Saturday, July 8, 2017

Đẻ vì đất nước


Vừa chân ướt chân ráo trở lại TP HCM trên cương vị Bí thư, ông Nguyễn Thiện Nhân đã sốt sắng trước việc đẻ đái của phụ nữ xứ này.
Phụ nữ Hồ Chí Minh lười đẻ quá. Mà theo ông Nhân: "Sinh đẻ là vì mình, vì đất nước, vì thành phố chứ không là chuyện riêng. Rất nhiều nước coi việc sinh đẻ là tự do của cá nhân nhưng tự do mà sinh ít quá thì đất nước bị thiệt hại" (Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND TP sáng qua 4/7/2017, nguồn dẫn: Dân Trí).
Có lẽ, đây là điểm khác biệt nhất của ông Nguyễn Thiện Nhân, so với tất thảy những Bí thư tiền nhiệm. Sự khác biệt trong tư duy đẻ đái này, liệu có đem lại cho TP HCM sắc diện mới nào dưới triều Nguyễn Thiện Nhân?
Và với tư duy đẻ đái ấy, liệu ông Nhân có biến HCM thành một đô thị đẻ, một cái máy đẻ dồi dào cung cấp nguồn nhân lực cho các tỉnh thành khác, thậm chí cho các quốc gia lân cận?

Đồng Tâm, sau 45 ngày của hy vọng

Cát Linh, phóng viên RFA 2017-07-07  
Dân làng Đồng Tâm đổ đất đá làm chướng ngại vật trên con đường vào làng hôm 20 tháng 4 năm 2017.
 Dân làng Đồng Tâm đổ đất đá làm chướng ngại vật trên con đường vào làng hôm 20 tháng 4 năm 2017.  AFP photo

Sự chờ đợi của người dân thôn Hoành về kết quả thanh tra đất đai Đồng Tâm dường như được giải quyết vào sáng ngày 7 tháng 7. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung gọi đây là “thực hiện đúng cam kết” mà ông đã hứa với người dân Đồng Tâm: Sau 45 ngày, tại UBND xã Đồng Tâm, dự thảo kết luận thanh tra đất được công bố công khai. Vì sao chỉ là “dự thảo kết luận” nhưng lại công bố rộng rãi?
Dự thảo để thăm dò?
Sau vài diễn biến được gọi là “đầu tiên” trong vụ việc Đồng Tâm, có thể nhắc lại như: Lần đầu tiên trong lịch sử cận đại sau 1975, người dân thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức thể hiện sự phản kháng của họ đối với vấn đề cưỡng chế đất đai, đền bù, khiếu kiện bằng hành vi bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin; lần đầu tiên mâu thuẫn đất đai được giải quyết bằng cuộc đối thoại giữa một quan chức cấp cao, và kết thúc bằng một bản cam kết cũng là lần đầu tiên trong lịch sử hành pháp và tư pháp của Việt Nam: bản cam kết viết tay của chính ông chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng với chữ ký của những vị đại biểu Quốc hội làm người đại diện.
Thì một lần nữa, đây là lần đầu tiên một kết luận thanh tra được công bố rộng rãi trước người dân với tên gọi “dự thảo kết luận thanh tra”.
Kết luận này là sai hoàn toàn...Bây giờ bà con cũng đang rất bức xúc khi nghe được tin đó.”
- Ông Lê Đình Doanh
Chính ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung có đưa ra giải thích và được báo chí trích dẫn lại rằng: Cơ quan chức năng có thể tổ chức thông báo dự thảo kết luận thanh tra hoặc không, tuy nhiên, để “thực hiện đúng cam kết” thì dự thảo đã được công bố rộng rãi.
Theo dõi vụ Đồng Tâm từ những ngày đầu cho đến khi diễn ra buổi công bố dự thảo kết luận, tối ngày 7 tháng 7, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng có một lý do để giải thích cho việc gọi là “dự thảo kết luận”.
“Việc họ dự thảo kết luận thanh tra thì họ có cái lý do, là vì họ không tin chắc cái lập luận của họ. Cho nên họ đưa ra dự thảo để xem xét dư luận nói cái gì, người ta phản bác cái gì? Người ta vạch ra cái gì? Người ta vạch ra cái chỗ mâu thuẫn không chính xác…thì họ có thể có cơ hội để điều chỉnh.
Tôi suy nghĩ rằng đấy là 1 việc mà họ cũng có sự khôn ngoan.”
Như phân tích của giáo sư Nguyễn Khắc Mai đã đưa ra, cách nói “dự thảo kết luận” là người tham dự được quyền lên tiếng đòi hỏi chỉnh sửa nếu cần thiết. Theo tường thuật của báo trong nước, ông Bùi Văn Kỉnh, người dân xã Đồng Tâm, có mặt tại buổi công bố có ý kiến lẽ ra người dân thôn Hoành phải nhận được bản dự thảo trước khi công bố để nghiên cứu nội dung. Ông đề nghị cơ quan chức năng đo đạc lại hai khu đất Đồng Sênh và Cổng Đồn với sự giám sát của hai bên chính quyền và người dân, tuy nhiên lời đề nghị của ông không được chấp thuận.
Ngỡ ngàng
Cũng theo tường thuật của truyền thông trong nước, Phó chánh thanh tra Hà Nội Nguyễn An Huy trình bày dự thảo kết luận với nhiều nội dung chi tiết trong một giờ 30 phút, trước khoảng 200 người gồm đại diện nhân dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) cùng Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và lãnh đạo các ban ngành. Một số luật sư được cho là đại diện nhóm người dân ở thôn Hoành cũng có mặt.
000_NR37I-400.jpg
Cảnh sát cơ động được người dân thả ra hôm 22/4/2017 tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. AFP photo
Trong bản dự thảo kết luận, ông nêu, không có diện tích 59 ha đất nông nghiệp xứ đồng Sênh như kiến nghị của ông Lê Đình Kình (đại diện cho người dân có khiếu kiện ở xã Đồng Tâm), diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 64,11 ha và là đất quốc phòng.
Ông chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, người từng ký cam kết không khởi tố người dân Đồng Tâm, khẳng định rằng, một số quyết định liên quan trong đó có quyết định của UBND TP Hà Nội năm 2014 về khu đất quốc phòng sân bay Miếu Môn 236,9 ha là "đúng pháp luật".
Ngược lại, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai Hoàn toàn không đồng ý với kết quả của dự thảo kết luận trên.
“Những kết luận sơ bộ thì tôi thấy nhiều điều không trung thực, và đấy là cái năng lực cũng như là thái độ xưa nay của họ thôi. Họ không muốn đi đến cái chân lý tận cùng đâu”
Chân lý mà giáo sư Nguyễn Khắc Mai cho rằng cần phải đi đến tận cùng trong giải quyết vấn đề Đồng Tâm, chính là nhìn ra sai lầm đầu tiên, cũng là lớn nhất, đó là chuyển đổi mục tiêu sử dụng đất không rõ ràng minh bạch.
“Người ta giao cho anh làm sân bay chứ không phải nói là đất quốc phòng chung chung rồi anh muốn làm gì thì anh làm. Khi anh đã không làm sân bay thì nguyên tắc anh phải trả lại cho chính phủ để chính phủ trả lại cho dân. Hiện nay dân cũng có yêu cầu rất lớn để làm ăn sinh sống. Đó là sai lầm rất lớn của họ.”
Những kết luận sơ bộ thì tôi thấy nhiều điều không trung thực, và đấy là thái độ xưa nay của họ thôi.
- Giáo sư Nguyễn Khắc Mai 
Cùng nhận định trên, luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẽ trên trang cá nhân của ông rằng: Những nguyên nhân chính yếu gây nên "sự cố" Đồng Tâm như chính sách về sở hữu đất đai, về giải quyết khiếu nại, về tình trạng tham nhũng hoặc yếu kém của cán bộ công chức ... đều bị xem nhẹ.”
Khoảng hai tuần trước, Công an thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố hình sự vụ Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình chia sẽ trong một video clip trên mạng xã hội: “Tôi muốn nói với ông Nguyễn Đức Chung rằng hãy chờ kết quả thanh tra trước khi có quyết định khởi tố”.
Qua đó, nhiều ý kiến nói rằng người dân Đồng Tâm đang trông ngóng và hy vọng vào một kết luận thanh tra sẽ chứng minh được việc họ bắt giữ cán bộ là một động thái bảo vệ đất đai của mình.
Thế nhưng, ngay sau khi bản dự thảo kết luận được công bố, trả lời phóng viên Đài Á Châu tự do, ông Lê Đình Doanh, cháu nội cụ Lê Đình Kình, một trong 4 người từng bị công an Hà Nội bắt liên quan đến vụ tranh chấp đất đai này cho biết bản thân anh và hầu hết người dân Đồng Tâm rất bất mãn.
“Kết luận này là sai hoàn toàn bởi vì từ ngày tôi còn nhỏ đã theo ông bà vào trong đó dỡ sắn, trồng lạc, ngô ở trong đó suốt nên họ nói vậy là sai hoàn toàn. Bây giờ bà con cũng đang rất bức xúc khi nghe được tin đó.”
Theo lời ông Doanh, đất này là đất nông nghiệp của dân từ ngày xưa đến giờ, và Đồng Tâm lại chuẩn bị dậy sóng.
Và ông Lê Đình Kình, người được cho là thủ lĩnh của thôn Hoành, sau khi theo dõi diễn biến buổi công bố dự thảo kết quả thanh tra, đã trả lời báo chí trong nước rằng “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ”.
Ông chính là người nói lời cảm ơn ông Nguyễn Đức Chung trong một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội, với nội dung: Nếu ông Nguyễn Đức Chung không về xử lý vụ Đồng Tâm thì có thể xảy ra vụ Thiên An Môn tại Việt Nam, và từ đó sẽ để lại cho chế độ một vết nhơ không xoá được.

Phan Rang: Một thanh niên 26 tuổi chết trong khi bị tạm giữ

Thanh niên chết trong đồn công an Phan Rang-Tháp Chàm



Sáng ngày 08/07/2017 người nhà nạn nhân của anh Nguyễn Hồng Đê đã mang xác anh đi biểu tình đòi công lý. Video: Facebook Ngô Bảo Trinh

CTV Danlambao - Nạn nhân là anh Nguyễn Hồng Đê (26 tuổi), con trai bà Trần Thị Tóa (ngụ tại khu phố Ninh Chữ 2, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Anh Đê đã chết sau khi được đưa từ nhà tạm giữ của Công an TP Phan Rang đến Bệnh viện Đa Khoa tỉnh.

Mẹ của nạn nhân, bà Tóa cho hay: Khoảng 8h sáng ngày 6/7/2017, anh Đê đang uống cà phê thì bị mời lên trụ sở CA PT Phan Rang-Tháp Chàm làm việc. Không thấy con về, khoảng 3 giờ chiều cùng ngày bà lên công an hỏi thì được trả lời anh Đê “liên quan đến một vụ án cố ý gây thương tích nên bị tạm giữ một ngày để làm rõ”.

Khoảng 3 rưỡi chiều hôm sau (7/8/2017), bà Tóa lại lên tìm con thì được công an thông báo anh Đê đã tự tử bằng cách “cởi áo dài tay tự thắt cổ” và đã được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Bà Tóa đã đến bệnh viện nhưng chờ suốt đêm vẫn không được vào.

Đến 6h sáng 8/7, bà nhận tin báo con trai đã chết. Đến lúc này bà vẫn không được vào gặp con. Nửa tiếng sau, bà lại nhận được thông báo thi thể anh Đê đã “được chuyển xuống nhà yên nghỉ”.

Phía công an điều tra nói rằng anh Đê từng được hưởng án treo sau một vụ án mà anh bị buộc tội “cố ý gây thương tích”. Trong thời gian đang thụ án (án treo), anh Đê lại cố ý gây thương tích cho một người khác ở phường Mỹ Bình, TP Phan Rang. Tỉ lệ thương tật đối với nạn nhân là 22%. Chính vì lý do này nên công an đã mời anh Đê lên làm việc. Chỉ sau hơn một ngày bị giam giữ, chiều 7/7/2017, anh Đê đã… tự ý cởi chiếc áo dài tay đang mặc trên người để thắt cổ (?). Sau đó (không xác định rõ thời gian), anh Đê được phát hiện và đưa đi cấp cứu. Lưu ý, việc anh Đê bị bắt và chết bất thường không hề được thông báo cho gia đình biết mà mẹ anh - bà Tóa chỉ được biết sự việc của con mình khi chủ động đến cơ quan công an hỏi.

“Vì sao họ không cho tôi vô gặp mặt con tôi, sao lại chuyển xác con tôi mà không cho tôi biết như vậy?” là câu chất vấn chính đáng không chỉ của bà Tóa mà của mọi công dân Việt Nam khác dành cho nhà cầm quyền trong bối cảnh ngày càng nhiều người chết bất thường trong các trụ sở do công an quản lý. Hầu hết các vụ việc tương tự đều không được minh bạch, không được giải quyết dẫn đến vấn nạn này ngày càng xảy ra nhiều hơn. Nạn nhân chết tức tưởi, oan ức, gia đình tan nát, khổ đau và hung thủ thì nhởn nhơ tiếp tục gây tội ác.

Sau khi anh Đê (hoặc xác anh Đê) được chuyển đến Bệnh viện tỉnh thì phía công an, viện kiểm sát cũng cho người đến đông nghịt để “tìm hiểu vụ việc”. Đại tá Huỳnh Cầm, phó giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận có mặt tại bệnh viện cũng khẳng định rằng anh Đê đã “tự thắt cổ”. 

Đến 10h ngày 8-7, việc khám nghiệm tử thi vẫn chưa được tiến hành do gia đình không đồng ý. 

Với nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra trước đó, có thể khẳng định dù có tiến hành phẫu thuật khám nghiệm tử thi đối với anh Đê thì mọi thứ vẫn sẽ được diễn giải theo kịch bản do công an dàn dựng. Vấn nạn công dân chết bất thường hoặc bị giết trong các đồn công an chỉ chấm dứt khi chế độ công an trị này sụp đổ.

Thảm họa người dân chết dưới tay côn an trong đồn này một lần nữa cho thấy những cảnh báo, kêu gọi chấm dứt tệ trạng côn an giết người của blogger Mẹ Nấm và Mạng lưới Blogger Việt Nam là chính đáng và cần thiết.