Wednesday, February 10, 2016

Ngày càng nhiều người tự ứng cử Quốc hội

Theo BBC-10 tháng 2 2016 

Image copyrightAFP
Image captionBầu cử Quốc hội mới sẽ diễn ra ngày 23/5
Nhiều công dân Việt Nam công bố sẽ tự ứng cử vào vị trí đại biểu Quốc hội, ngay sau khi Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói ông sẽ ra tranh cử Quốc hội khóa 14.
Luật sư Phạm Quốc Bình thuộc Đoàn luật sư Hà Nội là một trong những người đầu tiên trong giới luật sư nêu ý‎ kiến cân nhắc xem ông có tham gia tranh cử lần này hay không.
Trả lời BBC, ông Bình nói ông vẫn “chưa có quyết định cuối cùng”.
Nhưng ông Bình cũng cho biết, việc có các luật sư, người ngoài Đảng, người dân tham gia tự ứng cử là “quá trình tiến tới nền dân chủ thực sự”.
Theo ông Bình, các đoàn luật sư có thể cũng sẽ ủng hộ một số luật sư muốn tham gia tự ứng cử.
Ông Bình nhận định khi hành nghề, luật sư nhận thấy quá trình xây dựng pháp luật của các cơ quan thuộc Quốc hội hoặc chính phủ “không ổn”.
“Nhiều luật không đi vào cuộc sống, nhiều dự án luật cần thiết phải xây dựng để phù hợp với sự phát triển xã hội thì chưa được quan tâm nhiều. Do đó chúng tôi mong muốn nhiều luật sư được tham gia làm đại biểu quốc hội. Họ có thể tham gia làm công tác luật chuyên trách. Họ cũng được đào tạo bài bản, có quá trình hành nghề luật có thực tiễn cao. Khi họ tham gia diễn đàn Quốc hội, họ có thể đóng góp xây dựng văn bản luật thực tế hơn.” – Ông Bình giải thích nguyên nhân ông ủng hộ các luật sư ứng cử.

"Còn nhiều vấn đề"

Trả lời BBC Tiếng Việt từ Hà Nội, luật sư Lê Văn Luân nói lý do ông tự ứng cử là vì ông “mong muốn góp công sức vào một xã hội dân chủ và văn minh hơn, và theo lời của Tổng bí thư, là "dân chủ đến thế là cùng", hi vọng là mọi công dân VN đều có quyền và nghĩa vụ đóng góp sự phát triển đó của đất nước”.
Ngay trong ngày 10/2, luật sư Luân đã có một bài diễn thuyết tên “Tôi có mặt ở đây” như một trong những tuyên bố đầu tiên ông sẽ tham gia tranh cử.
Ông Luân viết: “Tôi đến đây, để nói về công việc của các vị, để giải quyết nó, nếu tôi được bầu, vì lúc đó tôi tin rằng mình đã đủ thẩm quyền thiết thực, hợp pháp và hành động đúng như tôi đã luôn nghĩ đến khi đứng ở đây. Vì có các vị mới có tôi ở vị trí đó để làm việc, và đại diện cho chính quý vị.”
Image copyrightFacebook Le Van Luan
Image captionLuật sư Lê Văn Luân (áo xanh) là một trong những người tham gia tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14
Tuy nhiên, những người tự ứng cử sẽ phải làm việc “rất gấp” vì đến tháng 5/2016 đã bước vào kỳ bầu cử mà thời gian nộp hồ sơ có thể kéo dài đến 70 ngày.
Luật sư Lê Văn Luân nói cho dù ông thất bại thì cũng là “thành công về mặt chứng minh thực tiễn” và có thể “chứng minh về cơ hội của những người ngoài Đảng khi tham gia ứng cử, và một cuộc bầu cử minh bạch còn nhiều vấn đề.”
Trước đó, ông Nguyễn Quang A - người đầu tiên tuyên bố ra tranh cử - cũng nói với BBC: “Tôi không đặt việc trúng cử, hay vào sâu các vòng sau là mục tiêu chính. Tôi muốn dấy lên một phong trào để người dân học hỏi, các cơ quan nhà nước cũng phải học hỏi, từ đó tác động thay đổi nhận thức một cách từ từ.”
Trên mạng xã hội tại Việt Nam, đã có một trang tên “Vận động ứng cử đại biểu Quốc hội 2016” liên tục cập nhật danh sách những gương mặt tự ứng cử. Hiện nay đã có tám người tuyên bố mình sẽ ra tranh cử, gồm Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông Nguyễn Tường Thụy, bà Nguyễn Thúy Hạnh, bà Đặng Bích Phượng, ông Hoàng Cường, ông Nguyễn Đình Hà, ông Phạm Văn Thành, ông Lê Văn Luân.

Chọn lãnh đạo theo 'minh triết' Việt Nam

Theo BBC-6 giờ trước 


Image copyrightReuters
Image captionNhiều tân ủy viên khóa mới đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị ĐCSVN phân công công tác mới ngay trước Tết Bính Thân.

Bổ nhiệm lãnh đạo của đảng và nhà nước phải tìm người có 'tài thao lược', theo tinh thần 'minh triết' Việt Nam, tuy nhiên trước hết Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải giải quyết vấn đề bỏ ngỏ về 'tính chính danh', theo một nhà phản biện từ Hà Nội.
Mới đây, ngay trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Bộ Chính trị do Tổng Bí thư tái đắc cử Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, đã phân công bổ nhiệm vị trí công tác mới cho một loạt các tân ủy viên BCT, trong đó có các ông Đinh La Thăng làm Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Hoàng Trung Hải làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Võ Văn Thưởng làm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng v.v...
Trao đổi với BBC nhân dịp này, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam nêu quan điểm về việc phân công, phân bổ các nhân sự lãnh đạo mới của đảng nói chung:


"Tôi thấy như thế này, không phải là họ không có ưu điểm gì, không có giá trị gì, họ có những ưu điểm, họ có những năng lực đấy của cá nhân, nhưng tài thao lược thì không có...
"Bởi vì người ta nhìn thấy mấy chục năm họ đã làm gì cho nền kinh tế Việt Nam để ngày càng tụt hậu xa, đến mức là giá trị lao động, đến mức là năng suất lao động còn thua kém xa những nước mà ngày xưa là mình hơn họ? Thì đã thấy điều đó rồi, chứ cần gì phải nói thêm".

'Kê minh thập sách'

Đề cập một kinh nghiệm về chọn người tài trong lịch sử dân tộc và gọi đây là 'minh triết Việt Nam', nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nói:
"Ngày xưa, bà Nguyễn Thị Bích Châu, là một bà phi của Vua Trần Duệ Tông, mà bây giờ trở thành một Thánh mẫu ở Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh)..., bà để lại một áng văn 'Kê minh thập sách', tức là mười chính sách viết để dâng lên Triều Đình lúc gà gáy sáng.
"Chỉ riêng về vấn đề này, bà khẳng định: 'chọn Tướng, cốt người thao lược'... thì đấy là minh triết của Việt Nam. Thế nhưng mà ai theo cái này, ai theo minh triết Việt...?
Về vấn đề 'tính chính danh' của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong lúc đề cập xu hướng quan hệ của Việt Nam với các cường quốc khu vực và quốc tế như Trung Quốc, Hoa Kỳ v.v... ra sao, ông Nguyễn Khắc Mai nói:
"Chúng ta sẽ có quan hệ với tất cả các dân tộc trên thế giới, nhưng người ta cũng đánh giá rằng quan hệ ấy không đến nơi, đến chốn, có hiến định mà không có luật định, chẳng qua họ nể mặt dân tộc Việt Nam thôi, rồi họ đành phải chấp nhận.
"Nhưng tôi cho rằng phải khẳng định hiến định và luật định của những nhân vật cầm quyền, lãnh đạo hiện nay. Bây giờ ai cho phép anh tự nhiên nhảy... lên và lãnh đạo một thành phố với tư cách là bí thư thành ủy, ai cho phép?


"Chẳng có luật nào cho phép hết, chỉ có những chỉ thị, những văn bản của Đảng thôi, mà như thế quản trị một đất nước văn minh, văn hóa như thế, thì làm thế nào được?
"Dân trí bây giờ khác trước rồi, phải sửa đổi đi, phải nhanh chóng sửa đổi, còn nếu không, người dân người ta sẽ không chấp nhận tư cách của anh, dù anh là gì," ông Nguyễn Khắc Mai nói với BBC.

Phúc của dân tộc

Cũng về một khía cạnh chính sách quan yếu khác không kém gì so với vấn đề nhân sự, mới đây, một chuyên gia kinh tế người Việt Nam từ CHLB Đức cũng chia sẻ với BBC và góp ý với nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam nên thay đổi chính sách và sách lược, đặc biệt liên quan cụm từ "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Gọi việc thay đổi chính sách ấy, nếu được chấp nhận, là một niềm 'hạnh phúc của dân tộc', kinh tế gia Tôn Thất Thông nêu quan điểm:
"Định hướng xã hội chủ nghĩa nó hoàn toàn mâu thuẫn với việc phát triển kinh tế thị trường... Tất nhiên bây giờ phải từ bỏ chủ trương là thành phân kinh tế nhà nước trở thành chủ đạo, nếu không thì kinh tế tư nhân sẽ không thể ngóc đầu lên nổi.
"Mà kinh tế nhà nước áp đảo như vậy chúng ta đều thấy rồi, tất cả các nước trên thế giới đều bị phá sản bởi chính sách đó, thế thì nếu chúng ta vẫn tiếp tục đi theo như thế... và tất nhiên chúng ta không thể đòi hỏi là đảng cộng sản phải tuyên bố từ bỏ chuyện đó, nhưng mà không nên thực hiện nó. Chúng ta (Việt Nam) bây giờ cứ im lặng với nhau và chấp nhận với nhau như thế, thế là hai bên đều vui vẻ."
Và kinh tế gia nói này thêm:
"Nếu chúng ta âm thầm với nhau đồng ý để từ bỏ điều đó thì tôi gọi đó là một hành phúc lớn của dân tộc, nếu đằng sau Đảng Cộng sản chịu chấp nhận chuyện từ bỏ nó, chúng ta không đòi hỏi phải tuyên bố, nhưng mà sẽ chấp nhận.
"Bởi vậy cho nên những nhà chính sách, nhà lập chính sách kinh tế nếu dựa vào chuyện phát triển kinh tế thị trường, thì cứ phát triển kinh tế thị trường, quên đi cái vế gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa, thì như vậy đấy đã là hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam rồi," chuyên gia kinh tế Tôn Thất Thông từ CHLB Đức nói với BBC.

Tết này, ông Tập buồn lắm

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tết Bính Thân đến rồi. Ở Việt Nam, Đại hội XII đã qua, không gây nên chút phấn chấn nào, vì vẫn như các đại hội cũ, chuyên tụng niệm những kinh kệ cũ rích, hết Mác- Lênin đến tư tưởng Hồ Chí Minh đã mốc meo, chủ nghĩa xã hội viển vông, rồi chủ nghĩa cộng sản bị gần như toàn thế giới vứt bỏ.
Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị mới của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) lại đang bị mê hoặc bởi thắng lợi phù du của đại hội, đã quên không nhìn sang Trung Quốc để gửi gấp lời chia buồn của đàn em cho minh chủ họ Tập, vì họ Tập sang năm Bính Thân thật xúi quẩy, gặp toàn chuyện đau buồn, làm cho chỗ dựa của đàn em không khỏi bị lung lay.
Hồng Kông và Đài Loan có vẻ như đang hội nhập trở về với quê Mẹ là lục địa, bỗng nhiên dở chứng quay lưng với Bắc Kinh. Ở Hồng Kông, theo tin Tai Xin (ngày 3/2) tuần qua đã diễn ra cuộc biểu tình của hàng chục ngàn người, chủ yếu là trí thức, văn nghệ sỹ, sinh viên, học sinh, nhà kinh doanh, phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bắt cóc 5 nhà báo và nhà xuất bản đưa về lục địa mà chính quyền địa phương không hề hay biết, trong số này có ông Quế Dân Hải, công dân Thụy Điển, Giám đốc Công ty Xuất bản Mighty Current. Cả 5 ông không biết bị tội gì, hiện ở đâu từ hai ba tháng nay. Bỗng ngày 17/10 vừa qua ông Quế Dân Hải xuất hiện trên đài truyền hình Trung Quốc với nội dung là ‘’đầu thú nhà nước vì đã phạm tội xuất bản sách cấm, sách phản cách mạng’’.
Dư luận Hồng Kông rất phẫn uất vì Bắc Kinh đã giở trò luật rừng một cách vô đạo, bắt cóc công dân Hồng Kông đưa lén về lục địa, qua mắt chính quyền địa phương và trung ương ở Hồng Kông, ngang nhiên vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận “một nước, hai chế độ’’. Hàng chục ngàn người đã lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh phải công khai ngay những vụ bắt cóc này, trả ngay về Hồng Kông những người nói trên. Báo chí Hồng Kông ngày 3/2 đưa tin nhà văn gốc Trung Quốc Xi Nuo từ New York cho biết rằng công ty Xuất bản Mighty Current có cơ sở ở New York chuyên xuất bản một số sách rất nhạy cảm với chính quyền cộng sản ở Hoa Lục. Hiện cuốn sách có tít là Tập Cận Bình và tình nhân đã in xong, còn cuốn Phe phái Tập Cận Bình, cuốn Lửa cháy sau sân nhà Tập Cận Bình, và cuốn Tám tình yêu của Tổng bí thư chưa in. Nhà văn Xi Nuo cho biết mỗi năm nhà uất bản này cho ra chừng 50 cuốn sách chính trị và văn học nói về các chế độ cộng sản xưa và nay, theo quyền tự do ngôn luận được luật pháp bảo vệ ở Hoa Kỳ, Hồng Kông, và Đài Loan. Một cuốn sách bán chạy nhất, tác giả có thể nhận được 35 ngàn US$ nhuận bút. Sách bán rất chạy do dân lục địa tìm mua.
Tập Cận Bình tức giận lắm. Đó là lẽ đương nhiên. Ông ta muốn tự cho mình là nhà lãnh đạo vĩ đại nhất, trong sạch, chống tham nhũng triệt để, có đạo đức mẫu mực. Nhưng mặc cho ông Tổng Tập nổi cơn lôi đình, nền dân chủ và quyền tự do xuất bản ở Hồng Kông và Đài Loan là bất khả xâm phạm. Mùa xuân này rồi sẽ có thêm những cuốn sách làm cho ông Tập phát điên lên, nhưng không thể nào dập tắt nổi.
Họa vô đơn chí. Tết này, tình hình Đài Loan còn tệ hại cho ông Tập gấp trăm lần chuyện sách ở Hồng Kông vừa kể. Tay chân của Bắc Kinh ở Đài Loan là Quốc Dân Đảng đã thất bại nặng nề trong cuộc tổng tuyển cử bầu tổng thống, phó tổng thống và quốc hội ngày 16/1. Ông Mạc Anh Cửu,môt người thân Trung Quốc, bị mất chức Chủ tịch Quốc Dân Đảng. Liên danh Tổng thống và Phó Tổng thống Thái Anh Văn – Trần Kiến Nhân của Đảng Dân Tiến bỏ xa liên danh của Quốc Dân đảng với tỷ tệ 56 % và 31 % , chiếm 63 trong số 113 ghế của quốc hội. Quốc Dân đảng chỉ còn có 35 ghế.
Đây là thất bại to lớn bất ngờ của Tập Cận Bình, kẻ đã phác ra kế hoạch đến năm 2020 Trung Hoa lục địa và Đài Loan sẽ có mối quan hệ khăng khít, xích lại gần nhau về mọi mặt trên con đường hòa nhập dân tộc, để đến năm 2049 – kỷ niệm tròn một thế kỷ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/10/1949- 1/10/2049), cả nước sẽ thống nhất trọn vẹn. Đây là giấc mộng vàng quan trọng nhất của Tập Cận Bình.
Sau cuộc bầu cử vừa qua, năm Bính Thân mở đầu thật u ám, với tương lai mờ mịt, khi khủng hoảng kinh tế, tài chính – chứng khoán lên đến tột đỉnh, chỉ trong một năm dự trữ ngoại tệ mất đứt hơn 1300 tỷ US$, các giấc mộng Vành đai và con đường Tơ lụa gặp nhiều trở ngại khó vượt qua. Trung Quốc đang thất thế về mọi mặt, bị ngăn chặn cả phía Đông lẫn phía Tây. Gần như an ủi duy nhất là giữ được đàn em VN ở phương Nam trong vòng kiềm tỏa của minh.
Tết Bính Dần này, nhân dân ta cảm thấy buồn nản vô hạn khi lãnh đạo cộng sản mù quáng không nhìn ra cái thế chiến lược đi xuống thê thảm và rõ rệt của Bắc Kinh để tự tách mình ra khỏi vòng lệ thuộc thảm hại, dứt khoát Thoát Trung do họ thực hiện quá quắt chính sách bành trướng tệ hại.
Bộ Chính trị đảng CSVN lại để mất thêm một thời cơ để chuyển hướng, gắn bó chặt chẽ với thế giới dân chủ văn minh giàu mạnh, đang là nhân tố quyết định của hòa bình, an ninh, phát triển và phồn vinh trên toàn thế giới.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Trung Quốc tăng cường phi đạn, máy bay chiến đấu ra Biển Đông

Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc bay ngang bầu trời đảo Hải Nam.
Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc bay ngang bầu trời đảo Hải Nam.
VOA-10.02.2016
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đồng loạt đưa tin Bắc Kinh sẽ đưa thêm phi đạn và máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa sau vụ tàu khu trục Mỹ thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực hồi cuối tháng rồi.
Sau khi phái tàu chiến USS Lassen áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Trường Sa hồi tháng 10, Mỹ hôm 30/1 tiếp tục cho tàu khu trục USS Curtis Wilbur đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa, khiến Trung Quốc tức giận.
Khác với những lời chỉ trích gay gắt lần trước, Trung Quốc lần này phản ứng có phần ‘nhẹ giọng’ hơn.
Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc đang chứng tỏ những chỉ dấu cho thấy sẽ đẩy mạnh kế hoạch gầy dựng quân sự ở Biển Đông.
Tờ Hoàn cầu Thời báo mới đây đăng bài viết của đại tá Lương Phương thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi khẩn trương triển khai quân sự trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa càng sớm càng tốt bằng cách xây dựng các cảng nước sâu và các đường băng.
Một bài viết khác trên báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc gần đây tiết lộ các kế hoạch điều phi cơ tác chiến luân phiên ra Biển Đông cùng với các phi đạn chống tàu và phi đạn phòng không tối tân.
Bài báo còn trích dẫn lời Tư lệnh hải quân Trung Quốc, Ngô Thắng Lợi, cho hay số lượng các phương tiện quốc phòng được triển khai hoàn toàn được quyết định bởi mức độ đe dọa mà Bắc Kinh đối mặt ở Biển Đông.
Theo Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, các hình ảnh ghi nhận cho thấy Trung Quốc rõ ràng quân sự hóa Đá Chữ Thập ở Trường Sa. Đô đốc Harry Harris còn cảnh báo rằng tới năm 2020, Trung Quốc có thể sẽ kiểm soát Biển Đông trước mọi lực lượng quân sự ngoài đó ngoại trừ lực lượng Hoa Kỳ.
Các hoạt động ráo riết của Trung Quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa khiến các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông quan ngại và tăng cường đầu tư cho khả năng quốc phòng, trong đó có Việt Nam, đối tác của Mỹ, và Philippines, một đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ.
Theo TruNews, Atimes, Freebeacon

Nga bắt giữ 200 người VN lao động bất hợp pháp ở Moscow

RFA 2016-02-10  
canh-sat-nga-622
 Cảnh sát Nga mở chiến dịch càn quét các khu chợ ở Moscow, nơi hàng ngàn người bị bắt vì nghi ngờ nhập cư trái phép hôm 30 tháng 7 năm 2013. Ảnh minh họa.
Cảnh sát Nga phát hiện 10 xưởng may lậu ở vùng Orekhovo-Zuyevo ngoại ô Moscow và đã bắt giữ 200 người Việt đang lao động bất hợp pháp. Tin sáng nay cho biết nhà chức trách địa phương đã khởi tố vụ án hình sự về tội danh tổ chức nhập cư bất hợp pháp.
Bản tin của VnExpress không cho biết sự việc xảy ra khi nào nhưng mô tả đây là một chiến dịch hỗn hợp nhiều lực lượng tham gia. Theo đó trang web của Sở Nội vụ Moscow cho hay, chiến dịch đột kích các cơ sở trên do Cục Điều tra Bộ Nội vụ Nga, phối hợp với cơ quan an ninh liên bang FSB, cơ quan quản lý di trú, Cục Cảnh sát về phòng chống tội [phạm kinh tế, đội đặc nhiệm Omon và cảnh sát địa phương tiến hành.

Người dân Sài Gòn và Hà Nội trông đợi gì ở những bí thư mới?

Việt Hà, phóng viên RFA 2016-02-10  
000_Hkg4858040-622.jpg
Bí thư Hà Nội mới, cựu Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, là người gốc Trung Quốc, ảnh minh họa chụp trước đây tại Hà Nội. AFP
Vào ngày 4 tháng 2 vừa qua, chỉ vài ngày trước Tết nguyên đán, Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn PHú Trọng đã ký quyết định bổ nhiệm hai tân bí thư cho hai thành phố lớn nhất cả nước là Sài Gòn và Hà Nội. Hai vị tân bí thư đều là những người đã từng có thời gian dài phục vụ trong chính phủ và giờ đây nhận lãnh trách nhiệm về đảng ở 2 thành phố hai đầu đất nước. Người dân ở hai thành phố này kỳ vọng gì ở hai vị bí thư thành ủy mới?

Người Sài Gòn bất ngờ

Vào những ngày cuối năm, người dân Sài Gòn hơi bất ngờ khi nhận được tin Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam đã bổ nhiệm ông Đinh La Thăng, nguyên Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải về làm Bí thư thành ủy. Một sự ngạc nhiên có nguyên nhân sâu sa từ lịch sử của thành phố này từ lâu chỉ có người gốc Sài Gòn làm Bí thư thành ủy.
Tác giả Nguyễn Văn Bình trong một bài viết đăng trên trang Ba Sàm hôm 6 tháng 2 viết rằng ‘quá bất ngờ khi thấy Đinh La Thăng bỗng dưng được bổ nhiệm làm bí thư thành phố Hồ Chí Minh. Sài Gòn là đầu tàu kinh tế của cả nước, lại mang đậm sắc thái văn hóa mở và hào phóng của người miền Nam, nên đối với tôi việc bổ nhiệm một người gốc bắc lạ hoắc với dân Sài Gòn như Đinh La Thăng làm bí thư thành phố Hồ Chí Minh là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng của Đảng cộng sản Việt Nam, vào thời buổi kinh tế và xã hội ngày càng mở và càng liên kết như hiện nay’.
Trường hợp đưa ông Thăng về làm Bí thư ở Sài Gòn là một phương án mới tinh và làm cho nhiều người ngạc nhiên. Người ta không ngạc nhiên về khả năng của ông Đinh La Thăng vì khả năng của ông đã được chứng minh ở Bộ giao thông vận tải.
-Phạm Chí Dũng
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng thuộc hội nhà báo độc lập, một cư dân Sài Gòn, mặc dù việc ông Đinh La Thăng được bổ nhiệm làm bí thư thành ủy gây ngạc nhiên cho nhiều người nhưng lại được đánh giá cao.
“Trường hợp đưa ông Thăng về làm Bí thư ở Sài Gòn là một phương án mới tinh và làm cho nhiều người ngạc nhiên. Người ta không ngạc nhiên về khả năng của ông Đinh La Thăng vì khả năng của ông đã được chứng minh ở Bộ giao thông vận tải. Trong giàn bộ trưởng của ông Nguyễn Tấn Dũng thì ông Đinh La Thăng là một trong số hiếm hoi bộ trưởng có việc làm hiệu quả và cũng là một trong những người làm được công tác tổ chức ngay trong bộ mình còn đa số các bộ trưởng khác là đều không dám cách chức ai cả. Cho nên việc ông Đinh La Thăng vào Sài Gòn thì có thể là một tay kiếm để có thể trảm một số tiêu cực trong công tác tổ chức điều hành các sở ban ngành ở Sài Gòn.”
Ông Đinh La Thăng đã từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải từ đầu năm 2011 đến đầu tháng 2 năm nay, ngay trước khi ông được bổ nhiệm chức vụ mới. Khi còn là Bộ trưởng, ông Thăng đã gây sự chú ý của báo chí và người dân với những tuyên bố được cho là mạnh mẽ ví dụ như ‘ Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội’. Để chứng minh cho lời nói của mình, ông đã gây bão trên báo chí ngay thời gian đầu nhậm chức Bộ trưởng khi quyết định thay ngay tổng chỉ huy công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng vào tháng 10 năm 2011 do chậm tiến độ. Tân ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng hồi đầu tháng này, trước khi nhậm chức Bí thư Sài Gòn cũng ra quyết định cách chức Tổng giám đốc công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội vì mua toa xe đã qua sử dụng của Trung Quốc.
000_Hkg5486545-400.jpg
Bí thư thành ủy TPHCM, ông Đinh La Thăng, nguyên Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải, ảnh minh họa chụp trước đây tại Hà Nội. AFP PHOTO.
Nhà báo PHạm Chí Dũng đánh giá việc đưa ông Đinh La Thăng vào Sài Gòn là một thâm ý từ Hà Nội muốn giảm tình trạng cát cứ địa phương ở Sài Gòn, nơi đã có một Bí Thư thành ủy là người Sài Gòn suốt 15 năm qua là ông Lê Thanh Hải, người đã tạo được nhiều dấu ấn phát triển cho Sài Gòn trong suốt hơn 10 năm qua. Theo ông đây cũng là một thách thức lớn nhất mà ông Đinh La Thăng phải đối mặt:
“Vấn đề địa phương chủ nghĩa tồn tại khắp Việt Nam nhưng mà ở Sài Gòn thì nó đã tồn tại suốt triều đại của ông Lê Thanh Hải kéo dài đến 15 năm. Đi tới đâu người ta bảo cũng thấy bong dáng của ông Lê Thanh hải, hay bong dáng của tập đoàn ông Lê Thanh hải. Đó là một thách thức lớn nhất của ông Đinh La Thăng, vì một người vừa làm chủ tịch vừa làm bí thư ở Sài Gòn suốt 15 năm thì đương nhiên đội ngũ nhân sự của người đó dải khắp các sở ngành, ban và tất nhiên là trong các thành ủy viên. Nên việc ông Thăng bước đầu vào đây có một mình mà nếu ông không biết trở thành một nhà làm chính trị, làm tổ chức trước khi làm kỹ trị thì có lẽ là ông ấy sẽ thất bại."

Bí thư Hà Nội muốn được lòng dân?

Khác với vị Bí thư mới Sài Gòn gây được chú ý trong dư luận với nhiều nhận định trái ngược nhau, Bí thư Hà Nội mới, cựu Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, người được bổ nhiệm cùng ngày với ông Đinh La Thăng, dường như không nhận được những bình luận tích cực cho lắm. Điều này xuất phát từ những bài viết trên các trang mạng lề trái từ lâu nay cho rằng ông Hoàng Trung Hải là người gốc Trung Quốc, nước láng giềng đang có tranh chấp về lãnh hải gay gắt với Việt Nam ở biển Đông.
Blogger Nguyễn Lân Thắng, một người Hà Nội, nhận định về vị tân Bí thư Hà Nội như sau:
Nếu có kỳ vọng gì về ông ấy thì tôi e là không vì ông Hoàng Trung Hải có làm gì thì ông vẫn là đảng viên cộng sản và chịu sự chi phối từ trung ương… Tất cả những việc ông làm cho Hà Nội thì tôi không kỳ vọng gì nhiều.
-Blogger Nguyễn Lân Thắng
“Sự kiện một ông bí thư mới của Hà Nội là ông Hoàng Trung Hải là người có những dấu ấn nhất định trên truyền thông trước đây và các tỳ vết về nguồn gốc của ông ấy. Có nhiều bài viết về quá trình làm việc của ông ấy cho nên thực sự là nếu có kỳ vọng gì về ông ấy thì tôi e là không vì ông Hoàng Trung Hải có làm gì thì ông vẫn là đảng viên cộng sản và chịu sự chi phối từ trung ương… Tất cả những việc ông làm cho Hà Nội thì tôi không kỳ vọng gì nhiều.”
Ông Hoàng Trung Hải, nguyên Phó Thủ tướng chính phủ phụ trách kinh tế bị các trang báo mạng lề trái lên án đã phá hoại ngành khai khoáng Việt Nam khi cho phép người Trung Quốc vào khai thác tài nguyên ồ ạt. Ông bị tố cáo có bố là người Trung Quốc. Trong khi đó làn sóng bài Trung Quốc tại Việt Nam đã lên rất cao trong những năm gần đây do những tranh chấp giữa hai nước ngoài biển Đông, điển hình là những vụ biểu tình rầm rộ tại Sài Gòn và Hà Nội của người dân phản đối Trung Quốc trong các năm qua. Đặc biệt nhất là vụ biểu tình phản đối Trung Quốc của khoảng 20 ngàn công nhân ở các khu công nghiệp ở miền Nam và miền Trung vào hè năm 2014 sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan tại vùng biển tranh chấp giữa hai nước.
Những thông tin cáo buộc ông Hoàng Trung Hải chưa bao giờ được báo chí chính thống hay bản thân vị cựu Phó Thủ tướng đính chính.
Theo blogger Nguyễn Lân Thắng, ngoài ra vị tân Bí thư Hà Nội cũng sẽ phải đối mặt với một loạt các thách thức của Hà Nội như nạn ô nhiễm môi trường, tình trạng người dân khiếu kiện đất đai tập trung về Hà Nội ngày một nhiều tại các cơ quan trung ương đóng tại Hà Nội.
Ngay bản thân ông Hải trong bài phát biểu vào hôm 5 tháng 2 cũng thừa nhận rằng Hà Nội là vị trí trung tâm chính trị quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, là động lực phát triển của đồng bằng sông Hồng và của cả nước nên ông ý thức được những đòi hỏi và nhiệm vụ hết sức nặng nề đặt ra cho cá nhân ông. Nhưng ông cũng hứa sẽ quyết tâm thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa thủ đô.
Và như để cho dân chúng Hà Nội thấy quyết tâm của mình, vào ngày 30 tết vào lúc giao thông Hà Nội thường hay bị nghẽn do người sắm tết cuối năm, ông Hoàng Trung Hải đã xuống đường để giúp cảnh sát giao thông phân luồng giao thông. Theo blogger Nguyễn Lân Thắng thì việc làm này chỉ mang tính khuếch trương hình ảnh của vị tân bí thư chứ không thực chất, tụy vậy điều này cho thấy vị tân Bí Thư cũng muốn được lòng dân chúng thủ đô.

"Bà Hỏa" viếng cơ sở gia công, sản xuất loa

(NLĐO) – Hỏa hoạn đã thiêu rụi hàng trăm mét vuông cùng nhiều đồ đạc, trang thiết bị… bên trong cơ sở chuyên gia công, sản xuất loa ở huyện Bình Chánh, TP HCM.
Vụ việc xảy ra khoảng 14 giờ ngày 10-2 (mùng 3 Tết) tại cơ sở chuyên gia công, sản xuất loa Nguyễn Hoàng Sang trên đường Nguyễn Cửu Phú, xã Tân Kiênhuyện Bình Chánh.

Hiện trường vụ cháy cơ sở gia công, sản xuất loa ở TP HCM
Hiện trường vụ cháy cơ sở gia công, sản xuất loa ở TP HCM
Vào thời điểm trên, một số người dân đang ngồi trong nhà bỗng phát hiện ngọn lửa bùng cháy dữ dội tại kho sản xuất của cơ sở Nguyễn Hoàng Sang. Mọi người nhanh chóng dùng bình chữa cháy, vật dụng tại chỗ đến dập lửa nhưng đành bất lực.
Nhận được tin báo, lực lượng PCCC huyện Bình Chánh đã điều động xe chữa cháy chuyên dụng, cùng 40 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường triển khai công tác dập lửa. Đến gần 1 giờ sau, ngọn lửa mới được dập tắt hoàn toàn.

"Bà Hỏa" viếng cơ sở gia công, sản xuất loa


Đến chiều mùng 3 Tết ngọn lửa mới được dập tắt hoàn toàn
Đến chiều mùng 3 Tết ngọn lửa mới được dập tắt hoàn toàn
Tại hiện trường, hàng trăm mét vuông nhà xưởng cùng nhiều đồ đạc, vật dụng, máy móc… bị lửa thiêu rụi hoàn toàn.
10/02/2016 19:59
Tin - ảnh: Sỹ Hưng

Gần 2.000 ca nhập viện vì đánh nhau trong ba ngày Tết

HUY HÀ - Thứ Tư, ngày 10/2/2016 - 11:47
(PLO)- Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về công tác khám chữa bệnh, trong ba ngày Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 (từ ngày 29 đến ngày mùng 2 Tết) có gần 2.000 ca nhập viện cấp cứu do đánh nhau, 10 trường hợp đã tử vong.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực, thực hiện khám cấp cứu cho 84.523 trường hợp, nhập viện điều trị nội trú hơn 52.000 trường hợp, chuyển viện 4.518 trường hợp, thực hiện 6.423 ca phẫu thuật, đỡ đẻ/mổ đẻ, đón thêm 8.485 trẻ chào đời.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm bệnh nhân tại bệnh viện Việt Đức. 
Tổng số khám cấp cứu do tai nạn giao thông là 17.278 trường hợp (tăng 113% so với Tết Ất Mùi), trong đó 1.928 trường hợp chấn thương sọ não (chiếm 11,2%), đã phẫu thuật cho 182 trường hợp chấn thương sọ não.
Tổng số tử vong do tai nạn giao thông kể cả trước viện và tiên lượng tử vong xin về là 88 trường hợp.
Có 98 trường hợp nhập viện do pháo nổ, không có trường hợp tử vong, số nhập viện tăng gấp đôi so với Tết Ất Mùi. Cao nhất là Quảng Ngãi, với 17 trường hợp nhập viện, trong đó 15 trường hợp nhập viện do sự cố pháo hoa tại quảng trường thành phố, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tổ chức cấp cứu kịp thời. Có 31 trường hợp nhập viện do chất nổ, song không có ca tử vong.
Tổng số ca khám, cấp cứu do đánh nhau là 1.971 trường hợp (giảm 83% so với 3 ngày Tết Ất Mùi). Tuy nhiên có 10 trường hợp tử vong do đánh nhau, con số này trong 3 ngày Tết Ất Mùi là 4 trường hợp.
Tổng số ca cấp cứu do ngộ độc thức ăn chủ yếu là rối loạn tiêu hoá, ngộ độc (say) rượu là 1.971 trường hợp.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chỉ thị yêu cầu các BV trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các Bộ, ngành đảm bảo công tác thường trực khám chữa bệnh, cấp cứu, không để người bệnh đến bệnh viện không có người khám chữa bệnh.
Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác. Đặc biệt chú ý nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, giao tiếp, ứng xử ân cần, hoà nhã.
HUY HÀ