Monday, February 1, 2016

Đà Nẵng: Cháy lớn tại salon gỗ Ngô Văn Đeo

Lê Phi - Thứ Ba, ngày 2/2/2016 - 08:31
(PLO) - Đây là salon gỗ có quy mô lớn với rất nhiều đồ gỗ dễ cháy bên trong. Công tác dập lửa vô cùng khó khăn. Hơn chục xe chữa cháy đã được huy động.
Khoảng 5 giờ sáng nay, một đám cháy lớn đã xảy ra trên địa bàn quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng), lực lượng Cảnh sát PCCC phải huy động hơn 10 xe chữa cháy cùng hai xe thang, gần 100 cảnh sát đến hiện trường dập lửa.
Vụ cháy xảy ra tại salon gỗ Ngô Văn Đeo (số 247 Ngô Quyền, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Đây là salon gỗ có tiếng tại TP Đà Nẵng về quy mô và khá lâu năm. Tại thời điểm xảy ra vụ cháy trong salon này vẫn còn hàng trăm bộ bàn ghế, giường, tủ, kệ… có giá trị. 
Đám cháy đã thiệu rụi gần như hoàn toàn khu vực phía sau của salon gỗ. Lực lượng chức năng buộc phải đục tường và tháo trần nhà để bơm nước vào dập lửa. Rất may, vụ cháy không gây thương vong về người. 
Vì đám cháy lớn, địa điểm cháy lại gần một cây xăng nên lực lượng chức năng phải phong tỏa tuyến đường Ngô Quyền. Một số xe tải chạy về phía cảng Tiên Sa buộc phải dừng lại nối đuôi nhau trên con đường này. Hàng trăm người dân hiếu kỳ đến xem đám cháy.
Đến khoảng 7 giờ 15 phút, đám cháy cơ bản được khống chế. Nguyên nhân vụ việc hiện vẫn đang được lực lượng chức năng làm rõ. Chưa rõ thiệt hại do vụ hoả hoạn gây ra.
Dưới đây là một hình ảnh tại hiện trường vụ cháy này:

 

 10 xe chữa cháy chuyên dụng được huy động

 Xe thang
 
 Vụ cháy xảy ra ở một cửa hàng đồ gỗ nổi tiếng


 Lực lượng chức năng tháo gỡ ngói tôn để xịt nước cứu hỏa

 
Lê Phi

Bắt phó giám đốc ban đầu tư xây dựng huyện vì tham ô

THỪA THIÊN-HUẾ (NV) Lợi dụng chức vụ, yếu kém trong quản lý tài chính, nghiệm thu, bàn giao các công trình, một phó giám đốc ban đầu tư xây dựng huyện Hòa Vang đã tham ô hơn 2.6 tỷ đồng.

Truyền thông Việt Nam loan tin, ngày 1 tháng 2, 2016, cơ quan điều tra công an tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng ông Vương Quốc Hiếu (36 tuổi), phó giám đốc, kiêm kế toán ban đầu tư xây dựng huyện Phú Vang về tội “Tham ô tài sản.”


Cán bộ tham ô liên tục bị phát hiện bắt giữ, nhưng nhà cầm quyền CSVN nói “không phát hiện tham nhũng.” (Hình: Tiền Phong)

Theo báo Tiền Phong, ban đầu tư và xây dựng huyện Phú Vang là đơn vị sự nghiệp nhà nước, trực thuộc ủy ban huyện Phú Vang, có quyền được đầu tư các dự án xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác để “quản lý đầu tư xây dựng công trình ở địa phương.”

Tin cho biết, đoàn thanh tra huyện Phú Vang đã kiểm tra hồ sơ 173 công trình, trong đó có 5 công trình không có hồ sơ thanh toán. Cụ thể, ngoài việc phát hiện nhiều sai phạm nguyên tắc quản lý tài chính, sử dụng nguồn vốn đối ứng giai đoạn 2010-2013, trong nguồn vốn đối ứng giai đoạn 2014 đến tháng 9, 2015 với tổng số thu hơn 8.5 tỷ đồng, ông Hiếu đã tự ý rút hơn 2.1 tỷ đồng không nhập quỹ của ban mà chiếm giữ để xài.

Ngoài ra, ông Hiếu thu bằng tiền mặt của các đơn vị đối ứng nhưng không nộp vào tài khoản tiền gửi kho bạc mà chiếm giữ với số tiền gần 600 triệu đồng. Sau khi đoàn thanh tra phát hiện sai phạm, ông Hiếu mới nộp khắc phục hơn 2.6 tỷ đồng.

Liên quan vụ này, ban đầu tư xây dựng huyện Phú Vang còn làm thất lạc nhiều hồ sơ, chứng từ liên quan đến thanh quyết toán, tiền thuế của nhiều công trình mà không giải thích được nguyên nhân... (Tr.N)


02-01-2016 2:33:33 PM 

Ðiện thoại ở Việt Nam cũng bị cài 'phần mềm gián điệp'

HÀ NỘI (NV) - Không riêng gì máy tính điện tử do hãng Lenovo Trung Quốc sản xuất, ngay cả điện thoại di động đang lưu hành trên thị trường tại Việt Nam cũng bị cài sẵn phần mềm gián điệp, mã độc.

Ðây là điều được báo động tại “Hội nghị giao ban quản lý nhà nước” tháng 1, 2016 của Bộ Thông Tin và Truyền Thông (TT&TT) hôm Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016 mà báo điện tử VietNamNet đưa tin nói rằng “nó đe dọa an toàn, an ninh thông tin và thông tin cá nhân của người dùng Việt Nam.”


VinaMob đã cài sẵn phần mềm tự động gửi tin nhắn đến tổng đài nước ngoài lên điện thoại. (Hình: VietNamNet)

Hồi năm ngoái, dư luận tại Việt Nam sửng sốt khi hay tin nhiều máy điện toán do hãng Lenovo Trung Quốc sản xuất bán trên thị trường Việt Nam đã bị hãng này cài sẵn một “phần mềm gián điệp” có khả năng đánh cắp thông tin cá nhân của người sử dụng máy mà người này không hề biết.

Nhà cầm quyền nhiều tỉnh thị tại Việt Nam đã vội vã thông báo cho các phòng sở sử dụng loại máy điện toán Lenovo phải mua các loại máy tính thương hiệu khác thay thế.

Theo VietNamNet tường thuật cuộc họp nói trên, “Một doanh nghiệp trong nước là VinaMob bị phát hiện đã cài sẵn phần mềm tự động gửi tin nhắn đến tổng đài nước ngoài vào nhiều máy điện thoại Trung Quốc đang lưu hành trên thị trường, khiến cho người dùng bị ‘móc túi’ mà không hay biết. Ðiều đáng nói là đây không phải những trường hợp cá biệt, lần đầu xuất hiện.”

Nguồn tin thuật lời ông bộ trưởng 4T phát biểu tại cuộc họp là “cơ quan quản lý và truyền thông cần khuyến cáo về hiện tượng này đến cho người dân nắm được để chủ động phòng tránh, ngăn chặn. Vô hình trung, điện thoại cài mã độc, phần mềm gián điệp có thể trở thành công cụ để phát tán tin nhắn rác, bên cạnh nguy cơ đe dọa an toàn thông tin đã rõ ràng.”

Năm ngoái, một công ty chuyên về bảo mật thông tin điện toán tại Hoa Kỳ tố cáo máy tính Lenovo được cài sẵn phần mềm “Lenovo Service Engine” (LSE) vào BIOS (chương trình chạy đầu tiên khi máy tính khởi động) trên bo mạch chính của máy tính trước khi xuất xưởng, trong khoảng thời gian khá dài, từ tháng 10, 2014 đến tháng 6, 2015.

Tài liệu vừa kể phân tích rất rõ cơ chế hoạt động của LSE. Theo đó, trong lần đầu tiên kết nối máy tính với Internet, LSE sẽ tự động tải về máy tính phần mềm khác có tên OneKey Optimizer. Do LSE tích hợp vào BIOS nên người dùng không thể xóa hẳn nó khỏi máy tính. Kể cả khi họ cài lại hệ điều hành hoặc định dạng lại ổ cứng thì trong lần chạy đầu tiên, hệ điều hành cũng sẽ tự động tìm lại LSE trong BIOS để thực thi.

LSE hội tụ đủ các đặc tính của phần mềm gián điệp, với khả năng hoạt động ngầm mà người dùng không hay biết, cũng như can thiệp sâu vào các tập tin hệ thống mặc định của hệ điều hành Windows, lấy quyền cao nhất và thực hiện các thay đổi quan trọng, tự động tải về nhiều tập tin, phần mềm theo chỉ định của Lenovo. Do đó, LSE bị cảnh báo về nguy cơ đe dọa an toàn, an ninh thông tin mạng cho những cơ quan sử dụng, nhất là các cơ quan của nhà nước CSVN.

Sau lời báo động của công ty bảo mật thông tin điện toán Mỹ và tin tức được đăng tải trên báo chí tại Việt Nam, nhiều tỉnh như Hải Phòng, Quảng Ninh ra chỉ thị cho các cơ quan của nhà cầm quyền các cấp “không lưu trữ thông tin, nội dung bí mật Nhà nước trên máy tính của Lenovo; không trang bị mới, tiến tới loại bỏ các máy tính do hãng này sản xuất” cũng như “rà soát việc sử dụng máy tính Lenovo phòng, chống bị đánh cắp thông tin.”

Máy điện thoại cầm tay hiện rất phổ biến tại Việt Nam với hơn 30 triệu người sử dụng. Người ta không biết trong số đó có bao nhiêu triệu máy là điện thoại thông minh. Bây giờ, Bộ 4T báo động về “phần mềm gián điệp” cài trên máy điện thoại, nhưng lại không có giải pháp đối phó tận gốc nào ngoài sự khuyến cáo. (TN)

 02-01-2016 5:58:40 PM 

Ông Tổng bí thư mới và nỗi âu lo của dân chúng

Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-02-01  
000_Hkg10250079
 Ban lãnh đạo mới được bầu hôm 28/1/2016 tại đại hội đảng 12, từ trái qua: Trưởng ban tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, TBT Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân -AFP photo
Đại hội đảng cộng sản lần thứ 12 kết thúc, ông Nguyễn Phú Trọng, 72 tuổi được bầu lại làm Tổng bí thư.
Tổng bí thư và buổi họp báo
Tại buổi họp báo sau khi kết thúc hội nghị, ông nói rằng ông rất bất ngờ và cảm động khi được các đồng chí tin tưởng giao cho ông trọng trách Tổng bí thư.
Blogger Lê Tuấn Huy viết rằng Sự "mộc mạc" thật sự từng góp phần giảm uy thế của ông. Nay, sự khiêm nhường giả tạo sẽ góp phần làm mất danh giá của ông.
Người ta hiểu tại sao Lê Tuấn Huy viết rằng sự khiêm nhường giả tạo, vì những lời đồn đãi rằng ông Trọng sẽ là Tổng bí thư đã có rất lâu sau khi đã có sự sắp xếp trong các cuộc họp trung ương đảng trước đó. Ngoài ra việc ông được đề nghị làm Tổng bí thư cũng đã được các viên chức cao cấp của đảng đề cập đến trong những ngày đầu tiên đại hội đảng diễn ra. Vì thế nhiều blogger, trong đó có Lê Tuấn Huy, đã bị bất ngờ khi ông Trọng nói rằng ông bị bất ngờ.
Còn sự mộc mạc mà Lê Tuấn Huy nói đến được hiểu là những phát biểu rất trào lộng, nhưng không hề cố ý của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam trong suốt nhiệm kỳ vừa qua của ông.
Sự mộc mạc đó có khi được xem là sự thành thật như blogger Nguyễn Thị Từ Huy đánh giá, nhưng có khi lại bị xem là sự kém cỏi thiếu sắc sảo cần thiết của một nhà lãnh đạo.
Sự thiếu sắc sảo đó được Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc cho là một tiêu chuẩn mà người ta chọn lựa Tổng bí thư đảng trong vài chục năm liên tục cho đến nay. Giải thích lý do đó, Giáo sư Quốc cho rằng khi chọn những người như vậy thì sẽ tránh được sự thay đổi, một tâm lý phổ biến của giới cộng sản đang cầm quyền tại Việt Nam. Ông đưa ra dẫn chứng là nhiều đời Tổng bí thư kế tục nhau là các ông Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, và nay là ông Nguyễn Phú Trọng để chứng minh điều đó. Giáo sư Quốc viết tiếp:
Việt Nam đang là nước yếu, yếu về cả kinh tế lẫn chính trị; điều Việt Nam cần nhất, do đó, không phải là giữ nguyên trạng mà phải thay đổi để tiến bộ.
- GS Nguyễn Hưng Quốc
Tâm lý sợ thay đổi ấy đi ngược hẳn lại xu hướng chung của lịch sử và niềm tin chung của mọi người. Việt Nam đang là nước yếu, yếu về cả kinh tế lẫn chính trị; điều Việt Nam cần nhất, do đó, không phải là giữ nguyên trạng mà phải thay đổi để tiến bộ. Sự quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, khi coi sự “ổn định” là tiêu chí quan trọng nhất để chọn lựa người lãnh đạo là một quyết định hoàn toàn sai lầm.
Những quyết định thay đổi phù hợp với xu thế chung của lịch sử mà Giáo sư Quốc đề cập chính là phẩm chất của những nhà lãnh đạo có viễn kiến, mà tác giả Giáp Văn Dương viết trên trang Viet-studies rằng họ khác với những người cầm quyền chỉ biết những quyền lợi của họ. Trong bài viết đó Giáp Văn Dương cho rằng cái Việt Nam cần hiện nay là những nhà lãnh đạo, và tác giả tự hỏi:
Với Việt Nam, câu chuyện về lãnh đạo và cầm quyền là câu chuyện thời sự. Chúng ta đã từng có nhà lãnh đạo, nhưng chưa bao giờ chúng ta thiếu các nhà lãnh đạo như hiện giờ. Nhìn đâu cũng chỉ thấy nhà cầm quyền, ở mọi cấp độ. Câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta có tiếp tục cần các nhà cầm quyền? Hiển nhiên là không, chúng ta cần các nhà lãnh đạo chứ không cần các nhà cầm quyền. Nhưng bằng cách nào để có được các nhà lãnh đạo, và làm sao để tạo ra một môi trường để cho nhà lãnh đạo xuất hiện và thực hiện công việc của mình?
Trong buổi họp báo ông Trọng còn nói rằng đảng của ông đang thực hiện dân chủ tập trung để điều hành đất nước Việt Nam, và điều đó theo ông là tốt hơn những nền dân chủ đa nguyên khác.
Cái nhìn về dân chủ của ông khác với blogger Bùi Quang Vơm viết trên trang blog Bà Đầm Xòe. Theo blogger này nền dân chủ thực sự là nền dân chủ đa nguyên và kêu gọi ông Trọng không nên sợ hãi nền dân chủ đó:
Ông sẽ thấy rằng, dân chủ không hề trái với lý tưởng mà có lẽ ông cũng từng cố gắng bằng cách nào đó đem lại cho người dân. Chỉ có điều cái mà ông hình dung có thể mới chỉ là một phần của cái chung theo nhận thức phổ cập.Và Dân chủ sẽ đem lại cho ông vũ khí kiểm soát quyền lực, thông qua độc lập hoá Luật Pháp và độc lập hóa Tư Pháp. Nếu đã có hai đảng tranh quyền, thì đương nhiên các công cụ bạo lực sẽ buộc phải đứng ở trung gian, không thuộc bên nào. Chỉ bắt đầu bằng những việc như vậy, ông sẽ đem lại cái mà ông, nếu đúng như nhiều người hy vọng, từng thực tâm cống hiến.
Có hay không cuộc đấu đá quyền lực?
image-400
TT Nguyễn Tấn Dũng và TBT Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 hôm 25/1/2016. AFP photo
Nhiều người cho rằng đại hội đảng lần thứ 12 này người ta chứng kiến sự đấu đá quyền lực khốc liệt giữa các phe phái, chứ không như các kỳ đại hội trước. Một trong những người nhận thấy điều đó là blogger Song Chi, khi bà viết nhận xét thứ hai của mình về đại hội lần này của đảng cộng sản rằng Một đại hội mà sự chia rẽ đã trở nên vô cùng nghiêm trọng, đấu đá nhau không chút khoan nhượng.
Song blogger nhà báo Đoan Trang, trong bài Chính trị xưa và nay, nói rằng sở dĩ người ta thấy như vậy thì thời đại thông tin mà chúng ta đang sống, chứ việc tranh giành quyền lực thì không hề khác.
Và theo blogger Viết từ Sài gòn thì sự đấu đá quyền lực khốc liệt ấy lần này lại được dàn dựng thành một vở tuồng rất công phu, đến nỗi khán giả, là số đông dân chúng Việt Nam, theo dõi thời sự qua báo chí chính thống, không biết đâu là thật đâu là giả, đâu là sự căm ghét và thù hận đằng sau sân khấu chính trị Việt Nam.
Việc đấu đá tranh giành quyền lực của đảng cộng sản được Nguyễn Quang Dy, viết trên trang Viet-Studies rằng cũng giống như ở Trung Quốc, là một trò chơi cực đoan và bạo liệt, vì họ không từ một thủ đoạn nào để triệt hạ lẫn nhau.
Trang blog Bauxite Việt Nam của các nhà trí thức phản biện ra tuyên bố về cuộc đấu tranh quyền lực của đảng cộng sản:
Điều quan trọng hơn, chúng tôi hoàn toàn chưa nhìn thấy ở cuộc đua của ĐCS một lợi ích tốt đẹp nào sẽ mở ra cho dân cho nước. Cái “nhiều xấu hơn” cũng như cái “ít xấu hơn” – nếu quả có sự khu biệt ấy – dù cái nào thắng thì cũng chẳng có triển vọng đưa đến một xu thế dân chủ, giúp đất nước có cơ thay đổi theo hướng thoát Trung và thoát Cộng, là điều mà mọi người hằng tâm niệm bấy lâu nay.
Mong đợi trong âu lo
Ông Nguyễn Quang Dy phân tích cụ thể những hiểm họa mà Việt Nam đang phải đương đầu trong lúc đảng cộng sản đang tranh giành quyền lực với nhau ở Hà Nội:
Có lẽ lúc này Việt Nam đang trong tình thế hiểm nghèo nhất (từ sau chiến tranh lạnh), đứng trước một “hiểm họa kép” rất khó hóa giải. Đó là hệ quả của suy thoái kinh tế và thể chế (bên trong) đồng thời với đe dọa chủ quyền (bên ngoài). Nhưng dường như lãnh đạo Việt Nam vẫn đang lúng túng và nhầm lẫn trong việc tìm lối thoát. Muốn thoát hiểm, để trở thành một nền kinh tế “rồng bay” tại Đông Á, vấn đề không phải chỉ phụ thuộc vào lựa chọn lãnh đạo nào (ông X hay ông Y), chọn lối đi nào (TPP hay “Giấc mộng Trung Hoa), mà còn tùy thuộc vào hệ quả của cuộc chiến giành quyền lực đang diễn ra tại Hà Nội. Thay đổi lãnh đạo mà không thay đổi tầm nhìn thì vẫn là bi kịch.
Có lẽ lúc này Việt Nam đang trong tình thế hiểm nghèo nhất (từ sau chiến tranh lạnh), đứng trước một “hiểm họa kép” rất khó hóa giải.
- Ông Nguyễn Quang Dy 
Khi nhận thấy sự chia rẽ và tranh đấu trong nội bộ đảng cộng sản như vậy, blogger Kami đề nghị rằng đã đến lúc đảng cộng sản nên phân chia làm hai với các cương lĩnh, đường lối và chính sách khác nhau để làm cơ sở cho người dân quyết định lựa chọn người lãnh đạo đất nước. Chứ không thể để kéo dài tình trạng Đảng CSVN bên ngoài thì nói đoàn kết thống nhất, song bên trong thì đấu đá tơi bời để tranh giành quyền lực như hiện nay. Điều mà đã làm cho dân chúng hết sức chán nản, từ đó uy tín của đảng cũng sẽ xuống thấp đến mức không thể thấp hơn như hiện nay.
Điều chán nản đó của dân chúng được blogger Song Chi cho là nguyên nhân để cho trong những ngày diễn ra đại hội đảng nhiều người đã lên tiếng ủng hộ ông này hay ông kia trong cuộc chiến quyền lực. Song chi cho rằng đám đông đang mong chờ sự thay đổi, sự mong chờ lớn đến mức mà sử ủng hộ ông này ông kia của họ trở nên rất ngây thơ và viễn vông. Bà nói rằng trong sự tuyệt vọng dường như người dân Việt Nam trở nên dễ bị kích động hơn bằng những hành động ủng hộ phe này hay phe kia trong đảng.
Bà kết luận rằng:
Và một điều mà ai cũng biết, nếu chỉ trông mong, hy vọng vào sự thay đổi của đảng và nhà nước cộng sản thì chẳng bao giờ sự thay đổi ấy đến, bởi đối với một đảng cầm quyền đang nắm giữ quyền lực tuyệt đối trong tay hàng chục năm nay tha hồ muốn làm gì thì làm, tại sao họ lại phải nhường bước, chia sẻ quyền lực.
Còn tác giả Trần Quí Cao cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân trong sự suy thoái của đất nước Việt Nam hiện nay chính là sự độc tôn chính trị không muốn chia sẻ quyền lực của đảng cộng sản.

Quan hệ Mỹ-Việt thời hậu Nguyễn Tấn Dũng: Tiến hay lùi?

Trọng Nghĩa 
Theo RFI-Ngày 01 tháng hai năm 2016
Ông Nguyễn Phú Trọng (P) và ông Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội Đảng 12, Hà Nội, ngày 26/01/2016-REUTERS
Đại Hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 đã kết thúc hôm 28/01/2016. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu lại ở chức vụ cũ, trong một giàn lãnh đạo mới bao gồm 19 người là ủy viên Bộ Chính Trị. Một trong những điểm được các nhà quan sát rất chú ý là sự kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ không còn ở trong ê kíp cầm quyền tại Hà Nội. Quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ- và Trung Quốc- sẽ chuyển biến ra sao ?

Sở dĩ câu hỏi được đặt ra là vì theo nhân định của nhiều nhà phân tích, thủ tướng Việt Nam được đánh giá là một người năng nổ trong chủ trương xích lại gần Mỹ, sẵn sàng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, trong lúc tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng thường bị xem là bảo thủ, thậm chí thân Trung Quốc.
Trong bối cảnh chung như kể trên, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc trường Đại Học George Mason, tiểu bang Virginia-Hoa Kỳ, một nhà quan sát kỳ cựu về bang giao Mỹ- Việt, cho rằng với giàn lãnh đạo mới tại Việt Nam, quan hệ song phương Mỹ-Việt vẫn sẽ tiếp tục đà phát triển như đã thấy trong những năm qua.
Sự tăng tiến này sẽ được thấy cả trong lãnh vực kinh tế, với Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP được ký kết chính thức và phê chuẩn, ít ra là từ phía Việt Nam, lẫn trong lãnh vực quốc phòng, chiến lược với các hành vi lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông trong tầm nhắm chung.
« Vì quyền lợi chiến lược, quan hệ Mỹ-Việt sẽ tiếp tục tăng cường »
Nguyễn Mạnh Hùng : «Tôi nghĩ rằng vì quyền lợi chiến lược của Việt Nam, quan hệ Mỹ-Việt sẽ tiếp tục tăng cường cả về phương diện kinh tế lẫn quốc phòng. Về kinh tế thì ông Nguyễn Phú Trọng [Tổng bí thư vừa tái đắc cử của Đảng Cộng Sản Việt Nam], trong chuyến đi thăm Mỹ năm 2015, đã hứa rằng Việt Nam sẽ làm 'đủ mọi cách' để tham gia Hiệp ước TPP - Đối tác Xuyên Thái Bình Dương.
Trong Hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng lần thứ 14 [họp hôm 13/1/2016], ông Trọng đã đưa vấn đề này ra. Trung Ương Đảng nhận xét là có những khó khăn trở ngại, nhưng cũng có cái lợi và họ sẵn sàng chấp nhận. Và đã có « đồng thuận rõ rệt » về việc ký kết và phê chuẩn hiệp ước đó.
Như vậy về mặt kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Mỹ qua hiệp ước TPP.
Về chiến lược, nhân chuyến thăm Mỹ vào năm 2015, trong cuộc nói chuyện với các nhà ngoại giao và nhân viên Đại Sứ Quán Việt Nam tại Mỹ, ông Trọng đã tuyên bố rằng Mỹ là 'địa bàn hoạt động cực kỳ quan trọng' của ngoại giao Việt Nam. Chỉ căn cứ vào hai điều trên thì chúng ta thấy là Việt Nam sẽ tiếp tục [phát triển quan hệ với Mỹ]. Cũng nên nhớ là một trong những nhân vật được đề cử làm chủ tịch nước là ông Trần Đại Quang thì cũng có cuộc viếng thăm Mỹ trước chuyến công du của ông Trọng ».
RFI : Liệu xu thế nghi kỵ Mỹ sẽ có cơ hội vươn lên hay không ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Xu thế, suy nghĩ nghi kỵ Mỹ lúc nào cũng tiềm tàng trong lòng các lãnh đạo Việt Nam, nhưng bảo nó tăng lên thì tôi nghĩ không có, bởi vì tất cả lãnh đạo [chủ chốt] của Việt Nam đều tương đối hiểu Mỹ hơn và đều đã qua thăm Mỹ. Cụ thể là 4 người trong « tứ trụ » của Việt Nam đều đã đi thăm Mỹ trong thời gian qua, và đã tiếp xúc nhiều với phía Mỹ. Tôi không thấy xu thế nghi kỵ Mỹ tăng lên ».
RFI : Có nhà phân tích cho rằng với việc ông Nguyễn Tấn Dũng rút lui, đà xích lại gần Mỹ của Việt Nam có thể chậm lại. Giáo sư nghĩ sao ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Tôi không đồng ý với cách nhìn ấy, như tôi đã nêu hai lý do ở bên trên : vì nhu cầu chiến lược của Việt Nam và sự hiểu biết Mỹ hơn của giới lãnh đạo Việt Nam, họ đều đã đi sang Mỹ thăm dò rồi. Về phương diện kinh tế cũng như chiến lược, đà tăng trưởng [quan hệ] vẫn sẽ tiếp tục ».
« Hợp tác quốc phòng có chiều hướng tăng cường »
RFI : Một cách cụ thể, triển vọng của vấn đề hợp tác quốc phòng có thể ra sao ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Trong chính sách xoay trục của Mỹ qua châu Á, người Mỹ đã nói rõ là họ sẽ tiếp tục tìm cách tăng gia tăng khả năng quốc phòng của các đồng minh và đối tác – Việt Nam nằm trong số các nước đó. Điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ tiếp tục giúp Việt Nam tăng khả năng phòng thủ của mình, theo mức độ mà hai bên có thể đồng ý và cũng tùy thuộc vào sự đóng góp của Việt Nam ».
RFI : Về vấn đề TPP, liệu có thể nẩy sinh những cản lực nào không ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Đầu tiên là chúng ta thấy rằng Hội Nghị Trung Ương 14 có sự đồng thuận là sẽ ký kết và phê chuẩn Hiệp ước TPP. Nhưng ngược lại thì bên Mỹ mới ký kết, mà chưa phê chuẩn. Do vậy, một trong những vấn đề đặt ra là Quốc Hội Mỹ có thể nhanh chóng phê chuẩn Hiệp Ước đó hay không. Đó là một dấu hỏi.
Ngoài ra, vấn đề chính là nếu có trở ngại, thì đó nằm trong vấn đề thi hành. Vấn đề thi hành không thể nói là sẽ hoàn toàn suôn sẻ. Bất đồng về chi tiết là điều khó tránh, nhưng không phải không thể giải quyết được ».
RFI : Bất đồng trên những chi tiết nào ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Về quyền người lao động chẳng hạn. Rồi việc có mở đủ cửa để cho cạnh tranh công bằng giữa những xí nghiệp quốc doanh, tư doanh, và xí nghiệp có đầu tư ngoại quốc..».
RFI : Sẽ có trở ngại đến từ khu vực Nhà nước ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Tôi không nghĩ như vậy, bởi vì trước kia, giàn lãnh đạo cũ cũng thế, cũng bảo vệ doanh nghiệp Nhà nước. Những năm tháng gần đây họ mới tìm cách cải tổ các xí nghiệp quốc doanh, nhưng về sự cải tổ đó thì tôi chưa thấy kết quả nào rõ rệt, các xí nghiệp quốc doanh vẫn tiếp tục chi phối nền kinh tế Việt Nam.
« Chính sách Biển Đông của Mỹ cứng rắn hay không tùy thuộc vào sự góp phần của Việt Nam »
RFI : Trên hồ sơ Biển Đông, Mỹ có tiếp tục tỏ thái độ cứng rắn hay không, và liệu Việt Nam sẽ bớt cứng rắn hơn với Trung Quốc hay không ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Chính sách của Mỹ đã rõ rệt rồi, và cố gắng của họ lên đến mức độ nào lại tùy thuôc vào  đóng góp của các quốc gia Á châu, trong đó có Việt Nam. Tức là nếu các quốc gia Á châu đóng góp một phần nào vào việc phòng thủ chung, thì Mỹ sẽ làm, còn nếu để cho Mỹ hoàn toàn gánh vác, thì họ sẽ không làm. Điều quan trọng là sự tích cực đóng góp như thế nào của các nước Á châu đó.
Còn về phía Việt Nam, thì hành động của họ tùy thuộc vào thái độ và hành động của Trung Quốc. Lãnh đạo của Việt Nam, nhất là ông Trọng, đã bị mang tiếng – có hay không thì không biết, nhưng ít nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ông ấy đã bị mang tiếng là thân Trung Quốc rồi – cho nên các lãnh đạo mới khó có thể chấp nhận mình có hình ảnh nhường nhịn, lệ thuộc Trung Quốc ».
RFI : Về ông Nguyễn Phú Trọng, dư luận Mỹ đánh giá sao ? Có người cho rằng ông đã thay đổi, bớt giáo điều hơn trước. Ý kiến Giáo sư như thế nào ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Ở Mỹ chưa có cuộc điều tra dư luận về ông Trọng, cho nên tôi chưa thể nói được điều đó. Còn theo ý riêng của tôi, thì, vì quá trình học hỏi của ông Trọng – ông ấy đỗ tiến sĩ về bảo vệ chủ thuyết - và vì vị thế chính thức là tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, ông Trọng tự nhiên phải có khuynh hướng giáo điều. Tuy nhiên, khi ông ấy đã tuyên bố rằng chủ nghĩa xã hội không biết bao giờ mới xây xong được, thì ông ấy không phải là người mù quáng ».
RFI : Còn về quan hệ đối với Trung Quốc ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Như tôi đã nói, ông Trọng bị mang tiếng là thân Trung Quốc, nhường nhịn Trung Quốc, sợ sệt Trung Quốc, thì sự mang tiếng đó rất nguy hiểm, làm mất uy tín của ông ấy, mất uy tín của Đảng Cộng Sản. Cho nên, nếu Trung Quốc có hành động gì quá trớn, thì chắc chắn ông ấy phải đối phó, bởi vì không thể nào chấp nhận thêm [tiếng xấu], không thể để hình ảnh phá bằng những hành động nhân nhượng, thần phục Trung Quốc. Đó là chuyện họ không thể chấp nhận được ».
Một cử chỉ « đẹp » của Việt Nam nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh Mỹ-ASEAN ?
RFI : Sự kiện Việt Nam có giàn lãnh đạo mới sẽ có ảnh hưởng gì đến Hội nghị Mỹ ASEAN ở California ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Nó chỉ có tạo ra một tình trạng éo le. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có lãnh đạo của Đảng, mà chưa có lãnh đạo của chính phủ, bởi vì ba người – ông Quang, bà Ngân và ông Phúc – chỉ mới được đề nghị thôi. Quốc hội tháng Năm mới họp, và tháng Bảy mới quyết định.
Tình trạng đó có nghĩa là từ giờ đến lúc ấy không có giàn lãnh đạo mới về chính phủ, thành ra, người đi dự Hội Nghị đó và đại diện cho chính phủ Việt Nam, thí dụ ông thủ tướng chẳng hạn, thì ông ấy không còn quyền lực như trước, quyền lực chính thức thì có, nhưng quyền lực thực tiễn thì không !
Đó là một trường hợp éo le, nhưng đó cũng có thể là một cơ hội để ông Dũng rút ra một cách đẹp, chẳng hạn như là Đảng có một sự dàn xếp nào đó để ông ấy có thể đi sang bên Mỹ này, đưa ra những lời tuyên bố hay có động thái nào đặc biệt để tạo ra một « thành quả » cho Việt Nam... để ông ấy ra đi một cách êm thấm ».
RFI : Như vậy chúng ta hãy chờ xem... Xin thành thật cảm ơn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, trường Đại Học George Mason, Hoa Kỳ.
*
Báo mạng Nhật Bản The Diplomat ngày 23/01/2016, có bài nói về điều được cho là Trung Quốc tìm cách tác động đến kết quả Đại Hội đảng Cộng Sản Việt Nam. Trong bài này, tác giả Shawn W. Crispin nêu bật một số phân tích cho là ông Nguyễn Tấn Dũng là người có xu hướng thiên về quan hệ chặt chẽ với Mỹ, trong lúc ông Nguyễn Phú Trọng thuộc diện bảo thủ hơn, đồng minh với Trung Quốc về mặt ý thức hệ.
Tuy nhiên, nhìn chung các nhà quan sát đều cho rằng không thể nào nói là với việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rời khỏi chính quyền, quan hệ với Mỹ sẽ gặp trở ngại, trong lúc bang giao với Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn.
Hãng tin Mỹ AP ngày 29/01/2016, khi nhận xét về tác động của việc Việt Nam thay đổi một phần lãnh đạo, đã nêu ra một số câu hỏi : « Các cải tổ kinh tế mà thủ tướng Dũng đã thúc đẩy có bị dừng lại không ? Liệu Việt Nam có sẽ lại khấu đầu trước Trung Quốc, quốc gia mà thủ tướng Dũng đã có dấu hiệu kháng lại ? (…) Liệu Việt Nam có sẽ xa lánh Mỹ hay không ? ».
Đối với tất cả câu hỏi trên, hãng AP đều trả lời « không ».
Trong một bài viết về chính trị Việt Nam ngày 29/01/2016, tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review đã ghi nhận thay đổi trong thái độ của ông Nguyễn Phú Trọng đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ, đặc biệt từ sau vụ giàn khoan HD-981 : « Vào năm 2014, ông Dũng đã lên tiếng mạnh mẽ chống hành vi xâm lấn của Trung Quốc tại Biển Đông… Vào lúc ấy, ông Trọng có vẻ như ngần ngại trong việc chỉ trích Bắc Kinh, làm dấy lên quan ngại rằng ông không tin tưởng lắm vào việc xây dựng liên minh với Mỹ (để chống Trung Quốc ở Biển Đông) như một số lãnh đạo khác mong muốn ».
Tuy nhiên sau đó, theo tác giả bài báo, ông Trọng như đã thấy là cần phải xóa bỏ định kiến của ngày càng nhiều người cho rằng ông thân Trung Quốc và ông đã sử dụng chuyến công du Hoa Kỳ để làm điều đó, và đã tuyên bố ngay tại Mỹ rằng Việt Nam rất mong muốn gia nhập khối Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP gồm 12 nước do Mỹ dẫn đầu.
Một số nhà phân tích khác cũng ghi nhận một dấu hiệu cho thấy là về phương diện ngoại giao, chính sách của Việt Nam sẽ không thay đổi. Đó là sự kiện ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã được bầu vào Bộ Chính Trị. Sự hiện diện của người đứng đầu ngành ngoại giao trong cơ chế trên nguyên tắc là bộ phận lãnh đạo cao nhất của Việt Nam có thể là một bảo đảm cho thấy là đường lối đối ngoại của Việt Nam trước mắt sẽ không thay đổi, kể cả trong quan hệ với Mỹ.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng- Đại học George Mason- Hoa Kỳ-01/02/2016http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160201-quan-he-my-viet-thoi-hau-nguyen-tan-dung-tien-hay-lui#

Hà Nội: Cháy lớn tại khu nhà gỗ tập thể Bưu điện

 NGÔ CHUYÊN   9:35 PM, 01/02/2016Nhiều người dân hoảng hốt khi phát hiện vụ việc.
Vụ hỏa hoạn xảy ra vào khoảng 19h30 ngày 1.2 tại khu nhà gỗ tập thể bưu điện (ngõ 105 đường Hồng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo một số người dân, vào khoảng thời gian trên, họ phát hiện khói và lửa bốc lên từ khu nhà gỗ tập thể bưu điện. Ngọn lửa bốc cao khiến nhiều người sống tại đây bỏ chạy toán loạn và thông báo cho cơ quan chức năng.
Nhận được tin báo cháy, lực lượng PCCC đã có mặt tại hiện trường để dập lửa.
Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng PCCC của Hà Nội đã huy động ba xe cứu hỏa tới hiện trường. Công tác chữa cháy khẩn trương được thực hiện. Đến khoảng 20h30 ngọn lửa cơ bản được khống chế. 
 Đồ đạc của người dân được chuyển ra ngoài.
 Nhiều người đã phải tranh thủ bê đồ đạc ra ngoài tránh bị thiêu rụi.
Theo quan sát của PV Lao Động tại hiện trường, khi phát hiện đám cháy nhiều hộ gia đình đã bất chấp nguy hiểm để vận chuyển đồ đạc ra ngoài. Tuy nhiên, một số người dân tại khu vực này nhận được thông tin cháy, khi về nhà thì một số đồ đạc của gia đình đã bị thiêu rụi. Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người. Hiện chưa thống kê được số tài sản bị thiệt hại. Lực lượng công an, cũng như lực lượng PCCC đang phong tỏa hiện trường để tập trung xử lý dứt điểm ngọn lửa. 
Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ.
Theo Lao Động

Bất ngờ, nhưng hiểu được

Tương Lai

 Nhậm vận thịnh suy vô bố uý
 Thịnh suy như lộ thảo đầu phô1
 Quốc sư Vạn Hạnh (1018)
Cuộc chiến quyền lực suốt một thời gian dài kết thúc đầy bất ngờ đã gây sốc cho không ít người, nhưng xem ra không có gì khó hiểu cả. Cái gì đến đã đến theo một hướng đã được tiên lượng về khả năng xấu nhất có thể xảy ra. Và rồi cái khả năng đó đã trở thành hiện thực theo một logic nghiệt ngã của thảm hoạ đã được báo trước. Với một tầm nhìn của một chính khách cỡ lớn, lời cảnh báo của Nguyễn Cơ Thạch dạo nào sau sự kiện Thành Đô, đang phơi bày thật trớ trêu và tàn nhẫn. Nhưng đó là một hiện thực. Một hiện thực cũng nghiệt ngã như logic của hệ luỵ từ một đường lối sai lầm, đặt ý thức hệ xã hội chủ nghĩa lên trên tổ quốc, biến kẻ cướp nước thành đồng chí.
Thế là một kế hoạch hoàn hảo được soạn thảo công phu sau quá trình tầm sư học đạo từ phương xa và những kỳ tập huấn kỹ lưỡng của cán bộ tổ chức theo chương trình ký kết đã được thực thi trọn vẹn. Và rồi những đạo diễn tài ba đã cử người đến nghiệm thu ngay sau khi Đại hội kết thúc trong tiếng ca chào mừng “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”! Ai thắng đây?
Hãy nâng ly rượu đắng.
Gần như suốt cả nhiệm kỳ của ông Trọng, đặc biệt trong hai năm cuối, vấn đề nhân sự chiếm trọn thời gian và tâm huyết của cả một bộ máy tổ chức được thao túng đã hoạt động hết công suất. Từ những cuộc chuyển đổi công tác theo một quy trình đào tạo, thử thách cán bộ theo một quy hoạch đã được toan tính rất có bài bản đến Quyết định 244 bất chấp Điều lệ Đảng là một chuỗi mưu tính và cách thức tiến hành nhằm hướng tới một mục tiêu đã được xác định. Để rồi, “tôi cũng không ngờ được Đại hội tín nhiệm giới thiệu, được Ban chấp hành Trung ương bầu làm Tổng bí thư gần như 100% tuyệt đối” như lời ông Tổng trả lời nhà báo quốc tế. Thậm chí ông còn nói rằng là “dân chủ đến thế là cùngkhông có dân chủ gì hơn nữa… cho nên tại sao Đại hội lần này tôi nói ngay là một đại hội biểu thị tinh thần dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ.” Mà đúng thế thật, “100% là hoàn toàn đúng với phương hướng công tác nhân sựÔng Trọng khẳng định “tôi xin bảo đảm”! Và ông đã đảm bảo thật.
Cái gương nhân sự chiền chiền, Liệu thân này với cơ thiền phải nao?” (Nguyễn Gia Thiều)
Ông Trọng khoái chí nói với các nhà báo “Đại hội vỗ tay nhiều quá, vỗ tay dài quá… không khí rất hân hoan”. Nhưng rồi ông cũng tỏ ra khiêm tốn như dạo nào nói trước cử tri “nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn” mà rằng: “các nhà báo với đôi mắt tinh tường, đôi tai rất thính thì chắc hiểu biết hơn tôi nhiều”. Đúng vậy. Các nhà báo nhìn thấy những điều mà ông cố tình không thấy, nghe được những điều mà tai ông nghễnh ngãng vì tuổi tác không nghe được hay quyết không chịu nghe. Và có lẽ phải khó khăn lắm để họ không bật cười ra tiếng bởi niềm tự đắc ngây ngô của một “chính khách”: “dân chủ đến thế là cùngkhông có dân chủ gì hơn nữa.
Nghe ông nói mà cứ muốn than rằng “Trẻ tạo hoá đành hanh quá đáng. Chết đuối người trên cạn mà chơi”! (Nguyễn Gia Thiều). Các nhà báo không than, nhưng họ cũng không “thấy bất ngờ” như điều ông nói mà ông đã mào đầu rất chi là “thật thà” (?) “nghĩ sao nói vậy”. Vì, họ hiểu được nguyên nhân sâu xa niềm hân hoan bất ngờ “gần như 100% tuyệt đối” của ông. Họ biết rõ càng “tuyệt đối” bao nhiêu thì càng lột trần tính toàn trị của một thể chế phản dân chủ đã đẩy đất nước này lâm vào thế bế tắc, càng đi tới càng tụt hậu xa so với các nước trong khu vực. Chính sự “đảm bảo” của ông về “100% là hoàn toàn đúng với phương hướng công tác nhân sự” đã biến Đại hội Đảng lần thứ XII thành một Đại hội phản dân chủ tồi tệ nhất trong lịch sử của Đảng!
Cái thế lực thao túng bộ máy hoạt động của Đảng do ông đứng đầu đã dẫn dắt Đại hội từ bước chuẩn bị đến triển khai đại hội các cấp rồi đến Đại hội toàn quốc không đúng Điều lệ đảng, dẫn tới sự áp đặt của cấp ủy sắp mãn nhiệm đối với nhân sự của cơ quan lãnh đạo nhiệm kỳ mới bằng những thủ đoạn mà Jonathan Head của BBC News tường thuật từ Hà Nội gọi là “khéo léo áp dụng các quy tắc rối rắm để kiểm soát Đại hội”!
Cái gọi là “gần như 100% tuyệt đối” mà ông hân hoan công bố đã ra đời từ các quy tắc rối rắm đó. Chưa lúc nào mà cái quy luật từng được đúc kết “Quyền lực có xu hướng tha hoá. Quyền lực tuyệt đối thì sự tha hoá cũng tuyệt đối” (Power tends to corrupt, and absolute power corrupts absolutely – Lord Acton) lại bộc lộ một cách trắng trợn đến vậy.
Sẽ có nhiều điều cần phân tích về sự kiện không tiền khoáng hậu này, nhưng có lẽ chỉ nên nói đến một điều cốt lõi của cái “100% gần như tuyệt đối” này. Mà nói đến cái cốt lõi thì chỉ cần một từ “lợi”. Cái chữ lợivừa thật đơn giản vừa rất phức tạp. Xin mượn lại cách diễn đạt trong một bài trước, lấy chữ “LỢI” đó mà “xuyên suốt mọi việc” thì “mọi xem xét đánh giá đều rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay vậy”.
Với người vốn dĩ hay đội cái lốt đạo đức, “không tham quyền lực” thì e rằng phải mượn đến bậc Á thánh của đạo Nho đề cao đạo đức nhân nghĩa và miệt thị chữ “LỢI” để dẫn đến cái điều cốt lõi của cái gọi là “gần như 100% tuyệt đối” mà ông Trọng tự hào. Theo Mạnh Tử “vương diệc viết nhân nghĩa nhi dĩ hĩ hà tất viết lợi”, nhà vua chỉ cần nói đến nhân nghĩa, cần gì phải nói tới lợi. Nhà tư tưởng thời cổ đại lập luận rằng, trên dưới tranh nhau chữ lợi thì nước sẽ nguy. Nguy vì kẻ dưới sẽ vì lợi mà giết bề trên. Nói đến lợi trước mà nghĩa sau thì không đoạt hết của kẻ kia thì mình không vừa lòng, “bất đoạt bất yếm”! Vậy thì làm sao mà “đoạt”? Phải giành cho được quyền thì mới có thể “đoạt” được. Chẳng phải chỉ Mạnh Tử, Hàn Phi cũng từng nói về chữ lợi mà ông cho là “mọi cái cao quý, thiêng liêng đều quy về lợi hết”. Nhưng khác với Mạnh Tử, Hàn Phi “nêu cao uy quyền” (như chính tên gọi của một chương sách của ông) “Hoàng Đế có câu: Người trên kẻ dưới một ngày đánh nhau trăm trận… cho nên người trên nắm lấy quyền cân nhắc để tước bớt quyền lực của kẻ dưới. Bề tôi sở dĩ chưa giết vua là vì bè đảng chưa đủ”.
Nhà xã hội học thế kỷ XIX Max Weber từng đưa ra một đúc kết giúp làm sáng tỏ vấn đề cốt lõi nói trên. Đúc kết đó là: “quyền lực đẻ ra sở hữu”. Nói nôm na là chữ quyền gắn làm một với chữ lợi, như hình với bóng. Với mệnh đề lý luận của Lord Acton vừa dẫn, thì trong tiếng Anh, “corrupt” còn được hiểu với nghĩa là “tham nhũng”. Và thực tiễn đã chứng minh rằng sự tham nhũng quyền lực là sự tham nhũng đáng sợ nhất, nham hiểm nhất và cũng là ghê tởm nhất vì nó là cội nguồn của mọi sự tham nhũng khác. Điều này thì chính người đã từng đảm đương trọng trách “Trưởng ban Tổ chức Trung ương của Đảng Cộng sản” Nguyễn Đức Tâm đã thẳng thừng chỉ ra cách nay 10 năm: “Chạy chức chạy quyền không chỉ ở cơ sở mà trên nữa. Chức thấp tiền ít. Chức càng cao tiền càng lớn. Đã bỏ ra, có chức có quyền rồi thì người ta phải thu về. Mà thu về thì phải có lãi. Càng lãi nhiều càng tốt. Mua quan bán chức, chạy chức chạy quyền là một nguyên nhân làm tha hóa cán bộ2. Hơn nữa, mở rộng quyền lực vô hạn độ là xu hướng mang tính phổ biến. Bằng mọi cách để giữ lấy quyền lực là một đòi hỏi vừa thầm kín vừa trắng trợn bất chấp mọi thủ đoạn. Lừa mị, dối trá, bạo lực, trấn áp đều có thể vận dụng tuỳ lúc, tuỳ nơi hoặc là đồng bộ cùng một thời điểm khi cần thiết.
Đặc biệt là quyền lực trong một thể chế toàn trị phản dân chủ mà nhân dân chỉ còn là vật lót đường với tấm áo khoác mỹ miều “nhà nước của dân, do dân và vì dân” khi cái nhà nước ấy, về thực chất, là công cụ bảo vệ quyền và lợi của một giai cấp mới đã được hình thành, đang củng cố và phát triển theo chiều tăng tốc nhằm “ngoạm một miếng rồi chuồn” như chính Lênin chứ không phải ai khác đã từng cảnh báo cách nay ngót 100 năm.
Xin dẫn ra đây sự lý giải về khái niệm “giai cấp mới” này của Milovan Dijlas, nhà lý luận hàng đầu của Đảng Cộng sản Nam Tư, từng là Phó Tổng thống Liên bang Nam Tư, tác giả của Giai cấp mới, một tác phẩm viết trong tù bí mật gửi ra nước ngoài và được in ở New York năm 1957: “Đảng sinh ra giai cấp. Sau đó giai cấp tự phát triển bằng chính nguồn lực của mình và sử dụng đảng như là cơ sở… Ở đây, muốn trở thành chủ sở hữu hay đồng sở hữu thì cần phải len được vào hàng ngũ của bộ máy quan liêu chính trị”. … “Giai cấp mới giống như một hình kim tự tháp: đáy to, càng lên trên càng hẹp dần. Để đi lên, chỉ ý chí không chưa đủ, còn cần phải hiểu và vận dụng lý luận nữa, cần phải quyết liệt trong cuộc đấu tranh với kẻ thù, phải cực kỳ khôn khéo khi xảy ra các cuộc tranh chấp trong nội bộ đảng, phải nắm được nghệ thuật, thậm chí tài năng trong việc củng cố vị trí cho giai cấp nữa.” Vì thế, “cùng với việc củng cố giai cấp mới, khi bộ mặt của nó càng thể hiện rõ, thì vai trò của đảng cũng ngày càng giảm đi. Hạt nhân và cơ sở của giai cấp mới đã hình thành ở bên trong cũng như trên đỉnh quyền lực của đảng cũng như của bộ máy nhà nước. Cái đảng từng có lúc là một tổ chức sinh động đầy sáng kiến, thì nay, đối với những người cầm đầu của giai cấp mới, đảng đã biến thành một vật trang trí, càng ngày chỉ càng kéo vào hàng ngũ của mình những kẻ hãnh tiến, những kẻ muốn nhập vào hàng ngũ của giai cấp mới và đẩy những người vẫn còn tin vào lý tưởng ra”.3
Có lẽ cũng nên nói thêm rằng trong Ban Chấp hành Trung ương mới và hơn nghìn đại biểu dự Đại hội vẫn còn không ít “những người vẫn còn tin vào lý tưởng” mà họ từng ấp ủ từ buổi họ gia nhập Đảng. Họ hiện chưa bị “đẩy ra” như tác giả của Giai cấp mới viết, cho nên họ cũng phải tham gia vào vở diễn bi hài vừa kết thúc. Màn diễn không chỉ trên sân khấu ở Mỹ Đình, mà trên mặt báo chí, truyền thông lế phải, lề trái với không thiếu những vai tuồng mà nếu với ngòi bút tài ba như Chekhov, thì sẽ cho ra đời những siêu tác phẩm như Con kỳ nhông của văn hào Nga.
Họ tham gia vì chính họ đã và đang gia nhập vào cái giai cấp mới này. Dù muốn dù không, họ là những người đang có quyền lực. Mà vì có quyền lực nên họ đang sở hữu một khối lượng giá trị vật chất tuỳ theo quá trình thực thi quyền lực của họ. Họ cần một sự ổn định cần thiết để bảo vệ quyền và lợi mà họ đang có. Muốn vậy thì cần tránh những xáo động mà họ chưa hình dung được rồi sẽ ra sao. Có thể họ cũng đã lờ mờ nghe câu “Điều duy nhất mà ta phải sợ là chính là nỗi sợ hãicâu của Roosevelt mà bà Aung San Suu Kyi của Myanmar từng nhắc đến như một phương châm hành động dẫn đến một thắng lợi vang dội có sức cổ vũ lớn lao không chỉ ở Miến Điện mà còn ở nhiều nơi khác, đặc biệt là với cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ đẩy tới quá trình dân chủ hoá ở nước ta.
Thế nhưng, đáng buồn thay, với nhiều lý do khác nhau, họ chưa vượt lên được chính mình. Cùng với những thủ đoạn của thế lực thao túng Đảng “khéo léo áp dụng các quy tắc rối rắm để kiểm soát Đại hội” mà nhà bình luận của BBC News đã vạch ra, thì bên cạnh những lý do phức tạp và tế nhị khác chưa tiện nói ra lúc này, những lý giải nói trên là điều cốt lõi dẫn đến kết thúc đầy bất ngờ của cuộc chiến quyền lực đã gây sốc cho không ít người. Bất ngờ nhưng hiểu được. Lịch sử đang chứng kiến một bước trớ trêu, người ta giương cao ngọn cờ vô sản của cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin” để bảo vệ cho một tầng lớp “hữu sản” trong một “giai cấp mới” đang được củng cố và phát triển trên một đất nước mà máu đã chảy thành sông, xương từng chất cao như núi!4.Và càng hiểu ra càng xót xa cho thân phận một nước với gần trăm triệu dân nhưng do sự hèn kém, khiếp nhược của một thế lực cầm quyền thần phục ngoại bang đã biến thành một nước “không chịu phát triển” khi mà vận hội đã mở ra. Càng phẫn uất hơn khi nghĩ về những toan tính trong trò chơi của những nước lớn đang khai thác cái thế yếu của bộ máy lãnh đạo để biến đất nước “không chịu phát triển” này thành một quân cờ trên bàn cờ khu vực và quốc tế.
Bỗng nhớ đến hai câu thơ của một người từng ở trên đỉnh cao trong bộ máy quyền lực nay trở lại với cuộc sống thường nhật của người dân đã thành thật thốt ra:
Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi?
Vâng. Nhưng chúng ta phải nắm lấy vận mệnh của chúng ta chứ không thể là ai khác.
Những gì ta yêu phải cứu thoát ra
 Tự mình ta, tự mình ta, tự mình ta
Câu này tôi đã viết trong Mênh mông thế sự 25 trong một cảm khái bi phẫn nay vẫn muốn nhắc lại để tự động viên mình tiếp tục dấn bước với niềm tin không lay chuyển về xu thế của tiến trình dân chủ hoá tuy bị chậm lại nhưng không sao đảo ngược được. Ý chí khẳng định “tự mình ta” trong lời thơ của Louis Aragon (soi-même) giàu sức biểu đạt với nhiều chiều cạnh cảm xúc, song trong cảm nhận riêng mình, tôi nghĩ nhiều về vận mệnh dân tộc phải do chính dân tộc mình quyết định. Không thể bị động mong chờ vào bất cứ một ai. Càng không thể tự biến mình thành một quân cờ trong tay người khác. Tự do không là sản phẩm ban phát mà là phải đủ sức giành lấy. Không tự lực tự cường thì không có được bạn đồng minh tin cậy. Càng không thể liên minh nếu mình không đủ ý chí và thực lực mặc dầu liên minh là để tăng thêm sức mạnh giữ nước. Chính trên cái nền đó mà phát huy sức mạnh của mỗi con người tự khẳng định trách nhiệm công dân của chính mình.
Thế lực cầm quyền nào muốn không tự cáo chung một cách vội vã thì cũng phải miễn cưỡng tuân theo quy luật lịch sử, cố tìm giải pháp thuận lòng dân cho dù là lừa mị và đã từng phải tìm cứu cánh từ bên ngoài để đoạt quyền. Thuận lòng dân lúc này không thể gì khác là phải đổi mới chính trị để cơ cấu lại nền kinh tế theo một luật chơi mới với TPP vừa ký kết. Luật chơi mới ấy đòi hỏi phải thực thi những quyết sách và giải pháp của tiến trình dân chủ hoá cho dù vừa làm vừa run khi đất nước đã lâm vào “thế đất lở” như Lê Quý Đôn từng nói đến (đã dẫn ra trong Mênh mông thế sự 26 và 27).
Vả chăng, tuy đã nằm trong giai cấp mới, như Milovan Dijlas phân tích, phải “cực kỳ khôn khéo khi xảy ra các cuộc tranh chấp trong nội bộ đảng, phải nắm được nghệ thuật, thậm chí tài năng” để giấu kín tư tưởng, bọc kỹ chính kiến mà tồn tại nhằm giữ được quyền và lợi, nhưng không ít người trong họ cũng chưa hoàn toàn nguội lạnh tình yêu đất nước. Bất cận nhân tình vơ đũa cả nắm không hề là một cách nhìn thích hợp đối với những ai muốn làm điều tốt đẹp cho đất nước cho dù lời khuyến cáo của Martin Luther King “điều làm tôi kinh hãi, không phải là sự đàn áp của kẻ ác, mà là sự thờ ơ của kẻ thiện” vẫn đủ sức thức tỉnh lương tâm và gọi dậy lương năng lương tri của ai đó. Hơn nữa, cũng chính từ điểm quy chiếu về điều cốt lõi của quyền và lợi thì một bộ phận không nhỏ những người thức thời trong “giai cấp mới” đó không phải là không hiểu ra rằng khó có thể giữ được quyền và lợi của chính họ trong nỗi tủi nhục của thân phận một nước chư hầu.
Thì chẳng phải thế lực quân phiệt cầm quyền Myanmar đã cho thấy điều đó khi trên thực tế đất nước họ đã từng rơi vào địa vị chư hầu của Trung Quốc để sớm tìm lối thoát đó sao? Chẳng thế mà The Economistngày 30.1.2016 đưa ra nhận định “ban lãnh đạo mới của Việt Nam có thể sẽ làm chậm lại tiến trình tự do hóa kinh tế, nhưng sẽ không đảo ngược tiến trình này, cũng như cũng không đẩy lùi quan hệ với MỹHội nghị cuối cùng Ban Chấp Hành Trung Ương khóa cũ cũng đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP”. Tờ tuần báo Anh này cho rằng “những người kế nhiệm có thể sẽ là các nhà kỹ trị được đào tạo ở phương Tây. Họ hiểu rằng sự tồn vong của Đảng là dựa trên việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như dựa trên việc thuyết phục giới trẻ Việt Nam rằng Đảng bảo vệ quyền lợi của họ”. Thuyết phục không thể bằng tiếp tục dối trá và lừa mị mà phải bằng những hành động cụ thể và thiết thực nhằm triển khai những quyết sách và những giải pháp. Và cũng nên nhớ rằng, thế giới đã biến đổi quá nhiều đến mức những công thức để thành công trong ngày hôm nay hầu như chắc chắn sẽ là những công thức để thất bại trong ngày mai!
Những ai định làm tội đồ của lịch sử cần hiểu rằng, khi dòng sông chảy xiết, đặc biệt là vào những khúc quanh, bèo bọt rác rưởi nổi lên trên mặt, nhưng tốc độ tuỳ thuộc vào sức cuộn chảy từ bên dưới, càng sâu bao nhiêu càng ít ồn ào bấy nhiêu, nhưng đó mới địch thực là sức mạnh không gì ngăn cản nổi. Cái gì cần phải đến tất sẽ đến.
1.2.16
T. L.
Tác giả gửi BVN.
__________________
(1) Ngẫm và hiểu hiểu cái lý của thịnh suy lòng không sợ hãi. Vì thịnh suy nối tiếp nhau như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ.
(2) Báo Pháp luật TPHCM ngày 16.4.2006.
(3) Tương Lai, “Cảm nhận và Suy tư. 2015.
(4) Tương Lai, “Chân lý là cụ thể. 2000.” 30.1.2016