Thursday, October 16, 2014

Việt Nam: Những lá đơn ‘lạ’ gây xôn xao dư luận

TỔNG HỢP (NV) - Dư luận đang xôn xao ở xứ Thanh có nguyên phó chủ tịch tỉnh làm “Ðơn xin nắn đường” để mặt tiền nhà mình thêm rộng; Anh xe ôm làm “Ðơn xin đánh lộn” vì công an làm ngơ khi bị đánh...

Cứ tưởng chuyện nắn cong đường chỉ để “ưu tiên” nhà của các quan chức đang tại vị như vụ nắn đường né nhà ông chủ tịch tỉnh Vĩnh Long hồi năm 2013, ai ngờ ở Thanh Hóa, các cơ quan chức năng lại còn làm việc chu đáo cẩn thận hơn, nắn cả đường theo đơn kiến nghị của ông “nguyên quan” phó chủ tịch tỉnh.



Cho rằng khi mở đường mặt tiền nhà mình chưa đủ rộng, “quan” tỉnh làm đơn xin nắn lại. (Hình: Lao Ðộng)

Ngày 7 tháng 7, 2005, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt mặt bằng quy hoạch đường Dương Ðình Nghệ kéo dài. Theo đó, đường có chiều rộng 32m và “phù hợp quy hoạch chi tiết khu Nam Ngạn-Cầu Hạc, thành phố Thanh Hóa.”

Theo thiết kế thì lô đất nhà ông Nguyễn Văn Thát, nguyên phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa nằm trong quy hoạch đường, có thể mở cổng thẳng ra đường 32m này.

Tuy nhiên sau đó, do điều chỉnh lại thiết kế vì thiếu kinh phí, lô đất nhà ông Thát chỉ còn có lối ra đường Dương Ðình Nghệ kéo dài là 2.5m, không thỏa mãn ý định mở ngỏ rộng ít nhất 6m của ông.

Do vậy, cuối tháng 9, 2013, ông đã có đơn “kiến nghị điều chỉnh quy hoạch chi tiết đường Dương Ðình Nghệ kéo dài...” kiến nghị “Chủ tịch tỉnh cho xem xét điều chỉnh chi tiết đoạn này để tôi có cổng ra đường Dương Ðình Nghệ ít nhất 6m.” (?!)

Ðúng là “miệng người sang có gang có thép” thật. Vậy là toàn bộ các quyết định từ trước phải đảo lộn lại hết để phù hợp với lá đơn kiến nghị của ông nguyên phó chủ tịch tỉnh. Con đường đáng lẽ đã được thi công bị đình trệ, người dân bức xúc nhưng có hề gì, nhu cầu mở rộng đường ra ngõ nhà ông “nguyên quan” này vẫn quan trọng hơn!

Nói đến chuyện làm đơn ngang xương, còn có chuyện anh lái xe ôm Hồ Văn Vệ ở Long An gửi đơn lên công an xin đánh lộn vì vụ việc oan uổng của mình, chờ quá lâu mà chưa được giải quyết. Người thì khen cho anh Vệ vì anh thật là mưu trí, người thì chê anh Vệ vì anh làm chuyện ngược đời.

Anh Hồ Văn Vệ, 31 tuổi, ngày 4 tháng 10, 2014, cầm lá đơn đến trụ sở công an xã Mỹ Quý Tây, huyện Ðức Huệ, Long An, với nội dung xin phép “đánh lộn.” Trong đơn, anh nói anh bị một nhóm người hành hung thương tích nặng đến độ phải vào bệnh viện cấp cứu hồi tháng 3 vừa qua.

Trong đơn, anh Vệ viết: “Ðến nay nửa năm đã qua, nhưng không ai giải quyết dù tôi có gửi đơn lên xã và huyện. Chỗ nào cũng im re hết. Quá bức xúc nên tôi làm đơn này xin phép đánh lại mấy người kia bởi vì đợi hoài pháp luật không giải quyết.” Anh Vệ cũng khẳng định, nếu vụ việc không được cơ quan pháp luật giải quyết, anh sẽ tự giải quyết theo cách riêng của mình, báo Ðất Việt tường thuật ngày 8 tháng 10, 2014. (Tr.N)
10-16- 2014 3:01:27 PM

Đình chỉ Giám đốc bệnh viện văng tục, ngăn cản phóng viên tác nghiệp

Đình chỉ Giám đốc bệnh viện văng tục, ngăn cản phóng viên tác nghiệp
Ông Phạm Văn Phan, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Lương Tài, mặt đỏ, liên tục thách thức các phóng viên tác nghiệp.
(PLO) - Sở Y tế Bắc Ninh đề nghị Sở Nội vụ và chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời hạn 15 ngày với ông Phan để thực hiện việc kiểm điểm, kỷ luật theo quy định.

Miệng nồng nặc mùi rượu, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Lương Tài (Bắc Ninh) văng tục, cản trở các phóng viên tác nghiệp về việc cứu chữa hàng trăm nạn nhân bị ngộ độc.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa chỉ đạo khẩn Sở Y tế Bắc Ninh về việc tạm đình chỉ công tác với ông Phạm Văn Phan, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Lương Tài do hành vi cản trở phóng viên đưa thông tin về việc cứu chữa cho cả trăm bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm tại đây. Người đứng đầu ngành y tế đồng thời yêu cầu phó giám đốc bệnh viện đảm nhận việc điều hành thay ông Phan.


Sáng nay, Sở Y tế Bắc Ninh đã họp khẩn về vụ việc. Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh Nguyễn Hạnh Chung nhấn mạnh, hành vi của ông Phan diễn ra trong lúc bị say rượu, điều này vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp, tác phong của người cán bộ, đảng viên, nhất là ở cương vị người đứng đầu đơn vị.

"Trong khi cần phải tập trung tổ chức điều trị cho các bệnh nhân đang bị ngộ độc, ông Phan lại đi gây gổ và cản trở phóng viên, ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị và ngành y", ông Chung nói

Sở Y tế Bắc Ninh đề nghị Sở Nội vụ và chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời hạn 15 ngày với ông Phan để thực hiện việc kiểm điểm, kỷ luật theo quy định.

Sáng 15/10, cả trăm công nhân Công ty TNHH một thành viên DHA (Bắc Ninh) bị ngộ độc thực phẩm nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng, đi ngoài, buồn nôn.

Trưa cùng ngày, nhiều phóng viên đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Lương Tài để ghi nhận sự việc. Tuy nhiên vị giám đốc bệnh viện, mặt đỏ và nồng nặc mùi rượu đã có những lời lẽ thiếu tôn trọng, thách thức và cản trở phóng viên tác nghiệp.

Về tình hình sức khỏe của các công nhân bị ngộ độc thực phẩm, sáng nay, trao đổi với VnExpress  ông Nguyễn Hạnh Chung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết, phần lớn nạn nhân đã xuất viện trong ngày. 33 trường hợp đang được theo dõi có thể sẽ về nhà trong hôm nay.
2014-10-16T12:17:01


Theo Vnexpress

Chấn động: Đến tòa xử ly hôn, vợ đâm chết chồng ngay tại tòa

Ngay sau khi cả hai vợ chồng làm xong thủ tục tại tòa án để giải quyết ly hôn, ông Vũ Quang Hiểu đã bị vợ rút dao đâm chết tại sân tòa án.

Tin tức trên báo Thanh niên cho biết, ngày 16/10, Công an tỉnh Bình Phước vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ một vụ giết người nghiêm trọng vừa xảy ra trên địa bàn tỉnh.
dam-chet-chong
Theo đó, nạn nhân là ông Vũ Quang H. (54 tuổi, ngụ xã Đăng Hà, H.Bù Đăng) bị vợ là bà Đinh Thị Hiền (45 tuổi) đâm chết.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 11 giờ ngày cùng ngày, ông Hiển và bà Hiền đến TAND H.Bù Đăng để giải quyết về thủ tục ly hôn. Tại đây, hai người lại tiếp tục cãi nhau.
Đến khoảng 11 giờ, ông Hiển và bà Hiền đi về. Khi ra đến bãi giữ xe của tòa án thì ông Hiển xông vào dùng tay túm tóc và đánh vào mặt bà Hiền. Bị đánh nên bà Hiền rút một con dao từ trong túi xách đâm 1 nhát trúng vào vùng ngực trái của ông Hiển khiến nạn nhân thủng tim, chết trên đường đi cấp cứu.
Sau khi gây án, bà Đinh Thị Hiền đã bị công an bắt ngay tại chỗ.
Bước đầu, tại cơ quan điều tra, bà Hiền khai nhận, trong cuộc sống hằng ngày ông Hiển thường hù dọa giết bà nên bà luôn thủ sẵn con dao trong túi để phòng vệ.
Bản tin trên báo Tuổi trẻ cũng cho hay, tối 16/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước đã tiến hành mổ tử thi, khám nghiệm hiện trường để điều tra nguyên nhân cái chết của ông H.
Được biết, bà Hiền và ông H. từng ly dị rồi lại tái hôn năm 2012. Hai người chưa có con chung. Thời gian gần đây hai người thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên lại đến tòa làm thủ tục ly hôn.
3:02 am | October 17, 2014

Rúng động: Cán bộ văn hóa xã làm hàng loạt phụ nữ mang thai

Rúng động: Cán bộ văn hóa xã làm hàng loạt phụ nữ mang thai
Mẹ Ngân trình bày lý do rút đơn
(PLO) - Từ hàng loạt cuộc gọi về đường dây nóng của báo tố cáo vị cán bộ xã “trời con”, Pháp luật Việt Nam đã vào cuộc và phát hiện ra những sự việc động trời. 
Người bị tố cáo là ông Mai Văn Hai (SN 1979, cán bộ văn hóa xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Sai phạm gần đây nhất của ông này là cưỡng bức người thiểu năng trí tuệ đến có thai.
Cán bộ văn hóa “không văn hóa”
Ngày 8/9, Công an xã Đại Thạnh tiếp nhận đơn trình báo của bà Phan Thị Tám (SN 1963, ngụ thôn Hạnh Đông) tố cáo ông Hai đã có hành vi hiếp dâm đứa con gái thiểu năng trí tuệ của bà. Thời điểm làm đơn tố cáo, nạn nhân Trần Thị Kim Ngân (SN 1994) đã mang thai hơn 4 tháng. Công an xã đã mời ông Hai và nạn nhân lên làm việc. Xác định nội dung trình báo đúng sự thật, nhưng vượt quá thẩm quyền xử lý, xã đã chuyển hồ sơ ban đầu cho Công an huyện thụ lý.
Lấy lời khai, nạn nhân cho biết “do yêu anh Hai nên cho quan hệ nhiều lần”. Ông Hai cũng thừa nhận sau lần gặp, hướng dẫn cho Ngân làm chứng minh nhân dân tại xã, đã “có tình cảm” rồi hẹn hò với cô bé. Ít nhất 3 lần Hai đưa nạn nhân vào khu vực vắng vẻ để giao cấu. Được triệu tập lên công an huyện, Hai cam kết sẽ “đền bù thương tổn” 30 triệu đồng, sẽ trợ cấp 700 nghìn đồng/tháng từ khi đứa bé sinh ra cho đến khi đủ 18 tuổi.  
Tại buổi làm việc, thấy Hai cam kết có trách nhiệm, mẹ nạn nhân đồng ý rút đơn. Công an huyện Đại Lộc cũng cho rằng Ngân đã đủ 18 tuổi, tự nguyện quan hệ tình dục, gia đình không theo tiếp vụ kiện… nên không đủ yếu tố để khởi tố vụ án hình sự. Do đó ngày 1/10 công an huyện đã dừng điều tra, chuyển lại hồ sơ cho Công an xã Đại Thạnh để có hướng xử lý hành chính Hai về hành vi quan hệ bất chính
Phản đối quyết định này, người dân trong xã liên tiếp có những phản ứng như đồng loạt bỏ các buổi họp thôn văn hóa có ông Hai tham dự, không nghe đài truyền thanh xã, yêu cầu xử lý mạnh tay… Chị Lê Thị Dung (SN 1970, một người địa phương) bày tỏ, vụ việc ông Hai gây ra với nạn nhân Ngân lần này như “giọt nước tràn ly”. “Nhiều năm qua, ông Hai đã quan hệ bất chính với rất nhiều phụ nữ, cả xã, thậm chí cả huyện đều biết”, chị Dung nói. 
Đặc biệt, những mối tình của vị cán bộ “văn hóa” này đều để lại hệ quả có con. Trừ bé gái thiểu năng trí tuệ mới đây, ít nhất có hai người tình khác với ba đứa trẻ được sinh ra nhưng đều bị ông Hai chối bỏ trách nhiệm. Một người trong số đó lúc “quan hệ” với Hai chỉ mới 17 tuổi, một người khác lớn hơn ông Hai cả chục tuổi. Tất cả đều lên xã phản ánh nhưng đều không thấy được xử lý. 
Các nạn nhân tố cáo gì?
Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, bà Phan Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh xác nhận những tố giác trên hoàn toàn đúng sự thật. Vị Phó Chủ tịch xã thậm chí còn hướng dẫn, cho địa chỉ để phóng viên đến nhà từng người xác thực. Nạn nhân đầu tiên của ông Mai là chị Bùi Thị Mận (SN 1988, ngụ thôn Tây Lễ). Nạn nhân thứ hai ngụ cùng thôn với ông Mai, là chị Nguyễn Thị Lan (SN 1970). 
Sơ yếu lí lịch của vị cán bộ văn hóa “không văn hóa” 
Ông Bùi Dũng (SN 1951, cha của chị Mận) cho biết, năm 2004, kinh tế gia đình khó khăn, con gái ông xin nghỉ ngang lớp 9, ở nhà giúp cha làm đồng. Khoảng thời gian này, Mận tham gia sinh hoạt Đoàn ở địa phương. Ông Hai khi đó làm Bí thư Chi đoàn xã. Do thường xuyên tiếp xúc qua lại, nảy sinh tình cảm, cuối năm 2005 Mận có thai. Tuy nhiên khi nghe được thông tin này, ông Hai “quất ngựa truy phong”. Mẹ cô gái muối mặt sang nhà Hai nói chuyện nhưng bị từ chối. Tức giận, người cha lên xã tố cáo. “Khi đó Bí thư xã cho tôi biết, lãnh đạo xã sẽ cho gọi Hai lên để tìm hiểu. Một thời gian sau ông Bí thư trả lời, do Hai không hợp tác nên vụ việc không có hướng giải quyết. Từ đó, không thấy xã nói năng, xử lý gì thêm”, cha Mận kể lại. 
Cũng theo cha Mận, biết ý Hai muốn thoái thác trách nhiệm nhận con, nhưng kiện cáo tiếp thì gia đình lại không có tiền để theo, nên đành chấp nhận cho con gái “chửa hoang”. Mận sinh đôi hai bé trai vào tháng 8/2006. Vì không đủ điều kiện chăm sóc, một cháu sau đó đã ốm đau tử vong. Sinh được một thời gian ngắn, Mận gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc, rời quê đi tiếp thị bia. 
Với chị Lan, thiếu phụ này đã li dị chồng. Biết chị Loan sống một mình cùng con nhỏ, ông Hai thường tìm tới tán tỉnh, rồi cũng có thai. Cha chị Lan cũng làm đơn gửi xã. Cũng giống trường hợp trên, vụ việc đến nay vẫn không được xử lý. 
Cậy có “ô dù” nên mới làm càn?
Từng nhiều lần thụ lý đơn thư tố cáo và tham gia làm kiểm điểm, giáo dục ông Hai từ bỏ mối quan hệ bất chính, nên chỉ cần nghe đến tên, ông Bùi Ngọc Hải, Trưởng công an xã Đại Thạnh đã lắc đầu ngao ngán: “Con ngựa bất kham”. 
Trưởng Công an xã cho biết, ông Hai đã có vợ và hai con. Sau khi học hệ trung cấp, năm 2002 đến năm 2004, ông Hai được tuyển dụng vào làm cán bộ chi trả kiêm Văn hóa thông tin xã. Thời gian này, ông Hai theo học Đại học tại chức chuyên ngành kinh tế. Từ năm 2004 đến năm 2010, ông Hai làm ở huyện Đoàn. Được đánh giá là “hoạt động năng nổ” nên từ năm 2010, ông Hai được tổ chức đưa lên phụ trách mảng văn hoá, kiêm đài truyền thanh xã, thuộc biên chế công chức xã. Tuy nhiên, trong thời gian công tác, ông Hai liên tục gây ra điều tiếng xấu. Ngoài chuyện tình ái lăng nhăng, quan hệ bất chính, năm 2013, Hai còn bị phát hiện trộm cắp máy vi tính của một cán bộ địa chính, phải nhận hình thức kỷ luật khai trừ Đảng, hạ bậc lương.
Phó Chủ tịch UBND xã Phan Thị Loan cho biết, trong phiên họp tới, xã sẽ bàn bạc để không giao cho ông Hai phụ trách mảng văn hoá xã nữa. “Làm công việc tuyên truyền, vận động văn hoá nhưng thời gian qua, lời nói của ông Hai không còn trọng lượng, thậm chí có người còn mắng vào mặt ông Hai, làm ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín xã. Tuy nhiên, về quy trình xử lý kỷ luật cán bộ công chức, lại thuộc thẩm quyền huyện Đại Lộc”, bà Loan cho hay. 
Theo tố cáo của người dân, cha của ông Hai trước đây làm cán bộ công an, bác là cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc. Người tố cáo này đặt câu hỏi: “Phải chăng cậy vào “ô dù” này, ông Hai đã tác oai tác quái, và sắp tới cũng chỉ nhận hình thức kỷ luật theo kiểu “giơ cao đánh khẽ””.
Mẹ nạn nhân Ngân cho hay, bà không có chồng, về sau “xin con” sinh ra Ngân. Ngân bị thiểu năng trí tuệ, lớn lên không được lanh lẹ như người khác. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, bà gắng gượng cho con học đến hết lớp 5. “Nhìn con gái dở dở ương ương, từ lâu tôi đã tắt hi vọng nó có thể lấy được tấm chồng để sau này làm chỗ dựa. Lúc phát hiện con có thai, tôi tự nhủ “thôi thì trời xui khiến có đứa cháu cũng tốt” nên quyết định không làm lớn chuyện. Tuy nhiên tôi cũng cần cha đứa trẻ phải chịu trách nhiệm khi con tôi sinh nở. Gặng hỏi con, biết ông Hai gây ra, tôi tìm gặp yêu cầu ổng có hướng xử lý nhưng ổng lại phớt lờ nên tôi mới phải làm đơn tố cáo”, mẹ nạn nhân Ngân nói.
Công an đã bỏ lọt tội?
Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, trong vụ việc này, công an huyện có thể đã bỏ lọt tội. “Trong thực tiễn xét xử tại nước ta, quan hệ tình dục giữa một người nam đủ năng lực hành vi hình sự với người tâm thần nữ luôn được coi là hiếp dâm vì người tâm thần mặc định bị coi là không đồng ý với hành vi đó. Tuy nhiên, để điều tra sự việc này tương đối mất công, cơ quan điều tra cần trưng cầu giám định tinh thần Ngân để kết luận Ngân có ở tình trạng bị tâm thần”./.
2014-10-16T13:36:00

Vũ Vân Anh

Trung Quốc chặn website BBC và các trang tin của Mỹ

Tinhhoa.net-16.10.2014

Kiểm duyệt của Trung Quốc đã tiến hành chặn website BBC  vào cuối ngày Thứ Tư (15/10), cùng lúc  cảnh sát Hồng Kông tăng cường đàn áp bằng vũ lực người biểu tình Hồng Kông, hãng truyền thông quốc gia Anh thông tin.

kiểm duyệt Internet, bbc,
Trang web tiếng Anh của BBC vẫn bị chặn tại Trung Quốc vào sáng thứ Năm (16/10).
Đài truyền hình BBC cho rằng đây là hành động “cố tình kiểm duyệt”. Họ không nêu lý do dẫn đến quyết định này của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn chặn các website của New York Times, Bloomberg, và trang web tiếng Hoa của đài BBC. “BBC lên án mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế quyền truy cập tin tức và thông tin miễn phí của đài. BBC cũng đang kháng nghị lên chính quyền Trung Quốc. Việc kiểm duyệt này dường như có chủ ý”, ông Peter Horrocks, giám đốc Nhóm Dịch vụ Toàn cầu BBC tuyên bố.
Trang web tiếng Anh của BBC vẫn bị chặn tại Trung Quốc vào sáng thứ Năm (16/10). Cùng ngày, cảnh sát Hồng Kông đã dùng bình xịt hơi cay đối phó những người biểu tình ủng hộ dân chủ khi họ đang phong tỏa con đường lớn gần trụ sở kiên cố của chính phủ. Sự việc diễn ra trong bối cảnh người dân Hương Cảng đang tức giận trước việc cảnh sát đánh đập người biểu tình hôm trước đó.
Hồng Kông là đặc khu hành chính của Trung Quốc. Một quan chức Trung Quốc nói với truyền thông nước ngoài ở Hồng Kông hôm Thứ Tư (15/10), Trung Quốc thấy các thế lực bên ngoài đang can thiệp vào cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông và kêu gọi báo giới quốc tế cần đưa tin “khách quan”.
Trước đó trong tháng, tòa án Trung Quốc đã ra điều luật mới nhằm trấn áp không cho “cư dân mạng” tự do đàm thoại và hoạt động trực tuyến, cho thấy khát vọng của Bắc Kinh trong việc kiềm tỏa quan điểm của cộng đồng cả trên mạng lẫn đời thực. Đây không phải là lần đầu tiên BBC bị chặn ở Trung Quốc. Vào năm 2010, website này cũng không thể truy cập được tại Trung Quốc trong vài ngày, trùng với thời điểm diễn ra lễ trao giải Nobel Hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến ở ​​Trung Quốc.
Theo nhóm chống kiểm duyệt có trụ sở ở Trung Quốc là Greatfire.org, một phần nội dung đăng trên website phiên bản Anh ngữ của BBC đã bị chặn trong 3 tháng qua, và hoàn toàn không truy cập được vào Thứ Tư (15/10). “BBC cung cấp một cách khách quan và chuẩn xác tin tức đến hàng triệu độc giả khắp thế giới, và việc cố gắng kiểm duyệt các dịch vụ thông tin của chúng tôi càng cho thấy tầm quan trọng của những tin tức chuẩn xác này”, ông Horrocks nhận định.
Thiên Hà, Công Lý – Theo Reuters

VIDEO:Cảnh sát Hồng Kông gây phẫn nộ khi bạo lực với phong trào ôn hòa

Tinhhoa.net-16.10.2014

Cảnh sát chống bạo động đã gây ra làn sóng phẫn nộ hôm Thứ Tư (15/10) khi đấm đá người biểu tình ôn hòa đã bị trói tay và kéo lê hàng chục người khác trong cuộc xung đột bạo lực nhất kể từ khi cuộc cách mạng dân chủ Hồng Kông khởi phát hơn hai tuần trước.


Người biểu tình bị hàng trăm cảnh sát đánh ngã xuống đường với dùi cui, hơi cay và tấm khiên. Cảnh sát cũng đã dẹp bỏ rào chắn xung quanh đường hầm bên ngoài trụ sở của chính quyền.
Xung đột diễn biến ngày càng tồi tệ và nan giải giữa chính quyền và những người biểu tình chiếm đóng các tuyến đường chính trong thành phố để ủng hộ cải cách dân chủ. “Cảnh sát Hồng Kông hôm nay như phát điên, họ lấy tư cách cá nhân để trừng phạt người khác. Giá trị và nền pháp trị của Hồng Kông đã bị hủy hoại trong tay chỉ huy lực lượng cảnh sát”, nhà lập pháp ủng hộ dân chủ là Lee Cheuk-yan bức xúc.
Công chúng phẫn nộ trước những thủ đoạn tấn công vũ lực sau khi truyền hình địa phương phát sóng hình ảnh các nhân viên cảnh sát dồn một người biểu tình vào góc tối rồi đấm đá liên tục vào người này.
Nguyên nhân vụ tấn công chưa được làm rõ. Đài truyền hình trước đó cũng công bố hình ảnh người này té nước vào cảnh sát. Người tham gia biểu tình Ken Tsang cho biết, ông bị đấm đá trong khi “đang bị trói và không có khả năng tự vệ”, sau đó ông còn bị tra tấn tại đồn cảnh sát.
đàn áp, Hồng Kông, cảnh sát, biểu tình,
Anh Ken Tsang, thành viên của đảng đối lập ở Hồng Kông, bị cảnh sát còng tay dẫn đi. Clip quay được cảnh đánh đập không thương tiếc anh được đăng tải lên trên mạng khiến cộng đồng và các nhà lập pháp vô cùng bức xúc.
Tsang là thành viên thuộc đảng chính trị ủng hộ dân chủ, ông vén chiếc áo đang mặc trên người cho phóng viên thấy những vết thương trên thân thể. Ông cũng nói đang cân nhắc để kiện các cảnh sát này ra tòa.
Phát ngôn viên cảnh sát Steve Hui thông tin, 7 nhân viên cảnh sát liên quan đến vụ việc hiện đã tạm thời bị thuyên chuyển công tác và chính quyền đang tiến hành điều tra một cách khách quan.
Cảnh sát đã bắt giữ 45 người biểu tình trong các vụ xung đột, và cho biết có 5 nhân viên bị thương. Tuy nhiên, chính quyền trung ương Trung Quốc đã lên án gay gắt cuộc biểu tình, cho đó là phi pháp, tác động xấu đến kinh tế và đi ngược lại lợi ích của Hồng Kông.
Bắc Kinh đang dần mất kiên nhẫn với phong trào dân chủ, thách thức lớn nhất kể từ khi Hương Cảng được Anh trao trả về đại lục năm 1997. Trong bài xã luận đăng trên trang nhất tờ Nhân dân Nhật báo hôm Thứ Tư (15/10), cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc chỉ trích người biểu tình và nhận định “những người này chắc chắn thất bại. Thực tế và lịch sử cho chúng ta biết loại hành động phi pháp và cực đoan theo cách này chỉ dẫn đến nhiều hoạt động phi pháp nghiêm trọng hơn, khiến tình hình càng thêm rối ren và bất ổn. Ổn định mới tạo dựng hạnh phúc, bất ổn chỉ gây phá hoại”.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh đang lên kế hoạch trực tiếp nhúng tay vào cuộc biểu tình gần như ôn hòa vốn là thách thức chưa từng có cho chính quyền.
Biểu tình diễn ra để phản đối kế hoạch của Ủy ban thân Bắc Kinh có ý định sàng lọc ứng cử viên cho cuộc bầu cử đầu tiên chọn ra Trưởng đặc khu thành phố vào năm 2017. Các nhà hoạt động cũng yêu cầu Lương Chấn Anh, lãnh đạo đương nhiệm rất mất lòng dân phải từ chức. Ông Lương, người miêu tả cuộc biểu tình là “bất kham”, nói với báo giới rằng, quan chức Hồng Kông sẵn sàng đối thoại với người biểu tình, nhưng khẳng định Bắc Kinh sẽ không thay đổi lập trường về bầu cử.
Ông Lương đã hủy phiên họp chất vấn lãnh đạo ở Hội đồng Lập pháp hôm Thứ Năm (16/10), lấy lý do để đảm bảo an ninh. Phát ngôn viên của Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon cho biết, ông không có nhận định mới nào về cuộc biểu tình này, ngoài hy vọng rằng tình hình sớm được giải quyết bằng đối thoại.
đàn áp, Hồng Kông, cảnh sát, biểu tình,
Các cảnh sát Hồng Kông đấm đá người biểu tình ủng hộ dân chủ.
Hoạt động trấn áp qua vũ lực của cảnh sát sáng sớm Thứ Tư (15/10) diễn ra vài giờ sau khi nhiều người biểu tình phong tỏa tuyến đường hầm để mở rộng khu vực biểu tình nhằm đáp trả việc cảnh sát chặn các khu chiếm đóng và giải tán người tham gia biểu tình khỏi đại lộ chính.
Cảnh sát cho biết, người biểu tình tụ tập bất hợp pháp và gây mất trật tự công cộng, do đó cần phải giải tán, thông tin thêm, nhóm biểu tình đã sử dụng ô để tấn công người thi hành công vụ. Những chiếc ô trở thành biểu tượng của phong trào dân chủ sau khi người biểu tình dùng nó để tránh hơi cay từ cảnh sát vào tháng trước.
“Vài người chúng tôi đang ngủ trong công viên thì hơn 100 người chạy đến với đuốc cháy đùng đùng trên tay như thể họ cố làm cho chúng tôi mù. Chúng tôi không hề chuẩn bị cho tình huống tấn công dữ dằn kiểu này”, người biểu tình Simon Lam cho biết. Julie Lee nói, cô bị buộc tội chống người thi hành công vụ ngay cả khi“hai tay chỉ lên trời và mắt nhắm tịt”. Cô cho biết mình bị cảnh sát bắt lúc 3 giờ sáng khi đang ngồi bên ngoài tòa nhà văn phòng Trưởng đặc khu. Sau đó, cô thấy một nhóm khoảng 20 cảnh sát tiến lại chỗ cô, la lối như thể họ đang quẫn trí và hướng đến người biểu tình rồi quát “biến đi”.
“Chúng tôi là những người biểu tình ôn hòa và tôi muốn chứng tỏ rằng tôi không cư xử bạo lực nên đã giơ hai tay lên và nhắm mắt lại. Cảnh sát lôi tôi đi và đưa đến trung tâm giam giữ Wong Chuk Hang. Sau đó, tôi được kể là có 4 cảnh sát áp giải tôi đi, nhưng tôi không nhớ vì lúc đó quá hỗn loạn”, Julie kể lại.
Sau nỗ lực giải tán người biểu tình bằng hơi cay cách đây hai tuần, cảnh sát đã nhận được chỉ thị từng bước xóa bỏ 3 tụ điểm biểu tình bằng cách dẹp bỏ rào chắn quanh khu vực bị chiếm đóng lúc sáng sớm, thời điểm người biểu tình thưa thớt nhất.
Tuy nhiên cuộc tấn công hôm Thứ Tư (15/10) đậm chất bạo lực nhất cho tới nay, khi cảnh sát ồ ạt tấn công và kéo lê người biểu tình. Một nhân viên cảnh sát gỡ khẩu trang của người biểu tình sau đó phun hơi cay vào mặt người này, hình ảnh từ băng ghi hình đăng trên trang Nam Hoa nhật báo ghi rõ. Căng thẳng đôi bên càng gay gắt hơn kể từ thời điểm chính quyền hủy bỏ đối thoại với lý do không thấy triển vọng cho một kết quả có tính hợp tác.
đàn áp, Hồng Kông, cảnh sát, biểu tình,
Cảnh sát Hồng Kông cùng các dụng cụ đàn áp người biểu tình tiến vào bên trong đường hầm, nơi những người biểu tình dựng rào chắn, gần trụ sở chính quyền đặc khu.
Bắc Kinh nôn nóng muốn chấm dứt biểu tình để tránh kích động các nhà hoạt động cũng như những người khác ở đại lục, đối tượng được xem là mối đe dọa cho sự độc tài quyền lực của Đảng. Trương Hiểu Minh, Giám đốc Văn phòng Liên lạc của chính quyền trung ương tại Hồng Kông phát biểu trước các nhà lập pháp địa phương, phong trào biểu tình là “sự kiện chính trị, xã hội nghiêm trọng”. Ông Trương nhận định, phong trào này đang thách thức Bắc Kinh, khiến kinh tế thành phố chịu tổn thất lớn.
Cuộc vận động làm “tổn thương nền tảng pháp trị, sự phát triển dân chủ, hòa hợp xã hội, hình ảnh quốc tế và mối quan hệ của Hồng Kông với đại lục”, Trương tuyên bố, đồng thời kêu gọi chấm dứt biểu tình càng sớm càng tốt. Tuy nhiên Lam, một sinh viên biểu tình nhận định anh sẵn sàng giáp mặt với tình huống còn căng thẳng hơn khi niềm tin vào cảnh sát đã sụp đổ.
“Giờ chúng tôi cảm nhận rằng mình không tới đây để lãng phí thời gian hay chỉ ngồi yên một cách hòa bình. Chúng tôi nhận thấy cần cảnh giác hơn. Chúng tôi cần phải đoàn kết hơn để phòng thủ”, Lam cho biết.
Thiên Hà, Hàn Mai – Theo AP

Trung Quốc cấm sách của tác giả ủng hộ Hồng Kông

Tinhhoa.net-15.10.2014

Chính quyền Trung Quốc cấm kinh doanh sách của học giả người Mỹ gốc Hoa là Dư Anh Thời để thể hiện Bắc Kinh không hài lòng với các tác giả ủng hộ phong trào dân chủ tại Hồng Kông và nơi khác, các cửa hàng sách và nhà xuất bản thông tin.

ủng hộ dân chủ, sách cấm,
Khách tham quan dạo qua gian hàng sách chính trị Trung Quốc tại Hội chợ sách Hồng Kông ngày 18/7/2012.
Lệnh cấm được thông báo rộng khắp trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc hôm Thứ Bảy (11/10). Ngoài Dư Anh Thời, một số tác giả khác cũng chịu chung số phận như chuyên gia kinh tế tự do Mao Vu Thức, giáo sư luật hiến pháp Trương Thiên Phàm, tác giả từ Đài Loan Kha Cảnh Đằng và nhà phê bình người Hồng Kông Lương Văn Đạo.
Chỉ thị trên có thể do cơ quan chủ quản nhà nước là Tổng cục quản lý Báo chí, Xuất bản, Truyền thanh, Điện ảnh và Truyền hình Quốc gia ban hành. Tuy nhiên các chỉ thị tương tự thường chỉ được ban hành miệng, không thể trực tiếp xác minh. Cơ quan này cũng không giải thích về động thái trên.
“Có vẻ như ông Dư chính là mục tiêu đầu tiên khi hai nhà xuất bản lớn bảo chúng tôi đưa sách của ông ra khỏi kệ”, chủ một hiệu sách dấu tên tại thành phố Ninh Ba đông Trung Hoa cho biết hôm Thứ Ba (14/10).
Tại Bắc Kinh, hai trong ba hiệu sách lớn cho biết từ lâu họ đã không bán sách của tác giả Dư. “Dư Anh Thời là một học giả có tính nhạy cảm. Chúng tôi đã cố hết sức và trải qua áp lực rất lớn khi xuất bản ấn phẩm của ông trong năm nay. Tôi thấy tiếc vì lệnh cấm này”, một nhà xuất bản giấu tên chia sẻ với Nam Hoa Nhật Báo, tờ báo tiếng Anh có trụ sở tại Hồng Kông.
Trong lúc lệnh cấm chưa được xác minh, thì tạp chí Thời bào Hoàn Cầu đăng bài xã luận ra sức giải thích lý do các tác giả này trở thành mục tiêu nhắm đến: “Một số tác giả nói trên không phải là công dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhưng lại quan tâm đến các vấn đề liên quan đến chính trị Trung Quốc, công khai ủng hộ phong trào Chiếm Trung Tâm của Hồng Kông hoặc độc lập cho Đài Loan. Một số học giả là người đại lục nhưng lại phản đối quan điểm và các giá trị chính trị chính thống. Thay vào đó, họ cổ vũ cho văn hóa ‘bất đồng chính kiến’. Do đó, nếu chính quyền giới hạn tầm ảnh hưởng của các tác giả này, thì cũng không có gì lạ trong xã hội Trung Quốc”, trích bài xã luận đăng trên Thời báo Toàn cầu.
Là giáo sư danh dự tại đại học Princeton, ông Dư công khai lên tiếng ủng hộ phong trào dân chủ tại Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hồng Kông, nơi người biểu tình Chiếm Trung Tâm yêu cầu sự minh bạch trong quy trình bầu chọn lãnh đạo thành phố bán tự trị. “Nếu bạn nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh (của chính quyền Trung Quốc), thì chẳng phải rốt cuộc  bạn đã tự biến mình hoàn toàn thành nô lệ?”, giáo sư Dư chia sẻ trong một buổi phỏng vấn hồi tháng 9 với tạp chí tài chính Đài Loan CommonWealth. Trong khi đó, đọc giả đại lục cũng bày tỏ quan điểm của minh.
“Tôi chưa bao giờ đọc sách của Dư Anh Thời, nhưng giờ lại được nghe sách của ông bị cấm, điều này khiến tôi tò mò. Tôi lúc nào cũng cho rằng, tại đất nước này, sách bị cấm là sách hay và đáng đọc. Cấm các bài viết là cách tốt nhất để quảng bá tác giả. Khi bạn không hiểu rõ chuyện gì thì lệnh cấm lại cho bạn lời giải đáp thực sự”, nhận định của một thành viên diễn đàn “Law and Order” chạy trên nền Weibo. Phát biểu trên đã bị xóa trên mạng Internet của Trung Quốc nhưng sau đó lại được khôi phục thông qua trang mạng Freeweibo.com.

Thiên Hà, Hàn Mai – theo Reuters, Epoch Times

VIDEO: Tình hình ở Hồng Kông đâu như bạn tưởng

Xe tăng tiến vào Hồng Kông trong lúc tình hình bất ổn đang lan rộng, khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc dập tắt mọi niềm hy vọng về nền dân chủ của Hồng Kông. Nhưng quyết định bội ước của Quốc hội Trung Quốc về phổ thông đầu phiếu còn có nhiều điều khuất tất đằng sau. Thực sự điều gì đang diễn ra ở Hồng Kông? Hồng Kông có nguy cơ trở thành một Thiên An Môn thứ hai hay không? Cùng xem trong phần này của Trung Quốc Không Kiểm Duyệt!

Mỹ kêu gọi Hồng Kông điều tra cảnh sát đánh người biểu tình

(NLĐO) – Mỹ hôm 16-10 kêu gọi Hồng Kông nhanh chóng điều tra triệt để và minh bạch về việc cảnh sát Hồng Kông mặc thường phục đánh đập người biểu tình bị còng tay giữa lúc lại xảy ra cuộc đụng độ vào sáng cùng ngày.
Mỹ cho biết nước này bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự tàn bạo của cảnh sát. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói rằng: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Hồng Kông thực hiện một cuộc điều tra nhanh chóng, minh bạch và đầy đủ về vụ việc này”.
Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi hình ảnh cảnh sát Hồng Kông đánh đập một người biểu tình được lan truyền trên mạng Internet, khiến một số nhà lập pháp và công chúng phẫn nộ. Trong buổi sáng cùng ngày, cảnh sát sát Hồng Kông buộc phải đã dùng bình xịt hơi cay để giải tán đám đông chặn một con đường lớn gần văn phòng của Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh sau khi những người này tỏ ra tức giận về vụ việc một người biểu tình bị cảnh sát đánh đập.
Cảnh sát xịt hơi cay vào người biểu tình rạng sáng 16-10. Ảnh: Reuters
Cảnh sát xịt hơi cay vào người biểu tình rạng sáng 16-10. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, tại trụ sở cảnh sát ở quận Wan Chai, hàng trăm người đã tụ tập sẵn bên ngoài từ sáng sớm để bày tỏ sự phẫn nộ về hành vi đánh đập người biểu tình cùng với hàng chục người xếp hàng để khiếu nại chính thức về vụ việc nói trên. Trước đó, giới chức Hồng Kông cho biết cảnh sát tham gia vào vụ đánh đập nạn nhân Ken Tsang Kin-chiu đều bị đình chỉ công tác.
Trong một diễn biến khác liên quan, Thủ tướng Anh David Cameron hôm 15-10 cho biết người Anh nên đứng lên ủng hộ quyền của người dân Hồng Kông, một thuộc địa cũ của Anh, sau hơn 2 tuần diễn ra biểu tình đòi dân chủ ở đặc khu này.
Phát biểu tại Quốc hội Anh về tình hình bất ổn ở Hồng Kông, ông Cameron đã nói điều quan trọng là người dân Hồng Kông phải được hưởng tự do và các quyền theo quy định trong một thỏa thuận giữa Anh và Trung Quốc trước khi London trao trả đặc khu này lại cho Bắc Kinh vào năm 1997.
Ông Cameron nhấn mạnh: “Điều quan trọng là dân chủ liên quan đến những lựa chọn thực sự. Điều này nói về các quyền và tự do bao gồm quyền tự do cá nhân, phát ngôn, báo chí, hiệp hội, tổ chức, du lịch, phong trào và các cuộc biểu tình”. Lời tuyên bố trên được đưa ra sau khi những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông đã đụng độ với cảnh sát đêm qua.

Thứ Năm, 10:01  16/10/2014
Xuân Mai (Theo Reuters)

FBI cảnh báo về tin tặc do nhà nước Trung Quốc hỗ trợ

VOA-16.10.2014
Hoa Kỳ vừa đưa ra một khuyến cáo mới về các nỗ lực tấn công mạng của nhà nước Trung Quốc đối với các công ty Mỹ.
FBI hôm qua cảnh báo các doanh nghiệp Mỹ về một nhóm tin tặc được nhà nước Trung Quốc hỗ trợ mà FBI tin là thường xuyên đánh cắp các thông tin giá trị thông qua hành động gián điệp mạng.
Trong báo cáo dày 9 trang phát hành riêng cho các công ty, FBI lưu ý rằng các công ty an ninh khác gần đây cũng nhận dạng được những âm mưu tấn công tin tặc khác bởi nhóm đang bị nghi vấn này.
Hôm thứ ba, một liên minh các công ty an ninh loan báo nỗ lực phối hợp giúp phát giác và ngăn ngừa âm mưu tấn công của nhóm tin tặc Trung Quốc mệnh danh là ‘Linh miêu ẩn.’
Ngừơi ta tin rằng nhóm này đứng sau âm mưu tấn công tin tặc khổng lồ hồi năm 2009 gọi là ‘Chiến dịch Aurora’ nhắm mục tiêu vào các công ty lớn của Mỹ trong đó có công ty Google.
Washington lâu nay tố cáo rằng nạn Trung Quốc ăn cắp thông tin trên mạng đã đe dọa các bí mật quốc phòng của Mỹ, gây phương hại cho tính cạnh tranh của các công ty Hoa Kỳ trên thị trường thế giới, và làm mất công ăn việc làm của người lao động Mỹ.
Mãi cho tới mấy tháng gần đây, giới chức Hoa Kỳ vẫn ngần ngại trực tiếp tố cáo quân đội Trung Quốc có dính líu tới các vụ tấn công tin tặc này.
Hồi tháng 5, Hoa Kỳ đã  truy tố 5 thành viên trong quân đội Trung Quốc về tội danh tấn công tin tặc và ăn cắp bí mật thương mại từ máy tính của một số công ty lớn về hạt nhân, kim loại, và năng lượng mặt trời của Mỹ.
Trung Quốc phẫn nộ lên tiếng bác bỏ các cáo giác này, nói rằng họ mới chính là nạn nhân của nạn gián điệp Mỹ.

Đề nghị Phó giám đốc sở giải trình việc có mặt tại vụ ẩu đả

Liên quan vụ hỗn chiến của người nước ngoài tại khách sạn Pearl River, UBND Hải Phòng đề nghị Sở VHTT&DL báo cáo về việc Phó giám đốc Trần Thị Hoàng Mai có mặt tại đây.
Hình ảnh vụ hỗn chiến qua ghi hình của Camera khách sạn
Ngày 16-10, Thượng tá Phạm Duy Diên, chánh văn phòng Công an TP Hải Phòng cho biết lãnh đạo Công an TP đã chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Dương Kinh khẩn trương điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm vụ ẩu đả xảy ra tại khách sạn Pearl River vào đêm ngày 11-10.
Theo đó, cơ quan điều tra đã làm việc, lấy lời khai với những người có mặt tại vụ ẩu đả gồm ông Trần Hoài Nam (30 tuổi, tổng giám đốc công ty văn phòng phẩm Hải Phòng), bà Trần Thị Hoàng Mai (phó giám đốc sở Văn hoá thể thao và du lịch Hải Phòng).
Vì những người mang quốc tịch nước ngoài trực tiếp tham gia ẩu đả đã về nước nên cơ quan điều tra đã đề nghị ông Nam và bà Mai vận động họ sớm trở lại Việt Nam phục vụ công tác lấy lời khai điều tra vụ việc.
Cùng ngày ông Raymond Liew (quốc tịch Malaysia, giám đốc quản lý chất lượng của Công ty Cổ phần văn phòng phẩm Hải Phòng) đã có bức thư gửi đến Công an Hải Phòng, đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam trình bày về vụ việc.
Trong thư ông Raymond Liew cho biết tối 11-10 ông cùng với ông Nam và một người bạn Hồng Kông đến khách sạn Pearl River thuê phòng. Trong lúc đang làm thủ tục nhận phòng thì ông thấy hai người nước ngoài đi cùng một nhóm người Việt Nam cũng vào khách sạn thuê phòng.
“Tôi thấy lễ tân khách sạn thông báo đã hết phòng. Vì nhóm người mới vào nói chuyện ầm ĩ nên tôi có giải thích lại với hai người nước ngoài bằng tiếng Anh rằng khách sạn đã hết phòng. Tuy nhiên nhóm người này lao vào đánh tôi. Bạn tôi là anh Nam vào can cũng bị họ đánh”, trong thư ông Raymond Liew viết.
Tuy nhiên về phía bà Mai thì cho rằng nguyên nhân xảy ra ẩu đả là do hai người nước ngoài trong nhóm của bà bị ông Raymond Liew xúc phạm.
Theo lời bà Mai ông Raymond Liew đã sử dụng tiếng Anh để chọc ghẹo người bạn quốc tịch Mỹ trong nhóm rằng: “Sao ông đi với gái vừa già vừa xấu thế”.
“Khi người bạn tôi giải thích đây là vợ ông ý thì ông Raymond Liew vẫn cười và chọc ghẹo tiếp. Vì có chút hơi men, mọi người không kiềm chế được đã lao vào ẩu đả. Khi đó tôi đang làm thủ tục hỏi thuê phòng nên cũng chỉ kịp hô lên để can ngăn mọi người”, bà Mai nói.
Cùng ngày, UBND TP Hải Phòng cũng cho biết đã yêu cầu Sở VHTT&DL báo cáo về việc bà Mai có mặt tại vụ ẩu đả.
Thứ Năm, ngày 16/10/2014 - 21:39
Theo THÂN HOÀNG/TTO

Bình Phước: Y sĩ Sở Y tế bị bắt quả tang dùng ma túy

(PLO) - Tối ngày 16-10, một lãnh đạo Công an xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước, cho biết đã gửi văn bản đến Phòng Giám định Y khoa (GĐYK) thuộc Sở Y tế tỉnh Bình Phước để đề nghị nơi này có hình thức xử lý đối với y sĩ Nguyễn Xuân Đô (SN 1984, ngụ xã Tiến Hưng), nhân viên Phòng GĐYK vì đã có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
 Theo thông tin ban đầu, ngày 11-10, y sĩ Đô bị Công an xã Tiến Hưng bắt quả tang khi đang sử dụng ma túy cùng một nhóm thanh niên nghiện tại tại ấp 4, xã Tiến Hưng.
Ngay sau khi bắt quả tang y sĩ Đô sử dụng ma túy, cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục đưa các thanh niên trên và y sĩ Đô đi xét nghiệm và kết quả nhóm này dương tính với ma túy.  
Y sĩ Nguyễn Xuân Đô được nhận vào làm việc tại Phòng GĐYK từ tháng 5-2011. Đến tháng 12-2011, Đô được lãnh đạo Sở Y tế tình Bình Phước xét duyệt vào biên chế. Năm 2012, ông Đô được giới thiệu vào Đảng. Đến tháng 9-2014, Đô tiếp tục được ông Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước ký quyết định cho đi học lớp chuyên tu bác sĩ tại trường Đại học Tây Nguyên. Trong thời gian chờ nhập học, y sĩ Đô bị bắt vì sử dụng ma túy.
Liên quan đến y sĩ Nguyễn Xuân Đô, trước đó như Báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, nữ dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh (công tác tại Phòng GĐYK) tố cáo nhiều sai phạm của bác sĩ Đoàn Đức Loát, Trưởng phòng GĐYK và nhân viên phòng này.
Đến ngày, 26-12-2012, ông Đô có lời nói qua lại với DS Oanh rồi dùng ghế đánh vào đầu DS Oanh. Phía công an thị xã Đồng Xoài kết luận do y sỹ Đô không gây thương tích nên không khởi tố vu án. Tuy nhiên, hành vi đánh DS Oanh của ông Đô vẫn chưa được Sở Y tế xử lý, dù có video thể hiện việc đánh người của ông Đô.
Sau đó, DS Oanh kiện ông Đô ra tòa, TAND thị xã Đồng Xoài thụ lý đơn trong vụ án “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm”. Trong đơn kiện, ngoài yêu cầu xin lỗi công tại tại nơi làm việc, chị Oanh còn yêu cầu y sĩ Đô bồi thường tiền nhưng chỉ nhận… 1 đồng danh dự.
 Thứ Năm, ngày 16/10/2014 - 21:47
N.ĐỨC

60 ngày nữa Ebola sẽ 'bùng nổ'?

Hoàng Phú (lược dịch RT) - Thứ Năm, ngày 16/10/2014 - 12:45
(PLO) - Theo WHO, chỉ còn khoảng 60 ngày để kiểm soát sự bùng phát Ebola, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của gần 5000 người.
Virus Ebola sống tự nhiên trên các loài động vật, chủ yếu ở vùng Hạ Sahara châu Phi. Hai đợt bùng phát dịch đầu tiên được ghi nhận vào năm 1976. Thủ phạm gây bệnh là một trong năm chủng virus thuộc chi Ebola, bốn chủng còn lại thường gây bệnh sốt xuất huyết chết người. Trước đây, virus gây bệnh Ebola còn được gọi là virus Zaire, được đặt theo tên cũ của Cộng hòa Dân chủ Congo ngày nay.


 Nhân viên y tế cách xử lí xác nạn nhân nhiễm Ebola - Nguồn Josephus Olu- Mammah - Reuters (1)
Hiện nay đang có hai vùng dịch bùng phát dữ dội ở châu Phi. Một là vùng Tây Phi - khởi nguồn lây nhiễm căn bệnh này sang Mỹ và các nước châu Âu. Còn lại là vùng thuộc Congo.
Vẫn không có thuốc chữa
Ebola có khả năng gây tử vong cao và có những triệu chứng bệnh rất hết sức ghê rợn. Tuy nhiên trong lịch sử, căn bệnh này "đến rồi đi" rất nhanh. Do vậy, các viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm ít đầu tư nguồn lực vào công tác tìm kiếm phương thức chữa trị Ebola. Chỉ có những chuyên gia vũ khí sinh học mới tập trung nghiên cứu nghiêm túc về Ebola.
Hậu quả là, khi Ebola đột nhiên trở thành "sát thủ" khi giết chết trên 4.000 người trong thời gian ngắn, thế giới mới thật sự giật mình vì chưa có phương thuốc chữa trị căn bệnh quái ác và nguy hiểm này.
Số ít các thí nghiệm về vacxin vẫn còn đang được nghiên cứu bao gồm cả những ba dự án được phát triển ở Nga. Thế nhưng, còn lâu nữa các loại vacxin trên mới ra đời và trong khi đó, Ebola vẫn mặc sức hoành hành.
Các quốc gia quá nghèo nên bất lực
Các quốc gia nằm trong vùng dịch hiện nay đều thuộc nước nghèo với hệ thống chăm sóc y tế thô sơ và tập quán vệ sinh lạc hậu. Cho nên, hầu như các nước trên không có khả năng dập tắt dịch bệnh này.
Trong khi các quốc gia phương Tây có thể trang bị đầy đủ các trang thiết bị phòng chống lây nhiễm, hoặc khả năng tạo vùng cách li đối với người bệnh, thì các nước nghèo đói lạc hậu như Guinea, Sierra Leone và Liberia đều không có cả nguồn lực lẫn kinh nghiệm để tiến hành các biện pháp trên. 
Mặc dù cộng đồng quốc tế đang ra sức hỗ trợ nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế. Hơn thế nữa, nguồn quỹ của WHO đã bị cắt giảm trong thời gian gần đây khiến việc hỗ trợ cho các khu vực này càng trở nên khó khăn.
Phương Tây vẫn "thờ ơ"
Nhiều chuyên gia cho rằng Ebola có thể lây lan đến các nước phát triển bằng nhiều con đường (hàng không, du khách...), nhưng với tỉ lệ không cao.
Bởi lẽ, người bệnh Ebola chỉ có thể truyền bệnh sang người khác sau 4 đến 21 ngày. Có nghĩa là người ta có thể cách li những người tiếp xúc bệnh nhân Ebola, và tiến hành xét nghiệm trước khi họ lây bệnh sang cho những người khác. 
Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết. Trong thực tế ở Mỹ và Tây Ban Nha, các nhân viên y tế dù có đầy đủ trang bị và kiến thức về Ebola vẫn bị nhiễm bệnh.
Nhiều chỉ trích hướng về phía chính phủ các nước phương Tây, đặt nghi vấn rằng các nhà chức trách đã quá chủ quan và thờ ơ trong khâu phòng, chữa bệnh.
Hoàng Phú (lược dịch RT)