là anh đưa tôi cái mũ bảo hiểm, nói ngồi lên cháu chở chú đi tìm. Điều làm tôi ngạc nhiên là anh rất tự tin trước các trạm công an kiểm tra giao thông trên đường, thậm chí anh còn đưa tôi phi lên vỉa hè trước mặt các anh công an để hỏi thông tin. Tôi nhớ anh còn dặn chú ngồi chờ đây, cháu vào hỏi đồn trưởng xem sao. Tôi đã lấy được xe ra ngay trong ngày hôm đó, phần là do anh xe ôm rất đặc biệt này. Sau tôi nhận thấy anh không bao giờ bị đuổi đi nơi khác, khi mà anh "hành nghề" ở một vị trí rất không cần xe ôm này.

Câu chuyện thứ ba: Nhìn hình nữ tu sĩ đi trong đoàn diễu hành 30/4, tôi lại nhớ đến chị ấy. Tôi nhớ mang máng chị ấy tên là Hoa. Chị sang Genève mỗi dịp có hội nghị về nhân quyền ở Liên Hiệp Quốc. Chị là người gốc dân tộc, nhưng chắc Kinh hóa đã từ lâu, vì chị tán phét cũng kinh khủng lắm, mỗi khi có dịp liên hoan tại Phái đoàn. Hình như chị làm ở Ban Dân tộc Trung ương. Mỗi khi ra Hội nghị thì chị lại trút bỏ quần tây, áo veste, mặc vào một bộ đồ dân tộc hoành tráng mà ai cũng phải trầm trồ khen. Chị đến Hội nghị với tư cách đoàn xã hội dân sự đại diện cho người dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Câu chuyện thứ tư: Ở những nước khác, ta thường hay nghe kể những câu chuyện về bọn lưu manh, côn đồ giả danh công an để lừa đảo, ức hiếp, trấn lột. Duy chỉ có ở Việt Nam, lại có chuyện ngược đời và hèn hạ, công an đội lốt côn đồ để khủng bố dân thường. Tôi nhường cho bạn đọc liệt kê các vụ việc, vì bản thân tôi không thể kể xiết được hết, tôi chỉ nêu trong câu chuyện thứ tư này, trường hợp đê hèn gần đây nhất mà công an đã "dành" cho cậu thanh niên Gió Lang Thang: "lúc 7g45 ngày 22/4/2015, tại đường Cổ Linh, Long Biên, khi đang trên đường đi mua sữa cho con. Trịnh Anh Tuấn, Facebook Gió Lang Thang bị tấn công bởi 3 tên côn đồ. Tuấn bị khâu 10 mũi ở đầu, ngón út và áp út, bàn tay trái bị dập xưong, khắp người bị sây xước. Được biết những tên côn đồ này thường xuyên rình rập trước cửa nhà của Tuấn hàng tháng trời, từ khi việc chính quyền Hà Nội có dự án chặt hạ cây xanh. Tuấn là 1 trong các admin của group Vì Một Hà Nội Xanh. Sự việc Tuấn bị đánh có thể là sự trả thù của chính quyền sau những cuộc tuần hành Vì Cây Xanh diễn ra vừa qua".

Câu chuyện thứ năm: Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, được thành lập năm 1966, tại đâu đó ở Miền Bắc Việt Nam. Tôi vẫn còn nhớ, đầu những năm 1980, tôi bắt đầu đi làm tại Vụ Châu Á 2, Bộ Ngoại giao, trong câu chuyện của các cô, chú lớn tuổi lúc đó, nhiều cô chú nói làm ở Bộ Ngoại giao Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, hình như gọi là CP72 gì đó, có một bộ phận nằm ở Chùa Bộc, Giảng Võ - Hà nội.

Nói đến Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đảng "ta" rất kiêu hãnh gọi đây là sự sáng suốt, tài tình trong cuộc đấu tranh trên ba mặt trận chống Mỹ, Ngụy xâm lược, để giải phóng miền Nam.

...cầm bút kiểu này làm sao mà viết được
Câu chuyện thứ sáu:Đó là câu chuyện Hồ Quang - Hồ Chí Minh đội lốt Nguyễn Ái Quốc, đánh lừa cả một dân tộc, trong gần một thế kỷ. Nó nên được ghi vào kỷ lục guinness về tội ác với nhân loại.

Đối với nhiều người Việt vẫn còn nghi nghi hoặc hoặc về câu chuyện đội lốt này, nhưng trong tôi có một niềm tin, đó là sự thật. Bởi vì, ngay từ bé tôi đã có một số thắc mắc về bí ẩn của ông Hồ. Năm 1969, ông Hồ mất, tôi mới có 8 tuổi, nhưng tôi đã thắc mắc với bố tôi là tại sao bác Hồ lại trích được ông Đỗ Phủ, đời nhà Đường trong di chúc. Ý tôi muốn thắc mắc với bố tôi là một người Việt Nam mà lại nhắc đến câu nói không phải của một vĩ nhân Việt Nam mà lại của một vĩ nhân Trung Quốc, mà lại không phải đương thời mà lại tít tận những đời nào rồi. Bố tôi trả lời bác Hồ của mình thông thái lắm con ạ. Tôi đã tin xái cổ và lúc đó ai ai cũng tin như vậy.

Lúc đó, nhà tôi có treo một bức ảnh ông Hồ ngồi trên bộ bàn ghế mây, tay ông cầm cây bút. Tôi thắc mắc với bố là bác Hồ cầm bút như là viết chữ Nho ấy. Trong đầu tôi, cầm bút kiểu ấy làm sao mà viết được. Bố tôi trả lời chụp ảnh ấy mà con. Rồi mọi người bỏ qua thắc mắc ấy, nhưng tôi thì chẳng bao giờ quên được.

Lúc đi học, khi học đến "bàn đá chông chênh dịch sử đảng", thì tôi còn nhớ cô giáo dậy văn trả lời rất qua loa chỗ này. Cho đến bây giờ thì tôi mới ngộ ra rằng cô giáo cũng chả biết mà giải thích ra làm sao. Mọi người tự đồng ý với mình như thế là để cho câu thơ nó vần, hoặc là sai chính tả lịch sử đảng chứ không phải là dịch sử đảng.

Đến đây, tôi xin kết thúc 6 câu chuyện về đội lốt.

Tôi chỉ xin kết luận là: 5 câu chuyện đột lốt đầu tiên thì đều là do chủ trương của đảng và đều giành được những "thắng lợi huy hoàng". Câu chuyện đội lốt cuối cùng là tác phẩm cá nhân, nhưng đảng rất cần.

Xin hết chuyện.

Đặng Xương Hùng

Thụy sĩ, đêm 30/4/2015

*

Lời thêm của tác giả : Về một số chi tiết trong bài Đội lốt 

Ở câu chuyện thứ năm, nói về Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, có những chi tiết chưa chính xác mà một số bạn đọc đã chỉ ra. Tôi hoàn toàn đồng ý với các bạn đọc đó và xin nói thêm, tôi viết bài này trong vòng hai tiếng đồng hồ trong đêm 30/4/2015, với trí nhớ và ký ức, nhất lại là những ký ức đã từ rất lâu, không thể không tránh khỏi những chi tiết chưa chính xác.

Tôi thiết nghĩ rằng, khi viết về đội lốt thì dù Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam có thành lập vào năm nào, ở đâu điều đó không quá quan trọng vì nó thành lập lúc nào ở đâu đều do là sự trình diễn của đảng. Tôi thích viết lại thế này: Mặt trận đã được thành lập vào năm mà đảng cộng sản quyết tâm bằng mọi cách "giải phóng miền Nam". Họ phải dựng lên một lực lượng chính trị đối chọi với Việt Nam Cộng Hòa. Còn Mặt trận được thành lập ở đâu, tôi cho rằng nó được thành lập trên bàn giấy tại Văn phòng Trung ương Đảng.

Ở câu chuyện thứ sáu, về ông Hồ Chí Minh, một số bạn đọc còn hoài nghi về sự thật ông có phải là người Trung quốc hay không ? Tôi thiết nghĩ rằng, việc chứng minh ông Hồ là người Trung Quốc là đỡ đòn phần nào cho ông ấy, chứ nếu ông là người Việt Nam chính cống, tội ông còn nặng hơn nhiều. 

Đặng Xương Hùng (2/5/2015)

Chiếc băng đỏ dơ dáy!

Tân Ngọc Già (Danlambao) - Nó dơ dáy vì từ lâu tôi đã thấy, đã chứng kiến màu đỏ quen thuộc này trong đời sống xã hội chủ nghĩa - một xã hội toàn loại công cụ màu đỏ được bắt nguồn từ biểu tượng của hồng vệ binh xa xôi phía bắc bán cầu hoặc ở tận Phúc Kiến - xứ sở của Tàu Cộng do Hồ Chí Minh mang về. Và rồi theo dòng thời gian, vừa cướp, vừa trấn áp để gìn giữ chính quyền, chiếc băng đỏ đeo tay ra đời từ đấy góp phần làm lực lượng công cụ trấn áp không hơn không kém.

Gần đây trong các cuộc đàn áp chống biểu tình Trung Quốc, giải tỏa cưỡng chiếm đất đai, chống việc đốn hạ cây xanh bảo vệ môi trường qua lăng kính và hình ảnh video tôi nhìn thấy rất nhiều người, thuộc nhiều thành phần: bộ đội, công an, an ninh, dân phòng, thanh niên xung phong, đoàn thanh niên cộng sản, nói chung có nhiều màu sắc, trang phục. Nhà nước Cộng sản sử dụng công cụ bạo lực, phương tiện trấn áp khác nhau nhưng trong những thành phần đó còn có những người mặc thường phục tay đeo băng đỏ xen kẽ trong đám đông biểu tình đang tích cực xô đẩy, lôi kéo, trù dập những người bất đồng chính kiến, những người đấu tranh ôn hòa, gồm cả những chị em phụ nữ mặc áo dài tay ôm bó hoa. Những hình ảnh lôi kéo, bắt bớ phản cảm này chỉ có thể xảy ra ở xứ sở rộp trời màu đỏ và dân chủ gấp trăm vạn lần Tư bản.

Nhưng với tôi luôn tự hỏi những người tay đeo băng đỏ đó - họ là ai? Tên gọi chính danh là gì? Thuộc lực lượng nào? Có nằm trong biên chế chính thức và được nhận lương từ tiền thuế của nhân dân? Chết vì nhiệm vụ có được phong liệt sĩ? Tại sao xứ sở Việt Nam nghèo nàn lạc hậu nhưng rất giàu khẩu hiệu toàn màu đỏ, rồi lại dồi dào lực lượng trấn áp gìn giữ an ninh đến thế sao? Ngân sách Nhà nước phải chi trả cho nhiều loại công cụ chuyên chính vô sản là họ đó sao? Trong khi tệ nạn xã hội nhan nhản khắp nơi có triệt tiêu được đâu!

Quan sát kỹ lực lượng đeo băng đỏ, họ cũng là những con người nhưng trông có vẻ cô hồn, kênh kênh và có lẽ tâm hồn họ vô thức chỉ làm theo theo sự lãnh đạo của đảng Cộng sản hoặc cấp trên gọi là công an an ninh. Và có biết đâu rằng người dân đang khinh bỉ, xem thường họ.

Có người nhận định những người đeo băng đỏ này là lực lượng an ninh xuất hiện trước đám đông quần chúng, đeo băng đỏ là để phân biệt người làm nhiệm vụ với dân, giữa phe nhóm của họ và đối tượng cần phải trấn áp. Có thể là như vậy. Cho dù họ thuộc thành phần nào, chính quy hay không chính quy, nhưng với tôi cảm giác chán chường và kinh tởm. Bởi vì ngay từ thưở nhỏ có biết bao oán hờn tủi nhục luôn đến với tôi và cậu, dì ruột dòng họ bên ngoại tôi đã bị nhuốm màu cải tạo vì một màu đỏ xiềng xích. Vừa lớn lên tôi đã bị ám ảnh bởi chiếc khăn quàng đỏ, khi lớn khôn khỏe mạnh hơn tôi phải vào đội cờ đỏ vì vậy vòng khăn đỏ, chiếc băng đỏ đã tra tấn tôi ngay từ tuổi thơ. Lớn lên tôi chứng kiến ngoài xã hội nhan nhản khắp nơi cơ quan, công sở, nhẹ nhàng hơn ngay cả những thành phần lao động bóc vát, xe ôm thỉnh thoảng tôi đã nhìn thấy ông tài xế, bác bảo vệ tay đeo vòng băng đỏ như muốn giới thiệu với mọi người rằng ta đây cũng có số má? Phải chăng sắc màu đỏ đã khủng bố, ám ảnh vào tận tiềm thức của tôi? Làm tôi khinh miệt và ghê sợ những gì thuộc về màu đỏ có liên quan đến Cộng sản, đã có hàng triệu người nằm xuống vì tiếng gọi của ngọn cờ màu đỏ trong đó có máu thịt của anh tôi và hai người bác ruột.

Nhưng tôi vẫn tin rằng một ngày nào đó, thể chế thay đổi sẽ không còn bảng hiệu đỏ, khăn quàng đỏ, quốc huy đỏ, ngọn cờ đỏ kể cả tư tưởng đỏ nữa. Bởi những thứ đỏ ấy rẻ tiền không hơn không kém gì chiếc băng đỏ dơ dáy chỉ duy nhất một lần hữu dụng.

05.05.2015


Lịch sử 70% giả dối

Đại Nghĩa (Danlambao) 70% lịch sử giả dối cho nên sử chỉ còn là môn học mà thầy không muốn dạy, trò cũng không muốn học. Học sinh đã reo mừng khi môn sử không còn trong đề thi tốt nghiệp THPT... Lịch sử chỉ có 30% là sự thật, còn lại 70% là giả dối, thế cho nên đã bị dân tộc tẩy chay là không có gì lạ...

*

“Tôi nói thật với chị, lịch sử Việt Nam hiện đại, chỉ có 30% sự thật, 70% giả dối, đó là điều rất đau lòng. Ví dụ đánh nhau 30 năm, với Pháp và Mỹ mà Việt Nam không thua trận nào là không thể chấp nhận được”. (DanChimViet online ngày 19-5-2010)

Đó là câu trả lời của nhà sử học Hà Văn Thịnh, giảng viên trường Đại học Khoa học Huế nói với nhà báo Mạc Việt Hồng trên báo mạng Đàn Chim Việt trong bài viết: Nhà sử học Hà Văn Thịnh nói về Hồ Chí Minh.

Cộng sản thì cái gì cũng giả dối, mà không giả dối thì không phải là cộng sản.

Nhằm mục đích tuyên truyền sách động bạo lực, người CSVN đã “sáng tác” ra anh hùng ma Lê Văn Tám hoàn toàn không có thật, bịa đặt 100%, người dỏm việc dỏm để lừa gạt và dụ dỗ những trẻ thơ nhẹ dạ cả tin đi vào chỗ chết. Đây là một sự lừa dối giết người dã man.

Giáo sư sử học Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử đã nói rõ:

“Trong cuộc họp báo vào tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội, giáo sư Phan Huy Lê nhớ lại:

‘Tôi còn một móm nợ với anh Trần Huy Liệu mà đến nay chưa trả được. Đó là lúc anh Liệu làm Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền (sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, THL làm Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền và Cổ Động), anh THL tự viết về nhân vật Lê Văn Tám, một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè.[..] Lúc sáng tác ra câu chuyện Lê Văn Tám, anh Liệu nói với tôi rằng: ‘Bây giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền nên tôi viết tài liệu này, sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại dùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa”. (Wikipedia tiếng Việt online ngày 29-9-2014)

Ngoài anh hùng ma Lê Văn Tám ra, CSVN còn tô vẽ huyền thoại cho biết bao anh hùng khác như Phan Đình Gioát lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé... Núp... còn nhiều, nhiều nữa những anh hùng huyền thoại được thêu dệt hầu hết đã bị các vị lão thành như giáo sư Phan Huy Lê, giáo sư Hà Văn Thịnh, nhạc sĩ Tô Hải đã vạch trần là những anh hùng dỏm.

Trơ trẻn và lố bịch hơn là việc gần đây, ông Hồ Xuân Mãn năm 2010 được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị chủ tịch nước phong danh hiệu “Anh hùng các lực lượng vũ trang” với những chiến tích tưởng tượng đã bị vạch trần như sau:

“Bản tóm tắt thành tích cá nhân đặc biệt: ‘Từ năm 1969 đến năm 1975, ông Mãn đã đánh hơn 100 trận, diệt 150 tên địch, phá hủy một trực thăng Mỹ, phá hủy 37 xe quân sự, 33 lần là Dũng sĩ diệt Mỹ, nhiều lần được là Chiến sỹ thi đua, nhận nhiều huy chương kháng chiến, Chiến công, Giải phóng...

Sau khi thành tích của ông Mãn được công bố rộng rãi trên báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân…nhiều đồng đội cũ ở Phong Điền, ở Huế liền phản ứng…trình bày ra Trung ương, ra Bộ Quốc phòng... kết luận thanh tra: ‘…7 trận đánh ông Mãn không có mặt, ‘cướp công của người khác7 trận khác là dựng đứng lên, hoàn toàn tưởng tượng ra, không hề có thực33 lần được công nhận là Dũng sỹ diệt Mỹ đều là tự phong, không ai xác nhận. Nhất là chuyện cá nhân ông bằng khẩu súng và lựu đạn phá một rực thăng Mỹ cũng là bịa ra...

Ban Thi đua Trung ương và Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đề nghị Chủ tịch nước hủy bỏ tuyên dương 4 năm trước...” (VOA online ngày 3-11-2014)

Huyền thoại anh hùng Điện Biên Võ Nguyên Giáp cần được giải mã để toàn dân mọi thế hệ không còn ngộ nhận, và lịch sử không phải tốn giấy mực vinh danh. Cộng sản đã thổi phồng chiến công của ông Giáp trong trận Điện Biên Phủ trong khi đó Trung cộng đưa tướng Trần Canh sang “cố vấn”.

Nhân dân ngày nay không còn ai tin chiến công của ông Giáp ở Điện Biên Phủ cho nên vừa rồi đây, CSVN đã bỏ ra 21 tỷ tiền xương máu của nhân dân dựng phim “Sống cùng lịch sử” để tô vẻ 70% giả dối. Phim được quảng cáo trình chiếu rầm rộ mà không có con ma nào xem đến nỗi Giáo sư Hà Văn Thịnh tiếc rẻ:

“Đọc tin mà xót, mà xa: Bộ phim kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tôn vinh Tướng Giáp, đầu tư đến 21 tỉ đồng mà mỗi buổi chiếu chỉ bán được có vài 3 vé, đến nỗi phải ‘tắt đài, dẹp máy’, nhờ báo chí than van, mong tìm đến sự ‘cảm thông’ cho tiền dân, của nước, ngang nhiên bị bỏ bụi, quăng bờ…”(MotTheGioi online ngày 22-9-2014)

“Phim cho không biếu không” mà cũng chẳng ai xem, đó là một cái tát vào mặt lịch sử 70% giả dối của CSVN.

“Chiếu miễn phí phim 21 tỷ ‘Sống cùng lịch sử’ trên toàn quốc’’...

“Vé xem phim hiện được phát miễn phí tại 64 rạp chiếu trên toàn quốc... với kinh phí sản xuất 21 tỷ đồng ‘nổi tiếng’ khi gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua vì ra rạp mà không bán được tấm vé nào”. (Vietnamplus online ngày 8-10-2014).

Trong chiến dịch Lê Duẫn và Lê Đức Thọ thanh trừng “Bọn xét lại chống đảng” Võ đại tướng phải về đi đỡ đẻ trong khi đó đàn em của ông bị thanh trừng tan tác mà ông không dám một lời bênh vực. Nhà văn Huy Đức kể có lần Lê Đức Thọ nói “còn để cái đầu ông Giáp trên cổ đã là may lắm rồi”. (BTC. II trang 174). Nhà báo Trần Đĩnh, người viết tiểu sử Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của Mặc Lâm đài RFA đánh giá tư cách của tướng Giáp như sau:

“Không một người nào dù là đảng viên cao cấp được nói với nhau, ông Võ Nguyên Giáp càng không bao giờ dám đụng tới vì ông ấy là nạn nhân. Thứ đếnngười nhu nhược như Võ Nguyên Giáp không bao giờ trả lời ai rằng tôi không nói vì tôi sợ sẽ bị này khác, như thế là một thằng hèn không dám nói ra chuyện ấy”. (RFA online ngày 6-3-2015).

Từ Paris, cựu Đại tá Bùi Tín kể năm 1977 ông có hỏi tướng Võ Nguyên Giáp:

“…tôi hỏi một câu làm sao khi mà những anh em dưới quyền ông ấy bị nạn của vụ Xét lại mà ông ấy không lên tiếng? Ông ấy im một lúc rất lâu, rồi ông mới nói một câu như thế này: ‘Mình mà lên tiếng thì mình cũng sẽ bị nạn như các cậu đó”.(BBC online ngày 28-2-2015)

Qua câu trả lời của Tướng Giáp cho chúng tra thấy được sĩ khí của một vị tướng... hèn, không xứng đáng với sự ca ngợi của đảng CSVN.

Nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương vừa rồi Khu Du lịch Đồng Xanh, thuộc Công ty CP Văn hóa-Du lịch Gia Lai khánh thành tượng “Quốc tổ” và 18 vua Hùng nhưng bức tượng được nhà sử học Hà Văn Thịnh đánh giá sự giả dối, bôi bác, thiếu tôn trọng qua lời lên tiếng: “Xin đừng nhầm lẫn về lịch sử” như sau:

“... sự kém cỏi, vô trách nhiệm là ‘cha đẻ’ của sự lố lăng lịch sử không thể chấp nhận của Khu Du lịch Đồng Xanh... tượng ‘quốc tổ’ - một người đàn ông mà da trắng như tuyết, lông mày lá liễu, râu giống với râu... dê, môi đỏ như son và 10 móng tay đỏ hoe đỏ hoét là sự phỉ báng chứ không còn là sự tôn vinh nữa. Làm sao có thể chấp nhận một người đàn ông có móng tay tô đỏ? Từ cổ chí kim, chưa thấy ai đúc tượng, tả đàn ông môi đỏ như son...” (MotTheGioi online ngày 30-4-2015)

Cuộc chiến tranh đẫm máu với chiêu bài chống Mỹ giải phóng miền Nam như cộng sản từng rêu rao thực chất nó chỉ là sự đánh lừa dư luận để làm tay sai cho mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh đã được đảng CSVN phát động từ năm 1960 khi chưa có sự hiện diện của quân đội Mỹ ở miền Nam. Lê Duẫn tuyên bố trường kỳ kháng chiến ở miền Nam là quyết tâm “thống nhất đất nước để dâng trọn cho cộng sản Tàu”.

Đại tá QĐND Phạm Đình Trọng, người có mặt trong cuộc chiến đã nhận định ra bản chất của nó nên hôm nay ông “Cần gọi đúng tên cuộc chiến này”.

“Cuộc chiến tranh mà hệ thống tuyên truyền của nhà nước Việt Nam cộng sản vẫn thần thánh hóa là cuộc chiến tranh ‘Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước’, ‘Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước’ thực chất chỉ là cuộc nội chiến tội lỗi, người Việt bắn giết người Việt’...

Việc chia cắt độc đoán, phũ phàng, oan nghiệt đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam hoàn toàn do những người cộng sản thực hiện, cộng sản Tàu mưu toan và áp đặt, cộng sản Việt Nam cam tâm cúi đầu chấp nhận”. (Boxitvn online ngày 23-4-2015)

Qua “Di sản tháng Tư” Đại tá Phạm Đình Trọng nhận định cứ mỗi năm cộng sản rầm rộ ăn mừng thắng cuộc thì “dân tộc Việt Nam” bị khơi lại nỗi đau thua cuộc, ngày 30 tháng 4 năm 1975 phải nói là Ngày Quốc Hận, như vậy sự hòa giải hòa hợp xin đừng nhắc.

“Trong cuộc cách mạng và chiến tranh tàn khốc vừa qua do đảng CSVN phát động, đảng cộng sản đã thắng lớn, thắng hả hê. Thắng chính dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã bị thua thảm hại. Người hốt hoảng bỏ chạy tứ tán khắp thế giới thấy ngay cái thua đau đớn, tức tưởi…Chưa bao giờ dân tộc Việt Nam bị thua đau, bị chia rẽ, ly tán tan tác, yếu hèn như hôm nay”. (RFA online ngày 20-4-2015)

Ngày 30-4-1975 theo ông Võ Văn Kiệt nói “hàng triệu người vui...”, nhưng trong hàng triệu người vui ấy đã có người nữ bộ đội Dương Thu Hương ngồi khóc bên vệ đường Sài Gòn và nữ nghệ sĩ ưu tú Kim Chi người từng tập kết ra Bắc năm 11 tuổi và năm 21 tuổi đã cùng chồng vượt Trường sơn vào “giải phóng miền Nam”, ngày nay bà cho rằng đó là “niềm vui ngộ nhận”.

“Đúng, ngày xưa tôi khóc trong niềm vui chiến thắng, nay tôi lại phải khóc ‘trong nỗi đau thời cuộc’, trong những nỗi buồn da diết!

“Vui sao nước mắt lại trào”- bây giờ tôi mới thấy đó là niềm vui ngộ nhận. Hóa ra, niềm vui, niềm tin và những hy vọng cứ sáng lên trong tôi suốt thời chiến trường khói lửa ấy là do ‘nghệ thuật tuyên truyền’...

Với tôi bây giờ 30-4 không phải là ngày giải phóng miền Nam. Miền Nam trước đây là mơ ước của Thái Lan, của Singapore. Vậy mà bây giờ Việt Nam ta tụt hậu sau họ hằng thế kỷ. Miền Nam là vựa lúa xuất khẩu đi các nước. Vậy mà sau 30-4 một thời gian thì các lãnh đạo đã khiến cho cả nước phải ăn độn khoai, sắn, ngô. Cảnh cấm chợ ngăn sông ngày ấy dẫn tới cảnh thiếu từng con khô, chai nước mắm...

Bây giờ mỗi lần 30-4, tâm trạng tôi rất đau đớn, vì niềm tin vào đảng CSVN và chế độ XHCN hoàn toàn đổ vỡ. Nỗi đau buồn không diễn tả được bằng lời”.(DanLamBao online ngày 23-4-2015)

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, nhà bất đồng chính kiến lão thành ở Hà Nội, người có nhiều năm sống và làm việc dưới chế độ XHCN, cho biết ông đã từng ngộ nhận về lịch sử mà cộng sản tuyên truyền như sau:

“Qua quá trình, tôi nhận ra cuộc kháng chiến chống Mỹ là vô nghĩa. Đáng lẽ không nên xảy ra núi sông xương máu như vậy.

Cho đến cách nay mươi năm, tôi vẫn nghĩ là đánh Pháp, đuổi Nhật là công của đảng trong công cuộc chống ngoại xâm. Nhưng giờ này tôi cũng nhận ra là vô nghĩa...

Tôi nhận thức ít nhất nếu không có tội thì đảng Cộng sản cũng không làm được cái gì hay cho đất nước, cho dân tộc”. (BBC online ngày 1-2-2015)

70% lịch sử giả dối cho nên sử chỉ còn là môn học mà thầy không muốn dạy, trò cũng không muốn học. Học sinh đã reo mừng khi môn sử không còn trong đề thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh xé giấy mừng không thi tốt nghiệp môn sử”.

“Khi Bộ Giáo dục thông báo năm nay sẽ không thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử, nhiều học sinh đã đồng loạt ra ban công trường để ăn mừng bằng cách xé giấy, trong đó có cả đề cương môn sử. Video quay tại trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, TP HCM, ngày 29-3” (VNExpress online ngày 7-4-2013)

Kết luận bài này, tôi xin mượn lời nhà báo Trần Đĩnh nói chuyện ông Hồ chống Mỹ như sau:

“Một bạn tôi, sĩ quan thiết giáp, năm 1983 vừa tù tận Lao Kai về liền bảo tôi: ‘Nên hiểu câu ông Hồ nói Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào thành ra đánh cho Mỹ cút, đánh cho Hoa vào, ở tù tôi rút ra cái sự thật kinh khủng lù lù ấy.Thằng Tây nó tếch thằng Tàu nó sang”. (Đèn Cù II – trang 505)

Lịch sử chỉ có 30% là sự thật, còn lại 70% là giả dối, thế cho nên đã bị dân tộc tẩy chay là không có gì lạ.

05.05.2015


Cá chết do kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè quá ô nhiễm

(PL)- Chiều tối 4-5, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (QLCT&BVNLTS) TP.HCM đã có kết quả khảo sát nhanh chất lượng nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.


 Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đầy rác bốc mùi, cá chết hàng loạt

Dựa trên ghi nhận thực tế và kết quả phân tích mẫu nước, Chi cục QLCL&BVNLTS xác định chất lượng nước kênh giảm dần về hướng thượng nguồn (từ cầu số 4 đến cầu số 1, thuộc quận Tân Bình).

“Nhiều đoạn mực nước thấp, nước đứng, có màu nâu sẫm, có mùi hôi, một số chỉ tiêu như DO, NH4, NH3 vượt ngưỡng cho phép. Đây là nguyên nhân gây bất lợi cho sự phát triển bình thường của các loài cá và thủy sinh vật trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè” - Chi cục QLCL&BVNLTS nhận định.

Trước đó, trong ngày 13-4, sau khi có hiện tượng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Chi cục QLCL&BVNLTS cũng đã khảo sát thực tế và lấy mẫu nước kiểm nghiệm. Kết quả kiểm tra cũng xác định nước kênh bị ô nhiễm, nhất là ở đoạn thượng nguồn (ảnh).

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Long Giao, Giám đốc Xí nghiệp Trạm bơm nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đơn vị vận hành hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP.HCM), cho rằng nước kênh ô nhiễm trong hai đợt vừa qua đều do ảnh hưởng từ mưa. “Ngày 28-4 cũng có mưa nên ngày 29 và 30-4 nước kênh bị ô nhiễm, đoạn thượng nguồn có hiện tượng cá chết. Đến nay nước kênh đã bớt ô nhiễm. Trong những ngày tới chúng tôi sẽ tiếp tục thau rửa để nước kênh trong sạch hơn” - ông Giao cho biết thêm.

Thứ Ba, ngày 5/5/2015 - 00:55
TRUNG THANH

Mừng 40 năm: giễu văn với giễu binh


Ăn mừng đại thắng dzui kinh:
Giễu văn đi với giễu binh một phường

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Bài đọc của Thủ tướng Ba Ếch trong buổi lễ mừng 40 năm Ngày Thống nhất Đất Nước tại Thành Hồ vừa qua đã khiến cho một bộ phận không nhỏ trong lẫn ngoài quần chúng nhân dân chưng hửng, ngạc nhiên, nhưng dù ai có phản động đến mấy cũng đều phải công nhận đó là một bài giễu văn rất "ăn khớp" với cuộc giễu binh (nhấn mạnh: khác với diễu binh) của quân ta anh hùng.

Sau đây là những nét giễu trong bài văn đọc trước khi đoàn quân vừa đi vừa giễu:

Một là, Trong đoạn "Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Chúng ta đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.", người nghe thấy lù lù cù thằng khố rách áo ôm, ăn mày bị gậy đi cứu đói anh nhà giàu; anh đang bị trói tay bịt miệng đi giải trói giải bịt cho chị thoải mái tự do; thống nhất là thống nhất trong cảnh đói phờ râu cả nước, đến độ phải "đổi mới tư duy" quy hàng Tư Bản học đòi làm ăn theo Kinh tế Thị trường; độc lập theo kiểu không dám gọi đích danh tàu Tàu vào hải phận trấn lột ngư dân VN lại phải gọi là "tàu lạ"; còn "dân chủ" VN vô địch thế giới về số người "tự tử" trong đồn Công An; "công bằng" thì nhà dân thu trăm lần nhà thờ họ nhà Ếch; "văn minh" thì chỉ cần xem hình ảnh nam thanh nữ tú bu nhau bẻ đào Nhật, giật hoa tre ở lễ hội Thánh Gióng, hay mới nhất là cảnh Hỗn loạn "Bikini Hà Nội" (1) của thanh niên "Thủ đô của phẩm giá con người"


Hai là, "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào": Mỹ nó đã tự cút khỏi Miền Nam sau khi đã dàn xếp "nước VN ta anh hùng" xong xuôi với "anh cả" Chai Na từ năm 1973, chứ đâu phải chờ đến 1975. Ngày 30 Tháng Tư ta vừa đốt pháo,"nổ" ăn mừng 40 năm đại thắng là đại thắng nhân dân Miền Nam (nên mới có câu "Tiến lên chiến sĩ đồng bào, Đánh cho chết mẹ đồng bào Miền nam". Quân Ngụy tuy có "nhào" đấy, nhưng nó có đánh đấm gì đâu. Ngụy chỉ bỏ chạy thôi, chạy không phải vì hèn nhát, nhưng chạy vì súng đạn do Mỹ viện trợ đã bị cúp, trong khi trái lại, bộ đội cụ Hồ được Liên Xô, Chai Na thừa thắng Hiệp định Paris 73 xông lên tăng cung cấp dồi dào chiến cụ đủ thứ "chất lượng" lẫn "số lượng", nên mới có chuyện trong giễu văn, Ba Ếch đã không ngớt ca ngợi, cảm ơn Chai Na và Liên Xô, mặc dầu "ông" Liên Xô chết banh xác đã 25 năm rồi, tượng ông nội Lê Nin đã bị tròng cổ lôi ra bãi rác nằm sấp ngửa lền kên.

Ba là, "...nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quí hơn độc lập tự do. Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành mệnh lệnh thiêng liêng của lý trí và trái tim của mỗi người Việt Nam." Cái Độc lập tự do không có gì quý hơn của "bác Hồ" đưa ra dụ khị đồng bào đi theo CS đâu phải thứ độc lập tự do "cái con c.c" của tên Trung tá Côn an Vũ Văn Hiển Phường 3 Quận 10 TP Hồ Chí Minh quang vinh kia. Tự do như cái con trong quần nên khi nào cũng được đảng ta bịt kín túm kỹ bằng điều 258 Bộ luật Hình Sự...

Bốn là, "Chúng ta luôn ghi nhớ và biết ơn các đồng chí Lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến cùng đồng bào, đồng chí trên mọi miền đất nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã cống hiến máu xương, trí tuệ, tài năng, công sức, của cải cho cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại". Lão thành Cách Mạng thì nay đã nhiều vị oải Cách Mạng ra mặt lắm rồi, bỏ thẻ đảng hơi bị nhiều; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thì ngực mang huân chương tay cầm bảng kêu oan; gia đình liệt sĩ lắm kẻ đã thành liệt sức vì kêu oan đã bao nhiêu năm; bà mẹ đóng góp của cải cho Cách Mạng có ai nhiều bằng Bà Cát Hạnh Long Nguyễn Thị Năm đã bị C.B (Của Bác) kết tội qua bài viết bài "Địa chủ ác ghê", và sau đó bác Hồ bịt râu giấu mặt đi coi đấu tố rồi giết tại chỗ rồi về sau bác giễu trò khóc hu hu.

Năm là, chửi Mỹ Ngụy như tát nước vào mặt người ta trong khi VN đang mong được Mỹ cho gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement); đang hợp tác với Mỹ trong nhiều lãnh vực, kể cả quốc phòng, đào tạo giáo dục; đang kêu gọi quên hận thù, hòa giải hòa hợp; đó là chưa nói đến chuyện cá nhân mình đang làm sui gia với Ngụy gộc, và cháu ngoại đầu tiên là công dân Mỹ.

Sáu là,... nếu kể cho hết những cái giễu trong bài diễu văn của Thủ tướng Ba Ếch vừa rồi thì cho tới khi xây dựng xong CNXH của bác Cả Lú đã hết chưa. Nhưng bấy nhiêu cái giễu thôi cũng đã thừa sức "ăn khớp" với cảnh giễu binh sau đó.

Giễu binh thay vì diễu binh, là vì ai đời, trên khán đài Thủ tướng hô "đánh cho Mỹ cút.." mà dưới đường quân chiến thắng áo quần bảnh bao, giày mũ đàng hoàng, sắp hàng đi chân hất hất, cẳng nện nện, mặt gằm gằm, tay ôm cứng cây súng M.18 của Mỹ.
Đúng là:

Ăn mừng đại thắng dzui kinh:
Giễu văn đi với giễu binh một phường...

04.05.2015