Wednesday, December 26, 2018

Top ten ấn tượng 2018


Khắc hoạ toàn cảnh xã hội Việt và thời tiết chính trường, qua bộ “top ten ấn tượng 2018”.
1- Quốc tang và sự hả hê của dân chúng. Cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười đã tạo nên những làn sóng ăn mừng hả hê trên cộng đồng mạng. Chưa khi nào, quốc tang lại khiến dân tình ngóng chờ hả hê thế. Dân không ác. Ai đứng về phía dân thì được họ thương. Lịch sử, đã không ít những cuộc dân chúng xuống đường để tang mà không cần các nghi thức cờ rủ, trống kèn hay đại bác. “Thương dân, dân lập đền thờ/ hại dân, dân đái ngập mồ thối xương”. Nhìn vào thái độ của dân để thấy họ trọng ai khinh ai, để thấy ai ăn tàn ai phá hoại.
2- Sự lên ngôi của Nguyễn Phú Trọng. Cùng với cuộc “đốt lò” rúng động chính trường, cái chết của Trần Đại Quang đã khiến ông Nguyễn Phú Trọng nắm thêm ghế Chủ tịch nước. Mọi đối thủ chính trị bị triệt tiêu. Ông Trọng lên ngôi, trở thành quyền lực tuyệt đối thao túng chính trường Việt.
3- Cuộc đại phá Bộ Công an. Bắt đầu từ vụ án Vũ Nhôm với hàng loạt tướng lĩnh (trong đó có hai thứ trưởng) bị khởi tố. Kế theo là vụ án đánh bạc liên quan đến trung tướng Phan Văn Vĩnh và thiếu tướng Nguyễn Thanh Hoá. Sau cùng là chiến dịch sắp xếp cải tổ, xoá bỏ 6 tổng cục, trên 60 cục nghiệp vụ. Một cuộc tổng tấn công chưa từng có, đại phá tan tành và thiết kế lại quyền lực tại Bộ Công an, thời hậu Trần Đại Quang.
4- Điểm nóng Thủ Thiêm. Khiếu kiện đất đai tại Thủ Thiêm từ vài thập niên trước, đột nhiên được xới lại thành vấn đề nóng. Tất Thành Cang bị truất ghế trung ương uỷ viên và mất chức Phó bí thư TP HCM, hàng loạt quan chức khác lâm vòng lao lý. Vì thế, câu chuyện Thủ Thiêm không hẳn là Thủ Thiêm. Dư luận đang có nhiều đồn đoán rằng, đấy là dấu hiệu củi lửa từ cái lò ông Trọng đang bắt đầu “tiến vào Sài Gòn”.
5- Trần Bắc Hà và con đường dẫn đến X. Việc bắt giam Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch ngân hàng đầu tư phát triển BIDV, nhân vật thân cận số 1 của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khiến “đường đến X” như gần hơn. Củi lửa như thể đã chực chờ ngay cổng tư dinh cựu Thủ tướng.
6- Vụ án AVG, thay Bộ trưởng TTTT. Đại án AVG và cuộc làm giá lịch sử giữa Vũ Vin (Phạm Nhật Vũ) và Mobifone, đã khiến nhiều quan chức lâm vòng lao lý. Nguyễn Bắc Son bị kỷ luật tước hàm cựu trung ương uỷ viên và cựu Bộ trưởng TTTT. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn mất chức, thay bằng tướng Nguyễn Mạnh Hùng.
7- Luật đặc khu, an ninh mạng cùng cuộc biểu tình lịch sử tại Sài Gòn và bạo loạn Phan Thiết 10/6/2018. Hai bộ luật tạo nên những làn sóng phản đối chưa từng có. Trên 1 vạn dân đồng loạt xuống đường tại nhiều điểm khắp Sài Gòn, cuộc biểu tình được xem là lớn nhất từ sau 1975 đến nay. Cùng đó là một cuộc biểu tình khác tại Bình Thuận biến thành bạo động, thiêu cháy trạm cảnh sát PCCC Phan Rí Cửa, cùng nhiều xe chuyên dụng, khiến lực lực cảnh sát cơ động phải vứt khiên giáp tháo chạy.
8- Kỷ luật Chu Hảo và phong trào thoái đảng. Giáo sư Chu Hảo, cựu thứ trưởng Khoa học - công nghệ, giám đốc nhà xuất bản Tri thức bị kỷ luật vì in những bộ sách cổ xuý dân chủ, bị trung ương quy buộc là “suy thoái tư tưởng”. Việc kỷ luật ông và quyết định từ bỏ đảng Cộng sản của giáo sư Chu Hảo đã tạo nên một làn sóng kêu gọi từ đảng trong tầng lớp nhân sĩ trí thức. Ít nhất, hơn 13 trí thức đã tuyên bố từ đảng sau hiệu ứng Chu Hảo. Báo hiệu cho một phong trào thoái đảng rộng khắp, có thể không xa.
9- Hiện tượng Phùng Xuân Nhạ và chất lượng giáo dục Việt. Từ sự cố kỳ thi THPT, đến hàng loạt bê bối quanh việc phong hàm giáo sư. Từ chuyện sách giáo khoa, đến chất lượng người thầy. Từ một thầy hiệu trưởng dâm ô học trò, đến ông Bộ trưởng nói ngọng. Từ chuyện cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, đến những cái tát man rợ trong trường học… Cùng với “hiện tượng” Phùng Xuân Nhạ, chưa nhiệm kỳ nào, ngành giáo dục lại được nhắc đến với hàng chuỗi những sự thể bê bết, phản giáo dục và vô văn hoá thế.
10. Thành công của bóng đá và sự lên đồng của dân Việt. 2018 được xem là năm thành công của bóng đá Việt: Á quân U23 châu Á, top 4 tuyển quốc gia mạnh nhất ASIAD, vô địch Đông Nam Á (AFF cup). Hiếm thấy dân tộc nào cuồng si đến mức lên đồng rồ dại vì quả bóng như người Việt. Mới bì bõm trên mặt ao làng, nhưng quan chức thì bảo đấy là “vận nước đang lên, đất nước thật sự chuyển mình để chào đón vận hội mới”. Báo chí thì hả hê như đạp trên đầu thiên hạ “Việt Nam dẫm nát cả vũ trụ dưới chân mình, vận nước đang bay khỏi trái đất”.

“Lịch sử để lại” - Một cách lẩn tránh trách nhiệm trước tội ác


Trấn lột công khai có tổ chức: BOT
Cả chục ngày nay, người dân Hà Nội, báo chí chú ý đến việc các tài xế và người dân Thủ đô cũng như khắp nơi đã đồng loạt “đánh BOT” Bắc Thăng Long – Nội Bài. Nhiều tài xế và người dân đã tập trung buộc trạm BOT này xả trạm, không được thu phí của người dân đi qua đây.
Sở dĩ người dân nổi giận, quyết không chịu chấp nhận bỏ cuộc dù những lời dọa dẫm đủ cách, dù bị các lực lượng đỏ kiêm xã hội đen đe dọa. Bởi họ không chấp nhận được việc cướp bóc trắng trợn giữa ban ngày, trấn lột những đồng tiền xương máu của người dân bằng thủ đoạn BOT.
Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài được lập ra thu tiền để hoàn vốn cho dự án BOT xây dựng Quốc lộ 2, đoạn tuyến tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nhưng lại đặt trên đường Võ Văn Kiệt (Sóc Sơn, Hà Nội). Oái oăm thay, hai đoạn đường này hoàn toàn cách biệt lẫn nhau và cách nhau cả hơn chục cây số.
Khi người dân không đi trên đường tránh Vĩnh Yên, chỉ đi từ Hà Nội lên sân bay Nội Bài hoặc qua lại hàng ngày trên tuyến đường được đầu tư xây dựng từ những năm 1980 này bằng tiền dân, thì lại vẫn cứ phải móc hầu bao để trả cho những sân sau của quan chức cộng sản đã “đầu tư” vào một tuyến đường nào đó mà họ không liên quan?
Một nguyên tắc có từ thời nguyên thủy, là người ta chỉ trả tiền cho việc bán, mua, trao đổi với sự đồng ý của hai bên mà thôi. Nhưng, ở thời đại “Hồ Chí Minh rực rỡ nhất” này, nguyên tắc sơ đẳng đó bị phá bỏ. Không mua, vẫn cứ phải trả tiền, không bán thì vẫn cứ bị cướp.
Điều này, chỉ có thể có trong chế độ Cộng sản, khi mà cái “Định hướng XHCN” mà nhà cầm quyền Việt Nam luôn bám vào đó bằng mọi cách thể hiện bản chất của mình.
Biết bao nhiêu thủ đoạn trấn cướp của người dân xưa nay được thi thố bằng đủ mọi chính sách của đảng cộng sản đối với người dân Việt Nam khốn khổ. Không chỉ là Cải cách ruộng đất, cải tạo tư bản Công nghiệp – Công thương, Cải tạo tư sản mại bản… là những cuộc lên đồng tập thể, huy động cả đất nước vào những trận cướp bóc thẳng tay đã diễn ra, mà ngay ở thế kỷ 21 này, bằng nhiều thủ đoạn, bằng nhiều chính sách, nhà cầm quyền CSVN vẫn tiếp tục thực hiện đường lối trấn lột, cướp bóc của người dân không thương tiếc để chia chác mà vinh thân, phì gia.
Có thể kể đến rất nhiều những thủ đoạn, cách làm, nhưng hiển hiện đông đảo rộng khắp nhất là những “Dự án” nhằm cướp đất của dân để chia chác bán lấy  tiền đút túi, dù đó là đât đai hương hỏa cha ông của người dân từ ngàn đời nay, dù đó là mồ mả, nhà thờ, chùa chiền, thánh thất.
Và rõ ràng cụ thể hơn nữa, là các sân sau của quan chức Cộng sản bằng các Dự án xây dựng cũng như BOT.
BOT được coi như móm mồi béo bở và là một đặc quyền của quan chức Cộng sản Việt Nam, họ cấu kết với nhau, hối lộ lẫn nhau bằng các văn bản, chính sách cướp của dân để chia chác cho nhau.  
Vấn đề trấn cướp trắng trợn bằng các dự án BOT bỏ tiền một nơi, thu tiền một nẻo như Cai Lậy, Bến Thủy, Bắc Thăng Long – Nội Bài, Quốc lộ 5… được thực hiện nhan nhản, và cái nào cũng có đủ thủ tục, đúng “quy trình”, được quan chức cộng sản bảo vệ bằng mọi giá, kể cả bất chấp luật pháp, lương tri, sự công bằng xã hội.
Người ta không khỏi bất bình khi BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được đặt chặn ngang nơi hiểm yếu mọi phương tiện phải đi qua để thu tiền cho một đoạn đường tránh nơi khác được đầu tư, bị bớt xén, cắt cúp đến tối đa mà không mấy ai đi qua đó.
Người ta thấy lạ khi Quốc lộ 5 Hải Phòng - Hà Nội là đoạn đường đươc xây dựng bằng tiền dân, lại được dựng trạm thu phí và nâng giá thật cao để dồn mọi phương tiện phải đi quan đoạn đường BOT bên cạnh đã đầu tư. Thế nhưng, khi bị vạch ra sự dối trá bất chấp luật pháp khi thu tiền trên đường được xây dựng bằng tiền dân, thì nhà cầm quyền đã ú ớ và trả lời rất… hài hước, rằng là thu để trong tương lai xây dựng một tuyến đường 5 khác.
Người ta không chấp nhận khi đi đoạn Hà Nội – Nội Bài lại phải trả tiền cho một sân sau nào đó đầu tư một đoạn đường tránh cách đó mấy chục cây số?
Nhưng, người ta sẽ không thấy lạ, khi hiểu rằng đoạn đường từ Pháp Vân đi Cầu Giẽ được đầu tư bằng ngân sách, tức là  tiền dân, lại được quan chức Giao thông cho phép tập đoàn sân sau của bồ nhí rồi là vợ trẻ Nông Đức Mạnh, rải thêm lớp nhựa chuyển thành BOT thu tiền dân. Và ngay sau khi nhận được cái Dự án này, thì vợ của Nông Đức Mạnh đã bán sang tay ngay cho một tập đoàn khác lấy hàng ngàn tỷ cứu cơ đồ của mình đang sụp đổ, rồi lại nghiễm nhiên thành “đại gia”.
Trong cuộc trả lời trước Quốc Hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận hiện có 17 trạm BOT sai vị trí. Thế nhưng, cho đến nay vẫn không hề có bất cứ động thái nào để sửa chữa.
Và nghiễm nhiên, chuyện trấn lột, ngang nhiên cướp không của người dân được nhà cầm quyền CSVN coi như chuyện bình thường trong xã hội.
Nếu cứ đà này, có thể ngày mai, khi thiếu tiền xây tượng đài nghìn tỷ, nhà cầm quyền cũng có thể chặn ngang đường, trấn lột bất cứ người dân nào đi qua bằng thu phí, để xây tượng đài cho Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp rồi đến hạng Tố Hữu, Phạm Văn Đồng… mà người dân vẫn cứ phải ngậm bồ hòn làm… ngọt?
Điều hài hước, lại là ở chỗ khi bị người dân phản ứng đúng với lẽ đời, với luật pháp, thì nhà cầm quyền không hề có động tác nào được tiến hành nhằm vãn hồi sự công bằng, minh bạch trong xã hội, ngược lại, người đứng đầu chính phủ lại ra ngay văn bản dọa nạt người dân và ra lệnh theo dõi, đe dọa, trấn áp người dân đòi quyền chống lại kẻ cướp.
Và không phải ngẫu nhiên, nhà thầu đã không hề giải thích cho người dân vì sao họ tổ chức trấn lột người dân ở đây, mà ngược lại thì làm báo cáo cho chính phủ, lập hồ sơ những ai phản đối để… “xử lý”.
Thế mới hiểu bản chất của BOT là những dự án trấn lột công khai, có tổ chức và được cả hệ thống chính trị bảo vệ.
Trong bài viết “Chế độ BOT bảo vệ nhà thầu BOT’ chúng tôi đã phân tích vì sao nhà cầm quyền CSVN bằng mọi giá phải bảo vệ cái sai trái rõ ràng như ánh sáng ban ngày ở các dự án BOT này. Chỉ bởi cái chế độ này cũng là một thứ BOT của cộng sản nước ngoài dựng lên mà thôi.
Và hẳn nhiên, khi đó, người dân là nạn nhân bị trấn cướp.
Bất chính và sự đổ lỗi cho “lịch sử”
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của đài truyền hình về việc trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài được dựng lên thu phí cho đường tránh Thị xã Vĩnh Yên, tại sao có chuyện ngang nhiên trấn lột người dân trắng trợn bằng BOT này, Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT đã thản nhiên nói rằng: Đó là do “lịch sử” để lại.
Cái gọi là “lịch sử” rất nhiều lần được quan chức Cộng sản sử dụng nhằm chối bỏ trách nhiệm của mình trước một tội ác nào đó đã gây ra và họ cứ vậy thực hiện tiếp tục mà không hề sửa chữa khắc phục.
Khi cướp đất của Giáo xứ Thái Hà, cướp tu viện của Nhà Dòng Chúa Cứu thế, cướp Tòa Khâm sứ của Tòa TGM Hà Nội, bị vặn hỏi quyết liệt rằng: Bất cứ thời nào, việc chiếm cướp này có đủ cơ sở pháp lý hay không? Việc chiếm cướp này căn cứ vào những quy định pháp luật nào ở các thời kỳ? Thì các quan chức CSVN chỉ có… ngọng.
Họ không thể lý giải, không thể trả lời hoặc tìm ra được một câu giải thích nào thỏa đáng cho việc chiếm cướp bất hợp pháp nói trên, nên họ tìm cách câm lặng, đùn đẩy cho nhau… rồi cuối cùng là đổ vạ cho “lịch sử để lại”
Vậy “Lịch sử” là gì mà để lại những điều oái oăm như thế?
Trong một lần gặp gỡ gọi là “Đối thoại” tại Thanh tra Thành phố Hà Nội, khi họ vẫn cứ nại ra rằng “đây là vấn đề do lịch sử để lại” nhằm buộc nhà thờ phải chấp nhận và thoái thác trách nhiệm với tội ác cướp đoạt của họ.
Tôi đã phát biểu rằng: Khi nói đến vấn đề thuộc về lịch sử, nghĩa là những vấn đề mà những thể chế, những chủ thể hay những con người gây ra sự việc đó đã qua đi, đã không còn nữa để giải quyết, xử lý sự việc đó. Còn ở đây, bên cướp đoạt là chế độ, nhà nước Việt Nam Cộng sản, bên bị cướp đoạt là Giáo hội Công giáo Việt Nam, cả hai còn đều tồn tại, những việc làm đó vẫn có trách nhiệm điều chỉnh, sửa chữa do chính cả hai bên. Tại sao lại là “vấn đề lịch sử”?
Nếu bất cứ việc gì đã làm, đều là “lịch sử” thì tôi có thể ngay bây giờ ra trấn lột tài sản của một ai đó, và nếu ngày mai có bị bắt, bị khiếu nại hoặc ra tòa, thì chỉ cần đổ lỗi cho “vấn đề của lịch sử” là xong hay sao?
Tất cả quan chức nhà nước từ Thanh tra, Chính quyền, Công an, An ninh và đầy đủ bộ sậu ở đó đều… ngậm tăm và đánh bài lờ.
Việc Thứ trưởng Bộ GTVT hôm nay vẫn cứ bám vào thành ngữ “vấn đề do lịch sử để lại” ở các vụ việc về BOT, nhằm che đậy, bảo vệ những nhóm lợi ích đằng sau đó, chẳng có gì là lạ.
Riêng Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, hẳn có kinh nghiệm trong vụ bút phê vào văn bản cho sân sau của dự án VRAMP. Để rồi sau đó nuốt lời hứa và bị nhắn tin đòi 200 triệu đồng tiền đã hối lộ cho ông ta. Hẳn ông ta là người rõ nhất việc phải huy động cả bộ máy của Bộ GTVT nhằm bao che, xoa đỡ và huy động cả công an, tuyên huấn chặn họng báo chí mới cách đây có gần 4 năm.
Nó thể hiện một điều hết sức bình thường trong chế độ Cộng sản. Đó là tư duy nhiệm kỳ, bất cứ điều gì, quan chức nào nắm giữ vị trí, chiếc ghế quyền lực thì đều có thể chối bỏ trách nhiệm của mình khi tiếp xúc giải quyết những công việc thuộc chức năng, trách nhiệm từ những vị trí lãnh đạo, những chiếc ghế mà họ đang ngồi, hoặc đã mua được.
Thực chất, những quan chức như Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường này không hề dám nói thẳng ra vấn đề là tại các dự án BOT đó, việc chia chác quyền lợi cho phe nhóm đã được tiến hành xong, giờ đây bới lại chuyện đó là điều hết sức khó khăn bởi rất có thể cả đống quan tham, hối lộ, tham nhũng… và trong đó khó có thể ai không dính chàm.
Với cái tư duy không chịu trách nhiệm, tranh công đổ lỗi, cứ đua nhau phá hoại, ăn cướp và tham nhũng rồi phủi tay của quan chức và cả một thể chế chính trị như hiện nay, thì tương lai đất nước này hẳn sẽ đi đến chỗ tiêu vong là điều tất yếu.
Và khi đó, chính lịch sử sẽ ghi nhận một điều: Thời đại Hồ Chí Minh, thời đại Cộng sản, là một thời đại suy đồi, khốn nạn và đã dẫn đến sự suy vong cả một dân tộc.
Ngày 26/12/2018
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Metro Saigon: Vũng lầy từ những điều dễ giải thích


Sự kiện metro Saigon vừa đau đớn, vừa căm giận. Nhân dân trong câu chuyện này, sẽ mãi mãi bị lừa dối và bóc lột bởi các đường dây quan chức đạp lên nhau để làm dự án, rồi hại nhau để giành dự án. Tất cả chỉ vì miếng lợi riêng. Trong các câu chuyện kể hay chính báo chí nhà nước hô hoán, các nhóm quan chức cộng sản ngoài Bắc hay trong Nam thò chạm vào đâu, cũng đều thoảng mùi tư lợi, ăn tham, bóc hốt.
Những trí thức mong chỉ được làm nghề như ông Minh Quang, hôm nay phải dùng đến facebook thanh minh (*) cho công việc của mình, cho thấy công thức yên phận hay thủ phận, cũng không sống nổi trong thế giới 4.0 vinh quang đầy tham tàn này.
Lúc này đã thấy các facebooker là đảng viên, có chân trong nhà nước lên tiếng nói theo, dè dặt khi giới thường dân phản ứng, mới thấy cơ chế độc tài chỉ giỏi nuôi dưỡng bọn ăn hại, bọn ôm chặt vị trí làm ngơ thủ lợi, và chỉ góp lời ra vẻ thanh bạch khi nước đã đến chân.
Vụ phanh phui sai phạm Thủ Thiêm của cánh quan chức CS phía Nam, qua báo chí nhà nước phơi bày, cho thấy cũng là cơ hội đẹp để cánh CS phía Bắc chộp lấy những dự án, những phần ăn dang dở để biến thành của cải _ dĩ nhiên không phải của cải cho xã hội hay nhân dân.
Metro Saigon là một dự án không được nhiều thuận lợi từ phía người dân địa phương, đặc biệt là vùng trung tâm. Sự bê bết kéo dài bởi nhiều lý do, giờ cũng trở thành cơ hội của bọn mặc vest và hay nói dối.
Metro Saigon sẽ được hoàn thành hay chuyển đổi trong tay nhà thầu Nhật hay Trung Quốc, hoàn toàn nằm xa tầm với và ý nguyện của nhân dân. Nó nằm thật gần trong sự điêu tàn của đất nước, giữa vòng vây tham nhũng, chia chác, âm mưu của các nhóm quyền lực - căn bệnh của thể chế hôm nay.
(*)
Tường Vây (Diaphragm Wall ) – Metro
Trước khi về công tác tại Ban quản lý đường sắt đô thị Ban QLĐSĐT)(, tôi có dịp nghiên cứu hồ sơ thiết kế tường vây của đoạn đường Lê Lợi và nhận thấy có những bất hợp lý , dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của 20 năm công tác trong lĩnh vực nền móng và công trình ngầm. Đó là tường vây của toàn bộ tuyến Metro số 1 có chiều dày tối là 1,5 m, ngay cả tại khu vực gần Nhà hát thành phố, khách sạn Rex và sát với các tòa nhà thương mại xung quanh. Thế nhưng tại gói thầu CP1a bỗng dưng xuất hiện một đoạn 170m từ đường Pasteur đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tường vây lại được thiết kế dày đến 2,0m. Điều này dẫn đến lãng phí ước tính khoảng 1 triệu USD (theo cách tính của đơn vị thi công trực tiếp). Tôi đã chủ động xin gặp lãnh đạo thành phố và nêu vấn đề này.
Khi tôi về làm việc tại Ban QLĐSĐT, cùng với anh em kỹ sư tâm huyết, chúng tôi đã kiên trì yêu cầu tư vấn Nhật Nippon Koei tính toán lại và sau 4 tháng làm việc quyết liệt, Tư vấn đã đề xuất lại tường vây dày 1,5 m như tường vây của toàn bộ tuyến métro. Ban QLĐSĐT cũng đã đề nghị Tư vấn thẩm tra Sao Việt do một nhóm các Phó giáo sư, Tiến sĩ Trường Đại học Xây Dựng thẩm tra và kết quả đạt yêu cầu. Sau đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã giao cho Sở Giao thông vận tải mời Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông Vận tải TEDI thuộc Bộ Giao thông Vận tải thẩm tra độc lập, kết quả cũng đạt yêu cầu. Như vậy, kết quả tính toán độc lập của 3 Công ty tư vấn Nhật và Việt nam đều cho kết quả ổn định.
Điều đáng nói là việc điều chỉnh thiết kế tường vây đã đem lại một khoản tiết kiệm tương đương 93 tỷ (4 triệu USD đô) và rút ngắn thời gian thi công so với Tường vây 2 mét được 5 tháng. Điều này đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm soát, đối chứng rất chặt chẽ và được khẳng định trong Báo cáo Kiểm toán số 725/KTNN-TH ký ngày 20/12/2018.

Đối xử tử tế với nhau, được không?

“Đốm xanh mờ” là tên bức ảnh này, do tàu Voyager (tàu không gian không người lái) chụp trái đất theo linh của NASA từ khoảng cách 6 tỉ kilomet.
Lấy cảm hứng từ bức hình, năm 1994 nhà khoa học-thiên văn học-vũ trụ học người Mỹ Carl Sagan đã viết những dòng sau:
“Hành tinh của chúng ta là một chấm nhỏ đơn độc trong đêm tối vũ trụ bao trùm. Sự hiện diện của chúng ta – trong khoảng không vô tận này – chẳng ai biết đến và cũng chẳng có một dấu hiệu nào cho thấy sẽ có sự giúp đỡ từ đâu đến để cứu chúng ta thoát khỏi chính bản thân chúng ta. Điều này tùy thuộc vào chính chúng ta. Đối với tôi, [sự nhỏ bé của thế giới chúng ta] cho thấy trách nhiệm chúng ta phải đối xử với nhau một cách tử tế và bác ái hơn và phải bảo vệ và trân trọng cái chấm xanh mờ này, ngôi nhà duy nhất mà chúng ta biết đến.”.
CON NGƯỜI HÃY ĐỐI XỬ VỚI NHAU TỬ TẾ, BÁC ÁI HƠN VÀ CÙNG NHAU BẢO VỆ ĐỐM XANH MỜ, ngôi nhà chung duy nhất của loài người chúng ta.Thầy giáo Hoàng Thạch Quân vừa viết stt này, tôi đọc, cứ thấy bồi hồi. Xin phep trích câu cuối quá đẹp, lung linh không kém bức ảnh “đốm xanh mờ”…
Cũng tối nay, tôi đọc thấy một tin vắn khác.
Ở Thái Lan, chương trình ID kỹ thuật số quốc gia sử dụng blockchain và công nghệ nhận dạng khuôn mặt, sẽ được bắt đầu thử nghiệm vào tháng 1/2019 nhằm ngăn chận gian lận trong mọi giao dịch với ngân hàng hay các cty tài chính.
Theo chuyên gia an ninh mạng tại Thái Lan, Digital ID sẽ cho phép người tiêu dùng thực hiện mọi giao dịch với ngân hàng hoặc công ty tài chính bất kỳ nào đó trên toàn quốc , có thể xác thực quốc tịch hoặc xác nhận các giao dịch mà không cần các giấy tờ, chứng từ bằng giấy.
Chương trình ID kỷ thuật số do nhiều tổ chức đang hợp tác cùng thực hiện: Cơ quan Phát triển Chính phủ Kỹ thuật số, Ngân hàng Thái Lan, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Thái Lan và Cục Ngân khố của Quốc gia.
Chương trình này thuộc danh mục “Biết khách hàng của bạn”, sử dụng nhận dạng khuôn mặt để xác minh danh tính của khách hàng mở tài khoản tiền gửi ngân hàng – một bước quan trọng có thể giúp ngăn chặn tội phạm giả danh lừa đảo hoặc đánh cắp tài khoản hợp pháp, hoặc mở tài khoản, sử dụng quyền truy cập vào tín dụng hoặc đánh cắp tiền bằng cách chuyển tiền.
Giải pháp này đã thử nghiệm bước đầu từ tháng 9/2018, rõ ràng đã giúp các ngân hàng mở rộng cơ sở tài khoản của họ thông qua internet và điện thoại thông minh với tốc độ nhanh chóng.
Chống gian lận hay chậm trễ trong giao dịch ngân hàng, thanh toán trực tuyến cũng đang là vấn đề của thương mại Việt Nam.
Rõ ràng an ninh mạng quá cần cho những hoạt đông có ich về dân sinh và phát triển kinh tế. Các nước Asean đang sử dụng an ninh mạng để đảm bảo an toàn và đẩy nhanh các tiện ích phục vụ cộng đồng, phát triển kinh tế. Mỗi nước đang tiến hành một số giải pháp an ninh mạng khác nhau tùy nhu cầu thực tế của đời sống kinh tế của người dân. Hỏi ý kiến dân khi thực hiện, và người dân được minh bạch thông tin để kiểm tra hiệu quả sử dụng tiền thuế của họ. Làm an ninh mạng như vậy thì quá được chứ ?
Camera, phần mềm kiểm tra dữ liệu sử dụng internet và mobile với trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn hay hơn thế nữa, đâu cũng là ứng dụng công nghệ? Vậy mà hiện nay, nơi này là tiện ích thực sự thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nơi khác là ác mộng biến mọi công dân thành rô bốt, cả cuộc đời chỉ xông pha “bảo vệ” điểm số, ấy cũng chỉ do mục đích của người sử dụng…an ninh mạng ?

Ban Quản Lý Đường Sắt Đô Thị ‘bê bối’, bị Nhật đòi nợ 100 triệu đô la

Tuyến metro Bến Thành–Suối Tiên hiện đã thành hình (bên trái trong hình) nhưng không rõ thời điểm vận hành. (Hình: Dân Trí)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Tin cho hay hôm 26 Tháng Mười Hai, ông Keiichi Ishii, bộ trưởng Đất Đai, Cơ Sở Hạ Tầng Nhật Bản công khai nói trước truyền thông của Hà Nội rằng phía Nhật “mong Việt Nam thanh toán càng sớm càng tốt cho nhà thầu hơn $100 triệu Mỹ kim tiền nợ thi công tuyến metro Bến Thành–Suối Tiên”.
Ông Ishii được ghi nhận đưa ra yêu cầu này trong cuộc gặp Bộ Trưởng Giao Thông–Vận Tải CSVN Nguyễn Văn Thể tại Hà Nội.
Việc Nhật Bản ráo riết đòi tiền nợ thi công tuyến metro diễn ra trong bối cảnh vụ bê bối ở Ban Quản Lý Đường Sắt Đô Thị đang có dấu hiệu lan rộng. Đầu tiên là ông Lê Nguyễn Minh Quang, người đứng đầu ban này, xin từ nhiệm lần thứ hai. Tiếp đó là ông Hoàng Như Cương, phó ban, được ghi nhận đang ở Mỹ sau khi bị phát hiện “tự ý đi nước ngoài không được phép”. Ông Cương nay đang đối mặt với cáo buộc là người phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án và tự ý làm việc này “trái thẩm quyền”.
Bên cạnh việc hai người đứng đầu Ban Quản Lý Đường Sắt Đô Thị từ nhiệm và một người đi Mỹ “không hẹn ngày về”, truyền thông Việt Nam cho biết đến nay đã có 52 trong số 173 cán bộ Ban này trong tình trạng “xin nghỉ việc”.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang, trưởng Ban Quản Lý Đường Sắt Đô Thị.(Hình: Tiền Phong)
Ngoài chuyện bất ổn nhân sự, việc dự án tuyến metro bị “đội vốn” khủng khiếp đang là tâm điểm của báo chí. Báo Dân Trí hôm 26 Tháng Mười Hai tường thuật: “Trong dự án tuyến metro Bến Thành–Suối Tiên, chỉ tính riêng việc thay đổi kết cấu dầm đã làm tăng giá trị công trình 1,420 tỉ đồng ($61 triệu); xác định đơn giá và tính toán sai khối lượng tại một gói thầu làm tăng dự toán hơn 1,600 tỉ đồng ($68.7 triệu); tăng quy mô nhà ga làm tăng 3,224 tỉ đồng ($138.5 triệu)… Kiểm Toán Nhà Nước kiến nghị xử lý gần 2,900 tỉ đồng ($124.5 triệu).”
Tờ báo kết luận tuyến metro nêu trên “đội vốn” từ 17,400 tỉ đồng ($747.4 triệu) theo kế hoạch ban đầu lên hơn 47,300 tỉ đồng (xấp xỉ $2 tỉ). Dựa vào tình hình bất ổn hiện tại của Ban Quản Lý Đường Sắt Đô Thị, giới quan sát dự đoán con số này không có dấu hiệu dừng lại và ngày vận hành của tuyến metro này chưa thể xác định.
Trong một diễn biến khác, liên quan vụ tường vây hầm metro bị phát hiện thay đổi thiết kế ban đầu từ dày 2 mét xuống còn 1.5 mét, ông Lê Nguyễn Minh Quang được báo VnExpress hôm 26 Tháng Mười Hai dẫn lời: “Giảm độ dày tường vây là để tiết kiệm $4 triệu. Việc điều chỉnh độ dày cũng rút ngắn thời gian thi công hơn 5 tháng. Tôi khẳng định, việc điều chỉnh là để tiết kiệm cho thành phố, hoàn toàn không vì mục đích nào khác. Việc này, Kiểm Toán Nhà Nước đã kiểm soát, đối chứng rất chặt chẽ. Tôi từng là nhà thầu, tôi hiểu những mánh khóe cũng như đường đi của các nhà thầu, chính vì vậy tôi mới đồng ý về Ban Quản Lý Đường Sắt Đô Thị để giúp cho thành phố. Vì vậy những tài liệu, hồ sơ nhà thầu trình lên tôi đều rà soát rất kỹ, ra rất nhiều chuyện. Tôi làm vậy không phải để lấy tiếng thơm hay tạo hư danh.”
Sau sáu năm thi công và liên tục đội vốn, đến nay tuyến metro Bến Thành–Suối Tiên mới hoàn thành 56% khối lượng, theo truyền thông Việt Nam. (T.K.)

Vietjet gây hoang mang vì 3 vấn đề ‘nghiêm trọng’ trong 2 ngày

Chuyến bay của Vietjet từ Incheon, Nam Hàn đi Sài Gòn đêm 24 Tháng Mười Hai phải hạ cánh khẩn cấp tại Đài Bắc, Đài Loan vì “báo động giả có khói trong khoang hàng”. (Hình cắt từ clip)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Tính đến 26 Tháng Mười Hai, Hãng Hàng Không Vietjet Air đã gặp phải vấn đề thứ ba liên tiếp trong vòng hai ngày. Lần này là chuyến bay VJ513 chuẩn bị cất cánh từ Hà Nội đi Đà Nẵng thì đột ngột phải dừng lại do có “cảnh báo kỹ thuật.”
Sau khi kiểm tra, phi cơ đủ điều kiện bay trở lại, hành khách trên chuyến bay VJ513 tiếp tục hành trình lúc 9 giờ sáng cùng ngày, theo Zing.
Trước đó, cộng đồng mạng xôn xao trước tin một chuyến bay của Vietjet Air theo chặng Cam Ranh-Sài Gòn vào trưa 25 Tháng Mười Hai, phải quay đầu lại nơi xuất phát và hạ cánh nhầm vào đường băng chưa sẵn sàng hoạt động. Sự kiện này sau đó được loan báo là “báo động giả”.
Đáng nói là 12 tiếng trước sự kiện này, đêm 24 Tháng Mười Hai, hành khách trên chuyến bay của Vietjet từ Incheon, Nam Hàn về Sài Gòn được ghi nhận “có một phen kinh hoàng” khi phi cơ buộc phải đáp khẩn cấp xuống sân bay Đào Viên, Đài Loan.
Một trong những sự kiện ly kỳ nhất của Vietjet xảy ra vào khoảng nửa đêm 29 Tháng Mười Một, hai chiếc lốp phi cơ của hãng này bị rơi ra ở phi trường Buôn Ma Thuột. Sự việc được đánh giá mức độ “nghiêm trọng” khiến phi trường phải đóng phi đạo, tạm ngưng hoạt động trong nửa ngày để điều tra và trám vá phi đạo bị hư hỏng. Trên mạng xã hội có diễn giải là phi cơ đã đáp bằng cánh trong lúc càng phi cơ không hạ.
Chuyến bay của Vietjet chuẩn bị cất cánh từ Hà Nội đi Đà Nẵng sáng 26 Tháng Mười Hai phải dừng lại vì “cảnh báo kỹ thuật.” (Hình cắt từ clip)
Đó là chưa kể hồi cuối Tháng Mười, một phi cơ của Vietjet từ Hà Nội đi Busan phải hạ cánh khẩn cấp ở sân bay quốc tế Hồng Kông sau khi phi hành đoàn phát hiện “vấn đề kỹ thuật”. Lỗi này sau đó được hãng hàng không công bố là do “báo động giả” và phi cơ đã có thể hoạt động bình thường trở lại ngay sau đó.
Sau một loạt vấn đề liên tiếp, Vietjet hiện đã bị Cục Hàng Không Dân Dụng Việt Nam quyết định dừng tăng chuyến để rà soát lại việc khai thác. Đồng thời, giới chức tiến hành giám sát đặc biệt với hãng hàng không này tại bốn cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh và Đà Nẵng.
Có suy đoán cho rằng các vấn đề xảy ra liên tiếp thời gian qua là vì Vietjet đã phát triển quá nóng dẫn đến mất kiểm soát một số khâu trong vận hành chuyến bay.
Điều khiến cho công luận quan tâm là Bộ Giao Thông–Vận Tải không hề lên tiếng sau mỗi vấn đề như vậy mà để người dân tự quyết định với chọn lựa và phó mặc sinh mệnh cho hãng hàng không.
Đến nay, Vietjet được ghi nhận là hãng hàng không luôn tạo hình ảnh đang làm ăn phát đạt trên truyền thông bằng việc liên tiếp công bố những hợp đồng mua phi cơ trị giá hàng tỉ đô la và Tổng Giám Đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo hồi giữa Tháng Mười Hai “được vinh danh top 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu 2018 của Bloomberg”.
Nhân chuyến thăm của Thủ Tướng Pháp Edouard Philippe hồi đầu Tháng Mười Một, Vietjet công bố việc đặt mua 50 phi cơ A321 “trị giá $6.5 tỉ theo giá niêm yết của nhà sản xuất.”
Báo Nhà Đầu Tư hồi Tháng Ba giải thích thực chất của các thương vụ tỉ đô này là dạng “sale and lease back” (mua và thuê lại), nghĩa là thay vì bắt Vietjet trả toàn bộ tiền mua phi cơ ngay lập tức, Boeing hay Airbus sản xuất và giao phi cơ cho hãng này và sau đó thu tiền lại dần dần theo hợp đồng. (T.K.)