Thursday, February 20, 2014

Khi công an dùng nhục hình

21/02/2014 08:50 (GMT + 7)

TT - Trong hai năm trở lại đây, tại hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa có nhiều vụ công an, điều tra viên bị truy tố do sử dụng nhục hình với nghi can. Điều đó thể hiện sự nghiêm minh của luật pháp, nhưng cũng cho thấy tình trạng vi phạm pháp luật ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật.
Nguyên sĩ quan công an Lang Thành Dũng ra tòa, lãnh án 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội dùng nhục hình với ông Nguyễn Trường Vũ - Ảnh: Duy Thanh
Dư luận tại tỉnh Phú Yên rất quan tâm vụ án có đến năm sĩ quan công an bị truy tố tội “dùng nhục hình”, đang chờ ngày ra pháp đình.
Trong số năm bị cáo có một người thuộc Công an tỉnh Phú Yên là Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá thuộc Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội). Bốn người còn lại của Công an TP Tuy Hòa gồm: Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá, đội phó đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội), Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy thuộc đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội), Đỗ Như Huy (nguyên trung úy thuộc đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) và Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, cán bộ điều tra).
Nhiều vụ đánh nghi can thương vong
Theo hồ sơ, ngày 13-5-2012, tại cơ quan Công an TP Tuy Hòa, trong quá trình xét hỏi nghi can Ngô Thanh Kiều (sinh năm 1982, ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) về hành vi trộm cắp tài sản, năm công an nói trên đã đánh anh Kiều. Chiều cùng ngày, khi được đưa đến Công an tỉnh Phú Yên để làm việc thì anh Kiều choáng và chết trên đường đưa đi cấp cứu.
Tại Khánh Hòa, các cơ quan pháp luật ở huyện Vạn Ninh cũng đã khởi tố, bắt giam bị can Lê Minh Phát, nguyên công an viên xã Vạn Long, vì có hành vi truy bắt, đánh đập em Tu Ngọc Thạch (14 tuổi) tại trụ sở công an xã khiến em này tử vong ngày 31-12-2013. Trước đó, trong năm 2012, tòa án đã tuyên phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đối với Lang Thành Dũng, nguyên trung úy Công an TP Nha Trang, vì đã bắt nhầm hai ông Nguyễn Trường Vũ và Trương Chí Bình về trụ sở do nghi trộm cắp, rồi đánh đập đến mức ông Vũ phải đi cấp cứu. Cũng trong năm 2012, tòa án đã tuyên phạt hai nguyên sĩ quan Công an TP Nha Trang là trung úy Nguyễn Đình Quyết 9 tháng tù cho hưởng án treo, đại úy Trần Bá Tuấn mức cảnh cáo vì đã dùng nhục hình đối với bà Trần Thị Lan...
Ngày 20-2, thượng tá Lê Quang Thanh - trưởng Công an huyện Khánh Vĩnh - cho biết ba công an xã Khánh Trung đã bị cho thôi việc vì “có vi phạm các quy định trong công tác”. Cụ thể, vào ngày 5-7-2013 hai anh Cao Văn Lệ (27 tuổi) và Cao Văn Tuyên (19 tuổi) bị Công an xã Khánh Trung gọi đến trụ sở vì nghi hai anh trộm cắp. Tối cùng ngày, công an xã đưa anh Tuyên và anh Lệ vào Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh cấp cứu nhưng bác sĩ xác định anh Tuyên đã tử vong trước khi đến bệnh viện. Anh Lệ nói anh và anh Tuyên đã bị ba công an dùng dùi cui đánh vào tay, chân. Theo thượng tá Thanh, kết luận điều tra cho thấy anh Tuyên chết do bệnh lý phù phổi cấp, không phải do bị đánh.
Ông Nguyễn Trường Vũ - người bị Lang Thành Dũng đánh bị thương - Ảnh: Văn Tạo
Đừng để vừa mất cán bộ, vừa mất uy tín
Tại các phiên tòa xét xử, khi được tòa hỏi vì sao lại dùng nhục hình, ba nguyên sĩ quan Công an TP Nha Trang nêu trên đều lấy lý do nôn nóng phá án và không kiềm chế được sự nóng giận khi các nghi can khai báo mâu thuẫn, lòng vòng! Một lãnh đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa nói: “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở anh em trong lực lượng của mình là cần luôn giữ trái tim nóng và cái đầu lạnh. Áp lực công việc rất lớn, tội phạm lại lưu manh, xấc xược nên anh em dễ bức xúc, nổi nóng. Tuy nhiên, không phải vì nôn nóng phá án hay bức xúc mà công an lại vi phạm pháp luật. Cấm bức cung, nhục hình nghi can, phạm nhân là đã được luật quy định, ngành cũng nghiêm cấm từ lâu nay. Những vụ án dùng nhục hình xảy ra tại Khánh Hòa là những bài học rất lớn, rất đau xót cho lực lượng. Công an tỉnh tăng cường thanh tra và thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở để không xảy ra vi phạm tương tự”.
Chiều 20-2, ông Nguyễn Chuyện - chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh Khánh Hòa - trao đổi: “Công an nếu “mềm” quá thì những kẻ phạm tội sẽ vùng lên, do vậy lực lượng này cần trấn áp, điều tra tội phạm một cách kiên quyết, nhưng phải mưu trí và khôn khéo bằng những biện pháp nghiệp vụ chứ không phải là bắt người ta về trụ sở rồi đánh đập, nhục hình. Thời gian qua, không riêng Khánh Hòa mà còn một số nơi khác xảy ra các vụ công an dùng nhục hình với người khác, phải ra tòa. Hậu quả là ngành mất cán bộ, trong đó có những trinh sát, điều tra viên giỏi; bị mất uy tín vì người của cơ quan bảo vệ pháp luật nhưng lại vi phạm pháp luật”.
Ông Chuyện cho hay chiều 20-2, Ban pháp chế HĐND tỉnh Khánh Hòa họp triển khai kế hoạch giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực tư pháp. Hiện chưa có chương trình chi tiết, nhưng trong đợt giám sát này, Ban pháp chế HĐND tỉnh Khánh Hòa sẽ lưu ý vấn đề công an dùng nhục hình; ngoài ra sẽ giám sát thường xuyên, liên tục vấn đề này để kiến nghị chấn chỉnh, xử lý kịp thời nếu phát hiện có vi phạm.
DUY THANH
Thiếu tướng PHẠM VĂN HÓA (giám đốc Công an tỉnh Phú Yên):
Cứ can phạm chết trong trại thì dư luận cho là do công an đánh
Nhiệm vụ chính của công an khi giam giữ can phạm, nghi can là chống trốn, chống thông cung, chống suy kiệt, chống chết, chống tự sát trong trại. Nhưng ở Phú Yên thì năm này năm khác cũng có các vụ người bị giam tự tử trong nhà giam giữ. Khách quan là do trại giam, nhà tạm giữ xây dựng theo mẫu, được mặt này thì yếu mặt khác. Ví dụ thiết kế buồng giam chống trốn tốt thì lại dễ tự tử vì các song sắt cửa... Can phạm, nghi can vào trại thì tâm lý khác với bên ngoài, muốn tự tử thì thắt cổ không được cũng đập đầu, cắn lưỡi...
Người bị tạm giam chết trong trại thì dư luận luôn đặt vấn đề là bị công an đánh. Bởi vậy chúng tôi chỉ đạo thường xuyên lực lượng công an nhà giam phải tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ, ở các trung tâm quan sát buồng giam bằng camera cũng phải trực 24/24 giờ để khi phát hiện người bị tạm giam, tạm giữ có biểu hiện, hành vi tự tử thì can thiệp, xử lý kịp thời. Đối với phạm nhân mới đưa vào trại tạm giam, nhà tạm giữ thì không được giam lẻ, mà phải giam chung 2-3 người/buồng để họ giám sát, có gì báo kịp thời. Tôi thấy trang bị camera quan sát buồng giam là hiệu quả, nhưng ở Phú Yên chỉ mới trại tạm giam Công an tỉnh được trang bị một số máy, còn các nhà tạm giữ công an cấp huyện thì chưa có kinh phí.
D.T. ghi
Những vụ chết người trong nhà tạm giữ
* Sáng 20-10-2006: anh Phạm Văn Hồng (sinh năm 1985, ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), người bị bắt khẩn cấp một ngày trước đó do có hành vi đốt lưới đánh cá của một người trong thôn, được phát hiện đã chết trong nhà tạm giữ Công an huyện Tuy An. Các cơ quan chức năng kết luận anh Hồng chết do treo cổ tự tử. Do nghi ngờ anh Hồng bị đánh chết, người nhà anh cùng hàng trăm người khác đã đưa quan tài lên thị trấn Chí Thạnh, đặt trên quốc lộ 1 trước mặt các cơ quan của huyện Tuy An, gây ách tắc giao thông, mất an ninh trật tự trong hai ngày 21 và 22-10-2006.
* Ngày 25-4-2011: anh Lê Anh Thắng (sinh năm 1977, ở P.9, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, bị bắt ngày 24-4-2011) chết trong nhà tạm giữ hành chính thuộc trại tạm giam Công an tỉnh Phú Yên. Công an kết luận anh Thắng chết do treo cổ tự tử.
* Lúc 23g ngày 11-8-2011, anh Lê Văn Trận (sinh năm 1985, ở xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, một trong tám nghi can bị bắt vào ngày 11-8-2011 vì liên quan đến một vụ hiếp dâm) chết trong nhà tạm giữ Công an huyện Đông Hòa, được xác định là tự tử. Gia đình anh Trận không nhận thi thể anh vì cho rằng anh chết do nguyên nhân khác nên công an đã tổ chức an táng.
* Lúc 17g30 chiều 7-10-2013: chị Trần Thị Hải Yến (sinh năm 1982, ở xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), bị can trong vụ án “cố ý gây thương tích”, bị bắt tạm giam từ ngày 15-1-2013 ở nhà tạm giữ Công an huyện Tuy An. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên kết luận chị Yến chết do treo cổ tự tử, nhưng gia đình chị Yến chưa đồng ý nên đang khiếu nại.

Neo xe cá, đòi CSGT đền bù hàng ươn thối

21/02/2014 08:21 (GMT + 7)

TT - Cho rằng mình không phạm lỗi, tài xế và chủ xe chở cá từ chối ký vào biên bản cảnh sát giao thông (CSGT) lập, quyết neo xe trước trụ sở công an, khiến gần 3 tấn cá chết sình.

Chiếc xe chở 3 tấn cá đậu tại khu vực bị CSGT kiểm tra - Ảnh: Khoa Nam
Ông Lương Hoàng Mỹ (ngụ ấp Kinh Làng Đông, xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) trình bày khoảng 19g ngày 17-2, trong lúc đang chạy xe tải chở hơn 3 tấn cá đi chợ Bình Điền (TP.HCM) thì bị tổ tuần tra thuộc CSGT huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) chặn lại kiểm tra trên quốc lộ 63, cách trụ sở công an huyện khoảng 20m.
Sau khi kiểm tra giấy đăng ký, bằng lái, đèn, còi, tải trọng... thấy không có vi phạm, tổ tuần tra lập biên bản với lỗi “không chấp hành hiệu lệnh dừng xe”, yêu cầu ông Mỹ phải ký vào biên bản vi phạm mới cho xe đi tiếp. Ông Mỹ không ký biên bản với lý do ông đã chấp hành hiệu lệnh và dừng xe cách vị trí tổ tuần tra ra hiệu lệnh chưa tới 15m.
Theo ông Nguyễn Văn Tho (ngụ ấp Phú Lâm, xã Đông Thái, An Biên) - chủ chiếc xe tải, dù phía công an chỉ giữ giấy tờ, bằng lái chứ không giữ xe nhưng xe không thể đi tiếp nếu không có giấy tờ. “Không hiểu sau đó họ bàn bạc với nhau thế nào, tới khoảng 10g tối họ có gọi điện thoại kêu tôi đến lấy giấy tờ và cho xe đi. Lúc này xác định không thể kịp phiên chợ đầu mối nên tôi không đi nữa. Bình thường 7g xe tôi xuất phát thì chừng 1g sáng là tới Bình Điền. Ở đây 10g đêm cho tôi đi lên tới đó 4-5g sáng thì còn giao cá cho ai được nữa” - ông Tho bức xúc nói.
Ông Nguyễn Văn Cường (ngụ xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng) - chủ số cá - cho hay toàn bộ chuyến hàng gồm gần 1 tấn cá chép, 80kg cá thác lác, 1,65 tấn cá mè, 60kg cá trôi trị giá 80 triệu đồng chết sình gần hết. “Tôi không biết chủ xe làm sao thì làm, hợp đồng với tôi trễ nải giờ giấc, cá tươi thành cá sình thì phải bồi thường cho tôi” - ông Cường nói.
Tại trụ sở đội CSGT Công an huyện U Minh Thượng, trung úy Đàm Minh Thái - tổ trưởng tổ tuần tra giao thông - xác nhận có vụ việc như ông Mỹ phản ảnh. Đồng thời khẳng định đích thân mình ra hiệu bằng gậy yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra khi còn cách chỗ mình đứng 50m. “Tôi trực tiếp ra hiệu, xe không giảm tốc độ, không bật xinhan mà chạy vượt qua rồi mới dừng cách chỗ tôi đứng khoảng 15m, cho nên tôi lập biên bản lỗi không chấp hành hiệu lệnh là đúng” - trung úy Thái khẳng định.
Chiều qua, đại tá Phạm Trung Thành - chánh văn phòng Công an tỉnh Kiên Giang - cho biết có nghe Công an huyện U Minh Thượng báo cáo vụ việc. Theo ông Thành, phía công an huyện khẳng định tổ tuần tra giao thông Công an U Minh Thượng làm đúng quy trình, nhưng tài xế xe vẫn cố tình chạy vượt qua rồi mới dừng lại, do đó lực lượng chức năng lập biên bản lỗi không chấp hành hiệu lệnh là có cơ sở. “Tôi hỏi rồi, anh em nói họ đâu có yêu cầu giữ xe, chỉ lập biên bản giữ giấy tờ nhưng chủ xe không ký. Cái này là lỗi của chủ xe. Bây giờ chủ xe có khiếu nại thì cứ làm đơn gửi thanh tra công an tỉnh xem xét” - ông Thành nói.
Cũng trong chiều 20-2, ông Nguyễn Văn Bình - anh ruột ông Tho - cho hay trong buổi sáng phía công an huyện có thông báo đến gia đình nếu không dời xe tại chỗ neo đậu thì sẽ xử phạt thêm lỗi gây ô nhiễm môi trường và lấn chiếm lòng lề đường. Tuy nhiên, ông Bình yêu cầu nếu muốn dời xe thì phải cử người ra lập biên bản hiện trường, kiểm đếm số cá ươn trên xe nhưng không thấy ai đến.
KHOA NAM

Trường sư phạm cấp bằng kinh tế, ai dùng?

- Nhiều ý kiến đặt ra tại buổi làm việc sáng 20/2 giữa Bộ GD-ĐT và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là cần xác định đúng nhiệm vụ của trường sư phạm. Trường gắn mác "sư phạm" không thể chạy theo số đông: đào tạo đa ngành.

Theo ông Hồ Văn Liên - khoa Tâm lý (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), sứ mạng của trường sư phạm là đào tạo nhà giáo. Nhưng hiện nay các trường sư phạm ngoài đào tạo giáo viên, có nhiều khoa “chẳng liên quan gì” tới sư phạm. Do vậy cần phải xác định lại sứ mạng của trường bằng cách thay đổi cơ cấu, tư duy, hệ thống.
sư phạm, đại học, bằng, Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Các đại biểu chăm chú lăng nghe và đề xuất ý kiến
"Đối với việc đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đề nghị tuyển đầu vào là học sinh THPT. Đối với đào tạo giáo viên THPT, CĐ, ĐH cần tuyển sinh đa dạng để lựa chọn những người có trình độ…" - ông Liên đề xuất.
Ý kiến khác cho rằng: “Nên đào tạo giáo viên sau khi đã học 4 năm cử nhân cộng 1 năm sư phạm. Trong thời gian 1 năm học sư phạm cần cho sinh viên hưởng những chế độ đặc biệt, do xét trên khía cạnh năm này nếu không học họ đã đi làm và có thu nhập”.
Phản bác lại ý kiến này, ông Ngọ (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nêu quan điểm, chỉ cần đào tạo như cũ là được (đầu vào từ THPT). Việc đào tạo giáo viên từ cử nhân rất hạn chế. Hơn nữa nguồn này không đáng tin cậy, thiếu ý thức nghề nghiệp ngay từ đầu.
“Nếu đào tạo như vậy những người trước đây có tham vọng vào tài chính, kế toán không được nay cũng chạy sang sư phạm thì nguy. Cần tổ chức kì thi nghiêm túc, nghiêm minh, chặt chẽ để chọn được người có tài” – ông Ngọ nói.
Còn ông Nguyễn Đình Thi, trưởng Khoa Ngữ văn cho rằng, nhiệm vụ của trường sư phạm là đào tạo giáo viên, những người ngoài nhiệm vụ giáo viên mà kiêm nhiệm công tác giảng dạy phải có nhiệm vụ khác. Cốt yếu là ĐH SP phải làm rõ hai việc-đào tạo người giáo viên truyền thống (truyền thụ được chương trình của Bộ, không có năng lực thích ứng) và giáo viên sau năm 2015 (chuyên nghiệp, thích ứng) tránh tình trạng học vài ba tháng ra làm giáo viên.
Đào tạo đa ngành phải bỏ mác "sư phạm"
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, sứ mạng của trường ĐHSP là đào tạo ra giáo viên có năng lực. Bao gồm năng lực khoa học (khác khoa học tự nhiên) và năng lực sư phạm (nghiệp vụ, kỹ năng, năng lực thực hành sư phạm, phát triển nghề nghiệp). Trường sư phạm không thể đào tạo ra những sinh viên thích ứng với chương trình giáo dục phổ thông mà phải đào tạo ra giáo viên chuyên nghiệp.
“Trung bình một giáo viên công tác giảng dạy khoảng 40 năm, trong khi chương trình giáo dục phổ thông thay đổi 10 năm một lần, một giáo viên phải thay đổi được ít nhất 4 lần. Nếu giáo viên không có trải nghiệm sáng tạo, không năng lực sẽ không đào tạo ra được những sinh viên tốt. Mình đã nghèo lại rải mành mành ra nguy ” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói.
Theo thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, giáo dục Việt Nam gần đây đã được cải thiện, được đánh giá cao (ví dụ thông qua kết quả PISA) nhưng điều đó không có nghĩa nền giáo dục đã tốt. Cần nhìn ra những yếu kém để tìm cách khắc phục.
Tiếp thu các ý kiến, Bộ trường Phạm Vũ Luận cho rằng có hai nhóm ý kiến về trường sư phạm.
sư phạm, đại học, bằng, Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: "Một trường đã dính đến từ "sư phạm" - nếu các đồng chí cấp bằng kinh doanh, kinh tế thì chẳng ai dùng...."
Nhóm thứ nhất là quy hoạch lại mạng lưới sư phạm, không nên để các trường đào tạo đa ngành. Các ngành phụ mọc ra đôi lúc khỏe hơn, át cả nhóm ngành sư phạm.
Nhóm thứ hai cho rằng, nên bỏ từ trường sư phạm biến thành trường đa ngành để đào tạo ngành khác ngoài sư phạm như vậy là ngược nhau.
"Một trường đã dính đến từ "sư phạm" - nếu các đồng chí cấp bằng kinh doanh, kinh tế thì chẳng ai dùng" - lời Bộ trưởng. Vấn đề này đã từng xảy ra tại Trường ĐH Sư phạm Hải Phòng, chúng tôi đã quyết định bỏ tên sư phạm. Ai lại tốt nghiệp kế toán mà hiệu trưởng trường sư phạm cấp bằng thì ai dùng?
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, có nhiều ý kiến cho xu hướng phát triển trường sư phạm là bình thường, tránh hai trường hợp “đẽo cày giữa đường” và tình trạng “nhắm mắt bịt tai không nghe ai”.
Phải lấy đổi mới phổ thông làm mục tiêu định vị cho đổi mới sư phạm (lý do là phổ thông đang thay đổi). Còn tinh thần của Bộ nếu lựa chọn ĐH và sau ĐH sẽ tập trung giải quyết ĐH; giữa chính quy và không chính quy sẽ giải quyết chính quy; giữa đào tạo và đào tạo lại sẽ chú trọng đào tạo lại.
Lê Huyền

Kiểm điểm học sinh quay clip thầy đánh trò!!!

 - Chiều 20/2, bà Quách Nguyễn Huyền Trân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), cho PV VietNamNet biết là đã có hình thức phê bình, kiểm điểm học sinh Đ.D.T - người quay clip vì vi phạm nội quy mang điện thoại vào lớp học.

Theo bà Trân, việc em T bị kiểm điểm, phê bình không phải nhà trường che giấu thông tin mà theo quy định của nhà trường thì học sinh không được sử dụng điện thoại trong giờ học vì để tránh tình trạng học sinh dùng điện thoại vào việc riêng như chơi game làm ảnh hưởng đến học tập của các em.
Học sinh, thầy giáo, đánh nhau
Hình ảnh thầy và trò “so găng” trên bục giảng (ảnh cắt từ clip)
“Để không ảnh hưởng tới công tác dạy và học của trường. Nhà trường sẽ tiến hành mở 2 cuộc họp kỷ luật đối với giáo viên và học sinh liên quan trong clip theo quy định. Kết quả kỷ luật cuối cùng sẽ được thông qua trong cuộc họp ngày 22/2 sắp tới”, bà Trân cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Sở GD-ĐT Bình Định, ông Đào Đức Tuấn - Phó Giám đốc Sở, cho biết: “Đây là vụ việc rất quan trọng liên quan đến đạo đức người thầy nên chúng tôi không thể nóng vội được. Tuy nhiên, Sở đang phối hơp cùng nhà trường khẩn trương tiến hành xử lý vụ việc theo đúng trình tự. Sở cũng đã yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc trên, xử lý kỷ luật nghiêm theo Điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học và báo cáo cụ thể hướng xử lý vụ việc cho Giám đốc Sở. Quan điểm chỉ đạo xử lý của Sở là xử lý kỷ luật nghiêm túc, đúng điều lệ, không bao che, thiên vị”.
Trước đó, sáng 19/2, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định - ông Đào Đức Tuấn đã có cuộc làm việc với Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Huệ. Ông Tuấn yêu cầu lập ngay hội đồng kỷ luật, xử lý rốt ráo trách nhiệm từng cá nhân có liên quan, gửi kết quả về sở để kịp báo cáo lên UBND tỉnh đúng thời hạn.
Hoàng Nhật Minh

Thêm một vụ tai nạn kinh hoàng làm 1 người chết, hơn 20 người bị thương.

(Dân trí) - Đang chạy nhanh qua ngã tư giao lộ, chiếc xe khách bất ngờ đâm mạnh vào xe container đang sang đường khiến 1 người tử vong tại chỗ và hàng chục hành khách bị thương nặng.

Vào khoảng 2h sáng ngày 21/2 trên quốc lộ 1A, đoạn ngã tư Nam cầu Bến Thủy 2, thuộc khối 1, thị trấn Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 1 người tử vong tại chỗ và hơn 20 hành khách khác bị thương.
Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng.
Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng.
Theo đó, vào thời điểm trên, khi chiếc xe khách mang BKS 47B-007.07 do tài xế Huỳnh Lý Kim Cường (SN 1973, trú tại tỉnh Đắk Lắk) điều khiển theo hướng Nam - Bắc. Khi đi đến ngã tư giao nhau với quốc lộ 8B, chiếc xe khách đã bất ngờ đâm thẳng vào xe container mang BKS 43C-030.51 do tài xế Nguyễn Văn Huynh (SN 1977) điều khiển đang đi qua ngã tư.
Vụ tai nạn đã khiến phụ xe khách tử vong tại chỗ và hơn 20 hành khách khác bị thương. Tài xế xe khách bị thương nặng, hiện đang được cấp cứu tại bệnh việng. May mắn, tài xế cùng phụ xe container chỉ bị thương nhẹ.
Chiếc xe khách bị biến dạng hoàn toàn phần đầu.
Chiếc xe khách bị biến dạng hoàn toàn phần đầu.
Tại hiện trường, chiếc xe khách đâm mạnh khiến xe container lao sang phía lề đường, húc đổ cột điện cao thế và nằm lật nghiêng. May mắn, xe container đã không lao vào 1 nhà dân gần đó khi chỉ cách khoảng hơn 1m.
Do vụ tai nạn xảy ra tại ngã tư nên giao thông qua đây bị hỗn loạn nhiều giờ.
Cú đâm mạnh đã đẩy chiếc xe container lao sang phía lề đường và lật nghiêng.
Cú đâm mạnh đã đẩy chiếc xe container lao sang phía lề đường và lật nghiêng.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, cơ quan công an huyện Nghi Xuân đã có mặt tại hiện trường, đưa các nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện đồng thời điều tiết giao thông, tránh ùn tắc trên quốc lộ.
Hiện vụ việc đang tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Vụ tai nạn đã làm phụ xe khách tử vong tại chỗ và hơn 20 hành khách khác bị thương.
Vụ tai nạn đã làm phụ xe khách tử vong tại chỗ và hơn 20 hành khách khác bị thương.
Do vụ tai nạn xảy ra tại ngã tư nên giao thông qua đây bị hỗn loạn nhiều giờ.
Do vụ tai nạn xảy ra tại ngã tư nên giao thông qua đây bị hỗn loạn nhiều giờ.
Nguyễn Duy - Nguyễn Viết

Nghệ thuật lãnh đạo một quốc gia

ĐĂNG NGÀY: 21.02.2014 

VRNs (21.02.2014) – New York, USA - Vào ngày 7-2-2014 vừa qua, TNS Mark Warner (Dân Chủ, Virginia) đã họp mặt thân mật với khoảng 100 người Mỹ gốc Á châu tại Centreville, một thành phố nhỏ thuộc miền Bắc Virginia do Hội Đồng Người Mỹ gốc Đại Hàn tổ chức (Council of Korean Americans). Sau phần nói chuyện về những vấn đề quốc nội bao gồm việc làm, phát triển kinh doanh, giáo dục, y tế (Obamacare), và nợ quốc gia, TNS Warner mời mọi người tham dự phần hỏi đáp. Để giúp phá vỡ bầu không khí yên lặng và lạnh lẽo vào một ngày giữa mùa đông ở ngoại ô thủ đô liên bang, tôi đã nêu lên một câu hỏi đầu tiên: Đa số dân Hoa Kỳ chúng tôi không thích tình trạng bế tắc tại Washington, làm thế nào để chấm dứt tình trạng này?
14022100TNS Mark Warner đưa ra ba ra đề nghị mà ông cho rằng cụ thể:
(1) Các dân biểu và nghị sĩ tiếp súc và tìm hiểu với những người khác đảng. Trong năm năm vừa qua, ông đã cùng TNS Lamar Alexander (Cộng Hòa, Tennessee) tổ chức nhiều bữa cơm mỗi lần có 20 nghị sĩ tham dự.
(2) Các dân biểu và nghị sĩ làm việc chung với các người khác đảng. Đối với những dự luật lớn, TNS Mark Warner đều mời một thượng nghị sĩ Cộng Hòa cùng đỡ đầu. Thí dụ TNS Warner đã cùng làm việc với TNS Saxby Chambliss (Cộng Hòa, Georgia) về một dự luật giảm ngân sách thiếu hụt, với TNS Rob Portman (Cộng Hòa, Ohio) về một dự luật liến quan đến nhà ở, và với TNS Roy Blunt (Cộng Hòa, Missouri) về một dự luật liên hệ đến cơ sở hạ tầng.
(3) Cử tri có thể làm được hai việc. Thứ nhất là không bỏ phiếu cho ứng cử viên nào có lập trường cực đoan. Những người cực đoan thường hay tuyên bố những câu như không bao giờ tăng thuế, không bao giờ đụng tới an sinh xã hội, hay không bao giờ thay đổi Medicare. Thứ hai là cử tri ủng hộ những người khác đảng nếu thấy họ làm việc đúng.
TNS Mark Warner nhân dịp này thông báo rằng ông vừa được cựu TNS John Warner (Cộng Hòa, Virgina), từng phục vụ ở Thượng Viện trong 30 năm liên tục từ 1979 đến 2009, ủng hộ trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay. Mặc dù TNS Mark Warner đã từng ra tranh cử để dành chiếc ghế của TNS John Warner vào năm 1996 với khẩu hiệu “Mark, not John” nhưng Mark thất bại.
Tình trạng bế tắc tại Washington đi đến chỗ tột đỉnh khiến cho Chính Phủ Liên Bang Hoa Kỳ phải đóng cửa trong 16 ngày vào năm vừa qua. Cựu TNS Olympia Snowe (Cộng Hòa, Maine) nhận xét rằng thay vì hoạch định chánh sách, Quốc Hội dùng lá phiếu bắt lỗi nhau để dành ảnh hưởng chính trị. Thay vì làm luật tất cả chỉ là tu chính những thông điệp để dành những thắng lợi trong cuộc bầu cử tới. Hậu quả là Quốc Hội liên tiếp tạo ra những cuộc khủng hoảng tự làm tổn thương chính mình. Bà Snowe tin rằng vẫn còn có hi vọng: Sau cùng chúng ta sẽ có một chánh quyền mà chúng ta đòi hỏi. Vai trò của một công bộc là giải quyết vấn đề và thực sự cải thiện đời sống của công dân. Điều cần thiết bây giờ là một đối lực để chống lại chủ nghĩa cực đoan, một sự công nhận được công chúng ủng hộ mạnh mẽ rằng thỏa hiệp là sức mạnh, hòa giải là can đảm, và xây dựng sự đồng thuận là vinh dự.
Sau khi làm dân biểu tại Hạ Viện Hoa Kỳ trong thời gian 1979-1994 và trở thành thượng nghị sĩ trong thời gian 1995-2003, Bà Snowe vào năm 2012 đã làm một quyết định khó khăn là không ra tranh cử nữa. Theo bà Snowe, luôn luôn có sự chia rẽ chính trị sâu sa trong chánh quyền, nhưng quyền lợi của đất nước ở trên hết đã kết hợp các phe phái lại. Nay sự phân hóa chính trị quá trầm trọng sẽ không giảm bớt trong ngắn hạn. Do đó, bà muốn ra khỏi chánh quyền để tranh đấu cho sự hợp tác giữa hai đảng. 1/
Những cuộc tranh chấp về chi tiêu không phải là điều bất thường. Trong quá khứ Quốc Hội Hoa Kỳ đã từng không phê chuẩn ngân sách đúng thời hạn. Nhưng lần tranh chấp vào năm 2013 có một điều bất thường là các dân biểu Cộng Hòa không chống ngân sách mà chống chương trình cải tổ y tế của Tổng Thống Obama. Lúc đầu, khối dân biểu Cộng Hòa này đòi hủy bỏ toàn bộ ngân sách dành cho Obamacare. Khi thời hạn của cuộc thương thuyết về ngân sách gần kề, khối dân biểu Cộng Hòa thay đổi chiến thuật, chỉ còn đòi triển hạn thời gian mua bảo hiểm y tế theo Obamacare một năm. 2/
Nhóm cực đoan thuộc Đảng Trà (Tea Party) trong Đảng Cộng Hòa chỉ chiếm 10% tổng số thành viên của Quốc Hội Hoa Kỳ và 20% công luận. Họ bị những đảng viên Cộng Hòa ôn hòa gọi là Taliban. Một cuộc điều nghiên của Quinnipac University cho thấy rằng 72% dân Mỹ chống lại việc dùng chiến thuật đóng cửa chính quyền để ngăn cản việc thi hành Obamacare. Mặc dù đa số dân Mỹ không đồng ý về Luật Cải Tổ Y Tế. 3/
Vấn đề nghiêm trọng ở chỗ là việc đóng cửa chánh quyền chỉ là triệu chứng bên ngoài của một tình trạng nghiêm trọng hơn như cựu TNS Olympia Snowe đã nói ở trên. Đó là sự phân hóa giữa các nhà lập pháp đã làm cho tiến trình soạn thảo về phê chuẩn luật bị tê liệt. Tạp chí Anh The Econmist đăng một bài tham luận với tựa đề phản ảnh đúng thực trạng của nước Mỹ vào năm 2013: “America’s Government Shutdown: No Way to Run a Country.” (Chính quyền của nước Mỹ Đóng Cửa: Không Có Cách Nào Để Điều Hành Một Quốc Gia.”
Hơn 2,000 năm trước đây ở phương Tây cũng đã có một nhà hiền triết và cũng là một chánh khách lỗi lạc cũng ưu tư về việc vận hành của một quốc gia. Vào thời đó La Mã đã là một nước văn minh và đã thiết lập được một chế độ Cộng Hòa. Chánh khách La Mã đó là Marcus Tullius Cicero. Ông đã đưa ra một số nguyên tắc về lãnh đạo quốc gia, cân bằng về quyền lực, bạn và thù, thuyết phục và thỏa hiệp.
Trong suốt cuộc đời, Ông Marcus Tullius Cicero đã chứng kiến những năm huy hoàng của nước La Mã dưới chế độ Cộng Hòa. Ông cũng đã nhìn thấy nước La Mã bành trướng để trở thành một đế quốc rộng lớn trải rộng qua Địa Trung Hải xuống tận Bắc Phi và Trung Đông. Ông trông thấy tận mắt sự xụp đổ của chế độ Cộng Hòa để nhường chỗ cho những chế độ độc tài tham nhũng, lạm dụng, áp bức, tiêu diệt các đối lập chính trị, ở trong nước cũng như tại hải ngoại. Binh sĩ trung thành với tướng lãnh thay vì đối với đất nước. Những phe cánh chánh trị chống đối lẫn nhau, không ai nghe ai, kinh tế trì trệ, và nạn thất nghiệp là một đe dọa cho sự ổn định. Một khi dành được quyền hành những kẻ độc tài không dễ nhả ra.
Cha mẹ của Marcus Tullius Cicero đã tạo điều kiện cho ông và người em trai được có một nền giáo dục tốt đẹp. Sau khi phục vụ trong quân đội một thời gian ngắn, Ông Cicero học luật và trở thành luật sư. Sau khi hành nghề luật sư một thời gian ông qua học tại Hy Lạp và Rhodes (một hòn đảo ở Địa Trung Hải thuộc Hy Lạp). Khi trở về nước, ông dần dần thăng tiến và giữ chức vụ quan tòa cao nhất của nước Cộng Hòa La Mã Cổ (ancient Roman Republic). Trong thời gian này ông được mời nhưng từ chối hợp tác với liên minh chính trị bộ ba Pompey, Crassus và Julius Caesar điều hành La Mã ở hậu trường, trái với hiến pháp. 4/
Marcus Tullius Cicero không phải là một chính trị gia (politician) mà là một chánh khách (stateman) đại tài của La Mã, một loại người hiếm hoi trong xã hội xưa và lại càng hiếm hoi trong xã hội văn minh ngày nay. Cicero là một người bảo thủ ôn hòa. Ông viết rất nhiều về vấn đề làm thế nào để điều hành một quốc gia. Tư tưởng của ông vượt qua giới hạn của thời gian lẫn không gian, vẫn còn giá trị đến bây giờ. Việc sử dụng và lạm dụng quyền hành thay đổi rất ít trong 2,000 năm vừa qua. Ông chủ trương làm việc với các đảng phái để phục vụ quyền lợi của đất nước và dân tộc. 5/
Marcus Tullius Cicero đưa ra một số nguyên tắc để điều hành đất nước hơn 2,000 năm trước. Nay vẫn còn áp dụng được không những cho một nước tiền tiến và dân chủ như Hoa Kỳ mà còn cho cả một nước độc tài, thối nát và chậm tiến như CSVN.
1. Luật Tự Nhiên (natural law)
Luật Tự nhiên bảo đảm tự do cho mọi người và giới hạn cách điều hành của chính quyền. Vũ trụ tuân lệnh của Thượng Đế cũng như biển cả và đất tuân lệnh của vũ trụ. Do đó nhân loại phải tuân theo luật tối thượng này. Nó áp dụng cho mọi người ở tất cả mọi nơi và mọi thời gian. Quy luật của chánh quyền là phải phù hợp với công lý và luật tự nhiên căn bản.
2. Cân Bằng Về Quyền Lực (balance of power)
Đối với Cicero, một chánh quyền tốt nhất là một chánh quyền bao gồm những tính chất tốt đẹp nhất của chế độ quân chủ (monarchy), chế độ quý tộc (aristocracy), và chế độ dân chủ (democracy), giống như trường hợp của nước Cộng Hòa La Mã. Khi chánh quyền chỉ theo một trong ba chế độ này để cai trị, nó thường thoái hóa thành một chánh quyền suy đồi – vua trở thành bạo chúa, chế độ quý tộc trở thành một thứ chánh quyền mà quyền hành tập trung vào một thiểu số phe phái, và chế độ dân chủ biến thành một chế độ hỗn loạn vô chánh phủ. Một chánh quyền hợp lý phải được xây dựng trên nền tảng kiểm chế và cân bằng (checks and balances). Chúng ta phải coi chừng những lãnh tụ đòi ngưng thi hành hiến pháp vì lý do an ninh hoặc muốn thi hành một điều gì nhanh chóng.
3. Lãnh đạo (leadership)
Những nhà lãnh đạo phải có cá tính đặc biệt và liêm chính. Những người muốn cầm quyền một nước phải thật can đảm, tài năng, và quyết tâm. Những người lãnh đạo thật sự luôn luôn đặt quyền lợi của quốc gia lên trên quyền lợi cá nhân và phe phái.
4. Bạn và thù (friends and enemies)
Cicero nhiều bạn nhưng cũng lắm kẻ thù khi ông chèo lên cái thang chính trị. Những người lãnh đạo sẽ thất bại nếu như thiếu tôn trọng bạn và đồng minh. Không bao giờ được sao lãng những người ủng hộ mình và quan trọng hơn nữa là luôn luôn phải biết chắc chắn kẻ thù đang làm gì. Đừng sợ sệt phải dang tay với tới người chống đối mình. Kiêu căng và cứng đầu là những xa xỉ phẩm mà chúng ta có thể có.
5. Thuyết phục (persuasion)
Trong thời đại xa xưa chưa có thông tin điện tử, chưa có máy đánh chữ và máy in, chưa có phương tiện truyền thông đại chúng, khả năng nói và thuyết phục được những đám đông nhỏ hay lớn rất cần thiết. Nhưng đối với Cicero, một nhà hùng biện không phải chỉ là một người đọc diễn văn hùng hồn mà còn là một chánh khách có khả năng diễn tả được sức mạnh của một ý tưởng cho công chúng dựa trên kiến thức và khôn ngoan. Một nhà hùng biện thật sự có thể thuyết phục những người nghe đồng ý với mình không phải vì nghệ thuật biết dùng lời nói, mặc dù quan trọng, nhưng là vì họ hiểu biết những điều gì họ nói và quan tâm sâu sa đến đất nước. Những người điều hành một nước phải là những người tài giỏi, thông minh và lanh lợi nhất nước. Nếu những nhà lãnh đạo không có kiến thức đầy đủ về những điều mình nói, bài diễn văn của mình sẽ chỉ gồm những từ ngữ rỗng tuếch và hành động của họ sẽ sai lầm một cách nguy hiểm.
6. Thỏa hiệp (compromise)
Đối với Cicero, chính trị là một nghệ thuật của điều có thể làm được, không phải là trận địa của những gì tuyệt đối. 6/ Ông kiên quyết tin vào những giá trị truyền thống và uy thế tối cao của pháp luật. Nhưng ông cũng biết rằng để có thể làm được việc, những phe phái khác nhau trong một quốc gia phải sẵn sàng làm việc với nhau. Một chánh trị gia thỉnh thoảng phải dẹp sự kiêu hãnh của mình để làm một việc tốt.
Cicero nói rằng trong chính trị, hoàn cảnh luôn luôn biến đổi, nếu giữ một lập trường bất di bất dịch là thiếu trách nhiệm. Có những lúc cần phãi giữ lập trường, nhưng kiên quyết từ chối nhượng bộ là một dấu hiệu của yếu đuối, không phải sức mạnh.
7. Tiền và quyền lực (money and power)
Mọi quốc gia đều cần lợi tức để hoạt động. Nhưng Cicero tuyên bố rằng mục đích chính của một chánh quyền là bảo đảm cho tất cả mọi cá nhân được giữ những gì thuộc về họ và không phân phối lại của cải. Mặt khác, ông lên án việc tập trung của cải vào tay của một số ít người. Ông khẳng định rằng một quốc gia có bổn phận cung cấp dịch vụ căn bản và an ninh cho công dân.
Thuế là một thứ phiền hà nhưng rất cần thiết để tài trợ một đội quân lớn. Những chính trị gia phải cố gắng tránh đánh thuế tài sản như tổ tiên của chúng ta đã làm vì ngân quỹ quốc gia trống rỗng và chiến tranh liên miên. Nếu tuyệt đối cần thiết phải đánh thuế, tạo thêm gánh nặng cho người dân, những người lãnh đạo chính quyền phải làm cho mọi người hiểu rằng sự an toàn của họ tùy thuộc vào việc thực hiện thứ thuế này.
Cicero không phản đối việc giảm thuế cho người nghèo, nhưng ông báo động về trường hợp các chính trị gia đi quá xa và lên án bản chất tham lam của những người phục vụ trong chính quyền để chỉ phục vụ chính họ. Ông nói thêm rằng trong khi bảo vệ quyền của những cá nhân, chúng ta phải đoan chắc rằng những gì chúng ta đang làm cũng sẽ đem lại ích lợi hoặc ít nhất không làm hại cho đất nước.
8. Di dân (immigration)
Cicero tin rằng một quốc gia đón mời người ngoài hội nhập thành công dân sẽ trở thành mạnh mẽ hơn. Những công dân mới mang đến năng lực mới và sáng kiến mới. Đế quốc La Mã đã ban quyền công dân cho những người đồng minh tài ba và can đảm nhất và cho những người bạn đã bảo vệ sự an toàn cho La Mã. Những cộng đồng ở Phi Châu, Sicily, Sardinia, và nhiều tỉnh khác đóng thuế cho La Mã cũng được cấp quyền công dân.
9. Chiến tranh (war)
Phát động một cuộc chiến tranh để gìn giữ đất nước, yểm trợ đồng minh, hay bảo vệ danh dự được chấp nhận hoàn toàn. Cicero đồng ý với triết lý này. Nhưng ông cũng nói thêm rằng có những cuộc chiến tranh không thể bào chữa được thí dụ như chiến tranh vì sự tham lam.
10.Tham nhũng (corruption)
Vào cuối thời của Đế Quốc La Mã, tình trạng lạm quyền và tham nhũng lan tràn nhiều nơi. Đối với một người chân thật như Cicero, tham nhũng là một bệnh ung thư phá hoại ngay trung tâm của quốc gia. Hơn 2,000 năm trước, quả thật La Mã là một đế quốc văn minh. Họ đã có tòa án độc lập, đã có công tố viện, đã có bồi thẩm đoàn, đã có luật sư.
Đóng vai trò một ủy viên công tố, Cicero đã lên án Gaius Verres, cựu thống đốc của đảo Sicily, về tội tham nhũng khủng khiếp, ăn chơi xa đọa và bê trễ trách nhiệm. Ông còn cảnh cáo bồi thẩm đoàn nếu không kết án can phạm. Ông đe dọa sẽ buộc tội những kẻ toan tính hối lộ bồi thẩm viên và những kẻ nhận hối lộ.
11. Chế độ chuyên chế (tyranny)
Cicero sống vào giai đoạn những tự do và chế độ Cộng Hòa La Mã đã biến mất. Dân quyền và các đại diện do dân bầu lên đã được thay thế bằng những người dùng binh lực để đoạt lấy quyền hành và làm giầu cho chính họ. Đối với Cicero, chính quyền nằm trong tay một lãnh tụ, kể cả một người có khả năng như Julius Caesar, sẽ đưa đến đại họa, vì quyền hành tuyệt đối sẽ làm hư hỏng ngay cả người tài ba nhất. Cicero chống lại mọi hình thức chuyên chế dù là một người, một nhóm người, hay một tập đoàn vô kỷ luật.
Cách hay nhất để cho một người có thể tạo ra và duy trì quyền hành đối với những người khác là bằng sự mến chuộng chân thật. Cách cai trì tồi tệ nhất là bằng sự sợ hãi. Học giả Ennius đã nói “Người ta căm thù người mà họ sợ – và đối với người họ sợ, họ muốn thấy kẻ đó chết.”
Cicero nhận định rằng không có một quyền lực nào có thể chống lại sự căm thù của cả một dân tộc. Julius Caesar cai trị bằng binh lực, bị một nhóm nghị sĩ ám sát chết lúc 55 tuổi. 7/ Đó là một cái giá một kẻ độc tài tàn bạo phải trả.
Kết luận
Những nguyên tắc lãnh đạo một quốc gia mà Ông Cicero nêu lên ở trên rất quen thuộc với mọi người ờ thế kỷ 21 này. Nhưng một điều chúng ta mới học được là Ông Cicero đã đề cập đến những nguyên tắc này trên 2,000 về trước. Chúng vẫn có thể áp dụng được cho tới bây giờ để điều hành một quốc gia. Đó là những nguyên tắc có một giá trị vĩnh cửu bao gồm tự do, dân chủ, quyền lợi tối thượng của quốc gia, trong sạch trong chánh quyền, cân bằng quyền lực, khả năng lãnh đạo, thỏa hiệp, và công bằng xã hội.
Nếu hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa tại Hoa Kỳ tuân thủ theo những nguyên tắc lãnh đạo quốc gia thì đã không xẩy ra việc chánh phủ phải đóng cửa trên hai tuần lễ trong năm vừa qua. Nếu CSVN cũng theo những nguyên tắc này thì Việt Nam đã trở thành một nước tự do và thịnh vượng từ lâu và những nhà lãnh đạo Việt Nam đã được dân chúng kính trọng và ghi ơn. Sự thực trái ngược. Họ đang bị dân nguyền rủa.
Cái gì đã ngăn cản những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam thi hành những nguyên tắc lãnh đạo quốc gia kể trên? Một số có tư tưởng cực đoan, một số mù quáng, và đa số đặt quyền đảng phái và cá nhân của mình lên trên quyền lợi của đất nước.
Dân chúng Hoa Kỳ đã bộc lộ sự tức giận đối với tình trạng bế tắc ở Washington. Trong một chế độ tự do dân chủ, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã lắng nghe cử tri của họ và đã hiểu rõ đòi hỏi của dân chúng. Hệ thống tam quyền phân lập và sức mạnh của quần chúng sẽ giúp Hoa Kỳ vượt qua mọi khó khăn. Do đó, nhiều sự thay đổi về nhân sự và phương cách làm việc trong chánh quyền sẽ xẫy ra trong năm nay và hai năm tới qua cuộc bầu cử giữa và cuối nhiệm kỳ tổng thống. Sự nghiệp chính trị của Rafael Edward “Ted” Cruz, một thượng nghị sĩ Cộng Hòa mới được bầu lên vào 2013, thủ phạm ồn ào chính trong vụ đóng cửa chánh quyền, sẽ đi xuống thê thảm. Tôi tin rằng tình trạng tê liệt trong chính quyền sẽ được cải thiện một cách ôn hòa.
Tình trạng Việt Nam sẽ tiếp tục bi đát. Với quyền lực tuyệt đối nằm trong tay Bộ Chính Trị gồm 16 thành viên, CSVN coi thường dân, bất chấp nguyện vọng của dân. Nhưng như chánh khách đại tài Cicero đã khẳng định từ 2,000 năm về trước, không một bạo quyền nào có thể chống lại được sức ép do sự căm thù của dân của cả một nước, CSVN sẽ xụp đổ do sức mạnh của 90 triệu người dân Việt Nam. Sự ngoan cố của CSVN nếu tiếp tục sẽ rất có thể đưa đến một cuộc cách mạng đổ máu.
Nguyễn Quốc Khải
Chú thích:
1. Olympia Snowe, “This is no way to run a country,” Los Angeles Times, October 8, 2013.
2. The Economist, “America’s government shutdown: no way to run a country,” October 5, 2013.
3. Peter Foster, “American shutdown: no way to run a country,” The Telegraph, October 1, 2013.
4. Wikipedia, “Marcus Tullius Cicero,” undated document on the Internet.
5. Philip Freeman, “How to run a country – an ancient guide for modern leaders,” Princeton University Press, 2013.
6. Politics is the art of the possible, not a battleground of absolutes.
7. Wikipedia, “Julius Caesar,” undated document on the Internet

Những 'hổ báo' dũng mãnh trong đám đông!

Khác với lúc đứng riêng rẽ một mình, cái vô danh trong đám đông đem lại cho người ta một sự an toàn và cảm giác được bảo vệ nhất định.

Cuối năm nhìn lại, ngỡ ngàng vì năm cũ đã qua với không ít câu chuyện giật mình.
Nào những người dân bình thường hiền lành, thân ái với nhau, lại trong tích tắc trở nên khác hẳn, hăm hở lao vào núi bia đổ, lễ mễ khuân ra mấy bịch, rồi háo hức quay lại làm đợt nữa. Điều gì đã xảy ra?
Điều gì làm cho một số thanh niên, đang đi chơi với bạn gái, bỗng hăng lên lao vào "đánh hôi" kẻ trộm chó như đi trẩy hội?
Lý do gì làm những người công dân xây dựng hàng ngày chăm chỉ mang cơm đi làm, bỗng trở nên hung hãn và đập phá chính ngay công việc đem lại miếng cơm manh áo cho họ?
Sẽ hời hợt nếu chỉ đưa ra những bình luận chung chung về sự xuống cấp của xã hội, về niềm tin bị đánh mất, về người Việt thiếu văn hoá.v.v...
Để hiểu được những hiện tượng này và truy tìm nguyên nhân, chúng ta cần nhìn sâu hơn vào tâm lý đám đông và xem họ vận hành.
Đám đông là... vô danh
Một đám đông có những yếu tố đặc biệt.
Thứ nhất, trong đám đông, các thành viên của nó vô danh. Khác với lúc đứng riêng rẽ, cái vô danh trong đám đông đem lại cho người ta sự an toàn và cảm giác được bảo vệ nhất định.
Thứ hai, đám đông gây phấn khích. Những người đã từng ở trong một sân vận động khổng lồ đều biết cảm giác đó  khác với cảm giác khi xem trận bóng trước màn hình TV. Số đông cộng hưởng và tạo ra một năng lượng đặc biệt, sự hưng phấn có sức lây lan lớn. Lúc đó, cô gái nhút nhát nhất cũng có thể văng tục ngon ơ và cho ngón tay vào mồm, cùng huýt sáo la ó trọng tài.
Đám đông, thất nghiệp, xã hội, con người, tâm lý, đạo đức
Và cuối cùng, đám đông rùng rùng chuyển động và trăm người như một cùng làm một hành vi nào đấy, khi họ được một sự kiện bất ngờ châm ngòi.Ảnh VTC
Đám đông cũng đem lại cho các cá nhân trong nó cảm giác về quyền lực. Trong đám đông, những người vốn thấp cổ bé họng bỗng có cảm giác mình mạnh mẽ. Chúng ta hẳn còn nhớ một người đàn ông Đồng Nai vừa bê bia vừa trừng mắt quát người tài xế xe tải: "Báo công an đi, ông thách đấy!"
"Không có gì nguy hiểm hơn là xây dựng một xã hội mà trong đó một nhóm lớn có cảm giác là họ không được can dự, rằng họ không có gì để mất. Nếu người ta có quyền lợi trong xã hội, người ta sẽ bảo vệ xã hội, nhưng nếu không, họ sẽ vô thức muốn phá huỷ nó."
Và cuối cùng, đám đông rùng rùng chuyển động và trăm người như một cùng làm một hành vi nào đấy, khi họ được một sự kiện bất ngờ châm ngòi.
Giả sử như trăm thùng bia xếp ngay ngắn ven đường, thì kể cả chỉ có một người trông coi thôi, chắc cũng không ai nghĩ tới chuyện xông vào lấy. Bia đổ tung toé ra đường tạo ra một tình huống lạ, một điều bất thường, và sự kết hợp của sự vô danh, phấn chấn lây lan, cảm giác quyền lực và an toàn, làm giảm đáng kể ý thức trách nhiệm của mỗi người về hành vi của mình, biến một bà mẹ mẫu mực thành một người hớn hở gom bia mặc dù trong nhà không có ai uống, để tới lúc tỉnh cơn say mới hối hận về hành động của mình.
Trong đám đông, con người dễ đánh mất bản thân.
Nhưng, chen chúc lượm bia  hay bẻ mấy cành hoa trong một hội chợ vẫn khác xa với việc xông vào đánh tới chết một kẻ trộm chó, hay châm lửa đốt rụi hàng chục xe máy. Điều gì khiến đám đông trở thành sức mạnh phá huỷ - nhiều khi phá chính môi trường sống của họ?
Nguyên cớ có vẻ gần giống như chuyện các CĐV bóng đá ở Anh bỗng nhiên hỗn chiến và giật tung ghế của sân vận động, hay xa hơn là làn sóng đập phá và hôi của ở London năm 2011 làm toàn thế giới kinh ngạc, lý do của 6 ngày bạo lực và cướp bóc ở Los Angeles năm 1992 làm 53 người tử vong.
Đám đông ngoài lề?
Có một điểm chung ở tất cả các sự kiện nói trên, đó là, tất cả đều là đám đông những người ngoài lề, những người thấp bé trong xã hội, thu nhập thấp hoặc thất nghiệp, và không có cơ hội.
Họ mang sẵn trong mình sự cáu kỉnh và chán nản. Họ bực bội với bản thân, với cuộc đời, với những thứ xung quanh. Khi họ nhập vào một đám đông, như Gustave Le Bon nhận xét trong Tâm lý học đám đông, họ đánh mất tính cá nhân, tính độc lập, khả năng đánh giá và phán xét đạo đức. Họ bị cuốn vào ảnh hưởng phi lý của xung quanh.
Đám đông có thể làm những việc mà mỗi cá nhân, nếu đứng riêng biệt, sẽ không bao giờ nghĩ là họ có thể làm. Chỉ cần một sự kiện nhỏ xảy ra...
Đám đông, thất nghiệp, xã hội, con người, tâm lý, đạo đức
Do đó, đám đông có thể làm những hành động phá huỷ và bạo lực mà mỗi cá nhân, nếu đứng riêng biệt, sẽ không bao giờ nghĩ là họ có thể làm. Ảnh VTC
Ở khía cạnh tâm lý, đó thực chất là cảm giá bất lực, đứng ngoài lề, không làm chủ cuộc đời mình. Họ thấy họ như những kẻ lạ trên chính mảnh đất của mình, bị bỏ rơi. Họ thấy họ kém cỏi, vô giá trị. Vì thế, họ dễ dàng ngấm cái say của một đám đông nổi loạn...
Ít nhất, trong khoảnh khắc đó, họ có cảm giác mình là người thắng, người mạnh, rằng cuộc sống thú vị, sôi động, làm họ quên đi cái mòn mỏi hàng ngày. Đám đông cho họ một bản sắc, cho họ một nơi để thuộc về.
Đám đông "mới" của ngày nay khác đám đông "cũ" năm xưa. Đám đông cũ, qua quá trình được "vận động" tham gia cách mạng, đã phát triển cho mình một nhận thức.
Còn ngày nay?
Những công nhân và người nghèo bây giờ đơn giản bị kẹt trong cái bẫy nghèo. Những người, mà như Oscar Lewis đã định nghĩa trong Văn hoá của nghèo khổ năm 1998, "có rất ít ý thức về lịch sử. Họ là những người bên lề, chỉ biết tới những vật lộn của bản thân, chỉ biết được hoàn cảnh của địa phương họ, thế giới hẹp của họ, cách sống riêng của họ. Thông thường, họ không có kiến thức, tầm nhìn hay ý thức hệ để nhận ra những điểm tương đồng giữa những vấn đề của họ và vấn đề của những người giống họ trên thế giới. Nói một cách khác, họ không có ý thức giai cấp, mặc dù họ rất nhạy cảm với sự phân biệt về đẳng cấp".
Phải kinh ngạc để nói rằng, những đám đông nổi loạn bây giờ không có quan điểm xã hội hay thông điệp chính trị gì. Những công nhân đập phá ở Samsung không đưa ra một đòi hỏi cụ thể gì cho doanh nghiệp hay công đoàn; những người dân đánh trộm chó  không có yêu cầu gì với công an hay chính quyền. 
Chính vì vậy, sự hung hãn bùng phát thường bất ngờ với các nhà bình luận xã hội và các nhà chức trách, lúc đó họ mới bối rối đi tìm lý do và lời giải thích.
Lời giải thích đơn giản nhất có lẽ đến từ Martin Luther King: "Không có gì nguy hiểm hơn là xây dựng một xã hội mà trong đó một nhóm lớn có cảm giác là họ không được can dự, rằng họ không có gì để mất. Nếu người ta có quyền lợi trong xã hội, người ta sẽ bảo vệ xã hội, nhưng nếu không, họ sẽ vô thức muốn phá huỷ nó."
Một xã hội ổn định là xã hội không chỉ dành cho các nhóm lợi ích; những nhóm lớn cũng phải được tiếp cận một phần tử tế của miếng bánh, một cảm giác xã hội là của họ, phục vụ họ thực sự chứ không phải chỉ trên các khẩu hiệu và văn kiện.
(Phó giám đốc CECODES - Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu Phát triển)