Tuesday, October 4, 2016

Chính trị VN: Nổi bật, khó lên?

Theo BBC-1 giờ trước 

Image copyrightAFP
Image captionÔng Nguyễn Bá Thanh
Thành phố Đà Nẵng nói đang làm thủ tục đề nghị Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lao động với cố Bí thư Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh.
Ông Nguyễn Bá Thanh (1953-2015) làm chủ tịch UBND TP Đà Nẵng từ 1996, và trở thành Bí thư Thành ủy Đà Nẵng vào năm 2003.
Đến năm 2012, ông được điều động ra Hà Nội làm Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Tháng 5/2014, Việt Nam nói ông phải điều trị bệnh rối loạn sinh tủy tại Mỹ, trước khi về nước đầu năm 2015.
Ông qua đời ngày 13 tháng 2 năm 2015.
Lúc sinh thời, ông Nguyễn Bá Thanh được xem là chính khách có phong thái lãnh đạo hiếm có tại Việt Nam: biết tạo ấn tượng trong dư luận với những phát ngôn thẳng thắn, quyết liệt.
Cũng có một số ý kiến đặt câu hỏi vì sao ông Nguyễn Bá Thanh đã không thể “lên cao hơn” trong chính trường Việt Nam, mà chỉ để lại dấu ấn đậm nhất ở thành phố Đà Nẵng.
Tiến sĩ Paul Schuler, chuyên gia về chính trị Việt Nam ở Đại học Arizona, Hoa Kỳ, là đồng tác giả một bài nghiên cứu mới đây về hiện tượng Nguyễn Bá Thanh ở Việt Nam và Bạc Hy Lai ở Trung Quốc.
Bài nghiên cứu nhận định những chính khách quá nổi bật trong dư luận ở hệ thống chính trị như Việt Nam và Trung Quốc lại có thể khó lên cao hơn trong chính trường.
BBC đã phỏng vấn Tiến sĩ Paul Schuler về giả thiết này.
Paul Schuler: Chúng tôi cho rằng những chính khách nổi tiếng có thể đặt ra rủi ro. Nếu những lãnh đạo nổi tiếng không thành công khi thúc đẩy một chính sách cụ thể, họ sẵn sàng và có khả năng vận động cho quan điểm của mình trên truyền thông.
Ngoài ra, họ có nền tảng ủng hộ ở trong dư luận và đảng viên cấp thấp.
Hai yếu tố này giúp các chính khách nổi bật có ảnh hưởng lớn hơn trong đảng và có thể làm giảm ảnh hưởng tương đối của các lãnh đạo khác.
BBC: Trước khi ông Nguyễn Bá Thanh lâm bệnh và qua đời, có không ít lần dư luận đồn đoán ông sẽ được bổ nhiệm cao hơn, nhưng không xảy ra. Theo ông, liệu có phải vì có những người trong Đảng Cộng sản cảm thấy bị cái “vía” của ông Thanh đe dọa?
Image copyrightHOANG DINH NAM AFP
Image captionÔng Đinh La Thăng cũng được biết đến với các phát ngôn thẳng thắn, quyết liệt
Dĩ nhiên tôi không thể biết chính xác hình ảnh của ông ấy đã đóng vai trò đến mức nào. Tuy nhiên, chúng tôi tìm thấy một mô hình ở Việt Nam và Trung Quốc, là tên tuổi càng nổi bật thì lại càng giảm cơ hội thăng tiến.
Chúng tôi đã xem xét các bí thư tỉnh ủy, và cả trường hợp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, mặc dù là chính khách được biết tới nhiều nhất.
Tương tự, Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương nổi tiếng, cũng đã không vào được Thường vụ Bộ Chính trị.
Ông Tập Cận Bình thực tế được biết đến như một lãnh đạo thận trọng, làm việc theo nguyên tắc đồng thuận, vì thế mới được bầu lên làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh, thực ra ở Việt Nam rất hiếm khi một bí thư cấp tỉnh được vào Bộ Chính trị trừ phi họ được đưa vào từ cấp trung ương. Vì vậy, cũng có thể ông Bá Thanh thậm chí chưa từng được xem xét cất nhắc, nếu ông không dùng những lần xuất hiện trên truyền thông và phỏng vấn để củng cố tên tuổi của mình.
BBC: Gần đây, một số cây bút cho rằng ông Đinh La Thăng, khi còn là Bộ trưởng Giao thông và nay là Bí thư Thành ủy TP.HCM, cũng là một chính khách hiếm có ở Việt Nam với phong thái “quyết liệt", phát ngôn “trảm tướng”, khéo léo với truyền thông. Ông có cho rằng phong cách của ông Đinh La Thăng tương tự ông Nguyễn Bá Thanh?
Vâng, theo tôi, ông Đinh La Thăng là ví dụ gần nhất với ông Nguyễn Bá Thanh nếu nói về khả năng thu hút quan tâm chú ý.
Việc ông ấy chỉ trích nhà thầu Trung Quốc trong dự án đường sắt Cát Linh- Hà Nội hay mới đây, ông ấy hỏi “tại sao công đoàn không tổ chức đình công theo luật cho công nhân?”, là ví dụ hiếm có dám nói về những chủ đề tranh cãi. Ông cũng thu hút quan tâm khi lên tiếng ủng hộ việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác đại học Fulbright.
BBC:Chốt lại, ông có dự đoán sẽ càng nhiều hơn các chính khách ở Việt Nam tận dụng khả năng vận động dư luận ủng hộ họ?
Thực ra theo lý thuyết của chúng tôi, thì tôi nghĩ sẽ càng ít quan chức vận động quần chúng ủng hộ họ.
Một ngụ ý từ giả thiết của chúng tôi là cách hay nhất để đi lên, là “cúi đầu xuống”, tức là lặng lẽ thôi.
Nếu ta theo dõi chính trị Mỹ, ở đó động lực hoàn toàn trái ngược. Còn ở Việt Nam và Trung Quốc, dù xấu hơn hay tốt hơn, thì rõ ràng là chính khách ở hai nước này hành xử rất khác trong vấn đề tự làm nổi bản thân.
Thách thức cho những người nghiên cứu chúng tôi là giải thích vì sao có người chọn chiến lược rủi ro cao. Nếu tự làm nổi bản thân gây rủi ro cho cơ hội thăng tiến, thì vì sao họ lại làm vậy?
Một giả thiết là một số người thực ra không thể “tự che giấu tài năng của họ”, như Đặng Tiểu Bình từng khuyên.
Một giả thiết khác là quần chúng thực tế rất mong chờ một lãnh đạo nổi bật, thu hút. Nếu không ai dám tự nguyện nhận vai trò đó, thì truyền thông và quần chúng sẽ tự đi tìm một nhân vật phù hợp nhất cho họ.

‘Xử PetroTimes làm trong sạch báo chí’

Theo BBC-7 giờ trước 

Image copyrightTUOITRE.VN
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Việt Nam nói báo PetroTimes có nhiều vi phạm "có tính hệ thống" và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Báo điện tử Năng lượng mới (PetroTimes) đã bị đình bản ba tháng vì 'để xảy ra những sai phạm' và Tổng Biên tập Nguyễn Như Phong bị cách chức và thu thẻ nhà báo.
Trả lời báo chí trong cuộc họp báo Chính phủ chiều 4/10, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết tờ Petrotimes có nhiều vi phạm và việc đăng bài phỏng vấn ông Trịnh Xuân Thanh chỉ là một trong số lý do đó.
“Phóng viên VTV hỏi liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh hay không, tôi nói thẳng đây chỉ là một trong nhiều lý do.
“Bùi Thanh Hiếu là đối tượng đã bị chính quyền xử lý năm 2009, và bây giờ sống ở nước ngoài. Ông có nhiều hoạt động tuyên truyền sai sự thật chống nhà nước.
“Việc đăng lại phỏng vấn của người này trên một tờ báo của Hội dầu khí không những trái tôn chỉ tờ báo mà còn tiếp tay cho hoạt động chống nhà nước,” ông Trương Minh Tuấn nói.
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông mô tả khi ông Trịnh Xuân Thanh đang bị truy nã, bài phỏng vấn của tờ báo này đã đưa ra thông tin bị cắt xén, không căn cứ, kèm theo nhận định sai lệch, dễ bị suy diễn.
“Việc PetroTimes cho đăng một phần nội dung bài báo đó đã vô hình chung lôi kéo độc giả vào địa chỉ website để xem toàn văn bài báo đó và các bài khác.
“Việc cho đăng bài nói trên gây nhiễu loạn thông tin, gây cản trở cuộc đấu tranh chống tham nhũng, hoang mang dư luận, gây bất lợi cho cơ quan thực thi pháp luật”
Ở phần kết thúc cuộc họp báo, Bộ trưởng Tuấn giải thích về lý do chỉ đình bản tờ báo ba tháng chứ không có hình thức nặng hơn vì tờ báo là nơi làm việc “của bao nhiêu người khác nữa”.

"Sai phạm có tính hệ thống"

Ông Nguyễn Như Phong (áo đỏ) Image copyrightFACEBOOK TRAN THU NAM
Image captionÔng Nguyễn Như Phong (áo đỏ) trong một lần tiếp luật sư tại Tòa soạn báo PetroTimes.
Tuy nhiên ông Tuấn nhấn mạnh sai phạm của PetroTimes là có tính hệ thống.
Trước đó ông dẫn chiếu tới vụ án Năm Cam là thành tích lớn của cơ quan bảo vệ pháp luật nhưng báo liên tục cho đăng các bài mà ông mô tả là “lật lại vụ án”.
“Các cán bộ tham gia vụ án tuy sau này có thể vi phạm, đã bị xử lý nhưng đó là vấn đề khác. Lật lại vụ án lại là việc khác."
“Ngoài ra có bài nghị sĩ Đặng Thành Tâm ôm 600 tỉ đi đâu, thông tin không đúng sự thật. Loạt bài Trung Quốc lấy nội tạng tử tù, thông tin không kiểm chứng.”
“Nhiều thông tin giật gân câu khách, không chính xác. Các bài đó đã bị xử lý hành chính, nhắc nhở nhưng vẫn để sai phạm xảy ra. Với tư cách người đứng đầu, ông Nguyễn Như Phong phải chịu trách nhiệm. “
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn nói ông biết dư luận đang “phản ứng trái chiều”
Tuy nhiên ông mô tả những người làm báo chân chính, đông đảo người dân "ủng hộ quyết định này".
"Phản ứng trên các trang mạng, rất dễ hiểu. Việt Nam có luật pháp, bảo vệ quyền tự do báo chí không chỉ cho nhà báo mà bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mọi công dân.
"Khi nhà báo, cơ quan báo chí lạm dụng quyền hành để phục vụ mục đích khác, nó xâm phạm quyền của công dân.
"Việc xử lý nghiêm minh PetroTimes sẽ góp phần làm trong sạch các cơ quan báo chí,” ông Tuấn nói.
“Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí và xử ly nghiêm nếu có sai phạm.”
Ông Nguyễn Như Phong có hàm đại tá công an, từng là Phó Tổng biên tập Báo Công An Nhân Dân trước khi chuyển về PetroTimes thuộc Hội Dầu khí Việt Nam.
Tại PetroTimes với khoảng gần 30 nhân viên, ông Phong là Tổng Biên tập kiêm Trưởng ban Kinh tế, Trưởng ban Quốc tế, trực tiếp chỉ đạo Thư ký Tòa soạn.

Chủ tịch Việt Nam nói về tham nhũng

 Theo BBC-4 tháng 10 2016

Image copyrightAFP
Image captionÔng Trần Đại Quang đề cập đến vụ truy nã ông Trịnh Xuân Thanh
Chủ tịch Việt Nam phát biểu về tham nhũng với người dân tại một số quận ở Thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc tiếp xúc cử tri sáng 4/10.
Ông Trần Đại Quang nói về vụ truy nã ông Trịnh Xuân Thanh: "Các cơ quan đã vào cuộc một cách tích cực, dù lẩn trốn đi đâu chăng nữa, những đối tượng tham nhũng, vi phạm pháp luật sớm muộn cũng bị đưa ra ánh sáng."
"Kinh nghiệm trước đây cho thấy, có những người trốn ở nước ngoài 5-7 năm nhưng rồi vẫn không thể thoát", tờ Vnexpress tường thuật phát biểu này.
Chủ tịch Việt Nam nói trong cuộc gặp mặt người dân Quận 1, Quận 3, Quận 4, sau khi Bộ Công an Việt Nam ra quyết định truy nã ông Trịnh Xuân Thanh ngày 16/9.
Việc truy nã liên quan vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng công ty PVC).
Có tin đồn ông Thanh có thể đã trốn sang Đức.
Nhưng sáng 28/9, tại một cuộc họp báo ở Hà Nội, Phó Đại sứ - Trưởng phòng lãnh sự - Trưởng Phòng Kinh tế, TS Wolfang Manig, nói Đức không có thông tin.

Hai tàu chiến Mỹ cập cảng Cam Ranh

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John S. McCain cập cảng Cam Ranh.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John S. McCain cập cảng Cam Ranh.

VOA Tiếng Việt-04.10.2016 
Hai chiến hạm của Hoa Kỳ mới lần đầu tiên cập cảng Cam Ranh chiến lược của Việt Nam trong nhiều thập kỷ.
Hải quân Mỹ hôm qua, 3/10, cho biết rằng tàu tiếp liệu tàu ngầm USS Frank Cable và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John S. McCain ngày 2/10 đã cập bến cảng nằm ở tỉnh Khánh Hòa.
Hai tàu chiến này hiện ở Việt Nam để tham gia một sự kiện giữa hai nước có tên gọi Chương trình Giao lưu Hải quân 2016.
Trên trang Facebook, bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP Hồ Chí Minh, xác nhận việc hai tàu chiến Mỹ cập cảng Cam Ranh, đồng thời nói rằng cuộc thao dượt trên “được thiết kế nhằm tăng cường hiểu biết, xây dựng niềm tin trên biển và củng cố quan hệ giữa Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Nhân dân Việt Nam cũng như cộng đồng địa phương”.
Theo giới quan sát, các động thái này diễn ra trong bối cảnh tình hình biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Hồi năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi ấy là ông Leon Panetta trở thành quan chức Hoa Kỳ cấp cao nhất tới thăm Vịnh Cam Ranh kể từ khi Chiến tranh Việt Nam chấm dứt.
Hồi tháng Ba, hải quân trong nước khánh thành cảng quốc tế Cam Ranh nằm trong vùng biển chiến lược của Việt Nam, hướng ra biển Đông, với số vốn đầu tư 2 nghìn tỷ đồng.
Báo chí trong nước khi đó dẫn lời các quan chức nói rằng cảng này “phục vụ cả mục đích quân sự lẫn dân sự”, “vừa phát triển kinh tế, và vừa tăng cường quan hệ với các lực lượng hải quân quốc tế”.


Ngoài ra, quan chức trong nước được trích lời nói rằng nó sẽ “góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực; bảo đảm đồng bộ cho các tàu hoạt động, góp phần xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định”.

Nhà hoạt động: Tước thẻ ông Phong không phải chuyện vui

Blogger Phạm Đoan Trang
Blogger Phạm Đoan Trang

Theo VOA-04.10.2016
Truyền thông Việt Nam hôm 3/10 đưa tin Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã ra 2 quyết định xử lý kỷ luật liên quan đến báo điện tử Petrotimes.
Trong đó là một quyết định thu hồi thẻ nhà báo của ông Nguyễn Như Phong, Tổng biên tập của tờ báo. Quyết định nói ông Phong “bị cơ quan chủ quản xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức”. Cơ quan chủ quản của Petrotimes là Hội Dầu khí Việt Nam.
Quyết định thứ hai của bộ là “đình bản tạm thời báo điện tử Petrotimes trong thời gian 3 tháng” vì báo đã để “xảy ra sai phạm trong hoạt động báo chí”. Tin cho hay, sau khi hết hạn đình bản tạm thời, Bộ Thông tin và Truyền thông “sẽ xem xét, quyết định việc tiếp tục xuất bản” hay không.
Tại một cuộc họp báo hôm 4/10, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết một trong những lý do kỷ luật là Petrotimes đăng lại bài phỏng vấn blogger Bùi Thanh Hiếu về việc ông Trịnh Xuân Thanh liên lạc với ông Hiếu ở Đức. Trên mạng xã hội, ông Hiếu có biệt danh là “Người buôn gió”.
Chính quyền Việt Nam coi ông Hiếu là “đối tượng chuyên gây rối an ninh trật tự”. Hiện ông đang lưu vong ở nước ngoài. Theo Bộ trưởng Tuấn, ông “Hiếu thường xuyên có hoạt động tuyên truyền sai sự thật nhằm chống Nhà nước, bôi nhọ nhiều tổ chức và cá nhân”.
Do đó, việc Petrotimes đăng lại phỏng vấn của ông Hiếu bị chính quyền Việt Nam coi là “trái tôn chỉ mục đích của tờ báo” và đồng thời “gián tiếp tiếp tay cho hoạt động chống phá Nhà nước” của ông Hiếu và cả ông Trịnh Xuân Thanh là người đang bị công an Việt Nam truy nã quốc tế do nhưng sai phạm về quản lý kinh tế.
Dư luận trên mạng xã hội cho rằng ông Phong bị cách chức vì việc đăng bài làm ảnh hưởng đến một cuộc chiến giữa các phe nhóm trong chính quyền Việt Nam. VOA không thể liên lạc với ông Phong để được biết quan điểm của ông.
Ngay cả khi không có sự kiện nêu trên, trong làng báo Việt Nam, ông Phong cũng là một nhân vật gây nhiều tranh cãi vì báo của ông và cá nhân ông bị cáo buộc thường xuyên tấn công các cá nhân có quan điểm cởi mở, cấp tiến về các vấn đề chính trị, xã hội.
Mặc dù vậy, nhà báo và nhà hoạt động dân chủ Phạm Đoan Trang bình luận rằng việc nhà chức trách thu thẻ của ông Phong và tạm đóng cửa tờ Petrotimes không phải là điều hay ho. Bà nói:
“Cái tờ báo mà chuyên ‘đánh đấm’ và tấn công cá nhân rất là ghê gớm. Các nạn nhân của nó đã nhiều lần lên tiếng kêu ca. Nhưng mà không có cơ quan nhà nước nào xét duyệt đơn kiện của họ và ông Nguyễn Như Phong và tờ báo của ông ta vẫn nhơn nhơn tồn tại. Thế rồi đến khi họ đăng một bài liên quan đến đấu đá nội bộ thì họ lập tức bị trừng phạt như thế, thì tôi thấy rằng là danh dự nhân phẩm của những người dân thường chẳng là cái gì so với lợi ích của quan chức. Anh có thể ‘đánh đấm’ dân thường ở Việt Nam thoải mái, chả sao cả. Nhưng mà đến khi anh ‘đánh đấm’, động vào phe nhóm lợi ích thì anh bị xử lý. Điều đó nó thật là đáng buồn. Tôi thấy công lý ở Việt Nam không tồn tại, không ai bảo vệ dân thường cả”.
Nhiều người cho rằng các quyết định kỷ luật kể trên là một ví dụ nữa về sự vi phạm tự do báo chí. Tuy nhiên, bà Trang nhận xét rằng ở Việt Nam “có tự do báo chí đâu mà vi phạm”. Bà nêu ra dẫn chứng rằng chính quyền mà cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông ngay từ đầu đã “tự cho họ quyền cấp phát thẻ nhà báo”, nói cách khác là chính quyền “chiếm lấy quyền của xã hội dân sự”.

Tham nhũng đất đai ở Bắc Ninh: trắng trợn, tràn lan, khủng khiếp!

Ruộng đất của dân chưa đền bù xong nhưng các phương tiện thi công của chủ dự án vẫn ngang nhiên tiến hành san lấp. (Ảnh: Lê Anh Hùng)
Ruộng đất của dân chưa đền bù xong nhưng các phương tiện thi công của chủ dự án vẫn ngang nhiên tiến hành san lấp. (Ảnh: Lê Anh Hùng)

Lê Anh Hùng 
Theo VOA-03.10.2016 

Nhắc đến Bắc Ninh, người ta thường nhớ đến những làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào của một vùng quê trù phú, giàu truyền thống văn hoá và lịch sử bậc nhất đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng giờ đây, khi về Bắc Ninh, trong mớ âm thanh ồn ào, hỗn tạp vẫn vang lên hàng ngày, người ta lại nhận ra âm hưởng chủ đạo của nó không còn là những làn điệu quan họ da diết, xao xuyến lòng người, hay khúc hoan ca về đời sống kinh tế vượt lên so với mặt bằng xung quanh, mà thay vào đó là những tiếng ta thán, phẫn nộ của dân chúng về tình trạng tham nhũng trắng trợn, tràn lan diễn ra từ thôn xóm cho đến cấp tỉnh.
Liên tiếp trong hai ngày 10/8 & 19/8 vừa qua, một số công dân đại diện cho dân oan cũng như những người dân chống tham nhũng ở Bắc Ninh đã gửi Tâm thư cho một loạt lãnh đạo Đảng và Nhà nước để phản ánh về những sai phạm, tham nhũng của lãnh đạo, chính quyền các cấp ở Bắc Ninh. Trong bức Tâm thư ngày 10/8, các tác giả đã liệt kê một loạt vụ điển hình trong hàng trăm vụ việc mà người dân đã khiếu kiện hàng chục năm qua, diễn ra trên hầu khắp mọi huyện thị trong tỉnh.
Trước lời kêu gọi của bà con, ngày 26/9 vừa qua, chúng tôi đã trực tiếp về thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh để tìm hiểu tình hình thực tế.
Từ Sơn là một vùng đất nổi tiếng với hoạt động sản xuất kinh doanh đồ gỗ. Phần lớn các làng nghề ở đây đều chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, với những “tên tuổi” từ hàng trăm năm qua như Đồng Kỵ, Phù Khê hay Hương Mạc. Nhờ sự phát triển của các làng nghề cũng như sự tháo vát, năng động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân địa phương nên từ lâu Từ Sơn đã trở thành một vùng quê trù phú.
Với mật độ dân số cao gấp 2 lần mức bình quân vùng đồng bằng sông Hồng, gấp 1,8 lần Hải Phòng, gấp 1,2 lần mật độ dân số Hà Nội, đất đai ở Từ Sơn trở thành một thứ tài nguyên đắt đỏ, không thua kém mấy so với các đô thị lớn trong cả nước.
Đất đai ngày càng có giá nên các quan chức ở Bắc Ninh cùng các công ty sân sau của họ thi nhau nặn ra đủ thứ dự án để thu hồi đất đai, ruộng vườn của người dân với giá đền bù rẻ mạt trước khi phân lô và bán với giá cao gấp hàng chục lần so với mức đền bù. Ban đầu, mức giá đền bù thu hồi đất ruộng ở đây chỉ là 40 triệu VNĐ/sào (1 sào = 360m2). Nhờ sự kiên trì đấu tranh của bà con, mức đền bù được nâng lên 320 triệu/sào. Trong khi đó, giá đất phân lô mà chủ đầu tư bán ra “bèo” nhất cũng là 10 triệu VNĐ/m2, thậm chí có những vị trí lên đến trên 50 triệu VNĐ/m2.
Với chế độ sở hữu đất đai mơ hồ, với sự bao che, dung túng của những cái ô khủng ở cấp tỉnh và trung ương, cũng như sự vô cảm, vô trách nhiệm của những cá nhân hữu trách trong bộ máy, tình trạng tham nhũng đất đai ở Từ Sơn đang diễn ra hết sức trắng trợn, nghiêm trọng trong suốt nhiều năm qua.
Các quan chức ở Từ Sơn thậm chí còn ngang ngược đến mức cho lấp ¾ sông Ngũ Huyện Khê chảy qua địa bàn thị xã để xây chợ gỗ cho thuê và phân lô bán nền, rồi lại bỏ ra hàng trăm tỷ VNĐ từ ngân sách nhà nước để nạo vét và xây bờ kè ở phía bờ sông đối diện. Theo ước tính của người dân địa phương, chỉ riêng trong “dự án” này, khoản lợi nhuận mà đám quan tham và sân sau của họ thu được cũng đã lên đến hàng nghìn tỷ.
Con sông Ngũ Huyện Khê chảy qua đoạn này trước kia rộng 290m, sau khi bị san lấp (bên trái) chỉ còn chừng 80m. (Ảnh: Lê Anh Hùng)
Con sông Ngũ Huyện Khê chảy qua đoạn này trước kia rộng 290m, sau khi bị san lấp (bên trái) chỉ còn chừng 80m. (Ảnh: Lê Anh Hùng)
Tuy chỉ ghé thăm Từ Sơn, nhưng do bà con đã chuẩn bị nên tại đây chúng tôi được gặp nhiều gương mặt chống tham nhũng tiêu biểu của cả tỉnh Bắc Ninh. Họ đã cung cấp cho chúng tôi nhiều bằng chứng kèm theo đơn thư tố cáo mà họ đã gửi đến các cơ quan chức năng và công bố trên mạng.
Khối lượng đơn thư của bà con ở đây phải lên đến hàng tạ, nhưng chúng cứ chạy lòng vòng từ nơi này sang nơi nọ rồi cuối cùng đều rơi tõm vào im lặng. Thực ra không phải là không có đoàn này đoàn nọ từ trung ương về kiểm tra, nhưng tất cả bọn họ đều được các đối tượng liên quan “săn sóc” tử tế để rồi đâu lại hoàn đấy.
Một cán bộ địa phương cho chúng tôi biết: 98% số người được coi là “đại gia” ở Bắc Ninh (không phải quan chức) là đi lên từ lĩnh vực đất đai. Con số đó cho thấy lợi nhuận siêu khủng của các dự án nhà ở, phát triển hạ tầng, cũng như mức độ tác oai tác quái của đám tham quan cùng các công ty sân sau của họ. Còn quan chức trong bộ máy thì từ chủ tịch xã trở lên đã được xếp vào hàng “đại gia” rồi.
BND xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, một công chức dũng cảm lên tiếng chống tham nhũng từ nhiều năm nay, cho chúng tôi biết là riêng bản thân anh trong vòng 3 năm qua đã gửi tới 2 tạ đơn thư. Anh bức xúc nói: “Tôi hiện đang là cán bộ, được đối mặt với các vị lãnh đạo từ cấp xã đến cấp tỉnh, nhưng không ai nói một cái gì [về những đơn thư, vụ việc kia] cả. Nhiều khi tôi cứ nghĩ mình đây là vô chính phủ, quá vô chính phủ, không nằm trong một tổ chức nào, dù danh nghĩa vẫn là công chức, vẫn là đảng viên.”
Một vấn đề nhức nhối khác ở Từ Sơn nói riêng và Bắc Ninh nói chung là nông dân bị thu hồi ruộng vườn thường không được đào tạo để chuyển hướng ngành nghề hay bố trí công ăn việc làm phù hợp sau khi bị tước đoạt tư liệu sản xuất truyền thống. Thị trường xuất khẩu đồ gỗ chủ yếu là Trung Quốc, nên tình hình giá cả rất thất thường, bấp bênh, giống như tất cả các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam sang Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của lực lượng lao động nông nghiệp sau khi bị thu hồi đất.
Một người dân Từ Sơn nói với chúng tôi: “Nếu bây giờ mà xảy ra chiến sự với Trung Quốc thì khi cầm súng trong tay, đối tượng đầu tiên mà dân chúng ở đây nhằm bắn không phải là kẻ thù từ phương Bắc kia, mà là bọn quan tham, cường hào ác bá mới ở địa phương.”
“Thùng thuốc súng” Bắc Ninh xem ra chỉ còn chờ ngày phát nổ.
* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

“Bún cháo chửi”: Người Hà Nội nghiện “gia vị” nhục?

Nhà văn Võ Thị Hảo
Theo RFA-2016-10-03



Đặc sản Hà Nội?

Theo VTC14, 29.9.2016: “Mới đây, đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain - người từng ăn bún chả với Tổng thống Obama - đã không giấu nổi sự ngạc nhiên khi lần đầu tiên đến ăn ở quán bún chửi Ngô Sỹ Liên. Ông đã đưa trải nghiệm lạ lùng của mình vào chương trình Parts Unknown, vừa phát sóng trên kênh CNN cách đây ít ngày”.
Trong chương trình truyền hình đó, đầu bếp này được một cô gái Hà Nội đưa đến giới thiệu món “bún chửi”(BC) ở phố Ngô Sĩ Liên và nói rằng đó là quán ăn yêu thích nhất của cô.
Ông Mỹ không cảm nhận được tiếng chửi và sự nhục mạ khách của người bán hàng thì đã đành. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là thay vì bất bình với thái độ bất lịch sự, bạo lực của người bán bún – vì chửi và miệt thị người khác đương nhiên là một dạng bạo lực - cô gái lại đồng tình, biện hộ cho người “đàn bà chửi” đó, coi như một đặc sản văn hóa ẩm thực VN.
Chương trình truyền hình nói trên quay trong bối cảnh quán có đông người ăn. Bà chủ quán thấy ông Mỹ và truyền hình quay thì dịu giọng hơn mọi ngày, nhưng chỉ trong khoảnh khắc đó, bà ta cũng đã kịp làm nhục một cô gái trẻ khác trước đám đông.
Cô gái không có lỗi gì. Cô ăn mặc và nói năng lịch sự. Cô chỉ hỏi mua một bán bún có mọc(thịt nạc giã nhuyễn viên thành viên, thường các quán bán bún đều có).
Chỉ thế thôi mà bà chủ quán đã tạt vào mặt cô những lời mỉa mai, xua đuổi cô trước mặt đám đông, trước cả ông đầu bếp Mỹ và ống kính truyền hình, trong khi những khách hàng khác thản nhiên xì xụp, chăm chú vào bát bún, coi việc chửi là chuyện đương nhiên.
Ông người Mỹ không biết tiếng Việt thì đã đành. Nhưng khách ăn thì thấm thía tận ruột gan những cầu chửi bằng tiếng mẹ đẻ chứ không thể biện hộ rằng không hiểu.
Khách ăn lần đầu bị chửi hoặc biết sẽ bị chửi mà vẫn ăn thì chứng tỏ những người ăn đó đã chấp nhận và gián tiếp cổ vũ tính bạo lực và lưu manh. Việc này càng được phổ biến rộng, chấp nhận rộng rãi thì càng gây hại cho xã hội và động chạm đến nhân phẩm con người.
Vì sự chấp nhận đương nhiên, ngày càng nhiều quán và dịch vụ các loại kèm “gia vị chửi- gia vị nhục” với khách hàng. Với thông tin BC lên CNN thì e rằng món BC phát triển thêm rầm rộ và khách hàng đi đâu cũng dễ được ăn kèm thứ “gia vị xú uế” đó.
Điều này tưởng vô hại, nhưng thực ra tiềm ẩn những nguy cơ sâu xa.

Mùi xú uế của “gia vị nhục”

Khi ta chấp nhận, thậm chí vui chịu bị kẻ khác chửi bới xúc phạm chỉ để mua được miếng ăn ngon, vậy ta có công bằng với chính mình không?
Xót xa thay là trong đám đông đó không thấy một tiếng nói chính trực nào lên tiếng bênh vực cô gái bị nhục mạ và cảnh báo chủ quán BC như nghĩa vụ của một con người cần làm khi thấy một người khác bị xúc phạm. Và ngay cả việc họ phải ăn trong tiếng chửi, dù là chửi người khác- thì cũng đã là bị xúc phạm lớn.
Lẽ nào họ không nhận ra chủ quán đã thêm vào món ăn của họ một thứ “đặc sản” VN: “gia vị nhục”! Khách ăn có quyền từ chối gia vị nhục. Nhưng không, họ vẫn ăn ngon. Vì sao? Họ đã nhờn trước mùi xú uế của thứ “gia vị nhục”, coi đó là chuyện vặt, là đương nhiên và còn thú vị. Coi thế thì họ mới ăn tiếp và còn đến ăn tiếp lần sau.
Chuyện BC và những món hàng bán kèm chửi mắng Hà Nội không thể là chuyện đùa được nữa rồi. Khi chửi và văng tục đã trở thành đương nhiên, ngay cả trong nhiều người có trình độ văn hóa và quan chức!
Sinh ra làm người, ai cũng có nhân phẩm, ai cũng cần được tôn trọng. Văng tục và chửi người khác là muốn nô lệ hóa tha nhân, đồng thời cũng hạ thấp nhân phẩm của chính mình. Ai cũng biết, mắng mỏ, đay nghiến, văng tục vào mặt người khác là một cách giao tiếp bất lịch sự, áp đặt và bạo lực.
Văng tục, chửi bới tố cáo đẳng cấp văn hóa của chủ nhân. Một xã hội lành mạnh không tạo cơ hội và đồng lõa với những cách hành xử bạo lực kế cả trong hành động, lời nói cùng cung cách giao tiếp.
Trong hiện tượng tồn tại kéo dài “bún chửi cháo chửi” ở Hà Nội, chúng ta không thể không thấy đau buồn thay cho thủ đô tự nhận mình là văn hiến nhưng nhà chức trách cũng như người dân đã không làm gì đủ để chấm dứt tình trạng đó.

Não trạng nô lệ

Không vặt vãnh chút nào vì tất cả những biểu hiện này xuất hiện từ căn nguyên sâu xa của não trạng nô lệ.
Chỉ có trong xã hội này, thì bạo lực từ miệng của một người đàn bà bán hàng tầm thường đã được nhân lên, quảng cáo thành một phương cách, một thương hiệu bán hàng.
Qua hiện tượng này, ta có thể lý giải về sự thường xuyên dùng bạo lực với phụ nữ, người già và trẻ em cùng những người yếu hơn mình của người VN.
Tại sao ngoài xã hội nhiều cướp giết hiếp. Tại sao cơ quan công quyền luôn nêu gương xấu, dùng đủ mọi hình thức bạo lực với dân để kiếm chác không giới hạn, cũng như tâm lý chấp nhận bạo lực chỉ vì ngại dây dưa với một kẻ ngoa ngoắt hoặc sợ hãi trước cường quyền của người VN?
Gần một thế kỷ cướp được và vận hành thể chế, nhà cầm quyền độc tài cộng sản đã rất thành công trong việc biến não trạng của người dân VN tự trọng thành não trạng sợ hãi và nô lệ. Và những nô lệ luôn khổ sở, không có lối thoát thì tìm cách tận dụng mọi vị thế để bắt nạt kẻ khác. Và để đổi chác lấy một miếng an toàn, người ta lại ngoan ngoãn chấp nhận làm nô lệ.
Não trạng nô lệ, thấm vào máu người VN, từng đường gân thớ thịt thể hiện trong mỗi hành xử của con người, đã là lá chắn bền chắc cho những kẻ độc tài.
Não trạng đó khiến cho cả trăm người, ngàn người, ngày này qua ngày khác lũ lượt nhịn nhục trước một vài người bán đồ ăn tầm thường. Vậy ta lấy đâu ra dũng khí phản đối những chà đạp lớn hơn lên quyền con người từ các thế lực mạnh hơn?
Vì thế, VN hiếm những người chính trực. Người chính trực luôn giữ mình tự trọng và ngay thẳng không chỉ trước cường quyền, mà còn trong tất cả mọi tình huống hàng ngày. Người chính trực tự thấy mình có đủ bổn phận vào dũng khí để bênh vực người khác khi họ gặp bất công.
Tâm lý dễ dàng chấp nhận bạo lực ở VN, sẵn sàng “nuốt gia vị nhục” để đổi lấy những chút lợi ích tầm thường, ấy là tâm lý nô lệ. Tâm lý này đã là mảnh đất màu mỡ nuôi đau thương lâu dài cho người VN và khiến người VN hăm hở tự hại chính mình.
Khi không thể làm gì trước những bất công xẩy ra với mình, những người nô lệ có khuynh hướng bắt nạt những kẻ lệ thuộc mình bằng bạo lực vật chất và tinh thần.
Vô số người VN dồn sự phẫn uất với nhà cầm quyền và những kẻ tham nhũng, cướp bóc của họ vào trong tiếng chửi thề, văng tục để họ khỏi nổ tung ra vì căm giận.
Họ cho rằng mình không thể làm gì nhà cầm quyền. Họ được cộng sản truyền đời báo kiếp cho sự sợ hãi chính trị và coi chính trị là lĩnh vực thường dân không được quyền bàn tới. Họ xả tức giận vào những tiếng chửi và văng tục, với những ai mà họ biết rằng không chấp hoặc không làm hại họ.
Và thế là năng lượng tốt của con người: biết phẫn nộ trước bất công -  đã được biến hóa thành năng lượng xấu: hạ nhục kẻ vô tội khác để xả phẫn uất. Khi xả phẫn uất không đúng thủ phạm, thì thủ phạm được yên ổn, được khuyến khích.
Đó là vòng luẩn quẩn của não trạng nô lệ.

Nhận biết và khước từ “gia vị xú uế”

Một vài người bán hàng chỉ vì nấu được bát cháo miếng bún ngon mà cũng tận dụng vị thế để nô dịch người khác dễ dàng vậy sao? Một phần là lỗi ở chúng ta. Và chúng ta cười nhăn nhở trước tiếng chửi và thâm tâm còn bắt chước vì thấy nô dịch người khác dễ quá, tội gì không chửi trước, chửi bậy bạ bất kỳ đâu, bất kỳ ai để giành ưu thế.
Chúng ta phải đòi lại quyền được tôn trọng, quyền làm người chính trực.
Vì sao chúng ta úp mặt vào miếng ăn , sụp soạp húp khoái trá trong tiếng chửi?! Ta xứng đáng được tôn trọng và không bất kỳ ai được xúc phạm ta. Ăn trong tiếng chửi mà thấy ngon ư? Khứu giác và vị giác người VN vì sao đổ đốn thế này?!
Con người bình thường phải cảm nhận ngay được mùi tanh lợm xú uế đã đổ vào bát ăn qua tiếng chửi và phải hắt cái bát ăn đó đi, thậm chí phải đưa kẻ chửi, kẻ dám nhục mạ khách hàng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Khốn khổ quá! Từ bao giờ mà người VN đã trở thành như vậy? Vậy còn lĩnh vực nào ở VN không bị nô dịch hóa? Vì sao nô lệ hóa người VN dễ dàng đến thế?
Nếu chúng ta không dám tỏ thái độ phản đối một kẻ bán hàng tầm thường dám nhục mạ ta, thì sao ta còn dám đòi quyền con người và tự do của ta, còn nói gì đến việc bênh vực người khác trước hoạn nạn và bảo vệ đất nước?
Cải tạo não trạng nô lệ, giành lại quyền làm người chính trực là để cứu lấy người VN. Đó là một việc làm cấp bách, cần bền bỉ, lâu dài, cần thể hiện, cần kiểm soát mình để khước từ nhai nuốt “gia vị nhục” trong mọi trường hợp.
VTH

Cá chết Hồ Tây ướp lạnh: Cơ quan chức năng đâu?

— 10/04/2016 - 06:49 

Cá chết Hồ Tây được ướp lạnh. Ảnh Internet
Từ ngày 2/10 đến nay, cá Hồ Tây chết, nổi lên dạt trắng bờ. Theo báo cáo của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội thì mới chỉ tính đến chiều 3/10, đã có 200 tấn cá chết được vớt để chôn lấp. Một con số quá khủng khiếp.
Cá chết không được dùng làm thực phẩm cho người, mà phải đem tiêu hủy, đó là điều đương nhiên.
Theo Tin tức 24 h, Ông Đỗ Hùng Vương, Phó Ban quản lý Hồ Tây cho biết, toàn bộ số cá chết sau khi được thu, vớt, sẽ được gom vào các bao tải đưa về điểm tập kết trên đường ở Hồ Tây. Sau đó, nhân viên y tế dự phòng sẽ phun các dung dịch, thuốc khử khuẩn Cloramin B nhằm tránh ô nhiễm, dịch bệnh lây lan.
“Tiếp đó, số cá chết này được chuyển lên các xe ô tô chuyên dụng đưa về bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội xử lý. Chúng tôi xử lý cá chết theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, nhằm đảm bảo môi trường”
“Cá chết ở Hồ Tây sẽ được tiêu hủy bằng hình thức chôn lấp. Trước khi chôn lấp, nhân viên xử lý sẽ rải một lớp vôi bột xuống đáy. Sau khi các bao tải cá được chôn xuống sẽ tiếp tục rắc vôi bột và lấp đất, nén chặt. Trong vòng 1- 3 tuần đầu sau khi chôn lấp, công nhân sẽ thường xuyên kiểm tra hố chôn để phát hiện sớm hiện tượng lún sụt, bốc mùi để xử lý kịp thời”.
Như vậy, qui trình xử lý cá chết ở Hồ Tây rất nghiêm ngặt, bởi tính nguy hiểm của nó.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội, đã xuất hiện thông tin và hình ảnh cho thấy một số người dân ngang nhiên vớt cá chết đem ướp lạnh tại chỗ. 
Rõ ràng, số cá ướp lạnh này không phải để đem tiêu hủy mà là để dùng làm thực phẩm cho người. Có thể đem bán ngay, có thể dùng làm nước mắm bán sau. Khi đưa ra thị trường, người tiêu dùng chỉ biết là cá đông lạnh, không thể phân biệt được nguồn gốc cá từ đâu hay nguyên liệu làm nước mắm là cá tươi hay cá nhiễm độc. Nếu cá chết Hồ Tây lại kết hợp với muối làm từ nước biển Hà Tĩnh do Formosa tạo ra thì chẳng còn gì nữa để nói.
Về nguyên nhân cá chết, có ý kiến cho rằng do nước hồ thiếu ô xy, do rác thải làm nước hồ ô nhiễm. Trên thực tế, cá Hồ Tây hay bất cứ hồ ao nào thỉnh thoảng vẫn chết nổi do ô nhiễm nhưng có thể đếm được số cá thể, vài con, vài chục con. Nhưng khi cá chết đột ngột, hàng loạt vài trăm tấn và trong một thời gian rất ngắn 2 ngày như thế thì khả năng Hồ Tây bị đầu độc gần như chắc chắn.
Vì vậy, việc ướp lạnh cá chết do ngộ độc để làm thực phẩm cho con người là một hành vi tội ác, phải chặn đứng.
Ông Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Hà Nội tập trung xử lý vụ việc, nhất là xử lý ô nhiễm, phòng ngừa dịch bệnh có thể xảy ra, nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm.
Cơ quan chức năng có biết việc này, và nếu biết liệu có ra tay ngăn chặn? Thiết nghĩ, việc này còn cấp bách hơn cả việc xử lý nước Hồ Tây.
4/10/2016
Tường Thụy

Có thể dẫn độ tội phạm tham nhũng từ Canada về Việt Nam?

Kinh Hoa-2016-10-04 - 10/04/2016

Ngày 16 tháng 9 Bộ công an Việt Nam phát lệnh truy nã toàn thế giới đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, về những cáo buộc tham nhũng. Sau đó báo chí Việt Nam có đăng tải ý kiến của một viên chức ngành công an đề cập tới chuyện dẫn độ ông Thanh từ hai quốc gia mà người ta nghĩ rằng ông Thanh đang ở đó, là Canada và Đức.
Luật sư Vũ Đức Khanh, sống và làm việc tại Canada dành cho Kính Hòa cuộc trao đổi sau đây liên quan đến chuyện dẫn độ tội phạm giữa Canada và Việt Nam.
Luật sư Vũ Đức Khanh: Dẫn độ hiểu theo thông lệ quốc tế là hành động của một chính quyền một nước sở tại, nơi mà phạm nhân, hoặc nghi phạm của một nước khác đang trốn chạy. Chính quyền sẽ bắt giao nộp lại cho chính quyền của cái nơi mà phạm nhân đó rời khỏi đất nước của họ theo yêu cầu của chính phủ đó. Chẳng hạn như ở Việt Nam có một người bị truy nã, hay bị án của tòa rồi chạy sang một nước khác, chẳng hạn như Canada. Chính phủ Việt Nam có thể yêu cầu chính phủ Canada dẫn độ người đó về Việt Nam. Nhưng theo thông lệ quốc tế thì nếu muốn dẫn độ được thì hai quốc gai đó phải có hiệp ước song phương với nhau, hoặc một nhóm nước có hiệp ước đa phương để mà dẫn độ.
Kính HòaTheo dõi vụ án tham nhũng Trịnh Xuân Thanh ở Việt Nam thì các quan chức Việt Nam có nói rằng mặc dù Việt Nam và Canada không có hiệp ước dẫn độ, nhưng vẫn có thể bắt được người tội phạm trốn qua Canada được. Ông thấy thế nào?
Luật sư Vũ Đức Khanh: Nếu tôi nhớ không lầm thì ông Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục pháp chế của Bộ công an nói vấn đề này cho báo chí Việt Nam. Ông khẳng định là chuyện dẫn độ từ Canada về Việt Nam là một chuyện vô cùng khó khăn.  Nhưng ông ấy có nói rằng có thể làm được theo một thông lệ ngoại giao với cái nguyên tắc có đi có lại giữa các quốc gia với nhau. Tôi nghĩ rằng ông ấy đúng 99% nhưng sai 1% là ông ấy ảo tưởng cái chuyện nguyên tắc ngoại giao có đi có lại.
Luật của Canada rất rõ ràng về vấn đề này là chỉ có thể dẫn độ nếu quốc gia yêu cầu dẫn độ có hiệp ước dẫn độ song phương với nhau. Ngoài ra không có chuyện dẫn độ.
Ngoài ra cần phải nói rõ thêm là chuyện dẫn độ và chuyện trục xuất là hai chuyện khác nhau. Chẳng hạn như ông Trịnh Xuân Thanh đến ở Canada hết thời hạn visa mà chính phủ Canada không gia hạn, ông ấy vi phạm luật di trú của Canada thì Canada có quyền truy tố ông ấy ra tòa, rồi trục xuất về Việt Nam. Nhưng mà cái đó không liên quan gì đến dẫn độ.
Kính HòaĐặt giả thiết là ông Trịnh Xuân Thanh trốn qua Canada rồi ở lại, nếu Hà nội người ta biết được, người ta yêu cầu Canada bắt giao thì Canada sẽ không bắt theo luật dẫn độ mà trục xuất?
Luật sư Vũ Đức Khanh: Nếu ông Trịnh Xuân Thanh  không có qui chế nhập cảnh đúng theo luật Canada, thì coi như ông vi phạm luật Canada, thì trong trường hợp đó không cần chính phủ Việt Nam yêu cầu gì hết, chính phủ Canada cũng phải truy tố ông ấy vì vi phạm luật di trú, và sau đó vì ông mang quốc tịch Việt Nam,  Canada sẽ liên hệ tới Tòa Đại sứ của Việt Nam tại Ottawa để yêu cầu trục xuất, giao ông Trịnh Xuân Thanh trở về Việt Nam.
Nếu ông Thanh tới Canada với visa là nhà kinh doanh hay đầu tư, thì ông ấy không bị gì hết (trong thời hạn visa).
Trong trường hợp ông ấy không vi phạm gì hết mà chính phủ Việt Nam tống đạt lệnh truy nã cho cảnh sát Hoàng gia Canada thì cảnh sát sẽ phải xem là có nên bắt giữ hay không, dựa theo hồ sơ tội phạm của ông ấy. Nhưng đây là lĩnh vực khác.
Kính HòaTức là nếu chính phủ Canada nhận thông báo từ Hà nội rằng ông Thanh là tội phạm thì họ phải điều tra, mặc dù giữa Canada và Việt Nam không có hiệp ước dẫn độ?
Luật sư Vũ Đức Khanh: Lực lượng cảnh sát Hoàng gia Canada sẽ phải tiếp nhận cái đó và mở cuộc điều tra, nhưng mà nếu như có một tống đạt thông qua Interpol và chính phủ Việt Nam xác nhận với Canada là ông Thanh đang ở Canada, và yêu cầu là bắt, thì lúc đó chính phủ Canada bắt buộc phải làm điều đó, vì đây là vấn đề an ninh, dựa trên những bằng chứng mà Việt nam cung cấp.
Nhưng điều đó không có nghĩa là ông Thanh sẽ bị bắt. Ông ấy bị bắt hay là được trả tự do, hay tại ngoại, nếu chính phủ Canada không thấy có đủ bằng chứng để mà bắt. Nếu ông ấy là một nhân vật nguy hiểm cho an ninh của Canada thì có lý do để mà bắt. Cho nên tôi thấy dù có tống đạt của chính phủ Việt Nam đi nữa, thì chuyện bắt ông ấy là chuyện hy hữu đối với tôi.
Kính HòaTheo tất cả những gì mà chúng ta biết cho đến giờ thì có vẻ như ông Trịnh Xuân Thanh phạm những tội tham nhũng và kinh tế bên trong Việt Nam. Những tội đó không liên quan đến an ninh của Canada. Thế thì khi Việt Nam yêu cầu Canada giúp để bắt giữ về tội tham nhũng ở Việt nam thì sẽ khó lòng được thực hiện?
Luật sư Vũ Đức Khanh: Chuyện đó rất khó. Lấy trường hợp của Trung quốc. Hiện giờ có rất nhiều quan chức của Trung quốc trốn ở Canada. Chính phủ Trung Quốc làm áp lực rất mạnh với Canada để ký hiệp định dẫn độ. Đã 16 năm chính phủ Canada luôn từ chối ký hiệp định dẫn độ với Trung quốc.
Ông Lai là một trường hợp rất nổi tiếng ở Canada. Ông ấy bị trục xuất trở về Trung quốc năm 2011, và chịu án chung thân ở đó. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông Lai bị dẫn độ, mà ông bị trục xuất khỏi Canada vì vi phạm luật di trú của Canada.
21 tháng chín vừa qua, ông Thủ tướng Lý Khắc Cường có đến Canada và có yêu cầu hai nước đàm phán một hiệp ước dẫn độ, nhưng cho tới giờ phút này thì Canada vẫn nói là hai bên vẫn tiếp tục bàn thảo chứ chưa dùng tới chữ đàm phán.
Cho nên tôi nghĩ là Việt Nam có làm gì chăng nữa thì đối với Canada vẫn không phải là chuyện lớn. Nếu ông Thanh tới đây và xin qui chế tị nạn chính trị nữa thì ông ấy không bao giờ bị trả về Việt Nam, vì hoàn cảnh hồ sơ ông Trịnh Xuân Thanh liên quan đến chính trị. Theo điều luật 44 và 45 của luật dẫn độ của Canada thì Canada sẽ không dính líu đến những vụ có mang tính chất chính trị, dù những vụ đó có dấu hiệu tham nhũng. Và tôi cũng nghĩ rằng cũng vì vấn đề đó mà Interpol không có lệnh truy nã ông Trịnh Xuân Thanh.
Kính HòaCanada và Việt Nam không có hiệp định dẫn độ. Lý do nào khiến hai quốc gia không có hiệp định dẫn độ? Khó khăn là từ phía Canada không muốn, hay Việt Nam không muốn?
Luật sư Vũ Đức Khanh: Việt nam cũng giống như Trung quốc thôi, có những quan chức của họ, đảng viên của họ tham nhũng lấy cắp tài sản quốc gia. Không phải phía Việt Nam hay Trung quốc không muốn có hiệp định dẫn độ, mà Canada, Hoa Kỳ hay Anh, Pháp, không muốn có một hiệp định dẫn độ với các quốc gia như Việt Nam hay Trung quốc vì họ nghĩ rằng có ba lý do:
Thứ nhất là họ không muốn liên quan đến cuộc tranh giành quyền lực trong đảng của các quốc gia như Việt Nam hay Trung quốc.
Thứ hai là hệ thống pháp lý của những quốc gia như Việt Nam không thỏa mãn tiêu chuẩn pháp lý giống như Canada, Úc hay Anh, Mỹ,…
Thứ ba Canada không muốn dính đến những vấn đề mang tính nội bộ  của một quốc gia khác.
Kính Hòa: Xin cảm ơn ông.