Monday, September 17, 2018

Trại 6

 09/17/2018 - 14:12 — truongduynhat
Sự tàn độc và ác ôn của trại 6 trong cách ứng xử với tù nhân chính trị, một lần nữa được nhắc đến qua đợt tuyệt thực vừa rồi của Trần Huỳnh Duy Thức. 
Trước đó là trường hợp Hải Điếu Cày.
Biệt giam. Cắt bỏ, ngăn cản và tước đoạt nhiều quyền lợi về thăm gặp, tiếp tế lương thực, sách báo, thuốc men...
Là trường hợp nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, bị bịt mồm trong cuộc thăm gặp thân nhân, khi anh cố đưa tin Hải Điếu Cày tuyệt thực.
Là hành hung, đánh đập dã man bà con nông dân Dương Nội khi họ vào đón anh Trịnh Bá Khiêm mãn hạn tù. Con trai anh Khiêm (cháu Trịnh Bá Tư) bị đánh toét đầu rách mắt.
Là trường hợp tôi, Trương Duy Nhất trọng bệnh nằm liệt một chỗ suốt 25 ngày. Đến khi phải bò lết ra, nằm chắn ngang cửa phòng giam đấu tranh mới được chuyển viện cấp cứu.
Khi mãn hạn tù, đã tổ chức cướp đoạt hết những tập nhật ký tôi viết. Chở vứt tại một đoạn đường rừng cách trại hơn 4 km rồi hăm doạ “xin tí huyết” cho tôi “hết đường về”.
... 
Tôi đã đi qua 3 trại, từ B 14, Hoà Sơn, đến trại 6. Mỗi trại mỗi sự khắc nghiệt và ác ôn riêng. B 14 không tước đoạt quyền nhận - đọc sách báo, nhưng bịt bùng đến ngộp thở. Hoà Sơn thì điều kiện ăn uống, sinh hoạt, giam cầm như súc vật. 
Mỗi nơi mỗi vẻ. 
B 14, với điều kiện ăn uống và sách báo hơn các nơi khác nên thường được ví là “thiên đường trại tạm giam Việt Nam”. Có lẽ nó được vậy, bởi là trại chuyên biệt dành giam các nhân vật cao cấp và những án lớn thuộc an ninh quốc gia, liên đới tới chuyện triều đình.
Hoà Sơn, dù ít bịt bùng hơn, mỗi ngày được ra tựa cửa “hơ nắng” 30 phút, nhưng cơ bản mọi điều kiện ăn uống sinh hoạt không khác gì... trại lợn.
Trại 6, khác B 14 với Hoà Sơn vì nó là trại giam (không phải trại tạm giam), nên điều kiện ăn uống có khá hơn. Nhưng cách ứng xử và trừng trị tù nhân khi có chuyện thì cực kỳ tàn độc và man rợ. Đến mức, đợt thả anh Trịnh Bá Khiêm, họ còn dùng cả lực lượng “cảnh sát chó” (cảnh khuyển) để uy hiếp, trấn áp đoàn ngừoi đến đón.
Những hành vi xâm phạm đến quyền lợi tù nhân, thậm chí chà đạp quyền con ngừoi, có thể nói là phổ biến trong nhiều trại, chứ không gì các trại trên. Bạn đọc hẳn nhớ trường hợp Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh khi ở trại tạm giam công an Khánh Hoà, thậm chí còn không được mặc quần lót và không băng vệ sinh.
Việc duy trì trại tạm giam, trại giam thuộc Bộ Công an khiến không thể kiểm soát để hạn chế được các tình trạng vi phạm thô bạo và man rợ, như kể trên. Nhiều ý kiến, kể cả quốc hội, cũng nhiều lần đặt vấn đề, đòi tách hệ thống giam giữ giao cho Bộ Tư pháp quản. Nhưng rốt cuộc đâu vẫn hoàn đấy.
Hiện, ngoài vai trò “cấp trên” là Tổng cục (nay là Cục) cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, thì vai trò kiểm tra giám sát việc giam giữ thuộc về Viện kiểm sát nơi trại giam đóng.
Ở bài viết khác, tôi sẽ kể hầu bạn đọc một chuyện khá... vui, về một nhân vật được giao quyền kiểm sát giam giữ: Nguyễn Cảnh Nga, trưởng phòng kiểm sát giam giữ VKSND tỉnh Nghệ An. Nhân vật đụng độ khá nhiều với khu tù chính trị trại 6. 
- Ảnh: Trương Huy San (Huy Đức)

Âm nhạc, Ma túy và những cái chết ở Hà Nội và Sydney

Theo VOA-18/09/2018 
Hình ảnh lễ hội âm nhạc Defqon.1. ở Sydney
Hình ảnh lễ hội âm nhạc Defqon.1. ở Sydney
Qua một sự trùng hợp ngẫu nhiên bi thảm, 7 thanh niên ở Việt Nam và hai thanh niên ở Sydney, trong đó có một người Úc gốc Việt, tử vong vào cuối tuần vừa rồi sau một lễ hội âm nhạc.
Những người trẻ tuổi trong cuộc đã “từ giã cuộc vui” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng- giữa một lễ hội âm nhạc hoặc ngay sau đó. 7 người tại nhạc hội điện tử “Du hành tới Mặt Trăng” diễn ra tại Công viên nước Hồ Tây, Hà Nội vào đêm 16/9; và 2 người tại nhạc hội Defqon.1 tổ chức tại Trung tâm Đua thuyền Quốc tế Sydney ở Penrith, Australia, vào ngày 15/9.
Những cái chết có liên quan tới dùng ma túy quá liều nêu bật tính cách nghiêm trọng của vấn đề ma túy trong giới trẻ toàn cầu nói chung, và trong thành phần tuổi trẻ Việt Nam nói riêng, cả ở trong lẫn ngoài nước.
Theo kết quả điều tra sơ khởi thì có nghi vấn “sốc thuốc tập thể” đằng sau các trường hợp tử vong vào đêm 16/9 tiếp theo sau lễ hội âm nhạc ở Hà Nội.
Lễ hội này khởi sự từ 15g30 ngày chủ nhật, theo lời kể của những người có mặt thì càng về khuya đám đông càng lớn, không khí càng ngột ngạt, nhiều người bị ngất xỉu, gây hoang mang cho đám đông. VNexpress dẫn lời một phát ngôn viên quận Tây Hồ, bà Võ Bích Thủy, cho hay xe cứu thương đã bắt đầu chuyên chở các bệnh nhân tới bệnh viện từ 10:30 tối. Trong 7 ca tử vong, một người chết trên đường tới bệnh viện, các bệnh nhân khác chết sau khi nhập viện. Nhiều người khác được đưa đi cấp cứu tại các bệnh viện gần đó, một số người vẫn trong tình trạng nguy kịch. Tất cả 7 người đã chết đều xét nghiệm dương tính với ma túy.
Đưa tin này, trang mạng tin tức news.com.au của Úc tường thuật rằng cảnh sát chưa xác định được tổng số các ca dùng ma túy quá liều, và loại ma túy nào đã gây “sốc tập thể”.
Một người tham dự tiết lộ với trang mạng Zing rằng rất nhiều khán giả sử dụng “chất kích thích”. Tin trong nước cho biết cảnh sát phát hiện 10 người có dính líu tới việc buôn ma túy trong lễ hội. Gần 70 người bị phát hiện có mang ma túy trên người. Những loại bị tịch thu gồm có MDMA, cocaine và thuốc lắc.
Tuần lễ Âm nhạc điện tử 2018 - Vietnam Electronic Weekend (VEW) là sự kiện âm nhạc lớn nhất từng được tổ chức tại thủ đô của Việt Nam, với sự đóng góp của các DJ và nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng. Chương trình lễ hội được Sở Văn hoá, thể thao Hà Nội ký giấy phép tổ chức. Phó giám đốc Trương Minh Tiến xác nhận Sở Văn hóa, Thể thao đã cấp giấy phép cho Công ty kết nối Á Châu do ông Lê Thái Sơn làm giám đốc, tổ chức sự kiện.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp Tuần lễ âm nhạc điện tử được tổ chức tại Việt Nam.
Trong một sự trùng hợp lạ lùng, vào đêm 15/9 giờ Sydney, 2 người trẻ tuổi gồm 1 thanh niên 23 tuổi và một cô gái 21 tuổi, qua đời sau khi được đưa đến bệnh viện từ một lễ hội âm nhạc. Như trong bản tin của VOA, thanh niên trong cuộc là công dân Úc gốc Việt Joseph Phạm cư ngụ ở khu vực phía Tây Sydney. Một bản tin cập nhật cho biết Joseph chết vì lên cơn đau tim sau khi dùng ma túy quá liều. Nạn nhân thứ hai là một thiếu nữ đến từ Melbourne. Hai nạn nhân đều bất tỉnh trong khi có mặt tại lễ hội, và qua đời không lâu sau đó tại bệnh viện.
Ngoài 2 ca tử vong vừa kể, còn có hơn chục người khác được đưa vào bệnh viện với những triệu chứng sốc ma túy. Khoảng 700 người khác có mặt tại lễ hội Defqon cũng cần được chăm sóc.
Thủ hiến New South Wales Gladys Berejiklian hôm 16/9 yêu cầu đình chỉ vĩnh viễn lễ hội vì cho rằng Defqon là “một sự kiện không an toàn”. Bà tuyên bố sẽ “làm tất cả những gì có thể làm để bảo đảm tình trạng này không bao giờ xảy ra nữa”.
Hàng năm có hàng ngàn người chết trên khắp thế giới vì sử dụng ma túy quá liều. Một số sống sót nhưng bị chấn thương não bộ do óc thiếu dưỡng khí trong thời gian kéo dài. Các chuyên gia nói mọi người có thể đã từng chứng kiến điều này xảy đến cho những người xung quanh. Nhưng bây giờ, nó đã xảy ngay tại Việt Nam và trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Các chuyên gia khuyến cáo nếu nốc một lượng rượu lớn trong một thời gian ngắn, mức cồn trong máu có thể tăng cao một cách nguy hiểm, nhiều bộ phận trong cơ thể không hoạt động đúng mức. Trong trường hợp xấu nhất, ngộ độc rượu khiến bệnh nhân ngưng thở, tim ngưng hoạt động, nạn nhân có thể bị ngạt thở vì bị ói mửa quá nhiều.
Sử dụng chất kích thích quá liều còn có thể tăng nguy cơ trụy tim, bị nghẹt mạch máu, với hậu quả khôn lường đối với sức khỏe.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam và cơn hoang tưởng giai đoạn cuối

Theo VOA-Phạm Chí Dũng/17/09/2018
Hình minh họa.
Trong vô số bất hạnh đã và đang ập lên đầu người dân Việt, vẫn còn một chút ‘hồng phúc nước nhà’: Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vẫn nguyên trạng bế tắc đầu tiên về ‘tiền đâu’.
Thu hồi vốn quá lâu hay tuổi thọ chế độ quá ngắn?
Mùa thu năm 2018, một hội thảo giữa kỳ về dự án trên do Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan tư vấn tổ chức đã phóng ra con số dự toán lên đến gần 60 tỷ USD cho Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tương đương với tổng dự toán thu ngân sách của nguyên năm 2018.
Vào năm 2015, Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam được Bộ trưởng Đinh La Thăng - người đã thốt lên một triết lý để đời ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người!’ rồi giờ đây đang phải nằm khám với án tù giam 31 năm - “mồi” ngay sau khi dự án sân bay Long Thành với giá trị lên tới 15 tỷ USD đã được “tập thể Bộ Chính trị” bật đèn xanh lẫn Quốc hội cúi đầu bấm nút, bất chấp sự phản ứng rộng khắp của dư luận, đa số báo giới và đông đảo người dân.
Cơ cấu dự kiến ít nhất 80% của dự toán gần 60 tỷ USD làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam là từ ‘tiền trên trời rơi xuống’ - tức nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA.
Lẽ ra, cơ cấu trên có thể thay đổi theo hướng nguồn tài chính lấy từ đầu tư trong nước, nếu không phải từ một ngân sách tuy đang khủng hoảng thiếu ngoại tệ để trả nợ nước ngoài nhưng lại dư thừa tiền đồng được in ấn thừa mứa trên thị trường nội địa trong hàng chục năm qua, thì cũng được đổ ra bởi những tập đoàn kinh tế cá mập của tư nhân với điều kiện ‘đổi đất lấy hạ tầng cơ sở’ hay được trao đổi bởi những ưu ái đặc biệt lớn về chính sách.
Nhưng sau mọi bàn thảo và hội thảo, phương án ‘tiền đâu’ vẫn hoàn toàn bế tắc. Chẳng có mấy dấu hiệu những cá mập tư nhân chịu bỏ tiền ra, dù chỉ là tiền dồng, với lý do hết sức đơn giản là Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thời gian thu hồi vốn quá lâu, trong khi một lý do quá tế nhị khác không thể nói ra là liệu chế độ này còn tồn tại đủ lâu đến thế để giữ nguyên những chính sách ‘đặc cách trục lợi’ cho các nhà đầu tư thân quan chức.
Giờ đây, tất cả đều trông chờ vào nguồn ‘tiền từ trên trời rơi xuống’ - tức ODA.
Cạn nguồn vay hay bi kịch ‘vĩ đại’
Con số Việt Nam vay ODA của nước ngoài từ năm 1993 đến năm 2014 đã lên tới 80 tỷ USD. Sau khi trừ đi 10 - 12% vốn vay không hoàn lại trong số đó, mỗi năm ngân sách Việt Nam phải có trách nhiệm trả nợ quốc tế hàng chục tỷ USD. Mà muốn trả được số nợ này, Việt Nam lại phải tìm cách “vay đảo nợ” của các tổ chức tín dụng quốc tế. Trước đây, những tổ chức này vẫn cho Việt Nam vay vốn “đầu tư phát triển” và vay đảo nợ khá dễ dàng. Nhưng đến năm 2015, WB bất ngờ thông báo hai “tin buồn” cho Việt Nam: Việt Nam đã “tốt nghiệp IDA” mà sẽ không được xếp vào loại quốc gia “xóa đói giảm nghèo”; và từ tháng 7/2017 sẽ không được vay với lãi suất ưu đãi 0,7 - 0,8%/năm cùng thời gian ân hạn đến 30 - 40 năm như trước đây, mà mức lãi suất vay sẽ được nâng lên gấp ba và thời gian ân hạn giảm xuống một nửa.
Trong khi đó, ngân sách Việt Nam vẫn buộc phải làm cái chuyện vừa lo trả nợ vừa phải tiếp tục vay mượn vượt hơn đến 30% số trả nợ hàng năm để phục vụ các khoản chi tiêu thường xuyên khổng lồ của bộ máy gần 4 triệu công chức viên chức và lực lượng vũ trang với 30% ‘không làm gì cả nhưng vẫn lãnh lương’. Trong đó tỷ lệ chi cho lực lượng công an ở Việt Nam lên đến 12% chi ngân sách - một mức chi cực kỳ lớn cho đội ngũ công an chuyên nghề đàn áp dân chúng và nhân quyền, chưa kể gần 5 tỷ USD chi cho bộ máy quốc phòng hàng năm nhưng không hề bảo vệ ngư dân khi bị tàu Trung Quốc tấn công, trong lúc lại lập kỷ lục thế giới về các vụ máy bay quân sự đắt tiền rụng như sung.
Sau hai chục năm nhận ‘lộc trời’, ODA đã trở thành một trong những bi kịch ‘vĩ đại’ nhất của chính thể Việt Nam.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất đặt Việt Nam vào trạng thái zero viện trợ, mà động thái này như thể ‘không hẹn mà gặp’ đã diễn ra phổ biến ở gần hết các nước cấp viện trợ cho Việt Nam, dẫn đến một phát hiện lớn mà ‘đảng và nhà nước ta’ đã không dám công bố trong suốt 4 năm qua: từ năm 2014 đến năm 2018, viện trợ ODA cho Việt Nam luôn cận kề với vạch 0.
Trừ phía Nhật, đến nay hầu như các nguồn ODA vay mượn nước ngoài của Việt Nam đều bế tắc. Từ đầu năm 2016 đến nay, liên tiếp có các cuộc gặp của lãnh đạo Ngân Hàng Thế Giới (WB), Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) với giới lãnh đạo Việt Nam, nhưng kết quả vẫn cực kỳ nhỏ giọt.
Tất nhiên, giới lãnh đạo Bộ Giao Thông Vận Tải hoàn toàn có thể tưởng tượng ra một kênh hút tiền khác là phát hành trái phiếu quốc tế. Thế nhưng, sự thật trần như nhộng là kênh phát hành trái phiếu quốc tế cho tới nay đã hoàn toàn bế tắc. Nếu vào cuối năm 2015 chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt tuyên truyền cho kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế giá trị 3 tỷ USD, thì đến giữa năm 2016 chính giới quan chức Bộ Tài Chính đã phải gián tiếp xác nhận rằng kế hoạch này đã phá sản. Từ năm 2009 đến nay, ngoài hai lần phát hành trái phiếu quốc tế được coi là “thành công” nhưng về thực chất đều do các tổ chức tài chính trong nước bị “ép” phải mua, không một chỉ dấu xán lạn nào cho thấy các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp nước ngoài nào quan tâm đến “giấy lộn” của chính phủ Việt Nam. Bằng chứng sống động nhất là 500 hồ sơ mà Ngân Hàng Nhà Nước gửi chào đối tác nước ngoài về mua nợ xấu của Việt Nam vẫn chưa nhận được một hồi âm nào cho tới nay.
Hoang tưởng giai đoạn cuối hay hồng phúc còn rơi rớt
Bí nguồn vay ODA chính là nguồn cơn vì sao vào kỳ họp quốc hội cuối năm 2016, một dự án “khủng” khác là điện hạt nhân Ninh Thuận - có số dự toán lên đến 10 - 20 tỷ USD, bất ngờ bị chính phủ tuyên bố “ngừng.” Ngay lập tức, một số chuyên gia “phản biện trung thành” và báo đảng cất lời tụng ca “chính phủ của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dũng cảm ngừng dự án này.”
Đến cuối năm 2016, Bộ Tài Chính đã phải có văn bản trả lời về dự án đường cao tốc Bắc-Nam (một dự án ‘song sinh’ với Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam), trong đó đánh giá dự án này là “chưa có cơ sở,” “không hợp lý,” và chưa biết lấy đâu ra tiền cho dự án lên tới 230.000 tỷ đồng khi nợ công đã sát trần 65% GDP.
Nhưng “nợ công đã sát trần” chỉ là một cách nói ma mị. Trong thực tế nếu tính cả nợ của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước - đối tượng do các bộ ngành chủ quản nắm vốn và thường được Chính phủ bảo lãnh vay vốn - nợ công quốc gia đã lên đến 210% GDP.
Còn giờ đây là số phận đen bạc của Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, cũng là hồng phúc còn rơi rớt lại cho dân tộc Việt vì hầu như chắc chắn không phải gánh thêm 50 tỷ USD nợ công.
Hoang tưởng giai đoạn cuối vẫn thường là di căn dứt điểm của một thể chế chỉ biết ăn không biết làm. Ngay cả vào lúc nền kinh tế đã “chắc suất” bên bờ vực thẳm của nợ công và nợ xấu, còn nền ngân sách quốc gia lao xuống đáy của hoài mộng tìm đâu ra từng chục ngàn tỷ đồng để chi lương công chức, giới lãnh đạo quen mùi dự án hàng trăm ngàn tỷ vẫn nhuốm đầy ảo giác về “ăn ODA”.

Cứ bỏ thịt chó là văn minh?

Theo VOA-Trân Văn/17/09/2018 
Thịt chó là món ăn khoái khẩu của một số người dân châu Á - Ảnh: L.Q.Phổ (Thanh Niên)
Thịt chó là món ăn khoái khẩu của một số người dân châu Á - Ảnh: L.Q.Phổ (Thanh Niên)
Chó và văn minh trở thành một cặp, trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội ở Việt Nam tuần này sau khi chính quyền thành phố Hà Nội chính thức kêu gọi dân chúng bỏ thói quen ăn thịt chó. Có hai lý do mà chính quyền thành phố Hà Nội nêu ra khi phát lời kêu gọi dân chúng ngừng ăn thịt chó: Hạn chế dịch bệnh và để hình ảnh Hà Nội không trở thành xấu xí trong mắt du khách.
Ngay sau khi lời kêu gọi ngừng ăn thịt chó được loan báo rộng rãi, ông Phạm Thanh Học, Phó Ban Tuyên giáo của Thành ủy Hà Nội đăng đàn thú nhận trên hệ thống truyền thông chính thức, ông cũng ăn thịt chó nhưng vì tính đúng đắn của tương quan giữa chó và văn minh, ông Học sẽ bỏ thói quen ăn uống này (1). Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội thì trịnh trọng thông báo, thành phố này sẽ cấm bán thịt cho vào năm 2021.
Chẳng riêng viên chức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, một số cơ quan truyền thông và cá nhân cũng bày tỏ sự tán thành nhận thức mới: Bỏ thịt chó để chứng tỏ văn minh. Trên VTC News, một nhà văn tên là Văn Giá bỏ thời gian, công sức viết hẳn một bài phân tích “Chó có cấu trúc tâm thần gần giống người, ăn thịt chó tức là ăn thịt người” (2). Tuy nhiên khái quát thịt chó như thịt người không ổn, VTC News đã kéo bài xuống, sửa lại tựa, biên tập lại nội dung, theo đó, “ăn thịt chó rất gần với sự ăn uống hoang dã” thôi (3).
Bên cạnh đó có khá nhiều người không tán thành cuộc vận động ngừng ăn thịt chó. Ông Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học, nhận định, kêu gọi dân chứng ngừng ăn thịt chó là một hành động không khả thi. Với nhiều người Việt, thịt chó là nét độc đáo của văn hóa ẩm thực. Một số dân tộc không ăn thịt chó không phải là văn minh hơn người Việt mà đơn gian là do khác biệt về văn hóa. Theo ông Bình, nếu quan tâm đến tương tác giữa chó và văn minh thì chỉ khuyên các cơ sở kinh doanh không giết chó một cách tàn bạo và để người khác chứng kiến (4).
Trên mạng xã hội và các diễn đàn điện tử, không ít người nhìn chuyện ăn thịt chó như Giang Tong: Kêu gọi thì được nhưng cấm thì không vì ăn gì, uống gì là quyền của mỗi cá nhân. Giang nhấn mạnh, anh cũng thích chó, cũng nuôi chó nhưng vẫn ăn thịt chó vì quả thực… thịt chó quá ngon! Kênh 14 phỏng vấn một thanh niên và ghi hình cuộc phỏng vấn đó rồi đưa lên Internet, thanh niên ấy khẳng định: Nếu Hà Nội cấm ăn thịt chó, tôi bỏ Hà Nội (5).
Cuộc tranh luận về thịt chó và văn minh là lý do nhiều người tìm – dẫn lại một bài viết của Huyền “Chip” (cô gái rất nổi tiếng trong giới trẻ Việt Nam vì từng một mình, khoác ba lô chu du nhiều nơi trên thế giới), Huyền từng nhấn mạnh: Nếu ai ăn thịt và lên án những người ăn thịt chó vì lý do đạo đức, tôi nghĩ đó là đạo đức giả! Cô giải thích, vì nhiều lý do khác nhau, người ta tôn trọng những con vật khác nhau. Người theo đạo Hindu tôn trọng bò và không ăn thịt bò nhưng không lên án người phương Tây ăn thịt bò. Chẳng có lý do gì để người phương Tây lên án người Việt Nam ăn thịt chó cả. Mọi động vật bình đẳng với nhau trước bàn nhậu. Huyền cho biết, cô không ăn thịt chó vì không thích vị của nó nhưng không dựa vào việc ai đó có ăn thịt chó hay không để đánh giá họ. Huyền không thích việc giết chó, cũng không thích việc những con gà, con heo, thậm chí con cá, con tôm bị giết nhưng con người là động vật ăn tạp, đã ăn đủ loại thịt suốt 1,5 triệu năm qua và rất có thể sẽ tiếp tục ăn thịt chó đến tận khi nhân loại không còn… (6)
Cũng với suy nghĩ đó, Điệp Hoàng lưu ý, “bọn Tây lông” chê người Việt ăn thịt chó nhưng nhiều “thằng Tây lông” sang Việt Nam “ăn mắm tôm thịt chó như tẽm”. Cũng vì vậy, cái gì mình thấy phù hợp thì làm, đừng vì mõm thằng hàng xóm nói mà… xoắn. Mình sống cuộc đời mình chứ có sống cho cuộc đời nó đâu. Nếu cứ vì “bọn Tây lông” chê, chẳng lẽ thôi không ăn hột vịt lộn, không gặm xương gà, không nướng kiểu “mọi” các món ăn dân dã nữa? Điệp cho rằng, dù có như thế người Việt cũng không thành “Tây lông” được. Hãy cứ là người Việt đi. Ai yêu chó thì không ăn chó. Ai sợ vịt có thai thì đừng ăn trứng lộn. Ai thấy bẩn thì đừng ăn gà nướng đất sét hay cá lóc nướng trui... Vậy thôi! Đừng xoắn (8).
Tham gia luận bàn về chủ đề chó và văn minh, Lê Anh Hoài bảo rằng, vận động không ăn thịt chó vì sợ bệnh dại không thuyết phục lắm bởi chó đã chết thì không… cắn. Sợ nước ngoài dị nghị cũng không thuyết phục bởi nước ngoài là nước nào? Nam Hàn chắc chắn không dị nghị. Các nước châu Á có lẽ sẽ bỏ phiếu trắng. Cuối cùng chỉ còn Tây. Song nếu cứ thế thì Tây nói gì… là học tập và làm theo cho họ vui lòng sao? Hoài nhắc, chuyện ăn thịt chó thì dân mình tự chia thành hai phe… cắn nhau đã mấy năm rồi. Hoài than, bệnh dại, bệnh điên, bệnh cuồng quốc hồn quốc túy, cuồng Tây lan tràn với nhiều ca nặng lắm!... rồi đề nghị, nên thuyết phục người Hà Nội không ăn thịt chó chỉ vì một lý do thôi: Yêu thương chó bởi bây giờ, phận người có khác lắm với phận chó đâu. Thân phận đã gần nhau thì đừng ăn thịt nhau. Ngẫm cho kỹ, nhiều khi phận chó còn nhỉnh hơn phận người, ví dụ chó đâu có phải gánh nợ công? Chó đâu có phải tiêu tiền mà lo nhân dân tệ khi đi lên biên giới? Chó cũng không phải quan tâm đến đổi mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa!... (9)
***
Có một yếu tố có thể đoan chắc, cho dù toàn bộ cư dân Hà Nội nói “không” với thịt chó, chắc chắn thiên hạ chưa khen Hà Nội văn minh. Văn minh nhân loại không nằm trong thịt chó. Hà cớ gì buộc thịt chó sánh duyên cùng văn minh? Chẳng lẽ vận động không ăn thịt chó là đủ để báo cáo đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Hà Nội thành một đô thị hiện đại, văn minh?
Chú thích

Hội thảo “Nhìn lại về Chiến tranh Việt Nam”: Cộng sản Việt Nam thật sự hoàn toàn chiến thắng?

Hòa Ái, phóng viên RFA-2018-09-17 
Quang cảnh Hội thảo "Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam", được tổ chức vào ngày 14/09/18 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ.
 Quang cảnh Hội thảo "Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam", được tổ chức vào ngày 14/09/18 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ.Photo: RFA
Một hội thảo với chủ đề “Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam” vừa được tổ chức tại Viện Bảo tàng Lưu trữ Quốc gia (National Archives Museum) ở thủ đô Washington trong trung tuần tháng 9.

Quá khứ không phai mờ

Đã hơn 4 thập niên trôi qua, nhưng những hình ảnh về chiến tranh Việt Nam chưa hề phai mờ trong ký ức của những người đã đi qua cuộc chiến và được họ chia sẻ tại Hội thảo “Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam”, vừa được tổ chức vào ngày 14 tháng 9 vừa qua.
Buổi hội thảo diễn ra trong một ngày với sự tham dự của khoảng gần 250 người. 15 diễn giả lần lượt trình bày và thảo luận các vấn đề bao gồm Miền Bắc Việt Nam đã chiến thắng cuộc chiến tranh Việt Nam như thế nào; Miền Nam Việt Nam xây dựng quốc gia trong cuộc chiến-Kinh nghiệm của Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn 1955-1975; Cam kết của Hoa Kỳ tại Việt Nam-Một sự dở dang; Tại sao Miền Nam Việt Nam và đồng minh bị thua trận; Vai trò của cộng đồng Việt trong việc giải cứu, bảo vệ và tái định cư cho người Việt tị nạn; Những bài học từ chiến tranh Việt Nam; Chương trình Tị nạn Quốc gia Hoa Kỳ giai đoạn 2001-2005; Di sản Việt Nam Cộng Hòa ở quốc gia Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Thế hệ trẻ ở Việt Nam sau năm 1975 đến hiện tại; Đời sống khó khăn của người Thượng ở Việt Nam; Thế hệ trẻ người Việt hải ngoại với vết thương không lành bởi chiến tranh Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng các cuộc hội thảo như thế này rất có ích vì nó giúp cho mọi người hiểu nhau hơn, mặc dù có những quan điểm khác biệt. Quan điểm khác biệt là điều chúng ta phải chấp nhận vì đó là việc tự nhiên trong cuộc đời. Và, hội thảo là cơ hội để những người có quan điểm khác biệt được nói ra quan điểm của họ và trao đổi thẳng thắn trong công chúng. Thành ra sẽ giúp cho sự hiểu nhau, bên cạnh việc giúp cho sự phát triển thông tin về những biến cố lịch sử được nói ra những thông tin đó-Tiến sĩ Vũ Tường
Một số vấn đề trong cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn là đề tài gây tranh cãi được các diễn giả cùng khách tham dự thảo luận sôi nổi và thẳng thắn; như chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến hay không hoặc mục đích của Cộng sản Bắc Việt trong cuộc chiến tranh Việt Nam thực chất là để thống nhất đất nước hay để cho chủ nghĩa Cộng sản được lan rộng đến 3 nước Đông Dương? Biến cố Mậu Thân cũng được nhắc đến rằng đó có phải là chính sách của Cộng sản Bắc Việt khi hàng trăm đồng bào miền Nam bị giết hại và vấn đề này cần thiết được tiếp tục nghiên cứu để trình lên tòa án quốc tế phán xét liên quan tội ác chiến tranh hay không? Tiến sĩ Vũ Tường, một diễn giả đến từ Đại học Oregon University nhận định về Hội thảo “Nhìn lại Chiến lại Chiến tranh Việt Nam” với RFA:
“Tôi nghĩ rằng các cuộc hội thảo như thế này rất có ích vì nó giúp cho mọi người hiểu nhau hơn, mặc dù có những quan điểm khác biệt. Quan điểm khác biệt là điều chúng ta phải chấp nhận vì đó là việc tự nhiên trong cuộc đời. Và, hội thảo là cơ hội để những người có quan điểm khác biệt được nói ra quan điểm của họ và trao đổi thẳng thắn trong công chúng. Thành ra sẽ giúp cho sự hiểu nhau, bên cạnh việc giúp cho sự phát triển thông tin về những biến cố lịch sử được nói ra những thông tin đó.”
Các diễn giả nhắc lại một yếu tố quan trọng góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh tại Việt Nam theo như tuyên bố của phía Cộng sản Bắc Việt là họ thừa nhận không thể đánh bại Việt Nam Cộng Hòa trên mặt trận, nhưng họ có hy vọng chiến thắng qua làn sóng phản chiến tại Mỹ và trên thế giới. Thế nhưng, câu hỏi của khách tham dự hội thảo đặt ra liệu rằng Cộng sản Việt Nam thật sự đạt được mục đích khi là phe thắng cuộc trong cuộc chiến này? Tiến sĩ Vũ Tường trả lời thắc mắc vừa nêu với sự khẳng định rằng Chính quyền Cộng sản Việt Nam thất bại trong mục tiêu mà họ đặt ra là xây dựng lại một đất nước họ đã từng tiêu tốn nhân mạng, tài lực để phá hủy.
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, một người tham dự hội thảo chia sẻ rằng ông xuất thân ở miền Bắc và sống dưới chế độ Cộng sản ở Việt Nam, do đó ông hiểu rất rõ tâm lý và hành động của giới lãnh đạo trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam; đồng thời ông là một học giả nên ông có cái nhìn tương đối khách quan và ông đã từng lên tiếng với Chính quyền Hà Nội cần phải dân chủ hóa Việt Nam và thiết lập một nhà nước pháp quyền tại Việt Nam. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ nói với RFA:
“Tôi thấy rằng cuộc chiến tranh Việt Nam cũng đã kết thúc rồi và tôi cũng đồng ý ở một điểm là bất luận thế nào thì nước Việt Nam đã thống nhất, kể từ ngày 30/04/1975. Nhưng vấn đề quan trọng tiếp theo là sau khi thống nhất đất nước thì những người lãnh đạo Việt Nam phải làm thế nào để cho người dân Việt Nam được hạnh phúc?”
Vì góp tiếng nói cho dân chủ hóa tại Việt Nam, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trở thành tù nhân lương tâm và bị tống xuất khỏi Việt Nam, sống lưu vong ở Hoa Kỳ. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là một người trong hàng triệu người Việt Nam bị buộc phải rời bỏ quê hương xứ sở đi tị nạn, kể từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Anh Tùng Nguyễn, một thanh niên cùng gia đình bị buộc phải sống lưu vong từ năm 2017 chia sẻ tại hội thảo rằng anh hy vọng những khách tham dự hãy quan tâm nhiều hơn đến tình hình đất nước Việt Nam, một quốc gia hòa bình, không chiến tranh nhưng người dân Việt Nam phải sống trong tình cảnh mà họ phải chiến đấu từng ngày cho “dân quyền và nhân quyền” của họ.
“Tôi mong các bạn có thể nhìn thấy những điều đó và làm điều gì đó có ích cho đất nước Việt Nam khi chúng ta có thể. Và chúng ta có thể làm khi chúng ta ở ngoài quốc ngoại vì chúng ta không bị bịt miệng như ở trong đất nước Cộng sản.”
Bà Victoria Sams, một chuyên gia của Tổ chức National Endowment for the Humanities-Tài sản Quốc gia vì Nhân loại nói với RFA về cảm nhận của bà khi tham dự hội thảo:
“Hôm nay, tôi được biết thêm nhiều hơn và tôi nghĩ rằng còn rất nhiều điều để học hỏi từ cuộc chiến tranh này. Tôi ghi nhận hai vấn đề quan trọng tại buổi hội thảo được nêu lên là nhiều người phải sống trong nỗi đau âm ỉ với hồi ức về chiến tranh, qua chia sẻ của những người tham dự hội thảo hôm nay và với giá trị của sự lưu trữ từ ký ức, từ những tư liệu được ghi chép lại, từ các cuộc hội thảo sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu tiếp tục khám phá và đúc kết nhiều hơn nữa để càng có nhiều người hiểu biết hơn qua các thông tin lưu trữ về cuộc chiến tranh Việt Nam.”

Viễn ảnh Việt Nam trong tương lai

Các diễn giả (từ trái sang): Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (thứ nhì), Tiến sĩ Nguyễn Văn Hanh (thứ ba), Tiến sĩ Tạ Văn Tài (thứ tư), Ông Frank Snepp, cựu nhân viên CIA (thứ năm) tại Hội thảo
Các diễn giả (từ trái sang): Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (thứ nhì), Tiến sĩ Nguyễn Văn Hanh (thứ ba), Tiến sĩ Tạ Văn Tài (thứ tư), Ông Frank Snepp, cựu nhân viên CIA (thứ năm) tại Hội thảo "Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam" Photo: RFA
Tiến sĩ Tạ Văn Tài, cựu giảng viên Luật trường Đại học Harvard, trong phần trình bày về các bài học rút ra từ chiến tranh Việt Nam, ông có nhắc đến một sự kiện hồi năm 1993, tại cuộc gặp gỡ giữa hai phái đoàn Việt-Mỹ ở Hawaii, phía Việt Nam lên tiếng thừa nhận Hoa Kỳ đã thua trong chiến tranh nhưng thắng lợi trong hòa bình qua các chương trình hợp tác của Mỹ với Việt Nam để giải quyết hậu quả chiến tranh cũng như trong việc xây dựng Việt Nam phát triển.
Ông Trí Tạ, Thị trưởng thành phố Westminter, bang California, một diễn giả tại hội thảo khẳng định với RFA rằng cộng đồng người Mỹ gốc Việt ủng hộ chính sách của Hoa Kỳ hỗ trợ cho Việt Nam phát triển, quan trọng là:
Tôi được biết thêm nhiều hơn và tôi nghĩ rằng còn rất nhiều điều để học hỏi từ cuộc chiến tranh này. Tôi ghi nhận hai vấn đề quan trọng tại buổi hội thảo được nêu lên là nhiều người phải sống trong nỗi đau âm ỉ với hồi ức về chiến tranh…và với giá trị của sự lưu trữ từ ký ức, từ những tư liệu được ghi chép lại, từ các cuộc hội thảo sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu tiếp tục khám phá và đúc kết nhiều hơn nữa để càng có nhiều người hiểu biết hơn qua các thông tin lưu trữ về cuộc chiến tranh Việt Nam-Bà Victoria Sams
“Tôi nghĩ rằng thế hệ trung niên và trẻ tại hải ngoại phải luôn đồng hành với thế hệ trẻ ở Việt Nam, cũng như đồng hành với hơn 90 triệu đồng bào ở trong nước. Chúng ta thấy đã 43 năm qua, Việt Nam vẫn chưa có tự do, vẫn chưa có dân chủ. Thành ra sứ mệnh của ngườii trẻ tại hải ngoại sẽ phải tiếp tục đồng hành, tiếp tục tranh đấu cho tự do và dân chủ.”
Diễn giả-Tiến sĩ Robert Turner, thuộc Trung tâm Luật An ninh Quốc gia, University of Virginia Law School nhấn mạnh rằng Việt Nam có cơ hội hòa nhập vào thế giới tự do, do đó việc nên làm là giáo dục cho người dân hiểu biết về chính quyền, hiểu biết về quyền lợi của tự do thương mại và các quyền lợi xã hội theo luật pháp và việc làm như thế theo thời gian, Tiến sĩ Robert Turner cho rằng người dân Việt Nam sẽ có được tự do dân chủ.
Trong khi đó, Diễn giả-Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS thêm vào ý kiến rằng việc giáo dục là cần thiết nhưng chưa đủ để có thể dẫn đến sự thay đổi từ độc tài sang tự do dân chủ tại Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho rằng cần phải tạo ra và nuôi dưỡng các phong trào xã hội phản kháng ôn hòa để bảo vệ các quyền và quyền lợi của người dân, và giới trẻ người Việt trong và ngoài nước đóng vai trò chủ chốt trong việc thay đổi Việt Nam được thật sự hòa bình và dân chủ.

Việt Nam với cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư

Diễm Thi, RFA-2018-09-14 
Sophia - robot đầu tiên trong lịch sử được Saudi Arabia cấp quyền công dân tham dự Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 tại Hà Nội hôm 13/7/2018.
 Sophia - robot đầu tiên trong lịch sử được Saudi Arabia cấp quyền công dân tham dự Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 tại Hà Nội hôm 13/7/2018-AFP
Truyền thông Việt Nam và mạng xã hội thời gian gần đây đề cập nhiều  đến khái niệm "Cách mạng Công nghiệp 4.0" với viễn cảnh ‘đổi đời’ cho các doanh nghiệp, cũng như giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế trong nước. Vậy cuộc cách mạng này nên được hiểu như thế nào và Việt Nam có thể tận dụng ra sao trong tình thế hiện nay?
Cách mạng công nghiệp thứ tư
Tại diễn đàn "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - Được và mất" tổ chức chiều 7/4/2017, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Điều hành Uber Việt Nam cho biết, bản chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là sự hội tụ của nền kinh tế vật lý, kinh tế số, sinh học, dựa trên nền tảng trí tuệ thông minh nhân tạo. Trong tương lai, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc và cơ cấu nhiều ngành công nghiệp.
Lục tìm trên các phương tiện thông tin đại chúng trên toàn thế giới, thì cụm từ “Cách mạng công nghiệp 4.0” rất ít người nói, dường như chỉ có  báo chí trong nước Việt Nam và người Việt Nam thì suốt ngày nói “Cách mạng công nghiệp 4.0”.
Nói  “Cách mạng công nghiệp 4.0” là nói bậy. Chính xác là “Cách mạng công nghiệp thứ tư”. - TS. Nguyễn Bách Phúc
Về thuật ngữ này, TS. Nguyễn Bách Phúc, hiện là Chủ tịch Hội Tư Vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học cho rằng nói “Cách mạng công nghiệp 4.0” là nói bậy. Chính xác là “Cách mạng công nghiệp thứ tư”. Chẳng hạn, người ta nói “đứa con thứ tư” chứ không nói “đứa con 4.0”, “Tổng thống Mỹ thứ 57” chứ không nói “Tổng thống Mỹ 57.0”. TS. Nguyễn Bách Phúc giải thích:
Cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất là cuộc cách mạng cơ khí hóa, mở đầu bằng máy hơi nước. Cuộc cách mạng thứ hai vào cuối Thế kỷ 19, là cách mạng điện khí hóa, mở đầu khingười ta bắt đầu ứng dụng năng lượng điện vào công nghiệp, làm cho nền công nghiệp phát triển vượt bậc. Đến giữa thế kỷ 20, cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba là cuộc cách mạng công nghệ thông tin, đã nâng công nghiệp và đời sống con người tiến lên tầm mới rất vĩ đại. Cách mạng công nghiệp thứ tư chỉ mới bắt đầu mấy năm gần đây, đầu thế kỷ 21, bằng những bước đi chập chững, ở một số rất ít nước có nền công nghiệp tiên tiến, nơi đỉnh cao của khoa học công nghệ thế giới. Cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư hình thành trên 2 nền tảng chính: Một là trí tuệ nhân tạo, dẫn đến tự động hóa toàn diện triệt để cho mọi hoạt động của đời sống xã hội, hai là công nghệ sinh học, thỏa mãn mọi nhu cầu về sinh sản, phát triển bền vững của thế giới sinh vật và của loài người.
Tại Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số diễn ra vào tháng 5/2017 tại Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cuộc Cách mạng công nghiệp thứ 4 và kỷ nguyên số không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế mà còn mở ra một chân trời kết nối giữa con người với con người.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì để đáp ứng yêu cầu cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo cách dùng từ trong nước, thì vấn đề nhân sự cũng là một thách thức lớn, bởi người lao động phải có khả năng công nghệ, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề phức tạp. Đó là rào cản rất lớn hiện nay để Việt Nam có thể tận dụng công nghiệp 4.0 để phát triển đất nước.
Công nghiệp 4.0
Tác giả Bernard Marr giải thích trên tờ Forbes vào tháng 6/2016 rằng Industry 4.0 được coi như là một "nhà máy thông minh". Nhưng để vận hành được nhà máy được coi là Công nghiệp 4.0 thì cần những điều kiện sau:
Buổi giới thiệu Industry 4.0 tại hội chợ thương mại công nghiệp Hannover Messe ở Hanover, miền trung nước Đức vào ngày 14 tháng 4 năm 2015.
Buổi giới thiệu Industry 4.0 tại hội chợ thương mại công nghiệp Hannover Messe ở Hanover, miền trung nước Đức vào ngày 14 tháng 4 năm 2015.AFP
Khả năng tương tác: máy móc, thiết bị, cảm biến và con người phải được kết nối và giao tiếp với nhau.
Minh bạch thông tin: hệ thống tạo ra một bản sao của thế giới thật thông qua dữ liệu cảm biến để định hình thông tin.
Hỗ trợ kỹ thuật: máy móc, hệ thống phải hỗ trợ con người ra quyết định, giải quyết vấn đề và giúp con người làm những việc quá khó hoặc không an toàn.
Ra quyết định theo mô hình phân tán: Máy móc có thể tự động ra những quyết định đơn giản một cách nhanh chóng, không cần con người can thiệp.
Một người từng là Giám đốc Công nghệ thông tin (Chief Infomation Officer) của một số ngân hàng và công ty liên doanh nước ngoài ở Việt Nam nói với RFA:
Nn công nghiệp 4.0 muốn hoàn chỉnh thì phải toàn diện chứ không thể chỉ một con người hay một lĩnh vực. Ở Việt Nam có lợi thế là dân số trẻ nhưng trong đó chỉ có một phần nhỏ là những người làm trong ngành công nghệ thông tin hoặc công nghệ tự động hóa, và họ tiếp xúc được với những công nghệ hiện đại nhất, những kiến thức mới nhất được cập nhật trên toàn cầu. Chỉ những người đó có khả năng sẽ làm thành nền công nghiệp 4.0. Nhưng các lĩnh vực khác thì rất khó, vì “kiến thức và kỹ năng của họ là 0.4”.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình từng nói CMCN 4.0 mang lại cơ hội cho các nước đang phát triển, giúp rút ngắn quá trình công nghiệp hoá bằng cách đi tắt đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn.
Việt Nam là quốc gia nông nghiệp với khoảng 70% tổng dân số là nông dân, và nông nghiệp Việt Nam còn nằm trong nhóm trình độ thấp của  thế giới, trong khi cuộc cách mạng thứ tư là cuộc cách mạng mà sự phát triển của internet, trí tuệ nhân tạo sẽ dần thay đổi công nghệ sản xuất của thế giới, trong đó có nông nghiệp.
Việt Nam chỉ học hỏi và ứng dụng
Trả lời câu hỏi Việt Nam có thể lao vào làm Cách mạng công nghiệp thứ tư hay không, TS. Nguyễn Bách Phúc cho rằng, các cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất, thứ hai, thứ ba diễn ra trên thế giới mấy thế kỷ nay, Việt Nam là nước lạc hậu, không thể đóng góp được. Bây giờ là lúc các nước tiên tiến trên thế giới bắt đầu đi vào cách mạng công nghiệp thứ tư, mà cái dễ nhận thấy nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào ô tô tự lái. Còn Việt Nam thì cũng như ba cuộc cách mạng trước, chỉ cố gắng học hỏi và ứng dụng. Ông nói thêm:
Việt Nam hãy cố gắng học hỏi những kết quả của cách mạng công nghiệp thứ tư của các nước tiên tiến, để ứng dụng cho mình, chứ Việt Nam không có khả năng, không có trình độ, không có phương tiện làm cách mạng công nghiệp thứ tư.  - TS. Nguyễn Bách Phúc
Việt Nam hãy cố gắng học hỏi những kết quả của cách mạng công nghiệp thứ tư của các nước tiên tiến, để ứng dụng cho mình, chứ Việt Nam không có khả năng, không có trình độ, không có phương tiện làm cách mạng công nghiệp thứ tư. Cho nên mọi lời hô hào người Việt Nam hãy m cách mạng công nghiệp thứ tư - và nói bậy là 4.0 - là nói cho vui, chứ có cái gì mà làm?
Một vài vị lãnh đạo các doanh nghiệp trong nước nhận định cuộc cách mạng này không phải cuộc cách mạng của các doanh nghiệp lớn mà là của mọi người, kể cả những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, để thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế Việt Nam. Về việc này, vị Giám đốc CNTT cho rằng trước hết phải tìm một ngành mũi nhọn nào đó rồi đào tạo nhân sự và dồn tài lực vào và phải được sự hỗ trợ của nhà nước về pháp quyền chứ không thể làm tràn lan. Ông nêu ví dụ:
Ví dụ có một công ty tự động hóa làm sản phẩm xuất khẩu đi nước ngoài, bây giờ muốn xuất khẩu phải cần có hải quan, có thuế để sản phẩm được đi ra nước ngoài nhanh nhất. Liên quan đến chính quyền là hải quan và thuế đã có được nền công nghiệp 4.0 chưa hay làm thủ tục giấy tờ y chang như từ xưa đến giờ rất chậm chạp thì sản phẩm đó ra nước ngoài lại chậm.
Tại kỳ họp Quốc hội thứ 5, khóa 14 ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ra rằng Việt Nam là nước nói về cách mạng 4.0 nhiều nhất thế giới nhưng nói mà không làm hoặc làm rất ít vì bộ này, ngành kia chả biết mình phải làm gì, bắt đầu từ đâu.

Không chỉ ở Biển Đông mới có tàu cá tông nhau

Theo VOA-Nguyễn Hùng/17/09/2018   
Một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu vỏ thép của Trung Quốc đâm thẳng vào khi đang đánh bắt trên vùng biển của Việt Nam. (ảnh chụp từ TuoiTre)
Một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu vỏ thép của Trung Quốc đâm thẳng vào khi đang đánh bắt trên vùng biển của Việt Nam. (ảnh chụp từ TuoiTre)
Vài chục chiếc thuyền nhỏ vây quanh mấy chiếc thuyền đánh cá to. Chúng lao vào nhau và rồi ‘củ đậu’ bay, pháo sáng bay, khói và mùi thuốc súng lan đầy mặt biển. Chỉ có điều đây không phải là Biển Đông mà ở vùng Vịnh Seine, ngay ngoài lãnh hải của Pháp.
Hơn 30 tàu nhỏ của Pháp rượt đuổi năm tàu lớn của Anh tới vùng này đánh bắt sò điệp hồi cuối tháng Tám và từ đó tới nay hai bên vẫn đàm phán bất thành nhằm đi tới thoả thuận giải toả căng thẳng. Một dân biểu Anh hôm 13/9 thậm chí còn đòi Hải quân Anh phải hộ tống tàu đánh cá ra khơi. Nhưng chính quyền Anh có vẻ không muốn căng thẳng tăng thêm và nói rằng Pháp chịu trách nhiệm cảnh giới vùng biển đó và họ phải đảm bảo không có xung đột giữa ngư dân hai bên.
Trong số tàu của Anh có liên quan tới cuộc va chạm trên biển, ba tàu từ cảng Peterhead ở tận Scotland và họ phải đi hai ngày rưỡi mới tới vùng biển giáp Pháp. Luật Pháp chỉ cho đánh bắt sò điệp trong vùng biển này từ 1/10 tới 15/5 để sò điệp có thời gian sinh sôi nảy nở. Nhưng luật này chỉ áp dụng với các tàu thuyền của Pháp. Tàu của Anh và các nước EU khác không phải tuân theo và có thể đánh bắt quanh năm. Các năm trước ngư dân Anh và Pháp thường đi tới thoả thuận mà theo đó chỉ có tàu dài dưới 15 mét của Anh mới được đánh bắt tại Vịnh Seine trong khoảng thời gian tàu Pháp bị cấm. Họ sợ nếu tàu lớn của Anh được vào đánh quanh năm thì tới khi tàu Pháp được phép đánh bắt sẽ chẳng còn mấy sò điệp. Tuy nhiên năm nay hai bên không đạt được thoả thuận và các đàm phán từ sau vụ tàu đâm nhau tới giờ vẫn chưa đi đến đâu.
Trong quá trình đàm phán, ngư dân Anh đòi được bồi thường cho khoản thu nhập bị mất từ việc không tới vùng biển giáp Pháp đánh bắt sò điệp. Nhưng phía Pháp nói họ đòi bồi thường quá nhiều và không linh hoạt trong đàm phán, theo báo Financial Times. Báo này cũng nói Hải quân Pháp sẵn sàng tới vùng này để bảo vệ trật tự nếu vẫn còn nguy cơ xung đột giữa tàu cá đôi bên.
Cách phản ứng của hai bên trong vụ này cho thấy họ có mối quan hệ khá bình đẳng và thượng tôn pháp luật. Pháp cấm tàu của mình đánh cá nhưng cũng không ép buộc các tàu nước ngoài phải thực hiện lệnh cấm này. Khi có xung đột, hai bên cũng cố gắng giải quyết theo cách văn minh nhất có thể. Những người đại diện cho người dân có lên tiếng đòi sự bảo vệ của hải quân nhưng chính quyền Anh cho rằng không cần dùng tới những biện pháp leo thang như vậy.
Trong khi đó mới đây tàu chiến Anh chỉ đi ngang vùng biển quốc tế gần Trung Quốc để tới thăm thành phố Hồ Chí Minh đã khiến Trung Quốc giận dữ và lên tiếng phản đối. Hồi tháng 7, Bắc Kinh cũng đã lên tiếng khi Anh tuyên bố sẽ triển hai hai hàng không mẫu hạm tới Biển Đông nhằm đảm bảo tự do hàng hải. Trung Quốc thậm chí còn doạ Anh rằng hiệp định thương mại song phương giữa Anh và Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nếu Anh cứ giữ cách hành xử như hiện nay ở Biển Đông.
Còn đối với Việt Nam, đương nhiên Trung Quốc không coi Hà Nội ra gì. Hoàng Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền nay hoàn toàn do Trung Quốc kiểm soát và ngư dân Việt Nam ra đánh cá bị đối xử hết sức tồi tệ, kể cả khi họ đánh cá trên vùng biển quốc tế. Đối với Bắc Kinh, họ mạnh tới đâu biên giới biển của họ ở đó và chẳng có vùng biển nào là vùng biển quốc tế quanh Hoàng Sa cả. Ít nhất là điều này đúng với các tàu thuyền của Việt Nam. Và lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đưa ra hàng năm không chỉ cho tàu Trung Quốc mà cho mọi tàu thuyền đánh cá trên Biển Đông. Họ chẳng thèm có thoả thuận bồi thường thiệt hại hay tàu nhỏ, tàu to gì hết. Đó là kiểu đối xử cá lớn nuốt cá bé mà thế giới văn minh luôn cố để điều này không xảy ra. Chỉ có điều trong khi Việt Nam muốn Trung Quốc cư xử văn minh và thượng tôn pháp luật, Hà Nội đôi khi lại cũng chẳng làm được điều này với công dân của chính mình. Cho tới khi chính nhà nước Việt Nam còn chưa hành xử văn minh thì họ chỉ có thể thân được với Trung Quốc theo kiểu răng môi mà nếu răng có cắn thì môi cũng chỉ ngậm đắng nuốt cay mà chịu trận.

Có máu, may ra mới được thấy ‘công lý’ le lói

Theo VOA-Trân Văn18/09/2018 
Bình Định: Tự thiêu phản đối cưỡng chế nhà.
Bình Định: Tự thiêu phản đối cưỡng chế nhà.
Cuối cùng, cũng có nơi (Ủy ban nhân dân thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) đề nghị Tòa án Tối cao kháng nghị, hủy hai bản án dân sự (một của Tòa án thị xã Đồng Xoài, một của Tòa án tỉnh Bình Phước), phân xử vụ tranh chấp đất giữa gia đình ông Võ Chánh và ông Lê Quang Dinh (1).
Năm 1999, ông Chánh mua 48 mét vuông đất ở phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài để làm nhà. Năm 2004, ông Chánh mua thêm 99 mét vuông nữa cũng từ chủ đất cũ để mở rộng nhà. Năm 2009, chính quyền địa phương thu hồi 50/147 mét vuông đất của ông Chánh để thực hiện dự án thoát nước. Diện tích mảnh đất có căn nhà mà vợ chồng ông Chánh làm chủ còn 97 mét vuông.
Năm 2011, vợ chồng ông Lê Quang Dinh – mua mảnh đất cạnh nhà ông Chánh năm 2010, kiện vợ chồng ông Chánh ra Tòa án thị xã Đồng Xoài, đòi quyền sử dụng 40/97 mét vuông đất của ông Chánh. Vợ chồng ông Dinh trưng ra Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất mà chính quyền địa phương cấp cho ông Huỳnh Thế Sang – chủ trước – chứng minh cho yêu cầu của họ.
Năm 2014, khi xử sơ thẩm vụ kiện này, Tòa án thị xã Đồng Xoài xác định, ông Chánh phải giao cho vợ chồng ông Sang 40 mét vuông đất mà vợ chồng ông Dinh đòi. Ông Chánh kháng cáo. Năm 2015, khi xử phúc thẩm vụ kiện này, Tòa án tỉnh Bình Phước tuyên y án sơ thẩm. Án phúc thẩm là chung thẩm. Vợ chồng ông Chánh hết cửa để kêu oan…
Ngày 26 tháng 7 năm 2015, ông Chánh sang nhà ông Dinh nói chuyện phải trái. Thất bại, ông chém vợ chồng ông Dinh bị thương rồi dùng con dao ấy tự sát… Dù ông Chánh dùng máu và mạng của chính mình để rửa oan và kêu oan nhưng vô ích. Chi cục Thi hành án dân sự của thị xã Đồng Xoài vẫn tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Chánh để thực thi các bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Vợ ông Chánh kháng cự. Bà tuyên bố sẽ tự sát như chồng để bảo vệ tài sản của gia đình, bảo vệ tương lai của con cái. Bất bình, dân chúng địa phương dọa sẽ làm giặc nếu hệ thống công quyền tiếp tục giả mù, giả điếc, thực thi hai bản án mà hệ thống tư pháp đã đổi trắng thành đen ngay giữa thanh thiên, bạch nhật…
Chuyện cứ thế nhùng nhà, nhùng nhằng trong hai năm, tới tháng 9 năm 2017, chính quyền thị xã Đồng Xoài mới tổ chức ”thanh tra” về Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất mà chính quyền địa phương đã cấp cho ông Huỳnh Thế Sang năm 2010 để ông bán cho vợ chồng ông Dinh và là cơ sở để ông Dinh kiện vợ chồng ông Chánh giao đất.
Kiểm tra đủ loại giấy tờ, kể cả tài liệu lưu trữ, gặp gỡ - thu thập lời khai của các nhân chứng, trong đó có cả chủ đất (người bán đất cho ông Chánh và ông Sang), trưng cầu giám định chữ ký, Thanh tra xác định, 97 mét vuông đất mà trước giờ gia đình ông Chánh vẫn sử dụng đúng là của họ. Toàn bộ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ông Huỳnh Thế Sang đã lập là ngụy tạo, trái thực tế, chẳng hiểu sao hệ thống công quyền không thẩm tra mà thừa nhận ngay lập tức. Không có tờ giấy đó, không có vụ vợ chồng ông Dinh (mua đất của ông Sang), kiện vợ chồng ông Chánh đòi đất. Nếu Tòa án thị xã Đồng Xoài, Tòa án tỉnh Bình Phước thực thi đúng chức trách (triệu tập nhân chứng, nghe nhân chứng, trưng cầu giám định, phân xử một cách công tâm,…) ông Chánh không bị dồn tới chỗ phải lấy máu và lấy mạng mình để rửa oan và kêu oan.
Đáng ngạc nhiên là Thanh tra chỉ đề nghị hủy các tờ Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai, cuối tuần trước, tới lượt Ủy ban nhân dân thị xã Đồng Xoài gửi văn bản đề nghị Tòa án Tối cao dùng thủ tục tái thẩm (thủ tục xét lại các bản án đã có hiệu lực) để hủy những bản án sai. Không thấy bất kỳ viên chức, cơ quan hữu trách nào đề cập tới điều tra, truy cứu trách nhiệm những cá nhân (tối thiểu cũng hàng chục) của nhiều cơ quan, cấp, ngành đã đẩy ông Chánh tới chỗ phải tự sát, vợ con ông vào thảm cảnh!
***
Tuần trước, ngoài vụ vừa kể, còn có vụ Thanh tra tỉnh Đắk Nông công bố kết luận việc giao đất ở huyện Tuy Đức cho Công ty Long Sơn (2). Theo kết luận ấy, chính quyền tỉnh Đắk Nông đã cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 héc ta đất rừng từ 2008, hai năm sau (2010) Sở Tài nguyên – Môi trường mới hợp thức hóa quyết định ấy bằng hợp đồng cho thuê đất và năm sau nữa thì Công ty Long Sơn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Giống như nhiều vùng khác ở Tây Nguyên, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông là túi chứa di dân tự do – những cá nhân lìa bỏ nơi chôn nhau, cắt rốn, dắt díu nhau đi khai hoang, lập nghiệp ở những vùng đất mới với hi vọng có thể thoát khỏi khốn cùng. Ở Tây Nguyên, đất mới là những khu rừng nguyên sinh đã bị khai thác đến cạn kiệt rồi bỏ hoang… và di dân chính là những người “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để phục hóa.
Sau khi được thuê rồi được giao 1.079 héc ta “rừng”, chủ Công ty Long Sơn đã bán cả công ty lẫn quyền khai thác hàng ngàn héc ta đất cho gia đình ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu. Kể từ đó, gia đình ông Sửu – chủ mới của Công ty Long Sơn bắt đầu tiến trình xua đuổi di dân tự do ra khỏi khu vực mà công ty toàn quyền… khai thác. Vườn, rẫy – cơ hội đổi đời của hàng trăm gia đình bị chặt phá, bị đốn hạ, nhà cửa bị giật sập. Sau vài thập niên dốc hết sức lực, vốn liếng vào việc khai hoang, định cư, hàng trăm gia đình đối diện với viễn cảnh vừa trắng tay, vừa vô gia cư… Họ bắt đầu tất tả ngược xuôi xin cứu xét.
Chỗ này, chỗ kia bắt đầu đặt vấn đề, khai phá – sử dụng công thổ để mưu tìm cơm no, áo ấm có thể là sai nhưng gạt bỏ thực tế khai thác - sử dụng công thổ cũng như tất cả những tình tiết có liên quan khác để cho phép Công ty Long Sơn phủi tay, không bồi thường, không hỗ trợ dường như không… ổn. Nếu cho thuê rừng nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tại sao không cho những gia đình di dân tự do thuê lại phần đất họ đã khai hoang mà lại dành quyền thuê cả thổ cư, vườn, rẫy của họ cho riêng Công ty Long Sơn?..
Hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương không đếm xỉa tới điều đó. Do vậy, Công ty Long Sơn liên tục điều động các loại xe chuyên dụng và “công nhân” dỡ bỏ nhà cửa, hủy diệt những vườn tiêu, vườn điều, vườn cà phê,… trên phần đất mà chính quyền tỉnh Đăk Nông đã giao. Trong quá trình “cưỡng chế - thu hồi đất”, “công nhân” của Công ty Long Sơn đã đánh đập, gây thương tích cho nhiều người dân ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức chỉ vì họ “dám” bảo vệ nhà cửa, vườn tược vốn là của họ.
Suốt tám năm, toàn bộ hệ thống công quyền từ xã đến tỉnh ở Đắc Nông án binh bất động trước tất cả các đợt “cưỡng chế - thu hồi đất” mà Công ty Long Sơn thực hiện, bất kể dân chúng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, có người bị “công nhân” của Công ty Long Sơn dùng rựa vạt mất gần nửa hộp sọ, tuy may mắn không mất mạng nhưng sẽ sống với cái đầu bị móp ấy cho đến hết đời. Có phụ nữ bị trụy thai do “công nhân” của Công ty Long Sơn đạp vào bụng,…
Bất nhẫn, một số tờ báo bắt đầu lên tiếng. Đến năm 2015, chính quyền tỉnh Đắk Nông mới quyết định thu hồi 265/1.097 héc ta đã giao cho Công ty Long Sơn vì phần đất này vốn là nơi cư trú, vườn, rẫy của hàng trăm gia đình. Năm sau nữa (tháng 7 năm 2016), sau khi thị sát tại chỗ, ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Viẹt Nam đã yêu cầu chính quyền tỉnh Đắk Nông ngăn chặn Công ty Long Sơn “cưỡng chế - thu hồi đất” để kiểm tra lại. Song, hệ thống công quyền không làm gì cả và Công ty Long Sơn vẫn tiếp tục tổ chức “cưỡng chế - thu hồi đất”...
Đó cũng là lý do dân chúng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức quyết định tự cứu họ bằng cách tự vũ trang với súng tự chế. Sau khi bị 30 “công nhân” Công ty Long Sơn hành hung vì ngăn cản Công ty Long Sơn dỡ nhà, phá vườn của mình trong đợt “cưỡng chế - thu hồi đất” mà công ty này tiến hành vào ngày 23 tháng 10 năm 2016, ông Đặng Văn Hiến đã chạy về nhà lấy súng tự chế, bắn chỉ thiên để cảnh cáo, bởi “công nhân” Công ty Long Sơn vừa lao đến, vừa ném đá… ông Hiến có thêm sự hỗ trợ của hàng xóm chĩa thẳng súng vào đám đông bóp cò…
Chỉ đến khi có ba người chết, 13 người bị thương, hệ thống công quyền ở tỉnh Đắk Nông mới chuyển động. Tuy nhiên những chuyển động ban đầu chỉ nhắm tới chuyện trừng phạt Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường vì “giết người”, Đoàn Văn Diện vì “che giấu tội phạm”… Một tuần sau thảm án, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, chủ Công ty Long Sơn còn dọa sẽ kiện nhiều cơ quan truyền thông chính thức ra tòa vì thông tin sai sự thật, vừa chỉ dẫn báo chí “lên huyện, lên tỉnh” để tìm… “sự thật”!
Mũi dùi công lý chỉ chĩa vào Công ty Long Sơn khi công chúng sôi lên vì giận. Ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu (Phó Giám đốc Công ty Long Sơn) và ông Phạm Công Thiện (Trưởng Ban Quản lý nhân sự của Công ty Long Sơn) bị khởi tố vì “hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” và phải hầu tòa cùng với ông Hiến và ba người hàng xóm. Ở phiên xử sơ thẩm, ông Sửu bị phát sáu năm tù, ông Thiện bị phạt bốn năm tù. Tòa án tỉnh Đắk Nông tuyên tử hình ông Hiến, phạt ông Bình 20 năm tù, ông Trường 12 năm tù, ông Diện chín tháng tù.
Dư luận dậy lên thành bão. Đến khi xử phúc thẩm, Tòa án Tối cao giảm cho ông Bình hai năm tù, giảm cho ông Trường ba năm tù, chuyển hình phạt 9 tháng tù giam của ông Diện thành án treo. Ông Sửu, ông Thiện cũng được giảm mỗi người hai năm tù nhưng cương quyết giữ hình phạt tử hình dành cho ông Hiến.
Bây giờ, với kết luận vừa công bố, Thanh tra tỉnh Đắk Nông chính thức thừa nhận, chuyện giao 1.097 héc ta đất rừng cho Công ty Long Sơn là sai pháp luật vì công ty này không đủ khả năng tài chính, không đủ cả nhân lực lẫn phương tiện, các giải pháp đầu tư mà công ty này trình bày khi xin nhận đất không khả thi. Trong 1.097 héc ta đất rừng được giao cho Công ty Long Sơn năm 2008, có 183 héc ta thật sự là rừng nhưng đã bị Công ty Long Sơn đốn sạch mà đến giờ hệ thống công quyền, hệ thống tư pháp vẫn chưa làm gì.
Chuyện để Công ty Long Sơn tổ chức các đợt “cưỡng chế - thu hồi đất”, không bồi thường cũng chính thức được xác định là sai. Thậm chí các đợt “cưỡng chế - thu hồi đất”, trong đó đợt cuối cùng dẫn tới thảm án ngày 23 tháng 10 năm 2016 còn khiến người ta kinh ngạc vì rõ ràng hệ thống công quyền đã làm ngơ để Công ty Long Sơn “cưỡng chế - thu hồi đất” trên phần đất mà chính quyền tỉnh Đắk Nông đã quyết định thu lại từ năm 2015, không cho Công ty Long Sơn thuê nữa nhằm “giải độc dư luận”…
Nếu không nổ súng, gây ra thảm án ngày 23 tháng 10 năm 2016, ông Hiến đã trắng tay (mất cả nhà lẫn vườn tược như một số nạn nhân trong các vụ “cưỡng chế - thu hồi đất” trước đó của Công ty Long Sơn). Giống như ông Chánh, ông Hiến không liều mạng thì những tiếng kêu oan của ông và hàng trăm gia đình ở xã Quảng Đức, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông chẳng có ai nghe.
Một số luật sư và những người am tường luât pháp từng thắc mắc, với những tình tiết liên quan đến thảm án ngày 23 tháng 10 năm 2016 ở xã Quảng Đức vốn đã được bạch hóa từ lâu, tại sao hệ thống tư pháp (công an, Viện Kiểm sát, Tòa án) từ địa phương tới trung ương không cải sửa tội danh của ông Hiến từ “giết người” thành “giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh” (hình phạt tối đa là bảy năm tù)?
Yếu tố chính để xác định một cá nhân “giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh” là tinh thần đương sự bị kích động mạnh vì “hành vi trái pháp luật”. Xác định ông Hiến “giết người” – phạt tử hình một thường dân - đơn giản hơn điều tra, truy cứu trách nhiệm “hành vi trái pháp luật” của hàng loạt viên chức các cấp, với tình tiết tăng năng là hậu quả của thảm án ngày 23 tháng 10 năm 2016. Chưa kể tuyên bố tử hình ông Hiến còn có tác dụng răn đe. Ở Việt Nam, đâu chỉ có Công ty Long Sơn, cũng chẳng phải chỉ có chính quyền tỉnh Đắc Nông giao đất, giao rừng theo kiểu như vậy.
Khi công bố bản án phúc thẩm, các thẩm phán của Tòa án Tối cao từng nhắc đi, nhắc lại nhiều lần với ông Hiến rằng, ông nên xin Chủ tịch Nhà nước tha tội chết. Đó cũng là lý do rất khó có khả năng Tòa án Tối cao hoặc Viện Kiểm sát Tối cao kháng nghị tái thẩm, hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm mà hệ thống tòa án đã tuyên với ông Hiến, xét xử lại vụ án theo hướng Đặng Văn Hiến và các đồng phạm không phạm tội “giết người” mà là “giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh”, dù như thế mới thật sự là “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”. Để Chủ tịch Nhà nước tha tội chết cho Đặng Văn Hiến sẽ có lợi hơn trong việc “ổn định chính tri”, chưa kể đó còn là cơ hội để lãnh đạo Đảng, Nhà nước quảng bá sự “khoan hồng, nhân đạo”!..
***
Đã hơn hai tháng tính từ ngày ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp dân của các cơ quan trung ương xin lỗi bà Lê Thị Hồng Phượng và hứa sẽ đề nghị Thủ tướng Việt Nam “giải quyết dứt điểm” chuyện oan ức của bà nhưng bà Phượng vẫn vô gia cư và vẫn tiếp tục kêu oan (3).
Bà Phượng là con dâu bà Đê. Bà Đê là vợ ông Tài – tham gia cách mạng rồi mất tích ở Cái Bè. Bà Đê là chủ lô đất 16.000 mét vuông ở đường Kinh Dương Vương, Bình Trị Đông (trước thuộc huyện Bình Chánh, nay thuộc quận Bình Tân), có “bằng khoán điền thổ” do Ty Điền địa Gia Định Việt Nam Cộng hòa cấp. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tuy là “gia đình có công với cách mạng” nhưng bà Đê không giữ được lô đất đó vì chính quyền huyện Bình Chánh “mượn”, một phần giao cho Bến xe miền Tây, một phần cho khoảng 20 gia đình dựng nhà. Người sử dụng phần lớn diện tích (6.000/16.000 mét vuông) mà chính quyền huyện Bình Chánh “mượn” là ông Nguyễn Văn Nhờ - lãnh đạo Công an huyện Bình Chánh, sau đó chuyển sang phụ trách Xa cảng miền Tây.
Bà Đê trở thành vô gia cư từ tháng 4 năm 1975 và đi tới đi lui xin lại đất của mình. 15 năm sau (1990), gia đình bà Đê dành dụm đủ tiền, mua một căn nhà nhỏ dựng trên đất mà chính quyền huyện Bình Chánh “mượn” của họ. Tưởng là sẽ có chỗ chui ra chui vào để tiếp tục hành trình xin lại đất nhưng ông Nhờ điều động người đến giựt sập. Gia đình bà Đê lại ra đường, ăn nhờ ở đậu, làm mướn để tiếp tục sự nghiệp xin lại đất...
Bởi có khiếu nại của bà Đê về quyền sử dụng đất, những gia đình dựng nhà trên lô đất mà chính quyền huyện Bình Chánh “mượn” của bà không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, trừ… ông Nhờ và các con (đủ loại sĩ quan của ngành công an, cán bộ Đảng đủ cấp). Ngoài chuyện hợp thức hóa đất, nhà, đại gia đình này còn được bồi thường hàng chục tỉ đồng khi chính quyền địa phương mở rộng các con đường chạy ngang phần đất mà họ chiếm giữ. Trong hàng chục căn nhà mà đại gia đình ông Nhờ sở hữu, một số được dùng để ở, một số để cho thuê, thu hàng chục tỉ/năm.
Sau 28 năm khiếu nại xin lại đất, bà Đê chết như một người vô gia cư. Cũng tới lúc đó, khiếu nại của bà mới được chính phủ để ý, song vợ chồng con trai bà vẫn chưa thể nhận lại tài sản của họ. Từ 2003 đến nay là 15 năm, tính ra có năm lần hết Thủ tướng tới Phó Thủ tướng Việt Nam yêu cầu chính quyền TP.HCM xem xét – giải quyết khiếu nại của gia đình bà Đê, thậm chí năm 2017, chính phủ Việt Nam lập hẳn một đoàn thanh tra để xác định đúng - sai, rồi kết luận khiếu nại của bà Đê chính xác. Tuy vợ chồng bà Phượng đã nêu rất rõ, họ đồng ý tặng đất cho các gia đình đã xây nhà trên lô đất 16.000 mét vuông của bà Đê, kể cả tặng đất cho đại gia đình ông Nhờ. Họ chỉ yêu cầu hoàn trả phần đất mà Công ty Bến xe miền Tây đang dùng làm bãi đậu xe và phần đất mà đại gia đình ông Nhờ cho người khác thuê. Đối với khoản bồi thường khi mở đường mà đại gia đình ông Nhờ tùy tiện nhận, họ yêu cầu đại gia đình ông Nhờ chuyển vào quỹ hỗ trợ học sinh nghèo. Chỉ có thế mà vẫn chưa xong vì chính quyền TP.HCM không chịu làm gì cả (4). Tháng 4 vừa rồi, con trai bà Đê cũng đã chết như một người vô gia cư, chỉ còn bà Phương! Dường như nước mắt không tạo ra đủ năng lượng để hệ thống công quyền chuyển động!
Chú thích