Sunday, July 7, 2019

Tù chính trị trại giam số 6 Nghệ An tuyệt thực 27 ngày, nhà tù bưng bít thông tin

Thân nhân của các tù nhân lương tâm cả 3 miền phản đối nhà cầm quyền CSVN tra tấn và ngược đãi TNLT và tù nhân nói chung. (Hình: FB Ngọc Tuyên Đàm)
NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Tù chính trị tại trại giam số 6, Nghệ An, tuyệt thực sang ngày thứ 27 và tại một số nhà tù khác, các tù chính trị cũng vẫn đang tuyệt thực, đấu tranh chống chế độ tù đày hà khắc.
Ngày Chủ Nhật, 7 Tháng Bảy, 2019, người ta không thấy thân nhân của các tù chính trị tại các trại giam số 5 (tỉnh Thanh Hóa), trại giam số 6 (tỉnh Nghệ An), nhà tù An Điềm tỉnh Quảng Nam, cho biết họ ngưng tuyệt thực hay chưa vì nhà tù bưng bít mọi tin tức.
Một ngày trước đó, một số Facebooker thông báo họ vẫn đang tuyệt thực vì cai tù muốn bỏ mặc để kệ cho họ chết nếu kiệt sức.
Tại trại giam số 6, huyện miền núi Thanh Chương tỉnh Nghệ An, các tù chính trị Trương Minh Đức, Đào Quang Thực, Nguyễn Văn Túc, Trần Phi Dũng (phải) tuyệt thực sang tới ngày thứ 27. Mạng sống của họ vô cùng mong manh giữa biên giới sống và chết.
Cuộc tuyệt thực của các tù chính trị Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Nguyễn Trung Trực trong nhà giam số 5, tỉnh Thanh Hoá bắt đầu tuyệt thực từ ngày 18 Tháng Sáu, 2019, như vậy cũng đã 20 ngày.
Anh Nguyễn Quang Trung, con trai tù chính trị Nguyễn Trung Trực viết trên trang Facebook cá nhân báo động về tình trạng sức khỏe nguy ngập của bố ông trong nhà tù số 5.
Theo con trai ông Nguyễn Trung Trực kể lại “Bố tôi cho biết là sẽ tiếp tục tuyệt thực và lý do tuyệt thực là phản đối sự bạc đãi và hà hiếp các tù nhân lương tâm, chính trị ở các trại giam; đồng thời phản đối bản án bất công dành cho bố và hết thảy những người đấu tranh ôn hoà cho công lý và hòa bình đang bị giới cầm quyền giam cầm.”
Nguyên nhân gần nhất dẫn đến cuộc tuyệt thực của tù nhân trại giam số 6 là, giữa cái nóng như thiêu như đốt trong căn phòng giam vừa nhỏ vé, thấp lè tè, vừa không có cửa số trong nhiệt độ hơn 40 độ C cai tù đã đến lấy quạt máy, không cho họ có tí gió để bớt khốn khổ.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ nhà báo Trương Minh Đức, viết trên trang Facebook cá nhân thuật lời hai con trai ông Đức đi thăm bố hôm 2 Tháng Bảy cho biết: “Sức khỏe của chồng tôi rất yếu… Đi không nổi, đau đầu, huyết áp liên tục… Cuối cùng anh vẫn nói được là anh em trong đó vẫn tuyệt thực, đang rất yếu… Anh nói những đơn từ các anh khiếu nại và cả đơn của tôi gửi lên tố cáo trại giam nhưng họ vẫn chưa giải quyết gì cả…”
Theo cựu tù chính trị Đặng Xuân Diệu (cũng từng tuyệt thực trong nhà tù CSVN, hiện đang định cư ở nước Pháp), các tù chính trị “đang bị truy bức đến cùng đường và phải dùng đến biện pháp cuối cùng là tuyệt thực, nghĩa là các anh ấy lấy sinh mạng của mình ra đánh cược với lương tâm rách nát của những kẻ thực thi công pháp. Thật là trớ trêu, nguy hiểm.”
Trên mạng Facebook, người ta thấy có lời kêu gọi đi biểu tình cuối tuần tới, ngày 13 Tháng Bảy, 2019 tại trước trụ sở lãnh sự quán CSVN tại thành phố Frankfurt, Đức Quốc, ủng hộ sự đấu tranh của các tù chính trị tại Việt Nam.
Sau lời báo động của bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ ông Trương Minh Đức, ngày 28 Tháng Sáu, 2019, có 11 tổ chức xã hội dân sự và hàng chục cá nhân ra bản tuyên bố phản đối hành vi ngược đãi tù nhân trong các trại giam tại Việt Nam. Bản tuyên bố cũng đã được gửi khẩn cấp tới Ủy Ban Nhân Quyền LHQ kêu gọi cơ quan này thúc hối nhà cầm quyền CSVN chấm dứt tra tấn, đối xử độc ác với các tù nhân lương tâm, đồng thời đòi phải điều tra và trừng trịnh những viên cai tù hành hạ tù nhân.
Ngoài các tổ chức xã hội dân sự, cho đến nay, đã có hơn 800 người, trong đó có cả các cựu tù chính trị nạn nhân của chế độ Hà Nội, ký tên trên bản tuyên bố. (TN)

Bị bách hại, đại diện các tôn giáo từ Việt Nam sang điều trần tại quốc hội Mỹ


Tín đồ PGHH Vương Văn Thả bị lôi ra tòa ở An Giang ngày 23 Tháng Giêng, 2018 cùng 3 đồng đạo, bị kết án 12 năm tù vì bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước...” (Hình: FB Lê Văn Sơn)
WASHINGTON 7-7 (NV) – Một số tu sĩ thuộc các tôn giáo khác nhau sẽ cùng đến Quốc hội Mỹ điều trần vào Thứ Năm tới để nói lên sự thật về tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Tổ chức Ủy Ban Cứu Nguy Người Việt Biển (BPSOS), một tổ chức đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam suốt nhiều chục năm qua có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho hay “nhiều đại diện của các tôn giáo đang bị bách hại ở Việt Nam” sẽ tham dự buổi họp khoáng đại “Ngày Vận Động Cho Việt Nam” năm nay.
BPSOS cho biết, buổi họp sẽ được tổ chức tại hội trường của Quốc Hội vào Thứ Năm, 11 Tháng Bảy tới đây, bắt đầu lúc 9 giờ 30 sáng. Thành phần phát biểu gồm có:
– Linh mục Lê Quốc Thăng, Tổng Thư Ký Uỷ Ban Công Lý và Hoà Bình, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
– Thượng tọa Thích Vĩnh Phước, Trụ Trì Chùa Phước Bửu, Bà Rịa – Vũng Tàu, Việt Nam
– Y Phic Hdok, tín đồ Tin Lành Tây Nguyên hiện tị nạn ở Thái Lan
– Mục sư Tin Lành Hmong Vàng Chí Mình, cựu tù nhân tôn giáo với 9 năm tù
– Bà Huỳnh Muôi, quả phụ của tín đồ PGHH Nguyễn Hữu Tấn, người bị cắt cổ trong đồn công an
– Ông Dương Xuân Lương, tín đồ Cao Đài, cựu tù nhân lương tâm
– Trợ Lý Phụ Tá Ngoại Trưởng Scott Busby, Cục Dân Chủ Nhân Quyền Lao Động
– Ủy viên Gayle Manchin, Phó Chủ Tịch Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế
– Thượng Nghị Sĩ John Cornyn (Cộng Hoà, Texas), tác giả dự luật Chế Tài vì Đàn Áp Nhân Quyền ở Việt Nam
– Nhiều vị dân biểu và thượng nghị sĩ Liên Bang
– Đại diện nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế
– Đại diện của các phái đoàn đến từ các tiểu bang Hoa Kỳ và từ Canada
Theo tin của BPSOS, trước đó một ngày, tức ngày 10 Tháng Bảy, các chức sắc tôn giáo và nhân chứng sẽ nhập cùng các phái đoàn đến từ nhiều tiểu bang để tiếp xúc với các dân biểu và thượng nghị sĩ Liên Bang. Trong tuần sau đó, họ sẽ tham dự Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng để Phát Huy Tự Do Tôn Giáo, do Ngoại Trưởng Hoa Kỳ triệu tập. Các sự kiện kể trên sẽ được tường thuật trực tuyến qua nhiều trang mạng xã hội.
Cuộc họp vào tuần tới tại quốc hội Mỹ diễn ra ba tuần lễ sau khi Bộ Ngoại Giáo Mỹ nói đàn áp tôn giáo vẫn tiếp diễn tại Việt Nam trong bản tường trình công bố ngày 21 Tháng Sáu, 2019 vừa qua.
Tuy bản hiến pháp của CSVN công nhận mọi người dân đều có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, nhưng “luật lệ lại cho phép nhà cầm quyền kiểm soát đáng kể quyền hành đạo và gồm cả những điều khoản mơ hồ cho phép giới hạn quyền tự do tôn giáo lấy cớ vì lợi ích nhà nước về an ninh quốc gia và an toàn xã hội”.
Bản phúc trình thường niên tình hình tự do tôn giáo thế giới, phần riêng về Việt Nam dài gần 9,000 từ, mở đầu như thế trước khi đi sâu vào chi tiết. Tương tự như những năm trước, bản phúc trình năm nay cũng đưa ra các dẫn chứng cụ thể để chứng minh chế độ Hà Nội nói một đàng làm một nẻo.
Bản tường trình Bộ Ngoại Ngoại Mỹ ghi nhận với dân số ước lượng khoảng 97 triệu người, Ban Tôn Giáo Chính phủ (trực thuộc Bộ nội Vụ CSVN, thực chất được lập ra để kiểm soát các hoạt động tôn giáo) đưa ra thống kê nói chỉ có 26.4% dân chúng là tín đồ các tôn giáo. Trong đó 14.91 là tín đồ Phật Giáo, 7.35% là tín đồ Thiên Chúa Giáo, 1.09% tín đồ Tin Lành, 1.16% là tín đồ Cao Đài và 1.47% là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Bên cạnh đó còn có nhiều nhóm, tổ chức tôn giáo với số người tham gia hành đạo rất thấp.
Phản ứng giống như những năm trước, chế độ Hà Nội cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN kêu là “không khách quan” dù Bộ Ngoại Giao Mỹ dẫn chứng cụ thể. (TN)

Tỉnh Hậu Giang một năm phải ‘phục vụ’ 11 đoàn thanh tra trùng nhau

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, phó Phòng Phòng Chống Tham Nhũng- Thanh Tra Bộ Xây Dựng đã bị bắt giam do “nhận hối lộ” tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Hình: VietNamNet)
HẬU GIANG, Việt Nam (NV) – Chủ tịch tỉnh Hậu Giang buộc phải kêu cứu với Thủ tướng CSVN do tỉnh phải tiếp đến 11 đoàn thanh tra trùng nhau đến “làm việc” trong năm 2018.
Theo báo VietNamNet, tại “Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương” ngày 4 Tháng Bảy, 2019, ông Lê Tiến Châu, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hậu Giang, kêu cứu với ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng CSVN, cho biết thời gian qua việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có quá nhiều đoàn, nội dung trùng lắp nhau khiến tỉnh Hậu Giang mất rất nhiều công sức tập trung phục vụ.
“Chúng tôi thấy quá nhiều đoàn thanh tra, địa phương mất rất nhiều công sức phục vụ các đoàn,” ông Châu nói.
Ông Châu cho biết thêm: “Riêng trong năm 2018, tỉnh Hậu Giang tiếp đến 11 đoàn thanh tra. Chúng tôi thấy quá nhiều. Đề nghị các bộ, ngành khi lập kế hoạch tranh tra, kiểm tra, kiểm toán cần có sự thống nhất, tránh trùng lặp gây khó khăn cho địa phương.”
Ông Lê Minh Khái, tổng Thanh Tra Chính Phủ, thừa nhận việc chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra là việc “không phải mới.”
“Thanh tra Chính phủ rất quan tâm vấn đề này. Trong kế hoạch thanh tra 2019, chúng tôi đã giảm 30% các cuộc thanh tra thường xuyên,” ông Khái xoa dịu.
Ông Lê Tiến Châu tố cáo bị hàng chục đoàn thanh tra quấy nhiễu. ( Hình: VietNamNet)
Tuy nhiên, ông Khải giải thích tình hình chồng chéo có một số lý do: Việt Nam có nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Ông Khải nói, theo nguyên tắc “ở đâu có quyền lực thì ở đó có kiểm soát quyền lực; ở đâu có lãnh đạo chỉ đạo, điều hành thì có cơ quan thanh tra, giám sát giúp cho việc chỉ đạo, điều hành nhưng tổ chức hiện nay, theo luật và theo quy định của đảng có chồng chéo.”
“Tổng Thanh Tra nhìn nhận phản ánh của địa phương và doanh nghiệp đúng thực trạng. Vì vậy, về lâu dài phải tính toán tổng thể anh nào kiểm tra báo cáo tài chính, anh nào kiểm tra ngân sách, anh nào kiểm tra tính tuân thủ thi hành pháp luật… để tránh chồng chéo. Trong tổ chức thực hiện phải có trọng tâm,trọng điểm,” ông Khải biện hộ.
Liên quan đến việc thanh tra, theo báo Zing, chiều 18 Tháng Sáu, Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Vĩnh Phúc đã phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam ba cán bộ Đoàn Thanh Tra Bộ Xây Dựng gồm Trưởng đoàn Nguyễn Thị Kim Anh, phó trưởng Phòng Phòng Chống Tham Nhũng – Thanh Tra Bộ Xây Dựng và hai thành viên trong đoàn là ông Đặng Hải Anh và bà Nguyễn Thùy Linh về tội “nhận hối lộ.”
Ông Đặng Hải Anh bị tổ công tác của Công An tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang nhận 90 triệu đồng ($3,860) của lãnh đạo một doanh nghiệp tại Ban Quản Lý Dự Án huyện Vĩnh Tường. Bà Nguyễn Thị Kim Anh bị bắt quả tang nhận 68 triệu đồng ($2,916) của kế toán xã Tân Tiến và 91.5 triệu đồng ($3,925) của một công chức tài chính kế toán Ủy Ban Nhân Dân thị trấn Thổ Tang tại trụ sở ủy ban huyện Vĩnh Tường.
Ngoài ra, khám xét khẩn cấp nơi làm việc của đoàn thanh tra tại Ủy Ban Nhân Dân huyện Vĩnh Tường, công an thu giữ nhiều hồ sơ của các đơn vị thi công công trình trên địa bàn huyện, 335 triệu đồng($14,370) trong tủ do bà Nguyễn Thị Kim Anh quản lý. (Tr.N)

Lái xe gắn máy, có đủ giấy tờ, vẫn bị cảnh sát đánh chảy máu môi

Hình ảnh nhóm Cảnh Sát Giao Thông quận Tân Bình đánh người chảy máu môi. (Hình: Thanh Niên)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Một thanh niên quay clip Cảnh Sát Giao Thông quận Tân Bình lập biên bản ghi không đúng sự thật, thì liền bị “chạm tay vào má” làm chảy máu môi.
Theo những hình ảnh trong video clip, người lập biên bản và đánh dân tên P.Q.H., cán bộ Đội Cảnh Sát Giao Thông Trật Tự quận Tân Bình.
Nói với báo Thanh Niên ngày 6 Tháng Bảy, 2019, anh N.N (ngụ Q.Tân Bình), người đăng đoạn clip và cũng là nạn nhân bị cảnh sát đánh, xác nhận vụ này xảy ra với anh và người bạn tên N.T.T (27 tuổi, ngụ quận Tân Phú) vào chiều hôm 4 Tháng Bảy, tại giao lộ Trường Chinh – Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, Sài Gòn).
“Tôi và bạn bị cảnh sát giao thông thổi vào vì lỗi ‘xe không lắp kính chiếu hậu,’ nhưng công an lại ghi trong biên bản là “không có giấy tờ xe, không giấy phép lái xe” và đòi giam xe, dù chúng tôi có xuất trình giấy tờ đầy đủ. Vì thế bạn tôi không ký biên bản. Thấy tôi quay clip sự việc, bất ngờ viên công an ghi biên bản kể trên tới đánh tét môi tôi. Tuy nhiên sau đó họ xin lỗi, năn nỉ tôi xóa clip, nếu chúng tôi không xóa thì cũng không được đi nên chúng tôi phải xóa clip để được lấy xe về. May là trước đó bạn tôi kịp gửi clip này qua Zalo trước khi xóa,” anh N. kể lại.
Cũng theo anh N., anh T. bạn anh đã nhờ luật sư làm đơn khiếu nại tố cáo cảnh sát giao thông “cư xử không đúng mực” và sẽ sớm gửi các cơ quan hữu trách.
Người dân bày tỏ thái độ bất bình hành vi cảnh sát đánh dân. (Hình: Thanh Niên)
Tin cho biết, lãnh đạo Đội Cảnh Sát Giao Thông Trật Tự quận Tân Bình, nơi công tác của nhóm Cảnh Sát Giao Thông nói trên đã liên hệ với anh T. “để làm rõ vụ việc.” Anh N. cùng anh T. khẳng định dù lãnh đạo đội cảnh sát này đã liên hệ nhưng anh có bằng chứng đầy đủ nên vẫn sẽ làm đơn khiếu nại.
Trả lời Báo Thanh Niên, đại diện Phòng Cảnh Sát Giao Thông Đường Bộ – Đường Sắt Công An Sài Gòn, thừa nhận người dân có quyền giám sát cảnh sát giao thông nên việc người dân (anh N) quay hình là điều bình thường, miễn sao không cản trở cảnh sát làm nhiệm vụ.
“Khi cảnh sát giao thông phản ứng không cho quay clip, người dân có thể liên hệ tới lãnh đạo của đơn vị để được giải quyết. Tuy vậy, lâu nay đã có rất nhiều video clip trên mạng xã hội ghi lại cảnh người dân ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ và bị cán bộ phản ứng bằng những lời nói khó nghe hoặc hành động tay, chân…,” vị đại diện trên nói.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video clip dài 1 phút 46 giây ghi lại cảnh một thanh niên quay clip khi bị cảnh sát giao thông lập biên bản tại giao lộ Trường Chinh – Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình).
Trong lúc quay, người này nói: “Để em quay lại về đưa ba em xem, bị lập biên bản nè, có cà vẹt xe, giấy chứng minh đổi bằng lái xe hạng A1.”
Khi cảnh sát giao thông đưa người phạm lỗi ký biên bản, anh này (sau này xác định là anh N.) hỏi mình vi phạm lỗi gì thì được trả lời: “Không có giấy tờ xe nên giữ xe,” dù lúc đó trên tay viên cảnh sát ghi biên bản vẫn đang cầm giấy tờ xe. Vẫn còn thắc mắc nên anh hỏi tiếp thì liền bị cảnh sát giao thông nói: “Quay phim cái gì. Hỏi thì hỏi cho đàng hoàng,” rồi giơ tay lên đánh tóe máu môi.
Clip của anh N. tung lên mạng xã hội đã nhận được hàng trăm lời bình luận tỏ vẻ bất bình với hành động côn đồ của viên công an. Thậm chí, nhiều người còn thúc dục anh N. khởi kiện.
Nói với báo Thanh Niên hôm 5 Tháng Bảy, đại diện Đội Cảnh Sát Giao Thông Trật Tự quận Tân Bình, chỉ cho biết “đã xem đoạn clip và đang kiểm tra lại, nếu cán bộ có hành vi chưa đúng sẽ xử lý theo quy định.” (Tr.N)

Ba mươi năm chịu đựng hôi thối, dân Khánh Sơn mang đủ thứ bệnh


Người dân khu vực bãi rác Khánh Sơn bất bình trước chủ trương của chính quyền Đà Nẵng không di dời và đóng cửa bãi rác. (Hình: Gia Đình và Xã Hội)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Trước chủ trương sẽ không di dời mà sẽ xây dựng nhà máy “xử lý chất thải rắn” trên bãi rác Khánh Sơn, trong cuộc đối thoại với chính quyền Đà Nẵng, nhiều người dân đã bật khóc vì nỗi uất ức phải gánh chịu ô nhiễm trong gần 30 năm qua.
Báo Người Lao Động cho biết, sáng 6 Tháng Bảy, 2019, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng đã tổ chức đối thoại với hơn 400 người dân khu vực bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) để thông báo về dự án nâng cấp bãi rác.
Ông Tô Văn Hùng, giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường Đà Nẵng, cho biết để giải quyết bài toán ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn, thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương “nâng cấp bãi rác Khánh Sơn” thành Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Rắn của thành phố.
Sau khi nghe chính quyền công bố kế hoạch, cho đến quá 12 giờ trưa cùng ngày, nhiều người dân vẫn không chịu ra về vì quá bất bình, uất ức trước chủ trương không di dời, đóng cửa bãi rác Khánh Sơn.
Nói với báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Thành (ở phường Hòa Khánh Nam), cho hay đã gần 30 năm nay, người dân sống ở khu vực bãi rác đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Ô nhiễm, bụi bặm, mùi hôi… khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, mang đủ thứ bệnh tật.

Người dân Khánh Sơn khóc trong buổi đối thoại với chính quyền. (Hình: Gia Đình và Xã Hội)

Cũng theo bà Thành, trước đây Công Ty Cổ Phần Môi Trường Việt Nam cũng đã xây dựng nhà máy xử lý rác ở Khánh Sơn, tuy nhiên mỗi khi nhà máy “khởi động” lên thì người dân lại “chịu không nổi.”
“Giờ nghe nói công ty này tái phát làm nhà máy thì sao chịu được. Đúng ra 10 năm là di dời rồi kéo ra 20 năm, 30 năm mà chừ là không dời. Chẳng lẽ đời mẹ hưởng hơi đời con hưởng khói? Chúng tôi không xin tiền xin gạo mà chỉ xin một hơi thở trong lành cho những đứa trẻ con,” bà Thành bày tỏ.
Bà Huỳnh Thị Năm tiếp lời, người dân Khánh Sơn không đồng tình với việc tiếp tục xây dựng nhà máy đốt rác tại đây. “Yêu cầu thành phố đem lò đốt ra khỏi Khánh Sơn, hố rác không cho nâng cấp, dân Khánh Sơn đã khổ quá nhiều,” nói tới đây bà Năm bật khóc.
Bà Năm cho rằng, qua gần 30 năm, thế hệ của những người như bà đã già nhưng phải quyết tâm để thế hệ con cháu không còn phải chịu cảnh ô nhiễm. “Con tôi mới 40 tuổi đã chết vì ung thư, chồng tôi cũng chết rồi. Nếu thành phố thấy cái nhà máy đốt rác mới này xử lý tốt, thơm tho thì hãy mang đi chỗ khác. Đừng để ở Khánh Sơn nữa,” bà Năm cầu khẩn.
Hơn chục ý kiến của người dân khu vực Khánh Sơn đều không đồng tình với chủ trương nâng cấp bãi rác Khánh Sơn và kiến nghị, chính quyền thành phố nên tính toán đóng cửa bãi rác Khánh Sơn, đưa Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Rắn vào khu công nghiệp, nơi không có dân cư để tránh ô nhiễm.
“Người dân kiến nghị di dời bãi rác Khánh Sơn là do tình trạng quá ô nhiễm kéo dài. Thế nhưng, nếu xây dựng bãi rác khác thì con số 3.2 triệu tấn rác hiện tại ở Khánh Sơn sẽ đi về đâu? Việc xây dựng khu liên hợp với công nghệ tiên tiến sẽ giải quyết bài toán ô nhiễm ở bãi rác, đồng thời xử lý toàn bộ số rác hiện có ở Khánh Sơn. Bãi rác Khánh Sơn khi đó sẽ không còn rác nữa mà là khu công nghiệp xử lý, tái chế rác ở Đà Nẵng. Lãnh đạo thành phố cũng đã hết sức thận trọng, lựa chọn công nghệ tiên tiến và không gây bất cứ ô nhiễm nào,” ông Hùng biện minh.
Trong khi đó, trả lời người dân Khánh Sơn, ông Đặng Việt Dũng, phó chủ tịch thường trực Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng, chỉ nói “lãnh đạo thành phố sẽ ghi nhận ý kiến bà con để có những phương án phù hợp nhất với nguyện vọng của người dân và hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.” (Tr.N)