Wednesday, February 13, 2019

Phá hoại kỷ niệm chiến tranh Biên giới phía Bắc chỉ có thể là sự phản bội

Áp giải tù binh Trung Quốc. Ảnh Wikipedia
Nguyễn Tường Thuy – VNTB – Cách đây 40 năm, vào đầu năm 1979, cùng một lúc Việt Nam bị cuốn vào có hai cuộc chiến tranh: chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc.  Có một điều hết sức trớ trêu là kẻ thù không phải là tên đế quốc thực dân nào mà kẻ thù lại là hai quốc gia cộng sản: Trung Quốc và Campuchia, nghĩa là cùng chung ý thức hệ. Đây là dấu hiệu cho thấy những mâu thuẫn trong phong trào cộng sản quốc tế đã lên tới đỉnh điểm.
Chiến tranh biên giới phía Bắc bắt đầu vào ngày 17/2 phải gọi cho chính xác là cuộc chiến tranh xâm lược do Trung Quốc phát động nhằm thôn tính Việt Nam. Nó không phải là cuộc phản kích tự vệ như Trung Quốc rêu rao, ngụy biện. Đây là nỗi nhục không thể nào gột rửa của tập đoàn phản động, hiếu chiến Bắc Kinh.
Còn chiến tranh biên giới Tây Nam không phải bắt đầu từ khi quân đội VN tràn qua biên giới để lật đổ chế độ Khơ me đỏ mà phải tính từ trước đó, khi hàng chục sư đoàn Khơ me đỏ tràn qua biên giới bắn giết đồng bào ta vô cùng tàn bạo, dã man. Cho nên, trong cuộc chiến tranh này, nói VN phản kích tự vệ mới là đúng, chứ không phải TQ phản kích tự vệ ở biên giới phía Bắc. Có điều, sự có mặt của quân đội VN ở Campuchia lên tới 10 năm đã trở thành lực lượng chiếm đóng gây nên sự phản đối của thế giới. Nhưng việc rút quân sớm lại đồng nghĩa với việc nhân dân Campuchia tái rơi vào thảm họa diệt chủng.
Cả hai cuộc chiến tranh biên giới, tuy kẻ thù trực tiếp có khác nhau nhưng đều có yếu tố TQ. Nếu chiến tranh biên giới phía Bắc, TQ trực tiếp xâm lược VN thì ở chiến tranh biên giới Tây Nam, vai trò của chúng là gián tiếp. Chẳng thế mà khi Khmer Đỏ bị đánh bật khỏi Phnôm Pênh thì cố vấn TQ rồi đại sứ quán TQ cũng thất thểu chạy theo.
Còn với chiến tranh Việt – Trung năm 1979, việc tổ chức kỷ niệm là một điều húy kỵ. Nó có nguyên nhân từ thỏa thuận giữa VN và TQ. Đây là sự thỏa thuận bất bình đẳng, vì chẳng có kẻ cướp nào muốn nhắc đến vụ cướp, đánh đồng kẻ xâm lược và người bị xâm lược. Mặt khác, khi phía VN rất nhiệt tình làm theo thỏa thuận, tới mức đục cả bia chiến thắng, cắt cả thơ thì phía TQ vẫn cho báo chí và tướng lĩnh của chúng công khai tuyên truyền chiến tranh, đe dọa VN, xuyên tạc về cuộc chiến tranh xâm lược của chúng, tuyên dương anh hùng, tôn vinh những kẻ đã gây tội ác với nhân dân VN.Vì TQ chỉ đóng vai trò gián tiếp trong chiến tranh biên giới Tây Nam nên việc kỷ niệm sự kiện này cũng dễ dàng hơn tuy vẫn không được an tâm như kỷ niệm các dấu mốc chiến tranh với Phap hay Mỹ. Năm nay, Lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot được tổ chức ở cấp trung ương, có mặt cả lãnh đạo cao nhất là ông Nguyễn Phú Trọng, còn báo chí tuyên truyền cũng khá thoải mái.
VN đã đưa cuộc chiến tranh xâm lược và chống xâm lược ra khỏi sách giáo khoa. Thế hệ trẻ không hề biết tới cuộc chiến tranh qui mô, tàn bạo và mới nhất về thời gian. Ít nhất là từ sau Hội nghị Thanh Đô, không có một buổi lễ kỷ niệm chính thức nào về ngày. Còn báo chí, mỗi năm, tùy theo tình hình mà được nhắc đến nhiều hay nhắc ít.
8 năm nay, từ sau phong trào chống TQ Mùa Hè năm 2011, việc tổ chức kỷ niệm chiến tranh biên giới phía Bắc đều do các hội nhóm xã hội dân sự kêu gọi. Việc kỷ niệm này thường bị phá, như ngăn chặn thắp hương, đặt vòng hoa, chặn người từ nhà, tổ chức nhảy múa tại nơi dự định kỷ niệm. Họ nhảy múa tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ như thách thức những người đến tưởng niệm, như ăn mừng trên xác đồng bào chiến sĩ ngã xuống trong cuộc chiến tranh đẫm máu, như thể chào mừng ngày TQ xâm lược VN. Có năm chúng tôi bị xua đuổi, ngăn chặn, phải ôm vòng hoa chạy 3 nơi: Đài Cảm tử, Đài liệt sĩ Bắc Sơn, tượng đài Quang Trung ở Gò Đống Đa. Nhiều người còn bị canh giữ không cho ra khỏi nhà một cách thô bạo và trắng trợn.
Chỉ còn mấy ngày nữa là đến kỷ niệm ngày TQ xâm lược VN. Đã có một số tờ báo quen thuộc nhắc đến sự kiện này mà Vietnamnet là tờ báo đi đầu với bài “Cuộc chiến chống quân xâm lược tháng 2 năm 1979”. Ngoài ra, lác đác có tuyên giáo các tỉnh thành phổ biến tinh thần kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc có trọng tâm trọng điểm và đương nhiên là phải đúng định hướng. Có vẻ như năm nay, báo chí được tự do hơn khi nhắc đến cuộc chiến tranh này.
Năm nay là kỷ niệm lớn bởi tính chất tròn chục của con số 40. Không hy vọng phía chính quyền tổ chức. Về phía xã hội dân sự, đã xuất hiện những lời kêu gọi, nhắc nhở. Có thể những hoạt động kỷ niệm nhỏ lẻ này lại sẽ bị cản trở.
Nếu nhà cầm quyền vẫn e ngại kẻ thù thì hãy để cho nhân dân tự do kỷ niệm. Cố tình quên đi sự hy sinh của của những chiến sĩ đã ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, để cho những nấm mồ có tên hoặc vô danh hương lạnh khói tàn thì không còn cách nói nào chính xác hơn hai chữ phản bội.

Đã đến lúc chấm dứt BOT ở Việt Nam


Châu Đoàn|

BOT là một cách làm viết tắt của tiếng Anh: Build-Operate-Transfer, có nghĩa: Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao). Chính phủ kêu gọi các công ty tư nhân bỏ vốn xây dựng trước (build) thông qua đấu thầu, sau đó khai thác vận hành một thời gian (operate) và sau cùng là chuyển giao (transfer) lại cho nhà nước.
Đã có nhiều nước làm và đây là mô hình tốt nhưng theo tôi, mô hình này không nên tồn tại ở Việt Nam.
Mô hình này cần có một sự minh bạch mà ở Việt Nam thì sự minh bạch còn đang trốn rất kĩ. Một cách làm tốt vào tay những kẻ lưu manh thì lập tức sẽ thành công cụ hút máu của dân. Không chỉ BOT mà bất cứ cái gì sạch mà rơi vào một cái hồ bẩn thì cũng thành bẩn mà thôi. Do vậy ở đây ta không cần bàn tới BOT tốt hay không nữa, mà chỉ cần tập trung vào là nó có nên tồn tại ở Việt Nam hay không.
Điều này những người có công ty cung cấp dịch vụ, hàng hoá cho các công ty nhà nước thì biết rất rõ. Có những mặt hàng giá một tỉ, khi vào giấy tờ hoàn toàn có thể tăng gấp 3,4 lần. Tất nhiên, số tiền dư ra không phải là được ăn cả, mà còn phải đấm vào miệng thanh tra, kiểm toán, cấp trên, các cơ quan ban ngành liên quan…Ai cũng biết rằng tham nhũng đang hoành hành ở mọi ngành nghề, mọi cấp độ ở đất nước này. Một cậu em có gara ô tô, cậu ấy bảo những công ty nhà nước, một năm, một chiếc xe tiền sửa có thể lên tới mấy trăm triệu. Không hỏng gì họ cũng thích được đưa vào gara sửa, cốt để lấy hoá đơn, bòn rút tiền của nhà nước.
Ăn đớp ở mọi hình thức. Các công ty tư nhân phải hầu hạ những kẻ có quyền chức. Chúng đi ăn nhậu là gọi điện mời, nhưng thực chất là để đối tượng mang tiền ra trả.
Những kiểu làm ăn này, ai cũng biết nhưng không ai dám nói, dám phản kháng lại bởi một điều đơn giản là họ phải phụ thuộc vào cơ chế để sống.
Sự trung thực của người Việt nói chung và của quan chức, của doanh nghiệp nói riêng đến giờ là vô cùng tồi tệ. Chính vì vậy mà BOT bỗng trở thành một công cụ hút máu dân khủng khiếp.
Kết quả là cơ sở hạ tầng yếu kém, bởi tiền thu được thay vì chảy vào ngân sách thì vào túi tư nhân. Điều này rất nguy hiểm bởi khi tiền có quá nhiều, bọn chúng sẽ mua được quan chức, thành phần rất dễ “xúc động” với tiền bởi lý tưởng cao cả nhất của họ là ăn và đớp.
Tiền sinh quyền lực và ngược lại. Kết quả là chỉ có dân là khổ. Dân phản đối là bị quy là thành phần gây rối và bị bắt bớ, đánh đập như chúng ta chứng kiến những ngày qua với nhóm lái xe, phóng viên phản đối BOT bẩn.
Tiền sinh quyền nên mới có việc cậu Nguyễn Viết Tân – Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC), người ra quyết định cấm vĩnh viễn đối với 2 phương tiện biển số 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý khai thác. Quyền lực của cậu Tân đã quá lớn đến nỗi cậu tưởng như mình là bố đời, là con trời, thay trời trị vì con dân Việt.
Tôi đang chờ xem chương trình Táo Quân đón xuân 2020 có đưa chân dung của cậu này vào hay không. Theo tôi thì cậu này xứng đáng được bước vào thế giới văn học nghệ thuật như một biểu tượng của sự lạm quyền lố lăng, bất chấp pháp luật.
Đất nước này đang khốn đốn bởi những bọn lợi ích nhóm. Giao thông là huyết mạch của đất nước, là cơ sở để kinh tế phát triển, ấy vậy mà chúng như những vòi bạch tuộc ngày đêm hút máu dân thì hỏi làm sao đất nước phát triển được?
Vì những lý do nêu trên, tôi đề nghị bỏ BOT ở Việt Nam. Ít ra là giai đoạn hiện nay khi mà cơ chế giám sát còn chưa tốt, luật lệ lỏng lẻo.
Tất nhiên, việc này không dễ bởi nó là quyền lực của bọn Bạch Tuộc, nhưng khi công luận cùng đồng lòng thì không có gì là không thể./.

Họ đã tùng xẻo dân lành như thế nào ?


Đỗ Văn Ngà|

heo thống kê, mỗi km đường ở Việt Nam chi phí cao hơn ở Mỹ và Âu Châu chừng 3 lần cho những con đường cùng loại. Ý nghĩa của con số này là gì? Nghĩa là với chi phí xây dựng cho 1 con đường quốc lộ 1A như Việt Nam, thì Mỹ hoặc các nước Châu Âu sẽ xây dựng được 3 con đường như vậy. Điều này cho thấy, chính Cộng Sản đã cướp của nhân dân 2 con đường quốc lộ 1A khác, và lùa toàn bộ người dân chen chúc nhau đi trên 1 con quốc lộ chật hẹp nên quá tải.
Nhìn cảnh người dân ùn ùn kéo về Sài Gòn những ngày sau tết, thấy mà phẫn uất. Không phẫn uất sao được? Tiền của dân đóng vào để xây dựng, lẽ ra xây được 3 đường quốc lộ, nhưng bị Cộng Sản nuốt hết 2 con đường. 3 dồn vào 1 thì rõ ràng đây là sự nén chặt lượng người lưu thông lại thì làm sao không xảy ra hiện tượng chật như nêm? Với tình hình giao thông như sau tết nguyên đán, chẳng may có thằng ngáo đá lái Container ủi một phát thì sao? Thì chắc chắn người chết la liệt.
Một ngày BOT thu 9 tỷ, nhưng báo về bộ GTVT chỉ có 1 tỷ. Còn lại 8 tỷ bỏ túi. Điều này mang ý nghĩa gì? Ý nghĩa là, BOT xây 1 tuyến đường nhưng thu bằng 8 tuyến như vậy. Đặt giả sử nếu không có tiêu cực thì dân được gì? Nếu không có tiêu cực, thì với số tiền đóng cho BOT như thế, dân phải được đi trên 8 con đường như vậy. Và nếu đường xá tăng lên gấp 8 mà dân không đóng nhiều hơn thì điều gì xảy ra? Thì giao thông sẽ cực kỳ gọn gàng và không thể có chuyện kẹt xe kinh niên.
Các bác tài hãy nhớ, với những tiêu cực kiểu BOT bẩn thì khi các bác đi được 54 km cao tốc Long Thành – Dầu Dây các bác phải đóng cho bọn BOT bẩn ăn hết 48 km. Như vậy xin nhắc, những bác tài nào thờ ơ, thì điều đó cũng có nghĩa là các bác đã góp tiền vỗ béo cho bọn BOT bẩn, đồng thời giúp chúng có nhiều tiền hơn để thuê thật nhiều bọn Công An Vũ Trang và Công An Khẩu Trang hãm hại những bác tài chân chính. Chỉ cần các bác tài đồng lòng đánh cho BOT tơi tả, đánh cho chúng ói ra 8/9 số tiền đã thu thì chúng sẽ hết tiền thuê Công An và côn đồ tấn công lại những người anh em của các bác.
Tùng xẻo chính là một cách hành quyết dã man bật nhất thời phong kiến, sau mỗi tiếng “tùng” của trống vang lên thì đao phủ xẻo một miếng thịt của nạn nhân. Ở nghĩa bóng cũng vậy, nhân dân chúng ta đang bị Chính Quyền CS tùng xẻo vào hầu bao của mỗi gia đình. Mỗi dự án là một tiếng trống, khi thực hiện dự án ấy họ xẻo gần hết thịt của nó. Mà tiền đầu tư dự án từ đâu mà ra? Từ túi tiền dân mà ra hết. Để loại bỏ trò tùng xẻo của chính quyền này, thì điều quan trong nhất là người dân phải đoàn kết và sống trách nhiệm với cộng đồng lớn. /.

Hạ nhục con người



Luân Lê|

Một quy định có tính hạ bệ và làm nhục ngành giáo dục và xé bỏ toàn bộ các quy định của luật pháp đối với các quyền con người.
Như Napoleon đã từng nói, chiều cao của người đàn ông được tính từ đỉnh đầu trở lên đến trời. Xét trong sự mở rộng hàm nghĩa, phẩm chất trí tuệ không nằm ở thể hình của một ai đó, vì nó là yếu tố không được lựa chọn của con người.
Đáng lý, thay vì tập trung vào câu chuyện chiều dài thân thể của người học một cách ngu xuẩn, họ phải bàn tới câu chuyện tiêu chuẩn về học lực kiểu 3 môn 9 điểm mà vẫn đỗ ngành sư phạm và rồi sau đó ra làm một giáo viên suốt thời gian qua mới phải.
Sau quy định sinh viên bán dâm không quá 3 lần, nay người ta tìm cách “soát vé” phân loại sinh viên bằng cách đo đạc chiều dài của thí sinh dự tuyển và coi là một điều kiện thiết yếu để được xét duyệt hồ sơ. Ngành sư phạm từ khi nào lại trở thành ngôi trường thi thố của những người có đủ một chiều dài tối thiểu sau khi sàng lọc?
Sau chủ nghĩa lý lịch, đến thời của chủ nghĩa hình thể?
Như vậy là, quyền được học tập và lựa chọn ngành, nghề theo Hiến pháp và Luật Giáo dục đại học đã bị chà đạp và phân biệt đối xử chỉ vì vấn đề diện mạo bề ngoài, trong khi còn chưa bàn tới cả những người khuyết tật.
Quyền con người (nhân quyền) đã nghiễm nhiên bị dẫm đạp một cách hết sức thô bạo và bị tước mất ngay chính trong ngành sư phạm và trong lĩnh vực giáo dục.
Cũng tự hỏi, tại sao chưa thấy một ai đặt ra quy định rằng, người nào nặng trên 50 cân thì không được làm cán bộ, vì cân nặng là biểu hiện và tỷ lệ thuận với khả năng tham nhũng, và người già quá 70 tuổi thì không cho làm lãnh đạo vì tuổi tác gắn liền với sự cổ hủ và sự chậm chạp, lão hoá?

Đối đầu trạm thu phí BOT, công an bắt tài xế

Tài xế Nguyễn Quang Tuy (phải) ở trụ sở công an huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. (Hình: Tuổi Trẻ)
NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Tin cho hay hôm 13 Tháng Hai, ông Nguyễn Quang Tuy, 49 tuổi, người bị cáo buộc “lách xe qua barie, đâm vào cọc tiêu nhựa để vượt qua trạm BOT Bến Thủy” đã bị bắt tạm giam 2 tháng để điều tra tội “chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 Bộ Luật Hình Sự CSVN năm 2015.
Vụ bắt xảy ra vào khoảng 3 giờ chiều hôm 9 Tháng Hai khi ông Tuy lái xe hơi có biển kiểm soát tỉnh Đắk Lắk chạy theo hướng Hà Tĩnh-Nghệ An qua trạm thu phí cầu Bến Thủy 2.
Báo Tuổi Trẻ mô tả rằng khi qua trạm BOT này, ông Tuy “đề nghị được viết giấy xin nợ tiền hoặc thanh toán qua thẻ ATM” trước khi “lách xe qua barie”.
“Khi cơ quan công an ra quyết định tạm giữ xe và đang làm việc, ông Tuy tự ý bỏ ra xe chốt khóa cửa ‘cố thủ’ bên trong rồi nổ máy, có hành vi được cho là chống người thi hành công vụ,” tờ báo viết.
Báo InfoNet của Bộ Thông Tin Truyền Thông cho biết thêm: “Trong quá trình làm việc, mặc dù đã được lực lượng công an kiên trì tuyên truyền, vận động, Tuy vẫn không chấp hành và không hợp tác; các đối tượng đi cùng đã có hành vi quay phim, phát tán trực tiếp trên mạng xã hội.”
Việc Viện Kiểm Sát Nhân Dân huyện Hưng Nguyên, Nghệ An phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với ông Tuy được cho là hành động bất thường, vì đây là một vụ tranh chấp dân sự diễn ra ở trạm BOT.
Sự việc cũng cho thấy suy đoán rằng công an và viện kiểm sát đứng sau bảo kê trạm BOT ở các địa phương là điều có thật.
Luật Sư Hồ Hữu Hoành bình luận trên trang cá nhân: “Tỉnh Nghệ An đã suy nghĩ kỹ chưa? Hành vi này cực kỳ nguy hiểm, không chỉ nguy hiểm cho người dân, mà nguy hiểm cho những người được tham mưu phương án này.”
Đáng lưu ý, trong vụ căng thẳng ở BOT Bến Thủy, các báo nhà nước chỉ đăng thông tin từ công an mà bỏ qua ý kiến từ ông Tuy, người được mô tả là “đối tượng gây rối” cũng như các ý kiến khác trên mạng xã hội.
Các clip nhận được hàng trăm lượt share trên Facebook về vụ bắt ông Tuy cho thấy hàng chục côn đồ đeo khẩu trang được huy động tấn công các tài xế ngay trước sự chứng kiến của công an huyện Hưng Nguyên.
Mạng xã hội cũng xuất hiện một người đàn ông với nhiều vết thương ở vùng xương chậu, bụng, mặt, tay chân và cáo buộc người này bị côn đồ hành hung “theo yêu cầu” của công an huyện Hưng Nguyên. Người đàn ông này được hiểu là người đến tiếp tế cho ông Tuy và các tài xế khác.
Theo báo Nhà Báo và Công Luận, tuyến đường tránh thành phố Vinh do tập đoàn CIENCO 4 đầu tư theo hình thức BOT dài 25.8 km, từ Bắc thị trấn Quán Hành đến cầu Bến Thủy cũ vào năm 2003, với tổng mức đầu tư 378 tỉ đồng ($16.2 triệu).
Thời gian qua, trạm BOT Bến Thủy được giới hoạt động xã hội dân sự gọi thẳng là BOT “bẩn” và coi là hình mẫu của việc giới chức bắt tay với nhóm lợi ích để “hút máu” giới tài xế và doanh nghiệp.
Hồi Tháng Mười, 2018, sau nhiều đàm tiếu và dị nghị, tin cho hay bà Trương Thị Tâm, vợ của ông Lê Ngọc Hoa, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Nghệ An đã rút khỏi Hội Đồng Quản Trị Tập Đoàn CIENCO 4. Ông Hoa từng làm Tổng giám đốc CIENCO 4 sau một thời gian dài nắm giữ vị trí giám đốc CTCP 482 (thành viên của CIENCO 4). Việc ông được bầu làm phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Nghệ An được báo VietnamNet hồi Tháng Mười, 2018 mô tả là diễn ra “trong một cuộc họp bất thường của Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Nghệ An”.
Thời điểm đó, công luận xôn xao chuyện vợ chồng ông Hoa nắm giữ tổng cộng khoảng 136,000 cổ phiếu CIENCO 4 nên chuyện có “lợi ích nhóm” ở BOT Bến Thủy là điều dễ hiểu. (T.K.)

Tổ trưởng dân phố ngang nhiên phá bỏ nhà dân

Ngôi nhà ông Thành có cả cổng rào trước khi bị phá. (Hình: Báo Kiến Thức)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trở lại Hà Nội sau khi về quê ăn Tết, một ông ở phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, hốt hoảng khi thấy căn nhà của mình đã bị bà tổ trưởng dân phố tự ý phá vỡ, san phẳng làm đường đi.
Báo Kiến Thức ngày 13 Tháng Hai, 2019 dẫn đơn tố cáo của ông Phạm Công Thành (ở quận Long Biên) cho biết, bà tổ trưởng tổ dân phố 36, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, nơi ông Thành cư trú đã ngang nhiên xem thường luật pháp tự ý phá vỡ nhà dân trong lúc gia chủ về quê ăn Tết.
Tin cho biết, trong dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua cả gia đình ông Thành về quê ăn Tết. Đến ngày 9 Tháng Hai, khi quay trở lại Hà Nội thì ông Thành sững sờ vì ngôi nhà cấp 4, nằm trên mảnh đất hợp pháp tại số 295 phố Bắc Cầu (tổ 36, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) đã tồn tại mấy chục năm nay biến mất, thay vào đó là một đống đổ nát, tan hoang, tường rào bị giựt sập, cây cối bị chặt bỏ…
“Tôi tìm hiểu thì biết người đứng ra tổ chức phá dỡ nhà, chặt cây cối là bà Dung, tổ trưởng tổ dân phố 36. Họ tự san bằng nhà tôi để làm con ngõ đi ra bờ sông, nhằm phục vụ cho một số công trình xây dựng khác nằm sâu bên trong,” ông Thành viết trong đơn.
Ông Thành cho biết, nguồn gốc nhà và đất có diện tích 150 mét vuông này ông mua lại của ông Dũng (ở Hà Nội) hồi Tháng Mười Một, 2015. Trước đó, khu nhà đất này được ông Dũng mua của người khác. Nguồn gốc đất được khai hoang từ năm 1990, không có tranh chấp từ thời điểm đó đến nay.
Khu nhà của ông Thành bị san phẳng, biến thành đường đi. (Hình: Báo Kiến Thức)
“Tôi là thương binh, thường xuyên ốm đau do vết thương tái phát thế mà họ đành làm vậy. Việc tháo dỡ toàn bộ tài sản không có bất cứ một thông báo nào. Trong khi đó, những người đến tháo dỡ không phải là đại diện của chính quyền có thẩm quyền để thực hiện việc thu hồi hoặc cưỡng chế nhà cửa của tôi. Đây là việc làm coi thường luật pháp,” ông Thành bất bình nói.
Nhận thấy đây là hành động “hủy hoại tài sản, vi phạm pháp luật,” ông Thành đã làm đơn tố cáo gửi lên Ủy Ban Nhân Dân các cấp, đề nghị cơ quan công an điều tra trả lại sự công bằng. Đồng thời, yêu cầu những người tự ý tháo dỡ nhà đền bù thiệt hại.
Nói với báo Kiến Thức, ông Nguyễn Quốc Văn, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân phường Ngọc Thụy, cho biết việc phá bỏ nhà ông Thành là do “người dân trong khu dân phố tự bảo nhau và không báo cáo lên Ủy Ban Nhân Dân phường.”
“Theo bản đồ đây là khu vực đất do ủy ban phường quản lý. Tuy nhiên, để xác định vị trí cụ thể thì cần phải có thời gian kiểm tra lại chi tiết. Căn nhà trên đã tồn tại từ trước khi tôi về đây công tác, chính vì vậy cần xem lại những chi tiết trong hồ sơ có liên quan,” ông Văn giải thích.
Về hướng giải quyết, ông Văn cho biết “hiện cơ quan công an đã vào cuộc, đúng sai sẽ có kết luận cụ thể và sẽ thông báo sau.” Tuy nhiên, khi được hỏi về những vấn đề sai phạm thường xuyên về quy hoạch và xây dựng trái phép tại phường Ngọc Thuỵ thì ông Văn làm ngơ không trả lời.
Tin cho biết, phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên hiện đang là “điểm nóng” về sai phạm xây dựng, đặc biệt là khu vực phố Bắc Cầu. Gần khu vực nhà ông Thành vừa bị tháo dỡ hiện có nhiều công trình đang được quây tôn kín bên ngoài để xây dựng bên trong. Chúng được cấp phép hay không thì chỉ có cán bộ phường này biết rõ. (Tr.N)

Bị sức ép dư luận, Tổng Cục Đường Bộ buộc VEC rút quyết định cấm xe

Dòng xe nối đuôi nhau đi cao tốc trở về Sài Gòn sau kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019. (Hình: Dân Việt)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trước sự phẫn nộ của người dân ngày càng lan rộng, Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam đã yêu cầu Tổng Công Ty Đầu Tư Phát Triển Đường Cao Tốc Việt Nam (VEC) đính chính lại thông tin “từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với hai xe hơi do chưa có quy định,” thực chất là “ngồi xổm trên luật.”
Ngày 12 Tháng Hai, 2019, nói với báo chí Việt Nam, ông Nguyễn Văn Huyện, tổng cục trưởng Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam, thừa nhận cho biết VEC ra quyết định “từ chối phục vụ vĩnh viễn” với các xe cộ là vượt quá thẩm quyền và trái luật. Chủ đầu tư cao tốc chỉ được quyền ngăn chặn, chế tài với xe quá tải. Còn với xe khách, xe hơi từ 9 chỗ ngồi trở xuống nếu vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước như Công An, Bộ Giao Thông.
“Tổng Cục Đường Bộ đã yêu cầu VEC báo cáo sự việc, nếu đơn vị này ra quyết định từ chối phục vụ sẽ yêu cầu rút lại văn bản trái luật,” ông Huyện nói.
Nói với báo VNExpress về việc từ chối phục vụ vĩnh viễn hai xe hơi 51A-55850 và 51G-77256 ở Sài Gòn do tài xế “gây rối” tại trạm thu phí cao tốc Sài Gòn-Long Thành – Dầu Giây, ông Nguyễn Văn Nhi, phó tổng giám đốc VEC biện minh “đây mới là đề xuất từ đơn vị quản lý tuyến cao tốc. VEC chưa ra quyết định cấm hai xe cộ này.”
Thế nhưng, theo ông Nhi, trong nhiều năm qua VEC đã từng ra quyết định từ chối phục vụ hàng ngàn xe trên cao tốc do: không tuân thủ quy định của chủ đầu tư, vi phạm giao thông, tài xế bắt khách dọc đường, những trường hợp gây rối… Trong đó, nhiều xe cộ bị từ chối vĩnh viễn.
Đường cao tốc Đà Nẵng-Quãng Ngãi do VEC đầu tư mới khai thác đã hư hỏng. (Hình: Zing)
“Chúng tôi xem xét theo mức độ vi phạm để ra quyết định, lỗi nhẹ sẽ áp dụng chế tài từ chối phục vụ 5 ngày; nếu tái phạm áp dụng 15 ngày. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần VEC sẽ từ chối phục vụ vĩnh viễn,” ông Nhi nói.
Ông Nhi cho rằng, đơn vị căn cứ vào Luật Dân Sự để đưa ra các chế tài. “Đây là quan hệ giữa hai bên cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ. Nếu tài xế đi vào cao tốc thì phải chấp nhận các quy định của chủ nhà,” ông Nhi nói và khẳng định “VEC làm như vậy để để hạn chế những vi phạm trên cao tốc, bảo đảm an toàn, thông suốt cho các xe cộ.”
Phân tích ở góc độ pháp lý các chuyên gia Luật cho rằng, Công Ty Cổ Phần Dịch Vụ Kỹ Thuật Đường Cao Tốc Việt Nam (VEC E), đơn vị quản lý tuyến cao tốc Sài Gòn-Long Thành-Dầu Giây, (công ty con của VEC) từ chối phục vụ hai xe cộ trên chỉ dựa vào quy định nội bộ, không phải quy định pháp luật nên không có giá trị áp dụng thực tiễn với chủ xe, hay xe cộ trên cao tốc. Hơn nữa, đường cao tốc là đường công cộng không phải thuộc sở hữu của chủ đầu tư mà chủ đầu tư chỉ có quyền khai thác trên đó.
Với vai trò là đơn vị vận hành cao tốc, khi phát hiện các vi phạm của xe cộ, chủ đầu tư phải báo cảnh sát giao thông xử lý. Trường hợp có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng hoặc hủy hoại tài sản thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo luật định.
Trước đó, tối ngày 10 Tháng Hai, VEC cho rằng hai xe hơi mang bảng số Sài Gòn nêu trên “đến cabin thu phí và dù đã nhận tín hiệu từ nhân viên thu phí, nhưng người cầm lái không trả thẻ thu phí và tiền phí mà cố tình dừng tại làn thu phí”, nên ông Nguyễn Viết Tân, giám đốc VEC E đã thay mặt VEC ký thông báo “từ chối phục vụ vĩnh viễn hai xe hơi BKS 51A-55850 và 51G-77256 vào các tuyến cao tốc do VEC quản lý”, với lý do tài xế những xe này “có hành vi gây rối tại trạm thu phí trên cao tốc Sài Gòn-Long Thành-Dầu Giây” gây bất bình trong dư luận.
Nhà báo Hoàng Linh bày tỏ trên trang Facebook cá nhân: “Đất nước này, con đường ấy là của dân tộc Việt Nam chứ không phải của ba má VEC E để lại mà mấy người ra lệnh cấm phục vụ.”
Trong khi đó, Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ phẫn nộ viết:
“Một sự vi phạm nhân quyền trắng trợn, phi pháp và bất nhân coi người dân ngang với gia súc như thế này. Chỉ có gia súc mới bị cấm đi vào cao tốc. Chứ con người với xe cộ được phép mà bị cấm? Một sự ngang ngược trắng trợn, đặt mình cao hơn dân hơn nước, hơn cả cha ông ngàn năm để đất lại cho con cháu, tự ra một luật riêng để cấm quyền đi lại của người dân…
Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc chính phủ, nhà nước cần vào cuộc để làm rõ cái hành động xâm phạm nhân quyền, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người dân một cách trầm trọng như thế này…
Đã quá đáng lắm rồi những hành vi ăn chặn của BOT. Đã quá sức chịu đựng cho người dân lắm rồi hành vi gây phẫn nộ cho người dân bằng những tham lam vô độ, dối trên gạt dưới của cái gọi là BOT ở những nơi mà có lũ súc sinh VEC đầu tư.
Không và không nên để cái nạn này tồn tại như thế này mãi nữa. Không thể nào.
Ăn của dân không từ thứ gì và không từ một ngõ ngách nào là thế này đây. Ở đâu cũng rào cũng dậu cấm người dân được đi trên đường của họ để bóc lột bằng mọi giá.

Thậm chí, ngay phi trường Vinh, lối vào là một Barie to đùng, thu tiền ngang nhiên của người dân vào sân bay. Hết thời hạn thu tiền xe gắn máy bắt buộc phải bỏ barrie, chúng nó bỏ barrie nhưng lại hàn vào đó cái cổng sắt, thế là xe gắn máy phải đi sang phía làn xe hơi và trả phí như thường. Ông bí thư và chủ tịch Nghệ An, các ông đừng nói là các ông không bao giờ ra phi trường để không thấy cảnh này nhé? Không thể nào chịu nổi nữa!” (Tr.N)

An Giang: Hai công an đánh hàng xóm nhập viện

Cảnh ông Hải bị hai ông Linh và Luân dùng chân tấn công liên tục vào người khi ông này bị đập té xuống nền gạch trong sân nhà.(Hình: Tuổi Trẻ cắt từ clip)
AN GIANG, Việt Nam (NV) – Chỉ vì mâu thuẫn trong lúc nhậu chung, hai anh em ruột là cán bộ công an ở thành phố Châu Đốc đã đuổi đánh người hàng xóm đến chấn thương phải nhập viện.
Ngày 11 Tháng Hai, 2019, nói với báo chí, ông Bùi Bé Tư, giám đốc Công An tỉnh An Giang, cho biết đã yêu cầu đình chỉ công tác đối với Thượng Úy Nguyễn Duy Linh, Đội Cảnh Sát Hình Sự Công An thành phố Châu Đốc và Thiếu Úy Nguyễn Minh Luân, Đội Cảnh Sát Quản Lý Hành Chính Công An thành phố Châu Đốc do “có mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau” với ông Đỗ Văn Hải (41 tuổi, phường Vĩnh Mỹ, Châu Đốc), làm nghề vá vỏ xe.
Theo báo Một Thế Giới, vào khoảng 5 giờ chiều ngày 6 Tháng Hai (Mùng 2 Tết), trong tiệc nhậu, giữa hai anh em ông Linh và Luân(Luân là em ruột của Linh) xảy ra mâu thuẫn với ông Hải nên rượt đánh ông này về tận nhà.
Ông Hải chạy kịp về nhà nhưng vẫn bị hai anh em ông Linh và ông Luân sang tận nhà để kiếm chuyện. Lúc này, một phụ nữ kéo tay ông Hải vào trong rồi khép cổng lại.
Sợ bị đánh, ông Hải vào bên trong lấy đoạn thanh sắt chạy ra nhằm phòng hờ tự vệ khi bị hàng xóm là hai cán bộ công an vốn được huấn luyện chuyên nghiệp về cách tấn công dân thường. Không ngoài dự đoán của ông Hải, nghĩ gia đình toàn là công an nên không chịu lép, cả hai anh em ông Linh và ông Luân cùng xông vào nhà ông Hải quyết đánh ông Hải cho bằng được.
Ông Hải sau khi bị hành hung đã được chuyển lên Bệnh Viện Chợ Rẫy khám chữa. (Hình: Tuổi Trẻ)
Ngay sau đó, Thượng Úy Linh và Thiếu Úy Luân đã xông vào nhà ông Hải đá vào người ông Hải khiến ông này té xuống nền gạch trong sân nhà rồi dùng tay, chân và côn 3 khúc đánh tới tấp vào mặt rồi sau đó dùng chân đạp ông Hải rất lâu mới bỏ đi. Toàn bộ sự việc đã được camera an ninh ghi lại.
Ông Hải được người nhà chuyển đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, nặng nhất là vùng mũi. Do chấn thương khá nặng nên phải chuyển lên Bệnh Viện Chợ Rẫy (Sài Gòn) chữa trị.
Nói với báo Một Thế Giới, ông Hải cho biết khi về nhà, ông sẽ gặp nhà báo để trình bày chuyện mâu thuẫn giữa mình và hai sĩ quan công an nói trên, và chuyện mình bị đánh như thế nào. Thế nhưng, vào sáng 12 Tháng Hai, khi phóng viên liên lạc lại thì ông Hải từ chối gặp và cung cấp thông tin.

“Hai chiến sĩ công an này là anh em ruột của nhau và rất thân thiết với gia đình người bị đánh. Sau khi sự việc vừa xảy ra, chúng tôi đã xử lý bằng cách đình chỉ công tác đối với hai cán bộ này để xác minh làm rõ nguyên nhân. Khi có kết quả xác minh, tôi sẽ cho người nào đánh ông Hải gây thương tích nghỉ việc ngay, người còn lại cũng phải chịu hình thức kỷ luật thích đáng,”ông Bé Tư nói. (Tr.N)