Monday, December 11, 2017

Hơn 4 tỷ đôla kiều hối ‘đổ’ về TP HCM năm 2017

Theo VOA-11/12/2017 
Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận lượng kiều hối gần 4,6 tỷ đôla trong 11 tháng đầu năm 2017.
Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận lượng kiều hối gần 4,6 tỷ đôla trong 11 tháng đầu năm 2017.
Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận lượng kiều hối gần 4,6 tỷ đôla trong 11 tháng đầu năm 2017, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, theo Tân Hoa Xã.
Ngân hàng nhà nước, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/12 cho biết rằng hơn 60% lượng kiều hối đến từ Hoa Kỳ và hơn 19% từ châu Âu.
Dư báo thành phồ Hồ Chí Minh sẽ nhận được kiều hối gần 5,2 tỷ đôla Mỹ trong năm 2017, tăng 4,5% so với năm ngoái.
Kiều hối của Việt Nam năm 1993 chỉ có 141 triệu đôla, nhưng đến năm 2015 tăng lên 13,2 tỷ đôla, và giảm xuống còn hơn 9 tỷ đôla vào năm 2016. Một trong những lý do chính làm giảm lượng kiều hối là do lãi suất tiền gửi đôla Mỹ ở Việt Nam giảm xuống chỉ còn 0%.
Trung tâm Thương mại Eden ở bang Virginia.
Trung tâm Thương mại Eden ở bang Virginia.
Hiện có gần 5 triệu người Việt đang sinh sống tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đầu năm nay, theo AP, ngân hàng Credit Suisse có báo cáo cho rằng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 sẽ tiếp tục giảm do tác động từ chính sách hạn chế nhập cư của Tổng thống Donald Trump.
Ngân hàng Credit Suisse cho biết kiều hối từ Mỹ chiếm khoảng 4% trong GDP của Việt Nam.

Hoan hỉ hay ngậm ngùi?

Trân Văn 
Theo VOA-11/12/2017 
Rồi sao nữa? Đó là câu hỏi dư luận quan tâm.
 Rồi sao nữa? Đó là câu hỏi dư luận quan tâm.
Cuối cùng, ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN cũng bị khởi tố và bị tạm giam vì “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trước mắt, ông Thăng được xác định là có liên đới về trách nhiệm trong ba vụ đại án: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mất 800 tỉ đã góp vào Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank). Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) thua lỗ 3.300 tỉ. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 - khởi công năm 2011, Ban Quản lý dự án đã xài khoảng 1.500 tỉ đồng cho đủ thứ chuyện không dính dáng gì tới việc xây dựng nhà máy nên đến nay, công trình vẫn còn dở dang.
Những người rành rẽ chính trường Việt Nam bảo rằng, trong năm năm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVN (từ tháng 10 năm 2005 đến tháng 8 năm 2011), ông Thăng không chỉ làm mất 5.600 tỉ đồng qua ba vụ đại án vừa kể. Hồi 2005, tổng giá trị tài sản của PVN được ước đoán vào khoảng 5 tỉ Mỹ kim. Sau 2011 đến nay, PVN trở thành một trong những tập đoàn nhà nước mà chính phủ Việt Nam thường xuyên phải thảo luận làm sao để cứu và đó chính là “di sản” của ông Đinh La Thăng.
Đáng nói là không những “vô sự”, ông Thăng còn trở thành “người hùng” khi thôi làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của PVN để chuyển qua làm Bộ trưởng Giao thông – Vận tải. Bộ trưởng Đinh La Thăng được báo chí ví von là “Tư lệnh” và làm công chúng hởi lòng, hởi dạ khi hôm nay “trảm” tướng này, ngày mai “trảm” tướng khác, “đu” dây thừng xuống vực, chỉ đạo tìm kiếm, cứu những người lâm nạn trong một vụ xe đò bị lật ở Lào Cai… Đầu năm 2016, ông Thăng rời khỏi Bộ Giao thông – Vận tải, bước vào Bộ Chính trị và về Sài Gòn làm Bí thư Thành ủy. Báo chí tiếp tục bám sát gót ông, những tuyên bố của Bí thư Đinh La Thăng trở thành “lời vàng, ý ngọc”, chẳng hạn: Phải chủ động chống tham nhũng, đừng nghĩ đó là việc của hàng xóm! Sẽ không có chỗ cho cán bộ cậy quyền lực, giỏi nói suông!... Rồi những hành động kiểu như: Cùng dân vớt lục bình, vớt rác. Nghe nông dân than khổ, lập tức rút điện thoại gọi cho Tổng Giám đốc Vinamilk ra lệnh phải mua sữa của nông dân,… làm thiên hạ rạo rực với mơ ước “có nhiều lãnh đạo như đồng chí Đinh La Thăng”! Trên mạng xã hội, ai đó còn lập riêng một trang facebook để tập họp những người ngưỡng mộ Đinh La Thăng. Số người thích trang này khoảng… 230.000 người!
Thiện cảm và niềm tin mà công chúng dành cho ông Thăng chỉ bắt đầu suy giảm khi Trịnh Xuân Thanh – một trong những thuộc hạ thân tín của ông Thăng trở thành scandal, nhiều tình tiết liên quan đến vai trò và trách nhiệm của ông Thăng được bạch hóa. Kết quả kiểm tra, thanh tra của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đối với những dự án phát triển hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT chỉ ra tình thế tiến – thoái lưỡng nan đối với vấn nạn này (tiếp tục duy trì thì dân chúng không kham nổi tình trạng vật giá gia tăng, còn làm tới nơi, tới chốn thì các chủ đầu tư không thể thanh toán khối nợ lên tới 84.000 tỉ đồng, hệ thống ngân hàng sẽ nghiêng ngả) là một “di sản” khác của Đinh La Thăng.

***

Tống giam để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự một cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN vốn là chuyện chưa từng có. Đó cũng là lý do có rất nhiều nhận định, dự đoán về sự kiện công an tra còng vào tay ông Đinh La Thăng…
Một số người khẳng định, chuyện ông Thăng bị bắt là bằng chứng không thể chối cãi về quyết tâm chống tham nhũng của giới lãnh đạo Đảng CSVN.
Nếu quyết tâm đó là có thật thì tại sao một nhân vật khác, ông Phạm Sỹ Quý, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Yên Bái lại “bình an, vô sự”? Vì lẽ gì mà “lò” do ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN đã “nhóm” không nhận “củi” Phạm Sỹ Quý, bất kể Thanh tra Chính phủ đã xác định ông Quý man trá khi kê khai tài sản? Tại sao chuyện ông Quý thâu tóm 13.500 mét vuông đất ở thành phố Yên Bái, biến đất nông nghiệp thành đất thổ cư, xây dựng dinh thự đã được xác định là vi phạm hàng loạt qui định pháp luật hiện hành mà công an không khởi tố, thậm chí mới đây, chính quyền tỉnh Yên Bái chính thức loan báo đã ban hành quyết định phạt ông Quý khoảng 500 triệu và nhờ vậy, ông Quý có thể hợp pháp hóa toàn bộ tài sản đã thủ đắc nhờ phạm pháp? Tại sao cho rằng ông Quý bất xứng với vai trò Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Yên Bái nhưng lại tín nhiệm để bổ nhiệm một người như ông Quý làm Phó Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái? Lấy gì bảo đảm một người như ông Quý sẽ phục thiện và hệ thống chính trị Việt Nam đủ lành mạnh để có thể ngăn chặn những viên chức như ông Quý không gây ra thêm nhiều hậu quả tai hại khác? Năm 2005, ông Quý từng bị bắt quả tang vì đánh bạc nhưng vẫn “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” trên quan trường. Một ngày trước khi thôi làm Chủ tịch tỉnh Yên Bái để bước lên làm Bí thư tỉnh này, bà Phạm Thị Thanh Trà đã ký quyết định bổ nhiệm ông Quý – em trai của mình làm Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường (cơ quan quản lý toàn bộ đất đai, tài nguyên) của tỉnh Yên Bái...
Một số người khác khẳng định, chuyện ông Thăng bị bắt là bằng chứng không thể chối cãi về việc sử dụng chiêu bài chống tham nhũng để giới lãnh đạo Đảng CSVN “thanh trừng nội bộ”.
Ai cũng biết Đảng CSVN là tổ chức chính trị duy nhất nắm giữ quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối hệ thống công quyền Việt Nam. Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy tổ chức chính trị tuy là duy nhất này lại có rất nhiều băng nhóm. Những băng nhóm đó vừa thỏa hiệp với nhau để chia chác cả quyền lực lẫn lợi ích, vừa tìm cách loại trừ nhau.
Đó là lý do giúp ông Thăng không những “vô sự” khi làm ruỗng PVN mà còn có thể bước vào nội các làm Bộ trưởng Giao thông – Vận tải và hậu họa nhãn tiền của BOT không ngăn được ông Thăng bước vào Bộ Chính trị, về Sài Gòn làm Bí thư Thành ủy, tiếp tục sắm vai “người hùng” trong mắt công chúng. Đó cũng là lý do sai phạm của ông Thăng được bạch hóa dù chậm mà… chắc. Việc xử lý ông Thăng cũng hết sức nhẩn nha: Loại ra khỏi Bộ Chính trị, cách chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn nhưng vẫn giữ lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN và đại biểu Quốc hội...
Cho dù sự kiện ông Đinh La Thăng bị bắt cung cấp thêm bằng chứng khả tín về một cuộc “tương tàn” nhưng chẳng lẽ sự kiện này chỉ có một điều để bận tâm: Phe ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tàn sát băng ông Nguyễn Tấn Dũng ra sao? Lẽ nào công bằng, dân chủ, văn minh, vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc nên được đặt định thế nào vẫn chỉ là điều thứ yếu, các băng nhóm trong tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối hệ thống công quyền Việt Nam trao đổi, giành giật quyền lực, lợi ích với nhau như thế nào mới là chuyện chính yếu?

Bắt Đinh La Thăng: TBT Trọng phá vỡ tâm lý ‘sợ bị hồi tố’?

Phạm Chí Dũng 
Theo VOA-11/12/2017  
Ông Thăng thời còn quyền lực.
 Ông Thăng thời còn quyền lực.
Vụ Tổng bí thư Trọng quyết định cho bắt Đinh La Thăng vào tháng 12/2017 không chỉ là một sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị độc đảng ở Việt Nam, mà còn bất thần thiết lập một giới hạn mới và xa hơn hẳn về tâm lý học xung đột: hoặc trong tâm thế đã trở nên liều lĩnh và dẫn đến hành động phiêu lưu chính trị, hoặc cảm thấy đủ tự tin, ông Trọng đã tự cho phép mình vượt qua ranh giới tâm lý lo sợ “bị hồi tố” - một khía cạnh tâm lý rất đặc trưng và cũng là đặc thù riêng có nhưng không bao giờ được công bố của giới quan chức Việt Nam.
Ủy viên bộ chính trị không thể bị ‘xộ khám’?
Trước tháng 12/2017, những cuộc “khảo sát bỏ túi” đối với giới phân tích chính trị, quan chức đương nhiệm lẫn hưu trí và người dân vẫn cho thấy xác suất Bộ Chính trị dám bắt Đinh La Thăng hoặc 50/50, hoặc chỉ vào khoảng 20 - 30%, trong khi luồng nhận định về “Thăng thoát” chiếm khá nhiều. Cơ sở chủ yếu của kịch bản “Thăng thoát” là chính thể Việt Nam chưa có tiền lệ về khởi tố và bắt giam đối với một cựu ủy viên bộ chính trị. Cũng bởi khác hẳn với vụ Bộ Chính trị đảng tuyên án tử hình vắng mặt đối với cựu ủy viên bộ chính trị Hoàng Văn Hoan vào năm 1979 - khi ông Hoan và gia đình đào thoát sang Trung Quốc ngay trước khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung, Đinh La Thăng lại được xem là trường hợp quan chức bộ chính trị dính líu sâu vào nạn tham nhũng.
Cũng vào thời gian trước tháng 12/2017, từ vùng tối của chính trường và từ một số địa chỉ mù mờ trên mạng xã hội đã xuất hiện một luồng đánh giá cho rằng nếu Tổng bí thư Trọng cho công an khởi tố và bắt giam Đinh La Thăng như một hành động hồi tố quá khứ quan chức, ông Trọng sẽ tạo tiền lệ truy xét và hồi tố đối với các ủy viên bộ chính trị và với chính ông cùng những người thuộc “phe” của ông, để một khi ông Trọng “nghỉ” thì chính ông có thể sẽ bị lớp quan chức đời sau tiến hành hồi tố và có thể cho “xộ khám” bởi những tì vết nào đó tồn tại trong đời tổng bí thư của ông Trọng.
“Xộ khám” lại là một từ đặc thù Việt Nam học được phổ biến khá rộng trong hậu trường chính trị và đời sống xã hội kể từ năm 2012 - khi bắt đầu nổ ra cuộc chiến “Trọng - Dũng” tại Hội nghị trung ương 6 cùng những hiện tượng từ trang mạng nặc danh Quan Làm Báo đến trang Chân Dung Quyền Lực - cho đến nay.
Từ “xộ khám” đặc biệt đã được sử dụng trên mạng xã hội vào khoảng thời gian “toàn đảng, toàn dân, toàn quân tiến đến đại hội 12” vào những tháng cuối cùng của năm 2015 và đầu năm 2016, vào lúc các hội nghị trung ương mang số 13 và 14 bừng bừng khí thế tranh đoạt giữa hai phe phái trong lúc quần hùng ngơ ngác nháo nhác. Khi đó, một số trang mạng xã hội nặc danh đã đưa ra lời răn đe “không chỉ Nguyễn Tấn Dũng mà ngay cả Nguyễn Phú Trọng và bất cứ quan chức nào cũng có thể bị xộ khám”. Thậm chí những trang mạng này còn không cần úp mở khi đe dọa một kịch bản “đảo chính” nào đó…
Cuộc tháo chạy tán loạn
Chưa bao giờ giới quan chức tham nhũng và nhóm thân hữu trục lợi chính sách lại bị phủ trùm tâm lý lo sợ bị “xộ khám” như những năm gần đây. Mối nguy hiểm “xộ khám” còn có thể tăng gấp đôi bởi bản chất cuộc chiến “chống tham nhũng” không chỉ thuần túy được hiểu theo ý nghĩa đẹp đẽ của từ này, mà còn mang tính xung đột quyền lực phe phái ngày càng nặng nề, ngày càng tiến đến điểm tới hạn “có ta không có mi”.
Chỉ nửa năm sau đại hội 12 và sau khi Nguyễn Tấn Dũng “không còn nữa”, đã bắt đầu lộ ra cuộc chiến mới của những nhóm quyền lực - lợi ích mới với những nhóm quyền lực - lợi ích cũ nhằm tranh giành và thôn tính “lãnh địa làm ăn”. Vào thời gian đó, “sân sau” đã lần đầu tiên được phổ cập trên mặt báo chí nhà nước như một từ ngữ lột tả cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen của từ điển tham nhũng phong phú đến kinh ngạc của Việt Nam. Giới đại gia và quan chức ngân hàng đã trở thành tiêu điểm của chiến dịch bắt bớ. Chưa bao giờ ngân hàng rung chuyển trong hết cơn động đất này đến cơn động đất khác như những năm gần đây.
Từ giữa năm 2016, cùng với chủ trương “chống tham nhũng” cùng chủ thuyết “việc cần làm ngay” của Tổng bí thư Trọng, cuộc tháo chạy tán loạn của giới quan chức kim tiền dần bắt đầu, để sang năm 2017 đã có những dấu hiệu chạy loạn cao độ, mà cao điểm là hình thức “ra đi tìm đường cứu nước” của những quan chức ngành dầu khí như Trịnh Xuân Thanh, Lê Chung Dũng, Vũ Đình Duy…
Nhiều quan chức khác thuộc “cánh Nguyễn Tấn Dũng” và cả ông Dũng cũng bị cho rằng sẽ không thể “hạ cánh an toàn”.
Một khi Đinh La Thăng cũng không thoát, bất cứ ủy viên bộ chính trị nào cũng có thể bị “xộ khám” trong tương lai. Chính Tổng bí thư Trọng đã tạo ra tiền lệ ấy.
“Chống tham nhũng giai đoạn 2”
“Chống tham nhũng” được khởi phát từ cá nhân Tổng bí thư Trọng và rõ ràng số phận còn/mất của nó tùy thuộc phần lớn vào cá nhân ông Trọng.
Sau gần hai năm chấp nhiệm chức vụ tổng bí thư nhiệm kỳ 2, và gần 6 năm từ khi ông Trọng ngồi ghế này, cuộc chiến “chống tham nhũng” của ông lại như chỉ mới bắt đầu. Thành tích “chống tham nhũng” của ông Trọng là quá khiêm tốn, quá nhỏ bé và mặc dù ông đã không ít lần dẫn Ủy ban kiểm tra trung ương đảng sang Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình và “học tập kinh nghiệm” của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương của Thường vụ bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khi đó là Vương Kỳ Sơn, có vẻ như Trung Quốc vẫn chê Việt Nam mãi mà vẫn chưa làm được vụ Bạc Hy Lai nào.
Năm 2017. Ngay sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, một lần nữa Tổng bí thư Trọng lại hô khẩu hiệu “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy”. Ngay sau đó, ông đã được một số văn nhân xưng tụng thành “Sỹ phu Bắc Hà”, “Minh quân”. Và cả “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo”. Trước Nguyễn Phú Trọng, chưa có một tổng bí thư nào được tụng ca ngút trời như thế.
Nhưng từ sau phát ngôn xuất thần trên, người ta lại chỉ nhìn thấy một tổng bí thư xuôi xị với “ai đã trót nhúng chàm thì phải tự gột rửa” và “mở đường cho người ta tiến” - tức khẩu khí “chống tham nhũng” của ông Trọng đã xuống dốc đến mức nhiều người đã cười nhạo “Minh quân”.
Gần đây, nghe nói ông Trọng đã phải nhận một số phê phán và chỉ trích từ giới cách mạng lão thành về “chống tham nhũng nửa vời”. Có thể ông Trọng - người tự xem mình là nhà mác xít – leninnít - đã cảm thấy cay đắng về dư luận ấy.
Có thể sau chuỗi ngày tháng lưỡng lự và bị đè nặng bởi tâm lý lo sợ “bị hồi tố”, ông Trọng đã đi đến một quyết định sinh tử: phải hành động.
Bởi nếu không hành động ngay và hành động sắt đá, đảng của ông Trọng hoàn toàn có nguy cơ tan vỡ bởi “nội loạn”.
Không còn cách nào khác, ông Trọng phải chấp nhận “đập chuột mẻ bình” và tạo ra tiền lệ “ủy viên bộ chính trị cũng bị tống giam”.
Vậy là so với Tập Cận Bình, “độ trễ chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng thụt lùi 4 - 5 năm, dù ông Trọng còn trở thành tổng bí thư từ trước cả họ Tập.
Năm 2012, khi Tập Cận Bình khởi động chiến dịch vừa chống tham nhũng vừa thanh trừng phe phái trong đảng, Ủy viên bộ chính trị, Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã bị cách chức, để sau đó đã bước đi tuần tự, “đúng quy trình”, bị bắt giam và cuối cùng phải ra tòa nhận án đến chung thân. 5 năm sau đến lượt cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng ở Việt Nam.
Nếu không xảy đến một phép màu nào, Đinh La Thăng Việt Nam sẽ biến thành Bạc Hy Lai Trung Quốc.
8 tháng Mười Hai năm 2017 là “ngày của Đinh La Thăng”, và cũng có thể là ngày khởi động chiến dịch được xem là “chống tham nhũng giai đoạn 2” của Tổng bí thư Trọng, nhưng được ông Trọng mô tả bằng hành động quyết liệt sắt đá chứ không phải hô hào nói suông nữa.
Quyết định bắt Đinh La Thăng được Bộ Công an thi hành còn có thể được xem là một thắng lợi lớn của Tổng bí thư Trọng trong Đảng ủy công an trung ương và khiến nâng cấp quyền lực cho ông kể từ ngày ông tham gia tổ chức này vào tháng 10/2016. Với bất kỳ nhân vật đầu não nào, khi và chỉ khi chỉ huy được công an thì mới có thể nói đến chuyện “chống tham nhũng”, “tập quyền” hay hơn thế nữa.

Úc cáo buộc hacker Việt Nam đánh cắp dữ liệu sân bay 1

Theo VOA-11/12/2017 
Lê Đức Hoàng Hải tại phiên tòa ngày 7/12/2017, (Ảnh: Báo Quân Khu 7)
Lê Đức Hoàng Hải tại phiên tòa ngày 7/12/2017, (Ảnh: Báo Quân Khu 7)
Một tin tặc Việt Nam đã đột nhập vào hệ thống máy chủ và đánh cắp thông tin an ninh nhạy cảm của Sân bay Perth, Australia, theo trang The West Australian.
Trang này cho biết người đàn ông Việt Nam tên Lê Đức Hoàng Hải, 31 tuổi, đã sử dụng danh tính của một nhà thầu bên thứ ba để truy cập vào hệ thống máy tính của sân bay này vào tháng 3 năm ngoái.
Cố vấn an ninh mạng Alastair MacGibbon của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, cho biết hôm 10/12 rằng người đàn ông này đã lấy cắp “một lượng dữ liệu đáng kể” liên quan đến sân bay, bao gồm sơ đồ tòa nhà và các chi tiết về an ninh của các tòa nhà trong sân bay.
Ông MacGibbon nói rằng Hải chưa tiếp cận được hệ thống radar hay các hệ thống khác liên quan đến hoạt động của máy bay và hành khách chưa vấp phải nguy hiểm gì.
Sân bay Perth đã phát hiện ra việc đột nhập này và chuyển thông tin vụ việc cho trung tâm an ninh không gian mạng của Chính phủ Liên bang Australia ở thủ đô Canberra.
Vụ tấn công này được truy ra có nguồn gốc từ Việt Nam và Cảnh sát Liên bang Australia đã cung cấp thông tin cho các đối tác ở Việt Nam. Phía Việt Nam đã điều tra và bắt giữ Hải.
Báo Quân Khu 7 cho biết vào ngày 7/12, Tòa án Quân sự Quân khu 7 xử Lê Đức Hoàng Hải 4 năm tù về tội “truy cập bất hợp pháp các mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác.”
Tổng số dữ liệu mà Lê Đức Hoàng Hải đã đánh cắp là trên 320 Gigabyte, gây thiệt hại lớn cho các công ty, tập đoàn, đơn vị.
Truyền thông Việt Nam nói sân bay Perth đã phải chi gần 8 triệu đôla (tương đương 135 tỉ đồng) để khắc phục hậu quả, khôi phục dữ liệu và lỗ hổng an ninh mạng.
Trong thời gian từ năm 2010 đến tháng 6/2016, với mục đích tò mò, muốn thể hiện khả năng làm hacker về việc đánh cắp dữ liệu mạng, Lê Đức Hoàng Hải, sinh năm 1986, hộ khẩu thường trú TP. Hồ Chí Minh, đã sử dụng máy tính cá nhân có kết nối internet để đột nhập trái phép vào máy chủ, hệ thống máy chủ quản lý sân bay Perth.
Ngoài ra, Báo Quân khu 7 còn cho biết, Hải còn tấn công cơ sở hạ tầng và các trang web ở Việt Nam, bao gồm cả các ngân hàng, viễn thông và một tờ báo quân sự trực tuyến.

Quan to ‘chống lưng’ BOT trên quốc lộ 5?

Khánh An-VOA -11/12/2017
Tài xế dùng tiền lẻ để kéo dài thời gian thu phí khi đi qua trạm BOT trên quốc lộ 5, Hưng Yên, ngày 11/12/2017.
 Tài xế dùng tiền lẻ để kéo dài thời gian thu phí khi đi qua trạm BOT trên quốc lộ 5, Hưng Yên, ngày 11/12/2017.
Sau Cai Lậy, trạm thu phí số 1 BOT quốc lộ 5, Hưng Yên, ngày 11/12 bị giới tài xế dùng tiền lẻ để phản đối việc trả phí qua trạm, khiến cho giao thông khu vực bị ùn tắc nhiều giờ.
Một tài xế ở Hưng Yên không muốn nêu danh tính vì vấn đề an ninh cho biết, người dân bức xúc vì phải trả khoản phí rất cao trên quốc lộ 5B cũ để “hoàn vốn” cho dịch vụ mà họ không sử dụng là quốc lộ 5B mới. Ngoài ra, tài xế này nghi ngờ rằng “phải có người rất to đứng đằng sau chống lưng” thì trạm BOT ở Hưng Yên mới tồn tại được sau nhiều năm người dân liên tục phản đối.
Giải thích thêm về nguyên nhân bất bình của người dân, anh nói với VOA tối 11/12:
“Nhà đầu tư thu [phí] QL 5B (QL5) cũ để hoàn vốn cho QL 5B mới, tức đoạn quốc lộ từ thành phố Hà Nội xuống thành phố Hải Phòng, nhưng dân tình quê hương em không chịu. Đường cũ vẫn sử dụng bình thường, nhưng bây giờ người ta lại ép dân lái xe phải đi trên QL 5B mới. Không ép được thì họ quay sang tăng phí bên kia lên để ép lái xe phải đi bên này. Nói chung, bây giờ dân ở đây đang rất bức xúc”.
Theo tài xế này, phí qua trạm trên QL5 cũ đã bị tăng lên quá cao và bất hợp lý. Cụ thể, mức phí dành cho xe trọng tải 2,4 tấn của tài xế này đã tăng vọt từ 25.000 đồng lên 55.000 đồng/lượt, trong khi mỗi năm anh đã đóng hơn 1 triệu tiền lệ phí bảo trì đường bộ.
Tin cho hay, vì biết trước “kịch bản” phản đối qua lời kêu gọi của cánh tài xế trên mạng, nên giới hữu trách địa phương đã chuẩn bị sẵn nhiều tờ tiền hiếm 100 đồng và huy động xe cẩu “khủng” để sẵn sàng đối phó với việc phản đối thu phí của tài xế. Tuy nhiên, khi tài xế bắt đầu dùng chiêu trả tiền lẻ và đòi thối tờ tiền hiếm 100 đồng, giao thông khu vực vẫn bị ách tắc nhiều giờ trong ngày 11/12.
“Biết là không hiệu quả nhưng bọn em có rất nhiều tiền lẻ. Chiêu tiền lẻ thì nhà nước không thể chống được. Ở đây, lưu lượng xe Hà Nội-Hải Phòng rất đông, có thể gấp 3 lần so với Cai Lậy. Mà mức phí đi trên cao tốc rất đắt, hơn 200.000 đồng từ Hà Nội xuống Đồ Sơn, Hải Phòng. Đấy là xe em xe nhỏ. Xe lớn còn đắt hơn”, tài xế không muốn nêu tên nói.
BOT Cai Lậy hỗn loạn khi tài xế trả tiền lẻ qua trạm ngày 30/11/2017.
BOT Cai Lậy hỗn loạn khi tài xế trả tiền lẻ qua trạm ngày 30/11/2017.
Cũng trong ngày 11/12, trang tin Việt Nam Mới dẫn lời Ban quản lý trạm thu phí QL5 nói đã nắm được thông tin biển số và các tài xế trả tiền lẻ qua trạm, và nói thêm rằng thông tin về ùn tắc giao thông vào buổi sáng là “không đúng”.
Xác nhận với VOA về cuộc “phản đối ôn hòa” của người dân trên QL5, tài xế trả lời VOA nói anh “không sợ” nếu bị công an mời làm việc và giới tài xế sẽ tiếp tục “đánh” BOT trên QL 5 và nhiều nơi khác để đòi quyền lợi hợp pháp của mình.
“BOT là lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm đang hoành hành. Ngoài ra, các cụ dạy một câu rằng ‘Con giun xéo mãi cũng quằn’. Nó phải chống. Bắt buộc nó phải chống thôi. Vì miếng cơm manh áo, nó phải chống thôi”, anh nói.
“Không ai muốn gây lộn với ai cả. Không có anh em tài xế nào muốn ra đấy cãi nhau ì xèo. Công việc của mình rất nhiều, ra đấy chẳng được ích lợi gì, nhưng mà bắt buộc phải làm vì lợi ích của mình. Giống như em, đi một lần đã hết 110.000 đồng, cả đi và về. Số tiền đó so với thợ phu hồ vất vả thì đã chiếm hơn một nửa ngày công của họ rồi”.
Đầu tháng 4/2017, nhà đầu tư quyết định đồng loại tăng mức phí đường bộ tại tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng và QL5. Để né các trạm thu phí trên đoạn đường này, cánh tài xế đã đi đường vòng và các đường liên xã, liên huyện khiến những con đường này bị hư hỏng nặng.
BOT là lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm đang hoành hành. Ngoài ra, các cụ dạy một câu rằng ‘Con giun xéo mãi cũng quằn’. Nó phải chống. Bắt buộc nó phải chống thôi. Vì miếng cơm manh áo, nó phải chống thôi.
Một tài xế ở Hưng Yên
Ngày 4/9, hàng trăm người dân huyện Văn Lâm và Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, đã cùng với các tài xế vây quanh trạm thu phí Văn Lâm trên QL5 để phản đối việc thu phí. Nhưng phản đối của người dân vẫn không mang lại thay đổi gì sau đó. Thậm chí, một số tài xế còn bị “cảnh cáo”, theo tài xế ẩn danh.
Anh nói thêm:
“Đấu tranh để tìm công bằng cho chính bản thân là rất khó vì mình cứ phải đấu tranh làm sao cho ôn hòa. Không ra mặt được. Bên này là xã hội chủ nghĩa mà, nên mình vẫn phải theo cái xã hội chủ nghĩa thôi”.
Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) xây dựng theo hình thức BOT. Việc thu phí trên QL5 đã được Chính phủ Việt Nam thông qua để công ty này có thể hoàn vốn trước thời hạn giao dự án cho Nhà nước.
Tối 11/12, VOA không thể liên lạc được ngay với đại diện của VIDIFI để hỏi phản ứng trước cáo buộc của cánh tài xế.
Hiện có khoảng 15.000 – 16.000 lượt phương tiện qua trạm QL5 mỗi ngày, phần lớn là xe tải và phải đóng mức phí từ 45.000 đồng/lượt – 200.000 đồng/lượt, theo Vietnamnet.
Trước Hưng Yên, trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang, đã "gây sốt" trên cả nước vì cuộc "biểu tình" tiền lẻ của các tài xế, khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lập tức phải hạ lệnh dừng thu phí ở trạm này từ 1 - 2 tháng, kể từ ngày 4/12.

Khởi tố Đinh La Thăng, TBT gửi thông điệp cứng rắn cho đối tượng kế tiếp

Hoàng Long 
Theo VOA-10/12/2017 
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng
Sự kiện ông Đinh La Thăng bị khởi tố không chỉ là cú “ngã ngựa” gây kinh ngạc của một ngôi sao đang lên trên chính trường Việt Nam mà nó còn đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng đang gia tăng cường độ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, giới quan sát nhận định. Kết cục của ông Thăng có phần chắc sẽ khơi lên nhiều đồn đoán về những đối tượng khả dĩ sẽ bị ông Trọng nhắm tới kế tiếp.
Ông Thăng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương và nguyên ủy viên Bộ Chính trị, hôm thứ Sáu bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và tạm giam vì những sai phạm trong quản lý kinh tế. Trước đó cùng ngày, Bộ Chính trị đã đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông với tư cách là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua hai nghị quyết cho thôi tư cách đại biểu quốc hội của ông, mở đường cho việc truy tố.
Được bổ nhiệm làm bộ trưởng giao thông ở tuổi 51, ông Thăng thuộc lứa lãnh đạo được xem là tương đối trẻ nằm trong diện quy hoạch nhân sự cho những vị trí cao hơn.
Ông nổi lên trên chính trường với những lời lẽ hùng hồn thu hút sự chú ý của giới truyền thông và người dân. Sau khi được điều về làm bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông tiếp tục chiếm lĩnh các hàng tít báo với những phát biểu hứa hẹn giải quyết những vấn đề như tham nhũng, tội phạm, giao thông và giáo dục.
Nhưng sự nghiệp chính trị của ông coi như chấm hết sau khi Ban chấp hành Trung ương Đảng hồi tháng 5 thi hành kỷ luật đối với ông và cho thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị. Diễn biến này khơi lên đồn đoán rằng việc ông bị truy tố chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng bắt tay với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước cuộc gặp của họ ở TP.HCM, ngày 13 tháng 1, 2017.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng bắt tay với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước cuộc gặp của họ ở TP.HCM, ngày 13 tháng 1, 2017.
Lần gần đây nhất mà một cựu ủy viên Bộ chính trị bị khởi tố là từ hàng chục năm trước. Vào năm 1979, ông Hoàng Văn Hoan bị tuyên án tử hình vắng mặt về tội phản quốc sau khi đào thoát qua Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định ông Thăng là quân cờ lớn nhất bị đốn ngã tính tới giờ trên bàn cờ chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đang đi những nước cờ ngày càng quyết đoán.
“Ông Trọng là người đặc biệt quan tâm đến ý thức hệ xã hội chủ nghĩa,” Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát và bình luận chính trị Việt Nam, nói. “Trong quan điểm của ông ấy muốn duy trì ý thức hệ xã hội chủ nghĩa thì phải có được niềm tin của dân chúng,” vốn đã bị xói mòn vì tình trạng tham nhũng tràn lan.
Tiến sĩ Dũng nhắc tới việc ông Trọng từng nghẹn ngào tại Hội nghị Trung ương 6 vào năm 2012 khi ông đọc bài diễn văn bế mạc. Ông đã thay mặt Bộ Chính trị nhận lỗi về hàng loạt những sai phạm xảy ra trong việc điều hành tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, gây thất thoát ngân sách nghiêm trọng.
“Điều đó để lại một ấn tượng tôi nghĩ là buồn và đau đớn lắm đối với ông Trọng,” Tiến sĩ Dũng nói về việc ông Trọng đã không thể kỷ luật được ông Dũng tại hội nghị đó. “Ông ấy không thể bỏ qua được chuyện đó và phải gỡ gạc thể diện. Một trong những chuyện gỡ gạc thể diện chính là chuyện ông Trọng đang làm hiện nay, chưa phải trực tiếp đối với ông Nguyễn Tấn Dũng nhưng mà đối với những người của ông Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn như ông Đinh La Thăng.”
Truyền thông trong nước cho biết ông Thăng, người từng là chủ tịch chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), đang bị điều tra vì sự dính líu trong hai vụ án kinh tế được mô tả là “nghiêm trọng.”
Ông bị cáo buộc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỉ đồng trong việc góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Ông cũng bị quy trách về việc làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II.
Giới phân tích nhận định mục tiêu chống tham nhũng của ông Trọng sắp tới có thể là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Giới phân tích nhận định mục tiêu chống tham nhũng của ông Trọng sắp tới có thể là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tiến sĩ Dũng nhận định việc khởi tố ông Thăng đánh dấu một cột mốc đặc biệt quan trọng trong công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng. Nó cho thấy ông Trọng đã vượt qua điều mà ông Dũng gọi là “giới hạn tâm lý” của lớp lãnh đạo đương quyền, e sợ rằng những hành động mạnh tay của họ bây giờ sẽ bị thế hệ kế nhiệm “hồi tố.”
“Và bây giờ ông ấy leo lên lưng cọp luôn,” nhà bình luận chính trị này nói. “Đó là cơ sở để cho thấy rằng ông Trọng không chỉ dừng lại ở Đinh La Thăng. Khi mà đã cho bắt Đinh La Thăng rồi thì gần như chắc chắn là mục tiêu của ông Trọng là sẽ hướng tới ông Nguyễn Tấn Dũng. Vấn đề là có làm được hay không.”
Ông Dũng lưu ý sự tương đồng giữa chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng vào năm 2017 và điểm khởi đầu chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2012.
“Tập Cận Bình lúc đó đã xác định một cái điểm hỏa và đã thanh toán cái điểm hỏa đó là Bạc Hy Lai, Bí thư Trùng khánh và cũng là ủy viên Bộ Chính trị, đưa Bạc Hy Lai ra tòa và phải nhận án chung thân,” ông nói.
“Tình hình như thế này thì chắc chắn nhẹ nhất là Đinh La Thăng sẽ phải nhận án chung thân.”

Tài xế trả tiền lẻ phản đối trạm thu phí BOT quốc lộ 5

RFA 2017-12-11  
Hình chụp từ trên cao tắc nghẽn giao thông tại trạm thu phí BOT quốc lộ 5 Hà Nội Hải Phòng hôm 11/12/2017
 Hình chụp từ trên cao tắc nghẽn giao thông tại trạm thu phí BOT quốc lộ 5 Hà Nội Hải Phòng hôm 11/12/2017  Screen capture Facebook Đỗ Nam Trung
Vào sáng ngày 11 tháng 12 năm 2017, nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí BOT quốc lộ 5 thuộc huyện Văn Lâm, Hưng Yên, để phản đối mức thu phí quá cao.
Vào lúc 16g chiều giờ địa phương, nhiều tài xế lại tiếp tục sử dụng các loại tiền mệnh giá 200 đồng và 500 đồng để trả phí khi qua trạm BOT Quốc lộ 5 khiến tình trạng giao thông ùn tắc nghiêm trọng, buộc ban quản lý BOT Quốc lộ 5 phải xả trạm.
Trên mạng xã hội vài ngày trước đây, nhiều tài xế đã kêu gọi đồng loạt sử dụng tiền lẻ trả phí qua trạm BOT Quốc lộ 5.
Hồi đầu tháng 9 một số tài xế đã dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm BOT quốc lộ 5 nhưng đã bị cơ quan chức năng mời lên để làm rõ sự việc.
Hôm 18 tháng Mười 2017, Tổng cục đường bộ đã có văn bản gửi Bộ giao thông vận tải đề nghị giảm phí cho tất cả phương tiện lưu thông qua quốc lộ 5 và miễn phí cho người dân sinh sống quanh trạm thu phí.
Cũng liên quan đến BOT,  hôm qua, Bộ giao thông vận tải yêu cầu có phương án xử lý trạm BOT Cai Lậy trước ngày 22 tháng 12 năm 2017.
Các phương án được Bộ giao thông vận tải đưa ra là, một là giữ nguyên trạm như hiện nay, hai là xây dựng thêm trạm trên tuyến tránh, ba là di dời trạm thu phí hiện nay về đúng tuyến tránh.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy bắt đầu thu phí từ ngày 1 tháng 8 năm 2017. Tuy nhiên, các tài xế xe dùng tiền lẻ trả phí vì phản đối trạm BOT này đặt sai vị trí cũng như mức phí cao. Vụ việc này khiến cho Quốc lộ 1 kẹt xe hơn 3 km, gây náo loạn tại khu vực này trong suốt những ngày qua, khiến cho trạm BOT Cai Lậy phải xả cửa liên tục.
Vào ngày 4 tháng 12 Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và yêu cầu ngừng thu phí BOT Cai Lậy trong một hoặc 2 tháng để tìm cách giải quyết.

Có thực hơn 400 trẻ sơ sinh tử vong tại Việt Nam?

Hòa Ái, phóng viên RFA 2017-12-08  
Ảnh minh họa.
  Ảnh minh họa.  Courtesy: Hình chụp từ màn hình của VnExpress.net
Đại diện Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, thuộc Bộ Y Tế hồi hạ tuần tháng 11 cho biết trung bình mỗi ngày có hơn 400 trẻ sơ sinh tử vong tại Việt Nam. Tính xác thực của số liệu vừa nêu như thế nào?

Tỷ lệ tử vong quá cao

Báo mạng Vietnamnet.vn, vào ngày 21/11/2017 dẫn lời của Vụ trưởng Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết Việt Nam trung bình có trên 400 trẻ sơ sinh tử vong mỗi ngày, với nguyên nhân chủ yếu là do sanh non, ngạt thở và nhiễm khuẩn.
Trước số liệu vừa nêu, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Khải, người từng chữa khỏi bệnh cho hàng trăm trẻ nhỏ trong dịch bệnh chân tay miệng hồi năm 2011, cho rằng Bộ Y Tế cần phải có biện pháp khẩn cấp để giải quyết tình trạng trẻ sơ sinh tử vong mà ông gọi là đang ở mức “báo động đỏ”. Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải lên tiếng:
...Nếu so với số lượng mà ông Vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh nêu ra và cho rằng tỉ lệ tăng dân số do sinh đẻ ở Việt Nam là 2%, thì tỉ lệ này khoảng 8%. Nếu so với số liệu 7.000 trẻ sơ sinh trên thế giới chết mỗi ngày, thì con số 400 trẻ sơ sinh chết mỗi ngày ở Việt Nam là con số quá lớn
-Bác sĩ Võ Xuân Sơn
“Tại sao chúng ta lại để chết một ngày 4 đại đội, tức là một tiểu đoàn? Trong khi đó, ở Quảng Trị năm 1972 mỗi ngày chỉ chết một đại đội. Giao thông thì chết 20 người trong một ngày, nhưng tại sao lại để chết 400 cháu trong một ngày? Cho đến bây giờ chưa ai nói đến. Bộ Y Tế, Quốc Hội, Chính phủ đã có biện pháp gì để làm, sau khi họ công bố hay chưa? Và nếu họ không làm nỗi thì liệu họ có cho phép người khác cứu người hay không?”
Qua tìm hiểu của RFA, nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải và một số chuyên gia trong nước về tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong quá cao, căn cứ theo số liệu của cơ quan y tế cung cấp như vừa nêu không phải là không có cơ sở.
Trong “Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020” thì mục tiêu và ưu tiên hàng đầu là giảm thiểu tỷ lệ tử vong sơ sinh. Kể từ năm 2011 đến 2015, tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi ở Việt Nam được ghi nhận giảm xuống một cách đáng kể và tỷ lệ này ở mức không cao so với trong khu vực Đông Nam Á và trên toàn cầu.
Tại buổi lễ ký kết hợp tác của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ở Hà Nội hồi đầu tháng 12 năm 2015, Trưởng đại diện của UNICEF, ông Youssouf Abdel-Jelil đưa ra số liệu thống kê Việt Nam có hơn 90 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày, trong đó 50 trẻ sơ sinh tử vong trong vòng 28 ngày được sinh ra. UNICEF nêu lên nguyên nhân tử vong ở trẻ sơ sinh tại Việt Nam chủ yếu do ngạt thở, nhiễm trùng và đẻ non.

Nhầm lẫn hay không?

Trao đổi trực tiếp với chúng tôi qua mạng xã hội Facebook, Tiến sĩ-Bác sĩ Võ Xuân Sơn, làm việc tại Phòng khám Quốc tế EXSON cho rằng có thể số liệu hơn 400 trẻ sơ sinh tử vong mỗi ngày mà ông Vụ trưởng Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em đưa ra có sự nhầm lẫn. Tiến sĩ-Bác sĩ Võ Xuân Sơn phân tích:
Hiện nay, tỉ lệ tử vong trong tháng đầu tiên sau sinh trên thế giới là 1,9%. Theo tôi biết, Việt Nam có tỉ lệ thấp hơn trung bình của thế giới một chút. Nhưng nếu so với số lượng mà ông Vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh nêu ra và cho rằng tỉ lệ tăng dân số do sinh đẻ ở Việt Nam là 2%, thì tỉ lệ này khoảng 8%. Nếu so với số liệu 7.000 trẻ sơ sinh trên thế giới chết mỗi ngày, thì con số 400 trẻ sơ sinh chết mỗi ngày ở Việt Nam là con số quá lớn.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ-Bác sĩ Võ Xuân Sơn còn lập luận có khả năng ông Vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh đưa ra thông số Việt Nam có trên 400 trẻ sơ sinh tử vong mỗi ngày với chủ ý liên quan vụ việc 4 trẻ sơ sinh chết trong cùng buổi sáng ngày 20 tháng 11 vừa qua tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh.
Tại sao chúng ta lại để chết một ngày 4 đại đội, tức là một tiểu đoàn? Trong khi đó, ở Quảng Trị năm 1972 mỗi ngày chỉ chết một đại đội. Giao thông thì chết 20 người trong một ngày, nhưng tại sao lại để chết 400 cháu trong một ngày? Cho đến bây giờ chưa ai nói đến. Bộ Y Tế, Quốc Hội, Chính phủ đã có biện pháp gì để làm, sau khi họ công bố hay chưa
-TS. Nguyễn Văn Khải
Trả lời thắc mắc của gia đình bốn em bé xấu số và của dư luận về 4 trẻ sơ sinh tử vong trong cùng ngày ở Bắc Ninh, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, ông Lê Văn Nam cho biết nguyên nhân gây tử vong cho các bé đều do sơ sinh non yếu, nhẹ cân và kèm bệnh lý bẩm sinh. Ông Nam còn cho biết thêm Bệnh viên Sản nhi Bắc Ninh có những ngày có 5 đến 7 trẻ sơ sinh non yếu tử vong.
Một số chuyên gia y tế mà Đài RFA tiếp xúc nhấn mạnh không thể phủ nhận việc chăm sóc trẻ sơ sinh ở Việt Nam có tiến bộ nhiều trong những năm gần đây. Việt Nam là một trong 18 nước trên thế giới triển khai chương trình “Chăm sóc trẻ sơ sinh”, bắt đầu từ năm 2006, một chương trình mang tính quốc gia và hoạt động có hiệu quả. Thế nhưng dư luận vẫn không ít lần phản ứng mạnh mẽ trước các thông tin trẻ sơ sinh bị tử vong sau khi tiêm vaccine. Một bà mẹ trẻ ở Sài gòn nói với RFA nỗi lo lắng mỗi khi mang con đi chích ngừa:
“Lúc em sanh bé Chocolate, con em thì khi đó bắt đầu chích vắc-xin ‘5 trong 1’, ‘6 trong 1’ và em thấy bị chết nhiều lắm. Nói chung, trong 100 ca thì có 1 ca bị dính. Cho nên lúc mang con đi chích vắc-xin này rất là sợ. Em đã đến bệnh việc lúc sinh bé để chích cho bé từ trước tới giờ luôn. Do các mũi chích ngừa đó làm mình lo lắng nên không mang bé đi chích ở những chỗ khác.”
Bà mẹ trẻ ở Sài Gòn cho biết bản thân và nhiều bạn bè đồng trang lứa mặc dù luôn tìm hiểu kiến thức về mang thai và có em bé cũng như thực hiện theo các thông tin hướng dẫn được phổ biến rộng rãi, thế nhưng không thể nào không lo lắng cho sự an toàn của con mình qua những vụ việc như 3 trẻ sơ sinh khỏe mạnh tử vong trong 10 phút sau khi tiêm ngừa vaccine, ở Quảng Trị hồi năm 2013 hay như trường hợp mới nhất, 4 trẻ sơ sinh tử vong tại Bắc Ninh.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận giới chuyên gia y tế xác nhận Bộ Y Tế đang làm tốt công tác để giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Thế nhưng Bộ Y Tế cần phải giải trình về tính xác thực của số liệu trung bình trên 400 trẻ sơ sinh tử vong mỗi ngày. Và nếu số liệu này là chính xác thì Bộ Y Tế cần phải là gì để giải quyết tình trạng, theo như Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho là “nguy cấp”?

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng lo ngại thanh niên xa rời đảng

RFA -2017-12-11 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong lễ khai mạc Quốc hội hôm 20/7/2016.
  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong lễ khai mạc Quốc hội hôm 20/7/2016.  AFP
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nói rằng các đoàn viên đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cần tránh nhạt đảng, khô đoàn xa rời chính trị.
Ông nói như vậy tại buổi lễ khai mạc Đại hội Đoàn toàn quốc khai mạc ngày hôm nay tại Hà Nội.
Ông Trọng nói rằng trong thời qua Đoàn thanh niên đã có nhiều tiến bộ trong cách thức hoạt động, trong công tác chính trị, tư tường, và đạo đức. Tuy nhiên ông nói thêm rằng có Đoàn thanh niên đã không làm tròn nhiệm vụ khi mà có nhiều thanh niên có lối sống thực dụng, đi ngược lại mục tiêu của Đảng Cộng sản.
Đặc biệt ông Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng Đoàn Thanh niên cần định hướng cho thanh niên phản bác các thông tin sai trái trên mạng xã hội của các thế lực thù địch.
Tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản ở Việt Nam có tên là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, là một tổ chức duy nhất của thành niên Việt Nam được cho phép.
Tổ chức này được sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hiện người đứng đầu tổ chức này là ông Lê Quốc Phong với chức danh Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. Ông Phong là một Ủy viên dự khuyết của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan có khoảng 150 thành viên, là nơi có quyền lực rất lớn trong guồng máy chính trị của Việt Nam hiện nay.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng được xem là nơi chuẩn bị các đảng viên tương lai của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khá nhiều quan chức hiện nay của Đảng xuất thân từ những cán bộ của Đoàn Thanh niên, như ông Võ Văn Thưởng hiện đứng đầu cơ quan tuyên truyền của Đảng.
Ông Đinh La Thăng một cựu Ủy viên Bộ chính trị mới vừa bị bắt với cáo buộc tham nhũng, cũng từng là cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản.

B14

Trương Duy Nhất 
Theo RFA-2017-12-11  
Hình chụp trại giam B14
 Hình chụp trại giam B14  Courtesy Báo Công An Nhân Dân
Vậy là anh em nhà Đinh La Thăng- Đinh Mạnh Thắng cùng vào B14. Trước đó, anh em Dương Chí Dũng- Dương Tự Trọng cũng ở trại này.
Đây, cũng là nơi giam tôi suốt 240 ngày đầu, từ khi bị bắt (26/5/2013 đến 20/1/2014), thuộc đoạn điều tra lấy cung. Nó là một trại đặc biệt, dành cho các án an ninh đặc biệt, thuộc Cục an ninh điều tra, Tổng cục an ninh, Bộ Công an, nằm trên địa bàn xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, và nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong giới đấu tranh cũng đang bị giam ở đây. Trước đó, là Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh.
Nhiều "tên tuổi" lớn khác, cũng từng "đi qua" B14 này: Phạm Thanh Bình, cùng toàn bộ nhóm “đầu não” của tập đoàn Vinashin. Cựu Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng, uỷ viên trung ương đảng Bùi Quốc Huy; cựu uỷ viên trung ương, giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Trần Mai Hạnh; Phó Viện trưởng VKSND tối cao Phạm Sĩ Chiến… Nghe nói, nhân vật cao nhất từng bị giam tại đây là Thượng tướng Chu Văn Tấn, Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên thời Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Những ngày này, nhân chuyện Đinh La Thăng, nghe thiên hạ nhắc nhiều quá về trại giam khét tiếng, nhưng cũng đầy “huyền thoại” mang tên B14. Lục trên mạng, tình cờ gặp hai bức ảnh trên báo Công an nhân dân.
Ở bức 1. Nhìn từ bên ngoài, vòng tròn khoanh dấu đỏ là khu tầng 2, phòng B12. Ở bức 2 là nhìn từ khu vực sân trại, nơi quản giáo và lính canh hay xếp hàng thể dục mỗi chiều.
Tầng 3, ngay trên đầu tôi là buồng giam Dương Chí Dũng. Dương Tự Trọng bị kỷ luật nên giam tầng 1, bên dưới.
Hai bức ảnh gợi tôi nhớ một chuyện vui, kể chơi:
Chiều chiều, chừng 16 giờ 30, quản giáo và lính canh tập trung xếp hàng thể dục như trong ảnh 2. Tôi, ở buồng giam bịt bùng ngay vị trí khoanh tròn đỏ ấy, không nhìn thấy, chỉ nghe tiếng vọng vào. Họ tập võ, vung chân múa tay “hừ hự” theo nhịp một hai- hai một gì đấy. Xong, lần nào cũng kết thúc bằng bài hô:
- Thể dục - Khoẻ!
- Thể dục - Bảo vệ tổ quốc!
- Thể dục - Bảo vệ chủ nghĩa xã hội!
- Thể dục - Khoẻ!
- Thể dục - Khoẻ!
- Thể dục - Khoẻ!
Nghe vui tai. Riết rồi muốn nghĩ ra trò gì chọc vui. Khi tất thảy vừa rập chân hô xong, tôi bèn tằng hắng mấy phát báo hiệu cho anh em các phòng bên, rồi dõng dạc, nhái theo nhịp bọn quản giáo:
- N…g…h…i…ê…m!
- Ở tù – Khoẻ!
- Ở tù - Bảo vệ tổ quốc!
- Ở tù - Bảo vệ chủ nghĩa xã hội!
- Ở tù - Khoẻ!
- Ở tù - Khoẻ!
- Ở tù - Khoẻ!
Thằng quản giáo lộp cộp giày, chạy ngang trợn mắt:
- Anh Nhất hô gì đấy, muốn nổi loạn hả?
Tôi làm mặt nghiêm, rập chân bập bập, thẳng lưng, chụm gót đúng chữ V, rồi “khuyến mại” thêm câu nữa:
- Ở tù - Khoẻ!
Mấy ông bạn tù phòng bên nghe sướng quá, cứ khúc khích khục khịch mãi. Như chọc tức thêm hắn.
Tội, nhìn cái mặt hắn cứ đơ ra, trông đần như ngỗng ỉa.
Mấy hôm sau. Hắn trả thù bằng cách chuyển buồng. Đẩy tôi sang dãy lẻ, buồng số 19. Vẫn tầng hai, nhưng đấu lưng lại với khu này (Dũng Bắc Kạn, trùm giang hồ khét tiếng Hải Phòng, người tổ chức cho Dương Chí Dũng chạy trốn sang Campuchia, ở đấu đít với tôi, buồng B20).
Bịt bùng. Thêm mấy lớp tường cách âm, không còn nghe được tiếng hô.
Tưởng tếu cho vui. Vậy mà cái trò “chủ nghĩa xã hội” ấy lại khiến mấy thằng bạn tù buồng bên nhớ. Chiều, cứ chừng bốn rưỡi hơn, xong bốn hồi kẻng là chúng gõ tường “nhà báo ơi, anh Nhất ơi, bảo vệ chủ nghĩa xã hội đi!”.
Nghiệt nỗi, xa tiếng hô của bọn quản giáo, một mình đâm hết hứng.
Chuyện thể dục “chủ nghĩa xã hội” ấy cũng chỉ thấy ở B14. Sau này đi hai trại Hoà Sơn (Đà Nẵng) và trại 6 (Nghệ An), không nghe bọn quản giáo “chủ nghĩa xã hội” kiểu này nữa.
B14, có điều rất đặc biệt: Họ không xoá bất cứ dòng chữ nào của tất cả các thế hệ tù nhân trước giờ. Kể cả những câu cực kỳ “phản động”, chống Cộng, chửi đảng, bằm lôi cả mồ cha mả mẹ “lũ X”… chi chít bốn vách tường.
Trên vách cửa buồng B12, chắc chắn vẫn còn hai câu tuyên ngôn tôi khắc: “Chỉ có thể cưỡng bức được hành vi, chứ không cưỡng bức nổi tư tưởng”, “Có loại tù làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang”.
Không biết, Đinh La Thăng có được vào đúng buồng B12 ấy?
Dù sao, ông và tôi cũng là chỗ từng biết nhau. Có thể, biết đâu đấy, khi đọc được những dòng chữ cùng cái tên “nhà báo Trương Duy Nhất” trên bức tường buồng giam, sẽ giúp ông tìm được cảm giác gì đó như thể “thân quen”, giúp ông nhẹ nhàng, thư thái, đỡ cô độc hơn?
Một mình, đối diện với bốn bức tường biệt giam bịt bùng, lởm chởm xám xịt ấy. Rồi ông cũng sẽ quen thôi, cũng phải đếm kiến, nuôi thạch sùng làm bạn. Sẽ là những tháng ngày dài không thể chợp mắt trước màn đêm đen ngòm, thăm thẳm. Dần, ông sẽ thuộc, quen với từng tiếng gót giầy của mỗi tay quản giáo. Nhận ra từng tiếng chó sủa, trong những giàn “đồng ca chó” đêm khuya vọng từ bên ngoài.
Đến tôi cũng ngạc nhiên, hay gọi giật mấy tay quản giáo hỏi “vì sao càng ra ngoài này, càng gần Hà Nội lại nhiều… chó thế?”.
Ừ. Ông đã có đến 3 đêm nghe chó sủa rồi nhỉ.
Từng mang phận tù, cũng là chút cám cảnh ngẫm đến ông. Chứ thật ra, cái loại tù của ông, không phải như tù chúng tôi. Tù của ông là tù nhục, tù ô.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Ai cho Thăng được nói?

 Nguyễn Anh Tuấn
Theo RFA- 2017-12-08  
Bức hình chụp hôm 21/10/2016 khi nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng (phải) nói chuyện với Chủ tịch Trần Đại Quang trong một phiên họp Quốc hội ở Hà Nội.
 Bức hình chụp hôm 21/10/2016 khi nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng (phải) nói chuyện với Chủ tịch Trần Đại Quang trong một phiên họp Quốc hội ở Hà Nội.  AFP
"Khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng" - không chỉ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Vietnamnet mà hàng trăm tờ báo khác cũng đang loan tin này với cùng một tiêu đề, văn phong, và nội dung, theo một sự chỉ đạo nghiêm ngặt dễ thấy.
Chưa biết rồi những ngày tới đây báo chí sẽ khai thác những chi tiết nào nữa, tuy nhiên dám chắc một điều là cả 900 tờ báo sẽ chỉ một hướng tấn công ông ấy.
Những lời biện minh, giãi bày của ông Thăng, nếu có, cũng không thể nào xuất hiện trên truyền thông. Tiếng nói của ông rồi đây chỉ là một tự sự cô độc giữa bốn bức tường mà ngoài ông ra thì chỉ đến tai các điều tra viên - những người, trớ trêu thay, lại chỉ phớt lờ cười nhạt, trước khi lấy lời khai để hoàn thành một bản hồ sơ luận tội chiếu lệ cho ông.
Ông Thăng có thể có, hoặc được chỉ định, một luật sư. Cũng có thể thi thoảng được gặp vợ con, nếu những người đồng chí của ông chỉ mới cạn tàu chứ chưa ráo máng. Nhưng, ngay cả khi luật sư muốn bảo vệ ông bởi trách nhiệm nghề nghiệp, vợ con muốn nói tốt cho ông bởi tình nghĩa gia đình, thì vấn đề là tờ báo nào ở Việt Nam dám đăng những lời này?
Kết cục không khó dự đoán. Công chúng, bao gồm cả bạn bè người thân của ông, sau một thời gian dài bị oanh tạc thông tin bởi hàng trăm tờ báo tập trung khai thác sai phạm của ông với vô số những lời lẽ đao to búa lớn, hẳn sẽ muốn đưa ông lên đoạn đầu đài ngay mà chẳng cần gì đến một phiên tòa. Lúc này, liệu ông có muốn được giữ quyền im lặng, được mời luật sư tham gia từ đầu, được giãy bày với báo chí thông qua luật sư và gia đình để rộng đường dư luận, được xét xử bởi một quan tòa độc lập - những quyền căn bản bình thường của bất kỳ công dân nào ở các nước dân chủ pháp trị?
Bị nguyên một hệ thống trấn áp bằng truyền thông mà chẳng hề có quyền đáp lại một lời nào để tự bảo vệ mình, nhân quả dường như đến quá sớm với Đinh La Thăng khi chính ông từng một thời nằm trong nhóm chóp bu duy trì và vận hành hệ thống đó.
Đinh La Thăng đang có bi kịch của ông ấy. Nhưng nằm ngay trung tâm bi kịch đó tiềm ẩn một rủi ro chung cho tất cả chúng ta: Không phân biệt địa vị, nghề nghiệp, sang hèn, từ Ủy viên Bộ Chính trị đến anh bán hàng rong, chúng ta đều có thể là nạn nhân của một nền pháp quyền què quặt khi mà nhân quyền, dân quyền của chúng ta không được thượng tôn nghiêm ngặt như một điểm cốt lõi tạo thành cộng đồng quốc gia này.
Những ngày tới, ở vị trí nạn nhân của quyền lực, ông Thăng hẳn sẽ có cái nhìn khác về nhân quyền, dân quyền - những thứ mà lúc còn ở đỉnh cao quyền lực chắc ông đã từng cười nhạt khi nghe thấy. Nhưng có lẽ, mọi thứ đã quá muộn với ông rồi.
Liệu chúng ta có nên như ông ấy, chỉ đợi tới lúc trở thành nạn nhân mới bắt đầu nghĩ tới quyền của mình?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Việt Nam bán bớt cổ phần các công ty xăng dầu quốc doanh

Nhân viên của cây xăng thuộc PV Oil phục vụ khách hàng ở Hà Nội. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việt Nam hy vọng thu được hơn nửa tỷ đô la khi loan báo bán bớt cổ phần của một nhà máy lọc dầu, một công ty phân phối xăng dầu và một công ty điện lực dầu khí.
Chỉ ít ngày sau khi mỏ chiến dịch quảng cáo rầm rộ bán cổ phần công ty bia rượu Sabeco, hôm 9 Tháng Mười Hai, người ta thấy nhà cầm quyền Việt Nam đem bán thêm một số công ty quốc doanh lớn cho các nhà đầu tư. Đây là một chỉ dấu được giới phân tích thời sự cho rằng Việt Nam muốn đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá các công ty quốc doanh để đối phó với các khó khăn tài chính.
Ngân sách ngày càng thâm thủng nhiều hơn và song song thì nợ công cũng chồng chất lên mãi, bán bớt tài sản của các công ty quốc doanh giúp chống đỡ với các khó khăn và bớt tùy thuộc vào vay nợ thêm.
Qua các con số cổ phần được rao bán, Hà Nội hy vọng thu về ít nhất $297 triệu từ việc bán đấu giá 20% cổ phần của Tổng Công Ty Điện Lực Dầu Khí Việt Nam (PV Power) và ít nhất hy vọng thu được $155 triệu khi bán 7.79% cổ phần của nhà máy Lọc Hóa Dầu và công ty hóa dầu Bình Sơn.
Bên cạnh đó, Tổng Công Ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cũng hy vọng giúp chế độ thu được khoảng $122 triệu khi bán bớt cổ phần.
Theo tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam công ty quốc doanh PV Oil trực thuộc Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (Petro Vietnam) được cổ phần hóa và bán bớt một phần vốn nhà nước tại xí nghiệp này. Vốn điều lệ của PV Oil là hơn 10 ngàn tỷ đồng. Trong đó, cổ phần Petro Vietnam nắm giữ chiếm 35.1% vốn điều lệ.
Theo quyết định trên, số cổ phần “bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp” chiếm 0.18% vốn điều lệ. Còn cổ phần bán đấu giá công khai chiếm 20% vốn điều lệ. Cổ phần bán cho “nhà đầu tư chiến lược” chiếm 44.72% vốn điều lệ. Mệnh giá 10,000 đồng/cổ phần.
Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần tại PV Oil “với tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 49% vốn điều lệ.” Quyết định cũng nói rõ về bán cổ phần ra công chúng. Theo đó, giá khởi điểm là 13,400 đồng/cổ phần, được bán theo phương thức đấu giá công khai tại Sở Giao Dịch Chứng Khoán Thành Phố Sài Gòn.
Về việc cổ phần hóa công ty mẹ – Tổng Công Ty Điện Lực Dầu Khí Việt Nam (PV Power) theo hình thức bán bớt một phần vốn nhà nước tại xí nghiệp này, nhà nước vẫn nắm giữ 51% . Phần còn lại bán “ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp” số cổ phiếu chiếm 0.118% , bán đấu giá công khai số cổ phiếu tương đương 28.28%.
“Mệnh giá 10,000 đồng/cổ phần. Giá bán cổ phần ra công chúng khởi điểm là 14,400 đồng/cổ phần. Giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện theo quy định tại thời điểm thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược,” theo tin của Thời Báo Kinh Tế Việt Nam.
Ba ngày trước khi có tin loan báo bán bớt cổ phần trong một số công ty quốc doanh liên quan đến xăng dầu, người ta vẫn thấy có những lờn than phiền về chính sách kinh tế tài chính của Việt Nam thay đổi như chong chóng làm giới đầu tư ngoại quốc ngần ngại.
Tại buổi hội thảo do Phòng Công Kỹ Nghệ Việt Nam, Cục Đầu Tư Nước Ngoài phối hợp với Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Việt Nam diễn ra hôm Thứ Năm, 7 Tháng Mười Hai, 2017, ông Herbert Cochran, giám đốc của Liên Minh Xúc Tiến Thương Mại Việt Nam phát biểu rằng luật lệ hay thay đổi của Việt Nam làm cho nơi này trở thành địa chỉ đầu tư nguy hiểm của giới đầu tư ngoại quốc.
Như gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam mói là sẽ tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12%, lại còn “áp” thêm thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với các loại nước nước giải khát bên cạnh một vài sắc thuế khác. Nhiều nhà sản xuất đã phản ứng khá mạnh khi nói giá cả trên thị trường sẽ tăng vọt, thiệt hại cho cả nhà sản xuất cũng như giới tiêu thụ.
“Chúng tôi quan ngại về những thay đổi gần đây về chính sách và quy định, thấy không nhất quán với thông lệ quốc tế. Những thay đổi đó làm nhiều nhà đầu tư ngoại quốc đối diện với nhiều nguy cơ và trở ngại sử dụng vốn đầu tư của họ,” ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành AmCham tại Hà Nội phát biểu trong cuộc hội thảo.
Theo thống kê Cục Đầu Tư Nước Ngoài, Việt Nam hấp dẫn được khoảng $33.1 tỷ đầu tư ngoại quốc trong 11 tháng của năm 2017, gia tăng đến 82.8% so với năm ngoái. (TN)