Thursday, July 16, 2015

Văn đoàn độc lập Việt Nam: Sự kiện hay Cước chú?

Các thành viên nhóm Văn đoàn Độc lập Việt Nam tại Sài Gòn.
Các thành viên nhóm Văn đoàn Độc lập Việt Nam tại Sài Gòn.
Phùng Nguyễn
Theo BBC-16.07.2015

Sau biến cố “Luận văn Nhã Thuyên,” “Trường hợp Võ Phiến” của Thu Tứ trên báo Nhân Dân và những chi tiết chung quanh bản dịch The Spy Who Loved Us của Thomas Bass trên mạng Pro&Contra của Phạm Thị Hoài là những  sự kiện văn học đáng chú ý. Tuy nhiên, có thể nói một cách an toàn, những diễn biến gần đây nhất liên quan đến Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam (VĐĐLVN) có khả năng trở thành sự kiện văn học lớn nhất sau vụ “Luận văn Nhã Thuyên.” Lớn ở tầm ảnh hưởng cũng như ở những cơ hội mà sự kiện này có thể tạo ra.

Chỉ trong vòng ít hôm sau khi hai mươi nhà văn tuyên bố rút chân khỏi Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN), đã có một số ngòi bút tiếng tăm tham gia bình luận, phân tích cái được gọi là “Sự kiện Văn đoàn độc lập Việt Nam” này. Đa số các bài viết chỉ trích thái độ  “thiếu trưởng thành” của HNVVN khi các quan chức của hội đòi gạch bỏ những nhà văn, nhà thơ có tên trong Ban Vận động thành lập VĐĐLVN (BVĐ) ra khỏi danh sách đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc HNVVN lần thứ IX. Cách cư xử mang tính răn đe này đã vấp phải phản ứng mạnh của các nhà văn có tên trong “sổ bìa đen,” và kết quả là hàng chục người đã đồng loạt từ bỏ cái hội danh giá mà trong quá khứ họ đã phấn đấu hết mình để được thu nhận. Có thể nói đây là một cú đấm khá mãnh liệt vào uy tín của tổ chức này. Các quan chức của HNVVN, tuy vậy, có vẻ như đã không rút ra được bài học nào từ đó. Thay vì xem đây là một cơ hội tốt để rà xét lại cơ cấu tổ chức và những quy định lỗi thời của hội, họ tiếp tục sử dụng món vũ khí quen thuộc của những kẻ quen dựa hơi quyền lực. Theo báo Tuổi Trẻ Online, trong cuộc họp báo ngày 3 tháng 7 năm 2015 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch HNVVN Nguyễn Quang Thiều cho biết về những thay đổi điều lệ quan trọng với một phát biểu bí hiểm như sau:

“Thứ nhất, nội dung đủ tư cách vào hội vẫn giữ nguyên các điều kiện của điều lệ cũ nhưng bổ sung một điều: những người được kết nạp vào hội không được tham gia cùng một lúc hai tổ chức mà trong đó một tổ chức phạm pháp (tức là tổ chức chưa được Nhà nước, pháp luật công nhận). Đối với các hội viên đã là hội viên rồi mà tham gia vào tổ chức đó thì chỉ được quyền tham gia một trong hai tổ chức.”

Một cách liều lĩnh, người viết xin tạm “diễn nghĩa” theo cách hiểu thô thiển của mình như sau:

Nếu [muốn] là hội viên của HNVVN, không được tham gia VĐĐLVN bởi vì đây là một tổ chức phạm pháp.

Trước đó, trong đại hội HNVVN thuộc khối Công an Nhân dân được tiến hành ngày 21 tháng 5 năm 2015, các quan chức HNVVN cũng đã nhấn mạnh khía cạnh bất hợp pháp  của VĐĐLVN. Đáp lại cáo buộc của HNVVN, nhóm chủ trương của Ban Vận động thành lập VĐĐLVN đã lên tiếng phản đối trong bài “Hai câu hỏi gửi Ông Phó Chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam liên quan đến Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam” trên trang mạng Văn Việt (vanviet.info).

Trong hầu hết các bài viết liên quan đến VĐĐLVN, có một chi tiết quan trọng hình như đã né tránh được sự chú ý của các tác giả. Đó là “Lư sơn chân diện mục” của văn đoàn này. Trước hết, chưa hề có một tổ chức hợp pháp hay bất hợp pháp nào mang tên “Văn đoàn độc lập Việt Nam” đang chính thức hoạt động. Không có gì khó khăn để nhận ra cái khả năng VĐĐLVN được chính quyền CSVN cấp giấy phép gần với số 0 hơn bất cứ con số nào khác. Nhưng ngay cả khi không phải đếm xỉa đến khía cạnh pháp luật, BVĐ cũng có vẻ như không hề vội vã trong việc trình làng văn đoàn này để công khai hóa danh sách ban chấp hành và hội viên. Trong bài phỏng vấn gần đây nhất, khi được hỏi về những hoạt động sắp tới,  nhà văn Nguyên Ngọc có đề cập đến các giải thưởng văn học cũng như một số tiêu chuẩn khá lõng lẽo dành cho hội viên tương lai nhưng đã không hứa hẹn gì về chuyện khi nào sẽ chính thức ra mắt văn đoàn. Như vậy, hợp pháp hay bất hợp pháp, VĐĐLVN trên thực tế chỉ là một sản phẩm đang được thai nghén, và ngày khai hoa nở nhụy còn chưa được các bậc sinh thành xác nhận. Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ là VĐĐLVN, trong khi chưa hề hiện hữu, đã có thể gây ra một số tác động quan trọng lên môi trường sinh hoạt của giới cầm bút trong, và, một cách hạn chế hơn, ngoài nước. Đây là một hiện tượng  thú vị, và những lý giải cho hiện tượng này có thể tìm thấy ở trang mạng Văn Việt.

Trong một chừng mực nào đó, BVĐ đã áp dụng một số kinh nghiệm học hỏi được từ các tổ chức tiên phong trong phong trào “xã hội dân sự” (như mạng Bauxite Việt Nam chẳng hạn) trong khi dọ dẫm, thử thách các ranh giới mù mờ của luật pháp hiện hành. Chỉ một thời gian rất ngắn sau khi tuyên bố sự ra đời của BVĐ, trang mạng Văn Việt được xây dựng và đưa ngay vào hoạt động. Bằng cách này, những người chủ trương đã biến VĐĐLVN từ một dự phóng cho một tương lai chưa rõ nét trở thành một thực thể sống động của thì hiện tại. Mạng Văn Việt đã mang đến cho bạn đọc trong ngoài nước nhận thức về sự có mặt của một tổ chức có tên gọi là VĐĐLVN cùng với phương châm hành động của nó.

Ngay từ lúc mới xuất hiện, mạng Văn Việt đã có những nỗ lực theo sát với đường hướng vạch ra trong tuyên bố của BVĐ  về một “nền văn học đích thực.” Chuyên đề “Văn Học Miền Nam 54-75” trong đó  việc giới thiệu các ngòi bút có tên trong danh sách “biệt kích văn nghệ” của miền Nam cũng như các bài viết nhằm phê phán chính sách hủy diệt văn học miền Nam của chính quyền CSVN trong những năm 70 và 80 thế kỷ trước đã giúp xóa đi phần nào những hoài nghi nếu có về mục đích của VĐĐLVN đối với một số độc giả. Đây là một thắng lợi đáng kể cho một tổ chức chưa chính thức chào đời! Tháng 3 năm 2015, mạng Văn Việt, được nhìn nhận như là tiếng nói chính thức của VĐĐLVN, đã cho xuất bản 2 tuyển tập văn xuôi trên hệ thống Amazon.com nhân kỷ niệm một năm ngày chào đời của BVĐ, hoàn toàn tảng lờ hệ thống kiểm duyệt của nhà cầm quyền Việt Nam trong chiều hướng nhằm khẳng định quyền tự do sáng tác và tự do công bố tác phẩm đề cập trong tuyên bố của BVĐ. Gần đây nhất (đầu tháng 6/2015) là việc BVĐ ra thông báo tổ chức giải Văn học thường niên dành cho các bộ môn Thơ, Văn xuôi, và Nghiên cứu Phê bình. Đây là một bước đi “chiến lược” nhằm, bên cạnh các mục tiêu khác, thử thách giá trị văn học của các giải thưởng của HNVVN và các hội nghệ thuật khác do nhà nước chỉ đạo và tài trợ. Thêm một điểm son cho nỗ lực hướng đến một nền văn học Việt Nam đích thực của BVĐ! Tuy nhiên, sự kiện đáng chú ý này, trong khi nhận được nhiều phản ứng thuận lợi, đã gợi ra một số câu hỏi về sự “hợp cách” của BVĐ trong việc đứng ra tổ chức các giải văn học thường niên. Có ý kiến cho rằng BVĐ đã vượt ra khỏi giới hạn chức năng chính yếu của mình bằng cách gánh vác những trách nhiệm lẽ ra nên thuộc về tổ chức mà BVĐ có trách nhiệm đưa vào hoạt động một cách chính thức, VĐĐLVN.

Không khó khăn lắm để giải thích việc BVĐ không hề gấp gáp trong việc cho ra mắt VĐĐLVN. Trong bài “Hai câu hỏi gửi ông Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam liên quan đến Ban Vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam” đề cập ở trên, câu hỏi “Ban Vận động Văn đoàn độc lập được lập ra nhằm chuẩn bị cho việc lập Văn đoàn tương lai, có phải là ‘tổ chức bất hợp pháp?”’ được dùng để thách thức cáo buộc của các quan chức HNVVN về khía cạnh “bất hợp pháp” của BVĐ cũng như tổ chức “tương lai” có tên VĐĐLVN. Xem ra ngay cả hệ thống pháp luật của nhà cầm quyền VN cũng không khỏi lúng túng trong việc  công khai từ chối hay công nhận quyền sinh hoạt của VĐĐLVN hoặc của một hội đoàn phi chính phủ tương tự. Bởi vì chính quyền chưa công khai xác định tư cách pháp lý (hợp pháp hoặc bất hợp pháp) của nó,  BVĐ có thể hạn chế đến mức tối đa những va chạm trực tiếp với các thế lực trấn áp của nhà nước. Trong khi đã có một số chứng cớ về việc gây áp lực cũng như sách nhiễu áp đặt lên một vài thành viên BVĐ, chưa có ai trong số họ bị bắt giữ về tội tham gia một tổ chức bất hợp pháp. Trong thời gian này, với VĐĐLVN  vẫn chỉ là một hội đoàn “tương lai,” BVĐ có thể tiếp tục lèo lái con thuyền Văn Việt dọc cái biên giới mù mờ của pháp luật, vốn, một cách khá oái ăm, được thiết kế để phục vụ trước hết giới thống trị. Đây là một lợi thế không dễ từ bỏ, đặc biệt nếu phải tính đến những hiểm nghèo mà các thành viên BVĐ có thể phải đối diện. Nhưng liệu việc giữ VĐĐLVN trong dạng thai nhi có phải và có nên là giải pháp lâu dài cho BVĐ? Làm thế nào một nền văn học “đích thực” có thể thành hiện thực nếu một hay nhiều thi văn đoàn độc lập gồm những hội viên là những nhà văn, nhà thơ độc lập không bao giờ có cơ hội chào đời, bất kể được hay không được nhà nước ban phép lành?

Trong những ngày tháng sôi nổi nhất của sự kiện “Văn đoàn độc lập,” HNVVN, do tư thế “không độc lập” của nó, đã một cách dễ dàng trở thành mục tiêu “ném đá” của nhiều nhà bình luận và, ở nhiều khía cạnh, nó xứng đáng bị như thế. BVĐ, tuy vậy,  cũng không tránh khỏi bị phê phán về một số phương diện. Có thể nói, trong khi nghiêng cảm tình về phía VĐĐLVN, không ít những người  quan sát trong và ngoài nước muốn được nhìn thấy sự minh bạch và nhất quán giữa chủ trương và hành động của BVĐ. Tựa đề bài viết “Bạn muốn gì ở Hội Nhà văn Việt Nam?” của nhà văn Phạm Thị Hoài có thể dễ dàng đổi thành “Bạn muốn gì ở Ban Vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam?” mà không phương hại nhiều đến sự gắn bó của nó với nội dung của bài.

Ngày 14 tháng 8 năm 1980, một tổ chức độc lập, phi chính phủ có tên “Công đoàn Đoàn kết” chính thức chào đời ở bãi đóng tàu Gdansk mà không cần đến tấm giấy phép hoạt động của chính quyền CS Ba Lan. Một sự kiện lịch sử trọng đại đã bắt đầu như thế.

* Blog của nhà văn Phùng Nguyễn là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.      

Vì sao cuộc gặp Mỹ - Việt mang tính lịch sử?

Theo BBC-6 giờ trước
Một chuyên gia lâu năm về chính trị Việt Nam nhận định có tám lý do để gọi chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là mang tính lịch sử.
Viết trên trang The Diplomat, giáo sư người Úc Carl Thayer nói việc Tổng thống Obama tiếp ông Trọng trong Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng chứng tỏ Mỹ trên thực tế công nhận vai trò của Đảng Cộng sản trong nhà nước một đảng ở Việt Nam, và tầm quan trọng của chức vụ tổng bí thư trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Nếu Tổng thống Obama thăm Hà Nội trước khi mãn nhiệm, điều này sẽ càng chứng tỏ Mỹ tôn trọng hệ thống chính trị Việt Nam. Chuyến thăm Mỹ của ông Trọng cũng đặt tiền lệ cho những chuyến thăm sau này của người nắm chức lãnh đạo Đảng Cộng sản.
Lý do thứ hai, tuyên bố chung hai phía nói “cả hai nước khẳng định tiếp tục theo đuổi một mối quan hệ sâu sắc, lâu bền và thực chất trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hiệp quốc, luật pháp quốc tế, và hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Theo ông Carl Thayer, các nhân vật “bảo thủ về ý thức hệ” tại Việt Nam lâu nay vẫn nghi ngờ Mỹ định lật đổ chế độ tại Việt Nam. Nhưng sau khi ông Trọng được Obama đón tiếp, và Mỹ khẳng định tôn trọng hệ thống chính trị Việt Nam, điều này “chứng tỏ cái nhìn thế giới lạc hậu của các nhân vật bảo thủ ý thức hệ của Việt Nam”.
Thứ ba, hai nhà lãnh đạo cam kết thúc đẩy thỏa thuận quan hệ đối tác toàn diện năm 2013 bằng việc tăng cường các chuyến thăm cao cấp, tạo cơ chế thi hành hợp tác trong chín lĩnh vực đã đề ra năm 2013. Hôm 7/7, Việt Nam và Mỹ đã ký 4 thỏa thuận, bao gồm việc Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, hỗ trợ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, hợp tác giải quyết các mối đe dọa đại dịch và hỗ trợ kỹ thuật cho vấn đề an toàn hàng không.
PetroVietnam và Murphy Oil cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chung, Đại học Harvard được nhận quyền thiết lập trường Fulbright ở Việt Nam và Việt Nam nhận chiếc máy bay Boeing 787 Dreamliner đầu tiên.
Thứ tư, hai bên cam kết hợp tác với các quốc gia khác để hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thực thi cải tổ cần thiết để đạt được thỏa thuận.
Thứ năm, hai bên cam kết cùng hợp tác để đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở cả song phương và đa phương, thông qua các tổ chức khu vực như APEC, ASEAN, hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cộng và hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
null
Thứ sáu, hai bên đã đặt ra cơ sở để giải quyết vấn đề căng thẳng trên Biển Đông. Tuyên bố chung giữa hai nước nhắc lại lập trường hai bên, rằng tranh chấp hàng hải cần phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế và hòa bình.
Tuy vậy, lãnh đạo hai nước cũng nói: “Cả hai nước đều quan ngại về những diễn biến mới đây ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, và đe doạ phá hoại hoà bình, an ninh và ổn định. Hai bên công nhận sự cấp bách của việc duy trì các quyền tự do hàng hải và hàng không bên trên vùng biển được quốc tế công nhận; thương mại hợp pháp không bị cản trở, an ninh và an toàn hàng hải; kiềm chế các hành động làm tăng căng thẳng; bảo đảm rằng mọi hành động và hoạt động được tiến hành tuân thủ luật pháp quốc tế; và bác bỏ sự cưỡng ép, đe doạ, và sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực.”
Theo giáo sư Carl Thayer, điều này chứng tỏ “sự trùng hợp lợi ích chiến lược đáng kể liên quan Biển Đông”.
Thứ bảy, ông Obama và ông Trọng đồng ý tăng cường mối quan hệ hợp tác về an ninh và quốc tế trên phương diện an ninh hàng hải, nhận thức về an ninh hàng hải, thương mại quốc phòng và trao đổi công nghệ quốc phòng.
Việt Nam chưa nói rõ quan tâm đến vũ khí và công nghệ nào của Mỹ một khi lệnh cấm bán vũ khí của Mỹ chưa được dỡ bỏ hoàn toàn. Tuy vậy, Mỹ khẳng định sẽ chỉ tập trung nâng cao an ninh hàng hải cho Việt Nam và năng lực của lực lượng Cảnh sát biển.
Thứ tám, hai nhà lãnh đạo cũng công nhận những khó khăn và thách thức trong mối quan hệ song phương, gồm nhân quyền và công nhận là nền kinh tế thị trường, và cam kết đối thoại tích cực, thẳng thắn trên cơ sở xây dựng để giảm bớt sự khác biệt và xây dựng lòng tin.

Từ Vị Xuyên 1984 tới Biển Đông 2015

Theo BBC-16 tháng 7 2015

Hài cốt liệt sỹ Việt Nam ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) được thu thập sau trên dưới ba thập niên kết thúc chiến tranh biên giới Việt - Trung.
Cần có thái độ và ứng xử ra sao với quá khứ chiến tranh để rút ra bài học xử lý các nguy cơ xung đột Việt - Trung trong hiện tại cũng như tránh được các nguy cơ chiến tranh trong tương lai.
Đây là mạch chủ đề chính được cuộc Tọa đàm Trực tuyến của BBC thứ Năm tuần này thảo luận với các khách mời nhân 31 năm Việt Nam đánh dấu trận chiến Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) trong cuộc chiến tranh Biên giới kéo dài một thập niên với Trung Quốc.
Từ Hà Nội hôm 16/7/2015, Nhà văn Phạm Viết Đào có thân nhân hy sinh trong trận chiến Vị Xuyên nói đây là trận chiến 'lớn nhất ở Đông Nam Á'.


Ông nói: "Về trận Vị Xuyên, phía Trung Quốc theo thông tin tôi nhận được là họ làm rất rầm rộ vào năm 2009, họ kỷ niệm hai mươi năm, họ coi là 'Chiến thắng Lão Sơn'.
"Và 'Chiến thắng Lão Sơn' ấy đã được các tài liệu, sách báo của Ấn Độ và Nhật Bản coi là một trong những cuộc chiến tranh lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á' bởi vì lúc ấy Trung Quốc huy động năm, sáu chục vạn quân vào cái (trận chiến) này."
Và nhà văn Phạm Viết Đào nói thêm:
"Chúng tôi biết rằng trận Lão Sơn này, Trung Quốc gọi là Lão Sơn ấy, chính đích thân tướng Lưu Á Châu là con rể của Phó Thủ tướng (Trung Quốc) Lý Tiên Niệm, đã viết rất nhiều cuốn sách về (trận chiến) này. Và chính Nguyên soái (Trung Quốc) Diệp Kiếm Anh đã viết thư tay Lưu Á Châu vào lấy tài liệu.
"Và ông đã viết tiểu thuyết về trận Lão Sơn này, và chính quyển tiểu thuyết này đã được một Tạp chí của Việt Nam là Hồn Việt giới thiệu và tôi đã phản ánh rất giữ việc tại sao một Tạp chí của Việt Nam giới thiệu một cuốn tiểu thuyết của Trung Quốc viết về Lão Sơn, trong khi chúng tôi là những người nhà văn muốn viết thì không ai được viết," blogger Phạm Viết Đào nói với Tọa đàm.

Nên tưởng niệm?

Khi được hỏi liệu trận chiến Vị Xuyên nói riêng và chiến tranh biên giới Việt Trung có nên được Việt Nam tưởng niệm, đánh dấu hàng năm hay không, Đại tá Phạm Hữu Thắng, nhà nghiên lịch sử quân sự nêu quan điểm cho rằng ở Việt Nam hàng năm đã có ngày '27 tháng Bảy' dành cho thương binh, liệt sỹ.
Đại tá Thắng từ Viện Nghiên cứu Lịch sử Quân sự, từ Hà Nội, nói:


"Tưởng niệm thường xuyên, theo quan điểm của tôi thì nhìn chung vào dịp 27/7 đã có tưởng niệm thương binh, liệt sỹ rồi.
"Thế còn những địa danh cụ thể thông thường nó gắn liền với từng đơn vị một.
"Tôi nghĩ rằng những cuộc tưởng niệm ấy thì do từng địa phương, từng đơn vị một tổ chức thôi thì còn được.
"Còn có tính chất quốc gia thì tôi nghĩ là cũng không cần thiết," nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam nói.
Tuy nhiên ngay trước đó, Đại tá Phạm Hữu Thắng cũng khẳng định trận Vị Xuyên là một trận chiến 'ác liệt' nhất trong cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung vốn kéo dài một thập niên, bắt đầu từ ngày 17/2/1979.
Ông nói: "Cuộc chiến Vị Xuyên là cuộc chiến đấu được coi là ác liệt nhất ở toàn bộ tuyến biên giới mà sau khi Trung Quốc tấn công tháng 2/1979 và đã bị đẩy lui về phía bên kia biên giới.
"Sau đó, cuộc xung đột biên giới vẫn diễn ra cho đến năm 1988. Cuộc chiến Vị Xuyên từ giữa năm 1984, mùa hè 1984 cho đến hết 1985, được coi là giai đoạn ác liệt nhất.
"Và không chỉ ác liệt ở chỗ Vị Xuyên mà còn ác liệt của cả tuyến biên giới.
"Còn từng trận đánh cụ thể, thì thực ra cái tuyên truyền; và các tài liệu nghiên cứu về cuộc Chiến tranh Biên giới vẫn đang trong tình trạng bảo mật, cho nên việc nghiên cứu cụ thể về các trận đánh đó, thì tôi cũng chưa có điều kiện," nhà nghiên cứu lịch sử quân sự nói với BBC.
Tuy vậy, một khách mời khác tại Tọa đàm của BBC cho rằng việc đánh dấu, 'tưởng niệm hàng năm' trận Vị Xuyên cũng như Chiến tranh Biên giới Việt - Trung 1979 là 'chuyện đương nhiên' mà 'không nên đặt ra câu hỏi'.
Nhà báo tự do, cựu chiến binh chiến tranh biên giới Việt - Trung, ông Ngô Nhật Đăng, nói:
"Theo tôi không cần phải đặt ra câu hỏi, mà việc phải tưởng niệm trận Vị Xuyên là việc tất nhiên phải làm.


"Trận Vị Xuyên kéo dài, không phải (chỉ là) năm 1979 sau đó một tháng, mà (trận) Vị Xuyên kéo dài đến năm 1984, và sự hy sinh xương máu của cả hai phía rất là lớn.
"Theo tôi, việc tưởng niệm là điều tất nhiên."

'Né tránh sự thực'

Đề cập vấn đề bài học ứng xử với quá khứ, mà cụ thể là trận chiến Vị Xuyên hay Chiến tranh Biên giới 1979 và mối liên hệ với vấn đề tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam hiện nay, nhà báo Nguyễn Giang của BBC nêu quan điểm:
"Về vấn đề đang xảy ra trên Biển Đông bây giờ, tôi có cảm giác là trong một giới nhất định ở Việt Nam, họ tìm cách gần như là né tránh một sự thực, tức là rõ ràng là đang bị lấn.
"Gần đây thì đỡ hơn, nhưng có một thời gian có cảm tưởng thậm chí báo chí không được nói lên tên là 'Tàu Trung Quốc', cái đó rất là vô lý ở chỗ là chính Trung Quốc họ nói, cũng đăng ngay trên báo của họ.
"Tại sao phía Việt Nam lại không đưa? Vậy thì tôi hiểu là chính sách ngoại giao của Việt Nam thấy có vẻ như là, nhìn từ bên ngoài vào, có vẻ gọi là mềm mỏng.
"Nhưng mềm mỏng đấy, mà phía bên kia họ không coi là mềm mỏng, thì chúng ta phải xem lại. Đấy là việc rất bình thường trong chuyện quan hệ đối tác.
"Tức là chúng ta tỏ ra mềm mỏng bao nhiêu, người ta nghĩ là mình né tránh.
"Thì né tránh, thì tội gì người ta không lấn tới? Đấy là cái logíc bình thường cuộc sống, không nói riêng chuyện Trung Quốc, Việt Nam hay nói các nước trong khu vực.
"Đấy là một câu hỏi rất là lớn. Rồi chuyện một quốc gia tự mình làm quên lịch sử của mình, thì người khác sẽ nhắc cho mình, mà là lịch sử của họ. Cái đấy cũng là một câu hỏi tiếp."


Và Nguyễn Giang nhấn mạnh:
"Càng né tránh thì càng bị động, đó là quan điểm của tôi cho các sử gia Việt Nam, còn các nhà hoạch định chính sách, tôi không biết họ suy nghĩ thế nào, thì cũng không dám bình luận," nhà báo chia sẻ với Tọa đàm.

Lịch sử lặp lại?

Từ Studio của BBC tại London, Thạc sỹ Nguyễn Bảo Châu, Giảng viên Chính trị Quốc tế, thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế của Việt Nam, người đang tu nghiệp nghiên cứu sinh Tiến sỹ tại Đại học East Anglia, Anh Quốc, bình luận với Tọa đàm về bài học lịch sử kết nối giữa Vị Xuyên 1984 và Biển Đông 2015.
Thạc sỹ Bảo Châu nói: "Tôi cho rằng lịch sử có thể đang lặp lại trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
"Bởi vì ngoài sự kiện biên giới năm 1979, hiện nay đang có khu vực tranh chấp ở Biển Đông, theo tôi bài học ở đây đó là chúng ta (Việt Nam) cần phải thấy được sự chú ý là điều giống nhau trong luận điệu của Trung Quốc.

"Ví dụ trong sự kiện xâm chiếm biên giới, thì Trung Quốc tuyên truyền cho người dân Trung Quốc là 'Việt Nam xâm lược', là 'Trung Quốc tự vệ, dạy cho bài học' v.v...
"Những luận điệu đó không có bằng chứng (cơ sở), cũng như là so sánh với tình trạng ở Biển Đông hiện tại, thì việc đặt giàn khoan, cũng như xây dựng đảo nhân tạo, theo tôi thấy Trung Quốc cũng có rất nhiều luận điệu.
"Ví dụ như là để bảo vệ môi trường, sinh thái v.v..., nhưng mà không đưa ra được một bằng chứng rõ ràng nào, thì chúng ta cần phải rút kinh nghiệm và đưa ra cái bất nhất trong hành động và trong luận điệu của Trung Quốc...


"Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang rút kinh nghiệm và đang chủ động hơn trong việc đưa ra, nói với thế giới về quyền tài phán, chủ quyền lãnh thổ của mình, và chúng ta đã góp phần đưa được vào chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc về vấn đề Biển Đông, cũng như trong những tuyên bố của Asean, trong lần Thượng đỉnh gần nhất.
"Tôi nghĩ đấy cũng là một tín hiệu mừng trong đấu tranh ngoại giao, trong mọi mặt trận của Việt Nam," nhà nghiên cứu nói với BBC.

Khách mời

Bàn tròn "Từ Vị Xuyên 1984 tới Biển Đông 2015" được phát trực tuyến trên kênhYouTube của BBC Việt ngữ từ 19h30-20h00 giờ Việt Nam, hôm 16/7/2015, với các khách mời tham gia từ Việt Nam và hải ngoại là:
- Đại tá Phạm Hữu Thắng, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam.
- Thạc sỹ Nguyễn Bảo Châu, giảng viên Khoa Chính trị Quốc tế, Học viện Quan hệ Quốc tế, Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam.
null
Một cuộc tưởng niệm chiến tranh biên giới Việt - Trung ở Hà Nội năm ngoái.
- Nhà văn, blogger Phạm Viết Đào, thân nhân Liệt sỹ trận Vị Xuyên.
- Nhà báo tự do, blogger, Ngô Nhật Đăng, cựu binh phía Việt Nam trong cuộc chiến Việt - Trung.
- Nhà báo Nguyễn Giang, Trưởng Ban Việt ngữ, Trưởng vùng Đông Á, Thế giới vụ BBC.
- Điều hợp Tọa đàm: Nhà báo Quốc Phương, BBC Việt ngữ.
Một số khía cạnh được thảo luận tại tọa đàm gồm có:
- Thái độ nào cần có với quá khứ, nhất là đối với di sản chiến tranh quá khứ?
- Xử lý như thế nào di sản quá khứ, mà trong đó có xung đột chiến tranh, để đạt được hiệu quả cho hiện tại và tương lai.
- Thiếu sòng phẳng với quá khứ để thu được lợi ích bang giao, hợp tác trong hiện tại liệu có phải là một cách làm đúng, không thể phê phán.

Vì sao VN và các nước Đông Nam Á đua nhau sắm tàu ngầm?

Một tàu ngầm của Nhật Bản nổi lên mặt biển. Sức mạnh quân sự của Nhật Bản, trong đó có cả hạm đội tàu ngầm tiên tiến, vẫn không thể làm cho Trung Quốc bớt có những tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ ở biển Hoa Đông.
Một tàu ngầm của Nhật Bản nổi lên mặt biển. Sức mạnh quân sự của Nhật Bản, trong đó có cả hạm đội tàu ngầm tiên tiến, vẫn không thể làm cho Trung Quốc bớt có những tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ ở biển Hoa Đông.

VOA Tiếng Việt
16.07.2015

Các hành động hung hăng của Trung Quốc cũng như căng thẳng leo thang ở biển Đông đang khiến các nước ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đua nhau mua sắm tàu ngầm, các chuyên gia nhận định.

Những tranh cãi quanh kế hoạch sắm tàu ngầm của Thái Lan mà Bộ Quốc phòng nước này hôm 15/7 tuyên bố hoãn cho thấy rõ điều đó.

Mới đây, hải quân nước này đã thông qua kế hoạch trị giá gần 1,5 tỷ đôla để mua ba chiếc tàu ngầm của Trung Quốc.

Trong khi công luận Thái mạnh mẽ phản ứng về dự định mua sắm tàu ngầm, các quan chức cho rằng việc làm đó có ý nghĩa về mặt chiến lược, giúp nước này bảo đảm tự do hàng hải ở Vịnh Thái Lan, nếu vấn đề tranh chấp lãnh hải ở biển Đông bùng nổ ngoài tầm kiểm soát.

Việt Nam đã nhận 4 tàu ngầm tấn công lớp Kilo trong số 6 chiếc đặt hàng của Nga. Đây là hợp đồng trị giá 2 tỷ đôla mà hai bên ký kết trong chuyến đi của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới Moscow năm 2009.

Nga dự kiến sẽ chuyển giao tất cả 6 tàu cho Việt Nam trước năm 2016 cũng như huấn luyện các thủy thủ Việt Nam vận hành tàu ngầm và cung cấp các linh kiện cần thiết.

Mới đây, một trang mạng chuyên về chiến lược quốc phòng có trụ sở ở Mỹ đăng một bài nói rằng Trung Quốc đã chính thức khiếu nại với Nga, Việt Nam và Hoa Kỳ, sau khi Moscow đồng ý bán 50 tên lửa Klub trang bị trên tàu ngầm cho Hà Nội.

Trong khi đó, Singapore và Malaysia đã có hạm đội tàu ngầm và dự kiến muốn ‘tậu’ thêm nữa. Malaysia từng chi khoảng 1,1 tỷ đôla để mua hai chiếc tàu ngầm vào năm 2007 và 2009.

Indonesia dự kiến sẽ thay thế hai chiếc tàu ngầm cũ và sẽ mở rộng hạm đội tàu ngầm lên 12 chiếc vào năm 2020.  Nước này mới đặt mua 3 chiếc tàu ngầm từ công ty đóng tàu Daewoo của Hàn Quốc.

Trong số các quốc gia lớn trong khu vực Đông Nam Á, chỉ có Philippines là chưa sắm tàu ngầm mới, dù chính quyền Manila thường lên tiếng mạnh mẽ nhất trong cuộc đối đầu với Trung Quốc về biển Đông.

Lo ngại Trung Quốc

Theo nhận định của các chuyên gia, việc các quốc gia này tậu tàu ngầm không phải là để chống lại nhau, mà vì lo ngại về sự mở rộng hải quân cũng như tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.

Một nhà nghiên cứu tại Australia cho rằng thái độ “khó lường” của chính quyền Bắc Kinh về vấn đề biển Đông đã gây ra một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á.

Bà Linda Jakobson, một nhà nghiên cứu độc lập và là một học giả tại Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Sydney, cho rằng các chính sách không đồng nhất của Trung Quốc về vấn đề biển Đông, dưới tác động của nhiều yếu tố, đã làm các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam, lo ngại.

"Tôi nghĩ một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là nhiều quốc gia thấy sự khó lường của Bắc Kinh và tự hỏi Trung Quốc sẽ làm gì với sức mạnh ngày càng lớn của mình. Điều này đã dẫn tới lo ngại, và các quốc gia trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc đang chi nhiều tiền hơn để vũ trang so với nếu họ không cảm thấy bất an vì Trung Quốc."-Bà Linda Jakobson, một nhà nghiên cứu độc lập và là một học giả tại Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Sydney, nói.

Tác giả của nghiên cứu dài hơn 50 trang về chính sách an ninh hàng hải của Trung Quốc nói với VOA Việt Ngữ:

“Tôi nghĩ một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là nhiều quốc gia thấy sự khó lường của Bắc Kinh và tự hỏi Trung Quốc sẽ làm gì với sức mạnh ngày càng lớn của mình. Điều này đã dẫn tới lo ngại, và các quốc gia trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc đang chi nhiều tiền hơn để vũ trang so với nếu họ không cảm thấy bất an vì Trung Quốc”.

Nhưng hiện chưa rõ là Trung Quốc có kiềm chế hơn trong việc đưa ra các tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ hay không, nếu các quốc gia trong khu vực có thêm sức mạnh hải quân thông qua việc mua khí tài.

Sức mạnh quân sự của Nhật Bản, trong đó có cả hạm đội tàu ngầm tiên tiến, vẫn không thể làm cho Trung Quốc bớt có những tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ ở biển Hoa Đông.

Tin cho hay, Việt Nam đang đàm phán với các nhà thầu quân sự Mỹ và Châu Âu để mua về máy bay phản lực chiến đấu, máy bay tuần tra biển, và máy bay không người lái nhằm tăng cường khả năng phòng không trước thế lấn lướt của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp.

Gia tăng chi tiêu quân sự

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, mới cho biết chính quyền Hà Nội tiếp tục gia tăng chi tiêu quân sự với mức tăng 9,6% trong năm 2014, lên 4,3 tỷ đôla, trong bối cảnh căng thẳng ở biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Chính quyền Hà Nội tiếp tục gia tăng chi tiêu quân sự với mức tăng 9,6% trong năm 2014, lên 4,3 tỷ đôla, trong bối cảnh căng thẳng ở biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chính quyền Hà Nội tiếp tục gia tăng chi tiêu quân sự với mức tăng 9,6% trong năm 2014, lên 4,3 tỷ đôla, trong bối cảnh căng thẳng ở biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Mức tăng chi tiêu quân sự của Việt Nam cao hơn so với mức trung bình 5% của khu vực châu Á và châu Đại Dương.

Theo Viện nghiên cứu này, tính từ năm 2005 tới nay, chi tiêu quân sự của Việt Nam tăng nhanh tới 128%, và điều đó xuất phát từ tình hình căng thẳng với Trung Quốc tại biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông).

Năm qua, chính quyền Bắc Kinh, quốc gia hiện có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Việt Nam và một số quốc gia khác trên biển Đông, chi tới 216 tỷ đôla cho quân sự.

Theo tổ chức của Thụy Điển, chi tiêu quân sự trên toàn thế giới năm 2014 đạt mức 1.776 tỷ đôla, chiếm 2.3% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, tức là giảm 0.4% so với năm 2013.

Trong số 15 quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho quân sự trong năm 2014, Mỹ vẫn đứng đầu, rồi tiếp theo sau là Trung Quốc và Nga. Ba nước châu Á khác cũng nằm trong danh sách này là Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo Sách trắng về Quốc phòng của Việt Nam công bố lần gần đây nhất là năm 2009, Việt Nam đã chi hơn 27 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,8% tổng sản phẩm quốc nội, cho ngân sách quốc phòng trong năm 2008.

Ý kiến: 'Cần hòa giải với người chết'


Chính sách đối xử kỳ thị rõ rệt nhất, trái ngược với hòa giải thật sự, là trường hợp Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa (NTBH), nơi chôn cất trên 16,000 tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã bỏ mình trong cuộc nội chiến vì mâu thuẫn ý thức hệ.
Ngay sau khi đất nước thống nhất, nghĩa trang này được Bộ Quốc phòng giao cho Quân khu 7 quản lý. Bức tượng “Thương Tiếc” cao 5m khắc họa một quân nhân ngồi tưởng niệm tử sĩ đặt trên bệ ở ngoài cổng nghỉa trang bị hạ xuống và đem đi mất tích. Nghĩa trang bị thâu hẹp diện tích và rào kín thành cấm địa, dân chúng không được vào thăm viếng. Một số bia mộ bị quân đội nhân dân dùng làm bia tập bắn. Sau nhiều năm, hàng ngàn ngôi mộ bị sụp lở, đất đai bỏ hoang cho cây cỏ và dây leo mọc bừa bãi, cảnh tượng trông rất thê lương.
Năm 2003, nhân dịp phái đoàn ngoại giao do Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin cầm đầu sang Mỹ công tác, một buổi tiếp xúc giữa phái đoàn với một số trí thức người Mỹ gốc Việt thuộc cả hai thế hệ đã diễn ra tại trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins, Washington DC, để trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm.
Buổi họp do khoa học gia NASA Trương Hồng Sơn làm điều hợp viên. Khi những trở ngại cho vấn đề hòa giải được đề cập thì Phạm Đức Trung Kiên, một trí thức trẻ khi đó là Giám đốc Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation) do Quốc Hội Mỹ thành lập, nêu ý kiến là chuyện hòa giải giữa những người sống vẫn còn quá nhạy cảm, vậy hãy nên bắt đầu bằng hòa giải với những người đã khuất. Anh Kiên nảy ra ý kiến này vì chợt nghĩ đến kinh nghiệm bản thân trong chuyến đi Việt Nam công tác mới về. Anh cùng một người bà con ở Saigon thuê xe đi thăm mộ một người thân ở Nghĩa trang Biên Hòa.
Tới nơi, thấy nghĩa trang bị rào kín nhưng có một chỗ hổng đủ rộng cho hai người chui vào. Trong lúc đang tìm kiếm vị trí ngôi mộ thì bỗng nghe tiếng quát tháo của lính canh. Hai người hoảng hốt chui ra và lên xe chạy mất. Cuộc thảo luận sau đó dẫn đến đề nghị cụ thể của đa số là chính phủ đứng ra trùng tu hay cho phép tư nhân trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa, hay tối thiểu cũng mở Nghĩa trang cho thân nhân tử sĩ được vào thăm, sửa sang hay xây cất lại mộ phần. Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin cho biết đây là khu quân sự đang được đặt dưới quyền cai quản của Quân khu 7. Ông ghi nhận đề nghị của anh Kiên và hứa sẽ đạo đạt nguyện vọng của hội nghị tới các cơ quan có thẩm quyền.
Trên đường về nước sau buổi họp này, ông Nguyễn Đình Bin đã ghé California gặp cựu Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ, và ông Kỳ cũng nêu lên vấn đề NTBH với ông Bin. Như đã thấy, thiện chí hòa giải của ông Kỳ qua việc xây cất lại tượng đài và làm lễ cầu siêu chung cho tử sĩ cả hai bên đã không được chính phủ Việt Nam chấp thuận.
Đề nghị thực tế và khiêm tốn hơn của nhóm trí thức ở Washington DC cũng phải đợi đến năm 2007, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định 1568/QĐ-TTg ngày 27.11.2006 “dân sự hóa” NTBH, mới được chính quyền địa phương giải quyết một cách hạn chế và tùy tiện. Sau khi Quân khu 7 trao quyền quản lý NTBH cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, nghĩa trang này được đổi tên thành “Nghĩa trang Nhân dân Bình An”.
Đến đây, cần phải nhắc đến sự giúp đỡ thầm lặng nhưng rất quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong dịp găp ông Kiệt lần đầu tiên vào tháng Ba 2007 để thảo luận khả năng thành lập một “think tank” độc lập ở Việt Nam với sự hợp tác của một số trí thức ở trong và ngoài nước, tôi đã nhắc đến đề nghị “hòa giải với người chết” do Phạm Đức Trung Kiên nêu lên với phái đoàn Nguyễn Đình Bin từ gần bốn năm trước. Tôi nhấn mạnh rằng đề nghị này có được thi hành thì trí thức, chuyên gia người Việt ở nước ngoài mới sẵn sàng đóng góp tài năng vào các dự án phát triển đất nước.
Ông Kiệt hoàn toàn tán thành ý kiến của tôi. Ông cũng cho tôi hay là có một nhóm cựu quân nhân VNCH vừa tìm đến ông xin giúp họ được phép tìm mộ những tù cải tạo đã chết trong các trại giam để bốc mộ và trao trả hài cốt cho thân nhân đưa về cải táng ở quê quán hay đưa vào yên nghỉ trong Nghĩa trang Biên Hòa. Ông đã nhận lời giới thiệu nhóm này với những địa phương có trại tù cải tạo để có thể thực hiện công tác thuần túy nhân đạo này.
Về vấn đề trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa, ông Kiệt sẽ quan hệ với chính quyền tỉnh Bình Dương để lấy them thông tin và tìm cách giải quyết trong tinh thần hòa giải. Khi thấy tôi lo ngại về mục đích dân sự hóa Nghĩa trang Biên Hòa, theo quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là “để phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Bình Dương” thì ông Kiệt quả quyết với tôi là phần đất của nghĩa trang sẽ được giữ nguyên vẹn. Tuy nhiên, ông đồng ý khi tôi phát biểu là nếu Nghĩa trang Biên Hòa không được sửa sang và duy trì như một di tích lịch sử ở miền Nam thì dự án “think tank” khó có thể được trí thức ở nước ngoài tham gia như mong đợi.
Ông sẽ thu xếp cho tôi đi gặp lãnh đạo tỉnh Bình Dương để có thông tin đầy đủ và xác định những trở ngại cần phải vượt qua. Với những kết quả đã đạt được khi ông còn sống, tôi có thể khẳng định rằng nhờ có sự can thiệp âm thầm nhưng mạnh mẽ ban đầu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà NTBH, ít nhất là diện tích có mộ phần các tử sĩ, đã không bị sử dụng vào mục đích “phát triển kinh tế, xã hội.” Thật đáng tiếc là ông đã vĩnh viễn ra đi trước khi hai chương trình tìm mộ tù cải tạo và trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa đạt được mục tiêu mong muốn.

Tìm mộ tù cải tạo hay 'Tử sĩ trở về'

Sau cuộc họp tại Đại học Johns Hopkins năm 2003, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đình Bin có thể đã chuyển đề nghị “hòa giải với người chết” của nhóm trí thức Mỹ gốc Việt đến các cơ quan có thẩm quyền, nhưng không có kết quả, chắc hẳn đã gặp phải những phản ứng tiêu cực, nhất là từ hai Bộ Công an và Quốc phòng.
Như vậy, cho đến khi có sự can thiệp của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 2007, NTBH đã bị bỏ hoang 32 năm cho thiên nhiên tàn phá và đã có những hành động xúc phạm đến người chết như dùng một số bia mộ làm đích tập bắn, xây cất chuồng bò trong nghĩa trang, thậm chí có một cầu tiêu đã được xây ngay bên trong Nghĩa Dũng Đài.
null
 Hai ông Nguyễn Cao Kỳ và Võ Văn Kiệt lúc sinh thời
Trên đây có nói đến một nhóm cựu tù cải tạo tìm đến cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào đầu năm 2007 xin giúp đỡ cho dự án tìm mộ và cải táng hài cốt những người đã chết trong các trại cải tạo. Đây là nhóm Tổng Hội H.O. ở Houston, Texas, mà chủ tịch là cựu Thiếu tá Nguyễn Đạc Thành, cựu tù cải tạo hơn 9 năm trong nhiều trại từ Nam ra Bắc, được thả năm 1984 và sang Mỹ định cư theo diện H.O. năm 1990. Khi ở trong tù phải chứng kiến những cái chết đau thương của bạn đồng tù và biết rằng thân xác của họ bị chôn cất qua loa ở trong rừng, thiếu tá Thành đã có lời nguyện với linh hồn người quá cố là nếu sống sót đến ngày được thả về, ông sẽ làm mọi cách tìm mộ và giúp thân nhân bốc mộ đưa hài cốt về cải táng ở nghĩa địa gia đình hay quân đội.
Phải hơn 20 năm sau Thiếu tá Thành mới có cơ hội thực hiện lời nguyện này. Qua sự vận động của Luật sư Robin Mitchell với các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đầu năm 2007 ông Thành và một thành viên ban chấp hành Tổng Hội H.O. đã về nước gặp ông Trần Quang Hoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở Nước ngoài, sau đó đến gặp cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và được ông Kiệt nhận can thiệp với Bộ Ngoại giao giúp thực hiện dự án tìm mộ tù cải tạo. Do sự giới thiệu của ông Kiệt, khi trở về Mỹ, Thiếu tá Thành liên lạc với tôi và mời tôi làm cố vấn cho dự án được ông đặt tên là “Tử sĩ Trở về” (The Returning Casualty).
Từ đó, tôi có dịp góp ý với ông Thành về kế hoạch vận động cả trong và ngoài nước, vì ngoài sự chấp thuận và hợp tác của chính phủ Việt Nam, dự án cũng cần có sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ, quốc hội và cộng đồng người Việt hải ngoại. Vào lúc đó, Tổng Hội H.O. cũng có thêm sự giúp đỡ của Luật sư Wesley Coddou về các giấy tờ pháp lý và đối ngoại.
Qua nhiều lần tiếp xúc với các đại diện Sứ quán và lãnh sự Việt Nam ở Hoa Kỳ để giải đáp các nghi vấn về hoạt động của Tổng Hội H.O., đầu tháng Mười 2007, ông Nguyễn Đạc Thành về Việt Nam gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình. Sau khi tìm hiểu thêm, ông Bình cho phép VAF thực hiện chương trình “Tử sĩ Trở về”. Khi ấy tất cả các trại đều đã đóng cửa vì tù cải tạo đã được thả hết. Những địa điểm đầu tiên ông Thành đi thăm là Đồi Cây Khế ở Yên Bái, sau đó là Mường Côi, Bản Bò, Khe Nước và Bản Nà, tất cà đều ở tỉnh Sơn La, tìm được tổng cộng 87 ngôi mộ. Riêng Đồi Cây Khế đã có 57 mộ.
Những cuộc tìm mộ sau đó đều tiến hành rất chậm vì có nhiều đia phương không chịu hợp tác dù đã có lời yêu cầu của Bộ Ngoại Giao hay thư giới thiệu của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ. Để tránh sự nhạy cảm của các viên chức chính phủ, Tổng Hội H.O. được đổi tên là Vietnamese American Foundation (VAF) đăng ký chính thức tại tiểu bang Texas dưới qui chế của một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, nhưng kết quả đối xử của Việt Nam vẫn không khá hơn.
Mặc dù VAF được dân chúng địa phương thông cảm và giúp đỡ, việc tìm kiếm mộ rất khó khăn vì hầu hết tù cải tạo khi chết đều được chôn ở trong rừng, được các bạn tù đánh dấu vội vã bằng cách ghi tên người chết trên những mảnh ván hay hòn đá thay cho bia mộ. Những nấm mồ nông cạn bằng đất nay đã tan vào lòng cây cỏ và những bia mộ tạm thời cũng không còn nữa. Chỉ khi nào chính quyền địa phương, thực tế là công an, cung cấp bản đồ chôn cất thì mới biết đích xác vị trí các ngôi mộ. Một số dân lớn tuổi ở địa phương có thiện chí giúp đỡ VAF nhưng trí nhớ không rõ rệt, vì thế số ngôi mộ tìm được ở những nơi không được chính quyền chỉ dẫn chắc chắn còn thiếu sót.
Điển hình nhất là vụ chính quyền tỉnh Phú Yên, vào tháng 10, 2012 hủy bỏ vào giờ chót quyết định cho phép VAF bốc mộ tù cải tạo khi phái đoàn VAF đã về tới Saigon với một đoàn y sĩ tình nguyện để chữa bệnh phát thuốc sức khỏe cho dân nghèo ở Phú Yên, chi phí rất tốn kém. Sau sự cố này, VAF phải tạm ngưng chương trình “Tử sĩ Trở về”.
Tính đến tháng 10, 2012, đúng 5 năm sau ngày khởi sự tìm mộ ở Yên Bái và Sơn La, VAF đã tìm được 500 mộ tù cải tạo trong đó có 225 bộ hài cốt được trao cho thân nhân đem về quê cải táng. Một số hài cốt không có người nhận được gửi ở chùa hay nhà thờ chờ ngày được phép đưa vào NTBH. Số mộ còn lại chưa tìm được thân nhân, VAF xin bốc mộ đưa hài cốt vào chôn ở NTBH nhưng chính quyền không chấp thuận.
Con số 500 mộ đã tìm được chắc chắn là quá ít so với tổng số tù cải tạo bị chết trong các trại. Chính phủ Việt Nam còn giữ kín các con số liên quan đến các trại tù cải tạo, nhưng ngày 29 tháng Tư, 2001, báo Orange Countty Register công bố kết quả nghiên cứu tài liệu về các trại tù cải tạo và phỏng vấn các nhân chứng, cho thấy có khoảng 1 triệu người bị bắt giam không được xét xử, 165 nghìn người chết trong thời gian bị giam giữ, và ít nhất có 150 trại tù cải tạo được dựng lên sau khi Sài gòn thất thủ.
Một sự kiện quan trọng cần được nhắc đến là VAF, nhờ quan hệ của luật sư Wesley Coddou, đã được Trung tâm Nhận Dạng, Đại học Bắc Texas (Center for Human Identification, Department of Forensic and Investigative Genetics, University of North Texas Health Science Center) nhận thử nghiệm miễn phí DNA từ các mẫu hài cốt tù cải tạo và thân nhân của họ. Việc thử nghiệm DNA đem lại niềm an ủi vô cùng lớn lao cho những gia đình tù cải tạo đã chết trong tù mà mộ đã mất bia và không có di vật gì bên cạnh hài cốt khiến thân nhân có thể xác nhận là của người quá cố.
Chuyên gia khảo cổ Julie Martin, người tham gia đoàn VAF về Việt Nam lấy mẫu hài cốt tù cải tạo tại Làng Đá, Yên Bái, tháng Bảy 2010, đã viết bài tường trình về chuyến đi trong một cuốn sách viết với nhiều tác giả về kinh nghiệm khảo cổ pháp y vừa được xuất bàn (Forensic Archeology: A Global Experience, John Wiley and Sons, Ltd., 2015).
null
Nghị sỹ Lowenthal thăm và thắp hương tại Nghĩa trang Biên Hòa
Tác giả ghi nhận, ngoài việc giúp thân nhân nhận được hài cốt người chết do thử nghiệm DNA, VAF còn có mục đich “đưa hài cốt tù cải tạo không thân nhân hay không thể nhận dạng vào cải táng trong Nghĩa trang Biên Hòa, và trùng tu nghĩa trang này thành một nơi tưởng niệm lâu dài dành cho những người đã bỏ mình trong một cuộc chiến chia rẽ đất nước và dân tộc của họ.” Đặc biệt trong chuyến đi này, đại diện gia đình tử sĩ đã quay được một cuốn video về cuộc đào mộ lấy hài cốt tù cải tạo với những hình ảnh rất “sốc” khiến người xem không cầm được xúc động.
Cuốn video này chắc chắn không làm hài lòng các viên chức chính quyền và có lẽ vì thế mà công tác bốc mộ của VAF ở đồi Cù Lao, Phú Yên, đã bị ngăn chặn khiến cho VAF phải tạm ngưng chương trình tìm mộ tù cải tạo từ năm 2012.

Trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa

Chính phủ CHXHCNVN đã chứng tỏ thiện chí hòa giải với chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ trong chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tich (POW/MIA) nhưng lại không muốn hòa giải với chính đồng bào của mình còn ở lại miền Nam hoặc đã ra đi tị nạn ở nước ngoài.
Tám năm sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ bình thường, đề nghị “hòa giải với người chết” được trí thức Mỹ gốc Việt nêu lên trong cuộc gặp gỡ phái đoàn Nguyễn Đình Bin ở Đại học Johns Hopkins năm 2003 vẫn không được chính phủ Việt Nam đáp ứng. Phải mất thêm bốn năm nữa, nhờ sự giúp đỡ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tổ chức VAF mới được phép thực hiện chương trình tìm mộ tù cải tạo.
Đáng chú ý nhất là sau khi ông Thành và LS Coddou lên Washington, DC được thêm sự ủng hộ của Giám đốc Vụ Châu Á-Thái Bình Dương tại Bộ Ngoại giao Matthew Palmer và Thượng Nghị sĩ Jim Webb năm 2009 thì VAF thực hiện thành công vụ bốc mộ ở Làng Đá năm 2010 với sự hợp tác của cơ quan thử nghiệm DNA tại Houston. Kết quả thử nghiệm DNA đã giúp một số gia đình tù cải tạo nhận đúng hài cốt của người thân lấy từ những ngôi mộ vô danh ở trong rừng.
Nhưng có thể sự tham gia bất ngờ của chuyên gia DNA và kết quả thử nghiệm đã khiến cho VAF lại gặp trở ngại trong nỗ lực tìm và bốc mộ tù cải tạo. Như đã thấy trong trường hợp tỉnh Phú Yên, chính quyền địa phương không cho phép chuyên gia DNA lấy mẫu hài cốt mà chỉ cho VAF bốc những ngôi mộ còn bia, nhưng ngay cả việc cho phép hạn chế này cũng bị hủy bỏ vào giờ chót. VAF phải quyết định (tạm) ngưng chương trình này vì nếu không có thử nghiệm DNA thì những nấm mộ không có bia sẽ vĩnh viễn bị vô danh, vô thừa nhận.
Tại sao chính quyền không cho thử nghiệm DNA? Phải chăng vì kết quả thử nghiệm khoa học này không chỉ giúp nhận dạng người chết mà còn có thể biết được nguyên nhân của cái chết?
Cũng như đối với chương trình tìm và bốc mộ tù cải tạo, chính phủ Việt Nam chưa khi nào chính thức cho phép VAF trùng tu NTBH. Mọi công tác bốc mộ hay xây mộ chỉ được chấp thuận bằng miệng, trừ một lần VAF nhận được văn thư địa phương cho phép nhưng lại thu hồi ngay. Đó là trường hợp ngôi mộ tập thể gồm hơn 200 thi hài binh sĩ VNCH còn để trong nhà quàn của nghĩa trang ngày 30.4.1975 nhưng bị quân đội nhân dân đào hố chôn chung ở ngoài vòng nghĩa trang.
Tháng Ba năm 2011, VAF xin bốc ngôi mộ tập thể này để đưa hài cốt vào bên trong nghĩa trang. Một tháng sau, nhờ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao ở Hà Nội, Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Dương mời ông Nguyễn Đạc Thành về nhận văn thư chấp thuận và thảo luận chi tiết chương trình tổ chức bốc mộ của VAF. Ông Thành được Sở Ngoại vụ trao tận tay văn thư này, nhưng khi về đến Mỹ thì ông nhận được quyết định thu hồi giấy phép.
Những quyết định bất nhất trên đây cho thấy thế lực địa phương còn mạnh và ý định thật sự của họ chỉ có thể được hiểu là họ muốn giải tỏa NTBH, vừa xóa sạch di tích của VNCH, vừa trở nên giàu có hơn vì có thêm đất cho ngoại quốc đầu tư (chủ yếu là Trung Quốc). Thâm ý đó được thấy rõ trong việc đổi tên Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa thành Nghĩa trang Nhân dân Bình An.
Thâm ý đó cũng được thấy trong việc chính quyền thúc giục thân nhân tử sĩ đưa hài cốt trong NTBH về cải táng ở quê nhà; như vậy nghĩa trang quân đội miền Nam sẽ biến thành một nghĩa trang thuần túy dân sự để có thể giải tỏa dễ dàng. Vì VAF được sự ủng hộ của ông Võ Văn Kiệt và Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, chính quyền phải trì hoãn kế hoạch giải tỏa NTBH. Sau cái chết của ông Kiệt năm 2008, chương trình trùng tu NTBH của VAF bị ngưng trệ cho tới năm 2012 mới được khởi động lại.
null
 TBT Nguyễn Phú Trọng vừa có chuyến thăm Hoa Kỳ

Trong chính quyền có một xu hướng cởi mở theo chủ trương hòa giải của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, phần lớn từ Bộ Ngoại giao, nhưng họ còn phải dè dặt không chỉ vì sự chống đối của phe bảo thủ mà còn vì một số vấn đề chưa được giải quyết, chẳng hạn miền Bắc và Mặt trận Giải phóng Miền Nam còn có khoảng 300,000 binh sĩ và cán bộ đã bỏ mình trong cuộc chiến chưa tìm được xác.
Giả thử sau khi thống nhất, “bên thắng cuộc” (mượn từ của Huy Đức) thực hiện hòa giài hòa hợp dân tộc, không đầy đọa trên dưới một triệu người miền Nam trong các trại tù khổ sai được gọi là “cải tạo” thì đôi bên thắng và thua đã có thể ngồi lại với nhau cùng giải quyết những vấn đề quá khứ của mỗi bên.
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài có khả năng đóng góp tài chính và kỹ thuật, đồng thời có lợi thế vận động các chính phủ và tổ chức tư nhân quốc tế hỗ trợ cho chương trình MIA của Việt Nam bên cạnh những chương trình phát triển kinh tế xã hội...
Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã không ngớt kêu gọi hòa giải hòa hợp dân tộc (về sau chỉ nói đến “hòa hợp”) và dành nhiều sự dễ dãi cho người Việt hải ngoại trở về thăm quê hương, làm việc từ thiện, nghiên cứu, giảng dạy, hay đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ thể hiện chính sách hòa giải một chiều có lợi ích cho chế độ, không phải là hòa giải hai chiều dẫn đến đối xử bình đẳng và hợp tác có lợi ích cho đất nước.
Trong chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Đảng và Chính phủ Việt Nam nói lên những lời chính đáng trước chính phủ và nhân dân hai nước.
Chính phủ Hoa Kỳ và mọi người Việt Nam, trong và ngoài nước, đều trông đợi những hành động cụ thể của chính phủ Việt Nam, tốt nhất là bắt đầu bằng sự chấp thuận dứt khoát và toàn bộ chương trình “hòa giải với người chết” như đề nghị của VAF.
Tôi tin rằng lần này các chính quyền địa phương, đặc biệt là tỉnh Bình Dương, sẽ tuân theo chỉ thị của trung ương để hợp tác và giúp đỡ VAF hoàn tất chương trình tìm mộ tù cải tạo và trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa.

BBC sẽ tiếp tục đăng phần hai ý kiến của Giáo sư Lê Xuân Khoa, nguyên Chủ tịch Trung tâm Tác vụ Đông Nam Á (Southeast Asia Resource Action Center, SEARAC), nguyên Giáo sư Thỉnh giảng trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Johns Hopkins, Washington, D.C., hiện cư ngụ tại Irvine, Nam California.